1 - Điện ảnh "Lolita" (1997)

"Em là Lo. Là Lo thuần khiết trong buổi sớm ấy. Cô bé cao một mét rưỡi chỉ xỏ tất một chân, mặc những chiếc quần thụng. Khi ở trường em là Dolly. Trên giấy khai sinh em được gọi là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, em mãi là...Lolita. Tia sáng của đời tôi. Tình yêu của tôi. Tội lỗi tôi. Linh hồn tôi. Lolita".

"Lolita" (1997) của đạo diễn Stephen Schiff được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn thiên tài người Nga Vladimir Nabokov. Bộ phim nói về tình yêu sai trái của giảng viên văn học Humbert dành cô bé Dolores Haze. Trước hết phải nói, "Lolita" được thuật lại bởi cái nhìn và tâm lý của Humbert, không phải một cái nhìn thứ 3 từ phía tác giả nên không thể xem là cổ xúy ấu dâm hay bại hoại đạo đức, cho nên các hình ảnh quyến rũ, khiêu gợi của Dolores trong phim đều được thuật lại qua con mắt và cảm nhận của Humbert. "Lolita" chính là lên án những kẻ ấu dâm, luôn nhân danh tình yêu để thực hiện hành vi đồi bại, đem mọi tội lỗi đổ lên người các nạn nhân.

Về nội dung, Humbert là một người đàn ông trung niên làm giảng viên văn học, có chấp niệm với một mối tình niên thiếu "điên dại và nhuốm màu tuyệt vọng" cùng Annabel. Không may, người tình của ông mất vì bệnh sởi bốn tháng sau đó. Cái chết của cô nàng đã gây cú shock rất lớn cho Humbert, mà theo như ông nói, "khi cô ấy chết đi đã đóng băng thứ gì đó trong tôi". Chính tình yêu cuồng dại với nàng Annabel năm 14 tuổi đã dẫn đến "sở thích" bệnh hoạn của ông đối với thiếu nữ dậy thì, cụ thể là Dolores Haze, hay như ông gọi là Lo. Lo là con gái của bà chủ nhà trọ nơi ông chuyển đến - Charlotte Haze. Charlotte yêu Humbert, nhưng ông không mảy may chút gì đến bà ta. Humbert quyết định kết hôn với Charlotte chỉ với mục đích được ở bên cạnh Lo, hằng đêm luôn cho bà uống thuốc ngủ để thoát khỏi "nghĩa vụ của một người chồng". Một ngày nọ, Charlotte phát hiện ra sự thật ghê tởm ấy, định gửi thư đến trại hè của Lo thì không may gặp tai nạn giao thông mà chết. Humbert đến trại hè của cô bé, đón cô ấy đi, đưa cô lang bạt từ thành phố này qua thành phố khác trên con xe cũ cùng chiếc xe đạp treo ở cốp xe. Humbert xem những ngày tháng này chính là thiên đường, "một thiên đường có bầu trời rực lửa của địa ngục, nhưng là một thiên đường đúng nghĩa". Những ngày tháng ấy kết thúc bằng sự cố Lo bị nhiễm virus phải nhập viện và em đã biến mất cùng Clare Quilty - một gã trung niên tự xem mình là "nghệ sĩ" của những vở kịch. Humbert điên cuồng tìm kiếm Lo, nhưng tất cả đều chìm trong vô vọng. Mãi cho đến 3 năm sau, Lo chủ động viết thư cho ông, ông mới nắm được tung tích của Lo. Lo giờ đây đã kết hôn và mang thai cùng chàng thanh niên khác. Humbert đến và cho Lo tiền để giải quyết nợ nần, ngỏ lời cầu xin cô hãy quay về bên ông, như lúc trước. Lo từ chối. Humbert sau đó đã đến "giải quyết" Quilty tại nhà hắn. Cuối phim là cảnh Humbert bị cảnh sát vây bắt, mắt ông vẫn nhìn về phía ngôi trường cùng những ý nghĩ về nàng thơ Lo của mình: "Lo không chỉ vắng bóng bên cạnh tôi, mà cả giọng của em cũng thiếu mất trong bản hòa âm kia". Humbert chết trong tù ngày 16/11/1950, Lo mất vì sinh con vào đêm Giáng sinh.

Một chút cảm nhận của mình về bộ phim. Có thể nói, đây là một bộ phim xuất sắc nhất mình từng xem, vượt lên trên cả "Người vợ ba" (Một bộ phim điện ảnh của đạo diễn Ash Mayfair, lấy bối cảnh thế kỷ XIX tại nông thôn Bắc Bộ, kể về cuộc đời đầy cay đắng của Mây - cô gái 14 tuổi phải trở thành vợ ba của một địa chủ, đại diện cho số phận bi thảm của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ trước). Các góc quay ái muội, cách sắp xếp tình tiết xoay vòng với mở đầu là cuộc truy bắt Humbert và quay về thực tại sau dòng hồi tưởng cũng là cuộc truy bắt ấy. Đạo diễn cho ta thấy được một cái nhìn lãng mạn của một tên ấu dâm đối với tội lỗi của mình. Trong phim, nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy không ít lần Lo khóc và đau khổ sau mỗi cuộc hoan ái với Humbert. Ánh mắt căm thù và ý nghĩ để dành tiền cho mục đích thoát khỏi Humbert của Lo đã thể hiện rõ: Humbert là tên tội phạm ấu dâm, và chính cô cũng kinh tởm, ghê sợ hắn. Humbert luôn lãng mạn hóa và nhân danh tình yêu cho tội lỗi của mình. Hắn yêu Lo? Hay chỉ yêu bản thân, muốn thỏa mãn cái thú tính của mình về ám ảnh một cuộc tình niên thiếu đã chết? Hắn yêu bản thân hắn, bằng chứng và hắn từng tát Lo rồi lại cuống cuồng xin lỗi, từng không muốn cô tham gia vở kịch của trường vì sợ Lo tiếp xúc với nam sinh khác, từng hãm hiếp và bóp cổ cô khi cô không nói cho hắn về danh tính của kẻ bám đuôi lạ mặt. Một tình yêu điên dại, bệnh hoạn, ích kỷ thì làm sao có thể gọi là nhân danh tình yêu để được rửa tội?

Hệ thống hình ảnh trong phim cũng rất ý nghĩa. Đầu tiên là những chú chó, chúng xuất hiện nhiều lần trong phim với những cảnh mở đầu một nút thắt. Dog viết ngược lại là God, và chúng chỉ sủa hăng đối với Humbert, như thể Đức Chúa Trời đã nhìn thấu được sự tội lỗi bên trong hắn, là sự cảnh báo về một con quỷ đội lốt kẻ si tình. Tiếp đến là cảnh trong khách sạn "tràn đầy tiếng kêu mãn nguyện" mà Humbert đón Lolita đến sau khi Charlotte mất - nơi khởi đầu của những chuỗi ngày tội lỗi chốn thiên đường của hắn. Khi Humbert cho Lo ngủ rồi đi xuống lầu, hắn đi ngang bức tranh vẽ các thiếu nữ khỏa thân của Hy Lạp (mình không rõ tên nên để ảnh ở dưới) cùng các vị mục sư đang trò chuyện "Chúa biết mọi thứ, Người nhìn thấy tất cả và tha thứ cho mọi điều". Sau đó hắn ra bên ngoài, bắt gặp Clare Quilty - một vẻ bệnh hoạn không kém cạnh gì. Hình ảnh những con thiêu thân lao vào đèn côn trùng nổ đôm đốp nhưng vẫn cứng đầu trong cảnh này cũng chính là Humbert - điên dại lao vào một cuộc tình đầy rẫy tội lỗi. Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết hay như Lo luôn gọi Humbert là "bố", Humbert giữ chiếc kẹp tăm của Lo bên mình, hay như lúc Humbert từ biệt Lo để quay về nhưng trong mắt hắn chỉ có bóng dáng Lo 12 tuổi. Phim còn rất nhiều chi tiết hay nhưng ở đây mình chỉ kể ra những chi tiết mình tâm đắc nhất mà thôi.

Về mặt hạn chế, đầu tiên là nội dung. Nội dung khá nhạy cảm, góc nhìn nhân vật "tôi" - Humbert làm cho khán giả dễ hiểu lầm về mục đích bộ phim, hoặc dễ đồng cảm với tình yêu biến thái của kẻ si tình với giọng tâm sự ngọt ngào. Mọi thứ đều hoàn hảo với mình cho đến cảnh Humbert trả thù Quilty tại nhà hắn. Các cảnh nóng trước đó được quay rất tỉ mỉ, không gây phản cảm thì đến cảnh này lại rất kinh dị hợm: Quilty khỏa thân lộ nguyên con khi Humbert cầm súng truy sát. Mình cảm thấy tam quan muốn vỡ vụn vì cảnh này. Đúng là bộc lộ được sự bệnh hoạn, đê hèn, bẩn thỉu của Quilty nhưng mà cần quay khéo hơn để ai cũng hiểu không cần phải lồ lộ ra, đánh mất tính thẩm mỹ và nghệ thuật của cả bộ phim.

Trên đây là cảm nhận của mình về phim với vị thế của một khán giả không có kiến thức điện ảnh. Hãy xem thử đi, mình chắc nó đáng giá. Và mình sẽ tìm thêm bản năm 1962 và tiểu thuyết gốc để đọc thêm. Chúc mọi người vui vẻ.

Đây là link phim:
http://www.phimmoi.net/phim/nang-lotita-6909/xem-phim.html

#1314

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #review