2 - Buổi sáng thần tiên
“Vẽ một cành cây đẹp, ta thấy có gió”
CON chó”, những khi bố nựng Bé, Bố gọi trệch đi là “con tro”, với một âm
tro rất rung, “con tro của Bố”. Mẹ nhận xét: Bé sinh sau nên hưởng lại của
Chị nhiều thứ: quần áo, đồ chơi, và cả cái tên ấy. Bố ôm chặt Bé vào ngực
Bố mà gọi thế. Lúc nào Bé cũng cãi lại: “— Con là con Bố, sao con lại là
con tro được?” Bố nói: “— Vì không may nên Bố mới đẻ ra con tro”. Bé
bắt đầu lý sự cùn: “— Bố xem con có khác gì Bố nào?”. Bố chỉ vào đầu bé:
“— Cái này của con nó ngốc lắm. Rõ ràng là đầu con tro”. Đến lúc bí, Bé
nói liều: “— Thế hồi bé, Bố cũng...” Thế là Mẹ quát tướng lên: “— Bé
không được hỗn nào!”. Cả nhà cười ầm.
Trong gian nhà nhỏ của Bé, buổi tối thật là vui. Bốn “bố con” (hai tiếng ấy
của Bố thân mật bao gồm cả Mẹ) nằm lăn ra dưới sàn gỗ mà đùa. Cuối một
ngày, mỗi người làm tròn việc của mình, bây giờ họ thấy thoải mái, không
ai có cảm giác mình có lỗi với ai. Công việc vỡ một khu đất rất lớn để trồng
chè của Bố ở huyện Bắc Quang mỗi ngày tiến thêm một bước: hoặc Bố đã
xin được tiền của chính phủ, hoặc đã chở được máy kéo máy cày từ Hà Nội
lên. Mẹ sung sướng phô với cả nhà đã nhờ nhạy cảm mà đánh lui được dễ
dàng một cơn sốt dài ngày của một em bé. Chị thì ngoẹo đầu sang bên vai
một tí — Ôi, Chị đã học đến lớp tám rồi mà cứ như trẻ con ấy! — Chị cười
mà đố Bố: “— Bố đoán xem toán con được mấy điểm nào?”. Còn Bé, Bé
khoe được cô giáo khen là ăn nhanh, tiến bộ rõ rệt và được cắm cờ đỏ trên
bảng. Bà dọn dẹp đã xong, ngồi xệp xuống sàn như mọi người, tựa lưng
vào cái thành giường của Bà mà ngủ gà ngủ gật. Con mèo lang trắng đen
của nhà lúc ấy cũng có mặt đấy, xoãi cả bốn chân ra nhìn hết người nọ đến
người kia và thở rất gấp rất mạnh, như cả ngày nó cũng mắc bận lắm bây
giờ mới thở được một ít.
Nhưng tối nay rõ ràng là không giống mọi tối. Bố không về ăn cơm nhà.
Sau một thời gian dài sửa soạn và xếp đặt, sáng ngày mai, công việc phá
hoang và trồng chè ở Bắc Quang bắt đầu. Đêm nay bố phải ở luôn dưới ấy, hẹn mai, sau buổi lễ, mới sẽ đảo qua nhà một tí. Cả nhà rất thích công việc
của Bố. Có hôm Bố trải bản đồ lên ngay sàn mà giảng cho Mẹ: “Rồi ta sẽ
bắc ở đây một cái cầu, ta xây ở đây một cái hồ chứa nước, dưới kia ta cho
một bến cảng”. Ôi, Bé rất thích! rất thích! câu chuyện của Bố có cái gì cứ
lấp la lấp lánh như cổ tích. “Con Em được thằng Anh cho ngồi đằng sau
nó, trên lưng Cừu Thần để bay đi chơi. Con Em thích quá, cứ vỗ tay reo,
bất chợt rơi xuống, hóa thành cánh đồng Lũng Cú bây giờ”. Đây, những
cái cầu, cái hồ, cái cảng, những nông trường và nhà máy chè của Bố cũng
phảng phất như thế.
Nhưng tối nay, không khí trong nhà rất phân vân. Bao nhiêu việc ngẫu
nhiên gặp nhau một lúc. Ngày mai là ngày nghỉ của trường mẫu giáo, Bé ở
nhà, không đi học. Ở nhà có Bà, có Chị. Chị đi học buổi chiều, nhưng có
Bé ở nhà thì bao giờ cũng có Bà, mọi việc chợ búa, Bà phải lo từ hôm
trước. Nhưng sáng mai, Mẹ phải giới thiệu Bà đi bệnh việc khám vì Bà kêu
bỗng nhiên chóng mặt quá lắm. Bà đã già, đã kêu chóng mặt là phải cẩn
thận, Mẹ bảo thế. Còn Chị cũng phải lao động, cái ấy chiều nay Chị mới
biết. Thế ai ở nhà với Bé? Không ai ở nhà với Bé được thì làm thế nào? Mẹ
mang Bé theo đến bệnh viện ư? Không được. Hay Chị xin nghỉ một buổi?
Lâu lâu mới có một buổi lao động, không nghỉ được. Hay mẹ xin nghỉ làm?
Cái đó càng không được: bao nhiêu trẻ em ốm đang đợi Mẹ! Hay Bà hoãn
đến hôm khác hãy đi khám? Cũng không được nữa. Một đời Bà làm lụng
chăm chỉ, săn sóc mọi người, Bà mới mệt một lần, phải để Bà đi khám
đúng lúc. Hay mang Bé đi gửi? Gửi ai?
Mèo ta là kẻ tinh ý nhất nhà. Tính như tuổi người, nó cũng ngót nghét lên
năm rồi đấy, chỉ kém Bé ít thôi. Ôi, lên một tháng, mèo con bị bệnh tưởng
chết, Bà đã đưa xuống bếp cho nó sưởi và có chết thì chết dưới đó. Không
ngờ nửa đêm, Bố mở cửa ra, thấy nó phục trước cửa. Thật lạ mà nó tìm
được lối leo lên cầu thang, và leo được để về nhà: từ lúc đẻ ra, nó đã đi
khỏi buồng bao giờ đâu? Bố thương, bắt chước Mẹ, chữa cho Mèo như Mẹ
chữa cho người, lấy thuốc của Bé cho Mèo uống, lấy sữa của Bé cho Mèo
ăn. Thế mà nó sống được đấy. Nó sống được, lớn lên, tự mình coi mình như
người nhà, tự đảm lấy việc giữ nhà, kể cả việc bầu bạn với Bé, từ khi Bé mới lên một cơ. Ngày ấy, một hôm, Bé nằm ngủ trên giường của Bà, bỗng
lăn rơi xuống sàn, thế mà vẫn ngủ. Bà đang ở trong buồng tắm, chợt Mèo
đến lấy răng cắn vào gấu quần kéo Bà đi. Bà theo Mèo trở vào nhà thì thấy
Bé đang nằm như vậy. Ấy, sự tích Mèo là thế.
Năm năm trời, tối nào Mèo cũng nằm ngắm nghía hết mặt người nọ cho
đến mặt người kia, thuộc từng giọng cười, thậm chí từng câu đùa, nên tối
nay Mèo chú ý biết trong nhà có việc lo lắng. Và đến lúc nghe Mẹ nói thì
Mèo hiểu cả. Trông nét mặt của Mẹ, Mèo thương quá. “Tội nghiệp” —
Mèo nghĩ — chớ để cho Mẹ phải lo lắng như thế!”. Mèo đến, nghiêng
mình, cọ lông vào chân Bé.
Đang nằm, Bé chợt nhổm dậy, ngồi lọt thỏm trong vòng tay của Mẹ. Bé có
cảm giác Mẹ sắp nói những điều thật hệ trọng, những điều ấy Mẹ chưa nói
với Bé bao giờ:
— Tổ trưởng tổ Gà của Mẹ có thật giỏi như cô giáo khen không? Sáng mai,
con hãy “trực nhà” cho Mẹ một buổi, như cô giáo vẫn hay giao cho con
trực lớp ấy mà. Mẹ sắp sẵn tất cả cho con, cả quà nữa, con chỉ thức dậy và
quanh quẩn chơi trong buồng, không đi đâu, thế thôi. Mẹ cho con nhiều
phấn màu để con vẽ nhé. Con vẽ thật nhiều vào, thật đẹp vào để Bố về Bố
khen con là họa sĩ của Bố chứ không phải là con tro đâu. Có lẽ Bố sẽ về
trước, vào quãng mười giờ Bố sẽ về nhận ca, trực thay con. Con mà làm
được thế thì con vừa giúp được Mẹ, giúp được Bà, giúp được Chị, mà cũng
giúp được các bạn đang ốm của con ở bệnh viện nữa!
Nghe phải ở nhà một mình, thoạt đầu, Bé hốt lắm, Chị cũng hốt, chứ không
ư, mắt Chị tò mò và chờ đợi nhìn Bé thế kia. Nhưng có cách nào nữa
không? Ở nhà một mình buồn: ai chả có lúc ở nhà một mình? Sợ: sợ cái gì
nào? Hòa bình rồi, bom đạn hết rồi... Mà Mẹ khôn lắm: “tổ trưởng tổ Gà”,
“trực nhà”, “trực lớp”, “cô giáo khen”, “Bố về nhận ca”, Mẹ nói cứ ngọt
ngọt là!
