Tập 19
Tập 19 (Số 14-12-19)
Xin mở cuốn Khoa Chú quyển trung,xin xem kinh văn hàng thứ nhất:
Phổ Quảng bạch ngôn dụy nhiên, Thế Tôn, nguyện nhạo dục văn.
Ngài Phổ Quảng bạch rằng: "Vâng, bạch đức Thế Tôn, [chúng con] vui mừng muốn được nghe."
Đoạn này có thể khỏi nói, mọi người coi tới liền hiểu. Xem tiếp đoạn sau.
Phật cáo Phổ Quảng Bồ Tát, vị lai thế trung nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, văn thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát danh giả, hoặc hiệp chưởng giả, tán thán giả, luyến mộ giả, thị nhân siêu việt tam thập kiếp tội.
Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng: "Trong đời vị lai nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát hoặc là chắp tay, hoặc là tán thán, hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ, người đó sẽ vượt qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp"
Đoạn kinh văn này, phần đông người ta xem xong đều rất khó tin, thật chẳng dễ tiếp nhận, tại sao? Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, chuyện tiện lợi như vậy. Một người nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát hoặc chắp tay, tán thán, đảnh lễ, ưa thích ngưỡng mộ, những sự việc bình thường như vậy bèn có thể siêu việt ba mươi kiếp tội báo, nói vậy hình như hơi quá đáng, làm gì có chuyện lợi ích to lớn như thế! Thật ra trong đoạn kinh văn này, chữ quan trọng mấu chốt là chữ 'Thiện', đây chẳng phải đã nói rất rõ rồi sao? 'Thiện nam tử, thiện nữ nhân', chẳng phải là một người nam, người nữ bình thường; bạn nghe danh, chắp tay bèn có công đức lớn như vậy, chúng ta đọc kinh thường chẳng để ý nên bỏ sót hết. Tiêu chuẩn của chữ Thiện này là tiêu chuẩn của kinh Đại Thừa, chúng ta y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để nói, dùng tiêu chuẩn này để nói 'Tịnh Nghiệp Tam Phước' làm được hoàn toàn mới gọi là Thiện. Bạn chỉ làm được 'Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết hại, tu thập thiện nghiệp' thì đây là Thiện ở cõi trời, cõi người. Kinh này là kinh Đại Thừa, bạn còn chưa đạt đến tiêu chuẩn này. Nếu thêm 'Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi' thì đây là Thiện của Nhị Thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, so với Thiện này còn thua một bậc. Cái Thiện này nhất định phải 'Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả'. Nói cách khác, cả mười một câu đều làm được hết, người này nghe đến danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát, chắp tay, tán thán, thì mới siêu việt ba mươi kiếp tội nghiệp, thế thì còn lời gì để nói nữa? Tự mình có gốc rễ này, thêm vào oai thần gia trì của Phật, Bồ Tát thì chúng ta mới tin tưởng được. Thế nên chữ Thiện ở đây chẳng phải là tiểu Thiện của phàm phu, đây là chữ mấu chốt. Rất nhiều người đọc kinh, nghe kinh xong bèn khởi nghi hoặc, chẳng tin là vì chẳng chú trọng đến chữ này, đây là một chữ quan trọng nhất trong đoạn này.
Tiêu chuẩn này chẳng phải là Đại Tâm Phàm Phu nói trong kinh Hoa Nghiêm hay sao? Chúng ta là phàm phu, sao lại nói là Đại Tâm phàm phu? Phàm phu nghĩa là phiền não của bạn chưa đoạn dứt, chẳng phải Bồ Tát. Nếu là Bồ Tát thì đã đoạn dứt Kiến Tư phiền não và phá một phần vô minh, đó là thật chẳng giả. Họ thật sự đã làm được Tam Phước trong Quán Kinh, đó là Pháp Thân Đại Sĩ, chẳng phải người thường. Chúng ta chưa đoạn phiền não và cũng tu pháp của Bồ Tát, chúng ta cũng tu. Tuy tu nhưng chưa đoạn phiền não nên gọi là Đại Tâm Phàm Phu.
