CHƯƠNG 4 : TRẢI NGHIỆM LÀM BÁNH CHƯNG
Khoảng tầm gần trưa, trước sân nhà đã vang lên xôn xao bao tiếng nói. Nhiên nghe được thế mới lục đục chạy ra xem. Thì ra là bố và bà Hoa đã về, nhưng theo sau họ còn có thêm chừng bốn, năm người bà, người cô khác nữa. Người kéo đến đông vui làm cho bầu không khí ảm đảm buổi sáng chỉ có mỗi Nhiên và mẹ, giờ đã rộn vang hơn. Giữ lễ nghĩa, cậu bước ra khoanh tay chào người lớn :
" Con chào bà ngoại, chào ba mới về. Và cháu chào các bà, các cô đã đến nhà ạ ! "
Lúc này, mẹ Nhiên cũng từ trong nhà bước ra ngoài, tươi cười chào hỏi mọi người một cách dịu dàng, từ tốn :
" A, mẹ và anh về rồi sao. Rồi, có mấy cô ghé đây nữa, quý hóa quá ! Chào cô Hậu, cô Lam, thím Út,... ạ ! Mời mọi người vào nhà dùng chút trà ấm ạ. "
Mẹ cậu đang chào hỏi những người cô, dì mà Nhiên chưa từng gặp mặt qua hay biết đến tên. Khi nghe mẹ mình gọi tên những người họ thì Nhiên cảm thấy khá bất ngờ vì mẹ không mấy khi về quê ngoại mà vẫn nhớ rõ từng người họ hàng lẫn hàng xóm.
Bà Hoa thì tay cầm giỏ đựng linh tinh những món đồ, bước lên nhà, Nhiên có đến bên và nhận xách giúp giỏ đồ vào đặt trên bàn. Tiếp đến, cậu đã mời những người lớn ngồi yên vị trên bộ tràng kỷ sẫm màu. Tay cậu nhanh nhẩu cầm bình trà châm vào từng chén nước đưa cho mỗi người hết lượt rồi mới đặt bình xuống, vòi hướng ra ngoài cửa. Trông thấy vậy, bố cậu mới nhẹ nhàng quay chiếc bình trà cho chiếc vòi đúng hướng trỏ vào phía nhà trong. Mẹ cậu bên cạnh, nói nhỏ vào tay cậu nghe, giọng giảng giải :
" Này, lần sau rót trà xong thì quay vòi bình vô nhà, nhớ chưa !? Vòi mà quay ra ngoài là ngụ ý đuổi khách về đó, nghe !!! "
Lời nói như vậy của mẹ làm cho Nhiên cảm thấy bản thân hơi sai sót và ẩu tả chút. Nhưng nhờ vậy mà đã tiếp thêm cho cậu một thông tin, kiến thức mới về phong cách trà đạo.
Kế đến, bà Hoa mới cất giọng hỏi con gái mình :
" Hiện tại cũng trưa rồi, thế nhà đã chuẩn bị cơm nước gì chưa ? "
" À dạ, ở nhà con cùng thằng Nhiên đã chuẩn bị tất cả rồi ạ, chỉ chờ mọi người về ăn thôi. Các cô, các dì cũng ở lại nhà dùng bữa chung với gia đình cháu cho vui ạ. " – Mẹ Nhiên nói nhỏ nhẹ, trìu mến mời tất thảy mọi người ăn trưa rồi giục con trai mình mang cơm lên.
" Thế mới được chứ nhỉ. Ăn trưa xong thì mọi người bắt đầu vào chuẩn bị làm bánh chưng cho dịp Tết nào. Tôi cùng với mọi người buổi sáng đã đi chợ mua nguyên liệu về rồi đây. " – Bà Hoa lại dõng dạt nói.
Mâm cơm được dọn lên, mùi thơm từ thức ăn bốc lên thơm lừng như kích thích những chiếc bụng đói. Tất cả quây quần bên mâm cơm, vừa cầm đũa vừa luôn miệng chuyện trò rôm rả. Cho đến khi cơm trong nồi đã vơi, canh trong xoong dần cạn, thịt chỉ còn chút ít, bữa cơm đã dùng xong thì mỗi người đều đứng dậy chuẩn bị làm công việc của chính mình.
Bố bảo hồi sáng đã ra chợ mua những vật phẩm sơn cho việc tân trang lại bức tường nhà và khoảng sân phía trước. Mẹ cùng các bà, các cô lật đật đi chuẩn bị cho việc nấu, gói bánh chưng. Còn riêng mỗi Nhiên là chưa biết được công việc của mình nên đã hỏi mẹ :
" Ơ mẹ, thế con làm gì giờ ? "
Mẹ cậu cũng trả lời lại khá là nhanh và có vẻ nếu như cậu không hỏi thì bà vẫn nói. Rằng là Nhiên sẽ phụ gia đình lo việc gói và nấu bánh chưng, điều này làm cậu hơi phấn khích nhưng cũng có phần chút bối rối :
" Thế sao ạ ! Nhưng mà...mà con chưa bao giờ làm thì sao biết cách chứ !? "
" Không có gì là không làm được con ạ ! Do con chưa từng thử nên là dịp này chính là cơ hội để con làm quen ấy. Con trai mẹ dần lớn rồi, những việc này cũng cần học qua chứ, việc chỉ dạy đã có mẹ và các bà, các cô lo rồi. "
Mẹ cậu động viên và diễn giải cho cậu hiểu, đoạn bà nói tiếp, vẫn giữ chất giọng ôn tồn, trầm ấm, tươi vui giúp cho từng lời nói dễ hấp thụ vào đầu con trai mình hơn :
" Hằng năm, khi mình còn ở nhà trong Nam thì đa phần chỉ là ra chợ mua cái bánh chưng về thôi, biết là chưa được nhưng thiếu điều kiện nên đành chịu. Giờ mình ở đây rồi, đủ điều kiện rồi thì cần phải làm theo, vì nấu bánh chưng dịp Tết chính là phong tục của dân tộc ta mà !!! "
" Bình thường, người khác sẽ làm bánh chưng vào ngày 27-28 âm lịch. Còn nhà ta mới 22 nay đã làm là vì để có bánh chưng dùng trước. Đây mới chỉ là đợt đầu thôi, đến hôm 27, sẽ làm tiếp đợt cuối nữa. " – Người mẹ nói hai câu liên tiếp
Quả thật, từng lời nói ôn tồn và có phần mang chút ngọt ngào đã tác động đến cho tâm hồn cậu thêm phần sâu sắc. Cậu nhanh chóng "Dạ, vâng" rồi chạy ra sân hòa cùng nhịp điệu làm việc của mọi người. Mẹ cậu trông như thế cũng thấy vui lòng, khóe môi bà khẽ nhếch lên tạo một nụ cười tuy nhạt nhưng cũng thể hiện một niềm vui nho nhỏ đang vương mình lên trong trái tim người mẹ hiền.
Ngoài sân sau nhà bà Hoa, tất thảy già trẻ đều có công việc riêng ở đây và cùng cố gắng hoàn tất nhiệm vụ của mình. Nấu bánh chưng ở nhà này không phải là lần đầu, và cũng không phải chỉ làm bánh cho riêng nhà bà Hoa mà là cho mọi người. Sở dĩ hàng xóm chọn nơi đây làm chỗ tụ họp làm bánh chưng là vì sân sau nhà ngoại Nhiên khá rộng, thêm việc bà Hoa lại là người có năng khiếu trong lĩnh vực này.
Ở đây, Nhiên bắt đầu được chỉ dẫn phương thức chế tác ra chiếc bánh chưng vuông vắn và thơm phức. Việc đầu tiên và hiện tại cậu đang thực hiện là làm sạch những chiếc lá dong còn xanh mơn mởn. Cậu dùng khăn ướt kết hợp với khăn khô, để lau đi những vết bẩn bám trên mặt lá dong và giữ lá vừa vệ sinh sạch sẽ. Vừa làm, cậu lại nảy ra câu hỏi : rằng sao bánh lại gói bằng lá dong mà không thể thay bằng loại lá khác. Ở miền Nam của cậu có bánh tét, cũng là loại bánh dùng cho ngày Tết mà lại gói từ lá chuối đấy thôi. Trước câu hỏi có phần hơi ngớ ngẩn của cậu thì mấy bà cô bên cạnh chỉ cười bảo :
" Không chắc nữa, nhưng chắc là vì sự ngon miệng thôi ấy nhỉ. Các ông bà xưa từng thử gói bằng lá khác và khi so sánh thì vẫn thấy bánh chưng bao phủ bởi lá dong vẫn mang lại hương vị riêng và ngon nhất ấy. "
" Oh, thế sao ạ !? " – Nhiên cảm thán trước câu trả lời ấy
Cậu tỏ ra chăm chỉ và hăng say cho công việc của mình. Bên cạnh đó, cậu cũng lắng nghe những lời bàn luận về bánh chưng và từng dòng suy nghĩ trong đầu cậu cũng hướng về nó.
Bánh chưng, đây thực sự là một món ăn rất đỗi quen thuộc với từng bữa cơm gia đình Việt từ bao đời nay, luôn xuất hiện mỗi độ xuân về. Đây là món ăn có bề dày lịch sử lâu đời trong thực đơn ẩm thực của đất nước ta. Bánh chưng còn được dùng để cúng gia tiên thay cho lời biết ơn sâu sắc của mỗi người con nhớ về nguồn cội, là lời cảm tạ trời đất đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa. Bánh chưng thực sự là món bánh có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn.
Để làm một chiếc bánh chưng ngon thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu để làm nên bánh rất đơn giản, quen thuộc và dễ tìm bao gồm: gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ, hành và một số gia vị tẩm ướp như muối, hạt tiêu.
Sau khi trải qua công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thì người gói bánh sẽ rải những tấm lót sạch, rộng xuống nền nhà và tiến hành gói bánh. Có hai cách để gói, một là dùng khuôn, hai là dùng tay. Ưu điểm của dùng khuôn chính là giúp cho chiếc bánh trở nên vuông vắn hơn còn dùng tay sẽ làm bánh được gói chắc chắn hơn. Tuy nhiên, dù dùng cách nào thì công đoạn đầu tiên của gói bánh cũng là trải lá ra một khoảng rộng, đổ gạo vào sau đó cho một nắm đỗ chín hoặc nửa bát đỗ sống lên, gắp một đến hai miếng thịt đặt lên giữa đỗ, tiếp tục cho số. lượng đỗ giống như bàn đầu đè lên miếng thịt, cuối cùng là đổ gạo nếp lên và gói lá vào. Việc gói bánh rất quan trọng, nếu sơ ý có thể khiến chiếc bánh bị phèo gạo ra khi luộc. Để hạn chế việc này, người gói cần phải thật chắc tay trong lúc uốn lá để tạo thành hình vuông. Khi những chiếc bánh đã được hoàn thành sẽ được xếp vào nồi lớn và bắc lên bếp đun, thời gian nấu bánh thường rơi vào khoảng từ 10 đến 12 giờ, tùy vào từng loại gạo. Bánh chín sẽ được vớt ra và nén bằng vật nặng, sau đó mới cất đi để ăn dần.
( LƯU Ý : phần này có tham khảo nguồn thông tin trên Internet ).
Việc vệ sinh từng tấm lá dong không có gì khó với Nhiên và chỉ thoáng sau là cậu đã xong xuôi công việc. Sau ấy, nhanh chóng cậu cũng được chỉ định cho việc mới là tham gia vào đội hình gói bánh cùng các bà, các cô khác. Tất nhiên là những trải nghiệm đầu đời này đối với thiếu niên như cậu chẳng hề dễ dàng như mong muốn. Mới đầu làm, tay chân chưa quen với công việc này đã chế tác ra những thành phẩm không hề hoàn hảo lắm. Từng chiếc bánh mới đầu cậu làm ra đều có những khuyết điểm, như là bị phồng quá, nhỏ quá, méo mó hay cả phần nhân bánh quên cho thịt mỡ. Thực sự phải trải qua chừng độ hơn vài chục lần sửa đổi lại các sản phẩm của mình thì cậu mới có thể cho ra những chiếc bánh xem như đạt yêu cầu ổn thỏa. May mắn nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người là nguồn động viên, khích lệ cậu không bỏ cuộc và gắng sức làm tốt hơn.
Trong quá trình gói bánh chưng, cậu có để ý thấy Chi cũng đến tham gia vào việc này. Cô ấy đến sau khi Nhiên chuyển từ việc vệ sinh lá dong sang việc gói bánh. Trái với cậu, cô làm việc khá là chỉnh chu và tỉ mỉ, có vẻ việc gói bánh không hề xa lạ với cô giống như Nhiên. Từng chiếc bánh mà Chi chế tác ra đều vuông vức, đầy đặn và thể hiện được sự khéo léo. Mọi người ai cũng khen cô ấy khéo tay và đảm đang nữa, cả Nhiên cũng thế. Linh Chi đối với cậu thực sự là một hình tượng khá là hoàn mĩ về cả bề ngoài lẫn bên trong. Trong lúc Chi đang mặc cho chiếc bánh mảnh áo xanh lục tươi từ lá dong thì có bà cô kế bên chép miệng :
" Ái chà, con làm giỏi quá nhỉ, bánh chưng cái nào cái nấy đều đẹp cả. Cái khiếu này là do thừa hưởng từ mẹ nó nè. "
Linh Chi nghe thấy thế, cô nhẹ nhàng vuốt những lọng tóc ra sau tai, rồi mới cười trừ đáp lễ :
" Dạ vâng ạ !!! "
Lời nói đầu làm cho Chi cảm thấy cũng hơi vui vẻ nhưng đến câu sau lại khiến cho cô có cảm xúc khác :
" Ôi ! Mẹ cháu nếu qua được lúc ấy thì chắc giờ cũng cùng đám này gói bánh chưng rồi ấy nhỉ. " – Bà ta nói tiếp, vẫn cười nhưng nụ cười ấy lúc này như nụ cười nửa miệng.
Câu nói ấy như tác động đến một nỗi niềm giấu kín nào đó của Chi, dập tắt đi nụ cười mỉm trên môi. Ánh mắt cô như sâu thẳm hơn khi nhìn vào, như rằng đang trông vào khoảng không nào đó. Điều này thực sự làm Nhiên nhớ lại lúc bản thân hỏi cô về chuyện mẹ mình, Chi cũng có phản ứng tương tự vậy.
Bà kia như được thế, không tiếc mà tiếp lời, không để ý rằng ngôn từ câu nói của mình đang động vào tâm tư tình cảm người kia :
" Haizz, mẹ cháu cũng thuộc vào hàng những người gói bánh giỏi ở làng này mà. Chỉ tiếc là bà ấy yểu mệnh, không sống được lâu mà đã theo gót tổ tiên rồi. Tự dưng mất đi để lại con gái thơ, để ông chồng phải "gà trống nuôi con" hà !!! "
Từng câu, từng từ mà người kia thốt ra đều như gió lốc muốn bật mở lấy cánh cửa tâm tư mà cô muốn đóng kín lâu nay. Chi không nói gì, chỉ thấy miệng cô khẽ cố mở lên, tạo nên nụ cười, nhưng đó nhìn thật là một nét cười gượng gạo. Sao cô thấy khó chịu thì sao không phản kháng lại mà chỉ gượng cười lên như thế : Nhiên thầm nghĩ hỏi.
Từng dòng lời luyên thuyên có vị chua, vị đắng như chanh của bà cô kia chỉ kết thúc khi bà Hoa lên tiếng can :
" Thôi, được rồi, việc ai nấy làm đi. Tết nhất rồi mà cứ lôi mấy chuyện không hay ra nói không à ! "
Bà kia im bặt, không nói gì thêm, môi bà ấy bậm lại với nhau, như rằng hơi có tí bực nhọc. Nhiên thì có chút mất thiện cảm với bà ấy, cậu thầm nheo mắt khó chịu và nghĩ trong đầu :
" Người gì mà vô duyên thấy sợ, mấy chuyện chết chóc có hay ho gì đâu mà mang ra kể hoài !!! "
Còn Chi thì chừng lát sau, trông cô có vẻ đang cố che giấu đi cảm xúc của mình. Nhưng rồi như không thể kìm nén nổi nữa, nên cô đã đứng dậy, bỏ đi với lí do đi vệ sinh, để lại chiếc bánh gói gần xong, còn dang dở. Nhiên trông thấy như vậy nên đã theo bước cô ấy, nhưng mà sau lúc Chi rời một lúc để cô không biết là có cậu theo dõi.
Chân cậu nhanh chóng rảo bước theo đường lối hồi nãy của Chi đã từng đi qua. Khi đến gốc cây hồng, phía sau ấy, cậu nhìn thấy Chi đang ôm chặt miệng mình, ú ớ phát ra âm thanh, nghe đến thổn thức nỗi lòng : " Mẹ ơi !!!". Mắt cô giờ đã hoe đỏ, mái tóc có phần hơi bù xù như là cho biết sự buồn bã của Linh Chi lúc này.
Trước tình cảnh như thế, Nhiên nhanh chóng ngồi thụp xuống, ân cần hỏi han, an ủi cô ấy :
" Này, Chi ! Em sao thế này, em buồn gì à !? "
(còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top