Kết quả vòng loại
Trước khi công bố kết quả vòng loại, BTC có vài điều cần thông báo cho người chơi lẫn các bạn đang theo dõi event Glorious Peak.
1. Ba Chiến Binh rút khỏi event.
Điều đó đồng nghĩa Makani's House đã cho các bạn ấy vào danh sách đen (ngoài ra còn có Cộng Sự của Chiến Binh thứ hai).
2. Chỉ có 10/18 Chiến Binh nộp bài thi vòng loại.
Dù điều này từ ban đầu BTC không quy định trước, nhưng bọn mình thật sự không ngờ những bạn không nộp lại vô trách nhiệm đến vậy. Đến thông báo rời event cũng không có.
Vậy nên 8 Chiến Binh ấy mặc định bị loại và sau khi bài này được đăng tải lên thì mình (Mei) cũng sẽ đưa 8 bạn ấy vào danh sách đen của Makani's House.
3. Thay đổi cơ cấu giải thưởng
Ở hiện tại, giải thưởng đang được treo quá lớn so với tình hình của event, nên BTC sẽ thay đổi giải thưởng lại như sau:
• Giải thưởng của Cộng Sự •
- Hạng 10 đến hạng 7: pack texture + 30 stock + 10 font.
- Hạng 6 đến hạng 4: psd coloring (do thành viên của Makani's House làm) + style + brush.
- Hạng 2 và hạng 3: 30 font + 30 stock + 10 action.
- Hạng 1: 50 font + 30 stock + 20 action + Khoá học Photoshop cơ bản, nâng cao (gồm 141 video cơ bản, 182 video nâng cao và 3GB bài thực hành).
*Các Cộng Sự sẽ nhận được file Photoshop CC full crack sau khi event kết thúc (nếu cần).
• Giải thưởng của Đấu Sĩ •
Người chiến thắng sẽ nhận được một quyển truyện của tác giả Nguyễn Nhật Ánh và truyện Nhà giả kim.
*Các Đấu Sĩ từ hạng 3 trở lên sẽ nhận bộ ebook của tác giả Nguyễn Nhật Ánh (gồm 10 truyện) sau khi event kết thúc.
---
BTC xin giới thiệu giám khảo cho phần design của vòng loại.
Giám khảo lần nà là một designer/artist đến từ Mỹ, Emelyn Major (pudgyrose) - vị giám khảo đặc biệt mà chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn. Emelyn đang theo học tại một trường thiết kế, ngành đồ họa. Cô có nhiều kinh nghiệm về Photoshop, Illustration và từng thiết kế nhiều thể loại bao gồm cả thiết kế nhân vật, bìa sách và tranh minh họa. Đây hứa hẹn sẽ là một vị giám khảo khá thú vị và đặc biệt, và Emelyn cũng là giám khảo ngoại quốc đầu tiên tại event Glorious Peak.
Tiếp theo, có lẽ các Chiến Binh đã nhớ nhầm thời gian nộp bài nên một nửa trong số các Chiến Binh nộp trễ. Những bài nộp trễ, BTC quyết định trừ 2 điểm vào bài thi.
Và bây giờ chúng ta sẽ đến phần công bố bài thi cũng như kết quả của vòng loại nhé!
1. Chiến Binh Emerald_6973B_TTH - Cộng Sự Akuma_Satana_TTH
The fantastic flying books of mr.Morris Lessmore là một bộ phim ngắn đã được nhận mười bốn giải thưởng. Và có thể nói, đây là một kiệt tác vô cùng ý nghĩa sẽ thoả mãn được những khán giả yêu sách. Khung cảnh mở đầu của bộ phim là cảnh ngài Morris đang ngồi trước hiên nhà và bắt tay vào viết tác phẩm của mình. Một hình ảnh thật quen thuộc với những tác giả như chúng ta khi chúng ta mỗi ngày đều chăm chút kĩ lưỡng cho đứa con tinh thần của mình. Vào những phút sau của bộ phim là một sự kiện bất ngờ khi một cơn bão lớn quét qua thành phố, kéo theo tất cả mọi thứ đều bị cuốn vào vòng xoáy. Một cơn bão cùng lốc xoáy khổng lồ khiến ta không thể không liên tưởng đến một hình ảnh thần thoại giống như một trận bão ma thuật, hoang dã và kì diệu nhưng cũng rất tàn khốc. Cơn bão ấy không hề chừa một ai, nó càn quét tất cả mọi thứ, ngay cả ngài Morris Lessmore cùng tác phẩm của mình cũng không thể thoát khỏi nó. Ngài Morris cùng những trang giấy dày dặc chữ viết và tâm huyết của mình bị thổi bay đi vào tâm lốc xoáy cùng với những toà nhà cao tầng và cả những người dân khác. Một ngôi nhà to lớn cũng không tránh khỏi số phận bị bật ra khỏi mặt đất và xoay vòng trên không trung, giống như ngài Morris cố gắng chạy vòng tròn trên bề mặt ngôi nhà để thoát khỏi nó. Ngôi nhà cứ lật lên rồi lại lật xuống, và mr. Morris thì vẫn cứ tiếp tục chạy. Anh phải tiếp tục chạy để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn rắc rối của cơn bão này để cứu lấy tác phẩm của mình. Chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng tới chính bản thân chúng ta khi cố gắng thoát ra khỏi vòng lặp của những ý tưởng không đầu không đuôi bỗng nảy ra trong đầu rối cuốn theo mọi cảm hứng như một cơn bão kì dị. Ngài Morris vẫn không thoát khỏi nó, còn những trang giấy chứa đựng tâm huyết của anh thì đã bay xa khỏi tầm tay rồi. Moii chuyện chỉ kết thúc cho đến khi tất cả mọi thứ đều rơi xuống một mảnh đất xa lạ. Cơn bão giống như đã rửa trôi đi tất cả màu sắc vốn có, chỉ còn lại một màu xám đơn điệu. Ngay cả ngài Morris cũng đã trở nên ảm đạm và u ám giống như mọi thứ xung quanh vậy, khi tác phẩm của mình bây giờ chỉ là một quyển sách với những trang giấy trắng tinh. Những con chữ rời rạc vương vãi, một dấu chấm hỏi nằm giữa trang giấy như một nổi băn khoăn của ngài Morris. "Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tại sao tôi lại ở đây? Tôi nên làm gì?" Phải rồi, những con chữ rơi vãi và thất lạc khắp nơi giống như mớ cảm xúc hỗn độn trong đầu anh vậy. Đây là một chi tiết khiến mình thực sự rất ấn tượng. Nó không chỉ gần gũi với chính bản thân những tác giả như chúng ta khi bị "cơn bão mất cảm hứng" càn quét, mà nó còn rất giống với tâm trạng của mình. Ngay cả lúc đang ngồi viết những dòng này, mình cũng đã nghĩ như vậy.
Nếu phần đầu của bộ phim là những tình tiết kì lạ và xám xịt, thì những phân đoạn sau của bộ phim hiện lên như một thế giới kì diệu. Mọi thứ bắt đầu từ việc ngài Morris đang đi dọc trên con đường với một tâm trạng mơ hồ u ám. Một quyển sách lạ lùng ngộ nghĩnh bỗng chạy đến trước mặt anh, những trang sách được mở ra với những hành động được diễn tả qua hình vẽ. Trên bầu trời là một cô gái lơ lửng, trên tay cô là... một chùm sách bay?! Từ giây phút đó, mọi thứ bỗng trở thành một sắc màu rực rỡ, thảm cỏ xanh mướt và bầu trời xanh trong thay thế cho khung cảnh ảm đạm nhưng những bộ phim vào những thập niên tám mươi. Mình cảm thấy rất bất ngờ với sự xuất hiện của cô gái này cùng những cuốn sách bay. Mình đã suy nghĩ rằng, cô ấy có phải là một thiên thần với nhiệm vụ ban phát màu sắc cho thế giới đã bị quét sạch sắc màu sau cơn bão?
Theo bước chân của ngài Morris, thứ hiện ra trước mắt chính là một thư viện. Một nơi mang màu sắc cổ điển và yên tĩnh, khiến mình đã bị nó thu hút ngay lần đầu nhìn thấy. Và mình cá rằng ngài Morris cũng cảm thấy như vậy. Cả căn phòng đầy những sách, khiến mình có cảm giác như chính mình cũng cảm nhận được mùi sách cũ thoang thoảng trong không khí và cả vẻ dịu êm mà nơi này mang lại. Ồ nhìn kìa, lại là những cuốn sách bay. Dường như đã có sự thay đổi gì đó với ngài Morris, những màu sắc của anh đã trở lại khi đến gần những cuốn sách kia, không còn là một bộ phim trắng đen tẻ nhạt nữa. Anh bước dọc hành lang, theo gót anh là những "chủ nhân" của thư viện này, chúng mang một vẻ gì đó rất tin tưởng và vui mừng khi thấy anh. Và ngay khi tiếng nhạc đàn piano cùng điệu nhảy vui nhộn với chiếc gậy của ngài Morris kết thúc, những tiếng või tay giòn giã vang lên, mình đã biết rằng anh đã được chọn trở thành chủ nhân mới của nơi này.
Cuộc sống của anh thay đổi từ đó. Thay áo cho những quyển sách, cho chúng ăn bằng loại ngũ cốc chữ cái kì lạ, mình cảm thấy như đang hoà mình vào cuộc sống của anh ấy vậy. Những cuốn sách bay ấy sống động đến nỗi khiến mình chỉ muốn thốt lên:"Thật kì diệu!" Cảm giác như chúng ta đang thực sự chăm sóc và nuôi dưỡng cho tác phẩm để đời của mình vậy.
Mình cảm thấy không sai chút nào khi cô gái ấy lại chọn ngài Morris làm người chăm sóc cho thư viện này. Một quyển sách cũ, giống như mọi quyển sách có tuổi đời già dặn khác, đều trở nên ốm yếu và cũ nát. Những đường chỉ khâu và bìa sách không còn được mới như ban đầu, cả những trang sách cũng trở nên rời rạc. Mình nghĩ một phần là do quyển sách già cỗi ấy không chống lại nổi với thời gian, nhưng cũng là vì nó đã bị bỏ rơi quá lâu rồi. Ngài Morris đã làm cách duy nhất để cứu nó, chính là đọc. Từng con chữ lướt qua trong mắt ngài Morris, anh như bị cuốn vào trong thế giới của quyển sách. Anh lạc vào trong một mê cung của những con chữ, đắm mình vào nó một cách say sưa với tình yêu sách mãnh liệt.
Một ngài Morris Lessmore đã chăm sóc, nâng niu những quyển sách kì diệu. Người đã sẵn sàng chia sẻ kho tàng sách của mình, đem lại sắc màu tươi tắn cho mọi người. Đã đến lúc anh bắt tay vào viết câu truyện riêng của mình, giống như lúc trước. Anh viết, viết mãi, viết một cách say sưa đến mức quên cả thời gian. Từng cảm xúc của anh lồng vào từng con chữ một cách chân thật, những trang sách cứ kín chữ cứ mỗi ngày một dày hơn. Đến khi ngài Morris Lessmore đã già, mái tóc đã bạc trắng, cuốn sách mới được hoàn thành. Lần đầu tiên tác phẩm đặc biệt và vô giá nhất của mình được ban cho sự sống, mình thực sự không thể diễn tả nổi cảm giác hạnh phúc và thoả mãn sau một thời gian dài cố gắng. Và mình tin rằng ngài Morris cũng đã cảm thấy như vậy. Ông đã dành cả tuổi trẻ và thời gian của mình để hoàn thành cuốn sách, mọi tình cảm và suy nghĩ thiết tha của ông đều gói gọn trong những trang sách này. Và khi ông đã đặt bút chấm hết cho quyển sách, cũng là lúc chiếc đồng hồ cát thời gian của ông chỉ còn lại những hạt cát cuối cùng.
Và thật kì diệu làm sao, khi mà tất cả những cuốn sách bay ấy đều bay vòng xung quanh ông, và dần dần, ông đã biến trở lại thành ngài Morris Lessmore khi vẫn còn trẻ. Những chùm sách bay đưa ông đi khỏi thư viên, đưa ông bay đi xa mãi, xa mãi đến khi những gì còn lại trước mắt những cuốn sách trong thư viện chỉ còn là một chấm đen nhỏ trên bầu trời. Mình chợt nhận ra, ngài Morris không phải cũng giống như thiên thần kì lạ ấy sao?
Một cô bé gái nhỏ nhắn mang trên mình sắc xám u buồn bước vào. Và lại như vậy, màu sắc lại được phủ lên cô bé bởi sự kì diệu của tri thức và trí tưởng tượng. Những quyển sách ấy bay đến, chào đón người chủ nhân mới của thư viện, cả không khí lại bừng lên sự ấm áp như sự sống được hồi sinh.
The fantastic flying books of mr.Morris Lessmore thực sự là một bộ phim rất thú vị dành cho những người yêu sách, và nó còn là một chuyến phiêu lưu hấp dẫn và đầy li kì đối với mình. Mặc dù bộ phim này ra mắt đã lâu và dường như đang dần bị lãng quên, nhưng nó vẫn là một kiệt tác khiến người ta có thể chìm đắ vào nó mà quên hết tất cả mọi thứ. Bộ phim ngắn này không chỉ giống như là một bản nhạc cổ điển trầm lắng, dịu dàng mà còn như một giai điệu rộn ràng ấm áp, khiến ta cảm thấy như đang thực sự sống trong thế giới của những cuốn sách bay kì diệu.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Cảm xúc tốt, trình bày gọn gàng đẹp mắt. Kể quá nhiều, nhấn mạnh các chi tiết không cần thiết. Câu chữ còn rời rạc, chưa rõ luận điểm chính của từng đoạn. Thiếu chiều sâu.
• Jane: Tôi có thể cảm nhận được mạch đập của bài viết, song lại mơ hồ khôn cùng. Lúc thấy lúc không. Một cảm giác nửa vời như vậy, xin thú thực tôi chưa bao giờ thích cũng như hưởng ứng. Không phải bạn không có tiềm năng, nhưng hãy đi tìm bàn đạp của mình để có thể tiến xa hơn nữa nhé.
• Ẩn danh: Về mặt cảm xúc khá ổn, trình bày bắt mắt. Bạn quá chú trọng vào việc kể lại câu chuyện, nói những chi tiết thừa, gây loãng. Ngôn từ rời rạc, luận điểm không rõ ràng. Chưa phân tích kĩ, quá chung chung.
- Nhận xét về phần design: Về phần typography, có một số lỗi về kích cỡ chữ, vị trí sắp xếp và khoảng cách giữa các chữ. Nhìn chung, font script nên được chỉnh sửa cẩn thận hơn để trông hài hoà hơn. Bài thi này có dùng font viết tay - font The Art Deco là một lựa chọn rất ổn và thích hợp. Từ "Of" nên được canh giữa và thẳng, phần credit nên cho nhỏ hơn so với phần tựa đề và hình ảnh. Bên cạnh đó, hình ảnh là một lựa chọn ổn khi dùng ảnh cap màn hình, tuy nhiên cần chỉnh cho sáng hơn để nổi bật.
Điểm thành phần:
4/5 Digital Quality
7/10 Concept
9/10 Execution
20/25 Composition/ Layout
15/25 Originality/ Creativity
5/25 Typography
Tổng 60/100
2. Chiến Binh Takahashi_Chiryo_INC - Cộng Sự vivian19_
The Fantastic FlyingsBooks of Mr. Morris Lessmore là một bộ phim hoạt hình ngắn được sản xuất vào năm 2011, do William Joyce và Brandon Oldenburg đạo diễn và được thực hiện bởi Moonbot Studio.
Sau cơn bão tàn phá quê hương nơi ông ở, Morris Lessmore được một cô gái đưa đến thư viện ở thành phố đổ nát. Ở đó, như bằng ma thuật, tất cả các cuốn sách đều sinh động, biết đi và biết bay. Ông đã dành cả phần đời còn lại để sống, giao lưu với những cuốn sách, đem lại màu sắc đến cho độc giả và hoàn thành cuốn sách của mình. Khi ông được cô gái đó mang lên và bay đi xa, một cô bé khác lại đến và tiếp tục hành trình của mình với những cuốn sách.
Ấn tượng của tôi về phim là nó không có lời, chỉ có nhạc nhẹ. Có thể nói đó là một sự táo bạo để người xem tự hiểu được bộ phim cũng như ý nghĩa của nó. Nhạc khiến phim rất yên bình, sâu lắng và một vài tình tiết có chút hài hước. Phim còn phong phú và đầy màu sắc, những cuốn sách trong phim là một yếu tố quan trọng làm nên điều đó. Đó là thứ khiến phim không nhàm chán.
Mọi người có thể tìm thấy ý nghĩa của họ. Đây là điều mà tôi rất thích ở bộ phim này. Như đã nói ở trên, bộ phim muốn ta tự hiểu và tìm ra được ý nghĩa của nó, tức mỗi người có thể tìm ra được một ý nghĩa cho bản thân mình. Bộ phim không chỉ có một ý nghĩa, mà có rất nhiều thông điệp, ý nghĩa khác nhau. Nó cũng nhắc nhở ta rằng đôi khi điều tồi tệ nhất xảy ra đối với ta lại là điều tốt nhất mà ta từng gặp vì nó có thể giúp ta tìm ra lời kêu gọi thực sự hay bài học đáng giá trong cuộc sống. Trước cơn bão, cuốn sách của Morris đã không thể bay, nó không có ma thuật. Nhưng sau khi trải qua những tháng ngày ở thư viện, khi Morris được mang lên trời, cuốn sách của ông đã bay rất hạnh phúc và đến vị trí chính xác của nó - đó là đến với những cuốn sách khác.
Bộ phim thật đẹp và đơn giản, tuy nhiên thông điệp của nó đến với người xem cũng rất mạnh mẽ. Đó là sự kếp hợp độc đáo tạo nên sự đặc biệt của The Fantastic FlyingBooks of Mr Morris Lessmore.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Chú ý cách trình bày. Ngắn gọn, súc tích. Đôi chỗ vẫn còn là văn nói. Nhiều câu không có nghĩa rõ ràng. Cảm nhận khá, phân tích vấn đề tốt. Tuy nhiên, chưa thực sự có chiều sâu.
• Jane: Phải chăng bạn không thích đoạn phim ngắn này? Không sao, vậy bạn hoàn toàn có thể chê nó. Dù sao đây cũng là một bài viết nêu lên cảm nhận cá nhân, bạn hoàn toàn có quyền tự do nói lên ý kiến của mình mà.
• Ẩn danh: Cách trình bày về mặt bố cục chưa rõ. Tách đoạn chưa thật sự hợp lí. Ngắn gọn nhưng chưa có chiều sâu. Khẩu ngữ dùng đôi chỗ, có nhiều câu chưa rõ nghĩa. Cảm nhận tốt nhưng phân tích chưa rõ ràng, mờ nhạt.
- Nhận xét về phần design: Bạn đã làm tốt trong việc chèn hình ảnh quyển sách vào phần tựa đề. Nhưng phạm lỗi chính tả, đáng ra là "books" mới đúng, đây là lỗi nhỏ nhưng khá quan quan trọng bởi vì poster phim đem lại hiệu quả rất quan trọng. Bên cạnh đó, poster thiếu sự liên hệ của nhà sản xuất, chính xác hơn là không có credit. "Morris" bị nhỏ hơn hai font so với từ còn lại, tuy đây không phải lỗi lớn nhưng để làm cho tựa đề phù hợp với hình ảnh hơn thì nên tìm một đường trong tấm hình như góc cao nhất của cây đàn piano và vẽ đường thẳng để có thể tạo được góc độ phù hợp nhất. Ngoài ra, nó còn giúp sự luân chuyển màu sắc từ bức hình. Hình ảnh chọn chất lượng và ổn.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
6/10 Concept
6/10 Execution
22/25 Composition/ Layout
17/25 Originality/ Creativity
10/25 Typography
Tổng 66/100
3. Chiến Binh Crax_Wifi - Cộng Sự _nhuginny_
The Fantastic Flying Books Of Mr. Morris Lessmore (tựa Việt: Những cuốn sách bay diệu kì của ông Morris Lessmore) là một tác phẩm hoạt hình của hai đạo diễn William Joyce và Brandon Oldenburg được phát hành vào năm 2011. Nhẹ nhàng, sâu lắng và tràn đầy ý nghĩa, bộ phim là sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc và hình ảnh, mềm mại và lôi cuốn, khiến người xem không thể rời mắt một giây nào.
Tuy phim ngắn chỉ dài chưa tới 20 phút nhưng lại tràn đầy ý nghĩa, dường như mỗi chi tiết đều mang ẩn ý riêng của nó.
Mở đầu của bộ phim là ngài Morris đang ngồi viết cuốn truyện, rồi một cơn bão xám (lấy ý tưởng từ cơn bão Katrina đã tàn phá Mỹ) tượng trưng cho những khó khăn, lo lắng, bất an xảy đến với những người viết, và ngài Morris chạy theo tác phẩm ngài ấy đang viết trong vô vọng, kết hợp với những hình ảnh quay cuồng hỗn loạn ấy là những âm thanh dồn dập, tạo thành từng nhịp đập mạnh mẽ, tác động trực tiếp lên từng nhịp tim của người xem, thấp thỏm theo dõi từng giây từng phút ngài Morris cố gắng dành lại cuốn sách. Để rồi khi tất cả ngừng lại thì dường như mọi thứ đã mất đi quỹ đạo của chính nó. Và từ những cảm xúc lang thang vô định ấy, con người lại tới một vùng đất mới, lại được cứu rỗi nhờ sách.
Khi vô tình gặp được người quản thư tiền nhiệm đang bay đi cùng những cuốn sách của cô ấy, ông Morris đã được cô gửi lại một cuốn sách vẽ Humty Dumty, và nó đã dẫn ngài ấy đi tới thư viện cổ, như một cách nói ẩn dụ: "Tri thức sẽ dẫn lối cho con người."
Khi ngài bước vào thư viện cổ, màu xám xịt trên người đột nhiên biến mất, thay vào đó là một màu nâu sữa vintage ấm áp ngọt ngào. Sau đó là hình ảnh ngài ấy nhảy theo giai điệu piano của cuốn sách Humty Dumty, tạo nên một không khí vui vẻ hơn rất nhiều.
Toàn bộ phim được đẩy lên cao trào nhờ phân đoạn ngài Morris đã cố gắng chữa trị cho một cuốn sách sờn gáy, già nua. Ngài cố dán lại những tờ giấy, nhưng chẳng có hiệu quả gì, những cuốn sách khác thấp thỏm chờ đợi như cách chúng ta thấp thỏm khi người thân bị bệnh, chờ đợi một phép màu xảy ra. Phép màu ấy bất chợt xuất hiện khi ngài Morris đọc cuốn sách. Và sau đó ngài bị cuốn vào một bản hòa ca các con chữ nhảy múa với đủ sắc thái từ vui, buồn, giận, sợ hãi,... Và khi ngài đọc xong, cuốn sách ấy đã cúi chào thật điệu nghệ rồi tiếp tục hành trình bay lượn của mình. Điều đó khiến chúng ta nhận ra rằng: Sách chỉ chết khi không có người thưởng thức nó, như họ hay gọi những tri thức bất tử. Và từ đây, ngài Morris đã bắt đầu viết lại cuốn sách của ngài ấy một lần nữa.
Những phân cảnh tiếp theo lại bình yên và ấm áp lạ thường, một buổi sáng ngập nắng khi ngài Morris ngồi trên ngọn đồi đối diện thư viện hay lúc ngài tặng những cuốn sách bay cho người dân giúp họ thoát khỏi màu xám cô độc, như cô gái ấy đã từng làm với ngài.
Hạ tàn, thu tới, khi bầu trời đỏ rực lên như ngọn lửa, khi lá rụng xuống để lại cành cây khẳng khiu một mình là lúc ngài Morris già đi, mái tóc nâu giờ chuyển màu bạc trắng, thì cũng chính là lúc ngài đặt được dấu chấm cuối cùng trên cuốn sách của mình.
Và đoạn kết của bộ phim lại làm chúng ta bất ngờ thêm một lần nữa khi chứng kiến những cuốn sách bay làm ngài Morris trẻ lại, và giống như cô gái tiền nhiệm, ngài đã bay đi, để lại cuốn sách Humty Dumty buồn bã. Nhưng khi cuốn sách ngài đã dùng cả tuổi trẻ để viết quay lại, dường như cả cảnh phim sống dậy và trở nên rực rỡ hơn rất nhiều, và rồi khi một cô bé khác tới, bức ảnh của ngài Morris lại được treo trên tường thư viện cổ.
Bộ phim hoạt hình ngắn này quả là một tác phẩm tuyệt vời, tràn đầy ẩn ý và tri thức, nhưng thông điệp cuối cùng vẫn là:
"Sách là người bạn quý giá nhất của con người."
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Chú ý cách trình bày. Cảm nhận tốt, có chiều sâu. Ngôn ngữ sáng tạo, hành văn mạch lạc. Kể chuyện hơn là cảm nhận.
• Jane: Hẳn nếu được đọc thêm một bài cảm nhận khác của bạn, tôi sẽ hiểu rõ cách hành văn và cách truyền tải cảm xúc của bạn hơn chăng?
• Ẩn danh: Trình bày tạm ổn. Cảm nhận khá tốt, có chiều sâu. Ngôn từ phóng phú, hành văn trôi chảy, mạch lạc. Vẫn sa vào kể nhiều hơn.
- Nhận xét về phần design: Cách xếp text rất đẹp, nhưng bạn dùng hơi nhiều font cùng một lúc. Quy tắc chung là không có hơn ba font chữ trong một bài design và không hơn hai font trong cùng một text (tựa đề). Làm nổi hình ảnh nhân vật lên thể hình được chiều sâu, tuy nhiên tôi nghĩ phần chân và cây gậy của nhân vật nên được cắt tại phần đường kẻ trắng, trừ khi chúng còn một đoạn sau đó nữa. Tôi cũng muốn khuyên thêm là nên làm cho hình ảnh quyển sách to ra đôi chút nữa.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
9/10 Concept
8/10 Execution
22/25 Composition/ Layout
19/25 Originality/ Creativity
21/25 Typography
Tổng 84/100
4. Chiến Binh Abittersmile - Cộng Sự -editorANDY
The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore (Những cuốn sách biết bay của Morris Lessmore) – bộ phim hoạt hình ngắn được sản xuất vào năm 2011 do cặp đôi William Joyce và Brandon Oldenburg đạo diễn và được thực hiện bởi Moonbot Studio. Bộ phim được gợi cảm hứng từ cơn bão Katrina và tình yêu vô hạn với những cuốn sách. Với nội dung hàm chứa những ý nghĩa sâu lắng nhẹ nhàng, bộ phim thật sự mang đến cho khán giả những thông điệp quý giá.
Vào một buổi sáng đẹp trời, Morris Lessmore - nhân vật chính đang ngồi trên ban công nhà mình giữa những chồng sách xung quanh và viết lên cuốn sách riêng mình. Đột nhiên, một cơn bão lớn từ đâu ập tới, càn quét thành phố với một tốc độ đáng sợ, nhanh chóng cuốn phăng mọi thứ, thậm chí những con chữ trên cuốn sách đỏ kia. Morris bất chấp tất cả, sẵn sàng đuổi theo nhưng vẫn không thể. Rồi đến khi cơn bão đi qua, mọi thứ tan hoang, sách chỉ còn là tờ giấy trắng trống trải thẳng thừng rơi xuống mặt đất. Quang cảnh xung quanh là màu xám xịt hệt như lòng người bây giờ.
Cô độc.
Bất lực.
Tuyệt vọng.
Làm sao đây ? Chúng ta sẽ ra sao ? Về đâu ? Hãy thử tưởng tượng mà xem ! Nếu chúng ta - những người đang ngồi đây cùng chung cảnh ngộ với Morris thì chúng ta sẽ làm gì ? Bỏ cuộc, rồi héo mòn dần. Đớn đau mãi đi theo chăng ?
Sách - Vốn được so sánh như những người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời con người. Và giờ đây, những quyển sách nhỏ ấy là người bạn đồng hành với Morris gần như suốt cả một cuộc đời.
Tôi thiết nghĩ, những gì xảy ra với Morris cũng chính là những gì đang xảy ra đối với những mảnh đời trên thế giới này. Chỉ có niềm tin, sự cố gắng, vững bước và không cô độc mới có thể bước đi trên con đường giông bão phía trước.
Cuộc đời Morris trôi qua bình yên đến mức khiến tâm hồn tôi phải thổn thức.
The End.
Hai từ kết thúc. Nhẹ nhàng nhưng vẫn vỗ sóng vào lòng mọi người.
Khi cuốn sách kia gập lại, là lúc ông hòa vào bầu trời rộng lớn kia. Rồi như một vòng tuần hoàn, một cô bé đáng yêu lại bước vào. Từ đó, sẽ là một câu chuyện, sẽ là một cuốn sách mới...
Đoạn tôi tâm đắc nhất là khi Morris cùng những cuốn sách cấp cứu cho một "ông" sách đã quá cũ. Vì đã lâu không ai để ý tới, "ông" sách dần trở nên mục nát. Morris đã phát hiện ra, anh lựa chọn cứu chữa khi "ông" sách đã trong tình trạng quá nguy hiểm. Lúc Morris dán lại từng trang sách nhưng vẫn chẳng thể khiến ông sách tỉnh lại. Đến khi Morris dò lại từng câu chữ trong đó, từng cung bậc cảm xúc thể hiện rõ ràng trên khuôn mặt Morris, chỉ khi đó, ông sách mới thực sự đã được cứu. Từ đó, tôi hiểu rằng: Cuốn sách không ai ngó ngàng tới, nó sẽ rơi vào trạng thái "chết". Chỉ khi có người tìm hiểu, có người đọc, nó mới là một cuốn sách "sống" và vô cùng ý nghĩa.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Chú ý cách trình bày. Cảm nhận rất tốt, nhưng chưa tới. Cần đi sâu hơn vào các chi tiết đắt giá.
• Jane: Tôi không phủ nhận mình là một người rất tùy hứng. Tôi thích thì sẽ chấm điểm cao, còn không hứng thú lắm sẽ để thấp - tất nhiên vẫn phải bám theo một chuẩn mực nhất định - nhưng suy cho cùng vẫn xuất phát từ cảm nhận cá nhân mà thôi.
Tôi muốn thấy một mức độ sâu hơn nữa. Bạn đã đào được một cái hố 1 mét, thì tôi mong bạn sẽ đào được thêm 5 mét nữa. Rồi cứ tiếp tục như vậy không ngừng nghỉ, tới khi chạm tới ngưỡng sâu nhất thì thôi.
Có như vậy, con người ta mới tiến về phía trước được.
• Ẩn danh: Trình bày còn chút sai sót nhưng nhìn chung khá ổn. Cảm nhận sâu sắc nhưng chưa đi sâu vào phân tích, cảm nhận chi tiết quan trọng.
- Nhận xét về phần design: Font chữ hơi khó để nhìn. Font chữ rất đẹp nhưng nên được chỉnh nhỏ hơn và gọn hơn nữa. Nếu sử dụng những mảng lớn thế này thì khoảng cách giữa các chữ nên là to hơn. Và nó sẽ ổn hơn nếu sắp xếp các vị trí con chữ thoải mái hơn. Phông nền là lựa chọn tốt với hiệu ứng nhoè nhẹ kèm theo hình ảnh nhân vật.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
4/10 Concept
6/10 Execution
12/25 Composition/ Layout
10/25 Originality/ Creativity
9/25 Typography
Tổng 46/100
5. Chiến Binh _jasminesline - Cộng Sự Shellwyn_
Tôi đã nhiều hơn một lần kinh qua câu hỏi, mình sẽ là ai và mình sẽ về đâu, nếu bỗng chốc một ngày, mọi thứ văn chương chữ nghĩa đều biến mất ở trên đời. Có lẽ, như Hoài Thanh từng nỉ non than thở những đêm tù mù thắp đèn dạo chơi trên trang sách, "Nếu pho lịch sử loài người xóa các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh loài người xóa hết những dấu vết họ còn lưu lại, thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bực nào!". Sách, những con chữ, những áng văn chương quằn quại run rẩy trên mặt giấy, hòng mong thỉnh cầu sự đáp lại từ tâm hồn những độc giả thông thái, đã lưu dấu chân xiêu vẹo trên con đường mòn dẫn lối vào cuộc đời, mà sau một trận mưa đêm, đất rắn lại, chẳng có cách nào xóa nổi. Người ta không tưởng được, ngày nào đó, tỉnh dậy, những con chữ lìa bỏ ta đi. Nhưng thiên tài đào bới vào sự không tưởng ấy: William Joyce và Brandon Oldenburg đã thực sự để chữ nghĩa từ trang sách biến mất vào khoảng không vô tận, và rồi trở lại với một miền đất kỳ diệu, nơi sách được tái sinh từ tâm hồn Người: "The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore".
Đây là một thước phim ngắn, và hệt như vô vàn những thước phim ngắn khác long trọng châm ngòi cho các cuộc bàn luận sâu sắc tốn biết bao giấy mực của báo chí, "The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore" có sức chuyên chở dường như vô biên: Chỉ với một đoạn phim có thời lượng vỏn vẹn 15 phút, từng hình ảnh, chi tiết và biểu tượng đã nghiễm nhiên đứng trên bục đài vinh quang của nó – ta không thấy sót lại bất cứ nét chấm phá thừa thãi nào. Phim mở đầu bằng hình ảnh nhân vật chính Morris Lessmore ngồi trên ban công, giữa một chồng sách ngất ngưởng và cặm cụi viết, khi tai họa bất chợt ập đến – cơn bão lớn cuốn phăng mọi thứ, kể cả những con chữ đang viết dở. Giông tố qua đi, cũng chính là lúc Morris thẫn thờ ngồi lại với trang sách rỗng không của mình – giống như tâm hồn anh, giống như gam màu của thị trấn, giống như một địa cầu không còn sức sống để nghe loạt xoạt tiếng sách lật bên tai, xám xịt, tối đen và u uẩn. Nhưng những cánh cửa không bao giờ khép chặt; phép màu luôn tồn tại với những người dám nghĩ và dám tin: Morris đã được một cô gái với chùm bóng bay dẫn lối, đến miền đất kì diệu anh chưa hề biết đến bao giờ: Miền đất của những quyển sách. Và ngọn lửa nhiệt huyết đam mê bén rơm ngọt lịm rồi bùng cháy lên mãnh liệt – anh lại cầm bút, và viết, viết hết lòng mình như trải sự đời xuống trang giấy mỏng, viết không ngơi nghỉ để chừng nào anh hẵng còn chưa quên đi những kí ức tuyệt diệu này trong đời, viết để nhận ra tình yêu vẫn tồn tại đó, chưa hề vụt tắt và chưa hề mất đi. An yên, bình lặng, Người lớn lên và già đi bên cạnh dòng máu nóng chảy trong trái tim vô hình của nghệ thuật, giữa mảnh đất rực rỡ phép màu. Và có lẽ đó cũng là câu chuyện cổ tích đẹp nhất của cuộc đời anh.
"Morris Lessmore loved words.
He loved stories.
He loved books.
But every story has its upsets."
Tôi thừa nhận, mình thực sự chưa hiểu hết bộ phim muốn truyền tải điều gì trong lần đầu ghé mắt, và có lẽ đến tận bây giờ nữa, khi đã ấn nút "Replay" đến hơn cả chục lần, tôi vẫn chưa chắc bản thân hiểu hết những thông điệp tiềm ẩn bên trong. Nhưng "The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore" đích thị là một dòng nước róc rách giữa sa mạc – không phải ảo ảnh thị giác, không phải chập chờn cơn mơ – mà trong trẻo tựa một ngụm nước, thánh thót như muôn tiếng đàn, tưởng gió réo rắt kéo mây trời ngang tai, rót vào lòng sự tươi mát. Từng hình ảnh gần gũi, từng màu sắc phối hợp vui tươi, từng bản nhạc du dương cất lên tiếng ca vào đúng thời điểm đắt giá, và ngay cả những cái nhướn mày, nghiêng đầu, chớp mắt; ngay cả những giọt mồ hôi, ánh nhìn dõi theo bóng lưng ai đó của một nhân vật, cũng tinh tế đến mức giải thưởng Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2011 là hoàn toàn xứng đáng để thuộc về vị đạo diễn tài ba này. Hình thức vận dụng xuất sắc kĩ xảo 3D hiện đại, kết hợp với tính truyền thống của mảng 2D và dựng mô hình, khéo có ai nghĩ tất cả những điều ấy chỉ thu gọn lại bằng một thước phim ngắn bé tẹo! Hàm súc, chân thật và ý nghĩa: Tôi ngờ rằng bấy nhiêu cũng không đủ để ca ngợi hết sức ảnh hưởng to lớn của "The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore" đến mọi người.
Nhưng William Joyce và Brandon Oldenburg quyết chứng minh thế vẫn là chưa thực sự tròn vẹn, khi bộ phim, bên cạnh việc sở hữu một nhãn bìa quá lộng lẫy, thì cái chất, cái tư hồn, cái nội dung thâm thúy bên trong mới chính là thứ quyết định liệu nó có neo mãi trong lòng. Và tôi tin, chưa bao giờ mục đích của ông lại thành công hơn thế - 15 phút cuộc đời ấy đã hoàn toàn đánh gục tôi! Morris dẫn chúng ta đi trên lối mòn, trên con đường xám xịt tối đen của một thế giới vắng những quyển sách, và rồi bất chợt vỡ òa ra trong đủ đầy bao gam màu lung linh rực rỡ, khi ta chạm ngõ thư viện – là vùng đất phép hay chính là "nhà"? Nhà của văn chương, nhà của chính tâm hồn Morris và ta đó, bởi ta chỉ thực sự sống chứ không phải tồn tại khi biết đến sự hiện diện kì diệu của những cuốn sách trên cõi đời. Cảm động nhất với tôi, có lẽ chính là nỗ lực cuối cùng của nhân vật để cứu lấy một quyển sách đã đi qua chặng đường quá nửa – sờn cũ, bong tróc, long gáy, không được ai quan tâm trong thời gian rất lâu – và chắc là sắp lìa bỏ thế gian này. Nó thoi thóp tuyệt vọng, dưới những giọt mồ hôi ứa ra của anh hòng mong níu lại chút hy vọng mỏng manh cứu sống, nhưng có vẻ như bất lực khi mọi cố gắng đều không thành. Điều tuyệt diệu làm vỡ ra bài học nhân sinh sâu sắc, chính là thời điểm khi Morris dò từng ngón tay lên trang sách và đọc chữ, cuốn sách bỗng hồi sinh! Tiếng nhạc vang lên gấp gáp, giục giã hay tiếng trống đập binh binh trong ngực thức tỉnh lòng người, rằng phải chăng, sách chỉ thực sự chết, khi con chữ mà chúng đeo mang trở nên nặng nề vô nghĩa dưới cặp mắt của những kẻ hời hợt, vô tâm?
Có lẽ, "những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người." (Voltaire).
"The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore" đã thành công chuyển tải thông điệp giản dị mà sâu sắc, đã vẽ nên trong mỗi người một ý thức nhìn nhận đúng đắn về tầm quan trọng của sách, đã rung lên mối dây đồng điệu với Morris – nhân vật cuối cùng trở thành "kẻ chỉ dẫn" tiếp theo. Và bạn, hãy tin tôi đi, rằng sẽ chẳng bao giờ là phí phạm thì giờ vô giá khi chịu khó ngồi xuống và ấn nút "Play" cho đoạn phim ngắn này. Bởi cảm giác của tôi sau khi xem xong cũng bồi hồi như câu nói: "Bạn biết rằng bạn đã đọc một cuốn sách hay khi bạn giở đến trang cuối cùng và cảm thấy như mình vừa chia tay một người bạn".
Hơn ai hết, tôi hiểu, mình vừa trải qua một cuộc chia tay như vậy!
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Một bài viết hay. Hành văn bay bổng, sử dụng ngôn ngữ sáng tạo và linh hoạt. Cảm xúc rất tốt, có chiều sâu. Có sự đầu tư và chứa nhiều tâm huyết. Chú ý cách trình bày, vượt quá giới hạn chữ.
• Jane: Điều đầu tiên phải xét đến là bạn đã vượt quá quy định chữ quy định. Nhưng tôi thì không thích sự cứng nhắc cho lắm vì đôi khi, xin nhấn mạnh là đôi khi, luật lệ cũng chẳng thể bao quát hết các mặt của vấn đề được.
Những yếu tố cho bài văn cảm nhận bạn có đủ, và cũng đã chạm tới chiều sâu cần thiết. Dẫu thế, giới hạn nhiều được đặt ra là để phá bỏ. Trong trường hợp này, hãy đập tan nó đi!
• Ẩn danh: Bài viết rất tốt. Ngôn từ đa dạng, bay bổng và linh hoạt. Cảm xúc tốt và sâu sắc. Đáng tiếc là vượt quá giới hạn chữ. Có sự đầu tư, tôi đánh giá cao.
- Nhận xét về phần design: Kích cỡ của poster bị sai so với quy định. Bài thi này thể hiện sự thấu hiểu về typoraphy và cách xử lý chúng. Màu đỏ là sự lựa chọn tốt, khoảng cách giữa các chữ cũng giúp cho dễ nhìn hơn. Vấn đề quy nhất là giữa chữ "E" và "T" có chút bị đè lên nhau, lỗi này khá dễ sửa. Hình ảnh bạn chọn tạo ra cảm giác thu hút mà không làm lộ quá nhiều thông tin về bộ phim, trong khi còn một vài bài hơi để lộ nội dung chính của bộ phim. Mình thật sự rất hài lòng về cách bạn sắp xếp các thông tin về bộ phim, về tựa đề, thời gian và credits được nằm gọn theo thứ tự. Khái quát thì đây là một poster đơn giản, gọn gàng mà không kém phần thu hút.
Điển thành phần:
5/5 Digital Quality
9/10 Concept
9/10 Execution
24/25 Composition/ Layout
24/25 Originality/ Creativity
24/25 Typography
95/100
-5 for wrong size
Tổng 90/10
6. Chiến Binh _Keiko2k4_ - Cộng Sự Huyet_Thien_Vu
I. Thông tin chung.
Đạo diễn: William Joyce và Brandon Oldenburg
Tác phẩm: The Fantastic Flying Books Of Mr. Morris Lessmore.
Thể loại: Hoạt hình ngắn.
Độ dài: 15 phút 07 giây.
II. Review.
The Fantastic Flying Books Of Mr. Morris Lessmore là một bộ phim hoạt hình ngắn do làm đạo diễn. Bộ phim là một câu chuyện kể về những quyển sách có khả năng di chuyển, cử động mang lại sự màu nhiệm cho mọi người. Câu chuyện mang ý nghĩa về tác dụng chữa lành của những quyển sách.
Mở đầu câu chuyện chính là cảnh một cơn giông lốc bất chợt ghé thăm một thành phố. Chúng kéo tới và cuốn bay tất cả mọi thứ, kể cả những quyển sách và cả chữ viết. Cuối cùng cơn bão cũng qua đi, để lại đằng sau một mớ hỗn độn. Cơn lốc được xem là những giông tố của cuộc đời, những khó khăn mà con người phải trải qua, chúng khiến con người ta nản chí, buồn rầu và bất lực. Đặc biệt là khi bộ phim có ý tưởng từ cơn bão Katrina quét qua nước Mĩ năm 2005.
Hay khi ta nhìn nhận mọi việc ở một khía cạnh khác, ta có thể thấy được bộ phim đã đặt ra một câu hỏi. Nếu trên đời thiếu đi những quyển sách và chữ viết thì cuộc sống của con người sẽ như thế nào? Và câu trả lời cho câu hỏi này cũng nằm trong bộ phim ngắn ấy. Phải, cuộc sống sẽ trở nên chán ngắt, buồn tẻ và xám xịt, không có một chút màu sắc nào. Và con người nếu thiếu đi những quyển sách sẽ cảm thấy cuộc đời thật vô vị, thật sáo rỗng.
Cả hai ý nghĩ tuy có vẻ khác nhau, nhưng chung quy lại chúng đều chỉ tới những phiền muộn của con người trong cuộc sống. Vậy thì điều gì sẽ hóa giải những phiền muộn ấy? Tất cả đều được thể hiện trong phần sau của bộ phim.
Sau đó, ông Morris Lessmore, một người đàn ông với tình yêu sách mãnh liệt (điều này ta có thể thấy qua phần đầu của bộ phim, khi ông ấy đang ngồi viết sách, có một chồng sách khá lớn kế bên ông), đã vô tình tìm ra được một thư viện nơi mà các quyển sách có chân, có thể cử động và đi lại như con người. Ông đã quyết định sống tại nơi đó, làm bạn với những quyển sách và giúp cho mọi người xóa bớt phiền muộn của mình. Tới khi ông đã già, đã đem lại màu sắc cho cuộc sống, ông lại rời khỏi thư viện kì diệu ấy. Và ngay sau ông, một người nữa lại đặt chân tới thư viện ấy, tiếp tục nhiệm vụ xóa bỏ phiền muộn của mọi người, đem màu sắc trở lại với cuộc sống xinh tươi.
Câu chuyện về cuộc sống của ông Morris tại thư viện ấy, từ ngày đầu tiên ông tới cho đến khi ông đi, tất cả đều được tái hiện lại, rõ nét và sinh động. Những quyển sách đã giúp mọi người xóa bỏ phong ba bão tố trong lòng, giúp họ trở nên vui tươi hơn. Ý nghĩa của bộ phim này chính là về tác dụng chữa lành của những quyển sách, một ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc.
Một cảnh trong phim mà tôi nhớ nhất, có lẽ đó chính là cảnh khi ông Morris cứu giúp cho một quyển sách đã cũ kĩ. Nó bị long bìa, rách trang, và có vẻ như đã lâu rồi không có ai đụng tới. Ông Morris đã dán lại trang, đóng lại bìa cho quyển sách ấy. Nhưng đáng tiếc thay, nó vẫn chưa có một dấu hiệu nào của sự sống. Cho tới khi ông Morris lật từng trang sách ra và đọc từng câu, từng chữ, quyển sách mới dần dần hồi sinh. Qua đó, ta cũng thấy được thông điệp gửi gắm qua cảnh phim này: quyển sách mà không có ai đọc thì cũng chỉ là quyển sách chết.
Nội dung và ý nghĩa của phim đều mang tính nhân văn sâu sắc. Công dụng của những quyển sách đều được thể hiện một cách sinh động qua bộ phim. Tuy chỉ dài có 15 phút nhưng phim lại ghi được dấu ấn đậm nét cho người xem, dạy cho con người ta hiểu về việc đọc sách. Và trong thời đại của những bộ phim tình cảm, tình bạn, đây có lẽ là bộ phim nổi bật nhất vì nội dung của nó. Bộ phim mang lại sự tươi mới cho người xem, lại không quá rập khuôn mà đi theo một motif mới.
Đó chỉ là xét về nội dung, còn xét về nghệ thuật, tôi lại cảm thấy rất ngưỡng mộ đạo diễn William Joyce và Brandon Oldenburg và trình làm phim tài tình của hai ông. Với độ dài chỉ có vỏn vẻn 15 phút và không hề có một lời thoại nào, nhưng ý nghĩ, tính cách và cả tâm trạng của các nhân vật đều được thể hiện một cách khéo léo qua các chi tiết của phim. Việc xây dựng hình ảnh khi ông Morris cứu giúp cho quyển sách cũ kĩ kia trong không gian như một phòng phẫu thuật đã cho ta thấy được mức độ nghiêm trọng của sự việc, lại khéo léo mang lại một ý nghĩa hay cho đời. Đây thực sự là điều mà môth bộ phim cần phải có.
Lại xét về nhân vật. Bản thân tôi khá thích nhân vật Morris Lessmore. Ông ấy là một con người có lòng đam mê với sách một cách mãnh liệt, lại yêu thích việc viết sách. Tôi như tìm thấy hình ảnh của mình trong người đàn ông lãnh đạm này. Những hành động, những cử chỉ và cái cách ngân nga một giai điệu nào đó trong khi viết làm cho tôi liên tưởng tới hình ảnh của một người đàn ông trưởng thành, lãnh đạm và đạm mạc. Và ông cũng chính là một con người cực kì nhân hậu. Khi nhìn thấy quyển sách tội nghiệp, ông đã cứu nó, cho nó hồi sinh lại một lần. Đây chính là những phầm chất cần có của một người đàn ông thực thụ. Và đó cũng chính là lí do khiến tôi cảm thấy thích nhân vật này.
Những quyển sách tuy không thể nói chuyện, cũng không thể biểu thị cảm xúc như con người bình thường, nhưng với cách xây dựng nhân vật của hai vị đạo diễn tài ba, tôi lại cảm thấy có chút gì đó trẻ con, nhí nhảnh trong những quyển sách nhưng cũng không kém phần trưởng thành. Cách biểu hiện cảm xúc của những quyển sách được thể hiện qua những trang truyện, hay là cách chúng thể hiện tuy không rõ ràng nhưng lại khiến người xem nhận ra được. Ví dụ như khi chúng vui thì quyển sách sẽ thẳng lên, hay khi buồn thì đầu sách sẽ cụp lại. Đây chính là điểm sáng tạo của đạo diễn.
Nếu như có một chút gì đó thiêu thiếu ở trong tác phẩm này thì đó chính sự hấp dẫn. Tuy nội dung và nghệ thuật cũng như nhân vật rất hay và sáng tạo thì có một vài cảnh phim đối với tôi là hơi dư. Ví dụ như là khi cơn bão tới, nó kéo dài quá khiến tôi cảm thấy hơi nhàm chán, có lẽ chúng ta nên tăng lên một chút kịch tính sẽ hấp dẫn hơn. Dù vậy, đó cũng chỉ là một phần nhỏ, còn lại tất cả mọi thứ đều hay và tuyệt vời.
Nói chung, bộ phim này hội tụ rất nhiều yếu tố của một tác phẩm hay. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhân vật sáng tạo, thu hút người xem, nghệ thuật làm phim tài tình. Tất cả đều tạo nên một tuyệt tác nghệ thuật. Bạn hãy thoát ra khỏi những bộ phim tình cảm, hãy dành ra 15 phút để coi bộ phim này, bạn sẽ bị cuốn hút theo dòng chảy của phim, hòa mình vào trong nhân vật và sẽ có được cảm giác nhẹ nhõm, thư giãn.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Không bị lậm kể, cách viết rõ ràng và mạch lạc. Tuy nhiên quá thiên về phân tích, thiếu cảm xúc. Cần tập trung vào nội dung chính để tránh lan man. Chú ý cách trình bày. Quá giới hạn số chữ.
• Jane: Phải nói thật thì tôi khá thích bài viết này. Một cái gì đó khiến tôi thích thú vài phải đọc nó kĩ hơn bao giờ hết - một thế lực thần bí nào đó tỏa ra từ những câu chữ của bạn chăng? Nếu thực vậy, hãy phát huy sức mạnh đấy của bạn ra lớn hơn, mạnh mẽ hơn nữa nhé.
• Ẩn danh: Tôi không nghĩ đây là bài cảm nhận. Rõ ràng, mạch lạc nhưng khô khan. Nội dung lan man. Trình bày chưa tốt. Quá giới hạn chữ.
- Nhận xét về phần design: Lựa chọn hình ổn, nhưng đáng lẽ phải nằm ở chính giữa và chỉnh sửa một chút nữa. Câu nói sau tựa đề không cần thiết cho lắm. Thiếu phần credits. Phông chữ to đúng là tạo hiệu ứng tốt nhưng trong bài của bạn nó đang ở khắp mọi nơi.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
5/10 Concept
4/10 Execution
4/25 Composition/ Layout
17/25 Originality/ Creativity
7/25 Typography
Tổng 42/100
7. Chiến Binh YLinhSoul - Cộng Sự Rossi_3SLS
"The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore là một bộ phim hoạt hình ngắn được sản xuất vào năm 2011, do William Joyce và Brandon Oldenburg đạo diễn và được thực hiện bởi Moonbot Studio. Câu chuyện nhẹ nhàng và ý nghĩa này đã nhận được tổng cộng 14 giải thưởng, trong đó có "Audience Award" tại Liên Hoan Phim Austin, "Best Animated Short" tại Liên Hoan Phim Cinequest, và nổi bật nhất là giải Oscar dành cho phim ngắn xuất sắc nhất tại Lễ Trao Giải Oscar Lần Thứ 84. Ẩn sau những thước phim hoàn hảo ấy, cặp đôi đạo diễn William và Brandon đã truyền tải những thông điệp hết sức ý nghĩa của mình vào câu chuyện phiêu lưu kì ảo của ngài Morris Lessmore và gửi đến toàn bộ những người yêu sách trên toàn thế giới."
-Từ Glorious Peak ¦ Tư cách của một đấu sĩ
Bộ phim được mở đầu bằng hình ảnh một cơn bão xuất hiện cuốn đi những cuốn sách, những con chữ và cả hình ảnh trong sách. Ở đây, nhà làm phim đã rất sáng tạo trong việc sử dụng cơn bão để phản ánh về việc con người ngày càng ít đọc hơn khiến cho những cuốn sách trong tủ trở thành những cuốn sáng trắng tinh và vô hình. Việc ngài Morris chạy theo cuốn sách của mình tới cùng đã cho thấy rằng trên thế giới rộng lớn vẫn còn những người ham đọc sách và tận tụy với việc đọc. Khi cơn bão tan đi, tất cả chỉ còn một màu xám xịt. Những con chữ biến mất, mọi thứ bị tàn phá ngụ ý rằng tương lai của con người nếu thiếu đi những cuốn sách sẽ đen tối nhường nào. Tất cả mọi thứ đều trầm lặng và sầu thảm cho đến khi ông gặp được một cô gái cùng những cuốn sách bay, ghé ngang qua và tặng ông một quyển sách. Cuốn sách ấy đã đưa ngài Morris đến với một ngôi nhà tràn đầy những sách. Những cuốn sách đem sắc màu trở lại với ông vui vẻ trở lại và lại tiếp tục viết câu chuyện của mình. Tất cả đều êm đềm cho đến khi ông tìm được một cuốn sách cũ kĩ, thoi thóp trên kệ. Cho dù dán lại bao nhiêu lần thì "nhịp tim" của cuốn sách vẫn không trở lại cho đến khi ông ta đọc nó. Cảm nhận lại bao nhiêu cảm xúc hỉ nộ ái ố tóm gọn lại trong những trang sách. Và cuốn sách sống lại như chưa có gì xảy ra.
"Sách có người đọc là sách bất tử"
Sau đó, ông ta đã sống hết mình, phát và dạy cho mọi người ý nghĩa của sách đồng thời mang sắc màu trở lại cho mảnh đất xám xịt năm xưa. Và lúc ông về già, cũng là lúc ông hoàn thành câu truyện của đời mình. Ông, ngài Morris Lessmore, lại như cô gái khi trước, cùng những cuốn sách bay lên thiên đàng và đưa một người chủ mới đến với ngôi nhà. Bức chân dung ngài Morris Lessmore xuất hiện cùng những bức chân dung cùng bao tác giả khác cho thấy rằng những nhà văn cho dù có mất đi, thì công lao của họ vẫn sẽ mãi tồn tại cùng thời gian, qua những trang sách những bài thơ, những ca từ tuyệt đẹp mà họ đã gửi gắm vào nơi được gọi là "sách".
Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi xem bộ phim ngắn này là: ý nghĩa, và tuyệt đẹp! Thực sự thì theo tôi đây là một bộ phim rất đáng xem! Nó chứa rất nhiều thông điệp và mọi chi tiết đều mang trong mình một ý nghĩa riêng của nó. William và Brandon đã rất xuất sắc trong việc gửi gắm ý nghĩa của việc đọc đến thế giới vào những thước phim ngắn tưởng chừng như vô nghĩa. Các bạn có lẽ cũng nên xem qua một lần, để hiểu trọn vẹn những điều mà William và Brandon muốn truyền đạt, cũng như hiểu được tầm quan trọng của những cuốn sách mà bạn nhìn thấy mỗi ngày.
Đừng để những cuốn sách phải chờ đợi.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Gần như là kể, đoạn cuối cùng có yếu tố cảm nhận nhưng chưa đủ sâu sắc và truyền tải các thông điệp. Chú ý cách trình bày.
• Jane: Tôi tự hỏi đây là thuyết minh hay cảm nhận?
• Ẩn danh: Đánh giá cao về đầu tư hình ảnh nhưng không cần thiết phải copy bài viết đến 2 lần chỉ để cho vào ảnh. Thà rằng chỉ sử dụng 1 thứ thì sẽ tốt hơn. Bài viết gần như là kể và tái hiện lại, cảm nhận mờ nhạt và phân tích chưa sâu.
- Nhận xét về phần design: Lựa chọn hình ảnh rất sáng tạo và thú vị, thực hiện rất tốt ở texture và sự tối giản. Bạn lựa chọn font rất tốt tuy bao quát thì vẫn còn chút khó nhìn, và phần xếp text chính của tựa đề phim cũng khó nhìn. Màu sắc Joyce bạn chọn trông rất chín chắn và chuyên nghiệp.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
10/10 Concept
7/10 Execution
20/25 Composition/ Layout
25/25 Originality/ Creativity
10/25 Typography
Tổng 77/100
8. Chiến Binh _iamMAz_ - Cộng Sự Riku-Hatsune
The Fantastic Flying Books of Mr Morris Lessmore là một bộ phim ngắn cực kỳ hay và ý nghĩa. Xuyên suốt mười lăm phút cô đọng và hàm súc, chuyến phiêu lưu kỳ ảo đầy hấp dẫn và không thể đoán được của Morris Lessmore đã hiện lên sống động qua những thước hình ảnh vui nhộn dễ thương cùng âm nhạc du dương réo rắt. Thế nhưng, nếu chỉ với nhiêu đó, bộ phim hẳn không thể đem lại thành công vang dội cho William Joyce, Brandon Oldenburg và Moonbot Studio với 14 giải thưởng cả thảy, một minh chứng hùng hồn thể hiện cái tầm và cái tầm của của sản xuất. Có người nói, những "loại nghệ thuật cao siêu" thường rất khó hiểu và thậm chí mang tính hàn lâm. Nhưng tôi nghĩ, cốt lõi của nghệ thuật là nó đánh vào giác quan và tâm hồn của con người, và vì vậy nó cũng rất có tính đại chúng, để cả một người không hề có khái niệm chuyên sâu về nghệ thuật dựng phim như tôi và như rất nhiều khán giả khác cũng có thể hiểu và cảm. Cái cao cả của nghề làm phim nói riêng và nghề làm nghệ thuật nói chung, là có thể tạo ra một tác phẩm để đời, một tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem và quan trọng nhất, một tác phẩm có thể nắm bắt và chạm được vào cảm xúc cùng suy nghĩ của mọi người. Đó là khi cảm hứng người làm phim được lan tỏa, và cũng là khi một bộ phim đạt được ngưỡng "đẳng cấp". Với vỏn vẹn mười lăm phút, The Flying Books of Mr Morris Lessmore đã làm được điều đó.
Mở đầu bộ phim, cơn bão ập đến rất dữ dội. Ngài Morris Lessmore, nhâm nhi quyển sách của mình bên hàng hiên, cũng bất ngờ bị lốc cuốn. Lốc mạnh đến nỗi thổi bay người đi xe đạp, lật tung từng căn nhà và quét sạch thành phố thành một bãi rác xám xịt bừa bộn. Thế nhưng, ngài Morris Lessmore của chúng ta, không hề hấn gì và còn tỉnh rụi, một hình ảnh đối lập hóm hỉnh hết sức giữa tiếng nhạc dồn dập và hiện thực khốc liệt. Nỗi lo duy nhất của anh, chính là phải giữ cho được quyển sách của mình, và chỉ đến khi gió cuốn từng con chữ ra khỏi quyển sách ấy, để lại một quyển sổ trống hoác thì anh mới dần cảm thấy tuyệt vọng và nhận ra sự lạc lõng của bản thân, "màu" cũng theo đó biến mất lúc nào không hay. Thế mới thấy, con người có gì đáng lo khi đã có một mục đích để hướng về và khi mất nó đi, một phần "bản ngã" ta cũng tan biến.
Thế những, guồng quay cuộc sống vẫn tiếp tục kể cả khi anh bơ vơ và trơ trọi. Trái với những người khác chỉ đứng nhìn vào đống đổ nát rồi khóc lóc, anh chọn bước đi dù không biết đích đến. Những chính nhờ vậy, anh may mắn được gặp cô tiên sách nhiệm mầu và được dẫn đến bên kia hàng rào rực rỡ sắc màu rồi đến biệt thự của sách, một vườn địa đàng đúng nghĩa cho bất cứ ai đam mê con chữ. Với tất cả lòng thành kính, anh cúi mình chào kho tàng đồ sộ ấy và cùng lúc, rất khẽ khàng, mau lẹ, mang "màu" của mình trở lại. Phẩm chất đáng quý của con người bộc lộ khi người ta biết tôn trọng sách.
Có thể dễ dàng nhận ra, biệt thự sách dần trở thành nhà của Morris. Cuộc sống "bảo mẫu" của Morris hiện lên vừa vô cùng đáng yêu, vừa có vẻ vất vả quá mà cũng tràn ngập niềm vui giữa muôn vàn màu sắc và âm thanh rộn rã, cho đến khi một quyển sách cũ đang hấp hối ngã vào lòng anh tan tành. Giữa căn phòng chất đầy giá sách, vị "bác sĩ" bất đắc dĩ miệt mài cứu vớt lấy sinh mạng mỏng manh của vị sách già. Mọi trang sách được dán lại, được đóng bìa, nhưng cách duy nhất để cứu sống một quyển sách là đọc nó, cho nó được thực hiện thiên trách bản thân. Và cảm giác khi đọc một cuốn sách quả là điều lí thú nhất trên đời. Morris Lessmore như được kéo vào một chiều không gian khác với vô vàn những cảm xúc dồn dập, bất ngờ và đầy diệu kỳ. Sách phản ánh tư tưởng người viết và cũng phản chiếu suy nghĩ người đọc. Sách làm người ta thấy cuộc sống rộng lớn bao la hơn và cũng làm người ta nhận ra sâu bên trong mình một thế giới mới dần hé mở. Thứ cảm xúc lâng lâng ấy lan rộng, cắm rễ, rồi đâm chồi trong bộ óc ta thành một hoài bão và mơ ước mới. Nó thôi thúc Morris viết nên cuốn sách của đời mình, làm tiếp công việc anh đang dang dở và tưởng chừng đã buông xuôi sau cơn bão. Hình ảnh ấy trước hết là một sự thấu hiểu và đồng cảm hết mức với một người trót ưa thích viết như tôi và rộng hơn, là một lời khuyên cho bất cứ bạn trẻ nào đang miệt mài theo đuổi giấc mơ của mình.
