Chị Phương Đặng
ĐỀ TÀI MUÔN THUỞ (HAY CUỘC CHIẾN MUÔN THUỞ) MANG TÊN GIÁO DỤC CON
Phụ huynh nào cũng lo cho việc học hành của con, nhưng điều mà tôi thấy là chúng ta chưa biết đặt các câu hỏi quan trọng. Không ít phụ huynh chỉ bị quảng cáo "dắt mũi" hoặc nghe một lời khuyên "bùi tai" ở đâu đó, thay vì tự định hướng cho chính mình. (Nói đến đây, phụ huynh nào cũng sẽ tự tin khẳng định: "Không, có ai dắt mũi tôi đâu!")
Khi con còn nhỏ, thì chúng ta thi xem con ai lẫy được trước, uống được nhiều sữa hơn, con ai nặng cân hơn, con ai cao hơn, con ai ăn dặm nhanh hơn và nhiều hơn. Tiếp đó là cuộc chiến xem con ai biết bò trước, con ai biết đi trước, con ai biết nói trước. Ở giai đoạn tiếp theo, người ta bắt đầu tìm cách để con mình đọc, làm toán, học tiếng Anh, viết chữ nhanh nhất và đẹp nhất. Tiếp theo, người ta bắt đầu so sánh xem con ai nhận được lời nhận xét tốt nhất từ giáo viên, con ai được điểm cao nhất, con ai vào được trường tốt nhất. Rồi thì con ai sẽ vào được trường danh tiếng, con ai có học bổng,... Thiếu gì gia đình nói dối rằng con có học bổng!
Tất cả để làm gì? Nhìn kỹ hơn một chút, có thể thấy chúng ta đặt chúng ta vào trung tâm của hành trình giáo dục con cái. Việc giáo dục con trở thành một cuộc đua trong đó chúng ta dùng con cái làm công cụ để chứng mình rằng MÌNH giỏi nhất nên mới dạy được con thành như thế. Và những thứ được đem ra so sánh phải hết sức cụ thể. Làm sao người ta có thể đo được xem ai sống tốt hơn, ai hạnh phúc hơn? Trừu tượng quá, không cụ thể. Nhưng những con số, những mốc thời điểm thì có thể được đem ra so sánh.
Tất cả cần phải được đảo ngược lại. Thay vì cha mẹ đặt chính mình ở trung tâm, thì cha mẹ cần đặt con cái ở trung tâm. Thay vì tự hào rằng con cái mình đã được đi học sớm, dù là nhà trẻ hay một lớp học nào đó, hãy tự hỏi: "Mục đích của đi học sớm để làm gì? Con tôi có cảm nhận như thế nào? Việc đó có thực sự phù hợp với con hay không?" Nếu mục đích đi học sớm chỉ là để phát triển sớm, thì tôi xin thưa rằng chẳng có sự phát triển sớm ấy đâu. Thậm chí, việc đó sẽ còn gây căng thẳng cho đứa trẻ và khiến nó chậm phát triển.
Tất cả các mặt phát triển đã được gene quy định sẵn, tức là một trẻ không thể phát triển sớm hơn những gì gene quy định. Đó là lý do nếu một đứa trẻ chưa biết đi thì bạn không thể dạy nó đi được. Tới thời điểm sẵn sàng, với sự hỗ trợ cần thiết, nó sẽ tự làm được. Tất cả các phát triển khác đều như vậy. Đứa trẻ phát triển tốt vì được người lớn hiểu và hỗ trợ đúng thời điểm, thời điểm nào là đúng là do đứa trẻ quyết định và thể hiện. Không có thời điểm nào chung hay cách thức nào là chung cho các trẻ. Vì vậy, đừng nói tới công thức giáo dục hay đảm bảo rằng một thứ gì đó được áp dụng sẽ mang lại kết quả "thành công" như nhau cho tất cả.
Giáo dục không phải là chuyện học đọc, học viết, học kiến thức và thi đua điểm số. Giáo dục là câu chuyện hình thành nhân cách, xây dựng niềm tin và thế giới quan, và trong hành trình đó, các cá nhân dần phát triển khả năng tự lập, khả năng yêu thương và tự giáo dục bản thân để tự xác định được con đường mà mình muốn theo đuổi. Nếu con bạn biết đọc, nhưng nó không thích đọc và không tự học, thì việc học đọc và chú trọng vào đọc như vẹt sẽ giải quyết được gì? Nếu con bạn viết chữ đẹp, nhưng nó lại không thể viết để thể hiện bản thân nó một cách rõ ràng? Nếu con bạn được điểm cao, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là nó đã làm đúng như những mong đợi của thầy cô giáo, trong khi bản thân nó chẳng biết nó thích gì và muốn làm gì với thời gian rảnh ngoài xem iPad, tán gẫu và shopping?
Bởi vậy, muốn xác định được cách thức giáo dục và nội dung giáo dục, cha mẹ phải tự trả lời hoặc đi tìm kiếm câu trả lời cho ít nhất các câu hỏi sau:
- Mục tiêu cao nhất của giáo dục là gì?
- Những gì mà người ta đang quảng cáo hoặc đang dạy trẻ em tại phần lớn các trường học có thực sự giúp thực hiện những mục tiêu ấy? Nếu không, thì những nội dung và cách thức đó đang nhằm tới mục tiêu gì, và sẽ để lại hậu quả gì?
- Có hay không một công thức giáo dục hiệu quả với mọi trẻ?
- Hiệu quả giáo dục có thể được đánh giá bằng điểm số? Việc đánh giá qua điểm số và phân loại học sinh đang và sẽ để lại những hậu quả gì?
- Có hay không các tiêu chuẩn chung để đánh giá trẻ? Các tiêu chuẩn thực sự nên dựa trên cái gì?
- Trẻ nhỏ học theo cách nào là hiệu quả? Với trẻ lớn thì sao? Có hợp lý hay không khi mong đợi trẻ nhỏ phải học theo cách của trẻ lớn và người lớn?
- Có hay không một đích phát triển chung cho tất cả các cá nhân?
- Giáo dục có nhất thiết phải tốn tiền, phải "chuẩn", phải có mác nước ngoài?
Giáo dục đích thực phải lấy trẻ và cảm nhận của trẻ làm trung tâm. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể nói rằng mình đang giáo dục trẻ em vì trẻ em. Khi nào chúng ta dám đối diện với những khiếm khuyết của chính mình và thừa nhận rằng mình sai lầm, thì khi ấy chúng ta mới có thể sửa chữa.
Những nỗ lực giáo dục trẻ em càng ngày càng khiến trẻ em trở nên khổ sở. Chúng ta lấy đi thời gian chơi tự do của chúng, thời gian ngủ và ăn của chúng, thời gian để quây quần bên gia đình để cảm thấy tình yêu thương. Chúng ta thuê giúp việc để chăm trẻ, gửi trẻ đi học thật sớm, thật nhiều để có thể đi làm, về nhà thì lại cho chúng iPad, thậm chí cho chúng điện thoại riêng để chúng tiêu khiển và khỏi quấy bố mẹ. Khi thầy cô nhận xét về con, chúng ta còn chẳng hiểu như thế có đúng không, chúng ta cảm thấy xấu hổ với thầy cô, và gây sức ép để con thay đổi trong khi không thực sự hiểu nguyên nhân của hành vi cũng như cách đánh giá của thầy cô có đúng không. Chúng ta mua đủ các loại đồ chơi, sản phẩm giáo dục, và các loại ứng dụng hứa hẹn rằng bố mẹ không cần phải giúp mà con cứ vẫn sẽ tự học.
Chúng ta không hiểu con cái của chính mình nhưng vẫn tìm cách hướng con về một tương lai xa vời nào đó khi con sẽ được học tại Harvard và tin rằng được nhận vào Harvard hay một trường danh tiếng có nghĩa là hành trình giáo dục đã thành công.
Chúng ta có dám gọi đó là giáo dục?
NẾU NGÀY ẤY TÔI CHỌN NGƯỜI KHÁC
(hay tại sao các mối quan hệ thất bại)
Thi thoảng tôi trở thành nạn nhân của tâm trí của chính mình, kẻ tòng phạm cho phép mình trôi vào quá khứ để hồi tưởng lại những việc chẳng để làm gì và hình dung ra một thực tại song song: Nếu trong quá khứ, giả sử tôi đã lấy một ông chồng khác, liệu hiện tại sẽ như thế nào?
Đã nhiều lần nhìn lại quá khứ, tôi đều cảm thấy mình đã quyết định đúng đắn khi dứt khỏi những mối quan hệ trong đó không thực sự có tình yêu. Không thể nói đó là lỗi của người kia. Tại thời điểm trong quá khứ, lúc chia tay, tôi thường quá đau khổ để thực sự hiểu ra nguyên nhân của sự thất bại của mối quan hệ. Sau này, tôi hiểu ra nguyên nhân rất lớn là từ tôi: do tôi đã không lựa chọn đúng đắn, do tôi đã quá vội vã, do tôi đã không ý thức được phải làm gì để nuôi dưỡng mối quan hệ, do tôi không biết cách thể hiện bản thân, và do tôi không thực sự hiểu tình yêu là gì. Phần còn lại thuộc về người kia, lý do cũng như vậy.
Nhiều mối quan hệ thất bại ngay cả khi hai người đã trở thành vợ chồng. Việc trở thành vợ chồng bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì nhiều hơn là một sự cam kết được chứng nhận bởi pháp luật và gia đình, họ hàng và những người quen biết.
Một mối quan hệ bất ổn bao gồm một hoặc nhiều các yếu tố sau:
- Không hoặc dành quá ít thời gian cho nhau để nuôi dưỡng mối quan hệ.
- Cảm giác xa cách, không thấy mình được thấu hiểu, quan tâm.
- Cảm giác không hiểu người kia, không biết người kia đi đâu, làm gì, là ai; thiếu vắng chia sẻ trong không gian tinh thần.
- Cảm giác bất an, thiếu tin tưởng nhau.
- Sự chèn ép, dọa dẫm, lạm dụng quyền lực, thái độ hạ thấp, coi thường nhau từ một trong hai bên; sử dụng bạo lực thể chất, ngôn từ hoặc tinh thần trong mối quan hệ; sự bất bình đẳng trong mối quan hệ trong đó rõ ràng một người kiểm soát mối quan hệ qua nhiều cách như tài chính, tâm lý,...
- Mâu thuẫn giữa hai bên không được giải quyết trên tinh thần lắng nghe-thấu hiểu, mà bị lờ đi, hoặc được thể hiện trong giận dữ và các cảm xúc tiêu cực, hoặc giải quyết bằng sự chèn ép, gạt bỏ, phủ nhận người kia từ người còn lại.
- Thái độ khẳng định mình luôn luôn đúng còn người kia sai của một trong hai bên.
Sự thành công của một mối quan hệ đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực từ hai phía. Một mối quan hệ cũng như cái cây: nó cần đất, ánh sáng, và nước sạch để lớn lên. Mối quan hệ cần được nuôi dưỡng liên tục. Nếu vợ chồng chỉ ở bên nhau, ăn uống cùng nhau, đi chung xe, ngủ chung giường, tức là chỉ hoàn toàn là thể chất, mà không chia sẻ không gian tinh thần, thì chỉ sau một thời gian, sẽ không còn ai hiểu ai cả. Sự kết nối đã bị cắt đứt từ lúc nào. Khi kết nối bị ngắt, đương nhiên chúng ta sẽ cảm thấy xa cách. Chúng ta không biết người kia đang nghĩ gì, cảm thấy gì, cần gì nữa. Bản thân chúng ta cũng cảm thấy như bị hắt hủi, không được quan tâm.
Khi ở giai đoạn như thế, phụ nữ thường có phản ứng trước, vì nhu cầu cảm xúc của phụ nữ thường cao hơn của đàn ông. Tuy vậy, nhiều phụ nữ không hiểu rằng trách nhiệm xây dựng mối quan hệ là của hai phía. Nhiều chị em, thay vì tìm cách thể hiện cho hợp lý, lại quay ra trách chồng. Người chồng bị trách thì càng cảm thấy muốn xa lánh vợ hơn, chứ chẳng muốn cố gắng xây dựng quan hệ làm gì.
Trong mối quan hệ, thay vì ngồi chờ người kia biết quan tâm tới mình, người nào nhận ra quan hệ cần được củng cố trước thì cần phải chủ động trước. Sự quan tâm và yêu thương thực sự sẽ khiến người kia cũng cảm thấy muốn gần gũi hơn, quan tâm hơn. Chính vì cứ cho rằng mình đã làm rất tốt, mình xứng đáng được hưởng tốt, mà không ít người cho rằng chẳng ai xứng với họ. Rất có thể ta cũng làm vợ hoặc chồng ta bị tổn thương mà ta không hề hay biết. Vấn đề không phải là lỗi thuộc về ai, mà là cần phải làm gì để củng cố và xây dựng mối quan hệ trong đó cả hai bên đều cảm thấy được yêu thương, săn sóc.
Ngôi nhà là nơi người ta quay về sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nếu ngôi nhà không có hơi ấm, ai muốn quay về? Đừng trách hay chờ người kia làm ấm nhà cho mình, vì ngôi nhà là của chung.
Lắm khi bạn sẽ thấy bản thân trôi dạt về quá khứ, và tiếc nuối một mối quan hệ nào đó: có lẽ mình lấy anh đó/cô đó thì cuộc sống sẽ tốt hơn bây giờ. Đó chỉ là hình dung của tâm trí thôi. Vì sự thành công của mối quan hệ phụ thuộc vào chính bạn và cách bạn nuôi dưỡng mối quan hệ đó, chứ không phụ thuộc nhiều vào chuyện với ai. Dù cho bạn có sống với ai, nhưng không học cách nuôi dưỡng mối quan hệ, không học cách hiểu nhau, giải quyết mâu thuẫn và thỏa hiệp, bỏ bớt cái tôi của mình, thì người đó có tuyệt vời tới mấy, giỏi giang tới mấy cũng chẳng thể giúp bạn hạnh phúc được.
Các mối quan hệ ở đời đều có một mục đích lớn nhất: giúp cho chúng ta thấy rõ bản thân mình và học để trở nên yêu thương hơn.
Hai cá nhân là vợ chồng của nhau vẫn là hai cá thể hoàn toàn khác biệt, có những cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn, nhu cầu khác biệt. Mỗi người không thể dùng những gì mình nghĩ, muốn, cần để áp đặt lên người kia. Mỗi người ở trên một hành trình phát triển riêng, và luôn luôn thay đổi. Chúng ta hỗ trợ nhau về thể chất và tinh thần để tiếp sức cho nhau tiếp tục phát triển trên con đường riêng của mỗi người. Nếu có một mục đích cao cả nhất của hôn nhân, thì đó chính là nó.
Lắm lúc giận chồng, tôi thở sâu để nhìn rõ bản chất của sự việc: chồng tôi có những khó khăn riêng, anh ấy không thích kể lể với vợ về những khó khăn đang gặp phải; tôi ở nhà nuôi dạy con, còn anh ấy đi làm để nuôi cả gia đình; anh ấy gặp phải những khách hàng với nhiều đòi hỏi quá đáng; anh ấy phải đi lại nhiều và chịu những căng thẳng mà tôi không thể nhìn thấy;... Khi bình tĩnh, tôi gửi tin nhắn ngắn gọn hoặc nói chuyện bình tĩnh với anh ấy để thể hiện rõ cảm xúc và mong muốn của mình theo cách không làm tổn thương. Tôi ghi nhận những gì anh ấy đã cố gắng vì cả gia đình, và xem xét lại cả bản thân xem tôi đã biết quan tâm, săn sóc, lắng nghe và đồng cảm với anh hay chưa. Câu trả lời thường là tôi chưa làm đủ những gì mình có thể làm.
Tất nhiên, có những mối quan hệ mà trong đó người vợ hoặc chồng là người đem theo nhiều nỗi đau tinh thần từ nhỏ, đến lớn họ lại vô tình đem nỗi đau đó mà trao cho bạn đời và con cái mà không hề ý thức được việc đó. Trong những mối quan hệ mà vợ bị chồng kiểm soát, gây áp lực nặng nề, hoặc bị bạo hành, người vợ không nên cho rằng đó là lỗi của mình và mình phải chịu tất cả vì mình chỉ xứng đáng được như vậy thôi (hoặc ngược lại, hoán đổi chỗ của các từ "vợ" và "chồng"). Trong những trường hợp đó, người vợ/chồng cần cân nhắc, và có thể phải tính đến rời bỏ mối quan hệ. Việc rời bỏ đó có thể sẽ có ích hơn cho sự trưởng thành của cả hai bên.
Có những nỗi đau từ quá khứ đã theo một người mà chỉ có cá nhân ấy khi tự ý thức được và có mong muốn được hàn gắn thì mới có thể hàn gắn được. Sự ép buộc, giảng giải, hay giận hờn sẽ không giúp được. Chỉ có sự yêu thương, thấu hiểu mới giúp hàn gắn được. Khi ta ý thức được, ta có thể tự hàn gắn cho chính bản thân – nhưng vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Gia đình yêu thương thì giúp các thành viên hàn gắn tốt hơn; mà gia đình gây căng thẳng cho nhau thì nỗi đau càng thêm trầm trọng.
Một mối quan hệ được nuôi dưỡng tốt có các dấu hiệu sau:
- Hai bên dành thời gian cho nhau đều đặn.
- Cả hai biết lắng nghe và đồng cảm với nhau.
- Cả hai tôn trọng nhau, không áp đặt mong muốn của mình lên người kia.
- Cả hai biết giải quyết bất đồng trên tinh thần bình đẳng, thỏa hiệp để có được đồng thuận.
- Cả hai tin tưởng lẫn nhau, và để cho nhau có không gian riêng.
Thay vì trách bạn đời chưa yêu ta đủ, ta hãy hỏi bản thân mình đã thực sự biết yêu chưa. Vì thường khi ta biết nghe thì người kia biết nói, mà ta biết nói thì người kia biết nghe. Ta cho gì thì ta nhận nấy.
ĐỂ TRẺ ĐƯỢC HẠNH PHÚC VÀ CHÚNG SẼ HỌC
Hệ thống giáo dục hiện tại vẫn còn tồn tại cho tới hôm nay bất kể những bất cập và thất bại rõ ràng của nó là bởi vì: 1) chúng ta vẫn còn tin rằng tương lai là một thứ có thể được đảm bảo bằng cách hi sinh hiện tại, 2) chúng ta vẫn còn tiếp tục đánh giá bản thân và những người khác qua những tiêu chuẩn chung không hề tồn tại, và 3) chúng ta tin rằng con người phát triển tốt nhất qua cạnh tranh, và phát triển tốt nhất khi phải chịu những áp lực từ bên ngoài dồn vào.
Dựa trên ba niềm tin chính đó, có thể thấy rõ ràng rằng chúng ta không tin rằng hạnh phúc có thể tìm được thấy trong hiện tại và hạnh phúc trong hiện tại đương nhiên sẽ dẫn tới tương lai tốt đẹp; chúng ta không tin rằng mỗi người đều là những cá thể riêng biệt xứng đáng được sống và phát triển theo cách riêng mà vẫn tốt nhất với từng người; và chúng ta không tin rằng con người có động lực phát triển thuần túy từ bên trong, không tin rằng bản thân con người đã sinh ra với mong muốn học hỏi, tìm hiểu, sáng tạo để đem lại thay đổi cho thế giới.
Và những gì chúng ta không tin đó lại chính là sự thật.
Các phương pháp giáo dục hiện tại, hay ít nhất là cách thức mà người ta áp dụng chúng, đều dựa trên những nỗi lo sợ: con tôi sẽ trở thành gì, sẽ là ai trong xã hội nếu như không được chuẩn bị sẵn, một lộ trình rõ ràng đã được chứng minh là có hiệu quả? Con tôi sẽ được gì? Nếu chẳng may con tôi được giáo dục theo cách khác những trẻ khác, thì liệu sau nay có bị thiệt thòi không? Có gì đảm bảo cho con tôi không?
Tất cả những động cơ này được áp dụng vào giáo dục trẻ nhỏ bởi vì người lớn cũng có những động cơ như vậy khi tìm kiếm công việc. Phần lớn chúng ta không dám đi theo tiếng gọi của trái tim để làm cái mình thực sự thích – bởi vì chúng ta đã được dạy ra rả rằng những gì mình thích không thể làm ra tiền. Phần lớn chúng ta hi sinh hiện tại để làm những thứ mình không thích, với hi vọng rằng cuối cùng tương lai tươi đẹp và thành quả vật chất sẽ đến vào một thời điểm nào đó. Và đó có lẽ là lúc chúng ta nghỉ hưu, không phải làm nữa, thì chúng ta thở phào nhẹ nhõm: "Một cuộc đời đi làm đã hết". Nhưng yên tâm đi bạn à, kể cả khi bạn nghỉ hưu, rất có thể bạn cũng sẽ không yên, vì bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bất ổn: "Không, như thế này cũng không được, mình phải đi làm lại. Ở nhà chán quá, không thể chịu được nữa rồi."
Hạnh phúc sẽ không đến nếu bạn cứ ngồi chờ. Kể cả bạn định nghĩa thành quả là vật chất, thì khi bạn đã đánh đổi mọi thứ để có nó, rồi bạn cũng sẽ nhận ra rằng nó chẳng đem lại hạnh phúc. Và bạn sẽ vẫn vật vờ theo đuổi một thứ gì đó. Nó chẳng có ở đó đâu. Nó chỉ là thứ tâm trí dựng nên bởi sự bất mãn với hiện tại.
Chúng ta có muốn giáo dục con cái theo cách tương tự như vậy hay không? "Cứ học đi con. Học rất khổ. Nhưng rồi đỗ đại học, rồi tốt nghiệp trường danh tiếng, rồi kiếm việc tốt, rồi cái gì con cũng sẽ có. Học theo cái bố mẹ chọn cho con, bố mẹ sống lâu rồi, biết cái gì tốt,.. Đừng có phí phạm tuổi trẻ. Đừng có học mấy cái vô bổ không để làm gì." – Lời dạy rõ ràng của những người đã phí phạm tuổi trẻ thì đúng hơn.
Sự thật là: Khi bạn đã sống đúng với bản thân mình, hạnh phúc với lựa chọn của mình, đã tìm ra được con đường của bạn, thì bạn không bao giờ dạy con cái bạn những thứ đó.
Khi một người lớn thất bại – với thất bại ở đây là không biết mình sống để làm gì, không dám sống thật với mong muốn của chính mình, luôn nơm nớp lo sợ ngày mai mình sẽ thiếu thốn và lo sợ người khác sẽ đánh giá mình – thì người ta có khả năng tiếp tục đem cách sống và niềm tin đó để áp dụng lên con. Con cái lại tiếp tục là cái để người ta hi vọng rằng cách thức mình đã chọn không có tác dụng với mình nhưng chắc sẽ phải có tác dụng với con mình.
Muốn giáo dục được trẻ em, xuất phát điểm của chúng ta phải là sự tin tưởng vào trẻ và sự yêu thương – yêu thương trẻ vì chúng là chúng, chứ không phải yêu thương chúng vì chúng sẽ trở thành cái mà chúng ta hi vọng chúng sẽ trở thành. Xuất phát điểm là nỗi lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ chẳng thể nào dẫn đến cái gì tươi đẹp.
Khi trẻ em được hạnh phúc, yêu thương và sống đúng là chúng, chúng duy trì được động lực để tìm ra niềm đam mê riêng của chúng. Khi tìm ra được đam mê, thì dù cho có bị ai nói gì, dù mọi người xung quanh đang làm gì, thì con người vẫn quyết tâm giữ vững niềm tin của mình, và chính niềm tin mạnh mẽ và thuần khiết đó dẫn tới thành công. Thành công ở đây không phải là giàu sang, mà là thực hiện được mong muốn cao nhất của bản thân và sống đúng là mình. Với những người làm được như vậy thì cho dù mức lương chỉ ở mức bình thường, họ cũng đã hạnh phúc lắm rồi – bởi vì phần thưởng về mặt tinh thần là quá lớn. Những người chỉ lựa chọn công việc dựa trên mức tiền kiếm được và mức độ "hot" của ngành nghề mà không có động lực bên trong thì không bao giờ cảm nhận được niềm vui đó.
Với những người chỉ làm vì tiền, thì chất lượng công việc của họ tỉ lệ thuận với tiền kiếm được. Nhưng với người làm vì đam mê, chất lượng công việc luôn ở mức tốt nhất. Đó chính là cống hiến cho xã hội. Cống hiến đích thực đến từ người làm việc vì công việc là niềm vui, chứ không đến từ người làm vì tiền. Nếu chỉ làm vì tiền, thì cái gì người ta cũng có thể làm - kể cả khi gây hại cho xã hội. Nhưng với người có kim chỉ nam ở bên trong, tiền có thể quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định.
Đừng hi sinh hạnh phúc của trẻ em vì một tương lai nào đó nữa. Chỉ có ở đây và bây giờ thôi.
Nếu chúng ta chọn cách thức giáo dục nào đó cho con em mình mà thấy trẻ mệt mỏi, đờ đẫn, không hứng thú, từ chối tham gia và sẽ không tham gia trừ khi bị bắt ép, thì chúng ta làm sai rồi. Đừng làm nữa.
Lý do phần lớn trẻ em (cũng như người lớn) không tìm ra được cái mình thích và không còn hứng thú học là bởi vì động lực học đã bị tước đi từ khi quá trình giáo dục mới bắt đầu. Người lớn bảo trẻ em không biết gì cả, và tìm cách bắt ép trẻ em học và chơi theo cách người lớn muốn. Sự can thiệp thô bạo đó khiến trẻ chán chường và mệt mỏi. Khi ấy, người lớn – do không hiểu gì cả - bèn kết luận: "Thấy chưa? Trẻ con không bao giờ thích học."
Trẻ em rất thích học. Chỉ có người lớn không hiểu cái học ở trẻ mới kết luận như vậy – vì người lớn tưởng rằng ngồi vào bàn, lắng nghe, nhắc lại và làm các bài kiểm tra là học.
Tất cả đều bắt nguồn từ việc không hiểu trẻ, không hiểu mình. Vậy phải học cách hiểu chính mình, rồi hiểu trẻ, khi ấy người lớn mới biết giáo dục trẻ.
Có một yếu tố quan trọng nhất để biết con bạn phát triển tốt hay không: đó là khả năng hiểu con và hỗ trợ con của bạn. Đứa trẻ phát triển kém là bởi vì cha mẹ không hiểu, lơ là, không hỗ trợ được, và sau đó lại tìm tới một ai đó, trả tiền cho người đó để người đó "sửa" con của họ. Đứa trẻ phát triển tốt vì nó được yêu thương, hiểu, và giúp đỡ theo đúng cách nó cần (chứ không phải cách cha mẹ muốn).
Đứa trẻ và cha mẹ càng thân thiết và hạnh phúc thì đứa trẻ phát triển càng tốt. Cảm nhận của đứa trẻ luôn đúng. Trí thông minh chỉ là hệ quả của tình yêu thương. Cả hai liên quan chặt chẽ tới nhau.
Mối quan hệ xa cách, căng thẳng, mang tính kiểm soát, và không bình đẳng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của đứa trẻ.
khi chúng ta hiểu giá trị của chơi, chúng ta sẽ để trẻ chơi suốt ngày và vứt bớt những lớp học dớ dẩn.
làm sao để con thông minh và hạnh phúc hơn một cách hiệu quả? hãy để chúng chơi tự do và yêu thương chúng nhiều vào. có vậy thôi thưa các cha mẹ.
đứa trẻ khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần và bình thường là đứa trẻ chống lại mô hình trường học thông thường, là đứa trẻ cho dù bị dạy dỗ ra sao vẫn dám thể hiện bản thân nó theo cách thành thực nhất. nhưng chúng ta lại coi đó là đứa trẻ bất thường.
chúng ta thích những đứa trẻ bảo gì nghe nấy, đặt đâu ngồi đấy. đó mới là đứa bất thường - vì nó đã đánh mất ý chí tự do của riêng nó, mất định hướng cho bản thân và trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào người có thẩm quyền như cha mẹ và thầy cô.
phần lớn những đứa trẻ chỉ bị tổn thương chứ không mất đi nội lực.
đừng cho phép bất kỳ ai đánh bạn nhân danh tình yêu.
nếu bạn là một người vợ bị chồng bạo hành, hãy rời bỏ anh ta, đừng chần chừ. anh ta không biết yêu và nếu có người vợ khác tình cảnh cũng sẽ tương tự.
chúng ta không cho phép ai bạo hành chúng ta thì chúng ta cũng không được phép đánh con cái nhân danh bất cứ cái gì. nếu không thì vâng, chúng ta đánh con vì tình yêu, và chúng ta lại dạy con về bạo lực và gửi thông điệp rằng bạo lực là một biểu hiện của yêu thương. thật đáng xấu hổ nếu đó là cách chúng ta chọn - tất cả chỉ là biện minh.
Phụ huynh ở đây mới chỉ lo và thương cho những đứa trẻ bị bắt nạt mà không nghĩ rằng đứa trẻ đi bắt nạt trẻ khác thực ra cũng rất đáng thương và nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ gia đình. Nếu không hiểu rằng trẻ đi bắt nạt trẻ khác mới là đứa cần được giúp đỡ thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Cần lưu ý rằng bắt nạt ở đây có nghĩa là một trẻ cố tình chủ động tấn công, hạ thấp, xúc phạm và dùng các chiêu tâm lý khác (chia bè phái, nói xấu, tác động tới những trẻ khác để cô lập đối tượng) một cách liên tục nhằm tới một trẻ khác. Cần phân biệt rõ ràng các mâu thuẫn không tránh khỏi khi các trẻ tương tác với nhau với các biểu hiện của bắt nạt.
Phụ huynh có thể làm gì để ngăn chặn việc trẻ em bắt nạt nhau? Đương nhiên là ở tuổi đi học, chúng ta sẽ cần dạy con cách thức phản ứng đúng khi bị bắt nạt. Khi bị bắt nạt, nếu một trẻ tỏ ra sợ sệt và nhân nhượng thì hành vi bắt nạt đã thành công, và hành vi ấy sẽ tiếp tục. Tuy vậy, nguyên nhân mà các trẻ trở thành kẻ bắt nạt có khả năng cao bắt nguồn từ gia đình: do cách cha mẹ đối xử với trẻ và với nhau, cụ thể là có xu hướng bạo lực, chèn ép, trẻ không được quan tâm và không cảm nhận được tình cảm từ cha mẹ. Đứa trẻ quan sát được cách thức hành xử của người lớn và nó bắt chước lại. Đứa trẻ đi bắt nạt chưa học được cách tương tác với người khác cho đúng, cảm thấy tự ti nên phải bắt nạt ai đó để cảm thấy mình có quyền lực và quan trọng, thiếu khả năng đồng cảm và xử lý cảm xúc.
Bởi vậy, cách để xử lý vấn đề không phải là lên án các trẻ này cùng với gia đình của chúng và trừng phạt chúng. Những trẻ này cần một cộng đồng yêu thương hơn. Khi gia đình đã không thể làm được điều đó, thì xã hội phải có trách nhiệm đó. Vấn đề này phản ánh một thiếu sót lớn của hệ thống giáo dục thông thường: các em chỉ được ngồi học kiến thức mà không có môi trường thực sự để kết nối với những người xung quanh. Chúng ta đánh giá các em dựa trên khả năng học (vẹt), và không tạo cho các em môi trường để cảm thấy rằng trường học, thầy cô giáo và cộng đồng ở trường chính là gia đình thứ hai.
thật khó để thừa nhận chúng ta đều chịu một phần trách nhiệm về hạnh phúc và khổ đau ở trong người khác và trên thế giới này.
chúng ta hạnh phúc khi được hiểu và hiểu người kia. chúng ta khổ khi không được hiểu và cả khi chúng ta hiểu lầm người kia. gốc rễ của mâu thuẫn có một phần rất lớn là hiểu nhầm.
vì vậy, muốn hạnh phúc hơn cho cả mình và cả người, hãy học hiểu đúng. đừng chỉ nghe lời người kia nói - vì lời nói ít đáng tin cậy nhất. hãy nhìn ngôn ngữ cơ thể, hãy quan sát và cảm nhận cảm xúc của họ. hãy nhìn xuyên qua bề mặt để thấy mong muốn cao nhất của họ, thấy nỗi đau, động lực trong họ và nguyên nhân sâu xa nhất của hành vi.
bạn sẽ thấy tất cả đều muốn yên ổn, hạnh phúc, hoà thuận, thành công, có những mối quan hệ tốt đẹp. song do thế giới quan, tính cách, kinh nghiệm sống và những đúc kết kinh nghiệm khác nhau, nên chúng ta có định nghĩa khác nhau và cách tiếp cận khác nhau.
đừng tranh cãi nữa. ngẫm về những điều này sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn, thay vì dùng thế giới quan của mình làm hệ quy chiếu để phán xét.
Đi ăn sáng, cà phê hoặc tới nơi công cộng tôi hay được dịp quan sát các gia đình có con nhỏ. Và nhiều lần, tôi đã gặp các ví dụ như:
- "Mẹ đã nói rồi nhé, hôm nọ đã hư nên tuần này không được đi chơi."
- "Con học không tốt nên mẹ không mua sách cho con. Điểm tốt thì lần sau mua cho nhé."
Kể cả truyện kể cho các bé, người ta nói rằng Santa chỉ tặng quà Giáng Sinh cho những em bé ngoan. Và mình đã nói với con: "Em bé nào cũng xứng đáng được nhận quà. Nếu Santa chỉ tặng quà cho những em bé ngoan thì mẹ không đồng ý với ông ấy."
Khi chọn thưởng-phạt làm cách thức giáo dục, chúng ta dạy trẻ điều gì?
Chúng ta dạy trẻ rằng chúng phải chứng tỏ được rằng chúng tốt hay giỏi thì mới xứng đáng được thứ gì đó. Chúng ta dạy trẻ rằng chúng không thể hiện được việc đó thì chúng sẽ bị hắt hủi. Chúng ta dạy chúng tình cảm có điều kiện.
Giá trị của bọn trẻ bị người lớn quyết định. Người lớn quyết định thế nào là tốt, và tốt chỉ là hoàn thành mong đợi của người lớn. Về bản chất, đó chỉ là sự phục tùng và đào tạo lớp trẻ chấp nhận rằng chúng thấp kém hơn người lớn.
Trẻ hoàn thành mong đợi để được thưởng, để được yêu. Chúng đói khát được công nhận, được yêu thương. Và nếu chúng không hoàn thành mong đợi, chúng sẽ không được yêu thương. Chúng chỉ cần khác với mong đợi người lớn, và thế là giá trị của chúng lại bị phủ nhận.
Chúng trở thành những kẻ luôn đem theo mình sự trống trải trong lòng, một cái hố sâu thăm thẳm không gì có thể lấp đầy.
Hãy tưởng tượng xem chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta thực sự tin và yêu bọn trẻ? Chúng ta sẽ vẫn thi thoảng mua quà cho chúng bất kể chúng đã làm gì. Thay vì nói "Mẹ mua quà để con cố gắng hơn để xứng đáng với nó", chúng ta có thể nói "Mẹ mua cho con vì mẹ yêu con và con luôn xứng đáng."
Khi đứa trẻ cảm thấy yêu thương đầy đủ ở bên trong, nó tự sống tốt hơn, và tự phấn đấu – vì sự phấn đấu ấy là yêu thương được vật chất hoá. Khi đứa trẻ thiếu thốn tình thương, sự thiếu thốn ấy cũng sẽ vật chất hoá theo cách tương tự: nó cảm thấy thiếu thốn, tự ti, sợ hãi, căng thẳng và cuộc sống của nó thể hiện những thứ đó. Tinh thần quyết định vật chất, chứ vật chất không quyết định tinh thần.
chưa sửa mình thì không nên sửa trẻ. quan sát mình cho kỹ, soi mình cho kỹ, rồi sẽ thấy hoặc là trẻ chẳng làm sao, và hai là nếu có sao thì tất cả đều từ mình mà ra. chữa bệnh thì người ta phải tóm lấy nguyên nhân bệnh (người lớn) chứ không đi sửa triệu chứng (phản ứng với trẻ và các biểu hiện ở trẻ lây từ người lớn sang). khổ nỗi là bao nhiêu người thấy sốt thì cố dập sốt nhỉ???
có người lớn nào dũng cảm thừa nhận mình chính là căn bệnh cần phải được chữa? người ta thường chỉ thấy được trẻ thôi, còn bản thân lại rơi vào điểm mù của chính mình. khác nào vừa tự đánh mình vừa kêu.
ít người lớn hiểu được cái chơi ở trẻ - vì lớn quá rồi, không biết chơi chỉ-vui-không-mục-đích nữa, chỉ biết chơi để xả stress, chơi để chạy trốn vấn đề, chơi để đạt được thành quả gì đó.
người lớn phải hiểu được cái chơi ở trẻ con thì mới giáo dục chúng được. nếu không thì lại tìm cách chuẩn hoá các trò chơi y như các bài học, đánh giá cách chơi, cho điểm kiểu chơi, kiểm soát quá trình chơi, và thế thì vứt, vứt hết.
TÂM LINH VÀ GIÁO DỤC
Nói đến tâm linh có nhiều cách hiểu và suy diễn. Khái niệm tâm linh mà tôi đề cập tới ở đây không mang tính tôn giáo hay mê tín.
Con người có nhiều nhu cầu. Thấp nhất (không có nghĩa là ít quan trọng nhất, mà có nghĩa là phải được đáp ứng đầu tiên) là các nhu cầu thể chất như ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh. Cao hơn một nấc là nhu cầu được cảm thấy an toàn, cân bằng về cảm xúc, cảm giác được chấp nhận, quan tâm, yêu thương, tôn trọng. Cao hơn một nấc nữa là nhu cầu tinh thần: tức là các nhu cầu thể chất và cảm xúc phải được thỏa mãn thì người ta mới bắt đầu học. Học ở đây là trở nên có ý thức và trách nhiệm với sự phát triển tinh thần của bản thân. Và nấc cuối cùng cao nhất là tâm linh.
Tâm linh liên quan trực tiếp tới các câu hỏi như: Tôi là ai? Tôi ở đây để làm gì? Mục đích sống cao nhất là gì? Mối liên hệ giữa tôi và các cá nhân khác, các loài khác và tự nhiên là gì? Tôi đến từ đâu? Tôi sẽ đi về đâu? Tôi cần làm gì để thực hiện mục đích sống của mình?
Những bậc thầy tâm linh xuất sắc trên thế giới đều có một điểm chung: bất kể họ theo tôn giáo nào hay có theo tôn giáo hay không, họ đều kêu gọi con người biết chung sống hòa bình, và muốn sống hòa bình với người khác thì phải có sự an bình nội tại. Đó chính là hạnh phúc. Họ không kêu gọi phân biệt tôn giáo, không kêu gọi việc tham gia các lễ nghi và quy tắc tôn giáo cứng nhắc. Họ giảng dạy về yêu thương và lòng khoan dung. (Đây cũng là điểm thiết yếu để nhận biết một vị thầy thực sự và thầy mà không phải là thầy.)
Điểm nối giữa tâm linh và giáo dục là gì?
Giáo dục theo cách thức thông thương không quan tâm tới nhu cầu thế chất và cảm xúc của người học. Nó buộc trẻ em bỏ qua những nhu cầu ấy, ví dụ như lắm em không có đủ thời gian mà ăn bữa sáng, thức khuya làm bài vì bài quá nhiều rồi thành thiếu ngủ, bắt các em học dưới áp lực và căng thẳng, dùng sự chèn ép tâm lý để buộc các em học,... để rồi bảo rẳng chỉ có học là quan trọng, còn cảm xúc thì không, thể chất thì không.
Giáo dục theo cách thông thường cho rằng con người chỉ có mỗi tinh thần là quan trọng, và cách tốt để phát triển tinh thần là nghe giảng, học thuộc, nhắc lại - một cách thức học lỗi thời và một quan niệm sai nghiêm trọng về bản chất của giáo dục.
Chúng ta sẽ giáo dục trẻ em ra sao khi chúng ta không giáo dục thể chất, không giáo dục cảm xúc, mà cứ khăng khăng trẻ em phải phát triển nhận thức? Trẻ em sẽ học như thế nào khi chúng luôn nơm nớp lo sợ bị phủ nhận và trừng phạt? Trẻ em sẽ học như thế nào khi còn không có khả năng phân biệt thức ăn nào là tốt cho chúng, và thức ăn nào không, mà vẫn chỉ chọn thức ăn dựa trên sự thỏa mãn của vị giác, giống hệt như cách người lớn đang dạy (hay đúng hơn là không hề dạy) chúng? Chúng ta đánh chúng, và nói rằng chúng ta thương chúng? Chúng ta đang gửi thông điệp gì cho trẻ em? Thông điệp "cảm xúc không quan trọng, cơ thể không quan trọng". Cái mà chúng ta dạy trẻ em cũng chẳng phải là thứ để phát triển tinh thần, mà chỉ là thứ giả danh là nó. Đó là mong muốn của bản ngã, mong muốn đè nén trẻ em để biến trẻ em thành công cụ để củng cố quyền lực của người lớn, của hệ thống, của các giá trị truyền thống của xã hội – tất cả đều có chung một tên gọi: bản ngã, hay cái tôi giả.
Tại sao lại có hiện tượng này? Và tại sao nó diễn ra quá lâu nay nhưng chúng ta đã quá quen rồi cho rằng đó là lẽ đương nhiên?
Bản ngã, hay cái tôi giả, chính là những gì chúng ta đồng nhất bản thân mình với, trong khi đó không phải là chúng ta. Chúng ta đều mê quyền lực, cụ thể trong giáo dục đó là quyền lực với trẻ em. Qua việc lạm dụng quyền lực với trẻ em, người lớn bi mê mờ bởi bản ngã đang cảm thấy mình khẳng định được bản thân. Các cá nhân càng đánh mất mối liên hệ với bản thể của mình thì càng có xu hướng đi tìm mình qua những thứ bên ngoài: quyền lực, sự thao túng, các chiêu tâm lý chi phối người khác, danh vọng, chức tước, tiền bạc, vật chất và các thứ đồ sở hữu,... Đó là phần lớn nhân loại.
Một người cảm thấy mình thiếu giá trị nên anh ta muốn sở hữu một chiếc ô tô, một chiếc đồng hồ đắt tiền. Một phụ nữ tương tự sẽ tìm cách chứng tỏ bản thân qua áo quần, túi xách hàng hiệu, nước hoa, ảnh selfie,...
Hãy nhìn trẻ con, và bạn sẽ thấy: Trẻ nhỏ trong vài năm đầu đời không hề có dấu hiệu của bản ngã. Và chúng luôn dễ dàng vui vẻ, dễ dàng vui đùa mà không cần đến nhiều vật chất. Đó chính là giai đoạn mà chúng ta sống thật nhất với bản thể của mình. Sau này, khi được giáo dục sai, khi bị người lớn tiêm nhiễm rằng phải cạnh tranh để chứng tỏ, bị người lớn phủ nhận và phán xét, bị so sánh và xếp hạng, bị phủ nhận cảm xúc và các nhu cầu quan trọng, trẻ em dần đánh mất hạnh phúc nội tại, và bắt đầu hướng ra ngoài để tìm sự thỏa mãn cho bản thân.
Một sự thật rất đơn giản: Con người càng cảm thấy đầy đủ ở bên trong thì càng dễ dàng hạnh phúc mà không đâm đầu như con thiêu thân vào những thứ vô nghĩa. Con người càng thiếu thốn (tức không tin vào giá trị bản thân, hay so sánh, sống theo những tiêu chuẩn để được chấp nhận) thì càng khổ, làm gì cũng khổ, đi đâu cũng khổ.
Một nội dung tâm linh quan trọng là sự an bình ở bên trong tương ứng với cảm giác hạnh phúc. Ở phương Tây, các khóa thiền đơn giản đã được đưa vào nhà trường, và kết quả cho thấy trẻ em trở nên bình tĩnh hơn, học và tập trung tốt hơn, ít quậy phá hơn.
Giáo dục mà không có tâm linh không ít thì nhiều sẽ đi sai đường. Hiện nay người ta coi giáo dục là công cụ để đạt tới thứ gì đó ở trong tương lai, chủ yếu là bằng cấp, sự công nhận của xã hội, công việc tốt, sự đảm bảo,... Đó là do bản ngã và bản chất của tâm trí: tâm trí luôn thích cái gì ở đâu đó, một sự hình dung nào đó, một phần thưởng nào đó, cái gì cũng được, nhưng không phải là giây phút này. Giáo dục trong phần lớn các trường học ở phần lớn các quốc gia không phải là giáo dục chuẩn bị cho tương lai, mà là giáo dục bị kéo lê kéo lết về tương lai và hoàn toàn đánh mất hiện tại.
Sống trong hiện tại là một phần cực kỳ quan trọng của đời sống tâm linh. Cốt lõi của tâm linh còn là sự yêu thương, thấu hiểu, bao dung, và chấp nhận.
Khi trẻ em được quan tâm, săn sóc về thể chất, về cảm xúc, được tôn trọng, được yêu thương, thì chúng mới sẵn sàng để học. Đó là bước đầu tiên và lâu dài nhất, phải được thực hiện ngay từ sau khi trẻ sinh ra và xuyên suốt quá trình giáo dục. Hệ thống giáo dục thông thường có rất nhiều điểm bất ổn, và bất ổn lớn nhất ở trong đó là sự thiếu yêu thương, thấu hiểu và bao dung. Hãy tưởng tượng xem trẻ em sẽ thay đổi như thế nào, thế giới sẽ thay đổi như thế nào khi trẻ em được sống và học trong môi trường yêu thương. Đó sẽ là thay đổi lớn nhất.
Ps. Với những người cho rằng nếu chỉ hạnh phúc và yêu thương, vậy người ta sẽ không còn phấn đấu, thế giới sẽ tốt kiểu gì? Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn ở đây rằng có thêm vật chất chưa chắc đã là văn minh. Văn minh phải bắt đầu với yêu thương. Bạn cứ thử tập yêu thương đi thì bạn mới hiểu. Nếu không, tất cả sẽ chỉ là hình dung.
Người "dạy" được trẻ hoá ra chỉ là học trò của trẻ. khi hỗ trợ được trẻ, người lớn kiêu ngạo thường cho rằng chính mình đã giúp trẻ làm được những điều ABC, mà không hiểu rằng đứa trẻ như hạt mầm: bản thân hạt đã chứa tất cả sự thật về cái hạt ở trong đó; được chăm sóc, yêu thương thì sự thật được thể hiện đầy đủ dưới dạng vật chất.
người lớn phải khiêm tốn hiểu rằng đứa trẻ là món quà của Thượng đế trao cho người lớn. đó là thử thách cho người lớn. nếu vượt qua thử thách song lại cho rằng mình là người vĩ đại đã đạt được thành quả thế giới phải ngước nhìn thì cái tôi đã quá lớn, và người lớn thất bại.
thất bại lớn nhất là thái độ cho rằng mình cao cả hơn người khác, mình có tầm quan trọng hơn người khác, và mình tách biệt với thế giới.
trong mọi bài học đều có một nội dung quan trọng: hãy biết mình là ai.
thành công là yêu thương. ở đời này, nếu không có yêu thương thì thất bại. người lớn cho rằng mình cao quý hơn trẻ, cho rằng trẻ nợ mình, thì người ấy thất bại - bởi tình thương đích thực không bao giờ có sự so đo hay ơn huệ. người lớn dùng trẻ để nâng mình lên là người lớn có phần dùng trẻ làm công cụ phục vụ cho mục đích riêng của mình. người lớn ấy còn nhiều phải học.
ở cõi vật chất, người ta thích dùng vật chất để đo xem ai thành công. nhưng khi chết đi, cái duy nhất đem theo được là những trải nghiệm và những bài học về tình yêu và sự thật. thành công đích thực là sự tiến hoá tâm linh.
