Giô-suê, Thủ Lãnh, Rút, Sa-mu_en1+2,
SÁCH GIÔSUA
I. TỔNG QUÁT
Giôsua là trợ tá của Môsê và được chọn để kế tục sự nghiệp của Môsê lãnh đạo Dân Chúa. Trong tiếng Do thái, Giôsua có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” hay “Xin Thiên Chúa cứu.”
Vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, Giôsua đưa dân Israel tiến vào Đất Hứa. Sau khi vượt qua sông Giođan và chiếm đất Canaan, họ lấy Gilgal làm bản doanh và Sichem làm nơi thờ phượng. Giôsua đã triệu tập tất cả các chi tộc Israel tại Sichem và lập thoả thuận với họ.
Sách Giôsua như ta có ngày nay là sự thu thập những lời truyền khẩu về Miền Đất Hứa, và chỉ được hoàn thành sau thời lưu đày Babylon. Sách gồm ba phần chính:
– Chinh phục đất Canaan (chương 1 – 12)
– Phân chia đất (chương 13-21)
– Các chi tộc bên kia sông Giođan trở về và diễn từ cuối cùng của Giôsua (chương 22 – 24)
Mục đích chính của sách là chứng minh sự trung tín của Thiên Chúa với lời Người đã hứa, đặc biệt là lời hứa sẽ ban cho dân miền đất chảy sữa và mật. Niềm tin vào sự trung tín của Thiên Chúa là điểm tựa cho Dân, để dù sống giữa cảnh lưu đày, họ vẫn một niềm tin tưởng vào sự hiện diện và chăm sóc của Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát họ và đưa họ về miền Đất Hứa.
Đồng thời, Dân Chúa phải ý thức rằng họ sẽ có thể sống mãi trong miền đất Thiên Chúa đã ban cho họ, với điều kiện là họ trung thành tuân giữ tất cả những điều Môsê đã truyền qua Lề Luật: “Anh em phải thật cương quyết tuân giữ và thực hành tất cả những gì ghi trong Sách Luật Môsê, không đi trệch bên phải bên trái” (23,6).
II. QUA SÔNG GIOĐAN (3,1 – 5,12)
1. Chuẩn bị (3,1-13)
Trình thuật này mô tả việc qua sông Giođan như một cuộc rước trọng thể trong phụng vụ. Mục đích là để cho thấy chính Thiên Chúa hằng sống là Chúa của toàn thể cõi đất đã đưa dân Israel vào Đất Hứa. Như thế, dân đang sống cảnh lưu đày vững tin vào quyền năng Chúa là Đấng sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.
2. Qua sông (3,14-17)
Trong cuộc rước trọng thể, dân đi theo các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước, và khi nước dừng lại thì dân đi qua sông. Rõ ràng trình thuật này muốn nhắc lại việc dân Israel qua Biển Đỏ; như thế làm nổi bật ý nghĩa: việc vào Đất Hứa chính là sự kết thúc hành động Thiên Chúa giải thoát Dân, đã được bắt đầu từ cuộc xuất hành. Xuất Hành trở thành điểm quy chiếu qua đó thấy được hành động giải thoát của Chúa.
3. Bia kỷ niệm (4,1-9)
Các tấm bia là sự nhắc nhớ cụ thể rằng “nước sông Giođan đã bị chặn lại trước Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa khi Hòm Bia qua sông Giođan.” Như thế, chính Chúa chứ không ai khác, đã đưa dân qua sông.
4. Hoàn tất việc qua sông (4,10-18)
Việc qua sông Giođan vừa khép lại một giai đoạn trong lịch sử Israel vừa mở ra một giai đoạn mới. Trình thuật này mô tả bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Trình thuật này được đóng khung bằng hai sự kiện mang tính phụng vụ: Giôsua dựng mười hai tảng đá lấy từ sông Giođan (4,20-24) và việc cử hành lễ Vượt Qua (5, 10-12).
III. DIỄN TỪ CUỐI CÙNG CỦA GIOSUA (chương 23 & 24)
Biết rằng ngày ra đi của mình đã gần kề, Giôsua triệu tập dân lại để nhắc nhở họ về mọi điều đã xảy ra, đồng thời khuyến khích họ trung thành với giao ước. Ông cũng khuyến cáo dân về những hậu quả khôn lường nếu họ bất trung và chống lại Chúa.
