CHƯƠNG 4.
Giáo sư yêu thích số nguyên tố nhất trên đời. dĩ nhiên là tôi biết sự tồn tại của chúng nhưng chưa bao giờ có ý định coi chúng là đối tượng để yêu thích. Trong khi đó, ngay cả khi đối tượng lạ lùng thế thì cách bày tỏ tình yêu của giáo sư cũng không bao giờ thay đổi. Ông luôn hết mực nâng niu, chiều chuộng, gắn bó và tôn trọng chúng.
Trong những câu chuyện toán học mà tôi và Căn được nghe kể, dù là bên bàn làm việc nơi thư phòng hay bên bàn ăn, xuất hiện nhiều nhất có lẽ là số nguyên tố. Thoạt tiên tôi không hiểu có điều gì hấp dẫn ở cái con số hệt như một kẻ ngoan cố, chẳng chia hết cho số nào ngoài 1 và chính nó. Thế nhưng, sự nhiệt tình của giáo sư đã dần lôi cuốn chúng tôi, tạo ra cho chúng tôi một mối liên hệ. Trong tâm trí tôi, số nguyên tố đã định hình thành một hình dung rõ nét. Hình ảnh ấy hẳn là khác nhau trong mỗi chúng tôi, nhưng chỉ cần giáo sư nhắc đến chúng là trong chúng tôi xuất hiện dấu hiệu nhận biết và những ánh mắt trìu mến. Giống như khi nghĩ đến kẹo caramel là sẽ có một mùi thơm ngọt ngào dâng lên trong miệng vậy.
Buổi chiều là khoảng thời gian quý báu nhất đối với ba chúng toi. Bởi khi đó, giáo sư không còn căng thẳng như lúc mới làm quen vào ban sáng, và Căn cũng vừa trở về cùng với giọng nói hồn nhiên của nó. Phải chăng vì thế mà trong ký ức của tôi luôn có ánh nắng của chiều tà đọng trên gương mặt giáo sư?
Một cách bất đắc dĩ, lần nào giáo sư cũng kể đi kể lại những chuyện giống nhau về số nguyên tố, nhưng Căn và tôi đã hứa với nhau là tuyệt đối không được nói rằng mình nghe rồi. Thỏa thuận này cũng quan trọng y như việc bắt buộc phải nói dối về Enatsu. Dù đã nhàm tai, chúng tôi vẫn tỏ ra lắng nghe, với tất cả thành ý. Căn và tôi cần đáp lại lòng tốt của ông, người đã coi những kẻ mù tịt như chúng tôi ngang với các nhà nghiên cứu lý thuyết số, và hơn hết, chúng tôi không muốn làm ông rối trí. Mọi sự rối trí đều khiến ông buồn. Chỉ cần chúng tôi im lặng, ông sẽ không bao giờ nhận ra thứ mình đánh mất, và khi ấy nó cũng giống như ông chưa từng đánh mất thứ gì. Thành ra, đó không phải là một lời hứa khó thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, những tình huống liên quan đến toán học chẳng mấy khi làm chúng tôi thấy chán. Tuy cùng là câu chuyện về số nguyên tố (ví dụ như chứng minh sự vô hạn của số nguyên tố, cách tọa mật mã từ số nguyên tố, số nguyên tố khổng lồ, số nguyên tố sinh đôi, số nguyên tố Mersenne v.v.), song mỗi một thay đổi trong các chi tiết đều khiến chúng tôi vỡ ra sự ngộ nhận hoặc đem lại cho chúng tôi những phát hiện mới mẻ. Tựa như việc màu sắc của ánh sáng rọi vào số nguyên tố sẽ biến đổi theo thời tiết hoặc âm hưởng của giọng nói vậy.
