SÁM HỐI

KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ NIỀM TIN PHẬT GIÁO

Biên Soạn: Pháp Sư Quảng Tịnh

Việt dịch: Thích Ðạo Cơ

--- o0o --- 

Chương VI

SÁM HỐI

Dẫn Nhập

Trên đời không có ai hoàn toàn thanh tịnh, không mang một tỳ vết nào, trừ phi đã trải qua một phen rèn luyện triệt để.       

Ðức Phật dạy: “Chúng sanh chìm đắm trong sáu nẻo luân hồi nên hoàn toàn không thể trong sạch, dứt hết tỳ vết tội ác”. Thế giới Ta-bà là nơi tập hợp ngũ trược1 nên mới gọi là trần thế, tức là trên cõi đời này dẫy đầy bụi bặm và nhơ nhớp. Người ta thường nói “gần son thì đỏ, gần mực thì đen”. Sống ở trong đời nhất định sẽ bị trần thế làm nhiễm ô, khiến hai mắt của chúng ta bị ngăn che, đánh mất chân tánh quên mất con đường chánh. Do đó, nếu muốn tẩy hết tội ác trần nhiễm, được thanh tịnh tự tại thì nhất định cần phải hiểu rõ phương pháp sám hối.

Chánh Ðề

I. Ðịnh nghĩa

Sám, tiếng Phạn là Ksamayati; dịch ý là hối quá. Sau khi hối lỗi về những sai phạm, từ đó không vi phạm trở lại, cũng chiùnh là không phạm lỗi lần thứ hai. Biết rõ lỗi lầm thì phải thiết bày pháp sám hối, nếu sau khi đã sám hối rồi mà còn tái phạm thì không phù hợp với tôn chỉ sám hối của Phật giáo.

II. Chủng loại

Người đời hoặc ngoại đạo cũng có phương pháp sám hối, nhưng không giống với phương pháp sám hối của Phật giáo. Ngoại đạo cũng có các thứ tế phẩm dâng hiến thần linh để cầu trừ tội lỗi của mình. Họ cũng có nơi tắm rửa, gọi là sông Thánh để tẩy tội cấu, hoặc dùng các lối khổ hạnh như nhịn ăn, nhịn uống, dầm mưa dãi nắng, châm mũi nhọn vào thân thể... để cầu giải trừ tội chướng. Nhưng tội lỗi lại ở trong tâm linh, không hình không tướng, làm sao có thể dùng hình thức bên ngoài để rửa sạch tội lỗi được!? Ðức Phật dạy: “Tội do tâm sanh nên phải do tâm trừ, không ai có quyền thưởng hay phạt”. Nghĩa là “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Do đó, chúng ta muốn trừ bỏ lỗi lầm thì cần phải thực hành phương pháp sám hối của Phật giáo mới có thể đạt được lợi ích. Phật giáo có bốn loại sám hối :

1. Tác pháp sám hối.

2. Thủ tướng sám hối.

3. Hồng danh sám hối.

4. Vô sanh sám hối..

Ba loại sám hối trước thuộc “sự sám hối”, loại sám hối sau thuộc “lý sám hối”.                 

1. Tác pháp sám hối: Thiết đàn cung thỉnh chư đại đức tăng thanh tịnh chứng minh. Sau đó vào pháp đàn, phải thành kính tha thiết bày tỏ rõ ràng: “Phát lồ lầm lỗi, nhất tâm sám hối, phát thệ nguyện vĩnh viễn không tái phạm”. Thành khẩn như vậy, giới thể nếu đạt được thanh tịnh thì tội lỗi sẽ được tiêu trừ.

2. Thủ tướng sám hối: Dùng quán tưởng mà sám hối. Phương pháp này nên dùng cho những bậc tu hành đạo hạnh tương đối cao, hoặc ở địa phương không có Tăng-già thanh tịnh chứng minh. Khi thực hành pháp này, hành giả nên đối diện trước tượng Phật, Bồ-tát thành tâm lễ bái, bày tỏ tội lỗi, sám hối lỗi lầm đã vi phạm từ một ngày, ba ngày, bảy ngày, bốn mươi chín ngày..., cho đến vô số ngày, đến khi nào thấy được tướng tốt, như thấy hào quang, hoa sen, hoặc Phật, Bồ-tát hiện thân xoa đầu... mới có thể dừng nghỉ.

3. Hồng danh sám hối: Phương pháp này lấy năm mươi ba Thánh hiệu Phật trong kinh “Quán Dược Vương Dược Thượng Boà-tát” và thêm ba mươi lăm Thánh hiệu vị Phật trong kinh “Ðại Bảo Tích”, cộng lại thành tám mươi tám Thánh hiệu Phật, lại thêm pháp giới tạng thân A Di Ðà Phật với kệ Phổ Hiền đại nguyện mà thành nghi sám hối này. Tổng cộng tất cả thành một trăm lẻ tám lạy, tượng trưng tẩy trừng cho một trăm lẻ tám phiền não2.

Nếu dựa theo nghi thức sám hối này mà thành tâm lễ bái thì có thể tiêu trừ được tội chướng. Bất luận những điều đã vi phạm ở nhiều kiếp quá khứ hoặc ở đời hiện tại đều có thể sám hối trừ sạch hết. Do nhiều kiếp trong quá khứ, chúng ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp, nên chỉ sám hối bằng miệng không thì không thể dễ dàng có hiệu nghiệm mà phải thành kính lạy Phật, thành tâm sám hối và phát nguyện không tạo ác nghiệp, não hại chúng sanh nữa. Cung thỉnh chư Phật hướng đến chứng minh lòng sửa đổi của chúng ta đối với kẻ oán. Giống như khi học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường, thứ nhất cần phải mời phụ huynh trong nhà hoặc người có đức độ đến để cam đoan, bảo đảm cho học sinh không tái phạm nội quy nhà trường nữa, học sinh đó mới không bị đuổi học.

Trong kinh Ðại Bảo Tích, đức Phật có dạy: “Tất cả chúng sanh phạm tội ngũ nghịch3, mười điều ác4, cho đến muôn kiếp không thể sám hối; nhưng nếu xưng niệm thánh hiệu ba mươi lăm vị Phật và thành tâm lễ bái thì tất cả tội chướng thảy đều được tiêu trừ”. Hồng danh của chư Phật như ngọn đèn sáng có thể phá trừ phiền não tối tăm. Công đức thật không thể nghĩ bàn như thế, cho nên hiện nay, đại đa số các tự viện đều áp dụng phương pháp sám hối này.

4. Vô sanh sám hối

Phương pháp sám hối này thuộc về lý sám hối, cao thâm lại rất khó. Chỉ bậc thượng căn mới có thể thực hành phương pháp sám hối này. Phương pháp này được phân làm hai loại:

     - Quán tâm vô sanh: Quán tâm thức của chính mình, ngay khi đó vô sanh.

Trong kinh Kim Cang có nói: “Tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, tâm vị lai không thể nắm bắt”5. Quán sát tâm ở ba giai đoạn đều bất khả đắc, thì thử hỏi vọng niệm từ đâu mà sanh? Nếu vọng niệm bất khả đắc thì tướng các tội lỗi ấy đều không. Trong kinh lại nói: “Tội từ tâm khởi nên đem tâm mà sám, tâm được tịnh rồi thì tội liền tiêu, tội tiêu tâm diệt, cả hai thảy đều trống rỗng, như thế mới thật là sám hối chân thật”.

- Quán pháp vô sanh: Quán thật tướng của các pháp đều vô sanh. “Thật tướng” chỉ tướng chân thật của vũ trụ, nhân sanh, không vì sự biến đổi  của thời gian không gian, mà có sự bất đồng đều là chân như, chân tâm bất sanh, bất diệt. Nếu người tu hành có thể thấu ngộ được thật tướng thì tất cả tội lỗi (giả tướng) tự nhiên tiêu diệt.

Trong kinh Quán Phổ Hiền có nói: “Nếu ai muốn sám hối, hãy ngồi ngay ngắn nhớ nghĩ thật tướng, thì tội chướng như sương mai sẽ tan dưới ánh mặt trời trí tuệ”. Ðó là người tu hành ngộ thật tướng.

III. Phát khởi thiện hạnh mới, tiêu trừ tội lỗi cũ

Sau khi sám hối, tuy có thể tiêu trừ tội lỗi cũ nhưng tập khí ác của sự tạo tội vẫn chưa trừ sạch, nên cần phải nỗ lực làm việc thiện.

-       Tiêu trừ tập khí ác: Tội nghiệp của chúng ta đã tạo trong quá khứ có thể nói là nhiều vô số. Vì chúng ta từ vô lượng kiếp quá khứ đến nay sanh sanh tử tử, mỗi đời đều tạo không ít ác nghiệp. Những nghiệp này tích lũy, hình thành một lực lượng lớn mạnh, gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực này đưa chúng ta vào nơi hiểm nạn khổ não, mê mờ, do đó mà khiến tiếp tục tạo nghiệp, chiêu cảm quả khổ. Vì vậy, tánh ác xoay vòng không bao giờ dứt, giống như chuỗi móc xích hình tròn, từng cái từng cái nối tiếp nhau mãi mãi không cùng.

Trong kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền dạy: “Tội chướng chúng sanh tạo vô lượng vô biên, nếu có hình tướng thì khắp cõi hư không, không thể dung chứa hết”. Thật vậy, tội lỗi của chúng sanh từ xa xưa đến nay không ngừng tích lũy như: tham dục, sân nhuế khi sanh ra liền có, không cần phải trải qua sự dạy bảo, gặp việc đáng yêu liền tham cầu, gặp việc không vừa ý tự nhiên sanh phiền não. Những tánh ác này cùng tồn tại với thân thể, tội lỗi tiềm tàng sâu xa trong thân thể, rất khó tiêu trừ. Trong kinh gọi chúng là “Câu sanh khởi phiền não”6 hoặc “Bản hữu chủng tử”7. Còn sau khi lọt lòng, theo thầy tà bạn ác huân tập các thứ tà kiến xấu ác thì trong kinh gọi chúng là “Phân biệt khởi phiền não” hoặc “Tân huân chủng tử” nghĩa là nói, mới vừa bị ảnh hưởng nhiễm ô bởi các phong tục tập quán. “Phân biệt phiền não” tương đối dễ trừ bỏ, nhưng “Câu sanh phiền não” thì rất khó trừ. Cho nên, chúng ta phải dùng tâm thành kính sám hối, phát tâm đại tàm quí lâu dài, thì mới có thể dần dần trừ diệt được “câu sanh phiền não” của chúng ta và đoạn tuyệt các thứ “phân biệt phiền não” thì không còn tái sanh nữa.

Nếu muốn đoạn tuyệt các huân tập ác mà không dùng phương pháp thích hợp thì cũng giống như lấy đá đè cỏ, tuy tạm thời cỏ bị nằm yên, nhưng một khi lật đá bỏ đi thì cỏ sẽ có cơ hội phát triển và sum suê hơn trước. Cho nên, chúng ta muốn trừ các huân tập xấu ác, cách tốt nhất phải nỗ lực sám hối, làm nhiều việc thiện, rộng tu các công  đức.

2. Phát triển thiện hạnh

Song, tập tánh của chúng ta không hoàn toàn đều là ác mà thiện ác đều có. Các huân tập xấu ác của chúng ta từ vô thỉ đến nay cũng đã có và huân tập tánh thiện cũng như vậy. Thiện tánh này là “Phật tánh”, có thể trưởng dưỡng muôn điều thiện, chỉ vì bị ngăn che bởi vọng tưởng, dục vọng, mê hoặc nên không thể hiển lộ. Nếu chúng ta có thể trừ bỏ vọng tưởng thì Phật tánh này sẽ sanh ra các chồi non thiện hạnh, dần dần kết thành đạo quả Bồ-đề. Nhưng muốn trừ đi sự ngăn che này thì phải có điều kiện. Ðiều kiện này là nên nỗ lực thực hành các thiện hạnh: từ, bi, hỷ, xả, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ... Nếu có thể khai mở thiện tánh này thì tập khí xấu ác của chúng ta đều tiêu diệt hết.

Ở phần trước đã trình bày rõ về phương pháp sám hối của thế tục và các tôn giáo khác, đều không thể tiêu trừ tội chướng; mà chỉ có phương pháp “phát huy sự thanh tịnh của Phật tánh, bỏ ác hành thiện” của Phật giáo mới là phương pháp sám hối cơ bản, có thể diệt trừ được tận gốc tội lỗi của chúng ta. Trong bốn pháp sám hối của Phật giáo, có pháp sâu xa thâm áo, có pháp đơn giản rõ ràng, có pháp đặt nặng về lý tánh, có pháp đặt nặng về sự tướng. Hàng đệ tử Phật có thể tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của bản thân mà chọn cho mình phương pháp thích hợp để thực hành. Nếu có đàn tràng lại có tăng chúng thanh tịnh ở gần thì có thể áp dụng phương pháp “Tác pháp sám hối”. Người thượng căn thì có thể sử dụng phương pháp “Vô sanh sám hối”. Nếu không có đàn tràng lân cận hoặc cao Tăng thanh tịnh thì có thể sử dụng phương pháp “Thủ tướng sám hối”. Nếu nghiệp chướng sâu dày không thể áp dụng theo các phương pháp trên thì hằng ngày hoặc vào những ngày trai giới có thể đến chùa viện hay ở tại nhà thực hành phương pháp “Hồng danh sám hối”, thành tâm lễ bái.

Các phương pháp sám hối của Phật giáo, mặc dù cũng có những hình thức như: đảnh lễ, quỳ, lạy Phật... song, hoàn toàn không chỉ là cầu xin hoặc khẩn vái đức Phật để tiêu trừ tội nghiệp của chúng ta mà còn mang một ý nghĩa sự sâu xa khác. Sở dĩ, chúng ta thực hành hình thức lễ bái, niệm Phật trong thời gian dài như thế là có những mục đích sau:

a. Dùng các nghi thức lễ bái, niệm Phật... để thống nhất tinh thần và nhiếp từng ý niệm của chúng ta, loại trừ tạp niệm để tâm tánh của chúng ta được thanh tịnh mà tiêu trừ tội chướng ở quá khứ và hiện tại.

b. Từ trong pháp sám hối thể ngộ chân tướng như thật, hoặc chuyên trú vào đức tánh quanh minh của hiền thánh tăng, của chư Phật và Bồ-tát, rồi quyết tâm truy tìm học hỏi và thực hành theo, tích cực khai triển các thiện hạnh.

Tóm lại, nếu có thể như pháp thực hành theo nghi thức sám hối thì sẽ đạt được những lợi ích đáng quí như sau:

-Khai thác tâm tánh trong sáng thanh tịnh.

-Rèn luyện đức tính kiên định dũng mãnh.

-Diệt trừ phiền não tội chướng để sanh phước huệ.

-Mau chóng đạt đến cảnh giới giải thoát an lạc.

Kết Luận

Thực hành theo phương pháp sám hối của Phật giáo mới có thể tịnh hóa được tâm linh của chúng ta, khiến cho nhân cách của chúng ta phát triển đến cảnh giới chân-thiện-mỹ, trưởng dưỡng hạnh phúc gia đình, an lạc xã hội. Do đó, muốn diệt trừ tội chướng oan khiên, chấm dứt mãi mãi vòng luân hồi sanh tử thì cần phải nỗ lực tìm cầu chân lý; đồng thời, phải thực hiện theo phương pháp sám hối của Phật giáo để sửa đổi nghiệp báo của mỗi cá nhân, giải thoát sanh tử phiền não, và tiến đến quét sạch tất cả đau khổ của chúng sanh, đem an lạc ban khắp cho mọi loài.

1 Ngũ trược:

Ở phẩm Phương tiện trong kinh Pháp Hoa có dạy: “Chư Phật xuất hiện ở đời ác thế ngũ trược: kiếp trược, , phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược, mạng trược”. Kiếp trược, nhân vì bốn sự ô trược ở sau mà có tên gọi như vậy. Kiến trược là những kiến hoặc như thân kiến (chấp thân năm uẩn giả hợp là thật có), biên kiến (kiến giải chấp đoạn hoặc chấp thường ...). Phiền não trược là tất cả tư hoặc phiền não như tham, sân, si ... Chúng sanh trược nghĩa là chúng sanh nhân vì kiến trược, phiền não trược ... mà tạo nhiều ác nghiệp. Mạng trược nghĩa là chúng sanh nhân vì tà kiến(phỉ báng cho rằng không có nhân quả) nảy sinh mà tạo ra các ác nghiệp, rồi bị nghiệp lực mê mờ khiến thân thể suy nhược, phước ít khổ nhiều. 

2 Một trăm lẻ tám phiền não: Kiến hoặc của ba cõi ( kiến giải sai lầm của lý trí) có ba mươi tám sử – Tư hoặc: ( Kiến giải sai lầm của tình cảm) Có mười sử hợp chung lại thành chín mươi tám thùy miên, cộng thêm mười phược: vô tàm, vô quý, hôn trầm, ác tác, não, tật, trạo cử, thùy miên, phẫn, phú... mười triền làm thành 108 phiền não. Nên đệ tử Phật thường dùng 108 biến niệm Phật hay lạy Phật 108 lạy để đối trị 108 phiền não này.

3 Ngũ nghịch là năm loại tội ác cực nặng: Giết cha, giết mẹ, giết La Hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng.

4 Mười điều ác hay còn gọi là mười bất thiện: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói thêu dệt, nói lời thô ác, nói hai lưỡi, tham dục, sân nhuế, si mê.

5 Nguyên văn: Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc (¹L ¥h ¤ß ¤£ ¥i ±o  , ²{ ¦b  ¤ß  ¤£  ¥i ±o,  ¥¼ ¨Ĩ ¤ß  ¤£  ¥i ±o).¡

6 Câu sanh khởi phiền não ­Ð  ¥Í  °_  ·Ð  ´o :   Câu sanh khởi, tiếng Phạn:  Sahaja, nói lược là Câu sanh, có nghĩa là cùng sanh ra với thân ta. Câu sanh khởi phiền não là phiền não cùng sanh ra với thân ta. Không cần phải dựa theo tà giáo, tà sư, tà tư duy, ngược lại cứ tự nhiên đối cảnh mà khởi dậy, thì gọi là “Câu sanh khởi phiền não”.

7 Bản hữu chủng tử  ¥» ¦³ ºØ  ¤l   (hạt giống vốn có): Là một trong hai loại chủng tử, bản hữu chủng tử và tân huân chủng tử.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top