CHƯƠNG 9.

Một hôm, khi kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, bọng răng của giáo sư bỗng nhiên sưng to tới mức không cách nào che giấu nổi. Trải qua một mùa hè với mười trận thắng và sáu trận thua trên sân khác, xếp thứ hai sau đội đứng đầu Yakutt- Swallows với 2,5 điểm cách biệt, hôm đó, Tigers vừa trở về sân nhà Khôngshien.

Giáo sư chẳng nói với ai, chỉ chịu đựng một mình. Giá mà giáo sư chú ý tới bản thân hơn, chẳng hạn chỉ cần bằng một phần mấy cái cách giáo sư quan tâm tới Căn thôi thì đã chẳng đến nông nỗi ấy. Khi tôi nhận ra thì má trái của ông đã sưng vều, tới nỗi không thể há miệng một cách thoải mái nữa.

Đưa giáo sư tới bác sĩ nha khoa có phần đơn giản hơn là rủ ông tới tiệm cắt tóc hay đi xem bóng chày. Bởi cơn đau dữ dội khiến ông không còn đủ sức để nghĩ ra những lý do ngớ ngẩn, thậm chí chẳng thể thốt thành lời những lý do ngớ ngẩn ấy vì đôi môi không còn cử động nổi. Giáo sư thay một chiếc áo sơ mi sạch, xỏ đôi giày rồi ngoan ngoãn đi bộ suốt chặng đường tới chỗ bác sĩ nha khoa. Ông khom lưng chui lọt dưới tán ô che nắng tôi đang cầm như để che chở cho cái răng đau.

- Cô mà không nghiêm chỉnh ngồi chờ tôi ở đây là không được đâu đấy.

Ngồi trong phòng chờ, giáo sư liên tục căn dặn tôi bằng cái lưỡi đã trở nên rất vụng về. Chẳng hiểu giáo sư sợ tôi không hiểu ông nói gì hay chỉ đơn giản là không tin tưởng tôi mà suốt quãng thời gian chờ đợi gần như cứ năm phút ông lại nhắc nhở tôi:

- Trong lúc tôi vào phòng khám, cô không được đi đâu cả. Cô phải ở đây, ngồi trên chiếc ghế này và chờ tôi, rõ chưa?

- Hẳn là thế rồi. Tôi sẽ không bỏ mặc giáo sư mà đi đâu cả.

Tôi vuốt lưng ông hòng xoa dịu cơn đau. Tất cả những bệnh nhân khác đều nhìn xuống đất, cố gắng xua chúng tôi ra khỏi ý nghĩ của họ. Nhưng tôi biết phải có thái độ thế nào trước những tình huống khó xử như vậy. Nghĩa là chỉ cần vững vàng như định lý Pythagoras hay công thức Euler là được.

- Thật đấy nhé?

- Vâng. Giáo sư khỏi lo. Tôi sẽ ở đây đợi giáo sư đến khi nào cũng được.

Tôi biết có nói thế chứ nói nữa cũng chẳng trấn an ông được, song vẫn phải lặp lại y nguyên một câu trả lời. Cho đến phút chót trước khi đóng cánh cửa buồng khám, giáo sư vẫn cố ngoái lại đằng sau để kiểm tra xem tôi còn ở đó hay không.

Việc khám bệnh kéo dài hơn tôi tưởng. Những bệnh nhân vào sau đã thanh toán và ra về mà chưa thấy giáo sư đâu. Giáo sư không bao giờ chăm sóc răng giả cũng như đánh răng, hơn nữa, tôi dám chắc là ông chẳng đời nào chịu tỏ ra hợp tác nên hẳn là bác sĩ đang phải rất vất vả. Chốc chốc, tôi lại nhỏm dậy ngó vào bên trong qua ô cửa quầy đăng ký, nhưng chẳng thấy gì ngoài phần sau đầu ông.

Cuối cùng thì việc chữa trị cũng kết thúc. Giáo sư bước ra khỏi buồng khám với vẻ mặt cau có hơn cả khi phải cố chịu cơn đau. Vẻ mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt, trán lấm tấm mồ hôi. Thỉnh thoảng ông lại khịt mũi mạnh hoặc bĩu đôi môi có vẻ như vẫn chưa hết tác dụng của thuốc tê một cách cáu kỉnh.

- Giáo sư không sao chứ? Chắc là mệt lắm rồi. Thôi, ta...

Tôi đứng lên định đưa tay ra đỡ, nhưng giáo sư không dừng lại. Ông chẳng thèm để mắt tới tôi, thậm chí còn định hất tay tôi ra.

- Giáo sư sao thế ạ?

Câu hỏi của tôi không tới được tai giáo sư. Ông hất vung đôi dép đang đi, rồi lảo đảo xỏ giày và đi thẳng ra ngoài. Tôi vội vã trả tiền ở quầy đăng ký rồi đuổi theo giáo sư mà chẳng kịp đặt lịch hẹn cho lần sau.

Giáo sư đang băng qua ngã tư đầu tiên. Ông không nhầm đường. Chỉ có điều, ông đang xăm xăm bước giữa đường mà chẳng thèm quan tâm đến dòng xe cộ, thậm chí cả đèn tín hiệu. Tôi không ngờ ông có thể đi nhanh đến thế. Vẻ cáu kỉnh lộ ra cả sau lưng.

- Xin giáo sư chờ một chút.

Tôi gọi to để ông dừng lại song chỉ nhận được ánh mắt tò mò của người qua đường. Nắng giữa mùa hè chói chang và oi bức đến hoa mắt.

Dần dần đến cả tôi cũng bắt đầu bực bội. Đi chữa mỗi cái răng đau, làm gì phải tức tối đến thế! Cứ để nguyên đấy lại chả nặng hơn ấy à. Không lúc này thì lúc khác, đằng nào mà chẳng phải chữa. Căn còn chịu đựng được ba cái chuyện ấy nữa là. Ừ nhỉ, đáng lẽ phải rủ Căn đi cùng. Như thế có thể giáo sư đã xử sự một cách người lớn hơn. Tôi đã làm đúng lời giáo sư dặn, đó là ngồi chờ ông, vậy mà...

Được một lát, tôi bỗng nảy ra cái ý định tinh quái là để mặc giáo sư muốn làm gì thì làm. Tôi cố tình đi chậm lại, không đuổi theo nữa. Giáo sư vẫn chỉ nhìn thẳng và tiếp tục bước, mặc cho còi xe và cây cột điện chắn trước mặt, dáng vẻ như muốn về đến nhà thật nhanh. Mái tóc chải gọn lúc xuất phát đã rối bù tự khi nào, áo com lê nhàu nhĩ. Tấm lưng ông trông thật nhỏ nếu đem xét trên cái khoảng cách giữa ông và tôi. Đôi lúc, dáng ông như lẫn vào ánh mặt trời. Chỉ nhờ những mẩu giấy nhớ lấp lóa tôi mới không để tuột ông khỏi tầm mắt. Chúng phát ra những chùm sáng phức tạp tựa như một kiểu ám hiệu báo cho tôi biết vị trí của ông.

Tôi bất giác chỉnh lại tay cầm ô. Sau đó nhìn đồng hồ. Mặc dầu không nhớ chính xác, song tôi thử tính quãng thời gian từ lúc giáo sư bước vào phòng khám cho tới lúc đi ra. Mười phút, hai mươi phút, ba mươi phút... tôi chỉ tay đếm theo vạch số.

Thế rồi, tôi vụt chạy theo sau giáo sư. Mặc cho đôi xăng đan như sắp tuột ra, tôi cứ bám lấy ánh lấp lánh của những mẩu giấy nhớ mà chạy. Chúng gần như bị bóng đen của phố xá nuốt chửng khi giáo sư rẽ vào góc đường tiếp theo.

Tôi tranh thủ phân loại đống tạp chí toán học nhân lúc giáo sư đi tắm. Mặc dù say sưa với các đề toán có thưởng, song giáo sư không mấy coi trọng tạp chí này, ông vứt bừa bãi mỗi nơi một quyển trong thư phòng và hầu như chẳng động đến trang nào khác ngoài chuyên mục giải toán có thưởng. Tôi gom chúng lại, sắp xếp theo thứ tự từ cũ đến mới, sau đó kiểm tra mục lục để chọn riêng ra những số đăng bài chứng minh của giáo sư.

Tôi tìm thấy tên giáo sư ở nhiều số. Dòng chữ về người giành giải thưởng được in đậm trong khung trang trí đặc biệt ở phần mục lục nên tôi có thể nhận ra ngay. Tên giáo sư nằm đó một cách đĩnh đạc và đầy vẻ tự hào. Bài chứng minh khi lên tạp chí tuy mất đi vẻ ấm áp của những con chữ viết tay song lại tăng thêm phần trang trọng khiến ngay cả một người như tôi cũng cảm thấy trong đó tính chặt chẽ của logic.

Thư phòng nóng hơn hẳn những nơi khác trong nhà phải chăng bởi bức tường tĩnh lặng vây bọc lâu ngày? Tôi điểm lại sự việc xảy ra ở chỗ bác sĩ nha khoa lần nữa và tính toán lại thời gian trong lúc cất số tạp chí không có bài của giáo sư vào thùng các tông. Tôi phạm phải một sơ suất là đã không để ý đến sự tách biệt giữa phòng chờ và phòng khám. Đáng lẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào khi ở cùng giáo sư, ôi cũng không được quên khoảng thời gian tám mươi phút.

Tuy vậy, mặc dầu đã đo đi đếm lại song quãng thời gian tôi không ở cạnh giáo sư rõ ràng là chưa đầy sáu mươi phút.

Nhà toán học cũng là người trần nên đâu phải lúc nào cũng duy trì được cái chu kỳ tám mươi phút một cách chính xác, tôi tự nhủ. Thời tiết còn thay đổi mỗi ngày huống chi con người. Đôi lúc cơ thể cũng trục trặc chứ. Nhất là khi ấy răng giáo sư lại đau. Có gì lạ đâu nếu thần kinh căng lên vì bị một kẻ lạ hoắc chọc ngoáy trong miệng, và thế là vòng quay của cái cuộn băng tám mươi phút bỗng nhiên rối loạn.

Trên sàn nhà, chỗ tạp chí tôi lọc riêng ra đã cao hơn thắt lưng. Những cuốn tạp chí chẳng có gì đặc biệt được nạm bởi những viên đá quý là những bài chứng minh của giáo sư. Nghĩ thế, tôi bỗng thấy xiết bao yêu quý chúng. Tôi cẩn thận sắp gọn từng quyển. Đó vừa là lớp trầm tích của toàn bộ số năng lượng mà ông đã dành cho toán học, vừa là bằng chứng khẳng định rằng tai nạn bất hạnh kia đã chẳng thể khiến tài năng toán học của ông mai một.

- Cô đang làm gì thế?

Giáo sư đã tắm xong từ bao giờ và đang nhìn tôi. Chắc tại thuốc tê chưa hết tác dụng nên miệng ông vẫn còn hơi méo, nhưng má thì đã bớt sưng. Dường như tâm trạng ông đã sảng khoái hơn và cơn đau đã biến mất. Tôi lén đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ treo tường, và chắc chắn rằng khoảng thời gian ông ở trong nhà tắm là chưa đầy ba mươi phút.

- Tôi đang sắp xếp lại chỗ tạp chí.

- Chà, thật là vất vả. Mà nhiều quá nhỉ. Phiền cô vứt chúng đi đâu đó hộ tôi được không?

- Ấy chết. Tôi làm sao vứt chúng đi được.

- Tại sao?

- Bởi toàn bộ chúng là thành quả của giáo sư. Một mình giáo sư đã gây dựng nên tất cả.

Tôi đáp.

Giáo sư không nói gì mà chằm chằm nhìn tôi bằng ánh mắt như run rẩy. Nước rớt xuống từ mái tóc làm ướt vài tờ giấy nhớ.

Lũ ve sầu vẫn kêu đến rát tai suốt buổi sáng bỗng nhiên im bặt, chỉ có nắng hè rót xuống đầy ắp sân sau. Nhưng nếu nhìn thật kỹ, người ta đã có thể nom thấy những đám mây mỏng mảnh gợi lên bóng dáng mùa thu trên bầu trời xa tít ở phía bên kia dãy núi. Đúng cái khoảng trời mà sao Hôm sẽ xuất hiện.

Căn bước vào học kỳ mới chưa lâu thì thông báo về người giành giải nhất của tạp chí khoa học được gửi đến. Đó chính là đề toán mà giáo sư đã đánh vật suốt cả mùa hè.

Nhưng đúng như dự đoán, giáo sư chẳng hề tỏ ra mừng rỡ. Giáo sư không thèm đọc tấm bưu thiếp của tòa soạn mà ném ngay xuống bàn ăn, cũng không phát biểu cảm tưởng hay có ý định nở một nụ cười dù ngắn ngủi.

- Đây là khoảng tiền thưởng lớn nhất kể từ khi số đầu tiên được phát hành đấy ạ.

Tôi nói vậy nhằm nhắc nhở ông. Tôi không có đủ tự tin để phát âm tên đầy đủ của cuốn tạp chí.

- Hừm...

Giáo sư trút một tiếng thở dài tỏ vẻ không quan tâm.

- Giáo sư có biết mình đã phải cực nhọc như thế nào để giải đề toán ấy không? Giáo sư không ăn, không ngủ, suốt từ sáng đến tối chỉ lang thang trong thế giới của những con số. Khắp người giáo sư đầy rôm sảy. Chẳng phải muối ở mồ hôi đã khô trắng trên lưng áo com lê của giáo sư đó sao?

Biết rằng ông chẳng còn nhớ gì về việc giải bài toán đó nữa, tôi ra sức nói với chính ông về những nỗ lực của ông.

- Tôi sẽ không bao giờ quên độ dày và sức nặng của tập bài chứng minh mà giáo sư đã đưa tôi đi gửi. Và cái cảm giác tự hào khi đưa nó qua ô cửa quầy bưu điện nữa.

- Ồ, vậy sao...

Nói thế nào, giáo sư cũng chỉ tỏ ra hờ hững đến phát bực.

Phải chăng việc tự đánh giá thấp ảnh hưởng của những gì mình đã làm là khuynh hướng chung ở tất cả các nhà toán học? Hay điều đó bắt nguồn từ bản chất nhân tính cố hữu của giáo sư? Hẳn là các nhà toán học cũng ham muốn công danh, vả chăng là cái tham vọng được những kẻ ngoại đạo chú ý tới. Chính vì vậy mà người ta đã phát triển toán học thành một bộ môn học thuật, và trong trường hợp của giáo sư thì có lẽ vấn đề chủ yếu nằm ở cơ chế hoạt động của trí nhớ.

Nhưng dù thế nào thì giáo sư cũng tỏ ra lạnh nhạt một cách đáng ngạc nhiên đối với những bài chứng minh đã hoàn tất. Ông đột nhiên thận trọng và kiệm lời khi đối tượng mà ông ưu ái vô hạn hiện nguyên hình và quay lại nhìn ông. Ông không kể lể về lòng nhiệt tình của mình hay đòi hỏi sự đến đáp mà chỉ lặng lẽ bước tiếp sau khi chắc chắn rằng nó đã thực sự hoàn thiện.

Điều đó không chỉ giới hạn trong toán học, mà ngay cả trong những tình huống bình thường như lúc đưa Căn bị thương tới bệnh viện hay lúc lấy thân mình che cho Căn khỏi trái bóng lạc, giáo sư cũng đón nhận lòng biết ơn của chúng tôi một cách vụng về. Không phải vì ông ngoan cố hay lập dị, mà bởi đơn giản ông không hiểu tại sao mình lại được biết ơn nhiều đến nhường vậy.

Điều mình làm được chẳng qua chỉ là việc cỏn con. Mình mà làm được thì người khác cũng làm được. Giáo sư luôn luôn tự nhủ như thế.

- Chúng ta phải ăn mừng thôi.

- Tôi nghĩ không cần phải ăn mừng làm gì.

- Khi tất cả cùng chúc mừng cho người đã cố gắng giành được giải nhất, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội.

- Tôi đâu có ý định vui mừng. Việc tôi làm chẳng qua chỉ là nhòm trộm cuốn sổ của Thượng đế rồi chép lấy một chút những gì có trong đó mà thôi...

- Không. Chúng ta sẽ ăn mừng. Giáo sư không có ý định vui mừng nhưng tôi và Căn thì có.

Thái độ của giáo sư thay đổi khi tên Căn xuất hiện trong câu chuyện.

- À, phải rồi. Nhân tiện chúng ta sẽ làm sinh nhật cho Căn. Ngày 11 tháng Chín. Nếu có giáo sư tham dự nhất định cháu sẽ rất vui.

- Sinh nhật mấy tuổi?

Giáo sư đã mắc mưu. Ông lập tức tỏ ra quan tâm tới diễn biến của câu chuyện.

- Mười một tuổi ạ.

- 11...

Giáo sư nhổm người về phía trước, chớp mắt mấy cái rồi gãi đầu làm cho gàu rơi khắp bàn ăn.

- Vâng, 11.

- Một số nguyên tố tuyệt đẹp. Đẹp nhất trong các số nguyên tố. Đó cũng là số áo của Murayama. Cô không thấy điều này tuyệt vời sao?

Mỗi năm một lần, ai chẳng có ngày sinh nhật, đâu đáng gọi là tuyệt vời nếu đem so sánh với giải nhất nhờ bài chứng minh toán học. Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra mà ngoan ngoãn đồng ý.

- Tốt lắm. Chúng ta sẽ ăn mừng. Cần phải cầu chúc cho lũ trẻ. Chúc mừng lũ trẻ thì bao nhiêu cũng không thừa. Chỉ cần một bữa cơm ngon, nến và pháo tay cũng đủ làm lũ trẻ hạnh phúc. Rất đơn giản, phải không nào?

- Vâng, giáo sư nói đúng.

