h323 1
GIAO THỨC XỬ LÝ CUỘC GỌI VoIP
4.1.H.323:
4.1.1.Tổng quan:
Khuyến nghị ITU H.323 là một hệ thống truyền thông đa phương tiện trên cơ sở gói, nó bao gồm một tập các khuyến nghị khác. Các khuyến nghị này định nghĩa các chức năng báo hiệu khác nhau cũng như là các dịch vụ video và âm thanh được gói hóa.
Tiêu chuẩn H.323 đầu tiên được chính thức công bố và giải quyết các vấn đề cấp phát đa phương tiện trên cơ sở kỹ thuật LAN. Tuy nhiên, khi mạng Internet và IP trở nên phổ biến, nhiều giao thức tiêu chuẩn RFC và các kỹ thuật đã được phát triển dựa trên một số ý tưởng của H.323.
H.323 định nghĩa chi tiết các hoạt động của các thiết bị người dùng, các gateway và các trạm khác. Đầu cuối (endpoint) người dùng H.323 có thể truyền thông thời gian thực, audio hai chiều, video hoặc dữ liệu với một kết cuối người dùng H.323 khác. Đầu cuối cũng có thể truyền thông với gateway H.323 hoặc đơn vị điều khiển đa điểm MCU.
4.1.2.Cấu trúc của H.323:
Tiêu chuẩn H.323 đề nghị một cấu trúc mà bao gồm 4 thành phần: đầu cuối, Gateway, Gatekeeper và đơn vị điều khiển đa điểm MCU (Multipoint Control Unit). Cấu trúc này được mô tả như trong hình sau:
4.1.2.a.Đầu cuối (terminal):
Đây là các điểm cuối khác của LAN cung cấp thông tin thời gian thực, hai chiều. Tất cả các đầu cuối H.323 đều yêu cầu hổ trợ H.245, H.225, Q.931, trạng thái công nhận đăng kí RAS (Registration Admission Status) và các giao thức truyền dẫn thời gian thực RTP (Real-time transport protocol).
H.245 được dùng để điều khiển việc sử dụng kênh, trong khi H.225 hoặc Q.931 được dùng cho báo hiệu cuộc gọi, thiết lập và xóa cuộc gọi.
RTP được dùng như là một giao thức truyền dẫn mang thông tin lưu thoại. RAS được sử dụng bởi điểm cuối để tương tác với gatekeeper. Một đầu cuối H.323 có thể truyền thông với một đầu cuối H.323 khác, một gateway H.323 hoặc một MCU.
4.1.2.b.Gateway:
Một gateway H.323 là một điểm cuối trên mạng mà hổ trợ thông tin hai chiều và thông tin thời gian thực giữa các đầu cuối H.323 trên mạng IP với các đầu cuối khác trên mạng chuyển mạch PSTN hoặc một gateway H.323 khác. Các gateway là các thiết bị tùy chọn trong cấu trúc H.323 bởi vì các đầu cuối trong một LAN riêng lẻ có thể truyền thông trực tiếp với nhau mà không dùng gateway. Chỉ khi mà truyền thông cần mở rộng tới các mạng khác như là PSTN thì một gateway sẽ cần đến. Trong các trường hợp, các giao thức H.245 và Q.931 được dùng bởi các điểm cuối và gateway trung gian.
4.1.2.c.Gatekeeper:
Đây là một thành phần quan trọng trong cấu trúc của H.323 và có chức năng “quản lý”. Nó là điểm trung tâm cho tất cả các cuộc gọi trong vùng của nó và cung cấp các dịch vụ tới các điểm cuối. Một vùng là sự tập hợp của Gatekeeper và các điểm cuối. Nếu mạng tồn tại nhiều GK thì sẽ được thiết lập thành nhiều vùng. Và mỗi vùng sẽ do một Gatekeeper quản lý. Việc thông tin giữa các Gatekeeper sẽ được thực hiện thông qua các bản tin giao tiếp xác định vị trí đầu cuối trong quá trình thiết lập cuộc gọi. Tuy nhiên, Gatekeeper là một thành phần tùy chọn trong cấu trúc của H.323.
Cấu trúc vùng được quản lý bởi Gatekeeper được trình bày trong hình sau:
Nếu Gatekeeper có mặt trong hệ thống H.323 thì nó thực hiện những nhiệm vụ sau:
• Dịch địa chỉ: cho phép dịch các qui ước, các ký hiệu, các địa chỉ “email” thành địa chỉ IP để thiết lập liên lạc IP.
• Điều khiển công nhận (AC): sự truy cập của các đầu cuối có thể được chấp nhận hoặc từ chối dựa vào việc xác nhận địa chỉ nguồn hoặc địa chỉ đích, thời gian hoặc bất kì biến số nào mà Gatekeeper quản lý.
• Quản lý cuộc gọi: Gatekeeper hoạt động như là một điểm liên lạc ban đầu cho người gọi, cho hai Gateway hoặc cho hai điểm cuối báo hiệu trực tiếp cho nhau.
• Quản lý băng thông: Gatekeeper có thể yêu cầu các đầu cuối và Gateway thay đổi các thông số truyền thông cuộc gọi để quản lý sử dụng băng thông.
• Quản lý vùng: Gatekeeper có thể yêu cầu không quá một số lượng cuộc gọi nào đó qua kết nối có dải tần thấp để tránh giảm sút về chất lượng.
4.1.2.d.Đơn vị điều khiển đa điểm MCU:
MCU hoạt động như là một điểm cuối trên mạng để cung cấp khả năng cho 3 hoặc nhiều kết cuối và gateway để tham gia vào một hội nghị đa điểm. Nó quản lý các tài nguyên hội nghị và sự thương lượng giữa các điểm cuối để quyết định bộ mã video hoặc audio được sử dụng. MCU bao gồm một bộ điều khiển đa điểm lệnh MC (Multipoint Controler) và bộ xử lý đa điểm tùy chọn MP (Multipoint Processor).
Chức năng của MC là quyết định dung lượng chung của các kết cuối hội nghị, có thể định vị các đầu cuối, Gateway hoặc Gatekeeper. MC cần thiết cho tất cả các hội nghị, nó sử dụng giao thức H.245.
MP nhận các luồng dữ liệu audio, video và phân phối chúng tới các điểm cuối tham dự vào hội nghị đa điểm. MP có thể không cần đến nhưng sự vắng mặt của nó là một gánh nặng trên đầu cuối.
4.1.3.Chồng giao thức H.323:
Hình 4.3 giới thiệu chồng giao thức H.323.
4.1.4.Hoạt động của H.323:
Giao thức H.323 bao gồm nhiều hoạt động để hỗ trợ truyền thông giữa người dùng và các đầu cuối khác, các gateway và MCU. Hình 4.4 trình bày các giai đoạn chính trong quá trình thiết lập cuộc gọi giữa hai điểm cuối H.323.
Giai đoạn 1: giai đoạn phát hiện là bắt buộc đối với các điểm cuối, tìm một Gatekeeper để nó có thể đăng kí. Tiến trình này cho phép nhà điều hành mạng quản lý những ai đang sử dụng mạng H.323. Trong suốt giai đoạn này, điểm cuối và Gatekeeper trao đổi các địa chỉ. Địa chỉ multicast IP 224.0.1.41 được dành cho việc phát hiện Gatekeeper.
Giai đoạn 2: hoạt động đăng kí định nghĩa một điểm cuối đăng kí với một Gatekeeper như thế nào. Các địa chỉ được thiết lập trong giai đoạn phát hiện được sử dụng trong giai đoạn này. Loại đầu cuối được định dạng (như là đầu cuối người dùng, Gatekeeper hoặc một MCU). Hoạt động đăng kí cho phép các trạm H.323 tham gia vào vùng cuộc gọi. Cổng 1718 và 1719 để dành cho phát hiện UDP và đăng kí UDP.
Giai đoạn 3: trong giai đoạn thiết lập cuộc gọi, một kết nối được thiết lập giữa hai điểm cuối.
Giai đoạn 4: thay đổi dung lượng. Mục đích của việc này là đảm bảo bất cứ một lưu lượng nào được gửi bởi một điểm cuối có thể được nhận hoàn toàn bởi điểm cuối nhận. Thông tin về phiên làm việc như tốc độ bit, loại mã hóa được thay đổi trong giai đoạn này. Hoạt động này cho phép điểm cuối và gatekeeper thương lượng về dung lượng của chúng.
Giai đoạn 5: H.323 cho phép truyền các loại lưu lượng khác nhau trên các kênh logic. Giai đoạn này mở một hoặc nhiều kênh logic để mang lưu lượng.
Giai đoạn 6 và 7: sau khi tất cả các giai đoạn được hoàn thành, lưu lượng người dùng có thể được trao đổi. Sau khi phiên làm việc người dùng hoàn thành, hoạt động kết thúc xảy ra. Sự kết thúc làm giải phóng các kênh logic và các nguồn tài nguyên khác (như băng thông) đã được thiết lập trong các giai đoạn trước.
4.1.4.a.Sơ đồ thiết lập cuộc gọi Gatekeeper H.323 nội vùng:
4.1.4.b.Sơ đồ thiết lập cuộc gọi Gatekeeper H.323 liên vùng:
4.1.5.Một số hoạt động điển hình của H.323:
a. Hoạt động phát hiện Gatekeeper
Hình 4.7 là một ví dụ về hoạt động của H.323: các thông điệp được trao đổi cho việc phát hiện gatekeeper. Đây là hoạt động bắt buộc đối với mỗi điểm cuối mỗi khi nó đăng nhập mạng. Trong giai đoạn 1, đầu cuối gửi một bản tin yêu cầu Gatekeeper (GRQ, Gatekeeper Request). Bản tin này được khảo sát bởi Gatekeeper, nó có thể (hoặc không thể) đáp ứng với bản tin xác nhận Gatekeeper (GCF, Gatekeeper Confirmation).
Điểm cuối bắt đầu đặt định thời dựa vào việc phát bản tin GRQ. Nếu không nhận được đáp ứng, thời gian quá hạn và một GRQ khác được phát đi. Nếu vấn đề này tiếp tục, nhà điều hành mạng phải dàn xếp để quyết định các vấn đề này. Gatekeeper có thể trả lại bản tin GRJ (Gatekeeper Reject) nếu nó chọn không làm Gatekeeper của điểm cuối.
Tiến trình phát hiện Gatekeeper có thể hoạt động theo hai cơ chế là multicast và unicast.
• Theo cơ chế unicast, các bản tin GRQ sẽ được gởi trên cổng 1719 của giao thức UDP với địa chỉ IP mặc định đã được cấu hình cho nó.
• Trong cơ chế multicast, để tìm kiếm Gatekeeper, các đầu cuối phải phát các bản tin của nó theo địa chỉ multicast 224.0.1.41 vì nó không được cấu hình địa chỉ IP mặc định của Gatekeeper trên mạng. Theo phương thức này, một đầu cuối có thể nhận được nhiều bản tin GCF từ các Gatekeeper trên mạng. Khi đó nó phải có cơ chế để lựa chọn một trong số các Gatekeeper đó.
b. Hoạt động đăng kí với Gatekeeper
Một khi hoạt động phát hiện Gatekeeper xảy ra, các tiến trình đăng kí bắt đầu. Các hoạt động này định nghĩa một điểm cuối tham gia vào một vùng như thế nào và cung cấp cho Gatekeeper số cổng và địa chỉ của nó. Hình 4.8 trình bày sự trao đổi bản tin, điểm cuối gửi bản tin yêu cầu đăng kí (RRQ, Registration Request) tới Gatekeeper. Trong giai đoạn 2, Gatekeeper đáp ứng với bản tin công nhận đăng kí (RCF, Registration Confirmation) hoặc bản tin từ chối đăng kí (RRJ, Registration Reject).
Điểm cuối hoặc Gatekeeper có thể hủy bỏ việc đăng kí và kết thúc sự liên hệ giữa hai thức thể. Các hoạt động trong giai đoạn 3 và 4 trình bày sự hủy bỏ đăng kí từ điểm cuối với bản tin yêu cầu hủy đăng kí (URQ, Unregister Request). Gatekeeper có thể đáp ứng với bản tin công nhận hủy đăng kí (UCF, Unregister Confirm) hoặc bản tin từ chối hủy đăng kí (URJ, Unregister Reject). Như trong giai đoạn 5 và 6, Gatekeeper bắt đầu tiến trình hủy bỏ đăng kí với bản tin URQ và điểm cuối đáp ứng lại với bản tin UCF.
c. Hoạt động thiết lập kênh media
Hình 4.9 trình bày các hoạt động thiết lập kênh media. Kênh điều khiển H.245 được thiết lập giữa Gateway A và Gateway B. Gateway A sử dụng H.245 để đưa ra khả năng của nó bằng cách gửi bản tin Terminal Capability Set đến Gateway B. Các tiến trình như sau:
Bước 1: Gateway A trao đổi khả năng của nó với Gateway B bằng cách gửi bản tin Terminal Capbility Set H.245.
Bước 2: Gateway B công nhận khả năng của A bằng các gửi bản tin công nhận Terminal Capability Set Acknowledge.
Bước 3: Gateway B trao đổi khả năng của nó với Gateway A bằng cách gửi bản tin TerminalCapabilitySet.
Bước 4: Gateway A công nhận khả năng của Gateway B bằng cách gửi trả lại bản tin TerminalCapabilitySetAcknowledge.
Bước 5: Gateway A mở kênh media với Gateway B bằng cách gửi bản tin OpenLogicalChannel và địa chỉ truyền tải của kênh RTCP (nếu luồng media được quản lý bởi RTCP).
Bước 6: Gateway B công nhận sự thiết lập kênh logic của Gateway A bằng cách gửi bản tin OpenLogicalChannelAcknowledge, bản tin này gồm:
• Địa chỉ truyền tải RTP được phân phối bởi Gateway B (địa chỉ này sẽ được sử dụng để truyền luồng media RTP).
• Địa chỉ RTCP nhận được từ Gateway A.
Bước 7: Gateway B mở kênh media với Gateway A bằng cách gửi bản tin OpenLogicalChannel bao gồm địa chỉ truyền tải của kênh RTCP.
Bước 8: để hoàn thành việc thiết lập thông tin media hai chiều, Gateway A công nhận việc thiết lập kênh logic của Gateway B bằng cách gửi bản tin công nhận OpenLogicalChannelAcknowledge, bản tin này bao gồm:
• Địa chỉ truyền tải RTP được phân phối bởi Gateway A.
• Địa chỉ RTCP nhận được từ Gateway B.
d. Hoạt động thay đổi băng thông
Các điểm cuối (hoặc Gateway) cũng có thể yêu cầu thay đổi băng thông. Gatekeeper phải quản lý các yêu cầu thay đổi băng thông này (tăng hoặc giảm). Tiến trình trao đổi giữa các bản tin được trình bày trong hình 4.10. Các tiến trình như sau:
Bước 1: Gateway khởi tạo gửi bản tin yêu cầu băng thông BRQ đến Gatekeeper để yêu cầu băng thông mong muốn.
Bước 2: Gatekeeper đáp ứng yêu cầu băng thông với bản tin BCF.
Bước 3: một kênh logic được thiết lập giữa hai Gateway với băng thông được chỉ định.
Bước 4: một bản tin BRQ được gửi đến Gatekeeper để yêu cầu thay đổi băng thông của kết nối (giả sử Gateway này không thỏa mãn băng thông đã chỉ định).
Bước 5: Gatekeeper đáp ứng gateway với bản tin BCF để xác nhận băng thông mới.
Bước 6: kênh logic được thiết lập lại với băng thông mới.
e. Thiết lập cuộc gọi Gatekeeper nội vùng
• Bước 1: đầu cuối A quay số điện thoại để gọi cho đầu cuối B.
• Bước 2: Gateway A gửi cho Gatekeeper một bản tin ARQ (Acknowledge Request), yêu cầu cho phép gọi đến đầu cuối B.
• Bước 3: Gatekeeper tìm đầu cuối B và trả lại một bản tin ACF (Acknowledge Confirmation) với địa chỉ IP của Gateway B.
• Bước 4: Gateway A gửi bản tin thiết lập cuộc gọi Q.931 cho Gateway B với số điện thoại của đầu cuối B.
• Bước 5: Gateway B gửi bản tin ARQ (Acknowledge Request) cho Gatekeeper, yêu cầu cho phép trả lời cuộc gọi của Gateway A.
• Bước 6: Gatekeeper trả lại bản tin ACF với địa chỉ IP của Gateway A.
• Bước 7: Gateway B thiết lập một cuộc gọi đến đầu cuối B.
• Bước 8: khi đầu cuối B trả lời, Gateway B gửi kết nối Q.931 đến Gateway A.
f. Thiết lập cuộc gọi Gatekeeper liên vùng
• Bước 1: đầu cuối A quay số điện thoại của đầu cuối B.
• Bước 2: Gateway A gửi bản tin ARQ cho Gatekeeper A, yêu cầu cho phép gọi đến đầu cuối B.
• Bước 3: Gatekeeper A tìm và không tìm thấy sự đăng kí của đầu cuối B. Nó tra các số đầu và nhận thấy trùng khớp với Gatekeeper B. Nó gửi bản tin LRQ cho Gatekeeper B và bản tin RIP cho Gateway A.
• Bước 4: Gatekeeper B tìm và nhận thấy sự đăng kí của đầu cuối B, nó gửi trả lại Gatekeeper A bản tin LCF với địa chỉ IP của Gateway B.
• Bước 5: Gatekeeper A trả lại bản tin ACF cho Gateway A với địa chỉ IP của Gateway B.
• Bước 6: Gateway A gửi bản tin thiết lập cuộc gọi Q.931 đến Gateway B với số điện thoại của đầu cuối B.
• Bước 7: Gateway B gửi cho Gatekeeper B bản tin ARQ, yêu cầu cho phép trả lời cuộc gọi của Gateway A.
• Bước 8: Gatekeeper B trả lại bản tin ACF với địa chỉ IP của Gateway A.
• Bước 9: Gateway B thiết lập một cuộc gọi đến đầu cuối B.
• Bước 10: khi đầu cuối B trả lời, Gateway B gửi bản tin kết nối Q.931 đến Gateway A.
g. Ngắt kết nối giữa hai đầu cuối H.323 liên vùng
• Bước 1: đầu cuối B gác máy.
• Bước 2: Gateway B gửi bản tin DRQ đến Gatekeeper B để yêu cầu ngắt kết nối giữa A và B.
• Bước 3: Gatekeeper B gửi lại bản tin DCF công nhận bản tin DRQ.
• Bước 4: Gateway B gửi bản tin giải phóng kết nối Q.931 đến Gateway A.
• Bước 5: Gateway A gửi bản tin DRQ đến Gatekeeper A để yêu cầu ngắt kết nối giữa A và B.
• Bước 6: Gatekeeper A gửi lại bản tin DCF.
• Bước 7: Gateway A gửi bản tin ngắt kết nối đến A.
4.1.6.Một số bản tin RAS H.225 :
Phát hiện Gatekeeper : GRQ (yêu cầu), GCF (công nhận), GRJ (từ chối).
Đăng kí đầu cuối/Gateway : RRQ (yêu cầu đăng kí), RCF (công nhận đăng kí), RRJ (từ chối đăng kí).
Hủy đăng kí đầu cuối/Gateway : URQ (yêu cầu hủy đăng kí), UCF (công nhận hủy đăng kí), URJ (từ chối hủy đăng kí).
Thay đổi băng thông : BRQ (yêu cầu thay đổi băng thông), BCF (chấp nhận thay đổi băng thông), BRJ (từ chối thay đổi băng thông).
Yêu cầu định vị : LRQ (yêu cầu định vị), LCF (chấp nhận định vị), LRJ (từ chối định vị).
Công nhận cuộc gọi : ARQ (yêu cầu công nhận), ACF (chấp nhận công nhận), ARJ (từ chối công nhận).
Ngắt kết nối : DRQ (yêu cầu ngắt kết nối), DCF (công nhận ngắt kết nối), DRJ (từ chối ngắt kết nối).
Chờ xử lý : RIP (chờ xử lý).
Truy vấn trạng thái : IRQ (yêu cầu thông tin), IRR (đáp ứng yêu cầu thông tin), IACK (công nhận yêu cầu thông tin), INAK (phủ nhận yêu cầu thông tin).
4.1.7.Một số bản tin báo hiệu H.225 :
Setup: thông báo yêu cầu thiết lập cuộc gọi từ đầu cuối và mang thông tin về địa chỉ cũng như tên miền của thuê bao chủ gọi.
Call proceeding: cho biết đầu cuối đích đã nhận được yêu cầu và quá trình thiết lập cuộc gọi đang được bắt đầu.
Alerting: thông báo tín hiệu chuông đang được gởi đến đầu cuối đích, chờ thuê bao nhấc máy.
Connect: là bản tin được gởi từ đầu cuối đích ngay khi thuê bao nhấc máy. Bản tin này còn thông báo địa chỉ đầu cuối (gồm giá trị số cổng và địa chỉ IP) để thiết lập kênh điều khiển H.245.
ReleaseComplete: thông báo giải tỏa cuộc gọi, giải phóng kết nối. Bản tin này được gởi đi khi một trong hai đầu cuối tham gia cuộc hội thoại gác máy.
4.1.8.Một số bản tin điều khiển cuộc gọi H.245:
TerminalCapabilitySet: đây là bản tin đầu tiên được gởi qua kênh H.245 dùng để xác lập khả năng đầu cuối (các chuẩn mã hóa mà đầu cuối có thể hỗ trợ). Bản tin TerminalCapabilitySetAck sẽ được đầu cuối gởi đi để xác nhận cho bản tin TerminalCapabilitySet mà nó nhận được.
OpenLogicalChannel: dùng để thiết lập kênh thông tin giữa hai đầu cuối. Bản tin này mang thông tin xác định số nhận dạng kênh thông tin sẽ được thiết lập và các thông số khác như loại dữ liệu được truyền tải, địa chỉ cổng UDP cho kênh RTP, …
CloseLogicalChannel: dùng để yêu cầu giải tỏa kênh truyền RTP giữa hai đầu cuối. Đầu cuối còn lại sẽ báo nhận cho yêu cầu này bằng việc gởi bản tin CloseLogicalChannelAck.
4.1.9.Mô hình mạng cơ bản của H.323:
4.2.MEGACO:
4.2.1.Cấu trúc của Megaco:
Hình 4.15 trình bày mô hình của hệ thống xử lý cuộc gọi IP Megaco. Cấu trúc của Megaco có một vài đặc điểm giống H.323 về bộ điều khiển Gateway. Bộ điều khiển trong H.323 được gọi là Gatekeeper, còn trong Megaco được gọi là Media Gateway Controller (MGC). Trong cả hai hệ thống, các bộ điều khiển này giám sát các hoạt động của Gateway tương ứng, cũng như là hỗ trợ xử lý cuộc gọi.
Tuy nhiên, Megaco thì dựa vào Web và sử dụng các cơ chế khác biệt cho các hoạt động của nó. Megaco có hai khái niệm mang tính trừu tượng là : Termination và Context.
Megaco định nghĩa việc thêm vào hoặc bớt Termination ra khỏi Context như thế nào và di chuyển Termination giữa hai Context như thế nào. Nó định nghĩa Termination được lập trình như thế nào để phát hiện các sự kiện, như là các sự kiện thêm vào hoặc bớt ra từ các Termination đó. Termination cũng có thể được sửa đổi, như thay đổi một Termination từ trạng thái rỗi sang trạng thái gửi/nhận. Các Gateway có thể gửi các bản tin chú ý đến bộ điều khiển MGC về trạng thái của Termination hoặc về các sự kiện xảy ra ở Termination.
4.2.2.Cấu trúc của Gateway trong Megaco :
Cấu trúc khối Gateway trong Megaco được trình bày trong hình 4.16.
Bộ điều khiển Media Gateway (MGC): cung cấp báo hiệu SIP hoặc H.323 và thực hiện ánh xạ giữa các giao thức báo hiệu mạng chuyển mạch kênh truyền thống và giao thức báo hiệu IP.
Media Gateway (MG): cung cấp sự ánh xạ media và chức năng chuyển mã. Nó kết thúc tín hiệu chuyển mạch kênh và tín hiệu media gói và thực hiện chuyển địa chỉ, triệt dội, …
Signalling Gateway (SG): cung cấp môi trường báo hiệu giữa miền IP và miền chuyển mạch kênh truyền thống.
4.2.3.Context:
Context là một sự kết hợp giữa một số Termination. Context mô tả. Có một Context đặt biệt được gọi là Context rỗng. Nó chứa các Termination không kết hợp với các Termination khác. Các Termination trong Context rỗng có thể có các tham số được khảo sát hoặc sửa đổi và có thể có các sự kiện xảy ra trên chúng.
Lệnh Add dùng để thêm Termination vào Context. Nếu MGC không chỉ định một Context tồn tại để Termination được thêm vào thì MG (Media Gateway) sẽ tạo một Context mới. Lệnh Subtract dùng để xóa bỏ Termination ra khỏi một Context. Termination cũng có thể được di chuyển từ Context này sang một Context khác với lệnh Move. Một Termination chỉ tồn tại trong một Context ở một thời điểm.
Số lượng Termination lớn nhất trong một Context phụ thuộc vào MG. Chẳng hạn, MG chỉ đưa ra kết nối điểm điểm thì có thể chỉ cho phép hai Termination trên một Context. Các MG hỗ trợ các cuộc hội nghị đa điểm có thể cho phép 3 hoặc nhiều Termination trên một Context.
4.2.3.a.Thuộc tính của Context:
Các thuộc tính của Context như sau :
• ContextID.
• Mô hình (topology). Mô hình của Context mô tả luồng media giữa các Termination trong một Context. Ngược lại, chế độ của Termination (nhận/gửi) mô tả luồng media ở ngõ vào/ra của MG.
• Sự ưu tiên được sử dụng cho một Context để cung cấp cho MG thông tin về việc điều khiển ưu tiên. MGC cũng có thể điều khiển sự ưu tiên lưu lượng trong MG khi nhiều Context phải được điều khiển đồng thời.
• Bộ chỉ thị (indicator) cho cuộc gọi khẩn cấp cũng được cung cấp để cho phép việc điều khiển ưu tiên trong MG.
4.2.3.b.Tạo, xóa và sửa đổi Context:
Megaco có thể được dùng để tạo Context và sửa đổi các giá trị tham số của Context đang tồn tại. Megaco có các lệnh để thêm Termination vào Context, bỏ Termination ra khỏi Context và di chuyển Termination giữa các Context. Context bị xóa hoàn toàn khi Termination còn lại sau cùng bị xóa bỏ hoặc di chuyển khỏi Context.
4.2.4.Termination:
Termination là một thực thể luận lý trên MG, như là các nguồn hoặc các luồng điều khiển, …. Termination có duy nhất một số nhận dạng (TerminationID) được phân phối bởi MG ở thời điểm chúng được tạo ra.
Termination cũng biểu hiện cho các thực thể vật lý có thời gian tồn tại bán thường trực, như là một kênh TDM.
Termination cũng biểu hiện cho các luồng thông tin ngắn hạn như là các luồng RTP, thường tồn tại trong thời gian chúng được sử dụng. Các Termination ngắn hạn được tạo bởi lệnh Add và được hủy bỏ bởi lệnh Subtract. Ngược lại, một Termination vật lý được thêm vào và bỏ ra khỏi một Context thì chúng được lấy ra hoặc đưa vào một Context rỗng tương ứng.
Các tín hiệu có thể áp dụng lên các Termination, các tín hiệu này như là các âm hiệu hoặc các thông báo. Các Termination cũng có thể được lập trình để phát hiện các sự kiện.
4.2.5.Một số lệnh Megaco:
Add: lệnh Add dùng để thêm một Termination vào một Context. Lệnh Add trên Termination đầu tiên trong Context được dùng để tạo Context.
Modify: dùng để sửa đổi các thuộc tính, các sự kiện và các tín hiệu của Termination.
Subtract: dùng để ngắt một Termination từ một Context. Lệnh này trên Termination sau cùng trong một Context dùng để xóa Context đó.
Move: dùng để di chuyển Termination trong Context này đến Context khác.
AuditValue: trả lại trạng thái hiện tại của các đặc tính, các sự kiện, các tín hiệu và thống kê của Termination.
Auditcapabilities: trả lại tất cả các giá trị đối với các tính chất của Termination, các sự kiện và các tính hiệu được cho phép bởi MG.
Notify: cho phép MG thông báo cho MGC biết các sự kiện xảy ra trong MG.
ServiceChange: cho phép MG thông báo MGC rằng một Termination hoặc một nhóm Termination chuẩn bị rời khỏi hoặc trả lại dịch vụ. Lệnh này cũng được dùng bởi MG để thông báo cho MGC sự sẵn sàng của nó. MGC cũng có thể thông báo chuyển giao tới MG bằng các gửi lệnh ServiceChange.
4.2.6.Hoạt động của Megaco:
Hình 4.17 trình bày các hoạt động chính của Megaco. Ví dụ này sử dụng một MGC điều khiển cả hai Gateway (Gateway cục bộ và Gateway ở xa).
Mục đích của ví dụ này là trình bày 3 trạm thiết lập một Context và một Termination như thế nào. Chú ý là bản tin ACK trong dấu ngoặc chỉ ra rằng Gateway hoặc Megaco đã đáp ứng lại với lệnh trước. ACK này chứa các thông tin cộng thêm như kết quả của việc thiết lập cổng RTP mới, đặt tên cho một Context rỗng, …
MGC cũng sử dụng bộ mô tả cục bộ (LocalDesc) và bộ mô tả xa (RemoteDesc) để dành riêng và giao nguồn tài nguyên MG cho bộ mã hóa và giải mã media đối với các luồng media cho trước và Termination mà chúng áp dụng. Quá trình hoạt động của luồng giao thức Megaco như sau:
Bước 1: MGC gửi bản tin Modify đến Gateway cục bộ để yêu cầu Termination 1 (T1) phát hiện nhắc máy. Khi sự nhắc máy được phát hiện, Gateway cục bộ thu thập các chữ số. Context thì rỗng (CTX=Null) do nó chưa có liên hệ với một kết nối.
Bước 2: lệnh Modify được công nhận.
Bước 3: Gateway cục bộ phát hiện sự nhắc máy.
Bước 4: nó thông báo cho MGC.
Bước 5: MGC ghi nhận lại sự kiện này.
Bước 6: MGC công nhận bản tin Notify.
Bước 7: Gateway cục bộ tích lũy các chữ số được quay từ người dùng theo kế hoạch đánh số được tải từ MGC, thường trong lệnh Modify. Kế hoạch đánh số đơn giản là một biểu đồ được gửi đến Gateway để thông báo và giải thích cho nó biết các chữ số được quay như thế nào.
Bước 8: các chữ số được gửi đến MGC trong lệnh Notify.
Bước 9: MGC công nhận việc nhận các chữ số.
Bước 10 : MGC quyết định chuỗi số đúng và tạo cuộc gọi. Nó gửi lệnh Add đến Gateway cục bộ để tạo Context chứa T1. Chú ý là CTX=* nghĩa là Context chưa được đặt tên. Gateway cục bộ sẽ cung cấp một tên cho Context trong bước 11. Trong bản tin này cũng định gói Termination không tên RTP/*. Trong bản tin Add có trường LocalDesc có thể chỉ định bộ mã hóa cho cuộc gọi.
Bước 11: Gateway cục bộ trả lời MGC với ACK và Context được đặt tên là C1. Nó cũng định bộ nhận dạng Termination RTP (RTP/ID). LocalDesc của Gateway cục bộ chỉ định bộ mã hóa được hỗ trợ trên cổng RTP.
Bước 12 : dựa vào thông tin nhận được từ Gateway cục bộ, MGC có thể thông báo cho Gateway ở xa thêm Termination (T1r) tương ứng với chuỗi số quay mà MGC nhận được từ Gateway cục bộ. Nhiệm vụ của MGC là ánh xạ T1r và T1 vào một Context. Nó cũng gửi trường cổng RTP chưa được đặt tên trong bản tin này. Thông tin trong LocalDesc của T1 được đưa đến Gateway ở xa trong trường RemoteDesc, thông tin này chỉ định bộ mã hóa cho T1r từ Gateway cục bộ. Trường LocalDesc trong bản tin này có thể rỗng hoặc có thể chứa đựng các thông số mà MGC mong muốn Gateway ở xa sử dụng cho cuộc gọi này, như kích thước gói cho các mẫu VoIP.
Bước 13 : Gateway ở xa trả lời lại lệnh Add với Context được đặt tên C1r, Termination RTP được đặt tên RTP/IDr và LocalDesc của Gateway xa chỉ định bộ mã hóa được hỗ trợ trên cổng RTP nhận của nó. Giá trị LocalDesc được gửi đến Gateway này trong bước 12 có thể được thay đổi bởi trong bước này.
Bước 14 : bây giờ, MGC sử dụng lệnh Modify để yêu cầu rung chuông (Ring) trên T1r. Bản tin cũng yêu cầu Gateway này tìm kiếm sự nhắc máy.
Bước 15 : Gateway ở xa đưa tín hiệu chuông lên đường dây của người bị gọi.
Bước 16 : nó cũng đáp ứng đến MGC với ACK.
Bước 17 : MGC gửi lệnh Modify đến Gateway cục bộ (Gateway phía người gọi). Lệnh này yêu cầu đưa tín hiệu chuông lên T1 và nhận dạng cổng RTP ở xa trong RemoteDesc trong bản tin.
Bước 18 : tín hiệu chuông được đưa lên T1.
Bước 19 : Gateway cục bộ trả lời MGC là tín hiệu chuông đã được đưa lên T1 và các thiết lập RTP được cập nhật.
Bước 20 : người bị gọi trả lời cuộc gọi (nhắc máy).
Bước 21 : Gateway ở xa gửi bản tin Notify chứa thông tin này đến MGC và tín hiệu chuông được hủy bỏ.
Bước 22 : MGC công nhận bản tin Notify.
Bước 23 : MGC phát lệnh Modify để hủy bỏ tín hiệu chuông trên T1 và thiết lập một đường hai chiều (TerminationState=sendrcv). Thông tin trong SignalList được dùng để hủy bỏ tín hiệu chuông trên T1.
Bước 24 : Gateway cục bộ công nhận bản tin Modify, bỏ tín hiệu chuông và sự thiết lập cuộc gọi đã hoàn tất.
4.3.MGCP:
4.3.1.Tổng quan:
Giao thức điều khiển Media Gateway MGCP (Media Gateway Control Protocol) điều khiển các hoạt động của Gateway điện thoại thông qua các thành phần điều khiển bên ngoài. Thành phần điều khiển cuộc gọi bên ngoài được gọi là Call Agent. Call Agent chỉ định các hoạt động của Gateway điện thoại. Nó được định nghĩa cụ thể trong RFC 2705. Phiên bản đầu tiên của MGCP dựa vào sự kết hợp của SGCP và IPDC. MGCP được mô tả đầy đủ trong RFC 2705.
4.3.2.Cấu trúc của MGCP:
Hình 4.18 trình bày mô hình của hệ thống xử lý cuộc gọi IP MGCP. Nhìn bên ngoài, cấu trúc MGCP tương tự với cấu trúc Megaco, cả hai đều sử dụng bộ điều khiển Gateway. Trong MGCP, bộ điều khiển được gọi là Call Agent. Trong cả hai hệ thống, bộ điều khiển giám sát hoạt động của các Gateway tương ứng và xử lý cuộc gọi. Tuy nhiên, MGCP không sử dụng khái niệm Termination và Context như Megaco.
4.3.3.Kết nối MGCP :
Tuy MGCP không sử dụng Context và Termination như Megaco, nhưng trong MGCP có hai loại thiết bị luận lý cơ bản là các điểm cuối (endpoints) và các kết nối (connections). Các điểm cuối là thiết bị vật lý hoặc các giao tiếp luận lý khởi tạo hoặc kết thúc kết nối VoIP. Các điểm cuối thường là các cổng số hoặc tương tự trong các router hoặt động như là Gateway hoặc giao tiếp số đến hệ thống PBX. Các kết nối là các luồng luận lý tạm thời được thiết lập vì mục đích khởi tạo, duy trì và kết thúc cuộc gọi VoIP. Một khi cuộc gọi hoàn thành, kết nối được xóa và tài nguyên được giải phóng cho các kết nối khác. Có hai loại kết nối : một-một (one to one) và đa điểm (multipoint). Kết nối một-một thực sự là kết nối điểm-điểm (point to point), một điểm cuối đơn lẻ thông báo cho một điểm cuối đơn khác để hoàn thành cuộc gọi. Cuộc gọi đa điểm được dùng cho hội nghị và broadcast nhiều điểm cuối đồng thời.
MGC có nhiệm vụ quản lý kết nối trong một mạng MGCP, để hoàn thành được nhiệm vụ này thì giao thức mô tả phiên SDP (Session Description Protocol) được sử dụng. SDP sử dụng mã ASCII trên IP/UDP để thực hiện tất cả chức năng quản lý cuộc gọi. Một số bản tin được sử dụng bởi bộ điều khiển Media Gateway để điều khiển điểm cuối bao gồm :
EndpointConfiguration : cho phép Call Agent chỉ định việc mã hóa các tín hiệu nhận được bởi điểm cuối. Lệnh này hữu ích trong môi trường quốc tế, nơi mà một số sử dụng mã hóa luật u, trong khi một số khác sử dụng luật A. Lệnh này có hai thông số sau :
EndpointID : nhận dạng tên của điểm cuối trong Gateway.
BearerInformation : nhận dạng kỹ thuật mã hóa trên đường dây. Hiện tại, thông số này chỉ định nghĩa luật A và luật u.
NotificationRequest : yêu cầu Gateway thông báo các sự kiện xảy ra trên đường dây (như tín hiệu nhắc máy, …) từ điểm cuối. Lệnh này chứa các thông số sau :
Endpoint ID : chỉ ra tên của điểm cuối.
NotifiedEntity : là một thông số tùy chọn, nếu trình bày thì nó chỉ định nơi nào thông báo được gửi đến. Nếu không được trình bày, thông báo được gửi đến nơi khởi đầu của bản tin NotificationRequest.
RequestedEvents : là một danh sách các sự kiện mà Gateway được yêu cầu phát hiện và trình bày (như là nhắc máy, gác máy, …).
RequestIdentifier : tương quan một yêu cầu đến một sự thông báo.
DigitMap : là một thông số tùy chọn cho phép Call Agent cung cấp cho Gateway một bản đồ chữ số theo các chữ số nào sẽ được tích lũy. Nếu thông số này không có thì các giá trị định nghĩa trước được duy trì.
SignalRequests : là thông số chứa tập hợp các tín hiệu mà Gateway được yêu cầu để áp dụng đến điểm cuối (như là tín hiệu chuông, quay số, …)
QuarantineHandling : là thông số tùy chọn, chỉ định việc điều khiển các sự kiện cách ly (chẳng hạn, các sự kiện đã được phát hiện bởi Gateway trước khi bản tin NotificationRequest đến, như Gateway vẫn chưa thông báo cho Call Agent biết). Thông số này cung cấp hai tùy chọn điều khiển là các sự kiện cách ly nên được sử lý hoặc hủy bỏ (mặc định là xử lý) ; tạo một hoặc nhiều thông báo trong việc đáp ứng các yêu cầu.
DetectEvents : là thông số tùy chọn, chỉ định danh sách các sự kiện mà Gateway được yêu cầu để phát hiện trong thời gian cách ly. Khi thông số này vắng mặt thì danh sách các sự kiện sau cùng mà Gateway nhận được sẽ được áp dụng.
Notify : được gửi bởi Gateway khi các sự kiện trên đường dây xảy ra.
EndpointID : là tên của điểm cuối trong Gateway cấp phát lệnh Notify.
NotifiedEntity : là một thông số tùy chọn, nhận dạng thực thể mà các thông báo được gửi đến.
RequestIdentifier : thông số này tương tự với thông số RequestIdentifier của bản tin NotificationRequest.
ObservedEvents : chứa một danh sách các sự kiện mà Gateway phát hiện được. Danh sách này có thể chỉ chứa sự nhận dạng các sự kiện được yêu cầu trong thông số RequestedEvents của bản tin NotificationRequest.
CreateConnection : lệnh này tạo ra một kết nối giữa hai điểm cuối.
CallID : là thông số toàn cục duy nhất, nhận dạng cuộc gọi hoặc phiên làm việc. Các kết nối thuộc cùng cuộc gọi chia sẽ cùng CallID. CallID có thể được sử dụng để nhận dạng các cuộc gọi cho mục đích tính toán (accounting) và tường trình. Nó không ảnh hưởng đến việc điều khiển các kết nối bởi Gateway.
EndpointID : nhận dạng điểm cuối trong Gateway, nơi mà bản tin CreateConnection được thực thi.
NotifiedEntity : là thông số tùy chọn, chỉ định nơi mà lệnh Notify hoặc lệnh DeleteConnection được gửi đến. Nếu thông số không chỉ định, lệnh Notify hoặc lệnh DeleteConnection được gửi đến thực thể nhận được sau cùng hoặc đến nơi gửi lệnh CreateConnection.
LocalConnectionOptions : là thông số được gửi bởi Call Agent để chỉ định Gateway điều khiển kết nối. Các trường có trong thông số này như phương pháp mã hóa, chu kì gói hóa, băng thông, loại dịch vụ, sử dụng triệt dội, sử dụng triệt khoảng lặng hoặc phát hiện thoại tích cực, sử dụng sự thích ứng mức độ tín hiệu hoặc giảm mức độ ồn hoặc điều khiển độ lợi, sử dụng dịch vụ dành riêng, sử dụng bảo mật RTP, loại mạng được dùng để mang kết nối.
Mode : chỉ ra chế độ hoạt động của kết nối bao gồm gửi, nhận, gửi/nhận, hội nghị, dữ liệu, không hoạt động, hồi tiếp, …
RemoteConnectionDescriptor : chỉ ra các tùy chọn mô tả kết nối cục bộ gửi đển Gateway xa. Thông số này có thể có giá trị rỗng khi thông tin về đầu cuối xa chưa được biết.
SecondEndpointID : được sử dụng thay cho RemoteConnectionDescriptor để thiết lập một kết nối giữa hai điểm cuối trong cùng một Gateway.
ModifyConnection : dùng để sửa đổi các đặc tính một kết nối của Gateway. Các thông số và các trường trong lệnh này giống với lệnh CreateConnection với sự thêm vào của ConnectionID.
DeleteConnection : được gửi từ Call Agent để kết thúc một kết nối. Gateway đáp ứng lại một danh sách các thông số mô tả trạng thái kết nối (như số gói gửi, số octet gửi, số gói nhận, số octet nhận, số gói mất, …).
Trong một số tình huống, Gateway có thể gửi lệnh này để xóa một kết nối (do nó mất nguồn liên hệ với kết nối, hoặc phát hiện điểm cuối không còn khả năng nhận hoặc gửi thoại). Gateway kết thúc kết nối bằng cách biến đổi lệnh DeleteConnection với các thông số như CallID, EndpointID, ConnectionID, Reason-code (chỉ ra nguyên nhân của việc ngắt kết nối), Connection-parameters.
AuditEndpoint : được sử dụng bởi Call Agent để định trạng thái của điểm cuối. Lệnh này chứa thông số sau
EndpointID : để nhận dạng điểm cuối được kiểm tra.
RequestedInfo : mô tả thông tin được yêu cầu đối với điểm cuối. Các thông tin này bao gồm RequestedEvents, DigitMap, SignalRequests, RequestIdentifier, NotifiedEntity, ConnectionIdentifiers, DetectEvents, ObservedEvents, EventStates, RestartReason, RestartDelay, ReasonCode, and Capabilities.
AuditConnection : được sử dụng bởi Call Agent để thu thập thông tin về một kết nối. Lệnh này có các thông số sau
EndpointID : nhận dạng điểm cuối điều khiển kết nối.
ConnectionID : nhận dạng kết nối được kiểm tra.
RequestedInfo : mô tả thông tin được yêu cầu cho ConnectionID trong một EndpointID được chỉ định. Các thông tin này bao gồm CallId (nhận dạng cuộc gọi mà kết nối thuộc về), NotifiedEntity (thực thể được thông báo hiện tại của kết nối), LocalConnectionOptions, Mode (chế độ hiện tại của kết nối), RemoteConnectionDescriptor, LocalConnectionDescriptor, ConnectionParameters (giá trị hiện tại của các thông số kết nối đối với kết nối).
Restartin-Progress : được sử dụng bởi Gatway để thông báo cho Call Agent một điểm cuối, một nhóm điểm cuối đang vào hoặc ra khỏi một dịch vụ.
EndpointID : nhận dạng điểm cuối đang vào hoặc ra khỏi một dịch vụ.
RestartMethod : chỉ định loại khởi đầu lại. Các giá trị được định nghĩa như graceful (điểm cuối ra khỏi dịch vụ sau một độ trễ nào đó), forced (điểm cuối ra khỏi dịch vụ bất ngờ), restart (dịch vụ sẽ được phục hồi trên điểm cuối sau một độ trễ khởi đầu lại đặc biệt), disconnected (điểm cuối bị ngắt kết nối và cố gắng thiết lập lại kết nối), cancel-graceful (Gateway hủy bỏ lệnh khởi đầu lại garaceful đã được cấp phát trước đó).
RestartDelay : là thông số tùy chọn, biểu diễn độ trễ tính bằng giây.
Reason-Code : là thông số tùy chọn, chỉ ra mã lý do khởi đầu lại.
Mã trả về và mã lỗi : tất cả các lệnh MGCP đều được công nhận. Việc công nhận này mang một mã chỉ ra trang thái của lệnh. Mã trả về là một số nguyên, có 4 phạm vi giá trị đã được định nghĩa.
Giá trị giữa 100 và 199 chỉ ra đáp ứng tạm thời.
Giá trị giữa 200 và 299 chỉ ra hoàn toàn thành công.
Giá trị giữa 400 và 499 chỉ ra một lỗi tạm thời.
Giá trị giữa 500 và 599 chỉ ra lỗi lâu dài.
Mã lý do : được dùng bởi Gateway khi xóa một kết nối để thông báo cho Call Agent biết về lý do xóa kết nối. Mã lý do cũng là một số nguyên.
4.3.4.Hoạt động của MGCP:
Hình 4.19 trình bày các hoạt động cơ bản của việc thiết lập cuộc gọi đi từ MGCP đến mạng điện thoại truyền thống PSTN. Ví dụ này bao gồm một Gateway riêng (residential Gateway), một Gateway trung kế, một cơ sở dữ liệu chung và một Gateway tính cước (accounting Gateway). Các bước hoạt động như sau :
Bước 1 : bản tin NotificationRequest được gửi đến Gateway riêng trước khi Gateway có thể điều khiển một kết nối. Bản tin này không phải là một lệnh cấu hình. Call Agent và Gateway phải được cấu hình trước. Bản tin này được đưa trực tiếp đến Gateway để giám sát điều kiện nhắc máy (off-hook) của một kết nối.
Bước 2 : Gateway công nhận bản tin với ACK.
Bước 3 : Gateway giám sát đường dây và giả sử người dùng nhắc máy.
Bước 4 : Gateway gửi bản tin Notify đến Call Agent để thông báo cho Call Agent biết về sự kiện nhắc máy của người dùng.
Bước 5 : Call Agent công nhận bản tin Notify với ACK.
Bước 6: Call Agent quyết định chỉ dẫn Gateway phải làm gì phụ thuộc vào loại đường dây mà Gateway giám sát. Giả sử đó là đường dây quay số truyền thống, Call Agent gửi bản tin NotificationRequest đến Gateway để tạo âm quay số và thu thập chữ số.
Bước 7: Gateway đáp ứng với bản tin ACK và tạo âm quay số đến người dùng.
Bước 8: phụ thuộc vào bản đồ chữ số được gửi đến Gateway (có thể được gửi trong bước 1) mà Gateway tích lũy các chữ số.
Bước 9: Gateway thông báo đến Call Agent với bản tin Notify chứa thông số ObservedEvent. Thông số này chứa các chữ số đã được tích lũy.
Bước 10: Call Agent đáp ứng với bản tin ACK.
Bước 11: tiếp theo, Call Agent gửi bản tin NotificationRequest để chỉ định Gateway ngừng thu thập các chữ số và giám sát việc gác máy của người dùng.
Bước 12: Gateway đáp ứng với bản tin ACK.
Bước 13: Call Agent gửi bản tin CreateConnection để chiếm mạch vào. Bản tin này chứa các thông tin như là
• Chu kì gói hóa, cho phép Gateway ghép các mẫu thoại thành gói VoIP như thế nào.
• Giải thuật nén được sử dụng như G.723, G.729, …
• Băng thông cho kết nối.
• Sử dụng hoặc không sử dụng triệt dội.
Bước 14: Gateway công nhận bản tin CreateConnection.
Bước 15: bây giờ, Call Agent phải quyết định đưa cuộc gọi đến đâu và kết nối ở Gateway nào nên được thiết lập. Nó gửi một truy vấn đến cơ sở dữ liệu chung để nhận được các thông tin này. Cơ sở dữ liệu chung này chứa đựng đầy đủ các thông tin để thiết lập đường định tuyến cho một cuộc gọi (đơn giản nhất thì nó là một bản định tuyến IP).
Bước 16 : thông tin cần thiết được cơ sở dữ liệu chung trả lại Call Agent.
Bước 17 : Call Agent đã có đủ thông tin để gửi bản tin CreateConnection đến Gateway trung kế. Các thông số trong bản tin CreateConnection ở bước này thì gần giống như các thông số trong bước 13.
Bước 18 : Gateway trung kế trả lời với bản tin ACK. Trong bản tin này là sự mô tả phiên SDP như là địa chỉ IP, số hiệu cổng và hiện trạng RTP (RTP profile).
Bước 19 : dựa vào thông tin nhận được trong bước 18, Call Agent xây dựng bản tin khởi đầu địa chỉ IAM và gửi bản tin này đến Gateway trung kế, Gateway trung kế đưa bản tin này đến LEC được chỉ định. Một số thông tin được tập hợp từ bước 1-18 được sử dụng để xây dựng bản tin IAM. Chẳng hạn, số (điện thoại) của người gọi và người bị gọi, triệt tiếng dội, cuộc gọi quốc tế, …
Bước 20 : thông tin nhận được từ bước 18 được dùng để tạo bản tin ModifyConnection, bản tin này được gửi đến Gateway riêng. Các thông số trong bản tin này giống như các thông số trong bản tin ACK trong bước 18.
Bước 21 : Gateway công nhận bản tin ModifyConnection.
Bước 22 : LEC trả lại bản tin hoàn thành địa chỉ ACM đến Call Agent. Bản tin này chứa các trường để giúp đỡ Call Agent trong việc chỉ định các hoạt động của Gateway riêng.
Bước 23 : Call Agent nhận bản tin ACM và gửi đến Gateway riêng bản tin NotificationRequest. Bản tin này chỉ định Gateway đặt âm chuông lên đường dây.
Bước 24 : Gateway công nhận bản tin và đặt âm chuông lên đường dây của người dùng điện thoại.
Bước 25 : khi người bị gọi nhắc máy trả lời, bản tin ANM được gửi đến Call Agent.
Bước 26 : Call Agent gửi bản tin NotificationRequest đến Gateway riêng để yêu cầu nó hủy bỏ âm chuông trên đường dây .
Bước 27 : Gateway hủy bỏ âm chuông và đáp ứng với bản tin ACK.
Bước 28 : lúc này, kết nối đang trong chế độ chỉ nhận. Call Agent gửi bản tin ModifyConnection đến Gateway để thay đổi kết nối thành chế độ song công.
Bước 29 : Gateway đáp ứng với bản tin ACK. Kết nối đã được thiết lập.
Bước 30 : sau khi người gọi và người bị gọi hoàn thành cuộc đối thoại, người bị gọi gác máy, LEC gửi bản tin giải phóng REL SS7 đến Call Agent.
Bước 31 : Call Agent gửi bản tin DeleteConnection đến cả hai Gateway. Mỗi bản tin chứa các số nhận dạng thích hợp để Gateway biết kết nối nào đã được cắt.
Bước 32 : Gateway đáp ứng với bản tin ACK chứa các trường dữ liệu thống kê về cuộc gọi như thời gian cuộc gọi, số lỗi, số gói VoIP được trao đổi giữa người gọi và người bị gọi. Lúc này, Gateway tính cước có thể được sử dụng để lưu trữ giá cước cho cuộc gọi.
Bước 33 : đường dây cục bộ được đặt trong trạng thái rỗi.
Bước 34 : Gateway thông báo cho Call Agent biết đường dây đang rỗi bằng bản tin Notify.
Bước 35 : Call Agent đáp ứng với bản tin này.
Bước 36 : Call Agent thông báo cho Gateway giám sát điều kiện nhắc máy trên đường dây bằng bản tin NotificationRequest.
Bước 37 : Gateway đáp ứng bản tin này và đường dây cũng như thuê bao quay trở về trạng thái trước khi bước 1 xảy ra.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top