làm sao dám hứa hẹn điều gì

Đấy hẳn phải là chuyện của nhiều niên đại trước. Đã lâu quá, không ai trong số mười anh em họ nhớ cụ thể là lúc nào.

Nhưng tất cả mọi người đều đồng ý cuộc hoán đổi ấy là đúng đắn. Thầy Quảng ngăn nắp, kỹ tính, chưa bao giờ phân loại sai hay trễ nãi công việc. Thầy thích cảm giác hoàn thành trách nhiệm, cũng giỏi quản lý sổ sách. Còn Diệu Linh chân quân, mà giờ đây là "chú Năm" theo cách gọi của thằng nhóc học trò của cả hai, thì làm việc ngày càng chín chắn. Việc của ông chẳng hề nhẹ nhàng hơn những người còn lại. Phân khu Đáy ngầm mà thầy Quảng trao quyền quản lý lại cho ông là nơi thực thi hình phạt trên những người phạm các tội lỗi khó dung tha nhất, những cái ác thuần tuý, đen tối và đầy đe doạ ngay cả với một vị thần.

Hoá ra ông hợp vị trí này hơn mọi người nghĩ. Trước đây, ai cũng cho rằng ông là một người cảm tính và dễ mềm lòng. Nhưng bản thân chú Năm biết rõ ông có những nguyên tắc nhất định. Ông chỉ cố gắng trợ giúp cho những người ông tin còn có cơ may cứu vãn. Còn với những kẻ dù sống hay chết chỉ muốn gây hại cho thế gian, ông là một người phán xử cực kỳ khắc nghiệt. Những kẻ càng ngoan cố, ông lại càng hăng say thực thi hình phạt, không chút nương tình. Khu Đáy ngầm khét tiếng đến mức thỉnh thoảng vài người yếu bóng vía trên trần thế cũng nghe văng vẳng thấy tiếng thét gào của những kẻ chịu hình phạt nơi đây. Các tội nhân đã trải qua Đáy ngầm, ngay cả khi đã được thả để trở về trong kiếp khác, vẫn có người mơ đi mơ lại những hình phạt khủng khiếp mà họ từng gánh chịu, trước một nhà vua tàn khốc cai quản những ngục tù tăm tối.

Vậy nên, trong tranh vẽ hay các truyền thuyết, chú Năm là một vị thần dữ tợn, to lớn như núi, da đỏ phừng như lửa, mặc trường bào đen lùi lũi, đôi mắt sáng quắc như đốt đuốc, lúc nào cũng giận giữ và từng tiếng nói ra nghe như sấm gầm. Nghe thật chẳng giống gì một ông bác chỉ trạc ngoài năm mươi, đi đứng lúc nào cũng nghiêm trang, mái tóc điểm sương luôn chải sáu-bốn gọn gàng, thường vận com lê vải xám may đo từ những tiệm gia truyền trong thành phố, lúc nào đến quán nhỏ ăn mì cũng so những chiếc đũa mica thật kỹ càng, lấy khăn giấy lau từng chiếc đến sáng bóng, ăn xong chưa bao giờ quên gấp tờ khăn giấy lại làm tư mới vứt vào giỏ rác dưới chân.

Một khuya hạ tuần tháng Mười, chú Năm rủ rê Chín Bình tạm buông việc mà đi ăn mì xí quách. Vẫn xe mì ấy ở góc đường nhỏ, năm chiếc bàn, hai mươi chiếc ghế bày từ trong nhà ra đến vỉa hè. Vẫn là chú Tiều tay thoăn thoắt nấu mì đằng sau chiếc xe gỗ sơn chữ tàu đỏ phai. Vừa đợi mì đang nấu đằng sau đám hơi nước nóng hổi bốc lên trong không khí ẩm ướt sau mưa, chú Năm bâng quơ hỏi hồi này cô nhỏ bạn gái của thằng bé học việc nhà ông còn tới quán nữa không.

"Còn chớ." Chú Tiều, giờ đây đã có thêm vài nếp chân chim bên khoé mắt, tay cầm vá vớt mì từ nước sôi vào tô sứ tráng men trắng muốt, thả vào mớ hành hẹ xanh um, chan nước lèo vàng óng thơm lừng lựng mùi xương ninh kỹ với cá chỉ vàng. Chú nhanh tay gắp thêm hai tô xí quách thịt mềm thơm nức, trụng lại nóng hổi rồi bưng ra bàn. "Mới hôm qua ghé khoảng bảy giờ, còn dẫn theo mấy đứa trẻ nữa. Vừa lên chức hay sao nên khao các em. Khao đúng quán ghê. Đứa nào cũng khen mì ngon, có đứa ăn cả bốn vắt hết sạch."

"Tôi biết ngay cô bé này không tầm thường mà." Chú Năm híp mắt, cười khà khà.