Tôi lấy bút dạ khoanh vào ngày 11 tháng Chín trên tờ lịch trong phòng ăn bằng một vòng tròn to đến mức những người lơ đãng nhất cũng không thể bỏ qua. Giáo sư viết dòng chữ "Ngày 11 tháng Chín (thứ Sáu) chúc mừng sinh nhật thứ 11 của Căn" lên một mẩu giấy nhớ mới rồi đính nó vào khoảng trống khó khăn lắm mới có được bên dưới mấy mẩu giấy nhớ quan trọng nhất trên ngực.

- Thế này là xong.

Giáo sư gật gù đầy vẻ hài lòng trong khi ngắm nhìn mẩu giấy nhớ vừa nhập bọn.

Sau khi bàn bạc với Căn, chúng tôi quyết định sẽ tặng giáo sư quân bài bóng chày có hình Enatsu. Nhân lúc giáo sư đang ngủ gà trong phòng ăn, tôi bí mật cho Căn xem hộp bánh bích quy trên giá sách, thế là nó tỏ ra khá hứng thú. Nó quên mất việc phải giữ kín chuyện này với giáo sư, ngồi bệt xuống sàn, lấy ra từng quân một, lật hết mặt trước đến mặt sau ngắm nghía và thốt lên những lời thán phục.

- Đây là bảo vật của giáo sư, vì thế con cẩn thận đừng làm chúng bị gấp mép hay dây bẩn ra đấy nhé.

Tôi nhắc nhở thằng bé cũng vô ích, nó chẳng hề nghe.

Đó là lần đầu tiên trong đời Căn được cầm tận tay cái gọi là quân bài bóng chày. Có thể thằng bé đã nhìn thấy những quân bài mà bạn bè nó có và lờ mờ biết tới sự tồn tại ấy, song hẳn là, một cách gần như vô thức, thằng bé luôn trốn tránh chúng. Bởi Căn không phải là đứa trẻ dám vòi tiền mẹ để dùng vào việc vui chơi, nhất là việc vui chơi của riêng mình.

Tuy nhiên, kể từ khi nhìn thấy bộ sưu tập của giáo sư, thằng bé không còn trở lại như cũ được nữa. Nó đã bắt gặp một thế giới bóng chày khác cùng với sự cuốn hút không giống những gì trên thực tế. Nó đã biết đến chuyện những quân bài nhỏ tựa như vị thần hộ vệ coi sóc các trận bóng chày trên đài phát thanh và sân thi đấu. Những bức ản xuất thần, những kỷ lục vĩ đại được viết ra với niềm tự hào, những câu chuyện chứa trong đó cả lòng ngưỡng mộ, những hình chữ nhật vuông vắn nằm gọn trong lòng bàn tay, những chiếc túi nhựa lấp lánh dưới ánh mặt trời... Tất cả những gì liên quan tới bộ bài đều cuốn hút Căn. Nó càng mê mẩn khi nghĩ đến công sức giáo sư đã bỏ ra để hoàn thành bộ sưu tập cùng với niềm hạnh phúc của ông khi làm việc đó.

- Mẹ ơi, nhìn xem. Bức ảnh này của Enatsu chụp rõ cả những giọt mồ hôi đang bắn tóe ra.

- Úi chà, Gene Bacque. Tay rõ là dài.

- Chậc, chậc, thật không thể tin nổi, cái này mới đặc biệt chứ. Hình ảnh của Enatsum sẽ nổi lên khi soi dưới ánh đèn.

Trước nỗi cảm kích, Căn đều thốt lên và giải thích cho tôi nghe hòng tìm kiếm sự đồng tình.

- Mẹ biết rồi. Thôi, mau mau thu dọn đi.

Tôi nghe thấy tiếng kẽo kẹt của chiếc ghế bành vọng tới từ phòng ăn. Sắp đến giờ giáo sư thức giấc.

- Lần sau mẹ sẽ đề nghị giáo sư cho con xem một cách đàng hoàng. Chớ để nhầm số thứ tự đấy nhé. Vì giáo sư đã phân loại rất chi tiết...

Tôi chưa kịp nói xong thì, không hiểu do bộ bài quá nặng hay vì vẫn còn hưng phấn, Căn đánh rơi chiếc hộp xuống nền nhà. Một tiếng động khá lớn phát ra. Thật may là các quân bài xếp khít với nhau nên thiệt hại không đáng kể, tuy nhiên một phần trong số đó (hầu hết là của các cầu thủ chơi chốt hai) bị văng ra sàn.

Chúng tôi cuống quít bắt tay vào nhiệm vụ phục hồi hiện trạng. May mắn thay, không có quân bài nào bị rách hay xước vỏ nhựa. Chỉ có điều, tình trạng hoàn hảo vốn có của bộ sưu tập trong hộp bánh bỗng nhiên bị phá vỡ dù chỉ một góc nhỏ cũng khiến cho nó như mang một vết thương không thể chữa lành. Vì thế, chúng tôi càng lo lắng.

Bây giờ thì giáo sư có thể tỉnh giấc bất cứ lúc nào. Xét cho cùng, chúng tôi đâu cần phải lén lén lút lút kiểu này, bởi nếu là lời đề nghị của Căn thì giáo sư sẽ chẳng hẹp hòi gì mà không cho chúng tôi xem, vậy mà không hiểu sao tôi lại luôn e ngại việc đả động đến bộ bài trong chiếc hộp. Chính vì e ngại mà tôi đã gây ra hậu quả bất kính nhường này. Có thể tại tôi vẫn luôn nghĩ rằng, chắc hẳn giáo sư chẳng muốn ai thấy bộ bài ấy, cũng giống như cậu trai mới lớn cố cất giấu bí mật của riêng mình ở một nơi nào đó.

- Cầu thủ này tên là Shirasaka, vần S nên ở sau Kamata Minoru.

- Cái này đọc là gì hả mẹ?

- Có chú âm đấy thôi. Đọc là Hondo Yasuji. Thế nên phải xếp ở tít đằng sau.

- Mẹ có biết cầu thủ đó không?

- Mẹ không biết, nhưng đã được đưa vào quân bài thì chắc là phải xuất sắc rồi. Mà thôi, chuyện đó để sau, ta phải nhanh lên cái đã.

Việc gấp rút nhất lúc này là phải tập trung trả lại những quân bài vào vị trí mà giáo sư đã quy định. Đúng lúc đó, tôi bỗng phát hiện ra chiếc hộp có hai đáy. Ấy là khi tôi cầm quân bài của "Motoyashi ki Kingo" lên tay. Đáy hộp có vẻ sâu hơn so với cạnh dài của hình chữ nhật.

- Chờ mẹ chút đã.

Tôi ngăn Căn lại và đưa ngón tay vào kẻ hở ở chỗ các quân bài rơi ra. Đúng là có hai đáy.

- Sao thế mẹ?

Căn hỏi vẻ nghi hoặc.

- Không sao. Để chuyện này cho mẹ.

Chẳng hiểu sao sự e ngại đột nhiên biến mất, tôi bỗng trở nên liều lĩnh. Tôi bảo Căn mang lại cho mình chiếc thước kẻ cất trong ngăn kéo bàn làm việc, cẩn thận lách nó vào giữa kẽ hở để khỏi làm lộn tung các quân bài và nhấc lớp đáy giả lên.

- Xem này. ở dưới các quân bài còn có gì đó nữa. Trong lúc mẹ nhấc lên thế này, con lấy nó ra được không?

- Vâng, con hiểu rồi. Con sẽ làm được.

Căn luồn ngón tay bé tẹo của mình vào giữa khe hẹp và khéo léo lôi từ bên trong ra một vật.

Đó là một tập luận văn toán học được đóng bìa cẩn thận kèm theo một họa tiết có vẻ như là phù hiệu của trường đại học. Bên trong là một bài chứng minh dễ có đến trăm trang giấy được đánh máy tiếng Anh. Tên của giáo sư được in ngay ngắn bằng thể chữ gothic và thời gian ghi trên đó là năm 1957.

- Đây có phải các phép toán do giáo sư giải không mẹ?

- Đúng rồi.

- Nhưng sao giáo sư lại cất giấu ở đây nhỉ?

Căn hỏi, trông có vẻ tò mò tột độ. Tôi lập tức làm một phép tính nhẩm, lấy 1992 trừ đi 1957. Khi ấy giáo sư hai mươi chín tuổi. Chẳng còn âm thanh nào phát ra từ phòng ăn, tiếng kẽo kẹt của chiếc ghế bành đã lặng yên.

Tôi lật giở tập luận văn trong khi quân bài "Motoyashiki Kingo" vẫn nằm nguyên trong tay. Tôi nhận ngay ra rằng nó cũng được nâng niu chẳng kém gì những quân bài bóng chày. Mặc dù chất giấy và các con chữ đã cũ dần theo năm tháng song không có một khiếm khuyết nào do bàn tay con người để lại. Quả nhiên cũng giống như những quân bài, chẳng thể tìm thấy bất kỳ một vết gấp hay nếp nhăn hay vệt bẩn trên đó. Những con chữ hoàn toàn chuẩn xác chắc hẳn được gõ bởi một tay đánh máy điêu luyện. Mép quyển đều tăm tắp không lệch một ly, góc nào cũng vuông chẵn chín mươi độ, mặt giấy sờ vào vẫn còn nhẵn mịn. Tôi thầm nghĩ, có lẽ đến cả những báu vật quý giá nhất của hoàng đề cũng chẳng được chôn cất chu đáo nhường này.

Noi theo đức tính cẩn trọng của những người đã chạm vào nó trước đó, đồng thời để tránh sự việc bất cẩn mà Căn vừa gây ra, tôi đã hết sức chú ý khi xem. Mặc dù bị chôn vùi trong giấc ngủ dài, song sức sống đầy cao ngạo của tập luận văn vẫn không hề suy xuyển. Chẳng một sức nặng nào của bộ bài hay mùi mẽ của những chiếc bánh quy có thể xâm hại được nó.

Ở trang đầu tiên, thứ duy nhất mà tôi hiểu được là dòng chữ "Chapter 1". Trong lúc lật giở những trang tiếp theo, tôi thường xuyên bắt gặp một từ mà tôi có thể đánh vần được là Artin. Tôi nhớ lại phỏng đoán Artin mà giáo sư đã giải thích trên đường từ hiệu cắt tóc về nhà bằng cách dùng một cành cây khô vẽ lên mặt đất trong công viên. Cả việc giáo sư thêm vào đó phép tính về số hoàn hảo 28 mà tôi đã nêu ra và hình ảnh những cánh hoa anh đào rơi trên những công thức giăng đầy mặt đất cũng hiện về.

Khi ấy, một bức ảnh đen trắng bỗng rơi ra từ tập luận văn. Căn nhặt nó lên. Hình như nó được chụp ở một triền đê nào đó. Giáo sư đang ngồi trên một bờ dốc phủ đầy cỏ ba lá. Ông thư thái duỗi thẳng chân và nheo mắt dưới ánh mặt trời đang rót xuống. Nom mới thật trẻ trung và đẹp trai. Dáng người trong bộ com lê vẫn y hệt bây giờ song khác ở chỗ nó gây cho người ta cảm giác như tài năng đang toát ra từ khắp cơ thể. Tất nhiên, chẳng có mẩu giấy nhớ nào trên tấm com lê đó.

Và bên cạnh ông là một cô gái. Cô e thẹn ngả đầu về phía vai ông, gấu váy hơi xòe ra và chỉ để lộ mũi giày. Không ai chạm vào ai cả, nhưng ngay đến tôi cũng có thể nhận thấy tình ý giữa hai người. Cho dù đã nhiều năm trôi qua tôi vẫn không thể nhận nhầm bà quả phụ ở nhà trên với ai khác được.

Ngoài tên giáo sư và "Chapter 1", tôi còn đọc được một dòng chữ nữa. Đó là dòng chữ nằm ở vị trí trên cùng của trang đầu tiên, tô điểm cho sự khởi đầu của bài chứng minh. Chỉ duy nhất dòng chữ ấy được viết bằng tay thay vì đánh máy và là tiếng Nhật.

"Tặng N làm bằng chứng cho tình yêu vĩnh cửu, điều em không được phép quên."

Mặc dù đã quyết định là sẽ tặng giáo sư một quân bài bóng chày của Ematsu, nhưng đến bước thực hiện chúng tôi mới té ngửa ra rằng thật chẳng đơn giản chút nào. Bởi những quân bài của Enatsu thời còn đầu quân cho Tigers, tức là trước năm 1975, giáo sư hầu như đã sưu tập đủ cả. Những ấn bản mới phát hành sau đó đều trích dẫn lý lịch chuyển nhượng, vả lại, một Enatsu trong trang phục của Nankai hay Hiroshima thì còn ý nghĩa gì.

Trước hết, tôi và Căn mua cuốn tạp chí chuyên về sưu tập quân bài bóng chày (phát hiện ra việc người ta bán cả các loại tạp chí như thế ở hiệu sách cũng là một sự mới mẻ) để điều tra xem có bao nhiêu kiểu bài, giá bán ra sao, tới đâu thì mua được. Qua đó, nhân tiện chúng tôi cũng trang bị cho mình vốn kiến thức liên qua tới lịch sử các quân bài, nguyên tắc đối với một nhà sưu tập và những điểm cần lưu ý khi cất giữ, vân vân. Cuối tuần, dựa vào danh sách đăng ở trang cuối tạp chí, chúng tôi dạo qua tất cả những cửa hàng nằm trong khu vực chúng tôi ở, nhưng chẳng đạt được kết quả gì.

Tất cả các cửa hàng bán bài bóng chày đều chỉ chiếm một phòng trong một tòa nhà cho thuê cũ rích với đủ các thành phần như công ty cho vay nặng lãi, văn phòng thám tử, hay tiệm coi bói. Những tòa nhà tẻ nhạt tới mức vừa chui vào thang máy đã thấy buồn nẫu ruột bỗng nhiên trở thành thiên đàng đối với một kẻ như Căn khi chúng tôi đặt chân tới. Bởi cả một thế giới hội tụ vô số những chiếc hộp bánh của giáo sư đang mở ra trước mắt nó.

Sau khi đã nhìn ngó khắp nơi Căn mới lấy lại được sự bình tĩnh và và chúng tôi tập trung tìm kiếm Enatsu Yutaka. Quả nhiên góc trưng bày về Enatsu chẳng thiếu thứ gì. Cách phân loại trong hộp bánh của giáo sư được áp dụng ở tất cả các cửa hàng. Khu vực chuyên dành cho Enatsu được phân loại theo các chủ điểm như đội bóng, thời kỳ, vị trí và nằm ngay cạnh Nagashima và O.

Chúng tôi dàn trận ở góc trưng bày về Enatsu. Tôi từ đầu lại, Căn từ cuối lên, chúng tôi kiểm tra từng tấm một. Biết đâu sau tấm này sẽ là một tấm chúng tôi chưa từng nhìn thấy, biết đâu sau tấm này sẽ là một Enatsu trong mơ xuất hiện. Vừa rà soát vừa ấp ủ niềm hy vọng như thế quả là một công việc nhọc nhằn. Chẳng khác nào đang dò dẫm trong một khu rừng rậm mà ánh mặt trời không thể xuyên tới được và trên tay không hề có la bàn. Mặc dầu vậy chúng tôi không những không nhụt chí mà còn từng bước đúc rút bí quyết và kỹ thuật để đẩy nhanh tốc độ công việc.

Trước tiên, rút một quân bài ra bằng ngón trỏ và ngón cái, nếu trùng với loại đã có trong hộp bánh của giác sư thì ngay lập tức trả lại chỗ cũ, còn nếu không, phải kiểm tra xem có thỏa mãn các điều kiện cần thiết hay không. Chúng tôi lặp đi lặp lại thao tác ấy hầu như chỉ dựa vào sự phán đoán chớp nhoáng.

Nhưng cái nào cũng hoặc là đã được nhìn thấy ở đâu đó, hoặc là với trang phục thi đấu lạ hoắc, hoặc là trích dẫn quá kỹ lưỡng lý lịch chuyển nhượng. Vả lại, tôi vỡ lẽ ra rằng những bức ảnh đen trắng thời kỳ sắp gia nhập bóng chày chuyên nghiệp của Enatsu trong bộ sưu tập của giáo sư quả là quý giá và chẳng hề rẻ tiền. Có vẻ sẽ khó mà tìm được những quân bài phù hợp để bổ sung vào đó. Lần nào cũng vậy, chẳng mấy chốc ngón tay tôi đã chạm phải Căn ở giữa, tôi hiểu rằng thêm một khả năng nữa đã biến mất và thở dài thất vọng.

Rốt cuộc chúng tôi đã chẳng chi đến một Yên sau bấy nhiêu thời gian tìm kiếm, vậy mà không một người chủ cửa hàng nào tỏ ra khó chịu. Khi biết chúng tôi đang tìm kiếm Enatsu Yutaka, họ tử tế đem hết mọi thứ liên quan có trong cửa hàng cho chúng tôi xem và còn động viên khi thấy chúng tôi thất vọng vì không kiếm được cái nào ưng ý. Ở cửa hàng cuối cùng, sau khi lắng nghe ý định của chúng tôi, người chủ khuyên chúng tôi nên tìm trong số những quân bài tặng kèm với sô cô la của một hãng sản xuất bánh kẹo phát hành vào năm 1985. Hãng này thường xuyên bán bánh kẹo cùng với các quân bài nhưng vào năm 1985, họ đã chế tạo một bộ bài thượng hạng để kỷ niệm 50 năm ngày sáng lập công ty. Hơn nữa, đó lại là năm đoạt chức vô địch nên các gương mặt của Tigers đều hội đủ.

- Bộ bài thượng hạng nghĩa là gì ạ?

Căn hỏi.

- Nghĩa là người ta cho vào trong hộp bánh những quân bài có chữ ký xịn của cầu thủ, những quân bài in nổi ba chiều hoặc những quân bài có độn mảnh gỗ nhỏ lấy từ cây gậy đập bóng đã được cầu thủ đó sử dụng. Năm 1985 là năm Enatsu giã từ sự nghiệp nên chắc chắn có bản in lại của quân bài găng tay. Chú nhập về một quân nhưng đã bán mất rồi. Vì loại bài này hút khách lắm.

- Bài găng tay là gì ạ?

Căn tiếp tục hỏi.

- Nghĩa là họ cắt nhỏ găng tay của cầu thủ đó ra rồi độn vào trong quân bài.

- Găng tay thật ấy ạ?

- Chứ còn sao. Hiệp hội Bài thể thao Nhật Bản đã chứng nhận nên bảo đảm không có chuyện làm giả. Chỉ có điều lượng hàng ít nên hơi khó kiếm. Nhưng dù sao cũng không được nản chí. Chắc chắn nó phải có ở đâu đó trên thế gian này. Nếu hàng lại về, chú sẽ điện thoại cho cháu. Chú cũng hâm mộ Enatsu lắm đấy nhé.

Anh ta nhấc chiếc mũ Tigers lên rồi xoa đầu Căn. Cử chỉ thật giống với giáo sư.

Ngày 11 tháng Chín đã đến gần. Tôi gợi ý rằng nên đổi sang món quà khác vì làm như thế cũng chẳng hại gì, nhưng Căn không chấp thuận. Đối với Căn, nhất định phải là quân bài bóng chày.

- Nếu bỏ cuộc giữa chừng thì sẽ chẳng bao giờ tìm được lời giải đúng.

Đó là lý lẽ của Căn.

Tất nhiên làm cho giáo sư vui cũng là mục đích lớn nhất của thằng bé. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận là thằng bé khoái được trải qua cái cảm giác tự mình sưu tập quân bài. Nó đang đắm mình trong tâm trạng của một nhà thám hiểm trên đường tìm kiếm quân bài duy nhất chắc chắn đang ở một nơi nào đó trên thế giới.

Khi ở phòng ăn, giáo sư không ngừng nhìn lên tờ lịch. Chốc chốc ông lại đi về phía bức tường, di ngón tay trỏ lên vòng tròn mà tôi đã khoanh quanh ngày 11 tháng Chín. Mẩu giấy nhớ vẫn đính chắc trên ngực giáo sư. Bằng cách riêng của mình, ông cố gắng để không quên ngày sinh nhật của Căn. Còn chuyện giải thưởng của tạp chí toán học thì hẳn là ông đã quên mất rồi.

Sự kiện chiếc hộp cuối cùng cũng không bị lộ. Lúc đó, tôi hầu như không thể rời mắt khỏi trang đầu tiên của tập luận văn. Tôi bần thần nhìn dòng chữ làm bằng chứng cho tình yêu vĩnh cửu... Bút tích đó đích thị là của giáo sư. "Vĩnh cửu" đối với ông không hàm cái ý nghĩa thông thường mà giống như sự vĩnh cửu của một định lý.

Sau đó chính Căn là người giục tôi cất các thứ trở lại chỗ cũ.

- Thôi nào mẹ. Mẹ lại lấy thước nhấc đáy hộp lên đi.

Căn cầm lấy tập luận văn từ tay tôi rồi đút trở lại đáy hộp. Tuy khẩn trương nhưng không cẩu thả. Cứ như thể nó đang tự nhắc nhở mình rằng chớ có làm vấy bẩn những bí mật đã chôn vùi bấy lâu.

Các quân bài được xếp hết vào trong hộp và không để lại bất kỳ dấu vết khả nghi nào. Các mép giấy thẳng đều tăm tắp, chiếc hộp không hề méo mặc dù bị đánh rơi, các chữ cái xếp đúng thứ tự. Vậy mà vẫn có cái gì đó chưa ổn. Kể từ giây phút phát hiện ra bài chứng minh dành tặng N đang ẩn mình trong bóng tối, đối với tôi, các quân bài bóng chày không còn là một bộ sưu tập hoàn hảo nữa mà đã trở thành tấm áo quan chôn giấu những ký ức của giáo sư. Tôi an trí tấm áo quan ấy vào sâu trong giá sách.

Chúng tôi đã trông đợi với niềm hy vọng dù mong manh, song rốt cuộc chẳng có cú điện thoại nào gọi đến. Căn vẫn không từ bỏ những nỗ lực cuối cùng như gửi bưu thiếp tới hòm thư độc giả của tạp chí hay hỏi han bạn bè, thậm chí cả anh trai chúng. Còn tôi thì âm thầm lên kế hoạch cho một món quà dự bị để đừng quá muộn trong trường hợp không kiếm được quân bài như mong muốn. Nhưng biết chọn gì đây. Bút chì 4B, vở ghi chép, kẹp giấy, giấy nhớ, sơ mi trắng... Những thứ giáo sư cần thật ít ỏi. Sự việc lại càng khó khăn hơn khi không thể bàn bạc cùng Căn.

Phải rồi. Mình sẽ mua giày. Tôi nghĩ. Giáo sư cần một đôi giày. Một ý tưởng thật hay, một đôi giày để giáo sư có thể tự do đi đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mà không bị mốc.

Tôi giấu món quà dự bị vào trong góc tủ hốc như vẫn làm thế hồi Căn còn nhỏ. Nếu món quà chính đến kịp, tôi chỉ cần lẳng lặng đút chúng vào tủ giày là xong.

Tia hy vọng bỗng lóe lên từ một hướng bất ngờ. Hôm đó, khi tới văn phòng lĩnh lương, nghe xong câu chuyện của tôi, một đồng nghiệp ở Akebono bảo rằng hình như trong kho cửa hàng tạp hóa của mẹ cô ngày xưa vẫn còn cất giữ những quân bài bóng chày được tặng kèm với bánh kẹo. Tất nhiên, vì có cả ông chủ tịch nghiệp đoàn ở đó nên tôi không đả động đến bữa tiệc chúc mừng giáo sư và sinh nhật Căn mà chỉ đưa đẩy câu chuyện theo kiểu thằng bé nhà tôi cứ đòi bằng được cái thứ như thế làm tôi bí quá. Thấy vậy, cô bạn đồng nghiệp mới kể về món đồ khuyến mãi xếp xó trong nhà kho của mẹ cô, tuy không có vẻ tự tin cho lắm.

Niềm hy vọng của tôi được nhen lên khi nghe nói mẹ cô đóng cửa hàng tạp hóa vì lý do tuổi tác vào đúng năm 1985. Tháng Mười một năm 1985, trong lô bánh kẹo bà nhập về cho chuyến tham quan của hội người cao tuổi gồm cả loại sô cô la nọ. Bà bóc tất cả chỗ quà khuyến mãi mong mỏng đựng trong những chiếc túi nhựa đen dán bên trong hộp sô cô la vì cho rằng người già thì chẳng cần đến chúng. Và định bụng sẽ đem ra dùng khi nào người ta đặt bánh kẹo cho chuyến dã ngoại của bọn trẻ vào mùa xuân. Chắc chắn lũ trẻ sẽ khoái đồ khuyến mãi hơn người già. Không rõ bà có biết đó là quân bài bóng chày hay không nhưng nhận định của bà hoàn toàn chính xác. Chỉ có điều, đơn đặt hàng cho chuyến dã ngoại của bọn trẻ đã không tới. Vì bà mắc bệnh và phải nghỉ bán hàng vào tháng Mười hai năm đó. Như vậy, gần một trăm quân bài bóng chày đã ngủ im trong nhà kho của cửa hiệu tạp hóa suốt một thời gian dài.

Từ nghiệp đoàn tôi ghé thẳng qua nhà cô bạn đồng nghiệp và khệ nệ ôm về một thùng các tông nặng trịch, bụi bặm. Tôi đề nghị gửi trả lại ít tiền gọi là nhưng người đồng nghiệp tốt bụng ấy đã dứt khoát từ chối. Tôi nhận lấy với lòng biết ơn mà chẳng dám nói rằng nếu đem chúng tới cửa hàng chuyên bán bài bóng chày thì có khi còn được giá hơn cả sô cô la ấy chứ.

Vừa về đến nhà, tôi và Căn lập tức bắt tay vào việc sàng lọc. Tôi lấy kéo cắt túi còn Căn kiểm tra bên trong. Công việc chỉ có vậy song chúng tôi hợp tác với nhau khá ăn ý và tiến hành một cách nhanh gọn, chính xác. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã trang bị cho mình những kỹ năng thành thục liên quan tới các quân bài. Tới độ Căn có thể phân biệt được sự khác nhau về chủng loại chỉ bằng một cái chạm tay.

Oshita, Hiramatsu, Nakanishi, Kinugasa, Boomer, Oishi, Kakefu, Harimoto, Nagaike, Horiuchi, Arito, Bass, Akiyama, Kadota, Inao, Khôngbayashi, Fukumoto... Các cầu thủ lần lượt xuất hiện. Đúng như những gì anh chàng ở cửa hàng đã chỉ cho chúng tôi, có cả những quân bài in nổi ba chiều hoặc có chữ ký viết tay hoặc ánh màu nhũ kim. Căn không còn thốt lên thán phục hay tặc lưỡi tiếc rẻ nữa, cứ như thể nó tin rằng càng tập trung bao nhiêu thì càng sớm tới đích bấy nhiêu. Xung quanh tôi la liệt những túi nhựa nhỏ màu đen còn bên cạnh Căn là những lá bài xếp thành đống, thế rồi chẳng mấy chốc, chúng bất lực đổ sập xuống giữa hai chúng tôi.

Mỗi lần chạm tay vào thùng các tông tôi lại ngửi thấy mùi mốc. Chắc là do mùi sô cô la thấm vào quân bài lâu ngày đã biến chất. Thật thà mà nói, hy vọng của chúng tôi bắt đầu biến mất khi công việc đã vơi đi một nửa. Hay nói đúng hơn, chúng tôi càng lúc càng không còn xác định được mình đang làm chuyện này vì cái gì, đang mưu cầu điều gì nữa. Hoặc ít ra là tôi nghĩ thế.

Số lượng các cầu thủ bóng chày quá nhiều. Nhưng phải chấp nhận thôi vì một trận đấu có tới chín cầu thủ ra sân, lại có tới hai giải đầu và đã trải qua những năm mươi năm lịch sử cơ mà. Tất nhiên tôi hiểu Enatsu là một cầu thủ vĩ đại. Tuy nhiên, những cầu thủ vĩ đại khác như Sawamura, Kaneda hay Egawa cũng có người hâm mộ của riêng mình và những người hâm mộ đó cũng cần tới các quân bài. Vì thế, mặc dầu không thể tìm thấy quân bài duy nhất mình cần giữa vô vàn các quân bài trước mặt, tôi cũng chẳng được phép bực mình. Không cần thiết phải sốt ruột. Miễn là Căn còn bình tĩnh. Quà đã nằm sẵn trong tủ rồi. Tuy không phải là loại cao cấp, nhưng hiển nhiên là đắt tiền hơn một quân bài bóng chày, vả lại, thiết kế đơn giản và có vẻ dễ đi. Chắc chắn giáo sư cũng sẽ vui lòng...

- Ồ!

Đúng lúc đó có tiếng Căn khẽ thốt lên, tựa hồ như khi chợt nảy ra cái công thức mấu chốt của một bài toán đố hiểm hóc hay tìm được đường kẻ phụ giúp khai thông bế tắc cho một đề bài hình học. Cái giọng nói nghe như người lớn và âm vực quá đỗi trầm tĩnh ấy khiến mãi một lúc lâu sau tôi vẫn chưa nhận ra rằng quân bài đang cần tìm đang ở trên tay Căn.

Căn không reo lên hay nhảy nhót, cũng không ôm chầm lấy tôi. Nó chăm chú thả ánh mắt xuống quân bài trong lòng bàn tay. Có vẻ như nó muốn một mình ngắm nhìn Enatsu trong chốc lát nên tôi không đánh tiếng. Đó là quân bài thượng hạng mang trong mình mẩu găng tay của Enatsu được sản xuất duy nhất một lần với số lượng có hạn vào năm 1985. Chúng tôi tìm thấy nó vào cái đêm trước bữa tiệc có hai ngày.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top