IV. Liên quan đến Tân Ước
1. Giôsua, hình bóng của Chúa Kitô, Đấng đưa dân vào Nước Thiên Chúa.
2. Việc qua sông Giođan là hình bóng của bí tích Thánh Tẩy.
3. Đất Hứa là hình bóng của Vương quốc Thiên Chúa.
SÁCH THỦ LÃNH
I. THẦN HỌC VỀ LỊCH SỬ
1. Biên soạn sách Thủ Lãnh
Các Thủ Lãnh là những người đã đóng vai trò hướng dẫn Dân Chúa trong suốt 150 năm sau ông Giôsua (1200-1050 trước Công nguyên). Tuy nhiên sách Thủ Lãnh đã chỉ được biên soạn trong thời Lưu đày, nghĩa là sau đó khoảng 400-500 năm. Như thế, sách được biên soạn không chỉ nhằm mục đích ghi lại những sự kiện lịch sử nhưng còn trình bày một cái nhìn thần học về lịch sử.
2. Thần học về lịch sử
Thần học căn bản về lịch sử mà tác giả muốn trình bày là: tội lỗi dẫn đến hình phạt, còn sám hối dẫn đến ơn tha thứ và giải thoát (đọc 6,1-10; 10,6-16). Ý nghĩa thần học này rất quan trọng đối với dân lưu đày: họ đã mất quê hương vì tội lỗi của họ, nhưng nếu họ biết ăn năn hối cải thì Thiên Chúa sẽ tha thứ và giải thoát họ. Người Kitô hữu cũng cần tập nhìn những biến cố lịch sử bằng cặp mắt đức tin để khám phá sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa ngay trong lịch sử.
II. NHỮNG BÀI HỌC LỚN CHO ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
1. Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn
Dân Israel đã ký kết giao ước với Thiên Chúa; tuy nhiên họ đã không trung thành với giao ước. Họ bỏ Chúa để chạy theo các ngẫu tượng mà dân địa phương tin rằng mang lại sự thịnh vượng như Baal, Asherah, Astarte… Họ còn bắt chước cả những cách tế tự của dân địa phương, vd. giết người để dâng hiến làm của lễ.
Về phía Thiên Chúa, Ngài không bao giờ mất lòng kiên nhẫn. Dù dân có phản bội giao ước, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương họ bằng tình yêu trung tín. Nếu tội lỗi của dân dẫn đến án phạt thì cần nhìn những án phạt này trong viễn tượng của tình yêu trung tín đó, nghĩa là Thiên Chúa trừng phạt dân không phải vì căm thù mà vì tình yêu thương, để sửa dạy dân và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính. Vậy người Kitô hữu có thể rút được bài học nào cho chính mình và cho Giáo Hội?
2. Thiên Chúa sử dụng những con đường lạ lùng.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa sử dụng cả những con người yếu đuối và tội lỗi, chẳng hạn những phụ nữ chân yếu tay mềm, hay Samson nặng nề xác thịt… Điều này làm ta liên tưởng đến lời thánh Phaolô: “Những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ gục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cor 1,27-29). Đồng thời mỗi Kitô hữu cần nhớ lại lời Thánh Kinh: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (x. 1Cor 1,31) và “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (2Cor 4,7).
3. Israel giữa dân ngoại: hình ảnh của Giáo Hội ngày nay
So sánh với các dân Canaan và Philitinh, Israel vừa thua kém về dân số vừa thua kém về khả năng. Trong thế giới ngày nay, xem ra càng ngày Giáo Hội càng trở thành cộng đoàn thiểu số, đồng thời bị tấn công về nhiều mặt.
Tuy nhiên, dù sống trong hoàn cảnh nào, Dân Chúa vẫn có trách nhiệm làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13). Điều quan trọng là phải xem lại bản thân mình còn chất muối và ánh sáng không; nếu không sẽ trở thành vô dụng và bị quăng ra ngoài cho người ta chà đạp.
