GIOI THIEU SACH
Giới Thiệu Sách: Bàn Về Hạnh Phúc
Tất cả chúng ta đều khát khao hạnh phúc, song làm cách nào để có được, để giữ gìn nó và thậm chí để định nghĩa nó? Trước câu hỏi mang đầy tính triết lý đang bị giằng xé giữa chủ nghĩa bi quan và thái độ giễu cợt trong tư tưởng phương Tây này, Matthieu Ricard đã mang lại lời giải đáp của đạo Phật: một câu trả lời rất khắt khe, song làm chúng ta yên lòng, lạc quan và ai cũng có thể chấp nhận được. Thôi tìm hạnh phúc bằng mọi giá ở bên ngoài mình, học cách nhìn vào bên trong nhưng tự ngắm mình ít hơn một chút, làm quen với một cách tiếp cận thế giới vừa sâu sắc hơn, vừa vị tha hơn... Với một tâm hồn phong phú bởi hai nền văn hóa, với những trải nghiệm cuộc đời của một người tu hành, những cuộc gặp gỡ với những nhà minh triết lớn, với sự hiểu biết kinh sách linh thiêng cũng như nỗi thống khổ của con người, Mathieu Ricard - nhà tu hành Phật giáo được nhiều người biết đến nhất và nổi tiếng nhất về đạo Phật tại Pháp - chia sẻ với chúng ta trong cuốn sách này những suy ngẫm say mê về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những phương pháp để đạt được nó.
Trích đoạn sách hay:
"Điều này có liên quan gì tới hạnh phúc? Những nghiên cứu được áp dụng trên vài trăm sinh viên đã khẳng định mối tương quan không thể chối cãi giữa lòng vị tha và hạnh phúc. Chúng cho thấy rằng những người tuyên bố mình là người hạnh phúc nhất đồng thời cũng là những người có lòng vị tha nhất. Khi hạnh phúc, chúng ta có cảm giác rằng "cái tôi" bớt quan trọng đi và ta có thể cởi mở với mọi người. Ví dụ người ta đã chứng minh được rằng trong số chúng ta, ai mới trải qua một sự kiện hạnh phúc thì sẵn lòng giúp đỡ những người không quen biết hơn.
Vả lại, ai cũng biết rằng chứng trầm cảm cấp tính khiến người ta khó cảm nhận và thể hiện tình thương yêu đối với người khác. Trong cuốn "Con quỷ nội tâm, mổ xẻ trạng thái trầm cảm", Andrew Solomon đã viết ở phần mở đầu rằng: "Trầm uất là sự thiếu thốn tình thương yêu". Rõ ràng hơn: những người đã khổ sở vì chứng trầm cảm khẳng định rằng hiến tặng tình yêu thương tới mọi người và được nhận nó từ người khác là yếu tố quan trọng giúp khỏi bệnh. Lời khẳng định trên phù hợp với quan điểm của Phật giáo, đạo này coi lòng vị ngã là nguyên nhân chính của nỗi bất hạnh và tình thương vị tha là yếu tố chính cấu thành chân hạnh phúc. Mối quan hệ tương tức giữa mọi hiện tượng nói chung và tất cả các chúng sinh nói riêng, cũng hệt như hạnh phúc của chính chúng ta, có liên quan mật thiết với hạnh phúc của nhiều người khác. Như chúng tôi đã nhấn mạnh trong chương nói về các cảm xúc, việc hiểu rõ tính phụ thuộc lẫn nhau như vậy là vấn đề cơ bản nhất của hạnh phúc, và sự an lạc của ta đương nhiên phải thông qua hạnh phúc của người.
Những công trình nghiên cứu của Martin Seligman, chuyên gia Mỹ về chứng bệnh trầm uất và là người tiên phong trong ngành "tâm lý tích cực" đã chứng tỏ rằng niềm vui xuất phát từ một việc làm nhân hậu và vô tư sẽ đem lại một sự thỏa mãn sâu sắc. Để kiểm tra giả thiết này, ông đã yêu cầu các sinh viên của mình một mặt tham gia vào một hoạt động giải trí, "nghỉ ngơi thoải mái" và mặt khác, tiến hành một hoạt động bác ái, rồi viết một bản báo cáo cho buổi học sau.
Kết quả thật ấn tượng: các hoạt động bác ái đã mang lại thỏa mãn vượt trội hẳn so với các hoạt động giải trí (đi chơi với bạn bè, đi xem phim, đi câu cá ở Melba). Khi người ta thực hiện các điều thiện một cách bộc phát và mang tính nhân phẩm thì ngày hôm đó họ thấy mãn nguyện hơn nhiều: họ lắng nghe nhiều hơn, ân cần hơn và được mọi người coi trọng hơn. Seligman kết luận: "Ngược lại với khoái lạc, thực hành điều thiện mang lại cảm giác lâng lâng mãn nguyện". Đó là một trạng thái mãn nguyện kéo dài và cảm giác phù hợp với bản chất sâu xa của mình. Jean-Jacques Rousseau thì nói: "Tôi biết và tôi cảm nhận rằng làm điều thiện là một niềm hạnh phúc thực sự mà tâm hồn con người được nếm trải".
Người ta có thể khoái trí khi đạt được mục đích làm hại người khác; song trạng thái toại nguyện đó chỉ là tạm thời và hời hợt, nó che đậy cảm giác bứt rứt nhanh chóng xuất hiện. Sau cơn phấn khích, người ta bắt buộc phải chấp nhận tình trạng khó chịu nào đó. Phải chăng đó chính là một dấu hiệu cho thấy rằng lòng nhân hậu gần với "bản chất thực" của chúng ta hơn nhiều so với độc ác? Nếu đúng như vậy, sống hòa hợp với bản chất ấy là cách bồi bổ niềm vui sống, còn xa lánh nó sẽ khiến ta luôn luôn bất mãn.
Song chúng ta có thể nói về "bản chất con người" là tốt, là xấu hay là cả tốt và xấu một cách xác đáng hay không? Các nhà sinh học phản bác khái niệm cho rằng có một số cách ứng xử hoặc tư duy "tự nhiên" hơn so với những cách ứng xử và tư duy khác. Họ khẳng định rằng tất cả những gì có trong bản chất đều là tự nhiên, và mọi cách ứng xử cũng như tình cảm của chúng ta đều biểu hiện qua quá trình tiến hóa. Như vậy, sẽ không thể có cái gì về cơ bản "chống lại bản chất" cả: ngành sinh học không phán xét về đạo đức! Đối với một nhà sinh học, lòng tốt hay sự độc ác đều có tính chất tự nhiên. Sự tồn tại của đạo đức ở con người có thể được coi là một lợi thế cho sự phát triển nòi giống, nhưng về mặt sinh học, không cần phải nói thêm rằng người có đạo đức thì bản chất là tốt.
Ngay lúc ta tự hỏi về trải nghiệm chủ quan về hạnh phúc và khổ đau thì điều đó lại hoàn toàn khác. Khi đó, ta sẽ hoàn toàn dựa vào cách phân biệt những yếu tố tâm lý, những lời nói và những hành động gây ra một cảm giác mãn nguyện sâu xa với những cái đưa tới trạng thái khó chịu, bất an."
Về tác giả: Matthieu Ricard là nhà nghiên cứu về tế bào di truyền, học trò của Francois Jacob, Matthieu Ricard đã đi theo đạo Phật và trở thành một trong những nhà sư rất được kính trọng. Ông sống trong rặng núi Himalaya từ hơn ba chục năm nay bên những vị thầy tâm linh lớn. Là phiên dịch viên tiếng Pháp của Đức Dalai Lama, nhà nhiếp ảnh, dịch giả và xuất bản những kinh sách linh thiêng, ông ở tại tự viện Shéchèn (Nê-pan), cống hiến cuộc đời cho tu hành, bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng và cho những dự án nhân đạo ở Tây Tạng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top