Chương 4: Buổi học đầu tiên
Tiếng nhạc "Youth" với giọng hát du dương của Kim Feel vang lên từ điện thoại của Minh khi đồng hồ vừa chuyển 5 giờ 45 phút. Thứ Hai đến nhanh hơn cậu tưởng tượng. Cái cảm xúc lâng lâng sau chiến thắng vỡ òa của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Thế vận hội lúc hai giờ sáng vẫn còn vấn vương ở cậu.
Minh đã dần quen với những ngày cuối tuần thoáng qua như một cơn gió từ bốn năm về trước, khi rời xa mái trường Tiểu học và bắt đầu lịch học sáu ngày một tuần ở cấp hai, và giờ là cấp ba. Ban đầu, trái ngược hoàn toàn với Tuệ Anh, cậu không thích việc này chút nào. Trong học kỳ I của năm lớp 6, Tuệ Anh luôn là người gõ cửa phòng cậu inh ỏi mỗi sáng thứ Bảy để gọi cậu đi học. Cậu khá khâm phục Tuệ Anh có thể kiên trì gọi cậu dậy trong mười mấy tuần liền, trước khi cậu thực sự ý thức được rằng Tuệ Anh sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi cậu và nó không còn đi học chung trường, chung một khung giờ vào lớp nữa.
Cậu bật dậy sau một hồi nằm suy nghĩ trên giường, vươn vai và nhìn ra cửa sổ. Trời hôm nay hơi se lạnh. Cái se lạnh ấy làm cậu thấy khoan khoái. Hà Nội mùa thu khiến người ta thấy dễ chịu vô cùng, là khi không còn cái nắng hầm hập, chói chang, khó chiều của mùa hè và là khi cái lạnh giá cắt da cắt thịt cùng những đợt gió mùa đông bắc chưa tìm đến mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến này.
Minh bước ra khỏi phòng lúc 6 giờ, chính xác hơn là 5 giờ 58 phút, sau khi đã vệ sinh cá nhân, thay chiếc áo ba lỗ cùng chiếc quần sooc bằng một chiếc áo tay lỡ trơn màu có cổ và quần bò đen và kiểm tra lại sách vở theo thời khóa biểu đã được thông báo qua Gmail chung của lớp 10A2. Thấy cửa phòng Tuệ Anh vẫn đóng, Minh tự hào vì đây là một trong số ít lần cậu dậy trước cô. Cậu gõ cửa phòng Tuệ Anh ba lần: "Dậy đi" rồi khoác balo đi thẳng xuống tầng 1.
Cửa nhà đã mở từ lúc nào. Bố đã đi làm từ sớm. Nhà Minh cách cơ quan của bố gần 45 phút lái xe, nhưng để hai anh em tiện đường đi học, bố đã chọn đi xa hơn. Mẹ đang pha cà phê. Thấy Minh, mẹ cười:
- Lên cấp ba rồi có khác. Tiến bộ hẳn. Không phải để Tuệ Anh giục nữa rồi.
- Con mà lại. - Minh nói với giọng đầy kiêu hãnh. - Hôm nay con dậy sớm hơn Tuệ Anh là đằng khác.
- Tuệ Anh đi bộ với Phương ra công viên rồi. Nó dậy từ lúc bốn rưỡi cơ ông tướng ạ. Chẳng bao giờ chịu để ý em cả.
Minh ngớ người khiến mẹ ngoái nhìn.
- Tuệ Anh bảo từ giờ đến lúc khai giảng phải đi bộ để mặc áo dài đẹp hơn. Mẹ nghĩ con cũng nên dậy sớm như em để chơi thể thao đi. Dành thời gian buổi chiều cùng Tuệ Anh giúp mẹ việc nhà.
- Sáng nay con phải đấu tranh tinh thần lắm mới dậy được lúc sáu giờ kém mười lăm đấy mẹ. Dậy sớm ba mươi phút đã là cả một cuộc cách mạng với con rồi. Con mà dậy lúc bốn rưỡi như Tuệ Anh thì con ngất trên lớp mất.
- Cái gì cũng phải có quá trình. Mẹ không bắt con phải dậy sớm như Tuệ Anh ngay ngày mai vì như thế sẽ rất mệt. Con cứ luyện tập dần dần, rồi sẽ quen cả.
Minh nhìn mẹ, thấy công cuộc dậy sớm thật chông gai, nhưng cậu vẫn vâng dạ niềm nở. Khoảng 6 giờ 5 phút, Minh đã đi giày tươm tất, ngả ngớn trên chiếc ghế sofa với điệu bộ mất kiên nhẫn, không để ý Tuệ Anh trong chiếc áo hoodie màu vàng tay lỡ đang bước vào nhà.
- Mẹ ơi, Minh vừa đi giày, vừa nằm trên ghế sofa. - Tuệ Anh tươi cười nhìn Minh như thể đang chào buổi sáng và chúc cậu một ngày tốt lành.
Mẹ nói vọng từ dưới bếp:
- Sáng nay Tuệ Anh hai mươi lăm nghìn, Minh mười lăm nghìn.
Minh tối sầm mặt, quay lại sau lưng nhìn Tuệ Anh:
- Quân đánh lén.
Hai anh em rời khỏi nhà mười phút sau đó. Sắc mặt Minh vẫn không khá khẩm hơn là bao. Nếu không phải Tuệ Anh "tố giác" thì cậu đã đủ tiền cho bát bún ốc mà cậu định ăn sáng nay. Ngược lại, Tuệ Anh đã mua chiếc bánh mì phiên bản đặc biệt của quán bà Hồng. Minh, với mười lăm nghìn, không có sự lựa chọn nào khác ngoài chiếc bánh bao trứng cút và dành ra năm nghìn đồng để mua sữa đậu nành. Tuệ Anh thỏ thẻ từ phía sau xe:
- Xin lỗi Minh nhiều. Tí nữa Minh cho chị một ngụm sữa đậu với.
Và dĩ nhiên, Minh nói "Không!" đầy dứt khoát và vô cùng... hắt hủi.
Hai người thong thả đi về phía lớp 10A2 sau khi cất xe xong xuôi. Phương đã cầm một túi bánh rán đường và một xấp giấy ăn, ngồi trên ghế đá ở dưới gốc cây phượng trước cửa lớp 10A1 để chờ Tuệ Anh.
- Tuệ Anh! - Phương gọi lớn. - Ở đây!
Tuệ Anh trông thấy Phương, mắt sáng rực, quên rằng mình đang nài nỉ Minh bằng được để uống sữa đậu nành. Cô chạy nhanh đến chỗ Phương, bỏ lại Minh vừa thở phào vì đã kiên định đảm bảo an toàn cho cốc sữa của mình. Cậu chạy đến cửa lớp 10A1, ngó nghiêng như tìm ai đó.
- Long ơi, Long!
Tiếng gọi của Minh thu hút cái nhìn của Tuệ Anh và Phương. Cậu bạn từ trong lớp 10A1 chạy ra mà Tuệ Anh trông thấy vẫn mặc một chiếc áo polo như hôm Thứ bảy, chỉ có điều hôm nay, chiếc áo cậu mặc có màu đỏ gạch và đã được là lượt phẳng phiu. Tuy vậy, Tuệ Anh vẫn cho rằng cậu nên là lượt quần áo ngay từ buổi nhập học, vì ấn tượng đầu luôn là ấn tượng khó phai. Việc là quần áo cho thật phẳng chứng tỏ bạn xem trọng những người bạn gặp ngày hôm ấy.
Nghĩ một hồi, thấy cậu bạn bắt gặp ánh mặt của mình rồi nói gì đó với Minh khiến Minh quay lại nhìn, Tuệ Anh vội quay đi, ước gì khi nãy mình không nhìn chằm chằm vào Long. Có lẽ ấn tượng ban đầu của Long về cô sẽ là một cô bạn bất lịch sự không hơn không kém và cô không muốn bị đánh giá như vậy chút nào.
- Bánh rán hôm nay nhiều đường hơn hẳn. Chắc tại trời mát nên bác Loan cũng dễ tính. - Phương, một người nghiện đồ ngọt cho biết.
- Cậu ăn ngọt như thế vào buổi sáng không bị đau bụng à? - Tuệ Anh nhìn Phương.
- Hồi đầu thì có, nhưng nhiều lần thì không bị sao nữa, hơi đầy bụng chút thôi. Bố tớ cũng bảo ăn ngọt buổi sáng không tốt nên thi thoảng tớ mới ăn. Cậu đừng như tớ nhé. - Phương nói với vẻ đăm chiêu.
- Chắc chắn không! - Tuệ Anh rùng mình nhớ lại những lần cô bị "Tào Tháo đuổi" mỗi khi bị Minh dụ ăn sáng bằng bánh kem.
- Kia có phải Long không? - Phương quay sang Tuệ Anh nhưng đưa mắt về phía cửa lớp 10A1.
- Sao cậu biết?
- Hôm kia cậu chẳng suýt khóc vì Minh có bạn mới tên Long là gì.
- Bây giờ tớ thấy Minh làm quen với ai thì cũng bình thường quá thể. - Tuệ Anh vừa nói, vừa đưa tay phủi nhẹ vụn bánh mì vương trên áo.
Bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai Tuệ Anh từ phía sau. Là Sam. Kem đứng bên cạnh nheo mắt cười với Tuệ Anh và vẫy tay chào Phương.
- Morning! - Kem nói bằng giọng tếu táo với Phương và Tuệ Anh.
Tuệ Anh mỉm cười, chưa kịp nói gì thì Phương vẫy tay với Kem và Sam rồi lên tiếng:
- Cậu là Khánh Mi với Hoàng My, bạn cùng bàn của Tuệ Anh, biệt danh là Kem với Sam đúng không?
- Genius! - Kem như bị thần tiếng Anh nhập, hí hửng nhìn Phương khiến cả Phương và Tuệ Anh cười như được mùa.
- Tuệ Anh kể với tớ về hai cậu rồi. Tớ là Phương.
- Bonjour Phương! - Kem tiếp tục bằng thứ tiếng mà Tuệ Anh cho rằng Phương đã nghe nhiều đến mức ngủ mơ cũng thấy trong suốt mùa hè vừa qua ở Nice.
Sam ngán ngẩm nhìn Kem, sau đó quay sang Phương:
- Tên Facebook của cậu là gì? Bọn mình kết bạn đi.
- Đặng Minh Phương, không có dấu, cậu cứ tìm trong danh sách bạn bè của Tuệ Anh là sẽ thấy. - Nói rồi Phương lau tay, lấy điện thoại, chấp nhận lời mời kết bạn của Kem và Sam. - Hai cậu thích mèo à?
- Mèo nhà Kem đấy. - Sam nói. - Hôm qua tớ sang nhà Kem lấy tài liệu môn Hóa, thấy mèo tuxedo xinh quá nên tớ chụp làm hình đại diện.
Kem lúc này đã thôi pha trò, tiếp lời Sam:
- Tớ thích mèo từ bé rồi. Từ khi tạo tài khoản Facebook đến giờ có dùng ảnh đại diện nào khác ngoài mèo đâu. Nhưng khi nào tớ bị con Chó cào thì tớ xóa ảnh đại diện.
- Ý cậu là con mèo tuxedo Sam nói tên là "Chó" á? - Phương hào hứng hỏi Kem.
- Ừ. Tớ còn làm cả giấy khai sinh cho nó nữa. Tớ là người đỡ đẻ lúc mèo mẹ đẻ nó đấy.
- Chuyên nghiệp! - Phương bất ngờ, tấm tắc cảm thán.
- Cũng phải tập dần thôi. Tớ muốn làm bác sĩ thú y mà.
Cả ba người Phương, Tuệ Anh và Sam nhìn Kem với ánh mắt ngưỡng mộ. Bỗng nhiên, tiếng trống trường vang lên một hồi dài. Chiếc đồng hồ cơ trên tay trái của Tuệ Anh đã chỉ bảy giờ mười lăm phút. Những học sinh vẫn còn ở ngoài cổng trường đi vội vào trong, len qua cánh cổng trường mà đội xung kích vẫn để hờ như một đặc ân của ngày đầu tiên trong năm học mới. Phải đến một, hai phút sau, cổng trường mới đóng hoàn toàn.
Cùng lúc đó, Tuệ Anh và Phương đã xong bữa sáng. Phương tạm biệt Tuệ Anh, Sam và Kem để về lớp, chuẩn bị cho buổi chào cờ đầu tuần, cũng là buổi chào cờ đầu tiên của 210 tân học sinh trường Minh Thanh. Minh cũng không còn đứng ở cửa lớp 10A1, có vẻ như đã vào lớp trước Tuệ Anh.
Khi Tuệ Anh và hai cô bạn cùng bàn bước vào lớp, hầu hết mọi người đã chia nhau những chiếc ghế inox xếp chồng ở cuối lớp đã được sử dụng vào thứ Bảy tuần trước. Hải và Minh cũng đã lấy ghế.
- Tuần này tớ sẽ lấy ghế cho hai cậu, luân phiên nhé. - Kem nói với Tuệ Anh và Sam, nhanh nhảu chạy về phía chồng ghế đã vơi dần sau khi thấy hai cô bạn gật đầu.
Rất nhanh sau đó, học sinh của cả trường đã có mặt đông đủ ở ngoài sân trường. Mọi thứ trở nên vô cùng trang nghiêm, hơn cả buổi nhập học cách đây hai ngày của lớp 10. Điều đó là đương nhiên. Tất cả những buổi chào cờ đều thật trang trọng và thiêng liêng. Tuệ Anh đã quen với điều đó ngay từ những ngày đầu tiên ngồi trên ghế nhà trường hồi Tiểu học.
Lần này, Tuệ Anh và cả khối 10 đã được gặp mặt toàn bộ giáo viên trong trường. Thầy cô giáo được sắp xếp ngồi ở những hàng ghế giữa sân, đối diện trực tiếp với sân khấu. Các cô giáo đều mặc trên mình bộ áo dài truyền thống của Việt Nam với đủ những tông màu khác nhau cùng hoa văn thanh lịch, duyên dáng. Học sinh nữ của khối 11, 12 được yêu cầu mặc áo dài nữ sinh, trắng tinh khôi và thanh thuần.
- Tớ muốn thử mặc áo dài quá. - Sam, ngồi trước Tuệ Anh, quay lại nhìn Kem và Tuệ Anh với gương mặt như khao khát mãnh liệt một điều gì.
- Học sinh nữ khối 10 sẽ được mặc áo dài vào ngày khai giảng. Nhưng chị tớ nói mặc áo dài hơi bất tiện, nhất là vào ngày mưa. - Kem ái ngại.
Tuệ Anh cũng đã từng nghe các chị đi trước than thở như vậy. Cô nhìn sang khối 11 ở gần đó. Những tà áo dài. Chúng mới đẹp thướt tha làm sao. Chúng làm Tuệ Anh nhớ đến những ngày cô đi cùng bố mẹ đến thành phố Huế dự lễ thành hôn của một người họ hàng. Huế là một trong những cố đô nhuốm màu cổ kính ở miền Trung. Cô đã trông thấy một nữ sinh mặc một chiếc áo dài trắng muốt, đội nón bài thơ và đạp xe trên cầu Tràng Tiền bắc ngang sông Hương. Cô cứ ngỡ hình ảnh ấy chỉ xuất hiện trên TV và những trang sách, những con chữ. Huế luôn đón những trận mưa đột ngột, những trận mưa rả rích quanh năm, ấy thế mà những tà áo dài nữ sinh vẫn là hình ảnh rất dễ bắt gặp trong hai ngày cô ở đây.
- Kính mời các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh đứng dậy làm lễ chào cờ. - Một giọng nói cất lên qua micro khi bỗng làm Tuệ Anh giật mình và trở về với Minh Thanh.
Cả trường, gồm giáo viên, học sinh và cả những ai đang đứng ở phía cánh gà đều đứng dậy, chỉnh trang lại quần áo, tóc tai và hướng mặt về cờ Tổ quốc.
- Nghiêm! Chào cờ! - Giọng nói hùng hồn và dứt khoát như vang vọng khắp đường phố xung quanh Minh Thanh, báo hiệu một tuần mới đã thực sự bắt đầu.
Nhạc hiệu Quốc ca đã vang lên. Hơn 600 học sinh và giáo viên của trường Minh Thanh cũng cất giọng hát theo tiếng nhạc. Học sinh lớp 10, trong đó có Tuệ Anh, Kem và Sam đưa tay chào cờ theo nghi thức của Đội viên khiến nhiều học sinh lớp 11, 12 đang chăm chú nhìn vào cờ Tổ quốc cũng hướng sự chú ý về những học sinh mới của trường và bật cười. Kết thúc lễ chào cờ, một thầy giáo nghiêm nghị nói:
- Ở cấp ba, các em không cần phải đưa tay chào cờ như khi còn học cấp hai nữa. Dù có nhiều em chưa vào Đoàn nhưng chúng ta thống nhất chung như vậy nhé.
Sau đó, toàn thể học sinh và giáo viên được yêu cầu ngồi xuống. Nhiều học sinh khối 10 vẫn đỏ mặt gượng gạo, một số khác lấy làm phấn khích vì những thay đổi đột ngột ấy nơi cấp ba. Và rất nhanh, buổi chào cờ kéo dài 45 phút đã kết thúc sau khi thầy Hùng, Bí thư Đoàn trường triển khai một số vấn đề về hoạt động Đoàn của nhà trường trong tuần mới và cho phép học sinh giải tán trở về lớp để bắt đầu tiết học đầu tiên.
Sáng thứ Hai, lớp 10A2 có tiết Ngữ Văn của cô Liên và hai tiết Tiếng Anh của cô Hồng, cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp Phương. Vì thế, có thể nói thứ Hai là một trong những ngày mà Tuệ Anh vô cùng thích khi lên lớp 10, chỉ đứng sau thứ Sáu với hai tiết Ngữ Văn và hai tiết Lịch sử, bởi Tuệ Anh trở nên có hứng thú với môn Lịch sử từ khi được bố kể về những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc.
Sau khi kết thúc hai tiết Ngữ Văn của cô Liên và có cái nhìn tổng quan về văn học Việt Nam trước khi thực sự bước vào những tác phẩm thú vị, hầu hết những học sinh của lớp 10A2 trông không quá mệt mỏi như chúng từng nghĩ. Trong các môn học phổ thông, không môn học nào được coi là môn học của nghệ thuật và cảm nhận, ngoại trừ Ngữ Văn. Cô Liên đã nói vậy khi Hải, ngồi ở bàn đầu cùng Minh, nói thầm với âm lượng không mấy nhỏ, đủ để cô Liên nghe được những gì cậu nói, rằng văn học là môn học khô khan nhất với cậu. Có lẽ cũng vì thế mà đây là môn học gây ra nỗi "ám ảnh" cho nhiều thế hệ học sinh.
- Cả lớp đứng! - Giọng nói của Mai, người đang tạm thời đảm đương trách nhiệm của một lớp trưởng, vang lên từ phía cửa sổ một cách dõng dạc khi cô Hồng bước vào lớp, sau giờ ra chơi dài hai mươi phút để tạo điều kiện cho học sinh trong trường đến căng tin ăn sáng.
- Chào cả lớp. Mời các em ngồi. - Cô Hồng, trong bộ áo dài màu trắng kem và gương mặt có chút sắc sảo, tươi cười nói. - Buổi học đầu tiên của cô trò ta nhỉ?
Sau tiếng "Vâng ạ" lác đác từ dưới lớp, cô Hồng tiếp tục:
- Cô là Trịnh Minh Hồng, giáo viên môn Tiếng Anh của lớp ta. Trước tiên, cô muốn hỏi, các em có biết điều gì được cho là linh hồn của tiếng Anh không?
Một vài tiếng xì xào dưới lớp. Tuệ Anh có thể nghe được nào là "Phát âm ạ", nào là "Kĩ năng nghe hiểu ạ", rồi "Ngữ pháp ạ"...
- Ngữ pháp. Có thể là như vậy. Học một ngôn ngữ luôn đòi hỏi nắm vững ngữ pháp. Nhưng cô muốn một phạm vi hẹp hơn. - Cô Hồng nhìn quanh lớp với ánh mắt dò la.
- Đại từ ạ! - Kem hăng hái giơ tay và phát biểu.
- Đại từ cũng quan trọng, nhưng chưa phải là linh hồn. Em suy nghĩ thêm nhé. - Cô Hồng khích lệ Kem rồi tìm kiếm một câu trả lời khác.
- Động từ bất quy tắc ạ.
- Đảo ngữ ạ. - Bảo đứng lên ngay sau nghĩ đến chuyên đề ngữ pháp cậu rất yêu thích.
- ...
Rất nhiều câu trả lời được đưa ra trong bầu không khí sôi nổi nhưng chưa một ai nói đúng điều cô Hồng đang chờ đợi.
- Thưa cô, em nghĩ là mười hai thì cơ bản ạ. - Linh, ngồi ở góc lớp, thẹn thùng nói.
- Tại sao em lại nghĩ là thì? - Cô Hồng rất phấn khởi, hỏi Linh.
- Em có thể hiểu được đại ý của một câu trong tiếng Anh khi đã học chắc thì ạ. Kể cả khi em không hiểu được một số từ vựng trong câu, em vẫn biết được những điều cần biết, ví dụ như thời gian ạ. - Linh say mê nói.
- Em có hay đọc sách hoặc văn bản tiếng Anh không?
Linh cười gượng gạo:
- Em hay đọc "Harry Potter" và cũng có đọc qua cuốn "Điều kỳ diệu" và "Khi lỗi thuộc về những vì sao" bản tiếng Anh nữa ạ.
- Chính việc đọc sách tiếng Anh đã cho em một trải nghiệm đáng quý: thì là linh hồn của thứ tiếng này. Cảm ơn em đã cho cô và các bạn mở mang thêm nhiều điều. - Cô Hồng vừa nói, vừa mỉm cười ra hiệu cho phép Linh ngồi xuống. - Thì cơ bản là phạm trù ngữ pháp đầu tiên mà các em cần phải nằm lòng để nghe, đọc, nói và viết tiếng Anh sao cho trôi chảy, thuần thục hơn. Trong quá trình học, kết hợp với việc giảng dạy của cô, các em cần phải tự trau dồi kỹ năng nhận biết và sử dụng thì thật thành thạo. Cô cũng sẽ dạy các em nhiều thứ, nhưng cô hi vọng sau ba năm học cùng cô, các em sẽ không quên rằng thì quan trọng ra sao.
Nhưng sau đó, cô Hồng chuyển sang một chủ đề khác:
- Cô mong muốn học sinh được tiếp cận với phương pháp học tiếng Anh khoa học và hiệu quả nhất. Vì thế, trong ba năm tới, cô sẽ tập trung phát triển đầy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết cho các em gắn liền với thực tế, song song với việc học ngữ pháp. Để đưa cách học này vào thực tiễn, tiết học này cô sẽ khái quát lại cho các em về thì, nhưng nhiệm vụ của các em khi về nhà không chỉ là hoàn thành lượng bài tập cô giao mà sẽ có một nhiệm vụ khác cho các em: chuẩn bị một bài thuyết trình về ý thức bảo vệ môi trường biển của mọi người. Đây là chủ đề rất nóng bỏng và đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, nhất là sau vụ việc cá chết hàng loạt hồi tháng Tư năm nay. Cô muốn biết các em hiểu ra sao về vấn đề này. Cả lớp chia nhóm theo từng bàn, thuyết trình bằng tiếng Anh vào giờ này hai tuần nữa. Cô rất mong đợi sản phẩm hoàn chỉnh từ các em.
Cả lớp bắt đầu xôn xao. Đây là lần đầu tiên chúng được giao nhiệm vụ thuyết trình trước đám đông và về một vấn đề mang tính học thuật, bằng tiếng Anh. Sự lo lắng bắt đầu xuất hiện trên gương mặt của những cô cậu học trò mới chập chững bước vào cấp ba và kéo dài cho đến khi tiếng trống tan học vang lên cách đó chừng 30 mét. Nhưng với riêng Minh mà nói, đây là chủ đề rất thu hút với cậu, vì đứng trước cái mênh mông của biển khơi, cậu thấy tâm hồn mình như gắn kết với nó, như thấy một điều cốt tử lạ kỳ. Tự cổ chí kim, ta luôn thấy mình thật nhỏ bé khi đối diện với đại dương sâu thẳm, nhưng hiện thời, biển lại tha thiết cần ta vỗ về, ôm ấp, chở che.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top