Chương 02
Việc hàng triệu người có chung thói xấu không khiến những thói xấu đó biến thành đức hạnh, việc họ có chung vô số điều sai không biến những điều sai đó thành sự thật, và việc hàng triệu người có chung bệnh trạng tinh thần không khiến những người này trở thành minh mẫn.
--
Erich Fromm
Nhà tâm lý học xã hội
---
Ở xóm trọ này, ai cũng vậy, càng về đêm họ càng chìm vào hơi men. Đã vào bàn thì phải "quắc cần câu" mới gọi là nhậu. Thằng Cường mới vào cũng bị cuốn theo cái guồng này của các chú, các bác. Đã hơn hai giờ sáng mà vẫn chưa ai có dấu hiệu nghỉ.
Hơn mười người tụm lại, kẻ đàn, người ca, xác lon bia chất chồng thành ngọn núi nhỏ. Họ lót hai ba tấm chiếu rồi ngồi bệt lên ăn nhậu, những lon gas nhỏ, tầm chục lon xếp trong góc. Ồn ào nhưng hàng xóm không dám nhắc nhở, con nhậu say xỉn thì chớ dây vào.
"Thằng Cường yếu như cọng bún, làm thêm một lon đi," chú Vũ giọng đã nhoè, đẩy lon bia sang cho thằng Cường. Ở tuổi 17, Cường bỏ học sớm rồi lên thành phố làm công nhân, nó làm giả giấy tờ để xin vô làm, rồi cũng bắt đầu tiếp xúc với nhiều thứ xa lạ. Rời xa gia đình, không còn lời dặn của ba má bên tai, nó cứ thế nghe theo lời người dưng nhảy vào những cuộc nhậu xuyên đêm. Đồng lương vốn đã ít ỏi lại vơi hết sạch vào những đêm như thế này.
Thằng nhóc 17 tuổi, đối mặt với cuộc đời theo cách ném mọi thứ qua cửa sổ.
Nó biết đây là sai lắm, nếu ông ba mà biết sẽ cầm chổi mà đánh cho xem.
Nhưng giờ nó cảm thấy có chút tự do. Ở trong bàn nhậu, người ta xem nó như người lớn thật sự.
"Hồi bằng tuổi mày tao còn pha rượu với bia kia kìa," ông Tuấn tiếp lời chú Vũ. Bản lĩnh đàn ông phải chứng minh qua số lượng bia uống được, còn không mãi là thằng trai tơ, nhóc con.
Lời này làm thằng Cường tự ái, nó chột dạ như thể bị bắt gặp làm cái gì xấu.
Nhưng tại sao nó phải xấu hổ chỉ vì không thể uống nhiều bia rượu? Nốc vô tội vạ bia rượu đâu phải thước đo thể hiện một con người? Nó không nghĩ được như vậy, bởi chung quanh nó chẳng ai uốn nắn được cái đúng đắn cho nó.
Trong lòng nó dâng lên một cảm giác tự ái. Nó cầm lon bia uống liền tù tì một hơi, đám đàn ông con trai bên cạnh la lên cổ vũ nó. Được thế, nó càng uống hăng hơn, rồi như điều tất nhiên nó bị sặc bia. Cái hơi đắng nghét xộc lên mũi rồi trào bia từ miệng ra khắp nơi. Bị sặc không đáng sợ bằng bị cười nhạo.
Nó hoảng hồn dừng uống rồi đỏ tía mặt khi bị cả đám người cười lớn vào nó. Quê quá, Cường lặng phắt rút đầu xuống. Ước gì có cái lỗ cho nó chui vào. Chỉ vậy thôi nó đã thấy tủi thân vô cùng.
"Tao thấy con bác sĩ mua xe hơi rồi," ông Tuấn đột nhiên đổi chủ đề. Nhắc đến cô bác sĩ ở tổ trên ai mà không biết, bởi mỗi lần phường cần tuyên truyền cái gì về sức khoẻ y rằng sẽ đưa cô ra để vận động.
"Tụi nó làm tiền như vậy chắc mua vài căn nhà rồi ông ơi," Tú bên cạnh cười phá lên nói. Rồi cô bác sĩ đó bỗng trở thành chủ đề bàn tán của cuộc nhậu.
Thằng Cường im lặng, nó không biết hùa vào câu chuyện này như thế nào. Nó cũng không biết cô bác sĩ mà mọi người đang nói, với lại họ đâu có chui dưới gầm giường cô ấy mà nói như rõ mọi thứ. Cường chưa từng quen bác sĩ, nó còn chưa đến bệnh viện bao giờ trừ lúc tiêm chủng lúc nhỏ ở trạm y tế.
"Mày bị bệnh nhẹ, đến khám nó cũng nói bị nặng để moi tiền thôi," Tú tiếp tục nói rồi quay sang thằng Cường. Thằng nhỏ hơi giật mình, nó chỉ biết "Dạ đúng," rồi im phắt.
Nó không giỏi trong việc nói xấu một người chưa từng quen. Mà việc này hình như cũng không đúng lắm... Nó không biết nữa, nó không dám phản đối, chỉ hy vọng các chú các anh xem nó như tàng hình.
Nhưng mọi người có vẻ rất thích câu chuyện này, họ mang cô bác sĩ đó ra xâu xé để tự làm hài lòng bản thân.
"Bọn con ông cháu cha mới làm bác sĩ," một ai đó chen tiếp vào, rồi bắt đầu nói về việc anh ta bị vẽ vời tiền thuốc ra sao.
Đời sống của mình là của mình, cớ sao luôn phải đưa người khác vào câu chuyện. Nhưng với sự thất bại thường xuyên, ta cần ai đó để hạ bệ nhằm củng cố lại cái tôi trong khoảnh khắc.
Cường thấy trong lòng khó chịu, hồi còn bé xíu nó từng ước mơ làm bác sĩ... thực ra nó học dở quá nên phải bỏ học. Nó không nghĩ bác sĩ là cái gì đó tệ hại tới vậy. Chỉ có đời nó mới tệ mà thôi.
"Sao mày cứ im ru vậy, đừng nói tao mày muốn làm bác sĩ." Tú vừa bóc miếng khô mực vừa buông lời, anh ta có vẻ sẽ không buông tha chủ đề này. Câu hỏi của Tú đánh đúng ước mơ một thời của thằng Cường.
Nó đỏ bừng mặt nhưng sẽ khó nhận ra là do bia hay do nó đang chột dạ.
Tại sao phải xấu hổ vì ước mơ của mình? Cường không hiểu nữa, nó chỉ biết mình giống như thằng ăn trộm bị bắt quả tang.
Cường im lặng. Tú bật cười vui vẻ.
"Mày đúng thằng ngu." Tú trào phúng nói. Tựa như đó là chuyện hài nhất trong ngày.
Ông Tuấn đổi tư thế ngồi, kê chân cao hơn, chỉa đôi đũa về thằng nhỏ ra vẻ người lớn lên tiếng: "Mày phải thực tế con ơi, cái nghề phù hợp với hoàn cảnh, mình có giàu sẵn như tụi kia đâu."
Thằng nhỏ im lặng, từ tự ái nó chuyển thành cơn giận, thằng nhỏ ghét việc bị xem như trẻ con, bị cười nhạo chỉ vì nó muốn làm cái gì đó mà hoàn cảnh không cho phép.
Người nó bừng bừng, nó đứng bật dậy khỏi tấm chiếu. Quay phắc người bước vào phòng trọ.
"Còn bày đặt giận hờn." Tú nói, lại uống tiếp một ngụm bia.
Chú Vũ chỉ bật cười, bọn con nít cứ khoái những giấc mơ to lớn, rồi sẽ bị đời trù dập cho tan nát mà thôi.
"Ê Tú, mày nướng tiếp con khô đi," chú Vũ nói. Tú ậm ừ không muốn làm nhưng cũng ráng đứng dậy, có phần loạng choạng. Tú cầm vài con khô bước đến xó nhà, nơi có vài chai cồn 90 độ gần đó lẫn hàng dây treo quần áo. Anh ngồi bệt xuống, lấy cái dĩa rồi đổ cồn vào trong. Tay cầm hột quẹt dạng thường thấy để bật lửa. Phải quẹt vài lần thì mới xuất hiện lửa, anh đưa ngọn lửa đến gần chén cồn, lửa bắt bừng lên làm anh hơi giật mình.
Tú đặt cái vỉ nướng nhỏ lên dĩa có con khô. Anh đang say ngà ngà nên cử động chậm chậm. Cồn đã sắp hết mà con khô còn lạnh tanh, bực mình Tú cầm chai cồn mới, gỡ nắp rồi dùng sức bóp vào thân chai, cồn xịt một đường, bắt lửa, vì sức ép của tay mà khiến cái nắp gắn bung ra, làm cồn bung ra một lượng lớn, lửa cháy bừng vào hàng quần áo đang treo ngay gần đó.
Lửa ban đầu chỉ bắt vào một cái áo thun nhưng rất nhanh đã bừng lên dữ dội khiến Tú hết hồn. Những người chung thì đã say rượu, có người muốn đứng dậy giúp nhưng tự vấp phải chiếu mà té nhào. Dãy nhà trọ này được thiết kế 2 tầng, lối vào hẹp vô cùng, lại còn phơi đồ chung ở sân, số lượng quần áo được phơi nhiều vô số kể, thậm chí còn có những thùng carton được thu gom chất thành đống. Chính nó giờ đã biến mọi thứ thành thảm hoạ.
Vài người cầm các thau nước tạt vào với hy vọng chữa lửa nhưng hoàn toàn vô vọng.
Khung cảnh bấy giờ hoảng loạn vô cùng.
Thằng Cường chưa ngủ đã bị đánh thức bởi tiếng la thất thanh. Vừa mở cửa nó đã giật bắn người vì khói nồng nặc, cay mắt nghẹt thở xông thẳng vào.
"Gọi cứu hoả, nhanh lên."
Ai đó hét lên, thằng Cường run rẩy cả người, tay đang cầm di động vội vàng bấm số. Nhưng lúc này nó đã quên mất phải gọi 114 hay 115. Số nào mới là số cứu hoả???
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top