Chú Tiều lấy khăn lau trán, hơi nhíu mày. "Mà trong đám có một cậu kia trẻ lắm. Cao, sáng lán. Ăn nói cũng lễ phép, nghe như từ Bắc vào làm việc. Hình như tên An hay tên Anh gì đó. Cả buổi thằng nhỏ ngồi khép nép trước mặt a Chi, chả hiểu muốn gì."

"Chết cha!" Chú Năm giật mình, đập chiếc đũa xuống cạnh bàn. "Rồi cô Chi để thằng nhỏ nhà chúng tôi ở đâu?"

"Anh Năm," chú Chín Bình nhịn không được, thở dài, "Anh bắt thằng nhỏ làm quần quật, có cho nó nghỉ ngày nào chưa mà anh cha với chả ở đây?"

Chú Năm vừa nhíu mày vừa gắp mì, "Tại nó không chịu nghỉ, chớ có luật nào kêu nó không được nghỉ đâu?"

Chín Bình hỏi vặn lại, "Nó không chịu nghỉ bao lâu rồi?"

"Ở dưới mình không theo lịch, sao tôi tính được?" Chú Năm nhún vai, cảm thấy sau bao kiếp làm chung, nói chuyện với đồng nghiệp luôn khó hơn là làm chuyên môn. Từ ông Quảng, ông Bình, ông Sở và mọi ông khác, ông nào cũng thích vặn lại chú Năm thôi.

"Lịch trên này?" Quả nhiên, Chín Bình chưa thôi, còn trợn mắt nhìn ông.

"Ờ..." Chưa cần chú Năm lên tiếng, chú Tiều đã bấm ngón tay, "Ba năm? Không, hơn chút. Cũng lâu đó mấy thầy. Hồi đó thằng cháu tôi mới vô cấp hai, giờ nó sắp vô cấp ba phổ thông năng khiếu rồi."

Chú Bình nghe xong, quay sang nhìn ông bạn đồng nghiệp, ánh mắt đầy cắc cớ.

"Cái sự ở đây là", chú Năm lắc đầu, cảm thấy lần sau nên rủ người khác đi là hơn, "Tôi có hỏi chứ bộ. Tại A Tứ không có chịu ngơi tay. Tánh nó với ông Quảng y nhau, bị cuồng công việc. Nó kêu, thôi, làm phiền người ta, mình không sống nhưng người ta còn sống nữa chứ..."

-

Dù luôn tỏ ra đĩnh đạc, ai làm việc với Diệu Linh chân quân đều biết ông dựa rất nhiều vào trực giác và cảm tính. Ông thừa nhận rằng cảm tính nhiều khi đã đẩy ông vào ngõ cụt, nhưng những lúc cần sắc bén thì trực giác của ông lại nhạy theo cách chính ông cũng không hiểu được. Cứ như tiềm thức biết trước ông cần gì. Lúc ông nằng nặc xin thầy Quảng cho A Tứ về làm với mình cũng thế. Ông mơ hồ tin cậu nhỏ này sẽ làm nên chuyện, còn chuyện gì, dài lâu hay không, ông không chắc.

Thời điểm ấy, ông linh cảm rằng rằng có gì đó đang khác đi. Những cái chết nhuốm đầy ác ý càng lúc càng nhiều. Tội nhân phải xuống Đáy ngầm cũng không đơn thuần là vì cho hành vi họ đã gây ra, mà có một dòng khí đen tối tiềm ẩn trong tâm thức, len lỏi giữa các linh hồn, nhuộm đen những sinh mệnh lẽ ra không đến mức phải chịu thử thách. Có một sự liên kết, một mầm mống chỉ chờ đúng thời điểm để sinh sôi, một vận hạn xấu mang tính chất huỷ diệt không thể nào né tránh.

Đã là vận hạn thì không thế lực nào giúp tránh được. Mười vị chân quân có chức trách là đảm bảo cho tính tuần hoàn của sự sống và cái chết chứ không cứu người. Diệu Linh chân quân giờ đây cũng không dám làm càn nữa. Ông chỉ chờ đợi bão đến để xắn tay áo lên dọn dẹp tàn cuộc. Nhưng ông có một niềm tin khá vô cớ rằng nếu có A Tứ làm cùng, công tác xử lý hệ quả dưới Đáy ngầm có thể nhẹ hàng hơn một chút.

Ông đã đoán đúng.

Lương Tứ về làm ở Đáy ngầm không bao lâu, mầm mống tà ác đã tìm đường quay trở về mặt đất, gieo vào một thứ mà nhân thế gọi là vi-rút. Một nhân hai, hai nhân tư, nhân qua vạn lần thì trở thành đại dịch càn quét toàn bộ thế gian. Số lượng cái chết tăng khủng khiếp. Chuyện cùng một lúc phải giải quyết hàng triệu người chết là một thách thức khổng lồ, ngay cả với những vị thần. Họ đã từng gồng gánh vòng quay sinh - tử qua biết bao cuộc chiến tranh, nên không thể nói họ không thạo việc hay yếu kém. Có điều, lẽ ra thế gian đã ở vào thời kỳ khá yên bình so với một trăm năm trước, nên thú thực là họ bị bất ngờ. Suýt nữa, cả mười vị thần hợp lực cũng không đủ giữ vững toàn bộ Vùng nước lặng trước cái chết dày đặc, nhớp nháp chảy từ trần thế xuống, mang theo sức huỷ diệt khủng khiếp, nếu không cẩn thận có thể làm ô nhiễm cả những hạt ánh sáng, khiến họ mãi mãi không thể chuyển sang kiếp khác, hoặc mang theo mầm mống ác ý tiếp tục lan rộng trên đời.

Còn một chuyện đau đầu khác. Khu Đáy ngầm, ngoài những khu vực hình phạt đối với người làm ác, bỗng phải trở thành trạm hỗ trợ khẩn cấp cho những người đã chết rất đau đớn, lá phổi chứa đầy sẹo đen, hơi thở đặc quánh không còn dưỡng khí. Bệnh tật kéo tới quá đột ngột, oan ức. Họ khó gột rửa được bóng đen của chính mình. Không mấy ai chấp nhận rằng mình đã chết, hơn nữa còn chết trong đau đớn như thế. Họ là những trường hợp khó xử lý nhất, vì hình phạt không phải là giải pháp. Họ cần phải vượt qua bóng ma của chính bãn thân, chấp nhận rằng cuộc đời vừa rồi đã hết và họ cần bước tiếp.

Trong cả mười anh em, Diệu Linh chân quân là người có kinh nghiệm nhất với chuyện trợ lực cho những người oan ức, từ những ngày tháng bồng bột xưa kia. Tất cả mọi người trông cậy vào ông, nhưng rõ ràng một mình ông không làm xuể. May sao, khi ấy, A Tứ cũng vừa quen việc. Bằng nụ cười hiền lành và một cái gật đầu thành thật, "Để con thử", cậu cứ vậy mà bước vào những chiếc kén đen.

Bằng cách nào không rõ, cậu không bị sự nặng nề khôn kham và những nỗi đau tột cùng làm chùn bước. Trong sự ngạc nhiên và ánh mắt ngợi khen của các thầy, A Tứ bình tĩnh bước ra ngoài, không chút sứt mẻ. Bàn tay cậu ôm trọn một hạt ánh sáng trong veo, nhẹ nhõm sẵn sàng rời khỏi một ngọn sóng để trở về nhân thế.

A Tứ không bao giờ nói nhiều về chuyện cậu đã làm gì với từng sinh mệnh. Cậu cũng không biết phải nói từ đâu, giải thích làm sao cho tỏ tường. Có một cô gái sáng ngần như ánh trăng đã từng thủ thỉ từng chữ, thật chậm rãi, thật tròn trịa. Cô bảo rằng "làm việc" là như thế. Là gánh vác những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, chịu đựng những nỗi sợ hãi tột cùng rằng lỡ như mình thất bại, lỡ như sơ sẩy một bước là không còn cách nào cứu vãn và mình sẽ làm liên luỵ đến tất cả mọi người.

Mà này, nếu không đi tiếp, lẽ nào ở hoài một chỗ ha? Nếu không dấn thân, sao có thể làm được những điều tốt đẹp hơn?

Cậu đã dấn thân, đã cố gắng từng giờ, từng phút. Mỗi lần hoàn thành một việc và đưa thêm một hạt ánh sáng về vời các tầng mây, cậu đều trân trọng cảm giác hài lòng khi đã giúp thêm một người. A Tứ tin rằng mình đang ở đúng nơi, đúng thời điểm, đúng vị trí trong sự chuyển dời bất tận của tất cả các cõi, các miền. Cậu nên tự hào về điều đó.

Nhưng vì sao mà dù đã thấy rõ con đường phải đi, thỉnh thoảng cậu vẫn nao núng? Nỗi xót xa mà cậu đã chọn lựa cất giấu cho bản thân mình vẫn còn hoài ở đó, khiến bụng dạ cậu cứ thắt lại mỗi lần nghe các chú gọi nhau đi ăn mì. Nhiều khi, suy nghĩ của A Tứ cứ vẩn vơ trôi về một làn tóc, một ánh nhìn, một hơi thở sâu quẩn quanh bên chóp mũi.

Lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau, bên khung cửa sổ có gió đêm lùa tóc hai người vấn vít, cô thì thầm, "Mình sẽ không nói lời tạm biệt đâu."

Nhưng cậu chưa bao giờ hứa với cô rằng họ sẽ gặp lại nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top