Đại Tâm nghĩa là pháp môn tu của bạn giống với Pháp Thân Đại Sĩ, nhưng Pháp Thân Đại Sĩ đã đoạn phiền não, chúng ta chưa đoạn phiền não, định nghĩa của thuật ngữ 'Đại Tâm Phàm Phu' là như vậy. Chúng ta muốn đạt đến tiêu chuẩn của Bồ Tát chẳng dễ dàng, đừng nói Bồ Tát, ngay cả Nhị Thừa cho đến Tiểu Thừa sơ quả Tu Đà Hoàn, chúng ta trong đời này muốn nhập vào cảnh giới của họ cũng chẳng dễ, đều chẳng thể làm nổi. Cho nên chúng ta dùng thân phận phàm phu, tu pháp môn Tiểu Thừa, tu pháp môn Bồ Tát, cho đến tu Nhất Thừa đại pháp, đây chẳng phải là không thể. Đặc biệt là như cách nói trong kinh Hoa Nghiêm 'một là tất cả, tất cả là một', sơ phát tâm bèn có thể tu pháp môn của Đẳng Giác Bồ Tát. Giống như câu nói trong kinh 'Hành bố thí nhưng không trở ngại viên dung, viên dung nhưng không trở ngại bố thí 1[1]', hành bố là thứ đệ (cấp bậc, thứ lớp), viên dung là siêu việt thứ đệ, hiển rõ ra pháp giới vô chướng ngại.
Và chính là nhắc nhở chúng ta có thể tu học pháp giới vô chướng ngại, chẳng phải là không thể tu, chẳng phải nói nhất định phải đến một vị thứ nào mới tu, Phật pháp chẳng giống như trường học trong thế gian. Trong trường học thế gian, học sinh lớp một tuyệt đối chẳng thể học khóa trình của lớp bác sĩ. Nhưng trong Phật pháp thì được, người sơ học phát tâm bèn có thể tu pháp môn trên quả địa của Như Lai. Pháp trên quả địa Như Lai là pháp gì? Pháp bình đẳng. Thế nên cho dù Đẳng Giác Bồ Tát, trên quả địa Như Lai ngài cũng chẳng chê bỏ pháp môn tu của người sơ phát tâm. Người sơ phát tâm tu pháp môn gì? Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, Phật cũng chẳng bỏ. Đây gọi là "một tức là tất cả", chẳng giống như giáo học trong thế pháp.
Do đó có thể biết trong Phật pháp chẳng có thứ lớp sâu cạn. Bạn nói cạn thì cạn tức là sâu, khi nói sâu thì sâu tức là cạn. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng rất cạn, là môn người mới bước vào cửa Phật tu học, Đẳng Giác Bồ Tát cũng tu [pháp này], Như Lai cũng tu, nhất định chẳng bỏ qua, do đó cạn tức là sâu. Pháp môn Như Lai thanh tịnh bình đẳng, đây là [pháp môn] rất sâu, người sơ học như chúng ta cũng có thể tu học theo, sâu tức là cạn, cạn sâu chẳng hai. Phật pháp được gọi là pháp môn bất nhị, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta coi bộ kinh này, hầu như những gì được nói đều thuộc về Sự Tướng. Nhưng nếu từ trong những Sự này có thể thấu hiểu nghĩa thú, đạo lý sâu xa trong ấy, đó tức là điều được nói trong 'Phóng Quang Bát Nhã' 2[2], đạo lý thật sâu. Đây là chữ quan trọng mấu chốt, nói ra cho chư vị rồi. Nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, Danh là Danh của Thật, Thật là Thật của Danh, có Danh là có Thật. Nghe đến danh hiệu này, bạn liền có thể nghĩ đến bộ kinh này. Danh hiệu là đề kinh, toàn bộ lý luận, phương pháp tu học, và công đức lợi ích nói trong kinh đều có thể từ trong tâm sanh khởi khi nghe đến Danh [hiệu này]
