Chương 2: Buổi nhập học
Minh giật mình tỉnh giấc bởi tiếng hét thất thanh phát ra từ phòng của Tuệ Anh. Kì thực tiếng động ấy là không đủ lớn để làm cậu thức dậy nếu hôm nay không phải là một ngày cần thức dậy thật sớm. Cậu đã nghe Tuệ Anh la hét xấp xỉ 17 mùa hè rồi, không phải vì điều phật ý thì cũng là những lần hát hò đủ thể loại nhạc kim cổ đông tây không ngơi nghỉ suốt mấy tiếng đồng hồ. Nhưng cũng phải thú thật, về khoản nhảy múa ca kịch, Tuệ Anh thừa năng lượng ăn đứt cậu.
Vừa nghĩ bụng, Minh vừa vươn vai một cách lười biếng, với tay lấy điện thoại để tắt báo thức còn những 10 phút nữa mới đổ chuông. Tiếng hét của Tuệ Anh đã không để cậu chào ngày mới như mọi ngày bằng ca khúc "Youth" được cậu cài làm chuông báo thức đã già nửa năm trời kể từ ngày bộ phim "Reply 1988" kết thúc.
Cậu bước những bước chậm rãi và có chút rệu rã sang căn phòng đối diện. Cửa phòng khép hờ, hắt ra những vệt sáng và chút gió lộng qua khe cửa hẹp ấy. Phòng của Tuệ Anh lúc nào cũng sáng bừng sức sống và "nên thơ" hệt như tính cách của nó chỉ khi người ta không biết tiếng la của nó có cường độ âm thanh lớn đến nhường nào.
Tuệ Anh, trong bộ pyjama màu lam pastel xộc xệch với mái tóc xoăn nhè nhẹ đang rối bù như tổ quạ, đang thất thần nhìn vào chiếc áo sơ mi trắng treo trên chiếc móc áo gỗ bên cửa sổ. Sàn nhà ướt nhem. Chiếc áo cũng ướt nhem. Vai áo lệch sang một bên và vẫn còn vài ba chiếc lá bằng lăng xanh rờn vướng lại trên cổ áo. Minh nhận ra chiếc áo đó, và cậu cũng biết hôm nay nó quan trọng thế nào với Tuệ Anh, một đứa cầu toàn và luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi làm bất cứ điều gì.
Tối hôm qua, trước khi Tuệ Anh hí hửng chạy xuống tầng ngủ cùng mẹ vì bố đi công tác, nó đã cẩn thận là lượt vài lần rồi đóng cúc chỉnh tề và treo chiếc áo lên vị trí quen thuộc từ khi bắt đầu học tiểu học. Chỉ có điều là nó hay quên. Trận mưa đêm qua đã nhắc cho nó nhớ rằng nó chưa đóng cửa sổ. Hà Nội mùa này thật duyên dáng, nhưng trong một vài khoảnh khắc lại thật dễ ghét. Thấy Minh mở cửa vào, Tuệ Anh nhíu mày, mếu máo:
- Lại quên rồi. Lần trước đã bảo là phải nhắc chị mà.
Minh rất muốn châm chọc vài câu, nhưng khi thấy Tuệ Anh sắp khóc, cậu cũng không nỡ. Cậu đành cố tỏ ra thật bình thường, ngáp một cái thật dài, chỉ vào tủ quần áo ở góc bên kia phòng:
- Hết quần áo rồi à? Không mặc bộ này thì mặc bộ khác.
- Quần áo thì không thiếu, nhưng tiếc công.
- Tiếc thì sao không cố mà nhớ? Thơ ca thì nhớ dai thế mà việc đóng cửa sổ năm nào cũng phải quên vài lần mới chịu được à?
- Sáng ngày ra không giúp được người khác thì đừng lên lớp.
- Nói để mà nhớ. Mà có phải nói lần đầu đâu.
- Biết là nói nhiều như thế vẫn không nhớ nổi thì sao cứ phải nhai đi nhai lại.
- Làm ơn mà mắc oán.
Nói rồi Minh hậm hực bỏ về phòng. Cậu vừa bực mình bởi thói ngang bướng, cứng nhắc của Tuệ Anh, vừa thất vọng vì không kiềm chế nổi những lời nói châm chọc của mình. Nhưng cũng đành chịu. Việc đốp chát qua lại giữa hai anh em đã thành thói quen, mà đã là thói quen thì rất khó sửa.
Đã hơn 1 tháng rưỡi kể từ ngày hai anh em nhận được tin vui của mình. Chỉ sau đó vài hôm, bố mẹ thưởng cho Minh và Tuệ Anh một chuyến du lịch Đà Nẵng. Những bãi cát trắng của thành phố biển như kéo dài vô tận, những con sóng vỗ rì rào từ biển khơi xanh biếc, ngọn đồi Bà Nà với kiến trúc Pháp ẩn hiện trong mây và sương, cao chót vót và đầy gió hoa. Nếu không phải bố mẹ gợi ý trong sự bất ngờ của hai anh em thì chắc chắn Minh sẽ nghĩ rằng điểm đến Đà Nẵng là ý tưởng của Tuệ Anh. Minh nghĩ vậy khi đang kiểm tra lại chứng minh nhân dân và các giấy tờ nhập học có liên quan.
Sau khi đã đảm bảo mọi thứ đầy đủ, cậu khoác balo trên vai và chạy xuống tầng. Mẹ đã chuẩn bị phở trứng chần không hành cho cả hai anh em trước khi ra ngoài từ sớm. Tuệ Anh đã ngồi đó từ lúc nào, mặt vẫn chưa tươi tỉnh hơn là bao. Nó vẫn mặc một chiếc áo sơ mi, nhưng lần này là màu hồng nhạt. Và dĩ nhiên, không có lấy một vết nhăn trên tà áo. Mái tóc rũ rượi lúc 6 giờ sáng đã được chải chuốt vào nếp và buộc đuôi ngựa gọn gàng. Tuệ Anh đang mở một bản nhạc mà sáng nào nó cũng phải nghe trong lúc ăn, bất kể là ở nhà, ở quán ăn hay ở căng tin. Minh không để ý lắm, vì cậu đang bận tìm chân giày còn lại trong tủ.
- Chị đã bảo bao nhiêu lần là phải chuẩn bị trang phục từ tối hôm trước. Giày dép có đôi phải để cùng chỗ thì mới dễ tìm. Lớp 10 đến nơi rồi mà mấy chuyện này còn để nhắc.
- Quên.
Tuệ Anh rất không hài lòng với câu trả lời không thể ngắn gọn hơn của anh.
- Hôm nay là ngày bao nhiêu? - Minh như sực nhớ ra một điều gì.
- Ngày mùng 6.
- Tháng mấy? - Minh vẫn hỏi một cách đầy hốt hoảng, mặc kệ gương mặt không hài lòng hơn cả ban nãy của Tuệ Anh.
- 8. - Tuệ Anh cũng trả đũa Minh một cách đầy đắc ý bằng một câu trả lời cũng tối thiểu về số lượng chữ.
Minh thở phào, tiếp tục công cuộc tìm giày. Cậu mới vừa hi vọng câu trả lời của Tuệ Anh không phải là "9" hoặc muộn hơn.
- Ngày mai vẫn lên trường đấy. Khéo không xem được đâu. - Tuệ Anh như biết được Minh có ý gì.
- Thức đến 2 giờ sáng thì có là gì. Anh thức thâu đêm còn được.
- Tùy Minh thôi. Chỉ tổ hại sức khỏe. Mà bố mẹ không cho thức muộn như thế đâu.
- Anh sẽ bảo bố mẹ trước. Miễn là em đừng nói gì để mẹ đổi ý là được.
- Còn phải xem thái độ của EM MINH thế nào. - Tuệ Anh cố nhấn mạnh hai chữ "em Minh".
- Em xin chị Tuệ Anh. - Minh hạ giọng hết sức có thể.
- Xem xét.
Hai chữ "xem xét" không phải là câu trả lời mà Minh muốn nghe nhất, nhưng nó chấp nhận được so với gương mặt cau có và tâm trạng không mấy tốt của Tuệ Anh lúc này. Nhưng có một điều mà đến khi Minh đã xử lý thông tin xong xuôi thì mới nhận ra: hôm nay là thứ 7. Không ai yêu cầu Minh và Tuệ Anh lên trường vào sáng chủ nhật cả. Cậu liếc nhìn Tuệ Anh và không ngoài dự đoán, nó thản nhiên như không liên quan đến trò đùa nhạt nhẽo của chính mình.
Minh thích thể thao vô cùng. Cả nhà ai cũng biết Minh mê nhất là môn bắn súng, mặc dù cậu chưa từng chạm tay vào cây súng thật bao giờ. Suốt từ khi thi tuyển sinh xong, Minh đứng ngồi không yên, một phần là bởi bài thi Ngữ Văn, theo cậu là không thể tệ hơn, một phần khác là vì Thế vận hội Mùa hè diễn ra ở Rio de Janeiro nằm ở bờ bên kia của Thái Bình Dương. Thực ra, cậu không quan tâm quá nhiều đến bộ môn nào ngoài bắn súng. Ước mơ của cậu là một ngày nào đó có thể trở thành xạ thủ lừng danh trong môn này.
Rạng sáng ngày mùng 7 tháng 8, trận thi đấu môn bắn súng sẽ chính thức diễn ra. Nỗi lo của Minh lúc này là liệu bố có ngắt kết nối Wifi sau 23 giờ như thường lệ không, vì chiều nay bố sẽ đi công tác về. Minh vừa buộc dây giày, vừa lẩm bẩm cầu nguyện bố sẽ quên khuấy mất, dù điều đó dường như là không thể. Tuệ Anh luôn tự nhận mình giống bố nhất nhà, ngoại trừ khoản trí nhớ là không. Thắt xong nút dây cuối, Minh đứng dậy, vội rửa tay rồi vào bàn ăn. Mẹ không thích hai anh em đi giày trong nhà, nhưng Minh và Tuệ Anh đều cho rằng như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn và bữa sáng sẽ thong thả hơn, dù không đáng là bao.
Tuệ Anh không thích ai nói gì khi đang phát nhạc, nên suốt bữa sáng, mọi âm thanh len lỏi khắp căn nhà chỉ có tiếng đàn êm dịu của nghệ sĩ dương cầm Yiruma. Âm nhạc luôn có sức ảnh hưởng, nhất là với người có máu nghệ thuật như Tuệ Anh, khi cô thẩn thơ đứng lên và cảm thán:
- "Mỗi con người gắn bó một dòng sông".
Minh nghe xong cũng chỉ biết ngơ ngác.
Đúng 7 giờ kém 15 phút, Minh và Tuệ Anh dắt chiếc xe điện màu đỏ bố mẹ mua cho hai anh em hồi đầu năm lớp 9 ra ngoài và đến trường. Trời sáng nay mát trong, có lẽ nhờ cơn mưa cuối hè xối xả đêm hôm qua. Đường phố đã thoang thoảng mùi hoa sữa chớm thu, một mùi hương kén người thưởng thức. Tuệ Anh để ý thấy những gánh hoa bán rong trên đường đã có thêm cúc họa mi và hoa cúc vàng đã vào độ đẹp nhất. Một lần nữa, câu nói của Tuệ Anh lại làm Minh bối rối:
- "Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc,...".
Rồi bỗng dưng cô im bặt.
- Sao thế? Đọc nốt đi chứ. Anh dốt Văn mà còn biết là đang bỏ lửng.
- Ước gì khung cảnh này không bao giờ trở thành kỷ niệm.
Hai anh em không nói thêm gì nữa, cứ như thế đi một mạch qua những hàng cây xanh rì và đến trước cổng trường Minh Thanh. Cổng trường hôm nay không giống với cái ngày hai anh em đến xem kết quả thi. Mọi người trong trang phục ngay ngắn, nghiêm chỉnh nhất đi vào sân trường đã được xếp ghế ngay ngắn cho học sinh lớp 10 đến nhận lớp. Sân khấu đã được dọn dẹp sạch sẽ và bục phát biểu cũng đã được đặt ở vị trí chính giữa. Minh và Tuệ Anh đều được xếp vào lớp 10A2 theo thông báo của trường trước ngày nhập học. Hai anh em rảo bước đi tìm hàng ghế của lớp mình. Bỗng nhiên, sau lưng hai người có tiếng gọi với:
- Tuệ Anh! Tuệ Anh!
Giọng nói đó thật quen thuộc. Đó là giọng nói mà nó đã nghe đến mức ngủ mơ cũng có thể nhận ra. Đó là Phương - đứa bạn thân từ lớp 3 cho đến tận bây giờ của Tuệ Anh. Phương hơn Tuệ Anh 1 tuổi trên giấy khai sinh. Do bị bệnh vào năm lớp 2 nên Phương phải học chậm một năm. Lắm lúc Tuệ Anh thấy hơi tội lỗi, nhưng vẫn thầm cảm ơn vì năm đó Phương bị bệnh mà hai đứa mới có cơ hội gặp nhau và phát hiện ra hai đứa hợp nhau đến thế. Nếu Minh giống người bạn ở chung nhà 17 năm không thể hòa thuận của nó thì Phương chín chắn giống một người chị gái và Tuệ Anh sẵn sàng gọi Phương là chị bất cứ lúc nào. Minh mới chỉ được Tuệ Anh xưng "em" duy nhất 1 lần, là lúc Tuệ Anh nói nó đã đỗ vào Minh Thanh, và lần đó Tuệ Anh luôn cho là "vạ miệng".
- Tớ vừa về đêm qua. Thấy muộn quá nên tớ không gọi cho cậu nữa. Tí nữa đi ăn bò bía đi. Mới 1 tháng không được gặp mà tớ cứ tưởng là 1 năm đấy. Cậu nói đúng thật. Ảnh trên mạng không thể nào lột tả chân thực được sự sống động ở trường phái dã thú trong tranh của Matisse. - Phương thở không ra hơi, nhưng vẫn nói liên thanh một hồi khiến Tuệ Anh tủm tỉm cười.
Minh gặp Phương cũng như thấy Tuệ Anh, cười khẩy:
- Có ai đuổi đánh cậu à?
Phương không quan tâm Minh, chỉ nhìn một cái và cười trừ rồi quay sang Tuệ Anh ngay lập tức:
- Tớ về lớp đã. Đến giờ tập trung rồi.
Thoắt cái đã không thấy bóng dáng Phương đâu nữa, chỉ thấy mái tóc buộc nửa đầu được thắt thêm chiếc nơ caro nhỏ len lỏi giữa đám đông của lớp 10A4. Tuệ Anh chợt thở dài, ngao ngán nhìn Minh:
- Hay Minh đổi lớp với Phương đi?
- Ước gì được như thế. - Minh nói với vẻ lạnh lùng.
Hai đứa tặc lưỡi rồi vào hàng có đề biển "Lớp 10A2". Khi tất cả học sinh đã ổn định, một thầy giáo tóc đã điểm hoa râm, người cao ráo tiến về phía bục phát biểu.
- Chúc mừng các em học sinh đang có mặt ở đây đã thuận lợi vượt qua kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và trở thành học sinh của trường Trung học Phổ thông Minh Thanh. Thay mặt ban giám hiệu và các thầy cô giáo, các cán bộ công chức, viên chức, cảm ơn các em đã tin tưởng nhà trường.
Một tràng vỗ tay nhiệt liệt vang lên.
- Thầy xin tự giới thiệu, thầy là Trần Đĩnh Nam, hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Minh Thanh, đồng thời là giáo viên bộ môn Lịch sử. Hôm nay là một buổi gặp mặt ngắn giữa thầy và các em để chúng ta làm quen trước khi bước vào một năm học mới, một cấp học mới.
Tuệ Anh quay xuống nhìn Minh, ra hiệu có vẻ đây lại là một bài diễn văn khô khan dài hai, ba tiếng đồng hồ như hai đứa đã trải qua suốt chín năm học trước đó. Thầy hiệu trưởng dừng lại một nhịp, nhìn quanh những ánh mắt tinh nghịch, lấp lánh ở phía dưới sân trường, sau đó thầy tiếp tục:
- Tuy thầy dạy Lịch sử, môn mà các em hay gọi là "lắm chữ chẳng kém môn Văn", nhưng thầy sẽ cố gắng phổ biến cho các em cô đọng và súc tích nhất có thể. Nội quy cụ thể của trường sẽ được các giáo viên chủ nhiệm truyền đạt cho các em khi về lớp, còn thầy sẽ chỉ có đôi lời muốn nhắn nhủ đến các em.
Tuệ Anh trợn tròn mắt, một lần nữa quay xuống nhìn Minh. Minh cũng đáp lại bằng cái nhìn đầy bất ngờ. Sau vài giây, hai đứa lại cùng hướng về phía thầy Nam.
- Ba năm sẽ không dài, cũng không ngắn, nhưng ba năm sẽ đủ cho các em biết mình là ai. Thầy luôn mong mỗi em học sinh đang ngồi đây khi bước ra khỏi cổng trường Minh Thanh sẽ hiểu được mình đã và đang có gì, mình cần gì và mình sẽ làm gì. Hãy ghi nhớ từng giây phút của ba năm học cấp ba, kể cả nỗi buồn, sự thất vọng và cả áp lực, trọng trách, vì bên cạnh niềm vui và thành tựu, chúng cũng là yếu tố tôi rèn nhân cách và bản lĩnh của mỗi chúng ta trước khi vào Đại học, ra xã hội. Và hãy luôn tự nhắc nhở mình rằng: "Đừng xấu hổ khi không biết. Chỉ xấu hổ khi không học"...
Trong lòng Tuệ Anh bỗng rạo rực ngọn lửa của thời thanh xuân. Phải chăng chính từ khoảnh khắc này, tuổi trẻ chân chính của nó mới thực sự bắt đầu. Tuệ Anh nhìn sang chỗ Phương ngồi, tự nhủ tình bạn giữa hai người sẽ còn đẹp hơn rất nhiều dưới mái trường Minh Thanh, dù cho hai người có ở hai lớp khác nhau đi chăng nữa. Nó ngoái lại nhìn Minh để tìm lấy sự đồng điệu về tâm hồn và nhiệt huyết ấy. Thế nhưng, Minh vẫn đang mải miết với câu chuyện về Thế vận hội Mùa hè với một cậu bạn nào đó ngồi ngang hàng với cậu bên lớp 10A1. Cậu bạn khá gầy, mắt sáng bừng đầy hoạt bát, mặc chiếc áo polo tối màu, có vài nếp gấp của áo mới, được sơ vin gọn gàng trong chiếc quần âu đã cộc tớn và đi giày sneaker. Nó không quen cậu bạn đó.
- ...Lời cuối cùng, chúc các em sẽ có được ba năm đẹp nhất đúng nghĩa tại Minh Thanh. Cảm ơn các em vì đã lắng nghe.
Một tràng vỗ tay lại vang lên. Lần này, Minh và cậu bạn lớp 10A1 vỗ tay to đến nỗi nhiều người xung quanh nhìn sang với ánh mắt khó hiểu, khiến Tuệ Anh chỉ mong có một cái hố để chui xuống ngay lập tức.
Sau khi được nghe hướng dẫn về vị trí của sáu lớp 10, các lớp giải tán để trở về lớp mình và gặp giáo viên chủ nhiệm. Minh vẫy tay tạm biệt cậu bạn mới quen rồi nhấc chiếc ghế inox của cậu và Tuệ Anh vừa ngồi để mang vào lớp. Bỗng nhiên, Phương từ đâu chạy hớt hải tới chỗ của Tuệ Anh và tiếp tục thở không ra hơi:
- Tớ đi cùng cậu. Tớ phải biết lớp cậu ở đâu để đỡ công tìm. Lúc đi học, đến giờ ra chơi thì tớ sẽ sang ngồi ké lớp cậu. Hay lát nữa tớ xin phép giáo viên chủ nhiệm của cậu luôn nhỉ?
- Thế cậu không về lớp luôn à? - Tuệ Anh hỏi.
- Thoải mái đi. Giáo viên còn họp hội đồng, chưa về lớp ngay đâu. Mà tớ ngó lớp...
Phương chưa nói dứt câu thì có một giọng nói chen ngang:
- Giáo viên chưa về lớp luôn à? - Minh vừa nói vừa đưa ghế sang tay Tuệ Anh. - Thế em cầm ghế về lớp giúp anh, anh sang 10A1 một lát. Khoảng 10 phút nữa anh về lớp sau.
- Ê, vừa nãy Minh nói chuyện với ai bên lớp đấy thế? - Tuệ Anh thắc mắc.
- Long. Bọn anh biết nhau qua Liên minh huyền thoại từ hồi lớp tám rồi, hôm nay mới gặp trực tiếp. Trước hôm đăng ký nguyện vọng, nó hỏi anh đăng ký trường nào. Nghe anh bảo Minh Thanh thì nó nói là sẽ đăng kí thi vào Minh Thanh cùng. Em không biết là phải.
Nghe Minh nói vậy, Tuệ Anh có chút chạnh lòng. Tuy Tuệ Anh và Minh có rất ít điểm chung, nhưng nó từng dám khẳng định nó quen bất cứ người bạn nào của Minh và ngược lại. Phương thấy sắc mặt Tuệ Anh chùng xuống, vội đỡ lấy ghế từ tay Minh rồi giục cậu đi nhanh rồi về lớp. Sau khi đã đảm bảo Minh không thể thấy rõ mặt mình từ xa, Tuệ Anh mới mếu máo, rơm rớm nước mắt.
- Đã bảo là quen ai thì phải bảo người ta với. Cứ như cho em ra rìa Phương ạ.
Phương vỗ vai, nhẹ giọng hơn hẳn lúc giục Minh mau đi:
- Không ai cho Tuệ Anh ra rìa cả. Càng lớn thì càng có nhiều mối quan hệ mà. Tại Minh chưa kịp nói với em thôi. Vừa nãy Minh lỡ lời, chứ Minh không có ý gì đâu. Em không khóc nhé.
- Nhưng em có bạn mới thì đều nói cho Minh hết mà. - Tuệ Anh trách.
- Lên cấp ba mình sẽ có thêm nhiều bạn mới, trong một môi trường đa dạng hơn, phóng khoáng hơn. Em cứ thoải mái kết bạn, Minh cũng sẽ như thế. Thời gian đầu em sẽ không quen, nhưng dần dần sẽ ổn. Em sẽ nhận ra mọi thứ không tệ đến thế, nhé.
Tuệ Anh gạt nước mắt đang chực trào tuôn ra. Một lần nữa, nó lại thầm cảm ơn vì ông trời mang đến bên cô một hiện thân của thiên sứ, nói trêu:
- Tớ cảm ơn Phương.
Hai đứa đi sát nhau, cầm ghế hòa vào những học sinh đang nô nức đi về phía tòa nhà có dãy lớp 10 đã mở cửa từ lúc nào.
Trường Minh Thanh không quá rộng, nhưng nhuốm màu cổ xưa và mang lại cảm giác bình yên mà vẫn uy nghiêm đến từng hành lang, từng góc sân nhỏ. Trường có ba tòa nhà chính với ba tông màu khác nhau. Tòa nhà lớn nhất được sơn màu hồng cam là nhà hiệu bộ dành cho ban giám hiệu và hội đồng giáo viên trong trường, tích hợp các phòng học chung và phòng thí nghiệm. Một tòa khác có tông trắng với những cánh cửa xếp được sơn màu xanh lam, thuộc "địa phận" của học sinh khối 11 và khối 12. Với Tuệ Anh, đó là tòa nhà có màu đẹp nhất. Màu của hy vọng luôn rất đẹp. Nhưng khối 10 mới vào trường được xếp học ở tầng 1 của tòa nhà có tông xám và những cánh cửa được sơn màu nâu trầm dung dị. Một màu sắc truyền thống của nhiều ngôi trường cấp ba trên khắp cả nước. Nhưng lạ thay, Minh Thanh có một cái gì thật đặc biệt, thật hoài niệm. Có lẽ là do những hàng cây còn mơn mởn sắc xanh của cuối mùa hạ, do dãy nhà để xe cho học sinh qua bao mùa nắng mưa đã hoen những vết gỉ ngả nâu vàng.
Trông thấy biển lớp với dòng chữ "Lớp 10A2" màu trắng trên nền xanh đậm, Phương kéo tay Tuệ Anh chạy thẳng đến cửa lớp. Tuệ Anh liếc nhanh đếm được hai dãy bàn ghế gỗ được phủ một lớp sơn bóng loáng, mỗi dãy có 6 bàn dài gắn liền ghế. Trong lớp có nhiều bạn đã tụ tập chuyện trò rôm rả. Có lẽ giống như Phương và Tuệ Anh, họ đã có quen biết từ trước, thậm chí là bạn đóng khố hẹn nhau học chung trường, chung lớp. Tiếc rằng nó và Phương lại không thể ngồi chung một bàn trong một lớp như 6 năm vừa qua nữa. Mọi người đều ngồi dồn xuống phía giữa và cuối lớp, bàn đầu vẫn còn để trống. Phương nhìn Tuệ Anh, ngầm bày tỏ chuyện này quá đỗi bình thường. Phần lớn học sinh Việt Nam nào có ai muốn ngồi bàn đầu để thu hút sự chú ý của giáo viên! Nhưng Phương không như vậy, vì nó vốn không ngại đi ngược với số đông, lại thêm phần hiếu thắng, nó vừa gảy tay Tuệ Anh, vừa chỉ vào bàn thứ 2 ở dãy bên ngoài:
- Cậu ngồi đây đi, chỗ gần cửa sổ ấy.
- Sao lại thế? - Tuệ Anh mặt đầy tư lự.
- Khi nào tớ đi qua lớp thì dễ gọi cậu hơn. Có thế mà cũng không biết.
Tuệ Anh không trả lời, chỉ e dè nhìn theo hướng chỉ tay của Phương. Đằng sau chỗ ngồi đó là Mai, người đang chống cằm lơ đãng quan sát Phương và Tuệ Anh từ khi hai đứa bước đến cửa lớp, vội nhìn sang bạn nam bên cạnh đang cặm cụi viết gì đó.
- Tớ ngồi bên kia nhé. - Tuệ Anh ra hiệu nói về dãy bàn bên trong đang có hai bạn nữ khác trông như đang chơi cờ caro. - Bàn thứ 3. Vị trí đắc địa suốt 9 năm học của tớ.
- Hồi nãy tớ gợi ý thôi, quyền quyết định thuộc về cậu mà. - Phương niềm nở thu tay lại.
Tuệ Anh nheo mắt cười, tạm biệt Phương rồi tiến vào lớp, đi thẳng về "vị trí đắc địa" của mình.
- Tớ ngồi đây nhé. - Tuệ Anh mở lời với cô bạn ngồi phía trong.
Bạn nữ, với mái tóc bob nâu trầm, mặt có lấm tấm những nốt tàn nhang và làn da trắng sáng, nghếch lên nhìn Tuệ Anh, ngồi xích sang bên phải và cười tươi, để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp:
- Cậu ngồi đi.
Tuệ Anh đặt chiếc balo màu ghi của mình xuống mé trái của băng ghế rồi ngồi xuống.
- Tớ tên là Nguyễn Khánh Mi, Mi i ngắn, còn bên cạnh tớ là Lâm Hoàng My, nhưng là My i dài. - Vừa nói Mi vừa khoác vai cô bạn có mái tóc tết đuôi sam để giới thiệu. - Sau này cứ gọi kèm tên đệm để phân biệt là được.
- Còn tớ là Tuệ Anh. Phan Tuệ Anh. Tớ thích và cũng có thể nói là có thế mạnh ở môn Văn, siêu ghét Hóa học. Các môn còn lại thì tạm ổn.
Khánh Mi không nói một lời, quay sang nói gì đó với Hoàng My khiến My mừng quýnh rồi bảo Tuệ Anh:
- Tớ đổi chỗ cho cậu ngồi cạnh My nhé. Nó cũng ghét Hóa lắm. Tớ thì không. Tớ muốn học Hóa đến tận kiếp sau, kiếp sau nữa. Mà tớ không được giỏi Văn và các môn xã hội như hai cậu.
Tuệ Anh bỗng nảy ra một ý tưởng. Nó rướn sang như muốn nói với cả Mi và My:
- Tớ có ý này. Khánh Mi ngồi giữa, còn tớ với Hoàng My ngồi hai bên. Chúng mình giúp đỡ nhau. Khánh Mi giúp tớ với Hoàng My môn Hóa, tớ với Hoàng My giúp cậu môn Văn. Các cậu thấy sao?
- Đồng ý luôn.
- Với lại, tên chúng mình đều phải gọi hai chữ, chi bằng ba đứa mình đặt cho nhau biệt danh, vừa gần gũi vừa tiết kiệm thời gian hơn. Hay tớ gọi Hoàng My là Sam, vì cậu đang tết tóc đuôi sam, Khánh Mi là Kem, hiểu là "Chemistry", nghĩa là "Hóa học", còn tớ thì chưa nghĩ ra. - Tuệ Anh tỏ vẻ suy tư.
- Tớ và Mi sẽ gọi cậu là Mây, vì cậu rất trắng. - Hoàng My hào hứng.
Mi có vẻ cũng đồng tình. Tuệ Anh cũng rất thích cái tên đó. Nó không chỉ hay, mặt khác, nó làm Tuệ Anh cảm thấy cô đã có thêm 2 người bạn tốt nữa trên đời, bên cạnh Phương và cả "bạn" Phan Tuệ Minh đang bước từ ngoài cửa vào, ngó nghiêng tìm Tuệ Anh.
- Vẫn ngồi bàn thứ 3 à? - Minh lên tiếng khi vừa trông thấy Tuệ Anh.
- Minh tìm chỗ ngồi đi. Chị ngồi đây với Sam, Kem.
Minh lại ngơ ngác nhìn Mi và My:
- Hai cậu tên lạ thế?
- Biệt danh mới có tuổi đời 2 phút của bọn tớ đấy. - Nói rồi Mi giới thiệu tên thật của mình với My và giải thích tường tận nguồn gốc biệt danh "Sam" và "Kem". - Mà cậu với Mây là họ hàng à? Trông hai cậu cũng có nét giống đấy.
Mây? Minh bày ra vẻ khó hiểu, nhưng thoáng chốc vẻ mặt ấy đã biến mất khi cậu thấy câu trả lời ở cái nhướn mày liên tiếp của Tuệ Anh.
- Có nét giống thôi à? Tớ là anh của "Mây". Tớ thấy ánh sáng trước nó 15 phút đấy.
Tuệ Anh tỏ ý không bằng lòng, quay ngoắt sang Sam và Kem:
- Em tớ đấy. Chẳng qua Minh muốn gặp mẹ quá, tớ lại làm chị nên đành nhường em thôi.
Hai cô bạn bật cười. Minh tặc lưỡi:
- Lại bắt đầu.
Kem nhìn Minh như suy xét gì đó:
- Hóa ra hai cậu là song sinh. Sinh đôi khác trứng hay thật.
- Sinh đôi khác trứng là gì? - Sam căng mặt.
Minh há hốc mồm:
- Cậu nhảy cóc từ lớp 8 để thi vào lớp 10 à?
Tuệ Anh liếc vội Minh, ra hiệu nhắc rằng cậu vừa quá lời với bạn mới. Có vẻ Minh cũng hiểu mình vừa nói chuyện hơi thô lỗ.
- Bọn tớ dù sinh đôi nhưng vẫn khác giới tính. Đấy là biểu hiện của sinh đôi khác trứng đấy. - Tuệ Anh cười ngượng nghịu.
- Hồi lớp 9 tớ mải ôn thi học sinh giỏi môn Địa quá nên hơi lơ là mấy môn văn hóa khác. Cũng may điểm vừa đủ đỗ vào Minh Thanh, nếu không tớ sẽ hối hận vì thi học sinh giỏi mà bỏ lỡ ngôi trường mơ ước mất. Hơn 1 tháng hè vừa rồi tớ phải cật lực lấy lại kiến thức Lí, Hóa, Sinh mà cũng không xuể. - Sam lắc đầu ngao ngán.
- Từ từ rồi sẽ khá lên mà. Có "tín đồ" Hóa học ở đây, cậu có muốn cũng không bỏ bê được mấy môn tự nhiên đâu. - Tuệ Anh vừa nói, vừa vỗ vào tay Kem.
Kem sực nhận ra điều gì đó, vội nói:
- Hóa, Sinh thì quá được, nhưng Lí thì tớ "chào thua" nhé. Nhiều lúc tớ tự hỏi, trời đã sinh ra tớ, sao còn sinh ra Vật lí. Tại sao Stephen Hawking có thể chống chọi với bệnh tật chỉ bằng đam mê với ngành Vật lí nhỉ?
- Cũng giống như cậu đòi học Hóa đến tận kiếp sau nữa đấy thôi. Với lại, cậu không biết đam mê có sức mạnh to lớn như thế nào đâu. - Mắt Sam lấp lánh hơn bao giờ hết, và Tuệ Anh cũng gật đầu. Minh biểu cảm như thể mình đã bỏ lỡ một phần nào đó khá thú vị của cuộc hội thoại này.
- Vật lí hay mà. - Bỗng có một giọng nam vang lên từ bàn thứ 5 ở sau lưng khiến mọi người trong lớp đổ dồn ánh mắt về phía cậu bạn đang mặc chiếc áo phông màu cam sáng chói. Cả Minh, Tuệ Anh, Sam và Kem cũng không thể ngừng chú ý cậu bạn này.
Cậu đeo một cặp kính gọng đen, mắt kính dày cộp không biết vì tiếp xúc ánh sáng xanh quá nhiều hay vì cậu là mọt sách. Cậu không để ý ánh mắt của mọi người, hào hứng trèo qua băng ghế rồi chạy một mạch đến chỗ của Tuệ Anh và các bạn.
- Vật lí quan trọng lắm. Stephen Hawking từng nói rằng "I don't think the human race will survive the next thousand years, unless we spread into space", đại ý là loài người sẽ không thể tồn tại trong một nghìn năm nữa nếu không vươn tới vũ trụ. Vũ trụ phần đa được nghiên cứu ở lĩnh vực Vật lí. Nhân tiện, tớ là Hải, và tớ không có ý định nghe lén các cậu nói chuyện. Chỉ tại tai tớ hơi nhạy, lại lỡ nghe được chữ "Vật lí" và "Stephen Hawking" trong câu chuyện của các cậu.
- Không sao. Cậu thích Vật lí lắm à? - Kem tò mò.
- Tớ cũng xin giới thiệu: Đứng trước mặt các cậu lúc này là người đã từng mất ăn mất ngủ để "cày" hết cuốn "Lược sử thời gian" trong vòng 3 ngày và "cày" lại lần nữa trong 2 ngày tiếp theo, vì Vật lí là số một trong lòng tớ, còn Stephen Hawking cũng là số một nhưng cao hơn một chút.
- Nghe cách cậu bắt chuyện với bọn tớ là thấy cao chừng nào rồi. - Minh trêu chọc.
- Tớ xin lỗi. Hồi nãy tớ nói nghe ngạo mạn lắm à? - Hải ái ngại gãi đầu.
Kem liếc nhìn Minh đang nhịn cười, tếu táo:
- Không, nghe tri thức và rất cuồng si.
Tuệ Anh tiếp lời:
- Minh hay đùa lắm. Bao nhiêu năm nay nó chưa sửa được. Cậu nghe thôi chứ đừng để bụng.
- Tớ cũng lỡ biết hai cậu là anh em sinh đôi khác trứng cách nhau 15 phút rồi. - Hải nhìn từ Tuệ Anh sang Minh.
- Còn cái gì cậu chưa nghe được nữa không? - Sam nhìn Hải đầy nghi hoặc.
- Tớ nghe được từ chỗ "Tớ ngồi đây nhé" thì còn thiếu gì không? - Hải thú thật với vẻ mặt khẩn xin sự tha thứ từ các bạn.
- Thiếu lịch sự. - Sam, Kem và Tuệ Anh đồng thanh, trước tiếng cười giòn giã của Minh và sự ngượng ngùng của Hải.
Bầu không khí đang căng thẳng giữa năm người thì cả lớp đột nhiên im lặng. Chúng ngơ ngác nhìn nhau rồi nhìn ra cửa sổ. Không có ai cả. Khoảng ba giây sau, Hải phì cười:
- Lại thế.
Năm người như đang có một sự kết nối, ngầm hiểu ý của Hải. Không đúng, cả lớp, dù không nghe được Hải nói gì, cũng khúc khích cười. Không một ai trong số những học sinh ấy chưa trải qua cảm giác này, cái cảm giác khi chứng kiến những cuộc trò chuyện tách biệt đang rôm rả bỗng cùng dừng lại một nhịp, để lại cho lớp học không gian tĩnh mịch như không có một ai ở đó. Tất cả, đồng thời.
Khoảng 15 phút sau, ngoài hành lang truyền đến những tiếng giày lộp cộp. Hải và Minh nhanh chóng ngồi ngay vào bàn đầu tiên ở cùng dãy với Tuệ Anh, Sam và Kem, bàn duy nhất chưa có ai ngồi, cũng là bàn đối diện trực tiếp với giáo viên. Khỏi nghĩ cũng biết cuộc họp hội đồng đã kết thúc và giờ là lúc giáo viên chủ nhiệm nhận lớp của mình. Một vài thầy giáo, cô giáo đi ngang qua lớp. Cứ mỗi lần như vậy, từng đứa lại nín thở, hồi hộp không biết đó có phải người sẽ lèo lái con thuyền 10A2 trong 3 năm tới không. 2, rồi 3 cô giáo đi thẳng đến những lớp học bên cạnh. Tuệ Anh thắc mắc ai trong số họ sẽ là giáo viên chủ nhiệm của Phương, vì lớp của nó nằm ở bên đó, ngăn cách với lớp nó bởi lớp 10A3. Và rồi, người mà những đứa trẻ ấy đang mong chờ từng giây, từng phút cũng bước tới.
- Hai bạn nữ ngồi bàn thứ 3 và bàn cuối ở dãy trong, các em giúp cô mở cửa sổ ra tận dụng ánh sáng mặt trời nhé. Nắng lúc 8 giờ vẫn tốt cho cơ thể. Tuổi này các em phải chăm ra ngoài lúc sáng sớm, hoặc ít nhất mở cửa sổ đón lấy ánh sáng, khỏi bị cớm nắng, không phát triển chiều cao được đâu.
Tuệ Anh và bạn nữ tóc xù mà cô cho là vô cùng ấn tượng cùng nghe lời cô giáo và lập tức đứng lên kéo cửa kính, nhẹ nhàng đẩy hai cánh cửa xếp nằm ở ngoài cùng ra. Một biển nắng cuối hạ ùa vào lớp học. Lúc này Tuệ Anh mới thấy rõ Minh Thanh còn đẹp hơn những gì cô đã thấy. Đằng sau dãy lớp 10 là một bãi đất rộng, cao chừng một mét, mọc đầy hoa xuyến chi, được bao quanh bởi một hàng taluy nhỏ xinh. Một cung đường bê tông nhỏ được rợp xanh bởi những bóng cây đinh hương tỏa hương thơm ngát và tô điểm bởi những bông hoa phượng vĩ đỏ rực còn sót lại sau những trận mưa mùa hè. Tuệ Anh yêu cái cảnh sắc này vô cùng. Một cảnh sắc nguyên sơ nhưng thật nao lòng, khiến Tuệ Anh thả hồn theo mà không nghe cô giáo đã gọi mình đến lần thứ 2. Chỉ khi Kem khều tay và giọng nói "Này" quen thuộc của Minh cất lên đủ lớn thì Tuệ Anh mới giật mình và vội ngồi vào vị trí.
- Cậu thấy tài đặt tên của tớ chưa. Đúng là "Mây". - Sam tỏ vẻ đắc ý, mặc kệ Tuệ Anh đang nhìn cô giáo với vẻ mặt ngại ngùng và ra hiệu Minh với Hải dừng việc cợt nhả với hành động của mình vừa rồi.
- Trước hết, chúc mừng những chú "tiểu xà" bản lĩnh đã vượt vũ môn thành công và đến với Minh Thanh ngày hôm nay. - Cô giáo nhìn quanh lớp một lượt, sau khi cô đã đặt cặp xách yên vị xuống chiếc ghế giả da màu xanh nước biển cùng một xấp giấy A4 trên bàn giáo viên. - Từ bây giờ, các em sẽ chính thức là những cô cậu học trò cấp ba. Như thầy Nam đã nói, khoảng thời gian cấp ba rất đẹp và sẽ ý nghĩa vô cùng nếu các em khám phá ra bản ngã của chính mình. Cô chỉ chúc các em sẽ có một khoảng thời gian thật đẹp trong 3 năm cuối cùng của cuộc đời học sinh. Điều cô mong mỏi nhất với tất cả thế hệ học sinh của mình là đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong tập thể. Các em đồng ý với cô như vậy nhé.
Từ dưới lớp đồng thanh một tiếng "Vâng ạ" khiến cô nở một nụ cười hiền hòa.
- Cảm ơn các em. Lát nữa, cô sẽ phát cho các em nội quy chung của toàn trường. Nhiệm vụ của các em trong 5 phút sau khi các em nhận được giấy là đọc, hiểu và ghi nhớ chúng. Có chỗ nào chưa hiểu, các em có thể hỏi cô. Còn bây giờ, chúng ta làm quen trước nhé. Cô tên là Lê Kim Liên, giáo viên môn Ngữ Văn, đã giảng dạy ở trường 22 năm và sẽ tròn 23 năm vào tháng 10 tới đây. Trong quá trình cô dạy và các em học, chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp cho nhau những thắc mắc nếu có, vì cả cô và các em không ai là hoàn hảo. Có thể cô cũng sẽ có nhiều điều học hỏi từ các em. Hãy chuẩn bị tinh thần trả lời thật nhiều câu hỏi của cô nhé.
Đây là lần đầu tiên những học trò mới 15, 16 tuổi nghe được những lời mà theo chúng là xuất phát từ tận đáy lòng như câu nói của cô Liên. Nhưng điều chúng ái ngại hơn là cô Liên sẽ hỏi chúng "thật nhiều"! Lần này, chỉ có Minh, Hải và bạn nam mà Tuệ Anh trông thấy đang lúi húi ghi chép gì đó khi mới bước vào cửa lớp là phát âm tròn vành rõ chữ hai tiếng "Vâng ạ" với âm lượng đủ để nghe thấy. Cô Liên tiếp tục:
- Các em đã biết về cô, và giờ là lúc các em cho cô biết đôi chút, ít nhất là tên khai sinh của các em và cả tên gọi ở nhà nếu các em muốn có sự thoải mái như ở nhà khi đang ở trên lớp với cô và các bạn. Tên gọi nên là thứ kết nối giữa người với người chứ không đơn thuần chỉ để gọi, phải không nào? Chúng ta sẽ bắt đầu từ bạn nam đeo kính mặc áo màu da cam ở bàn đầu nhé. - Cô Liên vừa nói, vừa bật cười với khuôn mặt ngơ ngác của Hải. - Đúng rồi, em đấy.
Và cả lớp lẫn cô Liên cùng nghe câu chuyện về cuốn sách "Lược sử loài người", về Vật lí và về Stephen Hawking của Hải, Vũ Hoàng Hải. Cậu còn nhấn mạnh với mọi người rằng cậu hay được bố mẹ và ông bà gọi là Quắt từ hồi bé, dù bây giờ cậu không còn nhỏ con chút nào và cũng không hy vọng mọi người sẽ gọi cậu bằng cái tên đó là bao.
Đến lượt Minh, cậu đứng phắt dậy, quay lại vẫy tay chào mọi người phía sau lưng mình.
- Em thưa cô, em là Phan Tuệ Minh. Mọi người hay nhầm tên em là con gái, nhưng bố mẹ em bảo cái tên này là ứng cử viên sáng giá nhất trong hai chục cái tên mà bố mẹ phải đắn đo rất nhiều. Ở nhà em không có tên khác nhưng rất hay bị em gái em gọi là "Ê" ạ.
Nói rồi Minh quay xuống nhếch mép nhìn Tuệ Anh. Nó cũng ném lại một ánh mắt hình viên đạn rồi nói "Tính đàn bà" bằng khẩu hình mà Minh không cần nghe tiếng cũng hiểu.
Cứ như vậy, đến lượt Mai, cô bạn ngồi gần cửa sổ bàn thứ 3 ở dãy ngoài cùng đứng dậy.
- Em chào cô, chào cả lớp. Em là Trần Thị Thanh Mai. Em rất vui khi được trở thành thành viên của lớp 10A2 ạ. Em mong cô và các bạn sẽ giúp đỡ em trong 3 năm tới ạ.
Sau khi giới thiệu xong, Mai gẩy nhẹ tay bạn nam bên cạnh rồi ngồi xuống. Cậu bạn giật mình, vội buông bút, ngượng nghịu:
- Em chào cô, chào cả lớp. Em tên là Hoàng Gia Bảo, cô và các bạn có thể gọi em là Bảo cho ngắn ạ.
Mai ngồi bên cạnh thở dài, nói với lên:
- Không gọi là Bảo thì gọi là gì. Học IELTS ít thôi, có dấu hiệu tẩu hỏa nhập ma rồi đấy.
- Kệ cháu. - Bảo thì thầm.
Một vài bạn ngồi xung quanh cười tủm tỉm. Bảo càng thêm ngượng ngùng, tiếp tục cầm bút lên ghi chép miệt mài.
Sam đứng lên giới thiệu với cả lớp sau khi bạn Đặng Ngọc Linh Chi ở bên dãy kia đã ngồi xuống. Sam nói lại nguồn gốc của biệt danh mà mình mới có, Kem và Tuệ Anh cũng vậy. Mọi người đều đồng thuận với mong muốn được gọi bằng biệt danh của Kem và Sam, chỉ có điều riêng Tuệ Anh thì sẽ linh hoạt về khoản danh xưng.
Cô Liên trông có vẻ khá hài lòng về sự mở màn này của lớp 10A2.
- Cảm ơn các em đã không ngại chia sẻ cho cô và các bạn về các em một cách gần gũi nhất. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng thống nhất một việc như thế này. Chúng ta sẽ bầu ban cán sự chính thức vào Đại hội chi đoàn vào cuối tuần sau. Trong một tuần tới, cô cần một bạn ứng cử làm lớp trưởng tạm thời để giúp cô một số việc quan trọng. Ai xung phong nào?
Cả lớp không một tiếng động. Tuệ Anh có thể nghe rõ mồn một tiếng chim vành khuyên hót líu lo hành lang của lớp, cũng có thể nghe được tiếng nói của các thầy cô từ hai lớp bên cạnh. Cô Liên như đã dự đoán trước được điều này, nhìn qua lớp một lượt và thấy không ít những ánh mắt nhìn ra cửa sổ, lên quạt trần hay những cái cúi người nhè nhẹ. Rồi cô trông thấy Bảo vẫn đang viết lách chăm chú:
- Bạn Bảo "cho ngắn" sẽ nhận nhiệm vụ này nhé. Em có quyền từ chối, nhưng nếu em từ chối, em hãy đề cử giúp cô một bạn mà em tin tưởng là có thể làm được công việc này.
Bảo giật mình, nghĩ ngợi đôi chút rồi lên tiếng:
- Thưa cô, em xin sử dụng quyền từ chối ạ. Em xin phép đề cử dì, à không, bạn Trần Thị Thanh Mai đang ngồi bên cạnh em ạ. Với trải nghiệm học chung với... bạn Mai từ hồi mẫu giáo, em cảm thấy bạn là con người đa năng, có thái độ trung thực, cầu thị và luôn tiếp thu ý kiến của người khác một cách tích cực nhất có thể ạ. Đó là tất cả ạ, cảm ơn cô và mọi người đã lắng nghe.
Cô Liên rất hài lòng với lời giới thiệu không chút vấp váp của Bảo. Cô nói:
- Mai, em có sẵn lòng đóng góp sức lực vào công việc chung của lớp không?
Mai đứng dậy:
- Em thưa cô, em sẵn sàng ạ.
- Có ai có ý kiến gì không? - Cô Liên nhìn cả lớp.
Cả lớp tươi tỉnh, đồng thanh đáp:
- Không ạ!
- Em cảm ơn cô, tớ cảm ơn mọi người đã tin tưởng giao phó trách nhiệm này cho tớ. Tớ sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao trong một tuần này. - Mai nhẹ nhàng nói.
Cô Liên tỏ ý rất hài lòng. Cô nói tiếp:
- Vậy là lớp ta còn thiếu Bí thư. Có ai cảm thấy đủ tự tin và năng nổ để ứng cử mình cho vị trí này không?
Tuệ Anh chợt nhìn thấy một cánh tay giơ thoắt lên ngay trước mặt. Theo trí nhớ của Tuệ Anh, cậu bạn đó là Lâm, Bùi Đức Lâm.
- Em thưa cô, em tự ứng cử ạ.
- Em có thể cho cô biết lí do gì khiến em quyết định nhanh như vậy không? - Cô Liên cười.
- Em có nhiều lí do lắm ạ. Nhưng có 2 lý do lớn: em thích vị trí này và em muốn tiếp nối truyền thống của gia đình ạ. - Lâm vẫn nhìn cô Liên đầy tự tin. - Bố em và anh trai em đều làm bí thư của lớp hồi còn học cấp ba nên em được học hỏi kha khá ạ.
Cô Liên tỏ vẻ đầy bất ngờ, kèm theo đó là tiếng "ồ" rất to và đồng thanh của cả lớp, trong đó có Tuệ Anh. Minh và Hải vỗ tay nhiệt tình ngay khi Lâm vừa dứt lời.
- Phản ứng của cả lớp là câu trả lời của cô. Chúc em thành công trên con đường tiếp bước truyền thống cha anh nhé. - Cô Liên rạng rỡ nói. - Được rồi, bây giờ Minh giúp cô phát nội quy chung của nhà trường cho các bạn nhé. 5 phút của các em sẽ không kể thời gian phát giấy.
Hầu hết những nội quy này Tuệ Anh và các bạn đã quá quen thuộc. Mặc đồng phục vào thứ 2, thứ 5 hàng tuần. Tuân thủ luật an toàn giao thông. Không mang đồ ăn vào lớp học. Tôn trọng, lễ phép với thầy cô giáo... "Không sử dụng điện thoại trong giờ học" có lẽ là quy định mới nhất, vì không giống như cấp một, cấp hai, kể từ cấp ba, chúng mới được sử dụng điện thoại trên trường một cách quang minh chính đại!
Sau khi đã chắc chắn không ai có thắc mắc về nội quy, cô Liên mới tiếp tục:
- Lát nữa, các em sẽ ở lại một lúc để lấy số đo may áo đồng phục. Đồng phục mới sẽ được phát cho các em trước khi khai giảng. Từ giờ cho đến lúc đó, các em có thể mặc tự do, nhưng phải trong khuôn khổ. Lịch sự, chuẩn mực là kim chỉ nam. Các em phải mặc áo có cổ và quần dài, trừ quần ngủ, đi giày hoặc dép quai hậu. Hãy để mình xuất hiện trước đám đông trong bộ dạng chỉnh tề nhất.
Sau tiếng "Vâng ạ" dứt khoát của cả lớp, cô Liên nói:
- Được rồi, hôm nay đến đây thôi. Cả lớp nghỉ đi. Cô chúc các em có một cuối tuần vui vẻ và lành mạnh.
Cô Liên tạm biệt lớp và xách cặp ra ngoài. Một lúc sau, cả lớp lần lượt được lấy số đo và ra về. Phương đã đứng chờ Tuệ Anh ở nhà gửi xe của lớp 10A2 từ lúc nào. Tuệ Anh kể cho Phương nghe về Sam, Kem, Hải và những người người bạn mới khác, về cô giáo chủ nhiệm mới. Phương cũng nói với Tuệ Anh về cậu bạn mới cùng bàn "nói nhiều" và rất hay pha trò. Tuệ Anh vẫy tay chào Minh đang đứng nói chuyện vui vẻ với Long ở cửa lớp 10A1 rồi leo lên phía sau xe của Phương, cùng nhau ra Bờ Hồ ăn kem Tràng Tiền. Buổi nhập học của cấp ba đã kết thúc như thế.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top