Liệu đó là giải pháp?

Đôi điều về trầm cảm và những hiểu lầm có thể bạn không biết !?

Vấn đề nó là như thế này, mọi người nghĩ rằng người ta tự tử vì tuyệt vọng, vì cô độc, vì gánh nặng tâm lý, vì mọi người đối xử tệ, vì một tỷ thứ lý do bất hạnh và khổ đau trên cái cõi đời ô trọc này, nhưng đấy chỉ là một mặt, và thường lại là mặt dễ nhìn thấy nhất của rất nhiều người "không bị trầm cảm". Thế nên họ sẽ khuyên những người đấy đi học thiền, đi du lịch, đi làm từ thiện, đi thế này thế kia để nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh hơn, hoặc đơn giản hơn là tập thể dục đều đặn, ăn uống "heo-thì", sinh hoạt điều độ, vân vân và vân vân. Nhưng tất cả vẫn chỉ là một mặt, và thường lại là mặt dễ nhìn thấy nhất, đối với những người "không bị trầm cảm".

Có lẽ sẽ không có mấy người tin rằng, lắm lúc người ta muốn tự tử chỉ vì đấy là... tác dụng phụ của một loại thuốc chống  trầm cảm. Không tin à, thử Google tìm kiếm Venlafaxine, một loại thuốc trầm cảm và đọc thử xem nhé. Hoặc cũng có lẽ sẽ không mấy người tin rằng, người ta tự tử không phải vì họ muốn tự tử, mà chỉ đơn giản đối với họ đấy là cái lựa chọn tất nhiên, như mọi việc phải thế thôi. Và đấy mới là sự nguy hiểm của việc tự tử do bênh lý tâm lý. Tệ hơn là đối với mỗi người, thì sự tác động của bệnh tâm lý lên ý nghĩ tự tử khác nhau.

Tôi không ngại chia sẻ về vấn đề này lắm. Vấn đề về trầm cảm. Trước thì có. Giờ thì sau mười một năm chung sống với nó, mười tám năm chung sống với người thân có nó, tôi thấy nó là việc bình thường, là việc hàng ngày, và tôi viết cái này, là để nếu chẳng may ai đọc được mà đang bị, thì bạn yên tâm rằng tôi hiểu, tôi rất hiểu. Rồi nếu như bạn muốn nói chuyện với tôi về trầm cảm, tôi sẵn lòng lắng nghe. Nhiều khi tôi biết đấy là điều duy nhất bạn cần lúc này, đôi khi là tôi cần lúc khác.

Ý nghĩ tự tử là một dạng ý nghĩ xâm nhập (intrusive thoughts), và đối với người bệnh trầm cảm, đôi khi lúc nào nó cũng ở đấy. Nằm ở đâu đó, chỉ chực chờ là trỗi dậy đôi khi là ngay trong những hoàn cảnh bình thường nhất do mất cân bằng hormone, chứ không chỉ lúc buồn. Đối với mỗi người, sự mất cân bằng hormone này lại diễn ra theo xu hướng khác nhau, thời gian khác nhau. Bạn có thể thấy vô lý và buồn cười khi tôi nói rằng tôi nghĩ đến tự tử hàng ngày trong những giai đoạn bị trầm cảm, nhưng sự thật là như vậy. Tất nhiên tôi có cách chống lại nó, và tôi sẽ nói sau. Nhưng những giai đoạn như thế, tôi không vui, cũng không buồn, tôi không hi vọng, cũng không thất vọng, không chán, cũng không muốn. Nó chỉ đơn giản là... như thế. Rất nhiều người nghĩ rằng đau khổ là thứ cảm xúc khủng khiếp nhất, nhưng tôi phải phản đối tí chút. Tôi nghĩ rằng thứ khủng khiếp nhất với con người là không cảm thấy cái gì cả.

Nó diễn ra có thể trong một thời gian ngắn, chỉ mấy phút, nhưng cũng có thể trong một thời gian dài, cả tuần, rất dài, cả tháng. Hiếm người có thể chịu nổi cả một năm liên tục như vậy lắm. Cả thân người bạn rất nặng nề, toàn bộ cảm giác đi đâu hết. Bạn nghe nhưng không nhớ được. Bạn nhìn nhưng không biết mình nhìn gì. Bạn làm nhưng không để tâm. Bạn muốn cười nhưng không biết cười như thế nào. Bạn muốn khóc nhưng không làm sao để khóc được. Trong toàn bộ cái quãng thời gian đấy, thứ duy nhất bạn muốn, là thứ "không cảm giác" này kết thúc. Đấy là lúc ý nghĩ tự tử trở thành hiển nhiên, thành không thể cưỡng lại được.

Đừng nói với những người ở trong trạng thái đấy rằng họ cần phải vui hơn vì cuộc đời này có nhiều thứ đáng để sống, rồi đưa cho họ một bức ảnh đẹp đẽ ở một nơi xa xăm nào đó bạn đi qua và nói rằng du lịch sẽ chữa lành tất cả. Bởi vì họ sẽ nhìn bức ảnh đấy và không cảm thấy gì cả. Đừng nói với những người ở trong trạng thái đấy họ cần phải nhìn những cảnh đời khó khăn hơn để cảm thấy cuộc đời mình vẫn đáng sống. Bởi vì nó sẽ trôi tuột qua đầu họ mà thôi. Đừng nói với những người trong trạng thái đấy về triết học, về văn học, về nghệ thuật, về lý luận, về ty tỷ thứ kiến thức trên cuộc đời này. Bởi vì đôi khi, chính vì họ biết hơn bạn rất nhiều về những thứ đấy, họ mới rơi vào trạng thái đấy đấy.

Vậy thì bạn hỏi tôi, thế phải làm sao giờ? Nếu đã như thế rồi thì làm sao mà cứu được họ bây giờ?

Thực sự mà nói tôi cũng không biết câu trả lời. Lần đầu tiên tôi ở bên cạnh một người muốn tự tử là bố tôi, hè năm lớp 7. Ông nói rằng ông muốn chết, và tôi chỉ biết ôm ông mà khóc. Còn ông thì hoàn toàn không nhỏ một giọt nước mắt. Một giọt cũng không. Cũng không ôm lại tôi. Hoàn toàn là một tảng đá, sống mà bạn vẫn có thể cảm thấy sự lạnh ngắt, sự trống rỗng. Không gì cả.

Nào, nghĩ đi, làm thế nào để so sánh giữa "có một cái gì đó", và "không gì cả"?

Triết học một tí nhé. Con người không có nhiều lựa chọn khi đứng trước cái "không gì cả" đấy. Bởi vì nó là một màn đêm thăm thẳm đủ khả năng nuốt trọn tất cả. Tất cả, chứ đừng nói gì chút tiền bạc nhỏ nhoi, chút danh phận cỏn con, chút tình yêu thi thoảng được ban phát, chút cuộc sống ngắn ngủi của cuộc đời này. Những người tự tử vì trầm cảm, không chỉ biết được điều đấy sớm hơn, mà còn cảm nhận được nó sớm hơn, ngay lập tức. Và những thứ hỗn loạn hóa học trong não họ còn lừa dối họ khiến họ chắc chắn về quyết định đấy của mình. Vô cùng chắc chắn, bởi làm như vậy thì họ sẽ không phải chịu cái thứ áp lực "không gì cả" khủng khiếp đấy, một nỗi đau vô hình.

Một ví dụ cho dễ hiểu hơn này, và thực ra thì dịch lại của David Foster Wallace cho tiện, đỡ phải nghĩ:

"Người trầm cảm tự tử không làm vậy vì "tuyệt vọng" hay bất ký thứ giác ngộ nào về việc cuộc đời này không công bằng. Và chắc chắn không phải vì cái chết là thứ gì đó lôi cuốn cho lắm. Đôi khi sự đau đớn vô hình sẽ đạt đến mức độ không thể chịu nổi khiến họ tự kết liễu bản thân theo cái cách một người bị kẹt trong đống lửa phải nhảy ra khỏi cửa sổ trong một tòa cao ốc nào đó. Đừng có nhầm lẫn về người nhảy ra khỏi cửa sổ đang cháy đó. Nỗi sợ rơi xuống từ trên cao tít đó cũng chẳng kém gì nỗi sợ của tôi hay bạn đứng cùng ở cái cửa sổ đấy nhìn xuống; hay nói một cách khác, nỗi sợ rơi xuống luôn luôn ở đó không bao giờ thay đổi. Thứ thay đổi ở đây là nỗi sợ khác, cái lưỡi lửa đang chực chờ kia: khi nó đến gần, rơi xuống chết có vẻ như là lựa chọn ít đau đớn hơn. Chẳng ai muốn rơi xuống cả, nhưng đám lửa kia thì lại đem đến cảm giác khủng khiếp hơn. Và không ai đứng ở dưới, những người hét vọng lên 'Đừng!', 'Cố gắng thêm tí nữa!' có thể hiểu được vì sao người kia lại nhảy. Khó mà hiểu được. Bạn phải thực sự bị kẹt và cảm nhận được sức nóng khủng khiếp của lửa để hiểu được một nỗi sợ còn vượt quá nỗi sợ rơi xuống."

Nghe chán đời nhỉ. Nhưng sự thực là vậy. Và bởi vì không hiểu, người ta thường bỏ qua những con người đang đem trong mình cái quả bom nổ chậm đó. Đừng tìm kiếm những dấu hiệu, không có ích gì đâu. Đừng thấy họ rơi thõng xuống thì "muốn họ vui lên", "dạy cho họ bài học cuộc đời", "cho họ thấy những điều hạnh phúc hơn hoặc đau khổ hơn". Đừng đánh giá. Cũng đừng bỏ cuộc. Đôi khi những gì bạn cần làm, là đứng đó, nhìn họ, với tất cả sự kiên nhẫn và bao dung một con người dành cho một con người, để họ cảm thấy một chút hơi ấm và ánh sáng trong cái lạnh lẽo đen ngòm vô tận của "không gì cả" kia, và cầu mong họ sẽ đi theo hơi ấm và ánh sáng ấy, trong một quãng thời gian nào đó.

Còn nếu bạn đang mang trong mình cái bóng đen đó, thì tôi cũng chẳng biết khuyên thế nào. Đấy là sự thật. Mỗi người sẽ buộc phải tìm cho mình một cách để chống chọi nó mỗi ngày. Tôi có vài cách. Nhưng một trong những cách đó là "nguyên tắc ba ngày". Đó là, chỉ cần tôi tìm thấy được bất kỳ thứ gì khiến tôi cảm thấy vui vẻ, dù chỉ là chốc lát, tôi sẽ sống thêm ba ngày nữa. Còn lắm lúc cũng chẳng cần phải đi tập gym hay sống điều độ, đọc sách self-help hay đọc sách khoa học, chứng tỏ mình giỏi hay mình giàu, đi xa hay nằm ở nhà, làm thuê hay làm chủ, này nọ hay này kia đâu. Ba ngày sống thêm vì một điều vui vẻ là quá đủ.

Và David Foster Wallace tự tử vào ngày 12 tháng 9 năm 2008.

Nhưng chúng ta thì vẫn còn sống.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top