1
Lê Minh Anh bắt đầu nhận thức được rằng trí nhớ của mình về tên và mặt người không được tốt cho lắm là từ lúc đi mẫu giáo.
Trường học của con bé là một trường mầm non công lập bình thường đúng tuyến trong thành phố, nơi mà nhân một ngày đẹp trời, mẹ của Minh Anh đưa con bé đến cổng trường và bảo với nó rằng con ngồi trong này với các cô một lúc cho mẹ đi chợ nhé để lừa con bé ngoan ngoãn bước vào.
Một lúc của mẹ là từ tám giờ sáng đến bốn giờ ba mươi chiều ạ?
Thế là nguyên một tuần đầu tiên, khi mà mọi đứa trẻ khác cứ đến cổng trường là khóc thét lên đòi đi về thì Minh Anh lại trải qua một cách tương đối yên bình. Theo vài khía cạnh chủ quan, bố mẹ Minh Anh thực sự đã thành công trong việc giáo dục và đào tạo con của mình.
Ngoại trừ một vấn đề là hình như lúc nào con bé cũng vào nhầm lớp.
Lê Minh Anh bốn tuổi có hơi thắc mắc.
Con bé thực sự không thể nhớ nổi vị trí đứng của lớp mình trước giờ lên phòng học, nên thường thì nó sẽ đợi hai hoặc ba đứa trẻ trông có vẻ quen mắt để đi xếp hàng cùng. Nhưng mà nó trông người ta quen mắt chứ người ta thì chưa thấy nó bao giờ cả. Cay đắng hơn, là việc này không phải chỉ diễn ra ngày một ngày hai.
Cô giáo bèn để một cô bé trong lớp nhận nhiệm vụ dẫn nó vào hàng mỗi sáng. Trẻ con mẫu giáo về cơ bản là đối tượng dễ bị kích động bởi vài lời khen ngợi mà bọn chúng nhận được từ người lớn, đặc biệt là những sinh vật mang tên "Giáo viên", nên bạn nhỏ ấy không cần nghĩ ngợi nhiều mà gật đầu đồng ý. Dù sao thì thế giới của sinh vật với số thời gian tồn tại ngắn ngủi trên trái đất ấy cũng được tính bằng số phiếu bé ngoan mà chúng sẽ nhận được, thứ mà sau này tiến hóa thành bằng khen và lương tháng mà.
Kết quả không mấy bất ngờ. Cô bạn ấy bỏ cuộc. Sau hẳn ba hôm.
Cô bé không thể chịu đựng được việc lôi kéo Minh Anh trong khi con bé cứ mải mê đi theo một bạn nữ lạ hoắc nào đó với thái độ cực kì chắc chắn, để rồi kết thúc bằng việc cả ba đứa cùng bật khóc vì xô đẩy nhau trên sân trường.
Cô giáo đành quyết định tự mình đón Minh Anh vào lớp học.
Nhưng mà Lê Minh Anh bốn tuổi phát hiện ra là cô giáo của mình và các cô giáo còn lại nhìn chẳng mấy khác nhau. Nên cứ mỗi khi mẹ nó thả nó ở cổng trường, chỉ cần nhìn thấy người đang tươi cười muốn nắm lấy tay mình là Minh Anh lại òa lên nức nở vì sợ sẽ bị dắt lên tầng ba rồi lại phải đi xuống tầng một, việc mà lẽ ra nó phải làm từ cái tuần bắt đầu bị mẹ xách đến trường.
Trò đùa của đời ấy kéo dài trong khoảng một tháng.
Có lẽ ông trời cũng cảm thấy cái debuff này quá mức kinh khủng, nên nội tại của nhân vật mang tên Lê Minh Anh được bù đắp bằng một skill cũng kì cục không kém: Thích nghi với mọi môi trường sống. Dù không thể nhớ được hết mặt và tên của mấy đứa trẻ con trong lớp thì nó vẫn có đủ khả năng và cách thức để chơi với chúng. Huống hồ, lũ trẻ con ấy có phải chỉ có mỗi tên không đâu. Chúng nó còn có cả tá biệt danh, tên ở nhà, tên cúng cơm rồi đủ các thể loại tên siêu nhân hành động kì quái nữa. Nên là thay vì phí thời gian cho việc phân biệt tất cả mọi người, Minh Anh chỉ quyết định chia lũ trẻ con ra thành hai loại: Có thể chơi cùng và không thể chơi cùng, rồi sau đó nó muốn làm gì thì làm.
Việc này được duy trì đến tận bây giờ. Nhưng chuyện của bây giờ thì để sau tính.
Đại khái là Minh Anh đã an toàn vượt qua trường mẫu giáo như thế.
Lên tiểu học, bố mẹ của Lê Minh Anh lại cho con bé theo học ở một trường công lập bình thường nào đó gần nhà. Gần đến nỗi sau năm lớp ba, bố mẹ quyết định để nó tự đi bộ đến trường.
Lê Minh Anh chín tuổi hết sức vui vẻ mà đồng ý. Trong thế giới quan của con bé, tự mình đến trường là một hành động cực kì trưởng thành mà không có mấy đứa học sinh tiểu học làm được. Minh Anh vẫn hay nhìn thấy các vị phụ huynh đưa mấy đứa nhỏ nhỏ đến cổng trường, dỗ dành mãi bọn nó mới chịu xuống xe mà phụng phịu xách cặp vào lớp. Nếu ai mà cũng được như con bé thì hẳn là các ông, bà, bố, mẹ trên thế giới này đều sẽ dễ thở hơn rồi, Minh Anh kiêu ngạo mà thầm nghĩ.
Ngoài việc đi một mình có hơi không an toàn (và đau chân nữa), thì tiểu học thực ra cũng chỉ là trường mẫu giáo nhưng tính thành tích thôi.
Điển hình là việc cô giáo chủ nhiệm lớp ba của Minh Anh cắt bớt bài giảng để mang về nhà dạy thêm và ép buộc mấy bạn trông sáng sủa tham gia vào đội văn nghệ của trường.
Lê Minh Anh là con một, lại được nuông chiều từ bé, nên mặc dù tính cách về cơ bản là không có vấn đề gì thì con bé khá là cứng đầu. Và ghét tất cả những thứ mà nó không thích.
Không muốn khoe khoang lắm đâu nhưng nếu bỏ qua việc hơi thấp bé so với các bạn đồng trang lứa thì con bé nào đó trông cũng được (theo ý của người lớn thì sẽ là trắng trẻo, xinh xắn), nên nghiễm nhiên là vào một ngày xấu trời nọ, cô giáo chủ nhiệm bảo nó ở lại sau giờ học để hỏi ý kiến (cho có thôi vì cô bảo cô đăng kí tên nó rồi) về việc vào đội múa chào mừng ngày 20-11.
- Không ạ! - Minh Anh trả lời
- Đây không phải là việc con muốn hay không muốn - Cô giáo thở dài - Cái này là bắt buộc!
Minh Anh ngước mắt nhìn cô giáo. Đôi mắt của con bé được di truyền từ mẹ. Bố thường hay than thở là nếu mẹ cứ nhìn bố chằm chằm, kiểu gì bố cũng sẽ chột dạ mà khai ra hết việc hôm nay sau giờ làm bố với chú Hùng ở cơ quan ra quán bia ở đầu ngõ để đi nhậu chứ không phải ở lại công ty tăng ca.
- Bắt buộc thì con cũng không làm đâu!
Cô giáo có vẻ hơi mất kiên nhẫn. Lũ trẻ con bình thường, chỉ cần nói hai, ba câu, dỗ dành một chút thì kiểu gì chúng nó cũng đồng ý. Với lại, lên sân khấu, được trang điểm xinh đẹp, váy áo xúng xính, có đứa nào lại không thích cơ chứ? Cô cau mày, tránh đi ánh mắt đen láy kia, tức giận bảo:
- Nếu con không tham gia, từ ngày mai cô đổi con xuống góc lớp ngồi!
Vì ngoại hình thấp bé, cộng thêm việc khi đi họp phụ huynh, bố mẹ Minh Anh cũng thường nhờ vả thầy cô cho nó lên đầu ngồi, nên hiếm khi vị trí trong lớp của con bé thấp hơn bàn thứ ba từ trên xuống. Kể cả khi xoay vòng đổi chỗ hằng tháng, giáo viên chủ nhiệm kiểu gì cũng sẽ nhấc nó lên trên.
Nên có thể coi như năm lớp ba là năm học duy nhất nó nhìn cả ngày cũng không thấy bàn giáo viên ở đâu.
Minh Anh không để ý đến vấn đề ấy lắm. Nó đem chuyện về kể với mẹ.
Mẹ bảo:
- Sao giáo viên của con tốt nghiệp được đại học sư phạm thế?
Thực ra thì Minh Anh khá là dễ mềm lòng. Chỉ cần câu chữ lúc nhờ vả nó nghe xuôi tai, con bé kiểu gì cũng đồng ý giúp đỡ. Chẳng qua, nếu bạn bảo Minh Anh rằng bây giờ nó phải thế này, phải thế kia, con bé sẽ ngay lập tức làm ngược lại. Một dạng chống đối đầy cứng đầu, hẳn là được di truyền từ hai bậc phụ huynh ở nhà.
Dù sao thì sự tuyệt vời của giáo dục nằm ở chỗ không phải giáo viên nào cũng như nhau. Ngoại trừ lớp trọng điểm của trường (một cách gọi đầy hoa mĩ cho lớp chọn), thì mỗi năm các lớp còn lại đều sẽ đổi chủ nhiệm. Hình như là do trường nhận giáo viên vừa tốt nghiệp, nên sẽ luôn cần một vài chuột bạch để thí nghiệm. Không biết là may mắn hay xui xẻo, nhưng giáo viên mới về trường thái độ kiểu gì cũng mềm mỏng hơn nhiều.
Và cũng không có vụ cắt bớt thời gian giảng bài với cả trù dập học sinh.
Giáo dục muôn năm.
Đến năm lớp bốn, vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Ngoại trừ việc chia bè kéo phái ở trong lớp. Đúng rồi. Chia bè.
Minh Anh hay xem phim vào buổi tối với bố mẹ. Bố mẹ có tôn chỉ là khi nào Minh Anh muốn thì mới cho nó đi học thêm, nên khi mà mấy đứa trẻ con ăn tối xong là vội vã xách cặp đến nhà cô giáo thì con bé có thể ung dung ăn dưa hấu và kể chuyện trên trời dưới biển với bố mẹ mình.
À mà phim nó hay xem thì cũng có chia bè kéo phái nhưng là của học sinh cấp ba cơ.
Thế nên việc ở lớp chắc là để tập dượt cho khi lớn hơn một tí. Với lại, ai mà chơi được với hết cả bốn mươi con người cơ chứ?
Lê Minh Anh cảm thấy hợp lý.
Tiến hóa phát triển xã hội muôn năm.
Trẻ con tiểu học dành phần lớn thời gian cho các hoạt động có hiệu quả xử lí calo cực kì cao. Minh Anh từ bé đã là đứa ham thích chạy nhảy, cơ mà khu mà nó ở lại không có mấy đứa trẻ con trạc tuổi nó. Các anh chị ấy hầu hết đều đã lên cấp hai, cấp ba, có người đi đại học cả năm không thấy về. Nên dù có muốn, giới hạn các trò mà nó có thể chơi một mình thực sự không nhiều.
Bọn con gái ở lớp lại không thích mấy trò chơi vận động. Chúng nó thích tụ lại một chỗ, bàn luận về bộ phim nào đó mà con bé chưa từng xem qua, rồi cười phá lên ở những phân đoạn mà con bé không thể hiểu nổi.
Nên là Lê Minh Anh cần một người bạn.
Dù cho năng lực hòa nhập của con bé đủ mạnh để nó không cần phải biết nội dung đề tài mà vẫn nghe hiểu và theo kịp câu chuyện của bọn con gái, thì việc có một ai đó để con bé không cần phải sử dụng khả năng của mình, kiểu như là vứt não đi để nói chuyện ấy, vẫn khiến Lê Minh Anh bồi hồi mỗi lần treo cặp sách vào chỗ ngồi và bắt đầu cười nói với cô bạn vừa mới đến lớp.
Mặc kệ cái mong ước đơn giản nhỏ bé của học sinh tiểu học kén chọn nào đó, thời gian vẫn cứ không chờ bất kỳ ai.
Mùa hè đến.
Và Nguyễn Hoàng Quỳnh Dương xuất hiện.
***
Chuyện hậu trường:
Dương: Chào cậu!
Minh Anh: ? Ai đấy?
Dương: Tớ là nữ chính của câu ó :3
Minh Anh : ??????????
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top