'Chắp tay' là cung kính, 'tán thán' là hoằng dương, 'đảnh lễ, ưa thích ngưỡng mộ' là tu hành, noi gương theo Địa Tạng Bồ Tát, học tập theo Địa Tạng Bồ Tát, như vậy mới đạt được oai thần chẳng thể nghĩ bàn của Địa Tạng Bồ Tát gia trì, mới có thể diệt tội, 'vượt qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp' tức là diệt tội. Chúng ta hiểu được ý tứ này sẽ chẳng hoài nghi, liền biết lời Phật nói là sự thật, tuyệt chẳng phải là lời nói dối, chẳng phải lời khoa trương, hoàn toàn là sự thật. Ở đây làm thế nào mới có thể nâng cao chúng ta lên tới tiêu chuẩn Thiện, điểm này rất quan trọng. Trong Quán Kinh, đức Phật nói rất hay, kết luận của mười một câu trong Tam Phước tức là 'Tịnh Nghiệp Chánh Nhân của ba đời chư Phật', nói rất minh bạch, rõ ràng. Ba đời tức là đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai, ba đời chư Phật tu hành chứng quả từ cơ sở nào? Tức là từ Tam Phước. Cho nên Tam Phước tức là 'Thiện nam tử, thiện nữ nhân' nói trong kinh, tiêu chuẩn của Thiện. Thiện Tiểu Thừa là làm được hai điều, bảy câu đầu, là thiện nam tử, thiện nữ nhân nói trong kinh Tiểu Thừa. Tiêu chuẩn Thiện của kinh Đại Thừa nhất định phải làm hết mười một câu. Tuy chẳng viên mãn, chẳng rốt ráo, nhưng chúng ta nhất định phải làm. Những ý tứ khác chư vị có thể tham khảo chú giải của Thanh Liên pháp sư, chú giải của ngài rất hay. Chúng ta xem tiếp kinh văn phía sau:
Phổ Quảng, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân.
Này Phổ Quảng, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân
Vẫn chú trọng chữ 'Thiện'.
Hoặc thái họa hình tượng, hoặc thổ thạch giao tất, kim ngân đồng thiết tác thử Bồ Tát nhất chiêm nhất lễ giả, thị nhân bá phản sanh ư tam thập tam thiên, vĩnh bất đọa ư ác đạo. Giả như thiên phước tận cố, hạ sanh nhân gian, do vi quốc vương bất thất đại lợi.
Hoặc tô vẽ hình tượng, hoặc dùng đất, đá, keo, sơn, vàng, bạc, đồng, sắt tạc tượng Bồ Tát, rồi cứ một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, thì người đó sẽ sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo. Giả sử phước trời đã hết, phải sanh xuống nhân gian cũng vẫn làm quốc vương, không mất sự lợi lớn.
Lợi ích nói ở đây thật ra còn thù thắng hơn phía trước. Phía trước nói diệt tội, chẳng nói bạn được phước, diệt tội thì đương nhiên sẽ được phước, Thế Tôn chẳng cụ thể nói rõ cho chúng ta, còn ở đây nói cụ thể rất rõ. Ở đó tu phước chỉ nêu ra một thí dụ, nói thật ra tu phước có quá nhiều phương thức, chẳng phải chỉ có một phương thức này thôi, chúng ta từ một thí dụ, như câu nói "nêu một thấy được ba, nghe một hiểu mười"3[3] , việc này vô cùng quan trọng! Đây là nói nắn tạo hình tượng Bồ Tát, việc này có một số người chẳng hiểu lý rốt ráo, cứ cho rằng Phật Giáo tạo nhiều hình tượng khác nhau như vậy nên nói chúng ta cúng tế ngẫu tượng ? Vả lại cúng tế rất nhiều ngẫu tượng, và trở thành Đa Thần Giáo, Đa Thần Giáo thuộc về tôn giáo hạng thấp. Tôn giáo cao cấp chỉ có một Thần, duy nhất một Chân Thần, còn trong Phật Giáo cái gì cũng cúng lạy. Thật ra họ chẳng biết đạo lý này, đạo lý này quá sâu, quá sâu, chẳng có ai nói cho họ biết, chúng ta không thể trách họ được. Chẳng có người nói cho họ nghe thì họ làm sao biết được?
Hồi trước ở Đài Loan tôi đã từng gặp một sĩ quan, vị sĩ quan này hình như trong quân đội làm ngành tuyên huấn (Tâm lý chiến). Ông đến chùa miếu của chúng tôi du ngoạn, rồi đề ra những câu hỏi liên quan đến tượng Phật. Ông nói: "Có ý nghĩa gì ở đây chăng? Tạo ra nhiều tượng Phật như vậy, phí nhiều tiền như vậy [có ý nghĩa gì hay không?]". Vì tôi biết ông ta làm về ngành tuyên huấn nên tôi hỏi ông, tôi nói: "Quý vị làm công việc tuyên huấn, tại sao đi khắp nơi dán biểu ngữ? Ông dán cái này có ý nghĩa gì?". Ông nói: " Dán cái này là để nhắc nhở mọi người chú ý". Tôi nói: "Nếu ông dán biểu ngữ này, thí dụ nói ở Đài Loan thường thấy 'Tam Dân chủ nghĩa vạn tuế', biểu ngữ này nhắc nhở mọi người. Nếu tạo một tượng Tôn Trung Sơn tiên sinh để ở đó, thì không phải còn thù thắng hơn biểu ngữ này hay sao?" Ông nói: "Đúng! Có đạo lý". Tôi nói: "Tượng Phật của chúng tôi cũng có đạo lý như vậy, chúng tôi dán một câu 'Nam Mô A Di Đà Phật', khi bạn nhìn thấy liền nhắc nhở bạn niệm Phật. Vậy thì tạo một tượng Phật A Di Đà có phải còn thù thắng hơn hay không! Cùng một đạo lý. Bạn nói tại sao phải tạo ra nhiều tượng như vậy? Tại sao lại dán biểu ngữ của các bạn nhiều như vậy? Dán mấy chục tấm, mấy trăm tấm, không phải một tấm đã đủ rồi sao". Từ chỗ này ông ta mới hiểu được ý nghĩa ấy.
Trong Phật pháp, danh hiệu và hình tượng của Phật, Bồ Tát đều là để tượng trưng, tiêu biểu pháp, nói cách khác là để nhắc nhở chúng ta tu học. Phàm phu đích thật mê hoặc điên đảo, có ai luôn nhắc nhở cho bạn? Nếu thật sự có một người giờ phút nào cũng căn dặn, nhắc nhở bạn, thì bạn sẽ cảm thấy người ấy rất đáng ghét, nhiều chuyện! Cho nên dùng cách thức này, thực sự đã đạt đến mức thiện xảo phương tiện. Đem danh hiệu vẽ thành hình tượng, tạo hình tượng thành phẩm vật nghệ thuật cao độ, bạn có thể ngắm nhìn, thưởng thức, vĩnh viễn nhìn chẳng chán, bạn nhìn thấy liền sanh tâm hoan hỷ, lại còn hiểu được ý nghĩa của nó. Phàm là danh hiệu, hình tượng của Phật đều tiêu biểu Tánh Đức, trong tự tánh của chúng ta vốn sẵn đủ, tự tánh vốn như vậy. Phàm là danh hiệu, hình tượng của Bồ Tát đều tiêu biểu Tu Đức. Tánh đức của chúng ta đã mê mất, làm sao khôi phục lại? Nhất định phải tu hành, nương nhờ vào tu đức. Tu đức phải tương ứng với tánh đức thì đó mới là tu hành chân chánh, gọi là tánh tu bất nhị, bạn mới có thể khôi phục tự tánh, đạo lý là như vậy. Tánh đức và Tu đức đều sâu rộng vô lượng vô tận, thế nên dùng một danh hiệu, một hình tượng thì không cách chi biểu lộ, tỏ rõ, do đó danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát rất nhiều, nhiều đến chẳng thể nghĩ bàn, tỏ rõ trí huệ, đức năng của bản tánh vô lượng, vô biên, chẳng có cùng tận.
Tánh đức như vậy, Tu đức đương nhiên cũng như vậy, cho nên danh hiệu và hình tượng của Phật, Bồ Tát cũng vô lượng vô biên.