Mèo ta, đến lúc ấy, rúc rúc cái đầu nhỏ xíu của mình vào bụng Bé thủ thỉ:
— Mình đồng ý đi cho Mẹ vui lòng. Mình chỉ phải ở nhà một mình có một
buổi chứ người ta hôm nào cũng phải ở nhà một mình thì sao? Mình đồng ý đi, để được cả nhà khen là dũng cảm! Người ta sẽ giúp mình trông nhà, sẽ
chơi với mình, không sao đâu.
— Mà Mẹ phải để nhiều đường cho con uống nước cơ — Bé bật nói lên,
mặc cả như thế.
Không ngờ Bé nhận lời ngay, Mẹ mừng cuống lên, ôm lấy Bé hôn lấy hôn
để. Chị cũng chồm tới hôn Bé, và đưa cho Bé tất cả phần vải thiều buộc lại
bằng một sợi len xanh mà Chị mới ăn có hai quả. Sau đó, cả nhà tíu tít đi
chuẩn bị cho buổi “trực” của Bé.
Hôm nào mà Mèo chẳng phải ở nhà một mình. Thế nhưng đêm nay Mèo
cũng thao thức mãi. Mèo có cảm giác ngày mai, công việc trông nom nhà
cửa cần chu đáo hơn mọi ngày, vì ngày mai có Bé cũng ở nhà nữa. Mẹ lo âu
nhường ấy cơ mà! Cô ả hát hay, múa dẻo, vẽ cũng tài, nhưng nhiều cái
cũng lớ ngớ lắm thật cơ. Ôi chao, mai cửa sẽ không khóa, mình mà xuống
sân, lại lân la chắp tay xem lũ trẻ “oẳn tù tì” thì ở trên này, người ta biết
xoay xở thế nào? Một mặt phải giữ nhà, một mặt lại phải trông chừng
mình...
Bốn giờ sáng, chiếc đồng hồ chuông reo lên một hồi dài. Nhưng Chị vẫn
ngủ say. Thường ngày vẫn thế. Chị hẹn dậy sớm, để giờ chuông, nhưng
chuông reo mặc chuông reo, Chị vẫn ngủ. Thấy Chị không động tĩnh gì cả,
đến lúc ấy, Bố mới lên tiếng gọi. Hôm nay không có Bố ở nhà, Mèo cho đó
là việc của mình, chui vào màn, đến bên Chị, ghé xuống tai Chị mà “meo!
meo!” lên mấy tiếng. Chị mở bừng mắt vừa thấy Mèo đang ngoạm vai
mình mà kéo, sực nhớ ra, hốt hoảng ngồi dậy.
Mẹ đứng lên thong thả đi bật đèn.
Chị rửa mặt chải tóc vừa xong, ăn xong, vừa bạn đến gọi. Hôm nay lao
động tận cây số bốn, bạn Chị lại Chị đi bằng xe đạp. Người ra khỏi nhà sau
Chị là Bà. Bệnh viện Bà phải đến không cùng chỗ làm việc của Mẹ nên Bà
phải đi bộ, và Bà phải đến sớm để xếp giấy thứ tự ở phòng khám. Một cuộc
đi bộ sáng sớm mùa này cũng có ích cho sức khỏe của Bà. Bà đi có một tí,
thế mà cũng bịn rịn, đến bên Bé hãy còn ngủ, vuốt ve mãi, và nói nựng đến
buồn cười “Cái đít! cái đít!” rồi mới đi. Mẹ sắp sẵn xôi sáng và nước trên
bàn, để cả hai quả chuối và lọ đường với cái thìa ở đấy nữa, cho cái bô vào trong nhà. Và đề phòng nhỡ Bé nghịch có thể gây tai nạn, Mẹ lặng lẽ đi tắt
điện, tháo cầu chì và cất hộp dao cạo của Bố vào trong cái cặp ở đầu tủ. Mẹ
đi mở rộng các cửa, nhìn lại trên bàn xem hộp phấn màu Mẹ để sẵn tối qua
cho Bé còn đấy không, thong thả đi lấy thêm mấy cuốn tranh truyện, và vợi
sẵn một ít nước trong xô ra cái chậu con, cho bé rửa tay.
Đến lúc ấy, Mẹ mới đến lay Bé dậy.
— Con tro của Mẹ! Dậy chơi với Mẹ tí đi, rồi Mẹ đi làm việc!
Bé mở mắt liền. Hai mắt vốn rất đẹp của Bé, sau một giấc ngủ dài, càng to
ra, và chỉ thấy tuyền lòng đen. Bé mở mắt, nhớ ra công việc Mẹ giao cho
Bé hôm nay và ngồi dậy ngay. “— Ôi chao, con gái Mẹ ngoan quá!”. Mẹ
nói thế và bế Bé ra buồng tắm, rửa, lau, thay quần áo cho Bé, đưa Bé vào,
đặt Bé ngồi lên ghế ngay ngắn. Rồi Mẹ nói:
— Con ăn quà sáng, uống nước như mọi hôm ở trường ấy nhé. Rồi bắt đầu
làm công tác cho Mẹ nhé. Chỉ cần con chẳng đi đâu, con chơi một mình vui
vẻ, thế thôi. Bây giờ gần sáu giờ. Mười giờ bố về, hẳn thế. Giờ này, Bố
cũng dẫn đàn máy kéo ra khu rừng nứa, bắt đầu phát hoang đây. Con tưởng
tượng xem: vùng ấy bao đời hoang vắng bỗng sáng nay, cơ man người và
ngựa, áo váy yên cương thật đẹp, cùng với một đàn xe bánh xích cờ xí rợp
trời ầm ầm tấn công vào rừng rú và đầm lầy. Trên một chiếc xe bánh xích
ấy, có Bố, ngồi phía sau một lá cờ đỏ phần phật, cứ như là ông tướng... Con
có thích không? Con thi đua với Bố nhé. Hai bố con thi đua với nhau nhé.
Mười giờ bố về. Thế. Con ngoan lắm. Mẹ hôn con cái nữa rồi Mẹ đi làm.
Đến lúc sắp sửa phải thật sự ở nhà một mình, Bé cũng thấy nghèn nghẹn ở
cổ. Nhưng muộn rồi; làm khó dễ cho Mẹ bây giờ là thế nào? Tối qua đã
hứa rồi, bây giờ trả lại ngần ngừ sao được? Không mà, Bé không tồi thế
đâu. Bé thu hết can đảm cho nét mặt được tự nhiên và ngửa mặt cho Mẹ
hôn. Bé cố gắng lắm nên mồm Bé chỉ mếu có một tí thôi. Mẹ hôn lên cái
mồm ấy và dắt xe đạp ra cửa, không quên cúi xuống vuốt lưng Mèo một
cái:
— Mèo ở nhà chơi với Bé nhé. Rồi Bé cho quà.
Mẹ đi xuống khỏi cầu thang rồi, Mèo nhảy lên bàn, bước đến gần nhìn kỹ
hai mắt Bé. “Khóc à! — Mèo hỏi — Xoàng thế!” Bé nhướn to hai mắt, nói thật, hai mắt Bé cũng có hơi cay cay một tí, dí sát mắt Mèo đáp: “Đâu
nào?”. Mèo cười sằng sặc và nói: “Mẹ bảo cho người ta quà đấy. Nhớ đấy”.
Xong, Mèo nhảy xuống bàn, bước ra nằm xuống ở vọng gác của mình:
trước cửa.
o O o
Sáng hôm ấy của mùa hè năm 1973, Hà Giang có một việc rất lạ. Từ Vị
Xuyên, lên Mèo Vạc, từ Thanh Thủy xuống Hoàng Xu Phì, khắp các
huyện, có bao nhiêu chim đều nháo nhác bay lên trời cả, liệng rất nhiều
vòng tít trên mây xanh, một lúc rất lâu mới lại đỗ xuống. Đỗ xuống, chim
lại khuất trong những rừng non rừng già vô số của Hà Giang, nhưng ức
triệu giống chim khác nhau vẫn không ngớt xôn xao về một việc gì vừa mới
xảy ra đó. Những người già trăm tuổi quả quyết rằng trong cuộc đời rất dài
của họ chưa hề thấy sự việc như thế này bao giờ. Từ đấy mà những người
khác, trẻ hơn, luận ra rằng đây chỉ có thể là điềm lành, chắc là động rừng
do khai phá làm nông trường lâm trường gì đây. Và các ông chủ tịch huyện,
ban đầu cũng kinh ngạc như ai, sực nhớ ra cái kế hoạch của tỉnh mà mình
được biết từ lâu, cái kế hoạch ấy nó to lớn quá đến nỗi chính mình cũng
không ngờ là nó đến ngay thế; các ông chủ tịch huyện “à!” lên một cách
sung sướng. Và chỉ mươi phút sau, khắp các phố huyện, khắp các bản làng
đều biết rằng: “Thế là công việc ở Bắc Quảng đã bắt đầu rồi! Bắc Quang
bắt đầu vỡ trồng làm vùng kinh tế mới”.
Trong lúc đó, ở Bắc Quang, để buổi lễ “ra quân” thêm phần long trọng,
người ta mời những người đứng đầu tỉnh, huyện, ủy ban nông nghiệp, các
kỹ sư, các nhà báo, mỗi người lên ngồi trên một chiếc xe bánh xích cùng
với đồng chí lái máy, khi các xe ấy bắt đầu lao vào mầu xanh mênh mông
của rừng. Công cuộc lao động lớn lao ở đây mở đầu như một ngày hội.
Người khắp các bản trên các sườn núi đi ngựa xuống xem, áo, váy đen, đỏ,
vàng, bạc chói ngời. Bọn ngựa thấy đàn xe bánh xích to lớn, oai vệ, vừa
ghen vừa sợ, hí vang trời và cứ chực chồm lên. Các chủ ngựa, khi là một cô
gái, khi là một em bé, khó khăn lắm mới giữ được dây cương, có người còn
sợ những “con” xe xích khổng lồ kia có thể sổ vào con ngựa bé nhỏ của
mình, nhưng mắt họ lại chằm chằm dán vào sự việc đang diễn ra. Mỗi chiếc xe xích tiến lên, cây cối liền đổ rạp xuống, những cánh tay sắt rất dài đằng
trước nó tung lên, ném lên để mở đường đi, trong lúc các lưỡi cày nó kéo
theo sau lật ngay các thảm cỏ để lộ một mẩu đất nâu đen bóng sáng như
mẩu máu tươi lập tức bốc hơi. Hơi nóng của đất mới vỡ quyện thành một
lớp khói mỏng lãng đãng như còn cố che lại cho ngực đất không quen trần
trụi. Những người đi xem, tiến lên sau xe reo hò ầm ĩ, trên mảnh đất nghìn
năm bị phong kín nay được giải phóng. Có người nhặt một hòn đá để ngang
mặt xem xét. Chỉ có loài chim là nháo nhác kinh sợ vì thấy dinh lũy của
mình bị tấn công. Chúng vụt bay bắn lên trên không, cao tít tắp, rồi mới hạ
thấp dần xuống, quần đảo hàng nghìn vòng, tìm hiểu việc gì xảy ra. Chim
các vùng chung quanh, rồi trong toàn tỉnh, thấy thế cùng bất giác bay lên.
Bên dưới, mặt đất đang nhộn nhịp như thế, trên bầu trời, tiếng cánh vỗ,
tiếng chim chiêm chiếp hỏi nhau, hàng triệu đôi cánh che ánh nắng mai, tạo
thành một bóng rợp rất đỗi réo rắt.
Ngồi trên một chiếc xe xích ấy, Bố của Bé rất vui. Ông là người rất mê Hà
Giang. Ở Hà Giang, bất cứ đứng đâu cũng thấy được trời đất nước non thật
là đẹp. Những cảnh một trăm lần nhìn, một trăm lần gợi cho người ta
những cảm nghĩ cao quý. Như ở đây chẳng hạn, hãy ngoảnh mặt ra sau, bạn
sẽ thấy một ngọn đồi; sau đồi là núi; sau núi là núi nữa; mặt trời lên, mù
trắng bốc lên che tất cả chỉ để lại có các chóp đỉnh, các chóp đỉnh ấy trôi
dập dềnh trên những biển mây. Làm việc một lúc, ngửng lên nữa, lại đã
thấy trắng hết, chỉ còn một quả đồi gần, tưởng chừng như sau quả đồi ấy đã
là vũ trụ mênh mông. Nhưng mà không, trong cái che khuất ấy, còn có núi,
cơ man núi, và sông, và người, cơ man người, trong cái che khuất ấy là
nước Việt Nam giàu có và anh hùng trải dài đến tận Cà Mau, mà đây mới
chỉ là điểm bắt đầu.
Sáng nay, thật là một quang cảnh mới. Nó vừa là như thế, vừa không là như
thế. Như một rò phong lan, vắt vẻo trên chóp thân cây, bao giờ cũng đẹp,
nhưng trước cơn mưa mùa hè, hoa lan nở, rò lan liền mang một vẻ đẹp
khác. Hàng trăm gia đình Mèo đã xuống núi và đến ở đây, hàng trăm gia
đình nữa sẽ đến, hàng nghìn nam nữ thanh niên Mèo sẽ trở nên công nhân
nông trường và nhà máy ở đây, sẽ líu lo hát những bài hát khác những bài họ vẫn hát, có rạo rực tiếng máy cày và hình ảnh những búp tay trắng hồng
hái chè trong đó... Ông có một chút tự hào vì mình có góp vào đây một ít
công sức...
Ôi, bây giờ ông là người lớn rồi, nên ông không hiểu được nữa tiếng chim
như trẻ con vẫn hay đoán hiểu. Nếu không, ông tất đã nghe câu chuyện sau
đây của hai con chim, là hai con chích chòe nhỏ xíu, cánh chỗ trắng thì
trắng muốt, chỗ đen thì đen tuyền, vừa mới bạo dạn sà xuống đỗ ngay lên
đầu máy xe xích và chằm chằm nhìn ông. Trên đất nước ta, hễ là người tốt,
ta đi bất cứ đâu, trong đám đông, thế nào cũng có người nhận ra ta. Một
con chích chòe đã nhận ra ông:
— Bác này là Bố con Bé đấy mà!
— Bé nào? — con chim kia hỏi.
— Bé ở thị xã, nhà gác có cửa sổ treo đầy phong lan, hôm nọ cậu với tớ
đến chén một quả vải thiều ấy mà, cậu không nhớ à?
