Giáo dục

Những chức năng này thể hiện vai trò của giáo dục đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội về tất cả các mặt.

a.Chức năng kinh tế – sản xuất
- Các nhà nghiên cứu kinh tế học giáo dục đã chỉ ra rằng : Khoa học – Giáo dục – Sản xuất là ba bộ phận hợp thành một cơ cấu thống nhất và trở thành nhân tố quyết định đối với kết quả của nền kinh tế quốc dân. Trong điều kiện phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật, không chỉ tăng cường mối liên hệ giữa khoa học với sản xuất để biến khoa học thành một lực lượng sản xuất trực tiếp mà phải thực hiện sự tác động qua lại giữa khoa học giáo dục và sản xuất. Mắt xích quan trọng trong mối quan hệ này là quan hệ giữa giáo dục và sản xuất.

- Lao động sản xuất dù có đơn giản đến đâu cũng cần phải có sự huấn luyện để người lao động biết lao động, có kinh nghiệm lao động. Lao động càng phức tạp, càng hiện đại càng cần phải có sự đầu tư vào việc huấn luyện nhiều hơn.

- Hiệu quả của nền sản xuất vất chất phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển chung về mặt nhận thức và trình độ chuyên môn của người lao động. Trình độ học vấn và chuyên môn giúp cho người lao động có khả năng tiếp cận và vận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào lao động để tác động đến việc hoàn thiện công cụ lao động, biến lao động thành hoạt động sáng tạo. Cho nên, quan hệ giữa trình độ của người lao động với năng xuất lao động đã được coi là quy luật cơ bản của nền sản xuất hiện đại. Trình độ chuyên môn của người lao động càng cao thì năng xuất lao động càng cao.

K. Mác đã từng làm rõ mối quan hệ giữa giáo dục với sản xuất trên nền tảng của sức lao động. Sức lao động xã hội, theo K. Mác chỉ tồn tại trong nhân cách sống của con người. Giáo dục tái tạo nên sức mạnh bản chất của con người cho nên giáo dục được coi là phương thức tái sản xuất sức lao động xã hội. Sức lao động đó có thể là những thành phẩm như kỹ sư, công nhân vv…hay bán thành phẩm như học sinh.

- Giáo dục luôn luôn phải làm nhiệm vụ bù đắp kịp thời nhân lực thiết hụt (do nhiều nguyên nhân) trong sức sản xuất xã hội. Với sự giáo dục thường xuyên người lao động nhanh chóng thích ứng với thay đổi, phát triển mạnh và liên tục của nền sản xuất. Vì vậy có thể nói : Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho cho sản xuất, là thứ đầu tư khôn ngoan và có lợi nhất. Đây là chiến lược quan trọng của các nước phát triển và đang phát triển hiện nay.

Tóm lại : Muốn nền sản xuất phát triển xã hội phát triển thì đòi hỏi giáo dục phải phát triển. Giáo dục phải đào tạo được một đội ngũ nhân lục lao động có trình độ đáp ứng kịp thời với yêu cầu của nền sản xuất đó.

b. Chức năng chính trị – xã hội.
- Chức năng này thể hiện vai trò của giáo dục đối với sự phát triển xã hội về mặt chính trị. Giáo dục tác động đến cấu trúc xã hội, tức là tác động đến các bộ phận của xã hội bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các nhóm xã hội, các mối quan hệ giữa các bộ phận đó.

- Giáo dục tác động đến cấu trúc xã hội nhằm góp phần biến đổi cấu trúc xã hội theo mục đích mong muốn. Giáo dục Xã hội chủ nghĩa góp phần làm cho cấu trúc xã hội trở nên thuần nhất, nghĩa là góp phần xoá bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, làm cho các tầng lớp xã hội xích lại gần nhau bằng cách nâng cao trình độ văn hoá, nhận thức cho toàn thể nhân dân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn nghề nghiệp vv… Chẳng hạn :

Xã hội bao gồm các mối quan hệ xã hội như : Quan hệ sản xuất, quan hệ đạo đức, quan hệ pháp quyền vv… Trong tất cả các mối quan hệ này đều chứa đựng quan hệ giáo dục. Ví dụ : Quan hệ đạo đức xã hội chủ nghĩa chứa đựng quan hệ giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa và được thúc đẩy bởi quan hệ này.

- Giáo dục góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu xã hội : Giáo dục dân số và kế hoạch hoá gia đình góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển dân số của xã hội, giáo dục giới tính góp phần tiến tới đảm bảo sự bình đẳng nam nữ vv…

- Chính sách ưu tiên theo vùng trong chế độ tuyển sinh hiện nay nhằm góp phần đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ cho các vùng ít có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội : Như các vùng sâu, vùng cao, vv…

c. Chức năng tư tưởng - văn hoá.
Giáo dục có tác dụng to lớn đến việc xây dựng một hệ tư tưởng chi phối toàn xã hội, xây dựng một lối sống phổ biến toàn xã hội, xây dựng một trình độ văn hoá cho toàn dân. Giáo dục góp phần phát triển tư tưởng văn hoá bằng cách phổ cập giáo dục phổ thông với trình độ ngày càng cao cho toàn xã hội. Với một nền giáo dục phổ thông tốt được phổ cập rộng rãi, sẽ nâng cao dân trí, làm xuất hiện và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tóm lại : Giáo dục đã thực hiện chức năng của công cụ tái sản xuất sức lao động xã hội, cải biến cấu trúc xã hội, xây dựng hệ tư tưởng và nền văn hoá xã hội. Do đo,ù giáo dục đã đáp ứng những đòi hỏi phát triển của hình thái kinh tế xã hội về lực lượng sản xuất, quan hệ xã hội và ý thức xã hội.

Muốn thực hiện được các chức năng trên đòi hỏi giáo dục cần làm cho tất cả mọi thành viên của xã hội nâng cao về trình độ học vấn cũng như phát triển mọi mặt nhân cách, mọi người được chuẩn bị tốt cho cuộc sống của họ. Làm thoả mãn nhu cầu được học hành, được phát triển nhân cách của con người. Giáo dục là một phúc lợi, một quyền sống tinh thần, một lợi ích, một hạnh phúc cơ bản của mỗi thành viên trong xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: