một bước, từng bước

một bước, từng bước


Trong cơn mơ, có nỗi xốn xang quẩn quanh phòng nhỏ. Một tiếng nói thì thầm ngoài cửa, gọi Chi đi mải miết. Chi bước ra khỏi thành phố, tiến về vùng rộng mở đến thăm thẳm ngoài xa. Không còn lằn ranh giữa trời và đất, giữa đêm với ngày, tất thảy mọi chiều kết lại rồi nở bung như một đoá mây sao. Trong ánh sáng có tiếng gọi cất lên thương mến, vang mãi vào lặng thinh.

Chi thức giấc mà tưởng chừng cơn say còn vướng vít. Cả buổi sáng thứ Bảy, Chi ngồi hàng giờ trên ghế lười, mặc cho cốc cà phê từ nóng ấm đã nguội lạnh từ lâu bên chân. Trên bụng cô là chiếc hộp đựng hơn ba mươi chiếc hoa cài áo, đủ màu và hình dáng. Cô soi từng chiếc trong nắng mềm mại, cảm nhận những rung động của chúng trong lòng bàn tay. Làm sao cô quên được? Phép nhiệm màu mà người bạn ấy gửi lại còn ở đây, bàn tay cậu như vẫn đang nắm chặt Chi khi hai đứa nhìn ngắm thành phố từ những tầng mây cao vút. Cậu còn thở mãi bên vầng trán của Chi. Hơi thở cứ như đã len lỏi qua cổng thời gian mà đặt chân trước cửa nhà Chi đêm trước. Chi ngờ ngợ cảm thấy rằng cậu ấy đã ở đó, rất gần mình.

Suốt hai tuần sau đó, Chi cố gắng giữ bản thân bình tĩnh. Nếu người bạn cũ của cô chỉ ghé thăm một lát, Chi chỉ muốn nhắn nhủ là, mình vẫn khoẻ. Xem này, cơn bệnh triền miên dạo trước không đánh bại được mình, bạn đừng lo lắng. Cô vừa khởi động dự án xây dựng bộ quy tắc tài chính bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, một đề án mà cô thuyết phục mãi, ban lãnh đạo mới đồng ý. Họ muốn nhóm của Chi bắt đầu viết các tài liệu tư vấn cho những công ty lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, vì đó mới là đích đến của giới đầu tư. Hãng cũng có thể thông qua các tư vấn tài chính xanh mà mở ra mảng doanh thu mới. Nhưng Chi có niềm tin của mình. Nếu nhìn khái quát, hết ba phần tư giá trị kinh tế của đất nước được tạo ra từ những công ty gia đình, các hãng, xưởng nhỏ cả vòng đời chỉ viết sổ thu chi mà không phải là các báo cáo chi tiết hàng trăm dòng doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền và tài sản. Họ tạo ra nhiều việc làm nhất, quản lý khối tàn sản khổng lồ hơn bất cứ doanh nghiệp đầu ngành nào, và tạo ra giá trị cho tất cả mọi người. Họ không nên bị bỏ lại bơ vơ giữa dòng dịch chuyển lớn sang những phương thức vận hành an toàn hơn cho môi trường và giữ gìn cho thế hệ mai sau.

Sau hai tháng thuyết phục, ban lãnh đạo chấp thuận. Đổi lại, nhóm của Chi phải đều đặn duy trì các tư vấn đầu tư xanh cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp niêm yết. Chi đồng ý ngay, dẫu như thế là thêm việc cho đội ngũ. Tuy vậy, Chi cũng được cho thêm một nhân sự mới. Qua ba vòng tuyển dụng khắt khe, Minh An gia nhập nhóm. Cậu ta từ thủ đô chuyển vào nam, với kỳ vọng sẽ đỡ đần được cho nhóm phần việc diễn dịch các tiêu chí phát triển bền vững phức tạp và đồ sộ của thế giới thành các bản hướng dẫn dễ áp dụng cho các công ty trong nước. Đội ngũ bây giờ có Chi, Nina - một bạn chuyên về phân tích dữ liệu, Minh An, cùng với hai vị trí thực tập sinh luôn luân chuyển.

