anh muốn nghe giọng của em

Hai lăm, với cái độ tuổi chẳng thể nói trẻ cũng chẳng phải già. Đây có lẽ là lúc cuộc đời ta cảm thấy chênh vênh nhất, chúng ta thường nhớ về kỉ niệm của những năm tháng thanh thuần vô lo vô ưu. Hay là ngẫm nghĩ về những dự định tương lai phía trước của bản thân. Dù đó có là gì đi nữa thì mọi thứ vẫn hết sức mơ hồ.

Tôi cũng như thế, ở cái độ tuổi lưng chừng nửa năm mươi ấy có quá nhiều biến cố ập đến cuộc đời tôi. Tôi không thể than trách, vì than nó cũng chẳng thay đổi được điều gì, nó còn làm tâm trí tôi có phần chơ vơ thêm ảm đạm. Cứ tựa như là cơn mưa rào ùa qua thật khẽ, tôi chẳng biết mình có nên tránh hay không.

Tôi thích ngắm nhìn mọi thứ, từng màu sắc đang hiện hữu hòa lẫn hài hòa. Những đồi núi cao chót vót khiến cái sự yêu thích mạo hiểm trong tôi thêm bừng sáng. Từng giọt sương nhẹ tênh lăn dài trên phiến lá mỏng tan, hay đóa nhài tinh khiết e ấp khoe sắc nở rộ giữa trời hè tháng năm. Tôi yêu mọi thứ, tôi muốn lưu giữ chúng thật lâu và trọn vẹn như thuở ban đầu gặp gỡ. Nhưng bản thân tôi vẫn biết rằng đâu gì là vĩnh hằng. Tôi sợ núi sẽ mòn, sông sẽ cạn, hoa sẽ phai và trí nhớ tôi cũng chỉ như một cỗ máy được vận hành có thời hạn. Lưu giữ chúng bằng những tấm ảnh nhỏ đủ nhét vào túi áo hay quần, tuy tôi có thể mang những miền kí ức tươi đẹp đó đi khắp mọi nẻo ngã cùng với mình nhưng nó làm tôi nảy lên một cảm giác không thật trong tâm trí.

Tôi không thích chụp ảnh, vì màu sắc khi lên hình sẽ không chuẩn. Nhạt phai, đậm hơn. Dù là gì thì tôi cũng không thích thế. Tôi muốn mọi màu sắc được bảo đảm tuyệt đối. Và trong tiềm thức vô hình, tôi chẳng rõ tự khi nào bản thân đã miệt mài đuổi theo con đường hội họa. Kim Gyuvin tôi đã trở thành một họa sĩ trẻ mãi mê đuổi theo bóng hình của thiên nhiên thơ mộng. Không tiếng tâm, không ai biết đến, cũng chẳng ai đánh giá cao tác phẩm của tôi, tôi cũng chỉ thích phác cảnh. Tôi thích tự tay mình họa những điều tôi yêu vào tranh, khiến ngày xuân sống dậy trong đêm đông giá rét, khiến ngọn gió thổi mát cái trưa hạ oi ả bức bối.

Nguồn sống của tôi dường như chỉ có thế. Một vài gam màu nhỏ nhoi, cái kệ đỡ tranh bằng gỗ màu nâu trầm hay trang giấy ngà ngà mang trong mình cái hương man mát trong xanh. Đồng hành cùng tôi suốt hành trình thơm mùi nắng là chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhắn. Chỉ có thế thôi, tôi chẳng mang gì nhiều mỗi lần phiêu lưu đâu đấy. Vì thiên nhiên sẽ mang mọi thứ đến cho tôi, từ khung cảnh hữu tình khiến cho tâm trí tôi thơ dại, hay nguồn cảm hứng dâng trào như cơn sóng lớn bủa vây.

Tôi thích hội họa, nhưng bố tôi thì không như thế. Ông muốn tôi nối gót con đường mà ông đã trải sẵn thảm thật êm. Dẫu cho tôi đã tỏ ý với ông rất nhiều lần rằng tôi không có khiếu lãnh đạo như một lời bao biện thể hiện rõ sự chán chường, thì ông vẫn muốn tôi ngồi trên chiếc ghế ấy. Vì mãi nghe ông càm ràm ba cái chuyện công ty khiến tôi phát bực, tôi đã vô ý hứa hẹn với ông vài ba câu qua loa cho xong chuyện. Ông nói nếu trong vòng hai năm mà con đường tôi chọn không có tiến triển tốt, tôi phải nghe theo lời ông. Tôi cũng gật đầu đồng ý lấy lệ rồi chạy biếng mất tâm một năm trời ròng rã. Trong vòng ba trăm sáu mươi lăm ngày ấy tôi chưa từng gặp mặt ông hay chủ động liên lạc. Cứ như tôi đã tan thành bọt biển dưới đại dương xanh thẫm vì tình yêu mù quáng với bản màu đa sắc vậy.

Vốn dĩ khi dấn thân vào con đường này tôi cũng chẳng cầu mong gì đâu, vì tôi thích nên tôi làm thế thôi. Tôi không hề có mục tiêu cụ thể hay việc biến mình phải trở thành một họa sĩ như thế nào cả. Nhưng khi nghe bố nói vài điều, tôi mới ngẩn ra mà suy nghĩ đôi chút.

Căn bản là tôi có thể sống thoải mái đến bây giờ vẫn nhờ một phần vào chu cấp của bố mẹ. Tiền tôi tự tay kiếm được từ việc vẽ tranh không nhiều, nhưng tôi vẫn chẳng thấy nó có chút vấn đề nào cả. Vì tôi không kẹt tiền, tôi vẫn luôn chẳng hề đoái hoài đến việc mình phải cố gắng để những bức tranh của mình có thể trưng bày ở viện bảo tàn nghệ thuật nhầm lấy danh hay nâng giá thành của chúng lên một con số có nhiều số không ở đằng sau. Tôi chưa từng lâm vào cảnh thiếu thốn nên không cần cố gắng vươn lên, tóm lại là tôi không có chí cầu tiến và cũng chẳng cần phải có.

Tôi thoải mải mang hành trang vi vu nơi đây nơi đó là vì luôn có bố mẹ phía sau hậu thuẫn. Nhưng rồi bỗng chốc bố nói sẽ không còn chu cấp cho tôi nữa, tôi vẫn thấy ổn vì tự nhận định những bức tranh của mình không tồi. Tôi tin bản thân mình có thể phất lên được. Nhưng nếu mọi việc suông sẻ như tôi nghĩ thì đâu còn gì là đời. Lần đầu tiên sau hai mươi mấy năm tiêu xài thả ga, cà thẻ không cần nhìn số dư, tôi mới hiểu được mùi đời nó không béo bỡ ngon lành gì cho cam.

Đa phần tiền của tôi đều đổ vào mua họa cụ phục vụ cho cái đam mê cháy bỏng, tôi bắt đầu sống kẹt sỉ hơn và thay đổi mọi khoản chi tiêu hạ xuống con số thấp nhất trong khả năng cho phép. Giờ đây tôi mới thấm thía cái câu con chim không chết vị bị cầm tù, nó chết vì tự do ấy là như thế nào. Tôi đã dọn ra khỏi căn nhà rộng lớn với đầy đủ tiện nghi mình thuê lúc trước và dọn đến một chỗ nhỏ hơn vì bản thân không còn đủ tài chính để chi trả. Cái không gian chật chọi nhưng lại đầy hơi ấm khiến tôi không quá khó khăn để thích nghi. Nói đi thì cũng phải nói lại, tôi vẫn thích có một căn nhà lớn. Vì lúc trước rất ít khi tôi có mặt ở nhà, một phần do tính chất công việc đặc thù nên tôi mới đắn đo đành thuê tạm một căn cho có chỗ sống chứ không mua hẳn. Đúng là lúc trước tôi giàu thật, thì cũng đừng vội vã nhắm mắt nhắm mũi xếp tôi chung loại với bọn ăn không ngồi rồi tiêu xài hoang phí, nên tôi mới đưa ra quyết định đó. Tôi mà biết có cảnh mình sống chật vật như thế này thì đã mua đứt căn nhà kia cho xong. Giờ thì chịu thôi, tôi không có dư tiền. Khốn cùng thật.

Quyết tâm trong tôi cũng từ lúc đó bùng phát, ngọn lửa trong tôi kiên quyết cháy phừng mà tôi nghĩ là chẳng gì dập nổi. Tôi vẽ nhiều tranh hơn với đa dạng khung cảnh, từng đường cọ được tôi tỉ mỉ chăm chút chứ chẳng còn vẽ bằng khí thế thoải mãi như hồi đó. Có lẽ vì tôi quá cố chấp đặt tất thảy niềm hy vọng vào việc được ai đó công nhận. Một nỗi ám ảnh không tên bám riết lấy tâm trí khiến cho hệ điều hành của bản thân bị tê liệt. Từng đường nét ấy, tôi đặt lên giấy dường như không còn là của chính mình. Nó không còn mềm mại mà trở nên cứng ngắt vô hồn. Giống như tôi vậy, tôi khao khát một lời ngợi ca đến lụi tàn, mất đi cả nửa linh hồn non dại.

Với sự thụt lùi thấy rõ, tôi còn nhận ra thì huống chi là những nhà yêu tranh như sinh mệnh. Tranh của tôi cứ liên tục bị ngó lơ, nặng hơn là cả là những lời chê trách. Họ từ chối những đứa con tinh thần của tôi vô số lần mà chẳng khác nào một lẽ thường tình, tựa như việc con cá phải bơi, còn chú chim phải bay và hót. Tôi thì là con người nên tôi phải cố.

Nhưng cứ nếm mùi thất bại mãi đâm ra tôi có chút nản chí, không vẽ nữa thì tôi kiếm tiền bằng cách nào. Với cái toi cao ngất ngưởng, lại ngại khi phải chìa tay xin sự giúp đỡ của bố, nên tôi cứ yên đó chịu trận giữa lòng thịnh nộ của bản thân. Chứ thật ra tôi tuyệt vọng đến cùng cực mất rồi, tôi không thể tiếp tục vẽ trong cái tình trạng căng thẳng kéo dài.

Khi nằm trên mớ tài sản kết xù, hội họa là đam mê của tôi. Hội họa thì vẫn là hội họa, tôi thì không còn là tôi khi không một xu dính túi. Cọ vẽ với tôi giờ đây chỉ là công cụ kiếm sống. Nếu thế thì thà tôi cứ nghe theo sự sắp đặt của bố ăn sung mặc sướng cho nó nhẹ người, lúc đấy tôi vẫn có thể vẽ một cách thoải mái và xem nó như đam mê thầm kín chôn sâu tận đáy lòng, một bí mật chẳng ai hay biết.

Não bộ của tôi đang gào thét như thế đấy, nhưng con tim đang đập từng nhịp thật khẽ bơm máu cho mọi cơ quan trong cơ thể lại đang bạo động dữ dội phản bác ý kiến nông nỗi. Nếu cứ bỏ cuộc dễ dàng như thế, tôi bắt đầu để làm gì? Tôi không muốn phải hoài công vô ích, tôi muốn tay tôi dính đầy màu và miệng thì cười thật tươi nhận lấy thành quả xứng đáng.

Dạo này tôi chẳng còn như lúc trước, cứ mỗi lần cầm cọ tay tôi lại run lẩy bẩy. Màu trên cọ rơi vãi khắp nơi, chúng loang lổ trên nền giấy phẳng khiến tôi không còn lấy một tia hy vọng. Mọi thứ giống như bị bóp nghẹn nơi thanh quảng, tôi không thể thở.

Tình hình này cứ tiếp diễn chắc tôi nên tự chuẩn bị tinh thần chầu đời sớm, tôi không muốn chết, ai lại điên mà muốn chết. Bằng mọi giá tôi phải thoát khỏi mớ bòng bong mà bản thật đã tạo ra. Thế nên tôi đành nén nước mắt gom góp lấy số tiền ít ỏi còn sót lại, tôi quyết định tìm bác sĩ tư vấn tâm lý. Tôi chẳng biết cơ may bản thân mình có thể ổn hơn sau chuyến thăm khám này hay không, chứ trước mắt là tôi xót tiền hết cả ruột.

Cứ thử một phen xem sau, dù gì tiền tôi còn có thể kiếm lại được. Chứ tôi mà không thể vẽ, nó còn bi ai hơn cả phải nhắm mắt chôn vùi trái tim còn đỏ hỏn xuống nấm mồ.

Mà chắc số tôi đen nên toàn gặp phải chuyện gì đâu không. Gặp ai không gặp lại gặp trúng lang băm chính hiệu.

Mớ tiền mà tôi còn xót lại thật sự không nhiều. Sau khi tôi đã chi kha khá cho việc chữa chứng căng thẳng, tôi đã thấy khá hơn một chút. Cơ bản là tôi không còn thấy lo lắng về vấn đề không bán được tranh nữa rồi. Tôi chuyển sang thấy căng thẳng vì tôi không thể vẽ để mà bán tranh.

Tôi bị mù màu do không thích ứng được với thuốc trị tâm lý. Một món quà đi kèm của buổi trị liệu chắc? Quý hóa quá, tôi chẳng muốn nhận đâu.

Khoảng thời gian đó với tôi chả khác nào địa ngục. Cảm giác mọi thứ vẫn vẹn nguyên trước mắt nhưng chính tôi lại là người làm nó sai lệch thật chẳng dễ chịu gì hết. Bảng màu đã từng thân thuộc mà lại quá mức xa lạ. Một màu xám xịt bao trùm lấy khoảng không, méo mó mất dạng.

Mù màu thì vẫn thấy đường, nghe có vẻ không tệ lắm nhỉ? Có người mù xanh lá, cũng có người mù màu đỏ. Nhưng hiếm có trường hợp không thể nhìn thấy bất cứ màu nào. Thế mà tôi lại là người đặc biệt khi có thể tận hưởng đặc quyền ấy.

Một họa sĩ không thể nhận biết màu sắc.

Tôi đã dành cả tuần của mình trên giường, chẳng làm gì ngoài thở và trùm chăn thành một cái kén. À, cả ngủ nữa. Mỗi ngày đều đặng nốc một tách cà phê, và cũng chỉ duy thứ đó tôi cho phép cơ thể mình nạp vào. Cái hậu vị đắng ngắt nơi cổ họng đã đánh thức một phần nào bản ngã trong tôi, khiến đầu óc tôi trở nên tỉnh táo với cái lạnh tê răng trong khoang miệng. Cứ tiếp tục không tiêu thụ bất kì thứ gì khác, tôi đoán mình sẽ đi đời sớm.

Động lực sống là thứ quá xa xỉ với tôi trong thời khắc này, nhưng nếu bắt tôi phải chết ngay tức thì, tôi sẽ thấy hối hận.

Ngày thứ bảy khi sắc màu rời bỏ tôi, tôi đã đi dạo một vòng con phố. Xóm giềng toàn là những người dễ mến. Họ vẫn chưa biết vị họa sĩ đáng tự hào của khu trọ, cái biệt danh họ dành cho tôi, đang sống trong thế giới màu xám. Đôi ba bước chân lại bắt gặp vài người, suốt chặng đường họ cứ dúi vào tay tôi mấy cái bánh quy con con thơm mùi bơ béo ngậy. Chắc họ quý nên mới cho, tôi cũng chẳng biết thốt ra lời gì hơn ngoài mấy câu cảm ơn rập khuôn.

Bà bảy bán cháu lòng đầu đường đã dọn hàng, cũng phải thôi, trưa trời trưa trật mà còn bán chỉ có nước ế chổng vó. Bà đã có tuổi, lại một thân một mình không con không cháu. Thấy tôi còn trẻ, nên bà quý tôi như cháu ruột. Tôi cũng hay ăn ở gánh của bà, tại nó vừa ngon vừa rẻ. Nay bà bán hết, tôi đành nhịn đói.

Tôi không phải dạng khéo tay, nấu ăn với tôi cứ như cực hình. Vào bếp không đổ cái này cũng vỡ cái kia. Chân tay loạng choạng như mấy tên ma men. Món tôi làm chỉ từ nuốt được đến dỡ tệ chứ chả đụng đến ngưỡng gần ngon, trên thang điểm mười, tôi sẽ chấm nó âm. Bà biết tính tôi nên có nấu món gì ngon cũng mang sang, đợi cho tôi ăn hết mới an tâm chịu về nhà.

Đi ngang qua gánh cháo của bà tôi khẽ chào bằng cái cúi gập đầu. Bà thấy tôi liền vội vẫy vẫy tay biểu tôi lại. Thấy bà nhiệt tình quá, tôi mới nán lại chút xem sao.

- Bà đợi mày cả tuần rồi đấy cái thằng này. Ông cố của tôi ơi, có mê vẽ cỡ nào cũng ráng dành ít thời gian ra ăn uống đàng hoàng chứ. Sống kiểu mày sao mà thọ. Sao mà tham công tiếc việc thế không biết, lũ người trẻ tụi mày cứ thế miết chắc mốt thế giới còn mỗi người già.

- Dạo này cháu bận quá nên không ủng hộ bà được. Lỗi cháu, lỗi cháu. Bà đừng giận kẻo khuôn mặt trẻ trung điểm lên vài nét nhăn đấy nhé.

Tự nhiên tôi khâm phục cái tài nói phét của mình gớm. Bận cái nỗi gì, cả tuần nay tôi chưa hề đụng đến mớ họa cụ còn mới tinh chưa bóc vỏ, muốn vẽ vời vu vơ cho yêu đời cũng khó.

