Tập 6



Tập 06 (Số 14-12-06)

Xin mở kinh, xem đoạn kinh tiếp theo.

Duy nguyện Thế Tôn, quảng thuyết Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, nhân địa tác hà hạnh lập hà nguyện, nhi năng thành tựu bất tư nghị sự.

唯願世尊廣說地藏菩薩摩訶薩。因地作何行立何願。而能成就不思議事。

(Xin nguyện Thế Tôn nói rõ Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lúc còn tu nhân đã làm hạnh gì, lập nguyện gì mà thành tựu được sự không thể nghĩ bàn như vậy.)

Văn Thù Bồ Tát thấy trong đại hội này đại chúng hy hữu, đông đảo, đương nhiên Ngài biết rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng còn người, trời, phàm phu, Nhị Thừa, cho đến Quyền Giáo Bồ Tát nhìn thấy tình trạng thù thắng này sẽ tránh không khởi nghi hoặc, thậm chí còn có ý niệm hủy báng. Tổ sư đại đức y theo kinh luận nói với chúng ta: Nghi hoặc, báng pháp nhất định sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Những lời giống như vầy chúng ta thường chẳng dám nói, tại sao? Nói ra người ta càng nghi hoặc, càng hủy báng, họ nghe xong sẽ nói: Ông lấy chuyện này ra để dọa người ta, đâu có tội nặng như vậy? Làm gì có địa ngục? Họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng. Thế nên những lời nói như vầy, chúng ta tin tưởng thì tự mình sẽ có cảnh giác cao độ: Còn đối với đại chúng trừ phi đọc đến đoạn kinh này thì chẳng thể không nói, nếu không đọc đến đoạn kinh này thì chúng ta sẽ chẳng nói. Phải biết tại sao chẳng nói? Nói xong không những không có lợi mà còn giúp cho người ta tạo tội nghiệp, vậy thì nói ra làm chi! Người ta đã đọa lạc rất thảm rồi, chẳng nên làm cho họ đọa nặng thêm, đây chính là đại từ đại bi. Thế nên trong thời trược ác, Phật, Bồ Tát chẳng dùng thân tướng của Phật xuất hiện trong thế gian là để giảm bớt sự nghi hoặc, hủy báng của chúng sanh. Văn Thù Bồ Tát vô cùng từ bi, giúp Thế Tôn giáo hóa chúng sanh. Giống như hai Ngài đang biểu diễn trên sân khấu vậy, một người hỏi, một người đáp. Ðịa Tạng Bồ Tát làm sao có phước đức nhân duyên lớn lao như thế? Triệu tập tận hư không trọn khắp pháp giới hết thảy chư Phật, Bồ Tát, chúng sanh có duyên trong lục đạo đến tham dự đại hội này, đây là chuyện chẳng thể nghĩ bàn. Xin xem đoạn kinh sau đây:

Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: "Thí như tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu thảo mộc tòng lâm đạo ma trúc vi, sơn thạch vi trần nhất vật nhất số, tác nhất Hằng hà, nhất Hằng hà sa nhất sa chi giới, nhất giới chi nội nhất trần nhất kiếp, nhất kiếp chi nội sở tích trần số, tận sung vi kiếp.

佛告文殊師利。譬如三千大千世界。所有草木叢林稻麻竹葦。山石微塵一物一數。作一恒河。一恒河沙一沙之界。一界之內一塵一劫。一劫之內所積塵數。盡充為劫。

(Phật bảo Văn Thù Sư Lợi thí dụ như trong tam thiên đại thiên thế

giới hết thảy cây, cỏ, lùm, rừng, lúa, đay26, trúc, lau, núi, đá, hạt bụi, mỗi vật tính thành một số, mỗi số là một sông Hằng, số cát trong mỗi sông Hằng cứ một hạt cát là một thế giới, trong mỗi thế giới tính mỗi hạt bụi là một kiếp, số bụi tích chứa trong mỗi kiếp đều tính thành kiếp.)

Trong đoạn này, Thế Tôn vì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói ra nhân duyên sự tích độ hóa chúng sanh của Ðịa Tạng Bồ Tát trước kia. Nói với Văn Thù Bồ Tát tức là nói với chúng ta, Văn Thù Bồ Tát ở đây đại diện cho chúng ta. Ðoạn này trước hết số lượng chẳng thể nghĩ bàn; thí dụ này chúng ta chẳng cần giải thích từng câu, giảng ký của pháp sư Thánh Nhất có thuyết minh, ở đây chúng ta lược bớt. Con số này chẳng có cách chi tính nổi, người trong thế gian không thể tính, hiện nay máy móc, kỹ thuật điện toán tối tân nhất cũng tính không nổi.

------

26 Đay (hemp) chính là cây gai, ta thường lấy sợi nó để dệt bao bố, hoặc làm những sợi dọc để kết những sợi cói (người miền Nam thường gọi là Lác) thành chiếu.

-----

Ðịa Tạng Bồ Tát chứng Thập Ðịa quả vị dĩ lai, thiên bội đa ư thượng dụ.

地藏菩薩證十地果位已來。千倍多於上喻。

(Ðịa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Ðịa đến nay còn lâu gấp ngàn lần thí dụ trên).

Con số trong thí dụ trên, đây là nói về lúc Ðịa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Ðịa đến nay, từ lúc chứng Sơ Ðịa đến Thập Ðịa; nói cách khác thời gian lúc trước quả Thập Ðịa đều không tính, nếu tính thì càng nhiều hơn nữa, đếm chẳng nổi.

Hà huống Ðịa Tạng Bồ Tát tại Thanh Văn, Bích Chi Phật địa.

何況地藏菩薩在聲聞。辟支佛地。

(Huống gì lúc Ðịa Tạng Bồ Tát còn là Thanh Văn, Bích Chi Phật.)

Chẳng tính thời gian trước đó, chỉ tính từ lúc chứng được Ðịa Thượng27 Bồ Tát trở đi đến nay, con số Hằng hà sa kiếp chẳng sánh vào đâu? Thí dụ này nói thật ra cũng chỉ có Phật mới nói được, nếu chúng ta dùng ngôn ngữ văn tự để hình dung con số này cũng hình dung không nổi.

--------

27 từ Sơ Địa Bồ Tát trở đi mới được gọi là Địa Thượng.

-------

Văn Thù Sư Lợi, thử Bồ Tát oai thần thệ nguyện bất khả tư nghị.

文殊師利。此菩薩威神誓願不可思議。

(Văn Thù Sư Lợi, oai thần thệ nguyện của Bồ Tát đó chẳng thể nghĩ bàn.)

Ðây là lời tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát, oai đức, thần thông, hoằng nguyện của Ngài chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chư vị nhất định phải ghi nhớ bổn nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát tức là bổn nguyện của tự tánh chúng ta; nói cách khác nếu chẳng có bổn nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát, chúng ta nhất định chẳng thể chứng được Phật quả viên mãn. Bạn sẽ hỏi tại sao? Trong tánh đức có thiếu khuyết thì bạn làm sao được viên mãn! Ðịa Tạng pháp môn là khóa học thứ nhất của Phật pháp Ðại Thừa, phải chiếu theo thứ tự này để nói, đây là học trình của lớp đầu tiên, khóa trình cơ sở, khóa trình cần thiết phải học. Tại sao phát nguyện này: "Ðịa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật"? Ðịa ngục là do tự tánh chúng ta biến hiện thành, chẳng từ bên ngoài đến, y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới đều do tâm địa biến hiện ra. Trong tâm bạn còn hiện lên hiện tượng địa ngục, còn hiện ra hiện tượng lục đạo luân hồi, thì bạn làm sao chứng được viên mãn Bồ Ðề! Ðây là đạo lý nhất định. Phật pháp nói Lý với bạn, Lý chân thật, Sự chân thật, chẳng phát nguyện này được không? Chúng sanh khổ nạn trong địa ngục đều phải độ thoát vô điều kiện, những người đang chịu khổ nạn trước mắt ta có thể không giúp đỡ, không dang cánh tay ra trợ giúp sao? Chúng ta nhìn thấy nhiều chuyện và nhiều người chẳng như ý, còn sân giận, phải biết đây chẳng phải là lỗi lầm của cảnh giới bên ngoài, mà là lỗi lầm của chính chúng ta. Tại sao họ làm chuyện ác, làm những việc chẳng đúng như pháp? Vì chính mình chẳng tu hoàn hảo, chẳng làm gương tốt cho người ta, là tội nghiệp của mình, phải tu từ chỗ này. Bạn còn đập bàn nạt người ta, trừng mắt nhìn người ta, thì tội bạn tăng thêm nữa, bạn chẳng biết chúng sanh từ đâu đến sao? Chúng sanh tạo tội nghiệp từ chỗ nào? Phật, Bồ Tát biết, Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh đều từ bi.

Chúng ta học Phật phải bắt đầu từ đâu? Phải giác ngộ từ những chỗ này, chân chánh giác ngộ! Người ác đối với chúng ta, chúng ta phải dùng thiện ý giúp đỡ họ, nếu họ chẳng tiếp nhận thì không sao cả. Kinh Ðịa Tạng nói rất rõ, căn cơ của chúng sanh có bốn thứ chẳng thể chấp nhận, càng hiện rõ tội nghiệp của chúng ta sâu nặng, chúng ta phải sám hối từ chỗ này, tự độ rồi sau đó mới độ người, đây là đạo lý nhất định. Phật, Bồ Tát tiếp dẫn chúng sanh cũng chẳng có pháp nhất định, có lúc cũng nổi giận, cũng trừng mắt nhìn, nhưng bạn phải biết lúc họ nổi giận [có thể làm cho] chúng sanh giác ngộ, sửa sai, quay đầu hướng thiện; còn chúng ta nổi giận thì chúng sanh khởi tâm oán hận, tâm báo thù, như vậy thì bạn sai rồi. Chúng ta ngu si, Bồ Tát có trí huệ, chúng ta phải hiểu làm cách nào xử sự, đãi người, tiếp vật, cho nên đặc biệt đề ra việc "làm thầy, làm mô phạm". Phật, Bồ Tát là thầy của trời, người, khi chúng ta xuất gia, người ta gặp mặt liền xưng Pháp sư, đều xưng bạn là thầy; thầy tức là "biểu suất" (có nghĩa là nêu gương, dẫn đầu), mô phạm, chúng ta khởi tâm động niệm, cử chỉ hành động có thể làm mô phạm cho người ta không?

Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói ra, tôi mới biết. Cả đời tôi đối với chuyện của bất cứ ai, trước giờ đều chẳng nghe, chẳng hỏi đến. Ông nói với tôi sau khi những đồng tu khóa trước rời khỏi nơi đây, họ phải dọn dẹp phòng, nhìn thấy những đồ chẳng cần đều bỏ bừa bãi trong phòng, còn nhìn thấy trái táo mới cắn một miếng xong rồi bỏ. Họ nhìn thấy rất buồn, cách làm như vậy có thể làm gương tốt cho người thế gian không? Chúng tôi nghe xong rất buồn, chúng tôi không trách các bạn đồng học, chỉ trách mình, tự chúng tôi làm không tốt, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực sửa đổi, những đạo lý này đều phải biết. Ðồ vật của thường trú chúng ta đều phải trân trọng, quý tiếc từng ly từng tí. Cả đời tôi chẳng xin ai một đồng nào, tại sao? Người ta kiếm tiền chẳng dễ, phải hiểu giùm cho người ta. Mỗi khi chúng ta dùng tiền đều phải tiết kiệm, chúng ta tiết kiệm một phần tiền tức là đối với thường trú, đối với Phật pháp bố thí một phần tiền, chúng ta tu phước. Nếu bạn chẳng tu phước, thì phước của bạn từ đâu đến? Ngày nay bạn chẳng thể đoạn vô minh, tánh đức của bạn chẳng thể lưu lộ, thì phước báo của bạn đều do tu mà có, nhất định chẳng dám lãng phí. Cổ đại đức đều làm được, quy củ của tòng lâm mỗi cây kim mỗi sợi chỉ, mỗi cọng cỏ mỗi khúc cây, tuy rất nhỏ nhoi, chẳng có gì không quý tiếc, đó là tích phước! Tích phước tức là tu phước. Hiện nay nguyên nhân căn bản của hết thảy lỗi lầm của con người chính là vì từ nhỏ chẳng có người dạy, lớn lên tập thành thói quen này, dưỡng thành tập khí rồi thì rất khó sửa, thế nên chúng ta phải đề cao cảnh giác từng giờ từng phút. Tại sao phải đọc kinh mỗi ngày? Ðọc kinh chính là kiểm điểm mình, phản tỉnh, y theo lời dạy trong kinh sửa đổi, tự tân, được vậy chúng ta mới được cứu. Xử thế phải nhẫn nhường, phải nghĩ cho người khác, phải nghĩ cho sự an toàn của cả xã hội; đừng nghĩ cho cá nhân mình, nghĩ cho cá nhân chẳng có gì không là tội, không là nghiệp. Tự mình mỗi ngày đều tạo tội nghiệp nhưng không biết, còn tưởng mình tu công đức. Trên đây đã nói xen vào chuyện khác nhưng cũng rất quan trọng.

Chúng ta xem tiếp kinh văn. Phật nói oai thần thệ nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta phải hiểu hàm ý sâu xa trong câu này là gì? Chúng ta phải học tập từ chỗ nào? Xem tiếp đoạn kinh kế:

Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, văn thị Bồ Tát danh tự, hoặc tán thán hoặc chiêm lễ, hoặc xưng danh hoặc cúng dường, nãi chí thái họa khắc lũ tố tất hình tượng, thị nhân đương đắc bách phản sanh ư tam thập tam thiên vĩnh bất đọa ác đạo.

若未來世有善男子善女人。聞是菩薩名字。或讚歎或瞻禮。或稱名或供養。乃至彩畫刻鏤塑漆形像。是人當得百返生於三十三天永不墮惡道。

(Nếu đời vị lai có người thiện nam, người thiện nữ nào nghe được danh hiệu Bồ Tát đó rồi khen ngợi, hoặc chiêm lễ, hoặc xưng niệm danh hiệu, hoặc cúng dường, cho đến tô vẽ, khắc chạm, tạc đúc, sơn thếp hình tượng, người ấy sẽ được sanh một trăm lần vào cõi trời thứ ba mươi ba, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo.)

Lời Phật nói là thật, chẳng phải giả, Phật chẳng nói dối. Có rất nhiều người đọc đến kinh này, cứ tưởng là tạo một chút tội nghiệp chẳng sao, [Họ nói chỉ cần] chúng tôi cúng dường Ðịa Tạng Bồ Tát, tương lai còn được sanh một trăm lần đến trời Tam Thập Tam, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo [kia mà]. Hiểu lầm lời kinh, sau đó bị đọa vào ác đạo nên hủy báng: Lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong kinh chẳng đáng tin, đều là giả, lừa gạt chúng tôi. Báng Phật, báng Pháp, báng Tăng lại đọa địa ngục A Tỳ, họ chẳng hiểu ý nghĩa của Phật trong đoạn này.

"Văn thị Bồ Tát danh tự", trong chữ Văn này bao gồm Tư, Tu, ba Huệ của Bồ Tát. Bạn nghe đến danh hiệu của Ðịa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa của danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát là gì? Bạn phải chân chánh hiểu rõ mới gọi là "văn danh" (nghe tên), nếu hoàn toàn chẳng hiểu rõ ý nghĩa trong danh hiệu thì chẳng gọi là văn. Nếu chân chánh hiểu được, nghe được danh hiệu này, thì kho báu trong tâm địa của mình sẽ tương ưng, như vậy gọi là văn danh. "Xưng tán" nghĩa là gì? Xưng tán tức là giảng giải Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đó là xưng tán. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xưng tán tại cung trời Ðao Lợi, khuyến khích mình, và đại chúng học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, vậy gọi là xưng tán. Chiêm lễ, xưng danh, cúng dường phía sau tức là chân chánh tu hành. "Chiêm lễ" nghĩa là chiêm ngưỡng lễ kính, biểu hiện ở đâu? Biểu hiện trên sự đối đãi cha mẹ, đối đãi sư trưởng. Tinh thần của Ðịa Tạng Bồ Tát tức là "hiếu thân tôn sư", sau đó khuếch đại tâm hiếu thân tôn sư này đến hiếu kính hết thảy chúng sanh, đây là Ðịa Tạng bổn nguyện, như vậy thì mới chiêm lễ đến viên mãn. Còn tâm khinh mạn bất kỳ chúng sanh nào thì chẳng phải tu hạnh Ðịa Tạng. Nói đến chiêm lễ cứ tưởng là cúng một tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, mỗi ngày khấu đầu lạy Ngài, đâu phải là đơn giản như vậy! Ðó là hoàn toàn giải sai ý nghĩa chân thật của Như Lai, Phật nói chẳng sai mà bạn đã hiểu sai rồi.

Ðây là chỗ trong hết thảy kinh, Phật đã nhiều lần khuyến khích chúng ta phải thâm giải nghĩa thú, bạn giải càng sâu, hiểu càng thấu triệt, thì làm mới được viên mãn. Chỉ hiểu trên mặt ngoài của danh tự thì hoàn toàn sai lầm. Cổ đức thường nói: "Noi theo văn giải nghĩa, ba đời Phật phải kêu oan"28, chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều kêu oan uổng vì bạn giải sai lời của Phật, hiểu sai rồi. Ngày nay có bao nhiêu người hiểu sai! Bạn phải hỏi tại sao họ hiểu sai? Vì họ chẳng làm được, chỉ đến khi làm được mới có thể [thấu suốt], thể hội rõ ràng, mới thể hội đến những chỗ cao siêu, nếu bạn không làm thì sao được? Bạn có thể làm được một phần thì bạn sẽ thể hội được một phần; thể hội được một phần thì bạn lại làm được một phần, giải lẫn hạnh bổ sung và thành tựu cho nhau, giải giúp cho hạnh, hạnh giúp cho giải, cứ luân chuyển thâm nhập như vậy mới nhập đến chỗ sâu rộng.

------

28 Nguyên văn: Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan.

-----

"Xưng danh" tức là xưng danh hiệu Ðịa Tạng Bồ Tát. Trong đó có hai thứ công đức, tự lợi là nhắc nhở chính mình, niệm niệm đều chẳng rời pháp môn Ðịa Tạng, cũng nghĩa là niệm niệm chẳng rời tâm địa pháp môn, đây là "tự lợi đức". "Lợi tha đức" là niệm niệm thức tỉnh những chúng sanh có duyên. Nói thật ra ngày nay chúng sanh có duyên ít, quá ít, có bao nhiêu người nghe đến danh hiệu này liền giác ngộ? Ai chẳng giác ngộ cũng để cho họ nghe được, trong A Lại Da Thức trồng hạt giống của danh hiệu, một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn làm hạt giống đạo; nếu đời này không được lợi ích, có thể nhiều đời nhiều kiếp về sau gặp được duyên, hạt giống này sẽ nảy mầm, đây là làm lợi ích lâu xa cho hết thảy chúng sanh, lợi ích ở tương lai. Chúng sanh có căn cơ chín muồi sẽ được lợi ích ngay trong hiện tại, vừa nghe xong họ liền biết tu học như thế nào.

"Cúng dường", chư vị nhất định phải biết, trong các sự cúng dường, quan trọng nhất là "y giáo tu hành cúng dường". Phổ Hiền Hạnh Nguyện dạy chúng ta rất rõ ràng, hết thảy cúng dường của cải đều chẳng bằng pháp cúng dường, trong Hạnh Nguyện Phẩm nêu ra bảy loại pháp cúng dường. Thứ nhất là "như giáo tu hành cúng dường". Nếu chúng ta không thể tu hành theo lời dạy thì sự cúng dường này là giả. Chẳng phải cúng dường một chút hương hoa, trái cây tức là mỗi ngày đều cúng dường Phật, nghĩ như vậy là sai rồi. Chúng ta xem những vị tổ sư đại đức chân chánh tu hành, trong Phật đường của họ chẳng có vật gì cả, hương hoa, trái cây đều chẳng có, họ cúng bằng cái gì? Chúng ta thấy Phật đường của họ chỉ có một ly nước, đốt một ngọn đèn dầu, ngoài ra chẳng có gì hết, họ thực sự cúng dường, y giáo tu hành cúng dường.

Phía sau là cúng dường mở rộng ra, nghĩa rộng của sự cúng dường, tức là tạo hình tượng của Bồ Tát. Vẽ hình cũng được, điêu khắc cũng được, "khắc lũ" tức là khắc gỗ, "tố tất" tức là tạc đúc, đúc xi măng cũng được, đúc bằng kim loại cũng được, đây là cúng dường mở rộng ra. Làm cho hết thảy chúng sanh có cơ duyên nghe đến danh hiệu của Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng của Bồ Tát, cho họ trồng thiện căn. Tự mình hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát làm sao thì mình làm vậy, đó gọi là hành Bồ Tát đạo. Khuyến hóa hết thảy chúng sanh, phước đức như vậy mới là "một trăm lần sanh về cõi trời Ba Mươi Ba vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo". Bạn nghĩ coi tại sao họ chẳng đọa ác đạo? Chẳng tạo ác nghiệp, người tu hạnh Ðịa Tạng Bồ Tát thì làm sao tạo ác nghiệp cho được! Những hạt giống ác nghiệp tạo đời trước tuy vẫn còn, ác duyên đời này đều đoạn dứt. Họ học theo Bồ Tát, niệm Bồ Tát, có tâm Bồ Tát, có hạnh Bồ Tát, nói lời của Bồ Tát, trong mười pháp giới thì duyên của lục đạo đều cắt đứt, họ làm sao đọa ác đạo cho được! Ðây là lý đương nhiên, chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Lại xem tiếp đoạn đức Thế Tôn nói về nhân duyên đời trước của Ðịa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa này rất sâu.

Văn Thù Sư Lợi,

文殊師利。

(Này Văn Thù Sư Lợi,)

Trong kinh Phật, phàm những chỗ mở đầu có nêu tên người đương cơ thì đoạn kinh văn tiếp theo sau vô cùng quan trọng. Kêu tên tức là nhắc họ, tiếp theo sau sẽ có lời giảng quan trọng, kêu họ chú ý.

Thị Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư quá khứ cửu viễn bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp tiền.

是地藏菩薩摩訶薩。於過去久遠不可說不可說劫前。

(Trong thời quá khứ số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết lâu xa về trước, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.)

Câu này chấm dứt ở đây vừa đúng chỗ. Bất khả thuyết, bất khả thuyết kiếp, thời gian này quá dài, quá dài, nói không hết.

Thân vi đại Trưởng Giả Tử.

身為大長者子。

(Làm một vị đại Trưởng Giả.)

Người xưa có ý này, thân phận của Ngài lúc trước là một người đại trưởng giả tử. "Ðại Trưởng Giả Tử", rất nhiều người đọc sai chỗ này rồi hiểu thành con trai của đại Trưởng Giả. Nhưng trên thực tế chữ "Tử" là một cách tôn xưng của người Trung Quốc thời xưa, cũng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, cách dùng chữ Tử này là tôn xưng. Ðại Trưởng Giả Tử, chữ Tử này chính là chữ Tử trong tên của Khổng Tử, Mạnh Tử, là lời xưng hô tôn kính. Dùng ngôn ngữ hiện nay để nói thì Tử là tôn kính, tôn kính đại Trưởng Giả, thêm chữ tôn kính này vào phía trước, hồi xưa thì chữ tôn kính này được đặt phía sau.

Thời thế hữu Phật.

時世有佛。

(Ðời lúc bấy giờ có Phật.)

Lúc bấy giờ, thế gian này có một tôn Phật.

Hiệu viết Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.

號曰師子奮迅具足萬行如來。

(Hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.)

"Sư Tử Phấn Tấn" là thí dụ, sư tử là vua trong các loài thú. "Cụ Túc Vạn Hạnh" là nói Bồ Tát tu hành công đức viên mãn, chứng được Phật quả vô thượng. Ðây là ý nghĩa đơn giản của Phật hiệu.

Thời Trưởng Giả Tử kiến Phật tướng hảo thiên phước trang nghiêm, nhân vấn bỉ Phật, tác hà hạnh nguyện nhi đắc thử tướng.

時長者子見佛相好千福莊嚴。因問彼佛。作何行願而得此相。

(Lúc đó Trưởng Giả Tử thấy đức Phật tướng mạo tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm nên hỏi Ðức Phật đó tu hạnh nguyện gì mà được tướng như vậy.)

Ðây là chỗ chúng ta học tập. Lúc bấy giờ Trưởng Giả tôn kính này thấy Sư Tử Phấn Tấn Như Lai "tướng hảo" quang minh nên sanh tâm hoan hỷ; thỉnh giáo đức Phật: Tu như thế nào mới có được tướng tốt của Ngài? Tướng hảo quan trọng, làm đệ tử Phật trong xã hội này nếu chúng ta chẳng có hình tướng tốt thì chúng ta sẽ diệt Phật pháp. Xuất gia đâu phải dễ, cổ đức thường nói: "Trước cửa Ðịa ngục nhiều Tăng đạo", phần đông người thường trong xã hội tạo nghiệp địa ngục chẳng dễ, người xuất gia tạo nghiệp địa ngục quá dễ, tại sao vậy? Chẳng có hình tướng tốt thì bạn sẽ diệt Phật pháp, tội nghiệp này của bạn sẽ [là nhân] đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao? Dạy cho xã hội đại chúng hủy báng Phật pháp, người ta vừa nhìn hình dáng của bạn như vậy, khinh chê bạn, khinh thường bạn, hủy báng bạn, liền có thể hủy báng trọn hết cả Phật pháp, tội nghiệp này của bạn dễ sợ lắm! Chư Phật, Bồ Tát là mô phạm, hình tướng tốt nhất của chín pháp giới. Trưởng Giả Tử được xưng là Tử, mọi người tôn kính, là người có học thức, có đức hạnh, hình tướng của Phật có thể làm cho ông ta nhìn thấy Phật bèn khởi tâm cung kính, muốn đến học tập, bạn nói hình tượng này hoàn hảo biết mấy. Chúng ta ngày nay trong xã hội này chẳng xuất gia thì không sao, một khi bạn xuất gia rồi thì bạn nhất định phải học hình tướng của Phật, phải đầy đủ hình tướng của Bồ Tát. Nếu không thì tại gia học Phật cũng được, tạo tội làm chi! Tại sao phải làm chuyện báng Phật, báng Pháp, báng Tăng này! Việc này rất quan trọng.

Chúng tôi ngày nay giảng kinh Hoa Nghiêm rất dài, đến đoạn "năm mươi ba lần tham vấn" sau cùng không những yêu cầu người xuất gia, người tại gia học Phật cũng giống người xuất gia, đều phải làm hình tướng tốt nhất cho xã hội đại chúng. Nếu bạn làm không nổi, thì bạn chẳng phải là đệ tử Phật, là đệ tử mạo danh, Phật tử giả mạo, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, quả báo ở ba đường ác đáng sợ vô cùng, chúng ta không thể không biết việc này. Ðã học Phật rồi thì tâm địa phải thanh tịnh, bình đẳng, giác, phải diệt trừ tham-sân-si. Nếu còn tranh quyền lợi với người, còn muốn cái này tốt, cái kia chẳng tốt, đó là tâm luân hồi, tạo nghiệp luân hồi. Nghĩ đến tâm Phật thanh tịnh bao nhiêu, mảy trần chẳng nhiễm, thường suy niệm về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chân tướng là tam tâm chẳng thể được, chư pháp vô sở hữu, thế nên ở trong và ngoài đều có thể đạt được thanh tịnh; bên trong một niệm chẳng sanh, bên ngoài mảy trần chẳng nhiễm, như vậy là Phật, Bồ Tát. Như vậy mới có thể sống đời sống chân chánh, chúng ta thường gọi là đời sống chân, thiện, mỹ, huệ thực sự, đời sống hạnh phúc mỹ mãn thực sự, một tí cũng chẳng giả, chư Phật, Bồ Tát sống đời sống như vậy. Chúng ta sống cuộc sống như thế nào? Bên trong khởi tâm động niệm, bên ngoài luôn luôn phan duyên, chúng ta sống đời sống đầy dẫy phiền não, nghiệp chướng, đời luân hồi, nói lời chẳng dễ nghe thì chính là đời sống của ác đạo. Chúng ta đọc đến câu này, Phật sắp vào phần thứ nhất trong nghiệp nhân của Ðịa Tạng Bồ Tát, dụng ý rất sâu! Chư vị bất luận là tại gia học Phật, hay xuất gia học Phật, nhất định phải làm một gương mẫu tốt cho xã hội, nhất định phải làm hình tướng tốt đẹp.

"Thiên phước trang nghiêm", chẳng phải chỉ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Chúng ta không nói đến ngàn phước trang nghiêm, chỉ nói ba mươi hai tướng tốt, ba mươi hai tướng tốt từ đâu đến? Ba mươi hai tướng là tướng phước đức, bạn chẳng tu phước thì không được tướng hảo này. Thiện gồm có hữu lậu và vô lậu. Thiện vô lậu thì chúng ta làm không nổi, việc này quá cao, phiền não tập khí chúng ta chưa đoạn, phải học từ đâu? Bắt đầu từ thiện hữu lậu, nhất định phải đoạn ác tu thiện. Nếu chúng ta làm được tiêu chuẩn của thế gian pháp thì chúng ta là người thiện trong thế gian, là gương tốt cho thế gian. Tướng lưỡi rộng dài của Phật thành tựu do công đức chẳng nói dối. Tư Mã Quang ở thời cổ Trung Quốc, đại khái phần đông người ta đều biết, biệt hiệu của Tư Mã Quang là Quân Thật, "Quân tử thành thật", ông thực sự đã làm được. Lúc về già ông tự phản tỉnh, cả đời chẳng nói dối, ông nói những chuyện ông đã làm suốt cả đời đều là "Chẳng có chuyện gì không thể nói cho người ta biết", cả đời chẳng làm một chuyện gì mờ ám, không làm một việc gì chẳng thể nói cho người ta biết. Ông cũng quy y Tam Bảo, là hình tướng tốt của người tại gia. Ngày nay chúng ta nói lời thành thật, đã học Phật được những gì! Mỗi ngày đọc tụng Ðại Thừa, mỗi ngày phải hết lòng phản tỉnh, hết lòng kiểm điểm, chẳng kể kinh luận tụng được nhiều ít, cả đời làm được một câu, hai câu thì cả đời thọ dụng chẳng cùng tận.

Phật giảng cho chúng ta căn bản của sự tu hành, nói thật ra chính là "tịnh nghiệp tam phước", tịnh nghiệp tam phước mở rộng ra chính là hết thảy Phật pháp; vô lượng vô biên Phật pháp cô đọng lại chính là mười một câu này, tuyệt đối chẳng thể xem thường. Mười một câu này cô đọng thêm nữa chính là một câu: "Hiếu dưỡng cha mẹ". Ngàn kinh vạn luận, vô lượng vô biên pháp môn của chư Phật Như Lai đã tuyên nói đều chẳng vượt ra ngoài bốn chữ này. Chúng ta giảng Tam Học, Lục Hòa, Lục Ðộ, Thập Nguyện, các phương pháp tu hành đều biến thành hiện thực trên sự hiếu kính, trong đời sống hằng ngày của chúng ta, trên cách xử sự, đãi người, tiếp vật, đây là học Phật thực sự. Học Phật thực sự phải thay đổi hình dáng, sửa đổi tâm niệm, hành vi, như vậy gọi là học Phật chân thật. Mỗi ngày đều đọc kinh, thậm chí mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp, nhưng tâm vẫn chẳng sửa đổi, vẫn là tâm thế tục, vẫn là tâm luân hồi, vẫn là tâm tham-sân-si-mạn, như vậy thì làm sao được! Ðó là giả, chẳng phải thật. Thực sự xả niệm, thanh tịnh, niệm niệm vì lợi ích cho chúng sanh, chẳng vì mình. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta đọc thấy, nếu vì mình thì Ngài trụ trong đại Niết Bàn, vậy thì tự tại biết mấy; nếu vì chúng sanh thì phải tùy loại hóa thân, chẳng màng khổ nhọc.

Ðây là quan niệm của người thế tục chúng ta; Phật, Bồ Tát chẳng có khổ nhọc, tại sao chẳng có khổ nhọc? Vì các Ngài chẳng có Ta (vô ngã), có Ta mới có khổ nhọc, chẳng có Ta thì ai khổ nhọc? Chúng ta đọc đến câu này cảm khái muôn vàn, chúng ta làm thế nào để học giống hình tướng của Phật, Bồ Tát? Nếu chẳng hết lòng y giáo phụng hành thì làm sao được! Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

Thời Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai: "Cáo Trưởng Giả Tử, dục chứng thử thân đương tu cửu viễn độ thoát nhất thiết thọ khổ chúng sanh".

時師子奮迅具足萬行如來。告長者子。欲證此身當須久遠度脫一切受苦眾生。

(Lúc đó Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai nói với: "Trưởng Giả Tử nếu muốn chứng được thân tướng này thì phải tu lâu đời hạnh độ thoát hết thảy chúng sanh thọ khổ".)

Ðây là nguyên do của Ðịa Tạng Bồ Tát bổn nguyện. Chư vị nhất định phải ghi nhớ, hiện nay đạo tràng xây dựng chẳng giống như lúc trước, lúc trước đúng như pháp, hết thảy tất cả chùa được xây đều phù hợp với nghĩa thú tiêu biểu pháp, hiện nay chẳng đủ điều kiện. Ðạo tràng chính quy (theo đúng truyền thống) vừa bước vào cửa là điện Thiên Vương, nhìn thấy Di Lặc Bồ Tát trước nhất, Di Lặc Bồ Tát dạy bạn cái gì? "Sanh tâm bình đẳng, hiện tướng vui vẻ"29. Phật pháp lấy việc từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa; Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho từ bi làm gốc, Tứ Ðại Thiên Vương tượng trưng cho phương tiện, phương tiện làm cửa, điện Thiên Vương dạy chúng ta việc này. Bạn ở đạo tràng mỗi ngày đều phải đi qua cửa này, mỗi ngày tiếp nhận sự un đúc này, làm cho bạn từ từ thay đổi tâm ý. Ngày nay chúng ta có ai hiểu được? Ai có tâm từ bi? Ai có cửa phương tiện? Phương tiện chẳng phải là dạy chúng ta có đủ phương tiện, nghĩ vậy là sai rồi. Mà là tạo phương tiện cho hết thảy chúng sanh, tạo cho họ có được phương tiện, còn mình phải từ bi, hai việc này chẳng thể đảo lộn. Nếu nói họ từ bi còn mình được phương tiện, vậy thì bạn đã lộn ngược rồi. Do đó nhất định phải phát tâm, tâm này chính là Tâm Ðại Bồ Ðề, "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", đặc biệt là hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, chúng sanh chịu khổ nạn nghĩa là gì? Tức là lục đạo, đặc biệt chỉ ba đường ác. Chư vị phải biết, chúng sanh trong ba đường ác ở đâu? Tức là ở xung quanh chúng ta, thậm chí bao gồm chính mình, tâm tham là cõi ác quỷ, sân khuể là cõi địa ngục, ngu si là cõi súc sanh, tâm chúng ta là tham-sân-si, lời nói tham-sân-si, tất cả tạo tác đều chẳng lìa tham-sân-si, chúng ta đang tạo nghiệp tam ác đạo đấy.

-------

29 Nguyên văn: Sanh bình đẳng tâm, trình hỷ duyệt tướng.

------

Ðịa Tạng Bồ Tát có năng lực hóa thân đến ba đường ác độ thoát chúng sanh, ngày nay chúng ta chẳng có khả năng này; chúng ta không có khả năng ấy nên phải độ những chúng sanh còn chưa vào ba đường ác nhưng đang tạo nghiệp nhân của ba đường ác, chúng ta phải độ những người này. Phải biết những người này là chúng sanh khổ nạn, đừng cho rằng hiện nay trong số những người này có người giàu sang phú quý, người thế gian nghĩ rằng họ rất sang trọng, trong mắt Phật thì họ là chúng sanh trong ba đường ác. Chúng ta làm sao độ họ? Trước hết phải tự mình xả bỏ tham-sân-si, nếu chỉ nói suông thì không được, phải làm ra hình dáng cho họ coi. Tôi xả bỏ tham-sân-si, chẳng còn tham-sân-si, tôi sinh sống cũng rất tự tại, cũng không tệ gì, làm cho họ phản tỉnh từ những chỗ này, giác ngộ từ những chỗ này. Phía trước Phật nói phải tạo dựng hình tượng, bạn hãy xem sự tiêu biểu pháp trong đoạn đầu của kinh Hoa Nghiêm, thứ nhất là nói đến đại địa, tâm địa. Thứ hai là giảng về cây báu, ý nghĩa của cây báu là gì? Cây lập nên gương tốt nhất. Hết thảy chúng sanh ở cõi này, ở thế giới tha phương chẳng có ai không thích cây cối, hoa cỏ, Phật bèn dùng phương pháp này để thí dụ, chúng ta muốn một cây thật tốt đẹp, làm cho người ta tiếp xúc đến đều hoan hỷ. Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

Văn Thù Sư Lợi, thời Trưởng Giả Tử nhân phát nguyện ngôn: "Ngã kim tận vị lai tế bất khả kế kiếp, vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh quảng thiết phương tiện tận linh giải thoát, nhi ngã tự thân phương thành Phật đạo".

文殊師利。時長者子因發願言。我今盡未來際不可計劫。為是罪苦六道眾生廣設方便盡令解脫。而我自身方成佛道。

(Này Văn Thù Sư Lợi, lúc bấy giờ Trưởng Giả Tử nhân đó bèn phát nguyện rằng: "Từ nay cho đến vô tận kiếp chẳng thể tính ở đời vị lai, tôi sẽ vì chúng sanh đang chịu tội khổ trong lục đạo lập ra nhiều phương tiện, làm cho họ được giải thoát hết rồi tôi mới thành Phật đạo".)

Trong đoạn kinh này chúng ta lại thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni kêu tên ngài Văn Thù Sư Lợi, không thể coi thường đoạn kinh văn này, chẳng thể sơ ý. Trưởng Giả làm gương tốt, làm mô phạm cho chúng ta, khuyên chúng ta phát tâm, ông nghe Phật dạy xong liền giác ngộ, quay về, và phát đại nguyện. "Ngã kim tận vi lai tế, bất khả kế kiếp", đây là một thời gian dài, chẳng phải thời gian ngắn, những kiếp tận đời vị lai, nói cách khác thời gian vĩnh hằng, vô cùng vô tận. "Vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh", hoàn toàn tiếp nhận lời dạy của Phật vì chúng sanh khổ nạn, hết thảy chúng sanh tạo tác nhiều nhân khổ nhưng họ không biết, lúc quả khổ hiện tiền thì hối hận không kịp, đến lúc đó thì trở tay không còn kịp nữa. Trưởng Giả Tử phát tâm này, chính là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ngày nay chúng ta đọc đến đoạn kinh này, có thể phát tâm này không? Nếu có thể phát tâm này thì chúng ta sẽ đạt được lợi ích chân thật nơi kinh Ðịa Tạng. Ðời sống của chúng ta khổ, phải nghĩ đến những người khác trên thế gian này còn khổ hơn mình, chúng ta không sợ khổ, vì có khổ nên chúng ta mới thể hội đến hết thảy chúng sanh khổ. Nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh rất giàu sang, khi người ta nói khổ thì mình chẳng thể hội được, chỉ khi mình đã từng trải qua sự khổ này rồi mới biết khổ là gì, tâm giúp đỡ khổ nạn chúng sanh mới thiết tha. Nếu chưa từng trải qua khổ nạn, bạn muốn vì khổ nạn chúng sanh nhưng chẳng thể nào thể hội được cái tâm ấy.