Chư vị nên đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ thấy được. Đại chúng tham dự pháp hội kinh Hoa Nghiêm, chẳng dùng từng cá nhân mà dùng đoàn thể để tính. Đoàn thể được quy nạp tổng cộng có đến một trăm bảy mươi mấy đoàn thể, hiển lộ vô tận, vô tận đức tướng tánh tu, chúng ta phải thấu hiểu sâu xa ý tứ này. Trong kinh đức Phật thường nói pháp thế và pháp xuất thế, y báo chánh báo trang nghiêm của Nhất Chân pháp giới và thập pháp giới đều là 'duy tâm sở hiện, duy thức sở biến', đây là lời Phật nói trong kinh. Có người đọc đến kinh này, nghe kinh này sanh hoài nghi, hiện nay tâm tôi tưởng biến, tại sao biến không ra? Lời Phật nói chẳng linh nghiệm đối với sự thực nghiệm của tôi.
Thật ra họ chẳng hiểu cái gì gọi là Tâm, họ đã hiểu lầm. Tâm là gì? Thức là gì? Lấy vọng tưởng làm Tâm, đem chấp trước làm Thức, thế thì làm sao biến được? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là Tác Dụng của Tâm Thức, chẳng phải là Lý Thể của Tâm Thức. Thí dụ chúng ta đi tìm người nào đó, bạn coi bác làm công trong nhà người ấy chính là người ấy vậy thì làm sao được! Làm sao có thể làm xong công việc! Người làm công chỉ nghe lời sai bảo của chủ nhân, bạn phải tìm cho ra chủ nhân thì mới giải quyết vấn đề được. Thiền Tông nói rất hay 'Nếu người biết được tâm, đại địa này chẳng có một tấc đất' 4[4], nếu bạn có thể thấy được Tâm Tánh, bạn sẽ chẳng còn là phàm phu nữa, bạn sẽ là Phật, Bồ Tát rồi.
Do đó nghiên cứu giáo lý, nghe kinh phải có tâm nhẫn nại, có nghi vấn thì có thể tồn nghi, cổ đức có nói: "Tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ", đó gọi là 'nghi tình', chẳng phải là hoài nghi. Nếu đối với lời trong kinh bạn chẳng thể lý giải, khởi hoài nghi thì là sai lầm. Hoài nghi là gì? Bạn chẳng tin tưởng, bạn chẳng thể tiếp nhận. Nghi là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát, Bồ Tát nói ở đây là Bồ Tát đạo, chướng ngại lớn nhất cho sự tu hành của Bồ Tát. Vậy thì phải làm sao? Có nghi vẫn phải tin, tôi vẫn kiền thành tin tưởng. Phật nói Lý này quá sâu, chẳng phải là cảnh giới của tôi, chẳng phải trí huệ nông cạn hiện giờ của tôi có thể hiểu nổi. Tôi tin điều này, tin lời Phật dạy chẳng sai, hết lòng tiếp tục nỗ lực tu học chẳng gián đoạn, đợi đến một ngày nào đó khai trí huệ xong, vấn đề này sẽ được giải quyết.
Nghi tình nhỏ, trí huệ mở mang được mấy phần thì vấn đề sẽ được giải đáp; nghi tình lớn, trí huệ cần phải mở đến một mức độ nào đó thì bạn mới có thể hiểu được. Đây tức là tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ. Nếu bạn hoài nghi, chẳng tin tưởng, chẳng tiếp nhận thì bạn vĩnh viễn sẽ chẳng có chỗ ngộ. Thế nên nghĩa thú sâu xa và cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn nói trong kinh thì có nghi tình là chánh xác vậy, nhất định phải y chiếu lý luận, phương pháp của Phật dạy trong kinh mà hết lòng tu học. Phật pháp từ thỉ đến chung đều là dạy người ta khai trí huệ, đó gọi là phá mê khai ngộ. Làm sao khai trí huệ? Trí huệ khai thông từ trong thiền định. Trong Tịnh Độ Tông chúng ta, tuy chẳng dùng danh từ 'thiền định' này, Tịnh Tông dùng 'nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo', tám chữ này chính là thiền định, mục đích của người niệm Phật tu tập là ở chỗ này.
Hiểu rõ đạo lý rồi, đây chỉ là nêu ra một thí dụ trong vô lượng phương pháp tu học: tạo tượng, công đức của việc tạo tượng chẳng thể nghĩ bàn. Chủng loại tạo tượng rất nhiều, ở đây liệt kê ra 'thái họa', tô vẽ đều được, hoặc là đúc nắn bằng đất sét, điêu khắc trên đá, giao tất (mủ, sơn) hình tượng Phật, Bồ Tát loại này cũng rất nhiều. Hiện nay kỹ thuật khoa học phát đạt, tạo thành mô hình, tạo hình tượng Phật, Bồ Tát vừa đẹp vừa rẻ. [Phần kinh văn ] phía sau [nói đến] tượng Phật đúc bằng kim loại, dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc thành, những tượng này có thể truyền lâu đời về sau. Đối với một người tu học thì hình tượng Phật, Bồ Tát là để nhắc nhở, giờ phút nào cũng luôn cảnh tỉnh. Chúng ta tạo một tượng Địa Tạng Bồ Tát, công đức rất lớn, giờ phút nào cũng nhắc chúng ta phải hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Địa Tạng Bồ Tát tiêu biểu cho hiếu đạo, giờ phút nào cũng nhắc nhở tâm địa chúng ta chứa đựng vô lượng bảo tàng, đây là hàm nghĩa của danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát.
Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói trong tâm tánh của chúng ta có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, tài nghệ, hết thảy đều viên mãn, đầy đủ, cùng với những lời nói trong đại kinh, y chánh trang nghiêm của quả địa Như Lai chẳng hai chẳng khác, đây đều là tự tánh vốn có đầy đủ. Kinh Hoa Nghiêm nói về Hoa Tạng thế giới của đức Phật Tỳ Lô Giá Na, kinh Tịnh Độ nói về Cực Lạc thế giới của đức Phật A Di Đà, thế giới này xuất hiện như thế nào? Trong tự tánh vốn sẵn có đủ cho nên mới nói 'duy tâm tịnh độ'. Chúng ta mê mất tự tánh, ngày nay chúng ta trụ trong thế giới này, tai nạn nhiều như vậy, ngũ trược ác thế, ngũ trược ác thế từ đâu đến ? Cũng là duy tâm ngũ trược, chẳng lìa khỏi tâm tánh. Giác ngộ xong thì tâm tánh này biến thành tịnh độ, mê mất thì tâm tánh này liền biến thành uế độ, tướng biến thành tuy chẳng giống nhau, thể tánh của cái năng biến (chủ tể biến) chỉ là một, cho nên mới nói tịnh uế chẳng hai. Ai trụ trong "tịnh uế chẳng hai"? Người giác ngộ trụ. Còn [đối với] người mê, tịnh và uế sai biệt quá lớn. Việc này giải thích như thế nào? Người giác ngộ chẳng chấp tướng, họ trụ trong tịnh độ nhưng không chấp tướng tịnh độ, trụ trong uế độ cũng chẳng chấp tướng uế độ, cảm thọ của họ đều giống nhau. Người mê chấp tướng, trong tịnh độ thì chấp trước tướng Tịnh, sanh tâm hoan hỷ; trong uế độ thì họ chấp trước tướng uế độ, họ sanh phiền não, là sự việc như vậy. Nếu bạn có thể thật sự không chấp tướng; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hoàn toàn buông bỏ hết thì tịnh uế chẳng hai, cảm thọ của bạn chẳng hai, thọ dụng chẳng hai. Chẳng có nói tịnh độ và uế độ biến thành một thứ, chẳng phải vậy. Tịnh độ vẫn có tướng tịnh độ, uế độ vẫn là tướng uế độ, cảm thọ của họ chẳng hai, bình đẳng thọ.
