goc nhin binh dinh (dostbinhdinh.org.vn)

Ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học ở Bình Định -Hiện tại và tương lai.

Công nghệ sinh học (CNSH) là một ngành khoa học công nghệ cao; những năm qua CNSH đã có những bước phát triển vượt bậc, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao trong các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành nông-lâm-ngư nghiệp, y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. CNSH còn bổ sung thêm cho con người những nhận thức và hiểu biết về thế giới sống đang tồn tại trên trái đất.

Những năm qua, từ khi cập nhật và phát triển, công tác nghiên cứu ứng dụng CNSH ở tỉnh Bình Định đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các Trung tâm nghiên cứu phát triển và các phòng thí nghiệm CNSH đã giải quyết được một số vấn đề mà nhu cầu sản xuất đòi hỏi, có khả năng tiếp thu chọn lọc những thành tựu KHCN về CNSH và từng bước ứng dụng trong điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng CNSH nhân giống và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi đã đem lại kết quả đáng kể trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, cải tạo vườn tạp, trồng rừng năng suất cao, góp phần làm thay đổi sản xuất nông-lâm nghiệp ở tỉnh. Những kết quả về phát triển CNSH được thể hiện ở các mặt dưới đây:

*Đầu tư tiềm lực KH&CN về CNSH:

Trong những năm qua, ở các ngành, các cấp của tỉnh, một đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm công tác nghiên cứu, ứng dụng CNSH và các công việc gắn với CNSH đã được đào tạo và làm quen với công việc. Đội ngũ cán bộ này đã cố  gắng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để đưa được nhiều sản phẩm của CNSH vào sản xuất và đời sống ở địa phương. Tuy nhiên, về số lượng thì đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm công tác nghiên cứu, ứng dụng CNSH còn quá mỏng, phân tán ở nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, ngành nghề; và do những khó khăn khác nhau, đặc biệt còn thiếu thông tin khoa học công nghệ về CNSH và thiếu các phương tiện nghiên cứu - triển khai nên kiến thức của đội ngũ cán bộ này ít được cập nhật, bổ sung và chưa được  đào tạo chuyên sâu, vì vậy không theo kịp những tiến bộ của CNSH trong nước và trên thế giới.

Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ ở một số ngành kinh tế - kỹ thuật đã được hình thành, đó là các đơn vị như: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN;Trung tâm khuyến nông; Trung tâm khuyến ngư và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thuỷ sản; Trung tâm KHKT vật nuôi; các Trạm khuyến nông các huyện, thành phố, Trung tâm y tế dự phòng; Công ty Dược - Trang thiết bị y tế và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền Trung (thuộc Viện chăn nuôi); Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Duyên hải-Nam Trung bộ; Xí nghiệp giống Lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ, Trường Đại học Quy Nhơn; Viện sốt rét và ký sinh trùng- côn trùng Quy Nhơn... Tuy nhiên, do cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn cùng với việc chưa có cơ chế chính sách phát triển về CNSH của tỉnh nên phần lớn các cơ quan này chưa đủ năng lực và chưa thật sự chú trọng đến việc triển khai ứng dụng mạnh mẽ các sản phẩm CNSH vào thực tiễn sản xuất ở địa phương.

* Kết quả nghiên cứu ứng dụng CNSH trong thời gian qua.

Những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác nhân giống, phục tráng giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, phương pháp giâm hom và chiết ghép tiên tiến, cụ thể:

+ Đã nhân thành công các giống chuối già lùn, già hương, chuối sứ, chuối cau; các giống dứa Cayen, Đài nông (Đài Loan); các giống mía F156, ROC10, ROCI8, ROC20; các giống cây lâm nghiệp như: Bạch đàn E.Urophylla, keo lai, trầm hương, giổi xanh,... từ các giống nhập ngoại và phục tráng giống địa phương do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện. Mỗi năm cung cấp hàng triệu cây giống mỗi loài phục vụ yêu cầu cải tạo vườn tạp, trồng rừng và phát triển kinh tế

gia đình.

+ Sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, hoocmon thực vật nhân nhanh các giống cây ăn quả và cây công nghiệp, cây lâm nghiệp bằng phương pháp giâm cành, chiết ghép tiên tiến như: Xoài, ổi, sapoche (hồng xiêm), điều, táo, nhãn, chanh, quít, keo lai, phi lao, ... mỗi năm cung cấp hàng triệu cây mỗi loại và đã góp phần làm thay đổi đáng kể việc cải tạo vườn tạp phát triển trang trại và trồng rừng ở Bình Định.

+ Việc chọn tạo giống lúa và làm thuần giống lúa bằng phương pháp nuôi cấy bao phấn cũng đã được thực hiện thành công, đến nay cũng đã được chọn trên 100 dòng triển vọng do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện.

+ Việc nhân và giữ các giống bất dục của lúa 2 dòng cũng đang được thực hiện và thu được kết quả bước đầu.

Trong nhân giống vật nuôi và sản xuất thức ăn gia súc, thông qua việc nhập tinh đông lạnh và sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đã xác định các giống bò lai có tốc độ tăng trưởng khá từ 300 - 400 gam/con/ngày. Cải tiến việc chọn lọc con đực giống để sản xuất tinh lỏng, nhằm tạo giống heo nuôi thịt có tỷ lệ nạc cao. Khảo sát khả năng thích nghi và chọn lọc được một số loại gia súc, gia cầm nhập nội có thể triển khai đại trà ở Bình Định như: Dê Bách thảo, Dê Ấn Độ, Cừu, Gà Tam hoàng, vịt Kalicampell và CV.Super M,... ứng dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý các chất thải nông nghiệp như rơm rạ, ngọn mía, thân ngô, dây lạc,... thành thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao cho trâu bò.

Đã ứng dụng rộng rãi các vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm. Sử dụng các kháng sinh đặc trị để ngăn cản sự lây lan thành dịch sang các khu vực khác; phối hợp với Viện Thú y sản xuất vacxin phòng bệnh phù đầu ở Lợn con từ chủng E.coli được phân lập tại Bình Định, có giá thành hạ so với vacxin nhập ngoại.

Trong công nghiệp chế biến, các sản phẩm của quá trình lên men như: Bia, rượu, sữa chua, thạch dừa, rau quả đóng hộp, bánh mì, tương chao, nước chấm,... đang được quan tâm đầu tư và phát triển sản xuất, tiêu thụ ở tỉnh. Tuy nhiên, mức độ sản xuất hiện nay còn rất thấp, chưa phát huy hết được tiềm năng của tỉnh. Trong thời gian tới cần tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và tăng lượng hàng hoá có giá trị xuất khẩu.

Phát triển mạnh mẽ kỹ thuật nhân giống nhân tạo Tôm Sú cung cấp giống cho các hộ nuôi tôm trong và ngoài tỉnh. Đang thử nghiệm mô hình nuôi cá rô phi đơn tính dòng GIFT. Áp dụng thành công trong việc nuôi cấy tảo và lưu giống tảo làm thức ăn cho tôm giống. Xây dựng mô hình nuôi tôm phòng bệnh nhằm khắc phục tình trạng dịch bệnh gây chết hàng loạt trong các hồ nuôi tôm do nhiễm virus và nâng cao năng suất cho nghề nuôi tôm.

Đã áp dụng thành công kỹ thuật hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi làm chất đốt rẻ tiền và bảo vệ môi trường nông thôn, hiện nay, mô hình được nhân rộng ở cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh.  Một số lĩnh vực về xử lý rác thải đô thị, nước thải công nghiệp bằng phương pháp sinh học đang được nghiên cứu ứng dụng.

Trong lĩnh vực  y tế và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân đã triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng các bệnh: Lao, ho gà, bại liệt, sởi, bạch hầu, uốn ván, bệnh dại, sốt rét, viêm gan B,... cho nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và các bà mẹ mang thai và sản xuất được 32 loại thuốc chữa bệnh có nguồn gốc là các sản phẩm CNSH, được Bộ y tế Việt Nam cho phép lưu hành trong toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.

*Một số suy nghĩ về định hướng phát triển và ứng dụng CNSH ở Bình Định đến năm 2010 và các giải pháp thực hiện

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông tri số 09-TT/TU ngày 11 tháng 8 năm 2005 của Tỉnh ủy Bình Định về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển và ứng dụng CNSH ở tỉnh Bình Định đến năm 2010 và những năm tiếp theo nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

- Cần gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cho CNSH để có được đội ngũ cán bộ khoa học về CNSH đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ nay đến 2010  cần đào tạo  được từ 70 - 80 cán bộ CNSH, trong đó 8 -10 thạc  sỹ, tiến sỹ; mặt khác cần có chính sách rõ ràng để thu hút được các nhà khoa học về CNSH trong và ngoài nước về công tác tại tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho mạng lưới các phòng thí nghiệm CNSH chuyên ngành gồm 10 phòng, trong đó đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm đang hoạt động có hiệu quả, phấn đấu đến năm 2010 nâng cấp 3 phòng thí nghiệm và hoàn chỉnh dự án đầu tư 2 phòng thí nghiệm mới đưa vào hoạt động.

- CNSH được ứng dụng mạnh mẽ trong việc tạo và nhân giống cây trồng mới có năng suất chất lượng và hiệu quả cao cho phát triển nông, lâm nghiệp và cây dược liệu, nấm ăn. Sản xuất phân bón sinh học, chế phẩm sinh học trừ sâu - bệnh cho cây trồng và vật nuôi, các giống thủy sản sạch bệnh; ứng dụng các chế phẩm chẩn đoán (KIT) bệnh cây trồng, vật nuôi, ngăn chặn các bệnh dịch lớn; ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và phát triển nhanh số lượng, chất lượng đàn giống và sản phẩm vật nuôi. Bảo tồn phát triển và sử dụng nguồn gen quý. Xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh và các chất dư lượng độc hại khác.

 - CNSH phục vụ sản xuất kháng sinh, chế phẩm y sinh từ thảo dược; ứng dụng 10 loại vacxin phòng các bệnh chính cho người, trong đó có vacxin thế hệ mới và công nghệ KIT chẩn đoán bệnh.

- CNSH phục vụ cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm cổ truyền như bia, rượu, mắm, tương, chao,... và bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm.

Để thực hiện đạt kết quả các nội dung trên, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

 - Xây dựng và áp dụng chính sách thu hút, đa dạng hoá các nguồn đầu tư trong nước và ngoài nước cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNSH; có chính sách ưu đãi cho phát triển nhanh các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

- Ưu tiên đầu tư cho các dự án, đề tài về CNSH. Các dự án, đề tài KHCN về CNSH cần tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, y tế và bảo vệ môi trường.

- Nội dung KHCN của các dự án, đề tài về CNSH phải được gắn kết, lồng ghép trong các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Có chính sách ưu đãi về thuế, vay tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ; bảo hộ các sản phẩm CNSH đã được sản xuất tại tỉnh

- Bố trí nguồn vốn khoa học công nghệ hàng năm đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở vật chất và phát triển tiềm lực CNSH.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #135