[Ải 3] Điên


ĐIÊN

Phiên tòa của những kẻ điên. Nhưng, kẻ điên vẫn có lúc tỉnh.

__

Lời khai của nạn nhân.

("Chúng tôi xin phép được trích nguyên văn lời khai để thể hiện sự tôn trọng nhất đối với người bị hại" – Từ Tòa án.)

__

Thưa Quý Tòa!

Tôi vẫn nhớ, cách đây ba tháng; ngày mọi chuyện bắt đầu. Đó là một đêm mưa tối trời. Cái đèn chong leo lét, tù mù trên tấm phản gỗ rằn ri những vết sẹo ngả nghiêng dần liền dấu từ những mũi dao; và chiếc võng kẽo kẹt vọng lại trong không trung tiếng rin rít não nề khiến tôi chồm dậy khỏi giấc ngủ. Hơi ngai ngái của bão đêm xộc vào mũi một người già, trở thành tín hiệu gọi những cơn ho sù sụ tới. Nhưng tôi vẫn cố nhổm người đến bức vách lợp bằng phên nứa để đóng cái cửa sổ đã quá nửa đời. Cái cửa, cái nhà, cái đèn chong le lói đều mỏng như sự sống bấy giờ của tôi. Tám mươi tuổi, người ta cần gì hơn là một suy nghĩ về cái chết; người ta nên làm gì hơn là thu xếp hành trang về đích đến của mình? Mỗi người là khách dừng chân tạm/ Rồi cũng đi về chốn viễn phương, nghe lỏm được đâu đó hai dòng thơ này, ấy mà tôi cứ thích. Kể, tâm lý cuộc đời, thấy cũng nhiều cái lạ!

Mà thôi, đấy là chuyện của riêng tôi – cái chuyện dở hơi của một con già đã tám mươi tuổi đầu! Tôi xin phép được kể tiếp để không làm mất thêm thời gian từ quý Tòa án.

Phải, tôi là một bà mẹ. Một bà mẹ có đứa con trai bị điên.

Nó phát điên cũng lâu lắm rồi, năm năm. Trước ngày cưới. Ngày mà tôi vừa mừng mừng tủi tủi, mong cho hạnh phúc của con trai tôi, nhưng cũng thương nó đến đứt ruột. Thương nó nếu chẳng hay cuộc đời chọn cho nó một ngả rẽ không may: Tôi đã chẳng để nó phải vất vả gì từ ngày nó lọt lòng, cất tiếng khóc. Ngày mà tôi đã sắp đặt rất long trọng: nào hoa, nào quả, những mâm cỗ xum xuê; những thiệp mời rồi nhẫn, tôi mời tất cả bà con láng giềng. Ngày đáng ra phải khắc vào bia mộ kỉ niệm cùng với nụ cười và nước mắt. Nhưng rồi, ngày đó đã không bao giờ xảy ra.

Tôi chẳng hiểu được, nó phát điên từ lúc nào.

Con tôi là một đứa trẻ yếu ớt, hay ốm vặt và dường như không có khả năng tự đối chọi với cuộc đời. Ngày còn bé, nó bệnh hoài hoài, luôn luôn, khiến một bà mẹ như tôi xót hết cả gan ruột. Lúc nó oằn mình ho khan giữa trời đông lạnh, lúc mặt nó đỏ gay khó thở vì viêm mũi, lúc người nó nóng hầm hập vật vã với những cơn sốt đêm; tôi chẳng đếm nổi bao lần tôi phải ôm con trai cùng chạy đua với Tử Thần như vậy, nước mắt lã chã thấm ướt cả một quãng đường vắng từ nhà đến bệnh viện. Nhưng tôi không nản, tôi chưa bao giờ nản; tôi lại càng thương nó hơn, thương cho phận lầm lũi của một sinh linh đơn độc: Con trai tôi, nó đã mất cha từ lúc mới chào đời. Không nói ngoa đâu, nếu bảo tôi đang gắng gồng người lên để lo cho nó bằng tình thương của cả hai cộng lại – thậm chí, tôi còn muốn nhiều hơn thế! Chẳng phải ai cũng hiểu nỗi lòng một bà mẹ đơn thân; chẳng phải ai cũng hiểu cái khổ của đứa bé sống trong gia đình không trọn vẹn. Con trai, con trai thương, mẹ hứa sẽ xây đắp một gia đình đằm ấm cho con!

Thưa Quý Tòa, nếu các Ngài đọc đến đây bỗng thấy dòng chữ bị nhòe, xin thứ tội cho tôi, mụ đàn bà hèn mọn này, vì đã không kiềm được nỗi xúc động! Nhưng, các Ngài, các Ngài có hiểu không, khi bỗng nhiên một ngày đứa con đứt ruột của các Ngài bỗng dưng phát điên vô cớ? Con trai tôi, nó có thể là một đứa yếu ớt! Nhưng các Ngài không biết đâu... Nó là đứa bé tỉnh táo và thông minh vô cùng! Ba tuổi, nó đã có thể an ủi tôi, "Mẹ, mẹ đừng khóc!" khi tôi nhớ quay quắt người chồng quá cố của mình. Năm tuổi, nó đã có thể tự mình đến trường để tôi an tâm đi làm mà không cần phải lo lắng. Bảy tuổi, nó đứng nhất lớp; Mười tuổi, nó giành học bổng của trường: Con tôi rất tỉnh táo! Tôi cam đoan với Qúy Tòa, nó là đứa trẻ tỉnh táo nhất cái làng Isildu này mà tôi từng biết; nó... nó không thể phát điên đâu!

Vậy mà, phận làm một người mẹ trắc nết, hư hỏng như tôi lại chẳng thể lo cho đời sống nó vẹn toàn, để bây giờ con tôi sống như không sống... Nếu phải kết tội, xin kết tội tôi – bà mẹ dơ dáy và bần hèn này; xin các Ngài đừng hủy hoại tương lai của con trai tôi!

Thưa Quý Tòa!

Phải, tôi xin được kể tiếp; cái chuyện kì lạ xảy ra cách đây ba tháng, cái đêm tối trời hun hút và thẫm như nhung. Theo thường lệ, cứ đến canh ba, tôi lại lồm cồm bò dậy để sắc thang thuốc cho con, nhưng vừa lê dép qua ngạch cửa, tôi bỗng chợt thấy lạnh người: Linh cảm mơ hồ ép đầu tôi quay lại. Trên tường, ngay cái móc mà tôi đóng đinh lên để máng áo quần và cái bao "hành nghề" nhặt rác, phất phơ một mảnh giấy trắng mà dòm như còn có chữ! Tò mò, tôi sè sẹ lại gần và gỡ nó xuống; vỏn vẹn mấy nét nhờ nhờ nhàn nhạt: Ngày mai, canh tư, đóng cái cửa buồng.

Thoạt tiên, tôi thực sự không hiểu gì mà cũng chẳng để tâm cho lắm! Tôi vẫn tiếp tục xuống bếp, làm trọn cái công việc của mình, mang thuốc lên, đỡ con dậy uống: Như mọi ngày, nó vẫn ú ớ khóc gọi tôi, "Mẹ, mẹ, thuốc đắng lắm, mua cho Bin kẹo, nhớ mua cho Bin kẹo nhé!", và tôi lại xoa đầu nó "Ừ!" – tôi không cảm nhận được bất cứ điều gì khác thường diễn ra. Hoặc giả chăng thì nó diễn ra khéo quá! Nhưng tôi chẳng sợ: Tôi cũng đang cần một phép màu! Một phép màu cho cả tôi, cả con trai tôi. Tôi không muốn nó tiếp tục sống như người thực vật, như đứa trẻ lên ba thiếu nhận thức. Tôi không muốn cứ mỗi lần cho nó uống chén thuốc xong, tôi lại khóc, khóc mãi cả một đêm dài. Tôi muốn nó tỉnh táo như ngày xưa.

Cái điên, bản thân nó không có tội! Nhưng con trai tôi, con trai tôi... Nó cũng không có tội! Tại sao không phải là ai khác?

Vâng, thưa các Ngài, rồi tôi vẫn đi làm, nói đúng hơn, đi nhặt rác, bán lại cho các vựa ve chai, và kiếm tiền mua những thang thuốc đắng – những thang thuốc vắt cạn máu của tôi trong nước mắt và trong những canh lặng khóc nấc bên con. Mụ đàn bà tám chục như tôi thường xuyên rơi vào tình trạng dơ dáy, bẩn thỉu và đen đúa; vì bụi vì bặm, vì nắng nóng như thiêu đốt suốt ban ngày, nhưng tôi không thể dừng lại. Tôi không thể làm việc khác – cái làng Isildu này ai lại nhận một con già lẻo khẻo, thiếu bằng cấp và sự tinh nhanh? Tôi rất tỉnh, nhưng không ít người chỉ trỏ và bảo tôi bị điên: Họ thường mang tôi ra như một điều đáng để giễu cợt; hoặc như, một bài học vô giá cho việc "làm người". Con phải gắng học, nếu không mai này sẽ đi móc bọc ni-lông như bà ấy!; Con thấy không, nếu không hiếu thảo tích phúc tích đức, sau này về già con cũng sẽ không có ai nuôi, giống như mụ ta... Họ ác thật, nhưng tôi nín lặng. Tôi cần tiền vì con tôi cần thuốc, nhưng tôi không muốn trượt dài trên con đường cắp trộm – tôi chỉ có thể sống chết bám trụ với "nghề". Chừng nào tôi còn sống... Phải, chừng nào tôi còn sống!

Chừng nào tôi còn sống, tôi vẫn phải sống vì người tôi yêu thương!

Mãi đến tối đó, khi canh ba lần mò thức dậy để sắc thuốc cho con, tôi lại chợt đi ngang mảnh giấy từ đêm hôm trước: vẫn dòng chữ ấy – Ngày mai, canh tư, đóng cái cửa buồng. Ánh trăng tự dưng lấp loáng, và cái lấp loáng sắc lạnh rọi chiếu xuống khiến tôi chợt rùng người. Thưa Quý Tòa, chẳng hiểu vì sao, cuối cùng, tôi lại làm cái điều xấu hổ mà tôi từng cho rằng nhảm nhí là thực hiện y chang những chỉ dẫn trong mảnh giấy.

Canh tư, tôi đã đóng cái cửa buồng.

Sau hôm ấy, chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi ngủ một giấc dài không mộng mị đến sáng. Đút con trai ăn, tháo cái bao đựng rác trên móc xuống, và tiếp tục một ngày. Làng Isildu nổi tiếng với sự yên bình, nhưng tôi chưa từng có một ngày yên bình khi sống – lòng tôi luôn nổi bão giông. Có thể là đau đáu nỗi lòng một bà mẹ mà con bị điên; có thể là canh cánh trên vai sức nặng của mối lo toan rằng chẳng biết ngày mai mình có kiếm đủ tiền để chạy thuốc; hoặc có thể là lởn vởn một điều đáng nghi ngờ nào đó – ai mà biết! Bão đến thường bất ngờ.

- Năm kí rưỡi, vị chi bốn đồng bảy hào. Còn thêm gì nữa không?

- À... - Tôi hơi ngập ngừng, trộm nhìn bà chủ vựa – Cô có thể... cho tôi vay tám hào không? Để tròn năm đồng tiền thuốc và năm hào dư mua chút thức ăn cho con trai tôi...

Bà chủ quăng xâu tiền đã tính lên bàn, rồi sau cái chép miệng "Ối giời!", bà cho tay vào hộc tủ lấy ra đúng tám đồng nâu xỉn: tám hào. Bà đằng hắng:

- Cứ giữ lấy, vay với chả mượn! Mang về mua thuốc cho thằng bé; đến mà tội, cái thằng học giỏi thế kia...

Tôi vội quỳ sụp xuống, mừng mừng tủi tủi nói không thành tiếng, nước mắt chảy ròng ròng – Bà chủ vựa là vậy, cộc cằn thô bạo, có thể không dịu dàng, nhưng tấm lòng của bà chẳng biển nào đong hết! Tôi lắp bắp giữa cơn xúc động: "Xin cảm ơn! Xin cảm ơn...", bỗng chốc hiểu ra trái đất vẫn quay và tồn tại vì lí do gì. Dẫu còn lắm những bất hạnh, thương tổn; dẫu còn lắm những mảng tối của bức tranh số phận: Thượng Đế không may đã đánh rơi lọ màu; Ngài mở chiếc hộp Pandora để tàn khốc thiêu rụi tất cả! Nhưng Ngài quên rồi trong nỗi đau vẫn còn mầm mống hạnh phúc – thiếu mất yêu thương, không hành tinh nào sống nổi trên đời. Và tôi chợt cảm thấy nhờ Trời, mọi thứ thật đẹp biết bao!

Đó là khi tôi chưa phải rùng mình bắt gặp lần nữa mảnh giấy, kì này không phải lúc ngồi dậy sắc thuốc cho con uống, mà ngay lúc vừa đặt chân qua cổng nhà: Đêm nay, canh ba, không được tỉnh.

___

Không thở được! Không thở được!

Tôi cố chồm dậy quơ quào trong bóng tối, hốc mắt đã sẫm lại dù gắng trợn tròn để nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Có thứ gì đang bóp lấy cổ tôi; nó ghì siết tôi, đè mạnh tôi, dằn xé tôi, cầu xin tôi, nuổt chửng tôi – nó ghê sợ, nhưng tôi chẳng thấy gì cả! Không một ai, không thứ gì; cớ sao tôi lại ngộp thở? Tôi chới với như con cá mắc cạn đang nỗ lực trong vô vọng tìm đường về lại biển lớn; nhưng mỗi lúc vùng vẫy lại mỗi lúc lìa xa quê hương – Tôi kêu gào, khản giọng, cứu tôi, cứu tôi, xin hãy cứu; không ai nghe! Tôi ngửi thấy mùi thuốc súng, mùi bom nổ; có tiếng trực thăng trên cao. Ầm! Không, còn nữa, còn tiếng khóc, la, thét, chạy đi, chạy mau đi, chẳng kịp! Thoáng lởn vởn trong tầm mắt tôi một căn hầm – cái hầm đã cũ xưa và mục nát. Trời đất rung chuyển, và tôi cũng xoay vần. Động đất rồi! Dừng lại đi!

Động đất?

Hầm. Khói. Súng. Bầu trời xé toạc – chiến tranh?

Mẹ ơi, đừng bỏ con. Đừng bỏ con mẹ ơi, con xin mẹ, con xin mẹ...

Cho con về với gia đình đi mà mẹ. Mẹ ơi, con không làm gì cả! Con không làm gì.

Mẹ ơi, con đau lắm...

Những bím tóc lúc lắc, những nụ cười kéo dài như sợi dây thừng, thít chặt cả giấc mơ. Hình như, có đôi giày búp bê trắng...

.

Tôi nhổm người dậy, thở hồng hộc, mồ hôi rơi ướt đẫm. Xung quanh tôi, bóng tối vẫn ngập tràn; cái đèn chong leo lét chẳng làm sáng lên nổi! Tôi bần thần nhìn đồng hồ - đã canh tư! Chết rồi, tôi vẫn chưa cho con uống thuốc! Tôi lật đật thò chân ra khỏi giường, xỏ vội đôi dép xuống gian nhà dưới, lòng đau đáu không biết uống thuốc trễ sẽ có hại gì không. Lúc thoảng qua ngạch cửa, mảnh giấy phất phơ chợt khiến tôi điếng người: Đêm nay, canh ba, không được tỉnh.

Phải rồi, thưa quý Tòa.

Đêm ấy, canh ba, tôi đã không tỉnh.

Tôi chẳng còn nhớ trò chơi mơ hồ, quỷ dị này kéo dài bao lâu; tôi chỉ nhớ cái đêm cuối cùng – cái đêm kết thúc, cũng là cái đêm khởi nguồn cho mọi nguyên do khiến tôi ngồi đây, cái đêm mãi khắc sâu vào đầu! Đêm ấy, trời còn chưa hửng nổi một hột sáng, tôi đã phải lồm cồm bò dậy dù còn lâu mới đến canh ba. Canh hai, lấy một tấm gỗ đóng lên, che lại lỗ hổng sau vườn. Lúc đọc mẩu giấy này, thật lòng với các Ngài, tôi muốn khóc thét: Ngay cả tôi là chủ nhân của căn nhà cũng không biết, vườn nhà tôi hổng kín như thế nào. Nhưng không có thời gian suy nghĩ; tôi phải hành động ngay! Tôi sè sẹ ôm một miếng gỗ lẻn ra sân sau – tôi không muốn con trai mình tỉnh giấc; vừa đi tôi vừa lầm bầm khấn vái, Xin Trời kết thúc thứ này sớm, để mỗi đêm tôi lại được bình an như xưa! Chân tôi vừa đặt qua ngạch cửa, tiếng sột soạt vẳng ra từ bụi cây cuối vườn khiến tôi chững hẳn lại: Người tôi cầm cập run lên! Chỉ có tôi và con trai tôi trong căn nhà này; còn ai nữa cơ chứ? Còn ai mà rảnh rỗi đến mức canh hai lại vào đây? Có thể là cơn gió; ừ, chắc là cơn gió, chắc là mình nghe lầm – Tôi đã tự nhủ lòng như vậy. Tôi rón rén nhón từng bước, tai cố dỏng lên nghe ngóng và đôi mắt mở thao láo quan sát khắp nơi. Chẳng có gì, vậy là mình nghe lầm thật! Tôi toan định thở phào, thì lần nữa tiếng sột soạt lại vang lên – lần này lớn hơn, kèm theo đó là tiếng khúc khích cười.

Thề có Trời, quý Ngài phải tin tôi, lúc đó toàn thân tôi như bị ai điểm huyệt! Tôi muốn kêu lên nhưng không thể; tôi muốn chạy trốn, hoặc ít nhất, nhanh nhanh đóng cho xong cái lỗ hổng nào đó để chui ngay vào nhà! Nhưng ý nghĩ sượt qua đầu tôi tựa vũ bão, tôi không thể nhúc nhích gì! Trong lúc tôi đang đinh ninh mình sẽ đứng im chịu trận, thì thứ hoa văn quen thuộc lấp ló nơi bụi rậm khiến tôi nhíu mày, mắt mở to hơn. Tôi cố lục trong kí ức tất cả những loại áo quần mình thường thấy. Sọc ca-rô, xanh, kẻ đậm, bản to... Không phải chứ; đó là chiếc áo tôi mua tặng con dịp sinh nhật mà!

Bây giờ thì tôi rõ rồi. Bụi rậm đó. Tiếng sột soạt đó. Giọng cười đó... Giọng cười dâm đãng khoái lạc; giọng cười như hút hết mọi thứ đê mê trên đời! Tôi bủn rủn người, khuỵu xuống. Một cái bóng bất thần lao đến – Trời đất quay cuồng!

Và rồi, tôi không còn cảm nhận được gì nữa...

Xin đừng hỏi tôi chuyện gì xảy ra. Tôi đã bất tỉnh rất lâu, cho đến khi tôi ngồi ở đây, trước Tòa án và quý Ngài, kê khai bản tường trình này. Tôi cam đoan mọi việc tôi kể đều là sự thật, và bằng chứng cho tất mọi thứ đó, nằm chính ở đây – là tôi!

Một con già tám chục tuổi.

__

Lời khai của hung thủ.

Thưa Quý Tòa!

Là tôi đây, đứa con trai hai mươi ba, một đứa hoàn toản tỉnh táo khi viết lại bản tường trình này: Phải, tôi không hề bị điên!

Thế thì, tại sao tôi lại phải giả điên?

À, đó lại là một câu chuyện rất dài. Một câu chuyện thương tâm, nỗi ân hận lớn nhất của tuổi trẻ tôi mà tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Để các Ngài hiểu rõ hơn, tôi xin được phép kể vắn tắt mối lương duyên và trò đùa của số phận năm năm về trước.

Tôi đã gặp cô ấy; tình yêu của tôi, liều thuốc phiện của tôi, nỗi dằn xé của bản thân tôi, vào một ngày trởi hửng nắng xách giỏ đi chợ giúp mẹ vì bà mắc bận việc nhà. Tôi không từng tưởng được rằng, một ánh mắt cũng làm cho tôi say ngất đến bủn rủn, một đôi tay cũng làm cho tôi mê dại và đắm chìm cả đời; một làn tóc suôn mượt cũng thắt chặt cổ tôi và kéo tôi trượt dài trên triền dốc sa lầy của mưu toan, dối lừa và tội lỗi: Tôi hoàn toàn bị đánh gục trong men yêu! Chúng tôi lao vào nhau như những con thiêu thân – bất chấp quá trình, bất chấp kết quả, bất chấp tôi mang cái danh của một nhà tri thức nuốt chửng cả bụng sách, hay em là tiểu thư con nhà uy quyền: Tình yêu thì không có lỗi, cớ sao ta phải đau đáu, dằn vặt nhau? Đó là một thứ tình yêu thuốc phiện, là một thứ độc dược; là sai lầm đã đẩy không chỉ tôi, mà cả những người tôi yêu, ngã đến trầy mình trên con dốc chỉ toàn đá sỏi. Nhưng tôi không quan tâm! – Tôi muốn giống như loài sen, nở bung cái tinh nhụy cho thời gian đẹp nhất dẫu có thể héo tàn; tôi muốn sống cuộc đời của nàng Mauguerite "trà hoa nữ" kiêu kỳ mà tôi từng đọc trong quyển sách, cho đi tất cả dẫu kết cục chỉ toàn đắng cay! Đã có thời điểm trong đời, tôi tin rằng, con người ta chỉ cần sống và nên sống vì những khoảnh khắc như thế.

Nhưng rồi đời bắt tôi quay trở về hiện thực tàn nhẫn: Mẹ tôi xui tôi lấy vợ, một cô thôn nữ chân yếu tay mềm, ngoan ngoãn và vừa mắt mẹ, vào một ngày cuối Xuân. Tôi không yêu cô ta! Tôi đã nói với mẹ trăm ngàn lần về điều đó, nhưng Người vẫn không nghe lời: Mẹ chỉ muốn con có gia đình ấm êm trước khi mẹ mất để yên lòng. Tôi dùng mọi hành động cự tuyệt, phản đối, suýt rạch tay tự tử, nhưng rồi nước mắt của mẹ và lời nỉ non, van nài của người con gái tôi yêu đã buộc tôi phải xa lìa cõi chết. Tôi xa lìa, nhưng không cam tâm – tôi chẳng muốn chung sống cả đời với người mà tôi không có tình cảm! Thế rồi, thế rồi... Tôi đã nghĩ ra cách.

Giả điên.

Tôi giả điên suốt năm năm.

Trong khoảng thời gian đó, tôi và em được gặp nhau nhiều hơn: thường vẫn là vào ban ngày, lúc mẹ tôi ra khỏi nhà nhặt rác. Thoát khỏi cuộc hôn nhân ép buộc, tôi sống như chim sổ lồng; và cả em cũng vậy! Chúng tôi lại yêu nhau, vụng trộm, khoan khoái, giông bão nhưng êm đềm – tôi tin chưa có thứ tình yêu nào là sự kết hợp tuyệt vời đến thế! Chúng tôi thậm chí còn nghĩ đến việc như vậy cả đời. Cho đến khi, em lâm vào tình cảnh giống tôi: Người cha già nua đáng kính của em, bắt em cưới chồng.

Thật là trò đùa nghiệt ngã của số phận!

Nhưng sao? Có vấn đề gì? Định mệnh đã sắp đặt sẵn chúng tôi không được bên nhau công khai – nhưng ai bắt tội được đây khi ông Trời vẫn cho phép chúng tôi vụng trộm? Tôi và em tìm mọi cách gặp nhau: Khi thì tôi sang nhà em lúc chồng em vắng, khi thì em lẻn sang nhà tôi những buổi đi chợ hững hờ. Gặp gỡ ban ngày đơn thuần đã trở nên không đủ - chúng tôi lập một kế hoạch, vạch ra giờ giấc nghiêm túc để chiêm ngưỡng và trao nhau thứ tình yêu tội nghiệt vào ban đêm, những lúc sao tỏ bầu trời. Tôi biết, thường canh ba mẹ tôi sẽ thức giấc để cho tôi uống thuốc, rồi bà sẽ ngủ say như chết vì quá mệt và vì để lấy sức cho sáng hôm sau. Chúng tôi hẹn nhau canh tư; phải, canh tư, và chúng tôi sẽ được sống trọn những giây phút mà chỉ tôi và em, hai đứa tan vào nhau, thế là quá đủ!

Tuy vậy, vẫn có những lần mọi chuyện vụt khỏi tầm tay tôi.

Đó là canh tư, khi chúng tôi đang ân ái với nhau thì chợt điếng người – mẹ tôi xuất hiện, đột ngột, không báo trước, chân bà đã lấp ló ngay ngạch! Nhưng may mắn thay, bà chỉ ra để đóng cái cửa buồng. Và một khi cửa đóng, mọi chuyện đối với chúng tôi trở nên dễ dàng hơn.

Đó là canh ba, khi em đến sớm hơn thường lệ, phá vỡ bản quy tắc giờ giấc giữa cả hai, khiến tôi bồn chồn, đau đáu không yên vì đó là giờ bà mang thuốc xuống cho tôi uống; nhưng cuống cùng, thật may mắn, bà ngủ quên hẳn hoàn toàn. Hiếm lắm bà mới ngủ quên, và cái lần ngủ quên hi hữu ấy đã cứu lấy chúng tôi.

Nhiều. Nhiều lần nữa. Chúng tôi được cứu thoát. Dường như ông Trời cũng ngầm tác thành cho cái vụng trộm đẹp đẽ này – mọi thứ diễn ra thật quá sức nhẹ nhàng! Cho đến ngày, em thủ thỉ vào tai tôi:

- Hay là, anh và em giết phứt ông già bà già ấy đi, để chúng ta được công khai ở bên nhau! Em không muốn cứ thậm thụt, lấm lét như vậy nữa.

Trời ơi, em của tôi, người con gái tôi yêu, sao em lại có suy nghĩ bất hiếu đến thế! Tôi kịch liệt phản đối, ra mọi sức ngăn cản; và chuyện này đã khiến tình yêu của chúng tôi rơi vào bế tắc một thời gian khá dài. Nỗi nhớ em day dứt dày vò tôi, nó khiến tôi nghiện ngập khó chịu, và trong một thoáng, tự nhiên tôi tin rằng việc gạt bỏ những vật lao ra cản đường mình để đến với tình yêu là một điều hoàn toàn không hề trái dạo đức. Tôi cần em phát điên, em cũng vậy; thì tại sao chúng tôi phải giữ lấy thứ đạo đức không hề nuôi lấy thể xác hay con tim mình! Thưa Quý Tòa, tôi ngàn lần không hiểu ma xui quỷ khiến như thế nào lại làm tôi nuôi dưỡng cái suy nghĩ đồi bại đó! Và điều gì đến cũng sẽ đến – tôi cùng em lập kế hoạch để thủ tiêu những "người cản đường".

Tối trước ngày thi hành kế hoạch, tôi đã gặp ác mộng.

Trong giấc mơ của tôi lảng vảng những bước chân khe khẽ, một đôi giày màu trắng, và mái tóc đen thẫm được tết thành hai bím dịu dàng. Một cô bé trạc năm, sáu tuổi đứng trước tôi, chỉ nghiêng đầu nhìn tôi lặng lẽ mà không nói gì. Gấu váy nó lấm lem bụi bặm, cả khuôn mặt nó cũng vậy – có cảm tưởng như nó vừa chen vào một đám khói mịt mờ hay nghịch tung cát thốc lên dưới mặt đất. Rồi nó mấp máy môi, cố truyền tải điều gì đấy – tôi rướn người lắng tai nghe.

Tại sao, anh lại muốn giết mẹ?

Cái gì? Tôi không nghe được rõ! Tôi lại rướn người mình gần hơn một chút nữa...

Tại sao, anh lại giết mẹ?

Lúc này, tôi vô cùng hoảng hốt và người tôi run lên: Làm sao nó biết được? Nó là ai, là ai; làm sao nó biết, nó đến đây để làm gì?

- Mày biến ra, biến nhanh ra đi! Mày là ai hả, trả lời đi, là ai?

Em là em gái của anh đây, anh Khoa.

Tôi sững người.

Tự nhiên nó khóc. Như có một cái vòi phun khóa chặt giờ đây bật mở, nó khóc ồ ồ như mưa.

Năm đó, anh biết không, chiến tranh rồi động đất; động đất... động đất lớn lắm! Cha bị cây cột đè chết rồi, chỉ còn mẹ và anh em ta sống. Nhưng anh và em, cả hai đều bị một tấm bê tông lớn đè cứng người. Anh Khoa, em rất sợ, em thực sự rất sợ. Em liên tục gào lên với mẹ, "Mẹ ơi, cứu con, mẹ đừng bỏ con! Mẹ ơi, con đau lắm...", còn anh thì mê man bất tỉnh đến độ chẳng nói được nên lời. Người ta bảo, mẹ chỉ có thể cứu duy nhất một đứa. Mẹ phải chọn, hoặc em, hoặc anh. Anh Khoa... Ngay lúc đó, em thực sự rất mong mẹ sẽ chọn mình! Em đưa tay ra, với đến chỗ của mẹ. Em lẩm nhẩm, "Mẹ ơi, cứu con đi...".

Nhưng rồi, người mà mẹ cứu, mãi là anh.

.

Em từng nghĩ mình rất hận hai người. Em không đi đầu thai được, em phải chờ. Nhưng chờ đợi cùng thời gian là liều thuốc an thần tốt nhất – em cảm thấy, mình chết thì cũng đã chết rồi, chẳng thay đổi được gì, không cần phải dằn vặt nhau thêm nữa! Rồi em âm thầm theo dõi mẹ, theo dõi anh. Anh Khoa, em luôn mong anh được hạnh phúc...

.

Anh Khoa, những mảnh giấy trắng buộc trên cái móc của phòng mẹ là do em viết. Tất cả những chuyện đã cứu vở tình kịch của anh chẳng phải là ngẫu nhiên. Anh nên hiểu, anh nên hiểu tất cả điều đó...

Anh Khoa, đừng giết mẹ...

__

Trong cái khoảnh khắc mà tôi lao tới đâm vào mạng sườn người đàn bà mà tôi gọi là "mẹ" của mình, có một thứ gì như lí trí trong tôi bị bẻ gãy, vụn vỡ. Tôi đau đớn thét lên một tiếng rồi gục xuống: Có lửa, nhưng hình như không phải lửa lòng của tôi! Là lửa, lửa từ bầu trời, từ ánh mắt kia; lửa từ trận chiến năm nào! Đôi giày trắng đã lăn lông lốc trong đám cháy.

Anh đã giết mẹ...

Anh đã không nghe lời của em.

Mọi việc, đều phải được trả-giá!

__

Lời phán quyết của Tòa.

- Phạm nhân Khoa, anh có cam đoan mọi thứ anh viết là sự thật?

- Vâng, là sự thật. – Gã thanh niên hai mươi ba tuổi với mái tóc bù xù khẽ cúi đầu. – Tôi nhận hết mọi tội lỗi của mình. Nếu không phải do mẹ viết đơn tố cáo tôi, tôi đã không đủ can đảm đứng ở đây nói lời xin lỗi...

- Khoa! – Người đàn bà tám chục tuổi gào lên như khóc. – Không! Đừng, đừng bắt con tôi; mọi lỗi lầm đều do tôi! Tôi không viết đơn tố cáo nó, tôi không hề! Xin các Ngài, tôi không muốn nó phải vào tù... Tôi thà chết chứ cũng không muốn nó vào tù!

.

.

.

Khoan,

vậy ai đã viết lá đơn?

Mà, chắc gì phiên tòa này có thật chứ?

Nó là phiên tòa của những kẻ điên cơ mà!           

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top