- Ối giời. Mày lại dẻo mỏ với bà nữa rồi cơ à. Mấy hôm rày bà sợ mày xuống lại hết cháo, bà biết cháo bà là món tủ của mày, bà mà hết thì mày thà nhịn đói, nên lúc nào cũng chừa cho mày một phần. Mà mày có thèm nhớ tới bà già này đâu. Suốt ngày ru rú trong phòng chẳng chịu thó một ngón tay ra ngoài. Bà chừa phần mày mà có thấy tâm hơi mày đâu, bà tiếc rẻ nên đành xử hết. Giờ bà ngán cháo như ngán trả tiền nhà. Ơn huệ của mày hết đấy chàng họa sĩ trẻ.

Mũi tôi dường như nghẹt đi, có cái gì cay cay nơi đáy mắt mà tôi chẳng rõ nguyên do, tôi không biết mình cảm động bởi tình thương của bà dành cho mình, cái thứ tình cảm thiêng liêng mà sách giáo khoa thường hay nhắc đến, chứ tôi ít khi được nếm trải. Hay là do tôi đang rầu lộn gan lộn ruột vì bà vô tình chạm phải nỗi đau tôi cố vờ quên đi. Tôi thì vẽ cái gì nữa.

Tay tôi nhẹ nhẹ gẩy gẩy sóng mũi, khuôn mặt cuối gầm xuống cố tránh né ánh mắt chân thành của người phụ nữ lớn tuổi. Mớ tóc mái rối tung lộ rõ sự sơ xác cứ vờn giữa trán, va vào mắt khiến tôi hơi ngưa ngứa nhưng chẳng dám dụi. Nhìn bà lớn tuổi thế này chứ mắt bà còn sáng lắm, không cẩn thận là bà biết tôi đang gặp chuyện rối như chơi.

Tôi lại càng sợ bà mà nói thêm tiếng nào mình lại chẳng ghìm nỗi cơn xúc động, với cương vị là người mau nước mắt, không khéo tôi lại khóc nức nỡ trước mặt bà. Thế thì ngượng lắm, đã lớn tồng ngòng rồi có phải trẻ lên ba đâu.

Mà tôi cũng muốn nói ra mọi chuyện với bà. Giấu giấu diếm diếm khiến lòng tôi thêm phần nặng trĩu, sợ trụ không vững lại phát điên hơn còn khổ. Với cả, tôi cũng khát khao nhận được lời an ủi từ ai đó, thậm chí một người lạ thôi cũng được.

- Cháu thì chằng vẽ được đâu. Mắt cháu không còn nhận biết được màu sắc nữa rồi, bà chuẩn bị tinh thần nhận tin cháu bỏ nghề đi ạ, sắp rồi ha ha.

Khuôn mặt bà ngẩn đi chóc lát, đôi mắt đầy vết chân chiêm chau lại gần nhau, mắt bà thoáng lên sự tiếc nuối nhưng rất nhanh sau đó mọi thứ lại trở về vẻ ban đầu. Chẳng hiểu thế nào mà tôi lại thở một hơi thật dài, tay gãy đầu bối rối không dám nhìn thẳng vào mắt bà.

- Thôi thì bà cũng chẳng rõ chuyện của mày lắm, bà cũng không tiện hỏi, sợ mày buồn lại khóc rồi thành trò cười cho lũ ranh quậy phá hay bám đuôi đòi mày lên nhậm chức đại ca khu phố. Chuyện cũng đã vậy bà không biết khuyên mày gì hơn, cứ ăn cho no cái bụng trước đã. Ngồi xuống đây, bà múc cháo cho mà ăn. Nhìn cái thây mày, bà nhìn thấu tâm mày cái một, lại chả ăn uống gì phải không? Cún ngốc của bà là người vẽ đẹp nhất bà từng thấy trên đời, bà tin mày sẽ sớm vẽ được thôi. Thiếu gì người vẽ xấu thôi rồi mà người ta vẫn vững bước theo nghề, Cún của bà vẽ đẹp chẳng chỗ nào chê nên sợ gì.

- Bà mà cứ thế cháu khóc bây giờ. Với cả, bà cứ kêu cháu là Cún mãi thế, nghe y như gọi chó.

- Mày cứ khóc đi, bà chả kể ai nghe đâu. Miệng bà kín bưng đấy Chó con của bà ạ.

- Ngồi xuống đây ăn lẹ lên bà còn dọn về.

- Vâng.

Mấy lời nói của bà chẳng an ủi được tôi tí nào. Tôi thấy mình hết hy vọng rồi. Muốn sống thì phải ăn, tôi lẹ tay múc từng muỗng cháo vẫn còn nóng hôi hổi vào miệng. Cái vị ngọt thanh tan trong miệng như nếm phải kẹo bông, rồi trôi tuột xuống cổ họng, dư vị ấm áp hun nóng cổ họng khiến trái tim tôi bớt nhói. Tôi ghét cháo, ngoại trừ cháo của bà ra.

- Mấy cái ghế đỏ của bà hỏng cả rồi. Hôm nào cháu dẫn bà đi mua bộ bàn ghế mới tân trang lại gánh hàng. Mình bán hàng mà cứ bắt khách ngồi chồm hổm suốt khách bỏ hàng mình sang chỗ khác ăn đấy ạ.

- Bà tự lo được, ông tướng lo việc mình trước đi. Bao đồng gớm.

- Có mà mơ ăn được đồng nào của cháu. Tại hay ăn chực đồ ăn nhà bà nên cháu ái náy. Để tạ lỗi cháu mới làm thế thôi.

- Dữ dằn, đi thì đi, bà lại cho không mày ăn chắc.

Tiếng cười vang dội cả một khoảng trời, tôi có ý giúp bà gánh đồ về nhưng bà cứ từ chối. Bảo tôi lâu ngày nhốt mình trong nhà thì giờ cứ đi đâu đấy cho khuây khỏa, hít lấy khí trời cho đầu óc nó giãn ra bớt, kẻo mới hai lăm mà sắp già hơn bà rồi cơ đấy.

Ừ thì tôi cũng nghe bà, đi ra ngoài đường lớn hít bụi xe cho bổ phổi. Tiếng động cơ xe kêu vang trời nghe inh tai vô cùng. Sẵn trớn tạt ngang cửa hàng tiện lợi gần đấy vì bụng dạ không thôi cồn càu.

Ghé vào đấy mua một ít cơm cuộn ăn lót dạ trước, tôi ăn cay được nhưng hơi tệ, thế mà lại nhắm mắt nhắm mũi chọn vị gà cay. Lưỡi tôi tê rần, vị cay xộc thẳng lên mũi làm tôi ho sặc sụa. May có bạn nhận viên gần đấy đưa cho tôi chai sữa để kiềm lại cơn cay nồng, dần dần tôi cũng đã ổn định lại sau trận hoành hành quy mô kia. Định sẽ trả lại tiền chai sữa cho bạn nhân viên nhưng bạn ấy cứ xua tay, lắc đầu nguầy nguậy từ chối, cặp má bạn hây hây ửng hồng. Quan sát từ mấy cái hành động bất giác của bạn nhân viên nên tôi đoán thế chứ tôi có thấy cái mẹ gì đâu.

Chà, đẹp trai quá cũng khổ.

Quái nào mà ăn từng ấy rồi mà tôi vẫn chưa no mới lạ đời. Lúc thì nhịn đói cả tuần chả xi nhê, lúc lại ăn ngặp mồm vẫn rỗng dạ dày, tựa như tôi vừa mới thoát khỏi nạn đói năm một chín bốn năm. Tôi rời khỏi cửa hàng tiện lợi sau mười lăm phút nhét đầy đồ ăn vào mồm như mấy con sóc, cầm trên tay là chai sữa vẫn còn một nửa có hơn.

Trong vô định tôi đã đi loanh hoanh, và vô tình thế nào, tôi bắt gặp mấy cái băng rôn quảng cáo địa điểm du lịch. Ấn tượng nhất với tôi chắc là thành phố biển Pohang thuộc tỉnh Gyeongsangbuk. Tôi muốn đến đó một lần, tự nhiên cái thế.

Đã gần một năm bảy tháng, cái giao kèo của tôi và bố sắp đến điểm cuối rồi cơ đấy. Đi chuyến này xong tôi sẽ bỏ vẽ hẳn về nối nghiệp bố. Có vẻ như dù tôi có cố vùng vẫy thế nào cũng không thoát khỏi vòng xoáy của định mệnh. Thôi thì cứ đầu hàng đón nhận.

Chiếc vali đựng một ít đồ dùng cá nhân, có cả bảng màu, cọ và giấy. Chiếc máy nghe nhạc giờ đây được thay thế bằng một chiếc máy ảnh nhỏ, tôi thường sẽ không chụp ảnh nên vốn không cần thiết phải mang nó theo. Nhưng lần này có gì đó khang khác, có gì đó hối thúc tôi phải mang nó theo.

Ngồi trên xe lửa nghỉ vẩn vơ, cây cỏ lướt qua mặt tôi nhanh như thổi, tiếng người nói chuyện rôm rả nôm là vui tai. Ngủ một giấc thật ngon, và khi thức giấc, tôi đã đến được làng chài ở thành phố biển Pohang.

Chỗ ở đã được tôi đặt sẵn, giờ chỉ cần đi nhận nơi là xong. Hôm nay hơi mệt nơi tôi chẳng định đi đâu vội, ngày mai tôi sẽ khám phá một vòng quanh đây, giờ tôi đi kiếm gì bỏ bụng đây. Tự nhủ với lòng rằng phải hăng say ngắm cảnh, thưởng thức hải sản tươi ngon, có thể đạp xe vận động chân tay hay thậm chí là vẽ. Thế mà đã năm ngày trôi qua, và tôi chỉ hoàn thành được mỗi việc ăn trong danh sách những điều cần làm. Tôi vẫn chưa có can đảm nhìn mớ họa cụ mà mình đã từng háo hức đến nhường nào khi đặt hàng.

Chuyến du lịch biển chóng nở chóng tàn không lấy một điểm thú vị. Chán chết.

Hôm nay tôi quyết định rồi, bên ngoài có sóng to gió lớn tôi vẫn phải vẽ. Nghĩ là làm, tôi nhanh nhẹn lôi mớ đồ cần thiết chạy xông xáo như bị rượt ra ngoài.

Tôi vẽ biển, bảng màu mới tinh được tôi bóc vỏ trong sự mong đợi, tuy không thấy được màu sắc nhưng tôi đã thuộc lòng vị trí của từng màu trên bảng rồi. Chỉ là hơi khó khăn trong việc căn chỉnh sắc độ khi lên tranh thôi, với lại biển tôi ngắm cũng nhiều, hôm nay đành đoán màu rồi vẽ. Hẳn là bức tranh sẽ không hoàn hảo, nhưng chắc không tệ lắm đâu.

Một vài người có mặt tại đó cũng bắt đầu chú ý tôi hơn, những lời ngợi ca của dân không chuyên ấy thế mà làm lòng tôi vui sướng tựa như xuân về. Mọi chuyện vẫn rất ổn cho đến khi tôi nghe phải lời bộc bạch của đưa trẻ lên năm về bức tranh của mình.

- Mẹ ơi, sao anh kia lại vẽ biển màu vàng ạ? Màu xanh cơ mà.

Màu vàng á? Tôi nhớ rõ vị trí đó trên bảng màu là màu xanh cơ mà? Không lẽ tôi đãng trí đến mức đó. Bao nhiêu sự thắc mắc hiện rõ trên khuôn mặt, tôi bèn rời ánh mắt khỏi bức tranh dang dỡ dáo dác nhìn xung quanh. Hình ảnh bé con đang cười khúc khích đảo lộn vị trí của từng khuôn màu khiến tôi đơ người ngẩn ngơ. Mà thiệt ra cũng không hẳn là bé con, là nít ranh mới đúng.

Tôi trừng mắt quát tháo khiến đứa bé năm tuổi cùng mẹ bé giật mình chạy biếng. Để lại giữa tiếng sóng vồ vập lấy đất liền khô cằn là tôi và một chàng thiếu niên với dáng vẻ non mềm vẫn hăng say quậy phá không hay trời đất đang nổi cơn thịnh nộ. Dường như lời nói của tôi bị em để ngoài tai, em vẫn chẳng hề sợ hãi tiếp tục đổi chỗ các lọ màu lung tung.

- Này, nhóc con. Đừng có quậy.

Khuôn mặt em nhỏ nhắn hiền lành mà nôm quậy gớm. Thói côn đồ trong tôi chưa bao giờ bùng phát, kể cả khi bị khích tướng đâm chọt đủ đường, thế mà giờ tôi muốn đá phăng em ra biển cho cá rỉa mất dạng. Chắc em là ngoại lệ của tôi rồi, người đầu tiên làm tôi nổi điên muốn dạy cho một trận nhớ đời.

- Tôi đã nói đừng có chạm vào, có nghe không hả?

Em vẫn cứng đầu cứng cổ không thèm điếm xỉa tới lời tôi nói. Tôi biết thời khắc này nói ra mấy lời này thì hơi kì cục nhưng em cứ như vầng trăng nhỏ, chẳng chói sáng như mặt trời lớn lao. Ý tôi là, em mang trong mình cái ánh sáng dịu nhẹ của mặt trăng chứ không rực rỡ như mặt trời, một thứ ánh sáng thuần khiết không gì vấy bẩn được, lấp la lấp lánh khiến tôi muốn giữ lấy soi rọi cuộc đời tẻ nhạt của chính bản thân, nhưng rồi tôi cũng chợt nhận ra, em không đủ sáng. Em nhận ánh sáng từ mặt trời. Nếu không có mặt trời, thế giới của em sẽ vụt tối.

Như nhận ra sự hiện diện của tôi, em rụt tay lại trước cái nhìn khá hung hăng của tôi. Một chút gì đó rụt rè hiện lên dưới con ngươi lóng lánh.
Dù đó là gì thì tôi cũng mừng vì em đã thôi nghịch ngợm mấy cái lọ màu vô tri vô giác. Bàn tay em nhỏ nhắn chạm lấy vạt áo tôi kéo kéo, ngoài ra còn có khuôn miệng chúm chím phát ra mấy cái âm thanh kì lạ mà chắc có cả đời tôi cũng không giải mã nổi. Cứ ô a như em bé tập nói. Có điều hơi ồn. Chân em nhón nhón như đang nhún nhảy khiến tôi khẽ bậc cười. Mà gượm đã, phải ghìm lại, tôi mà cười thì nhóc con này lại chả xem tôi như trò đùa.

- Nhóc đùa tôi đấy à. Nói một câu hẳn hoi nghe xem nào.

Mắt em tròn lên nhìn lấy tôi chòng chọc, cái đầu tròn như quả trứng nghiêng hẳn sang một bên ra chừng khó hiểu. Tôi thấy là lạ nên cứ gặng hỏi miết, càng nói em phản ứng càng dữ tợn, hết lườm liếc muốn thủng người tôi lại quay sang lắc đầu nguầy nguậy đưa hai tay thon gầy lên trước mặt ra hiệu hình chữ x. Em làm tôi nhớ đến cái trend trên tik tok mà mình vô tình xem được hôm càng quét cửa hàng tiện lợi ở Seoul. Trông ngớ ngẩn ghê.

Thấy mặt tôi cứ trơ ra một cách ngu ngốc trông như thằng đần, em lại lấy đôi bàn tay mình che phủ khắp khuôn mặt non choẹt, tiếp đến là một chuỗi hành đồng phiền não hết sức, nào là lấy tay vỗ vỗ nhẹ lên trán kêu mấy tiếng bạch bạch, rồi lại thở dài như mới đánh rơi thứ gì đó quan trọng. Đưa tay vào túi quần, lấy ra một cây bút bi mà tôi không biết là màu gì, cùng với nó là một quyển sổ hình chú thỏ đang gặm cà rốt đến phồng rộp cả má.

Tiếng bút cà trên mặt giấy sao mà chói tai, tôi nhớ hồi đi học mình cũng từng viết bài vở đầy đủ không thiếu một chữ mà có nghe cái tiếng này bao giờ đâu. Tốc độ em viết khá đấy, khi mà tôi chưa kịp chớp mắt thì em đã lật đật mở quyển sổ dí sát vào khuôn mặt tôi khiến mắt tôi trong phút chốc tắt đi chức năng nhìn chỉ còn lại cái vỏ xấu xí trơ trọi.

- Cái gì mà dí sát vào mặt, nhìn thấy cái quái gì đâu.

Em chun mũi rồi giơ tay gõ vào đầu tôi kêu một tiếng vang. Mồm tôi thì lẹ, nó hoạt động hết công suất đưa ra những tiếng kêu la oai oái khiến bầy chim gần đó vỗ tung cánh che khuất bầu trời rộng lớn, bay đi mất. Đôi gò má em phồng lên, em lôi tôi nằm bệt xuống cát cùng em.

Em nằm sắp trên đấy, những hạt cát li ti dính khắp cái áo sơ mi dài tay cùng chiếc quần short ngắn phông rộng ngang đầu gối. Ngón trỏ chỉ chỉ vào mấy con chữ ngổn ngang đang lên thác xuống ghềnh duy nhất trên tờ giấy có hàng kẻ.

"Nảy giờ anh nói gì thế? Em không có nghe được, mà lại đãng trí quên mất anh đâu có biết."

- Nói cái gì kệ mẹ tôi.

Mồm thì nói thế chứ tôi làm sao nỡ khước từ ánh nhìn trong veo như mặt hồ êm ả không gợn sóng của em.

"Tôi đang chửi cậu đấy. Không biết đụng vào đồ của người khác khi chưa được cho phép là xấu lắm hả?"

"Em xin lỗi. Chỉ là em hơi thắc mắc tí thôi. Em không biết anh có thấy màu không ấy, tại em thấy anh cứ loay hoay chỉ vô mấy lọ màu rồi giơ tay đếm số lung tung. Giờ thì em có câu trả lời rồi. Mà anh lạ họa sĩ ấy ạ? Trông thương thế."

Eo ơi, người đẹp mà vô duyên thế không biết.

"Cậu tên gì?"

"Anh hỏi chi. Định viết tên em vào giấy đăng ký kết hôn của anh hả? Thế thì còn lâu em mới cho biết."

"Điên à. Tôi ghi tên cậu vào sổ tử."

"Buồn thế. Người ta định đùa chút rồi sẽ cho anh biết tên mà anh nói vậy tổn thương quá chừng."

Hai tay em khoanh lại đặt trên nền cát đã thấm đẫm nước, em vùi đầu mình vào chúng và vờ như đang khóc, cái mặn chát bóc lên khiến tôi hít hà trong an yên, cũng chính nó khiến tôi ngờ ngợ liệu có phải em đang thật sự rơi lệ. Hơi thở bình bình của biển khơi dây lên trong tôi một nỗi chua xót. Tôi có cảm giác, thật ra bản thân không phải là kẻ khốn cùng duy nhất đang vật vờ giữa ranh giới không tên.

Mặc kệ em đang nằm trên nền cát, tôi lật đật ngồi dậy rồi nhanh chóng quay mặt bỏ đi. Có lẽ tôi nên mang tranh về chỗ mình thuê, giờ tôi không biết phải vẽ thế nào với đống màu không thứ tự kia nữa.

Em thấy bên cạnh mình vắng đi hơi ấm liền đứng dậy bám riết lấy từng bước chân của tôi. Rồi chẳng biết lấy đâu ra sức lực, em chạy vụt lên phía trước, vùi vào tay tôi tờ giấy đã nhăn nhúm được vo lại thành một cục tròn, khi đã đưa được tờ giấy tơi tay tôi, em chạy mất dạng khiến tôi ngớ người chẳng kịp nhận ra.

"Han Yujin. Em tên Han Yujin, mai anh lại đến đây vẽ nữa có được không ạ? Em có thể giúp anh vẽ."

Phiền phức, em nghĩ tôi sẽ chấp nhận quay lại đây với mấy câu nhảm nhí này ấy hả. Thật sự là hôm sau tôi không bén mảng nửa bước đến gần nơi em hẹn. Cả những ngày sau đó tôi cũng chưa hề đặt chân lên bờ biển trải dài đầy nắng. Mỗi một hôm tôi lại đến một nơi khác cùng đống màu loang lổ trên bức tranh, vốn tôi làm thế là để giảm cơ hội bắt gặp em, quái lạ là ngày nào tôi cũng gặp em đang tung tăng tươi rói chạy về phía mình với bộ đồng phục học sinh. Bộ em theo dõi tôi mà giấu hay là còn hơn cả thế. Khó hiểu chết mất.

Hôm nay cũng y như mọi hôm. Tôi chán ghét đẩy mạnh em ra khi em cố gắng ra hiệu cho tôi biết những lọ màu kia thật ra tên gì. Ừ thì, ban đầu em chính là người phá tung mọi thứ, cái kế hoạch hoàn hảo đến mĩ mãn tôi đề ra cũng bị em phá hỏng. Giờ thì em lại đến bên xoa dịu tôi như thể em là đấng cứu thế. Tôi cũng chẳng nhờ vả em.

"Cậu cứng đầu quá vậy hả Han Yujin. Tôi đâu có nhờ cậu giúp."

- Ai mà cần cậu. Chẳng làm được tích sự gì cả.

"Em muốn giúp mà."

"Anh Gyuvin ơi, anh ơi, anh à, cho em giúp đi mà. Làm ơn đó."

Lại nữa, em ấy lại giở cái chiêu làm nũng mắt long lanh đó lên rồi. Tôi đã cố gắng chỉnh đốn tâm trí nhưng cứ hễ em ra chiêu tôi lại nằm bẹp dí thua một cách quá mức thê thảm dưới tay em.

"Cần màu đỏ."

Khuôn mặt em rạng rỡ hẳn lên. Đôi mắt ánh lên vài tia vui mừng như trẻ con khi được khen thưởng. Từ rầu rĩ đến hứng khởi. Tôi không biết bằng cách nào em có thể thay đổi biểu cảm nhanh một cách linh hoạt bất thường như thế. Đây là một loại tài năng hiếm có không chừng, nếu không phải em là người khiếm thính, tôi nghĩ em nên theo nghiệp diễn.

"Đây ạ."

Tôi thấy cứ xưng hô như hiện tại không có vấn đề gì cả. Tôi và em vốn dĩ có thân thiết gì đâu, gọi vậy là chuẩn rồi. Ấy thế mà mỗi khi thấy tôi viết từ "tôi" em lại gạch bỏ rồi sửa ở phía trên bằng từ "anh". Từ "cậu" cũng tương tự thế bị em đổi thành một từ khác, chẳng thay đổi nghĩa nhưng thân thiết hơn, em đổi nó thành "em".

"Mà này nhóc. Anh thấy nhóc còn đang khoác áo đồng phục trên người. Sao không đi học mà suốt ngày cứ bám lấy anh không rời?"

"Là vì anh vẽ đẹp ạ."

"Nhóc hiểu anh không hỏi cái đó mà."

Khuôn mặt em buồn rầu đi nhiều khiến cho cảm giác hối hận xen lẫn chút ăn năn trong tôi dâng trào. Hẳn là ai sống trên đời mà chẳng có bí mật, có người còn nhiều lại là chuyện khác, tôi vốn không nên xen vào đời sống cá nhân của em quá mức cho phép. Dẫu sau tôi với em cũng chỉ mới gặp mặt và tôi cũng không thật sự có cái nhìn thiện cảm với em là bao.

"Em nghỉ học rồi. Em trai em sẽ làm việc đó thay cho em."

Em chần chừ vẽ ra mấy đường nguệch ngoạc ra giấy, nhưng rồi em vẫn quyết định chia sẻ tâm tư thầm kín của mình với một người xa lạ như tôi.

"Bố mẹ bảo em, em trai sẽ phù hợp bới việc đó hơn em. Dù gì em có học cao cách mấy cũng chẳng ai muốn nhận một kẻ khiếm thính như em vào làm việc đâu. Cho em đi học thì tiếc tiền lắm, em được học đến từng ấy là cũng đã nhiều lắm rồi."

"Nhưng em vẫn muốn đi học."

Bẵng đi vài ba hôm tôi chẳng ra ngoài, vì tôi bị cảm nên không tiện đi lại. Dạo rày gió hơi nhiều, từng cơn từng cơn như lũ ùa về va phải làn da mẫn cảm. Một người trưởng thành khỏe mạnh, đi đâu cũng ủ cả người trong áo dày kín bưng như tôi mà còn ngã bệnh. Tôi sợ sinh vật xinh đẹp mà quá đỗi mong manh như em sẽ chẳng trụ được, hy vọng những ngày qua em không cố lang thang ngoài trời lộng gió tìm kiếm bóng hình tôi.

Kết thúc chuỗi ngày bệnh tật kiệt quê nằm trên giường. Cũng là tuần thứ tư tôi gắn bó với nơi đây. Đồ nghề như chỉ chờ tôi khỏe lại mà mang theo đi khắp chốn.

Chẳng biết là vô tình hay định mệnh. Tôi lại bắt gặp em đang ngồi chóng cằm chán nản nhìn về phía xa xăm. Cặp mắt mà tôi từng đánh giá như kho báu của biển khơi nay lại tăm tối như phủ đầy mây mù giăng lối.

- Han Yujin.

Tôi la lớn tên em, một lần, hai lần và rất nhiều lần. Nhưng em vẫn chẳng hề động đậy. Giật mình vỡ lẽ nhận ra, tôi quên mất em chẳng thể nghe.

Chân tôi từng bước tiến đến bên em, không vội vã, tôi chẳng có lý do gì để phải hoạt động hết công suất sau khi vừa khỏi ốm cả. Thật ra nếu tôi không ốm, tôi và em cũng có khả năng không gặp được nhau, tôi chưa bao giờ thống nhất điểm hẹn với em, vì một phần tôi chẳng ham gặp em, còn em thì không phải lúc nào cũng tìm được tôi. Có hôm tôi còn bắt gặp em khóc nức nở ở bờ biển vì không gặp được tôi, nhưng đó là chuyện của em chứ nề hà gì tôi phải bận tâm. Tôi cứ lướt qua bỏ mặc khuôn mặt ướt đẫm, ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, tôi thấy sâu trong mắt em là nỗi tuyệt vọng đến cùng cực. Tôi vẫn lờ nó đi.

Tôi vỗ nhẹ lên bờ vai em, vai em rộng nhưng gầy quá, làm tôi có cảm giác em còn chẳng che chở nỗi bản thân em. Em vẫn ngồi bất động, dường như thứ duy nhất đánh thức được em khỏi ảo mộng vô hình đã tan biến. Không quá sấn sổ, tôi thu tay mình khỏi bờ vai em, phủi lấy nền đất bụi bặm cho thât sạch sẽ. Tôi khẽ ngồi xuống cạnh em, nhưng bờ vai tôi vẫn chẳng hề chạm vào em, tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định với em, luôn là thế.

Ngày đầy nắng, tháng thứ hai tôi gặp em.

"Anh hứa sẽ không bao giờ rời khỏi đây đi."

"Không, anh chỉ ở đây vài tháng thôi."

"Thế à?"

Tôi nghĩ đây là câu hỏi tu từ mà giáo viên ngữ văn thường phân tích ở các tác phẩm, nên tôi không trả lời em.

"Em thích đi học, em thích các bạn ở lớp lắm nhưng hơi tiếc vì bố mẹ bảo em không cần phải tiếp tục con đường học vấn nữa. Tại nó vô nghĩa quá chừng. Tiếc hơn cả là các bạn cũng không thích. Em không biết tại sao mình có thể học ở trung tâm giáo dục trẻ khiếm thính mà bố mẹ lại không cho. Bố mẹ bắt em học ở trường thường và hứa sẽ mua máy trợ thính cho em nếu em đồng ý. Em đã đồng ý không nghĩ ngợi. Lần đầu tiên được cầm máy trợ thính trên tay em vui lắm. Em đã khoe hết người này đến người kia như thể đó là kho báu em tìm thấy. Cũng kể từ dạo ấy đến giờ, em không thể quên được thanh âm du dương của mấy khúc nhạc ở trường, ở trường có phòng âm nhạc, có một chiếc piano lớn được đặt gần cửa sổ mở toang. Em luôn lén lút ngắm nhìn với ánh mắt đầy sự ngưỡng mộ nhìn các bạn chơi đàn. Các bạn phát hiện em, phát hiện máy trợ thính của em, thế là nó bị các bạn quăng đi mất. Em đã cố gắng tìm mà bỏ cả ba tiết học, nhưng không tìm thấy. Tối hôm đấy em vẫn về nhà và giả bộ bình thường, dẫu cho lúc đó là mười giờ tối, một khung giờ không phù hợp với học sinh trung học, bố mẹ mắng em rất nhiều vì em đã làm mất máy trợ thính lại còn lớn gan giấu bố mẹ. Bố mẹ cứ thế kệ em luôn, và em đi học, không có máy trợ thính. Học chữ, học viết thật sự rất khó, em toàn phải đoán khẩu hình miệng của thầy cô. Cũng chữ được chữ mất nhưng em yêu mấy con chữ trắng trên nền bảng đen lắm, vì đó là thứ em hoàn toàn hiểu được. Các bạn không ai bắt chuyện với em, vì em có nói được đâu mà bắt với chả chuyện. Em vẫn thích các bạn lắm."

Em viết nhiều thật, giờ tôi đã hiểu cảm giác của các thầy cô khi chấm mấy bài văn dài miên man mà chữ lại còn xấu. Chữ em không đến mức tệ, có điều nó không được thẳng hàng lắm, nghiêng nghiêng ngã ngã trông là khó nhìn.

- Em định phát hành cuốn sách mang tên cuộc đời mình đấy à? Viết gì mà như bài luận ba ngàn từ.

Quên mất, đôi khi tôi vẫn tự nói chuyện với chính bản thân trong lúc em viết. Chỉ khi em viết nhiều thôi, như bây giờ vậy.

"Em có một quyển sổ, em dùng nó để giao tiếp với mọi người hoặc là vẽ vời cho đỡ chán. Khi nào quyển sổ đầy em sẽ không tiếp tục sống, cái ý nghĩ này phủ kín tâm trí em trong suốt hai mươi tư giờ, trong suốt ba mươi ngày và trong mọi khoảnh khắc. Em sẽ viết chữ thật nhỏ khi em yêu đời và viết thật to khi em không còn muốn thở. Dù trời mưa hay nắng em vẫn sẽ viết, cho đến khi nào quyển sổ đầy."

"Nói thế với anh để làm gì?"

"Anh sẽ viết cùng em chứ? Để quyển sổ nhanh đầy."

Ngày đầy nắng tôi vẽ mặt trời, em vẫn là người giúp tôi phân loại tên màu sắc. Em đã cười thật tươi khi một mặt giấy trên quyển sổ phủ đầy chữ viết của tôi.

"Bố mẹ không muốn em học ở trung tâm giáo dục trẻ khiếm thính chắc là do sợ xấu hổ đấy. Ai lại muốn có đứa con khiếm khuyết."

"Anh độc mồm độc miệng thế. Không sợ em buồn à."

Ngày đầy gió, tháng thứ ba tôi gặp em.

Tôi không biết tại sao mình vẫn cứ mãi mê trao dồi những nét vẽ. Tôi đâu có định theo đuổi những vẻ đẹp đơn sắc kia nữa.

Hôm nay gió lớn, thổi bay mất tâm trí tôi. Thế là tôi quên ăn sáng.

Tôi và em lại gặp nhau, lại là một nơi xa lạ, lần này em phải mất nửa ngày để tìm ra được vị trí chính xác của tôi. Mái tóc em vì gió thoảng mà rối, khuôn miệng em cười thật xinh mang theo quyển sổ và cây bút. Làn da mịn màn khẽ hây hây, mái tóc em dinh dính áp sát vào vầng trán cao do mồ hôi túa ra.

"Anh ăn gì chưa ạ."

"Chưa."

"He he, em cũng thế."

"Vậy anh có thích món gì không? Món anh thích nhất ấy ạ."

"Món gì cũng chả khác nhau. Cứ ăn ngon là được rồi."

"Ối trời ơi, trùng hợp quá chừng. Món nào em cũng thích hết. Hai đứa mình có duyên ghê há anh."

Cuốn sổ mới ngày nào còn vẹn nguyên không hề dính mực, giờ đã vơi đi một phần ba mặt giấy. Có lẽ hôm nay em sẽ viết ít đi, vì tôi thấy em vui.

Từng trang giấy trắng được em lắp đầy bởi những con chữ lộn xộn. Tôi không có ý bao đồng, chỉ là em viết như thể em sắp trốn thoát khỏi nơi đây, gấp gáp vô cùng.

"Em viết thẳng hàng vào, phải như này mới đúng."

Tôi nghĩ kích cỡ tay mình cũng thuộc dạng bình thường, nhưng khi áp nó vào tay em, nó lại to lớn bất ngờ. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy tay em, di bút thành từng dòng ngay ngắn đẹp mắt, việc này khiến cho bề mặt tiếp xúc giữa hai bàn tay nóng rang.

"Đã hiểu chưa."

"Rồi ạ."

Mấy con chữ lớn quá khổ nhưng lại ưng mắt tôi, tại nó không bị lệch dòng.

Tôi lại bỏ mặc em thích viết gì thì tùy, tôi quay lại với bức tranh của bản thân. Hôm nay trời đầy gió, tôi vẽ cây.

- Màu xanh ở đâu rồi nhỉ.

Tay em chỉ vào lọ màu đã chẳng còn nhiều. Tôi lặng lẽ mở nắp và nhún cọ vào, tôi thì cứ vẽ, em thì vẫn viết. Không ai nói với ai lời nào, ý tôi là, em không viết cho tôi.

"Anh ơi, anh ơi. Anh xem này, em đã ghi chép rất nhiều công thức nấu nướng đó."

- Tổng cộng là tám trang.

"Anh thích không, em cho anh nhé."

"Nhóc giữ đấy mà dùng. Anh thích ăn đồ tiệm hơn."

"Hừ, tại anh không biết nấu thì nói đại đi. Bày đặc làm màu."

Em đang viết thì ngồi bút khựng lại, vì bút hết mực. Tôi mới đưa tay vào cái túi vải mình mang theo, móc ra cả hộp bút mới tinh. Đẩy nó về phía em đang xụ mặt nhăn nhó, rồi thì em cầm lấy nó và viết như chẳng có việc gì xảy ra. Đây là hộp thứ hai tôi đưa cho em rồi, hộp trước em đã tặng lại cho em trai của mình.

Tôi vẫn còn nhớ như in lời em noi, rằng em sẽ rời đi khi quyển sổ tràn đầy nét bút.

Tôi không mảy may đến em, liệu em sống hay chết đâu có quan trọng với tôi. Nên tôi đều tay nhấc bút viết lên sổ, từng con chữ như bay lượn trên không trung, chúng chẳng ngay hàng thẳng lối. Thậm chí tôi còn thủ sẵn vài cây bút trong người vì sợ bút em hết mực.

Bút của tôi thuộc dạng ngòi to, nét đậm và đều mực. Đôi lần còn chìa những chiếc bút ra cho em xem, đôi lần đặt nhẹ vào tay em, cầm lấy những đầu ngón tay nhỏ xíu bao phủ lấy thân viết.

Việc sống hay chết là quyết định của em, tôi không muốn can thiệp. Chỉ là tôi hiếu kì, em có thật sự muốn chết hay không thôi. Dù gì nếu em vẫn đưa ra lựa chọn cực đoan, tôi cũng chẳng có lỗi hay phải chịu trách nhiệm chi trả lấy thứ gì. Chỉ cần không động đến tiền của tôi, tôi thấy mọi thứ vẫn ổn.

"Hôm nay ở nhà mẹ em nấu món cá diêu hồng hấp tương đó ạ. Em thích lắm mà không có ăn. Tại em đang giảm cân. Mẹ nói em nên ăn ít lại một chút, còn phải chừa phần cho em trai, em trai đang tuổi ăn tuổi lớn phải ăn nhiều mới đủ sức học. Nhưng mà anh ơi, em đói quá."

"Đi ăn gì không, anh mua."

Tôi và em đi cạnh nhau trong khi em đang nhăm nhi một chiếc bánh mì trứng. Một tay bận cằm đồ, tay còn lại là chiếc máy anh tôi luôn mang theo bên người như vật phòng thân. Em vừa ăn vừa chụp đủ kiểu, em tự chụp hình em, còn có chụp cả tôi. Em bấm máy liên tục cái kiểu này chắc máy tôi sẽ nhanh cạn kiệt film. Vì tay em bận cả rồi nên không thể viết, đi trong yên lặng mãi khiến tôi khá buồn chán, tôi quyết định tự đọc thoại một mình.

Tim tôi có chút chệch nhịp, nó khẽ nhói lên trong lòng như thể muốn thoát ra ngoài. Tôi cũng không biết rằng, chữ của tôi ngày càng nhỏ.

Ngày đầy mưa, tháng thứ tư tôi gặp em.

Thời tiết đúng là thay đổi nhanh hơn cả lòng người. Mới phút trước trước trời mưa tầm tả, mây đen ùn ùn kéo đến che khuất mặt trời lộng lẫy. Những hạt mưa nặng trịch phả xuống máy tôn gây ra tiếng động ồm ồm trịch đầu. Giờ thì mưa tạnh, cầu vòng xuất hiện như thể nó đã ở đó hàng nghìn thế kỉ, rất rõ ràng.

Tôi mang theo cái kệ bằng gỗ vào khu vườn sau homestay, em đã chờ sẵn ở đã tự lúc nào tôi chẳng hề hay biết. Dường như sự tồn tại của em là vô hình, ít khi nào tôi có thể nhận ra, vì toàn là em đi tìm tôi. Quần áo em mỏng tan, vì ướt nước mà càng lộ rõ da thịt trắng sáng. Em nằm dài trên thảm cỏ xanh ngát, mặt đất khô cằn sau trận mưa đã thêm phần âm ẩm như muốn hút lấy cả cơ thể em, vườn hoa sắp khô cũng đã tươi tốt hơn sau trận mưa bất chợt.

Tôi định vào nhà lấy khăn và quần áo của mình cho em mặc tạm, chưa kịp đi được bao xa, tay em níu lấy vạc áo tôi y như cái ngày tôi và em gặp gỡ. Lần này em vẫn nhét vào tay tôi một cuộn giấy vo tròn.

"Anh ơi. Đừng đi, ở lại đây với em đi."

Ngày đầy mưa, hôm nay tôi vẽ em. Với cả, tôi đã học được một ít ngôn ngữ kí hiệu. Vì tôi sợ quyển sổ của em sẽ đầy.

Tôi đã ngồi xuống cạnh em, nhưng lần này bờ vai tôi kề sát vai em. Tay trái của tôi đan vào tay phải em, tay phải của tôi thì tiếp tục vẽ từng nét dưới sự chăm chú cực độ. Tôi không nhờ sự trợ giúp của em, tôi lựa màu theo cảm tính để họa em vào tranh.

"Khi nào anh rời khỏi đây ạ."

- Ngày mai. Anh sẽ về Seoul vài hôm.

"Anh đi luôn ạ."

"Không đâu, em mà ở đây thì anh đi đâu được. Anh chỉ về vài hôm để sắp xếp công việc riêng thôi. Sớm thôi anh lại gặp em mà."

"Anh không đi có được không ạ."

- Yujin ngoan, anh hứa sẽ sớm quay lại.

Nói rồi tôi hôn vào vầng trán em. Có khi em đang không hài lòng, mày em chau lại xô vào nhau, trông cáu kính thế không biết. Em đưa tay mình lên quyệt đi ít nước động lại trên mặt, nhanh như chớp nhào vào lòng tôi, trao cho tôi một cái ôm thật chặt. Tâm can tôi khẽ đau nhói, tôi không muốn bỏ bạn nhỏ này ở lại một mình nhưng thất sự tôi có việc quan trọng cần làm.

Tầm vài phút trôi qua trong sự tĩnh lặng, tóc em ướt sũng dựa vào lồng ngực tôi không muốn rời, tôi mới lấy cái khăn mình đã mang theo lau nhè nhẹ mái đầu suông mượt của em. Khi tóc em đã khô, em đẩy tôi ra và viết gì đó vào sổ.

"Nếu em nhớ anh thì phải làm sao?"

- Anh sẽ điện cho em, em cứ lại đây bảo bác chủ nhà cho mượn điện thoại nhé, bác thích trẻ con lắm, không từ chối em đâu.

"Đồ khùng nay, em điện anh làm gì, hai đứa trơ cái mặt ra dòm nhau à."

- Hì hì, em bé nhắn tin cho anh cũng được mà.

Em của tôi không có điện thoại, tôi định chuyến này lên Seoul sẽ mua cho em một chiếc. Hiện tại tôi cũng muốn mua liền cho em lắm, nhưng tôi không mang nhiều tiền, phải nói thẳng ra là tôi không có nhiều tiền mà mang theo. Lên Seoul đợt này là để bàn giao công việc với bố, tôi sẽ nghe theo lời bố nói. Tôi vẫn yêu vẽ lắm, tôi yêu vẽ nhiều như cách tôi yêu  em vậy. Nhưng một túp liều tranh hai quả tim vàng thì khó lòng mà sống. Mắt tôi đã không còn nhìn thấy sắc màu, em có thể giúp cho tôi nhận biết chúng trong phút chóc nhưng không cứ thế mãi. Đó chỉ là kế hoạch tạm thời, về lâu dài tôi không chắc mọi thứ sẽ ổn.

Thà tôi từ bỏ vẽ mà có thể kiếm tiền còn tốt hơn. Tôi muốn chăm sóc em cả đời, muốn thế tôi phải có tiền. Tôi biết cuộc sống không chỉ xoay quanh mấy tờ giấy có trị giá cao, có tiền chưa chắc đã chữa được bệnh nhưng không có thì có mơ cũng chẳng chữa hết.

Hoàn thành, bức tranh thứ bảy tôi vẽ về em. Một người chưa từng vẽ chân dung, thế mà vì em tô biết bao nhiêu màu đen lên tóc, bao nhiêu màu trắng lên áo và bao nhiều màu đỏ lên đôi gò mà trắng mịn. Hẳn em là ngoại lệ của   tôi, lần này là nghiêm túc đấy. Tôi không muốn quăng em xuống biển cho cá rỉa như hồi mới gặp đâu.

"Em thích xem anh vẽ lắm."

- Lấy gương ra mà soi, anh toàn vẽ em mà.

"Không được trêu em, em đang nghiêm túc lắm đấy nhé."

- Anh có trêu đâu, anh nói thật.

"Xì, mặc kệ anh luôn."

- Em mà giận anh lại không mua bánh ngọt cho măm măm nữa nhé.

"Đồ xấu tính. Suốt ngày ăn hiếp trẻ con."

- Ăn hiếp mỗi em thôi, nhóc con.

"Anh, đừng bỏ vẽ nhé."

- Tự nhiên lại nói thế. Sao đấy?

"Chỉ là em muốn nói thế thôi. Hứa với em đi, đừng có bỏ đấy."

- Ừ, hứa mà.

Tôi gạt em lần cuối thôi nhé.

"Móc nghoéo."

- Anh không muốn làm, trông trẻ con lắm.

Kiểu như trêu em làm tôi khoái đến tê cả đầu.

"Anh!"

- Rồi, rồi, nhóc con láu cá.

"Anh mà thất hứa thì sẽ đánh mất thứ anh trân trọng nhất. Anh thề đi."

Tôi không tin vào trò trẻ con này lắm nên đành xuôi theo nghe em.

- Anh thề.

Ngày không có em, ngày đầu tiên tôi gặp lại bố.

Hai bố con nói chuyện rất nhanh đã đâu vào đấy ổn thỏa. Tôi không nán lại đây quá lâu, ngay ngày hôm sau đã bắt vé tàu lửa, tôi muốn nhanh chóng về bên em càng nhanh càng tốt.

Lúc đi đến trạm xe lửa lại không để ý, xe tôi va phải xe một người khác. Chung quanh tôi toàn là người lạ, tiếng hét vang lên khắp nới, máu tôi túa ra lênh láng khiến chính bản thân tôi không khỏi khiếp đảm. Tự nhiên tôi sợ, tôi mà chết thì em phải làm sao, ai sẽ bảo bọc em thay tôi, em trong trắng, em thuần khiết, em mong manh, em của tôi không bị thứ gì vẩn đục, làm sao có thể chóng chội với cuộc đời gian nan. Tôi có thể đánh đổi mọi thứ, hy vọng vẫn sống, tôi muốn năng niu em, cho em biết em trân quý đến nhường nào. Cả cặp nhẫn được bọc trong hộp nhung đỏ nữa, tôi đã nói yêu em vô số lần rồi, nhưng tôi chưa trao nhẫn và nói yêu em.

Kết quả là bất tỉnh cả tuần trời, khi tỉnh dậy chăng thì gì cả. Ha, tôi mới nhận một tin sốc tận óc, tôi bị mù do lúc va chạm mắt bị va đập mạnh gây tổn thương. Tôi sốc chứ không quá lo lắng, tôi biết ông bô mình dù có chuyện gì cũng  có thể lo được. Điều tôi lo sợ nhất chính là em, không có tôi đưa đi ăn, em lại phải làm sao đây. Tôi sợ em lo, tôi đã hứa sẽ về thật nhanh, nhưng lại bỏ đi cả tuần trời.

Như chỉ chờ tôi tỉnh lại, cuộc phẩu thuật mắt đã được sắp xếp sẵn. Sức khỏe tôi chỉ cần ổn định, mọi thứ sẽ lại đâu vào đó. Tôi nôn được gặp em, nên tôi đã thực hiện phổ thuật ngay ngày hôm đó.

Thời gian để mắt phục hồi ít nhất phải hai ba tháng. Tôi không chờ được nên sớm bỏ chạy về phía em.

Nơi đây dường như khác lắm, tôi thấy đại dương xanh thẩm trên bầu trời bao la, thấy đám mấy trắng ngần tan như kẹo bông gặp nước. Tuy mắt vẫn còn khá mờ, tôi muốn nhìn thấy em ngay lập tức.

Tôi chạy hì hục đến nơi quen thuộc, nơi tôi vẫn thường hay đặt chiếc thơm con con lên mớ tóc mềm của em. Tôi không thấy em, tôi đã quay về  homestay lúc trước mình từng thuê, bác ấy cũng nói chẳng hề gặp em gần tuần nay. Nhưng em đã tới đây một lần, em mượn điện thoại để điện cho tôi, từ sau hôm ấy bác chẳng gặp lại em nữa.

- Ấy, chờ bác một lát. Cậu nhóc có nhờ bác gửi cái này cho cháu. Là một quyển sổ, trước khi trao tay cậu bé còn dặn bác không được mở ra mãi. Đến bây giờ tai bác vẫn còn ong ong đây này.

- Đây, của cháu. Cậu nhóc bảo bác nói với cháu ra biển rồi hẳn đọc.

- Vâng, cháu cảm ơn ạ.

Ngồi bệt xuống nền cát, tôi lật từng trang ra ngắm nhìn nét chữ của em. Mấy trang đầy nôm là lộn xộn, chữ viết như cua bò lên bò xuống. Càng về sau chữ em càng dễ cưng, chắc nhờ tôi đó. Năm trang cuối cùng của quyển sổ, em dành nó cho tôi.

Trang đầu tiên là bức vẽ của em, em vẽ tôi đang ngồi vẽ em. Em vẽ xấu quá.

Trang thứ hai là một bức thư.

"Anh có bao giờ thắc mắc sao em bám anh mãi không? Thật ra em hay lân la tìm đến anh dẫu cho anh ghét ra mặt là vì khi ở bên anh, em không thấy mình quá tuyệt vọng với sự vô dụng của bản thân. Trông anh còn thảm hơn em nhiều, một họa sĩ lại chẳng thể nhìn thấy màu. Nghe sao mà quặng thắc tâm can. Sự khốn khổ ấy thế mà lại mang đôi ta cận kề nhau hơn. Nghe khổ, anh nhỉ?"

Trang thứ ba là một bức thư.

"Em không thể nghe, lại chẳng thể nói nếu không được ngắm nhìn thế giới tươi đẹp đầy màu sắc. Em nghĩ mình không vượt qua nổi đâu, không nhìn thấy nữa, em sẽ không còn muốn tồn tại nữa, dù là có anh."

Trang thứ tư là một bức thư.

"Em thích hát dẫu em không thể cất giọng thành lời ca, em thích nhảy dẫu em chẳng nghe được thanh âm nào phát ra từ chiếc radio cũ kỉ. Giống như anh yêu vẽ mà lại chẳng thấy màu. Hôm đó em đã điện anh, người bắt máy thì lại là bố của anh, bố anh nói anh gặp tai nạn hiện đang hôn mê ở bệnh viện. Theo chuẩn đoán của bác sĩ, có thể anh sẽ chẳng nhìn thấy đường được nữa. Em không hiểu được hết lời bố anh nói, em chỉ đoán khẩu hình miệng được một vài câu nhưng cũng gọi là tạm hiểu tình hình. Em không biết tại sao bố anh lại nói thế với em nữa, chắc là định mệnh rồi. Sớm mai khi thức giấc, một phần trong em sẽ trở thành anh. Đôi mắt của em sẽ giúp anh soi rọi nhũng bức tranh của mình. Thế nên anh đừng bỏ vẽ nhé."

Trang thứ năm, không phải bức tranh cũng không phải bức thư.

Cả trang chỉ có duy nhất một câu "Em yêu anh" nhưng lại phủ khắp mặt giấy ngang, dọc, thẳng đứng, ngổn ngang như tâm trạng của tôi lúc này.

Em kẹp một tấm ảnh em chụp trộm anh vào đấy. Mặt sau của tấm ảnh có một dòng chữ nhỏ.

"Đừng tìm em nhé. Đôi mắt em là một phần của anh, trái tim em cũng chính anh nắm giữ. Em vẫn ở đấy thôi, ở trong tim anh."

Ba bốn hôm sau, em trai em mới tìm đến tôi, kể cho tôi mấy chuyện về em lúc nhỏ, tặng cho tôi những tấm hình ít ỏi của em thuở bé. Kể cho tôi về sự ra đi của em. Em uống hết một vĩ thuốc ngủ, thế là em ngủ mãi chẳng tỉnh dậy. Gia đình mới hốt hoảng đưa em vào bệnh viện, lúc đấy tim em đã thôi hoạt động. Chẳng ai hay biết em đã đăng ký hiến tặng cơ thể cho bệnh viên với điều kiện đôi mắt em phải đến được bên anh. Chẳngvai hay biết cả.

Tôi nghe cậu nhóc nhỏ hơn em vài tuổi mà khuôn mặt già dặn trưởng thành hơn em gấp bội tâm sự vài điều. Khuôn miệng tôi không nhịn nổi khẽ mỉm cười. Tôi nhớ em quá. Tôi cũng quyết rồi, tôi sẽ tiếp tục vẽ, tôi không chạy trốn nữa.

Tôi thấy được khuôn mặt phúng phính búng ra sữa của em rồi, thấy cả đôi gò má nhô cao khi cười hửng đỏ, thấy cả mang tai vì ngại mà ửng hồng. Chỉ là tôi chưa được nghe giọng em, tôi muốn nghe quá.

Cầm trên tay chiếc máy trợ thính mới tinh. Tôi muốn biết biểu cảm của em khi nghe thấy giọng tôi, liệu em có thích giọng tôi không nhỉ? Tò mò quá.

Hít một hơi thật sâu, rồi cười thật tươi tạm biệt em trai của em. Tôi lại quay về Seoul.

"Khóc, đôi khi là một kiểu cười. Và ngược lại."

end.

Tớ có nên làm thêm một chap không nhỉ, dưới góc nhìn của em thỏ ấy.

https://bili.im/rHxBVK1

Coi cái này cuti cực ạ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top