Bên cạnh đó, Morris Lessmore còn có một trọng trách hết sức cao cả, đó là lan truyền sách cho mọi người. Khi một người được đọc sách, thế giới tâm hồn của họ được rộng mở và đẹp hơn biết bao nhiêu, như chính cách "màu" trở lại trên cơ thể những người đến nhận sách vậy. Không những thế, sách còn làm bạn và góp phần định hình con người như quyển sách của bà lão. Không khó để kể ra biết bao người có một (hoặc nhiều) quyển sách gối đầu giường và lấy một quyển tâm đắc làm kim chỉ nam cho phong cách sống. Sách làm con người trẻ trung và với sách, linh hồn, tư tưởng con người được lưu giữ trường tồn. Nói cách khác, mối quan hệ giữa sách và người gần như là cộng sinh. Nội tâm con người chưa thực sự rực rỡ khi thiếu sách và sách không thể "sống" nếu không được ai chạm vào.
Tóm lại, sách làm phong phú cho đời sống con người và cuộc sống thật vô vị biết bao nếu không có sách. Bởi vậy, kho tàng tri thức của sách cần được kế thừa và nhân rộng mãi cho mai sau, như bao thế hệ đã từng ở và "làm việc" tại căn biệt thự sách vậy.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Đôi chỗ bị lậm văn nói. Cảm nhận tốt, có chiều sâu nhất định. Văn phong rõ ràng, tuy nhiên chưa sắp xếp các ý theo một logic nhất định. Câu chữ vẫn chưa được mạch lạc. Chú ý cách trình bày.
• Jane: Tôi chưa thấy được sự lôi cuốn ở đây. Có lẽ không hợp gu chăng? Thực lòng mà nói, tư tưởng mỗi người một cảm nhận đã gần như cắm rễ vào trong đầu tôi. Chính vì vậy, có lẽ tôi sẽ cho điểm về cách trình bày và diễn đạt hơn là cảm nhận cá nhân thì hợp lí hơn.
• Ẩn danh: Có lỗi đánh máy. Đôi chỗ từ ngữ dùng còn cứng nhắc. Cảm nhận tốt, có chiều sâu. Sắp xếp ý chưa logic, lộn xộn.
- Nhận xét về phần design: Phần credits được sắp xếp ổn và hình ảnh cũng thích hợp để chèn chúng vào một cách hài hoà. Hình ảnh nhân vật chủ đề rõ ràng mà không tiết lộ quá nhiều về bộ phim. Phần typography ở tựa đề có một số điểm vướng vấn đề căn chỉnh và text màu trắng là lựa chọn khá bất ngờ trên tông nền ấm áp của poster, màu kem của trang sách thì sẽ ổn hơn. Bên cạnh đó, tựa đề có thể to hơn và sự chuyển tiếp các font chữ trong tựa đề khá quan trọng. Và một chút điểm nhấn để cho các mảng được nổi bật hơn.
Điểm thành phần:
4/5 Digital Quality
8/10 Concept
9/10 Execution
23/25 Composition/ Layout
20/25 Originality/ Creativity
19/25 Typography
Tổng 83/100
9. Chiến Binh porce-lain - Cộng Sự abigbad-legend
Đã bao giờ bạn thử tưởng tượng ra một thế giới thiếu vắng hay thậm chí là không có sự tồn tại của những con chữ hay trang sách? Đó sẽ là một thế giới như thế nào? Sẽ một cảm giác ra sao? Trống rỗng? Mù mịt? Hay cô độc?
The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore là một bộ phim hoạt hình ngắn với chiều dài chỉ nhỉnh hơn 15 phút được William Joyce và Brandon Oldenburg đạo diễn và được sản xuất bởi Moonbot Studio Nhà sản xuất gồm ba người: Lampton Enochs, Alissa Kantrow và Trish Farnsworth-Smith. Ngoài ra, kịch bản được viết bởi đạo diễn William Joyce và phát hành vào ngày 30 tháng 1 năm 2011 tại Santa Barbara, California. Sau khi chiến thắng trong hàng chục liên hoan phim, The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore đã xuất sắc nhận được giải Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 84, buổi lễ được tổ chức vào năm 2012. Kéo dài chỉ 15 phút ngắn ngủi, "Những quyển sách bay kì diệu của ông Morris Lessmore" đã thành công truyền tải cho khán giả câu truyện cảm động đậm tính nhân văn về giá trị thực sự và sức mạnh chữa lành của những cuốn sách.
Đoạn phim bắt đầu bằng cảnh tượng nhân vật chính, Ngài Morris Lessmore, lọt thỏm giữa chiếc ghế dựa êm ái và chồng sách thân thương, đang chăm chú với quyển sách của mình. Thế nhưng cảnh tượng êm đềm đó không kéo dài được bao lâu. Thế rồi cơn bão kéo đến nhanh đến mức không ai kịp trở tay. Nhiều hình ảnh hài hước và hóm hỉnh đã được nhà sản xuất lồng ghép vào khung cảnh này: anh chàng với chiếc xe đạp màu hồng cheo leo trên nóc tòa nhà, chiếc tivi cũ kĩ "lả lướt" theo chiều gió cuốn. Những quyển sách của Ngài Morris cứ như vậy mà bay đi , từng từ, từng chữ mà ông đã tốn công đúc kết lại cũng tan biến mất. Khuôn mặt chú hề sầu thảm trong quyển sách cho người xem như thấy được cảm giác đau đớn và bi ai của nó, khi những con chữ nhỏ bé mà nó dốc sức che chở bấy lâu nay đã bị cuốn trôi. Cơn bão qua đi, cả thành phố chỉ còn lại một màu xám xịt, và khắp nơi vang lên tiếng oán thán, than thở của người dân. Cái màu nâu sờn trên bờ vai Ngài Morris hay cái vẻ hồng hào thường thấy trên gương mặt ông cũng đã sớm tan đi cùng với những con chữ cuối cùng còn sót lại. Có lẽ, cơn bão khủng khiếp đó chính là hình ảnh ẩn dụ cho những khổ đau và bất hạnh mà chúng ta sẽ chạm trán trên đường đời, nhất là khi bộ phim lấy cảm hứng từ chính cảnh thiên tai trong Steamboat Bill của Keaton, Jr cùng cơn bão Katrina đã đổ bộ qua Mĩ năm 2005 và cơn lốc xoáy từ bộ phim nổi tiếng The Wizard of Oz.
Nhưng rồi thế giới ảm đạm và nhàm chán của Morris đã rẽ sang một hướng khác khi ông bắt gặp một cô gái xinh đẹp đang bay ngang qua bầu trời cùng những cuốn sách tràn đầy sắc màu. Những hành động tiếp theo của Morris có phần kì quặc nhưng cũng là điều dễ hiểu: Ông cố gắng đưa quyển sách của mình đến với thế giới tràn ngập sự sống và niềm vui kia. Cùng lúc đó, thế giới xung quanh Morris cũng dần được bao phủ bởi những gam màu mới mẻ: Thảm cỏ xanh mơn mởn và bầu trời trên cao xanh đến lạ kì. Phải chăng đó là một sự trùng hợp?
Thế rồi cuốn sách nhiệm màu mà cô gái lạ mặt trao tặng cho Morris đã dẫn lối ông đến với một thư viện kì diệu với những quyển sách biết bay. Chắc hẳn đây là thiên đường chân chính dành cho một người có đam mê với những quyển sách như Morris. Thế rồi Ngài Morris Lessmore trở thành thủ thư của thư viện kì lạ này, hay nói đúng ra, là bảo mẫu cho những cuốn sách xinh xắn và tinh nghịch. Ông đã có sự trợ giúp không hề nhỏ đến từ cậu bạn Humpty Dumpty đáng yêu mà cô nàng thủ thư tiền nhiệm đã trao tặng. Ông còn san sẻ những sắc màu kì ảo này đến với những người dân trong thành phố, những con người thiếu thốn màu sắc và sự vui tươi. Hình ảnh người đàn bà cưng chiều nắm tay một cuốn sách, hay cậu bé hạnh phúc ôm hôn người bạn mới đã cho ta thấy được sức mạnh của những câu chữ.
Có thể nói, Morris đã dốc sức chăm sóc cho những quyển sách kì diệu nơi đây. Thước phim tôi tâm đắc nhất hay có thể nói là một trong những cảnh bóp nghẹt trái tim độc giả với sự hồi hộp và lo lắng chính là khoảnh khắc Morris cố gắng cứu sống cuốn sách già cũ kĩ sau cú rơi của nó. Cuốn sách ấy thì cũ lắm, bìa sách mục nát, gáy cũng đã bong ra, và những trang sách thì bay tán loạn, cứ như cuốn sách đã lâu không ai ngó ngàn đọc đến. Vậy nên, khi Morris đã dán lại quyển sách hoàn chỉnh thì nó vẫn nằm đó bất động. Cuốn sách cứ nằm đó hấp hối, dù cho ông có gắng sức dán chúng như thế nào đi chăng nữa. Và chỉ đến khi Humpty gợi ý, Morris cầm sách lên đọc thì nó mới thực sự sống dậy. Đây cũng là một bài học thấm thía mà đạo diễn và nhà sản xuất muốn gửi gắm đến người xem: Một cuốn sách chỉ có giá trị khi có người đọc nó, bằng không, đó chỉ là một cuốn sách rỗng tuếch, vô tri vô giác với vẻ ngoài hào nhoáng. Sách sẽ không bay được nếu điều kì diệu trong nó không được ai thưởng thức.
Cuộc sống của Morris ở Thư Viện Thần Kỳ trôi qua nhanh như một giấc mơ, và ông lại bắt tay viết lại cuốn hồi ký, mày mò lại những câu chữ từng một lần đánh rơi mất. Xuân, Hạ, Thu, Đông, bốn mùa rồi lại bốn mùa, thời gian cứ thế trôi qua kẽ ngón tay không tài nào nắm bắt trở lại. Morris rồi cũng phải già đi, và khi ông đặt dấu chấm hết cho quyển hồi kí của chính mình, chắc hẳn ai cũng đoán ra được kết thúc của bộ phim. Khoảnh khắc ông lặng lẽ lê bước ra cửa trong điệu nhạc du dương mà buồn thương, khoảnh khắc mà những cuốn sách từng một thời gắn bó với ông chỉ biết bất lực ngước mắt lên nhìn cũng chính là lúc độc giả phải rơi nước mắt. Nhưng Morris đi, thì sẽ có người khác đến. Cũng như cô gái năm nào, cuốn hồi ký của ông đã dẫn lối cho vị chủ nhân kế tiếp của kho tang tri thức xinh đẹp này.
Bộ phim ngắn với những kĩ xảo khéo léo này cũng chính là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho sức mạnh hồi phục và phục sinh của những cuốn sách. Cho dù bạn có gặp những bất hạnh đến mức nào, những quyển sách, những câu chữ cũng sẽ theo bạn đến tận cùng, và chúng sẽ giúp bạn hồi phục phần nào. Phim tuy ngắn nhưng rất hàm súc, rất ý nghĩa, và nó đủ để khiến bất cứ người nào cũng phải rơi nước mắt.
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Cảm nhận lồng với kể lại các chi tiết đắt giá tốt, tuy nhiên cần tiết chế phần kể. Hành văn mạch lạc. Văn phong vừa tỉnh táo lại vừa đong đầy cảm xúc. Vốn từ ngữ không quá phong phú nhưng vận dụng tốt, đúng và đủ. Tránh nói quá nhiều những điều không cần thiết để dẫn vào bài. Trình bày rõ ràng, đẹp.
• Jane: Tôi không theo chủ nghĩa hoàn hảo, và tôi cũng chẳng bao giờ tin được điều gì hoàn hảo hoàn toàn. Chính vì vậy, tôi vẫn luôn muốn nhìn ưu lẫn khuyết, cho dù là điều gì đó nhỏ nhất.
Mới đầu vào bài cảm nhận, tôi tưởng chừng mình đang đọc một bài văn thuyết minh. Tôi không nói rằng bạn không nên giới thiệu - dẫu sao đoạn văn ấy vẫn không thể thiếu được khi bạn muốn viết về một cái gì đó - nhưng tôi nghĩ bạn nên kiềm chế lại. Giản lược đi một chút, sẽ dễ dàng hơn nhiều đấy.
Tôi thích cách bạn diễn tả, nhưng tôi vẫn thấy không đủ. "Chới với" - đó có lẽ sẽ là từ thích hợp nhất để miêu tả cảm giác của tôi. Ấy vậy, tôi không phủ nhận việc bạn có kiến thức cũng như kinh nghiệm trong công cuộc viết lách - tôi thấy được điều đó qua cách bạn sử dụng từ ngữ cũng như cách diễn đạt của bạn. Tôi trông đợi nhiều hơn vào những gì bạn sẽ thể hiện sắp tới vì tôi nghĩ, con người trưởng thành và tiến bộ qua thời gian mới là việc đáng trông đợi.
• Ẩn danh: Cảm nhận tốt, biết tìm và phân tích chi tiết đắt giá. Hành văn trôi chảy, văn phong đầy xúc cảm. Ngôn từ chưa thực sự đa dạng nhưng vẫn chấp nhận được. Còn kể, có vài chi tiết thừa thãi.
- Nhận xét về phần design: Bài thi này ngay lập tức thu hút được ánh nhìn của tôi bởi vì sự tương phản bởi việc dùng line-work và các mảng cứng. Credits được xếp rất gọn và đẹp. Thông thường thì không nên có hơn hai font chữ trong cùng một tiêu đề của phim, nhưng trong bài của bạn thì phần text đạt được hiệu quả khá tốt. Và "Books"chứ không phải "Book" - như đã nhắc ở trên thì lỗi này khá lớn trong việc design poster. Line-work rất đẹp nhưng nó có chút không liên quan đến bộ phim cho lắm. Thêm tên người thiết kế vào phần này thì có chút không phù hợp, credits nên để ở nơi khác.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
10/10 Concept
7/10 Execution
23/25 Composition/ Layout
25/25 Originality/ Creativity
17/25 Typography
Tổng 87/100
10. Chiến Binh AnAn_Nye - Cộng Sự ---San---
Một thứ gì đó khiến trái tim bạn rung động?
Một thứ gì đó khiến bạn phải thốt lên một cách ngỡ ngàng?
Và bạn là một người yêu sách?
Chỉ vỏn vẹn với mười lăm phút ngắn ngủi The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore sẽ không bao giờ khiến khán giả phải thật vọng. Từng giây, từng phút trong bộ phim lần lượt chạm đến từng xúc cảm nhỏ nhất trong con người tôi, tuyệt vọng, nỗi đau, sự bất bất lực nhưng xen lẫn trong đó cũng có cả niềm vui và niềm hạnh phúc, mọi thứ đều được gọi gọn bên trong nó.
Đoạn đầu của bộ phim được lấy cảm hứng từ cơ bão Katrina đổ bộ qua Mĩ. Khi đó, mọi thứ đều bị cuốn bay đi mất, chẳng còn sót lại thứ gì. Từ những chậu cây bé nhỏ, đến những ngôi nhà cao tầng chắc chắn kia, và cuối cùng đến lượt những con chữ trong cuốn sách mà Morris Lessmore đang viết dở. Ông cố bấu víu lại chúng, như cố bấu víu lại sự sống, ánh sáng cuối cùng trong giống tố. Nhưng tất cả đều vô vọng. Chữ biến mất, thứ hy vọng còn sót lại ấy đã biến mất hoàn toàn khỏi thế gian này. Mọi thứ nhìn trông thật thảm hại, bởi vì đã mất đi tất cả rồi... Mọi thứ như mất đi toàn bộ sự sống, chỉ chìm trong một màu xám xịt. Thử tưởng tượng xem nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh đó bạn sẽ như thế nào? Trong khắc đó, tim tôi như quặn thắt lại. Đau lắm, một nỗi đau đến tột cùng thấm vào tận đáy lòng sâu thẳm. Cảm giác cứ như đó là ngày tận thế của cả nhân loại vậy.
Và rồi Morris gặp một cô gái với những quả bóng và những quyển sách bay nơi trời cao rộng lớn kia, mang theo đó là cả những sắc màu tươi thắm nhất của cõi đời. Một quyển sách bay xuống bên cạnh ông và đưa ông đến một thư viện lớn, đến nơi mà mọi thứ bắt đầu, thắp một ánh sáng nhỏ phủ màu cho cả thế gian. Và thế là ngày này qua tháng khác, ông cứ ở đó và ban phát phép màu cho tất cả mọi người cho đến khi một người khác lại tiếp tục công việc của ông. Có lẽ khi xem bộ phim ai cũng có để ý về phân đoạn ông "chữa bệnh" cho một cuốn sách cũ mèm mà vốn không ai để tâm đến. Cuốn sách đã hồi sinh khi Morris đọc từng dòng chữ bên nó. "Sách sinh ra và tồn tại là vì có người đọc" Nước mắt chực mà trào ra, theo từng nhịp thở của từng thước phim. Như có một sức cuốn hút mãnh liệt nhất mà tôi từng biết, đôi mắt chẳng thể rời khỏi màn hình nửa bước. Truyền tải đến bao người người những triết lí nhân văn đầy sâu sắc. Với cốt truyện tuy ngắn gọn, giản dị, thậm chí không có lấy một lời thoại nào nhưng cũng đủ làm rụng động tâm hồn con người. Không còn gì để bàn cãi những gì mà "The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore" đã và đang mang lại...
- Nhận xét về phần viết:
• Winnie: Còn lậm văn nói. Chú ý cách trình bày. Cảm nhận chủ quan có phần phóng đại, chưa có cảm xúc và chiều sâu đối với tác phẩm.
• Jane: Thực ra xét về tổng thể, có lẽ bài bạn không phải quá tệ. Có nhiều khiếm khuyết, nhỏ lẫn lớn, nhưng cũng có cái mạnh riêng. Tuy vậy, cá nhân tôi nghĩ thế mạnh của bạn đã không thể hiện hết cái uy trong lần này.
Liệu bạn có biết về việc viết các mẩu tin quảng bá trên mạng xã hội? Nói ngắn gọn hơn là PR như người ta vẫn gọi bây giờ. Trong khi tôi mong đợi từ bạn những áng văn cảm nhận, thay vào đó trong vài giây tôi đã nghĩ mình giở nhầm file truyện. Bạn đi ngược lại với những gì tôi mong đợi, và tôi cũng tiếc khi phải cho bạn một mức điểm thấp như này. Dẫu vậy, hãy tìm cách khác để có thể hiện được điểm mạnh mình ra nhé. Theo đuổi một mục tiêu không nhất thiết chỉ có một con đường. Hãy tìm kiếm con đường êm đềm nhất, đẹp đẽ nhưng lại không kém phần hiệu quả, thiết nghĩ vậy sẽ tốt hơn nhiều.
• Ẩn danh: Dùng nhiều khẩu ngữ. Bài viết sơ sài. Cảm xúc chung chung, phân tích không rõ ràng. Chưa biết vận dụng chi tiết đắt giá.
- Nhận xét về phần design: Lựa chọn và chèn các hình ảnh rất tốt. Tựa đề được chỉnh ổn, tuy nhiên trong một tựa đề không nên dùng quá hai font chữ. Những font chữ được dùng khả ổn và font cho "Flying" và "Mr. Morris" kết hợp rất tốt. Hình ảnh nhân vật Lessmore đứng ở giữa nhìn chằm chằm vào bạn tạo hiệu ứng thu hút người khác tò mò về nhân vật và bộ phim này. Các lựa chọn màu sắc cũng khả ổn, vấn đề duy nhất mắc phải đó là màu xanh của bầu trời làm phản rất nhiều so với tông đỏ ấm với những tấm còn lại và bạn thiếu phần credits.
Điểm thành phần:
5/5 Digital Quality
9/10 Concept
9/10 Execution
25/25 Composition/ Layout
20/25 Originality/ Creativity
21/25 Typography
Tổng 89/100
---
Sau đây là bảng điểm của vòng loại.
Lưu ý:
- Điểm được làm tròn theo quy tắc, dưới 0.5 thành 0, từ 0.5 trở lên thành 1.
- Điểm của phần design được đưa về thang điểm 10.
- Những Chiến Binh có điểm số bằng nhau sẽ dựa vào điểm phần viết để xét.
- Những bài nộp trễ bị trừ 2 điểm.
Vậy những Chiến Binh sẽ bước tiếp đến Đỉnh Vinh Quang là _jasminesline, porce-lain, Crax_Wifi, _iamMAz_, Abittersmile và _Keiko2k4_.
Các Chiến Binh hãy chuẩn bị tinh thần cho vòng vấn đáp (sẽ được thông báo ở phần sau).
Và Glorious Peak xin tạm biệt Chiến Binh Emerald_6973B_TTH, YLinhSoul, Takahashi_Chiryo_INC và AnAn_Nye. Cảm ơn các bạn đã tham gia event và chúc các bạn thành công trên con đường viết lách.
Các Cộng Sự của 4 Chiến Binh trên hãy comment mail để nhận phần quà nhé.
---
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top