Chương 5: Những Lời Khó Hiểu

Hàm răng trên cắn lấy môi dưới, Phong nhìn dán lên mảnh giấy đến hơn một phút, đôi mày chau lại một cách giận dữ, trước bộ mặt khoan khoái của Mai Trung. Anh bỗng cười gằn lên một tiếng dị kỳ ngoảnh lại gọi Văn Bình:

- Văn Bình! Văn Bình! Kìa Văn Bình!

Sự ngạc nhiên khiến Bình chậm đáp:

- Anh Bình, anh lại đây!

Mắt Phong sáng quắc, tay anh nắm lại, run như chiếc lá đầu gió. Anh có vẻ căm tức không thể nín được, anh nhắc lại tiếng gọi lúc nãy, giọng nghẹn ngào:

- Anh Văn Bình!

- Thì tôi đây mà.

- Anh đến đây! Bình cầm tay tôi đây, nhìn thẳng vào mặt tôi, nhìn kĩ, anh nghe chưa!

- Nghe...

- Rồi anh bảo thực cho tôi biết, anh nghe chưa?

- Ừ, bảo gì?

- Tôi vẫn bình tĩnh như thường phải không?

- Kìa, thế nghĩa là thế nào?

- Nghĩa là tôi không điên chứ?

Thái độ của Lê Phong không ai hiểu được.

Anh cũng không để ý đến ai hết, cứ nắm chặt lấy Bình, nghiến răng hỏi:

- Thế nào? Tôi không điên chứ? Anh nói đi, tôi có điên không?

Bình khó chịu hết sức, nhưng cũng đáp:

- Nhưng mà... anh...

Phong dữ tợi gắt:

- Nhưng mà làm sao? Tôi có điên không? Tôi thì tôi bảo anh rằng người Thổ không giết người, không giết Đường... Nhưng người Thổ cứ giết. Người Thổ để lại các tang chứng tôi không thể cãi thế nào được! Không những thế tất cả sự thông minh trên thế giới này, chung đúc ở trong một người tôi tin và tôi phục là ông Kỳ Phương đây, cũng nhận rằng tên Thổ là thủ phạm, chính tên Thổ kỳ quái ấy là thủ phạm! Mà nhận một cách rất có lý... Còn tôi thì không thấy thế hay chưa thấy thế. Vậy anh phải nói cho tôi biết ngay tôi điên hay không điên. Tôi điên không? Nói đi!

Giọng anh run lên, và tiếng nói như quát!

Bình không thể nào nhịn được. Anh vừa tức vừa ngượng, cũng gắt lại:

- Thế thì anh điên rồi còn gì?

Bỗng Phong dịu hẳn mặt xuống cười, và cười một cách vui vẻ hiền lành:

- Hì! Không! Lê Phong chẳng điên đâu: mà cũng chẳng ai điên hết. Ông Mai Trung không nên chế giễu vội, vì ông Kỳ Phương chắc đã hiểu ý nghĩ của tôi... hiểu chóng hơn ông Mai Trung nhiều, và ông Phương chắc cũng nhận với tôi ngay lúc này rằng đây là vụ án mạng bí hiểm vô cùng, chứ không phải giản dị đến thế... Phải, trong vụ này tên Thổ là một vai hết sức trọng yếu, hết sức bí mật, cần phải bắt hắn cho bằng được, có phải không?

Phong không để ai trả lời:

- Bắt được hắn tức là tìm được sự bí mật, tức là thấy hắn ghê gớm hay ngu ngốc, quỷ quyệt hay hiền từ... Phải tên Thổ dị kỳ tên là Nông An Tăng, ngụ ở nhà số 143 bis phố Duvillier, theo bức thư của người chết gửi cho tôi. Tên Thổ văn minh, táo gan, hèn nhát, vô lý, đủ mọi điều bí mật; tên Thổ ấy, các ông nên biết rằng trước đây nửa giờ đã gặp tôi, và suýt nữa hại cả tôi và Văn Bình... Đây, tên ký của nó đây! Nó "ký tên" hai lần lên cái quai hàm của anh Văn Bình để tháo thân, và để thú tội luôn thể... Lại ký tên cả lên mảnh danh thiếp này nữa. Nét chữ của nó đây, và có lẽ những nét chữ ấy các ông đã thấy ở chiếc danh thiếp trước mặt Đường.

Kỳ Phương và Mai Trung cùng hỏi:

- Chiếc danh thiếp nào?

- Chiếc danh thiếp có những chữ bí mật...

- Nhưng... ở đâu?

- Kìa, tôi tưởng các ông xem rồi và cất đi! Các ông không thấy chiếc danh thiếp nào ở trên quyển sách kia ư? Thế ra chưa ai nói đến chiếc danh thiếp sao...

Kỳ Phương đứng phắt dậy. Ông ta đến cúi xuống tìm chỗ Lê Phong trỏ, rồi ngạc nhiên hỏi mọi người:

- Sao lại có chuyện chiếc danh thiếp? Ông Huy, ông Thạc! Các ông có trông thấy sao?

Huy và Thạc cùng nhìn nhau. Hai anh từ chỗ ngồi cùng chạy lại xem và cùng hết sức lo sợ, Thạc nói:

- Có, có tấm danh thiếp thực... Nhưng bây giờ đâu rồi?

- Sao lúc nãy ông không bảo tôi?

- Chúng tôi chắc thế nào lúc khám xét ông trông thấy cũng hỏi đến, vì chúng tôi không ngờ rằng...

- Ông không ngờ rằng mất? Thế này thì kì dị thật. Các ông chắc có trông thấy có tấm danh thiếp thực chứ?

- Vâng.

- Nhưng ai trông thấy? Cả ông Thạc, ông Huy...

- Vâng, và cả ông Văn Bình...

- Ở đâu?

- Trên cuốn sách này.

Bấy giờ Huy mới đem việc thấy tấm danh thiếp thuật lại rành mạch.

Cảnh tượng trong nhà vụt đổi khác hẳn đi vì sự kinh dị của mọi người. Họ tìm tòi một lát không thấy gì, cũng không hiểu làm thế nào mà tấm danh thiếp kia có thể mất được. Việc xảy ra có một tính cách kỳ quặc đem thêm sự bí mật vào vụ án mạng này. Kỳ Phương đăm đăm trông cái xác trơ trơ ngồi đó, ngẫm nghĩ một lát rồi quay lại hỏi Văn Bình:

- Trong mấy người chúng ta ở đây, có lẽ ông Văn Bình là người... là người "ngoại cuộc" nhất, nghĩa là ít liên can đến vụ án mạng này nhất, vậy ông ít bối rối hơn. Ở nhà này, ông cụ Lương, ông Huy, ông Thạc, và thằng nhỏ... mấy người này tôi đều hỏi cặn kẽ, nhưng không một ai đả động đến cái danh thiếp mà ông Lê Phong nói vừa rồi. Có lẽ trong lúc băn khoăn, trong lúc bị đèn nén vì cái không khí thảm đạm trong nhà này và giữa lúc đêm hôm này, họ đã quên cái danh thiếp lạ lùng kia đi, và cũng không có thì giờ để ý đến cái việc lạ lùng hơn: là cái danh thiếp ấy tự nhiên biến mất... Chỉ có ông Văn Bình có thể trả lời câu hỏi này của tôi: Ai trông thấy chiếc danh thiếp ấy trước nhất?

Bình đáp:

- Anh Thạc.

- Ông Thạc lúc trông thấy cái danh thiếp liền bảo các ông, các ông mới biết có phải không?

- Vâng, và anh Thạc cũng lấy làm lạ như chúng tôi.

- Trên danh thiếp có những chữ gì?

Một lát im lặng, Bình nhìn Thạc, và Thạc nhìn Huy.