Thảo luận khung xương đề án xong, cả nhóm lao vào ngụp lặn trong những chồng tài liệu. Các bộ quy tắc báo cáo bằng Anh ngữ cho hàng chục loại ngành nghề, các điển phạm về cắt giảm khí nhà kính từ chuỗi cung ứng và các nguyên tắc đánh giá rủi ro khí hậu của các khoản đầu tư tài chính. Chi nghĩ, nếu in các chồng tài liệu này ra rồi xếp từ góc văn phòng của nhóm lên cao thì có thể sẽ vượt qua cả toà nhà cao nhất hơn tám mươi tầng của thành phố. Chi chìm vào núi công việc, cố gắng bận rộn để không nghĩ xa xôi.

Nhưng thảng hoặc, khi vào gian bếp trong văn phòng để pha cà phê lúc ngày chưa tắt sau những toà cao ốc, trong vài phút màu chàm xanh phủ lưng chừng thành phố chưa lên đèn, Chi lại mơ hồ cảm giác bụng dạ nhen lên một hơi ấm. Nếu hôm ấy Chi mang cài áo, chiếc hoa cài sẽ lay động như muốn nói điều gì. Có lúc nghe tiếng chân dày dạn bước đến gần, cô khấp khởi mong sẽ thấy người bạn cũ từ đâu bước đến, mắt nheo nheo cười, giọng nhẹ nhàng nói, mình đây. Chi chớp mắt, chẳng nhìn thấy ai ở góc hành lang nhỏ dẫn vào bếp. Ai đó ra về trước Chi vừa tắt đèn bên ngoài, chỉ để lại ánh đèn soi trong bếp nhỏ giữa bóng đêm dâng tràn ngoài vách kính. Những tia sáng nhỏ trên hoa cài áo cũng không còn nữa.

Khi mọi sự hẵng còn dở dang, năm mới thản nhiên gõ cửa. Chi để những chồng tài liệu dày nằm lại trong máy tính và cất lại những suy nghĩ vẩn vơ, về nhà. Cô mang theo rất nhiều quần áo, bánh kẹo mua cho mẹ và họ hàng, cũng không quên mang theo một chai rượu vang thật ngon mua về đặt trên bàn thờ ba. Nhà Chi ở ven một ngọn đồi cách xa thành phố phương nam khoảng năm giờ xe khách đi về phía bắc, thêm nửa giờ xe trung chuyển. Mẹ Quyên tóc điểm sương, mặc áo len chàm đứng ngoài ngõ đón con gái về giữa chạng vạng đỏ au. Hai mẹ con ôm chặt mãi mới chịu vào trong.

Đêm xuống, Chi vào gian thờ, thắp nhang khuynh diệp thơm dịu cắm vào lư hương trước chân dung ba Toản. Lúc ba đi, dù không quá nhẹ nhàng, Chi mong là thầy Quảng đã đưa ba lên trời thành một ánh sao.

Chi mang chăn mỏng ra ngoài hiên, chỗ mẹ Quyên đặt chiếc ghế mây dài bên cạnh bàn trà gỗ, vừa uống trà ấm vừa nghe tiếng pháo hoa bập bùng từ nhà đài quốc gia phát trên vô tuyến. Chi phủ chăn lên chân hai người, đưa tay vào dưới chăn xoa bóp các khớp xương của mẹ. Từ khi ba Toản đi, mẹ hay đau trong người. May mà mọi nỗi đau đều có thể dịu bớt trong hơi ấm.

"Mấy tuần nữa Tết, mẹ có gói bánh tét không ha?" Chi hỏi, ngả đầu lên vai mẹ. Năm nay không có ba Toản, nếu mẹ không gói thì cũng dễ hiểu mà. Dù vậy, Chi vẫn hơi buồn.

"Có chớ. Năm ngoái không ăn Tết, mẹ không kịp gói ghém gì. Nhà cửa cuối năm mà bếp núc không đỏ lửa thì nguội lạnh lắm. Năm nay mẹ gọi mấy thím với mấy dì bạn phụ." Mẹ Quyên cười, "Gái muốn ăn nhân gì?"

"Con ăn nhân đậu. Chú Tiều thích cả nhân đậu lẫn nhân hạt điều..."

"Còn bạn con thích ăn nhân gì?"

"Nhân gì thì Nina với Minh An cũng ăn hết ấy mà."

"Mấy bạn trong công ty thì mẹ hiểu rồi. Nhưng bạn kia kìa." Mẹ Quyên tủm tỉm hỏi.

"Bạn kia?" Chi sững người, hỏi lại.

Mẹ Quyên thấy con gái ngơ ngác, chỉ cười ý nhị. Chi chợt hiểu mẹ nói đến ai, nhẹ lắc đầu, "Bạn chuyển công tác đến nơi khác rồi mẹ ạ. Tụi con chắc không gặp nhau nữa."

"Vậy à?" Mẹ Quyên thở dài thườn thượt, ra chiều cực kỳ tiếc nuối. "Hồi này máy bay, tàu lửa tiện quá chừng, sao gái không thử đi tìm bạn đó xem? Mẹ nghe chừng bạn này hợp đấy."

Chi nghiêng đầu, trong đôi mắt loáng thoáng nỗi buồn, "Bạn đi xa lắm. Chắc con không có duyên với bạn."

Mẹ Quyên cong ngón tay gõ lên đỉnh Chi, mắng, "Đồ ngốc." Chi bị gõ đau, xuýt xoa, nhìn sang mẹ đầy khó hiểu. Sao ai cũng thích bảo rằng cô ngốc nghếch vậy?

"Ngày xưa là mẹ đi tìm ba Toản đấy. Hồi mẹ ở hợp tác xã, điện đóm đâu có tiện lợi như bây giờ, hở chút là hư cầu chì, hư đường dây. Mẹ gọi điện lực mấy lần, ổng tới hết mấy lần. Lần thứ hai đã bắt đầu đem cái này cái kia cho mẹ. Lúc thì cái bánh, lúc thì trái cây..." Mẹ Quyên nhớ lại chuyện cũ, mắt lấp lánh mà kể say sưa. "Chặp sau cũng hư đường dây nữa, mẹ gọi tiếp, lần này không thấy ổng qua. Mẹ tức mình, ủa, ngộ ta? Cái anh này, muốn nói gì thì lẹ làng coi. Mẹ làm bộ đi mua chè kế bên điện lực lúc ổng tan sở, thiệt ra là tán dóc với cô bán chè cả tiếng mới thấy ổng bước ra..."

"Ba có biết mẹ làm bộ không đó?" Chi cười khúc khích.

Mẹ Quyên tặc lưỡi. "Kệ ổng. Mẹ thấy nếu mình muốn gặp thì mình cứ bước tới mà gặp thôi. Mẹ trong đội thanh niên xung phong, nên xung phong là đúng rồi."

Chi dở khóc dở cười. Cô nghĩ tính bướng ngầm của mình hẳn phải từ mẹ ra chứ chẳng ai. Mẹ Quyên dịu giọng, nhìn sang con gái, "Chi thử xem. Chừng nào bạn kia từ chối hẵng hay..."

Quá nửa đêm, hai mẹ con mới đi ngủ. Tang tảng sáng, Chi thấy mình trở dậy, khoác áo bước ra ngoài vườn lúc chân trời vắt một dải hồng lam. Ngõ trước nhà mở toang cửa, dẫn ra một con đường mây bạc. Chi bước theo đường mây, lên đỉnh đồi, hít đầy hơi mây lành lạnh. Ở phía xa kia, chỗ vài tia nắng mới đang lấp ló, dường như cô thấy ba Toản, sơ mi đóng thùng, thắt cà vạt cà vạt hoạ tiết sọc chéo màu đỏ rượu yêu thích. Ba đang ngồi cùng một người bên bộ bàn ghế đá. Ông cụ kia tóc trắng xoá, khuôn mặt nửa chìm vào vầng nắng vừa lên. Hình như họ đang dở dang một trận cờ. Mắt Chi hoe đỏ. Cô cất tiếng gọi ba, nhưng không nghe tiếng ba đáp lại. Chi thấy cả ông cụ và ba mỉm cười hiền hậu nhìn mình dưới bóng mặt trời huy hoàng soi chiếu. Ông cụ còn gật đầu với Chi như một lời chào.

Trước lúc Chi về lại thành phố, hai mẹ con đi viếng ba Toản ở hoa viên. Quét tước xong xuôi, Chi đứng trong mái che chỗ nhà mới của ba Toản thật lâu, nghĩ thầm, thực ra hồi đó, ba phải chịu bước ra chỗ gánh chè thì mới có chuyện về sau. Có khi ba còn biết mẹ liên thiên ở gánh chè từ giữa buổi chiều rồi ấy chứ. Rồi chuyện về sau chảy xuôi như nước. Có nhà vườn nhỏ bên đồi trồng ớt xanh cà tím, có Chi hồi bé chạy quanh bếp củi năm nào cũng nghi ngút khói nấu chục đòn bánh tét thơm lừng mùi của mùa xuân.

"Để con thử ạ." Chi thì thầm.

Nhưng làm sao Chi có thể chạm đến một vị thần?

-

Lúc chú Tiều nhận được chiếc hộp giấy vân lụa màu xanh ngọc từ Chi, ông chú cầm góc khăn vắt trên vai, lau trán, "Con gửi gì đó?"

"Con gửi cho A Tứ ạ."

"Lâu rồi, có ba năm hơn, chú không thấy nó ghé ăn." Chú Tiều cười bất đắc dĩ.

"Con biết thỉnh thoảng thầy Quảng, chú Năm với mấy chú khác có ghé. Con nhờ các chú cầm về gửi bạn." Chi mỉm cười, "Trong này là quà bạn tặng cho con hồi trước. Con giữ nữa cũng không làm gì."

Chú Tiều giật mình, "Thiệt giỡn?" Sao hai cô cậu lại đi đến bước này rồi? Chú vẫn mong một hôm kia A Tứ sẽ lại về kia mà?

"Dạ, thiệt." Chi thật thà nói. Chuyện hệ trọng thế này, làm sao Chi dám đùa cợt đâu?

Mấy hôm sau, chiếc hộp chuyển giao từ tay chú Tiều sang Chín Bình, kèm theo ánh mắt đầy lo lắng của ông chú bán mì. Chú Tiều thở dài, "Tôi biết mấy thầy có cái khó riêng. Nhưng mà tội hai đứa nó..."

Chín Bình mặt ủ mày chau mà trở về Vùng nước lặng, ghé văn phòng của chú Năm, đưa chiếc hộp. "Anh coi làm sao thì làm."

Chú Năm chưa bao giờ đau đầu đến thế trong mấy ngàn năm đằng đẵng. Ông cứ ngỡ rằng thằng nhỏ kia đã hiểu ra rồi. Hoá ra, nó đi một vòng xung quanh người ta mà chẳng dám bước đến gần, để bây giờ người ta phiền lòng đến mức quà cáp cũng đòi trả, từ nay không còn liên quan gì nhau nữa.

A Tứ xong việc ở Đáy ngầm, trở lên văn phòng đã thấy Diệu Linh chân quân thắp hết đèn đóm sáng rực trong nhà chính. Ông ngồi bên bàn làm việc, trước mặt là bình trà đang ủ ấm cùng với chiếc hộp giấy cột dây ruy băng xanh. A Tứ run người, nhận ra chiếc hộp từ đâu đến. Thật lâu về trước, chính tay cậu đã ôm chiếc hộp trong lòng, ngồi cạnh cô bạn kia, thả vào từng chiếc hoa cài trong hộp những đốm sáng ti li, mong rằng khi cậu đã đi xa, vẫn còn đó những phép màu bảo vệ Chi được khoẻ mạnh, bình an cả đời. Cậu bần thần bước đến, ngồi xuống đối diện chú Năm, tay chân rã rời, đến mức không còn chuyện gì ý nghĩa nữa.

"Con gặp người ta chưa?" Chú Năm trầm giọng hỏi.

A Tứ cúi gằm, "Dạ, con có đến mấy lần. Thấy bạn khoẻ mạnh, vui vẻ, con thấy yên tâm rồi."

"Có chắc người ta vui không? Nếu vui thì sao đến quà cáp cũng nằng nặc trả?"

A Tứ cúi gằm, ân hận vô cùng. Những chiếc hoa cài cô mang mỗi ngày còn mang theo hơi thở của cậu. Chi nhạy cảm như thế, hẳn đã nhận ra rằng cậu đã ở đó nhưng nhát gan chẳng chịu bước ra. Trước đây, có bao giờ cậu che giấu bản thân mình với Chi đâu? Lần này, cậu chần chừ như thế, nghĩ lại thật dại dột biết bao. Thà rằng cậu chưa bao giờ đến gần cô mấy hôm về trước.

Diệu Quảng chân quân bước ra ngoài hiên lộng gió, ngắm nhìn vòm trời hun hút đang đón lấy những sinh mệnh trở lại nhân gian. Trong sự quản hạt cần mẫn của mười vị chân quân, dòng chảy lớn lao của sống và chết luôn tiếp diễn, tuần tự, nhịp nhàng, và sẽ luôn như thế đến khi vũ trụ già cỗi. Họ đã làm việc này lâu đến mức từ khi thế gian biết kể những câu chuyện đầu tiên, đã có những người kể về những vị thần quản hạt miền bên kia cái chết. Những vị thần cao xa vời vợi, vĩnh viễn đứng bên ngoài thời gian khả kiến, không thể đến gần.

Nhưng chỉ có mười ông già hiểu, chuyện thật ra chẳng xa xôi đến thế.

"Con vẫn chưa hiểu gì hay sao?" Diệu Linh chân quân trang nghiêm hỏi.

"Con hiểu là con với Chi không thể chung đường được đâu ạ." A Tứ buồn bã đáp, "Con có thể bước ra gặp Chi, chào bạn, hỏi han bạn lúc này thế nào, công việc ra sao, rồi sắp tới bạn định làm những chuyện hay ho gì. Nhưng rồi thì sao? Chi không cần con hay bất cứ ai ở bên để sống theo cách mà bạn muốn. Con lựa chọn rèn luyện với các thầy ở nơi đây thì cũng không nên xen vào cuộc sống của bạn nữa. Rốt cuộc, bây giờ, nói con là người thì cũng không phải nữa rồi."

"Đã nhận lấy trách nhiệm của cõi này thì tất nhiên thời gian của chúng ta không hãn hữu." Chú Năm quay lại nhìn cậu, trầm giọng hơn bao giờ hết. Ông nói thật chậm rãi, tường minh, bởi nếu có lẽ không tiết lộ một chút thiên cơ, lỡ mà A Tứ bỏ lỡ điều quan trọng gì thì tiếc vô cùng.

"Nhưng con ạ, con nghĩ thầy đã bắt đầu từ đâu?"

"Dạ?"

"Thầy không ở đây vì thầy vĩ đại hay thần thông quảng đại gì. Hoặc, nghĩ vầy cũng được con ạ: Thoạt nhìn thì việc mười ông già này làm rất lớn lao, nhưng xét kỹ ra thì đều làm việc với con người cả. Thầy không dám nói thay lời mấy ông kia, nhưng thầy nghĩ nếu thầy không từng sống cho ra hết cái lý, cái lẽ, cái dại khờ lỗ mãng của một kiếp người, thầy đã không có đủ tầm vóc để trở thành một vị thần."

Lặng lẽ, có một ngôi sao nhỏ vừa bừng lên trong đáy lòng tịch mịch của A Tứ. "Ý thầy là..."

Diệu Linh chân quân quay lại, thong thả bước về bàn, tự rót một chén trà thơm. A Tứ dõi theo từng cử chỉ của ông, mơ hồ phát hiện ra những nếp nhăn giữa hai chân mày và bên khoé mắt hẳn là bởi phong sương trần thế.

"Lúc con đi với ông Quảng, con mới là một đứa nhỏ chưa tròn bảy tuổi, tim chỗ thủng, chỗ tắc, tay chân như mấy que củi khô, thở thôi cũng đau buốt. Lương Tứ à, con đã từng sống hay chưa, mà đòi trở thành thần?"

Uống cạn chén trà, Diệu Linh chân quân bước ra khỏi nhà chính, theo lối sau văn phòng mà bước xuống hành lang dẫn về Đáy ngầm. Ông và A Tứ vẫn đang thay phiên nhau canh gác và dẫn đường cho những người lạc lối trong mê cung tâm trí của chính bản thân họ. Công việc là vĩnh cửu, nhưng ông vẫn có một điểm khởi đầu. Bao nhiêu kiếp người đã trôi qua kể từ dạo ấy? Ông không còn đếm nữa. Nhưng nay kể lại, ông vẫn hơi xúc động. Kiểu bồi hồi này xót xa mà cũng tròn đầy quá, chẳng trách làm người có khi khổ biết bao nhiêu, mà vạn vật đều cứ muốn được một kiếp người.

A Tứ ở lại một mình, nhìn chiếc hộp màu xanh ngọc sáng loang loáng trong ánh nến. Cậu lấy lại bình tĩnh, mở hộp ra, mũi ê ẩm khi nhìn thấy những chiếc hoa cài rạng rỡ bên trong. Ở dưới cùng, A Tứ thấy một tờ giấy nhỏ. Cậu cầm lên, nhìn thấy dòng chữ viết bằng bút máy nét mảnh, mực sẫm màu rêu.

"Mình biết bạn nhớ mình."

A Tứ sẽ không bao giờ nói với Chi rằng lúc đọc dòng này, cậu chực khóc.

"Đồ ngốc."

Cùng với một mặt cười.


*

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top