Tôi đoán rằng, sự hấp dẫn của số nguyên tố là ở chỗ người ta không thể giải thích được chúng xuất hiện theo quy luật nào. Chúng nằm rải rác và vô trật tự, miễn là thỏa mãn điều kiện không có ước số nào ngoài 1 và chính nó. Mặc dù khi cấp số càng lớn càng khó tìm ra được số nguyên tố, song việc dự đoán sự xuất hiện của chúng dựa vào một quy luật nhất định là bất khả, và chính tính nết đỏng đảnh đầy quyến rũ ấy đã hớp hồn giáo sư, kẻ đang cố công đi tìm một mỹ nhân hoàn hảo.
- Ta hãy thử liệt kê các số nguyên tố trong khoảng từ 1 đến 100 nhé.
Giáo sư viết các con số vào cuốn vở bài tập bằng cây bút chì của Căn.
2, 3, 5, 7, 11, 13, 17, 19, 23, 29, 31, 37, 41, 43, 47, 53, 59, 61, 67, 71, 73, 79, 83, 89, 97
Trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn thấy thật kỳ diệu khi các con số cứ thoăn thoắt hiện ra dưới ngón tay của giáo sư. Tôi kinh ngạc tự hỏi, tại sao những ngón tay già yếu, run rẩy đến nỗi không thể bật được lò vi sóng lại có thể viết ra những con số ngay ngắn và nhanh nhẹn nhường này?
Tôi rất thích hình dạng của những con số mà giáo sư viết ra bằng cây bút chì 4B. Số 4 quá đỗi tròn trịa, trông như nút thắt của dải ruy băng; số 5 hơi nghiêng về phía trước, trông như sắp vấp ngã. Mỗi số một vẻ. Mỗi hình thù lại phản ánh một tình bạn đã lớn dần lên trong giáo sư kể từ lần đầu tiên ông gặp gỡ chúng.
- Xong rồi, thấy sao nào?
Bắt đầu từ những câu hỏi trừu tượng là cách của giáo sư.
- Tất cả đều không có trật tự.
Thường thì Căn trả lời trước.
- Và chỉ có mỗi số 2 là số chẵn.
Phát hiện ra những con số dị chất dường như là sở trường của Căn.
- Cháu nói rất đúng. Trong các số nguyên tố chỉ có 2 là số chẵn. Đó là đội trưởng, người dẫn dắt, kẻ kéo theo mình cả một đoàn số nguyên tố vô hạn.
- Nó có cảm thấy cô đơn không nhỉ?
- Không sao, không sao. Nếu cảm thấy cô đơn, nó có thể rời bỏ thế giới của số nguyên tố để sang với thế giới của số chẵn, ở đó nó có vô khối anh em. Cháu đừng lo.
- Ví dụ, còn có những số nguyên tố là các số lẻ liên tiếp như 17 và 19, hoặc 41 và 43.
Tôi cũng không chịu kém cạnh Căn.
- Đúng rồi, một phát hiện rất khá. Đó là các cặp số nguyên tố sinh đôi.
Tại sao những từ ngữ bình thường lại trở nên lãng mạn đến vậy trong toán học, tôi tự hỏi. Dù là cặp số tình bạn hay số nguyên tố sinh đôi, ngoài sự chính xác, những từ ấy còn mang trong mình vẻ e ấp tựa như một tứ thơ. Tôi có thể hình dung ra chúng đang khoác vai nhau hoặc kết tay nhau trong những trang phục cùng kiểu một cách sống động.
- Cấp số càng lớn, các số nguyên tố càng thưa thớt, và các cặp số nguyên tố sinh đôi càng hiếm. Cặp số nguyên tố sinh đôi có nhiều vô hạn như số nguyên tố không thì người ta chưa biết.
Vừa khoanh tròn các cặp số nguyên tố sinh đôi, giáo sư vừa giải thích. Một điều lạ nữa trong các bài giảng của giáo sư là ông không bao giờ đắn đo khi nói không biết. Không biết không phải cái gì đáng xấu hổ, mà là cột cây số trên con đường đi tìm chân lý mới. Với ông, giảng giải về những chân lý chưa được khám phá cũng quan trọng hệt như giảng giải về một định lý đã được chứng minh vậy.
- Các con số có nhiều vô hạn thì chắc chắn các cặp sinh đôi cũng được tạo ra vô hạn chứ.
- Phải rồi. Suy luận của Căn rất hợp lý. Chỉ có điều, khi cấp số vượt qua 100 và lên đến mười nghìn, một triệu, mười triệu thì ta sẽ lạc dần vào một vùng sa mạc không có số nguyên tố.
- Sa mạc?
- À, nghĩa là càng đi thì bóng dáng của chúng càng mất hút. Trông ra chỉ thấy mênh mông là cát. Ở đó, mặt trời điên cuồng thiêu đốt. Cổ họng ta khô đi, mắt ta mờ đi, đầu óc ta mụ mị. Thế rồi, nhìn kìa, có một số nguyên tố, ta vội đuổi theo, nhưng lại gần thì ôi thôi hóa ra là ảo ảnh sa mạc. Thứ ta tóm được trong tay chỉ là gió nóng. Nhưng ta vẫn từng bước tiến lên, không bỏ cuộc. Không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nhìn thấy một ốc đảo gọi là số nguyên tố tràn trề nước ngọt phía cuối đường chân trời.
Bóng trời chiều đổ dài dưới chân chúng tôi. Căn lấy bút chì tô đi tô lại vòng tròn quanh cặp số nguyên tố sinh đôi. Hơi nước nóng dập dờn bay lên từ nồi cơm đặt trong bếp. Giáo sư đưa mắt ra ngoài cửa số như cố nhìn qua bên kia sa mạc, nhưng ở đó chỉ có khu vườn nhỏ chẳng ai đoái hoài.
Ngược lại, giáo sư ghét nhất chỗ đông người. Đó cũng là lý do tại sao ông không thích ra ngoài. Ông không thể chịu nổi nhà ga, tàu điện, cửa hàng bách hóa, rạp chiếu phim, phố ngầm v.v. nơi những con người xa lạ tụ tập thành một đám huyên náo, lộn xộn. Với ông, đó là đối cực của những gì thuộc về vẻ đẹp toán học.
Giáo sư luôn cần sự yên tĩnh. Nhưng không có nghĩa là không được làm ồn. chẳng hạn, Căn có thể chạy ầm ầm ở hành lang hay vặn to radio song cũng không ảnh hưởng mấy đến sự yên tĩnh của ông. Sự yên tĩnh ấy nằm sâu trong tim ông, nơi mọi tiếng động của thế giới bên ngoài không tới được.
Giải xong một đề toán dự thưởng, giáo sư sẽ nắn nót chép vào giấy và kiểm tra lại lần nữa trước khi gửi đi, những lúc ấy, ông thường lẩm nhẩm "Chà, yên tĩnh quá," và tỏ ra rất hài lòng với kết quả.
Cảm giác của ông khi tìm ra đáp án không phải niềm vui hay sự giải phóng, mà là sự tĩnh lặng. Đó là một trạng thái xuất phát từ niềm tin rằng có những thứ đã tồn tại ở cái vị trí vốn dành cho nó, con người không thể làm gì để thay đổi, nó vẫn như vậy trong quá khứ và sẽ vĩnh viễn như vậy trong tương lại. Giáo sư yêu thích trạng thái đó.
Bởi vậy, với giáo sư, yên tĩnh cũng chính là lời ngợi khen giá trị nhất. Vào những hôm vui vẻ, giáo sư thường hay ngồi ở bàn ăn quan sát tôi nấu cơm trong bếp, nhất là lúc tôi làm há cảo, ánh mắt ông luôn tỏ ra hết sức kinh ngạc. Trải rộng vỏ bánh trên lòng bàn tay, cho nhân vào, tùm lấy bốn góc rồi xoắn lại, và đặt lên đĩa, chỉ là sự lặp đi lặp lại giản đơn như vậy song ông chẳng chịu rời mắt cho đến khi chiếc bánh cuối cùng được hoàn tất mà không thấy chán. Ông quá đỗi chăm chú và đôi khi lại bật ra một tiếng thở dài thán phục khiến tôi thấy nhột nhạt và phải cố lắm mới nhịn nổi cười.
- Đã xong rồi đây.
Khi tôi bưng đến một đĩa đầy há cảo được bày biện gọn gàng, giáo sư khoanh tay trên bàn ăn, vừa gật gù vừa nói với vẻ khâm phục.
- Chà, sao mà yên tĩnh.
Vào cái ngày mồng 6 tháng Năm sau khi Tuần lễ vàng kết thúc, lần đầu tiên tôi biết được giáo sư sợ hãi đến mức độ nào khi không thể làm chủ được tình hình bằng một định lý hoặc khi mọi thứ không yên tĩnh. Hôm đó, Căn bị đứt tay.
Tôi trở lại ngôi nhà ngang vào sáng thứ Tư, bốn ngày sau kỳ nghỉ dài từ thứ Bảy đến thứ Ba, thì thấy nước rò ra từ bồn rửa mặt ngập úng cả hành lang. Sự thực là sau khi thông báo cho công ty cấp nước và gọi thợ sửa đường ống xong, tôi cũng đứng ngồi không yên. Phải chăng vì lâu không gặp mà giáo sư cứ một mực giữ thái độ lãnh đạm với tôi, thậm chí còn chẳng phản ứng gì mặc cho tôi chỉ vào mẩu giấy nhớ và giải thích về lai lịch của mình, tình trạng lạnh nhạt ấy diễn ra cho đến gần cuối buổi chiều. Về chuyện đứt tay của Căn, tôi không dám đổ lỗi cho giáo sư, bởi rất có thể chính sự sốt ruột của tôi mới là nguyên nhân sau xa.
Hôm đó, Căn từ trường về được một lát thì tôi sực nhớ ra dầu ăn đã hết nên quyết định đi mua. Thú thực, tôi không yên tâm lắm khi để mặc giáo sư và Căn ở nhà nên trước khi đi mới ghé tai Căn hỏi khẽ.
- Không vấn đề gì chứ?
- Là sao cơ?
Căn hỏi lại cộc lốc.
Bản thân tôi cũng không thể trả lời chính xác mối bất an ấy là gì. Linh cảm chăng? Không, không phải. Thực tình thì khi đó tôi cảm thấy lo lắng về khả năng hoàn thành vai trò người giám hộ của giáo sư.
- Mẹ đi một lát rồi về ngay. Nhưng đây là lần đầu tiên để con và giáo sư ở nhà nên mẹ hơi lo...
- Không sao, không sao.
Căn bỏ ngoài tai lời tôi nói và chạy thẳng vào thư phòng để nhờ giáo sư xem hộ bài tập toán.
Tôi đi mất hai mươi phút. Vừa về đến nhà và mở cửa, tôi lập tức nhận thấy có điều gì đó bất thường. Giáo sư đang ngồi bệt dưới sàn bếp, ôm Căn trong lòng, miệng kêu lên những tiếng không rõ là nấc hay rên.
- Căn... Căn... ôi... xảy ra chuyện rồi...
Giáo sư bị chấn động đến mức không thể thốt thành lời. Càng cố giải thích tình hình, môi ông càng run rẩy, mồ hôi túa ra đầy trán, răng đánh vào nhau lập cập. Tôi gỡ cánh tay giáo sư đang ôm chặt lấy Căn và tách hai người ra.
Căn không khóc. Chỉ ngồi ngoan ngoãn như thể mong cho cơn hoảng loạn của giáo sư lắng xuống, hoặc như thể sợ bị tôi mắng. Máu chảy ra từ bàn tay trái của Căn dấy bẩn áo hai người, nhưng tôi đoán vết thương không trầm trọng tới mức khiến giáo sư phải kích động. Máu đang đông dần, và quan trọng nhất là Căn không có vẻ đau. Tôi giữ cổ tay Căn, rửa vết thương dưới vòi nước máy, rồi đưa khăn bông bảo Căn áp lên đó.
Trong lúc ấy, giáo sư vẫn ngồi bất động dưới sàn nhà, hai cánh tay vẫn ở tư thế như ôm chặt lấy Căn, cứng ngắc. Vì thế, quan trọng hơn việc sơ cứu vết thương cho Căn lúc này là làm giáo sư bình tĩnh trở lại.
- Ổn cả rồi, thưa giáo sư.
Tôi đặt tay lên lưng ông, cố gắng nói bằng một giọng nhỏ nhẹ.
- Tại sao chuyện đáng sợ này... lại xảy ra... với thằng bé dễ thương và thông minh như thế chứ...
- Chỉ là một vết đứt cỏn con thôi mà. Lũ con trai bị đứt tay là chuyện thường.
- Lỗi là tại tôi. Căn không có lỗi. Nó sợ quấy rầy tôi... nên im lặng... chịu đựng một mình...
- Chẳng ai có lỗi hết.
- Không phải. Lỗi tại tôi. Tôi định cầm máu cho nó. Cô tin tôi đi. Vậy mà... máu vẫn cứ chảy... mặt Căn cứ... mỗi lúc một trắng bệch đi... chỉ chút nữa thôi là nó tắt thở...
Giáo sư úp hai bàn tay lên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, nước mũi và nước mắt.
- Giáo sư đừng lo. Căn vẫn sống. Giáo sư xem này, vẫn đang thở đấy thôi.
Vừa nói vậy tôi vừa xoa lưng ông. Không ngờ, tấm lưng thật rộng.
Câu chuyện hai người thuật lại một cách lộn xộn có thể được tóm tắt thế này: sau khi làm bài tập xong, Căn lấy dao định gọt táo, nhưng lại cắt phải chỗ giữa ngón cái và ngón trỏ. Giáo sư khăng khăng rằng người đòi ăn táo là ông, còn Căn khẳng định điều ngược lại, rằng mình đã tự tiện làm việc đó. Dù sự thật thế nào thì Căn cũng đã toan tự mình xử lý vết thương, thế rồi nó bị giáo sư bắt gặp trong lúc tìm mãi không ra băng y tế và đang lúng túng vì máu chảy nhiều.
Rủi thay, tất cả các bệnh viện gần nhà đều đã hết giờ làm việc, chúng tôi chỉ gọi được cho duy nhất một phòng khám nhi nằm đối diện ga và họ nhận lời. Rồi tôi giúp giáo sư đứng dậy. Ngay khi lau sạch khuôn mặt ướt đầm, giáo sư đã có một hành động khiến tôi tròn xoe mắt: ông cõng Căn trên lưng và chạy một mạch đến phòng khám, mặc cho tôi bảo rằng chân Căn đâu có bị thương. Đến mức tôi sợ chấn động sẽ càng làm vết thương hở miệng. Cõng một đứa trẻ nặng ngót nghét 30 cân đâu phải chuyện chơi đối với người xa rời lao động chân tay như giáo sư, vậy mà lúc này, ông đang phô bày một sức mạnh khó ngờ. Vác Căn trên tấm lưng rộng khổ mà tay tôi vừa xoa lên lúc này, giáo sư guồng thục mạng hai chân với đôi giày đã mốc. Căn kéo sụp chiếc mũ Tigers xuống che mặt, đầu cúi gằm không phải vì vết cắt trở đau mà vì ngại ánh mắt người qua đường. Vừa tới nơi, giáo sư liền đập tay ầm ầm lên cánh cửa đang khóa như thể mới chuyển đến một người bị thương sắp chết.
- Làm ơn, mau mở cửa ra! Cháu bé đang nguy cấp! Làm ơn hãy cứu cháu!
Chỉ với hai mũi khâu, vết thương đã kín miệng. Tôi và giáo sư ngồi ngoài hành lang mờ tối, đợi họ kiểm tra xem gân tay có bị tổn thương không. Một cái phòng khám cũ đến mức ngồi không cũng thấy bức bối. Trần nhà bạc phếch, dép đi trong phòng cáu ghét và ẩm ướt, những tờ hướng dẫn cai sữa và lịch tiêm phòng cho trẻ dán trên tường đã ố vàng hết cả. Chẳng có gì ngoài một bóng đèn mờ tỏ trong phòng chụp X- quang soi sáng chỗ chúng toi. Chỉ là một kiểm tra mang tính chiếu lệ, vậy mà vẫn chưa thấy Căn ra.
- Cô có biết số tam giác không?
Trỏ tay lên hình tam giác cảnh báo nguy cơ phóng xạ trên cửa phòng chụp X- quang, giáo sư hỏi.
- Dạ, không.
Tôi đáp. Thoạt tưởng việc nhắc đến các con số là bằng chứng cho thấy sự hoảng loạn lúc đầu của giáo sư đã giảm bớt, nhưng tôi cảm thấy dường như tâm trí ông vẫn nặng trĩu mối bất an.
- Chúng quả thực là những con số lịch lãm.
Giáo sư vẽ mấy hình tam giác bằng các chấm tròn đen lên mặt sau phiếu điều tra lấy trên bàn lễ tân.
- Cô thấy sao?
- Dạ, tôi thấy như... một người kỹ tính đang chất củi thành đống... hoặc đang sắp xếp các hạt đậu đen.
- Phải rồi. Người kỹ tính là một điểm then chốt. Hàng ngang thứ nhất có một chấm, hàng ngang thứ hai có hai chấm, hàng ngang thứ ba có ba chấm... cứ như thế, ta tạo ra các hình tam giác theo một cách không thể dễ dàng hơn.
Tôi nhìn các hình tam giác. Tay giáo sư hơi run. Các chấm tròn đen nom như nổi lên trong bóng tối huyền ảo.
- Tiếp theo, ta sẽ đếm số lượng các chấm đen trong mỗi hình tam giác; 1, 3, 6, 10, 15, 21. Thứ biểu diễn dưới dạng công thức, ta được:
1
1 + 2 = 3
1 + 2 + 3 = 6
1 + 2 + 3 + 4 = 10
1 + 2 + 3 + 4 + 5 = 15
1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 = 21
- Tóm lại, số tam giác biểu thị tổng các số tự nhiên liên tiếp từ 1 đến một số bất kỳ. Nếu ghép hai hình tam giác này lại với nhau, ta sẽ bước vào một thế giới khác. Để tôi làm thử với số tam giác thứ 4, số 10, vì vẽ nhiều chấm quá sẽ rất mệt
Trời không lạnh, vậy mà tay giáo sư mỗi lúc một run, các chấm đen trở nên méo mó và xiên xẹo. Ông chăm chú như thể tập tung toàn bộ thần kinh vào đầu bút.Những mẩu giấy nhớ trên cái com lê đều đã vấy máu đến mức khổng thể đọc nổi.
- Được chưa nào? Nhìn cho kỹ nhé. Khi ghép hai hình tam giác số 4 lại với nhau, ta được một hình chữ nhật có 4 chấm đen ở hàng dọc và năm chấm đen ở hàng ngang. Tổng số các chấm đen trong hình chữ nhật này là 4 5 = 20 chấm. Cô hiểu chứ? nếu chia đôi ta được 20 2 = 10, đây là tổng các số tự nhiên từ 1 đến 4. Nói cách khác nếu xem xét các hàng ngang của hình chữ nhật, ta nhận thấy điều này.
1+4=5
Sử dụng phương pháp này, ta có thể tức khắc tìm được số tam giác thứ 19, tức là tổng các số tự nhiên liên tiếp từ 1 đến 10, thậm chí là số tam giác thứ 100.
Chẳng hạn, từ 1 đến 10:
Từ 1 đến 100:
Từ 1 đến 1000:
= 500500
Từ 1 đến 10000...
Tôi biết giáo sư đang khóc. Mẩu bút chì lăn xuống chân. Tôi chưa từng thấy ông khóc mà sao lại có cái ảo giác như thể đã chứng kiến chuyện này nhiều lần rồi, và mổi lần như thế tôi lại bối rối và bất lực trước những tiếng nghẹn ngào yếu ớt hệt như bây giờ. Tôi đặt tay mình lên tay giáo sư.
- Hiểu chưa nào? Ta có thể tìm tổng của các số tự nhiên liên tiếp bằng cách đó.
- Tôi nghĩ là tôi hiểu.
- Xếp các hạt đậu đen thành một hình tam giác.Chỉ cần vậy thôi
- Vâng, đúng thế.
- Cô hiểu những gì tôi nói thật chứ?
- Tôi hiểu. Giáo sư cứ yên tâm. Đừng khóc nữa. Bởi vì số tam giác đẹp như thế này cơ mà.
Tôi nói.
Đúng lúc đó, Căn cũng vừa bước ra khỏi phòng khám
- Thấy chưa. Không sao mà.
Căn vừa nói vừa cố vẫy thật lực bàn tay trái bị quấn băng.
Nhờ sự cố bất ngờ đó mà chúng tôi được ăn cơm hàng. Vừa rời khỏi phòng khám, cả ba đều sực nhớ bụng mình lép kẹp. Biết giáo sư ghét chỗ đông người nên tôi chọn một cái quán thật vắng trong khu phố buôn bán trước cửa ga và gọi cơm cà ri. Đúng là quán vắng khách, đồ ăn chẳng ngon tẹo nào, nhưng bù lại Căn khoái ra mặt bởi hiếm khi được đi ăn ở ngoài. Ý chừng cu cậu cũng khá hài long với bàn tay trái bị băng bó rõ là quá mức cần thiết. Chắc cu cậu đang nghĩ mình vừa trở thành một trang anh hùng xả thân vì danh dự đây mà.
Trước mắt mình khỏi phải giúp mẹ rửa bát, cũng khỏi phải tắm.
Nó tuyên bố huênh hoang.
Trên đường về, Căn lại được giáo sư cõng. Nó kéo cao lưỡi trai, ngoan ngoãn nằm trên lưng, không biết có phải vì trời tối, ít người qua lại nên không sợ ai để ý hay nó muốn đáp lại tấm lòng của giáo sư? Ánh đèn đường soi sáng rặng tiêu huyền, vầng trăng khuyết bồng bềnh trên cao. Gió đêm khoan khoái, bụng căng tròn, tay Căn vô sự.Còn gì mãn nguyện hơn thế. Tiếng gót giày của giáo sư và tôi hòa vào nhau, còn đôi giày thể thao của Căn thì vung vẩy sau lưng ông.
Chúng tôi chia tay giáo sư, nhưng không hiểu sao khi về đến nhà Căn đã tỏ ra cáu kỉnh. Nó lao về phòng bật radio lên rồi khi tôi bảo nó cởi bộ quần áo bẩn ra, nó chẳng trả lời.
- Tigers đang thua à?
Căn quay mặt vào bàn học, chằm chằm nhìn máy thu nhanh. Đối thủ là Giants.
- Hôm qua cũng thua phải không?
Căn vẫn không lên tiếng. Bình luận viên thông báo đã hết hiệp tấn công thứ chín và tỷ số của lần giao bóng giữa Nakata và Kuwata là 2 đều.
- Con vẫn đau à?
Căn cắn chặt môi, nhất quyết không chịu rời mắt khỏi chiếc loa.
- Nếu đau thì phải uống thuốc bác sĩ cho hôm nay đi. Mẹ lấy nước hộ con nhé?
- Không cần
Cuối cùng nó cũng đáp lại bằng một câu cụt lủn.
- Không nên cố chịu đựng làm gì. Mưng mủ là gay go đấy.
- Đã bảo không cần là không cần. Không đau.
Căn siết bàn tay trái bị quấn băng rồi đấm mạnh xuống bàn mấy cái, trong khi che đôi mắt mọng nước. Nguyên nhân khiến Căn cáu kỉnh chắc không phải tại Tigers.
- Con làm gì thế? Vừa mới khâu thôi đấy. Máu lại chảy ra thì sao?
Căn không giấu nổi dòng nước mắt lăn dài trên má. Tôi định kiểm tra xem máu có thấm qua băng không nhưng Căn hất tôi ra. Từ trong radio dậy lên tiếng hoan hô. Hình như cầu thủ vụt bóng của Tigers vừa đánh trúng sau hai lần không thành công.
- Con không hài lòng vì mẹ bỏ con lại một mình để đi chợ à? Hay là con ấm ức vì dùng dao không khéo? Con thấy xấu hổ vì tỏ ra vụng về trước mặt giáo sư phải không?
Căn lại im lặng. Lượt đánh của Kameyama.
- Bị áp đảo trước đường bóng của Kuwata... đã giành liên tiếp hai cú ăn ba sau hai lượt đánh nhưng... liệu đây có phải là một cú ném thẳng không...giơ tay chuẩn bị ném trái thứ nhất...
Ngay cả giọng tường thuật cảu bình luận viên cũng bị đứt quãng bởi tiếng hò reo trên sân vận động Khôngshien. Nó không nói không rằng, chỉ bất động để mặc nước mắt tuôn ra.
Tối nay làm sao thế nhỉ, một ngày m2 phải chứng kiến hai người đàn ông khóc, tôi nghĩ bụng. Căn khóc thì tôi thấy nhiều rồi. Nó khóc lúc thèm ti, đòi bế, hờn dỗi, và dạo bà ấmt. Nói chung nó khóc suốt từ hồi mới đẻ.
Nhưng lần này thì khác. Nước mắt Căn chảy ra ở một nơi mà tay tôi không sao có thể với tới để lau được.
- Hay là con giận giáo sư đã không sơ cứu cho con kịp thời?
- Không phải
Căn nhìn thẳng vào tôi, nói bằng một giọng bình tĩnh như không có vẻ gì là đang khóc.
- Tại mẹ không tin giáo sư. Mẹ tỏ ra nghi ngờ khi giao con cho giáo sư trông nom. Điều đó là không tha thứ được.
Kameyama vụt bóng vào chính giữa cánh phải. Wada chạy một mạch từ chốt một về đến chốt nhà, giành điếm quyết định. Bình luận viên hô to, những tiếng hò reo dậy lên như sóng bao quanh chúng tôi.
Ngày hôm sau tôi cùng giáo sư chép lại những tờ giấy nhớ " Tại sao lại có máu nhỉ?". Giáo sư vừa sờ soạng kiểm tra người mình vừa lẩm bẩm ra chiều khó hiểu.
- Tại vì Căn, cháu là con trai tôi, bị dao cắt vào tay nhưng vết thương không sao.
- Con trai cô? Ồ, chết thật. Như thế này thì chắc chảy nhiều máu lắm
- Không đâu ạ. Nhờ có giáo sư nên đã không có xảy ra chuyện gì nghiêm trọng.
- Thật thế sao? Nhờ tôi ư?
- Tất nhiên rồi. Giáo sư chẳng đã kích động đến nỗi làm hỏng cả chỗ giấy nhớ đấy là gì.
Tôi gỡ từng tờ giấy nhớ ra khỏi áo com lê của giáo sư. Chúng làm tổ khắp nơi trên đó, tưởng như bóc mãi không hết. Chúng hầu hết liên quan đến toán học nên tôi chẳng hiểu gì mấy. Chỉ có rất ít những sự việc ngoài toán học cần ghi nhớ.
Giáo sư không những giúp đỡ Căn mà còn chỉ cho tôi một điều quan trọng ở trong phòng chờ của bệnh viện nữa.
Điều quan trọng?
Về số tam giác ạ. Để tính tổng các số tự nhiên liên tiếp từ 1 đến 10, giáo sư đã dạy tôi một công thức mà những người như tôi chẳng bao giờ biết tới. Một công thức tuyệt vời. Đến độ tôi chỉ muốn nhắm mắt lại và cầu nguyện... Vậy thôi, ta bắt đầu từ cái này giáo sư nhé.
Tôi chìa cho giáo sư mẩu giấy nhớ quan trọng nhất:"Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút." Giáo sư chép lại dòng chữ đó lên một tờ giấy mới.
"Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút"
Thế rồi, ông lẩm nhẩm đọc, chỉ vừa đủ để mình nghe thấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top