------------------------------------
bạn cho rằng phải dạy trẻ thì trẻ mới biết hạnh phúc?
bạn quan sát trẻ nhỏ bạn sẽ thấy: chúng hạnh phúc và sinh ra đã hạnh phúc. hạnh phúc là bản tính tự nhiên của con người cho tới khi bị xã hội nói rằng thế là chưa đủ tốt, thế sẽ không thành công, phải nhìn xung quanh, phải cạnh tranh với người khác. và cảm nhận về bản thân của con người dần trở nên lệch lạc và hạnh phúc cũng lệch lạc.
con người luôn so sánh, cạnh tranh chẳng có gì để vui. con người ấy khổ lắm. vì cạnh tranh là động lực bên ngoài, một động lực không thuần khiết bắt nguồn từ bản ngã, mong muốn mình phải tốt đẹp hơn những người khác. kẻ mải cạnh tranh không còn kết nối với động lực lành mạnh, thuần tuý ở bên trong.
người biết làm mà chơi, chơi mà làm mới là người đem lại những đóng góp vĩ đại cho nhân loại. bản thân Einstein cũng là người như vậy. còn nếu làm chỉ để nhất thì mức hiệu quả thấp hơn rất nhiều. cái này phương Tây cũng nghiên cứu và công nhận.
không phải tự dưng sinh ra mà mọi trẻ đã biết chơi đùa. chơi đùa là bản năng học hỏi thiên phú của mọi đứa trẻ. nhưng ít người lớn hiểu điều này. người ta thường cho rằng trẻ lóng ngóng, vụng về, chơi mà không hiệu quả, không có thành quả, nên từ đó tìm cách sửa trẻ vì cho rằng chơi thế là không có ích.
muốn dạy trẻ học, ai cũng làm được. và người ta gửi trẻ đến trường. trường học tước đi bản năng học hỏi tự nhiên của trẻ. còn nếu muốn để trẻ chơi, hãy để chúng tự làm điều đó, vì qua nhiều năm người lớn không còn biết chơi nữa. càng dạy càng hỏng.
biết chơi mới gọi là vĩ đại, không phải biết học các vị à.
-----------------------------
một hot mom viết: "thành công là giá trị nền tảng của hạnh phúc." tôi được tặng quyển hót hòn họt đấy mà mở tới trang nào đọc cũng cảm thấy bối rối, mâu thuẫn, và không hiểu đích xác người viết có ý gì. chị này cũng ủng hộ áp lực trong cuộc sống của trẻ, viết chữ đẹp, thậm chí còn khẳng định cạnh tranh là bản chất của con người..
về câu trên, tôi xin sửa lại là "hạnh phúc mới là nền tảng của thành công".
tôi thực lòng khuyên các cha mẹ: nếu bạn muốn giáo dục con đến nơi đến chốn, hãy thực hành Đạo Phật để hiểu yêu thương là gì. tất cả các phương pháp giáo dục sẽ không bao giờ theo được tâm linh, và không có tâm linh thì cực kỳ dễ dàng lạc đường.
cần phân biệt tâm linh với tôn giáo và mê tín. mê tín là cái gì cũng tin và làm mà không hiểu; tôn giáo là chọn một hình thức tâm linh có tổ chức, thực hành các lễ nghi và quy tắc cứng nhắc mà có khi không hiểu đến nơi đến chốn; tâm linh là thực hành trong đời sống, là tự kiểm nghiệm qua kinh nghiệm và trực giác, với cốt lõi là yêu thương, hạnh phúc, thấu hiểu và ý nghĩa cao cả.
ngay cả Đạo Phật cũng có người theo vì mê tín, người theo như một tôn giáo và người tìm đến như kim chỉ nam về tâm linh. đó là tuỳ cách hiểu và áp dụng.
-------------------------------
cha mẹ, ông bà, thầy cô biết yêu thương, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng trẻ thì trẻ khắc phát triển tốt. tình hình là nhiều khi ngược lại: người lớn không quan tâm, không lắng nghe, không tôn trọng trẻ, nhưng lại đòi trẻ phải biết nghe mình, tôn trọng mình, quan tâm tới mình, hờn dỗi và bạo lực khi trẻ không như ý mình, rồi tìm đến các mẹo dạy con mang tính trừng phạt, hắt hủi, nhỏ nhen. xin hỏi ai mới là trẻ con?
lắm người lớn không thể hiểu được rằng trẻ em sinh ra có một bản năng yêu thương cực kỳ mạnh mẽ. chuyện gì đã xảy ra khi chúng ta dần lớn lên? hãy nghĩ thêm về điều đó.
--------------
CON CÁI DẠY CHA MẸ VỀ TÌNH YÊU
Đặc biệt quan trọng với các cha mẹ có con dưới 6 tuổi
Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bậc cha mẹ trong nhiều tháng qua về các biểu hiện ở con. Và trong các trường hợp đó, bọn trẻ đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Song người lớn thường không hiểu, thường so sánh trẻ với các hình dung của mình về trẻ, và kết luận rằng con không bình thường. Như tôi đã chia sẻ nhiều lần, sau kinh nghiệm với các cha mẹ như vậy, giờ tôi bắt được ngay tín hiệu cho thấy phụ huynh không hiểu con nên sinh ra bất mãn, giận dữ với con. Các tín hiệu này là các tính từ mà họ dùng để mô tả con nhỏ của họ, ví dụ như: nói không nghe, bướng, lì lợm, không biết hối lỗi, có cái tôi to, chỉ biết nghĩ cho mình, trơ trơ (khi người lớn mắng), không tập trung, hỗn, láo, chậm, không biết nghe, không biết chơi với người khác, ích kỷ,...
Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải nhắc lại câu trả lời rằng: bạn ơi, con của bạn hoàn toàn không làm sao cả. Vì nhận thức chưa phát triển đủ nên trẻ mới có các hành vi như vậy. Nhưng người lớn không hiểu, mà lại hay đem thế giới quan đã đầy ắp kinh nghiệm và cảm xúc tiêu cực để đánh giá hành vi của trẻ. Nếu người lớn dùng kinh nghiệm (áp dụng để đánh giá những người lớn khác) để hiểu trẻ, thì người lớn sẽ không bao giờ hiểu được trẻ. Đây là tình trạng rất phổ biến đang diễn ra trong nhiều gia đình ở các mức độ khác nhau.
Và cũng vì đứa trẻ không phải là bạn. Nó có những mong muốn, cảm nhận, suy nghĩ, tính cách, nhu cầu cụ thể khác với bạn. Nó đâu có sinh ra để trở thành bản sao của bạn. Nó là một con người hoàn toàn khác với bạn. Nếu cha mẹ không dung hòa được những khác biệt giữa mình và con mình, thì mối quan hệ sẽ ngày càng căng thẳng. Những cha mẹ mà hay nói "Không thể dạy nổi con. Không biết con bị làm sao. Bây giờ trẻ con hư hỏng" đơn giản là những cha mẹ không hiểu con, không biết cách dạy dỗ, và chính cách dạy (cụ thể là lối sống, cách đối nhân xử thế, niềm tin, tư tưởng, thói quen) đã ảnh hưởng đến đứa trẻ. Khi sự chống đối, bất tuân, giận dữ ở con cái là kết quả tự nhiên của chính cách cha mẹ đã ảnh hưởng đến chúng, thì cha mẹ lại có thể nói: "Đấy, đã bảo rồi, nó hư hỏng từ bé." Đó là sự bất lực ở cha mẹ hoàn toàn do không hiểu con cái.
Muốn hiểu con cái và thực sự giáo dục con, cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ với con cái từ khi chúng sinh ra. Đừng mặc định rằng con cái mình đương nhiên là con, mình đương nhiên yêu nó. Chính vì mặc định như vậy, cha mẹ dễ tưởng rằng mình đã biết yêu rồi. Sự thực thì không phải vậy: yêu là một quá trình học hỏi lâu dài. Nếu có một sứ mệnh to lớn nhất của trẻ em thì đó chính là sinh ra để đánh thức những người lớn đang mê ngủ.
TÌNH YÊU LÀ GÌ?
Phần lớn cha mẹ đều cho rằng mình biết yêu. Phần lớn các cặp vợ chồng cũng cho rằng mình yêu nhau. Nhưng nếu ta nói ta yêu nhau, mà ta không hiểu người kia, lắm khi cố cũng không thể hiểu được, và dễ dàng giận dữ với những biểu hiện ở người kia nếu những biểu hiện đó không theo ý mình, thì đó có phải là tình yêu không? Nếu yêu nhưng ta không chấp nhận được con người thực sự của người kia, lại cứ thích chi phối họ để họ phục vụ cho mong muốn của ta, thì đó có phải là tình yêu không?
Nếu ta chỉ cảm thấy yêu người kia khi họ sống theo ý mình, thì đó không phải tình yêu. Nếu khẳng định ta yêu ai, nhưng ta liên tục quở mắng, trách móc người đó, thì ta nên thành thật với chính mình rằng ta chưa biết yêu. Nếu yêu ai nhưng ta liên tục so sánh người đó với người khác, bảo rằng người đó không đủ tốt, thì ta có biết yêu hay chưa?
Tình yêu đầu tiên là đối thoại để lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe và thấu hiểu mới dẫn tới kết nối đích thực. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới sự chấp nhận toàn bộ con người của con cái. Do thấu hiểu, cha mẹ mới xác định được cách thức hỗ trợ tốt nhất mà không làm tổn thương con cái.
Không hề khó để xác định xem ta đã biết yêu con chưa. Khi ta chưa biết yêu con, ta có xu hướng sau:
- So sánh con với trẻ khác.
- So sánh con với mong đợi của mình.
- Lo lắng rằng con chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi, chưa đủ thông minh.
- Lo lắng khi người khác nhận xét rằng con chưa đủ tốt.
- Tức giận với con.
- Tìm cách thay đổi con.
- Không thích khi con cái thể hiện ý kiến và cảm xúc thực của chúng.
- Đánh giá con dựa trên các tiêu chuẩn của xã hội.
- Bối rối trước các biểu hiện ở con.
- Cảm thấy bế tắc với con.
Và ngược lại, khi đã biết yêu con (tức sau một quá trình không đơn giản), ta có xu hướng sau:
- Hiểu con.
- Nhận ra và chấp nhận con người thực của con.
- Vứt bỏ các tiêu chuẩn mà xã hội tạo ra cho trẻ em.
- Cảm thấy gắn kết với con.
- Tôn trọng con khi con có những biểu hiện khác mong đợi của mình mà không đánh giá những biểu hiện đó.
- Bỏ ngoài tai những lời phán xét con của những người ngoài hoặc người trong gia đình không hiểu con.
- Muốn ở bên con và dành thời gian với con.
Điều thú vị nhất là: Với những người đã học cách yêu con, thì cho dù họ không hề nhắm tới việc thay đổi con, thì ảnh hưởng tích cực của họ tới con là quá lớn. Bởi vậy, ở bên cạnh người lớn biết yêu thương, tôn trọng trẻ, thì trẻ cũng tự trở nên biết yêu thương, tôn trọng người khác, vui vẻ và bình tĩnh. Ngược lại, với những người càng có mong muốn thay đổi trẻ, họ càng khó chịu, và trạng thái tinh thần tiêu cực của họ lan sang trẻ. Kết quả là trẻ cũng khó chịu, bất an, dễ mất kiểm soát. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với cảm xúc và tinh thần của người lớn ở gần. Với người hay áp đặt, phủ nhận chúng, thì chúng tự trở nên xa cách và chống đối.
Không có gì giúp trẻ phát triển tốt hơn là tình yêu thương đích thực. Không có gì giúp trẻ trở nên thông minh và hạnh phúc hơn là tình yêu thương đích thực. Bởi vậy, muốn dạy con cái gì, ta cũng phải dạy con trong yêu thương.
Chỗ nương tựa cho trẻ con chính là tình yêu đích thực của một người lớn. Khi đã lớn hơn, tự lập hơn, trẻ không còn tìm đến người lớn như ngày bé, nhưng suốt đời chúng sẽ đem theo cảm nhận về tình yêu thương và giá trị của chúng được khẳng định qua tình yêu mà chúng nhận được. Ở chiều ngược lại, trẻ bị phủ nhận, đè nén từ bé có xu hướng hoài nghi về giá trị của mình. Cảm nhận của trẻ về giá trị của trẻ giống như bộ rễ của cái cây: rễ sâu và bám chặt vào đất thì cái cây vững chãi.
------
Khi dành thời gian với con cái, cha mẹ thường đem sở thích và mối quan tâm của họ để giới thiệu cho con. Bởi vì suy cho cùng, chẳng ai có thể dạy con cái họ chẳng quan tâm tẹo nào. Hoặc nếu cố thì cha mẹ cũng sẽ sớm chán hoặc căng thẳng. Mỗi gia đình có cách riêng để dành thời gian cho con.
Với gia đình mình, đọc sách là hoạt động yêu thích.
Một điều rất thú vị về đọc sách là: khi đọc cho trẻ hàng ngày từ lúc bập bẹ, cha mẹ sẽ nhận thấy rõ các thay đổi về từ vựng, cách diễn đạt, phát âm, khả năng tương tác, khả năng lĩnh hội, nhận thức cũng như mối quan tâm và cả tính cách của trẻ.
Bư (5t) nhà mình rất dễ tính, cuốn gì mẹ mua cho cũng đọc say mê, và đồng ý cho mẹ chọn sách để đọc – từ bé xíu đã vậy. Nhưng với Siêu Tăm (2t) thì hoàn toàn khác: tên này tự nhận hắn là "ma cà rồng", mê tít thò lò các chủ đề Halloween, ma, ma cà rồng, quái vật, phù thuỷ, thần tiên, siêu khó tính, luôn luôn tự chọn sách và không dễ để khiến hắn đọc những cuốn mà hắn đã không thích từ lúc chưa đọc.
'------------
vui chơi với trẻ là niềm hạnh phúc và là cách phát triển sự thông minh, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, vận động, ngôn ngữ, thậm chí còn phát triển nhận thức, cảm xúc, tương tác, tất tần tật.
đáng tiếc rằng quá nhiều người lớn vẫn tin rằng vui chơi là vô ích, phí phạm thời gian, thời gian mà lẽ ra sẽ được dành để "học" và phát triển nhanh hơn.
kết quả là hướng con "học" ngày càng sớm và tưởng đạt được mấy cái kết quả tí tẹo, đủ để gây chú ý, được khen mẹ giỏi con giỏi, thế là cái tôi phồng lên như bong bóng. và vâng, người ta bắt đầu viết lại câu chuyện dạng như "tôi đã dạy con ra sao mà con biết đi sớm hơn trẻ khác" và trao lại bộ nguyên tắc vàng cho các phụ huynh khác.
nếu có một thứ cần nhất để phát triển giáo dục thì thưa quý vị, đó là thời gian để chơi mà không có sự cản trở hay chỉ huy của người lớn.
----------------------
tập đọc là bước học ngôn ngữ sau khi trẻ đã biết nói thành thạo và có một lượng từ tương đối. đọc là để hiểu, để vui chứ không phải để ... học và để nhanh. biết đọc sớm không phải là thông minh. và mọi người về sau đều nhìn chữ và phát âm lại được - nhưng việc đó chẳng liên quan gì tới kỹ năng đọc-hiểu hay vui thích đọc hay ham học.
khả năng lĩnh hội của trẻ được xây dựng qua tương tác khi đọc với bố mẹ khi bố mẹ giúp trẻ liên hệ từ ngữ với tranh ảnh và các giải thích của cha mẹ cũng như thảo luận cởi mở, sáng tạo giữa cả hai. cái đó mới giúp trẻ thông minh.
học đọc chỉ là kỹ thuật.
cha mẹ chủ yếu có hai kiểu: ham hố kỹ thuật và tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, và cha mẹ có tầm nhìn dài hạn thực sự.
đừng nhầm lẫn.
mình đã thấy có những bạn chia sẻ rằng người bản ngữ cũng phải học phonics chuẩn thì mới biết đọc và ... nói. xin lỗi chứ mình chưa từng học phonics, nhưng chỉ qua tiếp xúc với ngôn ngữ có ý nghĩa với tần suất lớn là tự có khả năng đúc kết quy tắc đọc. rõ là mù quáng vì phonics.
với sự bối rối và bế tắc ở Việt Nam, cái gì được "nhập khẩu" cũng nhanh chóng thành huyền thoại. xin lỗi các tín đồ phonics, các bạn tỉnh dậy đi ạ.
ký tên
Có nên dạy trẻ học đọc sớm?· Sáng nay mình có xem clip của một mẹ đăng trong một group về nuôi dạy con. Thực ra clip này không có gì đặc biệt lắm cho đến khi mình để ý là em bé trong clip đó chỉ mới hơn 2 tuổi mà mẹ của bé đã dạy học đọc bằng cả tiếng anh và tiếng việt. Mình cũng không chắc là mẹ dạy bé bằng phương pháp như thế nào nhưng mình chắc chắn một điều là mẹ có dạy bé học đọc bằng cách nhận biết mặt chữ và ghép vần. Bởi vì trong quá trình đọc sách với con, thay vì chỉ vào hình đồ vật trong sách thì mẹ chỉ vào chữ. Điều khiến mình ngạc nhiên hơn là có một bạn comment khen em bé thật giỏi khi có thể đọc được tiếng việt ở độ tuổi nhỏ như vậy. Tuy nhiên mẹ bé lại trả lời rằng bé không có gì là giỏi vì còn rất nhiều chữ bé đọc sai. Thực sự mình cảm thấy rất băn khoăn, mình đã định viết một comment rất dài bên dưới nhưng sau đó mình không làm như vậy. Mình nghĩ việc nuôi dạy con là lựa chọn của mỗi ông bố bà mẹ. Với cương vị là một người mẹ, mình chẳng có quyền gì để lên án hay chê trách việc dạy con học đọc ở độ tuổi sớm như vậy. Mình nghĩ suy cho cùng tất cả những hành động của mẹ xuất phát từ lòng yêu thương và mong muốn con mình trở thành một người thành đạt, giỏi giang. Mặc dù suy nghĩ như vậy, nhưng mình không khỏi trăn trở khi nghĩ về việc một đứa trẻ phải học đọc ở độ tuổi quá sớm như vậy.Khi nào trẻ nên học đọcNgày nay cùng với sự phát triển của các phương pháp giáo dục trẻ trong những năm đầu đời thì những kĩ năng về đọc, viết, làm tính ở trẻ nhỏ ngày càng có khuynh hương phát triển. Các bố mẹ thực sự quan tâm đến khả năng đọc viết và tính toán của con từ rất sớm. Có rất nhiều quảng cáo nói rằng việc con biết đọc, viết, tính toán sớm sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy logic, là một thước đo sự thông minh ở trẻ nhỏ... Tuy nhiên, độ tuổi trẻ bắt đầu có sự thích thú với con chữ thì khác nhau. Mỗi trẻ có một thời điểm cảm thấy hứng thú với chữ sốriêng. Tuy có một số trẻ đến rất sớm, khoảng 2,3 tuổi, bé đã có sự tò mò về chữ, số, một sốbé đến 4- 5 tuổi mới bắt đầu để ý, có bé còn muộn hơn. Và tất cả các trường hợp trên đều nằm trong sự phát triển bình thường của trẻ, chú ý đến chữ và số sớm chưa chắc đã là thiên tài và ngược lại. Tuy nhiên việc trẻ chú ý đến chữ và chuyện dạy trẻ đọc lại là chuyện khác. Mình muốn giải thích một chút, học đọc ở đây là sau quá trình bé thuộc bảng chữ cái, mẹ hay cô giáo hay người nuôi dưỡng sẽ dạy bé ghép các vần với nhau và đọc các từ, các câu, đoạn văn. Đó là một quá trình rất phức tạp và khó khăn. Việc học đọc khi ở độ tuổi quá sớm thực sự không tốt với trẻ. Trước đây, mình không hiểu tại sao trẻ em lại được quy định sẽ bắt đầu đi học khi tròn 6 tuổi? Thậm chí ở một số nước phát triển, việc tính tuổi đi học của trẻ rất chặt chẽ. Ngày khai trường cho kì thu thường là 1/9 nên những bé sinh sau ngày đó sẽ phải học với các bạn năm sau. Tuổi đi học được tính toán tỉ mỉ dựa trên ngày, tháng, năm sinh chứ không chỉ đơn thuần năm sinh như ở Việt Nam. Mình vẫn nhớ một kỉ niệm khi mình học thạc sĩ về kinh tế phát triển, mình có suy nghĩ về luận văn tốt nghiệp. Vì có một số bộ số liệu về trẻ nhỏ rất tốt, mình định làm luận án tốt nghiệp về sự phát triển của trẻ em ở những vùng kém phát triển. Liệu ở những vùng núi cao hay vùng duyên hải nghèo khó, trẻ có thể đi học ở độ tuổi muộn hơn mốc 6 tuổi không? Liệu những trẻ đó khi đi học muộn hơn một năm hay một vài năm có cảm thấy hạnh phúc hơn không, có hứng thú với việc học hơn không? Mặc dù sau này mình không làm luận án đó nhưng điều đó đã khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Tại sao nhiều quốc gia (Phần Lan, Thụy Điển..) quy định 7 tuổi là độ tuổi trẻ chính thức học chữ, học đọc, viết ở trường. Có rất nhiều lí do, một trong những lí do được đưa ra dựa theo sự phát triển sinh học của con người, sau 7 tuổi trẻ có khả năng nhớ và lưu trữ kiến thức trong dài hạn. Trước 7 tuổi, não bộ của trẻ chưa hoàn thiện để ghi nhớ kiến thức trong khoảng thời gian dài. Đó là lí do tại sao người lớn hay nói "Trẻ em chóng nhớ chóng quên".Khi trẻ còn quá nhỏ, quá trình xây dựng và hình thành biểu tượng của trẻ vẫn đang tiếp tục diễn ra. Chính vì thế, việc dạy con học đọc sớm cũng giống như việc xây một ngôi nhà không có móng vậy. Dù trẻ có thể học được từ và ghép được vần, trẻ vẫn chưa đủ khả năng hiểu được hết nghĩa của từ cũng như chưa thể lĩnh hội được hết nội dung.2. Học đọc sớm sẽ giúp phát triển khả năng đọc của trẻMình thấy có rất nhiều bố mẹ muốn con đọc sớm vì nếu con biết đọc sớm, con có thể tự đọc sách, báo.... Mình nghĩ lí do đó không hợp lí lắm. Nếu như vì lí do đó thì mình sẽ là một trong những người đầu tiên tiên muốn con đọc sớm bởi con mình rất thích đọc sách. Hàng ngày con mình có thể dành 2-3 tiếng để đọc sách, thậm chí là hơn. Tất nhiên việc dành thời gian để đọc sách cho con cũng chiếm một khoảng thời gian rất lớn của vợ chồng mình. Nhưng ngược lại, mình lại có một quyền lực vô hình với con trong việc đọc, mình có thể sáng tạo nội dung sách mà không bị dập khuôn vào câu từ. Mình có thể nghĩ ra những chi tiết hấp dẫn hơn nội dung ban đầu của cuốn sách để thu hút con. Con hoàn toàn tin tưởng lời mình đọc. Việc bố mẹ có thể đọc sách cho con, cùng con sáng tạo tìm tòi nội dung sách sẽ thúc đẩy trí tưởng tưởng của trẻ rất nhiều. Chính điều đó mới thực sự giúp ích cho khả năng đọc của trẻ.Gần đây, vào năm 2013, ở Anh đã diễn ra một chiến dịch mang tên "Too Much, Too Soon". Hơn 130 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ đã kí tên kiến nghị chuyển việc dạy chữ và số với trẻ nhỏ ở Anh từ 4 tuổi lên 7 tuổi. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc học đọc sớm không hề giúp trẻ có kĩ năng đọc tốt, thậm chí còn gây hại cho kĩ năng đọc của trẻ. Những nghiên cứu được tiến hành ở New Zealand với hai nhóm trẻ, một nhóm học đọc lúc 5 tuổi và một nhóm học đọc lúc 7 tuổi. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng không có sự khác biệt về khả năng đọc của hai nhóm trẻ trên khi trẻ 11 tuổi. Tuy nhiên nhóm trẻ bắt đầu học đọc sớm hơn (5 tuổi) có thái độ với việc đọc kém tích cực hơn và khả năng đọc hiểu cũng kém hơn so với nhóm những trẻ bắt đầu muộn hơn (7 tuổi).3. Trẻ nhỏ còn rất nhiều thứ để chơi hơn là học Mình nhớ cách đây khoảng 5 năm trở về trước ở Việt Nam có một phương pháp giáo dục tên là Glenn Doman rất được ưa chuộng. Phương pháp được quảng cáo có thể giúp trẻ biết đọc từ khi còn bé. Cách đây 2 tháng, một người bạn của mình có con khoảng hơn 6 tháng tuổi có tham khảo ý kiến của mình rằng có nên cho con học Glenn Doman không? Mình hỏi bạn tại sao muốn cho con học? Bạn trả lời rằng vì bạn muốn tìm một phương pháp giáo dục có thể giúp cho con bạn thông minh và nhanh nhẹn hơn. Mình cũng chỉ nói với bạn cứ tìm hiểu kĩ trước khi quyết định. Khi trẻ còn nhỏ có rất nhiều thứ và nhiều điều giúp trẻ phát triển trí thông minh và tình yêu thương mà không cần dựa vào bất kì phương pháp giáo dục nào, nhất là những phương pháp thiên về học thuật như đọc, viết, tính toán. Bản thân đứa trẻ từ khi sinh ra đã có một sự tò mò tuyệt vời, không ngừng nghỉ và say sưa với những điều xung quanh trong cuộc sống. Có rất nhiều điều trẻ có thể học hơn là chữ: trồng cây, chơi trốn tìm, học bơi, học nấu ăn.... Mình biết có những mẹ sợ con đi học lớp 1 chương trình nặng, con có thể không viết đủ nhanh để theo kịp các bạn và yêu cầu của cô giáo. Vì thế nhiều mẹ đã đầu tư quyển tập tô chữ cho con luyện viết từ 3 tuổi. Đó là một cách làm nhưng có một cách khác hay hơn mà không nhiều mẹ chú ý: để con viết tốt thì nên cho con chơi đất nặn, chơi với cát. Các hoạt động nhào nặn sẽ giúp cơ tay và cơ ngón tay của con phát triển, việc cầm bút sẽ dễ dàng hơn nhiều. Một số bố mẹ muốn con đọc sớm để về sau tự đọc được sách vở. Mình nghĩ việc đọc rất tốt nhưng đó không phải là hình thức tư duy cao nhất. Thay vì dạy con học đọc sớm, bố mẹ có thể chú trọng đến khả năng tư duy logic, cũng như tư duy phản biện của con thông qua quá trình cùng nhau đọc sách. Bố mẹ có khuyến khích con kể lại hoặc đặt ra những câu hỏi phản biện cho nội dung của cuốn sách.Mình biết một cuốn sách tên là "Einstein chưa từng học theo flashcard". Sự thực là như vậy. Hầu như những thiên tài, những nhà khoa học nổi tiếng đều có một tuổi thơ vui chơi khám phá và tự do. Gần như tuổi thơ của họ thường rất ít gắn với việc phải học những kĩ năng mang tính học thuật như đọc, viết, tính toán. Einstein ngày bé thậm chí còn mắc chứng khó đọc, là một học sinh có học lực kém trong lớp.John Stuart Mill là một nhà triết học và kinh tế học nổi tiếng. Bố của ông cũng là một nhà khoa học rất uyên bác. Ngay từ nhỏ, Mill đã được bố thiết kế cho một con đường học tập chuyên chú để trở thành một nhà khoa học vĩ đại. Khi 3 tuổi, Mill đã bắt đầu học những bài học đầu tiên bằng chữ cổ Hy Lạp. Suốt 14 năm đầu đời, ông đã lớn lên mà không hề có một người bạn đồng trang lứa nào. Cuối cùng Mill cũng trở thành nhà triết học nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất nước Anh vào thế kỉ 19. Tuy nhiên Mill đã nói rằng ông luôn cảm thấy mình là một người bất hạnh vì ông lớn lên mà chưa từng có tuổi thơ. Vậy suy cho cùng, thành công hay giỏi giang mà phải đánh đổi bằng niềm hạnh phúc của tuổi thơ là cái giá không phải rẻ dù với bất kì ai. Tạm kếtNếu như coi tuổi thọ trung bình của con người là 70 tuổi thì chúng ta chỉ có khoảng 5,6 năm có thể vui chơi thoải mái mà chưa cần bận tâm về sách vở con chữ. Chính các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thậm chí những trẻ có năng khiếu khi còn nhỏ cũng không cần phải được nuôi dưỡng trong một môi trường nặng về học thuật. Đọc, viết, tính toán là những kĩ năng có thể dễ dàng học được khi trẻ lớn. Những thứ mà trẻ cần khi còn nhỏ là một môi trường nuôi dưỡng trí tưởng tượng, các hoạt động vui chơi và đảm bảo an toàn cho trẻ. Vì con chỉ lớn lên một lần, đừng bán rẻ tuổi thơ con cho những lời quảng cáo, cho sự phù phiếm và niềm hi vọng rằng việc học đọc sớm sẽ giúp con thông minh, hạnh phúc và thành công hơn.Tài liệu tham khảo:Sebastian P. Suggate, Elizabeth A. Schaughency, Elaine Reese. (2013). Children learning to read later catch up to children read earlier. Early Childhood Research Quarterly, 28 (1), 33-48
CƠN GIẬN DẠY CHA MẸ ĐIỀU GÌ?
Nhiều cha mẹ tâm sự rằng họ không biết phải làm gì khi giận con, rằng họ rất ý thức được rằng họ không nên giận dữ và không nên có hành động gì trong khi giận vì biết sẽ để lại tổn thương cho con, nhưng họ không thể kiềm chế được.
Tôi viết bài này dành cho những phụ huynh như thế.
Trước khi đi vào nội dung chính, tôi muốn nói rõ thêm rằng bản thn tôi cũng là một người rất dễ bị cảm xúc chi phối và đã từng để cho cơn giận khiến cho bản thân phản ứng với con theo cách mà tôi không hề muốn. Tới nay, trong suốt quãng thời gian làm mẹ, cảm xúc và con cái kết hợp lại đã dạy tôi rất nhiều điều. Những chia sẻ tôi viết ở đây là trải nghiệm của bản thân trong quá trình tự học, tự trải qua các tình huống thực, rút kinh nghiệm và đã đạt kết quả nhất định. Tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi với các con. Quá trình này luôn luôn tiếp diễn.
LÝ DO CHA MẸ GIẬN CON
Trước tiên, để biết cách đối phó với cơn giận, cha mẹ cần phải thành thực với bản thân để hiểu nguyên nhân sâu xa của cơn giận.
Nhiều cha mẹ biện minh rằng con hư nên mình mới giận. Tuy nhiên, thế nào là hư? Sự thực là cha mẹ giận bởi vì:
1 – Con có những biểu hiện không đúng như mong muốn, hình dung hay kỳ vọng của cha mẹ. Cha mẹ, thay vì xem xét lại các mong muốn của mình, thì lại quay ra phán xét con.
2 – Cha mẹ không hiểu biểu hiện của con có ý nghĩa gì.
3 – Cha mẹ khăng khăng con phải theo đúng như ý của mình. (Tất nhiên chuyện này không thể xảy ra. Vì trẻ đâu có phải là cha mẹ.)
4 – Khi trẻ không thể hành xử như ý cha mẹ, cha mẹ nổi cáu.
Tóm gọn lại, đơn giản là cha mẹ KHÔNG chấp nhận được con cái khác với ý muốn của mình. Càng có nhiều mong đợi cho con và càng muốn kiểm soát hành vi của con, thì cha mẹ càng căng thẳng và càng có xu hướng bất mãn, giận dữ với con nhiều hơn.
ĐỂ BỚT GIẬN
Để bớt giận và để xử lý cơn giận, ta đừng chờ tới khi giận thì mới tính xem mình nên làm gì, bởi lúc đó giận quá mất khôn, rất khó để đối phó. Muốn đối phó, cha mẹ phải xử lý với nguyên nhân sâu xa nhất: không hiểu con hoặc/và cứ bắt con phải giống như ý mình.
Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy: các gia đình càng hiểu con thì càng thông cảm với con và chấp nhận con hơn; gia đình nào càng không hiểu con thì càng bế tắc, càng dễ đánh giá con. Tất cả đều quy về mức độ hiểu con của các cha mẹ. Và để hiểu con thì không có con đường tắt nào cả. Những gia đình không hiểu con thì thường cho rằng con vốn bướng, không muốn hợp tác với cha mẹ, thích chống đối, hư, nghịch, hỗn,... và rất thích dùng từ "cá tính" để mô tả biểu hiện thiếu hợp tác của con.
Sự thật là không có đứa trẻ nào sinh ra đã biết hợp tác với cha mẹ hay sinh ra đã chống đối. Sự chống đối mạnh ở trẻ có hai nguyên nhân chính: một là biểu hiện tự nhiên muốn khẳng định bản thân, và hai là luôn bị người lớn phủ nhận, hiểu sai, mắng mỏ quá nhiều dẫn tới tâm lý luôn phớt lờ hoặc làm ngược lại ý của người lớn.
Thái độ và phản ứng của trẻ với cha mẹ thực chất không phản ánh trẻ nhiều, mà thể hiện cảm nhận của trẻ về mối quan hệ của trẻ với cha mẹ.
CÁC GỢI Ý ĐỂ GIÚP CHA MẸ HIỂU CON HƠN
1 – Luôn luôn dành thời gian với con hàng ngày để xây dựng mối quan hệ với con. Chăm sóc con và chơi đùa với con nhỏ là cách thức tốt nhất để qua đó cha mẹ trò chuyện, thể hiện tình yêu thương và khiến trẻ tin tưởng và yêu thương cha mẹ. Cha mẹ nào càng dành thời gian để chăm sóc và chơi đùa với con thì càng hiểu con hơn. Với những gia đình có trẻ lớn, cha mẹ cần chủ động tìm ra một hoạt động mà trẻ thích/quan tâm để cha mẹ có thể tham gia cùng.
Nên tham gia với tư cách là người chơi cùng và hỗ trợ con khi con cần, không tham gia với tư cách là người kiểm soát và chỉ huy.
Để hiểu con, cha mẹ nên dành thời gian đều đặn cho con từ bé cho tới lớn, đừng lơ là trong bất kỳ quãng thời gian nào. Các cha mẹ chỉ cần lơ là một thời gian, dành quá ít thời gian cho con, là sẽ không còn hiểu hành vi và phản ứng ở con nữa.
2 – Học cách trò chuyện với con. Nếu cha mẹ chỉ nói chuyện với con về bài vở, nói để yêu cầu con làm việc này việc nọ theo ý mình, nói để trách con, và không nói để tạo cơ hội cho những cuộc trò chuyện bình đẳng hai chiều, thì không có gì lạ khi cha mẹ không thể hiểu con. Nhiều cha mẹ chỉ nói chuyện khi muốn giảng giải, và phàn nàn rằng họ đã nói như thế rồi mà con vẫn không nghe.
Trẻ sẽ nghe khi bạn biết cách nói. Và trẻ sẽ nói khi bạn biết cách nghe. Nếu cha mẹ không đem tình yêu thương vào trong cuộc trò chuyện mà chỉ nói chuyện với mục đích để trẻ nghe mình, thì khó mà trẻ nghe cha mẹ được.
Cha mẹ cần học cách lắng nghe con, đặt câu hỏi mở cho con, để cho con có cơ hội thể hiện suy nghĩ, mong muốn, và cảm xúc, học cách không phán xét con khi con thể hiện bản thân theo bất kỳ cách nào. Hãy nói chuyện để hiểu, không nói chuyện để sửa.
Cha mẹ nào nói chuyện với mong muốn hiểu con thì sẽ tự thấy con cái sẽ có thái độ rất hợp tác. Trẻ nhỏ, bên cạnh những lúc muốn khẳng định bản thân nên làm trái ý cha mẹ, thì nhìn chung rất muốn làm vui lòng cha mẹ. Nhưng chúng chỉ có mong muốn làm vui lòng cha mẹ khi cha mẹ cho chúng thấy họ là người đáng để trẻ tin tưởng. Chỉ riêng việc cha mẹ có xu hướng đánh giá, phán xét con đã là đủ để tạo tâm lý bất an cho trẻ khi trẻ ở bên cạnh họ.
3 – Lý tưởng hơn thì cha mẹ nên tự học, nên tìm sách mô tả quá trình phát triển ở trẻ để hiểu ý nghĩa của những đặc điểm ở trẻ, trong đó có cảm xúc và hành vi. Có những cha mẹ không hề gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa của các biểu hiện ở trẻ, nhưng đa số là gặp khó khăn. Cần kết hợp sách và kinh nghiệm với con.
4 – Muốn hiểu trẻ tốt, cha mẹ nên giảm bớt cái tôi của mình. Hãy đặt câu hỏi cho bản thân: Chắc gì mình lúc nào cũng đúng? Mình là người lớn, điều đó không có nghĩa là mình có quyền chi phối trẻ. Một người lớn liên tục chi phối trẻ là người lớn lạm dụng quyền lực với trẻ. Lạm dụng quyền lực sẽ dẫn tới hậu quả là trẻ càng muốn chống đối. Quyền lực được sử dụng khôn ngoan, đúng lúc đúng chỗ, và nên cực kỳ hạn chế, thì mới có thể đem lại kết quả.
Cha mẹ khiêm tốn và sẵn sàng điều chỉnh bản thân thì dạy con tốt hơn là cha mẹ đặt mình cao hơn trẻ. Cha mẹ khiêm tốn dễ dàng đánh giá đúng ưu/khuyết điểm của bản thân hơn.
LÀM GÌ KHI GIẬN?
Và cuối cùng, nên nhớ rằng ai cũng có lúc giận, và cảm xúc giận là bình thường. Một số cha mẹ khi giận con thì lại quay ra phán xét bản thân về cảm xúc giận. Việc phán xét con hay đổ lỗi cho bản thân về cơn giận đều không giúp ích mà sẽ làm cơn giận thêm tồi tệ.
Chúng ta cần học cách xử lý cơn giận bằng cách:
1 – Cho phép bản thân được giận. Cần hiểu rằng cơn giận sẽ qua. Chấp nhận cơn giận thì nó sẽ qua nhanh hơn là đè nén nó.
2 – Điều đó không có nghĩa là cha mẹ thích làm gì cũng được khi giận. Cha mẹ cần phải có ý thức về cơn giận và tập để kiểm soát HÀNH VI của bản thân trong lúc giận con. Nếu quá bực với con, hãy thể hiện ngắn gọn bằng lời nói mà không hạ thấp hay gây tổn thương cho trẻ: Bố/mẹ bực quá vì con đã .... (mô tả lại cụ thể hành vi của con.
3 – Cho bản thân thời gian để bình tĩnh. Hãy cảm nhận cơn giận, và tập thở trong lúc giận: Tập trung vào hơi thở, hít vào và thở ra đều đặn. Nếu thấy bản thân suy nghĩ trong lúc đó, hãy nhận biết suy nghĩ đơn giản bằng cách tự nói với mình "Tôi thấy tôi đang nghĩ về chuyện ..." Suy nghĩ sẽ tự tan biến. Đừng dùng lý trí để giải quyết cảm xúc. Lý trí không làm được điều đó, và nó sẽ làm rối tung mọi thứ lên.
Nếu bạn làm đúng, bạn sẽ sớm thấy cơn giận tan biến. (Và kể cả bạn không làm thế, thì cơn giận cũng sẽ qua. Sự khác biệt là bạn đã làm gì khi giận? Bạn đã để cơn giận chi phối hoàn toàn, hay bạn có ý thức để ngăn chặn các hậu quả không mong muốn về mặt hành vi?)
Nên coi cơn giận như một vết thương. Khi chúng ta giận, chúng ta cần quay vào trong để chăm sóc cơn giận, chứ không đem cơn giận hướng ra ngoài.
Đây là một kỹ năng quan trọng có thể được áp dụng với mọi cảm xúc tiêu cực. Nếu không xử lý cơn giận đúng cách, ta sẽ gây tổn thương cho mọi người xung quanh, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với họ. Cảm xúc tiêu cực khi không được chăm sóc cũng sẽ tích tụ dần ở bên trong và tác động tới nhiều hành vi và thói quen cũng như cả chất lượng cuộc sống.
LỜI KẾT
Tôi đã nghe các cha mẹ nhận xét sau khi đọc bài của tôi: "Lý thuyết ai chả nói được! Làm thế khó chết!"
Nếu chúng ta là cha mẹ mà không tự nỗ lực để thay đổi những cái ta biết là ta làm chưa đúng, thì chẳng ai có thể giúp chúng ta được. Đời sống gia đình và chất lượng của mối quan hệ với con là do ta quyết định.
Cái gì quan trọng với bạn, và cái gì phải được ưu tiên? Chỉ có bạn biết. Và bạn biết thì bạn hãy xắn tay lên thực hiện đi hỡi bạn.
---------------------
Có một tín hiệu mà tôi bắt được ngay khi nghe các cha mẹ nói "con họ có vấn đề". Tín hiệu này trong phần lớn trường hợp có nghĩa là: họ không hiểu con của họ do chưa dành đủ thời gian chơi với con, trò chuyện với con, lắng nghe con trong bầu không khí cởi mở, chấp nhận, thay vì phán xét, đánh giá. Chỉ cần bạn mô tả lại con trong 5 dòng là hoàn toàn có thể dựa vào mô tả đó để biết bạn là kiểu cha mẹ gì, cũng như bạn đã hiểu con hay chưa.
Các cha mẹ không hiểu con và có kỳ vọng cao thường mô tả con là lì lợm, bướng bỉnh, nói không biết nghe, hỗn láo, phá bĩnh, lười, chậm hiểu, phát triển chậm, học dốt, không tập trung,... Nếu bạn để ý thì tất cả các tính từ này đều có tính chất chung là mang tính chất phán xét, mô tả biểu hiện đồng thời cũng pha trộn cả cảm nhận của người quan sát vào đó. Chừng nào bạn chưa học cách nhận xét khách quan, mà không đem cảm xúc tiêu cực vào đó, thì bạn sẽ không thể hiểu được con bạn. Chừng nào bạn chỉ so sánh con với kỳ vọng của mình thì bạn sẽ càng căng thẳng. Kỳ vọng kiểu như vậy hoàn toàn không phải để phục vụ sự phát triển và hạnh phúc ở trẻ, mà là phục vụ cái tôi và những đòi hỏi không hợp lý ở người lớn.
Cha mẹ phải hiểu con thì mới giúp con được. Nhưng chủ yếu là các cha mẹ không cần hiểu con, mà chỉ muốn con theo ý mình, thậm chí cũng chưa nhìn lại xem ý muốn của mình như thế có ổn không, và dựa trên cái gì.
-------------
BÀN VỀ CHUYỆN LẠC ĐƯỜNG TRONG GIÁO DỤC
người trông trẻ như cô giáo, giúp việc, cha mẹ mà không hiểu gì về giá trị con người thì sẽ coi trẻ là thấp kém hơn họ. ở cạnh những người như vậy từ nhỏ khó có thể là cách tốt để nuôi dưỡng lòng tự trọng và tình yêu cho bản thân.
ngay cả những người được đào tạo sư phạm thì phần lớn được đào tạo để thiết kế bài giảng nhằm khiến trẻ nhắc lại kiến thức như vẹt, một cách thức giáo dục không hiệu quả với trẻ nhỏ.
cái đầu tiên trẻ cần học là hiểu được giá trị của bản thân. giá trị này không phụ thuộc vào sự đánh giá của bất cứ ai, kể cả cha mẹ. giá trị này cũng không cao hay thấp, không giành giật được, không mượn được, không thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. nó bền vững, trường tồn, luôn ở bên trong một con người, và là nguồn sức mạnh nội tại không bao giờ cạn kiệt.
song con người đã luôn tự tách mình và tách nhau ra khỏi nguồn sức mạnh ấy, rồi tạo ra hoặc tìm đến các "giá trị con người" như địa vị, tiền bạc, màu da, tín ngưỡng, văn hóa, quốc tịch, tuổi tác, kinh nghiệm, phe phái, vẻ ngoài, giới tính, nghề nghiệp, v.v...
trước khi dạy trẻ, mong những người dạy trẻ hãy tự đánh giá chính mình và niềm tin của chính mình. hãy soi mình cho kĩ. hãy thành thật. hãy vứt bỏ các niềm tin sai. hãy xây dựng lại thế giới quan cho đúng đắn. khi ấy, chỉ cần bạn nhìn nhận đúng, bạn khắc có hành vi đẹp và lời nói đẹp, và khắc dạy được trẻ mà không phải vất vả, lo lắng xem con bị làm sao.
nếu các niềm tin còn lộn xộn, mâu thuẫn nhau, bén rễ trong đầu rồi mọc tùm lum và vô định, thì cũng là bình thường khi chúng khiến cho chủ thể mất kiểm soát, điên đảo, quay cuồng, vò đầu bứt tóc, tự hủy hoại chính mình (và người xung quanh) qua các hành vi không kiểm soát. (các hành vi này có rất nhiều dạng. khi khác bàn vậy!)
quá trình xây dựng lại thế giới quan tuy vất vả nhưng phần thưởng tinh thần là vô cùng lớn. cách thức rất đơn giản: hãy truy tìm "triệu chứng" trong hành vi, suy nghĩ và cảm xúc; bắt lấy nó, lôi nó ra ánh sáng để xem xét; đi tìm sự đúng/sai là nền tảng đằng sau nó; và nhìn nhận lại cho đúng. quá trình này sẽ kéo dài suốt đời, khi chết cũng khó hoàn thiện (trừ khi bạn là các bậc giác ngộ!)
muốn giáo dục trẻ, hãy tự giáo dục mình, và dành thời gian cho trẻ. không việc gì phải dạy chúng! vì chúng thông minh lắm. các bạn đang mải miết dạy trẻ, sửa trẻ cẩn thận không là ... lạc đường đấy!
'---------------
nhiều người lớn quá tự tin khi khẳng định ngày nhỏ họ thường bị bố mẹ đánh mà lớn lên vẫn phát triển tốt và không có vấn đề tâm lý. đây là lý do mà họ cho rằng đánh con rồi cũng chẳng sao.
sự thật là: phần lớn chúng ta đều có vấn đề tâm lý ở các mức độ khác nhau đều do mối quan hệ với cha mẹ gây ra, trong đó bạo lực gia đình chỉ là một phần.
xin hãy nghĩ ngược lại: nếu cha mẹ bạn biết yêu thương con đích thực thì họ đã không dùng tới bạo lực, và chắc hẳn bây giờ bạn sẽ là phiên bản cao cấp hơn.
đối với những cha mẹ đánh con bất chấp tất cả: các bạn hãy thành thật thừa nhận rằng các bạn bất lực và bạo lực không bao giờ là giải pháp. các bạn phải thừa nhận rằng các bạn không hiểu con và không đủ dũng khí và động lực để thay đổi chính mình. bạo lực do cụ kị, cha mẹ bạn tạo ra và truyền đến bạn nay có thể được ngừng lại nếu bạn ngừng đánh con; nếu không, con bạn sẽ có khả năng cao tiếp tục đánh con của nó.
tôi biết những gia đình đánh con trong khi họ rất muốn ngừng lại và hoàn toàn hiểu cái sai của bạo lực. có những cha mẹ đang rất cố gắng. tôi và xã hội trân trọng nỗ lực của các bạn.
trong cuộc sống thường ngày, chúng ta không đánh vợ đánh chồng hay đánh những người khác chỉ vì bất đồng thì chúng ta cũng không đánh trẻ.
làm sao để ngừng bạo lực với con sao? xin hãy học cách hiểu con, lắng nghe con, xử lý cảm xúc của mình cho đúng và tự học để tự giáo dục chính mình. nếu bạn không làm thì đến thánh cũng không giúp được bạn.
'--
BÀN VỀ BẠO LỰC VỚI TRẺ
Mặc dù đã viết rất nhiều bài về đề tài giáo dục trẻ nhỏ, nhưng tôi hầu như không bàn tới đánh con. Bản thân tôi cũng như nhiều cha mẹ - có những lần tôi giận, không kiểm soát được cảm xúc, đã từng to tiếng với con – nhưng tôi chưa từng đánh, càng không bao giờ sử dụng vũ lực một cách có ý thức và kiểm soát nhằm dạy dỗ con. Trong quá trình tự học về giáo dục, tôi đọc được thêm nhiều tài liệu liên quan tới hậu quả của việc đánh trẻ. Và kết quả là tôi đã khá chủ quan về vấn đề này và yên tâm rằng có lẽ hiện nay nhiều cha mẹ hơn cũng hiểu được tại sao họ không nên đánh con.
Nhưng thực tế thì có vẻ khác xa như vậy, nhất là khi có cả những "hot mom" chia sẻ rằng đánh con là cần thiết, khi nhiều phụ huynh vẫn tin rằng phải đánh thì mới nên người với kiểu lý luận "ngày xưa tôi bị đánh nên bây giờ mới được như thế này", khi một bộ phận xã hội còn cho rằng trẻ con phải bị trù dập, phải bị đánh, thì mới học cách để trở nên cứng cáp,... Họ bảo rằng nếu không bị đánh, thì trẻ con sau này sẽ khó hòa nhập với xã hội, sẽ không thể thích nghi được với xã hội nhiều xấu xa, bon chen.
Thực tế là ở trường lớp, bạo lực với học sinh cũng được ủng hộ. Nhiều giáo viên cũng tin rằng dùng bạo lực là cách duy nhất để rèn trẻ em vào nề nếp và kỷ luật dù họ có nói ra điều đó hay không. Có cha mẹ đã từng nói với tôi "nếu nó không chịu học, cô cứ đánh thẳng tay". Thực tế là người ta không chỉ dùng bạo lực và cưỡng ép để buộc trẻ phải học và nghe lời, mà ngay từ khi trẻ còn chưa biết nói, người ta đã dùng bạo lực để bắt trẻ ăn.
ĐỊNH NGHĨA BẠO LỰC
Khi nói đến bạo lực, chúng ta chỉ nghĩ đến các hình thức trừng phạt về thể chất như đánh, tát, phết đít, hoặc dùng thước kẻ, roi, chổi,... nhưng bạo lực còn rộng hơn thế rất nhiều.
Các hình thức bạo lực với trẻ em mà tôi bàn tới bao gồm:
1. Bạo lực thể chất: trừng phạt trẻ trực tiếp qua tác động tới cơ thể để gây đau đớn về thể xác. Bạo lực thể chất cũng vẫn bao gồm cả những cái tét đít, tát, cấu, véo cho dù không đủ mạnh để gây đau hoặc để lại dấu vết trên cơ thể. Về cơ bản, hình thức này là cách dùng tác động về thể chất để trừng phạt trẻ.
Cách này tôi tin tưởng rằng đã được bàn tới nhiều, nên tôi sẽ không bàn thêm nhiều ở đây.
2. Bạo lực tâm lý: thường đi kèm với bạo lực thể chất, nhưng cũng có thể không. Mục này bao gồm cả bạo lực ngôn từ như quát mắng, hạ thấp, sỉ nhục, chửi, chì chiết, và tất cả những cách nói gây tổn thương. Dưới tác động của bạo lực ngôn từ, đứa trẻ không đau về thể chất, nhưng nó vẫn bị tổn thương, và tổn thương có thể ngang bằng hoặc nhiều hơn so với bạo lực thể chất.
Hôm nọ, tôi vô tình đọc được lời nhận xét của một ông bố trên một trang báo trực tuyến, trong đó anh ta viết: "Tôi ko đồng tình chuyện đánh con, thế thôi. Con gái tôi 2 tuổi rất lì lợm và bướng bỉnh nhưng tôi chưa bao giờ đánh con (...) Nhưng tôi có cách dạy của tôi, thay vì đánh con tôi cố gắng chỉ bảo nhẹ nhàng và nịnh con nên cũng có kết quả. Khi nào không dạy được thì tôi bắt đứng úp mặt vào tường khi nào không khóc nữa và xin lỗi thì tha cho. Hoặc là bỏ hết quần áo ra và nhốt vào trong tủ, khi nào xin lỗi thì tha. Đến giờ, con gái tôi chỉ sợ bị bố nhốt hoặc bắt úp mặt vào tường không ai quan tâm, ngoài ra roi vọt chẳng là gì."
Anh ta có vẻ rất tự hào rằng mình không phải là người bạo lực với con. Nhưng đáng tiếc là dù cho anh ta khẳng định như vậy, thì bạo lực vẫn là cách thức anh ta áp dụng để giáo dục con mình.
Ông bố khác trả lời ông bố trên, với đại ý rằng anh ta đã dùng hết cách, không còn cách gì, chỉ có thể dùng bạo lực, và rằng cách của ông bố trên chưa "thấm" vào đâu so với cách của anh ta: "Chỉ có 1 cách là ăn đòn thật đau hoặc phải lôi vào toilet doạ tắt đèn thì cháu mới chịu khuất phục nhưng cũng rất khó đánh hoặc khó lôi vào toilet vì cháu chống trả rất quyết liệt. Muốn đánh toàn phải dùng cả chân để giữ cháu nằm sấp xuống để quất vào mông chứ ko thể bạ đâu đánh đó. Xin nói thêm là con tôi mới hơn 5 tuổi. Từ bé tôi đã dùng rất nhiều biện pháp, nhẹ nhàng tình cảm có, nịnh nọt có, ..."
Một ví dụ khác mà tôi chứng kiến: Một gia đình đi chơi ngoài quán; đứa trẻ khá nghịch ngợm do nhu cầu vận động tự nhiên của lứa tuổi; mặc dù nó không làm gì quá đáng, ông bố rất khó chịu vì nó không thể ngồi yên và ông ta quát: "Mày không ngồi yên thì tao bẻ chân mày." Có người mẹ thì có hai đứa con tầm 8-10 tuổi, đứa em muốn đòi thứ đồ gì đó mà đứa chị đang chơi nhưng đứa chị không cho. Người mẹ muốn đứa chị nhường, nhưng bảo không được, chị ấy bèn quay ra chì chiết con: "Mày là con ích kỷ. Mày chẳng ra gì đâu. Mày tưởng mày hay ho lắm à? Mai tao ra cửa hàng tao mua thêm đồ chơi cho em mày, mày chẳng đáng được thế đâu." Đứa con gái bật khóc nức nở và đưa đồ chơi cho em nó.
Xin nói thêm là các cha mẹ khi "dạy" được con bằng bạo lực tâm lý thì lắm người trong số họ rất tự hào. Khi các hình thức này được lặp đi lặp lại, thì khi đó bạo lực đã chuyển thành bạo hành: bạo hành thể chất, bạo hành tâm lý, bạo hành ngôn từ.
Thờ ơ với trẻ, với các nhu cầu cảm xúc, tinh thần, kết nối, cũng là một dạng bạo hành và cũng để lại nhiều hậu quả về tâm lý và hành vi. (Trong bài này, tôi sẽ tạm không bàn đến dạng này trong khi một số nguồn uy tín khẳng định rằng đây mới là dạng bạo hành phổ biến nhất.)
BẢN CHẤT CỦA BẠO LỰC
Bản chất của bạo lực rất đơn giản: người sử dụng bạo lực sử dụng quyền lực của mình để khiến cho người khác (cụ thể trong trường hợp này là trẻ) cảm thấy sợ hãi và thấp kém. Những người lớn sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ đều là những người lớn bế tắc: họ không biết phải làm gì nữa nên trong lúc bí bách, khó chịu quá, đành dùng bạo lực.
Tại sao nhiều người lại cho rằng bạo lực là một cách tốt để dạy trẻ, và nó thực sự có kết quả tới đâu? Tôi xin phân tích đôi chút:
1 – Người lớn khiến trẻ đau khổ, sợ hãi tột bậc, và trẻ không có cách nào để chạy thoát hay cách ly mình khỏi tình huống và người lớn đó, trẻ chỉ còn duy nhất một cách để giải thoát bản thân: khuất phục về hành vi, tức là nếu ban đầu trẻ còn chống đối thì nay trẻ sẽ làm theo một cách ngoan ngoãn bất kể yêu cầu của người lớn là gì.
2 – Đứa trẻ chỉ thay đổi về hành vi thôi và sẽ ngay lập tực – vì nó quá sợ. Nhưng hành vi ấy không hề đi kèm với nhận thức. Vì đứa trẻ đâu đã hiểu ra tại sao nó cần phải làm một điều gì đó mà người lớn yêu cầu. Khi hành vi thay đổi ngay lập tức, chỉ có hai nguyên do: hình phạt quá nặng hoặc phần thưởng quá hấp dẫn. Đó là thay đổi mang tính bề mặt, tức là nếu không có ai phạt nữa hay không có phần thưởng, hành vi đó sẽ biến mất, và hành vi cũ lại xuất hiện.
3 – Một người đặt nặng chuyện trẻ phải nghe lời và đã sử dụng đến bạo lực, thì có khả năng sẽ rất bị hấp dẫn bởi bạo lực: Nếu không có ai dọa nữa, hành vi không mong muốn lại xuất hiện; người lớn không thể chấp nhận được sự bất tuân (hay thực chất là hành vi người lớn không mong muốn ở đứa trẻ), người phạt lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ để phạt đúng lúc.
Chính vì người ta chỉ đề cao chuyện nghe lời và cho rằng hành vi của trẻ cứ giống với mong đợi của người ta – dù bằng bất kỳ cách nào cũng phải làm được – là đủ để cho thấy người ta biết giáo dục trẻ và trẻ đã học được tốt, nên người ta mới không thể hiểu được hậu quả của bạo lực.
HẬU QUẢ CỦA BẠO LỰC
Khi người lớn dạy trẻ bằng cách đánh trẻ hay gây tổn thương tâm lý cho trẻ, vô vàn hậu quả không mong muốn xảy ra:
1 – Người lớn đang gửi thông điệp: "Làm tổn thương người khác là cách tốt để giải quyết mâu thuẫn." Trẻ thì học chủ yếu qua quan sát, bắt chước, và ngấm rất nhiều thông điệp qua cách người lớn đối xử với trẻ. Do đó, những trẻ là nạn nhân của bạo lực có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với những trẻ khác, đặc biệt là trẻ nhỏ hơn, và cũng thể hiện lại bài học đó khi chơi tưởng tượng với gấu bông và búp bê. Những trẻ này có xu hướng hung hãn hơn hẳn so với những trẻ khác. (Tuy vậy, cần lưu ý rằng hành vi đánh của trẻ cũng có thể chỉ đơn thuần là đặc điểm phát triển tự nhiên.)
2 – Trẻ luôn sợ hãi người trừng phạt mình. Nếu không cách ly được về thể chất do phải sống cùng nhà, trẻ sẽ không dám thể hiện bản thân một cách chân thật, và sẽ chọn cách ly người đó về mặt cảm xúc. Bạo lực phá vỡ kết nối giữa người lớn và trẻ. Mối quan hệ giữa trẻ và người lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng không khó để thấy rằng những người tiếp tục sử dụng bạo lực với trẻ thường không thấy được tác động của bạo lực tới cảm xúc của trẻ và mối quan hệ với trẻ vì: 1) họ không quan tâm tới xây dựng mối quan hệ đích thực với trẻ trong đó sự tin tưởng, thấu hiểu, chia sẻ là nển tảng, và 2) họ không quan tâm tới cảm xúc và tinh thần của trẻ.
3 – Trẻ bị đè nén về cảm xúc. Những cảm xúc tiêu cực xảy ra trong quá trình trẻ bị phạt sẽ dần dồn nén lại, dẫn tới nhiều căng thẳng và bức bối về tâm lý. Đánh trẻ khác cũng là một cách giải tỏa stress dồn nén do bị đánh.
4 – Sự tin tưởng, thấu hiểu, chia sẻ và chấp nhận, nền tảng của mọi mối quan hệ đích thực đem lại hạnh phúc và thỏa mãn cho cả hai, dần biến mất. Trẻ sẽ có xu hướng che giấu bản thân, cụ thể là nói dối.
Khi trẻ nói dối mà người lớn xử trí bằng bạo lực, thì nghịch lý là bạo lực ấy sẽ lại vô tình khuyến khích nói dối. Khi trẻ có hành vi mà người lớn không thích và xử trí bằng bạo lực, thì nghịch lý là hành vi đó lại có thể tiếp diễn ở mức độ cao hơn – như một cách để giải tỏa do đã không được làm như vậy trước mặt người lớn. Trẻ sẽ chờ tới khi người lớn không có mặt để được làm điều trẻ muốn.
Điểm mấu chốt là vì hành vi là kết quả của nhận thức; trừng phạt không giúp trẻ thay đổi nhận thức, mà nó lại dạy những bài học khác.
CHỨNG CỨ VỀ HẬU QUẢ CỦA BẠO LỰC
Nếu chừng đó chưa đủ thuyết phục bạn về hậu quả của bạo hành trẻ, thì một số thông tin từ các nghiên cứu có thể giúp ích hơn. Các hậu quả lâu dài của việc liên tục sử dụng bạo lực với trẻ (kéo dài từ thời điểm bắt đầu cho tới tuổi vị thành niên và độ tuổi trưởng thành) bao gồm:
- Phát triển não không bình thường.
- Phát triển ngôn ngữ kém.
- Nhận thức kém phát triển.
- Kỹ năng cảm xúc-xã hội kém phát triển; có vấn đề trong kiểm soát và thể hiện cảm xúc và hành vi; có các hành vi bất thường, thao túng người khác về tâm lý để được chú ý; sợ hãi khi có cơ hội kết nối với người khác.
- Với trẻ sơ sinh và trẻ bé, bạo hành thể chất có thể dẫn tới chấn thương não.
- Nguy cơ cao hơn mắc các bệnh mãn tính liên quan tới tim, phổi, gan, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, cholesterol cao.
- Rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tự tử.
- Hút thuốc, nghiện rượu và ma túy; dễ có các hành vi tình dục không an toàn và khả năng phạm tội cao.
- Kết quả học hành ở trường kém.
- Lòng tự trọng thấp.
- Khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ nam-nữ lành mạnh.
Nguồn tham khảo mang tính đại diện: (Các thông tin này bằng tiếng Anh có rất, rất nhiều, và các thông tin có tính nhất quán rất cao.)
- -
Theo quan sát và trải nghiệm của tôi, trẻ em càng được kết nối với cha mẹ và càng được thấu hiểu thì càng có mong muốn được hiểu cha mẹ và nghe lời cha mẹ mà không cần cha mẹ phải bắt ép, dọa nạt hay dùng tới bất kỳ hình thức bạo lực nào.
Bạo lực đơn giản là do người lớn thất bại trong việc hiểu trẻ em trong đó có các phát triển ở trẻ, nhu cầu và phát triển cảm xúc, và các phản ứng tâm lý nói chung. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn đề cao chuyện trẻ em phải nghe lời mà không tự đánh giá lại xem yêu cầu của chúng ta có hợp lý với trẻ hay không. Trẻ em không nghe lời rất có thể là vì chúng ta có yêu cầu vô lý, vì chúng không hiểu được yêu cầu của chúng ta, hay đơn giản hơn là vì chúng là những cá thể riêng biệt có những mong muốn, cảm xúc, suy nghĩ, tính cách và nhu cầu khác với mong muốn của chúng ta.
Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng ép buộc trẻ thực hiện hành vi nào đó bằng nỗi sợ là cách dạy hiệu quả. Nếu hiệu quả thì đó chỉ là những thay đổi hời hợt sẽ bốc hơi nhanh chóng và nhường chỗ cho những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài không gì có thể sửa chữa được.
Trích đoạn thêm lần nữa:
"Khả năng nuôi dạy con gắn liền với khả năng tự học hỏi của mỗi cha mẹ để tự phát triển bản thân. Một số cha mẹ trẻ khi chưa học xong bài học làm cha làm mẹ thì đã vội gửi con cho ai đó để họ được đi làm. Họ bảo rằng trẻ con phải được đi học sớm vậy thì mới học được nhiều. Họ bảo họ phải đi làm để có tiền mai này cho con đi học. Nhưng họ đâu có biết rằng trẻ con có nền tảng cho phát triển là sự yêu thương của cha mẹ và thời gian hạnh phúc ở bên cha mẹ. Họ đâu biết rằng mối quan hệ với con cái phải được xây dựng như xây một ngôi nhà. Nếu mối quan hệ không được xây dựng, thì càng về sau này khi con cái lớn hơn, các cha mẹ sẽ ngày càng bối rối về các biểu hiện ở con và không biết làm sao để giúp con nữa. Bạn cứ hình dung xem: một cặp vợ chồng trẻ gửi con đi trẻ khi con mới 1 tuổi. Nếu cặp vợ chồng này hàng ngày vẫn dành thời gian cho con sau khi đã đón con về, biết chơi đùa với con và săn sóc con với tình yêu thương, thì cặp vợ chồng ấy sẽ theo kịp được sự phát triển của con. Nhưng nếu cặp vợ chồng mải miết kiếm tiền, về nhà không còn dành thời gian cho con, chỉ chăm sóc con ở mức tối thiểu, không chơi đùa cùng con, thì chỉ sau một thời gian, họ sẽ không còn hiểu con nữa. Bỏ bẵng vài ngày có thể thành một tuần, rồi thành tháng, thành năm.
Nhìn ở ngoài, chúng ta chỉ để ý tới phát triển thể chất, nhưng phát triển cảm xúc và tinh thần cũng cực kỳ quan trọng. Thay vì chỉ chú ý tới cân nặng của đứa trẻ, ta hãy chú ý tới thứ nó ăn, cách nó ăn, và cảm xúc khi ăn. Thay vì chỉ chú ý tới phát triển thể chất, ta hãy chú ý cả tới cảm xúc của con, tới trạng thái tinh thần của con. Mà ta rất khó làm được như thế nếu ta chưa hiểu cảm xúc của chính mình và đời sống tinh thần của chính mình. Nếu ta chưa có thức ăn tốt cho tinh thần, thì ta khó có thể giúp con phát triển đời sống tinh thần. Ta không thể trao cho con cái mà ta không có. Ta không thể dạy con cái mà ta không biết. Cái có của ta sẽ dễ thành cái có của con. Cái không có của ta cũng sẽ dễ thành cái không có của con. Nếu còn bối rối và đắn đo, ta đừng vội can thiệp nhiều vào đời sống tinh thần của trẻ. Lui lại quan sát và học hỏi đã."
------------------
"tác giả là một sinh vật lạ kỳ có thể chuyển hoá caffeine thành sách."
*
ngày bé mình luôn có một nỗi hổ thẹn không nhỏ cho lắm rằng tại sao bố mẹ mình mê sách, viết lách và văn thơ lai láng mà mình lại không được một phần như thế.
*
thực ra chẳng dám tự nhận mình là tác giả, mà đúng hơn như cái từ tiếng Anh thì mình chỉ là người viết. người viết cảm thấy bị thôi thúc phải viết, không viết không chịu được, và cứ đặt tay vào bàn phím là tay phải gõ. có những lúc nhận được tín hiệu thôi thúc từ trong ruột gan, và thế là phải lao vào để viết, viết quên hết tất cả. những ngón tay trở thành công cụ quan trọng để diễn đạt và sắp xếp suy nghĩ và ý tưởng. những ngón tay giúp cụ thể hoá và định hình suy nghĩ. tưởng tượng nếu những ngón tay không gõ mà lại phải cầm bút viết, rất có thể các ý tưởng sẽ không được thể hiện theo cách được gõ ra.
ý tưởng này dẫn tới ý tưởng khác. quá trình viết vừa là để thể hiện ý tưởng, vừa là khám phá ý tưởng. cả hai hoà quyện vào nhau, và sự khám phá ý tưởng thúc đẩy người viết phải học hỏi qua chính những ý tưởng xuất hiện ngẫu nhiên. lắm lúc người viết sẽ phải ngạc nhiên: chà, không ngờ mình có thể viết ra cái đó? bấy lâu nay mình có niềm tin như thế mà mình không biết. như thể là tìm thấy những người bạn quen thuộc ở trong một xó xỉnh nào đó, những người bạn chưa từng xuất đầu lộ diện nhưng ta có thể thường xuyên nghe thấy tiếng cười, tiếng ho, tiếng hắt xì hay những cử động của họ phát ra từ đâu đó.
người ta chẳng thể đào tạo ra một tác giả, cũng như người ta chẳng thể đào tạo ra một nghệ sỹ nhiếp ảnh. người ta có thể dạy các kỹ thuật viết, các mẹo viết, cách thức sắp xếp ý tưởng,... nhưng tin tôi đi, các kỹ thuật chỉ cho người ta ảo tưởng rằng người ta đã biết cách làm việc gì đó. cũng giống như bạn có thể nấu ăn theo đúng công thức, mà món ăn của bạn vẫn chẳng ra cái gì cả, hay như ai đó có thể ngân nga, hát vibrato mà vẫn dở ẹc.
-------------
đến bao giờ trẻ con mới được làm trẻ con?
đến bao giờ người lớn mới thôi ra vẻ người lớn?
quan sát nhiều người lớn tương tác với trẻ con, tôi nhận thấy một điều đơn giản: người lớn nào bị tổn thương, đau khổ, tự ti về giá trị của mình thì có xu hướng lấy trẻ ra làm chỗ xả tổn thương và đau khổ. người ta liên tục phải lên mặt dạy trẻ con không phải vì người ta quan tâm và yêu thương trẻ con, mà chủ yếu vì người ta thấy đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối, bất lực trước người ta, nên người ta dùng trẻ làm công cụ để cảm thấy mình to lớn và khôn ngoan.
những người lớn có tâm lý lành mạnh không bao giờ làm việc đó.
những người có tâm lý lành mạnh KHÔNG:
- so sánh trẻ với nhau.
- khích đểu trẻ, công kích trẻ bằng những lời lẽ như "đấy, phải bằng được đứa kia kìa, thế là kém rồi."
- phủ nhận trẻ, vd: "thế là không giỏi. con sai rồi."
- sử dụng các mẹo tâm lý khéo léo để buộc trẻ nghe lời mình, vd: "à, con làm cái này thì con mới giỏi hơn em này. bây giờ con làm đi."
- phán xét trẻ.
thay vào đó, họ biết:
- chấp nhận sự khác biệt ở từng trẻ.
- tôn trọng trẻ mọi lúc mọi nơi.
- chấp nhận trẻ, ngay cả khi trẻ làm trái ý họ.
- luôn luôn rõ ràng với trẻ trong cách sử dụng ngôn từ để giúp trẻ hiểu rõ ý định của họ, nói là làm, nói một là một, hai là hai.
bạn là kiểu người lớn nào?
giá mà đa số chúng ta có thể hiểu giáo dục truyền thống (cách thức được áp dụng tại đa số trường học cả công cả tư cả quốc tế cả gia sư cả tại nhà với cha mẹ) cản trở trẻ phát triển, làm thui chột tiềm năng và làm tổn thương đứa trẻ tới mức nào.
tôi rất mệt mỏi với bài ca "trẻ em phải bị trù dập, tổn thương, đánh mắng, chịu căng thẳng, bị phạt, không được chơi, biết nghe lời, vâng vâng dạ dạ... thì mới trưởng thành và cứng cáp để sau này ra ngoài xã hội mới sống được." các vị có kiểu lý luận như vậy nhìn cuộc sống như một nơi phải có bon chen, chà đạp, cạnh tranh khốc liệt thì mới ra cuộc sống. thực ra là rất đáng thương cho các vị, những con người vùi mình trong lo lắng và cạnh tranh tới nỗi không thể thưởng thức sự yên bình.
giáo dục mà không yên bình là giáo dục vứt đi.
BÀN VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Trong xã hội hiện đại ngày nay, càng ngày càng có nhiều phương pháp giáo dục, bao gồm cả những thứ đơn thuần được gắn mác phương pháp hoặc mượn một nhãn mác nào đó có vẻ đã được khẳng định ở nước ngoài. Xã hội có vẻ phát triển hơn, song có một nghịch lý là trong một xã hội càng ngày càng có vẻ phát triển như thế, chúng ta càng cảm thấy bất an và hoang mang hơn bao giờ hết.
Người ta tranh luận với nhau: Phương pháp nào hay? Phương pháp nào đúng? Người ta lao đầu đi tìm một phương pháp "chuẩn" với hi vọng có thể đem về áp dụng với con và rồi sẽ có kết quả ngay lập tức. Thậm chí lắm khi người ta cũng không tự áp dụng với con để kiểm tra mức độ thích hợp của phương pháp, mà chỉ chăm chăm đi tìm một ngôi trường với phương pháp "chuẩn" và yên tâm rằng con sẽ nhận được sự giáo dục tốt ở đó mà không cần tới sự tham gia tích cực của chính mình. Không ít trường hợp trong đó đứa trẻ phản kháng, khóc lóc, căng thẳng, nhưng cha mẹ vẫn khẳng định: "Đấy là phương pháp chuẩn. Chẳng hiểu sao nó không chịu học."
Trong khi đó, rất nhiều người trong chúng ta không hiểu mình đang theo đuổi cái gì, và thiếu khả năng thu thập, kiểm chứng và đánh giá thông tin.
Nếu như việc đi mua giày có thể đã không đơn giản (ta cần phải tìm kiểu dáng, chất liệu, kích cỡ phù hợp, sau đó lại phải đi thử), thì việc chọn phương pháp giáo dục cho con phải khó khăn và thách thức hơn rất nhiều. Mục đích của việc đi mua giày không phải là tìm đôi giày đẹp nhất cho mọi đôi chân, để khiến đôi chân của mình đẹp hơn những đôi chân khác, hay tìm kiếm đôi giày chuẩn". Mục đích của việc mua giày là tìm được đôi giày thích hợp nhất với từng cá nhân. Phương pháp giáo dục cũng vậy: Nó chỉ là công cụ để đạt được các mục đích khác, chứ bản thân nó không phải mục đích.
Hãy cùng xem xét một số vấn đề xoay quanh phương pháp giáo dục.
1. NIỀM TIN CŨ KỸ VỀ GIÁO DỤC
Xã hội mặc định rằng trẻ con cần phải đi học. Và ngày nay, người ta mặc định rằng nếu học quan trọng, thì học sớm và nhiều chắc chắn là tốt hơn. Chính vì vậy, bạn sẽ thấy trẻ con càng ngày càng phải đi học sớm, thời gian chơi ngày càng bị giảm, và nội dung học ngày càng bị đẩy nhanh lên. Người ta mặc định rằng học là tốt cho trẻ con, nhưng phần lớn không hiểu bản chất của quá trình học ở trẻ, nên cứ khăng khăng học là phải được người lớn hướng dẫn trực tiếp, nhắc lại được cái người lớn đã nói, ngồi im, lắng nghe, làm theo yêu cầu của người lớn. (Tôi đã viết nhiều về học-chơi ở trẻ, nên xin phép không giải thích lại ở đây.)
Chính vì niềm tin cũ kỹ đó mà người ta phán xét các biểu hiện tự nhiên và lành mạnh ở trẻ như vận động, tự chọn lựa cái chúng thích, và tự quyết định xem nên dành bao nhiêu thời gian cho lựa chọn đó. Khi trẻ tỏ thái độ không thích cách tiếp cận của chúng ta, không ít người cho rằng như vậy tức là trẻ có vấn đề, mà không hiểu rằng như vậy có nghĩa là cách tiếp cận có vấn đề.
2. CUỘC CHẠY ĐUA MANG TÊN GIÁO DỤC
Phần lớn các gia đình chọn cho con học một thứ gì đó theo cách nào đó bởi vì một lý do: để con trở nên thông minh, và để sau này sẽ có tương lai tốt đẹp. "Thông minh" được định nghĩa là phát triển nhanh hơn những đứa trẻ khác. Giáo dục trở thành một cuộc chạy đua: Ai đầu tư nhiều tiền hơn? Ai chọn phương pháp mới mẻ hơn? Con ai biết tiếng Anh trước hay làm toán trước? Con ai biết đọc trước? Con ai tự lập nhanh hơn? Nó cũng giống như việc con ai cao hơn, xinh hơn, nặng cân hơn.
Mục đích của giáo dục đã trở thành việc phấn đấu để hơn những gia đình khác. Và đó là một điều hết sức nực cười. Chính vì như thế nên các quảng cáo về các phương pháp giáo dục ở đây "câu" phụ huynh hết sức dễ dàng. Các tít như "đừng bỏ lỡ giai đoạn vàng", "bạn sẽ hối hận", "90% phụ huynh không biết phương pháp đã được hàng triệu cha mẹ trên thế giới áp dụng",... đều đánh vào tâm lý "giáo dục là cuộc chạy đua".
Trong khi cố gắng giáo dục con cái, chúng ta dạy con hiệu quả nhất qua chính hành vi và thái độ của mình. Câu nói ra rả vào tai trẻ "Học đi, học tốt cho con" chẳng có ý nghĩa gì. Chúng chỉ nhận được thông điệp "giáo dục là cuộc chạy đua. Hãy chạy nhanh nữa lên nếu muốn làm hài lòng cha mẹ." Học trở thành nghĩa vụ, thành cách để không bị cha mẹ mắng mỏ, thành việc phải hoàn thành để có thể được chơi.
3. ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG PHÁP
Chúng ta thường khá vội vàng tin tưởng những thứ được gọi là phương pháp. Để đánh giá được phương pháp, chúng ta cần phải ít nhất đánh giá được: 1 – Niềm tin và định nghĩa của nó về giáo dục: Giáo dục là gì? Mục tiêu cao nhất là gì? 2 – Thái độ của nó đối với trẻ em: Vị trí của trẻ em ở đâu so với người lớn? Quyền của trẻ em là gì? Trách nhiệm của người lớn ở đâu? 3 – Cách tiếp cận: Trẻ em học theo cách ra sao?
Phương pháp nào càng đề cao vai trò của người lớn mà không cân nhắc cảm nhận và phản ứng của trẻ, cũng như đề cao tính phục tùng, vâng lời, thụ động ở trẻ, thì nó càng cũ kỹ và phản giáo dục. Phương pháp nào đặt người dạy ở trung tâm luôn dễ dàng và tiện lợi nhất cho người dạy, đồng thời cũng cản trở trẻ phát triển nhiều nhất. Ngược lại, phương pháp nào càng cho phép trẻ nhiều tự do và đòi hỏi người lớn phải liên tục điều chỉnh lại cách tiếp cận là phương pháp hợp lý.
4. LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP
Muốn lựa chọn phương pháp, cha mẹ cần hiểu mình muốn gì và cần hiểu con mình là ai. Phương pháp là cái phải cân bằng được cái cha mẹ muốn cho con và nhu cầu, mong muốn, sở thích, tính cách, xu hướng phát triển tự nhiên ở đứa trẻ.
Nếu mong muốn của cha mẹ chỉ đơn giản là có đứa trẻ giỏi nhất, phát triển nhanh nhất, thì chỉ riêng mong muốn ấy đã tạo ra một mâu thuẫn không bao giờ có thể giải quyết. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, phát triển theo cách duy nhất ở tốc độ duy nhất. Nếu cha mẹ cứ nhìn quanh để tìm cái "chuẩn" ở đâu đó bên ngoài, thì đương nhiên cha mẹ hoang mang. Cái "chuẩn" chính là đứa trẻ mà mình có chứ ở đâu nữa.
Trong khi giày dép có thể được thay đổi nhanh chóng theo mốt, phương pháp giáo dục không thể cũng thay đổi như thế được. Nhưng đây chính xác là những gì đang xảy ra hiện nay. Mà mốt là gì? Mốt là xu hướng chủ động được đưa ra bởi các nhà kinh doanh thời trang để kiếm lời lãi; họ thuyết phục chúng ta rằng sản phẩm của họ sẽ làm ta đặc biệt hơn và có cảm giác mới mẻ về chính bản thân. Hãy tưởng tượng xem họ sẽ kiếm tiền ra sao nếu không có sự hấp dẫn nhất thời của sự thay đổi liên tục đến chóng mặt. Bởi vậy, nếu bản thân cha mẹ không có định hướng cho chính mình, thì bất cứ thứ "mốt" giáo dục gì cũng có thể nhanh chóng được mua về. Điều đáng sợ là những thứ "mốt" ấy không phải để khoác lên người cha mẹ, mà sẽ bị áp đặt lên đứa trẻ.
- - -
Phương pháp nào là đúng là do đứa trẻ quyết định. Đứa trẻ sẽ không nói "bố mẹ ơi, phương pháp này đúng", mà nó sẽ vui vẻ, thoải mái về tâm lý, hợp tác với cha mẹ/người dạy một cách tự nguyện, và thích học.
Mỗi đứa trẻ một khác, bởi vậy sẽ chẳng có công thức mì ăn liền nào có thể được áp dụng theo cùng cách y xì cho hàng triệu, hàng tỉ đứa trẻ. Cách thức giáo dục đúng đắn nhất đòi hỏi cha mẹ/người dạy phải thử và mắc lỗi nhiều lần trong suốt quá trình dạy để tìm ra. Và quan trọng nhất, cách thức ấy phải là một phần quan trọng của quá trình kết nối và xây dựng mối quan hệ với đứa trẻ trong đó tình yêu thương đóng vai trò chủ chốt.
------------------
Sẽ luôn có lúc người ta cho rằng bạn là kẻ xấu, muốn hãm hại người ta, muốn lợi dụng người ta – và người ta nhầm.
Sẽ có cả những lúc bạn cho rằng người ta là kẻ xấu, muốn hãm hại bạn, muốn lợi dụng bạn – và bạn nhầm.
Lắm khi chúng ta không nhận ra rằng chính khi chúng ta nghi ngờ người khác xấu, thì chính là lúc chúng ta phóng chiếu sự sợ hãi của chúng ta lên người khác, và người khác trở nên khó tin bởi vì chúng ta là những kẻ không biết tin tưởng.
Những người biết tin tưởng mới là người có tâm lý lành mạnh.
Còn kẻ lúc nào cũng nghi ngờ người khác lợi dụng mình chủ yếu là kẻ đã không thể vượt qua trải nghiệm đau buồn trong quá khứ.
Người biết tin thì mới có thể yêu.
Kẻ không biết tin thì cũng chẳng thể yêu được.
Cái gì cũng có giá của nó.
Người có tâm lý lành mạnh là người tin vào các khả năng khác nhau và không bị quá khứ ám ảnh để rồi dùng quá khứ để suy diễn về hiện tại và tương lai.
Kẻ bệnh hoạn về tâm lý thì chụp mũ tất cả, tin tưởng rằng chỉ có mình tốt, và tất cả đều xấu hoặc không tốt đẹp bằng mình.
--------------------
VỀ CHUYỆN TỰ LẬP CỦA TRẺ
Xã hội Việt Nam là một trong những xã hội bị ám ảnh về chuyện tự lập ở trẻ. Người ta bị ám ảnh tới mức đánh giá, phán xét một đứa trẻ là kém cỏi khi nó chạy tới bên mẹ - trong khi nó mới chỉ 1 tuổi hoặc 2 tuổi. Có những người bị ám ảnh tới mức không dám bế chính đứa con của mình nhiều, không dám ru ngủ chính đứa con của mình vì sợ nếu nó được bế, được ôm ấp, được ru ngủ, thì sau này nó sẽ không thể tự lập được.
Và nghịch lý là gì, chắc hẳn các bạn đều thấy: xã hội Việt Nam hoặc các xã hội kiểu châu Á tương tự lại sản sinh ra những đứa trẻ rất chậm trưởng thành và kém tự lập so với trẻ ở phương Tây. Nỗi sợ trẻ sẽ nhút nhát và sự cố gắng thúc ép trẻ bạo dạn, tự tin, tự lập hơn nữa đã phản tác dụng: đứa trẻ càng trở nên nhút nhát, sợ hãi và dựa dẫm hơn nữa.
Trong khi ấy, thưa các phụ huynh, ở phương Tây các cha mẹ làm gì? Họ được khuyến khích ôm ấp con, thể hiện tình cảm với con thật nhiều, trấn an con khi con sợ, cho phép con tìm được sự an toàn ở cha mẹ khi con lo lắng ở nơi lạ.
Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ nhỏ bé, và xung quanh bạn là thế giới lạ lẫm, to lớn mà bạn chưa thể hiểu hiết. Khi gặp tình huống lạ, liệu bạn có lo sợ không? Bạn sẽ tìm đến ai? Đương nhiên là bạn sẽ tìm đến mẹ của bạn. Khi bạn tìm đến mẹ của bạn, bạn mong bà ấy sẽ có phản ứng như thế nào? Một thái độ quan tâm, trấn an, vỗ về, và cho phép bạn có cảm giác an toàn bên cạnh bà cho tới khi bạn cảm thấy thoải mái hơn để làm quen với môi trường mới? Hay một thái độ dọa dẫm, dè bỉu, phủ nhận?
Liệu bạn muốn được cảm nhận tình yêu thương của mẹ? Hay bạn cho rằng mặc kệ cho bạn khóc ra sao, bà ấy cũng nên kệ cho bạn tự nín bởi vì điều đó cần thiết cho sự trưởng thành và tự lập của bạn?
Trẻ nhỏ cần tới cha mẹ và chúng cần cảm nhận tình yêu thương và sự chấp nhận từ cha mẹ. Sự tự lập là hệ quả của việc được yêu thương và chấp nhận đủ đi kèm với những nguyên tắc nhất định (ví dụ như khuyến khích, tạo điều kiện cho con tự làm thứ con muốn và sẵn sàng, tỉnh táo phân biệt được rõ ràng khi nào con cần được giúp và khi nào con có thể tự giúp mình). Trẻ nhỏ có nhu cầu cảm thấy an toàn. Phản ứng chạy tới mẹ hay dè chừng là phản ứng lành mạnh của một đứa trẻ tin tưởng ở cảm nhận của nó. Khi một đứa trẻ không chạy tới ai nữa khi nó sợ và tìm cách che giấu nỗi sợ, thì khi ấy mới là tín hiệu mang tính cảnh báo: đứa trẻ không còn tin ở chính cảm nhận của nó, và không còn tin ở ai đủ để chạy tới bên người đó nữa.
Khi trẻ cảm thấy an toàn, yêu thương, chúng tự nhiên cảm thấy trọn vẹn, đầy đủ. Khi chúng cảm thấy trọn vẹn, đầy đủ, chúng không có nhu cầu phải tìm kiếm sự yêu thương và chấp nhận nữa. Từ đó, chúng cảm thấy tự tin để tương tác với thế giới. Nếu gia đình yêu thương trẻ thực sự, thì trẻ sẽ nhìn nhận thế giới là một nơi đáng để tin tưởng và chúng cảm thấy yên tâm về thế giới. Nếu gia đình phủ nhận và liên tục làm tổn thương trẻ, thì trẻ cũng sẽ đem theo thế giới quan đã được gia đình tạo dựng, và cảm thấy bất an, khó tin tưởng thế giới và khó có mối quan hệ hạnh phúc, vững bền với những cá nhân khác bên ngoài gia đình.
Mỗi trẻ một khác. Nhưng tất cả đều sợ một cái gì đó, tùy giai đoạn. Tới người lớn cũng vậy. Trẻ nhỏ hay người lớn đều ngại tình huống mới. Có trẻ sợ tiếng ồn, sợ con gì đó, sợ một số người nhất định,.. Còn người lớn thì sợ không kiếm được đủ tiền, sợ không được chấp nhận, sợ chết, sợ những hình dung của mình về tương lai,... Đến lớn, tôi vẫn sợ nhện và gián – nỗi sợ khá phổ biến và mang tính di truyền có lẽ từ thời xa xưa. Chồng tôi thì sợ chuột. Điều đó có làm chúng tôi trở nên kém cỏi, hay làm giảm giá trị con người của chúng tôi? Tôi không nghĩ vậy. Đó chỉ là những nỗi sợ cụ thể. Còn những nỗi sợ vô hình mà chính chúng ta nhiều khi không thể diễn tả hết được, và lắm người chúng ta còn giả vờ như nỗi sợ ấy không có ở đấy.
Nỗi sợ là điều bình thường. Điều quan trọng là chúng ta dạy trẻ thái độ của chúng ta đối với nỗi sợ: Chúng ta phủ nhận và trốn chạy nỗi sợ, hay dám đối diện nỗi sợ? Chúng ta phán xét bản thân vì nỗi sợ, hay dám dũng cảm chấp nhận và yêu thương bản thân cho dù mình có nỗi sợ đó? Chúng ta có lắng nghe cảm nhận lo sợ và tin ở nó trong những tình huống có nguy hiểm ngay trước mắt, hay cho rằng đó là những cảm giác không đáng tin? Chúng ta có dám chia sẻ cảm giác bất an của mình với người thân thiết, hay che giấu để gìn giữ chính hình ảnh của mình? Chúng ta có cho phép nhau được bất an và lo lắng, hay chúng ta phủ nhận nhau khi chúng ta ở trong trạng thái đó?
Tình yêu thương thể hiện rất nhiều qua cách chúng ta đối xử với nhau khi chúng ta ở trong trạng thái bất an và lo lắng. Nếu bạn nhìn quanh, bạn sẽ thấy: chúng ta thường xuyên phủ nhận nỗi đau và nỗi sợ của cả chính mình lẫn những người xung quanh. Khi người xung quanh nói "Tôi đau quá", chúng ta thường có phản ứng "Ôi giời, chuyện bình thường, thôi đi, đừng có vớ vẩn." Chúng ta làm thế cả với trẻ và cả với người lớn. Chừng nào chưa biết yêu thương, thì chừng ấy nỗi sợ sẽ vẫn còn. Chúng ta chưa hiểu rằng chúng ta chỉ cần thể hiện rằng "Này, tôi ở đây vì bạn. Tôi biết bạn cần tôi và tin tưởng ở tôi. Bạn xứng đáng được yêu thương, và tôi xứng đáng với niềm tin của bạn."
Hãy tự hỏi xem chúng ta đã làm được điều ấy với trẻ và với nhau chưa?
Không bao giờ nhầm lẫn biểu hiện có vẻ tự tin, tự lập bên ngoài với sự trưởng thành đích thực. Một con người có vẻ ngoài cứng cáp rất có thể là một con người bất an và bị tổn thương. Càng bất an và càng bị tổn thương, người ta lại càng phải cố gắng trông cho cứng rắn - đó như tấm chắn mang tính bảo vệ, không có gì hơn cả.
----------------
Tôi hiểu ra là chúng ta không thể nào ngừng là cái mà chúng ta sinh ra để là.
Điều đó không có nghĩa là số phận quyết định tất cả, và chúng ta chỉ việc ngồi há miệng chờ sung, hoặc bỏ cuộc ngay từ đầu với lý do rằng tất cả đã được sắp đặt đâu vào đó. Đây là điểm mà nhiều người không hiểu.
Người ta tranh cãi: phải là ý chí tự do hoặc sắp đặt, có hay không có, ý nghĩa hay vô nghĩa, kế hoạch hay ngẫu nhiên? Cũng giống như cách mà người ta tranh cãi xem phải là cái này, không là cái kia.
Một trò chơi của tâm trí – không hơn.
Theo cách hiểu đó, thì chúng ta phải chọn hoặc là sống hoặc là chết. Nhưng chúng ta vẫn làm cả hai đấy thôi: sinh ra trên đời, rồi một ngày không sớm thì muộn cũng phải nhắm mắt xuôi tay.
Như thế có nghĩa là cuộc đời vô nghĩa sao?
Không hề.
Cuộc đời vừa là sắp đặt vừa là ý chí tự do. Cả hai hòa quyện vào nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Ý chí không phải là dùng lý trí để gượng ép bản thân đưa ra những lựa chọn trái với tình cảm, để phấn đấu trở nên tài giỏi hay để có cái gì – như chúng ta vẫn được dạy, và như người ta vẫn hiểu sai (và do đó làm sai để rồi cảm thấy cuộc đời đầy khổ cực). Điểm khó hiểu là: ý chí là sự buông bỏ cái tôi của mình để hòa theo dòng chảy của tự nhiên, trong đó đã bao gồm cái đã được sắp đặt. Ở trong cái buông bỏ đó, người ta có thể thay đổi hướng đi của chính mình.
Khi nào người ta đã gục ngã vài lần, cảm thấy như mình rơi tự do xuống một cái hố đen sâu hoắm không có đáy, người ta có hai kiểu phản ứng điển hình: một là trầm trọng hóa nỗi đau của mình, tưởng như chỉ có mình là sinh vật đau khổ tột cùng trên đời này và cả thế giới quay lưng với mình; và hai là hiểu ra rằng ai cũng có lúc đau như thế và rồi đứng dậy đi tiếp.
Theo kiểu phản ứng thứ nhất, nỗi đau hóa thành thù hận, và nhìn đâu người ta cũng thấy thế giới tối tăm. Nỗi đau biến thành ngục tù giam hãm người ta. Người ta đem nỗi đau của mình phóng chiếu lên thế giới và kẻ khác. Người ta có xu hướng biến nỗi đau thành vũ khí để vừa cô lập chính mình, vừa làm tổn thương lại người khác – như một kiểu trả đũa, cho dù không nhắm được tới kẻ đã gây đau đớn cho bản thân.
Theo kiểu còn lại, nỗi đau chuyển hóa thành niềm vui và sức mạnh. Nỗi đau giải phóng người ta. Người ta đem niềm vui và sức mạnh để thay đổi bản thân và thế giới. Cho dù người ta chẳng phải kể xem mình đã đạt chiến tích gì, mỗi một tương tác với thế giới – dù cho nhỏ tới đâu – đều có thể để lại thay đổi tích cực như dấu vân tay để lại trên mỗi vật mà người ta chạm vào.
Nỗi đau là công cụ. Nỗi đau càng lớn thì càng dễ có sức chuyển hóa mạnh, nhưng cũng càng mang tính rủi ro cao.
Cú ngã là cần thiết với đứa trẻ đang tập đi. Đứa trẻ không vì ngã mà bỏ tập đi hay thù hận mặt đất hay sàn nhà. Với người lớn, cú ngã là cần thiết. Càng không dám ngã, càng lủi thủi trong cái xó an toàn thì người ta càng chậm phát triển.
Thành công không phải là số tiền người ta làm ra, mà là thái độ của người ta với cuộc sống khi người ta ngã. Tôi biết, chúng ta đã nghe điều nay quá nhàm tai: đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng, đừng gục ngã,... Kỳ thực đó đều là các bài học mà nếu chưa có trải nghiệm đủ thì chẳng ai để tâm. Ai cũng có thể nói làu làu.
Để đánh giá thái độ của một người với cuộc sống không khó. Bạn chỉ cần dành 10 phút nói chuyện với họ, và xem họ nói chuyện về điều gì, nhìn vào mắt họ để thấy đôi mắt ánh lên điều gì. Bạn sẽ thấy phần lớn mọi người phàn nàn về những điều tồi tệ đã xảy ra với họ - vừa mở miệng là đã kể chuyện gì tồi tệ đã xảy ra ngày hôm qua, phán xét người khác, lo lắng về chuyện này chuyện kia, đau khổ về những gì đã xảy ra,... Bạn sẽ thấy ánh mắt chán chường, giận dữ, chẳng buồn hỏi chuyện người kia mà chỉ chăm chăm kể câu chuyện mình khổ như thế nào: đời khiến mình khổ, con cái làm mình khổ, vợ chồng, cha mẹ, họ hàng, sếp, đồng nghiệp làm mình khổ, con chó làm mình khổ, người lạ làm mình khổ.
Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể lên Facebook của một người – đánh giá cũng khá dễ. Mọi người thường viết những cái mà họ cho là quan trọng với họ lên đó, ghi những thông tin và tải lên những ảnh mà họ cho là đại diện cho họ. Đó chính là hình ảnh của họ trong mắt của họ. Và với rất nhiều người, Facebook cũng chỉ là nơi chất chứa nỗi khổ, kể lể nỗi khổ của mình (hoặc ngược lại là khoe khoang thành tích của mình, cố gắng xây dựng hình ảnh thật đẹp – một dạng tinh thần không lành mạnh ở cực còn lại nhằm che giấu sự tự ti và nỗi thống khổ của chính mình) và phán xét, trách móc người khác như một hình thức trị liệu tâm lý thiếu lành mạnh.
Đó là thất bại chứ là gì.
Thử so sánh thái độ của bạn bây giờ với bạn 5 năm trước. Bạn có thấy mình vui lên không? Hay chán đời đi?
Thành công của bạn nằm ở đó.
Chẳng có ai thành công gì – dù là kiếm được tiền, đạt được những mục tiêu nhất định trong sự nghiệp hay với gia đình và con cái, hay cảm thấy an bình và hạnh phúc – mà có thể lại than phiền về cuộc đời và kể khổ.
- - -
Quay trở lại câu mở bài của tôi (mà có vẻ không liên quan đến toàn bài), mất khá lâu để tôi hiểu rằng không có sự kiện ngẫu nhiên ở đời này, rằng cái gì ta gieo thì ta gặt. Mục đích cuộc đời có sẵn từ trước khi ta sinh ra ở đời; mục đích cụ thể rất đa dạng với từng người, nhưng tất cả đều phục vụ mục đích tiến hóa tâm linh.
Có rất nhiều con đường nhỏ; tất cả đều dẫn tới con đường chính.
Cái gì có tình yêu, có tiếng gọi thuần khiết bên trong thôi thúc phát triển, là cái cao cả dẫn tới con đường chính. Lựa chọn gì thiếu vắng yêu thương, gây ra đau khổ là đường mòn lạc lối. Chẳng tránh khỏi đi lạc; sự khác biệt là đi lạc mất bao lâu để hiểu ra mình đã lạc và cần định hướng lại.
-------
CON ĐANG HỌC THỰC SỰ HAY CON CHỈ CÓ VẺ ĐANG HỌC?
Nhiều người lớn, bao gồm cả các thầy cô giáo, không thực sự hiểu quá trình học ở trẻ diễn ra như thế nào. Bởi vậy, họ mặc định rằng: 1) Trẻ em phải ngồi im thì mới học được; 2) Trẻ em phải tập trung (tức yên lặng) trong một khoảng thời gian tương đối thì mới học được; 3) Trẻ em phải đọc sách, phải sử dụng các quyển workbook hoặc học qua sách giáo khoa/các sản phẩm giáo dục thì mới học được; 4) Trẻ em phải được rèn thì mới biết học; và 5) Trẻ em học được là do người lớn truyền đạt lại kiến thức và chúng nhắc lại được nghĩa là chúng học được.
Tất cả đều là ngộ nhận – những ngộ nhận hết sức nghiêm trọng nằm ở phần nền tảng của các niềm tin về giáo dục. Từ những ngộ nhận này mới dẫn đến những phương pháp giáo dục sai, cách tiếp cận sai, và đủ các loại thưởng/phạt cũng như các loại mẹo để dụ trẻ con học.
Tại sao xã hội lại có ngộ nhận như thế?
Những niềm tin sai như thế đã ra đời từ không biết bao giờ, được củng cố hàng ngày hàng giờ bằng cách thức giáo dục truyền thống (ở phần lớn các trường học, cũng như lớp học thêm), bằng trải nghiệm đi học của vô số người lớn khi tham gia vào hệ thống giáo dục với cách thức như thế. Và dẫu cho rất nhiều người lớn có trải nghiệm không tích cực khi đi học ngày nhỏ, khi lớn lên nó đã ăn vào tiềm thức của họ rằng giáo dục là phải như thế, không có cách nào khác.
Tôi xin phép trình bày một số sự thật ở đây, điều đã được khoa học phương Tây kiểm chứng và công nhận, cũng như được khám phá ra bởi không ít các cha mẹ và những thầy cô giáo dám đặt câu hỏi với truyền thống và những niềm tin lâu đời của xã hội:
1 – Vận động là bản năng của trẻ và là nhu cầu của cơ thể. Trong những năm đầu đời, quá trình học hỏi diễn ra chủ yếu qua vận động, qua trải nghiệm trong thế giới thực, được tương tác và khám phá qua giác quan. Vận động kích thích não phát triển, và muốn cho khả năng nhận thức phát triển thì cơ thể phải được thoải mái vận động đúng nhu cầu trước tiên.
Hãy để trẻ vận động thoải mái trong giới hạn an toàn, chỉ can thiệp khi trẻ đang vi phạm quy tắc mất an toàn, không tôn trọng người xung quanh hoặc gây hư hỏng đồ đạc.
Tôi đã bắt gặp nhiều phụ huynh lúc nào cũng chỉ thích con ngồi yên. Cho tới khi đã cho vào khu vui chơi, các cha mẹ này cũng chỉ biết thốt lên: "Ối giời ơi, nghịch như giặc." Bạn còn chờ gì chứ? Hãy tắt điện thoại, đứng lên mà chơi cùng con.
Việc này không có nghĩa là người lớn phải kích thích giác quan với đủ các loại giáo cụ hay đồ chơi giáo dục. Hãy nhìn thế giới thực, hãy xem bản thân nó đã thú vị như thế nào. Sự thiết kế cứng nhắc và những cố gắng để đa dạng hoá trải nghiệm của trẻ trong một bài học-chơi được kiểm soát chẳng thể nào bằng đời thực.
Với trẻ nhỏ, vận động nghĩa là học.
2 – Học là bản năng và là nhu cầu của trẻ. Chúng ta không thể hiểu được thế giới đẹp đẽ và khó hiểu như thế nào với trẻ nhỏ. Trong những năm đầu, những liên kết nơ-ron hình thành ở tốc độ chóng mặt. Trẻ nhỏ liên tục hiểu ra những điều mới mỗi ngày: ngôn ngữ, cảm xúc, giới hạn của bản thân, đồ vật và chức năng của đồ vật, các quy luật vật lý, mối quan hệ giữa trẻ và những người khác, mối quan hệ giữa mọi người với nhau,... Công việc hiểu thế giới không hề đơn giản. Mỗi ngày trẻ lắp được vài hoặc nhiều miếng xếp hình vào tổng thể bức tranh về thế giới của trẻ.
Chúng ta không xếp hình hộ trẻ. Chúng ta không dạy trẻ để chúng học, mà sự thật là chúng ta hỗ trợ quá trình học của trẻ bằng cách hiểu về cách thức chúng học ở từng giai đoạn phát triển và mối quan tâm của chúng (phụ thuộc vào khả năng nhận thức quy định bởi sinh học ở từng giai đoạn cũng như những khác biệt bẩm sinh của từng cá nhân).
Điều đầu tiên chúng ta có thể hỗ trợ được trẻ (và là điều thiết yếu nhất): yêu thương trẻ. Tình yêu liên quan gì tới học hành? Liên quan tới tất cả. Bộ não của đứa trẻ không cho phép đứa trẻ học khi nó đói, căng thẳng, buồn ngủ, hoặc mất an toàn về thể chất hoặc cảm xúc. Đứa trẻ cần phải tỉnh táo, khoẻ mạnh, vui vẻ, tin tưởng người lớn và môi trường xung quanh – và tada! Bạn không cần phải bắt nó học. Nó đã sẵn sàng để học và đã học từ lúc nào mà bạn không biết. Ngược lại, nếu bạn bắt trẻ học, gây căng thẳng, có dấu hiệu đe doạ dù là nhỏ nhất, thì thưa bạn, trẻ chẳng học được đâu (và rồi mới sinh ra học để đối phó – tức học để bảo vệ bản thân, chứ không học vì nhu cầu học tự nhiên.)
Nhu cầu học tự nhiên đã bị đè nén ngay khi người lớn không quan tâm tới khả năng của trẻ, cảm xúc của trẻ, cách học tự nhiên ở trẻ, cái trẻ quan tâm, mà chỉ thích chúng học theo cách người lớn thích vào lúc người lớn muốn.
3 - Học về cơ bản là sự thay đổi nhận thức. Học hỏi không nhất thiết phải là ngồi yên với bộ chữ cái và những con số, ngồi tô màu đẹp, và nhắc lại theo người lớn – và thường không phải như vậy, mà chỉ là cảnh mà đa số người lớn tưởng tượng về cách trẻ học.
Học là một quá trình với những khoảnh khắc "aha!" khi trẻ bất chợt hiểu ra điều gì. Khoảnh khắc đó không thể được lên lịch trước. Nó sẽ diễn ra tự nhiên khi trẻ sẵn sàng và đủ trải nghiệm.
Hãy quan sát đứa trẻ, bạn sẽ thấy nó bắt đầu hỏi về thế giới với những câu đơn giản nhất như "Cái gì đây?" Câu hỏi dần phức tạp lên, bắt đầu với "Khi nào?", "Tại sao?", "Như thế nào?". Các đề tài dần trở nên trừu tượng hơn. Trẻ sẽ hỏi về cái chết, về đúng và sai, về tình yêu, về mối quan hệ giữa con người với con người và các hành vi của họ. Ôi, đứa trẻ tò mò về nhiều thứ lắm. Nhưng khi nó hỏi, thì nhiều người lớn cảm thấy khó chịu ("Hỏi gì lắm thế?"), hoặc lảng đi không muốn tham gia vì không biết phải nói gì với đứa trẻ. Đó chính là hai cách để không khuyến khích trẻ học.
Khi chúng ta không quan tâm tới mối quan tâm của trẻ, thông điệp ta gửi cho trẻ là: "Những gì con nói không quan trọng. Con không quan trọng." Nó là thông điệp về học hỏi và tình yêu mà ta đang gửi cho con, ta có biết không?
Về cơ bản, người lớn chủ yếu thích kiểm soát trẻ, trong đó có quá trình học ở trẻ. Người lớn muốn có sự đảm bảo. Nhưng ở đời này, chẳng có gì là đảm bảo. Và cái học tự nhiên ở trẻ nhỏ luôn diễn ra mà không thể biết trước được lúc nào trẻ sẽ học được gì. Tốc độ học ở trẻ thậm chí luôn thay đổi. Lúc trẻ học nhanh chưa chắc đã là tốt hơn lúc trẻ không học gì bởi ở trẻ cái học và cái không học luôn luôn đi kèm với nhau. Cái không học là cái hỗ trợ đắc lực cho cái học. Những giai đoạn mà trẻ tưởng như chẳng học thêm được gì chính là quá trình học đang diễn ra; người lớn chỉ nhìn thấy được kết quả của quá trình đó qua hành vi hoặc một lời nói nào đó của trẻ thể hiện một cách bất chợt.
Cái mà người lớn chọn cho trẻ chưa chắc đã là cái tốt cho trẻ ở thời điểm đó – nhất là khi họ chẳng hiểu gì về trẻ mà chỉ dạy như một con rô-bốt đã được lập trình: à, trẻ 2 tuổi thì phải học cái này, trẻ 3 tuổi phải học cái khác, trẻ 4 tuổi phải học cái khác nữa, 4 tuổi mà chưa học cái này là chậm và dốt, sách giáo khoa bảo 5 tuổi phải học cái này thì hợp, 6 tuổi mà vẫn còn học cái đó?...
4 - Mỗi trẻ học cái khác nhau ở thời điểm khác nhau với tốc độ khác nhau theo cách khác nhau với thời lượng khác nhau. Chẳng có trẻ nào là chuẩn hay không chuẩn, và đừng lấy sách ra để nói rằng trẻ sai còn sách thì đúng. Trẻ luôn đúng.
Nếu sách không phục vụ được trẻ và quá trình học của trẻ, hãy quẳng sách (chứ không phải là quẳng trẻ) và tìm sách/cách khác. Sách không phải là cách duy nhất, và ở lứa tuổi nhỏ, học qua sách chỉ là một phần nhỏ. Không phải cứ có thật nhiều chữ và số thì chất lượng giáo dục càng cao. Không phải cứ ngồi yên thật lâu, lắng nghe thật nhiều thì càng học tốt. Chẳng có tỉ lệ nào ở đó cả. (Tin hay không thì các con tôi thường xuyên vừa thoải mái chạy nhảy, hò hét, cười đùa vừa học. Chẳng có mâu thuẫn nào giữa những thứ đó và học.)
5 – Hãy chú ý duy trì niềm yêu thích học hỏi của trẻ bằng cách tôn trọng , lắng nghe trẻ, cho phép trẻ lựa chọn cũng như nói "không", và đáp ứng nhu cảm xúc của trẻ. Những đứa trẻ yêu thích học sẽ tự học. Những đứa trẻ đã bị can thiệp sai cách sẽ mất kết nối với niềm yêu thích học, và nếu bị can thiệp mạnh tay liên tục (bắt ép học, gây căng thẳng, can thiệp bằng thưởng/phạt, không cho lựa chọn) thì chúng sẽ không muốn học nữa.
Nếu muốn trẻ thích học, thì cha mẹ đầu tiên phải làm gương. Nếu trẻ không bao giờ thấy cha mẹ đọc sách, thảo luận những câu hỏi nghiêm túc, quan sát và tò mò về cuộc sống, đặt câu hỏi cho trẻ và tham gia thảo luận với chính trẻ, thì chúng sẽ học được gì từ cha mẹ chúng?
Trẻ em ghét học vì một lẽ đơn giản: bị người lớn gò ép bởi chính người lớn cũng có thái độ tiêu cực với việc học.
- - -
Vậy hãy tự hỏi bản thân bạn một câu quan trọng: Bạn đã hiểu gì về con bạn, và bạn đã học chưa?
---
Trong một gia đình luôn phải có ít nhất một người – người cha hoặc người mẹ - làm công việc chú ý tới nhu cầu cảm xúc của các thành viên, gắn kết các thành viên với nhau, và xây dựng gia đình.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều luôn luôn phát triển và trưởng thành theo cách và tốc độ khác nhau. Khi ở với nhau, các thành viên lại cùng nhau tạo ra thực thể gia đình, thực thể này cũng phát triển theo cách riêng. Nếu từng thành viên có thể ảnh hưởng tới thực thể gia đình, thì thực thể này cũng có thể tác động ngược lại tới từng thành viên theo những cách khác nhau.
Một thành viên hạnh phúc có thể giúp gia đình hạnh phúc; mà ngược lại, một thành viên đau khổ hoặc gia đình đau khổ đều có thể gây ảnh hưởng tới những người còn lại và không khí chung của cả gia đình.
Chuyện thường thấy là: Khi lấy nhau về, người ta thường mặc định rằng thế là mình đã có gia đình, thế là mình đã có con, thế là mình đã làm cha làm mẹ. Nhưng người ta chưa hiểu hết rằng để thực sự làm cha làm mẹ, để có một đứa con được sống và trưởng thành theo cách tốt nhất với nó, để có một gia đình gắn kết đem lại sự trưởng thành và hạnh phúc cho tất cả các thành viên, thì công việc không hề đơn giản, và nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Đây là công việc hàng ngày, quanh năm suốt tháng 24/7. Nếu người ta đi làm cho sếp 5 ngày một tuần, thì người ta phải làm cho gia đình 7 ngày trên tuần, không bỏ giờ nào cả.
Đàn ông thường không nhạy cảm bằng phụ nữ. Đây là điểm giúp đàn ông vui sống dễ hơn, không quá bận tâm tới tiểu tiết. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là đàn ông dễ bỏ qua các nhu cầu cảm xúc của những người khác, đặc biệt là của phụ nữ và con cái, và lắm khi là của chính họ. Đàn ông có xu hướng ngắt kết nối khi họ có vấn đề riêng.
Nhạy cảm là con dao hai lưỡi đối với phụ nữ. Nhạy cảm có thể khiến phụ nữ dễ đau khổ hơn, vì phụ nữ có xu hướng suy diễn và lo lắng thái quá. Nhưng nếu nhạy cảm được sử dụng đúng cách để phục vụ nhu cầu cảm xúc, thì người phụ nữ nhạy cảm có thể kết nối với cảm xúc của chính mình cũng như của chồng và con cái, và chăm lo cho đời sống cảm xúc của cả gia đình.
Trẻ nhỏ như một món quà cho gia đình. Chúng sinh ra như thể sứ mệnh là để các thành viên nhích gần nhau hơn, nhạy cảm hơn, yêu thương hơn. Nếu tập trung xây dựng gia đình từ những ngày đầu, công việc sẽ dễ dàng hơn vào những năm sau khi mọi thứ đã vào guồng. Nhưng nên nhớ, dù cho ở giai đoạn nào đi nữa, thì cuộc sống luôn luôn có những thay đổi bất ngờ. Cuộc sống thử thách chúng ta không ngừng: thử thách xem tình yêu của chúng ta có đủ mạnh không, có đủ thuần khiết không, thử thách xem chúng ta có trụ vững được hay không.
Nếu yêu nhau thì cái gì người ta cũng vượt qua được, mà yêu nhau không đủ thì dù chỉ là ngọn gió thổi qua cũng đủ lung lay.
TRẦM CẢM: CÁNH CỬA DẪN TỚI TÂM LINH
Bước sang tuổi 30, tôi nhìn lại thời kỳ vị thành niên đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân.
Chúng ta thường nghĩ rằng trầm cảm là một căn bệnh. Kể cả khi nhìn nhận nó là một căn bệnh, cũng rất ít người hiểu nó, kể cả những người đã từng trải qua trầm cảm. Có những người thậm chí đã trải qua nó mà không biết họ đã trải qua nó. Số còn lại cho rằng đó là một thứ bệnh hoạn, chỉ có cá nhân yếu đuối mới mắc phải, hoặc có ngộ nhận do đọc một số bài báo mô tả những trường hợp các cá nhân trầm cảm tự vẫn hoặc tự giết con mình.
Chính vì người ta nhìn nhận trầm cảm là một căn bệnh, có một thứ còn khó hiểu hơn nữa: trầm cảm thực ra là một phản ứng hoàn toàn lành mạnh của tinh thần và cảm xúc. Diễn giải thế này dễ hiểu hơn: khi bạn bị một vết cắt, máu chảy ra không phải là điều xấu mà là điều rất tốt để báo cho bạn rằng cơ thể cần được băng bó. Tương tự, trầm cảm cũng như vậy. Bản thân nó trông có vẻ xấu – nhưng nó là điều tốt.
Nhiều nguồn ở Mỹ cho rằng tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm ngày càng gia tăng do các nguyên do tiêu cực: thiếu thời gian chơi tự do, không có thời gian để thảnh thơi, thiếu tình thương từ cha mẹ,... Tôi cũng từng tin rằng đó hẳn phải là các nguyên nhân tiêu cực dẫn đến trầm cảm, và tin rằng chỉ có nguyên nhân tiêu cực mới có thể dẫn tới trầm cảm.
Sau khi đọc The Spiritual Child của Lisa Miller (xuất bản năm 2016), tôi mới hiểu ra một điều nữa: hóa ra trầm cảm là một phần cực kỳ tự nhiên của giai đoạn vị thành niên. Bên cạnh các lý do thuộc về môi trường có thể dẫn tới trầm cảm ở trẻ vị thành niên, có một nguyên nhân thuộc về bên trong, bẩm sinh thuộc về giai đoạn phát triển: trẻ em vị thành niên ở giai đoạn trải qua các thay đổi cực kỳ lớn về hormone, cơ thể, cảm xúc, và não bộ. Hãy nghĩ về trẻ lên 2 đang thể hiện sự tự lập và cá tính mạnh mẽ ra sao, thì trẻ vị thành niên sẽ lại tiếp tục trải qua giai đoạn tương tự - nhưng ở mức độ mạnh mẽ hơn nhiều.
Theo Miller, tỉ lệ cao các trẻ vị thành niên trầm cảm bởi sự thôi thúc ở bên trong về mặt tâm linh: Ý nghĩa cuộc đời là gì? Tôi là ai? Mục đích cuộc đời là gì? Sống như thế nào là đúng? Có Thượng đế hay các đấng vô hình hay không? Cuộc đời là ngẫu nhiên hay một trò chơi có phần đã được sắp xếp? Và một loạt các câu hỏi liên quan khác.
Quay trở lại trải nghiệm của tôi, tôi bắt đầu cảm thấy bị thôi thúc – một cách không rõ ràng lắm – từ năm 16-17 tuổi. Đúng như Miller mô tả, những cơn trầm cảm nhẹ ban đầu nếu không được giải quyết triệt để thì sẽ còn quay lại, và sẽ quay lại khi những yếu tố môi trường gây áp lực lên đứa trẻ, dù mọi người bên ngoài cho rằng áp lực như vậy chẳng là gì.
Những cơn trầm cảm của tôi ngày càng rõ ràng, mạnh, và kéo dài. Tôi cảm thấy như có một cái hố đen hút tôi vào đó. Tôi không hiểu tại sao tôi lại bị như vậy. Không có ai để nói chuyện. Không ai hiểu. Hay chính xác hơn là tôi không đủ tin tưởng ai cả. Với số ít người mà tôi cực kỳ tin tưởng lúc ấy, họ cũng không hiểu, và chỉ nói với tôi rằng tôi cần phải vui lên, rằng cái gì tôi cũng có, và hãy nhìn cuộc đời mà xem. Buồn làm gì?
Một phản ứng hoàn toàn phản tác dụng. Bạn đừng làm thế với chính mình hay những người thân bị trầm cảm.
Ta không thể dùng lý trí để phủ nhận cảm xúc. Đó là cách mà mọi người vẫn làm. Và sai bét. Sau này, chúng ta học từ cha mẹ và những người xung quanh, và dùng cách đó để gạt bỏ cảm xúc tiêu cực của mình, mà không biết rằng cảm xúc tiêu cực chính là máu chảy ra từ vết cắt. Nó là triệu chứng. Người ta cần nắm lấy triệu chứng như nắm lấy đầu một sợi dây rất dài, và lần theo sợi dây đó để xem nó dẫn về đâu.
Miller giải thích rằng trong giai đoạn con cái trải qua trầm cảm tâm linh như thế này, cha mẹ cần phải học cách nhận diện dấu hiệu, chuẩn bị cách để trò chuyện, lắng nghe con cái, và quan trọng nhất là học cách tôn trọng giai đoạn này. Đó là một giai đoạn chuyển giao cực kỳ quan trọng, giai đoạn mà đứa trẻ đang tìm cách hiểu chính nó và vai trò của nó trong thế giới này. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, quan trọng hơn rất nhiều so với bài vở ở trường hay bất cứ thứ gì khác.
Đứa trẻ vị thành niên sẽ được chuẩn bị tốt cho giai đoạn phát triển tâm linh ở tuổi này nếu trong thập kỷ trước nó đã được gia đình nuôi dạy trong một môi trường tâm linh. Tôn giáo không nhất thiết là tâm linh, và ngược lại. Tình yêu thương vô điều kiện chính là tâm linh. Bên cạnh đó, lòng biết ơn, sự chia sẻ, sự gắn kết, thể hiện tình cảm, dành thời gian cho nhau để hiểu nhau,... tất cả đều thuộc về phạm trù tâm linh. Rộng hơn nữa, các nội dung ta có thể giới thiệu với con bao gồm sự sống, cái chết, điều gì xảy ra sau khi chết, liệu có Chúa trời hay không,... Sự kết nối với loài vật và thiên nhiên cũng là một phần của tâm linh.
Cốt lõi của tâm linh có thể được tóm gọn như sau: Tôi không chỉ là tôi, không chỉ là cơ thể và bộ não này; tôi lớn hơn thế rất nhiều, tôi cảm thấy được gắn kết và là một phần của gia đình, thế giới, và vũ trụ; tôi cảm thấy tình thương ngập tràn trong vũ trụ này cho dù lắm khi vẫn có nhiều chuyện đau buồn xảy ra; thế giới có một trật tự rõ ràng, và trật tự ấy cùng với những sự kiện diễn ra trong nó có mục đích giúp tất cả trưởng thành và phát triển tâm linh.
Nghiên cứu của Miller cho thấy những cá nhân trẻ ở tuổi 26 có xu hướng tâm linh cao đa phần là những người đã trải qua ít nhất vài đợt trầm cảm.
Nhiều cha mẹ khi thấy con hỏi về sự sống, cái chết thì sợ, không biết phải nói gì. Tin mừng là bạn không cần phải là chuyên gia và không cần phải đưa ra câu trả lời đúng hay thông tin khoa học. Cái trẻ cần nhất là một người bạn đồng hành, một người biết lắng nghe trẻ và tạo cho trẻ một không gian để chúng tự khám phá ra ý nghĩa của vạn vật. Nếu trẻ hỏi bạn "Mẹ ơi, sau khi chết, con người sẽ ra sao?", bạn không cần phải trả lời phức tạp gì cả. Chẳng có câu trả lời đúng hay sai, nhiều khi bạn chỉ cần nói: "Vậy con nghĩ sao?" Bạn có thể chia sẻ những gì bạn biết, những phỏng đoán của bạn, và hãy để cho trẻ tự đưa ra câu trả lời, hãy chấp nhận câu trả lời ấy mà không phán xét, đánh giá trẻ.
Cái trẻ cần, dù cho ở độ tuổi nào, chính là một không gian an toàn như thế, nơi trẻ cảm thấy mình được tự do khám phá các ý tưởng. Trẻ không cần người lớn chỉ cho trẻ phải tin cái gì, phải sống như thế nào. Chúng cần một người lớn khuyến khích chúng tự tin vào chính bản thân chúng, tin vào tiếng nói bên trong của chúng.
Là cha mẹ, chúng ta không có trách nhiệm phải làm ra con đường để con cái chúng ta đi. Nhưng chúng ta có trách nhiệm yêu thương con cái chúng ta đủ để chúng cảm thấy được yêu, để chúng tin vào giá trị của chúng, cho dù chúng làm được điều này, điều kia hay thất bại, để chúng tự đứng vững và đi tìm ý nghĩa cuộc đời cho riêng chúng.
Quay về chuyện của tôi: Tôi trải qua nhiều đợt trầm cảm cho tới năm 23 tuổi. Tôi đã có đủ các ý nghĩ trong đầu như mình không đáng sống, mình không là ai cả, không ai thực sự có thể yêu nổi mình, cuộc sống của mình vô nghĩa, rồi mọi người sẽ đều bỏ mình ra đi,... Tôi đã trôi ra trôi vào trạng thái đó trong không dưới 5 năm.
Và rồi thì cũng tới ngày tôi hiểu ra ý nghĩa cuộc đời theo cách riêng của tôi. Với tôi, điều đem lại câu trả lời chính là những đứa con của tôi. Chính xác hơn, những đứa con không đem lại câu trả lời, nhưng qua chúng, tôi bị kéo trở lại cuộc hành trình tâm linh. Và lần này thì tôi đã tìm được câu trả lời. Với một số khác, họ cũng có trải nghiệm tương tự. Nhưng tất nhiên với số khác nữa, câu trả lời vẫn còn là cái gì rất mơ hồ, sự ra đời của con cái cũng không thúc họ thêm được mấy.
Nó là một quá trình dài mà nếu người ta không giải quyết được ở giai đoạn vị thành niên cho tới đầu những năm 20, thì nó sẽ còn tiếp tục quay lại thôi thúc người ta.
Tôi tin rằng đó là trải nghiệm của rất nhiều người. Đáng tiếc là trường học và gia đình không có sự chuẩn bị để giúp trẻ vị thành niên. Chúng ta còn mải quan tâm tới học hành, tới điểm số, và việc thi vào đại học – tất cả chỉ là chuyện nhỏ so với diễn biến nội tâm của đứa trẻ và cuộc hành trình tâm linh đang bắt đầu bên trong đứa trẻ.
------
xã hội ngày này cuồng hoạt động. thích chạy ngược chạy xuôi tưởng làm được nhiều việc là có ích và giỏi. khi giáo dục trẻ con, người ta cũng thích thật nhiều trò, học thật nhiều môn cho nó giỏi, cho biết tận dụng và sắp xếp thời gian. suốt ngày cắm mặt làm cái này cái nọ, đặt đồng hồ, lên lịch kín mít, không đủ thời gian mà ngủ mà chơi, cả ngày có lẽ không ngẩng mặt lên mà nhìn ngắm bầu trời. học phải nhanh, chơi cũng phải nhanh. nhanh nhanh cái chân lên. nhanh nữa lên. ăn nhanh lên còn học. học nhanh lên còn chơi. chơi nhanh lên còn ngủ. ngủ còn dậy. dậy để học, để làm.
tôi chỉ biết nói: một lũ ngốc.
-------
"CON MÌNH NGHỊCH QUÁ. LÀM SAO HỌC ĐƯỢC?"
Mình không biết sẽ phải nói đến lần thứ bao nhiêu rằng hiếu động là quyền của trẻ em và là cách trẻ em phát triển.
Không biết bao nhiêu người cha người mẹ phàn nàn rằng con nghịch, tìm cách ngăn cản con vận động, muốn con "ngoan", muốn con "tập trung" (ngồi yên làm gì đó thật lâu), rồi lại tính đến chuyện cho con học qua hoạt động gì để "rèn" sự tập trung.
Để mình giúp các bạn một tí vậy:
- Các bạn có thấy bản thân các bạn là người lớn – với não và cơ thể phát triển hơn – mà tập trung còn kém không? Đầy người bảo với mình "bạn ơi, tớ cứ đọc một trang sách, lái xe, đi bộ,... là tớ nghĩ đủ thứ chuyện tới nỗi tớ không hiểu tớ đang đọc gì, đang đi đâu, quên luôn đường về nhà,... tớ nên làm gì?" Bạn đòi hỏi gì ở trẻ? Sự thật là thưa bạn, trẻ con nó tập trung cực kỳ tốt, chỉ không theo cách mà bạn nhìn được thôi.
- Bạn có tập trung được khi đó là hoạt động nhàm chán, không thích thú với bạn không? Nếu bạn thấy con không thích, chứng tỏ bạn nên cho phép con chọn cái con thích, chứ không phải tìm cách khiến con tập trung. Duh!!
- Bạn có thể thấy rằng tới người lớn cũng được khuyên phải vận động không? Nếu không vận động, đặc biệt những công việc điển hình phải ngồi văn phòng, thì sẽ dẫn đến những bệnh điển hình của thời hiện đại bao gồm bệnh của dân văn phòng do không chịu vận động? Nói gì đến bọn trẻ nhỏ đang tuổi phải vận động để phát triển?
- Và nếu bạn chưa từng thử, bạn cứ thử đi: Để con vừa vận động vừa học, bạn sẽ thấy con tập trung gấp nhiều lần (tốt hơn bạn rất nhiều thưa bạn) bởi vì vận động là nhu cầu cần được đáp ứng. Khi được đáp ứng, trẻ sẽ phát triển tốt.
- Và chắc bạn đã từng thử, nếu chưa bạn cứ thử đi: Càng ép trẻ ngồi yên thì trẻ càng có mong muốn được ngọ nguậy, và chính do vận động bị kìm hãm thì lại dẫn tới việc tập trung kém vì chúng đang quá bức bối với những năng lượng cần được tiêu hao. (và nếu con cái bạn ở Mỹ, chắc bạn sẽ mong nó được bác sỹ chẩn đoán mắc chứng ADHD tăng động để được uống thuốc giúp tập trung! xin sửa lại là hình như Việt Nam đang phổ biến dần loại bệnh và thuốc này.)
Làm ơn hãy bỏ ngay ra khỏi đầu những mong muốn về đứa trẻ ngồi im, bảo gì nghe nấy, người lớn nói gì cũng nhớ được. Trên đời này không có đứa trẻ như thế. Và nếu có, tôi xin khẳng định nó không bình thường.
Đừng nghĩ rằng mình mới biết gì là tốt, và mình biết thế nào là đứa trẻ bình thường. Nếu bạn có đứa trẻ bình thường, thưa bạn, bạn đang có trong tay một kiệt tác của vũ trụ đấy. Không đùa được đâu. Nhưng chúng ta đâu có hiểu điều đó. Cũng giống như chúng ta thích phá tự nhiên để làm ra sản phẩm của con người để cho rằng mình thông minh lắm, thì chúng ta cũng thích làm như vậy với trẻ em đấy.
Bao giờ chúng ta mới tỉnh ngộ?
p.s. giá mà các bạn nhớ được những lời cha mẹ các bạn phàn nàn về chính các bạn khi các bạn còn nhỏ, giá mà các bạn nhớ được hồi nhỏ các bạn cũng nghịch như giặc. tiếc là sau này các bạn chẳng còn nhớ, và lại đem cách giáo dục truyền thống ngớ ngẩn áp đặt lên con cái của chính mình.
----------------------
Nếu bạn quan sát trẻ nhỏ, trực tiếp nuôi dạy trẻ nhỏ và lắng nghe chúng, bạn sẽ thấy ở bên trong chúng có một sự thông thái thuần khiết và tình thương vô điều kiện. Tới lớn hơn, sự khôn ngoan dần mất đi cùng với yêu thương thuần khiết để nhường cho cái khôn lỏi của lý trí và yêu thương có điều kiện – cũng do lý trí dẫn dắt. Đó là hậu quả của giáo dục sai, chứ chẳng phải thứ tốt đẹp gì.
Người ta hay rót vào tai trẻ những điều sau:
1. Đừng tin và yêu dễ dàng, vì sẽ bị lợi dụng.
2. Hãy cân đo, đong đếm, xem được lợi gì thì hẵng làm việc gì đó, nếu không được lợi thì đừng làm.
3. Giá trị của trẻ là do người lớn quyết định. Con chẳng là ai nếu không có cha mẹ, thầy cô tán thành.
Những bài học đó được coi là những bài học chuẩn mực của xã hội. Khôn lỏi, dẻo mồm được coi như đức tính.
Và thế là tình yêu đẹp đẽ, thuần khiết – một trong những biểu hiện cao cả nhất của vũ trụ và thứ có tính Thượng Đế nhất – bị vùi dập bởi xã hội. Sự nhỏ nhen lên ngôi, thậm chí được tung hô khi nó đem lại tiền và những tình cảm hời hợt.
Lớn dần lên, trẻ em không còn nghe được tiếng nói ở bên trong chúng nữa. Lúc ấy là lúc chúng đã được huấn luyện thành công: chúng không còn biết đúng sai là gì, cái gì cũng phải nghe người khác nói. Huấn luyện xuất sắc nhất là lúc chúng nghe ai nói gì cũng không còn biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Chúng không hiểu được giá trị của chính bản thân mình, mà cứ chờ một ai đó khen gì, chê gì, nhận xét gì, rồi dựa vào đó để có ý kiến của bản thân về chính mình. Hậu quả: hoang mang (từ hiện đang được sử dụng quá nhiều khiến tôi vừa khó chịu vừa ... "hoang mang".)
Đó chính là tình trạng của rất, rất nhiều người lớn bây giờ.
Trẻ em bị người lớn gọt tỉa cảm xúc, cắt kết nối của chúng với cảm xúc. Hậu quả: khi thành người lớn, người ta luôn chống đối cảm xúc tiêu cực, tự phê phán cảm xúc của chính mình, coi cảm xúc tiêu cực là xấu, và dùng lý trí để đánh đuổi cảm xúc. Status: thất bại và bế tắc.
Chính vì người ta cứ phải chọn lý trí hoặc cảm xúc và coi cả hai là đối nghịch nhau, chỉ được chọn một trong hai, nên khi ở trong xã hội mà lý trí được coi trọng hơn tất cả, người ta dù có cảm thấy khó chịu, bất mãn, căng thẳng, người ta vẫn tiếp tục dùng lý trí để thuyết phục mình ở lại: ở lại với một thằng bạn trai tồi thích kiểm soát mình; ở lại với một ông chồng chẳng coi mình ra gì, thậm chí hay bia rượu, bạo hành gia đình; ở lại với một bà vợ mình chẳng còn yêu gì, chỉ thấy chán chường; ở lại với một nơi làm việc chẳng ra đâu vào đâu nhưng ít ra vẫn kiếm được tiền, còn hơn là nghỉ, biết sẽ về đâu;...
Tôi cũng lớn lên trong xã hội này và được giáo dục trong xã hội này. Điều duy nhất chỉ đường cho tôi là tình yêu không có điều kiện của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi luôn tôn trọng tôi – điều đó không có nghĩa là ngày bé tôi không từng ăn roi của mẹ. Nhưng cha mẹ mà nỗ lực thì luôn trưởng thành cùng con cái. Chỉ có cha mẹ nỗ lực tự học hỏi trên chính hành trình làm người của mình mới có thể giáo dục được con cái.
Bố mẹ tôi luôn dạy – điều mà tôi không bao giờ quên: Giỏi thì không lo chết đói, không bao giờ xin xỏ ai, và luôn tự đứng trên đôi chân của chính mình.
Điều gì đúng thì nó luôn đúng – không phải nó đúng là do bố mẹ tôi nói ra hay ai nói ra. (Bởi vậy, dạy con mà lại chỉ vin vào việc mình là bố mẹ nên đúng thì ... thất bại. Sớm hay muộn, con cái cũng nhận ra bố mẹ mình cũng chẳng hiểu bố mẹ mình đang nói gì.)
Sự nghiệp tôi cũng chẳng có gì vẻ vang để kể. Tôi chỉ muốn kể rằng tôi đã bỏ việc nhiều lần cũng như từ chối những công việc mà tôi biết trước không hợp với tôi. Tôi bỏ ngay khi nhận ra rằng nơi đó, nghề đó, kiểu làm việc đó là thứ tôi không thể chấp nhận được – dù có cho tôi tiền tôi cũng xin thôi. Nó cũng giống như trước khi lập gia đình, tôi đã bước vào vài mối quan hệ mà phần lớn đều do tôi chủ động bước đi trước. Tôi không ở lại trong một mối quan hệ mà tôi bị coi không ra gì – cho dù việc dứt bỏ không đơn giản.
Tôi bước đi vì tôi tin vào giá trị của mình. Tôi biết rằng tôi có thể sống tiếp.
Nhiều người không dám bước đi vì lý do đơn giản nhất: họ không tin vào chính họ. Họ tin rằng họ cần phải có cái công việc của nợ nào đó, có một mối quan hệ của nợ nào đó - mặc dù họ chẳng vui gì. Nhưng nếu không có cái công việc hay mối quan hệ của nợ đó thì họ sẽ là ai?
Tôi tin vào giá trị của mình, nên cuối cùng tôi học cách nhận ra ai hiểu và tôn trọng giá trị của mình và ai thì không. Và tôi chỉ chọn bắt tay với người hiểu giá trị của tôi. Để được như thế, tôi đã phải tiễn nhiều người rồi.
Nhiều người khi bị đối xử tồi tệ thì quay ra đổ lỗi cho bản thân, và tự trách mình: "Chắc mình chỉ xứng được như vậy! Đời mình chỉ như vậy." Thời trẻ ngây ngô, tôi cũng từng nghĩ như thế. Sau này, tôi hiểu ra là không phải.
Bạn không hiểu giá trị của bạn, không tin vào giá trị của bạn, thì tự bạn sẽ thu hút những kẻ thích lợi dụng, ăn bám, bạo hành, lấn lướt bạn.
Kẻ lấn lướt không thể ăn hiếp được người biết tự đứng lên bảo vệ mình. Bảo vệ ở đây không phải là đôi co, cãi nhau, tranh luận đúng/sai. Tự bảo vệ ở đây chỉ là: "Tôi biết anh là ai rồi, tôi không quan tâm lắm. Chào anh." Kẻ lấn lướt chỉ biết ăn hiếp người không biết mình là ai, do đó không biết thiết lập ranh giới giữa mình và người, và cứ liên tục cho phép bản thân bị đối xử không công bằng.
Đó là một mối quan hệ đòi hỏi phải có hai bên tham gia. Nếu bạn không tham gia, thì kẻ kia sẽ đi tìm người khác. Còn bạn, bạn luôn xứng đáng được đối xử tốt hơn, và muốn như vậy thì hãy tự đối xử tốt với mình đã. Nếu bạn chưa tự đối xử tốt với bản thân, thì khi bạn rời khỏi một kẻ chuyên lấn lướt người khác bạn cũng sẽ gặp phải kẻ khác y xì như vậy.
-----------------------
Ở CHUNG
Nhiều gia đình trẻ sau khi có con vẫn tiếp tục ở chung với ông bà. Có những gia đình ở lại vì ông bà không cho đi, nhưng cũng có nhiều gia đình ở vì không có điều kiện tài chính.
Ông bà hay than phiền rằng con cái ở chung, được ông bà lo cho nhiều thứ, mà chẳng biết đường mà nghe lời ông bà. Con cái ở chung thì than phiền ông bà có nhiều đòi hỏi, lại cứ can thiệp vào cách giáo dục con của mình, dẫn đến những mâu thuẫn không tài nào giải quyết được. Ông bà nào độc đoán thì đòi con phải chiều mình về mọi mặt, can thiệp sâu vào mọi mặt đời sống gia đình, thấy con làm gì cũng khó chịu, phản bác con. Câu phổ biến nhất là: "Tao không học, không đọc sách vẫn nuôi được mày nên người đấy. Mày đừng có sách vở hay định dạy tao." Nhà nào truyền thống, chỉ cần con nói khác, là ông bà nhảy dựng lên và kết luận: "Mày láo! Mày coi bố mẹ mày là cái gì?"
Chuyện là như vậy. Ai cũng có thể mô tả lại được như vậy. Trong bài này, tôi không định bênh bên nào. Làm như vậy thì dễ quá. Mình là phận con thì mình dễ thông cảm với những bạn cũng phận con. Những bà mẹ chồng dễ về hùa với nhau nói xấu con dâu, và các con dâu cũng dễ về hùa với nhau nói xấu mẹ chồng. Nếu chọn bên thì ta đâu đã hiểu hiết sự việc. Chính vì thói quen phải-là-bên-này-hoặc-bên-kia nên chúng ta bỏ qua rất nhiều chi tiết, và rồi giản lược sự thật thành trắng và đen.
Mọi việc không bao giờ đơn giản như thế.
Trong bài này, tôi xin phép đưa ra những lý do hàng đầu trong mâu thuẫn cha mẹ-con cái, cho dù là bố mẹ đẻ với con đẻ, hay bố mẹ chồng với con dâu.
1. Ở VỚI AI THÌ CŨNG MÂU THUẪN CẢ
Sự thật là như vậy. Lý do mà bạn có thể có những người bạn rất lâu năm rất có thể là vì ... bạn không ở với họ. Hồi đại học tôi đã thay đổi rất nhiều bạn cùng phòng. Ban đầu chúng tôi cũng thích nhau, nhưng về lâu về dài, ở chung luôn gây ra mâu thuẫn.
Vợ chồng ở với nhau cũng mâu thuẫn đấy thôi. Khi yêu nhau, chúng ta tưởng việc ở với nhau sẽ nhân ba, nhân bốn hạnh phúc. Nhưng chúng ta có biết đâu là muốn hạnh phúc thì phải học cách chung sống với nhau, biết bớt cái tôi của mình, biết lắng nghe người kia hơn, biết cùng nhau thỏa hiệp và tôn trọng con người của người kia. Việc học chung sống với chồng đã khó, chứ đừng nói tới chung sống với bố mẹ đẻ khi đã có gia đình riêng hoặc bố mẹ chồng.
2. CHÊNH LỆCH QUYỀN LỰC GÂY RA MÂU THUẪN
Cha mẹ luôn ở thế có nhiều quyền lực hơn trong mối quan hệ với con cái. Không riêng cha mẹ, mà bạn cứ quan sát những người có nhiều quyền lực: một ông sếp, một người quản lý, một anh thanh tra, một anh cảnh sát, một giáo viên, một nhân viên hành chính nhà nước, một anh bảo vệ. Hoặc nếu không thì hãy hỏi bố mẹ bạn về bà bán thịt thời bao cấp – quyền lực ác lắm đấy. Phần lớn những cá nhân nắm trong tay quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực, vì họ biết rằng những người ở thế yếu hơn cần đến họ, phải dựa dẫm vào họ, kiểu gì cũng phải đi qua cái cửa mà họ trông giữ, kiểu này hay kiểu khác. Có quyền lực, ắt các cha mẹ sẽ lạm dụng – không nhiều thì ít. Càng lạm dụng quyền lực, càng độc đoán bắt con cái nghe theo, thì con cái càng chống đối, và mâu thuẫn đương nhiên càng lớn. Mâu thuẫn quyền lực là cái đương nhiên phải có trong mọi mối quan hệ cha mẹ-con cái.
Chưa kể con cái còn ở chung nhà với cha mẹ và nhà thường là của cha mẹ. Khi bạn đã ở trong nhà của ai, dù cho đó là bố mẹ bạn hay không, thì hai bên đều ý thức rằng đó KHÔNG phải là nhà của bạn. Vì vậy, bạn liệu mà biết điều một tẹo – quyền của người sở hữu nhà mà!
3. KHÔNG BIẾT CHẤP NHẬN KHÁC BIỆT NÊN MÂU THUẪN GIA TĂNG
Việc ở chung có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng biết chấp nhận sự khác biệt ở nhau. Không may là văn hóa người Việt vốn đã rất kém ở điểm chấp nhận sự khác biệt: ý kiến khác biệt nhau một tí là đủ để trong rất nhiều trường hợp khiến người ta muốn nhảy chồm chồm lên để khẳng định cái tôi to tướng của mình, chứ đừng nói đến quan điểm giáo dục, lối sống hay niềm tin.
Sự khác biệt ở con cái – dù là khác với cha mẹ hay khác với phần đông xã hội – thường bị nhiều cha mẹ phán xét là xấu, bất thường, "không biết nghe lời cha mẹ", "không giống ai", "chẳng ra cái giống gì", hay nặng lời hơn thì có "chẳng hiểu sao tao lại đẻ ra mày?"
Ngược lại, cũng vì không biết chấp nhận sự khác biệt ở cha mẹ chồng (họ được giáo dục ở thời khác, hoàn cảnh gia đình khác, niềm tin và trải nghiệm khác, và tính cách bẩm sinh đương nhiên khác), nên lắm nàng dâu sinh ra bức bối và phán xét cha mẹ chồng rất gay gắt như thể họ là người xấu, muốn hãm hại đời mình. Không xấu đâu. Xin hãy tham khảo lại phần 1 và 2.
4. NIỀM TIN "CON NGOAN THÌ PHẢI BIẾT NGHE LỜI"
Cũng vì niềm tin lâu năm này của người Việt, cha mẹ tự cho mình đặc quyền là con cái phải theo mình. Nếu con không nghe thì khoác ngay cho con cái áo "láo", và "hỗn". Nếu con đẻ mà lại cứ nghe con dâu, trong khi ông bà không tán thành, thì rất có thể ông bà sẽ nói "thằng này chỉ biết theo vợ, chả ra đàn ông".
Cũng chính vì niềm tin được gìn giữ lâu đời này, lắm người con dâu, dù bất đồng với cha mẹ, cũng chẳng dám nói một câu, cứ lẳng lặng chịu đựng và tìm cách chiều lòng bố mẹ chồng theo khả năng. Bức bối bị giữ chặt trong lòng thì khác nào núi lửa sắp phun trào. Nếu cứ mỗi lúc tuôn một ít, thì hậu quả có lẽ không lớn, và ông bà cũng chịu được! Tốt cho cả hai bên.
Tóm lại, chúng ta đều sẽ là nạn nhân của văn hóa và truyền thống (tiêu cực) nếu không tự đặt câu hỏi và suy ngẫm về cái mớ bòng bong truyền thống đó.
5. TÂM LÝ "TÔI LÀ NẠN NHÂN"
Và dù là bố mẹ chồng hay nàng dâu, chúng ta đều có tâm lý rằng mình chính là nạn nhân, rằng bên kia là kẻ xấu, không biết suy nghĩ, không biết giới hạn của mình ở đâu, quá đáng, cố ý gây ra khổ đau cho chúng ta; còn chúng ta thì đã làm tròn bổn phận hết mức có thể, đã sống tốt, cố gắng, và tốt bụng.
Những vai chính diện và phản diện kiểu đó chỉ có trong phim và truyện cổ tích thôi, các bạn. Đời thực không có đâu. Chừng nào ta còn suy nghĩ phải có trắng có đen, có xấu và có tốt rạch ròi, thì ta sẽ chẳng thể nhìn thấu được mọi chuyện.
6. ĐỔ LỖI CHO LỨA TUỔI
"À, giời, mấy cái ông bà già!", "Ờ, mẹ chồng lúc nào chả thế, làm gì có mẹ chồng tốt!", "Ôi giời, bọn trẻ hư hỏng. Chúng nó mà sinh ra vào thời mình thiếu thốn thì chắc sẽ không hư hỏng như bây giờ", "Đúng là trẻ, chả biết gì. Mẹ mày sống gần hết đời rồi đấy con ạ!",...
Như vậy là đơn giản hóa vấn đề. Ở tuổi nào, thế hệ nào, nền văn hóa nào, thì cũng có người này, người kia. Tự đồng nhất mình với một thế hệ, với một lứa tuổi, với một nền văn hóa, và tất cả những thứ khác đều bị coi là những khác biệt tiêu cực, thậm chí là kẻ thù.
Đời không đơn giản như vậy đâu.
- - - -
Ở phương Tây, các gia đình trẻ luôn dọn ra ở riêng ngay, không có được cái gần gũi của văn hóa gia đình châu Á. Đổi lại, để có được cái gần gũi, các gia đình châu Á cũng phải chịu đựng những kiểu mâu thuẫn nhất định. Các cháu được chơi với ông bà, có người thân chăm sóc; đổi lại, cũng có cái mà ông bà không thể theo được con, vì trải nghiệm của ông bà và thế giới quan của ông bà khác.
Đâu có giải pháp hoàn hảo. Cuộc sống chẳng bao giờ hoàn hảo.
Và trên hết, luôn nên nhớ rằng chúng ta là những bài học của nhau: Bố mẹ là bài học cho con, con là bài học cho bố mẹ. Nếu ta tưởng rằng ta đúng hết rồi, không cần nhìn lại mình, thì ta chẳng học được gì cả và mãi mãi ngốc nghếch và bất hạnh.
Hạnh phúc không phải là những hoàn cảnh hoàn hảo cho chúng ta sống dễ dàng. Hạnh phúc có cái giá của nó: giống như con trăn lột xác, thì nhận thức cũng phải lột xác nhiều lần, để tới ngày hiểu ra hạnh phúc là gì. Nếu hoàn cảnh khiến con người ta bức bối, căng thẳng triền miên, từ chối để nhận trách nhiệm và thay đổi thì người ta thất bại. Nếu qua hoàn cảnh người ta hiểu ra được bài học cho mình thì người ta thành công.
người thực sự yêu bạn đầu tiên phải là người tôn trọng bạn, tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, tính cách và mong muốn của bạn.
người nào nói yêu bạn, thương bạn, nhưng không làm được những điều này, đừng mất thời gian nữa.
bạn không tin vào giá trị của bạn thì bạn sẽ không tìm được người hiểu và yêu bạn vì giá trị thực của bạn.
những người coi thường bạn, kiểm soát bạn, thậm chí thích gây tổn thương cho bạn thì cần tiễn nhanh nhanh. không bao giờ được nhầm lẫn tình yêu - vốn đầy đủ và cao cả - với sự nghiện ngập tâm lý (tức là cảm giác thiếu thốn, không biết mình là ai, sẽ đi về đâu nếu không có người kia).
người thực sự yêu bạn đầu tiên phải là người tôn trọng bạn, tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, tính cách và mong muốn của bạn.
người nào nói yêu bạn, thương bạn, nhưng không làm được những điều này, đừng mất thời gian nữa.
bạn không tin vào giá trị của bạn thì bạn sẽ không tìm được người hiểu và yêu bạn vì giá trị thực của bạn.
những người coi thường bạn, kiểm soát bạn, thậm chí thích gây tổn thương cho bạn thì cần tiễn nhanh nhanh. không bao giờ được nhầm lẫn tình yêu - vốn đầy đủ và cao cả - với sự nghiện ngập tâm lý (tức là cảm giác thiếu thốn, không biết mình là ai, sẽ đi về đâu nếu không có người kia).
Có một niềm tin rằng trẻ nhỏ cần phải được ở trong một gia đình đầy đủ bố mẹ thì mới phát triển tốt. Nói như thế mới đúng được một nửa, hay thậm chí là một phần ba, hay có những trường hợp thì chẳng đúng tẹo nào. Không ít cha mẹ khi thấy mình không còn hạnh phúc với bạn đời và thấy cơ hội để cải thiện quan hệ hầu như là không, thì vẫn tìm đến tia hy vọng cuối cùng: đó là cố gắng ở lại vì con.
Chúng ta đã tính đến chất lượng của mối quan hệ của cha mẹ, cũng như sự gắn kết với con của người cha và người mẹ chưa? Chúng ta đã tính đến thời gian và tình yêu thương mà người cha và người mẹ dành cho con – riêng rẽ, và thể hiện qua hành vi hàng ngày, chứ không chỉ là lời nói? Chúng ta đã nghĩ đến sự có mặt và để tâm thực sự của cha mẹ khi ở bên con? Hay chúng ta đơn giản cho rằng chỉ cần có mặt, ngồi chềnh ềnh ở đấy là đủ?
Nói đơn giản hơn, tôi xin lấy một ví dụ nho nhỏ mà chính tôi nhìn thấy sáng nay khi vợ chồng cho hai con đi ăn sáng. Một ông bố cho hai con gái đi ăn sáng, một đứa khoảng 6-7 tuổi, đứa kia 3-4 tuổi. Ông bố bỏ ra ngoài hút thuốc, nói to với con gái lớn: "Xem em nó ăn chưa? Nếu chưa ăn, bảo nó là mình cho nó ở lại." Anh đó nói với con mấy lần như vậy. Con gái lớn chạy ra chạy vào, truyền thông điệp giữa bố và em. Thấy con gái bé chưa chịu ăn, người bố bảo đứa chị mang bát và dẫn em ra, rồi cầm lấy thìa nhét thức ăn vào mồm con, vừa đút vừa nói rất thô bạo: "Há mồm ra. Há to ra. Mày ăn cho hết đi. Há!" Con bé cứ ngậm miệng, không muốn há, mắt rưng rưng, nhưng cũng bị bố nhét cho hết vài ba miếng. Chẳng một ai trong quán buồn quay ra nhìn. Có lẽ là chuyện thường ngày ở cái xứ này. Tôi cũng chẳng biết nên can thiệp ra sao, và biết rằng đây chỉ là một trong vô vàn tình huống mà hai đứa trẻ thường xuyên lâm vào khi ở nhà với bố.
Gia đình nào yêu con tới đâu ở cái xứ này, chỉ cần quan sát qua một bữa ăn là biết. Người ta coi trẻ con là gì, là con người hay con lợn bị nhồi ăn thì chỉ quan sát qua bữa ăn là biết.
Giáo dục bằng dọa dẫm, ép buộc, và thậm chí bằng bạo lực là chuyện thường ở cái xứ này, dù đứa trẻ được ở cùng với bố hoặc mẹ, hay với cả hai, hay với cả đại gia đình bao gồm ông bà, chú bác, anh chị em họ.
Bạo lực đâu có phải chỉ là nắm đấm. Bạo lực còn là lời nói đau như dao cứa mà không ít người vẫn hàng ngày nói với trẻ. Bạo lực với trẻ đâu chỉ dừng ở lời nói và hành vi với trẻ, mà còn là lời nói và hành vi của những người trong gia đình với nhau.
Đứa trẻ sẽ cảm thấy ra sao khi bố mẹ nó cứ bị ông bà mắng cho té tát trước mặt nó, rồi nói với nó "ơ, con mẹ mày hư, thằng bố mày hư. Lát bà phạt cho"? Đứa trẻ sẽ cảm thấy ra sao khi bố mẹ nó bất hòa, to tiếng hay thậm chí là đánh nhau?
Vậy cứ ở cùng nhau đã là đủ đâu? Và nếu việc chia tay lại tạo ra một môi trường êm ấm hơn cho đứa trẻ, thì xin hãy mau chóng làm việc đó.
Đứa trẻ cần kết nối với ít nhất một người lớn – nếu không phải là mẹ thì có thể là bố, bà, hoặc một người trông trẻ 1-1 yêu thương trẻ. Kết nối ấy là cái khiến đứa trẻ cảm thấy được yêu thương, trân trọng, lắng nghe, thấu hiểu, tin tưởng. Người ấy là người mà đứa trẻ luôn chạy đến khi nó sợ, kể mọi suy nghĩ của nó mà không sợ bị phán xét, và thoải mái khóc vì biết mình được yêu và chấp nhận.
Đứa trẻ càng có nhiều nguồn hỗ trợ tinh thần như thế thì sự phát triển của nó càng được đảm bảo.
Đứa trẻ đã có được một người như thế chưa? Trong không ít gia đình mà bố mẹ còn ở với nhau, đứa trẻ còn chưa có được một người lớn nào như thế. Trong không ít gia đình, cả bố cả mẹ đều ở với đứa trẻ, nhưng không hề quan tâm tới cảm xúc và đời sống tinh thần của đứa trẻ. Tất cả vì một lẽ đơn giản: Người ta cho rằng chăm sóc một con người chỉ là chăm sóc cái cơ thể, tinh thần là rỗng và thích rót thì thì rót.
Bao nhiêu đứa trẻ đã trở thành những người lớn bị tổn thương và giờ lại tiếp tục làm tổn thương con cái, để rồi con cái sẽ tiếp tục làm tổn thương đời con, đời cháu của nó?
Người ta ca ngợi truyền thống dân tộc kinh lắm, hàng năm treo khẩu hiệu và tổ chức đủ loại ngày kỷ niệm và rót ối tiền vào những thứ đó, nhưng nhìn vào xã hội này thì biết được tầm vóc của dân tộc ở đâu. Nhìn vào người ông, người bà, người cha, người mẹ điển hình, nhìn vào cái mà người ta cho là bình thường, là đáng theo đuổi, đáng có, cách mà người ta sống, tư tưởng mà người ta đem theo – và đấy, tầm vóc dân tộc ở đấy.
ĐỌC VỊ ĐỨA TRẺ (HAY LÀ ĐỌC VỊ CHÍNH MÌNH)
Đa phần người ta chỉ muốn kể những gì tốt nhất ở con và ở mình. Đó không hẳn là do người ta cố tình chỉ muốn khoe mẽ - nó cũng là lẽ tự nhiên, bởi cái gì tốt nhất ở đứa con đều dễ được coi là thành quả của sự nỗ lực của cha mẹ.
Sự thật là luôn có mâu thuẫn xảy ra liên tiếp giữa đứa trẻ và cha mẹ. Khi một mâu thuẫn tưởng như đã được giải quyết, nó sẽ có thể chờ tới lúc khác thích hợp để ngoi lên; hoặc khi dạng mâu thuẫn đó kết thúc thì một dạng khác của mâu thuẫn lại xuất hiện. Đời sống với con cái thiếu vắng mâu thuẫn và trơn tru như được bôi dầu hoàn toàn không tồn tại.
Và sự thực là có rất nhiều phát triển ở đứa trẻ diễn ra một cách hết sức tự nhiên và là những gì tất yếu phải xảy ra, cũng như việc vượt qua một mâu thuẫn trong bản thân đứa trẻ hay một mâu thuẫn giữa nó và cha mẹ có một phần rất lớn là do nội lực của chính đứa trẻ.
Lấy ví dụ đơn giản thôi: Người ta thường nói đến cơn khủng hoảng tuổi lên 2 hoặc lên 3. Đó là giai đoạn trẻ trải qua các đặc điểm tâm lý hết sức tự nhiên, là khi đứa trẻ nhận biết và muốn thế hiện cái tôi của nó, là khi đứa trẻ muốn khẳng định bản thân nó bằng cách phản kháng cha mẹ, nói "không" và các biểu hiện tương tự. Nếu cha mẹ có thể giữ bình tĩnh và hiểu được nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện bề mặt, họ sẽ chẳng có gì phải lo lắng. Giai đoạn sẽ tự nó qua.
Điều nực cười là thế này: chúng ta thường nhầm lẫn rằng những biểu hiện đó là vấn đề, và tìm mọi cách để sửa chữa đứa trẻ. Khi giai đoạn đó qua, các đặc điểm tự nhiên đó cũng giảm dần, nhưng khi đó rất có thể người lớn sẽ nghĩ rằng chính là do sự giáo dục đúng đắn của họ mà trẻ mới có những thay đổi đó.
Nó cũng tương tự như việc đứa trẻ bị ho và sổ mũi, những triệu chứng hết sức tự nhiên và lành mạnh của một cơ thể có khả năng tự bảo vệ nó. Nhưng người lớn lo cuống lên, cho đứa trẻ đi bác sĩ, bác sĩ kê 3 thứ thuốc, và người ta vội vã cho con uống. Khi giai đoạn tự chữa lành của cơ thể đã qua, cũng là lúc mà người ta cho con uống thuốc xong, người ta vội vã tin tưởng rằng chính nhờ có thuốc nên đứa trẻ mới có thể khỏi ho và sổ mũi.
Người lớn đang xác định sai quá nhiều vấn đề, nhận trách nhiệm sai chỗ, cũng như nhận sai thành quả. Nguyên nhân lớn nhất bao gồm việc thiếu khả năng quan sát tinh tường và tỉ mỉ những diễn biến tâm lý và hành vi của đứa trẻ, cũng như thiếu khả năng quan sát nội tâm, diễn biến tâm lý, và hành vi của chính mình để hiểu những tác động của người lớn tới đứa trẻ. Nói cách khác, chúng ta thiếu khả năng phân biệt được đâu là những yếu tố bẩm sinh, độc lập với môi trường, và đâu là những gì chịu ảnh hưởng của môi trường và có thể được tác động để thúc đẩy phát triển tích cực.
Vấn đề lớn nhất là người lớn có xu hướng thích cái họ muốn phải diễn ra theo cách họ muốn ở thời điểm họ muốn mà không quan tâm những mong muốn đó có liên quan gì tới những phát triển tự nhiên của đứa trẻ hay không.
Một ví dụ đơn giản là cách người ta luyện cho trẻ tháo bỉm. Khoa học hiện nay biết rằng mỗi một đứa trẻ đều phát triển theo cách duy nhất với tốc độ duy nhất; điều này đúng với mọi phương diện, trong đó có việc tháo bỉm. Nếu đứa trẻ chưa sẵn sàng, thì bạn cứ thử tháo bỉm cho nó đi, nó sẽ tè dầm liên tục. Khả năng kiểm soát tiểu tiện vào buổi đêm của trẻ đi đôi với những phát triển trong hệ thần kinh và khả năng kiểm soát cơ thể của hệ thần kinh. Nếu bạn tìm cách ép cho đứa trẻ bỏ bỉm sớm hơn, ép cho nó đừng tè dầm nữa mà thời điểm đó chưa đến, thì bạn sẽ phát điên.
Ngược lại, nếu bạn lựa đúng thời điểm nó đã sẵn sàng, và đứa trẻ bỏ bỉm thành công, hãy nhớ đó là do bạn chớp thời cơ, còn phát triển đó là tự bản thân đứa trẻ như vậy, chứ không phải bạn đã làm được điều gì to tát và đúng đắn.
Rất nhiều nỗi điên của người lớn chỉ là như vậy: chẳng hiểu mình đang làm gì.
Việc học chữ, học đọc, học số, hay bất kỳ kỹ năng nào cũng tương tự. Bậc cha mẹ nào đó phát điên vì con họ không chịu tập trung học chữ, nói mãi mà vẫn không nhớ,... Tại sao? Vì thời điểm chưa đến. Họ đã lựa sai thời điểm. Có đứa quan tâm tới chữ từ 2 tuổi, nhưng có đứa thì tới 5 tuổi, có đứa thì muộn hơn nữa. Khi bạn dạy được chữ cho đứa trẻ, hãy nhớ rằng hơn một nửa thành công là do đứa trẻ đã sẵn sàng. Nếu bạn tìm cách dạy cái gì đó mà đứa trẻ không thể làm được, hãy xem lại mức độ sẵn sàng của đứa trẻ, hãy xem nó có chú ý không, có quan tâm không, có vui vẻ tự nguyện không. Hoặc có một lý do đơn giản hơn nữa: bạn đã tiếp cận sai cách, cho dù đứa trẻ sẵn sàng. Đứa trẻ cho cha mẹ mọi câu trả lời về cách thức tiếp cận của họ. Chỉ có điều, người lớn có biết đọc các dấu hiệu đó không?
Cha mẹ hay người dạy chỉ là chất xúc tác, không phải người dẫn đường.
Hãy khiêm tốn và biết ơn vì đứa trẻ đã cho bạn một cơ hội để hiểu chính bạn và đời sống thông qua việc tương tác với đứa trẻ. Đừng vỗ ngực tự hào mình là người thầy giỏi. Sinh con rồi mới sinh cha. Có trò thì mới có thầy.
KHI CĂNG THẲNG, BẾ TẮC, CẦN PHẢI LÀM GÌ?
Bài bày mình viết cho các mẹ và những phụ nữ làm vợ; mọi người khác đọc cũng được – nếu cảm thấy tương tự trong các hoàn cảnh khác với vai trò khác.
Nhiều phụ nữ cảm thấy bế tắc với chồng, với con. Khi con hoặc chồng có biểu hiện không như ý của họ, họ muốn sửa điều đó, cảm thấy bất lực. Lắm khi càng ép chồng ép con phải như thế nào đó, thì chồng con lại càng phản ứng mạnh hơn. Trong tình huống như vậy, chúng ta phải hiểu rằng: cũng giống như tự đấm tay vào tường, lực bạn cho đi mạnh bao nhiêu thì bạn sẽ nhận lại được từng đấy. Nắm cát trong tay mà bạn càng bóp mạnh thì cát sẽ chui hết qua kẽ tay.
Muốn giữ cát lại thì tay phải vừa phải, nâng niu, nhẹ nhàng thôi. Muốn không bị nhận lại lực phản lại thì hãy ngừng tạo ra áp lực.
Câu trả lời cho tình huống bế tắc, căng thẳng là: Hãy buông lỏng đi, thư thái đi.
Mọi người rất sợ rằng nếu mình thả ra, thư thái ra, thì vấn đề sẽ không được ai giải quyết cả. Họ rất sợ rằng căng thẳng như thế sẽ tồn tại vĩnh viễn nếu không có sự can thiệp và tái định hướng của họ.
Có một quy luật rất đơn giản: mọi thứ đều thay đổi. Hết sáng thì lại tối, hết tối thì lại sáng. Quanh năm, các mùa luôn thay đổi, cây cối đâm chồi, nở hoa, ra quả, rụng lá rồi lại lặp lại chu kỳ đó.
Khi bạn thấy quá căng thẳng với bản thân, con cái hay bạn đời, bạn hãy nhớ rằng đó chỉ là nhất thời thôi. Khi bạn thấy xa cách với chồng, bạn cũng nhớ rằng đó chỉ là tạm thời thôi. Khi nào gần quá thì lại phải xa. Có xa mới có gần. Con cái có những giai đoạn phát triển khi chúng phản kháng mạnh mẽ. Nếu bạn chấp nhận điều đó và có thể bình tĩnh, bạn sẽ thấy giai đoạn đó sẽ qua. Nếu bạn vẫn kiên định với tình yêu của bạn dành cho chúng trong những tình huống và giai đoạn đó, bạn sẽ thấy chúng sẽ tự nhích lại gần bạn và hợp tác với bạn hơn.
Nhưng nếu ở trong đúng giai đoạn của chu kỳ khi mà mọi thứ phải xa, phải lạnh, phải khó, phải mâu thuẫn, mà bạn lại cố kéo lại, cố làm nóng mọi thứ, cố muốn biến nó thành cái dễ, cố đè nén mâu thuẫn, thì rất có thể mối quan hệ sẽ mất tính đàn hồi tự nhiên, và sợi dây sẽ đứt.
Khi nào ta thấy ta quá mệt mỏi, căng như sợi dây đàn, thì ta phải nhớ rằng khi đó là khi ta cần phải nghỉ, cần phải co bớt lại.
Chấp nhận mọi thứ chính là như thế. Sống thuân theo cái tự nhiên thì sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn, tinh thần nhẹ nhàng hơn.
Khi nào thấy cáu giận, buồn bực, hãy nhớ cảm xúc sẽ đi. Ta phải mở ra để cho cảm xúc đi. Khi nào thấy suy nghĩ mông lung xuất hiện gây ra lo lắng, sợ hãi, uổng phí thời gian, hãy mở cửa cho chúng đi. Vậy thôi! Đừng bít mình lại. Làm như thế là ngăn dòng chảy trong mình. Nước tù đọng sẽ trở thành nước bẩn và ô nhiễm.
Giữ cho cảm xúc và tâm trí sạch sẽ bằng cách rất đơn giản như vậy thôi. Và bạn sẽ cảm nhận cuộc đời theo một cách rất khác, và mọi mối quan hệ sẽ tự chuyển hóa.
-------------------------------------
Các bà vợ trẻ có bao giờ khó chịu vì chồng không chịu chơi với con, khi chơi với con lại hay mải màn hình, hoặc nhắc làm việc nhà thì lời nói vào tai này ra tai kia không?
Các bà vợ thường kết luận: chả biết trông con, chả biết chơi với con, vô trách nhiệm,... Mà càng trách chồng và nghĩ về chồng như thế thì mình khó chịu, chồng cũng khó chịu. Một khi người khác đã cảm thấy bạn luôn ở thế sẵn sàng soi mói, chỉ trích, phán xét, ra lệnh cho họ, thì họ sẽ luôn đối đầu với bạn. Tâm lý đó chính là do phản ứng của các bà vợ tạo ra đầu tiên. Bởi thế, nếu hiểu điều này, thì các bà vợ chỉ cần điều chỉnh phản ứng của mình, kiểm soát nó, và thay đổi chiến lược tương tác với chồng. Tin hay không thì chẳng có ông chồng nào lại có thể miễn nhiễm với tâm lý của vợ. Lời nói, thái độ tích cực, tin tưởng, trân trọng, thông cảm thì khiến người bạn đời muốn tham gia chăm sóc gia đình hơn. Ngược lại, cho dù bạn có lý giải gì với họ nhưng lại chọn thái độ đứng-ở-trên-nhìn-xuống thì người bạn đời của bạn sẽ chỉ muốn tránh bạn thôi.
Nếu chồng bạn có phần giống chồng tớ (vì biết đâu có bạn lại bảo "nhưng chồng tôi không giống chồng người khác. Ai bảo được, dạy được, chứ chồng tôi thì hết phương cứu chữa"), sau đây là vài tips đơn giản nhé:
1)
ĐỪNG: dặn trước việc cần làm trước vài tiếng hay một, hai ngày. VD: Mai anh nhớ mua bỉm cho con, sáng dậy nhớ vứt rác nhé, lát nữa nhớ...
NÊN: tới đúng lúc cần làm việc đó hãy chớp ngay thời cơ để nhắc NGAY. VD: anh đổ rác luôn nhé. Nếu chồng sẽ đi ra ngoài, đừng dặn từ sáng là trong ngày cần làm gì. Chờ tới lúc cần, hãy gọi điện hay nhắn tin để nhắc tới việc cần làm ngay lập tức.
2)
ĐỪNG: nói chung chung về việc cần làm, vd như: "Anh làm việc nhà giúp em đi chứ!"
NÊN: nói cụ thể là bạn muốn việc gì, vd: "Em muốn anh đổ rác."
3)
ĐỪNG: nói với chồng chung chung như "anh chơi với con đi".
NÊN: nêu việc cụ thể cần làm với con, như đưa hẳn cho chồng 1-2 cuốn sách và yêu cầu cụ thể: "Anh đọc sách này cho con nhé."
4)
ĐỪNG: chờ tới lúc chồng không làm gì rồi nhăn nhó, khó chịu, trách móc, "Sao em bảo anh làm mà anh cứ quên thế nhỉ? Anh bị làm sao thế?"
NÊN: chờ tới lúc chồng nhớ làm việc gì, hãy khen ngay "Cảm ơn chồng hôm nay đã nhớ làm việc ABC, em rất vui."
5)
ĐỪNG: trong lúc quá cáu, mất kiểm soát, tuôn ra những lời gây tổn thương, từ một việc nhỏ dẫn đến kết luận không đúng, ví dụ như chồng có lúc chơi với con, có lúc không, nhằm đúng lúc chồng mải điện thoại và nói: "Biết ngay mà. Chả ra cái kiểu gì. Lúc nào cũng ôm cái điện thoại. Chả biết chơi với con. Chả biết chăm con. Blah bah."
NÊN: nếu quá cáu, hãy diễn đạt ngắn gọn, mô tả lại cảm xúc của mình, bắt đầu câu với "em" chứ đừng bắt đầu câu với "anh", nêu cụ thể mong đợi: "Em rất bực khi thấy anh không chơi với con. Em muốn anh tắt màn hình trong khi chơi với con."
6)
ĐỪNG: so sánh chồng với mình. "Anh không thấy là em đã làm cái này, cái nọ, mà sao anh chỉ được có thế?"
NÊN: tập trung vào điểm tốt. "Em biết anh không hoàn hảo, nhưng em vẫn biết ơn khi anh làm điều XYZ".
7)
ĐỪNG: kể lể tính xấu của chồng hay những gì bạn không thích với một nhóm bạn, một người bạn, và tuyệt đối đừng bao giờ nói xấu chồng trên Facebook cho dù là trên trang cá nhân hay comment ở nơi khác.
NÊN: có mâu thuẫn, khó chịu với chồng, hãy nói chuyện thẳng thắn, bình đẳng tay đôi với nhau giữa hai con người.
8)
ĐỪNG: chờ tới lúc chồng làm được gì mới ngợi khen.
NÊN: thể hiện tình cảm thường xuyên. Ngay cả gửi vài cái trái tim hay hình con chó nhảy nhảy có trái tim bay ra trên đầu trên Facebook messenger cũng đã được tính.
9) Đừng quên thường xuyên nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau để hiểu nhau và ôm nhau thật nhiều.
10) Và cuối cùng đừng quên: bạn không thể có được anh chồng hoàn hảo như mong muốn của bạn đâu ạ, vì nếu có thì anh ta gọi là nô lệ chứ không phải chồng nữa. Ngược lại, bạn cũng nên cảm thấy may mắn nếu chồng bạn không có những đòi hỏi, bất mãn với bạn, hay so sánh bạn với cô vợ nhà hàng xóm.
(ảnh mang tính chất minh hoạ-giải trí)
---------------------------------
Khu bố mẹ tôi ở có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Một điều lạ lùng khi tôi cho các con xuống sân chơi vào mùa đông là hầu như chỉ toàn trẻ con Hàn Quốc, trẻ con Việt Nam hầu như không xuất hiện, kể cả vào những ngày nghỉ. Nếu có thì thường chỉ là những em bé bé tí tẹo được bà hoặc giúp việc bế đi chơi – họ cũng thường ngồi một chỗ, chứ không để cho trẻ con được lăng xăng.
Có lẽ là do gia đình sợ con bị lạnh – một nỗi sợ phổ biến của người Việt. Người Việt, trong đó có cả phụ huynh Việt, có quá nhiều nỗi sợ, họ sợ quá nhiều thứ tới nỗi mà họ không dám để cho đứa trẻ làm gì nữa. Nhìn đâu họ cũng thấy nguy hiểm đầy rẫy: nguy hiểm từ việc cho đồ vật an toàn vào mồm, nguy hiểm khi chơi với nước, nguy hiểm khi tắm, nguy hiểm khi đi chân đất, nguy hiểm khi con chạy nhảy (sợ con ngã), nguy hiểm khi con tự ăn (sợ con không tự xử lý được thức ăn, sợ con không ăn đủ), nguy hiểm khi đi dưới mưa, nguy hiểm khi gặp gió, nguy hiểm khi lăn ra đất cát để chơi...
Tóm lại là cứ giữ đứa trẻ ở trong nhà, ôm chặt lấy nó, không cho nó làm gì hết, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của nó, ngăn cấm đủ thứ, sửa đủ thói quen,...Đó là một phần lý do người ta trở nên kiểm soát trẻ thái quá. Và sự kiểm soát thái quá với trẻ chẳng khác nào một liều thuốc độc.
Suy nghĩ và hành động gì của rất nhiều người lớn xuất phát từ cái "nếu nó làm như thế thì nó sẽ bị...", "nếu mình làm/không làm thế này thì mình sẽ bị..." và để tránh không bị hậu quả phần lớn là tưởng tượng đó, họ bắt đầu nghĩ cách để ngăn chặn sao cho hậu quả đó không xảy ra.
Đó là sống với nỗi sợ. Rất nhiều cái gọi là cách thức giáo dục chỉ là một thứ được sản sinh ra nhằm đối phó vói những nỗi sợ xuất phát từ tâm trí. Nhưng người ta tự hào lắm: tự hào là mình "uốn nắn" được con, tự hào với những quy tắc và "nề nếp" hết sức lố bịch.
Do không hiểu nguồn gốc của những hành vi và suy nghĩ của chính mình, nhiều người lớn đã tự tạo ra vấn đề, và rồi tự loay hoay tìm cách giải quyết chính vấn đề đó. Và vấn đề cứ thế tiếp tục được sản sinh, và người ta chạy cuống cuồng cả đời như chuột bạch chạy trong lồng chẳng để đi tới đâu cả. Người ta không hiểu nguyên nhân chính của việc chạy cuống cuồng chính là nỗi sợ.
Để giải quyết được tình trạng này thì ta phải nhận diện được nỗi sợ, hay chính xác hơn là đối diện được với tâm trí, cảm xúc và hiểu cách thức vận hành của nó. Đấy là lý do tâm trí và cảm xúc phải được kiểm soát. Nếu tâm trí và cảm xúc không được kiểm soát, chúng sẽ thành ông chủ.
Đây là lý do chúng ta phải học cách nhận diện những suy nghĩ và cảm xúc của mình, học cách giải tỏa cảm xúc đúng cách để cảm xúc có thể thoát đi, học cách quan sát suy nghĩ và để chúng thoát đi, mà không níu léo lấy suy nghĩ và cảm xúc của mình. Khi làm được điều này, ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng ở bên trong. Và khi có sự tĩnh lặng này thì ta trở nên sáng suốt.
Hãy thử hình dung nếu giáo dục trẻ không còn bắt nguồn từ nỗi sợ nữa, mà thay vào đó, nó bắt nguồn từ tình yêu, thì "cuộc chơi" giáo dục sẽ thay đổi như thế nào? Đó mới là cuộc cách mạng đích thực trong giáo dục.
Khi có tình yêu tràn đầy cho đứa trẻ, người lớn:
- Thừa nhận và hạnh phúc với sự duy nhất của đứa trẻ ở trên đời này.
- Thương yêu đứa trẻ mà không đòi hỏi nó phải như thế nào mới xứng đáng với tình thương đó.
- Tôn trọng đứa trẻ và đối xử với đứa trẻ như một con người ngang hàng, chứ không coi nó là một đứa trẻ có vốn sống, hiểu biết, tư duy, kinh nghiệm ít ỏi so với mình và do đó có ít quyền hơn mình.
- Tôn trọng sự khác biệt ở đứa trẻ và không còn coi những gì khác biệt ở đứa trẻ là "vấn đề".
- Ngừng hình dung và tin tưởng rằng có một khuôn mẫu mà đứa trẻ phải theo.
- Ngừng phóng chiếu nỗi sợ của mình qua đứa trẻ, và ngừng áp đặt giải pháp của mình qua đứa trẻ.
------------------------
Tình yêu thật sự là gì ư?
Là như thế này:
Đây, bạn hãy nhìn tôi đi, tôi sẽ cho bạn thấy con người thực của tôi, những cảm xúc, những suy nghĩ, những mặt tính cách khác nhau, những thói quen, những tính "xấu", những tính "tốt", những lúc tôi yêu đời, những lúc tôi buồn nản và thất vọng, những lúc tôi yếu đuối, những lúc tôi tràn đầy tình yêu và hi vọng, những điều tôi ao ước, những điều tôi sợ sệt, những gì tôi căm phẫn,... Tôi sẽ chẳng nghĩ trước khi nói vì lo sợ phản ứng của bạn. Tôi sẽ chẳng cần phải che những nếp nhăn trên bụng, chẳng cần phải trang điểm tinh tươm mỗi sáng vì sợ bạn chê xấu.
Bạn yêu tôi thực sự thì bạn sẽ ở lại, bạn sẽ quan sát tất cả mà không có một chút phán xét, đánh giá, coi thường, ngưỡng mộ, tâng bốc,..., tôi như thế nào thì bạn sẽ chấp nhận tôi như thế; nếu không bạn sẽ bực bội, tức giận, thất vọng, giảng giải, tìm cách thay đổi tôi, xa lánh, và cho dù bạn có ở bên cạnh tôi thì bạn thực chất cũng không có ở đó.
Tôi yêu bạn thực sự thì tôi sẽ cho bạn thấy tất cả; nếu không thì tôi sẽ che giấu và giả vờ là cái người mà bạn muốn tôi làm.
Tôi không thích chơi trò chơi giả vờ.
Nếu bạn yêu ai đó, thì bạn cũng phải chấp nhận những lúc họ xấu nhất. Nếu tình yêu của bạn chẳng trụ vững được khi họ xấu hoặc khác với ý bạn, thì bạn đã trượt bài kiểm tra. Nếu bạn chỉ yêu họ khi họ đẹp, khi họ như ý bạn thôi, thì tình yêu đó chỉ là ảo tưởng.
Tình yêu cho bản thân mình cũng vậy. Nếu bạn không thể chấp nhận được những lúc bạn xấu xí, thất bại, yếu đuối ngang như những lúc bạn đẹp đẽ, thành công, mạnh mẽ, thì bạn chưa có tình yêu cho bản thân mình. Con người càng có ít tình yêu cho bản thân thì càng dễ quỵ ngã.
Bạn cứ ngẫm kỹ vào, và cho tôi biết: trong đời, bạn đã thực sự yêu được mấy người?
-------------------------
DẤU HIỆU TRƯỞNG THÀNH CHO DÙ BẠN Ở ĐỘ TUỔI NÀO
Nếu bạn đã từng băn khoăn tại sao có những người nhiều tuổi mà hành xử thiếu chín chắn, và tại sao có những người trẻ mà bản lĩnh đến vậy, thì câu trả lời – như bạn tự biết – là sự trưởng thành không đi đôi với tuổi tác ở cuộc đời này, mà đi với tinh thần học hỏi, sự sẵn sàng giải quyết vấn đề của bản thân một cách triệt để, và mong muốn mãnh liệt tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.
23 dấu hiệu cho thấy bạn thực sự trưởng thành:
1 – Bạn hiểu tính cách, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm, xu hướng cảm xúc, thói quen.... của bản thân. Bạn có ý thức về bản thân mình.
2 – Bạn biết mình muốn gì và không muốn gì.
3 – Bạn chấp nhận toàn bộ con người của bạn. Bạn không còn so sánh mình với ai, không còn chạy theo một tiêu chuẩn nào, và không cho phép ai đặt ra tiêu chuẩn bắt bạn phải sống theo.
4 – Bạn quyết đinh cách bạn sống. Không ai có quyền can thiệp vào cách bạn sống.
5 – Bạn tự đặt ra những câu hỏi quan trọng: Tôi là ai? Tôi ở đây làm gì? Hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Mục đích của toàn bộ sự sống là gì? Và bạn đi tìm câu trả lời. Hành trình có thể là cả cuộc đời mỗi con người.
6 – Bạn chấp nhận những người xung quanh. Bạn chán ngấy việc phải bàn cãi xem ai đúng, ai sai, chán ngấy việc trách móc, đổ lỗi, bắt ép nhau. Bạn ngừng tranh phần đúng, chừa lại cho người khác phần sai. Bạn hiểu rằng không hề có đúng hay sai.
7 – Bạn hiểu rằng mỗi người đang ở trên một hành trình của riêng họ. Mỗi người phát triển ở tốc độ khác nhau, mỗi người phải trải qua các sự kiện khác nhau vì lý do khác nhau, không ai ở trên hành trình giống nhau. Vì vậy, bạn tôn trọng con đường của người khác và lựa chọn của họ mà không phán xét. Bạn hiểu.
8 – Bạn biết điều tiết cảm xúc. Bạn biết cảm xúc đến rồi đi, và không bấu víu lấy chúng, cũng như không để chúng làm bạn mù quáng.
9 – Bạn biết kiểm soát suy nghĩ. Bạn biết tự ngừng các dòng suy nghĩ không cần thiết.
10 – Bạn biết nói "Không" một cách nhẹ nhàng, không gây tổn thương cho người khác.
11 – Càng ngày, bạn càng quay vào bên trong. Bạn biết sống nhiều hơn trong yên lặng.
12 – Thay vì phản ứng với cảm xúc và suy nghĩ, bạn biết quan sát. Bạn hiểu sự quan trọng của khả năng quan sát. Bạn biết đó là cách duy nhất để trở nên sáng suốt hơn.
13 – Bạn bỏ ngoài tai những gì mọi người nói, và dám sống đúng là mình, cho dù người khác nói gì. Đến một lúc nào đó, họ cũng sẽ nhận ra những lời nói của họ là vô ích, tự dừng lại để lo cho cái thân của họ.
14 – Bạn ngừng chỉnh sửa người khác.
15 – Bạn ngừng bàn tán và đánh giá người khác.
16 – Bạn lắng nghe trực giác của bạn nhiều hơn, lắng nghe trái tim nhiều hơn.
17 – Bạn lắng nghe cơ thể nhiều hơn.
18 – Bạn đặt câu hỏi tại sao với mọi thói quen, lề lối, với mọi hệ thống tồn tại trong xã hội. Bạn chỉ làm theo những gì bạn tin tưởng.
19 – Bạn ngừng xúc phạm người khác, ngừng làm tổn thương người khác bằng lời nói, ngừng kể những chuyện đã được đồn thổi mà không biết thực hư. Thay vào đó, bạn chỉ nói khi cần, chỉ trả lời/khuyên khi được hỏi, và chỉ nói sự thật.
20 – Bạn nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc sống của mình. Bạn ngừng biện hộ, ngừng đổ lỗi cho người khác, cho cha mẹ là vì họ mà mình như thế này.
21 - Bạn trân trọng những gì bạn có, cho dù đối với mọi người đó chỉ là những điều tầm thường.
22 - Bạn cảm thấy bình yên và thanh thản phần lớn thời gian.
23 - Bạn khiêm tốn - rất, rất, rất khiêm tốn.
--------------------------------------------------------
LỰA CHỌN
Bư chơi với gấu bông và nhẹ nhàng nói:
"Con có hai lựa chọn, một là ngủ trên giường với bố mẹ, hai là ngủ ở đây. Chỉ có hai lựa chọn thế thôi. Bố mẹ không có giường cho con, nên con ngủ tạm trên ghế nhé, tại vì không có đủ chỗ, giường chỉ cho hai người nằm thôi. Xin lỗi con nhé. Nhưng trẻ con không ngủ được một mình đâu. Trên giường không có chỗ. Con có thể ngủ ở trên bụng của mẹ. Con ơi, con có lạnh không? Buổi đêm con toàn đạp chăn ra. Để mẹ đắp chăn cho."
Nghe đúng giọng của mẹ. Dạo này bạn ấy mê giả vờ làm mẹ, thích cho một em khỉ vào bụng và giả vờ đang có bầu.
Mình quan sát thấy mình nói năng vời bạn ấy thế nào thì bạn ấy nói lại y xì đúc với tụi gấu bông.
Vì vậy, nếu bạn quan sát con của bạn lúc chơi phân vai, bạn sẽ quan sát được chính cách bạn (hoặc một ai đó khác mà con hay tiếp xúc với) đối xử với con. Và nếu bạn thấy giật mình, thì hãy nghĩ lại xem mình cần phải điều chỉnh gì. Nếu không, thì bạn có thể mỉm cười hạnh phúc ngắm nhìn thành quả giáo dục con của chính bạn.
------------------------------------------------
CHẤP NHẬN THỰC TẠI
so sánh với việc giáo dục con có lẽ sẽ giúp nhiều bạn hiểu. nên để tôi bắt đầu với ví dụ về con.
khi con làm một việc gì đó trái với ý ta, thường ta dễ bực. trong một số trường hợp, ta dễ nổi điên và chụp mũ cho con: "tại nó hư." tới lần sau khi mọi thứ lặp lại, ta đã có đánh giá từ lần trước rồi, ta dễ lại đem nó ra sử dụng và bảo: "nó hư sẵn rồi, lần nào mà chẳng thế."
những trường hợp như thế, ta chọn đối đầu. mà khi ta chọn đối đầu thì ta không có khả năng hiểu con. ta đã quá tự tin với cái hiểu của mình về con, và rồi ta để nó cứng lại như xi măng.
những khi ta bực, ta phản ứng, ta phán xét con (và xa hơn nữa là quát mắng không kiểm soát và đánh), ta nên hiểu rằng đó chính là ta đấy, không phải con đâu.
tại sao ta bực? không phải vì con hư, không phải vì con kém thông minh. ta bực vì một lý do rất đơn giản:
1- ta có những mong đợi và tiêu chuẩn dành cho con, và ta cho rằng đương nhiên mọi thứ sẽ phải như thế. ta cho rằng đó là con đường duy nhất.
2- khi con không như ta mong đợi, con phá vỡ mộng tưởng của ta. ta thấy tất cả mong đợi của ta như cái bong bóng vỡ tung. thế là đi hết những gì ta "xâp đắp".
khi cơn giận nổi lên, ta càng không nhìn ra được nguyên nhân. sau đó khi bình tĩnh, nếu ta có nhìn ra được nguyên nhân, thì có một thứ nữa hay giữ chân ta: sự phán xét bản thân như "sao mình có thể làm thế? mình không thể thứ lỗi được cho mình..."
* * *
thay con bằng các đối tượng khác, các sự kiện khác, phản ứng của ta thường diễn ra đúng thế.
giống như khi ta chia các biểu hiện ở con là xấu hoặc tốt, ngoan hoặc hư, ta cũng làm vậy với mọi đối tượng và sự việc khác.
nếu một sự việc diễn ta y như ý ta, ta thấy mãn nguyện. nhưng chỉ cần nó đi lệch tâm (so với kế hoạch của ta), là ta dễ nổi đoá. như vậy, sự mãn nguyện lúc trước là hạnh phúc giả.
hạnh phúc thực sự xuất phát từ trong ta, từ ý thức của ta, và là thứ giúp ta trụ vững cho dù hoàn cảnh ra sao. hạnh phúc không phải thứ thay đổi theo hoàn cảnh.
sức mạnh đích thực là sự chấp nhận, yêu thương thực tại.
khi thứ gì diễn ra trái ý ta, ta thường có thái độ phủ nhận: "không, không thể là mình. tại sao là mình? mình đã sống tốt, đã cố gắng. chuyện này không thể xảy ra, không nên xảy ra..."
khi ta chống đối những gì đang diễn ra, ta đã bỏ mất một điều cực kỳ quý giá: một bài học nhận thức dành riêng cho ta.
vì vậy, khả năng quan sát thực tại mới dẫn đến thấu hiểu. muốn quan sát được, ta phải biết tách mình ra khỏi những gì đang diễn ra, coi mình như khán giả thay vì diễn viên.
chừng nào còn phủ nhận, còn oán giận, thì ta chưa học và vẫn còn từ chối các bài học.
nếu ta mở lòng đón nhận những gì diễn ra, thì ta sẽ thay đổi nhận thức nhanh chóng.
đây là điều phải học, phải thực hành cả đời.
chấp nhận thực tại là chìa khoá dẫn tới tự do đích thực.
------------------------------------------------
NHÌN NHẬN TRẺ CHO ĐÚNG
Chắc hẳn bạn đã từng thấy các bậc cha mẹ, ông bà và nhiều người lớn khác bàn tán, so sánh trẻ nhỏ với nhau - ngay trước mặt chúng hoặc khi không có mặt chúng.
Lắm khi chúng ta chỉ bàn cho vui miệng. "Thế nào? Cháu nhà bà bao nhiêu cân? Bé nhỉ? Mà bà có nhớ cháu bà L không? Trông mặt xấu ghê. Mẹ nó thì ABC. À ừ đấy, uống sữa hãng XX đó. Mà đứa cháu nhà bà H thì ... Nó còn quấy khóc kinh. May mà cháu nhà tôi ngủ ngoan lắm...."
Với tôi, đó là những chuyện tán gẫu tạo ra năng lượng xấu.
Tôi từ chối việc nói chuyện về các con tôi hay bất kỳ đứa trẻ nào theo cách đó cũng như tham gia vào các cuộc bàn luận dạng đó.
Nếu bạn quan sát đủ tinh, bạn sẽ thấy cách mọi người nhìn nhận trẻ nhỏ thể hiện hết sức rõ ràng qua cách họ nói chuyện VỀ trẻ (không cần phải quan sát trực tiếp cách họ đối xử với trẻ để biết).
Chúng ta coi trẻ là gì? Là thứ để ta kiểm soát, là con rối để ta giật dây, hay một con người? Là một con người cũng có nhu cầu, mong muốn, cảm xúc và ý chí tự do cũng như ta, hay chỉ là một cái bình để ta thích đổ gì vào thì đổ, hay một cục đất nặn ta thích uốn thành gì thì uốn? Là con người nhỏ bé đang học để một ngày kia sẽ trở thành người làm chủ số phận của mình, hay chỉ là kẻ đày tớ sống để thực hiện những mơ ước dang dở (và thường lắm phần lệch lạc) của cha mẹ?
Nếu ta cho rằng trẻ bướng bỉnh, có khi nào đó là do ta không chịu tôn trọng ý muốn của trẻ?
Nếu ta cho rằng trẻ ích kỷ, có khi nào đó là do ta đã không cho trẻ thấy chia sẻ đích thực là như thế nào? Có khi nào chính ta đã tạo nên sự ích kỷ đó?
Nếu ta cho rằng trẻ lười biếng, có khi nào đó là do ta đã không cho trẻ cơ hội để tự làm mọi việc?
Nếu ta cho rằng trẻ dốt nát, có khi nào đó là do ta đã không cho trẻ cơ hội để thông minh?
Những đứa trẻ chậm nói (ngoài một lượng trẻ do bẩm sinh mà vậy) là do người lớn đã không chú ý nói chuyện với chúng. Những đứa trẻ chậm chạp trong giao tiếp (khó diễn đạt điều mình muốn nói, thiếu khả năng thấu cảm, không nhạy cảm với cảm xúc của người khác) là do người lớn đã không chú ý tương tác với chúng cho đúng cách.
Ta có thể nhìn ra rằng đứa trẻ mà ta có chính là do ta chịu trách nhiệm giáo dục hoàn toàn - chỉ ta và không ai khác?
Ta có hiểu hết tầm ảnh hưởng của mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ tới nhân cách của trẻ không?
Vì nếu ta không hiểu, thì ta sẽ không nhận hết trách nhiệm. Và khi ta không nhận hết trách nhiệm, khi ta còn có thể đổ lỗi cho một ai đó, thì ta né tránh trách nhiệm thật dễ dàng.
Trích tạm môt đoạn trong Liberated Parents, Liberated Children (của Adele Faber và Elaine Mazlish) cho các cha mẹ nhé:
_ _ _
Không có đứa trẻ nào là đứa trẻ ích kỷ. Chỉ có đứa trẻ cần được trải nghiệm niềm vui và sự hào phóng.
Không có đứa trẻ nào là đứa trẻ lười biếng. Chỉ có đứa trẻ không có động lực và cần ai đó tin tưởng rằng đứa trẻ ấy có thể trở nên chăm chỉ khi nó quan tâm tới điều nó làm.
Không có đứa trẻ nào là đứa trẻ hậu đậu. Chỉ có đứa trẻ mà sự vận động của nó cần được chấp nhận cũng như cơ thể nó được luyện tập.
Trẻ em - tất cả trẻ em - cần được người lớn ghi nhận những gì tốt đẹp nhất ở chúng và bỏ qua hoặc tái định hướng những gì tệ nhất ở chúng.
Và ai có thể thực hiện được công việc đầy thách thức này?
Những người cha, người mẹ.
Ai khác ngoài cha mẹ có thể sẵn sàng tự thay đổi chính mình để rồi khiến đứa trẻ thay đổi?
Ai khác ngoài cha mẹ có thể có tinh thần đủ lớn để nói với một đứa trẻ đang mắc lỗi, "Việc đã xong là xong. Bây giờ là bây giờ. Bắt đầu lại nào."
_ _ _------------
THÀNH THẬT VỚI TRẺ NHỎ
Chúng ta luôn dạy trẻ về các đức tính (trên thực tế, chúng ta rao giảng quá nhiều mà chưa biết hướng dẫn trẻ cho đúng), trong đó thật thà luôn được coi là một trong những đức tính quan trọng nhất.
Nghịch lý là nhiều cha mẹ dạy con về những đức tính, song bản thân, trong cách đối xử và tương tác với trẻ, thì không thể hiện được các đức tính. Trẻ con không học qua lời giảng giải hay giải thích. Chúng học qua chính cách chúng được đối xử và cách cha mẹ sống mà chúng quan sát được. Chúng tinh hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nhiều cha mẹ nói: "ANh/chị đã giải thích với con rất nhiều, nhưng con không nghe."
Cho phép tôi nhấn mạnh lại một lần nữa: Trẻ nhỏ không học qua những lời giải thích. Chúng học qua quan sát cuộc sống, quan sát hành vi và cử chỉ của cha mẹ. Khi cha mẹ nói mà không làm, bản thân chưa tự mài giũa các đức tính mà đã vội giảng giải cho con, hiệu quả là con số không.
Tôi xin đưa một số ví dụ đơn giản trong cách đối xử với trẻ để dạy trẻ cách thật thà:
1. Muốn trẻ thật thà với bạn, việc đầu tiên bạn cần làm là thật thà với chúng. Người lớn vô tình nói dối trẻ con rất nhiều chuyện, vì cho rằng chúng không cần biết, không nên biết. Nếu bạn muốn con xin lỗi bạn, thì bạn phải là người biết xin lỗi con trước khi bạn làm điều gì sai với con. Đừng ép chúng nhận lỗi khi chúng chưa sẵn sàng.
Bạn đã trót mắng con quá lời? Bạn lỡ để cơn giận chi phối? Nếu trót vậy, bạn biết phải làm gì rồi đấy (trước khi tự dặn mình phải cố gắng tiếp vào lần sau).
2. Cách để khiến chúng tự nhận lỗi không phải là "nhét chữ" vào miệng chúng: "Đấy, con thấy chưa? Con sai rồi. Con xin lỗi đi.", mà là giúp chúng biết cách dần tự đánh giá các hành vi của chúng. Để làm được điều này, cha mẹ phải biết tách biệt các hành vi ở trẻ và nhân cách trẻ, đặc biệt không tấn công nhân cách trẻ mà chỉ nhận xét chân thật về hành vi. Ví dụ, khi con làm đổ nước, hãy nói: "Đổ nước kìa con. Lấy khăn lau đi." thay vì "Lại làm đổ, biết ngay là không tự làm được. Lần sau đừng làm nữa. Xin lỗi mẹ đi!"
3. Khi trẻ con hỏi con sinh ra như thế nào hả mẹ, nếu bạn nghĩ mình không đủ trình độ, thì nên mua một cuốn sách phù hợp với lứa tuổi trẻ và đừng ngại nói về tinh trùng và trứng. Tôi đọc sách như thế cho con từ khi con 2,5 tuổi. Trẻ nhỏ không bậy bạ như người lớn, cách nhìn của chúng rất trong sáng – vậy nên chẳng có gì phải lo. Không nên nói rằng con sinh ra từ nách của mẹ. Khi chúng lớn lên, chúng sẽ phát hiện ra cha mẹ đã không thành thật trong nhiều chuyện.
4. Bạn nên chia sẻ với con theo cách con có thể hiểu được, tức là bạn có thể kể mọi chuyện với con, nhưng nên tự giản lược câu chuyện, và dùng từ ngữ ở mức độ chúng có thể hiểu. Con tôi có thể hiểu rất sớm về các vấn đề môi trường, thiên nhiên và con người, và một số vấn đề đạo đức mặc dù chưa đến 5 tuổi. Không phải vì con tôi là thần đồng, mà vì tôi đã chủ động giới thiệu các nội dung đó. Các cuốn sách cho trẻ nhỏ hoàn toàn có thể là công cụ rất tốt để hỗ trợ bạn.
Sẽ có người hỏi: Việc gì phải nói về trẻ con mấy chuyện đó? Câu trả lời của tôi là: Đây không phải vấn đề kiến thức, ghi nhớ. Đây là thế giới quan của con và các niềm tin của con về thế giới. thứ sẽ chi phối toàn bộ các hành vi của con.
Khi ta chủ động chia sẻ với con về những thứ ta đang trải qua, đặc biệt là những khoảng thời gian khó khăn, ta còn dạy con về sự đồng cảm – ta đang cho con cơ hội để hiểu ta. Tất cả đều rất quan trọng đối với mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi ta đang bực mình, ta có thể nói ngắn gọn: "Mẹ rất bực. Con chờ mẹ một lát để mẹ bình tĩnh lại."
5. Khi có ai đó trong nhà bị bệnh nặng hoặc qua đời, hãy nói thật với trẻ. Tôi thấy nhiều gia đình giấu trẻ, nói qua loa như: "Ừ, bác ấy bận, không đến được con ạ", trong khi câu trả lời thật là "bác ấy bị ung thư, sắp qua đời." Trong trường hợp con tôi không nhận được câu trả lời thành thật từ các thành viên khác trong gia đình (vì nhiều lý do), tôi phải nói thật với con tôi: "Bác ấy bị bệnh nặng con ạ. Giống như khi con bị ốm, nhưng rất mệt, không đi lại được." Có những trường hợp thì người trong họ qua đời, tôi nói với con tôi: "Ông ấy chết rồi con ạ. Thường thì mọi người không nói "chết". Nói "mất" lịch sự hơn."
Khi nói dối trẻ, người lớn nghĩ họ đang bảo vệ trẻ khỏi sự thật đau lòng. Bạn có thể nói giảm, nói ít, không bao giờ nên nói dối. Một sự thật rất đau lòng với người lớn thường không quá khó chịu với trẻ, vì trẻ nhỏ chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm sống và nỗi đau như người lớn. Chúng cũng không sử dụng lý trí để giải quyết vấn đề. Đây là lý do chúng chấp nhận sự thật, và quay trở lại trạng thái cân băng sau khi trải qua cảm xúc tiêu cực nhanh hơn người lớn rất nhiều.
6. Đừng ngại nói chuyện với trẻ về cái chết. Cái chết có thể là của một bông hoa, một cái cây, một con vật, và một con người. Sinh và tử diễn ra liên tục mọi lúc mọi nơi. Cũng có một số sách về đề tài này cho trẻ tầm 4+ bằng tiếng Việt rất hay. Cái chết không xấu, và cũng không đáng sợ nếu ta hiểu rằng nó chỉ là cánh cửa dẫn đến một thế giới khác. Bản thân linh hồn là bất tử.
* * *
Và lời khuyên cuối cùng dành cho người lớn với người lớn: Đừng nói dối ai để bảo vệ họ khỏi sự thật. Những lời nói dối mang tính bảo vệ như vậy chỉ tạo thêm đau khổ. Chúng ta thường xuyên làm điều này với chính mình: nói dối bản thân để trốn chạy sự thật vì quá sợ phải đối diện sự thật. Sự chạy trốn đó có thể kéo dài cả đời và lãng phí một đời người.
--------------------------------
CHUYỆN CỨU MỘT CON BƯỚM (copy từ post năm ngoái)
Hôm nọ hai mẹ con tôi vào quán cafe quen thuộc thường lệ để đọc sách và uống trà. Đọc được một lúc, tôi bỗng phát hiện ra một con bướm đêm rất to đang bị kẹt giữa tấm kính lớn và lớp mành che nắng. Lớp mành này rất mỏng, có thể nhìn xuyên qua được.
Sau khi chỉ con bướm đêm cho Bư (lúc đó gần 4 tuổi), hai mẹ con thấp thỏm quan sát con bướm bay lên bay xuống tìm đường ra trong vô vọng.
Trong khi đó thì những người uống cà phê khác không ai để ý sự có mặt của con bướm. Tôi quyết định xin quán một chiếc túi ni lông.
Đúng lúc con bướm bay xuống lần nữa thì đậu ở phần kính sát sau lưng môt anh Tây, tôi bèn chớp lấy thời cơ chạy ra nhờ anh cho ngay con bướm vào túi - và thế là nó đã nằm gọn trong đó, hai mẹ con chỉ việc chạy ra ngoài đi thả.
Có thể một con bướm chẳng là gì với nhiều người. Nó chết hay không thì chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình thế giới. Tuy nhiên, thi thoảng tôi vẫn nhớ đến ngày bé, khi bố vặt cánh chuồn chuồn cho vào bao thuốc lá để cho con chơi. Hồi đấy còn quá nhỏ, tôi không có cảm xúc gì về việc đó. Nhưng sau này khi lớn lên, tôi không hiểu sao nó in đậm trong kí ức một cách không lý giải được.
Sau này, có lắm lúc trong đời tôi cũng đã từng "giải cứu" các bạn bé nhỏ: từ kiến, ong, chuột, đến một số bạn côn trùng nữa (trừ ... muỗi). Còn lại là những lần mua cả patê cho bạn chó bị xích bên đường trông có vẻ đói, vứt bánh mì cho chó nhà hàng xóm, mua xúc xích đãi bạn Milu (chó nhà ông nội Bư), ... Nhớ hôm có con chuột sập bẫy của ông nội Bư, tôi về nhà lúc nửa đêm, lên phòng mà cứ áy náy quá, bèn lên google để tìm cách tách chuột ra khỏi keo. (Câu trả lời của anh Google là ... dầu ăn... Thành công rực rỡ.)
Nhưng cũng có lần tôi thất bại. Lần ấy tôi nhìn thấy một con chim trong sân. Nó bị làm sao đó, không bay được, cứ lủi thủi trong sân. Tôi chần chừ, chả biết giúp nó kiểu gì. Và đến sáng hôm sau, sau một đêm mưa to thì tôi nhớ là nó đã chết (mặc dù không nhớ được chi tiết là tìm thấy xác nó). Tôi nhớ mãi cảm giác đó.
Một trong những điều đơn giản tôi muốn dạy con là hãy trân trọng mọi biểu hiện của cuộc sống này, cho dù đó là một con kiến, con chim, một bông hoa, không khí, nước, ... những thứ bé nhỏ tí xíu đó cho đến cả Trái đất rộng lớn.
Nếu không tôn trọng được những thứ bé nhỏ, bạn không thể quý trọng được Trái đất.
Tôi tin con sẽ giữ những kí ức đẹp về con bướm, thay vì những kí ức chuồn chuồn của mẹ nó, và tiếp tục nhiệm vụ giải cứu những con vật bé nhỏ những khi có thể.
Tình yêu thương bất đầu với những thứ bé nhỏ. Không bắt đầu với thứ bé nhỏ thì lớn như thế nào?
---------------------------------
TÔI LÀ AI: MỐI QUAN HỆ VỚI CHÍNH MÌNH.
Chúng ta luôn được dạy từ nhỏ phải chăm ngoan, lễ phép, phải biết chào hỏi, nghe lời. Lớn lên một chút, trường học lại dạy ta việc phải biết hợp tác, phải biết làm việc trong nhóm, phải chan hoà, chia sẻ,...
Có một nghịch lý rằng, bất kể chúng ta đã được dạy như thế, khả năng kết nối thực sự của đa số chúng ta với mọi người khá hạn chế. Sự kết nối thực sự phải là kết nối giữa trái tim với trái tim. Trong khi đó, đa số các kết nối khá hời hợt, chỉ xảy ra ở bề mặt, như những cái chạm nhẹ xảy ra với tần suất lớn nhưng không thể tiến sâu hơn được. Càng có nhiều những kết nối thiển cận như thế, chúng ta càng cảm thấy cô đơn, muốn được gắn kết nhiều hơn nữa.
Nhưng nỗi cô đơn cứ lớn dần. Nó giống một cái lỗ đen cứ hút hết mọi thứ vào.
Và chúng ta tự hỏi mình: Nỗi cô đơn bao giờ chấm dứt? Cuộc sống khổ vậy sao? Tại sao ngay trong những mối quan hệ với cha mẹ và vợ chồng, ta vẫn cứ cảm thấy trống trải vậy? Tại sao ở bên nhau, có nhau, mà ta cô đơn vậy?
Từ trải nghiệm của chính mình, nhiều người lớn chưa hiểu được rằng mối quan hệ với người khác sâu sắc và thoả mãn ở mức độ nào tỉ lệ thuận với mối quan hệ với chính bản thân và mức độ hiểu bản thân, hạnh phúc với bản thân của mỗi người.
Có lẽ chưa có trường học nào ở nước ta từng dạy học sinh: Này các con, các con hãy dành thời gian cho bản thân mình để kết nối với chính mình đã. Khi ấy, các con khắc kết nối được với người khác.
Vì vậy, bao người cứ như những cái cây mất rễ, hoặc có bộ rễ yếu, không đủ khả năng nuôi dưỡng và phát triển bản thân.
Làm sao ta phát triển được bản thân khi tình yêu trong ta chưa đủ lớn? Làm sao ta phát triển được khi chất dinh dưỡng không đủ? Phát triển ra sao khi ta còn băn khoăn ta là ai, khi ta còn nhiều bối rối, lo lắng, sợ hãi? Làm sao ta vững vàng nuôi dạy con khi ta thiếu vắng tình yêu cho chính mình?
Ta bối rối, lo lắng, sợ hãi, thì ta cũng lại truyền bối rối, lo lắng, sợ hãi cho con. Ta không thể giải quyết những triệu chứng đó nếu không giải quyết vấn đề gốc rễ. Vấn đề gốc rễ là ta chưa bao giờ dám đối mặt với sự cô đơn để hiểu nó và để tìm thấy chính mình trong đó.
Khi hiểu được mình, ta không còn sợ cô đơn. Khi hiểu được mình, ta hạnh phúc - cho dù ta một mình hay ở bên cạnh ai. Khi hiểu được mình, ta không cần ai để làm ta hạnh phúc. Ta không có đòi hỏi gì cả. Ta tự do.
Chỉ khi ta tự do thì ta mới có thể hạnh phúc với những người khác. Nếu ta cô đơn, ta sẽ tìm đến những người khác như công cụ để khoả lấp nỗi cô đơn của ta. Khi ấy, ta không thể nào thực sự kết nối với ai được.
Cách để tìm thấy mình là đi thật sâu vào bên trong bản thể của mình. Hãy tĩnh lặng. Hãy chấp nhận bản thân. Hãy quan sát. Hãy đặt câu hỏi. Không cần phải vội vã tìm câu trả lời. Câu trả lời sẽ tự xuất hiện khi bạn đã đủ tĩnh lặng.
Nếu bạn vội vàng tìm câu trả lời, rất có thể bạn sẽ ép câu trả lời qua lý trí. Lý trí thì chậm chạp và hay bối rối. Nó không nên là thủ lĩnh dẫn đầu. Nó phải học cách im lặng và kiên nhẫn để đừng làm rối tung các thứ lên.
Thiền chính là cách để kết nối với bản thể của mình.
Bạn thử thiền đều đặn đi. Và hãy dạy con cái của bạn thiền khi chúng sẵn sàng. hãy để cho chúng có thời gian chơi với nhau, chơi với người khác, và cũng để cho chúng có thời gian chơi một mình khi chúng muốn thế. Không cần phải bắt chúng gặp gỡ 8 tiếng một ngày. Khoảng thời gian dài như thế cho việc gặp gỡ người khác là vô ích. Chúng chỉ cần ít thôi - ít và có chất lượng thực sự, chứ không phải những liên kết lỏng lẻo, vô hồn.
--------------------------
SỨ MỆNH
"Tôi biết tôi là ai. Thở vào, thở ra, và tập trung vào hơi thở của mình, tôi nhớ ra sứ mệnh của mình và tôi biết tất cả đều ổn."
"Tôi yêu sự thật về bản thân tôi."
"Tôi tin tưởng bản thân tôi."
"Tôi có tình thương cho bản thân và mọi người xung quanh."
"Tôi tôn trọng cơ thể của mình."
Có một cách đơn giản để giúp chúng ta tĩnh tâm hơn. Đó là ghi lại các thông điệp đơn giản như ở trên, dán chúng lên chỗ nào đó dễ nhìn ở trong phòng. Mỗi ngày, ta hãy dành ít phút hướng tâm trí ta quay trở về với cơ thể, và chậm rãi đọc lại những dòng đó. Và thở.
Bận rộn là cách dễ nhất để quên đi mình là ai. Ta bận làm những việc ta nghĩ là quan trọng: phải làm gì đó có ý nghĩa, phải làm gì đó có kết quả, phải hoàn thành trọng trách gì đó, nghĩa vụ gì đó, phải gặp ai đó, phải bàn chuyện gì đó, phải lên kế hoạch gì đó, phải giúp một ai đó, phải làm gì đó sinh ra lời hoặc có lợi, phải làm gì đó để có thể hãnh diện kể lại rằng ta đã làm việc đó,... Ta càng rối thì ta càng thích bận, mà ta càng bận thì ta càng rối - đó là một cái vòng luẩn quẩn.
Khi bị lạc đường, ta phải đứng lại, bình tĩnh mà nghĩ xem có cách nào để tìm ra được hướng đi hay không. Khi bị lạc, không ai lại chạy tứ tung khắp nơi mà không tính đến hậu quả là mình sẽ còn lạc hơn nữa.
Tôi sinh ra đã thích ăn dâu hơn ăn táo, thích nơi vắng vẻ hơn chỗ ồn ào, thích âm nhạc, vẽ vời, đọc và viết lách, thích các công việc độc lập mà không bị chi phối bởi ai, không thích làm việc trong môi trường lắm nguyên tắc và máy móc (đặc biệt không bao giờ chịu làm việc dưới quyền của sếp dốt), cần nhiều không gian và sự im lặng,...
Sự thật về bản thân mỗi người là cái mà mỗi người phải mất một hành trình rất dài để khám phá ra - một hành trình đòi hỏi tình yêu, sự kiên trì, lòng dũng cảm và thành thật tuyệt đối với chính mình. Hành trình này có thể kéo dài suốt đời, nhưng thường thì nó bị ngăn chặn từ rất sớm bởi gia đình, xã hội và trường học. Gia đình, xã hội và trường học đề ra mẫu con lý tưởng, mẫu công dân, học sinh lý tưởng - đó được cho là mẫu người đúng. Nếu chúng ta không đủ tiêu chuẩn thì chúng ta bị đánh giá, phán xét, phàn nàn, thúc ép để ta đạt tiêu chuẩn. "Đừng có khác mọi người, đừng có ngốc nghếch" là câu cửa miệng mà xã hội dạy ta.
Vì vậy, nhiều người không có cơ hội để khám phá bản thân, cũng như không đủ dũng cảm để làm việc đó. Khi họ cảm thấy mình khác người (sự thực là mọi người đều khác nhau, chẳng ai giống ai cả, nhưng đa số thì đã quá quen với việc đeo mặt nạ), họ lại nghe thấy tiếng nói phán xét chính họ ở bên trong vang lên. Họ đâm ghét chính bản thân, cứ sống trong trạng thái tự mình chơi kéo co với chính mình.
(Khá trớ trêu là những người cố chơi trội để khẳng định mình khác biệt cũng chỉ như trẻ vị thành niên đang cố nghịch dại để ra vẻ người lớn.)
Sứ mệnh của mỗi người là cái mỗi người phải khám phá ra, chứ không tạo ra, khám phá ra chứ không phải phấn đấu để có.
Bạn chỉ có thể tìm ra sứ mệnh của mình khi bạn cho phép bản thân sống đúng là mình. Chừng nào bạn vẫn còn giả vờ sống theo cách khác để khiến ai đó vui lòng, thì bạn chưa sống đúng với bạn.
Sống đúng với bản thân và tập tĩnh tâm. Cứ sống đi, cứ đi đi. Và con đường khắc hiện ra.
Không ai trong chúng ta có chung điểm xuất phát ở cuộc đời này, cũng như không có chung đích. Đừng bận so sánh mình với ai đó, hay tìm kiếm câu trả lời cho bản thân bạn qua người khác. Khi bạn thực sự chấp nhận, tin tưởng bản thân và biết nhìn vào bên trong, bạn khắc thấy câu trả lời.
-------------------------
Ở NHÀ BA MẸ CON TÔI LÀM GÌ CẢ NGÀY?
Thật khó để giải thích với mọi người là ở nhà ba mẹ con tôi làm gì cả ngày. Khó hơn nữa là giải thích cho những người nhìn thấy chúng tôi ở nhà với nhau để họ hiểu chuyện gì đang diễn ra: Chúng tôi chỉ chơi đùa ngẫu hứng, nói chuyện vui với nhau, làm mọi việc đơn giản ở nhà cùng nhau, đọc sách với nhau, hát và nhảy nhót cùng nhau.
Khi xảy ra mâu thuẫn, chúng tôi cùng nhau giải quyết. Chúng tôi giúp đỡ nhau. Khi tôi cáu bẳn hoặc buồn bã, các con nhắc nhở rồi an ủi tôi. Khi một trong hai đứa khóc nhè, tôi và đứa còn lại lại ra an ủi nó. Chúng tôi nhắc nhở nhau cái gì tốt cho sức khỏe, cái gì không, và giới hạn ở đâu cho mỗi hành vi.
Đến khi tôi mệt, tôi ra một góc nghỉ, đọc sách hoặc ngủ. Hai đứa lại tiếp tục chơi với nhau cho tới khi một trong hai đứa buồn ngủ. Nó chạy ra chỗ mẹ, rúc vào mẹ để ngủ. Đứa còn lại chơi một lát cũng thiếp đi nốt – hoặc chơi lặng lẽ một mình.
Sau khá lâu, tôi mới hiểu ra mình đang làm gì. Tôi không phải là người lên kế hoạch. Tôi là người khám phá ra kế hoạch dành cho mình. Đến bây giờ, tôi mới có thể hiểu được những gì mà tôi làm bấy lâu nay nhưng tôi không đủ khả năng diễn tả thành lời.
Các hoạt động ở nhà của chúng tôi có thể được nhóm thành một số dạng căn bản:
1. Hoạt động chung khi các cá nhân đều tham gia với vai trò như nhau, không ai đi trước hay đi sau. Các hoạt động này chủ yếu là các cuộc nói chuyện, chơi đùa ngẫu hứng, hát hò, nhảy nhót, đọc sách. Các hoạt động này nhằm mục đích gắn kết các thành viên, giúp các thành viên hiểu nhau, tin tưởng nhau và hạnh phúc cùng nhau. Chúng tôi cũng ra cửa hàng, quán xá cùng nhau. (Chúng tôi thậm chí còn có bạn chung nữa!)
2. Hoạt động chung trong đó một cá nhân đóng vai trò giúp đỡ các cá nhân còn lại. Những hoạt động này chủ yếu là các nhu cầu ăn uống, vệ sinh (những việc mà các con chưa hoàn toàn tự làm được và vẫn cần giúp đỡ ít hoặc nhiều tùy việc), nhu cầu cảm xúc (khi thành viên nào đó cáu giận, cần được giúp đỡ), mâu thuẫn giữa các cá nhân (ví dụ như mẹ hướng dẫn hai chị em giải quyết mâu thuẫn, hoặc đứa em hoặc chị tự giải quyết mâu thuẫn). Đôi khi trong khi nói chuyện, con lớn của tôi cũng có những câu hỏi. Tôi thường đặt câu hỏi ngược lại để con trả lời (đây là một "chiêu" đơn giản nhưng hiệu quả để con suy nghĩ thêm), và chia sẻ thêm những gì tôi biết.
Tôi cũng đóng vai trò khuyến khích chị hoặc em tự giúp nhau bằng cách đưa ra gợi ý: "Con có muốn lấy sách cho em không? Con có muốn cho chị mượn đồ chơi không?"
Giờ đi ị của một đứa cũng có thể là một hoạt động chung! Khi Siêu Tăm đi ị và ngồi trên toa-lét, tôi thường hỏi: "Bư ơi, con có muốn ngồi cạnh em để nói chuyện với em không? Con có muốn lấy sách cho em rồi đọc cho em không?" Đôi khi Bư muốn, và đôi khi thì không.
Bư hay giúp em rửa tay và xúc cho em ăn. Có lúc Bư còn thử mặc quần áo cho Tăm, lấy bỉm cho Tăm, và giúp tăm trèo lên trèo xuống ghế những khi Tăm gặp khó khăn. Ngược lại, Siêu Tăm cũng thích xúc cho chị, xúc cho mọi người ăn vài miếng, và thích tự lấy giấy vệ sinh để giả vờ... chùi đít cho chị.
3. Hoạt động riêng biệt phục vụ không gian tinh thần riêng của từng cá nhân. Đôi khi trong lúc hai đứa chơi với nhau, tôi sẽ tự tách ra để làm việc của tôi: đọc, viết, ngẫm, nghỉ, làm việc nhà, hoặc chẳng làm gì cả. Cũng có lúc Bư tự tách ra để mẹ và em chơi riêng. Siêu Tăm (2 tuổi) còn quá bé, chưa có khả năng chơi một mình mấy. Còn Bư thì có khả năng tự chơi trong yên lặng lúc mẹ và em đi ngủ. Bư có thể xem hoạt hình với thời lượng nhất định, tự chơi đồ chơi, vẽ hoặc đọc sách.
* * *
Không có công thức nào chung cho các gia đình nếu chọn giáo dục con tại nhà.
"Công thức" là cái mỗi gia đình phải tự tìm ra. Vì bạn là duy nhất, con cái bạn là duy nhất, gia đình bạn là duy nhất. Bạn không có nghĩa vụ bắt mình phải dạy con theo cách mà một ai đó nói rằng rất tốt cho trẻ em. Bạn cần tìm ra một cách có thể cân bằng được nhu cầu và mong muốn của bạn với nhu cầu và mong muốn của các con.
Tìm ra được câu trả lời là một hành trình nhiều khám phá, tìm tòi, nhiều câu hỏi, với không ít thử nghiệm và sai lầm.
Nhưng cứ có câu hỏi là sẽ tìm được câu trả lời.
Điều đáng sợ nhất là sống mà không biết hỏi, biết hỏi nhưng không dám tự tìm câu trả lời.
-----------------------------------
NÊN NHÌN NHẬN CẢM XÚC TIÊU CỰC NHƯ THẾ NÀO?
cảm xúc là một phần quan trọng của chúng ta. nhưng từ bé đến lớn, chúng ta được dạy rằng cảm xúc không quan trọng. phải phớt lờ chúng, đặt chúng sang một bên mà học, mà làm, mà sống.
từ rất nhỏ, khi trẻ con khóc, người ta đã nói với chúng: đừng có khóc! có gì mà phải khóc? thôi nhé, khóc tiếp không ai chơi với đâu.
chúng ta lớn lên như thế: phủ nhận cảm xúc, che giấu cảm xúc, chạy trốn cảm xúc, đánh giá cảm xúc, mong muốn được vui và trốn tránh nỗi buồn.
điều nghịch lý lớn nhất là: càng có khả năng cảm nhận nỗi đau sâu sắc hơn, ta càng cảm nhận được hạnh phúc lớn hơn; càng đối mặt với khổ đau để hiểu ý nghĩa của nó, thì ta càng sớm biết hạnh phúc đích thực; càng chạy trốn khổ thì khổ lại càng theo, mà dám đứng lại cùng nỗi khổ thì nỗi khổ sẽ tự đi mà không cần ai phải đuổi nó hay chối bỏ nó.
trước kia, khi nghe ai nói lời nhận xét khó nghe với tôi, tôi thường nuốt nó vào, giận quá đến mất khôn, cứ ôm chặt lấy sự tổn thương. sự tổn thương bị bưng bít kín quá, bị chôn vùi sâu quá, không có chỗ để thở, và không hàn gắn được. giấu kín thì nó càng ngày càng loét ra.
dạo này tôi ít ra ngoài. ra ngoài thì ít đi một mình. thường đi "3 mình" với lũ trẻ, người ta thấy tôi là mẹ hai đứa, không bàn tán nhiều hay nhận xét gì. nhưng cứ đi một mình, người ta lại nhìn, lại soi, nói thẳng cả những lời nhận xét khó nghe về bề ngoài của tôi. giận cá chém thớt. tôi chỉ là một phụ nữ trẻ nhỏ bé, vô hại. tưởng tượng tôi là một gã đàn ông to lớn xem?
hôm nọ, lâu lắm rồi tôi mới lại một mình ở ngoài đường và nghe được những lời nhận xét như thế từ người lạ. trước kia, tôi sẽ tức giận lắm. hôm đó tôi chỉ hít những lời đó vào, và thở nó ra. tôi nhìn thấy nỗi khổ và chán chường trên khuôn mặt của những người nói những lời mà bản thân họ không ý thức được là lời gây tổn thương - một phụ nữ, một đàn ông, đều tầm 50-60 tuổi. tôi hiểu những lời đó chỉ là nỗi khổ của họ. họ không thể nói với tôi: "cháu à, tôi khổ quá." họ chỉ có thể ném cho tôi một câu nhận xét về tôi - không phải vì tôi đáng bị như thế, không phải vì muốn nói chuyện với tôi, không phải vì họ hiểu tôi, mà vì tôi là một phụ nữ trẻ nhỏ nhắn, vô hại, một đối tượng an toàn để trút nỗi bực dọc và chán ghét cuộc đời để giúp họ bớt khổ trong 20 giây.
đơn giản như vậy thôi mà.
rất lâu tôi mới hiểu hết, hiểu thực sự qua trải nghiệm. và khi tôi hiểu thì tôi không còn phản ứng. tôi không thấy đau. tôi chỉ bước đi, và hiểu hơn bao giờ hết rằng mình phải xử lý được cảm xúc và nỗi khổ của mình. nếu không thì việc đầu tiên mà tôi sẽ làm khi gặp bất kỳ ai là phóng chiếu nỗi khổ của tôi lên họ. đấy là cách nhanh nhất để trở thành gánh nặng đè lên người khác.
bạn sẽ thấy ở đất nước này có rất nhiều người khổ - khổ vì không có khả năng tự giải quyết các vấn đề nội tâm của chính mình, và sau đó chọn cách nhanh nhất là trút lên người khác. như đổ thêm dầu vào lửa, giận dữ càng bùng phát mạnh hơn chứ nào ít đi. như chơi ping pong, khác cái là chơi rất nhiều hiệp cùng một lúc, chơi tứ tung không chọn đối tượng, chơi mà hoàn toàn không biết mình chơi, chơi với quả bóng mang tên cơn giận.
cảm xúc tiêu cực như một vết cắt, một chỗ sưng tấy. khi bị chảy máu, ta chăm sóc cơ thể của ta, chứ ta không có thời gian mà đi trách móc người khác. ta không ngồi lý giải với cơ thể: "kéo sượt qua có một tí, thế mà cũng chảy máu?"
cơ thể cực kỳ thông minh, và cảm xúc cũng hoạt động theo cơ chế thông minh tương tự như thế.
cách giải quyết sai khá phổ biến là: chúng ta đối mặt với người đã làm tổn thương ta, và ta bắt họ nhận lỗi. chúng ta cần phải giải quyết nỗi đau với chính mình, chứ không phải với ai cả.
khi cảm xúc tiêu cực đến, đừng đẩy nó đi, đừng phớt lờ nó, đừng đấu trí với nó. thay vào đó, hãy tĩnh lặng, thở, và cảm nhận nó với toàn bộ cơ thể của bạn. khi nó biết nó được chấp nhận, nó sẽ tự đi. càng thô bạo đẩy nó đi, nó càng lì lợm.
sau khi giải quyết xong cảm xúc đó, bạn hãy tự hỏi mình: cảm xúc đó đến để dạy cho tôi bài học gì? nếu bạn thấy bài học đó không phải là yêu thương, thấu hiểu, và giúp bạn nhìn thấy rõ hơn chính bản thân bạn, thì bạn chưa hiểu nó.
nếu bạn có con, bạn hãy dạy con từ nhỏ. hãy chấp nhận cảm xúc của con, và dạy con chấp nhận cảm xúc của chính con. đứa trẻ cần giữ liên hệ với cảm xúc của chính nó, để hiểu chính nó, để giúp nó khoẻ mạnh, giúp nó hạnh phúc và cân bằng. trí thông minh cảm xúc thậm chí còn là yếu tố quyết định thành công trong cuộc sống cao hơn nhiều so với điểm số.
--------------------------------------
con cái chúng ta không phải là của chúng ta.
cơ thể vật chất của chúng đến với thế giới này qua ta. còn sứ mệnh của chúng thì không. nguồn gốc của chúng thì không. nguồn gốc của chúng không phải là gia đình này, đất nước này, tôn giáo này, niềm tin này, nền văn hóa này.
chúng sinh ra với một sứ mệnh mà chỉ có chúng biết.
chúng ta cũng từng là những đứa trẻ. chúng ta cũng như chúng. chẳng khác gì. có chăng thì khác ở chỗ chúng ta đã quá lớn, bản ngã đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, đến nỗi chúng ta quên mất Cội nguồn.
ở những cha mẹ có bản ngã mạnh, họ sử dụng con cái làm phương tiện thỏa mãn chính họ. họ chiều chuộng con hay trừng phạt con, ép buộc con cái đi theo họ, hành xử giống họ, thỏa mãn những ước mơ của họ - ước mơ hay là chính mong muốn của bản ngã. họ gọi mong muốn của bản ngã là sự hiếu thảo, là sự ngoan ngoãn, là sự biết ơn.
nhưng sự biết ơn không thể bị ép buộc.
tình thương yêu không thể bị ép buộc.
càng ép buộc, sự biết ơn và tình thương lại càng không thể phát triển.
những gì còn lại chỉ là cảm giác tội lỗi ở đứa con và sự tức giận với cha mẹ: "tôi phải biết ơn cha mẹ, tôi biết tôi nên thế, nhưng tôi không cảm thấy thế, nhưng tôi có nghĩa vụ đó".
và khái niệm về lòng biết ơn và nghĩa vụ đè nặng lên vai những đứa con. yêu thương cha mẹ sao mà khó? bởi vì mối quan hệ đich thực giữa con cái và cha mẹ chưa từng tồn tại.
ở những cha mẹ ý thức nhiều hơn về con người họ, nhất là ở những cha mẹ mà bản thân đã tìm thấy và đang trên con đường khám phá chính nguồn gốc của mình, họ sẽ để con cái đi con đường của chúng. họ hiểu rằng không có con đường của ai giống ai, không ai sinh ra để chui vừa một khuôn mẫu nào cả, không có giấc mơ của ai có thể bị nhào nặn bởi kẻ khác.
làm cha mẹ là công việc thiêng liêng nhất, không phải chỉ vì trách nhiệm với tương lai của Trái đất, mà còn là sức sống thiêng liêng ở trong chính những đứa trẻ. sức sống ấy có khả năng đánh thức các cha mẹ đã sẵn sàng để thức tỉnh.
bạn có biết tại sao yêu thương những đứa trẻ mới ra đời lại dễ dàng, nhưng yêu thương một đứa trẻ lớn lại khó không? đó không phải là vì đứa trẻ, mà đó chính là bản ngã của cha mẹ. một đứa trẻ sơ sinh hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ, chưa phát triển khả năng tự lập dễ khiến người lớn mủi lòng và thương. nó cười xinh quá, nó chưa biết nói, hoàn toàn yếu ớt. nhưng khi nó xấp xỉ lên 2, nó bắt đầu thể hiện các mong muốn của bản thân và thể hiện con người nó. nhiều cha mẹ khi ấy không còn khả năng yêu thương con nữa, vì họ bất mãn: "sao đứa trẻ lại có thể chống đối tôi? tôi đã làm gì? sao nó không thể ngoan ngoãn nghe tôi? chắc hẳn là nó có vấn đề, hoặc tôi đã làm gì đó sai?"
đó không phải là tình yêu thương. tình yêu thương đích thực là một hành trình khám phá. quãng đường mới đi cùng con trong 2 năm không nói lên được điều gì cả. bạn sẽ còn phải học cách yêu thương con cho tới hết đời. bạn biết bạn yêu con thực sự khi đứa trẻ không theo ý bạn thì bạn vẫn coi đó là chuyện bình thường, và điều đó chẳng ảnh hướng gì đến tình yêu mà bạn dành cho đứa trẻ. ở nhiều cha mẹ, sự phản kháng và tính tự lập ở con khiến cho "tình yêu" của họ sụp đổ. họ cảm thấy bị tổn thương và họ trách móc đứa trẻ.
càng kiểm soát và càng phản kháng, đứa trẻ sẽ lại càng xa cách.
càng yêu thương con, đứa trẻ càng yêu thương bạn. mà muốn yêu thương con, thì con phải có không gian phát triển, cả về thể chất và tinh thần.
bạn không phải là ánh sáng. bạn chỉ là người tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận với ánh sáng. như cái cây, đứa trẻ sẽ tự "mọc" về phía ánh sáng mà không cần bạn phải uốn nó từng ngày từng giờ.
------------------------
TỪ NGHĨA VỤ NUÔI CON ĐẾN VUI SỐNG CÙNG CON
Giờ đi tắm là giờ vui vẻ của trẻ nhỏ. Một chậu nước ấm, đồ chơi, miếng bọt biển, vài cái cốc - thế là đủ một thiên đường.
Nếu cha mẹ coi việc sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt chỉ là nghĩa vụ, thì đương nhiên cha mẹ sẽ thấy rất khổ. Từ thái độ "đây là việc phải làm" cho đến thái độ "đây là lúc để vui" là một quá trình không dễ dàng, không nhanh chóng, nhưng rất đáng để tập để cha mẹ thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống, chuyển hoá cảm xúc, thay đổi quan hệ với con nhỏ, cách thức tương tác với chúng và rồi là cảm nhận niềm vui thuần khiết như chúng.
Càng tập sớm thì càng sớm có kết quả. Nhưng đừng nóng ruột mà làm hỏng quá trình. Càng nóng ruột thì càng dễ bỏ cuộc.
Để thành công, chìa khoá là: chấp nhận hiện tại, chấp nhận cảm xúc của mình. Nếu bạn đang khó chịu với con, thì hãy chấp nhận sự khó chịu đó, chứ đừng quay ra phán xét bản thân: "sao mình lại có thể khó chịu với con nhỉ? mình là người mẹ tồi,..."
Để biết mình tập có đúng hướng hay không, chỉ cần để ý xem mình phải nỗ lực đến đâu. Nếu mỗi ngày nỗ lực một chút xíu và hài lòng với hiện tại - cho dù mình đã đạt được hay không đạt được gì, thì bạn đi đúng hướng. Nếu phải cố quá mức, cứ gồng mình lên, tức là bạn đang chối bỏ bản thân và hiện tại - như thế rất mệt, và bạn sẽ tích luỹ thêm các cảm xúc tiêu cực. Đấy là lý do phần lớn mọi người bỏ cuộc: mục tiêu quá lớn, quá nôn nóng, không biết chung sống với hiện tại.
Hãy chung sống trong hoà bình với các cảm xúc, suy nghĩ, và con người mình. Kể cả khi bạn thấy có mâu thuẫn trong mình, bạn cứ cứ thử đừng làm gì cả, đừng giải quyết gì cả, cứ Ý THỨC là như thế thôi. Và làm cốc trà đi. Mỉm cười đi. Nhảy một điệu ngớ ngẩn. Hát một bài đi. Hít vài hơi. Hít tiếp đi. Rồi lặp lại.
Chẳng có chỗ nào để đến. Chỉ có ngay bây giờ để quay về.
--------------------------------
nếu bạn không tin rằng hạnh phúc tại tâm độc lập với vật chất, hãy ngắm nhìn trẻ nhỏ. chúng chỉ cần ấm bụng, quần áo gì cũng được, và hai chiếc hộp có thể thành nguồn vui bất tận.
cái vui đích thực là cái vui ở bên trong lan toả ra ngoài.
cái vui giả là cái vui dựa dẫm vào bên ngoài để che lấp đau khổ ở bên trong.
nếu chưa học để biết vui, thì không nên vội vã dạy trẻ. khi chưa biết vui thì chẳng thể làm thầy. khi ấy, tốt hơn là để đứa trẻ làm thầy đã.
-----------------------
ĐỜI THỰC LÀ "NGUYÊN LIỆU" TỐT NHẤT ĐỂ HỌC NGÔN NGỮ
(hay các tình huống đời thường hoàn hảo cho việc dạy ngôn ngữ, và ngôn ngữ lại là công cụ hoàn hảo để mô tả và để hiểu trải nghiệm sâu hơn đối với trẻ nhỏ.)
Mình đưa ví dụ với tiếng Anh. Các quy tắc này áp dụng với mọi thứ tiếng khi trẻ đang học nói.
VÍ DỤ 1: HỌC TỪ CHỈ KÍCH CỠ
Thi thoảng bạn Siêu Tăm (25 tháng) xem cái video trứng với chị Bư, có hình các quả trứng đồ chơi, và nghe thấy trong video nói: "small, big, bigger, biggest!"
Bạn thường xuyên nghe chị Bư nhắc lại (chị Bư đã hiểu nghĩa), bạn nhìn vào video cũng đoán đoán là có ý nghĩa gì đó, nhất là khi bạn nghe thấy từ small được nói khẽ nhất, rồi âm lượng tăng dần, và được chị Bư chỉ trỏ nhiều lần vào các thứ trong khi lặp lại 4 từ đó liên tiếp.
Xếp 4 thứ theo kích cỡ từ nhỏ dần tới lớn dần, mẹ luôn nhắc lại với bạn những từ đó (vì thấy bạn rất thích, cứ nhắc lại lúc mà bạn chưa hiểu. bạn chỉ thấy nói như thế rất vui.) Dần dần, sau khoảng 1-2 tuần, qua rất nhiều bài học thực tế, bạn hiểu small và big là hai từ chỉ kích cỡ, và cũng phần nào hiểu ý nghĩa của các từ so sánh.
bây giờ, khi mẹ giơ hai vật có kích cỡ khác nhau, và hỏi "which one is small?" hoặc "which one is big", bạn có thể chọn được đúng vật. tương tự, mẹ có thể hỏi: "which one is smaller?/bigger?", và bạn vẫn chọn đúng.
Status: thành công. Tới thời điểm bạn nói được, bạn sẽ tự nói.
VÍ DỤ 2: HỌC TỪ CHỈ MÀU SẮC
Các sách dạy về màu sắc có thể gây khó khăn cho trẻ, vì sách thường trình bày rất nhiều loại hình ảnh đồ vật hoặc con vật đa dạng. Vì vậy, đương nhiên trẻ sẽ bối rối khi có một con vịt và một con chó khi mẹ chỉ vào chó và nói "this is white", chỉ vào vịt và nói "this is yellow". Một em bé sẽ rất bối rối: ý mẹ là white là tử chỉ chó? và yellow là từ chỉ con vịt?
Khi dạy màu sắc, để tránh gây ra nhầm lẫn, các vật đưa ra phải giống hệt nhau về mọi đặc tính, ngoại trừ màu sắc.
Siêu Tăm rất thích bóng bay. vì vậy, nhà mình mua bóng bay về thổi, và mình tranh thủ dạy màu sắc. Vừa được học, vừa được ném bóng, vừa được chạy nhảy các em bé rất thích. Đây là cách lý tưởng để dạy: lồng ghép ngôn ngữ vào hoạt động mà bé thích, chứ không phải ép bé tham gia một hoạt động mang tính "học" mà người lớn đặt ra.
Trong khi chơi với con, con sẽ học được những câu như: "Can you give this balloon to your sister (kèm với cử chỉ của mẹ)?", "Can you get the red balloon?", "Can you catch this?", "Watch me, Siêu Tăm!", "Come here",...
Mình cũng không nghĩ con học được mấy, vì trẻ 2 tuổi mất khá nhiều thời gian để học màu sắc (trẻ nhỏ hơn thì chưa sẵn sàng về nhận thức). Thi thoảng vui vui, mình hỏi con "what color is this?", con không nói được hoặc nói không đúng thì mình trả lời hộ. trẻ nhỏ đang học nói rất thích nhắc lại những gì người lớn nói.
Tự dưng tới một ngày đẹp trời khi bạn tầm 25 tháng, sau vài tuần, bạn trả lời đâu ra đấy.
STATUS: thành công.
Bây giờ có thêm nội dung để nói chuyện với bạn. Bạn có thể trả lời các câu đơn giản như: "Who's this? What's this? What is she doing? What are you doing? Do you like eating this? Do you want to play? What color is this?"
Đây là các nội dung đơn giản để có một cuộc hội thoại với trẻ 2 tuổi. Nó rất đơn giản, nhưng chính vì đơn giản nên không phải người lớn nào cũng thích hợp với vai trò dạy ngôn ngữ cho trẻ. nó là công việc rất thách thức. bạn sẽ hiểu rõ tính thách thức của công việc này khi một mình bạn chịu trách nhiệm dạy con bạn duy nhất một thứ tiếng (như tiếng Anh) mà không có sự trợ giúp của bất kỳ ai khác.
NHỮNG GÌ MÀ QUÁ TRÌNH ĐÒI HỎI
Quá trình học đòi hỏi sự sáng tạo và điều chỉnh liên tục của người dạy, cũng như khả năng quan sát và nhạy cảm với trẻ.
Sự sáng tạo ở đây không phải là nghĩ xem trẻ nên làm gì hay chơi trò gì, mà là sự ngẫu hứng tận dụng mối quan tâm của trẻ. Sự sáng tạo còn là cách người lớn điều chỉnh cách trình bày nội dung, cách mời trẻ con tham gia, cách chơi đùa cùng trẻ.
Càng vui và càng liên quan tới trẻ thì trẻ càng học. Học không hề tách biệt với các hoạt động, mà là tinh thần của mọi họat động của trẻ. Một người lớn không hiểu trẻ sẽ cho rằng đời sống chẳng có gì cho trẻ học, do đó chỉ có lớp học mới giúp được trẻ.
Lớp học thông thường là cái tách biệt với đời sống. Nó được tạo nên vì mục đích dạy trẻ, và cũng chính vì mục đích mà nó thường can thiệp thô bạo vào quá trình học của trẻ.
Không thể kiểm soát quá trình học của trẻ mà chỉ có thể tạo ra môi trường khuyến khích trẻ tham gia, qua đó trẻ sẽ tự học từ những người xung quanh và qua khám phá thế giới (đồ vật, chức năng đồ vật, các đặc tính của các đồ vật,...)
Mỗi trẻ học và thay đổi theo cách duy nhất ở tốc độ duy nhất. Không thể thay đổi điều này, mà chỉ có thể học cách chung sống một cách hài hòa với những gì là tự nhiên ở trẻ.
Bạn muốn dạy được trẻ, bạn phải dành thời gian cho trẻ và dành ít nhất vài năm để thích nghi với cách học và tính cách của từng đứa trẻ. Không cần quá lo lắng.
Sự khác biệt giữa người biết dạy và không biết dạy là lòng yêu thương đích thực dành cho trẻ.
ps 2. bé Tăm phát triển TV bình thường, vì bé vẫn học cả tiếng Việt theo cách y như vậy, kèm theo đọc sách. hiện giờ, câu dài nhất mà hắn nói được là: "không thích bố trêu Tăm đâu!!!!"
--------------------------
ĐỊNH NGHĨA LẠI HỘI THOẠI
Nói đến hội thoại, chúng ta ai cũng biết đó là cuộc nói chuyện giữa ít nhất hai người với nhau. Điều thú vị là khi tôi dạy các con cả tiếng Anh và tiếng Việt, tôi đã nhìn nhận "hội thoại" theo cách hoàn toàn khác.
Trong giai đoạn mới dạy con tiếng Anh, đặc biệt là từ mới mà con chưa biết, tôi hay gặp các tình huống như ví dụ mà tôi gặp với con thứ hai của tôi sau đây:
Mẹ: Look, Siêu Tăm, what is this?
Tăm: cá!
Mẹ: ooh, that's right. That's a fish!
Tăm: fish!
Một số cha mẹ khi nghe con nói "cá" cảm thấy con đang không hợp tác, và băn khoăn xem mình nên làm gì để con nói tiếng Anh. Họ cho rằng như vậy là đứa trẻ không hợp tác. Do đó, không có câu tiếng Anh sau đó. Còn có một số chuyên gia khuyên: "Bạn hãy nói với con: ừ con, mẹ biết đó là con cá rồi. Nhưng mẹ muốn con nói tiếng Anh!" Tôi không nghĩ một đứa trẻ 2 tuổi sẽ hiểu câu giải thích loằng ngoằng đó. Một đứa trẻ lớn hơn sẽ phản ứng bằng cách từ chối. Nó cảm thấy hiểu biết và câu trả lời của nó bị phủ nhận.
Câu trả lời đơn giản: Chẳng có gì phải thuyết phục cả.
Ví dụ ở trên chính là một đoạn hội thoại hoàn hảo, mặc dù có hai thứ tiếng được sử dụng.
Một số người khác có thể nói: "Rõ ràng là nó lẫn lộn ngôn ngữ."
Để tôi giải thích theo cách khác cho dễ hiểu: Bạn hãy tưởng tượng có một nút "convert" để chuyển toàn bộ nội dung của cuộc hội thoại trên sang một tiếng thứ 3, cho dù có cả những phần tiếng Anh và tiếng Việt. Bạn sẽ thấy nghĩa của những câu trong đó hoàn toàn ăn khớp với nhau. Như thế có nghĩa là đó là một cuộc hội thoại hoàn hảo. Đặc tính của một cuộc hội thoại là:
- Hai bên chú ý tới nhau và lời của nhau, hiểu lời của nhau.
- Hai bên phản ứng phù hợp và hoàn toàn ăn khớp với nhau.
Ngôn ngữ gì không quan trọng.
Hãy tưởng tượng hai người nói chuyện với nhau theo cách như sau:
Người A: Tôi thấy cái xe này đẹp thật.
Người B (không để ý, không buồn phản ứng gì và sau đó chuyển hướng): À này, tôi mới nhớ ra là hôm nọ tôi mới xem một bộ phim rất hay.
Cả hai người cùng nói một ngôn ngữ. Đúng. Nhưng đó có phải một cuộc hội thoại đúng nghĩa không – mặc dù hai câu nối liền nhau và hai người vẫn nói chuyện với nhau? Tôi nghĩ là không.
Trong đoạn hội thoại về con cá với con tôi, con tôi hoàn toàn hiểu câu hỏi, nhưng nó không nhớ ra từ con cá trong tiếng Anh là gì, và do đó nó dùng từ nó đã biết trong tiếng Việt để thay thế. Nhiều người lớn không hiểu, và cho rằng đó là loạn ngôn ngữ. Thế thì tôi nghĩ hai người lớn nói chuyện theo cách như ví dụ của tôi đưa ở trên phải là ... lẫn lộn mục đích hội thoại, hay là loạn chú ý, một cái gì đó tương tự, hoặc đơn giản hơn là hội chứng bố-mày-đếch-quan-tâm-mày-nói-gì-đấy.
Các tình huống như với con cá ở trên cũng từng xảy ra với con đầu của tôi, dạng như:
Mẹ: What's that?
Con: It's a ...(nghĩ nghĩ) cây! (từ "Cây" thay đổi hoàn toàn ngữ điệu để giống với tiếng Anh)
Bạn cho rằng đó là loạn ngôn ngữ? Hãy nhìn cách đứa trẻ ngừng lại để nghĩ, và cách đứa trẻ thay đổi ngữ điệu. Nó hoàn toàn biết nó đang làm gì. Vì vậy, nếu điều đó xảy ra và sẽ xảy ra rất nhiều trong quá trình mới học, bạn chỉ cần nói: "Oh, you're right. It's a tree!"
Khi trẻ phản ứng như vậy, tức là trẻ đã hiểu câu hỏi một cách hoàn hảo. Người lớn nên cảm thấy thú vị và ghi nhận câu trả lời, chứ không phải nói rằng: "No, you're wrong. It's a tree". Nếu người lớn phản ứng tiêu cực nhiều lần như vậy, đứa trẻ sẽ cảm thấy bị phủ nhận, nó sẽ thấy khó chịu, và không muốn tham gia nói tiếng Anh nữa.
Cảm xúc của trẻ và thái độ của người lớn đối với trẻ cực kỳ quan trọng. Có thể nói đó là phần thiết yếu của quá trình học hỏi đòi hỏi người lớn phải cực kỳ nhạy cảm và khéo léo.
Một lần khác, tôi trêu con tôi, nên nói như thế này:
Mẹ: Can I.... tiêm you?
Bư: (phì cười)
Ngay cả bây giờ khi con lớn của tôi (5 tuổi) đã nói tiếng Anh thành thạo, chúng tôi vẫn thường xuyên có kiểu hội thoại này:
Bư: Mẹ ơi, mẹ có thấy cái túi của con đâu không?
Mẹ: I don't know, Bư. I told you you're in charge of your stuff. You look for it and then if you can't find it, I'll help you. Okay?
Bư: Được rồi mẹ. Không tìm được thì mẹ giúp nhé.
Mẹ: Okie dokie.
Bư: I can't find it, Mommy.
Ps. Khi bé chưa có khả năng dùng ngôn ngữ thành thạo, hãy tách biệt hai thứ tiếng, và đặc biệt không sử dụng chung trong cùng một đoạn hội thoại như "Này con, mình ra ngoài chơi đi. Ô, nhìn này, cái này đẹp chưa? Beautiful. Con thích không? Nice, con nhỉ?" Tôi rất mong các phụ huynh không dạy kiểu này và cũng không dùng ngôn ngữ theo cách này nếu không muốn khuyến khích con dùng theo như vậy.
-----------------------
NGÔN NGỮ TÌNH YÊU TRONG XỬ LÝ CẢM XÚC TIÊU CỰC CỦA TRẺ
(bài viết theo yêu cầu cho group )
Cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt nhất cho con cái của mình. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách thể hiện tình yêu thương dành cho trẻ. Điều này đặc biệt đúng khi trẻ nhỏ trải qua các giai đoạn phát triển mà trẻ chưa đủ khả năng nhận thức, khả năng kiềm chế cảm xúc và hành vi đi kèm với cảm xúc.
Hãy tưởng tượng ra cảnh bạn đang ở một quán cà phê cùng hai con nhỏ. Chúng đang "hai mình" một giang sơn ở cái ghế sa-lông tròn ở quán mà trẻ con đứa nào tới cũng rất mê. Bỗng có một gia đình khác với hai đứa con. Hai đứa trẻ tiến lại gần cái ghế. Đứa lớn nhà bạn bỗng nhiên trở nên cảnh giác. Hai đứa kia lại gần, hớn hở cười đùa với nhau, chạy vòng quanh, và nghĩ ra trò cùng nhau đập tay vào người hai đứa con của bạn – chỉ vì tinh nghịch chứ không có ý xấu. Con bạn bắt đầu "hiện nguyên hình" là quái vật và khóc thét lên hẳn thành một cơn với những tiếng gào đều như một beat của một bản nhạc pop. Tất cả mọi người trong quán quay ra nhìn bạn.
Bạn sẽ làm gì?
Trong những tình huống như thế, không chỉ trẻ "hiện nguyên hình", mà cha mẹ cũng "hiện nguyên hình". Bản lĩnh của cha mẹ thể hiện những lúc khó như thế, chứ không thể hiện ở lúc con cái đang vui vẻ nô đùa và ngoan ngoãn sống đúng mong đợi của cha mẹ.
TẠI SAO TRẺ KHÓC?
Các lý do phổ biến nhất khiến trẻ nhỏ khóc bao gồm đòi hỏi thứ gì đó mà không được người lớn đáp ứng, tranh giành đồ chơi với trẻ khác, và ghen ti với trẻ khác hoặc người khác mà cha mẹ đang chú ý tới và quấy khóc để đòi lại sự chú ý.
Nhiều cha mẹ cho rằng những biểu hiện này có nghĩa là trẻ hư.
Nên đơn giản nhìn nhận nó theo một hướng khác: đây là các đặc điểm của giai đoạn phát triển mà mọi trẻ đều trải qua. Đứa trẻ chưa rõ các giới hạn hành vi của bản thân ở đâu, chưa biết nhận diện cảm xúc và thể hiện cảm xúc cho hợp lý, chưa có đủ ngôn ngữ để diễn tả thành lời suy nghĩ và cảm xúc của chúng (ngôn ngữ hạn chế cũng là lý do trẻ dễ bực tức), và chưa hiểu cách xử lý mâu thuẫn ra sao. Ngày bé chúng ta cũng đều như vậy nhưng lớn lên thì không còn nhớ gì cả.
(Cách xử lý khi trẻ tranh giành hay ghen tị với anh chị em liên quan tới cách đối xử của cha mẹ, trong phạm vi bài này tôi không bàn.)
Nhiều cha mẹ chọn cách đối đầu với con nhỏ, thay vì về cùng phe với chúng. Về cùng phe không có nghĩa là người lớn đáp ứng đòi hỏi vô lý của trẻ, mà có nghĩa là người lớn cần phải học cách hiểu trẻ và hiểu nhu cầu của trẻ (điều thực sự quan trọng mà trẻ cần cũng như thức ăn, nước uống, chứ không phải yêu cầu – cái mà trẻ không cần nhưng đòi hỏi để có) trước khi muốn giải quyết vấn đề.
Vì cho rằng trẻ hư, không ít cha mẹ chọn cách bực tức lại với trẻ, giảng giải, mắng mỏ, và thậm chí là đánh đòn. Họ cho rằng con cái họ có vấn đề, cần phải bị sửa. Khi ấy, một lẽ tự nhiên là đứa trẻ sẽ chống đối về mặt tâm lý: nó cảm thấy cha mẹ không hiểu gì nó, chỉ trực chờ nó mắc lỗi để rầy la nó. Mỗi lần nó la khóc, cha mẹ gửi thông điệp "cha mẹ không yêu con khi như thế đâu nhé." Dần dần, khi ngôn ngữ phát triển hơn, nó sẽ không muốn nói chuyện với cha mẹ, không muốn gần gũi cha mẹ vì cảm giác không được cha mẹ chấp nhận.
Vậy, "về cùng phe" với trẻ là như thế nào?
HIỂU TRẺ VÀ NHỮNG GÌ TRẺ CẦN
Muốn yêu thương thì cha mẹ phải hiểu trẻ. Yêu thương mà không hiểu đối tượng mình đang hướng tới thì chưa phải yêu thương. Yêu thương mà chỉ thích trẻ theo ý mình mà không chấp nhận khi trẻ khác ý mình cũng chưa phải yêu thương.
Những năm đầu đời là nền tảng vô cùng quan trọng cho những năm về sau. Không có gì ngạc nhiên khi các vấn đề tâm lý và hành vi sau này khi trẻ đã lớn hơn (và thậm chí là cả khi đã trưởng thành) bắt nguồn từ mối quan hệ với cha mẹ.
Giống như khi xây nhà, móng nhà phải vô cùng vững chắc – nếu không, nhỡ về sau đổ? Tương tự như vậy, với trẻ, những năm đầu chính là nền móng. Nền móng được xây dựng tốt thì những năm sau đó và rồi là thời kỳ vị thành niên, ngôi nhà sẽ không đổ hay gặp rắc rối gì lớn. Ngược lại, nền móng được xây dựng không cẩn thận, thiếu tìm hiểu, thì càng ngày ngôi nhà sẽ càng lung lay, biểu hiện ban đầu có thể rất nhẹ và tưởng như bình thường, song càng ngày triệu chứng sẽ càng nặng hơn do ảnh hưởng từ cách được cha mẹ đối xử tích lũy lại thành bệnh. Những cha mẹ không hiểu thì chỉ kết luận "Đã bảo rồi, nó hư từ bé" mà không hiểu đó chính là kết quả tự nhiên của những gì họ làm.
Điều quan trọng nhất trong những năm đầu đời và xuyên suốt trong mối quan hệ với cha mẹ là: đứa trẻ đang phám phá chính bản thân nó qua mối quan hệ với cha mẹ. Qua cha mẹ, nó tìm được câu trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất liên quan tới giá trị của bản thân: "Mình có đáng được yêu hay không?"
Câu trả lời này là nền móng của cảm nhận của đứa trẻ về giá trị của nó. Khi biết mình được yêu thương, đứa trẻ trở nên tự tin. Nó tự tin sống với giá trị của nó mà không bị ám ảnh bởi việc đi tìm tình yêu thương do ai đó ban phát cho nó. Ngược lại, đứa trẻ không cảm nhận được yêu thương luôn đem theo tổn thương trong lòng và có xu hướng kiếm tìm sự chấp nhận của những người xung quanh và trở nên dựa dẫm vào đó.
Tình yêu của cha mẹ được chứng minh qua cách cha mẹ đối xử với trẻ, đặc biệt là vào lúc trẻ không hợp tác và có hành vi trái ý của cha mẹ.
HỌC CÁCH THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG KHI TRẺ GIẬN
Trẻ nhỏ, cũng như chúng ta, có nhu cầu cảm xúc rất lớn. Chúng ta đều có nhu cầu được hiểu, được thương, được chấp nhận. Song người lớn chúng ta rất dễ tự ái. Khi ta khóc hoặc giận, dù ta muốn người ta đang giận (như vợ hoặc chồng) an ủi ta, nhưng lắm khi ta lại quay lưng đi, giả vờ không cần, rồi hậm hực hơn nữa khi thấy người kia quay đi.
Trẻ nhỏ chưa có cái tôi to như thế. Và khi chúng khóc, đó chính là khi chúng cần được cha mẹ chấp nhận và thể hiện tình yêu thương cho chúng.
Vậy ta phải làm gì để thể hiện tình yêu thương với trẻ vào lúc trẻ cần nhất?
Khi trẻ giận và khóc, bạn cần:
- Tự bạn giữ bình tĩnh cho chính bạn. Nếu bạn chưa bình tĩnh, hãy giúp bạn trước, và hãy để cho con bạn khóc và khó chịu trong lúc đó. Đó là giải pháp tốt nhất. Đừng nói gì hay làm gì khi bạn còn chưa xử lý được cơn giận của chính bạn. Rất dễ gây tổn thương cho trẻ theo cách sẽ khiến bạn ân hận. (xem thêm hướng dẫn ở dưới.)
- Chấp nhận cảm xúc của trẻ thay vì phủ nhận và phán xét cảm xúc của chúng. Hãy nói: "Con giận quá rồi, con buồn quá rồi" thay vì "Thế mà cũng khóc? Xấu chưa kìa? Hư chưa kìa?"
- Cho phép trẻ thể hiện cảm xúc trong chừng mực an toàn. Hãy để trẻ khóc, và cho trẻ khóc – vì đó là cách tự nhiên và lành mạnh để chúng giải tỏa bức bối. Hãy nói: "Con khóc đi cho đỡ khó chịu" thay vì "Nín ngay. Không nín là ăn đòn nhé. Không nín lát không đi chơi nữa..." Bạn ở cạnh trẻ để đảm bảo rằng trẻ sẽ không đánh ai hay ném đồ đạc. Những biểu hiện đó thuộc ngoài giới hạn cho phép. Nếu trẻ đánh ai, hãy ngăn trẻ, giữ tay trẻ lại (đương nhiên trẻ sẽ có thể khóc thêm), và giúp trẻ xử lý cảm xúc.
- Thể hiện cho trẻ thấy bạn sẵn sàng ở bên cạnh trẻ vì trẻ và để giúp trẻ, thể hiện cho trẻ thấy rằng bạn sẽ luôn ở đó vào lúc khó khăn nhất, chứ không phải chọn cách quay lưng đi hay chọn đối đầu. Cha mẹ cần phải sáng tạo và tìm tòi các cách thể hiện, vì mỗi trẻ có tính cách và xu hướng cảm xúc và hành vi khác nhau. Có thể thử vỗ lưng trẻ, ôm trẻ, dẫn trẻ ra chỗ riêng và ngồi cạnh trẻ. Bạn có thể nói: "Bố/mẹ ở cạnh con tới khi nào con bình tĩnh nhé. Xong mình cùng ra." Hãy chú ý tới trẻ xem trẻ cần gì. Đôi khi bạn chẳng cần phải nói gì. Trẻ có thể cảm nhận được tất cả. Tuyệt đối không vứt con lại một chỗ rồi bỏ ra chỗ khác, hoặc phớt lờ con, coi như không biết con đang làm sao.
- Hãy cho trẻ thời gian để bình tĩnh. Cơn giận sẽ không mất ngay, nhưng sẽ sớm đi khỏi nếu bạn cho phép bé chấp nhận và thể hiện cảm xúc trong giới hạn an toàn.
- Đừng giải thích. Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ cần phải hiểu logic để lần sau không hành xử như vậy, rằng đây là cơ hội tốt để dạy. Để tôi hỏi: Khi bạn cáu, bạn có muốn nghe ai đó giải thích logic dài dòng không? Hãy kiệm lời. Bài học lớn nhất là qua cách bạn hành động và sự quan tâm của bạn dành cho trẻ, và qua nhiều bài học thực tế, chứ không phải lời nói của bạn.
Trẻ nhỏ rất tinh và nhạy cảm. Nếu miệng bạn nói "Mẹ giúp con" nhưng thái độ và cử chỉ, nét mặt của bạn lại không đi đôi với ý nghĩa của lời, thì chúng sẽ chọn lắng nghe ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Trẻ nhỏ luôn quay lại trạng thái cân bằng về cảm xúc nhanh hơn người lớn rất nhiều, với điều kiện người lớn không can thiệp vào quá trinhg tự cân bằng của chính chúng. Người lớn mới phải học chúng, chứ chúng không cần học người lớn. Đôi khi tôi cũng không giữ được bình tĩnh, cảm thấy giận con lắm. Gặp trường hợp như vậy, các cha mẹ cần xử lý cảm xúc của mình ngay theo cách sau:
- Không làm gì hay nói gì. Nếu không kiềm chế được việc nói, nên nói ngắn gọn với bé: "Mẹ đang rất bực, con chờ mẹ một chút." Tuyệt đối không dùng lời lẽ không kiểm soát để nói cho bõ tức.
- Tự giúp mình giữ bình tĩnh bằng cách tập trung vào hơi thở, thở đều.
- Cảm nhận mà không chống đối các thay đổi trong cơ thể như người nóng, tim đập nhanh, cơ thể căng thẳng và co lại,...
- Chấp nhận cảm xúc của chính mình, không chống đối cảm xúc như "Chết tiệt, minh lại giận con, mình chẳng ra làm sao, cố mãi mà không làm được, mình ghét tình trạng này..."
- Cho chính bạn thời gian mà bạn cần.
Khi bạn bình tĩnh lại, thì bạn đã sẵn sàng để giúp con. Nhưng điều tôi nhận ra là: những lần mà tôi đang bận giúp chính mình, con của tôi còn tự xử lý nhanh hơn cả tôi. Khi đó, có lúc bé còn quay ra bảo tôi: "Con hết giận rồi này mẹ. Mẹ có sao không?" Do vậy, điều cực kỳ quan trọng cần nhớ là: nếu bạn còn chưa tự xử lý được cơn giận của bạn, thì bạn không thể giúp con được, mà thậm chí sẽ còn dạy sai cho con. Khi con bạn nhìn thấy bạn bực tức, mắng mỏ và có thể là đánh bé, bé nhận được thông điệp rằng la hét, phàn nàn, và bạo lực là những cách thức để giải tỏa cảm xúc. Bé sẽ dễ có xu hướng trở nên giống như bạn. Nghiên cứu cho thấy trẻ càng bị đánh thì càng dễ hung hăng và đánh bạn hơn những trẻ khác.
Trẻ đang cơn khóc mà không có gì cản trở chúng khóc thì thời gian để bình tĩnh sẽ nhanh hơn.
Với con nhỏ, lắm khi bạn sẽ không thể tách chúng ra được để bạn có thể tự ngồi riêng một chỗ. Trong lúc như thế, bạn buộc phải tự xử lý cảm xúc của mình trong lúc ngồi ngay cạnh con, và rất có thể trong khi con đang gào thét.
Tuyệt đối không dùng phần thưởng ("Thôi, đừng khóc, ăn kẹo nhé" hoặc "À này, xem iPad nhé") để dỗ bé nín, cũng không dọa nạt. Các cách thức đánh lạc hướng chỉ tiện cho bạn (sẽ không phải nghe tiếng khóc của bé) nhưng lấy đi cơ hội để bé tự đối diện của cảm xúc của chính mình và học cách xử lý cảm xúc theo cách thích hợp. Dọa nạt, theo chiều ngược lại, đè nén cảm xúc của bé. Cảm xúc bị đè nén lâu ngày, không có lối thoát, sẽ bị tích tụ, có thể dẫn đến vấn đề tâm lý hoặc/và gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa cha mẹ và bé.
** *
Khi bạn tập cùng bé, sẽ có lúc bạn sẽ rất ngạc nhiên khi chính bé dỗ bạn và áp dụng lại cách thức y hệt như vậy. (Nhưng cũng đừng thất vọng nếu bé không để ý nhé! Trẻ con mà!)
Nhiều cha mẹ bực bội, muốn con đừng bao giờ khóc, đừng bao giờ mắc lỗi gì nữa,... Khi ai đó có thái độ như thế với trẻ, thì họ cũng đang không cho phép trẻ con được làm trẻ con. Đây là một giai đoạn phát triển quan trọng mà trẻ đang ngấm dần rất nhiều bài học qua lối hành xử và xử lý vấn đề của cha mẹ.
Cảm xúc là một phần tự nhiên và lành mạnh ở con người, đặc biệt là trẻ em. Học cách sống chung với cảm xúc, nhận diện, hiểu, chấp nhận và buông bỏ cảm xúc là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ cũng như hạnh phúc không chỉ của riêng trẻ mà còn là của cả gia đình.
---------------------------
VỢ VÀ CHỒNG
Hôm nọ, chẳng mấy khi được đi ăn sáng với chồng, sau khi tranh thủ nhờ ông bà trông hai đứa ở nhà hộ, vợ chồng tôi đi cà phê với nhau luôn.
Chồng hỏi: "Này, lấy chồng có gì vui không em?"
Tôi cười gượng gạo: "Có nhiều niềm vui khó tả."
Chồng hỏi tiếp: "Có con có gì vui không?"
Tôi bảo: "Có nhiều niềm vui dễ tả."
Tôi bảo: "Lấy vợ, lấy chồng hay đẻ con có nhiều điểm chung: lúc đầu người ta đều mong là cái điều sắp xảy ra chắc sẽ rất tuyệt vời và đem lại hạnh phúc lâu dài. Nhưng sau đám cưới không lâu, người ta vỡ mông nặng mộng. Khi sắp có con, người ta cũng tin đứa con sẽ đem lại hạnh phúc lâu dài y như vậy. Nhưng chẳng bao lâu sau, người ta phát hiện ra người ta phát khổ vì đứa con.
"Nói hơi quá, nhưng nó cũng giống như mua cái áo, cái quần, hay đi sắm thứ gì đó. Niềm vui từ bên ngoài nhanh chóng tan biến, và khổ sẽ vẫn hoàn khổ. Khi ở trong giai đoạn đó, thường có hai kiểu phản ứng: một là đẩy trách nhiệm cho bên ngoài, nói rằng thế giới đang khiến mình khổ, và hai là nhận trách nhiệm, hiểu rằng hóa ra hạnh phúc mà từ bên ngoài xảy đến thì sẽ trôi đi nhanh chóng, còn hạnh phúc tự mình làm nên thì khó khăn nhưng một khi đã tạo dựng được thì trường tồn. Nếu không tự hiểu rằng hạnh phúc của mình là do tự mình làm nên, thì hôn nhân và mối quan hệ với con cái sẽ mãi đau khổ."
Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ mà hi vọng hôn nhân sẽ khiến nó tốt hơn, thì không, nó sẽ không tốt hơn. Nếu bạn đã lấy chồng, lấy vợ, đang buồn buồn và không hài lòng lắm với nhau, mà nghĩ rằng có con sẽ níu kéo được quan hệ, sẽ khiến gia đình hạnh phúc hơn, thì không, nó sẽ không tốt hơn.
Ta không thể dùng cái ở ngoài để đắp cái lỗ hổng ở bên trong. Bên trong một khi đã hổng, thì lỗ hổng đó không đáy. Muốn vá thì phải vá từ trong ra, không thể đắp từ ngoài vào.
Nói đến đó, thì ông chồng nhiếp ảnh gia bảo: "Ừ, cũng giống máy ảnh. Những người không biết gì thì cứ lao đầu sưu tập máy ảnh, nhưng chẳng biết vui với cái nào cả, chỉ thích vì hãng sản xuất, vì trông oách, vì mọi người bảo hay. Người chụp đẹp là người hiểu cái máy ảnh mà anh ta có và biết cách sử dụng để cho ra tấm ảnh đẹp nhất với khả năng sử dụng chiếc máy ảnh đó."
Đấy, các bạn thấy đấy, nếu đã là sự thật, thì nhìn đâu hay làm gì, bạn cũng sẽ nhìn thấy nó hiển lộ theo nhiều cách khác nhau – tưởng xa mà rất gần.
Tôi vẫn nhớ sau khi lấy chồng 2 năm, một hôm tôi đang lái xe trên đường mà hụt hẫng và buồn nản vô cùng: "Chẳng lẽ chỉ có vậy thôi sao?" Quãng thời gian sau đó, tôi phải học rất nhiều, mãi cho tới hôm nay vẫn đang học. Việc nuôi dạy con tại nhà và mối quan hệ của tôi với con cái đánh thức tôi và mở cho tôi một hướng mới trong mối quan hệ với chồng. Khi bạn đã hiểu cách thức một mối quan hệ đich thực vận hành như thế nào, bạn có thể hiểu mọi mối quan hệ khác.
Tôi từng có cảm giác rằng chồng tôi như một bức tường – có bom oanh tạc cũng không đổ. Tôi từng có cảm giác rằng không cái gì có thể thẩm thấu qua bức tường. Tôi từng cảm thấy chẳng thể nào đục nổi cái lỗ nào để nhìn thấy điều gì ở phía bên kia tường, trừ khi có con gì đó nhảy lên hoặc ai đó chơi trò tung hứng và có thứ gì đó nảy cao hơn tường, bắn sang phía bên này.
Giờ tôi chấp nhận là mình sống với bức tường. Bức tường vẫn quan tâm tới tôi - chỉ không luôn theo cách tôi muốn. Lắm khi bức tường cũng nhạy cảm theo cách của bức tường, chứ không phải là không có cảm xúc.
Và nhiều khác biệt nữa, giữa đàn ông và đàn bà nói chung, và tùy từng cá thể.
Tôi cũng học để yêu bức tường - một kiểu yêu mà ngày chưa ở với nhau tôi không thể nào hiểu được và không hề biết rằng nó tồn tại.
Mỗi người là bài học lớn cho người còn lại: học để hiểu cái khác mình, để bao dung hơn, để biết sống hài hòa hơn, tha thứ và bỏ qua thường xuyên, chứ đừng đem theo quá khứ để nó đè nặng lên vai.
Với một số gia đình, sau khi chung sống, họ mới phát hiện ra rằng họ không thể sống được với nhau. Vậy thì hãy dũng cảm chào tạm biệt một cách đàng hoàng, thẳng thắn và để cho quá khứ đi thôi.
Hãy lấy vợ lấy chồng trước tiên vì bạn thực sự quý trọng nhau, chứ không phải vì đã đến tuổi, vì cha mẹ giục, vì một sự đảm bảo, vì lo lắng sẽ không còn ai yêu mình, hay vì một mục đích gì đó mang tính lợi ích cá nhân. Đừng đeo gông cùm vào cổ nhau để kiểm soát nhau, để nhân danh vợ chồng mà áp đặt nhau. Đừng phí thời giờ nghĩ "Giá mà ngày xưa mình lấy ai khác..." Mọi thứ cũng sẽ tương tự thôi à. Đừng tưởng người kia giờ đã là của bạn nên chẳng có gì phải coi trọng như thuở còn yêu nhau. Nếu bạn không trân quý thứ bạn có, thì một ngày kia nó cũng sẽ tự lăn đi để tìm tới chỗ khác nơi nó được chăm sóc hơn.
và
dù có thế nào đi nữa thì ngày mai mặt trời vẫn cứ mọc.
Một bức tường cũng có thể mọc rêu và nở hoa lắm chứ! Bông hoa mọc vì mình nó, chứ không vì ai cả. Bạn chỉ có thể tưới nước và đặt nó ra ánh sáng, chứ không thể ép nó mọc.
Hôn nhân là một sự song hành. Có một không gian chung mà hai bạn chia sẻ, nhưng có cả không gian riêng và những góc khuất là của riêng mỗi người. Hôn nhân không phải là sự hợp nhất để cả hai đi chung một chiếc xe và đi chung một con đường. Ừ, chúng ta ở cùng nhau. Ừ, chúng ta chăm sóc nhau. Ừ, chúng ta giúp đỡ nhau. Ừ, chúng ta có chung những đứa con. Nhưng cuộc hành trình là hoàn toàn riêng biệt. Chúng ta có sự phát triển riêng theo những cách khác nhau ở tốc độ khác nhau.
Chúng ta có thể chọn hỗ trợ nhau và để giúp cho cả mình, hoặc vô tình cản nhau mà không hề hay biết.
-----------------------
TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ VÀ CÁCH ĐỂ GIÚP TRẺ NHỎ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
(bài viết cho group )
Ngày nay, nhiều gia đình quá lo tới việc học ngoại ngữ của con mà quên mất việc trau dồi tiếng mẹ đẻ cho con. Chúng ta tìm đủ các loại tài liệu và thông tin để tìm hiểu xem nên cho con học ngoại ngữ ra sao và từ mấy tuổi, mà quên mất rằng cần phải dành sự chú ý ngang bằng hoặc nhiều hơn đối với phát triển tiếng Việt của trẻ.
Từ xưa tới nay, có lẽ rất ít gia đình đặt câu hỏi: Làm sao để tôi giúp con học tiếng mẹ đẻ tốt nhất? Chúng ta cho rằng sống trong môi trường nơi mọi người đều nói tiếng Việt thì trẻ sẽ tự khắc nói được. Chính vì sự chủ quan này, cộng thêm với sự phát triển của công nghệ dẫn tới lạm dụng màn hình, không ít trẻ em ngày nay có khả năng ngôn ngữ nghèo nàn hơn nhiều so với khả năng của chúng. Với khả năng học tiếng mẹ đẻ như nhau (ở các trẻ bình thường, không bị ảnh hưởng bởi bệnh tật cản trở khả năng học ngôn ngữ), một trẻ được cha mẹ chú ý tới và nói chuyện đúng cách sẽ học ngôn ngữ tốt hơn một trẻ ít được quan tâm và dành thời gian chủ yếu xem màn hình.
TẠI SAO CẦN CHỦ ĐỘNG DẠY TRẺ NGÔN NGỮ?
Học ngôn ngữ là quá trình lâu dài và kéo dài suốt đời, chứ không chỉ là những năm đầu đời. Trẻ nhỏ mất 4-5 năm đầu đời để có thể có nền tảng ngôn ngữ tốt tức là có khả năng giao tiếp tương đối thành thạo với lượng từ là vài ngàn từ. Qua độ tuổi đó, khả năng ngôn ngữ vẫn tiếp tục phát triển.
Ngôn ngữ quan trọng với con người, đặc biệt là trẻ em, vì đó là một công cụ quan trọng để trẻ em thể hiện bản thân chúng cũng như để kết nối với những người xung quanh. Ngôn ngữ cũng là công cụ thiết yếu để học hỏi, không chỉ trong giai đoạn đầu đời mà còn là suốt đời. Trẻ nhỏ thường có các cơn tam bành khi chúng khó chịu với điều gì chính một phần bởi vì khả năng ngôn ngữ của chúng hạn chế. Khi có thêm ngôn ngữ để diễn tả mình, trẻ sẽ có khả năng mô tả lại cảm xúc và kiềm chế tốt hơn.
Ngôn ngữ đi liền với đời sống hàng ngày, gắn liền với cảm xúc, gắn liền với các trải nghiệm, với phát triển nhận thức, và với các mối quan hệ. Ngôn ngữ không chỉ là từ ngữ, mà còn là các cử chỉ, là ngôn ngữ cơ thể, và cảm xúc mà trẻ dùng để diễn tả bản thân. Càng được hỗ trợ để phát triển ngôn ngữ, trẻ càng cảm thấy gần gũi với người xung quanh và càng phát triển nhận thức tốt hơn. Một số nghiên cứu cho thấy ngôn ngữ tốt thúc đẩy khả năng sáng tạo và là nền tảng để trẻ học hỏi tốt hơn trong giai đoạn lớn hơn.
Học thêm một ngôn ngữ nữa song song với tiếng mẹ đẻ (theo cách thức song ngữ, tức hai ngôn ngữ được dạy trong đời thường theo cách như nhau, chứ không có tiếng nào được coi là ngoại ngữ) không làm chậm phát triển tiếng mẹ đẻ, và thậm chí còn tác động rất tích cực đến phát triển của não – với điều kiện bé phát triển ngoại ngữ ngang bằng hoặc gần bằng với tiếng mẹ đẻ. Các trẻ học hai ngôn ngữ theo cách như vậy mất lượng thời gian ngang bằng để thành thạo cả hai ngôn ngữ so với những trẻ chỉ học tiếng mẹ đẻ. Đây không phải là tin để khuyến khích các gia đình vội vã tìm cách cho bé học ngoại ngữ thật nhanh. Ngôn ngữ cần phải được dạy qua tương tác với sự chú ý và yêu thương từ người trông trẻ, chứ không đơn giản là chơi với thẻ flashcard hay học qua màn hình. Quan trọng nhất là nên chú trọng vào chất lượng tương tác và sự yêu thích của bé, hơn là mục tiêu do người lớn đặt ra.
CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP TRẺ HỌC NGÔN NGỮ TỐT?
Không ít người lớn cho rằng trẻ phải nói ra được từ gì hay câu gì đó thì mới là học thành công. Do vậy, họ muốn trẻ phải nhắc lại được những gì họ đã nói với trẻ, và dễ trở nên bực tức.
Quá trình học ngôn ngữ không diễn ra theo cách người lớn nói-trẻ nhắc lại. Trẻ có thể hiểu rất nhiều trước khi chúng có thể tự nói ra. Khả năng nghe và học ngôn ngữ của trẻ nhỏ cực kỳ đáng ngạc nhiên – nhưng phần lớn người lớn không hiểu và xem nhẹ khả năng này. Khả năng phát âm của trẻ cũng hạn chế và dần hoàn thiện. Chính bởi khả năng phát âm hạn chế mà người lớn cũng thường cho rằng trẻ chưa học được.
Sự thật khác xa như vậy. Con bạn hiểu rất nhanh và rất nhiều. Quan trọng nhất không phải những gì bé nói được, mà là những gì bé hiểu và quá trình thẩm thấu ngôn ngữ trước khi bé có khả năng tự sử dụng ngôn ngữ một cách chủ động.
Sau đây là các cách đơn giản và hiệu quả để giúp bé học nói và phát triển ngôn ngữ:
1 – Bất kỳ khi nào bạn làm gì cùng bé, hãy mô tả lại với bé nhưng gì đang diễn ra, làm tới đâu mô tả tới đó. Ví dụ: khi đang thay bỉm cho bé, hãy nói với bé: "À, mẹ đang giúp con thay bỉm này. Mẹ tháo ra nhé. Con nhấc chân này lên. Được rồi. Chân kia nhé. Bây giờ mình rửa đít nào. Mẹ bế con lên này,..."
Bạn sẽ ngạc nhiên khi sự mô tả đó có thể chi tiết và đòi hỏi nhiều từ ngữ như thế nào. Đó chính là một bài học cực kỳ đáng quý cho bé. Lắm khi chúng ta nghĩ rằng trẻ không hề nghe, nhưng rồi bỗng một ngày, nói đến đâu là trẻ làm theo đến đó!
2 - Hãy đặt bạn vào vị trí ngang hàng với bé khi chơi cùng bé. Hãy nhìn mọi vật dưới con mắt của bé. Bé đang chú ý tới điều gì? Hãy nói chuyện với bé về điều đó. Ví dụ: Khi bé đang nhìn mưa, hãy nói với bé: "À nhìn kìa, trời đang mưa kìa con!" Khi nói tới cái gì, bạn hãy chỉ tay để hướng sự chú ý của bé vào sự vật, sự việc mà bạn đang nói tới. Nếu bé đang chăm chú nhìn quả bóng, hãy nói: "Cái gì đấy nhỉ con? Quá bóng đấy. Con có thích bóng không? Nhìn mẹ ném bóng này. Ô, nhìn quả bóng rơi kìa..."
3 – Hãy tận dụng những trò chơi phân vai và chơi tưởng tượng mà các bé rất thích. Tôi hay cầm một con gấu bông lên, giả giọng gấu một cách hài hước và giả vờ cho nó nói chuyện với bé. Các con tôi rất thích trò này!
4 – Khi bé nói từ gì đó, ví dụ như "chó!", hãy quan sát bé và diễn đạt lại bằng câu hoàn chỉnh để giúp bé học ngôn ngữ. Bạn có thể nói: "À, mẹ thấy con chó rồi. Con chó đang chạy!"
5 – Khi bé muốn có cái gì mà chưa có khả năng nói được, hãy diễn đạt giúp bé: "À, con muốn mẹ giúp để trèo lên ghế phải không? Con nói gì nhỉ? Mẹ ơi, mẹ giúp con." Các bé xấp xỉ 2 tuổi có thể học khá nhanh và nói theo. Những cơn mè nheo và bực tức do không biết nói sẽ đỡ hơn so với khi bé không có từ để diễn tả. Kể cả khi bé chưa đủ khả năng để nhắc lại, bạn vẫn cứ nên nói với bé.
6 – Tránh dùng ngôn ngữ em bé, mà hãy dùng ngôn ngữ người lớn khi nói chuyện với bé. Nhiều người lớn có thói quen nhắc lại cho giống trẻ đang tập nói. Ví dụ, khi con bạn nói "Tó!" để chỉ con chó, hãy nhắc lại cách phát âm đúng và cả câu đầy đủ: "À, con chó! Con thấy con chó!" Liên tục bắt chước bé mà không nhắc lại từ đúng có thể lại vô tình cản trở phát triển ngôn ngữ của bé.
7 – Khi bé nói không đúng, đó là bởi vì khả năng ngôn ngữ theo giai đoạn chưa cho phép bé nhắc lại được đúng. Điều đó không quan trọng bằng khả năng nghe-hiểu của bé. Vì vậy, tránh khó chịu với bé hay sửa bé như "Con nói sai rồi. Thế không đúng nói lại đi! Nghe mẹ đây này." Hãy ghi nhận khả năng sử dụng ngôn ngữ của bé và vui mừng. Đó là cách tốt nhất để khuyến khích bé tiếp tục nói.
8 – Một cách khác để khuyến khích bé nói là lắng nghe bé. Khi bé còn nhỏ và đang bập bẹ, ngay cả khi bạn không hiểu bé nói gì thì bạn vẫn nên nhìn vào bé khi bé đang nói chuyện với bạn và hãy ghi nhận khả năng của bé: "À, thế à, ừ, đấy, mẹ thấy con thích cái này. Con đang nói chuyện về...."
9 – Tuyệt đối không lạm dụng màn hình và tránh cho trẻ xem màn hình trước 2 tuổi. Khi trẻ còn quá nhỏ, chúng chưa có khả năng liên hệ những gì đang diễn ra trên màn hình với đời thực. Khi trẻ chưa có đủ khả năng ngôn ngữ và nhận thức để học qua màn hình, màn hình sẽ chỉ trở thành công cụ tiêu khiển và chiếm nhiều thời gian mà cha mẹ có thể dùng để tương tác với bé. Trên thực tế, màn hình có thể cản trở khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ dưới 5.
Từ sau 2 tuổi, nếu muốn sử dụng màn hình, cha mẹ nên ngồi cạnh trẻ và nói chuyện với trẻ về nội dung chương trình nếu trẻ chưa đủ khả năng ngôn ngữ để tự học. Việc này phụ thuộc vào vốn từ của từng trẻ và mức độ thích hợp của từng chương trình. Ví dụ, con đầu của tôi từ khi sau 3 tuổi đã học được rất nhiều từ từ hoạt hình Peppa Pig. Bé có thể học được khi xem là bởi vì bé đã có một lượng tiếng Anh kha khá để nắm được nội dung hoạt hình. Các bé mà chưa biết tiếng Anh hoặc mới biết dăm ba từ thì không thể học được. Trên 5-6 tuổi, màn hình có thể đem lại nhiều lợi ích hơn, với điều kiện chương trình phù hợp với trẻ. Luôn luôn nhớ giới hạn thời lượng dù trẻ ở độ tuổi nào.
10 – Đọc sách cho trẻ là một cách tuyệt vời: vừa trau dồi ngôn ngữ cho trẻ, bạn vừa kết nối với trẻ. Để đọc sách có hiệu quả cao nhất, tránh đọc y xì từng chữ, mà hãy vừa đọc vừa đặt câu hỏi cho bé (tìm xem cái gì ở đâu, vỗ vào đâu, thơm một nhân vật,...), cho bé chọn phần muốn đọc và trang muốn đọc, và thời lượng đọc hoàn toàn do bé quyết định. Nếu bạn biết tạo không khí vui vẻ lúc đọc, bé sẽ tiếp tục muốn đọc tiếp vào lần tới. Giờ đọc vui vẻ và tạo hào hứng cho bé tới đâu phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ sáng tạo trong cách đọc của bạn.
Bạn có thể đọc sách cho con từ khi con mới chỉ vài tháng. Đọc sách ở giai đoạn 0-2 tuổi mang tính chất làm quen. Càng làm quen với sách sớm, bạn càng dễ tạo thói quen đọc hơn cho bé. Hãy bắt đầu với những cuốn cực kỳ ít chữ, tranh to và thể hiện được lời, sau đó dần dần mới tăng dần lượng chữ. Không ít cha mẹ bực mình với bé vì bé không tập trung; lý do là vì mới đọc mà họ đã chọn sách quá nhiều chữ và quá khó với khả năng nhận thức của bé.
Trẻ độ tuổi dưới 2 chỉ tập trung được vài phút. Khi xấp xỉ 2 tuổi, bé sẽ có khả năng ngồi cùng bạn để xem sách lâu hơn. Nên có mong đợi hợp lý dành cho bé.
11 – Đối với các bé xấp xỉ 3 tuổi trở lên đã diễn đạt được thành câu đầy đủ, khi nói chuyện với bé, hãy đặt câu hỏi mở cho bé để bé tự trả lời, thay vì cố gắng giảng giải đủ thứ cho bé và sửa bé. Đừng quan trọng chuyện bé nói "đúng" hay "sai". Hãy cho bé cơ hội để thể hiện suy nghĩ càng nhiều càng tốt.
----------------------------
NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN TRẺ
(bài viết cho nhóm )
Nói đến nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, mỗi người sẽ có những liên tưởng và hình dung khác nhau. Tôi chỉ viết dưới góc nhìn của tôi, một phụ nữ mới sang tuổi thứ 30 và mới làm mẹ được 5 năm.
Chúng ta có thể không nhất thiết đồng ý với nhau về cụ thể cái gì sẽ nuôi dưỡng được tâm hồn trẻ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ khó mà không đồng ý với nhau rằng cái gì nuôi dưỡng được tâm hồn trẻ là cái chạm được tới trái tim của trẻ, là những thứ đẹp để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng đứa trẻ.
Cái gì chạm tới được trái tim của đứa trẻ chỉ có thể là tình thương yêu đích thực, là sự kết nối với người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, là hạnh phúc, là tự do được thể hiện và khám phá bản thân và thế giới theo cách riêng của đứa trẻ.
Có khó lắm không để làm được điều ấy trong những năm đầu đời của trẻ?
Sau đây là một số cách mà tôi đã và đang tập với các con trong những năm qua tới giờ:
1 – VUI ĐÙA
Thể hiện tình yêu thương với con rất quan trọng. Nhưng lắm khi cha mẹ bận bịu, căng thẳng, ưu tiên đứa em mà quên đứa lớn, mải bực bội vì trẻ không sống theo ý mình, mà rồi quên mất thể hiện tình thương cho con. Lắm khi cha mẹ chỉ nghĩ: "Đương nhiên là mình yêu nó, thì mình mới làm việc này, việc kia,... vì nó đấy." Đó là những suy nghĩ của chúng ta. Nhưng đứa trẻ sẽ cảm nhận ra sao khi chúng ta không thể hiện qua hành động mà chỉ là những lời như "mẹ yêu con nên mới làm thế đấy nhé. Sau này con sẽ hiểu"?
Cảm nhận của trẻ rất quan trọng. Lắm khi cha mẹ vội khen trẻ và thể hiện "tình yêu" khi trẻ làm được gì đó hợp với ý cha mẹ. Nếu đúng là như vậy, thì đó chưa phải là tình thương đích thực.
Chúng ta không cần phải chờ tới khi nào thấy trẻ làm được gì thì mới ghi nhận. Hãy ghi nhận sự có mặt của đứa trẻ và sự biết ơn của bạn vì con đã đến với bạn ở trên đời này. Nói chuyện nhẹ nhàng với con, vui đùa với con, cùng nhau hát một bài, cầm tay nhau nhảy, ôm con và thơm con chẳng vì lý do gì, chơi ú òa, trốn tìm, giả giọng quái vật, làm mặt xấu, từng động tác với con đều nhẹ nhàng,... đều là các cách đơn giản để ta thể hiện tình yêu thương cho con.
Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.
2 – ĐỜI SỐNG SINH HOẠT
Tất nhiên, đời sống không chỉ là vui cười, chơi đùa, và nhảy múa. Đời sống với con nhỏ còn có những trách nhiệm phải hoàn thành, những nhu cầu sinh hoạt phải thực hiện, những bài học quan trọng về giới hạn của hành vi sẽ khiến trẻ khóc khi bị cha mẹ ngăn cản.
Nếu cha mẹ chỉ coi những việc đó là nghĩa vụ, thì cha mẹ sẽ sớm nản với con nhỏ. Ăn uống và vệ sinh không chỉ là nghĩa vụ. Nó cũng là thời gian rất quan trọng để thể hiện sự quan tâm của bạn với con. Rất hiếm các cha mẹ đã tìm ra được niềm vui với con trong ăn uống, vệ sinh và các nhu cầu khác của trẻ. Những nhu cầu ấy của trẻ là thử thách cho cha mẹ để xem cha mẹ thực sự thương con tới chừng nào.
Cha mẹ có quan tâm tới cảm xúc và mong muốn của trẻ trong những lúc ấy không? Hay cha mẹ dùng mọi biện pháp để làm cho nhanh những việc ấy, và khó chịu với trẻ? Cha mẹ có cho phép con tự ăn và tự lựa chọn thức ăn, hay biến giờ ăn thành giờ kiểm soát con cái? Cha mẹ có thấy được cái vui khi con cái được vầy nước và chơi với vịt đồ chơi trong phòng tắm không? Cha mẹ có tham gia được với tư cách là một người bạn không? Hay cha mẹ giục con tắm nhanh lên, để cha mẹ còn làm việc khác?
Có cha mẹ nói với tôi rằng họ không có thời gian cho con. Nếu bạn dành toàn bộ sự chú ý và yêu thương vào các hoạt động sinh hoạt bình thường của một hộ gia đình, thì bạn sẽ tìm thấy thời gian cho con bạn.
Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.
3 – KHI TRẺ MẮC LỖI
Ở cấp đô cao hơn nữa của bài thử thách cho tình thương là các tình huống khi trẻ mắc lỗi. Khi trẻ mắc lỗi hay làm gì không theo ý người lớn, cha mẹ làm gì? Khi trẻ đòi hỏi những thứ không được phép, cha mẹ làm gì?
Khi trẻ mắc lỗi, nếu cha mẹ mắng mỏ, phạt trẻ cho úp mặt vào tường, ngồi vào chiếc "ghế hư đốn", cho vào nhà vệ sinh hay phòng riêng rồi bỏ mặc trẻ ở đó, thì thông điệp đứa trẻ nhận được là gì? Là tình yêu của cha mẹ có điều kiện. Là tình yêu của cha mẹ ngừng ở đó khi trẻ không như mong đợi của cha mẹ. Đó là sự ngắt kết nối, là sự cách ly vừa là thể chất vừa là tinh thần cực kỳ kinh khủng. Hãy đặt bạn vào vị trí của trẻ. Bạn có muốn khi bạn làm gì sai thì bị cách ly và mắng mỏ cho tới khi bạn xin lỗi hay không?
Tôi e là không.
Khi trẻ không theo ý bạn, đó mới là lúc bạn chứng tỏ được cho trẻ rằng bạn vẫn còn yêu trẻ, tuy không đồng tình với hành vi của trẻ. Bạn giúp con ngừng hành vi không có lợi lại (như ném đồ đạc, đánh trẻ khác,...) nhưng giúp bằng tình thương chứ không giúp bằng bạo lực thể chất, ngôn từ hay tinh thần. Bạn có thể phải giữ tay trẻ lại, dẫn trẻ ra một chỗ, và nói: "Con không được làm vậy. Mẹ biết con buồn và giận. Mẹ ở bên cạnh con tới khi con hết khóc nhé!"
Khi đứa trẻ khóc, đứa trẻ giận, đứa trẻ đánh nhau,... cha mẹ có đủ bản lĩnh để tiếp tục yêu thương con mà ôm con vào lòng hay không? Hay cha mẹ bước đi và bỏ mặc con khóc? Tình yêu cho con không thay đổi, hay cha mẹ thấy tình yêu vơi bớt?
Chúng ta không muốn gửi thông điệp "đừng mắc lỗi nữa, đừng khóc nữa. Làm thế không xứng với mẹ đâu nhé." Mắc lỗi và các cảm xúc không mấy dễ chịu là một phần cực kỳ quan trọng trong quá trình học hỏi và trưởng thành của đứa trẻ. Thông điệp mà chúng ta muốn gửi cho con là "Có những điều bố mẹ phải ngăn con vì sự an toàn và phát triển của con. Bố mẹ sẽ ở bên con để giúp con hiểu đúng/sai. Bố mẹ luôn yêu con".
Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.
4 – CÙNG NÓI CHUYỆN VÀ QUAN SÁT THẾ GIỚI
Hãy cùng trẻ làm điều gì đó đơn giản như đi bộ cùng nhau. Hãy chỉ cho trẻ mọi thứ xung quanh. Mà trẻ nhỏ tinh lắm. Chúng thường phát hiện ra những thứ mà người lớn chẳng bao giờ để ý tới, và cũng thích thú với những thứ mà người lớn chúng ta cho là thật tầm thường: Một con ốc sên, một cái lá, một mầm cây bé xíu, một con chó ở tít bên đường,...
Đừng vội đi nhanh hay đi để tới đâu. Hãy đi một vòng và thử làm trẻ con mà xem. Đôi khi con bạn sẽ có những câu hỏi, hoặc đơn giản như: "Mẹ ơi, nhìn kìa!" Chúng ta nên hỏi con "Con nhìn gì đấy? À mình cùng lại gần xem nào!" hơn là "Có gì đâu mà xem! Đi thôi!"
Khi chúng đặt câu hỏi, hãy lắng nghe câu hỏi. Nếu bé nói: "Mẹ ơi, sao trời vẫn sáng thế nhỉ?" thì chúng ta có thể nói "Ừ, trời vẫn sáng. Con nghĩ là tại sao?", hơn là không nói gì, trả lời qua loa, hoặc nói "Mặt trời kia kìa. Thế mà cũng hỏi!"
Nhiều cha mẹ bối rối không biết nói chuyện với con. Vì hiểu biết, nhận thức và thế giới quan của người lớn và trẻ không giống nhau. Cách đơn giản nhất để bạn tập là hãy ghi nhận những gì con nói, và đặt câu hỏi lại như ví dụ nêu ở trên.
Bạn cũng có thể trả lời con – đó cũng là một cách tốt, nhưng hãy cẩn thận với câu trả lời của bạn. Bạn cũng có thể lôi kéo hướng chú ý của con, nhưng nếu con bạn không để ý thì đừng giận nhé. Trẻ con mà! Tốt nhất là luôn để bé dẫn dắt.
Nói chuyện để lắng nghe và để hiểu khác với nói chuyện cho qua và để thể hiện mình. Với trẻ chưa nói mấy, người lớn phải vô cùng nhạy cảm và quan sát tốt để biết bé đang chú ý tới cái gì và bé muốn gì. Diễn đạt được lại cái bé quan tâm và cái bé thích đã giúp bé cảm thấy hạnh phúc khi được cha mẹ hiểu.
Muốn có một cuộc hội thoại đích thực thì phải biết nghe, nghe ở đây là hiểu lời người kia nói từ góc độ của người kia, chứ không phải là nhìn những nội dung đó từ cách nhìn của mình rồi đánh giá họ.
Lắng nghe và hiểu cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.
5 – THỂ HIỆN BẢN THÂN
Bạn hãy cho con bạn thể hiện bản thân con trong chừng mực an toàn. Nếu không có hành vi gây mất an toàn, gây tổn thương cho ai, vị phạm nguyên tắc quan trọng trong nhà, thì hãy để cho trẻ có lựa chọn và thoải mái sống đúng với cái tự nhiên nhất ở trẻ. Tránh can thiệp nhiều, tránh chỉ huy trẻ phải làm gì, phải chơi ra sao,...
Hãy ghi nhận bức tranh của con bạn đúng là một tuyệt phẩm của một con người bé nhỏ, chứ không phải tìm xem có chỗ nào để sửa. Hãy nói: "A, con vẽ mẹ đúng không? Mẹ có tóc này, có chân này, đi giày này" , thay vì "Tai của mẹ đâu? Sao người lại không có tai?" Nếu con bạn chưa cầm được bút đúng, hãy để con cầm tiếp và vẽ theo ý muốn của con, thay vì nói: "Mẹ đã bảo là cầm bút như mẹ. Nhìn lại mà làm cho đúng này."
Hãy cho con chơi trò này được 5 phút rồi lại quay sang trò khác trong 5 phút tiếp theo khi con chủ động như thế, thay vì: "Con bị làm sao vậy? Ngồi yên tập trung đi. Kiểu này học hành gì về sau?"
Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh như vậy: vì mong muốn con giống với hình dung của mình mà cho rằng con không bình thường, rằng con phát triển không tốt, và cần uốn nắn.
Chính vì bị cha mẹ can thiệp vào cách chơi tự nhiên, nên đứa trẻ trở nên khó chịu và bức bối chính vì bị cha mẹ kiểm soát. Một cái vốn là tự nhiên mà bị kiểm soát và áp đặt thì đương nhiên sẽ trở thành cái không tự nhiên.
Hãy dành năng lượng cho mục số 3, chứ không phải mục này.
Hơn thế, bạn cũng nên thể hiện bản thân với con một cách chân thật, chứ đừng cố gắng phải giữ hình ảnh ông bố hay bà mẹ nghiêm nghị, biết tuốt, không bao giờ sai lầm, hiểu mọi lẽ trên đời. Khi chúng ta cố gắng giả vờ làm cái chúng ta không là, thì sớm hay muộn trẻ cũng phát hiện ra.
Khi tôi không biết, tôi nói với con rằng tôi không biết, nhưng tôi và con sẽ cùng tìm hiểu. Khi tôi mắc lỗi, tôi nhận lỗi với con và xin lỗi con. Đó là cách tốt nhất để dạy con. Trẻ có nhu cầu kết nối với cha mẹ, trẻ cũng muốn hiểu cha mẹ chứ đừng nghĩ rằng chỉ có bạn muốn hiểu trẻ! Bạn biết điều gì xảy ra khi tôi thể hiện những lúc yếu đuối của mình với con không? Con tôi an ủi tôi và vỗ về tôi. Con tôi hiểu ai cũng có lúc này, lúc khác, và những lỗi lầm không làm giảm giá trị của chúng ta, cũng như không làm giảm tình yêu thương của ta dành cho nhau.
Đó cũng chính là sự kết nối, là hạnh phúc giản đơn mà vô cùng quý giá.
---------------------------
DÀNH CHO NGƯỜI MẸ TRẺ
(viết cho nhóm )
Này người mẹ trẻ,
Bạn có cảm thấy sau khi sinh con, bạn dường như trở thành một con người khác? Bạn trở nên lo lắng nhiều hơn, căng thẳng nhiều hơn. Bạn có vẻ không còn thời gian cho chính mình. Bạn đặt ra nhiều câu hỏi, và lời giải thì dường như chưa xuất hiện. Đôi khi bạn nghĩ bạn xứng đáng có thêm thời gian cho mình, để tạm thoát khỏi đời sống gia đình một chút để lấy lại sự cân bằng.
Đôi khi bạn băn khoăn phải làm sao để cân bằng được tốt hơn, để trở nên "bình thường", để không phản ứng thái quá với mọi việc. Phải bắt đầu từ đâu? Phải làm gì? Liệu tình trạng này là tạm thời hay sẽ kéo dài? Căn nguyên của nó có phải là sự ra đời của đứa trẻ, hay là gia đình chồng, hay một thứ gì đó khác mà bạn không thể gọi tên?
Tôi xin viết từ trải nghiệm của tôi. Bạn hãy coi những lời tôi viết như là lời của một người bạn gửi tới cho bạn nhé bạn yêu quý. Tôi có thể không biết tên bạn, không biết tình cảnh cụ thể của bạn, không biết bạn trông ra sao, nhưng tôi hiểu những gì bạn đang trải qua. Đó cũng là những gì tôi đã trải qua.
NỖI LO MANG TÊN "TRÔNG TÔI THẬT XẤU XÍ"
Này người mẹ trẻ, bạn có đang lo về những vết nhăn ở trên bụng của bạn không? Bạn có lo về những phần mỡ thừa không? Bạn có lo chồng sẽ có cảm nhận khác về mình không?
Nếu có thì bạn hãy tạm bỏ qua những lo lắng đó. Hãy nhìn cơ thể của bạn, cảm nhận nó, và nói lời cảm ơn với nó. Nó đã làm việc rất vất vả để nuôi dưỡng em bé trong suốt 9 tháng mang bầu. Đó là một sự kỳ diệu mà xã hội chúng ta dường như bỏ qua.
Chúng ta quá quan tâm tới vẻ đẹp ngoại hình. Vẻ đẹp nào? Vẻ đẹp theo tiêu chuẩn xã hội, của những quảng cáo, của truyền thông, của Photoshop và các "chuyên gia" thẩm mỹ. Bạn nghĩ họ hiểu phụ nữ ư? Không, họ không hề hiểu phụ nữ. Trái lại, họ chà đạp lên phụ nữ, và dùng chính những hình ảnh phụ nữ có thật và chỉnh sửa các hình ảnh ấy và nói với chúng ta rằng chúng ta không hoàn hảo, rằng chúng ta cần phải giảm cân, phải hút mỡ, phải nâng mũi để xứng đáng với vẻ đẹp của phụ nữ.
Này người mẹ trẻ, bạn vứt ngay cái mơ lo âu ấy vào thùng rác đi. Họ không trân trọng bạn. Họ đang chơi trò câu cá với bạn đó. Họ dọa bạn rằng bạn xấu thế, chồng bạn chẳng yêu bạn nữa đâu. Không có nỗi lo và nỗi sợ của bạn, thì họ sẽ kiếm tiền kiểu gì? Một người chồng là ông chồng kiểu gì mà không thương vợ sau khi vợ sinh, mà chỉ mong ngóng vợ lại có thân hình nóng bỏng? Kiểu ông chồng thế thì cũng cho vào thùng rác là vừa. Tôi phát hiện ra rằng phụ nữ chúng ta bất mãn với bề ngoài của chúng ta rồi sinh ra lo chồng sẽ không yêu nữa, chứ chẳng có mấy ông chồng chê vợ.
Bạn biết bạn đẹp nhất với ai không? Bạn đẹp nhất với đứa con của bạn. Trẻ nhỏ cảm nhận vẻ đẹp mới đúng nhất. Bạn biết chúng cảm nhận ra sao không? Chúng cảm nhận tình yêu thương từ một ai đó đang ở gần chúng như ăng-ten bắt được sóng. Ai yêu thương chúng, ai biết cười với chúng, ai biết nâng niu chúng, thì chúng đáp lại với sự gần gũi, yêu thương. Ai không biết cười với chúng, không biết mở lòng, thì chúng tránh liền, khóc liền.
Vẻ đẹp thực sự là vẻ đẹp từ bên trong toát ra ngoài. Đây là lý do có những phụ nữ không hề xấu, nhưng nhìn sắc mặt thì không ai muốn làm quen, miệng trông cũng đẹp nhưng mở lời ra thì chói tai vô cùng. Cái đẹp là cái đẹp nhân cách đó bạn ạ. Cái đẹp là cái hạnh phúc và an nhiên ở trong bạn. Bạn có thấy những người mẹ dắt con đi chơi mà cứ nhăn nhó, mắng mỏ bọn trẻ, và có những người thì trìu mến, nhẹ nhàng với con? Đó là do đời sống với những đứa trẻ ư? Không phải như vậy đâu, đó là do cái hạnh phúc và an nhiên mà mỗi người phải tự học rất vất vả để tìm thấy.
Người chồng yêu thương vợ là người chồng biết trân trọng cơ thể của vợ, cho dù cô ấy đã sinh mấy đứa con và cơ thể đã trải qua những thay đổi gì.
NỖI LO MANG TÊN "TÔI CÓ LÀM GÌ SAI KHÔNG? MỌI NGƯỜI AI CŨNG GÓP Ý"
Này người mẹ trẻ, ở xã hội này, người ta rất thích khuyên bảo. Không phải vì người ta quan tâm tới bạn hay quan tâm tới con bạn. Người ta thích sử dụng những bà mẹ trẻ như công cụ để thể hiện sự hiểu biết, giỏi giang của bản thân. Người ta thích giành lấy đứa trẻ để hạ thấp bạn, để nâng cao người ta. Có vậy thôi mà. Nếu người ta thực sự quan tâm tới bạn, người ta sẽ không vội vã khuyên bảo để khiến bạn bị tổn thương và lo lắng như thế. Người yêu thương bạn sẽ lắng nghe bạn. Người không yêu thương bạn thì tranh phần nói của bạn và không cần biết bạn nghĩ gì.
Bạn hãy học chấp nhận người ta như vậy mà tránh họ, cười xòa mà cho qua. Chính họ cũng không biết họ đang làm tổn thương bạn. Chính họ - có khi cũng đã từng là những bà mẹ có con nhỏ - mà nay thì quên mất một bà mẹ trẻ cần sự cảm thông và động viên như thế nào. Vài ba năm nữa, người ta nói chán, người ta sẽ thôi, và lại chuyển hướng sang những bà mẹ trẻ khác để "truyền kinh nghiệm" mà thôi, không làm phiền bạn nữa.
Khi bạn căng thẳng quá, bạn hãy tập hít thở: dừng mọi hoạt động, chỉ chậm rãi hít thở, hít vào rồi lại thở ra. Hãy tưởng tượng những suy nghĩ và cảm xúc trong bạn như những sinh vật có hình hài. Chúng cần được bạn mở cho lối thoát để đi, chứ không cần bạn khóa cửa, cài then để nhốt chúng ở trong bạn. Thở ra, hít vào, tưởng tượng bạn đang hít vào sự an lạc, và thở ra sự đau khổ, buồn bực. Bạn phải tập thì bạn mới hiểu điều tôi đang nói. Giải pháp này tôi học của nhà Phật, chứ tôi cũng không sáng tạo ra nó.
Câu trả lời cho nỗi lo của bạn là bạn không làm gì sai, bạn chỉ đang trải qua một giai đoạn mới đặt câu hỏi lại với chính mình, khám phá chính mình qua mối quan hệ với con. Bạn cần thời gian và bạn cần nỗ lực. Nó là hành trình chuyển hóa của bạn – nếu bạn sẵn sàng tham gia.
NỖI LO MANG TÊN "LIỆU TÔI CÓ PHẢI BÀ MẸ TỐT?"
Này người mẹ trẻ, bạn đang căng thẳng, bạn đang lo âu, và bạn rất dễ đổ lỗi cho chính mình. Có thể không có người nhà nào thực sự hiểu bạn. Có thể không có người bạn nào thực sự hiểu bạn. Có thể chính chồng bạn cũng chưa biết cách quan tâm tới bạn và không biết cách làm bờ vai cho bạn để dựa vào.
Bạn cô đơn, bạn buồn bực quá. Tôi hiểu bạn. Và có rất nhiều bà mẹ trẻ cũng đang ở trong tình cảnh của bạn.
Bạn chỉ đang ở trong lúc mong manh, yếu đuối. Bạn biết bạn cần gì nhất không? Lúc này là lúc bạn xứng đáng được yêu thương hơn bao giờ hết. Bạn cần quay về yêu thương chính bạn. Giờ không phải là lúc để trách cứ hay nghi ngờ bản thân. Chẳng bao giờ là lúc để trách cứ hay nghi ngờ bản thân hay bất kỳ ai cả. Yêu thương giúp chúng ta vững vàng, nghi ngờ thì khiến chúng ta gục ngã.
Trong lúc này, bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng hóa ra đến chính người mà bạn lấy làm chồng cũng không phải là chỗ dựa tinh thần cho bạn. Bởi vì không ai có thể thực sự làm điều ấy cho ai được.
Rất lâu thì tôi mới hiểu rằng mỗi người chúng ta phải tự làm chỗ dựa cho chính mình, tự chăm sóc chính mình để rồi sau đó - khi đã tự trụ vững – thì mới có thể làm chỗ dựa cho người khác.
Chồng của bạn, rất có thể anh ấy tỏ vẻ vững vàng, nhưng anh ấy cũng có những vấn đề và những lo âu riêng. Anh ấy không kể cho bạn, nhưng điều ấy không có nghĩa là anh ấy không có. Mọi người chúng ta đều có. Khi bạn định trách anh ấy, thì hãy nghĩ tới những tổn thương mà anh ấy cũng phải chịu đựng nhưng phải học cách giấu tiệt bởi vì anh ấy tin rằng một người đàn ông không được phép thể hiện những tổn thương đó.
Khi bạn hiểu, thì bạn sẽ tự tìm thấy động lực để tự vực bản thân dậy. Chỉ có bạn mới có thể là chỗ dựa vững chắc nhất cho con bạn. Không ai có thể làm điều ấy tốt hơn bạn. Đó cũng là hành trình chuyển hóa của chính bạn – với điều kiện bạn nỗ lực tham gia. Mối quan hệ với con không chỉ là để hiểu con, mà còn là để bạn nhìn thấy chính mình qua đó. Bạn có sẵn sàng để học với con, và học từ con không?
Tôi thấy nhiều mẹ chịu khó tìm hiểu thông tin và đọc sách lắm. Tôi cũng là một trong những bà mẹ ấy. Nhưng nếu chúng ta chỉ miệt mài đọc sách, thì việc đọc ấy vẫn không giúp chuyển hóa hiểu biết của người khác thành của chính mình. Hiểu biết của chúng ta là từ trải nghiệm của chúng ta; mà trải nghiệm có đơm hoa kết trái hay không tùy thuộc vào sự mở lòng đón nhận những bài học. Nếu chúng ta đóng mình, khăng khăng là mình đúng trong mối quan hệ với người khác (dù là chồng hay con), thì sẽ chẳng có sự chuyển hóa nào cả.
NỖI CĂNG THẲNG MANG TÊN "TÔI KHÔNG CÓ THỜI GIAN CHO MÌNH"
Này người mẹ trẻ, tôi hiểu bạn không có nổi một phút để thở, không có nổi một giây cho bản thân, có khi vừa đặt lưng xuống nghỉ thì con đã lại khóc oe oe đòi mẹ. Tôi hiểu cảm giác khi bạn như thế, và rồi đọc thấy những bài báo với tiêu đề "Bà mẹ nuôi con nhàn tênh".
Ôi, làm gì có nuôi con nhàn tênh? Nếu nhàn, thì người ta đem con cho giúp việc, cho nhà trẻ. Thế là nhàn. Nhàn để làm gì hỡi bà mẹ trẻ? Có con non nào sinh ra trong tự nhiên mà lại không cần đến mẹ? Có con non nào sinh ra trong tự nhiên mà lại được nuôi bởi con vật nào khác không phải mẹ nó? Có con vật nào làm mẹ mà lại không phải chăm con? Thế mà người ta vẫn nói với chúng ta là phải cho con đi nhà trẻ thật sớm để cho nó mạnh bạo và bớt bám mẹ.
Này người mẹ trẻ, tôi thấy chỉ có con người mới làm thế.
Bạn có biết rằng hành trình nuôi con khôn lớn cũng chính là hành trình trưởng thành của người mẹ? Nếu ta tự tay chăm sóc và giáo dục con hàng ngày với tình thương, thì không những con được quan tâm, chăm sóc, và phát triển tốt, mà chính ta cũng đang chăm cho sự trưởng thành của ta.
Khi căng thẳng quá, bạn có thể nhờ ai đó chăm con 1-2 tiếng mà ra ngoài cho khuây khỏa. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp lâu dài chính là bạn: Bạn coi con là nghĩa vụ, hay là một niềm vui? Học để chuyển hóa nghĩa vụ thành niềm vui cũng là một hành trình không đơn giản, nhưng rất đáng để thử chứ?
Những ngày đầu, tôi cũng hay bực dọc, cáu bẳn lắm. Tôi cũng thấy nhẹ nhõm lắm khi có người nhà trông con giúp để tranh thủ đôi chút thời gian để ra ngoài với chồng, để gặp bạn bè, để thay đổi không khí, để ra ngoài hít thở. Tôi cảm thấy không có thời gian cho mình. Dần dần, sau 3-4 năm (trong quãng ấy tôi sinh thêm bé thứ hai và quyết định nghỉ làm hẳn để chăm sóc và dạy hai con tại nhà), tôi đã học cách để hiểu con, để hiểu chính mình trong quá trình ấy, và dần là hiểu cả chồng nữa. Các con tôi và tôi cùng thấy hạnh phúc khi ở bên nhau. Thời gian dành cho con bây giờ cũng là thời gian cho tôi – không còn sự phân biệt đó là thời gian của ai dành cho ai, ai đang được "hưởng", còn ai phải "chịu".
Này người mẹ trẻ, con cái chúng ta lớn nhanh lắm. Chúng ta bất mãn bây giờ, nhưng sau này chúng ta sẽ không có dịp như vậy nữa đâu. Khi ấy, con cái lớn hơn rồi, chẳng còn bế được, và dần cũng khó mà ôm hôn được. Mấy năm đầu này đáng quý lắm. Đừng bỏ lỡ cơ hội này để học cách vui với con!
---
Này người mẹ trẻ, tôi dừng viết ở đây. Tôi mong là ít nhiều bạn đã tìm thấy bạn ở trong những dòng tôi viết.
Tôi viết từ những trải nghiệm của bản thân, chứ không viết từ đâu xa vời. Nếu không phải những gì tôi trải qua, thì tôi cũng không dám viết.
Tôi có thể không biết bạn, không biết bạn trông ra sao. Nhưng tôi viết cho bạn từ đáy lòng của tôi.
Bạn làm được. Bạn hãy nhìn vào bên trong bạn, và cảm nhận từ sâu, rất sâu bên trong. Bạn sẽ tìm thấy sức mạnh để tự mình vực chính bản thân mình dậy. Bạn luôn đẹp, đẹp theo cách riêng của bạn. Người nào biết yêu thương bạn thì sẽ nhìn thấy vẻ đẹp của bạn. Và khi bạn biết yêu thương và trân trọng chính mình, bạn cũng sẽ nhìn thấy vẻ đẹp ấy.
Phụ nữ chúng ta mạnh mẽ lắm. Sự mạnh mẽ đôi khi không phải là uy nghi như cây cổ thụ, mà có thể chỉ đơn giản như cây lau, cây sậy.
Chúc bạn vững vàng trên hành trình làm mẹ,
Phương.
-----------------
ĐỌC SÁCH CHO TRẺ
(viết cho group@mẹ đã sẵn sàng)
Đọc sách cho trẻ là một trong những hoạt động đơn giản mà mang lại hiệu quả cao đi kèm với rất nhiều lợi ích bao gồm sự gắn kết giữa cha mẹ và con nhỏ, giúp con nhỏ duy trì đam mê học hỏi, tạo hứng thú để xây dựng thói quen tự học cho con sau này, giúp con phát triển ngôn ngữ và tìm hiểu về nhiều đề tài, phát triển não và tăng khả năng tập trung. Không những thế, những câu chuyện với nhiều nhân vật và các tình huống còn giúp bé phát triển khả năng đồng cảm, và do đó góp phần cả vào trí thông minh cảm xúc.
Điều đó không có nghĩa là mua sách về và đọc cho bé là một quá trình dễ dàng, không đòi hỏi cố gắng từ cha mẹ. Đọc sách đòi hỏi cha mẹ phải học và điều chỉnh cách tương tác với bé cũng như đọc vị bé để hiểu mong muốn và sở thích của bé.
Càng ép buộc và càng chỉ huy con phải đọc theo cách bạn muốn thì bạn sẽ càng thất bại sớm. Những lỗi thông thường bao gồm đọc y xì từng chữ trong sách, mong đợi con phải ngồi yên trong khoảng thời gian tương đối, và mong đợi con phải nhắc được lại những gì đã được nghe.
Một số gợi ý cụ thể để giúp các cha mẹ giúp con xây dựng thói quen đọc sách:
THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU
Nên bắt đầu sớm. Việc đọc cho bé có thể bắt đầu từ khi bé mới chỉ vài tháng. Trong giai đoạn mắt bé chưa hoàn thiện và chỉ có khả năng nhìn tốt nhất các màu sắc có tương phản cao, nên chọn các sách hình ảnh to (rất ít chữ, hoặc không có chữ và cha mẹ chỉ dựa vào tranh để nói chuyện). Trong độ tuổi 0-2, nên cho bé đọc sách giấy bìa cứng – nếu bạn không muốn bé xé sách. (Gặm hay xé chỉ là cách bé khám phá thôi!)
Điều này không có nghĩa là bạn không thể đọc cho con muộn hơn. Tuy vậy, một trẻ 3 tuổi mới làm quen với sách chỉ nên bắt đầu với những cuốn ít chữ như cho trẻ 1-2 tuổi – nó không thể đọc ngay những cuốn mà một đứa 3 tuổi khác đã đọc sách được 2 năm vì nó có thể không có khả năng ngôn ngữ và sự tập trung như trẻ đã được rèn luyện.
CÁCH CHỌN SÁCH VÀ LƯỢNG CHỮ
Luôn luôn nên bắt đầu với những sách cực kỳ ít chữ (1 từ tới 1 câu ngắn mỗi trang), mỗi trang chỉ có một tranh to, rõ ràng, không nhiều chi tiết rườm rà, thể hiện được nội dung lời. Dần dần, trong quá trình đọc, bạn sẽ bắt được "nhịp" của con, từ đó bạn có thể chọn sách có lượng chữ tăng dần.
Một sai lầm thường gặp là cha mẹ chọn ngay những sách quá khó với khả năng của trẻ, và sau đó nhận xét là: "Bé không thích sách!"
Trước khi mua, bạn hãy nhớ đọc thử 2-3 trang xem ngôn ngữ có cụ thể (tránh quá trừu tượng) và có liên quan gì tới tranh hay không. Có những sách của tác giả Việt không làm được điều này, và nên tránh những sách như vậy.
GIỜ ĐỌC VÀ NỘI DUNG ĐỌC
Không nhất thiết phải chọn cố định một giờ đọc nào cả. Quan trọng nhất là hãy chọn lúc bé thoải mái và sẵn sàng. Một cách rất đơn giản là hãy lấy sách, mở ra, và gọi bé: "Con có muốn đọc sách không?" Nếu quan tâm, bé sẽ chạy ra liền. Nếu không, hãy gấp sách lại, và thử lại vào lúc khác. Phản ứng không quan tâm thường xảy ra nhiều hơn với những bé nhỏ và những bé chưa hình thành thói quen đọc sách.
Nên để sách ở chỗ thấp mà bé có thể với được. Bạn có thể yêu cầu bé hoặc giúp bé chọn cuốn mà bé thích. Gia tăng sự chủ động của bé chính là gia tăng khả năng thành công của việc làm quen với sách.
THỜI LƯỢNG ĐỌC
Một sai lầm rất lớn là cho rằng nên có thời lượng đọc, ví dụ như ít nhất là 10-15 phút, hoặc ít nhất là 2-3 quyển. Chính vì vậy, các cha mẹ rất dễ căng thẳng. Họ cho rằng khi con không đọc nữa mà thời lượng/nội dung thì chưa hết, thì có nghĩa là con đã không chịu học, không chịu hợp tác, và lười biếng.
Thời lượng nên hoàn toàn do bé quyết định. Tức là: nếu bé đứng lên, chạy loăng quăng, không còn quan tâm nữa, thì thưa bạn, giờ đọc đã kết thúc. Điều này rất hay xảy ra khi bé dưới 2 tuổi, có nhu cầu vận động cao, chưa quen với sách.
Về lâu về dài, thành công hay không chính là khả năng tạo niềm vui cho bé lúc đọc. Đừng cho rằng bé PHẢI tham gia. Bé sẽ tự động tham gia khi bạn chứng minh cho bé thấy đó là một hoạt động vui. Nếu bạn không làm được điều đó, không có gì lạ khi bé từ chối đọc.
TƯƠNG TÁC KHI ĐỌC
Việc đọc sẽ vui với bé khi chính bạn hào hứng. Bạn có thể khiến bé thấy thú vị bằng cách giả giọng nhân vật nói chuyện với chính bé, giả các loại tiếng động, tiếng kêu các con vật (bé sẽ tự bắt chước theo!).
Để cho bé lựa chọn và tích cực tham gia cũng là cách tuyệt vời để giúp bé yêu thích sách. Một số cha mẹ cho rằng con nhỏ phải đọc từ trang đầu tiên, cứ thế tuần tự cho tới trang cuối cùng. Nhưng trẻ nhỏ chưa hiểu ra điều ấy. Chúng sẽ lật giở tứ tung. Bạn chỉ có một lựa chọn: Bé giở tới trang nào, thì bạn mô tả lại trang ấy. Nếu bạn phản ứng mạnh và khó chịu, giờ đọc sẽ kết thúc, và bé cũng sẽ liên hệ cảm xúc đó của bạn với việc đọc sách. Việc này sẽ gây ảnh hưởng tới các lần đọc kế tiếp.
Mua các sách có các miếng lật mở cũng là một cách tuyệt vời, vì trẻ nhỏ rất tò mò và thích khi được tương tác với sách. Sách lật mở không thích hợp với trẻ dưới 2, vì chúng rất dễ xé rách các miếng lật mở.
Hãy nghĩ đơn giản hơn rằng chất lượng của tương tác phụ thuộc vào việc bạn có tạo cơ hội cho bé tham gia theo cách của bé, hay tìm cách kiểm soát bé và khó chịu khi việc đọc không diễn ra theo ý bạn. Bước đầu khi đọc, hãy chỉ dựa vào lời để nói chuyện với bé. Bé sẽ học tốt nhất khi được chủ động tham gia theo cách của bé, chứ không phải là ngồi thụ động để nghe. (Việc mong đợi bé ngồi thụ động để nghe rồi nhắc lại chính là hậu quả của rất nhiều năm đi học ở trường. Nhiều cha mẹ tin rằng lắng nghe-nhắc lại được ngay chính là cách học đúng đắn.)
Tôi cũng thường xuyên "bịa" các bài hát trong lúc đọc sách với con. Đừng ngại chuyện bạn hát không hay hay bài hát không đủ hấp dẫn. Các bé chẳng lo tới chuyện đó đâu!
Bạn cũng nên thường xuyên đặt câu hỏi cho bé trong khi đọc. Các bé rất thích khi được hỏi cái gì ở đâu. Bạn có thể hỏi xem các nhân vật đang làm gì. Khi nào làm quen với màu sắc và số, các câu hỏi liên quan tới những nội dung này có thể được giới thiệu theo cách có ý nghĩa với bé. Tôi hay yêu cầu con vỗ vào bạn thỏ, bạn gấu, cho các bạn ăn, thơm các bạn,... Bé rất thích thú làm theo.
Đừng quên yêu cầu bé giúp bạn giở trang!
BAO NHIÊU SÁCH LÀ ĐỦ?
Một số cha mẹ sợ lại phải đầu tư thêm một khoản tiền vào sách, còn số khác thì lại mua quá nhiều. Tôi đã phát hiện ra rằng trẻ nhỏ không cần nhiều sách. Mỗi tháng một quyển là rất đủ. (Tính ra, một năm khoảng 10-12 cuốn.) Trẻ nhỏ 0-6 thích đọc đi đọc lại những cuốn quen thuộc mà chúng đã thuộc làu. Trên thực tế, chúng cần nhiều lần đọc để có thể thực sự hiểu rõ được nội dung sách. Người mất kiên nhẫn chính là người lớn. Sự mất kiên nhẫn sẽ nhanh chóng trở thành yếu tố đầu tiên gây ảnh hưởng tới quá trình đọc của trẻ.
HỎI: VỪA ĐỌC TAY VỪA CHỈ VÀO CHỮ SẼ GIÚP BÉ HỌC CHỮ?
Câu trả lời là bạn không cần phải làm như vậy, và trong nhiều trường hợp là không nên. Có ba lý do chính sau đây:
1 – Trái với những gì nhiều cha mẹ tin tưởng, trẻ nhỏ không sẵn sàng để học chữ (để đọc được) cho tới khi ít nhất là 4-5 tuổi, và tất nhiên có nhiều trẻ muộn hơn vậy. Đó là lý do độ tuổi 6 được chọn khi trẻ học lớp 1 để nội dung học chữ/ghép vần được giới thiệu. Khi trẻ chưa sẵn sàng (não chưa đủ phát triển, do đó khả năng ghi nhớ, tập trung và nhận thức chưa đủ phát triển), thì có cố dạy gì cũng vô ích. Không phải cứ thích là dạy được. Thời điểm sẵn sàng của từng trẻ khác nhau.
2 – Vừa đọc y từng chữ và chỉ vào chữ sẽ không giúp bé hiểu được nội dung. Việc đọc phải có ý nghĩa với bé. Đó là lý do sách cho trẻ nhỏ luôn có hình ảnh đi kèm – để tạo điều kiện cho chúng hiểu ý nghĩa của từ ngữ.
3 – Kể cả khi cha mẹ có chỉ tay vào chữ, nếu bé không quan tâm, thì bé cũng sẽ không nhìn. Chẳng có cách nào để kiểm soát quá trình học của trẻ, và tốt nhất là hãy hỗ trợ, điều chỉnh cách tương tác để giúp bé học theo cách thích hợp với bé, thay vì nghĩ ra một cách là đúng và ép bé theo.
Tới lúc bé muốn học đọc, và tò mò về các chữ, thì bé sẽ không để cho bạn yên đâu! Vì vậy, duy trì thói quen đọc sách quan trọng hơn là đặt nặng mục tiêu đọc để biết chữ, đọc để học thuộc lòng.
LỜI KẾT
Sẽ có những hôm trẻ đọc ít, đọc nhiều. 2-5 phút cũng được tính là đọc. Quá trình thành công hay không, như tôi đã nói tới ở trên, phụ thuộc rất nhiều vào việc cha mẹ có tôn trọng sự lựa chọn và tốc độ phát triển của bé hay không.
Cha mẹ càng chấp nhận những biểu hiện của bé, càng vui vẻ trong lúc đọc với con, càng kiên trì hàng ngày, thì càng sớm tạo được thói quen cho con. Và khi bạn đã tạo thói quen thành công cho con, thì bé sẽ không để cho bạn đi ngủ mà không đọc sách cho bé trước đó.
Cả hai con của tôi (2 tuổi và 5 tuổi) đều đã làm quen với sách theo cách như thế này. Cả hai đã đều yêu thích sách từ khi lên 2. Tôi tin tưởng rằng đọc sách cùng con là một trong những món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể trao cho con. Ngoài ra, nếu bản thân không quen đọc sách và quyết định đọc cho con, rất có thể bạn sẽ khám phá ra niềm yêu thích đọc sách của chính bạn.
----------------------
DẠY TIẾNG ANH CHO CON TẠI NHÀ: KHỞI ĐỘNG.
(viết cho group )
Bài viết này dành cho các cha mẹ đã nắm rõ cách thức dạy tiếng Anh tại nhà cho con nhỏ trong độ tuổi 0-6. Phương đã viết nhiều bài về cách thức dạy; nếu còn gì không rõ, mong các quý phụ huynh vui lòng tham khảo sách của Phương "Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng" (NXB Nhã Nam) để có thể nắm được chi tiết hơn.
Cách thức dạy rất quan trọng. Có thể nói cách thức dạy quan trọng ngang bằng hoặc thậm chí là hơn so với vốn tiếng Anh của cha mẹ. Vì vậy, nếu có vốn tiếng Anh tốt hoặc không và dạy sai cách thì hậu quả rất không mong muốn, sẽ ảnh hưởng tới thái độ của bé với tiếng Anh. Những cảm nhận ban đầu rất quan trọng – cho dù cha mẹ dạy được cho bé tới đâu hoặc không dạy.
Trong bài này, Phương xin đưa ra các gợi ý với các cha mẹ đang chuẩn bị dạy con.
KHỞI ĐỘNG
Khi sắp bắt đầu, nhất là nếu bạn là một phụ huynh đi làm toàn thời gian, bạn nên xác định trước một khung giờ mà bạn dành ra để chơi cùng con, và qua đó sử dụng tiếng Anh với con. Đây hoàn toàn có thể là giờ đi tắm vệ sinh, giờ ăn và chuẩn bị thức ăn, bất kỳ tình huống thông thường nào và giờ đọc sách.
Hãy đơn giản nghĩ rằng bạn đang nói chuyện với con, đừng đặt nặng chuyện bé sẽ học nhanh hay chậm, nhiều hay ít.
CÓ MONG ĐỢI HỢP LÝ CHO BẠN
Hãy có mong đợi hợp lý dành cho chính bạn. Nếu đang quen nói tiếng Việt với con, bạn sẽ cần một thời gian để tự điều chỉnh để có thể quen với việc chỉ dùng tiếng Anh một mạch với con trong một lượng thời gian.
Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với chỉ 10-15 phút mỗi ngày, và chọn lúc nào cả bạn và bé đều thoải mái. Nên ngừng khi nào bạn cảm thấy không thoải mái (ví dụ nếu không quen nên phải suy nghĩ quá nhiều xem mình nên nói gì, thì rất có thể chỉ sau một lúc bạn sẽ khó chịu). Sau đó, bạn có thể tăng dần thời lượng. Tốt nhất là không nên quá chú trọng vào thời lượng, mà hãy chú trọng vào chất lượng của tương tác.
CÓ MONG ĐỢI HỢP LÝ CHO BÉ
Hãy có mong đợi hợp lý cả cho bé. Nếu bé đã ở độ tuổi 2,5-3 tuổi trở lên, rất có thể bé sẽ tròn xoe mắt nhìn bố mẹ với thông điệp: "Bố mẹ nói gì vậy?" Bé đã có tiếng Việt để nói, nên rất có thể sẽ phản ứng lại bằng tiếng Việt.
Bạn đừng lo. Chừng nào con không phản ứng mạnh, dù cho bé vẫn đang nói tiếng Việt, thì cũng chẳng sao cả. Bạn vẫn có thể tiếp tục nói tiếng Anh. Mức độ hiểu-học của bé sẽ phụ thuộc vào bạn, chứ không phải là "trí thông minh" của bé.
TẬN DỤNG TÌNH HUỐNG THƯỜNG NGÀY
Cách đơn giản nhất là khi tham gia các hoạt động chung với bé. Ví dụ như:
Hãy mô tả lại điều mà bé đang làm. Nếu bé đang ăn, bạn có thể nói: "You are eating. Eating! Look, I'm eating, too!" Nói tới đâu, bạn cần phải chỉ tới đó và tận dụng cử chỉ, nét mặt hết mức có thể để tạo điều kiện giúp bé hiểu. Nói tới "you", hãy chỉ vào bé. Nói tới "eating", bạn có thể giả vờ ăn, hoặc chép chép miệng như đang ăn.
Hãy mô tả các thứ mà bé đang quan tâm tới. Thời điểm 0-2 tuổi là lúc hoàn hảo để giới thiệu các danh từ đại diện cho đồ vật, sự vật và con người, cũng như chức năng của đồ vật, và màu sắc đơn giản. Nếu bé đang chơi ô tô, hãy nói: "Car! This is a car." Trẻ 1-2 thích thú với mọi từ ngữ mà mọi người nói. Vì vậy, việc dạy không hề khó nếu bạn biết vui với bé.
TRÒ CHƠI ĐƠN GIẢN VÀ HIỆU QUẢ
Trẻ nhỏ 1-2 rất thích trò chơi đơn giản là cầm lấy vật gì đó, rồi đưa vật đó cho ai. Bạn có thể cầm ô tô và nói: "Can you give the car to Daddy?" Vừa nói, bạn hãy vừa chỉ vào cái ô tô rồi chỉ ra bố của bé. Bé khắc hiểu rất nhanh và sẽ làm theo. Nếu bé không làm theo, hãy thử lại khi khác!
Một trò chơi đơn giản mà trẻ nhỏ rất thích là đoán xem đồ vật ở đâu. Với trẻ nhỏ 1-2, bạn không cần giấu đồ vật, mà chỉ cần hỏi: "Can you find the car?" Khắc bé (khi đã biết từ car) sẽ nhìn quanh đề tìm. Đối với trẻ tuổi này, nên đảm bảo vật mà bạn hỏi đang ở trong tầm mắt của bé.
Với trẻ xấp xỉ 3-6, bạn có thể chơi trò giấu đồ vật rồi yêu cầu bé tìm. Bạn có thể cầm con thỏ nhồi bông, giới thiệu cho bé: "This is Bunny". Sau đó, khi bé không để ý, hãy giấu thỏ vào đâu đó, và hỏi bé: "Can you find Bunny? Where is Bunny?" và làm động tác nhìn quanh. Bé sẽ đi tìm thỏ. Sau đó bạn có thể chơi các trò tương tự. Mỗi khi tìm ở đâu đó, ví dụ như ở dưới ghế, bạn có thể nói: "Is Bunny under the chair?" rồi tự trả lời: "No, Bunny isn't under the chair." Hoặc "Yay! I found Bunny. Bunny is under the chair!"
Ngoài ra, bạn hãy thử nghiệm thêm các trò khác. Một số trò chơi vui vẻ và hiệu quả khác là tung bóng, ném bóng và nhặt bóng cùng nhau. Bóng bay dễ chơi hơn là bóng thường. Khi chơi bóng bay, bạn có thể dạy bé về màu sắc. Tung quả nào lên thì bạn lại nói: "Blue balloon! Red balloon! Yellow balloon!" Thi thoảng, bạn có thể hỏi bé: "Where's the yellow balloon?"
Không cần mất công chuẩn bị các bài học tiếng Anh hay học qua thẻ. Với kinh nghiệm của tôi, tôi đã thấy rằng những trò ấy tốn công chuẩn bị mà hiệu quả lại thường không bằng, bởi vì chúng rất cứng nhắc, không cho phép độ linh hoạt cao để thích ứng với sự thay đổi trong định hướng chơi của trẻ.
ĐỌC SÁCH
Đừng vội vàng mua quá nhiều sách cho bé. Hãy tìm hiểu, và mua 2-3 cuốn đơn giản nhất, rồi bắt đầu đọc cho bé. Hôm đầu, có thể bạn chỉ đọc một quyển thôi. Để hiểu được nội dung và học được từ, trẻ con sẽ cần nhiều lần đọc. Khi đọc, bạn cần chỉ vào tranh, hoặc dùng thêm cử chỉ để diễn giải nội dung.
Nên tạo thói quen mỗi ngày đọc cho bé 10-15 phút, thời lượng có thể ít hơn nếu bé chưa quen.
Từ ngữ trong sách cho trẻ bản ngữ rất phong phú. Vì vậy, nếu bạn có vốn tiếng Anh tốt và đọc được sách cho con, việc này có thể có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các khóa học trên lớp. Sách cho trẻ bản ngữ có thể đắt, nhưng rất đáng tiền nếu bạn kiên trì đọc cho bé. Trẻ nhỏ có thể mê một cuốn trong hàng tháng trời. Khi bé chán, bạn có thể đổi vài ba cuốn khác, rồi sau đó lại quay lại cuốn cũ nếu bé vẫn thích nó (khả năng cao là như vậy!)
BAO GIỜ CON TÔI NÓI ĐƯỢC?
Đừng vội vã. Nếu bạn dạy đúng cách và kiên trì, bé sẽ hiểu trước được nhiều từ và dần dần mới nói được theo. Những câu đầu có thể rất ngắn, chỉ là từ đơn, sau đó (có thể là nhiều tuần, nhiều tháng, tùy độ tuổi, tùy bé, và tùy thời điểm bạn bắt đầu cũng như cách bạn dạy) mới có biểu hiện ghép từ. Câu hoàn chỉnh có thể sẽ không xuất hiện trong môt thời gian dài, nhất là với bé dưới 3 tuổi.
Một điều rất quan trọng cần lưu ý: Đừng đánh đố bé hay kiểm tra bé. Khi trẻ con biết bị đánh đố và biết mình đang bị đánh giá dựa trên kết quả là chúng có làm được hay không, chúng sẽ cảm thấy khó chịu. Bạn có thể hỏi con, nhưng đừng kỳ vọng con phải nói ra được. (Ngộ nhận ở nhiều phụ huynh là cho rằng trẻ phải nói ra được hoàn hảo và chuẩn từng câu từng chữ thì mới là học thành công.) Nếu bé không trả lời được, hãy vui vẻ nhắc bé, và bé sẽ vui vẻ nói lại theo bạn. Học ngôn ngữ là một quá trình dài không có đường tắt.
- - -
Tóm lại, yếu tố quan trọng nhất là vui vẻ cùng bé, và linh hoạt, sáng tạo để điều chỉnh cách tương tác với bé sao cho phù hợp với bé nhất, không coi trọng mục tiêu, không ép bé phải theo mong đợi của cha mẹ.
Ở bài khác, Phương sẽ giải thích và đưa ví dụ về cách dạy trẻ từ trừu tượng mà không dạy qua tiếng Việt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top