Gió O - Tranlamhp1
http://www.gio-o.com/GioOPhongVanVoDinh.html
Gió O
phỏng vấn
nhà văn hoạ sĩ Võ Đình
Lê thị Huệ thực hiện
Lê thị Huệ : thưa ông, có nhận xét nói rằng vẽ là một trạng thái thư giãn và viết là một trạng thái căng thẳng. Thế khoái lạc đến từ sinh hoạt sáng tạo của hai bộ môn này, theo ông, nằm ở đâu ? Điểm nào là điểm gặp gỡ và điểm nào là sự chia lìa ?
Võ Đình : Ai bảo “ vẽ là một trạng thái thư giãn, còn viết là một trạng thái căng thẳng” ? Tôi nghĩ rằng vẽ hay viết đều là một thứ "xuất não." Cả hai đòi hỏi người làm nghệ thuật phải đi sâu vào tâm thức. Cả hai gặp nhau ở điểm thống khoái sáng tạo. Viết, giao tiếp với tha nhân nhiều hơn. Cả đời, tôi vẽ nhiều hơn viết. Bây giờ, trên 70 rồi, có lẽ tôi viết nhiều hơn vẽ.
Lê thị Huệ : Quan niệm của người Việt ngày trước vẫn xếp hội hoạ vào một trong bốn món giải trí tinh thần, “cầm, kỳ, thi, hoạ.” Hội hoạ theo tinh thần giải trí này có nghĩa là “mua vui” , như ngâm thơ, chơi đàn. Nếu nói như ông, thì ngày nay người ta đã thay đổi cách nhìn chăng ?
Võ Đình : Đúng thế. Ngày nay người ta đã thay đổi cách nhìn. Làm văn nghệ không phải để giải trí. Làm văn nghệ rất “khổ” vì chỉ muốn làm cho hay hơn, đẹp hơn. Đi tận cùng ý niệm về phẩm chất. Nói như Sir Herbert Read, nhà thơ, nhà phê bình Anh quốc : “ Ý niệm về phẩm chất đó là ý niệm về cái đẹp, và rốt cuộc, ý niệm về cái đẹp là ý nghĩa cốt tử của đời sống; không có nó, chúng ta tiêu tùng.”
Lê thị Huệ : Theo tôi, truyện “Chiếc Vòng” của ông là một truyện ngắn hay. Ông có thể nói về truyện này một chút được không ?
Võ Đình : Tôi viết "Chiếc Vòng" sau chuyến về Việt Nam lần đầu tiên năm 1974. Nhiều người thích nhưng ông Võ Phiến, người tôi cho là bậc thầy, lại "chê", bảo rằng 'tha thiết, nhưng không hay bằng vài truyện khác."
Lê thị Huệ : "Chiếc Vòng", "Huyệt Tuyết" cùng một số truyện ngắn khác của ông đã rất thành công trong diễn tả những giao tiếp với thế giới "hư", như sự giao tiếp với thời gian, kinh nghiệm với cái vô hình, cái hư rượt đuổi cái thực. Theo tôi, có những truyện ngắn của Võ Đình là những tác phẩm lớn của văn chương Việt Nam. Người đọc như tôi hơi tiếc là tại sao Võ Đình đã không khai thác những ám ảnh ấy theo thể truyện dài
Võ Đình : Cảm ơn cô đã tiếc. Tôi không tiếc. Tôi nghĩ rằng truyện ngắn là hình thức văn chương thích hợp nhất cho không, thời gian những truyện ấy. Với lại, cuộc sống và sự đời, phải chăng đó là những "truyện ngắn" nối kết cùng nhau ? Tôi nghĩ rằng truyện ngắn là hình thức thực tại của sự đời. Truyện dài là một chuỗi dài lóng lánh, nối kết do sự giả tạo của con người, trong khi truyện ngắn là những hạt trân châu làm nên chuỗi dài đó. Bá nhân bá bao tử !!!
Lê thị Huệ : Nghệ thuật viết truyện và chuyện là chuyển tải đời sống lên văn. Những tác phẩm hay phải là những tác phẩm đơn giản hoá những vấn đề phức tạp nhất của đời sống, bằng ngôn ngữ. Quy luật sáng sủa phải là quy luật quan trọng nhất của viết. Vì đời sống quá phức tạp, kẻ tài hoa phải là kẻ sáng tạo lại đời sống trong một hình thái dễ hiểu nhất về những điều phức tạp rối rắm của tâm hồn và đời sống. Ông là một trong vài nhà văn Việt Nam hiếm hoi mà tôi ngưỡng mộ vì ông là có lối viết đơn giản và trong sáng mà lại chuyển tải được những thâm trầm sâu sắc về những câu chuyện chọn viết. Nhưng trong dịp cuối năm vừa qua, tôi đọc được hai bài “Nhìn lại 30 Năm Văn học Hải ngoại” của hai người “đòi” phê bình văn học này nọ, họ không nhắc đến tên ông (họ có nhắc đến tên tôi, không biết có phải vì tôi là gái có viết vài chuyện hơi sexy gì đó chăng). Biết là đã thất vọng từ lâu, nhưng thú thật khi đọc phải hai bài viết này và không thấy có những tên của Võ Đình, Nhất Hạnh, Nghiêm Xuân Hồng, tôi nản không thể tả. Ông nghĩ thế nào ?
Võ Đình : Cám ơn cô đã có những lời ưu ái về những cố gắng của tôi. Có người không nhắc đến tên tôi cũng là chuyện thường tình thôi.
Lê thị Huệ : Trong truyện ngắn Huyệt Tuyết và trong phần lớn các truyện của ông, ngôn ngữ của “tâm” không nhiều bằng ngôn ngữ của “thân”, nhưng lại là mối ám ảnh và lôi cuốn mạnh mẽ hơn cả ngôn ngữ của “thân." Ông đã có một bài viết về ngôn ngữ của “thân tâm.” Đây có phải là một thứ triết lý trong các truyện của Võ Đình mà một độc giả nghiêm chỉnh (và các nhà phê bình văn học Việt Nam) cần phải lưu ý trong truyện và cả trong tranh của ông ?
Võ Đình : Wilhem De Kooning, một hoạ sĩ xuất sắc trường phái Trừu-Biểu-Tượng (Abstract-Expressionism) của New York, từng gọi sự giằng xé, và sau đó, quân bình trong thâm tâm, là một “inner necessity”. Một nhu cầu nội tại. Trong cái viết, “nhu cầu nội tại” đó, có mặt đó, nhưng không mãnh liệt bằng trong cái vẽ.
Lê thị Huệ : Từ "giằng xé" đến "quân bình" trong thâm tâm là một đoạn đường dài. Có cần thiết phải có "quân bình" không ? Tôi nghiệm ra một điều là giới sáng tác vận dụng đến các hoá chất như rượu, ma tuý, cà phê, thuốc lá … hơi nhiều. Nhiều người nhờ ma tuý và rượu mà sản sinh được những tác phẩm để đời. Những tác phẩm của các tác giả này hoàn toàn ngược lại với điều ông gọi là sự quân bình. Ông nghĩ sao ?
Võ Đình : Có cần thiết phải quân bình không ? Rất cần. Tôi biết “nghệ sĩ”, nhiều người dùng rượu, ma tuý, cà phê, thuốc lá … để tìm cảm hứng. Nhưng đó là nhất thời. Về lâu về dài, phải có quân bình trong tâm hồn mới bảo đảm sự sáng tạo dài hơi. Có những trường hợp ngoại lệ. Dĩ nhiên.
Lê thị Huệ : Ông có nhận xét gì về nghệ thuật gọi là “phản nghệ thuật,” và thơ gọi là “phản thơ” ?
Võ Đình : Thời gian có khả năng gạn lọc thần tình và tàn nhẫn. Có những nghệ thuật gọi là “phản nghệ thuật” để rồi được thời gian chứng minh là nghệ thuật chân chính. Có những thơ gọi là “phản thơ” để rồi được thời gian chứng minh là thơ có giá trị. Nếu không may mắn như vậy thì “nghệ thuật” và “thơ” sẽ tiêu tan vào quên lãng. Tôi tin cậy ở sự gạn lọc của thời gian.
Lê thị Huệ : Tôi muốn hỏi nhà văn: các sáng tác tiếng Việt có cần kỹ thuật nhiều lắm không ? Ông nắm bắt được kỹ thuật viết truyện ngắn của Âu Mỹ rất “tới”; sử dụng tiếng Việt ở cấp độ trí thức, kỹ, sâu sắc, và tinh xảo. Nói tóm lại, người độc giả trí thức Việt Nam sẽ rất hài lòng khi đọc những truyện ngắn của Võ Đình. Ông có theo học các lớp viết truyện ở các đại học Âu Mỹ nào không ?
Võ Đình : Kỹ thuật viết rất cần. Cần nhiều. Về các lớp viết truyện : không, tôi không theo một lớp nào cả. Tôi chỉ đọc nhiều. Đọc sách là một thú lớn. Rất lớn. Nhưng khi viết, tôi viết theo bản năng. Nghĩa là tôi viết theo sự thôi thúc trong tâm tư. Viết cũng là một thú lớn. Rất lớn.
Lê thị Huệ : Ông nghĩ những truyện của Thạch Lam có nhờ đến kỹ thuật viết không, hay chỉ nhờ vào lời văn nhẹ nhàng trong sáng là được độc giả Việt Nam yêu thích ? Hoặc như một tác giả đang đắt hàng ở Việt Nam hiện nay là Nguyễn Ngọc Tư có cần học tập kỹ thuật viết nào không, khi độc giả bình dân Việt Nam đã đón nhận cô tác giả (hơi có màu đo đỏ vì chuyên trị chuyện đấu tranh của giai cấp vô sản) này hết sức là nồng nhiệt ?
Võ Đình : Viết sao cho nhẹ nhàng, trong sáng là một kỹ thuật. Viết câu văn nặng nề, tối tăm, là một kỹ thuật khác. Ngày trước, Thạch Lam được yêu chuộng vì sự trong sáng, nhẹ nhàng, cũng dễ hiểu thôi. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Tư cần “luyện” câu văn hơn nữa. Cô ấy còn trẻ lắm. Đường còn dài.
Lê thị Huệ : Ông có khả năng viết bằng tiếng Pháp, Anh và Việt. Ông nhận xét gì về tiếng Việt trong văn viết. Viết văn tiếng Việt khác với viết văn bằng các thứ tiếng kia như thế nào ?
Võ Đình : Tôi là người Việt Nam. Tôi yêu tiếng Việt. Có những điều diễn tả bằng tiếng Việt mới đầy đủ. Tôi có thể viết bằng tiếng Pháp hay Anh, nhưng đã chọn viết bằng tiếng Việt. Nói thế, không có nghĩa rằng tôi không yêu tiếng Pháp tiếng Anh. Nhưng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi.
Lê thị Huệ : Chúng ta là những người đầu tiên mở cánh cửa cho những tác phẩm tiếng Việt chào đời ở ngoài Việt Nam. Hiển nhiên là ông sống ngoài Việt Nam nhiều hơn ở trong nước. Có khi nào ông suy nghĩ về hiện trạng này, và về đời sống của tiếng Việt ở ngoài địa lý Việt Nam ?
Võ Đình : Tôi nghĩ rằng trân quý cái gì thì nên tìm hiểu và nâng niu cái mình trân quý. Tôi thấy phần đông đồng bào ta – trong nước cũng như hải ngoại - không làm như thế với tiếng Việt.
Lê thị Huệ : Từ cấu trúc cho đến đời sống của ngôn ngữ, tôi nghĩ mỗi ngôn ngữ có một số mệnh riêng. Một người có thể sống trong hai, ba ngôn ngữ. Với cơ chế toàn cầu hoá hiện nay, có vẻ như con người đang tiến dần đến việc có thể cần đến hai ngôn ngữ : tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Ông có nhu cầu bảo vệ hay phát triển một ngôn ngữ này hơn một ngôn ngữ khác không ?
Võ Đình : Có. Tôi vẫn sáng tác bằng tiếng Việt như một hình thức bảo vệ, và đồng thời cũng phát triển nó bằng cách dịch tiếng Việt ra ngoại ngữ. Mới đây, tôi có dịch một số truyện ngắn viết bằng tiếng Việt ra Anh ngữ. Tôi đưa con gái coi lại. Con gái út tôi sinh ở Mỹ năm 1967, là một nhạc sĩ, có khiếu văn chương. Đọc những “nhuận sắc” của nó, tôi bàng hoàng : phải là một người sinh trưởng ở đất nước này, phải là một người có khiếu văn chương, mới viết được như vậy.
Lê thị Huệ : Ông rời Việt Nam nay đã trên 50 năm. Ông lại có khuynh hướng tách lìa cộng đồng Việt Nam. Bao nhiêu năm nay ông thường chọn sống ở những nơi “sơn cùng thuỷ tận”, những nơi có ít người, nhất là ít người Việt. Nhưng đọc truyện của ông vẫn thấy tiếng Việt nhuyễn nhừ, thân cận, không bị cảm giác tiếng Việt "cũ" áp đảo tiếng Việt "mới." Ông giao tiếp với tiếng Việt bằng cách nào? Ông nghĩ sao khi trong nước nói những người sống lâu ngoài nước có số vốn từ ngữ hạn chế nên không thể viết “chuẩn” được ?
Võ Đình : Giản dị. Tôi giao tiếp với tiếng Việt bằng cách sống nó. Tôi nói tiếng Việt. Tôi đọc tiếng Việt. Tôi suy nghĩ bằng tiếng Việt. Có ai tò mò muốn biết thêm về chuyện này, xin đọc Sống ở Mỹ, Viết Tiếng Việt ( Rừng Mắm Văn Nghệ, Văn Nghệ, 2,000, trang 221). Những người trong nước nói rằng những người sống lâu ngoài nước có số vốn từ ngữ hạn chế nên không thể viết “chuẩn” được : nói như thế là hàm hồ. They don’t know what they’re talking about !!!
Lê thị Huệ : Có phải đấy là lý do mà ông chưa bao giờ ngỏ ý muốn in sách ở trong nước ? Nghe nói lâu nay ông vẽ nhưng nhất định không triển lãm nữa, và cũng không cho ai xem tranh mình ?
Võ Đình : Không. Đó không phải là lý do tôi không muốn in sách ở trong nước, mặc dầu có nhiều cơ hội. Tôi nghĩ rằng in một cuốn sách mà phải vòng vo mấy cửa ải, phiền quá ! Còn chuyện vẽ mà không trưng bày, chỉ giản dị là tôi chán chuyện trưng bày lắm rồi. Tôi đã có đến trên 40 triển lãm khắp nơi. Phiền toái lắm. Vất vả lắm. Từ ngày đến tuổi lãnh tiền An sinh Xã hội, tức là từ 65 tuổi – tôi không có tiền hưu (pension) vì cả đời ở Mỹ đâu có đi làm ! - tôi không muốn mệt mỏi vì chuyện trưng bày tranh nữa. Nếu có ai biết ngắm tranh, và không nghĩ rằng tôi cho xem tranh vì muốn bán tranh, tôi sẵn sàng mời xem.
Lê thị Huệ : Ông hình dung một độc giả của ông như thế nào ? Ông nghĩ sao về độc giả Việt Nam ?
Võ Đình : Tôi tưởng tượng một độc giả lý tưởng của tôi : yêu sách vở, trầm ngâm, đọc và suy nghĩ kỹ.
Nhưng, người Việt Nam không đọc sách nhiều như tôi tưởng.
Lê thị Huệ : Ông đọc những cuốn sách nào trong thời gian gần đây ?
Võ Đình : Tôi đọc Life of Pi của Yann Martel. Lai rai các truyện ngắn của Phan Triều Hải, Trần Thuỳ Mai, Quế Hương, Nguyễn Ngọc Tư …
Lê thị Huệ : Ông có vẻ thích lối văn của nhà văn Võ Phiến ? Ông Võ Phiến có vẻ chịu ảnh hưởng lối viết của Tự lực Văn Đoàn ? Ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Võ Đình : Ông Võ Phiến "có vẻ" chịu ảnh hưởng lối viết của Tự lực Văn Đoàn. "Có vẻ" thôi. Võ Phiến rất yêu Nhất Linh, Thạch Lam … Nhưng Võ Phiến có cách viết riêng của ông ấy. Và tôi rất thích.
Lê thị Huệ : Ông có chữ ký đẹp. Là một hoạ sĩ, ông có nghĩ những điều này chuyển tải lên trên nội dung bài viết ? Nếu viết tay, tác phẩm sẽ khác với một tác phẩm đánh máy ? Ông có nghĩ là thế giới sáng tác trên máy chữ khác với thế giới sáng tạo bằng ngòi bút ? Sẽ có ngày người ta không biết viết chữ đẹp nữa, và một định nghĩa về cái đẹp có thể khác đi chăng ?
Võ Đình : Một tác phẩm trên máy đánh chữ và một tác phẩm viết tay khác nhau lắm chứ. Nhưng cô có lý khi nói rằng “sẽ có ngày người ta không biết viết chữ đẹp nữa, một định nghĩa về “nét” bút, “ nét” vẽ có thể khác đi.” Chắc cô còn nhớ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên ?
Lê thị Huệ : Nhưng còn phần linh hồn của nét chữ thì sao ? Tôi muốn hỏi là cái đẹp phát biểu bằng ngòi bút sẽ thay đổi theo chiều hướng nào khi được thay thế bằng máy computer và keyboard ? Ông có nghĩ rằng cái đẹp sẽ đổi thay theo một chiều hướng nào đó ?
Võ Đình : Tôi nghĩ rằng cái đẹp của nét bút sẽ thay đổi với thời thế. Chẳng hạn, cái xem là Tuyên ngôn Độc lập cũa Mỹ quốc trong bảo tàng viện. Một thời người ta cho rằng viết như vậy là đẹp. Sau đó, những kiểu chữ “rông” (ronde) của Pháp được coi là đẹp. Bây giờ, người ta viết nhiều kiểu lắm. Nhưng có một nguyên tắc luôn luôn tồn tại : Đó là nét bút đẹp là nét bút phóng khoáng, không gò bó. Nét bút vững chãi, gọn ghẽ, tự do. Tôi không biết là cái đẹp sẽ đổi thay theo chiều hướng nào. Tôi chỉ nghĩ rằng máy điện não (chữ của ông giáo sư Nguyễn Đình Hoà) sẽ ảnh hưởng nhiều trên chiều hướng đó.
Lê thị Huệ : Đời sống của ông có vẻ bí ẩn. Ông tránh xa đám đông đến mấy chục năm, chỉ thỉnh thỏang mới xuống núi, lìa rừng hay xa vườn. Ông có thể cho độc giả Gió-O biết sơ sơ một chút về sự quy ẩn quá lâu của ông như thế nào không ?
Võ Đình : Tôi không “tránh xa đám đông.” Tôi chỉ muốn ăn ở, làm việc tại một nơi yên tĩnh thôi. Tôi thích mấy câu của Nguyễn Bỉnh Khiêm :
….. Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao ….
Lê thị Huệ : Nếu phải trả lời một câu hỏi "Ông là một người đàn ông như thế nào ?" thì ông sẽ trả lời như thế nào ?
Võ Đình : Đây là chuyện ngoài lãnh vực văn chương nghệ thuật, nhưng đã hỏi thì trả lời. “Ông là một người đàn ông như thế nào ? ” Bình thường thôi. Yêu đàn bà và yêu nghệ thuật nhiều hơn đa số. Có lẽ vậy. Gần đây, người ta viết về “sex” nhiều. Tôi cho rằng “eros” đáng lưu tâm hơn, Và với tôi, đàn bà là hiện thân của “eros.”
Lê thị Huệ : “Sex” và “eros” ! Ông làm ơn nói thêm dùm.
Võ Đình : Có người dùng chữ Việt tình dục cho “sex.” Tôi không đồng ý. Như tôi hiểu, “sex” là nhục dục, không phải tình dục. “Sex” khác với “eros.” “Eros” có thể hiểu là gợi tình. Nói rõ hơn, những liên hệ xác thịt của Marilyn Monroe với những người đàn ông trong đời nàng là “sex.” Tấm ảnh nàng đứng trên một manhole (ở New York hay Los Angeles ?), gió thổi tung váy trắng và Marilyn Monroe đưa tay chận lại là một hình ảnh “erotic” tuyệt vời. Xin phép được nhắc vài đoạn trong bài “Mặn và Chay” ( Rừng Mắm Văn Nghệ, Văn Nghệ, 2,000) :
“ Chúng ta hãy cùng nhau xin phép được vấn an cụ Tiên Điền một chốc : ‘Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.’ Cái tình này coi mòi đã có hơi hướm xác thịt rồi đó, không còn mơ hồ như khi còn ‘ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e’ nữa. Đã đến lúc Kim thèm Kiều lắm rồi. Tuy vậy, Kim còn tự chủ. Đến Mã Giám Sinh thì Nguyễn Du không còn nương tay nữa : ‘Tiếc thay một đoá trà mi/ con ong đã tỏ đường đi lối về/ Một cơn mưa gió nặng nề/ thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương !’ Thương thay nàng Kiều. Giận thay cái gã họ Mã. Ta mến Kim, ta ghét Mã, và ta quên rằng tất cả những hình ảnh như sóng tình, đoá trà mi, con ong v v … đều là những ẩn dụ có khả năng khêu gợi.
Khêu gợi cái gì ? Cái tính ư ? Không nhất thiết. Cái dâm ư ? Không hẳn đâu. Cái tình à ? Có thể lắm. Như ai cũng biết, có nhiều thứ tình. Tình có thể đến nhưng chưa đến giai đoạn trao đổi xác thịt như cậu Thăng yêu cô Loan trong Nước Đục Bụi Trong của Mai Kim Ngọc. Tình vừa âu yếm vợ chồng vừa nồng cháy nam nữ như anh chàng Ngữ yêu vợ trong Mùa Biển Động 5 của Nguyễn Mộng Giác. Kim yêu Kiều là tình. Mà họ Mã dày vò Kiều cũng là tình. Khi rụt rè, khi sôi nổi, khi kín đáo, khi sỗ sàng, khi dịu dàng, khi tàn bạo … Tất cả những thứ tình gặp nhau ở một điểm chung : xác thịt. Xác thịt thường khêu gợi. Khả năng khêu gợi đó, tiếng Anh người ta gọi là erotic. Chúng ta, người đọc, có thể coi là “gợi” hay không “gợi.” Tuỳ mạng mỡ. Tôi đề nghị tạm dùng gợi tình như một tương đương của erotic cho đến khi có vị thông thái nào đó tìm được cho ta một từ có ý nghĩa đầy đủ và đúng đắn hơn.”
Lê thị Huệ : Cám ơn nhà văn Võ Đình đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.
Võ Đình : Tôi cảm ơn Gió-O và Lê Thị Huệ đã tạo cơ hội cho tôi nói đôi điều cùng độc giả trên mạng.
Tháng 5, 2006
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top