— Ừ, Bác ta là người hiền lành đấy, cấm thấy mắng con bao giờ — Con
chim vừa nói vừa đưa chiếc cánh tí xíu huých bạn một cái — Thế cậu nói
đi. Cậu hãy hỏi Bác ta tại sao lại làm thế?
Con chim kia nhích tới một bước nhỏ, há mỏ, cổ họng thở rất dữ, rồi lùi lại
ngay, đến lượt mình lấy cánh huých bạn:
— Cậu có ý kiến thì cậu nói trước đi, sao lại đùn cho tớ? Cậu mà nói trước,
tớ sẽ nói tiếp ngay. Nào!
Bỗng máy xe nổ một tiếng mạnh quá. Hai con chim giật bắn người, bay vọt
lên cao.
o O o
Mẹ đi xong, còn lại một mình, bỗng nhiên Bé thấy việc “trực nhà” không
lấy gì làm ghê gớm cả. Có phải vì dù thế nào thì Bé cũng chỉ còn lại có một
mình và Bé không muốn trưa nay lại gặp Bà, Bố, Mẹ, Chị, mà phải xấu hổ
cúi gằm mặt xuống? Hay vì hộp phấn màu lần đầu Mẹ giao hết cho Bé chứ
không phải một viên bẻ đôi như mọi bận, những viên phấn màu đối với Bé
bao giờ cũng hứa hẹn rất nhiều thú vui? Bé ăn quà sáng, thong thả ăn sạch
đĩa và uống cạn cốc như ở trường. Giờ này mọi hôm, ở trường mẫu giáo
học sinh đã vào lớp và bắt đầu tiết vẽ. Bé ôm hộp phấn, tụt xuống ghế, đứng một lúc ngắm nghía cái sàn nhà. Ý nghĩ có thể vẽ một bức tranh “đề
tài tự do” như cô giáo độ này thường bảo, nhưng là một bức tranh thật to, ý
nghĩ ấy cuốn hút Bé liền. “Hôm nay mình có thể vẽ hết cả cái sàn này mà
không sợ bị mắng — Bé nghĩ — Bà cũng chẳng la hét lên đâu”.
Những bà mẹ, chính là những người đã sinh ra nghệ thuật. Nếu bà mẹ tự
mình không làm lấy được thì trong đám con cái, tất có một đứa nào đó sẽ
khắc họa được bằng nghệ thuật cái tâm hồn yêu mến của bà. Những lời Mẹ
nói về công việc của Bố, lúc Mẹ ra đi, không ngờ làm cho Bé hết sức thích
vẽ. Thích lắm. Được tự do vẽ, bắt tay vào vẽ liền thấy mình muốn cái gì có
cái ấy, muốn vẽ cái gì vẽ cái ấy, trò chơi ấy làm cho Bé cảm thấy việc “trực
nhà” trở nên dễ chịu. Bé mê mải, quên hết mọi sự, kể cả việc hay thèm
nước đường, chỉ còn biết có vẽ mà thôi.
Bé bắt đầu lấy một viên phấn vàng, vẽ ngay giữa sàn một chiếc xe bánh
xích. Xe bánh xích hao hao giống xe tăng, mà xe tăng thì Bé đã từng được
thấy. Khác xe tăng ở chỗ nó không có ụ súng, và trên tay lái thấy rõ chú lái
với một người nữa ngồi cạnh. Bé bặm môi, nắn nót xong một chiếc xe bánh
xích đầu tiên, đứng lên, bước lui một bước, nheo mắt nhìn cái mình vừa vẽ.
“Không được! — Bé chợt lắc đầu — Vẽ thế này, Bố lại chê, bảo đó là một
chiếc xe bánh xích bằng bông, không phải xe thật. Xe thật phải chạy chứ,
phải lao chứ! Rào... rào... rào... rào...!”. Nhưng trong tranh xe đang chạy
khác xe đang đứng thế nào nhỉ? Chưa biết vẽ thế nào, nhưng hẵng cứ phải
xóa đi đã. Không vẽ thì thôi, vẽ phải cho đúng. Bé lấy giẻ lau, nhúng giẻ
vào chậu thau, và làm biến mất, không còn vết tích chiếc xe bánh xích vừa
sản xuất đầu tiên thật là đồ sộ. Ý nghĩ phải làm cho xe chạy, chạy nhanh để
vùng kinh tế chóng nên, chè chóng trồng, ý nghĩ ấy làm cho tay bé cuống
lên. Vì cuống, nên nét vẽ nhiều khi không thật vừa ý. Bé lại phải chùi đi
chùi lại nhiều lần. Nhưng mặc. “Đã muốn làm cái gì, khi đã biết chắc cái ấy
là tốt, phải làm bằng được”. Bố dặn thế. Bé vẽ một chiếc xe bánh xích thứ
hai, rồi thứ ba. Trên chiếc xe bánh xích lần này có Bố của Bé. Để người ta
không nhầm với các bác, các chú khác, Bé lấy phấn xanh cẩn thận chấm lên
má bên trái của Bố một cái nốt ruồi. Chẳng bao lâu, từ trong bàn tay nhỏ
xíu của bé, ùn ùn tuôn ra một đàn đông đúc máy phát quang, máy cày, máy kéo chạy ầm ầm, từ gầm tủ đến tận bìa lò sưởi. Và rừng nứa với những lá
nứa nhỏ li ti và rậm rạp đổ xuống ràn rạt trước và bên dưới đàn xe xích kiên
quyết ấy, bắn lên cao và rơi xuống hai bên đàn xe. Và, thật là một sự gặp gỡ
kỳ diệu của tâm hồn trẻ thơ và cảnh vật thật bên ngoài, Bé bắt đầu vẽ chim.
Có cây có lá, phải có chim. Và, ôi chao, chim các loài bao đời làm tổ trong
rừng nứa này chắc là phải lạ lắm và xao xác lắm sáng hôm nay! Bé vẽ như
thế. Bé vẽ chim bay hoảng loạn, hoảng loạn nhưng vẫn từng đàn theo hình
mũi tên. Phút chốc, trong căn buồng nhỏ của gia đình Bé, tràn đầy tiếng
máy kéo, tiếng chim đập cánh, tiếng cây nứa, cành nứa gãy đổ. Bé say sưa
và vui thích ghì một chiếc xe bánh xích lại cắm cho nó một lá cờ đỏ sao
vàng, hay níu lại một con chim phường chèo thêm cho nó một cái cánh.
Bỗng cảm thấy Mèo từ ngoài cửa sổ vào, nhảy tới một cái sau lưng như vồ
cái gì, Bé mắng: “Mèo!”. Bé mắng ba lần như thế vẫn không ăn thua, mà
nghe mèo meo meo càng to hơn, rồi chợt thấy Mèo ngoạm lấy khuỷa áo
Bé, kéo giật: “Xem kìa — Mèo nói — ở đâu kéo đến đây chực đánh cắp cái
gì đấy! Hỏng hết phong lan của Bố còn gì!”
Bé ngoảnh lại, nhìn lên và đứng sững.
Chim!
Chim ở đâu về nhiều thế! Chúng đậu trên tất cả các thanh lá sách cửa chớp,
trên thanh cửa sổ, bên trên cửa kính, đậu kín cả các dây phơi. Chúng đậu
lên trên các rò phong lan. Cả một chùm chim vắt vẻo víu vào một cái rễ hoa
phi công thiên, cứ đung đưa đung đưa như là chúng nó đang chơi đu. Chim
cắt, chim bìm bịp, chim thiên đường, chim vẹt, sáo mỏ ngà, vàng anh, chích
chòe, đầu rìu, chào mào, se sẻ, đủ các loại chim, dày đặc trước các cửa sổ
như những bức rèm, mắt chằm chằm nhìn Bé.
Trong cả bọn, có hai con bạo nhất, chính là hai con chích chòe lúc nãy đã
đậu trước mũi xe bánh xích, trước mặt Bố của Bé, bây giờ chúng bay tọt
vào trong buồng và sà xuống sàn nhà. Chân chỉ vừa chạm đất, đã nghe Mèo
“hực!” một cái, hai con chích chòe ù té bay rồi đậu lại trên cửa sổ. Một con
giận quá phát run, mắt đỏ ngầu thò đầu vào nói luôn:
— Bạn Bé! Bạn hãy bảo bố Bạn! Sao lại như thế? Bé hơi tự ái, chắp tay sau
lưng, giọng đanh đá:
— Này! Ăn nói thế à? Làm sao?
Con chích chòe thứ hai cũng không vừa, bốp chát ngay:
— Còn sao nữa? Tinh mơ, người ta vừa thức dậy đánh răng rửa mặt, đã đưa
xe xích đến làm ầm lên.
Thế là Bé rõ chuyện. Kể ra cũng tội nghiệp chúng thật đấy. Bé ôn tồn giảng
cho đàn chim:
— Người ta làm nông trường chứ làm gì mà mình sợ? Người ta sẽ trồng
chè thay vào những loại cây hoang vớ vẩn của mình ấy. Rồi sợ mình không
đủ ở được khắp các cây chè! Hãy ở tạm đâu đấy ít lâu không được ư?
Tất cả bọn chim nghe nói, đồng thanh chê bai một lượt. (Ôi chim hót thì
hay, nhưng khi chúng chanh chua cãi vã, nghe sao khê thế!). Chúng nó nói,
giọng dài thượt:
— Cây-chè-thấp-lè-tè-ấy-à? Bé nguýt một cái rõ dài:
— Mình thấp lè tè thì có! Không biết giống chè san Hà Giang là thế nào à?
Rồi người ta sẽ làm bao nhiêu nhà ở đây. Khối mái nhà, trần nhà, tha hồ ở
ấm! Chứ đến mùa gió Đông—Bắc mà cứ ngủ ngoài trời mãi ư?
Bọn chim bắt đầu nghe ra. Một con bảo:
— Bạn Bé nói nữa đi.
Bé biết mình nói có kết quả, thích lắm, ngước mặt cười thân mật, hỏi bọn
chúng:
— Các cậu dại lắm, các cậu chả hiểu gì sất mà lại phổi bò! Ở đâu có người
mà ở đấy chả có nhiều thức ăn, các cậu nghĩ xem? Lại ngựa nữa chứ! Ở
khu rừng nứa ấy, nào có cái quả cái hạt gì, các cậu phải đi ăn xa lắm, vất vả
lắm, không phải thế ư?
Đúng là thế, nên bọn chim đều gật đầu, thú vị vì bạn Bé biết tường tận cuộc
sống khó khăn của mình. Đến lúc ấy, con chim chích chòe thứ nhất, bước
hẳn xuống thành cửa sổ, dịu giọng hỏi:
— Bạn Bé này! Mình còn vải thiều hôm nọ không?
Thấy Bé còn chưa hiểu, con chích chòe thứ hai nũng nịu nói thêm:
— Sáng nay, chạy bán sống bán chết, đã kịp ăn uống gì đâu!
Bé nghe thế thương tình, sực nhớ chùm vải thiều chị cho tối qua, mang ra
ba quả, bóc đặt ở ba cửa sổ thết đàn chim. Chim xúm lại mổ, vừa ăn vừa tranh nhau chí chóe.
Mèo ta ngồi hóng chuyện, không giận bọn chim nữa, nhưng thấy Bé cho
chim ăn thì ghen. Mèo đến cọ vào chân Bé: “— Mẹ dặn không nhớ à? Mẹ
dặn không nhớ à?”. Bé mở hộp lấy cho Mèo một chiếc bích-quy là thức mà
Mèo thích nhất.
Bọn chim ăn xong, quyết định trở về Bắc Quang, “đi xe bánh xích cho nó
bõ”, chào Bé râm ran. Một con, vẫn là một trong hai con chích chòe ấy, tha
luôn chiếc vỏ vải, cọng còn lủng lẳng một sợi len xanh.
Đàn chim bay qua bệnh viện. Các trẻ em ốm đứa vừa tiêm thuốc xong, đứa
sắp đến lượt mình tiêm thuốc đều đang nhăn nhó như nhau, bỗng tất cả
ngồi dậy chạy hết ra ngoài bao lơn và vỗ tay reo. Mẹ, mặc áo khoác ngoài
trắng, đội mũ trắng, hớt hải chạy ra gọi chúng vào để bảo chúng phải nằm
xuống, nhưng đối với một thầy thuốc chữa cho trẻ, việc các bệnh nhân tí
hon nhảy lên reo như thế là một việc không gì vui bằng. Vì như thế chứng
tỏ rằng các cháu sắp khỏi rồi. Mẹ vất vả lắm nhưng không uổng công. Đến
lúc cô y tá, hộ lý cũng chạy hết ra bao lơn và trầm trồ đàn chim. Mẹ đang
cười, nét mặt Mẹ thật rạng rỡ, chợt nhìn thấy con chim ngoạm cái vỏ vải
thiều có sợi len xanh. Mẹ hơi bỡ ngỡ, liên tưởng đến hai đứa con gái của
mình, Mẹ tự mắng Mẹ là vớ vẩn lúc nào cũng nghĩ đến hai đứa con gái, và
Mẹ trở vào phòng bệnh, lại lao vào công việc.
o O o
Đúng mười giờ, Bố về thật. Bố còn rón rén lên cầu thang, bắt chợt Bé — Ôi
chao! Bé một mình trông nhà! Bây giờ Bố mới biết — Bố bắt chợt Bé đứng
ngẩn bên cửa sổ, ngóng theo cái gì ở chân trời.
Bố sè sẹ đến ôm Bé lên, siết vào trong ngực, áp môi Bố vào má Bé, âu yếm
hỏi:
— Con tìm kiếm cái gì thế?
Bé một tay vắt cổ Bố, một tay chỉ vào bức tranh của mình ở sàn nhà:
— Bố ơi, con vẽ chim, con đếm ba mươi con rõ ràng, bây giờ đếm lại chỉ
còn có hai nhăm.
Bé trỏ về phía núi xanh xa, nói quyết:
— Vừa có một lũ chim thật ở đây!
Bố trố mắt nhìn kỹ bức tranh của Bé, kêu lên:
— Ôi! Bé vẽ tiến bộ thật cơ!
Hà Giang, mùa đông 1972
mùa xuân 1973
Hà Nội, tháng 6-1973
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top