KINH THÁNH (ngũ Thư) - Tora

SÁCH SÁNG THẾ (chương 1-2)

I. TỔNG QUÁT VỀ SÁCH SÁNG THẾ

* kinh thánh đc viết cách chúng ta hơn 30 thế kỉ.

Cuốn sách đầu tiên trong Ngũ thư và trong toàn bộ Thánh Kinh. Trong tiếng Hipri, sách này mang tên là Khởi Nguyên. Sách có hai phần chính:

Chương 1-11 bàn về những vấn đề vượt trên thời gian và lịch sư : tạo dựng thế giới và con người, tội lỗi đột nhập trần gian, sự ác tràn ngập… Cần vượt lên trên những hình ảnh cụ thể để nắm bắt nội dung tác giả muốn chuyển tải. Vì không nắm vững điều này nên nhiều Kitô hữu đã cảm thấy hoang mang khi đọc Thánh Kinh và đối chiếu với những khám phá khoa học hiện đại.

Chương 12-50 trình bày lịch sử các tổ phụ dân Irsarel.

II. THIÊN CHÚA TẠO DỰNG VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI

1. Hai trình thuật về tạo dựng

Các học giả Thánh Kinh bắt đầu quan tâm đến việc hình thành bộ Ngũ Thư khi nhận ra rằng trong sách Sáng Thế, có hai danh xưng khi nói về Thiên Chúa: Yahweh và Elohim. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng dẫn đến kết luận là có bốn nguồn văn trong sách: (J) dùng từ Yahweh để nói về Thiên Chúa – (E) dùng Elohim để nói về Thiên Chúa cho đến Xh 3,14 là lúc Chúa mạc khải Danh Người cho Môsê – (P) cũng dùng danh xưng Elohim, với giọng văn trang trọng – (D) đệ nhị luật.

Về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, trong sách Sáng Thế có hai trình thuật. Trình thuật I (1,1 – 2,4a) là trình thuật của truyền thống P, do các tư tế biên soạn trong thời lưu đày ở Babylon. Trình thuật II (2,4b – 5,32) ) là trình thuật của truyền thống J, cổ xưa hơn và cụ thể, sống động hơn khi trình bày Thiên Chúa gần gũi con người, trò chuyện với con người.

2. Những chủ đề lớn trong chương 1 & 2

a) Công trình tạo dựng vũ trụ

Câu đầu tiên (1,1) mô tả trước khi có hành động tạo dựng của Thiên Chúa, thế giới là một khối hỗn mang. Rồi “ngọn gió của Thiên Chúa” bắt đầu hoạt động trên khối hỗn mang đó. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự bằng Lời quyền năng của Người (1, 3). Hành động tạo dựng của Thiên Chúa được trình bày trong khuôn khổ sáu ngày:

Ngày 1: Ánh sáng

Ngày 2: Bầu trời, tách biệt nước ở trên vòm và nước dưới vòm

Ngày 3: Đất và thảo mộc

Ngày 4: Các chòm sáng trên bầu trời

Ngày 5: Chim muông và cá

Ngày 6: Các loài động vật và con người

Vũ trụ này chính là công trình của Thiên Chúa nên khi chiêm ngắm vũ trụ này, con người có thể nhận biết Thiên Chúa và chúc tụng Người (Rm 1).

b) Con người

Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Đây là định nghĩa tuyệt vời và súc tích nhất về con người. Giải thích thần học thường nhấn mạnh rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên có linh hồn. Tuy nhiên, cách nhìn của Thánh Kinh không mang tính phân biệt xác-hồn. Đúng hơn, hình ảnh ở đây nói lên chức năng của con người là đại diện của Thiên Chúa trên trái đất. Cũng như Thiên Chúa là Đấng cai quản bầu trời, thì con người là đại diện của Người được trao trách nhiệm cai quản trái đất (1,26).

Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa nên những gì nói về Thiên Chúa đều có liên hệ đến ta, vd. mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đồng thời con người có thể nói về Thiên Chúa khởi đi từ kinh nghiệm nhân loại của mình, dĩ nhiên là rất giới hạn. Từ ngữ chuyên môn gọi là loại suy. Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình đến nỗi ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha; do đó Ngài chính là khuôn mẫu cho ta để sống trọn nhân tính của mình.

Con người có nam có nữ (1,28; 2,18-24), bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau. Đây là một tầm nhìn rất mới trong bối cảnh thời đại xa xưa. Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng có nam, có nữ, nên những tình trạng như sự bất bình đẳng nam nữ hoặc chủ trương xoá tan sự độc đáo của mỗi giới đều không phù hợp ý muốn của Đấng Tạo hoá.

Chiều kích xã hội của con người cũng được thể hiện ngay từ đầu, với căn bản là gia đình (2,18). Nền tảng gia đình được thiết lập. Chính Thiên Chúa liên kết hai người nam nữ nên một để họ bổ túc cho nhau và sinh sản con cái.

Con người làm chủ trái đất (1,28; 2,19): con người được giao quyền làm chủ với tư cách là quản lý và là người cộng tác vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.

c) Ngày sabát (2,2-3), dấu ấn của truyền thống P

Ngày sabát được liên kết với việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Trong tuần tạo dựng, Thiên Chúa đã có tám hành động tạo dựng, nhưng tám hành động này lại được xếp vào khuôn khổ sáu ngày (ngày thứ ba và thứ sáu, mỗi ngày có hai hành động). Mục đích là để làm nổi bật ý nghĩa của ngày sabát. Luật giữ ngày sabát được công bố trong sách Xuất Hành (20,8) nhưng ở đây đã được liên kết với thuở đầu tạo dựng, nghĩa là với trật tự tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ đầu.

THIÊN CHÚA tạo ra 9 cấp bậc Thiên Thần

Giải Thích:

Theo quan niệm Kitô giáo, thiên thần là những tạo vật vô hình do Thiên Chúa tạo ra để phục vụ cho các công việc của Thiên Chúa. Vào thờiTrung Cổ, đã có nhiều nhà thần học cố gắng để phân loại ra các cấp bậc thiên thần trên thiên đàng. Tuy nhiên, hệ thống cấp bậc do nhà thần học Pseudo-Dionysius phân loại được cho là phổ biến hơn cả. Theo đó, các thiên thần trên thiên đàng được chia thành ba cấp bậc khác nhau theo công việc, mỗi cấp lại có một nhóm các thiên thần mang danh hiệu khác nhau.

1/ Cấp một

1.1 Luyến thần

1.2 Minh thần

1.3 Bệ thần và Ngai thần

2/ Cấp hai

2.1 Quản thần

2.2 Dũng thần

2.3 Quyền thần

3/ Cấp ba

3.1 Lãnh thần

3.2 Tổng lãnh thiên thần

3.3 Thiên thần

4/ Chú thích

CẤP MỘT:

Cấp bậc một là nhóm các thiên thần chủ yếu làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa. Họ là những tạo vật kề cận Thiên Chúa nhất.

A-Luyến thần

Luyến thần (còn gọi là Thiên thần Sốt Mến, hoặc Seraphim, nghĩa là "rực cháy") được đề cập trong Sách Isaia 6:1-7. Họ là những tạo vật đứng hầu cận ngai Thiên Chúa và liên tục hát lời ca ngợi: "Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!". Theo mô tả trong đoạn Kinh Thánh này thì Luyến thần có sáu cánh: Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay[1].

Theo như một số sách thì nhóm Luyến thần gồm bốn thiên thần bay xung quanh ngai tòa Thiên Chúa nhưng chỉ có hai luyến thần được nhắc tên đó là Seraphiel và Metatron (trong đó, Seraphiel được miêu tả là có cái đầu của phượng hoàng). Các Luyến thần thường xuyên cháy sáng khiến ánh sáng phát ra từ họ sáng chói đến nỗi không một ai, thậm chí là các thiên thần khác có thể nhìn trực tiếp được.

B-Minh thần

Minh thần (hoặc Cherubim) được nhắc đến trong rất nhiều sách khác nhau, như Sách Sáng Thế 3:24, Sách Êdêkien 10:12-14, Sách Các Vua quyển thứ nhất 6: 23-28 và Sách Khải Huyền 4:6-8. "Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê den, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh." (St 3:24)

Các thần hộ giá ở đây chính là các Minh thần Cherubim (bản Kinh Thánh tiếng Anh có đề cập đến tên gọi này). Hình dáng của các Minh thần được miêu tả trong sách Êdêkien 1: 5-12 theo thị kiến của nhà tiên tri này như sau: "Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau." Nhiều sách cho rằng, các Minh thần được Thiên Chúa giao nhiệm vụ cai quản cây trường sinh trong vườn Địa Đàng và ngai tòa của Ngài. Ngoài ra, nhiều người cũng nhầm lẫn hình dáng các Minh thần với các thiên thần mang hình dáng là những đứa trẻ có cánh.

C-Bệ thần và Ngai thần

Bệ thần (hoặc Ophanim) và Ngai thần (hoặc Thrones). Các thiên thần này cũng xuất hiện nhiều trong Kinh Thánh như: Sách Khải Huyền 11:16 và Thư gửi tín hữu Côlôxê 1: 16. Các Bệ thần được miêu tả dưới hình dạng những bánh xe, có nhiều mắt trên vành bánh (theo thị kiến của tiên tri Êdêkien 1:15-21). Các thiên thần này biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa. Ngai thần thì có hình dáng là chiếc ngai vàng. Cùng với Luyến thần và Minh thần, các Ngai thần không bao giờ ngủ mà canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa.

Các Ngai thần dường như có mối quan hệ mật thiết với các Minh thần. "Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe." (Êdêkien 10:17)

CẤP HAI:

Cấp hai là nhóm các thiên thần làm việc như những vị quản trị thiên đàng

A- Quản thần

Quản thần (hoặc Dominatio) được coi là những thiên thần điều phối hoạt động của các thiên thần cấp dưới. Nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn vũ trụ theo đúng quĩ đạo bằng cách gửi sức mạnh cho những người nhà quản trị các quốc gia. Quản thần được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên thần. Tuy nhiên, để phân biệt với các thiên thần khác, các Quản thần có thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu.

B-Dũng thần

Dũng thần (hoặc Virtues) có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên. Họ tăng thêm sức mạnh cho những nhân vật tài năng dưới trần gian.

C-Quyền thần

Quyền thần (hoặc Pơwers) giám sát sự phân chia quyền lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Quyền thần mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo. Có ý kiến cho rằng, Satan là thủ lĩnh nhóm Quyền thần trước khi bị Thiên Chúa phạt đày xuống trần gian.

CẤP BA:

Là những thiên thần hoạt động như là sứ giả của Thiên Chúa hoặc là đạo binh thiên quốc.

A-Lãnh thần

Lãnh thần (hoặc Principalities) thường xuất hiện để cộng tác năng lực với Quyền thần. Lãnh thần được tạo hình có đội một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của họ là thực hiện tấn phong cho các lãnh chúa xứ sở và gìn giữ thế giới vật chất, giám sát các nhóm người. Họ là những quan thầy và bảo hộ cho các lãnh quốc trên Trái Đất. Ngoài ra, Lãnh thần còn truyền cảm hứng và tư tưởng cho chúng sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.

B-Tổng lãnh thiên thần

Từ "Tổng lãnh thiên thần" (hoặc Archangel) chỉ xuất hiện hai lần trong Tân Ước (Thêxalônica 4:16 và Giuđa 1:09). Người ta chỉ biết nhiều đến hai tổng lãnh thiên thần là Gabriel và Michael. Ngoài ra, trong Sách Tôbia (được Công giáo và Chính Thống giáo chấp nhận) còn đề cập đến tổng lãnh thiên thần Raphael khi Raphael nói với Tôbia rằng ông là "một trong bảy người hầu cận trước mặt Chúa" (hàm ý sáu người còn lại có Michael và Gabriel). Thông thường, Công giáo và Chính Thống giáo coi bộ ba Michael-Gabriel-Raphael là tổng lãnh thiên thần còn Giáo hội Cơ Đốc phục lâm coi Michael là một tên khác của Giêsu.

C-Thiên thần

Các "thiên thần" (hoặc Angel) là cấp độ thấp nhất của hệ thống thiên sứ và được biết đến nhiều nhất. Họ là những tạo vật theo dõi công việc của chúng sinh dưới trần gian. Có nhiều loại thiên thần khác nhau, với các chức năng khác nhau. Trong Công giáo Rôma, có thiên thần hộ thủ (hoặc thiên thần bản mệnh) được tin là thiên thần theo dõi và hướng dẫn cho mỗi cá nhân.

III. MỘT SỐ THẮC MẮC

1. ”Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (1,26)

Có nhiều cách giải thích về đại từ “Chúng Ta”

– Dùng số nhiều đễ diễn tả uy quyền. Vì Thiên Chúa là Đấng vĩ đại và toàn năng

nên người ta dùng số nhiều để diễn tả.

– Một vài học giả cho rằng việc sử dụng này bắt nguồn từ những huyền thoại

vùng Cận Đông, trong đó hội đồng thiên quốc gồm nhiều vị thần nhỏ làm cố vấn

cho vị thần tối cao.

– Một số khác cho rằng đây chỉ là cách dùng có tính hùng biện chứ không hàm nghĩa gì trong đó.

-- Có thể giải thích rằng: Từ đời đời đã có Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba ngôi cùng dựng nên trời đất.

2. ”Con người ở một mình thì không tốt…” (2,18). Vậy tại sao lại đòi hỏi các linh mục và tu sĩ sống độc thân?

Trong Mt 19, 10-12, Chúa Giêsu nói, “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.”

Độc thân vì Nước Trời là lối sống không phát xuất từ những tính toán ích kỷ hoặc không lành mạnh, nhưng nhằm phục vụ Nước Trời, phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đây không chỉ là chọn lựa của con người mà trước hết là ơn ban của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã nói sau lời tuyên bố trên, “Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).

3. Sự Ác ở đâu mà ra trong khi Thánh Kinh khẳng định Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành?

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trình bày một tầm nhìn tiến hoá về công trình Tạo dựng, theo đó Thiên Chúa sáng tạo một thế giới trong tiến trình hướng về sự trọn hảo tối hậu. Trong tiến trình đó, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Chính vì thế, bao lâu công cuộc tạo dựng chưa đạt đến mức hoàn hảo, thì bên cạnh những điều tốt về mặt thể lý, cũng có sự dữ thể lý (GL số 310).

Ngoài sự dữ thể lý, còn có sự dữ luân lý. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có chọn lựa tự do. Nhưng nhân danh tự do, con người đã chọn lựa điều xấu (tội lỗi), và sự dữ đã xâm nhập thế giới do tội lỗi của con người. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ luân lý, dù trực tiếp hay gián tiếp.

SÁNG THẾ (chương 3 – 5)

I. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA (2,25 – 3,7)

1. Con rắn

Trong bản văn, không có chỗ nào con rắn được đồng hoá với thần dữ. Việc đồng hoá chỉ diễn ra sau này vào thế kỷ I (Kng 2,24; Enoch 69,6). Ở Canaan, rắn có liên hệ mật thiết với việc thờ phượng sự sung túc phì nhiêu, cũng là cám dỗ thường xuyên cho dân Israel khi họ định cư ở đất Canaan. Vì thế đây là lời cảnh giác hãy tránh xa những việc thờ quấy này. Rắn ở đây cũng không liên hệ gì đến con rắn đồng trong sách Xuất hành. Sự kiện rắn đồng trong sách Xuất hành cho thấy Thiên Chúa có thể “dĩ độc trị độc!” Và Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để ban tặng sự sống (x. Ga 3,14-15).

2. Ý nghĩa cám dỗ

Chiến thuật của mọi cám dỗ là chỉ nói một nửa sự thật: (1) các ngươi sẽ không chết, (2) mắt các ngươi sẽ mở ra, (3) các ngươi sẽ được giống như Thiên Chúa. Thực tế là sau khi ăn trái cấm, con người đã không chết nhưng lại không sống mãi, đã mở mắt ra để chỉ thấy mình trần truồng, và đã giống như Thiên Chúa biết thiện ác nhưng chỉ là cái biết giới hạn. Đây cũng là chiến thuật Satan áp dụng khi cám dỗ Chúa Giêsu (x. Mt 4, 1-11). Và cả ngày nay, với chúng ta.

Cây biết thiện ác (2,17): Ý nghĩa sâu xa của hình ảnh và trình thuật này là chỉ một mình Thiên Chúa – với sự toàn tri và khôn ngoan của Người – mới biết rõ ranh giới thiện ác và tốt xấu. Con người không thể tự mình xác định vì tầm nhìn giới hạn của phận người nên chỉ thấy được một phần nhỏ. Vì thế, phải biết trân trọng Lời Chúa về cây biết thiện ác (2,17) thì mới đến được cây trường sinh (3,22). Đây là bài học rất lớn cho con người hôm nay, nhất là trong lãnh vực luân lý.

Ma quỷ cám dỗ bằng cách gây nghi ngờ, từ đó chối từ và vứt bỏ Lời Chúa. Vì thế cần phải tuyệt đối tin tưởng vào Lời Chúa như Chúa Giêsu khi đối diện với những cám dỗ trong sa mạc.

3. Hậu quả của tội

Hậu quả lập tức của tội lỗi là con người nhận ra sự trần trụi của mình và họ tìm cách che đậy sự trần trụi đó (3,7). Khi Đức Chúa lên tiếng hỏi “Ngươi ở đâu?” con người đưa ra lý do lẩn tránh Thiên Chúa, “bởi vì tôi trần trụi.” Thực ra con người không trần truồng vì đã lấy lá vả che thân, nhưng con người nhận ra mình trần trụi vì tương quan giữa họ với Thiên Chúa đã bị bẻ gẫy.

Bẻ gẫy tương quan với Chúa, tội lỗi cũng phá hỏng những mối tương quan căn bản trong cuộc sống con người: đánh mất sự thống nhất nơi chính bản thân; tương quan vợ chồng biến thành tương quan thống trị và thèm khát thay vì yêu thương phục vụ; tương quan với tha nhân (anh em trong nhà, người ngoài) được dệt bằng dối trá, sợ hãi, đối đầu; cả tương quan với thế giới cũng trở nên khó khăn vì chính thiên nhiên tàn phá con người. Tất cả những điều này sẽ được trình bày trong những chương kế tiếp.

II. CAIN VÀ ABEL (4,1-16)

Câu truyện về Cain và Abel được nối kết cách lỏng lẻo với câu truyện trước đó về con người sa ngã. Một số học giả cho rằng đây là câu truyện hoàn toàn độc lập nhưng được tác giả sách Sáng Thế liên kết với câu truyện trước nhằm mục đích riêng của ông. Câu truyện này giả thiết lúc đó đã có các dân khác (St 4,14 : “bất cứ ai gặp con sẽ giết con”; xã hội đã có tổ chức trong đó có những ngành nghề khác nhau, và một nền thờ phượng cũng đã bắt đầu phát triển.

Mối quan tâm của tác giả là nhấn mạnh đến tội lỗi và hậu quả của nó chứ không nhằm những chi tiết khác, do đó khiến ta có những thắc mắc, vd. tại sao Chúa không nhận lễ vật của Cain.

Có giả thuyết cho rằng câu truyện này muốn trình bày sự tranh chấp giữa các dân có nền văn hoá và ngành nghề khác nhau, cụ thể là giữa lối sống du mục và nông nghiệp. Cũng có giả thuyết khác cho rằng đây là cách nói về nguồn gốc của bộ tộc Kenites, mang tattoo trên trán và sống tách biệt các bộ tộc khác. Bộ tộc này cũng thờ phượng Thiên Chúa nhưng chưa bao giờ là thành viên của dân Israel.

Thiết nghĩ ý tưởng chính của câu truyện là lòng con người đã nghiêng về điều xấu. Từ tội lỗi của những con người đầu tiên, nhân loại tiếp tục xa rời Thiên Chúa, chìm sâu trong tội đến nỗi Thiên Chúa đã lấy làm tiếc vì tạo dựng loài người (6,6). Chính vì tội lỗi nhân loại tràn lan như thế nên cuối cùng Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân để từ dân đó, toàn thể nhân loại giao hoà với Thiên Chúa. Đó là nội dung sẽ được trình bày từ chương 12 trở về sau.

SÁNG THẾ  (chương 5-11)

I. LỤT HỒNG THUỶ (6,1 – 9,29)

Có sự giống nhau giữa trình thuật này và một truyện thần thoại của Babylon (Gilgamesh Epic), theo đó hội đồng các thần linh quyết định hủy diệt nhân loại. Ea là thần khôn ngoan hiện ra với Utnapishtim và báo cho biết tai hoạ sắp tới, đồng thời dạy phải làm tầu để cứu cả nhà. Utnapshtim làm tầu rồi đem gia đình và cả thú vật lên tầu. Các thần cho cơn bão hoành hành nhưng rồi chính các thần linh cũng không kiểm soát nổi cơn bão, và phải run sợ ẩn nấp trên trời. Khi bão tan, Utnapishtim thả những cánh chim ra để xem xét tình hình. Khi vừa lên bờ, họ dâng lễ tạ ơn thần linh và được các thần thuởng cho sự bất tử. Tuy nhiên giữa truyện thần thoại này và trình thuật Thánh Kinh có những khác biệt căn bản. Trong trình thuật sách Sáng Thế, không hề có bóng dáng đa thần. Thiên Chúa và chỉ một mình Người mà thôi điều khiển tất cả và không có chuyện cơn bão lụt vượt ra ngoài sự kiểm soát của Thiên Chúa. Cơn lụt được trình bày rõ ràng là hình phạt của tội, và sau cơn lụt, Noê bước vào giao ước với Thiên Chúa chứ không để hưởng sự bất tử.

Bản văn cũng nói đến cuộc hôn nhân giữa con trai Thiên Chúa và con gái loài người (6, 1-4). Ở đây có âm vang của các chuyện thần thoại mang dáng dấp đa thần. Tác giả Thánh Kinh vận dụng câu truyện này để dẫn vào chuyện lụt hồng thủy như hình phạt tội lỗi, tội lỗi đã lan rộng đến độ vượt qua cả ranh giới giữa đất và trời!
Ý nghĩa này được nhấn mạnh hơn nữa trong 6,5-8; 8,21-22 với ghi nhận rằng “Lòng con người toan tính điều xấu.” Trong văn hoá Hípri, trái tim (lòng) trước hết không phải là trung tâm tình cảm nhưng là nguồn tri thức và ý muốn. Do đó, điều nhấn mạnh ở đây là toàn bộ suy tư và đời sống con người đã ra xấu xa.

Trình thuật này đã được vận dụng vào trong đời sống của Hội Thánh cách phong phú.

Nước trong Lụt hồng thủy được coi như hình bóng của bí tích Thánh tẩy. Cũng như nước hồng thủy vừa hủy diệt nhân loại tội lỗi vừa tác sinh nhân loại mới, thì nước Thánh Tẩy cũng tha thứ tội lỗi và biến đổi chúng ta thành những con người mới.

Con tầu Noê cũng được xem là hình bóng về Hội Thánh. Con tầu Noê được làm mà không có bánh lái, như thế giống như một Đền thờ hơn là con tầu Hình ảnh này diễn tả về Hội Thánh hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa (7,17).

Noê cũng là hình ảnh loan báo Chúa Kitô, Đấng là Đầu nhân loại mới được canh tân trong Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy (8,20). Noê đã dâng lên Thiên Chúa hiến lễ đẹp lòng Người, và Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước bao gồm cả nhân loại. Giao ước này loan báo giao ước tối hậu trong Chúa Kitô.

II. CÁC DÂN TỘC TRÊN THẾ GIỚI (10,1 – 11,27)

1.Bản danh sách các dân tộc (10,1 – 11,27)

Ý nghĩa thần học của bản danh sách này là sự thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa trong St 1,28 “Hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất.” Israel là một trong số các dân, và việc Thiên Chúa tuyển chọn họ không phát xuất từ những ưu điểm của họ nhưng hoàn toàn do lòng từ ái của Thiên Chúa mà thôi.

2.Tháp Babel (11,1-9)

Tháp Babel biểu tượng cho giấc mơ rồ dại của con người muốn xây dựng một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Sau này, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ quy tụ và hiệp nhất các dân nước khác nhau trong cùng một ngôn ngữ.

SÁNG THẾ chương 12-19

St 11,28 – 36,43 là những trình thuật về các tổ phụ, bắt đầu với tổ phụ Abraham. Chủ đề xuyên suốt các trình thuật này là lời hứa của Thiên Chúa và việc thưc hiện lời hứa đó trong lịch sử.

I. TIẾNG GỌI VÀ LỜI ĐÁP TRẢ CỦA ABRAM (11,28 – 12,9)

1. Tiếng gọi của Thiên Chúa

Abram và Abraham là những cách gọi khác của cùng một tên, cũng như Sarai và Sara. Sự thay đổi trong cách gọi bắt đầu diễn ra từ St 17,5.15 để làm nổi bật mối quan hệ mới của Abraham với Thiên Chúa sau khi ký kết giao ước.

Sau khi trình bày lịch sử nguyên thủy của toàn nhân loại, tác giả sách Sáng Thế bắt đầu tập trung vào một con người, từ con người này sẽ hình thành một gia đình, sau đó là một dân tộc. Việc tuyển chọn Abram vẫn là một huyền nhiệm, hoàn toàn do sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho Abram thành một dân lớn (12,2). Để được như thế, Abram cần có hậu duệ và đất đai. Yếu tố cuối cùng trong lời hứa của Thiên Chúa là nhờ Abram, “mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (12,3). Điều này có nghĩa là Abram, và sau này Israel, được coi như trung gian của những phúc lành Thiên Chúa ban cho thế giới (Sirach 44,21).

2. Lời đáp trả của Abram

Bản văn không cung cấp chi tiết gì về phản ứng của Abram trước lời đề nghị của Thiên Chúa, cũng không cho biết lý do tại sao ông vâng phục. Bản văn chỉ ghi nhận vắn tắt, “Abram ra đi như Đức Chúa đã phán với ông” (12,4). Hàm nghĩa ở đây là niềm tin không tra vấn và sự vâng phục tuyệt đối của tổ phụ Abram. Chủ đề đức tin là chủ đề quan trọng sẽ được nhắc đến nhiều lần trong trình thuật về tổ phụ Abraham.

Thánh Phaolô đã mô tả đức tin của tổ phụ Abraham bằng những lời lẽ tuyệt vời, “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Ra đi mà không biết mình đi đâu! Đức tin không chỉ là dùng lý trí để chấp nhận một số chân lý hoặc mệnh đề đức tin, nhưng là vâng nghe tiếng Chúa và phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa đến nỗi ra đi mà không cần biết mình đi đâu, chỉ cần biết là đi với Chúa và đi theo Chúa, thế là đủ. Tổ phụ Abrham mãi mãi là mẫu mực cho đời sống đức tin của mọi tín hữu.

II. GIAO ƯỚC VỚI ABRAHAM (15,1-21)

Về mặt chuyên môn, các học giả Thánh Kinh cho rằng trình thuật này là sự phối hợp giữa hai nguồn văn P và J, nhưng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề này. Điều nên quan tâm ở đây là nghi thức ký kết giao ước được mô tả trong các câu 9-11 và 17-20.

Nghi thức ký kết giao ước cũng như ý nghĩa của nó được nhắc đến trong Giêrêmia 34,18. Những khám phá trong thế kỷ vừa qua cho thấy đây là cách phổ biến trong vùng Cận Đông xưa. Xẻ đôi con vật và bước đi qua giữa con vật đã bị xẻ đôi là cách kết nối và ràng buộc hai bên ký kết giao ước với nhau. Nếu họ không tuân giữ những điều khoản của giao ước, họ sẽ bị nguyền rủa và phải chịu số phận như những con vật bị xẻ đôi.

Abram chìm vào trong giấc ngủ sâu tức là trạng thái ngưng hoạt động và bước vào tình trạng đón nhận mạc khải của Chúa. Nghi thức ký kết được kết thúc bằng hình ảnh một lò lửa nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua những con vật đã bị xẻ đôi. Lửa chính là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa đã có sáng kiến ký kết giao ước và Người tự “buộc” mình vào giao ước đó. Những câu cuối cùng (18-21) xác định rõ vùng Đất Hứa, và những xác định này phù hợp với lãnh thổ của vương quốc Đavít dưới thời Salomon.

Nghi thức ký kết giao ước này giúp cho mỗi tín hữu ý thức lại giao ước mà mình đã ký kết với Thiên Chúa và những đòi hỏi của nó. Điều quan trọng nhất là sự trung tín. Về phía Thiên Chúa, Người luôn luôn trung thành với giao ước Người đã ký kết, mặc cho những đổi thay từ phía con người. Nhưng bản thân ta có trung thành với giao ước không, đó là điều mỗi Kitô hữu phải thường xuyên tự vấn và sám hối.

III. PHÁ HỦY THÀNH SODOMA (19,1-29)

Trình thuật này khẳng định thái độ không hiếu khách (vốn là đòi hỏi quan trọng trong xã hội du mục) và sự bại hoại về luân lý tính dục là nguyên nhân chính dẫn đến việc Thiên Chúa trừng phạt Sodoma. Ngày nay khi nghe kể rằng để giàn xếp mọi chuyện cho êm thắm, ông Lot đã đề nghị đem hai trinh nữ ra cho người ta thoả mãn tuỳ thích… chúng ta không chịu được! Nhưng vào thời đó, vấn đề lại không bị nhìn cách trầm trọng như thế. Hơn nữa sự kiện này càng làm nổi bật sự vô luân và tội ác của dân Sodoma, và như thế, hình phạt của Thiên Chúa đã gần kề. Ông Lót được cảnh báo phải đưa cả gia đình đi tránh nạn. Bà vợ ông đã bị biến thành tượng muối vì đã không tuân theo lời căn dặn của hai vị sứ giả, “Đừng ngoái lại đằng sau” (9,17).

Lề luật của Thiên Chúa được đặt ra không nhằm trói buộc con người nhưng mở đường dẫn tới hạnh phúc đích thực. Khi con người nhân danh tự do để phủ nhận lề luật và trượt sâu vào sự sa đoạ về luân lý, thì con người tự hủy diệt chính mình, huỷ diệt nhân tính, huỷ diệt những tương quan xã hội, và hủy diệt vận mệnh vĩnh cửu của mình. Trình thuật về Sodoma làm chứng điều đó, và những gì đang diễn ra trong cuộc sống ngày nay cũng làm chứng điều đó. Vì thế trình thuật này là lời mời gọi mỗi người suy nghĩ về chính cuộc sống của mình cũng như của toàn xã hội.

SÁNG THẾ (chương 20-25)

I. HIẾN TẾ ISAAC (22,1-19)

Đây là một trong những áng văn đẹp nhất của Thánh Kinh Cựu Ước. Hãy hình dung cảnh tượng hai cha con bước đi trong thinh lặng của núi rừng mà lòng Abraham trĩu nặng. Hãy nghĩ đến những tâm tư thầm kín của tổ phụ Abraham trong từng bước đi. Hãy nhớ đến câu hỏi thật đơn sơ và ngây thơ của Isaac hỏi cha mình… Tất cả làm nên một trình thuật không những sâu sắc về tư tưởng mà còn thật cuốn hút về mặt văn chương.

Các học giả ghi nhận mối quan hệ giữa trình thuật này với tục lệ sát tế con cái để dâng cho thần linh. Đây là tục lệ của những dân tộc lân cận với Israel thời đó, và một số người trong dân Israel cũng đã bắt chước dù bị cấm (x. 1V 16,34; 2V 3,27; 23,10). Có thể trình thuật này nhắm mục đích phê phán và phủ quyết tục lệ này. Tuy nhiên điểm nhấn của trình thuật vẫn là việc thử thách đức tin của Abraham. Thiên Chúa đã thử thách Abraham đến độ đòi hỏi ông phải hiến tế chính đứa con duy nhất của mình, đứa con làm nên niềm vui và hi vọng duy nhất của đời ông. Và tổ phụ Abraham đã chứng tỏ niềm tin tín thác trọn vẹn và tuyệt đối của ông vào Thiên Chúa. Tên gọi “Đức Chúa sẽ liệu” (câu 14) mà Abraham đặt cho nơi ông hiến dâng con mình đã diễn tả tất cả, diễn tả sự phó thác trọn vẹn của ông vào Thiên Chúa, đồng thời diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa với lời hứa của Người. Chủ đề về Lời hứa một lần nữa được nhấn mạnh trong trình thuật này (câu 15-19).

Khi đọc trình thuật này, ta dường như dành trọn sự thương cảm cho Abraham, và cùng với sự thương cảm đó là một chút “ác cảm” với Thiên Chúa vì cho rằng đòi hỏi của Người quá “phi lý” và “bất nhân.” Thế nhưng có khi nào ta đọc câu chuyện này và nhớ lại khung cảnh của đồi Canvê, khi Thiên Chúa dìu Người Con chí ái của Người lên đồi và chấp nhận để cho thế gian đóng đinh Con của Người vào thập giá? Có khi nào ta hình dung nỗi đau của Thiên Chúa khi chứng kiến Con của Người đang quằn quại theo từng nhát búa? Hãy hình dung như thế để khám phá lại tấm lòng yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Hãy hình dung như thế để hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người luôn luôn vĩ đại hơn niềm tin của con người dành cho Thiên Chúa, cho dù con người đó là Abraham. Hãy hình dung như thế để bước đi trong niềm tín thác vào Thiên Chúa Tình yêu bởi vì “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32).

II. TÌM VỢ CHO ISAAC (24,1-67)

Hàm ẩn trong câu truyện dễ thương này vẫn là chủ đề về lời hứa. Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn tổ phụ Abraham từng bước để thực hiện lời Người đã hứa. Tuy nhiên Người không can thiệp cách trực tiếp mà qua sự hướng dẫn trong tâm hồn và qua những dấu chỉ.