Thế nên Phật dạy chúng đệ tử: Một là "dùng Giới làm thầy", hai là "dùng Khổ làm thầy", đặc biệt là người xuất gia, sinh sống cực khổ tốt hơn, luôn thường ở trong tâm cảnh giác, một khi hưởng thụ thì không thể nào chẳng mê hoặc điên đảo được. Do đó nhất định phải hiểu, có phước, người xuất gia tu hành chân chánh nhất định sẽ có phước báo, phước báo đến thì đừng hưởng, nếu hưởng thì sẽ mê muội; khi phước báo đến thì phải chia sớt cho hết thảy tội khổ chúng sanh trong lục đạo hưởng, được vậy thì bạn thực sự độ khổ. Mấy bữa nay chúng ta giảng kinh Hoa Nghiêm đến đoạn đức Phật Tỳ Lô Giá Na xây dựng Hoa Tạng thế giới chẳng để tự hưởng thụ, mà cho hết thảy những Bồ Tát phá một phẩm Vô Minh, chứng một phần Pháp Thân ở mười phương sát độ có chỗ an thân lập mạng, có một đạo tràng tốt để tu hành, cung ứng cho họ hưởng dụng, Phật chẳng hưởng thụ. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật xây dựng Cực Lạc Tịnh độ cũng chẳng phải cho Ngài hưởng thụ, mà để cung ứng cho hết thảy người niệm Phật ở mười phương thế giới vãng sanh về đó tu hành hưởng dụng, đâu có để cho mình hưởng thụ? Ðây đều làm ra hình tượng tốt nhất cho chúng ta thấy. Thế nên những tổ sư đại đức có phước báo to lớn xây dựng đạo tràng xong tự mình có hưởng thụ không? Chẳng có, tự mình ở trong phòng "phương trượng"30, chỉ là một căn phòng nhỏ, phước báo dành cho hết thảy thanh chúng (đại chúng thanh tịnh) hưởng thụ, đây là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh. Chỉ cần là người chân chánh tu hành, nếu họ không có chỗ ở, khi họ đến nơi ấy chẳng bao giờ bị từ chối, chẳng khi nào không được tiếp đãi, thế nên mới gọi là thập phương thường trụ, thập phương đạo tràng, đâu có phải là vì danh văn lợi dưỡng của cá nhân. Phật dạy chúng ta, tự Ngài thị hiện làm gương cho chúng ta, một tí gì cũng chẳng giả dối, chúng ta nhìn thấy Ngài phát tâm, chẳng sợ thời gian dài, chẳng sợ công việc giáo học gian khổ.

"Lập ra nhiều phương tiện, làm cho họ được giải thoát hết rồi tôi mới thành Phật đạo", đây tức là nói: "Chúng sanh chẳng thành Phật, tôi chẳng thành Phật" , cho nên Ðịa Tạng Bồ Tát vĩnh viễn thị hiện ở quả vị Bồ Tát. Ngày nay chúng ta thấy lời nói trong kinh này, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều tham dự đạo tràng này, đều là do Ðịa Tạng Bồ Tát độ hóa, đã độ, đang độ. Ðã độ, đã thành tựu là chư Phật, Ngài còn ở quả địa Bồ Tát. Học trò đều đã thành Phật, thầy giáo còn là Bồ Tát, các chư Phật này đối với thầy không ai chẳng đội ơn. Ngày nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn tuyên dương pháp môn Ðịa Tạng, họ đến dự hội tức là báo ơn, đến làm ảnh hưởng chúng. Có pháp hội nào tất cả chư Phật đều đến tham gia? Chẳng có đạo lý như vậy. Trong pháp hội này hết thảy chư Phật đều đến đầy đủ, làm trang nghiêm đạo tràng, trang nghiêm pháp hội, trang nghiêm pháp môn này, làm cho hết thảy chúng sanh cảnh giác đến pháp môn này thù thắng khôn sánh, không học pháp môn này thì không được, là cơ sở của hết thảy chư Phật thành Phật, là căn bản của việc thành Phật. Nếu bạn muốn xả bỏ pháp môn này thì bạn chắc chắn sẽ không thành tựu. Niệm Phật, nói thật ra chắc chắn cũng chẳng thể vãng sanh. Cả đời hễ gặp đạo tràng vừa xây dựng xong mời tôi giảng kinh, bộ kinh đầu tiên tôi nhất định phải giảng là kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Có đất, chúng ta có mảnh đất, có đạo tràng là xây dựng cơ sở vật chất, Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh là xây dựng tâm địa, như vậy mới tương ứng. Khi đạo tràng được xây dựng, được khôi phục thì bộ kinh đầu tiên phải giảng là gì? Nhất định phải là Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh.

--------

30 nghĩa là một trượng vuông = 10.89 m2

-------

Dĩ thị ư bỉ Phật tiền lập tư đại nguyện, ư kim bách thiên vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ Tát.

以是於彼佛前立斯大願。于今百千萬億那由他不可說劫尚為菩薩。

(Ðã ở trước đức Phật đó mà lập đại nguyện như vậy nên đến nay đã ngàn vạn ức na-do-tha kiếp chẳng thể tính đếm mà vẫn còn làm Bồ Tát.)

Ðây là việc chúng ta nên học tập. Thế Tôn nói ra nhân duyên của công án này, chúng ta phải thể hội dụng ý của Ngài sâu rộng vô hạn, việc giáo học của Ngài từ bi vô tận. Chúng ta biết rồi mới có thể làm theo, mới có thể nói đến việc báo ân, tri ân báo ân; nếu bạn lơ là niệm lướt qua, đoạn kinh này chẳng dài, sơ ý đọc qua thì chẳng có ích lợi. Hãy xem tiếp đoạn kế, đây là công án thứ nhì:

Hựu ư quá khứ bất khả tư nghị a-tăng-kỳ kiếp.

又於過去不可思議阿僧祇劫。

(Lại số chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp về trước.)

Lúc này là sau lúc đại Trưởng Giả Tử, đại Trưởng Giả Tử là người thứ nhất, người đầu tiên.

Thời thế hữu Phật.

時世有佛。

(Lúc đó có Phật.)

Trong thế gian có một vị Phật.

Hiệu viết Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai, bỉ Phật thọ mạng tứ bách thiên vạn ức a-tăng-kỳ kiếp.

號曰覺華定自在王如來。彼佛壽命四百千萬億阿僧祇 劫。

(Hiệu là Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai, đức Phật đó thọ mạng bốn trăm ngàn ức a-tăng-kỳ kiếp.)

Từ thọ mạng của Phật có thể thấy phước báo của chúng sanh thời đó rất lớn, thọ mạng là một trong những phước báo.

Tượng pháp chi trung hữu nhất Bà La Môn nữ, túc phước thâm hậu chúng sở khâm kính, hành trụ tọa ngọa chư thiên vệ hộ.

像法之中有一婆羅門女。宿福深厚眾所欽敬。行住坐臥諸天衛護。

(Vào thời tượng pháp có một cô gái dòng Bà La Môn, nhiều đời tích phước sâu dày, được mọi người kính nể, đi đứng nằm ngồi đều được chư thiên hộ vệ.)

Thọ mạng của Phật rất dài, nhưng duyên trụ thế giáo hóa chúng sanh đã hết, đức Phật bèn thị hiện diệt độ. Sau khi diệt độ giống như Thế Tôn của chúng ta vậy, sau khi Phật diệt độ thì pháp vận còn ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp. Thời Chánh Pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni dài một ngàn năm, sau khi Phật diệt độ một ngàn năm đầu tiên, Tượng Pháp là thời gian một ngàn năm sau đó, Mạt Pháp một vạn năm kế tiếp. Không cần biết là theo cách nói của người Trung Quốc hay cách của người ngoại quốc, hiện nay là thời Mạt Pháp, hai ngàn năm sau khi Phật diệt độ, đây là thời Mạt Pháp. Lúc Phật pháp truyền đến Trung Quốc nhằm thời Tượng Pháp. Trong kinh Phật có lời dự đoán, Phật nói thời Chánh Pháp thì Giới Luật thành tựu, tu học noi theo giới luật có thể chứng quả. Thời Tượng Pháp thì Thiền Ðịnh thành tựu, thế nên Thiền Tông của Phật giáo Trung Quốc vô cùng hưng thịnh. Vì nguyên nhân gì? Truyền đến nhằm thời kỳ Tượng Pháp, phù hợp với lời dự đoán của Thế Tôn, Thiền Ðịnh thành tựu. Thời Mạt Pháp thì Tịnh Ðộ thành tựu, căn tánh của con người chẳng bằng đời trước, tu Thiền chẳng những không thể khai ngộ, ngay cả đắc Định cũng không thể, chỉ có tu Tịnh Ðộ đới nghiệp vãng sanh mới có thể thành tựu. Trong kinh nói đây là Giác Hoa Ðịnh Như Lai, vào thời Tượng Pháp của Ngài có một cô gái dòng Bà La Môn, cô này cũng quy y Phật pháp, là người học Phật. "Túc phước thâm hậu", chúng ta gọi là thiện căn sâu dày, nhiều đời quá khứ đã vun bồi phước, thiện căn rất sâu. "Chúng sở khâm kính", khâm nghĩa là bội phục, đối với cô rất cung kính, đại chúng gặp cô, đoạn trước có nói hình tượng thù thắng, được phần lớn xã hội đại chúng tôn kính. "Hành trụ tọa ngọa", đây là tứ oai nghi, đều đủ để làm gương tốt cho xã hội đại chúng, thế nên ngay cả thần trên trời cũng tôn kính cô. "Chư thiên vệ hộ", ngày nay chúng ta gọi là thiên thần bảo hựu, giờ phút nào cũng chẳng lìa khỏi cô thì gọi là hộ vệ. Chư vị đồng tu phải biết xã hội hiện nay người tạo ác nhiều, người làm việc thiện ít, thí dụ có một, hai người làm việc thiện, thiên thần hộ vệ sẽ đặc biệt nhiều; trước kia người thiện nhiều, thiên thần chia nhau hộ trì người hành thiện, số thiên thần hộ trì [cho mỗi người] sẽ không nhiều; hiện nay người ta đều làm ác, chỉ có một, hai người thiện, tất cả những thiên thần đều đến hộ vệ bạn (người thiện này). Thật đó, chẳng phải giả, [vậy thì] tại sao lại không tu thiện? Tại sao lại tạo ác? Chúng ta dứt ác tu thiện, không cầu Bồ Tát, không cầu Phật, cũng không cầu thiên thần, chư Phật tự nhiên hộ niệm, thiên thần tự nhiên hộ vệ, đâu cần chúng ta cầu họ! Chỗ này nói tin Phật quá khó, hiện nay người thế gian học Phật chẳng tin Phật, tại sao chẳng tin Phật? Ðặc biệt là người xuất gia, Phật dạy chúng ta vạn duyên buông xuống, tất cả đều phải xả bỏ thì ngày mai làm sao sinh sống? [Nếu hỏi như vậy thì chính là] không tin Phật. Nếu bạn là người xuất gia chân chánh, tâm địa thanh tịnh, chẳng có một chút tâm mong cầu, đối với hết thảy pháp trong thế gian này chẳng phan duyên, nếu bạn bị đói chết, lạnh chết, nói cho chư vị biết tất cả thần hộ pháp đều phải bị cách chức và bị tra hỏi, đó là thật chẳng phải giả đâu. Nhưng mọi người chẳng tin tưởng, tự mình vẫn muốn phan duyên, tự mình làm, thần hộ pháp nhìn thấy bèn rất thích thú vì được tự tại, [họ nói:] Ðược lắm, tôi chẳng cần lo nữa, họ rất nhàn hạ, tự tại.

