Chương 01

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại

Thua cả đám liu chiu dế trũi dế mèn

Là khi ta nằm dài đáy huyệt

Đám liu chiu cỏ dại mọc đè lên!

- Mây Đá Nhớ Nhau | Vĩnh Nguyên

----

Người ta đổ dồn về thành phố lớn để sống chỉ vì muốn thay đổi đời mình, muốn chạy trốn khỏi một thực tại đang dằn xé bản thân, hoặc cũng có những giấc mơ cần phải thực hiện. Sài Gòn rực rỡ, đầy sắc màu, có gam màu sáng cũng có gam màu tối.
Có người gán cho Sài Gòn là miền đất hứa, là sự hứa hẹn về một tương lai nào đó tốt hơn mà họ tự nghĩ ra. Hương cũng là một người như vậy, Hương chạy trốn khỏi quê hương của mình để đến nơi đây với hy vọng được trở thành một bác sĩ thực thụ.

Thật ra chẳng có sự đổi đời nào mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Kẻ thành công sẽ kể lại câu chuyện của mình theo sự hào nhoáng. Kẻ thất bại thì cứ thế lầm lũi về quê hoặc tự xoá nhoà sự hiện hữu của mình.

Hương là người xa xứ, Hương như quả bị ép chín. Bươn chải từ sớm để rồi đặt chân lên Sài Gòn trong sự mơ hồ.

Người ta sẽ không bỏ quê hương mà đi nếu không có vấn đề gì đó, Hương cũng thế, cô sống giữa những người bệnh luôn tin vào lời thầy lang vườn. Những người chối bỏ y học hiện đại để rồi khiến bệnh nhân tiến gần hơn đến thần chết. Đứa trẻ ngày đó là Hương cũng chẳng biết điều gì, mơ hồ như bị thôi miên trước lời của thầy lang vườn. Mãi về sau cô mới hiểu rằng có những căn bệnh có thể được chữa khỏi chỉ bằng vài viên thuốc Tây y. Người dân e dè khi phải tới bệnh viện, trong tâm trí của họ Tây y là đặc quyền của người giàu. Những phương thuốc bùa chú là cứu cánh với họ. Hương là ai để có thể phán xét người khác là ngu muội, cô cũng từng rơi vào những lời lẽ mê hoặc về những loại thuốc "trời ban" kia. Chỉ cho đến khi bi kịch thật sự ập đến.

Nói đi cũng phải nói lại, ơn trời, cũng vì cái bi kịch năm đó mà Hương mới quyết tâm trở thành một bác sĩ. Cô chưa bao giờ nghĩ mình sống trong mây mù cho đến khi ánh sáng được lọt qua. Tưởng chừng là tia sét phá huỷ hoá ra lại mang đến ánh mặt trời. Ý chí con người không tự nhiên mà có, phải tôi rèn trong lửa, như một thanh sắt, trải qua muôn vàn áp lực, trên đe dưới búa mà hình thành.

Người ta hay nói về tuổi thơ như một thứ đẹp đẽ, còn tuổi thơ của Hương chen lẫn là máu và cơn đau quằn quại của cả một vùng quê nghèo. Trước khi chết, người ta ngập mùi nước tiểu, ngập cái mùi mưng mủ đến nôn ọe, nhìn người thân của mình qua đời như vậy là một sự chấn động bẻ gãy cảm xúc.

Sau từng ấy việc thì Hương vẫn tha thiết yêu quê hương của mình. Cô xem việc bản thân trở thành bác sĩ là một phần của may mắn mà giờ đây cô có nghĩa vụ báo đáp lại cho quê hương. Bởi lẽ khi chứng kiến một thảm kịch nào đó, là con người sao có thể dửng dưng được chứ...

Phải tìm cách lên thành phố, phải vào được giảng đường đại học. Ý nghĩ ấy càng mãnh liệt khi Hương thấy sự sống của người ta bị xem thường tới đâu.

Sài Gòn đẹp thật, bởi nơi này chứa ước mơ của Hương, bây giờ thì Sài Gòn nuôi dưỡng lý tưởng của Hương.

Hơi thở của Sài Gòn có thể nặng mùi khói bụi và đầy ngột ngạt, nhưng đó chẳng phải cũng từ những con người đang mưu sinh hay sao?

Hương có dáng người gầy còm, đôi mắt luôn rực sáng, người ta khen Hương thông minh sáng dạ từ bé. Càng lớn thì cô lại càng thể hiện rõ hơn điều đó. Lúc chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Hương thậm chí còn sợ những chiếc xe hai bánh chen chúc nhau đến nỗi không dám sang đường. Ở quê cô, xe nào có đông đúc tới vậy, người ta cũng nào có hối hả tới vậy. Nơi đây mọi thứ chuyển động thật sự quá nhanh.

Tầm gần hai năm trước, người ta bảo nhau Sài Gòn trộm cướp nhiều lắm, thậm chí giết người chỉ vì đôi bông tai vàng nhỏ xíu. Bây giờ nghĩ đến, Hương thấy mình gan dạ thật, cứ bất chấp tất cả để bỏ nhà đi. Đó hẳn là năng lượng tuổi trẻ, cái nhiệt huyết có thể bao trọn trời xanh.

Ở Sài Gòn, người ta gắn bó với nhau bởi cái tình cái nghĩa. Người lạ thành quen cũng bởi vì sự giang tay của lòng người chan hoà. Hạt giống tốt nhất là gieo vào con người cảm giác được giúp đỡ.

Nhớ hôm đó, Hương vừa ăn xong dĩa cơm ở tiệm, cô định thanh toán thì phát hiện túi áo bị rách, khiến rơi mất tiền khi nào không hay. Hương khi đó còn là sinh viên Y1. Cô hoảng sợ không biết làm sao thưa chuyện với bà chủ tiệm cơm.

Bà Phượng nhìn ra được, cứ thế nhét vội tờ tiền vào tay cô.

"Cầm mà trả đi con, dư thì tối mua thêm cơm mà ăn." Bà Phượng dặn dò. Hào sảng là như thế nhưng bà Phượng nào có dư, tài sản của bà chỉ vỏn vẹn đủ qua ngày. Tiền tiết kiệm cũng nào được trăm triệu, cái dư lớn nhất đời bà là tình cảm. Cho đi là còn mãi, bà luôn tâm niệm như thế. Niềm tự hào lớn nhất đời bà Phượng chính là Hương, bà đã nuôi được cô bé ngày nào trở thành một bác sĩ.
Hương có thể không được sống trong một gia đình hạnh phúc nhưng hạnh phúc lớn lao mà cô có là tình nghĩa ở đời. Một thời gian ngắn sau, bà Phượng và Hương ở cùng nhau, cô gọi bà Phượng là "ngoại".
Bà Phượng cứ luôn nói, Hương là duyên lành của bà, là quả mà bà gặt được trong kiếp sống này.

Hai giờ sáng, Hương lái chiếc ô tô mới mua trở về nhà. Trong con hẻm nhỏ, đèn trước hiên nhà vẫn mở sáng để đợi cô về. Bà Phượng sợ tắt đèn cô sẽ không mò ra ổ khóa để mở cửa. Căn nhà chỉ có hai người, cô và bà cùng chăm sóc nhau như một gia đình đã gần 20 năm. Ruột rà chung một dòng máu có khi không vui vẻ hơn hai bà cháu họ.

Hương nhẹ nhàng tìm chìa khóa rồi mở cửa. Cô không muốn đánh thức bà Phượng. Người lớn tuổi sẽ khó ngủ lại.

"Con về rồi hả?"
Tiếng bà Phượng khẽ gọi.
Hương bước vào trong, cô nhanh tay khóa lại cửa.
"Con mới về, sao ngoại chưa ngủ?" Hương hỏi, gần đây bà Phượng vẫn cứ hay trằn trọc rồi thức dậy từ rất sớm.

Bà Phượng im lặng giây lát, bà muốn nói gì đó nhưng lại thôi.

"Người già thế đó con." Bà Phượng đáp, đây là câu trả lời mỗi khi Hương có ý quan tâm sức khỏe của bà.
"Ngoại, có gì phải nói với con liền." Hương tiến đến bà Phượng nói.
Trong lòng cô có rất nhiều điều muốn hỏi nhưng không dễ gì nói ra.

Cô là bác sĩ, cô cũng hiểu bà Phượng đang gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Nhưng người già họ sợ nhất cũng chính là trở thành gánh nặng của con cháu trong nhà.
Đã ở tuổi gần đất xa trời, bà Phượng sẽ phải chấp nhận việc bản thân sẽ phải chết. Thật ra cái chết không nặng nề đến vậy, đời người có sống rồi cũng sẽ chết dưới nấm mồ. Cỏ dại nằm lên trên chính người nằm xuống. Vậy phải sống để không thẹn với bản thân mình.

"Ngoại không có gì, con đi làm mệt rồi ngủ sớm." Bà Phượng nói kèm theo nụ cười, Hương nhìn ra bà đang cố tỏ ra vui vẻ để cô không hỏi nữa. Người già, họ sợ nhất là trở thành muộn phiền của con cháu.

Là bác sĩ, nó bận rộn lắm, đừng làm Hương phải lo về mình nữa.

Bà Phượng đúng là không ổn, ngoại bắt đầu cảm thấy mình già thật rồi. Gần đây lưng còn không thể đứng thẳng được, ngoại bắt đầu nghe những bài giảng Phật giáo về luân hồi. Dường như ngoại đang chuẩn bị cho bản thân...
Đã hơn tám mươi, còn có gì mà tiếc, chỉ sợ mình chết lại gây phiền cho Hương. Bà gần đây cũng bắt đầu ấp mở chuyện làm đám tang đơn giản thôi, tiết kiệm đi, người chết có mang theo đâu. Cần gì làm phiền cho người đang sống.

---

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top