1. Vết chim trời ( phần 2)
Tôi và những miếng cơm khô rốc, bỗng nghĩ, bây giờ bà nội có trèo lên cây ca hát hay đốt áo nướng trứng thằn lằn tôi cũng không ôm bụng cười ngắc nghéo nữa, những chuyện đó đã là bình thường.Chỉ bất thường là tiếng khóc ban trưa, khóc cho một câu chuyện về một trận chiến xa xôi trong một cuộc chiến đã xa xôi, đã khép lại rồi, đã lành những sẹo, ít ra thì đám con nít chúng tôi tưởng vậy.Bằng chứng là những vụ bắn nhau bằng súng nước giữa tôi và thằng Vĩnh luôn làm bà nội cười lăn, cười chảy nước mắt. Cho đến một buổi trưa tháng Mười đờ đẫn, tôi ngờ ngợ, hay cái cười đó là dành cho chúng tôi, nhưng nước mắt khóc cho cuộc chiến xa xôi kia, nơi cha tôi và chú Út Hơn, cha thằng Vĩnh buộc phải đứng ở hai bờ chiến tuyến?
Tôi không biết. Bà nội rất khó hiểu, bởi sáng bữa sau bà ráo hoảnh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bà nội dậy sớm, đi te te lại bàn ăn, trầm trồ tô mì gói má vừa nấu sẵn trước khi ra chợ dọn hàng. Thấy cha phờ phạc, liêu xiêu, bà nội hỏi bệnh gì sao? Ngủ không được sao? Mắc gì mà mặt mày buồn hiu? Sao ngó tui trân trân vậy?” Cha chỉ cười, không nói. Bà nội đã thật quên chuyện hôm qua hay bà nội chôn nỗi đau đó tận đáy lòng?
Hay tiếng khóc trưa tháng mười chỉ là một cơn mê sảng bâng quơ? Giống như ông chồng nào đó thốt lên trong cơn say “Diễm em ơi!”, mà cô Diễm này nhiều khả năng không có thật ngoài đời, chỉ là một nhân vật trong phim, trong tiểu thuyết. Nhưng bà vợ thì ám ảnh cái tên đó suốt, bà uất hận, giận dữ, bà cảm thấy bị mất mát, lừa dối. Giống như thằng Vĩnh vẫn thường chỉ tay lên trời, “Chim kìa!” nhưng bầu trời tạnh vắng, và tôi biết thằng Vĩnh nói gạt mình, nhưng vẫn nghĩ, nếu thật là có con chim nào đó bay qua, thì sao? Và sự bâng quơ của bà nội cũng nghiệt ngã, cũng hoang đường, rõ ràng cha chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn và chú Út thì ngã xuống ở con đường rừng nào đó, xa xôi. Không tin nhưng cha tôi buộc phải lục lọi từng cái ngách ký ức, nín thở, đau nhói, hãi hùng khi phát hiện ra một khả năng, một xác suất dù rất nhỏ nhoi, rằng đứa em trai có thể đã từng đối mặt với mình giữa lúc cuộc chiến sắp tàn.
Nên cha không chịu sống lại dù đã sang tháng thứ hai, dù mọi việc đã trở lại bình thường, nhất là với bà nội. Bà ngồi may áo, hỏi áo này tính cho ai, bà cười, cho cháu nội, thằng Hiền, thằng Vĩnh. Cái áo chỉ bằng gang tay. Trước bà, thời gian mềm nhũn, bời rời như cọng bún mắc mưa, vô nghĩa. Nó không ngăn cản được chuyện bà nội trở bàn tay sấp ngửa giữa thực tại và mười năm, hay hai mươi năm trước. Sau một giấc ngủ, bỗng bà nội hai mươi tuổi, không chừng. Tôi tiếc là mình chưa già, để bệnh lẫn có thể chiếm đoạt mình, để tôi buông xuôi, đồng tình với nó. Để có thể trở về trước cái buổi trưa tháng mười ấy.
Khi đó, cha tôi vẫn còn cười, âu yếm và nhẹ nhỏm mỗi khi thằng Vĩnh nhảy chồm chồm, chờn vờn trước mặt tôi như một võ sĩ boxing trên sàn đấu. Khi đó, mỗi sớm cha gọi hai đứa trẻ thức dậy, chạy bộ ra công viên, và chúng tôi cùng nhau đá cầu. Nhưng rồi bà nội cất tiếng khóc sau một giấc ngủ dài, mà, lòng người là thứ dễ thương tổn, dòng sông cũng có thể cắt nát, sau đó thì ánh mắt, tiếng nói, nước mắt…
Thằng Vĩnh đổi tánh, nó bỗng ít nói, lầm lì, cục cằn. Nó không còn nhìn thẳng vào tôi. Cả lúc ngủ, Vĩnh cũng day lưng lại, điều đó làm tôi day dứt, nằm cạnh nó mà nhớ nó tơi bời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top