Theo tập quán thời đó, tổ phụ Abraham phải sắp xếp cuộc hôn nhân cho con mình. Vì tuổi cao sức yếu nên ông trao phó nhiệm vụ này cho người lão bộc trung thành với những lời căn dặn thật rõ ràng và chu đáo. Isaac sẽ không kết hôn với phụ nữ Canaan, nghĩa là loại trừ việc kết hôn khác đạo. Cũng không thể để Isaac trở về quê cũ của tổ phụ Abraham vì Đức Chúa “đã phán và thề với tôi rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này” (câu 7). Như thế trong mọi sự, Abraham luôn tín thác vào Chúa là Đấng đã hứa và trung thành với lời hứa của Người.

Người lão bộc đã thực hiện đúng như lời tổ phụ Abraham căn dặn. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, ông đã tìm được Rebecca, được gia đình của Rebecca chấp thuận, và đã đưa Rebecca về cho Isaac.

Toàn bộ câu truyện ánh lên niềm xác tín rằng cuộc hôn nhân giữa Isaac và Rebacca không chỉ do những tính toán của con người nhưng chính Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho họ đến với nhau. Như thế câu truyện này thể hiện niềm tin đã được nhấn mạnh trong sách Sáng Thế và Chúa Giêsu cũng lập lại: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6).

SÁNG THẾ (chương 25-36)

I. ESAU, GIACOP VÀ MẦU NHIỆM TUYỂN CHỌN (25,19-26)

Với bản gia phả của Isaac (câu 19-20), sách Sáng Thế đưa ta vào một giai đoạn mới trong lịch sử các tổ phụ, là giai đoạn của Isaac và Giacóp. Bản gia phả được tiếp nối bằng câu chuyện về việc sinh hạ Esau và Giacóp.

Bà Rebecca là một phụ nữ hiếm muộn cũng giống như bà Sara. Nhưng chính sự hiếm muộn này lại làm nổi bật sự can thiệp của Chúa trong việc bà thụ thai (câu 21). Niềm vui thụ thai của bà lại trở thành nỗi lo lắng vì cảm nhận những đứa con “đánh nhau” ngay trong lòng dạ mình. Chính ở đây xuất hiện lời sấm được coi như tâm điểm của trình thuật, “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (25,23). Lời sấm này đã loan báo trước những gì sẽ được trình bày trong câu chuyện về Esau và Giacóp.

Tác giả sách Sáng Thế cũng mô tả một số đặc tính của hai đứa trẻ sơ sinh, báo trước tính cách của mỗi đứa trẻ và mối tương quan giữa Esau và Giacóp sau này. Esau “đỏ hoe” (admoni) và “đầy lông lá” (séar), sau này sẽ trở thành tổ phụ của dân Edmonites sống ở vùng Seir. Việc mô tả Giacóp ra sau nhưng “nắm gót chân” của Esau cũng mang tính biểu tượng, diễn tả tính cách của Giacóp. Tên gọi Giacóp là thể rút ngắn của Jacobel, nghĩa là “xin Thiên Chúa bảo vệ.”

Trình thuật được tiếp nối bằng những câu chuyện về việc Esau bán quyền trưởng nam của mình (25,27-34), kể cả việc bà Rebecca tìm cách đánh lừa Isaac để ông chúc lành cho Giacóp ((27,1-46). Những câu chuyện trên có thể làm cho ta đặt nhiều câu hỏi, ví dụ tại sao Giacóp lại được chọn thay vì Esau, phải chăng hành động lừa dối của bà Rebecca là hành động tốt vì phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đã được bày tỏ trong lời sấm (25,23)? Tác giả sách Sáng Thế không đưa ra câu trả lời. Ông chỉ kể chuyện.

Ở đây chúng ta đối diện với một mầu nhiệm sẽ còn tái diễn nhiều lần trong lịch sử cứu độ, là mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa. Sự chọn lựa của Thiên Chúa mãi là một huyền nhiệm vượt trên những tính toán và suy nghĩ bình thường của con người. Thiên Chúa điều khiển và thực hiện dự định của Ngài, vượt trên những tính toán của chúng ta.

II. HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA GIACÓP VÀ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

1. Hành trình của Giacóp

Trong một thị kiến ở Bethel (28,10-12), Giacóp thấy một cái thang nối Trời với Đất, và ông nghe nhắc lại những lời hứa đã được ban cho tổ phụ Abraham. Nhưng Giacóp không biết: “Có Đức Chúa ngự nơi này mà tôi không biết” (28,16). Sau đó Giacóp lấy hòn đá ông đã gối đầu qua đêm dựng lên làm trụ, và khấn hứa rằng nếu Thiên Chúa gìn giữ ông được bình an, thì ông sẽ trở về dựng bàn thờ kính Chúa ((28,18-22).

Giacóp lại có một thị kiến khác, đó là ông vật lộn với Thiên Chúa tại Peniel (32, 22-33). Sau biến cố này, Giacóp trở thành một con người khác, ông mang tên gọi mới là Israel và sống cuộc đời chính trực.

Sau cùng, khi trở về Bethel (35, 1-18), ông hoàn tất lời thề xây một bàn thờ tại Bethel để kính Thiên Chúa, “Đấng đã đáp lời tôi ngày tôi gặp bước gian truân, và đã ở với tôi trong chuyến đi tôi đã thực hiện” (35, 3).

2. Hành trình của Kitô hữu

Những sự kiện và biến cố trong đời tổ phụ Giacóp cho thấy đức tin là cả một hành trình dài chứ không chỉ là một lý thuyết hay sự vật mà ta chỉ cần nắm lấy một lần là xong. Tin là bước vào mối tương quan gắn kết với Thiên Chúa, mối tương quan mà ta cảm nghiệm, vun đắp và xây dựng xuyên qua những biến cố dọc dài cuộc sống.

Trong hành trình đó, không ít lần ta cảm nhận nỗi khó khăn khi sống đức tin, nhất là khi phải đối diện với những thử thách và cám dỗ. Quả thật sống đức tin là cả một cuộc vật lộn với Thiên Chúa, vật lộn với lời mời gọi của Ngài, vật lộn với lý tưởng Phúc Am.

Thế nhưng chính khi ta chấp nhận cuộc vật lộn đau đớn đó, con người mới dần dà được hình thành nơi ta. Sứ điệp đầu tiên và căn bản nhất mà Chúa Giêsu gửi đến những ai muốn theo Ngài là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” nghĩa là phải đổi mới thường xuyên. Là Kitô hữu là đón nhận một tên gọi mới, một danh hiệu mới, và phải sống cuộc sống mới.

SÁNG THẾ  (chương 37-50)

I. TỔNG QUÁT

37, 1-36 Giuse bị bán làm nô lệ bên Ai Cập. Sự ưu ái mà tổ phụ Giacóp dành cho Giuse được coi là nguyên nhân gây bất bình trong anh em. Giuse bị anh em bắt và bán cho người lái buôn sang Ai Cập.

38, 1-30 Giuđa và Tamar. Một chuyện loạn luân nhưng tác giả không nhắm đến khía cạnh đạo đức ở đây. Điều được quan tâm là qua Tamar, dòng dõi Giacóp được tồn tại, và chính qua dòng dõi này mà vị vua vĩ đại của Israel là Đavít xuất hiện.

39, 1-23 Sự thăng trầm của Giuse. Giuse bị bán cho một gia đình Ai Cập và sớm được tín nhiệm. Rồi thử thách đến với ông, khiến ông phải nằm tù.

40, 1-23 Giuse đoán mộng cho các tù nhân, nhờ đó gây sự chú ý của một quan chức hầu cận nhà vua.

41, 1- 57 Giuse đoán mộng cho vua Pharao và được vua tín nhiệm đặt làm quan lớn trong triều. Ông được ban cho một tên gọi Ai Cập là Zaphenah-paneah, nghĩa là “Thiên Chúa nói và sống.”

42, 1- 38 Giuse thử thách anh em. Vì đói kém, tổ phụ Giacóp phải sai các con sang Ai Cập, nhưng giữ lại nhà người con út là Benjamin. Giuse đòi phải thấy Benjamin để chứng tỏ nhóm người này không phải là quân do thám.

43, 1 – 34 Anh em của Giuse trở lại Ai Cập. Vừa thấy Benjamin, Giuse hết sức xúc động nhưng vẫn chưa tỏ mình ra.

44, 1 – 34 Giuse thử anh em lần cuối. Họ đã đi được một quãng đường rồi bị bắt lại. Qua những lời tâm huyết của Giuđa, Giuse hiểu rằng anh em đã thay đổi tâm tính và cách sống, quan tâm chăm sóc cho Benjamin.

45, 1 – 28 Giuse tỏ mình cho anh em. Anh em làm hòa với nhau.

46,1 – 47,28 Giacóp đi Ai Cập và định cư tại đó

47,29 -48,22 Chúc lành cho Ephraim và Manassê. Chi tộc Giuse được tách hai thành chi tộc Ephraim và Manassê.

49, 1 – 27 Chúc lành của Giacóp.

49,28-50,14 Tổ phụ Giacóp qua đời và được mai táng tại Machpelah là nơi chôn cất tổ phụ Abraham và Sara.

50, 15 – 21 Giuse trấn an anh em.

50, 22 – 26 Giuse qua đời.

II. THIÊN CHÚA RÚT RA ĐIỀU LÀNH TỪ SỰ DỮ

1. Cuộc đời tổ phụ Giuse

Tổ phụ Giuse phải chịu nhiều nỗi oan khiên: bị anh em bán làm nô lệ sang Ai cập (37,1-36), bị vu oan giá họa đến nỗi phải vào tù (39,1-23). Thế nhưng Thiên Chúa đã biến những đau khổ này thành cơ may cho cá nhân Giuse khi ông được Pharao phong làm tể tướng (41,1-57), và hơn nữa cho cả một dân vì nhờ ông mà cả một dân được cứu khỏi nạn đói.

2. Hình bóng của Chúa Giêsu Kitô

Cuộc đời tổ phụ Giuse được nhìn như hình bóng báo trước cuộc đời Chúa Kitô. Ngài phải chịu mọi nỗi oan khiên nhưng chính nhờ những đau khổ Ngài chịu mà chúng ta được cứu. Quả thật, “hòn đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (Tv 118, 22-23). Hội Thánh hân hoan hát lên lời tuyên xưng này cách đặc biệt trong dịp lễ Phục Sinh.

3. Người Kitô hữu tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa

Cuộc đời tổ phụ Giuse và cuộc đời Chúa Kitô là bằng chứng thuyết phục về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng dẫn dắt lịch sử nhân loại cũng như cuộc đời mỗi người đến chỗ hoàn thành. Vì thế người Kitô hữu được mời gọi tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiếm tìm và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi lẽ đó chính là nẻo đường cứu độ và bình an.

III. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG XÉT XỬ CÔNG MINH

1. Cuộc đời của tổ phụ Giuse

Ai sẽ là Đấng giải oan cho Giuse khỏi những cáo buộc và hành động bất công? Về mặt loài người, xem ra Giuse hoàn toàn cô thân cô thế trong những nghịch cảnh này. Chỉ có Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và xét xử công minh, Người sẽ trả lại cho mỗi người phần thuởng xứng với việc họ làm.

2. Người Kitô hữu sống trước nhan Chúa

Sự đánh giá của người đời nhiều khi hời hợt và thiếu công bằng vì chỉ dựa vào những cái bên ngoài và bị tham vọng chi phối. Vì thế người tín hữu được mời gọi tập sống trước nhan Chúa, sống theo lương tâm ngay thẳng, sống theo Lời Chúa. Tổ phụ Giuse chính là gương mẫu cho ta về lối sống đó.

SÁCH XUẤT HÀNH  (chương 1-7)

Phần 1: việc giải phóng Israel khỏi ai cập (1-15)

Phần 2: Đi từ ai cập cho đến núi xi-nai (15,22-18,27)

Phần 3: Lập giao ước xi-nai (19,1-40,38)

I. TỔNG QUÁT

1,1-7: Sự lớn mạnh của dân Israel bên Ai Cập

1,8-14: Dân Chúa bị áp bức

1,15-22: Am mưu tiêu diệt Dân Chúa

2,1-10: Vị anh hùng được sinh hạ

2,11-22: Môsê chạy trốn đến Midian

2,23-25: Thiên Chúa nhớ đến dân Israel

3,1-6: Thiên Chúa gọi Môsê từ bụi gai bốc cháy

3,7-15: Ơn gọi của Môsê. Mạc khải Danh Thiên Chúa. Chỉ thị về sứ mạng của Môsê

4,1-17: Môsê làm những dấu lạ

4,18-31: Môsê trở về Ai Cập. Cắt bì. Gặp Aaron

5,1 -6,1: Cuộc hội kiến đầu tiên với Pharao

6,2-13: Trình thuật khác về ơn gọi của Môsê

6,14-30: Gia phả của Môsê và Aaron

7,1-7: Thiên Chúa trấn an Môsê

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÁCH XUẤT HÀNH

1. Ý nghĩa sách Xuất hành

Biến cố Xuất hành là tâm điểm kinh nghiệm đức tin của dân Israel. Biến cố này trở thành điểm quy chiếu cho dân trong mọi hoàn cảnh lịch sử (x. Is 40,3; Kng 11,5). Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa tự mạc khải là vị Thiên Chúa dấn thân vào lịch sử nhân loại để giải thoát nhân loại, khác hẳn hình ảnh về Thiên Chúa trừu tượng và xa lạ người ta thường nghĩ. Cũng trong sách Xuất hành, Israel xuất hiện như là Dân Chúa qua giao ước Sinai. Đây là điều làm cho Israel khác hẳn các dân.

2. Sách Xuất hành với người Kitô hữu

Biến cố Xuất hành là tín hiệu báo trước Ơn Cứu độ được hoàn thành trong Chúa Kitô. Vì thế, sách Xuất hành cũng được gọi là Tin Mừng về Ơn Cứu Độ. Biến cố này còn gợi hứng cho những suy tư và hành động đức tin của người Kitô hữu ngày nay, vd. thần học giải phóng. Tuy nhiên, cần đặt biến cố Xuất hành trong tương quan với mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì chỉ như thế ta mới có thể hiểu đúng ý nghĩa của biến cố này trong nhãn quan Kitô giáo.

III. ƠN GỌI CỦA MÔSÊ (3,1-15)

1. Danh Thiên Chúa (YHWH)

Đối với Israel cũng như các dân vùng Cận Đông, tên của một người không chỉ là tên gọi bên ngoài nhưng còn là chính con người. Muốn biết tên một người là muốn bước vào quan hệ thân tình với họ. Vì thế không lạ gì khi Môsê xin được biết danh thánh Thiên Chúa.

Câu trả lời của Thiên Chúa cho Môsê là một câu rất huyền nhiệm : YHWH. Có những cách dịch khác nhau trong các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt, vd. Ta là Đấng tự hữu – Ta là Đấng hằng hữu – Ta là Đấng hiện hữu. Thiết nghĩ trong mỗi cách dịch đã hàm chứa một ý nghĩa thần học. Các học giả cố gắng tìm ra ý nghĩa của danh xưng này bằng cách nối kết với những lời Thiên Chúa nói với Môsê. Theo đó, danh xưng này muốn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Đấng dấn thân và tham gia cách tích cực trong lịch sử của Dân.

2. Bụi gai bốc cháy

Có thể tác giả chọn từ ngữ bụi gai (trong tiếng Hípri là seneh) vì muốn liên hệ với sinai, núi của Thiên Chúa. Như thế, bụi gai bốc cháy ở đây nối kết với ngọn lửa trong cuộc thần hiện ở Sinai (19,18). Môsê vừa bị thu hút bởi cảnh tượng kỳ lạ, vừa kinh sợ và che mặt đi khi Đức Chúa tỏ mình. Đây cũng là kinh nghiệm thiêng liêng của các tiên tri như Isaia và Jeremia.

Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ (3,16). Như thế, không chỉ vào thời Môsê nhưng Thiên Chúa đã luôn hoạt động qua bao thế kỷ vì yêu thương dân của Người. Môsê được gọi để trở thành phát ngôn viên của Chúa, nói thay cho Chúa. Truyền thống Do thái vẫn nhìn Môsê như một tiên tri (x. Đnl 18,15-20), và tiên tri chính là người nói nhân danh Chúa và vì hạnh phúc đích thực của Dân.

SÁCH XUẤT HÀNH  (chương 7-15)

I. TỔNG QUÁT

7, 8-13: Dẫn vào các tai ương. Thiên Chúa bày tỏ quyền năng trước Pharaô.

7, 41-25: Tai ương thứ nhất: nước biến thành máu.

7,26 – 8,11: Tai ương thứ hai: Ech nhái.

8, 12-15: Tai ương thứ ba: Muỗi.

8, 16-28: Tai ương thứ tư: Ruồi nhặng.

9, 1-7: Tai ương thứ năm: Ôn dịch.

9, 8-12: Tai ương thứ sáu: Ung nhọt.

9, 13-35: Tai ương thứ bảy: Mưa đá.

10, 1-20 : Tai ương thứ tám: Châu chấu.

10, 21-29 : Tai ương thứ chín: Cảnh tối tăm.

11, 1-10 : Loan báo tai ương thứ mười: các con đầu lòng phải chết.

12, 1-28: Nghi thức Vượt Qua. Công bố lễ Vượt Qua.

12, 29-39: Các con đầu lòng người Ai Cập bị giết. Dân Israel ra đi.

13, 3-10: Lễ Bánh không men.

13, 1-16: Các con đầu lòng người Do thái được cứu.

13, 17-22: Dân Israel ra đi.

14, 1-10: Người Ai Cập đuổi theo.

14, 15-31: Phép lạ tại Biển Đỏ.

15, 1 – 21: Bài ca chiến thắng.

II. CUỘC VƯỢT QUA CỦA DÂN ISRAEL VÀ CUỘC VƯỢT QUA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

1. Cuộc vượt qua của người Do thái

Dân Israel phải sống trong cảnh nô lệ lầm than (Xh 1, 8-22). Nhưng Thiên Chúa đã thấy cảnh lầm than của họ và sai Môsê đến để giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ, đưa họ vượt qua Biển Đỏ (Xh 14, 15-31). Nhờ Chiên được sát tế và máu chiên bôi lên thành cửa, dân Israel được cứu thoát và lên đường đi đến miền đất tự do (Xh 12, 29-34. 12-14). Chính Thiên Chúa thực hiện cuộc giải thoát này bằng những điềm thiêng dấu lạ, nhưng Chúa đã chọn Môsê làm người lãnh đạo Dân Chúa và thực hiện kế hoạch của Người.

2.Cuộc vượt qua của người Kitô hữu

Nhân loại vẫn sống trong cảnh nô lệ tội lỗi là thứ nô lệ tồi tệ nhất, làm cho con người bị tha hoá, đánh mất phẩm giá đích thực của mình là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Kitô là Môsê mới, là vị lãnh đạo của Dân mới. Chiên được sát tế trong lễ Vượt Qua là hình bóng Chúa Kitô hiến dâng chính mình, nhờ đó chúng ta được sống (x. Ga 19,31-37). Việc vượt qua Biển Đỏ loan báo bí tích Thánh Tẩy: giải thoát ta khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, biến ta thành con cái Thiên Chúa, và cho ta thành phần tử của Dân mới là Hội Thánh.

III. LỄ VƯỢT QUA VÀ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

1. Cử hành lễ Vượt Qua

Môsê đưa ra những chỉ thị về việc cử hành lễ Vượt Qua (Xh 12,14) và người Do thái vẫn trung thành tuân giữ cho đến ngày nay. Trong nghi thức cử hành lễ Vượt Qua, sau tuần rượu thứ hai, một người con trong gia đình sẽ lên tiếng hỏi: tại sao đêm nay lại khác mọi đêm? Và người cha trong gia đình sẽ giải thích dựa vào Đnl 26,5-11.

2. Chúa Giêsu cử hành bữa Tiệc Ly

Chúa Giêsu đã cử hành Bữa Tiệc Ly trong bối cảnh lễ Vượt Qua (Lc 22, 14-20). Tuy nhiên trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm hai cử chỉ độc đáo. Một là Ngài chuyển chén rượu của người đứng đầu gia đình cho mọi người trong nhà, hai là Ngài thêm vào những lời minh giải: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em,” “Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” Những lời này cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa Tiệc Ly và biến cố thập giá.

3. Thánh Thể, lễ Vượt Qua mới

Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Trong Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ đơn thuần là nhớ lại một sự kiện trong quá khứ, nhưng bao hàm cả ba chiều kích thời gian là hiện tại, quá khứ và tương lai (Xh 12,14). Chính vì thế, thần học Công giáo giải thích về tưởng niệm như là signum rememorativum (dấu chỉ tưởng nhớ hành động cứu độ đã xảy ra trong quá khứ), signum demonstrativum (dấu chỉ Ơn Cứu độ đang diễn ra trong hiện tại), signum prognosticum (dấu chỉ loan báo bữa tiệc cánh chung trong Nước Chúa).

Cử hành Thánh Thể là làm theo lời di chúc của Chúa Giêsu. Vì thế, trong suốt lịch sử, Hội Thánh không ngừng cử hành Thánh Thể (x. Cv 2,42.46; 1Cr 11,23), và người Kitô hữu phải hết sức trân trọng việc cử hành này.

SÁCH XUẤT HÀNH  (chương 16-24)

I. TỔNG QUÁT

Hành trình trong sa mạc (15,22 – 18,27)

15, 22-27: Mara

16,1-36: Manna và chim cút

17,1-7: Nước phun từ tảng đá

17,8-16: Giao chiến với người Amalek

18,1-27: Môsê gặp ông Jethro

Giao ước Sinai (19,1 – 24,11)

19,1 – 19,8: Bối cảnh. Thái độ với giao ước

19,9-20: Hai truyền thống về thần hiện

20,1-17: Mười điều răn

20,8-21: Môsê được chỉ định làm người trung gian

20,22-26: Dẫn vào luật giao ước

21,1- 23,33: Nội dung luật giao ước

24,1-18: Ký giao ước

II. KINH NGHIỆM SA MẠC

1. Kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc (15,22 – 18,27)

Được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập, Israel còn phải trải qua hành trình lâu năm trong sa mạc mới được đặt chân vào Đất Hứa. Hành trình sa mạc đã ban tặng cho họ nhiều kinh nghiệm. Trước hết, họ kinh nghiệm về sự thiếu thốn lương thực cũng như những hiểm nguy đe doạ, và những khó khăn này không chỉ dừng lại ở mức độ vật chất nhưng còn dẫn đến những thử thách cho chính đức tin: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (17,7). Cùng với kinh nghiệm về những khó khăn và thử thách trong sa mạc, Dân Chúa lại cảm nghiệm được từng ngày và qua từng biến cố sự đồng hành và tình thương chăm sóc Thiên Chúa dành cho dân của Người.

2. Kinh nghiệm sa mạc trong đời sống Kitô hữu

Kinh nghiệm sa mạc của Dân Chúa trong Cựu Ước cũng giúp ta nhìn lại đời sống Kitô hữu của mình trong ánh sáng mới. Trở thành Kitô hữu là bước vào một hành trình dài trong đó ta phải đối diện với rất nhiều cám dỗ và thử thách, hi sinh và từ bỏ. Như Dân Chúa ngày xưa, nhiều lần ta cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc và quay về nếp sống cũ. Tuy nhiên chính những khó khăn và thử thách đó lại là những cơ hội Thiên Chúa dùng để giáo dục và thanh luyện ta nên giống Chúa Kitô hơn.

III. MƯỜI ĐIỀU RĂN (20,1-21)

1. Trong bối cảnh Giao Ước

Giao ước là sự thiết lập một tương quan trong đó quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên được xác định và chấp nhận, vd. giao ước giữa Giacóp và Laban (St 31,43-32,3). Tuy nhiên, giao ước giữa Thiên Chúa và Israel không phải là giao ước giữa hai bên ngang hàng với nhau. Đúng hơn, Thiên Chúa ký kết giao ước với Israel chỉ vì tình thương cho không. Môsê đã nhấn mạnh điều này nhiều lần, và trình thuật về Mười Điều Răn cũng làm nổi bật tình thương của Thiên Chúa giao ước: Mười điều răn được mở đầu bằng khẳng định của Thiên Chúa là Đấng đã trực tiếp can thiệp vào đời sống của dân: “Ta là Đức Chúa đã đưa ngươi ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập” (20,2). Thiên Chúa dùng ngôi thứ hai để nói trực tiếp với dân. Như thế, thập điều không phải là hệ thống luật pháp vô hồn, nhưng được đặt nền trên một ngôi vị.

2. Đón nhận Mười điều răn cách tích cực

Những nhận xét trên giúp ta khám phá Mười điều răn như là những điều khoản của giao ước tình yêu. Kinh nghiệm về giao ước hôn nhân có thể giúp ta hiểu phần nào ý nghĩa cao quý này. Trong giao ước hôn nhân có những điều khoản mà hai người phối ngẫu cam kết với nhau, chẳng hạn một vợ một chồng, chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy nhiên, tất cả những điều khoản đó được đặt nền trên tình yêu, và là sự diễn tả ra bên ngoài những đòi hỏi nội tại của tình yêu đích thực. Tương tự như thế, Mười điều răn là cách thể hiện tương quan yêu thương trong giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người. Tách biệt Mười điều răn ra khỏi tương quan giao ước sẽ biến Mười điều răn thành một bộ luật luân lý vô hồn và mất đi tính năng động của nó. Đồng thời khi nhìn Mười điều răn trong bối cảnh của giao ước, ta sẽ khám phá giá trị tích cực của Mười điều răn như con đường đưa đến sự sống phong phú chứ không chỉ là những rào cản ngăn lối hạnh phúc của con người như nhiều người ngày nay lầm tưởng.

SÁCH XUẤT HÀNH (chương 25-34)

I. TỔNG QUÁT

25,1-40: Đóng góp để dựng nơi thánh. Nhà Tạm và Hòm Bia. Bàn và trụ đèn
26,1-37: Những chỉ dẫn về việc làm nơi thánh trong sa mạc (Nhà Tạm, khung lều, bức trướng)

27,1-21: Bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, khuôn viên nơi thánh, dầu thắp đèn.
28,1-43: Phần phục tư tế (Túi đeo, áo khoác, dầu thánh hiến)
29,1-46: Nghi thức thánh hiến (thanh tẩy, mặc phẩm phục, xức dầu) – Các lễ vật trong việc thánh hiến tư tế – Lễ toàn thiêu thường nhật

30,1-38: Những chỉ thị khác (hương án, thuế thân, vạc đồng, dầu tấn phong)
31,1-38: Tuyển chọn các nghệ nhân – Ý nghĩa ngày sabát
32,1 – 34,35: Tội lỗi của Israel và tái lập giao ước (Sự kiện con bê bằng vàng – Đức Chúa nổi giận – Môsê chuyển cầu – Tái lập giao ước)

II. NHÀ TẠM VÀ HÒM BIA GIAO ƯỚC

1. Ý nghĩa

Trong trình thuật về cuộc Thần hiện (24, 15b-18), tác giả nối kết cuộc thần hiện trên núi Sinai với việc xây cất thánh điện (40,17,33b). Cũng như mây bao phủ núi Sinai và vinh quang Đức Chúa ngự trị ở đó (24,15-16) thì mây cũng bao phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Đức Chúa tràn ngập thánh điện (40,34). Như thế, việc thờ phượng trên núi Sinai là mẫu mực cho việc thờ phượng của dân.

Đồng thời Đức Chúa truyền lệnh cho Môsê làm một nơi thánh để Chúa ngự giữa dân. Nơi này được gọi bằng hai từ là Lều Hội Ngộ (40,34) và Nhà Tạm (25,9). Thiên Chúa là Đấng siêu việt nhưng Nhà Tạm sẽ là nơi Ngài gặp gỡ con cái Israel (29,42-43). Hòm Bia là hòm làm bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi; trong hòm đặt bia đá mà Đức Chúa đã ban cho Môsê (câu 16,21 // 31, 18).

2. Cho đời sống Kitô hữu

Trong các nhà thờ Công giáo, Nhà Tạm là nơi thánh, nơi Chúa ngự giữa dân Ngài, nơi dân được gặp Chúa. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân đến ở giữa loài người (Ga 1,14), và Ngài còn ở lại với chúng ta cho đến tận thế (Mt 28,20) trong bí tích Thánh Thể. Nhà Tạm là nơi cất giữ Thánh Thể. Vậy tôi có thực sự coi đó là nơi thánh, nơi Chúa ở giữa cộng đoàn, nơi tôi gặp gỡ Chúa không? Mỗi khi ta rước lễ, chính lòng ta trở thành “nhà tạm” của Chúa. Liệu chúng ta có ý thức về điều đó không, hay thói quen đã làm phai nhạt ý thức về sự thánh thiện đó? Và liệu người ta có thể thấy nơi chúng ta sự thánh thiện và tình thương của Chúa không?

Ở đây cũng là dịp cho ta chiêm ngắm Mẹ Maria. Truyền thống Công giáo gọi Đức Mẹ là Hòm Bia Thiên Chúa vì Mẹ mang trong lòng dạ Mẹ chính Thiên Chúa làm người. Đây cũng là nền tảng để các thánh suy niệm về mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chính vì Mẹ là Hòm bia Thiên Chúa nên Mẹ được giữ gìn khỏi tội Tổ tông truyền, và Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ thực sự là dấu chỉ hi vọng và là mẫu gương tuyệt vời cho Dân Chúa trong hành trình về quê trời vĩnh cửu.

III. CON BÊ BẰNG VÀNG

Trình thuật về việc dân Isarel thờ lạy bò vàng (32,1-6) làm nổi bật ý nghĩa này: Con người tự làm ra thần thánh theo ý muốn của mình chứ không nhìn nhận Đấng Thiên Chúa đã làm nên họ và cứu sống họ (32,1). Ông Aaron đã nhượng bộ theo yêu cầu của dân quá dễ dàng.

Sách Xuất Hành cũng kể rằng Dân Israel muốn ruồng bỏ Môsê để có một vị lãnh đạo mới, và như thế họ ruồng bỏ chính Thiên Chúa (32,2-4). Sách Dân Số 12,1-8 còn ghi nhận Aaron đã chống lại Môsê khiến Đức Chúa nổi giận.

Trình thuật này là bài học quý giá cho người Kitô hữu. Chỉ trong Chúa Giêsu, ta mới biết Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chỉ một mình Chúa Giêsu là “Đường đi, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Vì thế, chỉ nơi Chúa Giêsu, chúng ta mới nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa đích thực, chứ không phải những thần thánh con người tự tạo ra theo sở thích và ý muốn của mình.

Thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài là những người Chúa chọn để lãnh đạo Dân Chúa như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Sức mạnh chống lại quyền lực tử thần không phải là sức mạnh của cá nhân Phêrô nhưng là quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong con người Phêrô cũng như trong các vị kế vị Thánh Phêrô và các tông đồ.

Chính tầm nhìn đức tin này dẫn ta đến thái độ vâng phục đối với Đức Giáo hoàng là “nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu” (Hiến chế Giáo Hội, số 23).

SÁCH LÊVI

TỔNG QUÁT

Sách Lêvi là cuốn sách về sự thánh thiện, về Thiên Chúa chí thánh và về một dân được gọi là thánh. Theo từ nguyên, “thánh” trong tiếng Hípri có nghĩa là “được cắt riêng ra, tách ra” có ý nói đến sự tách biệt giữa thánh thiện và phàm tục. Sách Lêvi đưa ra một định hướng và những chỉ dẫn cụ thể cho việc nên thánh, được tập trung vào lời mời gọi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (19, 2).

Những phần chính trong sách Lêvi:
Phần I (1-7) Nghi thức các lễ tế
Phần II (8-10) Nghi thức tấn phong tư tế
Phần III (11-16) Luật liên quan đến sự thanh sạch về lề luật
Phần IV (17-26) Luật về sự thánh thiện
Phần V (27) Tóm kết

SÁCH LÊVI (chương 17-27)

I. TÍNH THIÊNG THÁNH CỦA MÁU (17,1-15)

Khi Thiên Chúa ngỏ lời với nhân loại, Ngài đã chọn một ngôn ngữ cụ thể gắn với một nền văn hoá cụ thể. Vì thế để hiểu Thánh Kinh, không thể không hiểu cách suy nghĩ và diễn đạt của ngôn ngữ và văn hoá đó.

Trong văn hoá Hípri, mọi sự được diễn tả cách cụ thể chứ không trừu tượng. Chẳng hạn, chân lý, công bằng, hoà bình… không phải là những ý niệm trừu tượng nhưng là những sự vật sống động. Vì thế, Thánh Kinh diễn tả, “An tình và chân lý nay hội ngộ, hoà bình và công lý hôn nhau. Chân lý mọc lên từ đất thấp, công bằng nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85,11-12). Tương tự như thế, sự sống không phải là một ý niệm tổng quát nhưng được đồng hoá với máu. Máu là sự sống, mất máu là chết, và cái chết hành động như một tên trộm lấy cắp sự sống: “Mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi …Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào vì sự sống của mọi xác thịt là máu nó; bất cứ ai ăn huyết sẽ bị khai trừ” (Levi 17,14).

Có như thế, ta mới hiểu được ý nghĩa của những quy định trong sách Lêvi về việc sát sinh. Mọi việc sát sinh, dù chỉ là tìm thức ăn, cũng phải trở thành lễ tiến và hy lễ. Hành động đó là hành động nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn sự sống, và nhờ hành động đó, kẻ dâng lễ tế được tiếp tục sống.

Trong trường hợp săn được một con thú hoặc một con chim được phép ăn, thì phải lấy đất phủ lên máu của con vật. Tương tự như vậy, khi làm công việc sao chép văn bản Thánh Kinh, nếu một ký lục lỡ chép sai thì ông sẽ không xé trang đó đi và chép lại, nhưng phải cẩn thận rút phần bị sai đó ra khỏi cuộn sách, để vào trong hộp nhỏ rồi đốt đi. Tại sao lại như thế? Vì cũng như sự sống ở trong máu thì Thần Linh thánh thiện cũng ở trong Lời Chúa.

Dù đã có những thay đổi nhưng cho đến nay nhiều người Do thái vẫn không ăn máu. Với người Kitô hữu, khi hiểu được ý nghĩa của máu trong văn hoá Thánh Kinh như thế, ta cảm nghiệm sâu sắc hơn lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Tất cả anh em hãy uống chén này vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Lời mời gọi đó có nghĩa là: Hãy nên một với Thầy, nên một với sự sống của Thầy.

II. NĂM TOÀN XÁ (25,1-55)

Trong năm thứ bảy, đất sẽ được nghỉ ngơi, một sabat kính Đức Chúa (25,4). Như thế Đức Chúa đã tách riêng năm thứ bảy cho Ngài, trong năm đó đất được coi là thánh. Trong tháng thứ bảy của năm thứ 49 và kéo dài sang năm 50, dân Chúa cử hành năm toàn xá. Trong ngày xá tội, tù và được thổi lên để quy tụ dân, “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó sẽ là thời kỳ toàn xá” (25,10). Dân chúng được trở về gia đình và đất đai của mình (câu 10). Sẽ không gieo gặt trong năm đó (câu 11). Nếu dân tuân theo, họ sẽ được sống yên hàn và đất đai sẽ trổ sinh hoa trái (câu 18-19).

Trong năm toàn xá, người ta có quyền chuộc lại đất (25,23-55), kể cả với những người không có khả năng chuộc lại, “Nếu nó không kiếm được phương tiện để trả tiền lại cho người kia, thì của nó bán sẽ ở lại trong tay người mua cho đến năm toàn xá; đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình” (25,28).

Thật ngỡ ngàng khi đọc lại những quy định này trong sách Lêvi. Ngày nay người ta nói nhiều đến việc giải phóng người nghèo và bảo vệ môi sinh, và coi đó là những điều rất mới mẻ. Thế nhưng từ nhiều thế kỷ trước, sách Lêvi đã có những quy định rất cụ thể về điều này. Như thế ta khám phá Thánh Kinh là một tác phẩm chất đầy tính nhân văn và xã hội. Và nền tảng của những quy định này là: “Đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (25,23). Chỉ Thiên Chúa mới là chủ sở hữu, còn mọi người đều là khách trọ, là ngoại kiều. Khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài, chiếm đoạt quyền sở hữu của Thiên Chúa, thì con người cũng biến tha nhân thành nô lệ cho mình, biến thiên nhiên thành phương tiện sản xuất thuần túy. Đó là cội nguồn của tình trạng bất công và áp bức, tàn phá và hủy diệt môi sinh. Hiểu như thế, những quy định trong sách Lêvi về Năm toàn xá là cả một hiến chương mời gọi nhân loại không ngừng suy nghĩ lại về chính mình cũng như về xã hội.

Cách riêng với người tín hữu Chúa Kitô, những quy định về Năm toàn xá mời gọi ta suy nghĩ lại về cách ta cử hành Năm toàn xá. Phải chăng ta chỉ chú trọng đến những cử hành thiêng liêng mà không quan tâm gì đến những đòi hỏi và âm hưởng xã hội chính ra phải có trong năm này? Phải chăng ta chỉ lo tuân giữ những quy định về việc đi viếng nhà thờ hay tham dự các nghi lễ mà không quan tâm gì đến việc biến đổi bản thân và lối sống hằng ngày của mình? Ngay trong cách cử hành thiêng liêng để được hưởng ơn toàn xá, phải chăng ta cũng có những tính toán ích kỷ, dù là ích kỷ về mặt thiêng liêng, để tìm phần rỗi cho riêng mình mà không quan tâm đến sự giải thoát anh em?

Sách Dân số

I. DẪN NHẬP

Trong bài hai bài học trước chúng ta đã lược qua sách Lê-vi với việc tìm hiểu ý nghĩa của chức tư tế, các hy tế và ngày lễ của người Do-thái. Hôm nay, chúng ta chuyển sang cuốn sách thứ tư trong bộ Ngũ thư, đó là sách Dân số.

Thuật ngữ “dân số” bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp arithmoi, nghĩa là “những con số”. Thuật ngữ này được sử dụng nhằm mô tả hai cuộc kiểm tra dân số trong những chương đầu và chương 26 của tác phẩm. Tuy nhiên, theo truyền thống Do-thái, cuốn sách thứ tư này không mang tựa đề Dân số. Người Do-thái có thói quen lấy những từ đầu tiên của tác phẩm để đặt tên cho chính tác phẩm. Thế nên, sách Dân số được người Do-thái gọi là bemidbar, nghĩa là “trong sa mạc”. Tựa đề này nhắm đến việc diễn tả cuộc hành trình của Ít-ra-en trong sa mạc. Trong sa mạc, Ít-ra-en được diễn tả như một cộng đoàn di chuyển. Ít-ra-en bước vào một cuộc hành trình của sự vâng phục tuyệt đối, đan xen vào đó là sự bất tuân. Nó là một cuộc hành trình trong sự hiện diện đầy nhân từ và nghiêm khắc của Chúa. Đó cùng là một cuộc hành trình mở ra một tương lai mới.

II. BỐ CỤC

Trước hết, chúng ta đến với phần bố cục của sách Dân số. Dựa vào những cuộc di chuyển của Ít-ra-en trong sa mạc, chúng ta có thể chia sách Dân số thành các phần chính sau:

– Phần I: Từ chương 1-10 nói về sự chuẩn bị một cuộc hành trình trong sự vâng phục tuyệt đối tại Xi-nai

– Phần II: Từ chương 11-12 nói về một cuộc hành trình của sự bất tuân từ Xi-nai tới Ca-đê

– Phần III: Từ chương 13-19 nói về một cuộc hành trình đong đầy tình thương và sự nghiêm khắc Chúa tại Ca-đê

– Phần IV: Từ chương 20-36 nói về cuộc hành trình từ Ca-đê tới đồng bằng Mô-áp, một cuộc hành trình mới mở ra một tương lai mới cho một thế hệ mới.

III. NỘI DUNG

1. Một cuộc hành trình trong sự vâng phục tuyệt đối (chương 1-10)

Phần mở đầu nói về tầm quan trọng của sự vâng phục tuyệt đối của Ít-ra-en trong việc “thi hành tất cả mọi điều y như Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê” (Ds 1,54). Sự vâng phục được trình bày qua cuộc kiểm tra dân số, qua việc đóng trại (2,34), qua việc dâng tiến hy tế (Ds 7), và qua việc nhổ trại (Ds 9,23). Tất cả những điều Chúa muốn Ít-ra-en thực thi là hướng Ít-ra-en đến với Người như một dân thánh, tách biệt khỏi sự ô uế của thế gian. Chính vì thế, tất cả những gì là không thanh sạch thì không thể tiến lại gần Người. Sự vâng phục tuyệt đối của Ít-ra-en là phương thế cho Ít-ra-en bước đi trong sự thánh thiện mà tiến về miền Đất hứa.

2. Một cuộc hành trình của sự bất tuân (chương 11-12)

Sự vâng phục của Ít-ra-en kéo dài chẳng được bao lâu thì họ lại sớm rơi vào tình trạng phải chết của sự bất tuân. Sự bất tuân của Ít-ra-en được diễn tả qua thái độ phàn nàn, kêu trách: “Thế rồi dân bắt đầu kêu ca thấu tai Đức Chúa vì những khổ cực của họ, và Đức Chúa đã nghe được. Cơn thịnh nộ của Người bừng lên và lửa của Đức Chúa bốc cháy nơi họ ở và thiêu hủy đầu trại” (Ds 11,1). Sự phản loạn của dân còn được trình bày một cách rõ ràng trong chương 13 và 14. Dân cho rằng Mô-sê và A-ha-ron không còn đáng tin cậy để dẫn dắt họ nữa. Thế nên, họ bảo nhau: “Chúng ta hãy đặt lên một người cầu đầu và trở về Ai-cập” (Ds 14,4). Họ sợ tiếp tục cuộc hành trình vì chính Chúa đã thề: “Không một ai trong những người đã thấy vinh quang của Ta và những dấu lạ Ta đã làm bên Ai-cập và trong sa mạc, nhưng đã thách thức Ta cả mười lần và đã không chịu nghe tiếng Ta, không một ai trong những người ấy sẽ được thấy những miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng, tất cả những ai khinh thị Ta sẽ không được thấy đất ấy”. Quả thực, tất cả những người ra khỏi Ai-cập từ tuổi 20 trở lên đều bị chết trong sa mạc, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lếp. Chính sự phản loạn và tội lỗi của con cái Ít-ra-en khiến họ phải hành trình 40 năm trong sa mạc trong khi đoạn đường họ phải đi trên thực tế chỉ mất 11 ngày. Tuy nhiên, trong 40 năm này, Chúa kiên nhẫn sửa dạy Ít-ra-en với lòng nhân từ và sự nghiêm khắc. Người vẫn yêu thương họ với một giao ước chung thuỷ.

3. Cuộc hành trình đong đầy lòng nhân từ và sự nghiêm khắc của Chúa (chương 13-19)

Cuộc hành trình bất tuân của Ít-ra-en không bao giờ thiếu vắng sự hiện diện đầy lòng nhân từ và sự công chính của Chúa. Sự hiện diện của Chúa vừa mang tính phán xét vừa mang tính cứu độ. Ở giữa một một dân phản loạn, Thiên Chúa vẫn tiếp tục khẳng định: Ít-ra-en là dân của Người. Thiên Chúa nhân từ tiếp tục cung cấp cho Ít-ra-en thức ăn và nước uống. Thiên Chúa chỉ định những người lãnh đạo, đặc biệt là nhà Lê-vi và gia đình A-ha-ron trở nên những người lãnh đạo và những người làm trung gian giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. Chính nhờ lời chuyển cầu của các nhà lãnh đạo giúp cho Ít-ra-en tránh khỏi những cơn thịnh nộ của Chúa. Thiên Chua một cách kiên nhân đã dẫn một dân lầm đường lạc lối trở về chính lộ.

4. Một hướng đi mới cho một thế hệ mới (chương 20-36)

Sau khi dừng chân tại Ca-đê, Ít-ra-en nhổ trại tiến tới Mô-áp (xem Ds 20-21). Tại đồng bằng Mô-áp, theo lệnh của Đức Chúa, Mô-sê thực hiện cuộc kiểm tra dân số lần hai với con số 601.730 (xem Ds 26). Con số nay cho thấy một thế hệ mới tương đương với thế hệ đã rời khỏi Ai Cập trong cuộc kiểm tra dân số đầu tiên với con số 603.550. Để lãnh đạo thế hệ mới này, Chúa đã chọn Giô-suê tiếp nối sứ mệnh của Mô-sê để đưa họ tiến vào miền đất Ca-na-an (27,12-23). Đồng thời, Chúa đã ban cho họ những quy định mới để họ có thể sống như là dân thánh của Người trong miên đất Người ban.

IV. KẾT

Chúng ta vừa lược qua những phần chính của sách Dân số. Qua đó, chúng ta, trước hết, chiêm ngắm một Thiên Chúa vừa nhân từ vừa nghiêm khắc. Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ không chỉ ban phát cho Ít-ra-en của nuôi thân mà còn bảo vệ và gìn giữ họ khi họ phạm tội. Mặt khác, Thiên Chúa cũng là Đấng rất nghiêm khắc. Người đánh phạt khi con cái Ít-ra-en phạm tội. Người cất đi quyền thừa hưởng nếu như họ bất tuân.

Thứ đến, sách Dân số là một bài học quý giá cho con cháu nhà Ít-ra-en cũng như cho tất cả chúng ta để chúng ta học cách kính sợ Chúa và thực thi thánh ý Người, ngõ hầu chúng ta không bị rơi vào cảnh diệt vong trong “sa mạc” của thế trần hôm nay.

Cuối cùng, sách Dân số không có phần kết. Điều này cho thấy Chúa mở ra cho Ít-ra-en một niềm hy vọng mới, một tương lai mới. Tương lai này có thành hiện thực hay không tuỳ thuộc việc Ít-ra-en có vâng phục Chúa hay không. Đây là thử thách mà mỗi thế hệ Ít-ra-en phải đối diện. Nó cũng là thách đó cho mỗi chúng ta hôm nay. Chúng ta có sẵn sàng bỏ con đường của mình để bước vào con đường của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô không?

Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta.
Nguyện xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến chúng ta và dủ lòng thương chúng ta.
Nguyện xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho chúng ta (x. Ds 6,24-26).

Trong bài học tuần sau chúng sẽ tìm hiểu cuối sách Đệ nhị luật, cuốn sách cuối cùng của bộ Ngũ thư.

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
(chương 1 – 11)

I. TỔNG QUÁT

Đệ nhị luật là một trong những cuốn sách quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong Thánh Kinh Cựu Ước. Nội dung chính của sách là ba diễn từ của Môsê nói với dân Israel trước khi họ qua sông Giođan tiến vào Đất Hứa. Mục đích là củng cố niềm tin của dân vào Thiên Chúa và kêu gọi họ trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.

Chương 1-11 gồm có :
– 1,1 – 4,43 : Diễn từ thứ nhất của Môsê. Môsê khuyến cáo dân phải học bài học của quá khứ nếu muốn vững chắc trong tương lai. Trung tín sẽ được ân thuởng, ngược lại, bất trung sẽ mang lại án phạt.
– 4,44 – 11,32 : Phần đầu trong diễn từ thứ hai của Môsê trước khi trình bày bộ Đệ nhị luật. Phần này có nhiều điểm quan trọng: Mười điều răn (5,1-6,3), Tình yêu của Chúa (6,4-25), Israel là dân thánh (7,6-26), Điều răn lớn (10,12 – 11,32).

II. ISRAEL, DÂN ĐƯỢC THÁNH HIẾN (Đnl 7,1-12)

Môsê nói với dân, “Anh em là một dân được thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,6).

Trong phần trước (7,1-5), Môsê đưa ra những chỉ thị cấm dân Israel quan hệ với các dân khác. Việc cấm đoán này không phát xuất từ sự tự mãn nhưng từ ý thức rằng Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn, và nếu không cố gắng, họ sẽ không thể chu toàn trách nhiệm trước mặt Chúa.

Thánh hiến là được tách riêng ra để thuộc quyền sở hữu của Chúa. Israel đã được tách riêng ra khỏi các dân. Lề luật được ban cho họ nhằm giúp họ duy trì mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Nền tảng của mối quan hệ này không phải là những phẩm chất cao quý của họ nhưng chính là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đã chọn một dân nhỏ bé trong các dân. Vì thế được tuyển chọn chính là một hồng ân (x. Đnl 4,32-38).

Kitô hữu là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pet 2,9-10). Việc tuyển chọn này cũng không phát xuất từ những ưu điểm về mặt nhân loại của ta, nhưng hoàn toàn phát xuất từ tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Ý thức này thúc đẩy ta sống đời Kitô hữu trong tâm tình tạ ơn và khiêm tốn. Hơn ai hết, Mẹ Maria chính là mẫu mực cho ta sống những tâm tình này như Mẹ diễn tả trong lời kinh tạ ơn (Magnificat).

III. KINH NGUYỆN HỒI TƯỞNG (Đnl 8,1-20)

Môsê nhấn mạnh đến việc “nhớ lại” những hành động yêu thương của Chúa, “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc” (8,2). Nhớ lại hành động giải thoát của Chúa khi đưa dân khỏi Ai cập cũng như sự quan phòng của Người trong suốt hành trình sa mạc là điều tối quan trọng, vì nhờ đó, dân mới cảm nhận tình thương của Chúa và gắn bó với Người, vâng phục Người. Ngược lại, nếu quên đi những hồng ân đó, dân sẽ dần dần bất tuân và bất tín với Thiên Chúa.

Kinh nghiệm sa mạc giúp cho Israel thấy rõ cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa. Kinh nghiệm về sự thiếu thốn và đói khát đến độ chỉ có thể sống nhờ manna, kinh nghiệm đó giúp dân thấy rõ họ sống được là nhờ Chúa: “Thiên Chúa đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết…. ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3) Bây giờ khi bước vào vùng đất mới với lương thực đầy đủ, người ta dễ cho rằng sự phong phú đó là do nỗ lực của con người chứ không do Thiên Chúa. Cho nên Môsê nhấn mạnh, “Anh em hãy ý tứ đừng quên Đức Chúa… Khi anh em được ăn, được no nê, xây nhà đẹp đẽ… thì anh em đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ” (8,11-13).

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, ta cần nhìn lại và nhớ lại cuộc đời mình trong ánh sáng của Chúa, nhờ đó ta cảm nhận sự hiện diện và tình thương của Chúa trong cuộc đời mình cách cụ thể và rõ ràng. Có thể gọi là kinh nguyện hồi tưởng.

Cách cụ thể, hãy đặt mình trước mặt Chúa và nhớ lại. Hãy nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt khiến ta cảm nhận rõ ràng sự can thiệp của Chúa. Hãy nhớ lại những người đã làm ơn cho ta và ghi đậm dấu ấn trong đời ta vì chính Chúa ban ơn cho ta qua họ. Hãy nhớ lại những biến cố lớn trong đời. Hãy nhớ lại những thương tích còn lại trong tâm hồn, và xin Chúa chữa lành. Hãy nhớ lại những người mà ta gây thương tích cho họ, dù vô tình hay hữu ý, và xin Chúa chữa lành họ.

Nhớ lại tất cả những điều trên trong ánh sáng của Chúa giúp ta cảm nhận tình thương của Chúa trong đời mình, giúp ta được chữa lành khỏi những thương tích trong tâm hồn, và giúp ta vững bước đi về phía trước trong tin yêu và phó thác.

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
(chương 12-26)

I. ĐỜI SỐNG HƠN NHÂN GIA ĐÌNH (Đnl 24,1-4)

Trong Tin Mừng Matthêu, khi được hỏi, “Người ta có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” Chúa Giêsu đã trả lời, “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,3-5). Nhưng người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu, “Tại sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” (Mt 19,7).

Đặt câu hỏi như thế là dựa vào Đnl 24,1-4: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì đáng ruồng bỏ, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.” Theo đó, người phụ nữ hoàn toàn ở thế thụ động, bị coi như một vật sở hữu của người đàn ông. Hơn nữa, người ta có thể giải thích lề luật theo ý muốn và sở thích ích kỷ của mình, chẳng hạn đã có những cách giải thích khác nhau về cụm từ “điều gì đáng ruồng bỏ” và “điều không đẹp lòng.”

Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt trên luật Môsê và đưa người ta trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa, “Vì các ông lòng chai dạ đá nên Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt 19,8). Về lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Tôi nói cho các ông biết: ngoại trừ nố dâm bôn, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9), nố dâm bôn ở đây (porneia) là hôn nhân bất hợp pháp (xem TOB). Theo Lev 18,6-18, (đối chiếu với Cv 15, 20,29) đó là hôn nhân giữa những người cùng chung huyết thống (họ máu, họ kết bạn).

II. NHữNG NGÀY LỄ LỚN (Đnl 16,16)

“Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh em phải đến trình diện Đức Chúa, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều” (Đnl 16,16).

Ở nguồn gốc, đây là những lễ hội nông nghiệp, rồi được tôn giáo hoá để tưởng nhớ những biến cố lớn trong lịch sử Dân Chúa. Lễ Bánh Không Men được cử hành vào mùa Xuân để tưởng nhớ cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Lễ Ngũ Tuần là lễ của các tuần lễ (Xh 34,22; Đnl 16,10), ở khoảng giữa lễ Vượt Qua và lễ Lều. Sau này được cử hành để tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Sinai.

Trong Kitô giáo, có những ngày lễ tương tự những ngày lễ của dân Israel như lễ Phục Sinh, lễ Hiện Xuống. Cách nào đó, những ngày lễ này tiếp nối những ngày lễ của dân Israel nhưng lại mang ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn.

Việc cử hành các ngày lễ trên đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của Dân Chúa, vừa tưởng niệm những kỳ công Chúa thực hiện trong lịch sử, vừa thúc đẩy tín hữu sống đức tin. Ngày nay, một số ngày lễ lớn của Kitô giáo đang có nguy cơ bị tục hoá, vd. lễ Giáng Sinh nhiều khi chỉ còn là cơ hội ăn chơi và mua sắm. Vì thế, Kitô hữu càng cần phải cử hành những ngày lễ tôn giáo cách ý thức hơn.

SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
(chương 27-34)

III. TỔNG KẾT: CHỌN LỰA SỰ SỐNG (Đnl 30,15-20)

Trong diễn từ thứ ba của Môsê, sau khi đã ôn lại lịch sử của Dân Chúa, Môsê nói với dân, “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ…” (Đnl 30,15-20)

Lời này cho thấy viễn tượng bao trùm toàn bộ lề luật Thiên Chúa ban cho con người chính là sự sống. Lề luật Thiên Chúa ban là để cho con người được sống và hạnh phúc chứ không nhằm hủy diệt và giết chết như nhiều người ngày nay nghĩ tưởng. Chỉ có điều quy luật của sự sống là “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là quy luật tự nhiên của sự sống nhưng con người lại cho đó là nghịch lý. Họ chỉ muốn sự sống tức thời và cụ thể trước mắt chứ không chấp nhận quy luật của hi sinh và từ bỏ. Vì thế họ lao vào việc tìm thoả mãn những sở thích và đam mê của mình bằng mọi cách để rồi chỉ thấy sự sống đích thực nơi mình mỗi ngày mỗi nghèo nàn và trống vắng. Dân Israel đã phải học bài học này trong suốt hành trình sa mạc, và mỗi chúng ta cũng phải học bài học đó.

Chọn lựa căn bản của người Kitô hữu là chọn Chúa, cũng là chọn sự sống. Nhưng ta cần thể hiện chọn lựa căn bản đó xuyên qua những chọn lựa nhỏ bé và cụ thể hằng ngày. Và không thể quên quy luật của sự sống mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh bằng chính cuộc sống và cái chết của Ngài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bunbo