Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh
Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh là một câu chuyện buồn. Buồn cho cả tôi- người đọc, buồn cho cả những nhân vật và cho cả tác giả. Khi đọc gần những trang gần cuối của cuốn truyện, tâm trạng tôi đã nao nao hạnh phúc vì nghĩ rằng sẽ có một kết thúc thật đẹp cho tất cả nhân vật. Nhưng tiếc rằng, bi kịch vẫn chưa kết thúc với nhân vật Ngạn.
Tôi thương tiếc cho Ngạn, cho một con người nặng tình với tình yêu và quê hương. Xuyên suốt câu chuyện là tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng mà ăn sâu tới tận xương tủy của Ngạn dành cho Hà Lan. Có lẽ không ai là không nuối tiếc cho những kỉ niệm của hai đứa trẻ từ thuở còn học lớp vỡ lòng của thầy Phu cho đến khi lên cấp 3. Ngạn vẫn vậy, vẫn như thuở còn là "chúa hay té, vua đánh lộn", thành phố xa hoa cũng không thể làm thay đổi tâm trí, những kỉ niệm về ngôi làng Đo Đo dấu yêu. Nhưng buồn thay, Hà Lan đã thay đổi, không còn là cô bé ngày nào luôn đi theo Ngạn, Hà Lan đã bị cám dỗ bởi sự mới mẻ, náo nhiệt của thành phố. Thật ra cũng không thể trách Hà Lan, con người ai cũng có sự thay đổi tuy nhiên có lẽ sự thay đổi của Hà Lan quá lớn, làm đau lòng những người yêu thương cô ấy.
Tại nơi thành phố ấy, Hà Lan đã gặp Dũng và mang thai đứa con ở tuổi thứ 17 , cuộc đời cô bước ngoặt sang một trang mới và ở trang ấy Ngạn đã trở nên mờ nhạt. Ngạn đi Quy Nhơn học ngành sư phạm để có thể quay trở về làm thầy giáo tại ngôi làng xưa, nơi chan chứa kỉ niệm giữa Ngạn và Hà Lan.
Khi Ngạn trở về với cố hương, Ngạn gặp được Trà Long - con gái của Hà Lan vẫn nơi dàn hoa thiên lý ngày xưa với đôi mắt biếc được di truyền từ mẹ. Đôi mắt ấy đã kéo tâm trí Ngạn về kỉ niệm thời thơ ấu và thật ra Ngạn chưa từng thôi mong nhớ chỉ là Ngạn đã phải cất nó vào sâu trong nơi chôn dấu kí ức mà thôi.
Trà Long như một chiếc cầu nối với những kỉ niệm của Ngạn và Hà Lan, nhờ có Trà Long mà tình cảm của Ngạn một lần nữa được đong đầy, nỗi buồn cũng vơi đi chừng nào, lòng không còn trống rỗng làm con người ta phải xót xa đến nghẹn ngào. Nhưng cho đến khi gấp trang cuối của cuốn sách lại, trong tôi vẫn luôn tổn tại một câu hỏi rốt cuộc tình cảm của Ngạn dành cho Trà Long là gì? Có những trang sách, thật sự tác giả đã khiến tôi cảm nhận rằng Ngạn thật sự yêu Trà Long. Tuy nhiên cho đến cái kết, hình ảnh Hà Lan chợt thoáng qua trong tâm trí Ngạn làm tôi không khỏi giật mình sợ hãi. Phải chăng cái bóng của Hà Lan quá lớn, kỉ niệm ngày xưa quá sâu sắc hay con tim của Ngạn vốn chưa từng hướng về Trà Long?
Và tôi còn một câu hỏi nữa cho nhân vật Hà Lan. Chẳng nhẽ chấp nhận Ngạn lại khó đến vậy sao? Tôi biết rằng tình yêu là không thể ép buộc tuy nhiên Hà Lan chưa từng có phút giây nào rung động vì Ngạn, trái tim chưa một lần thổn thức cho cậu bé cùng bàn với mình sao? Tại sao Hà Lan lại mau quên như vậy, những kỉ niệm về mảnh đất giản dị nơi có giàn hoa thiên lý với rừng Sim có thể dễ dàng xóa nhòa bởi sự vội vã, tấp nập của thành phố đến vậy sao? Cá nhân tôi thấy Hà Lan là một con người lạnh lùng, không phải cô ấy lạnh lùng với tình yêu của Ngạn mà cô ấy lạnh lùng với cố hương, với cha mẹ. Khi cô lớn lên, lòng cô cũng theo cánh chim bay về nơi khác mất rồi, những gì còn níu kéo cô về nơi làng Đo Đo dăm ba ngày cũng chỉ là con cô - Trà Long mà thôi. Khi cô vui vẻ bên Dũng, tình yêu của mình thì cô đã quên mất rằng ở nơi chốn cũ vẫn còn mẹ cô ngày qua ngày chờ cô về ăn khoai luộc, còn bố cô với đôi mắt biếc ngóng mong. Tôi chỉ thấy giận chứ không thương cảm với Hà Lan dù cho cô có phải chịu những khổ đau như nào.
Cái tôi yêu duy nhất ở câu chuyện này có lẽ là ngôi làng Đo Đo, mảnh đất bình dị, nghèo khó nhưng lại là mảnh đất của tuổi thơ nơi có trời xanh cao vời vợi, trong suốt như pha lê, có hoa dâm bụt đỏ chói, có những quả thị vàng ươm và có cả tình bạn trong sáng, tình yêu nghề tha thiết. Tất cả tạo nên một bức tranh đẹp đẽ về một chốn đồng quê nơi đất nước Việt Nam này. Cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh cho tôi biết bao được trông thấy mảnh đất diệu kì này và mang tình yêu thương với nó...
Ngậm trên môi
Một nhành cỏ dại
Chợt hiểu rằng
Tôi đã khác tôi xưa...
3:35 Hà Nội, 16/07/2017
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top