Có một năm tôi tại Cơ Long (Kuala Lumpur) Thập Phương Ðại Giác Tự, lão hòa thượng thỉnh tôi giảng kinh Lăng Nghiêm nhằm lúc an cư mùa hạ. Giảng đường ở kế bên điện Vi Ðà, tôi nói với mọi người, quý vị phải tin tưởng, đừng phan duyên, cứ ở trong chùa tu hành đàng hoàng, đừng làm kinh sám Phật sự, cũng đừng làm pháp hội, [nếu quý vị] đói chết, Bồ Tát Vi Ðà sẽ bị cách chức và bị tra hỏi. Đâu có đạo lý ấy! Thế nên nói cả người xuất gia cũng chẳng tin Phật, thì bạn làm sao dạy cho đại chúng tin Phật! Chẳng có đạo lý này. Nếu chúng ta thực sự tin tưởng thì không sợ, Phật, Bồ Tát bảo hựu [lo lắng], thần hộ pháp hộ vệ, có thể đói một, hai bữa cũng chẳng sao, tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ chết đói; chịu lạnh một chút, sẽ chẳng lạnh chết, Ngài (thần hộ pháp) nhất định sẽ đến. Nhất định phải có lòng tin, như vậy mới gọi là học Phật, mới gọi là chân chánh tin Phật; những gì bạn cần, khi nhân duyên chín muồi những gì mong cầu đều nhất định sẽ đến. Đạo lý này là do đại sư Chương Gia truyền dạy cho tôi, tôi có lòng tin đối với Ngài, Ngài chẳng lừa gạt tôi. Lúc đó đời sống của tôi vô cùng gian khổ, chẳng có tiền để cúng dường đại sư Chương Gia, tôi chẳng có khả năng ấy; Ngài biết, chẳng trách tôi, đối với tôi rất tốt, vô cùng từ bi, lo lắng. Mỗi tuần tôi gặp Ngài một lần, lúc đó tôi phải đi làm, mỗi ngày Chủ Nhật gặp Ngài, xin Ngài chỉ dạy. Ngài cho tôi hai giờ đồng hồ mỗi tuần, lúc nào bận thì cho một giờ. Nếu một tuần, hai tuần tôi chẳng đến gặp, Ngài đều phái người kiếm tôi hoặc gọi điện thoại hỏi tôi: Tại sao không đến? Có bị bệnh gì không?, vô cùng quan tâm, chăm sóc, lòng thương mến đó làm cho tôi không thể không đi.

Ðây là lời Ngài dạy tôi: "Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng", nếu bạn cầu không được là vì bạn có nghiệp chướng, khi nghiệp chướng tiêu trừ hết thì sẽ chẳng bao giờ không có cảm ứng. Nhưng nhất định phải cầu đúng như lý, như pháp, nếu bạn dùng tham-sân-si để cầu thì Phật, Bồ Tát sẽ chẳng giúp bạn tăng thêm tham-sân-si, sẽ chẳng giúp bạn tạo ác nghiệp. Nếu bạn thực sự làm việc thiện, vì chúng sanh, Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao; nếu vì mình thì không được, nhất định sẽ chẳng có cảm ứng. Nếu vì mình mà có cảm ứng thì đó là Tà Ma; Ma thúc đẩy dục vọng của bạn, giúp bạn làm việc xấu. Phật, Bồ Tát sẽ chẳng giúp người đi làm chuyện ác, chỉ cho bạn thiện duyên chứ chẳng cho bạn ác duyên. Do đó có thể biết phàm những gì tăng trưởng dục vọng của chúng ta, tăng trưởng tham-sân-si, tự mình phải có cảnh giác cao độ, đó là ác duyên chứ chẳng phải thiện duyên. Nhưng khi người gặp được duyên này, chẳng bao giờ không ưa thích, không đọa lạc, không bị ma quỷ gạt, lọt vào vòng tay của ma, chúng ta phải có tâm cảnh giác cao độ về chuyện này. Thế nên lúc trẻ tuổi thân cận thiện tri thức rất tốt, gốc rễ đã được vun bồi, khi xử sự, đãi người, tiếp vật cả đời đều có tâm cảnh giác cao độ. Chúng ta muốn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần hộ vệ thì phải học từ chỗ này. Hãy xem tiếp đoạn kinh phía sau:

Kỳ mẫu tin tà.

其母信邪。

(Mẹ cô tin tà đạo.)

Mẫu thân là ngoại đạo.

Thường khinh Tam Bảo.

常輕三寶。

(Thường khinh chê ngôi Tam Bảo.)

Tội nghiệp này rất nặng.

Thị thời Thánh Nữ quảng thiết phương tiện, khuyến dụ kỳ mẫu linh sanh chánh kiến, nhi thử nữ mẫu vị toàn sanh tín, bất cửu mạng chung, hồn thần đọa tại Vô Gián địa ngục.

是時聖女廣說方便。勸誘其母令生正見。而此女母未全生信。不久命終。魂神墮在無間地獄。

(Lúc đó Thánh Nữ lập nhiều phương tiện để khuyên nhủ mẹ, hầu làm cho bà sanh chánh kiến, nhưng bà chưa tin hoàn toàn, chẳng bao lâu thì bà mạng chung, thần hồn bị đọa vào địa ngục Vô Gián.)

Tri kiến của mẹ cô chẳng ngay thẳng, phiền não tập khí rất nặng.

Ðại khái thì cũng ít thấy hình tướng của người học Phật, Phật pháp trong thời Tượng Pháp suy thoái, hình tướng tốt của tứ chúng đệ tử trong thời Chánh Pháp còn nhiều, hình tướng tốt thời Tượng Pháp ít hơn. Thời Mạt Pháp lại càng ít nữa, càng hiếm hoi. Thế nên thời Mạt Pháp nếu chúng ta có thể chân chánh tu hành đúng như pháp thì chư Phật hoan hỷ gấp bội hơn thời Tượng Pháp, long thiên thiện thần hộ vệ cũng tăng gấp bội, hiếm có khó gặp. Chúng ta gặp được duyên thù thắng như vầy thì tại sao tự mình lại chà đạp mình? Như vậy thật là đáng tiếc, tạo tội nghiệp thì nhất định sẽ bị đọa lạc.

Tại sao bà khinh chê Tam Bảo, hủy báng Tam Bảo? Nói thật ra thì hình tướng của người xuất gia chúng ta không tốt. Tại sao thời Phật còn tại thế, đệ tử Phật được người trong xã hội từ quốc vương, đại thần, đến hết thảy đại chúng tôn kính. Nguyên nhân gì? Chúng ta phải nghĩ kỹ. Thời Mạt Pháp người xuất gia đi ra ngoài, người ta chẳng kính trọng bạn, kinh chê bạn, ở một bên chỉ chỏ, chê cười bạn, như vậy là vì nguyên nhân gì? Chúng ta có thể trách người ta chăng? Trách người là hoàn toàn sai lầm, hãy quay lại trách chính mình, tín hạnh của chúng ta, hình tướng của chúng ta chẳng đáng để xã hội đại chúng tôn kính. Bên trong còn tham-sân-si-mạn, bên ngoài chỗ nào cũng phan duyên, biểu hiện ra thực sự như mê tín, dẫn dắt xã hội đại chúng mê tín, vậy thì làm sao đáng để người ta tôn kính? Người ta dựa vào gì để tôn kính bạn? Người ta có tôn kính bạn thì đó cũng là mê tín, mê phù hợp với mê; giác tuyệt đối sẽ chẳng tương ứng với mê. Nhưng sự tạo tội nghiệp bất luận là bạn cốt ý hay vô ý, chắc chắn đều có quả báo. Không thể nói vô ý tạo thì không có quả báo, chẳng có việc này. Bạn hiểu pháp luật mà còn phạm pháp, không biết pháp luật mà phạm pháp thì cả hai đều phải chịu hình phạt, vẫn là có tội; không thể nói vì tôi không hiểu pháp luật nên tuy phạm pháp nhưng tôi không có tội; chẳng có chuyện như vậy, chẳng hợp lý.

Thế nên mẹ của cô Bà La Môn đọa địa ngục Vô Gián.

Thời Bà La Môn nữ tri mẫu tại thế bất tín nhân quả, kế đương đọa nghiệp tất sanh ác thú.

時婆羅門女知母在世不信因果。計當隨業必生惡趣。

(Lúc đó cô Bà La Môn biết mẹ cô khi còn sống chẳng tin nhân quả, nghĩ ắt phải theo nghiệp mà sanh vào đường ác.)

Con bà là người con hiếu, cô học Phật hiểu đạo lý, biết mẹ cô lúc còn sanh tiền chẳng tin nhân quả báo ứng. "Kế" là trong tâm suy nghĩ, trong tâm đang tính toán. Cô nghĩ cả đời mẹ tạo nghiệp, tương lai quả báo sẽ đi về đâu? Thiện nghiệp nhất định được thiện quả, ác nghiệp nhất định có ác báo, cô nghĩ mẹ cô tạo nghiệp nặng nề; hủy báng Tam Bảo, nghiệp này rất nặng.

Toại mại gia trạch quảng cầu hương hoa cập chư cúng cụ, ư tiên Phật tháp tự đại hưng cúng dường.

遂賣家宅廣求香華及諸供具。於先佛塔寺大興供養。

(Bèn bán nhà, đất, sắm nhiều hương hoa và những vật lễ cúng, rồi đem đến chùa tháp thờ Phật làm lễ đại cúng dường.)

Cô tu phước cho mẹ. "Ư tiên Phật tháp tự", "tháp" là chỗ cất giữ xá-lợi của Phật, chỗ cúng dường xá-lợi Phật gọi là tháp. "Tự" là nơi giáo hóa chúng sanh. Bổn ý của Tự, ý nghĩa của Tự được ghi trong Khoa Chú rất tường tận, làm sao giải thích ý nghĩa của chữ Tự ở đây? Nghĩa là tiếp nối, phần đông chúng ta gọi là hậu duệ, kéo dài, sự nghiệp này phải kéo dài vĩnh viễn về sau. Nơi này là nơi tiếp nối huệ mạng của Phật nên được gọi là Tự. Hiện nay người ta không hiểu ý nghĩa này. Hồi xưa những cơ quan dưới quyền nhà vua đều gọi là Tự, ý nghĩa là muốn cơ nghiệp đế vương được truyền mãi đến đời sau. Ý nghĩa này rất hay và cũng rất rộng, sự nghiệp giáo huấn chúng sanh của Phật là nhằm giúp đỡ hết thảy chúng sanh tu hành chứng quả, sự nghiệp này phải được vĩnh viễn liên tục chẳng dứt, nơi đây là để làm công việc này, nên được gọi là Tự.

Cúng Phật, phải ghi nhớ chỉ dùng tài vật của mình, nếu dùng tài vật của người khác để tu phước thì sai, tự mình chẳng được phước gì hết; nhất định phải dùng vật của mình, không thể dùng vật của người khác. Cô Bà La Môn chẳng có tài lực nên phải bán nhà rồi dùng tiền ấy "sắm nhiều hương hoa và những vật lễ cúng" đem vào chùa cúng dường. Cách cúng dường này là hình thức, hình thức này chúng ta ngày nay rất nhiều, ai cũng biết. Hình thức cúng dường có hiệu quả hay chăng? Phải coi cách dụng tâm bên trong và ngoài có tương ứng hay không? Nếu trong và ngoài tương ứng thì có công đức, nếu không tương ứng thì chẳng có công đức. Còn có nhiều người cúng dường nhưng lại tạo tội nghiệp, không những chẳng có phước mà lại là họa. Cúng dường như thế nào? Ðến trước mặt Phật, Bồ Tát tu cúng dường to lớn, cầu phát tài, cầu thăng quan, trước bàn thờ Phật, Bồ Tát khấn vái khi được thăng quan, được phát tài thì sẽ trở lại cúng thêm nhiều nữa. Ðặt điều kiện, hối lộ với Phật, Bồ Tát, coi Phật, Bồ Tát như tham quan, ô lại, cách cúng dường như vậy không những chẳng có phước mà lại tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Nếu Ngài phò hộ cho con được phát tài, con kiếm được một triệu thì nhất định sẽ đem một vạn đến cúng dường cho Ngài; Phật, Bồ Tát đâu có khờ như vậy, cho người này lời chín mươi chín vạn, đâu có đạo lý như vậy! Bạn xem Phật, Bồ Tát là hạng người nào? Thế nên cách cúng dường như vậy sẽ tạo nên vô lượng vô biên tội nghiệp, sẽ đọa vào tam ác đạo. Ðừng thấy người ta đến tu cúng dường rồi cho là việc tốt, chưa chắc như vậy đâu, bạn phải biết động cơ của họ là gì rồi mới biết họ tạo phước hay họa. Cúng dường như vậy xong nhưng không được thăng quan, không phát tài nên quay lại trách móc, nói Phật, Bồ Tát này không linh, [họ nói:] Tôi cúng dường nhưng Ngài không phò hộ cho tôi phát tài, tôi oán hận, hủy báng Tam Bảo, tội nghiệp ấy càng tạo càng nặng. Chúng ta hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

Kiến Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai kỳ hình tượng tại nhất tự trung, tố họa oai dung đoan nghiêm tất bị.

見覺華定自在王如來其形像在一寺中。塑畫威容端嚴畢備。

(Thấy hình tượng của đức Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai trong một ngôi chùa đắp vẽ oai dung, đầy đủ đoan nghiêm.)

Ðây là nói về cô Bà La Môn đến chùa miếu cúng dường, cúng Phật. Phật chẳng còn tại thế, lúc đó thuộc về thời Tượng Pháp nên trong các tự viện chỉ có hình tượng của Phật, tượng Phật đúc hoặc khắc; cúng dường trước tượng Phật, tượng Phật tạo rất trang nghiêm.

Thời Bà La Môn nữ chiêm lễ tôn dung, bội sanh kính ngưỡng.

時婆羅門女瞻禮尊容。倍生敬仰。

(Lúc đó cô gái Bà La Môn chiêm lễ tôn dung, bội phần kính ngưỡng.)

Ðây là chân thành, những phẩm vật lễ cúng là vật bên ngoài, bên trong có tâm chân thành, hiển thị trong - ngoài nhý nhau. Cúng dýờng một chút phẩm vật giống nhý khi chúng ta gặp một ngýời nào ðó, bất luận là ngýời thân hay ngýời lạ, lâu quá chẳng gặp thì khi gặp lại phải có một chút lễ vật, lễ vật chẳng quý ở chỗ nhiều hay ít chỉ dùng để biểu lộ ý cung kính. Biểu lộ chúng ta đối với người này chẳng quên, thường ghi nhớ trong tâm, biểu lộ lòng kính ngưỡng. Cúng Phật, và còn vì mẹ tu phước, thế nên tâm này càng chân thành, càng khẩn thiết; lòng chí thành có thể cảm, Phật bèn ứng, liền phát sanh cảm ứng đạo giao.

Tư tự niệm ngôn, Phật danh Ðại Giác cụ nhất thiết trí, nhược tại thế thời ngã mẫu tử hậu, thảng lai vấn Phật tất tri xứ sở.

私自念言。佛名大覺具一切智。若在世時我母死後。儻來問佛必知處所。

(Thầm nghĩ rằng đức Phật là đấng Ðại Giác đầy đủ hết thảy trí, nếu Phật còn tại thế thì sau khi mẹ tôi mất, nếu như tôi đến hỏi Phật ắt sẽ biết được nơi mẹ tôi thác sanh.)

Hận mình phước báo không đủ, chẳng sanh vào lúc Phật còn tại thế, mà sanh vào thời Tượng Pháp, Phật đã không còn tại thế. Nếu Phật còn tại thế thì Phật có đại trí huệ, đại thần thông, mình đến hỏi Phật sau khi mẹ mất rồi sanh đến cõi nào, Phật chắc chắn sẽ nói cho mình biết, tiếc là Phật chẳng còn. Trong tâm có "lời nói thầm", không nhất định phải nói ra, trong tâm có ý niệm này, cho thấy cô có lòng hiếu thảo, muốn giúp mẹ thoát ly khổ nạn.

Thời Bà La Môn nữ thùy khấp lương cửu, chiêm luyến Như Lai.

時婆羅門女垂泣良久。瞻戀如來。

(Lúc ấy cô Bà La Môn cúi đầu khóc thầm rất lâu, chiêm ngưỡng quyến luyến tôn tượng của Như Lai.)

Câu này hình dung lúc cô Bà La Môn trong tự viện, lòng ân cần, nguyện vọng chí thành, khẩn thiết, từ câu này chúng ta có thể cảm thấy lòng thành của cô, khẩn thiết kỳ vọng, lòng thành như vậy có thể cảm.

Hốt văn không trung thanh viết: "Khấp giả thánh nữ vật chí bi ai, ngã kim thị nhữ mẫu chi khứ xứ".

忽聞空中聲曰。泣者聖女勿至悲哀。我今示汝母之去 處

(Bỗng nghe trên không trung có tiếng nói: "Này thánh nữ đang khóc kia, thôi đừng bi ai quá, nay ta sẽ nói cho cô biết chỗ thác sanh của mẹ cô".)

Chí thành thì sẽ linh, cảm động Phật đến chỉ dẫn cô.

Bà La Môn nữ hiệp chưởng hướng không nhi bạch không viết: "Thị hà thần đức khoan ngã ưu lự, ngã tự thất mẫu dĩ lai trú dạ ức luyến, vô xứ khả vấn tri mẫu sanh giới".

婆羅門女合掌向空而白空曰。是何神德寬我憂慮。我自失母已來晝夜憶戀。無處可問知母生界。

(Thánh nữ chắp tay hướng lên hư không mà bạch rằng: "Chẳng hay thần đức nào đã giải bớt lòng âu lo của con như vậy? Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không có chỗ có thể hỏi mẹ con thác sanh về cõi nào".)

Chữ "giới" tức là thế giới nào? Cõi nào trong thập pháp giới? Nẻo nào trong sáu nẻo? Cô vô cùng cảm kích sự cảm ứng này, cô chẳng biết tiếng nói này từ đâu phát ra? Cũng chẳng biết ai nói? Cho nên cô chỉ biết hướng lên không trung, âm thanh phát ra từ không trung, chẳng nhìn thấy hình tướng, chỉ nghe âm thanh. "Là vị thần đức nào?".

Thời không trung hữu thanh tái báo nữ viết: "Ngã thị nhữ sở chiêm lễ giả, quá khứ Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Kiến nhữ ức mẫu bội ư thường tình chúng sanh chi phần, cố lai cáo thị".

時空中有聲再報女曰。我是汝所瞻禮者。過去覺華定自在王如來。見汝憶母倍於常情眾生之分。故來告示。

(Lúc ấy trên không trung lại có tiếng nói cho cô biết: "Ta là người cô đang chiêm lễ, là quá khứ Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai, thấy cô nhớ mẹ, nhiều hơn thường tình của chúng sanh nên Ta đến cho cô biết".)

Chỗ này nói rõ nguyên nhân có thể cảm [đến chư Phật], đây thực sự là một người con gái có hiếu, chí thành có thể cảm đến Phật, người Trung Quốc thời xưa thường nói: "Hiếu cảm thiên địa", cho nên cảm động Phật đến chỉ thị cho cô, làm cho cô mãn nguyện.

Bà La Môn nữ văn thử thanh dĩ, cử thân tự phác chi tiết giai tổn, tả hữu phù trì lương cửu phương tô, nhi bạch không viết: "Nguyện Phật từ mẫn tốc thuyết ngã mẫu sanh giới, ngã kim thân tâm tương tử bất cửu".

婆羅門女聞此聲已。舉身自撲支節皆損。左右扶侍良久方穌。而白空曰。願佛慈愍速說我母生界。我今身心將死不久。

(Thánh nữ Bà La Môn nghe nói xong liền đứng dậy dập đầu lạy xuống, khớp tay chân đều bị thương, được người bên cạnh đỡ dậy. Một lát sau cô mới tỉnh lại rồi bạch lên hư không: "Cúi xin đức Phật từ bi thương xót, mau cho con biết mẹ con sanh về chốn nào, nay thân tâm con đau xót đến cùng cực".)

Biết âm thanh này là âm thanh của Phật, cảm động đến lễ lạy năm vóc sát đất, cách lễ này dùng toàn thân tiếp lễ, cho nên lạy xuống xong khớp tay chân đều bị thương; lạy vô cùng mãnh liệt, người thế gian thường nói là khấu đầu vang thành tiếng, cảm động đến cùng cực. Thế nên lúc lạy ngã xuống đất thì mê man bất tỉnh. Một lát sau mới tỉnh lại, vừa tỉnh lại liền cầu xin đức Phật nói cho biết chỗ mẹ thác sanh. Cô đau xót đến cùng cực, "tương tử bất cửu" là đau xót đến cùng cực.

Thời Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai cáo Thánh nữ viết: "Nhữ cúng dường tất đản tảo phản xá, đoan tọa tư duy ngã chi danh hiệu, tức đương tri mẫu sở sanh khứ xứ".

時覺華定自在王如來告聖女曰。汝供養畢但早返舍。端坐思惟吾之名號。即當知母所生去處。

(Lúc ấy đức Phật Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai bảo Thánh nữ: "Cô đã cúng dường xong, nên sớm về nhà, ngồi ngay ngắn nghĩ tưởng về danh hiệu của Ta, sẽ biết chỗ mẹ cô thác sanh".)

Ðức Phật chẳng trực tiếp nói cho cô biết mẹ cô hiện nay đang ở chỗ nào, mà dạy cô một phương pháp, làm theo phương pháp này thì cô nhất định sẽ biết.

Phương pháp gì? Phương pháp niệm Phật.

Dạy cô, cô đã cúng dường xong hãy mau về nhà, về nhà xong nhất tâm chấp trì danh hiệu, cô hãy niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai, nhất tâm xưng niệm "đoan tọa tư duy". Ðại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: "Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật". Tư duy tức là ức niệm, chẳng nói là miệng niệm, dùng chữ "tư duy", ý nghĩa này sâu. Phần đông chúng ta niệm Phật là miệng niệm nhưng tâm không niệm, như vậy thì hét bể cổ họng cũng uổng công. Niệm Phật quan trọng nhất là trong tâm có Phật, tư duy mới là chân thật niệm Phật, trong tâm đích thật có Phật.

Thời Bà La Môn nữ tầm lễ Phật dĩ tức quy kỳ xá.

時婆羅門女尋禮佛已即歸其舍。

(Lúc ấy Thánh nữ Bà La Môn lễ Phật xong liền trở về nhà.)

Nghe Phật nói hãy mau về nhà, làm xong nghi thức cúng dường, hãy mau về nhà.

Dĩ ức mẫu cố đoan tọa niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ.

以憶母故端坐念覺華定自在王如來。經一日一夜。

(Vì nhớ mẹ nên cô ngồi ngay thẳng niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày một đêm.)

Cô về nhà chân thật niệm, y giáo phụng hành, dùng tâm chân thành nhất tâm trì danh bèn có hiệu quả. "Trải qua một ngày một đêm", đoạn thời gian này chẳng dài.

Hốt kiến tự thân, đáo nhất hải biên kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng đông tây trì trục, kiến chư nam tử nữ nhân bách thiên vạn số xuất một hải trung, bị chư ác thú tranh thủ thực đạm.

忽見自身。到一海邊其水涌沸。多諸惡獸盡復鐵身。

飛走海上東西馳逐。見諸男子女人百千萬數出沒海中。被諸惡獸爭取食噉。

(Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển, nước biển sôi sùng sục, có nhiều thú dữ toàn thân bằng sắt bay nhảy trên biển, chạy qua chạy lại đuổi nhau, lại thấy nhiều người trai và gái, số nhiều đến trăm ngàn muôn, thoạt chìm thoạt nổi trong biển, bị các thú dữ tranh giành ăn nuốt.)

Ðây là cảnh giới trong định. Chư vị nên biết, vì sao Phật dạy cô làm cách này? Tại sao không trực tiếp nói cho cô biết rằng mẹ cô đang ở địa ngục? Nói cho chư vị biết [nếu Phật] trực tiếp nói cho cô ta chẳng có ích lợi gì hết, chẳng cứu nổi mẹ cô. Làm sao mới cứu nổi mẹ cô? Tự cô nhất định phải tu tập công đức thì cô mới có thể cứu mẹ. Một ngày một đêm, cô chuyên tinh, tâm địa chí thành, một ngày một đêm liền được nhất tâm bất loạn, trong hết thảy phương pháp tu hành, phương pháp này mau nhất. Tu pháp môn khác muốn đạt được công phu này rất khó. Pháp môn Niệm Phật dễ dàng, một ngày một đêm. Kinh Di Ðà dạy "nếu một ngày, nếu hai ngày, ... đến bảy ngày", cô niệm suốt một ngày một đêm được nhất tâm bất loạn, đạt được nhất tâm bất loạn nghĩa là chứng được Niệm Phật Tam Muội. Chư vị nên biết Niệm Phật Tam Muội có mức cạn sâu chẳng đồng, Hạ phẩm Niệm Phật Tam Muội là Công Phu Thành Phiến, Trung phẩm là Sự Nhất Tâm Bất Loạn, Thượng phẩm là Lý Nhất Tâm Bất Loạn, cô đạt được Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Ðến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì cô thành Bồ Tát, mẹ cô đương nhiên sẽ được độ. Tại sao chỉ một ngày công phu mà cô có thể chứng Nhất Tâm Bất Loạn? Nhờ duyên của mẹ, nếu mẹ cô chẳng đọa ác đạo thì cô sẽ chẳng tinh tấn như vậy, thế nên mẹ cô mới có phước. Mẹ cô giúp cô dụng công tinh tấn, tức khắc liền chứng đến quả vị Bồ Tát, mẹ cô được sanh lên trời là vì đạo lý này.

Nếu Phật chẳng dạy cô cách này mà [trực tiếp] nói cho cô biết mẹ cô đang ở cõi nào, cô khóc đến chết cũng vô ích. Phật chẳng thể độ mẹ cô, nếu Phật có thể độ thì chúng ta cần gì phải tu hành? Chẳng cần tu hành nữa, tất cả đều được Phật độ, nếu vậy thì Phật mới là đại từ đại bi, [nhưng] Phật chẳng thể độ. Chính cô mới có thể độ cho mẹ cô, nhờ mẹ tạo ra nhân duyên này nên cô mới hết lòng tu hành, chỉ trong một ngày có thể đạt đến nhất tâm bất loạn. Tại sao cô chân thành như vậy? Tinh tấn như vậy? Là vì tâm cứu mẹ của cô thiết tha đến cùng cực, nhờ sức mạnh này thúc đẩy, đạo lý là như vậy, từ đây bạn mới hiểu nguyên lý của sự siêu độ trong nhà Phật là ở chỗ này. Trong sự siêu độ, nếu tâm của người làm việc siêu độ chẳng thật khẩn thiết, tự mình chẳng thể nâng cao cảnh giới của mình, chẳng thể tu hành chứng quả, thì người siêu độ (người quá vãng) này sẽ chẳng thâu được lợi ích gì hết. Cô tu thành Bồ Tát, mẹ cô là mẹ của Bồ Tát, hơn nữa người mẹ này có công rất lớn, giúp cho cô tu thành Bồ Tát, thì mẹ cô đương nhiên sẽ từ địa ngục sanh lên trời, đây là đạo lý tự nhiên.

Thế nên việc siêu độ trong nhà Phật có lý luận của nó. Nếu không hiểu lý luận, cứ tưởng là niệm vài cuốn kinh thì có thể siêu độ, đâu có chuyện dễ dàng như vậy! Có nhiều người tạo tội nghiệp trong thế gian, đến phút cuối tự mình cũng lo sợ, đi kiếm vài vị pháp sư đến tụng kinh, tiêu tai, cầu siêu. Siêu độ chẳng nổi! Chẳng có hiệu quả. Nhưng nói chung có làm vẫn tốt hơn không làm, vẫn còn biết kiếm vài vị sư tụng kinh, hồi hướng, vẫn còn biết mình có tội. Nhưng phải biết hiệu lực của cách làm [trên hình thức] như vậy này rất kém, chẳng giúp gì được, chỉ có thể nói là trồng một chút thiện căn mà thôi, không có hiệu quả, phải làm như cô Thánh Nữ này mới có hiệu quả. Do đó nếu người con hiếu muốn siêu độ cho cha mẹ quá khứ hoặc thân bằng quyến thuộc thì phải hiểu đạo lý này. Thỉnh pháp sư tụng kinh siêu độ thì chính mình phải tham dự [vào buổi tụng kinh], tại sao vậy? Vì mình không quen thuộc nghi thức, không biết tụng, nên phải tụng theo pháp sư. Ai siêu độ? Tự mình siêu độ, pháp sư chỉ là người trợ duyên, hướng dẫn bạn làm việc này, tự bạn phải chân tâm sám hối, phải khế nhập cảnh giới, được vậy thì người mà bạn muốn siêu độ mới được độ, thực sự có phước. Nếu hoàn toàn giao việc siêu độ này cho các vị pháp sư, còn mình thì ở đó xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, như vậy chẳng có tác dụng gì hết, chẳng có cảm ứng gì cả.

Thậm chí lúc tôi vừa mới học Phật, chưa xuất gia, cũng chưa quy y, chỉ vừa tiếp xúc đến Phật pháp, có một hôm đi chơi, đến chùa chơi, ngay lúc ấy trong chùa đang làm Phật sự, đại khái là siêu độ cho cha mẹ của một ông nọ. Pháp sư ở bên ngoài tụng kinh, người nhà ở phía trong cười giỡn, vui vẻ đánh bài tứ sắc, tôi nhìn thấy thật chẳng ra gì. Giống cái gì? Giống như cha mẹ chết đi rất tốt, cả nhà rất vui vẻ, cả nhà chẳng có tâm niệm bi thương gì cả. Ðến lúc kêu ra lạy, pháp sư kêu: "Đến đây! Các vị ra lạy một cái đi!" Người nhà nói: "Dạ, mau mau đi ra lạy". Lạy xong vừa trở vô bèn ngồi ngay vào bàn đánh bài tiếp, thật chẳng ra giống gì, người hiện nay chẳng hiểu lễ nghĩa gì cả, chẳng hiểu chân tướng sự thật, vô cùng đáng thương, thật đúng như trong kinh Phật gọi họ là những người đáng thương xót, chúng ta phải thể hội ý nghĩa của câu này.

Ðã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top