III. SÁCH THỦ LÃNH VÀ ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
1. Bạn hãy đọc lại câu chuyện cuộc đời Samson, một vị thủ lãnh nổi tiếng trong lịch sử Israel.
2. Từ câu chuyện này, bạn có thể rút ra điều gì cho đời sống thiêng liêng của mình?
Sách Samuel 1
(chương 1-15)
I. TỔNG QUÁT
1. Tác phẩm
Ở nguồn gốc, sách Samuel 1 & 2 chỉ là một nhưng khi dịch Thánh Kinh từ tiếng Do thái sang tiếng Hi Lạp (bản 70) thì sách được chia ra làm hai. Các bản dịch sang tiếng La Tinh và các ngôn ngữ khác cũng theo sự phân chia này.
Sách Samuel là tập hợp các bài tường thuật về lịch sử Israel từ khi dân vào đất Canaan (thế kỷ 12) đến thời lưu đày (587 trước Công nguyên). Sứ điệp chính của tác phẩm là Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng, và qua Môsê đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và đã ký kết giao ước với họ. Lời Thiên Chúa ban qua Môsê vẫn tiếp tục hướng dẫn Dân Chúa cũng như các vị lãnh đạo dân. Nếu dân trung thành với luật giao ước thì sẽ thịnh vượng và bình an; ngược lại, họ sẽ phải chịu hình phạt từ những tai họa thiên nhiên đến sự xâm lăng của quân thù và cả sự lưu đày.
Sách Samuel không phải là sách lịch sử theo nghĩa hiện đại cho bằng trình bày thần học về lịch sử, nghĩa là nói đến mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Người.
2. Nhân vật
Ba nhân vật chính trong sách: Samuel và hai vị vua đầu tiên trong lịch sử Israel: Saulê và Davít. Những bài tường thuật về việc sinh hạ Samuel cũng như các nhân vật khác cho thấy Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để cứu độ dân. Saulê là vị vua đầu tiên trong lịch sử Israel. Ơng được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng sau đó lại bị ruồng bỏ vì không trung thành. Sự nghiệp của Saulê kết thúc trong cuộc chiến chống lại người Philitinh (1 Sam 31). Davít được phong vương từ rất sớm (1 Sam 16) nhưng ông phải trải qua nhiều thử thách và đau khổ mới thực sự nắm trọn vương quyền. Ơng được xem như vị minh quân mẫu mực của dân Israel và cuộc đời ông chất chứa nhiều bài học sống động cho đời sống đức tin của ta.
3. Dàn bài tổng quát
Phần I (1 Sam 1-3) : Samuel và nhà Eli
Phần II (1 Sam 4-7) : Hòm bia Giao ước
Phần III (1 Sam 8-15) : Vua Saulê
Phần IV (1 Sam 16-31) : Saulê và Davít
Phần V (2 Sam 1-8) : Chiến đấu giành
vương quốc
Phần VI (2 Sam 9-20): Vua Davít
Phần VII (2 Sam 21-24): Phụ lục
II. SAMUEL
1. Sinh hạ Samuel
Trong lời cầu của bà Hanna (1,9-19a), bà hứa với Chúa là nếu bà sinh con trai, bà sẽ dâng con cho Chúa như một nadia (nazir) (x. Ds 6). Samson (Tl 13-16) cũng có lời khấn nazir nhưng do sứ thần đòi hỏi chứ không do mẹ ông hứa.
Tên của Samuel có nghĩa là “người đến từ Thiên Chúa.” Tên gọi này vừa nói lên sự đáp trả của Thiên Chúa trước lời khấn xin tha thiết của bà mẹ vừa cho thấy sứ mạng của Samuel.
Bài ca tạ ơn của bà Hanna (2,1-10) tương đương với Kinh Ngợi Khen của Mẹ Maria (Lc 1,46-55). Cả hai bài ca đều diễn tả niềm vui khi sinh con, đều chúc tụng quyền năng Thiên Chúa, đều nói đến việc hạ bệ kẻ giàu có và nâng cao người nghèo khó.
2. Ơn gọi của Samuel
Hình ảnh thầy cả Eli với cặp mắt đã mờ (3,2) diễn tả đời sống đức tin của Israel lúc đó: ngọn đèn của Chúa, tức là Lời Chúa, đã bị dập tắt vì lối sống buông thả của hàng tư tế.
Thiên Chúa lên tiếng gọi Samuel nhưng cậu bé chỉ nhận ra tiếng Chúa gọi nhờ sự hướng dẫn của thầy cả Eli. Sự kiện này cho thấy tầm quan trọng của việc phân định thiêng liêng trong đời sống đức tin của ta.
“Này con đây”: lời đáp trả của Samuel gợi nhớ lời đáp trả của Abraham khi Chúa gọi ông hiến dâng Isaac (St 22,1-12). Thái độ sẵn sàng của Samuel tương phản với sự trì trệ của hàng tư tế không muốn lắng nghe Lời Chúa (2,25). Samuel là vị tư tế trung tín, được Chúa chọn để thay thế cho hàng tư tế bất trung.
3. Samuel thi hành sứ vụ
Tại Mizpah, dân Israel cử hành sám hối gồm việc đổ nước, ăn chay, và xưng thú tội lỗi. Samuel chính thức thi hành sứ vụ. Việc Samuel dựng bàn thờ kính Chúa nằm trong truyền thống lâu đời của Nôê (St 8,20), Abraham (St 12,7; 22,9), Isaac (St 26,25), Giacop (St 35,7), Môsê (Xh 17,15)…
Samuel là khuôn mặt duy nhất trong Thánh Kinh vừa là tư tế vừa là tiên tri và thẩm phán (thủ lãnh). Từ sau thời của ông, ơn gọi tiên tri và tư tế bắt đầu tách rời ra.
Sách Samuel 1
(Chương 16-31)
I. ĐAVÍT ĐƯỢC XỨC DẦU PHONG VƯƠNG (đọc 16, 4-13)
1. Cách thế tuyển chọn của Thiên Chúa
Samuel được Thiên Chúa sai đến xức dầu phong vương cho một người con trai của ông Giesê. Thế nhưng những người mà Samuel nghĩ rằng Chúa sẽ chọn lại không phải là người Chúa muốn. Và Người phán: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (16,7).
2. Học cách nhìn của Chúa
Ở mọi thời đại, cách riêng trong thời đại ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến dáng vẻ bên ngoài: trong sản xuất kinh doanh, trong việc đánh giá con người, kể cả trong đường hướng giáo dục, ví dụ chủ nghĩa thành tích dẫn đến bao nhiêu gian dối trong môi trường học đường.
Càng sống trong một môi trường như thế, người Kitô hữu càng cần phải tập sống chiều sâu nội tâm, trau giồi con người bên trong, hơn là chỉ quan tâm đến những hình thức bên ngoài.
II. ĐAVÍT CHIẾN ĐẤU CHỐNG GOLIÁT (đọc 17, 40-47)
Nhìn từ bên ngoài, cuộc chiến giữa Đavít và Goliát quả là cuộc chiến không cân sức. Tương tự như thế là cuộc chiến giữa Giáo Hội và thế gian. Thế nhưng trong cuộc chiến khốc liệt đó, Đavít đã chiến thắng. Vậy bí quyết chiến thắng của Đavít ở đâu? Lời tuyên bố của Đavít đã nói lên tất cả, “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (17,47).
Cũng thế, trong cuộc chiến đấu với thế gian, khi nào Giáo Hội chỉ tìm nương tựa vào sức mạnh quân sự hay kinh tế của người đời, Giáo Hội sẽ thất bại. Ngược lại, khi Giáo Hội thực sự nương tựa vào Chúa thì Giáo Hội sẽ chiến thắng. Đó không phải là chiến thắng theo nghĩa lợi lộc cá nhân nhưng là chiến thắng của tình yêu và chân lý.
Mỗi Kitô hữu cũng cần ghi nhớ bài học này cho đời sống thiêng liêng của mình, nhất là khi phải chiến đấu chống lại tội lỗi.
III. VUA SAUL VÀ TÍNH GHEN TỊ
1. Sự kiện
Sau khi Đavít chiến thắng tên Philitinh, dân chúng hò reo ca tụng Đavít, và Sách Thánh ghi nhận rằng “Từ ngày đó về sau, vua Saul nhìn Đavít với con mắt ghen tị” (18, 6-9). Sự ghen tị đó đã thúc đẩy Saul nhiều lần tìm cách giết Đavít (x. 18, 10-12; 19,8-10)
2. Ghen tị
Nguồn gốc của sự ghen tị là tính ích kỷ, không nhìn thấy ích chung, chỉ thấy quyền lợi và địa vị của mình. Từ đó, tìm cách hạ thấp thành công của người khác và vui mừng trước thất bại của người khác. Khi không kềm chế được, sự ghen tị còn có thể dẫn người ta đến chỗ phạm nhiều tội ác khác.
Ghen tị là một thói xấu có mặt nơi mỗi người và có thể gây nhiều tác hại cho đời sống chung cũng như công việc chung, kể cả việc tông đồ. Điều quan trọng là phải ý thức và cố gắng vượt qua. Để chữa trị thứ bệnh phổ biến này, cần tập nhìn vào ích chung và chương trình của Chúa hơn là chỉ nghĩ đến quyền lợi và sở thích riêng của mình. Nếu ta thực sự tha thiết với công trình của Chúa và ích lợi chung của mọi người, ta sẽ vui mừng đón nhận và cộng tác với bất cứ ai phục vụ ích lợi chung và công trình của Chúa.
IV. SỰ QUẢNG ĐẠI CỦA ĐAVÍT
Đối lại sự ghen tị của Saul, Sách Thánh làm nổi bật lòng quảng đại của Đavít. Đavít đã sẵn lòng tha thứ cho kẻ làm hại mình (24,1-8). Động lực của lòng quảng đại này không chỉ là những lý do tự nhiên nhưng sâu xa hơn, chính là tầm nhìn đức tin của Đavít. Ông nhìn Saul là người được Chúa xức dầu, và vì thế không thể ra tay sát hại (24,7).
Tấm gương của Đavít làm nổi bật lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Hãy để Chúa xét xử mỗi người theo việc họ làm. Hãy tập đặt mình vào hoàn cảnh người khác để có thể cảm thông và chia sẻ hơn là lên án và trả thù.
Sách Samuel 2
(chương 1-12)
I. THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI
Vua Đavít được gọi là vua thánh Đavít nhưng trong thân phận con người, nhà vua cũng đã phạm những lầm lỗi nặng nề. Trình thuật Thánh Kinh về tội của Đavít soi sáng cho ta nhiều điều về ý nghĩa của tội lỗi cũng như đưa ra những cảnh giác cụ thể về mối nguy hiểm của tội.
1. Sự kiện tội lỗi (11,1-5)
Vua Đavít say mê bà Bathsêba, vợ của tướng Uria, và tìm cách chiếm đoạt bà: “Vua sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà. Nàng đã thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đavít rằng: “Tôi có thai.”
2. Sự tàn phá của tội (11,6-26)
Tội này lôi kéo theo tội khác. Khi nghe tin Bathsêba đã có thai, nhà vua phải tìm cách che giấu tội lỗi của mình. Trước hết, vua cho gọi Uria, chồng bà về gặp vua, rồi ra lệnh cho ông về nhà nghỉ ngơi. Nếu Uria về thăm gia đình và sau đó bà Bathsêba có thai, âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng “Uria nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình,” và lý do ông đưa ra thật đáng khâm phục, “Hòm Bia cũng như Israel và Giuđa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Gioap và các bề tôi của chúa thượng đang đóng trại ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống và nằm với vợ tôi sao?” (11,11). Nhưng vua Đavít phải tìm mọi cách che giấu tội lỗi của mình nên khi sử dụng trò gian dối không thành, nhà vua phải dùng đến thủ đoạn tàn ác nhất. Oâng viết thư cho tướng Goap, căn dặn rằng: “Hãy đặt Uria ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết” (11,15). Oái ăm thay, chính Uria lại là người cầm bản án tử cho mình để nộp cho Gioap (11,14). Và Đavít đã toại nguyện. Bà Bathsêba làm tang lễ cho chồng, sau đó vua Đavít đón bà về làm vợ mình (11,23-27).
Như thế, trong trường hợp của vua Đavít, gian dâm dẫn đến gian dối rồi dẫn đến sát nhân. Tội này kéo theo tội khác. Đây cũng là thực tế trong đời sống mỗi người, có điều nhiều khi ta không đủ can đảm và khiêm tốn nhận ra sự thật này. Và vì không thấy đúng sự thật nên không thấy rõ sự tàn phá của tội, cũng không đủ quyết tâm để xa tránh tội.
3. Dịp tội
Khi mô tả tội của Đavít, Sách Thánh ghi nhận, “Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng có nhan sắc tuyệt vời” (11,2). Sau đó nhà vua cho vời người phụ nữ đó vào cung.
Như thế, tội của Đavít khơi nguồn từ chỗ “nhìn thấy người phụ nữ đang tắm.” Giác quan là cánh cửa cho tâm hồn mở ra với thế giới bên ngoài, nhờ đó nhận biết thế giới, thiết lập tương giao, và làm cho đời sống thêm phong phú. Chính vì thế, bị mất đi một giác quan, vd. khiếm thị hay khiếm thính, đều làm cho cuộc sống trở thành nghèo nàn và khó khăn hơn. Tuy nhiên thế giới giác quan cũng có thể trở thành cửa ngõ cho những ham muốn tội lỗi. Vì thế, các nhà đạo đức mới nói đến việc canh chừng ngũ quan.
Xa hơn, phải nói đến những dịp tội. Không phải vô lý khi trong kinh Aên năn tội, người Công giáo nói đến quyết tâm xa tránh dịp tội, vì bất cứ tội nào ta phạm cũng đều có dịp của nó. Không xa tránh dịp tội, sẽ khó lòng tránh được chính tội lỗi. Một người nghiện rượu sẽ khó tránh được chuyện uống rượu nếu hẹn hò với bạn bè trong quán nhậu. Hai bạn trẻ sẽ khó tránh được quan hệ xác thịt khi hẹn nhau nơi tăm tối và kín đáo. Quyết tâm không chỉ là những ý hướng tốt chung chung, nhưng một quyết tâm chân thành hàm chứa nỗ lực xa tránh dịp tội, nhờ đó có thể giữ mình khỏi tội lỗi.
Vua Đavít được gọi là vua thánh, và quả thật, cuộc đời ông là tấm gương sáng cho các nhà lãnh đạo cũng như cho từng người tín hữu về nhiều phương diện. Thế nhưng con người tốt lành đó cũng đã có những giây phút sa ngã trầm trọng, từ một đam mê nhất thời dẫn đến nhiều hậu quả trầm trọng. Aâu cũng là lời nhắc nhớ cho ta về sự thật hiển nhiên mà Chúa Giêsu đã dạy, “Tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41). Ý thức đó sẽ giúp ta khiêm tốn hơn, nhờ đó biết cảnh giác trước những cám dỗ trong đời sống đức tin.
Sách Samuel 2
(Chương 13-24)
I. SÁM HỐI
1. Biết mình: khởi điểm của hành trình sám hối (12,1-15)
Đavít phạm tội và tìm cách che giấu tội lỗi. Có lẽ ông đã thành công vì âm mưu của ông khéo léo quá và vì ông là vua nên không ai dám đụng tới. Nhưng hành động của ông không thể qua mắt Thiên Chúa (11,27). Ngài sai tiên tri Natan đến để giúp Đavít nhận ra sự thật mà ông đang tìm cách che giấu.
“Bạn hãy biết chính mình.” Người Hi Lạp coi đây là khởi điểm của triết học, và thực sự đây là chân lý căn bản nhất trong đời người nhưng cũng lại là chân lý bị lãng quên nhiều nhất. Đavít cũng không dễ dàng nhận ra sự thật về chính mình. Oâng vẫn tỏ ra là một vị minh quân sáng suốt và đầy tình nhân ái. Vì thế khi nghe tiên tri Natan kể chuyện về một người giàu cóù đã ức hiếp người nghèo đến độ bắt cả con chiên duy nhất của người nghèo mà làm tiệc đãi khách của mình, Đavít đã hùng hồn tuyên bố, “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết” (12,5). Nhưng trong khi ông sáng suốt nhận diện sự bất công mà tên nhà giàu gây ra cho đồng loại, thì ông vẫn không nhận ra sự bất công trầm trọng chính ông đã gây ra. Trong khi ông hùng hồn lên án tên nhà giàu, ông không biết rằng ông đang tuyên án chính mình! Chỉ đến khi tiên tri Natan thẳng thắn công bố, “Kẻ đó chính là ngài” (12,7), ông mới ngỡ ngàng.
Đavít đã không thể biết mình khi chỉ dựa trên dư luận. Ơng chỉ nhận ra sự thật khi đối diện với Thiên Chúa và Lời của Ngài. Cũng vậy, người Công giáo có thói quen xét mình để nhận ra sự thật về mình. Nhưng ta sẽ không nhận ra sự thật đó khi xét mình dựa vào dư luận xã hội, dựa vào sự đánh giá của người đời, hoặc tự so sánh mình với người khác. Ta chỉ có thể biết rõ về mình khi đối diện với Thiên Chúa và Lời của Ngài : “Lạy Chúa, trong ánh sáng Chúa, chúng con nhìn thấy ánh sáng.”
2. Đền tội
Khi nghe tiên tri Natan kể về một trường hợp bất công, Đavít đã tuyên án: “Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót” (12,6). Lời tuyên án này báo trước chính hình phạt ông phải chịu, tức là mất bốn người con. Đau đớn nhất cho Đavít là ở chỗ những cái chết này lại do chính anh em trong nhà sát hại lẫn nhau:
– 12,18 : con bà Bathsheba chết,
– 13,28 : Amnon chết dưới tay Absalom,
– 18,15 : Absalom chết dưới tay quân sĩ của Đavít,
– 1V 2,24-25 : Adonijah chết dưới tay Salomon.
Theo lẽ công bằng, nếu tội lỗi đã gây ra những bất công trầm trọng cho tha nhân, thì người phạm tội cũng phải chịu hình phạt cho cân xứng. Phải chăng sự trừng phạt của Thiên Chúa cũng chỉ nhẳm tái lập sự công bằng? Chắc chắn là thế nhưng còn hơn thế. Từng bước một, Thiên Chúa giúp Đavít khám phá dung nhan đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
3. Đỉnh cao: khám phá lòng thương xót
Absalom là đứa con phản loạn. Anh ta đã giết Amnon (13,23-29) cho dù với lý do xem ra chính đáng là để báo thù cho em gái mình đã bị Amnon làm nhục! Sau đó, dù đã được vua Đavít tha thứ, anh ta vẫn tìm cách tạo vây cánh (15,1-5) và làm loạn chống lại chính vua cha (15,7-12) đến độ vua Đavít phải bỏ cả hoàng cung mà chạy trốn. Absalom còn làm những hành vi xúc phạm trầm trọng đến cha già (16,20-22).
Dù con cái ngỗ nghịch như thế, vua Đavít vẫn một niềm tha thứ. Đavít đã chấp nhận cho Absalom trở về sau khi anh ta đã giết Ammon(14,1-21). Hơn thế nữa, dù Absalom làm loạn khiến Đavít phải bỏ cả hoàng cung mà chạy, ông vẫn không muốn giết con. Ơng yêu cầu các tướng sĩ của mình nương tay với Absalom (18,5). Đến khi được tin Absalom tử trận, không những ông không vui mừng mà còn than lan khóc lóc, đòi được chết thay cho con: “Vua Đavít run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói: Abasalom con ơi, Abasalom con ơi! Phải chi cha chết thay cho con!” (19,1-5).
Đây quả là đỉnh cao của câu chuyện thương tâm và cũng là đỉnh cao của tình phụ tử. Nhưng cũng chính từ kinh nghiệm làm cha như thế, vua Đavít khám phá dung nhan đích thực của Thiên Chúa là Cha. Trước kia, Đavít có lẽ chỉ thấy được một Thiên Chúa công bằng vì tuy Người tha thứ nhưng vẫn bắt đền tội nặng nề cho xứng với tội nhà vua đã phạm. Thế nhưng kinh nghiệm ông có trước cái chết của Abasalom đã giúp ông khám phá dung mạo đích thực của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Mặc cho ông ngỗ nghịch đến đâu, mặc cho ông tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm thương xót. Tình thương của Chúa lớn hơn mọi tội lỗi con người đã phạm.
Và đối với người Kitô hữu, kinh nghiệm này lại chẳng trở thành chân lý sống động nơi thập giá Chúa Giêsu đó sao? Ở đó, Thiên Chúa không chỉ nói, “Con ơi, phải chi Cha chết thay cho con,” nhưng là “Này đây, Cha chấp nhận chết thay cho con.” Bạn có cảm nhận được điều đó khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top