Hoàng Thái Cực - Hải Lan Châu
MỘT CHUYỆN TÌNH ĐI VÀO LỊCH SỬ
Mẫn Huệ Cung Hòa nguyên phi, hán danh Hải Lan Châu, nàng sinh ngày 11 tháng 11 năm 1609 và tạ thế ngày 8 tháng 10 năm 1641. Chuyện tình giữa nàng và Hoàng Thái Cực (cụ cố của vua Càn Long) sâu đậm đến mức nó đã trở thành huyền thoại lan truyền suốt lịch sử nhà Thanh, cùng với chuyện tình giữa Thuận Trị Đế và Đổng Ngạc phi.
Nàng là cháu gái của Hiếu Đoan Văn hoàng hậu (hán danh Triết Triết), dòng dõi của nàng có quan hệ gần với em trai Thành Cát Tư Hãn, thân phụ là Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Trại Tang. Nàng cũng có hai đứa em cùng cha khác mẹ, một em gái tên Bố Mộc Bố Thái (hán danh Đại Ngọc Nhi, người sẽ trở thành Hiếu Trang Văn hoàng hậu), một em trai tên là Ngô Khắc Thiện. Có thuyết cho rằng, mẹ của Hải Lan Châu chỉ là thân phận tiểu thiếp thấp hèn, nên nàng thường xuyên bị ngược đãi, đánh đập và cũng không được xem là "Cách cách" như em gái Đại Ngọc Nhi. Luôn sống trong cơ hàn và khổ sở, nàng đã lớn lên trong sự vất vả của một nô tỳ, bị đối xử bất công và thường chịu thua thiệt so với các anh em khác.
Năm 1614, người cô cô của Hải Lan Châu tên là Triết Triết được gả cho Hoàng Thái Cực, người kế thừa Hậu Kim (tức Đại Thanh sau này) để củng cố quyền lực giữa hai gia tộc. Trong giai đoạn chưa nhập quan, các đại hãn Ái Tân Giác La thị rất xem trọng những hoàng tử mang dòng máu Ái Tân Giác La và Bát Nhĩ Tề Cát Đặc, nhiều cuộc hôn nhân chính trị với Mông Cổ đã diễn ra, và Triết Triết được chọn làm đại phúc tấn.
Nhưng sau chín năm, cô cô Triết Triết chỉ sinh được ba hoàng nữ mà không có nổi một đứa con trai nào, Hoàng Thái Cực tỏ ra thất vọng, Trại Tang mới đề nghị sẽ gả Đại Ngọc Nhi cho ông. Thế là vào năm 1634, em gái của nàng trở thành trắc phúc tấn của con trai đại hãn. Trại Tang không cho Hải Lan Châu theo cùng em gái vì nghĩ thân phận nàng không xứng đáng. Nhưng ngay cả Đại Ngọc Nhi cũng không có được tin vui sau một thời gian kết hôn, trong cung bắt đầu đồn đoán rằng con gái bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm không có phúc sinh con trai kế thừa cho Hậu Kim. Không còn cách nào khác, Trại Tang đành phải chọn đứa con gái của tỳ thiếp là Hải Lan Châu dâng cho Đại Hãn như một hạ sách.
Khi bị gả đi, Hải Lan Châu đã 26 tuổi, có ý kiến cho rằng trước đó nàng từng kết hôn với một tướng sĩ của bộ tộc tên là Trác Lâm, nhưng Trác Lâm lại tử trận sa trường.
Khi vừa mới nhập cung, bà trở thành trắc phúc tấn của Hậu Kim. Hoàng Thái Cực vừa nhìn thấy đã yêu nàng say đắm, sự sủng hạnh vượt qua cả người cô cô Triết Triết và em gái Đại Ngọc Nhi. Ông yêu nàng nhiều tới mức chỉ sợ không thể để người trong thiên hạ biết, một lòng với nàng, ân ái không dứt, như hình với bóng, bất kể thân phận nàng thấp kém, ông cũng chẳng hề quan tâm.
Năm 1636, Hoàng Thái Cực chính thức trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Thanh triều, công lao to lớn thành lập nên nhà Thanh của ông chỉ có Khang Hy mới có thể sánh được. Ông phong cô cô Triết Triết làm hoàng hậu, lập ra tứ phi. Em gái Đại Ngọc Nhi nhập cung trước nàng 9 năm cũng chỉ được phong làm Trang phi, là tước vị thấp nhất trong tứ phi thời đó. Địa vị của Hải Lan Châu lại là thần phi, tước vị cao nhất trong chúng phi, còn đặt cho cung nàng ở là Quan Thư, vốn là tên của một bài thơ trong Kinh Thi bày tỏ tình yêu sâu sắc của đấng phu quân đối với vợ mình.
Ngày 8 tháng 7 năm 1637, Thần phi Hải Lan Châu hạ sinh hoàng bát tử, Hoàng Thái Cực lập tức ban chiếu ân xá trong thiên hạ, đó cũng là chiếu cáo ân xá đàu tiên trong lịch sử Đại Thanh. Còn định lập hoàng thái tử kế vị, nhưng vào năm 1638 hoàng bát tử đã đoản mệnh qua đời. Hải Lan Châu đau đớn u uất đến mức lâm bệnh, Hoàng Thái Cực vẫn cố gắng sắp xếp mọi việc để ở bên cạnh nàng, cùng nàng vượt qua khó khăn, ông cấm bày yến tiệc trong nhiều năm, thậm chí Đại Ngọc Nhi (Trang phi) hạ sinh Phúc Lâm, là người kế tự sau này, ông cũng chẳng màng để ý.
Nhưng vì tâm trạng quá u sầu đa cảm, sức khỏe của Thần phi Hải Lan Châu trở nên suy kiệt, nàng không thể ăn uống gì nổi, chỉ nằm bất động trên giường.
Tháng 9 năm 1641, Hoàng Thái Cực đang dẫn quân quyết tử chiến ở Cẩm Châu thì hay tin dữ của đặc viên ở Thịnh kinh:
"Thần phi nương nương không xong rồi! Hoàng thượng, Thần phi nương nương không xong rồi!"
Nghe xong, Hoàng Thái Cực vội vã gác bỏ hết mọi việc, bất kể đường về Thịnh Kinh trời đông giá rét, ông cũng chẳng hề quan tâm. Trên con đường dài tuyết rơi mù mịt, ông tức tốc thúc ngựa thật nhanh với hi vọng được nhìn thấy Hải Lan Châu lần cuối, ngựa xuất hành cả ngày lẫn đêm trong mùa đôg khắc nghiệt, đến nỗi cả năm con ngựa tốt cũng gục chết. Thế nhưng đã không kịp nữa rồi!
Ngày 18 tháng 9, Thần phi Hải Lan Châu đã kiệt quệ qua đời, hưởng dương ở tuổi ba mươi ba. Sau cái chết đột ngột của vị ái phi, Hoàng Thái Cực rơi vào tuyệt vọng, ông đau đớn nhiều đến mức khóc ngất đi tỉnh lại, cả sáu ngày sáu đêm đều không ăn không uống, cơ thể vì kiệt sức mà hôn mê. Tang lễ của Thần phi được cử hành theo quốc tang, ngay ngày sơ tế Thần phi, Hoàng Thái Cực tự tuyên đọc tế văn, cứ mãi thẫn thờ trước mộ nàng, rót rượu, ngâm thơ. Ông truy phong cho nàng thụy hiệu là Mẫn Huệ Cung Hòa Nguyên Phi, chữ "Nguyên Phi" vốn chỉ dùng cho các chính thê hoàng hậu, nếu đứng trong hậu cung thời Hậu Kim, tức là ông đã phong nàng làm người vợ cả.
Hải Lan Châu cũng là phi tần có thụy hiệu dài nhất trong suốt lịch sử Đại Thanh. Hai năm sau, vì quá thương nhớ Thần phi, Hoàng Thái Cực u uất đến mức lâm trọng bệnh và băng hà vào năm 1643. Ông được xem là một trong hai vua si tình nhất Thanh triều cùng với Thuận Trị Đế. Tình yêu sâu đậm giữa Hoàng Thái Cực và Hải Lan Châu thường được hậu thế nhà Thanh về sau nhắc đến.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top