- Các ông không nhớ sao?

Bình lắc đầu:

- Không nhớ rõ. Đại khái có những chữ như X. I. E. A. G. X.

Huy chữa lại:

- Không! X. A. E. X. I. G.

Thạc:

- Tôi thì tôi nhớ là X. A. X. E. I. G

Mai Trung phàn nàn:

- Giá các ông biên ngay lấy có hơn không?

- Chúng tôi có ngờ đâu sẽ mất...

- Phải, ai ngờ là mất...

Phương hỏi:

- Sau khi đi trình sở liêm phóng, có ai lên đây không?

Ông cụ trả lời:

- Bẩm không.

- Mà cửa sổ kia vẫn mở?

- Vâng.

- Một người ở ngoài có thể trèo qua cửa sổ vào mà dưới nhà không biết được không?

- Có thể được, nhưng chúng tôi tưởng ai còn dám vào đây lúc ấy?

- Sao không? Vào giết người còn được nữa là? Mà lúc vào cũng nhanh nhẹn yên lặng như lúc ra... Cụ nhớ kỹ rằng sau tiếng hỏi của người lạ mặt - của người Thổ - thì cửa dưới nhà khóa lại rồi đấy chứ?

- Vâng, chìa khóa tôi giữ gần ở mình. Lúc các cậu ấy đi xem chiếu bóng về, tôi phải lần mãi mới mở khóa được.

- Nhà có cổng sau? Và cổng sau vẫn khóa?

- Vâng.

- Cái cửa có thể lên gác do lối đóng cổng sau vẫn cài then trong chứ?

- Vâng, lại có gióng đóng ngang. Người ở trong mở ra cũng khó...

Một câu hỏi yên lặng lại hiện lên trong trí mọi người. Từ Kỳ Phương đến Thạc, Huy, ai cũng có vẻ trầm ngâm. Duy có Lê Phong là mỉm cười đứng ở một phía và nhìn ra một cách ngạo nghễ.

Giữa lúc ấy dưới đường có tiếng xe hơi ngừng lại rồi những câu hỏi, nói xì xào đưa lên. Phong bước lại trước mặt Mai Trung:

- Xin phép ông thanh tra cho chúng tôi chụp mấy bức ảnh cho Thời Thế. Vì chúng tôi đến đây chỉ có việc ấy thôi.

Rồi anh chạy xuống thang, gọi mấy người phóng viên cũng vừa bước tới. Anh dặn:

- Bảo Văn Bình phỏng vấn ngay ông Kỳ Phương sau cuộc thẩm vấn. Các anh thì chụp lấy rõ mọi vật trên bàn học cùng với các xác chết trước khi họ cho đưa vào nhà thương. Phải nhanh tay lên, vò có lẽ họ không cần đợi đốc-tờ đến... Rồi về nhà báo làm việc ngay đi. Ô-tô tôi lấy bây giờ, đi có việc khẩn cấp.

Để bọn phóng viên lên gác, Phong liền rút cuốn sổ tay biên vội mấy câu rồi lẳng lặng đi xem xét mọi việc nơi dưới nhà, từ cái cửa ngang, cái gióng trong cho đến lối xuống bếp. Luồng ánh sáng ở chiếc đèn bấm soi vào các nơi một cách vô ích vì Phong không tìm thấy được sự lạ gì. Nhưng anh cũng có vẻ bằng lòng, vừa se sẽ huýt sáo miệng vừa nhảy từng ba bực để lên cầu thang.

Tới bực trên cùng, Phong đứng lại đợi cho Văn Bình thuật xong câu chuyện gặp tên Thổ ở phố Huế nửa giờ về trước cho mọi người nghge. Anh đằng hắng một tiếng rồi đủng đỉnh bước vào, nói như người tuyên bố:

- Các việc bí mật tôi xin cam đoan đến đúng ba giờ chiều ngày thứ bảy 17 tháng 8 tây sẽ khám phá ra hết.

Mai Trung cười nhạt:

- Xin phục tài ông Lê Phong, nhưng chúng tôi cũng xin nói để ông nhớ rằng ba phần tư việc bí mật ông Kỳ Phương đây đã khám phá được rồi.

Phong nhã nhặn gật đầu:

- Vâng, nhưng ba phần tư chưa phải là bốn phần tư; ông Kỳ Phương biết được có một người Thổ trong vụ này; ông Kỳ Phương có nhiều chứng cứ để bảo người Thổ là thủ phạm; ông Kỳ Phương cũng như tất cả chúng ta đây, biết là tên Thổ có đủ các mưu chước kì dị và có lẽ người ăn cắp cái danh thiếp chính là tên Thổ cũng nên... Vâng, tôi xin công nhận rằng người bạn của ông Mai Trung quả là một tài trí siêu việt và chính nhờ ông mà tôi tỉnh ngộ được sau một điều lầm lỗi rất to... Nhưng bây giờ tôi chuộc lỗi cũng chưa muộn. Vậy tôi xin cam đoan đến bảy hôm nữa, và ba giờ chiều ngày thứ bảy 17 tháng này sẽ bắt được chính hung thủ. Bây giờ tôi xin phép lui về cái địa vị làm báo và viết bài cho báo của chúng tôi.

Rồi anh bước vào bắt tay mọi người, lễ phép chào ông cụ chủ; nhìn cái xác của Đường một cách bình tĩnh, hỏi nhỏ Huy mấy câu thân mật, đòi Thạc thuốc lá mà Thạc mượn của Phong lúc ngồi trong nhà chiếu bóng, lại mượn bao diêm của Kỳ Phương châm hút; bằng ấy cử chỉ tự nhiên dễ dàng và vui vẻ như ở một nơi không xảy ra một việc gì lạ lùng.

Phong coi đồng hồ tay, mỉm cười:

- Ba giờ sáng rồi, ba giờ sáng ngày thứ bảy 10 tháng 8 tây... tôi phải nhớ kĩ lấy cái lúc quan trọng này vì tôi vừa mới hứa với ông Mai Trung và ông Kỳ Phương rằng đến một buổi kia tôi sẽ bắt được thủ phạm.

Đó là một câu thách thức, một lời khiêu khích mà tất nhiên Mai Trung không bỏ qua.

Mai Trung cũng nói:

- Còn ông Kỳ Phương với tôi thì không cam đoan, chúng tôi quyết bắt được hung thủ ngay chậm lắm là...

Ông ta còn đương nghĩ xem nên ra cho mình một thời hạn bao lâu, thì Kỳ Phương thản nhiên đỡ lời:

- Chậm lắm là đến... thứ năm, nghĩa là trước ông Lê Phong hai ngày...

Phong xịu mặt xuống một cách khôi hài, làm bộ phàn nàn:

- Nếu vậy thì tôi lại phải cố sức nhiều quá nhỉ. Năm ngày nữa? Chóng quá, nhưng tôi cũng xin cố theo kịp, và đây là giấy cam đoan của tôi.

Phong xé một tờ giấy ở cuốn sổ tay đưa cho Kỳ Phương rồi xuống ngay. Anh chạy ra đường, lên xe hơi, giơ tay chào người mật thám đứng gác dưới nhà rồi mở máy:

Trên gác, Kỳ Phương và Mai Trung đọc mảnh giấy "cam đoan" của Phong:

"X. A. E. X. I. G... là những cái mà chúng ta học từ lúc còn học A, B, C... bởi thế dễ hiểu lắm. Vậy xin mời hai ông Kỳ Phương và Mai Trung đến đúng ba giờ ngày THỨ HAI quá bộ lại tệ xá nghe Lê Phong phân giải về những chữ này... Và luôn thể bắt hung thủ ở đó. Lê Phong kính mời."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: