Chương 17

Chương 17

Kì nghỉ tết Nguyên đán năm 2020 kết thúc vào đầu tháng Hai, ngày đầu tiên trở lại trường học, sinh viên đứng rải rác dưới sân trường, từng tốp một trò truyện. Khung cảnh hài hoà với cảnh mây trời trên cao đang dần tản mác. Tôi rảo bước trên sân trường, thò tay vào túi lấy ra điện thoại không ngừng rung.

"Cũng có nhiều trường cho nghỉ học rồi đó."

"Ghê quá ha! Không nghĩ vừa tới trường đã nhận được thông báo cho nghỉ rồi."

"Ê, năm nay ăn Tết đậm ghê!"

"Mấy trường tiểu học cũng nghỉ luôn rồi, sáng nay cháu tao nó mới đến trường thì trường thông báo cho nghỉ. Y chang như mình."

"Nghe kêu mức độ lây nhiễm ghê lắm, chỉ cần tiếp xúc một chút cũng bị lây rồi."

"Tự nhiên được nghỉ tiếp, thích ghê! Tao vẫn còn dư âm của Tết nên chưa muốn đi học lại." Giọng nói mang phần hí hửng.

"Đeo khẩu trang vào đi!"

"Cho cái đi."

Tôi đọc tin nhắn trên điện thoại, trùng hợp đến mức những nội dung tôi vừa đọc đều không khác mấy so với những gì tai vừa loáng thoáng nghe được. Thoát khỏi khung nhắn tin nhóm, tôi vào trang facebook, tin tức về dịch bệnh mới phủ sóng toàn bộ bảng tin, về mức độ lây lan, về diễn biến bệnh phức tạp, về những ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.

Tôi khoá màn, đảo mắt một lượt, quá nửa số sinh viên trên sân trường, trong đó có tôi, đeo khẩu trang y tế – một thói quen mà trước đó họ chưa từng có. Nhưng không ai trong chúng tôi tỏ vẻ lo lắng, trong suy nghĩ của chúng tôi lúc này, căn bệnh mới xuất hiện này vẫn là thứ gì đó xa lạ, có thể nó sẽ chẳng lan tới khu vực chúng tôi ở, nhiều người tự cho rằng nó chỉ dừng ở khu vực miền Bắc và rồi sớm tìm được cách chữa trị. Chỉ là vài ca bệnh thôi mà. Nỗi lo vẫn chưa gieo vào lòng chúng tôi, vẫn chưa.

Hết tháng Hai, số ca bệnh được ghi nhận mười sáu ca. Những bệnh nhân được phân biệt bằng cách đánh theo số thứ tự. So với tình hình chung của thế giới, ca bệnh covid-19 ở Việt Nam lúc này ít ỏi đến mức chỉ cần nhắc đến con số đại diện cho bệnh nhân, nhìn chung, hầu hết người theo dõi tin tức đều nhớ được thông tin vắn tắt, lịch trình của họ. Có lẽ vì vậy mà tháng đầu tiên nghỉ học, lớp lớp học sinh, sinh viên ở nơi tôi ở vẫn tràn ra đường tận hưởng kì nghỉ Tết kéo dài khác thường.

Còn tôi, khi đặt chân đến trường, nghe được thông báo nghỉ học tiếp hai tuần, trong đầu chỉ nghĩ ngay đến gương mặt Khánh Vy.

Giờ thì đến cả cái cớ tránh mặt em cũng không còn nữa.

Chạy xe về nhà, tôi mở toang cửa sổ và nhìn chằm chằm vào phía đối diện. Khánh Vy không có ở nhà.

Tôi ngồi lên nệm, tựa lưng vào tường, duỗi thẳng chân, lựa chọn tư thế thoải mái nhất để đọc tiểu thuyết. Gần trưa, tiếng chuông điện thoại kéo tôi thoát khỏi dòng chảy tưởng tượng hoà mình với cuộc đời của nhân vật.

Tên người gọi hiện trên màn hình khiến tôi bất giác mỉm cười.

"Chị nghe." Tôi nói.

"Chị qua đây đi."

"Đợi chị chút."

"Dưới bếp nha."

"Em đang nấu cơm hả?"

"Đâu có." Không chờ tôi hỏi, em nói tiếp: "Chờ chị qua nấu."

Tôi cười khẽ. Tốt thôi, như ý em muốn.

Nói là vậy nhưng em vẫn cùng tôi nấu bữa trưa gồm: canh rau ngót, trứng chiên và thịt kho. Trong bữa cơm, thay vì ngồi đối diện, em lại ngồi sát rạt bên cạnh tôi, đến mức khuỷu tay cả hai khẽ chạm vào nhau.

Những ngày nghỉ sau đó, thời gian rảnh rỗi nhiều đến mức cả hai chẳng biết phải dùng vào việc gì. Vào tuần nghỉ thứ hai, em gợi ý muốn cùng thử làm gì đó mới mẻ để lấp đầy thời gian trống.

Tôi chìa điện thoại về phía Khánh Vy, em chăm chú xem, nhíu nhíu mày rồi gật đầu. Một clip hướng dẫn nấu cơm bơ tỏi thịt xông khói chưa đến năm phút nhưng quá trình thực tế tính bằng tiếng. Buổi trưa, chúng tôi mở đoạn clip lên xem đi xem lại rồi bắt đầu làm theo.

Nấu xong, vẻ mặt mãn nguyện của Khánh Vy mới là điều khiến tôi ưa thích hơn cả việc món ăn được hoàn thành mĩ mãn. Ngắm nhìn gò má ửng hồng của người bên cạnh, trái tim tôi mềm như lòng đỏ trứng đặt phía trên món ăn, chỉ cần dùng đầu ngón tay nhấn nhẹ vào thôi, có thể vỡ ra rồi. Một nỗi xúc động muốn đặt lên gò má ấy một nụ hôn tràn vào lòng tôi. Nỗi bồi hồi tựa như cơn gió thổi mạnh, luồn vào đến nơi sâu nhất trong lòng, hất tung bụi cảm xúc.

Vậy mà trước đó tôi đã nghĩ gì? Tính kìm lại tình cảm của mình ư? Đúng là không biết tự lượng sức mình.

Hết hai tuần nghỉ, công văn hoả tốc thông báo kéo dài những ngày nghỉ học thêm một tuần nữa để ứng phó với dịch bệnh covid-19. Liên tục những công văn như vậy gửi về.

Ngày qua ngày, nhịp sinh hoạt của tôi xoay quanh Khánh Vy. Có khi, tôi bước ra đường đều nhận được ngay tin nhắn của em: [ Chị đi đâu? ]

Đọc tin nhắn xong, tôi ngẩng đầu nhìn chủ nhân tin nhắn đang đứng ở ban công, chống cằm nhìn xuống dưới. Mỗi lần như vậy, tôi đều hét vọng lên, nói cho Khánh Vy nghe mình chuẩn bị đi đâu.

Tôi dành hết những ngày này với em: cùng nhau nằm dài đọc sách, cùng thử nấu vài món ngon, có những chiều mát mẻ chúng tôi còn đánh cầu lông.

Cửa cổng nhà Khánh Vy được dùng như tấm lưới cho trận đấu. Tôi đứng ở ngoài đường còn em đứng trong sân nhà mình. Chiếc cầu lông nhịp nhàng qua lại giữa cả hai.

Tôi còn nhớ ngày còn bé, hai đứa tôi cùng những đứa trẻ trong xóm vẫn dùng nơi này để đánh bóng chuyền. Độ rộng sân nhà em so với diện tích nhà được xem là nhỏ nhưng dư sức cho hơn mười đứa chúng tôi chia ra đứng theo đội hình và thoải mái di chuyển. Bỗng nhiên, ngay giây phút này, tôi nhớ bà nội của Khánh Vy, nhớ đến nét đôn hậu thường trực trên gương mặt hồng hào của bà. Cho dù ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi phá hàng cây xanh trong sân bằng việc lỡ đánh trái banh lạc hướng đập liên tục vào những tán cây sum suê thế nào đi chăng nữa, bà vẫn không bao giờ trách mắng lũ trẻ một câu, chỉ nhẹ lắc đầu. Chính vì vậy, chúng tôi đều rất kính mến bà nội của Khánh Vy, đứa nào cũng gọi bà bằng tiếng "nội" đầy thân thương. Thi thoảng, tôi, em và vài đứa trẻ trong xóm ríu rít quanh bà, giúp bà chăm sóc cây xanh. Ấy thế nhưng, sang đến ngày hôm sau, chúng tôi lại "chăm sóc" chúng bằng những cú đập banh vụng về.

Tôi mỉm cười với kí ức ấu thơ. Chớp nhẹ đôi mắt, nét cười dịu dàng của Khánh Vy đập vào mắt tôi, em không giao cầu.

"Gì vậy?" Em hỏi.

"Sao?" Tôi ngơ ngác hỏi lại.

"Tự nhiên chị đứng cười."

"Chị nhớ lại lúc tụi mình còn nhỏ hay chơi bóng chuyền, phá hàng cây của bà nội em mà không bao giờ bị bà mắng. Em có nhớ cái lần nguyên đám tụi mình về xin ba mẹ cho tiền góp vào mua cây hoa sứ rồi trồng vào chậu lớn để mang tặng nội em không?"

Em phì cười. "Nhớ chứ. Em còn nhớ chậu gốm đó là mẹ chị mua cho tụi mình nữa mà. Trồng xong sân nhà em toàn đất cát, đổ nước tưới kiểu gì mà dơ quá trời dơ. Tặng bà em có một cây mà bà phải dọn bãi chiến trường cho tụi mình."

Tôi bật cười. Hiểu ý em không muốn đánh cầu nữa, tôi kéo cửa cổng rồi bước vào trong. Cùng nhau ngồi xuống ghế đá. Một ngày trôi qua chậm rãi và bình yên như chính cách chúng tôi dành thời gian bên nhau. Tôi yêu khoảng thời gian này.

Tuần nghỉ học tiếp theo, một tuần cuối tháng Hai, tôi dành một ngày để ghé đến tiệm trà và đồ ăn vặt của bạn tôi ở huyện Vĩnh Cửu. Chủ tiệm là cậu bạn thời cấp ba của tôi, chuyển nhà đến đây cách đây bốn năm.

Ngay khi tôi vừa đặt chân ở lối vào, cậu đã ôm chầm lấy người bạn đáng quý của mình. Tôi mỉm cười, đánh hai cái vào lưng Khánh.

"Tui tưởng bà chờ tui dẹp tiệm mới chịu ghé." Khánh trách móc nhưng chất giọng mang ý đùa.

Tôi được tiếp đãi một ly trà trái cây đặc biệt và hai món ăn vặt. Phần lớn khoảng thời gian trò chuyện, tôi lắng nghe Khánh nói về mô hình kinh doanh sắp tới của cậu, xem qua thiết kế làng Pháp thu nhỏ bao gồm nhà hàng Pháp, tiệm trà và bánh,...

"Địa điểm ở đâu?"

"Khánh đang tìm hiểu, có nhắm đến một vị trí rồi. Để tới khi xong kế hoạch cụ thể, Khánh sẽ chia sẻ với Phụng. Lúc đó có muốn hợp tác không?"

"Nói chơi hay thiệt vậy?"

Khánh cười sang sảng. "Đùa đấy. Nhưng nếu có cơ hội thì bà nghiêm túc cân nhắc xem sao."

Tôi mỉm cười trước lời mời gọi đầy ngẫu hứng này. Không ngờ tới tương lai của mình rồi sẽ rẽ sang hướng đó, những tháng ngày mà tôi học cách trưởng thành, nếm vị của sự thất bại.

Kết thúc việc chia sẻ dự định tương lai, Khánh kéo dài cuộc tâm sự bằng chuyện tình cảm. Nụ cười của cậu bạn tắt đi, chỉ còn lại vẻ đượm buồn. Tình bạn giữa chúng tôi gần như không có khoảng cách, không ngại trao nhau những cái ôm, lý do lớn nhất là vì xu hướng tính dục của Khánh.

Việc Khánh chỉ thích người cùng giới, tôi là người duy nhất biết được. Trước mặt gia đình và những người bạn còn lại, Khánh gồng mình diễn tròn vai chàng trai nam tính, đóng khuôn "người bình thường" như cách nhìn nhận của hầu hết mọi người. Tình cảm đơn phương của Khánh đến rồi đi và chỉ giữ mãi trong lòng. Cái ngày tôi biết được sự thật này, là cái ngày tôi nhìn Khánh lặng lẽ khóc khi người mà cậu thầm thương ghê tởm cái nắm tay của cậu.

Tôi dịu dàng quan sát nét mặt của Khánh, trong lòng đắn đo việc tâm sự chuyện tình cảm của mình. Cuối cùng, tôi lựa chọn sự im lặng.

Rồi sẽ đến lúc thích hợp.

Đột ngột, tôi nhớ Khánh Vy khôn xiết, muốn nắm lấy bàn tay em.

Trở về nhà vào cuối buổi chiều, tôi đứng ngay cửa hông nhà, nghển cổ liếc nhìn vào phía trong nhà Khánh Vy.

Tôi nhắn tin: [ Chị về rồi, đang đứng ở bên hông nhà nè. ]

[ Thì? ]

Ý tôi là em có muốn tôi sang nhà em không.

[ À, không có gì. ]

Tôi xoay gót chân, vươn tay mở cửa hông nhà mình, tin nhắn điện thoại khiến tôi thu tay về, rút ra điện thoại trong túi quần.

[ Rồi nói vậy là chị tính không qua đây à? ]

Tôi gãi gãi lông mày.

[ Đâu có, chị tính qua nhà em liền mà. ]

[ Chị đừng có xạo. ]

Tôi cười cười, xuất hiện ở phòng em chỉ một phút sau đó.

"Chị đi đâu gần cả ngày nay?" Khánh Vy đứng sẵn trước cửa, khoanh tay nhìn tôi dò xét.

"Chị ghé nhà bạn cấp ba chơi."

"Gái hay trai?"

"Trai."

Ánh nhìn của em cày xới khắp người tôi, khiến tôi e dè giải thích: "Bạn bình thường, chị ghé ủng hộ quán nước của bạn chị thôi à, cũng lâu rồi tụi chị không gặp nhau."

"Ai mượn chị giải thích." Em liếc nhẹ rồi ngồi lên giường.

Tôi ngồi xuống bên cạnh. "Chị về tắm nha?"

"Qua đây nhiêu đó rồi về thì qua chi?"

Sợ em giận chứ chi!

"Qua nói chuyện chút rồi về, chút chị qua nữa."

"Về luôn đi."

"Ừ."

Tiếng ừ của tôi được tiếp nối bằng tiếng la thất thanh bởi em chồm người sang bên cạnh, cắn phập vào dái tai của tôi. Cái kết của việc cả gan chọc ghẹo ai kia.

________________
Cơm bơ tỏi thịt xông khói:

Các bạn có thể thử theo clip hướng dẫn này:
https://youtu.be/-8khjjJGFvU?si=uJO2OFiTCwwDNAdd

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top