Mở đầu 01

Tôi sẽ tôn trọng những thành quả khoa học của các thầy thuốc đi trước, và sẵn sàng chia sẻ kiến ​​thức của mình cho những người tiếp nối. Tôi sẽ ứng dụng, vì lợi ích của người bệnh, tất cả các biện pháp khi cần thiết, tránh sa vào việc điều trị thái quá và điều trị theo chủ nghĩa hư vô.

---

Sài Gòn mùa này nóng đến đổ bệnh. Ban ngày có thể lên đến bốn mươi độ, còn đêm cũng chẳng dịu mát hơn là bao khi vẫn rơi vào tầm ba mươi độ. 

Hương đang trên đường trở về nhà, cô lái chiếc ô tô chậm rãi trên đường, lúc này đã hai giờ sáng. Đêm muộn ở Sài Gòn là một phiên bản hoàn toàn khác so với ban ngày. Những ai hay đi về đêm sẽ thấy nơi này có sự thú vị riêng. Những con đường không một bóng người, không một tiếng xe cộ ồn ào. Những căn nhà thì đã tắt đèn, yên tĩnh lạ thường.

Đêm là lúc mọi người vỗ về bản thân, về nhà, về với gia đình và được ngủ trọn vẹn.

Đã lâu rồi Hương chưa được ngủ ngon. Đêm nay cũng không ngoại lệ, sau một ca điều trị cho bệnh nhân bị bỏng nặng cấp độ 5. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng quá trình điều trị sẽ vô cùng gian nan. Sống sót qua một trận hoả hoạn hay một tai nạn liên quan đến lửa, bỏng,... chỉ là thử thách bước đầu. Khi họ phải đối mặt với cơ thể bị huỷ hoại, lớp da không còn nguyên vẹn mới là thử thách đáng sợ nhất. Có rất nhiều bệnh nhân đã chọn cách tự sát vì không vượt qua được giai đoạn này. Hương có thể giúp bệnh nhân khoẻ lại nhưng không thể giúp họ đối mặt được với sự tổn thương về tâm lý. Họ đứng trước gương và thấy gương mặt bị tàn phá do bỏng, thậm chí lớp da bị co lại tới mức không mở nổi mắt.
Những ai trong ngành y sẽ hiểu, họ không phải anh hùng gì cho cam, họ chỉ cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân, có lúc họ sẽ thành công, có khi sẽ thất bại. Hương vẫn nhớ mãi lần nghe chị y tá báo tin, bệnh nhân mà họ điều trị sau hai năm ra viện đã tự sát. Cô gái ấy không vượt qua được việc ngoại hình bị huỷ hoại.

Ở tuổi 35, bác sĩ Hương đã làm việc tại khoa bỏng được nhiều năm. Mỗi khoa lại có đặc thù khác nhau. Ví dụ, khoa tiêm chủng có rất nhiều kim tiêm được thải ra mỗi ngày. Còn với khoa bỏng của bác sĩ Hương, ngoài thuốc khử trùng thì băng gạc là một thứ quá đỗi quen thuộc với những y bác sĩ nơi này.

Có sáu loại vật liệu chính được sử dụng làm băng giữ ẩm: sợi polyurethane, hydrocolloids, alginates, băng thấm bạc, hydrogels, và composites. Hiện nay, băng gạc có chứa bạc (Ag) có tác dụng kháng khuẩn được sử dụng trong điều trị bỏng. Bởi trong suốt quá trình điều trị vết thương, băng gạc sẽ được sử dụng liên tục trong phác đồ, các trường hợp nhiễm trùng vết thương là một trong những vấn đề chính và gây hậu quả nghiêm trọng ở vết bỏng.

Bạc (Ag) có khả năng kháng khuẩn, chống lại cả vi khuẩn gram âm, gram dương và nấm Candida. Ở dạng kim loại, bạc không hoạt động, nhưng khi gặp dịch tiết từ vết thương, nó sẽ chuyển thành ion Ag+ hoặc Ag0. Ion bạc này sẽ tiếp xúc với màng tế bào vi khuẩn, liên kết với ADN của chúng và ngăn chặn quá trình phân bào, từ đó tiêu diệt vi khuẩn.

Các loại băng gạc chứa bạc được thiết kế để giải phóng ion bạc từ từ, giúp duy trì khả năng kháng khuẩn liên tục trong quá trình vết thương lành lại. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình tái tạo da.

Nói dễ hiểu thì biểu bì chính là một hàng rào, và sự tổn thương do bỏng sẽ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn. Lúc này, bác sĩ cần phác đồ điều trị ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Phải tuân thủ tuyệt đối quy trình thay băng gạc. Không thể để chính thứ giúp bệnh nhân lại làm hại họ.

Với Hương, cô tuân thủ những quy tắc này như một cái máy. Trong nghề y, không cho phép có sự lơ đễnh bởi hậu quả có thể là sinh mạng của một ai đó. Đây cũng là lý do các bác sĩ giảng viên rất khắt khe với sinh viên y, áp lực của giảng đường đã rất nhẹ nhàng so với áp lực thực tế trong bệnh viện. Các sinh viên cần được rèn luyện ý chí nhiều nhất có thể. Hương đã chứng kiến rất nhiều người không vượt qua được trường y, niên khoá của cô giờ cũng chẳng còn mấy ai. Và kể cả khi họ đã vào bệnh viện, cũng có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Thời gian là thứ sàng lọc đi rất nhiều thứ, bao gồm cả bào mòn ý chí con người.

Mọi người hay bảo Hương quá nghiêm túc, quá khắc khe với chính bản thân mình. Nhưng biết làm sao được, thứ duy nhất có ý nghĩa trong đời Hương là công việc này, là chiếc áo blouse trắng khoác lên vai. Nếu không làm bác sĩ cô không biết phải làm gì nữa.
Hương nghĩ, mình đã may mắn để có những thứ như lúc này. Cô may mắn gặp được bà Phượng khi mới lên Sài Gòn. Người mà từ lâu cô đã gọi thân thương bằng "ngoại".

Hương không phải dân Sài Gòn nhưng cô thật sự yêu nơi này, cô yêu cách mà người ta dễ dàng mở lòng đón nhận kẻ xa xứ. Cách mà bà Phượng đối xử vô cô như con cháu trong nhà đã dạy cho cô hiểu, hoá ra không cần phải cùng ADN thì vẫn có thể gọi là một gia đình. Bà Phượng có một cửa hàng tạp hoá lọt thỏm trong hẻm, không giàu có, không dư giả, nhưng bà hào sảng và có thể bán thiếu bán chịu cho những người công nhân chờ lương. Có người trả, có người thì biến mất luôn. Nhưng bà Phượng không bận tâm, có thể nói con người chính là đặc sản lớn nhất của Sài Gòn.

Lòng người đôi lúc như bão dữ, đôi lúc lại êm dịu như lúa chín trên đồng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top