Phật nói Thọ của phàm phu có năm thứ: 'khổ, vui, buồn, mừng, xả', năm thứ thọ, đây là phàm phu. Thánh nhân chẳng có năm thọ này, thọ của thánh nhân được gọi là 'chánh thọ'. Trong kinh thường thấy chữ 'Tam Muội', Tam Muội dịch nghĩa là chánh thọ, Tam Muội là tiếng Phạn dịch âm mà thành. Chánh thọ tức là năm thứ thọ 'khổ, vui, buồn, mừng, xả' đều buông bỏ, hưởng thọ như vậy mới gọi là Chánh Thọ. Chánh thọ dựa trên trí huệ chân thật, còn thọ của phàm phu dựa trên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, do đó trong cảnh giới của họ có 'khổ, vui', có 'buồn, mừng'. Tại sao cùng một tâm tánh lại biến hiện thành sắc tướng chẳng đồng? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Tuy tâm tánh là một, chân tâm bản tánh thuần nhất, thanh tịnh, tướng được hiện ra gọi là Nhất Chân pháp giới. Nhưng trong thuần nhất, thanh tịnh, đương lúc nó khởi tác dụng hình như lại có tạp nhiễm. Pháp Tướng Duy Thức Học đối với hiện tượng này có nghiên cứu rất thâm nhập, họ phân tách rất tinh tế, kinh luận của Pháp Tướng Duy Thức vô cùng phong phú. Thuyết minh tâm tánh khởi tác dụng, hiện tướng trạng các thứ chuyển biến, hư không pháp giới vô lượng vô số chúng sanh đều là Tình Thức biến hiện mà ra, Lý trong ấy quá sâu. Tại sao nó lại biến? Tại sao biến thành nhiều như vậy? Tại sao biến ra rồi chẳng chỉnh tề? Đây là một sự học vấn to lớn.
Nếu nói vấn đề này bạn có nghi hoặc, bạn rất khó tiếp nhận, chúng tôi lại nói một thí dụ thô thiển để xem bạn có thể tiếp nhận được không? Ban đêm bạn ngủ có khi nào nằm mộng chăng? Mọi người đều đã từng nằm mộng, tại sao trong mộng xuất hiện quá nhiều nhân vật như vậy? Nhiều chúng sanh như vậy? Cái có thể nằm mộng là tâm ý thức của bạn, tại sao tâm ý thức của bạn biến thành phức tạp như vậy? Trong mộng có người tốt, cũng có người xấu, có người bạn ưa thích, cũng có người bạn chán ghét, tại sao bạn không mộng toàn là người bạn ưa thích? Một người bạn ghét cũng không có, tại sao không được? Đạo lý này rất gần với [vấn đề] trên, rất giống, bạn hãy từ từ nghiên cứu. Bạn suy nghĩ, bạn nghiên cứu tại sao trong mộng lại xuất hiện người tốt, người xấu, vừa ưa thích, lại có chán ghét? Bạn đi nghiên cứu, thật ra nghiên cứu chẳng được, bạn hãy đọc thêm kinh sách của Pháp Tướng Tông.
Đó chính là 'duy thức sở biến', thức là A Lại Da thức, A Lại Da thức chứa đựng hạt giống nghiệp tập nên có thiện, có chẳng thiện. Lúc sức mạnh ý chí của bạn chẳng thể khống chế chính mình, những hạt giống này sẽ khởi lên. Khi khởi lên thì nó sẽ biến ra ảo tưởng, hiện tướng trong giấc mộng là ảo tưởng, cảnh giới hiện tiền của chúng ta trong kinh không phải đức Phật đã gọi là 'mộng huyễn bọt bóng' sao, cũng chẳng phải thật. Chúng ta trên thế gian này mấy chục năm ngắn ngủi, hình như nhìn thấy được hiện tượng này, thật ra phải nói cái hiện tượng này đang chuyển biến từng sát na, từng sát na, chẳng phải là không biến đổi. Chúng ta bị tướng nối tiếp liên tục từng sát na [làm cho] mê mất, cứ tưởng nó là thật, chẳng biết cái tướng này là giả. 'Phàm những gì có tướng đều là hư vọng', bị liên tục hư vọng mê mất, cứ tưởng là thật. Thế nên ở trong đó lại khởi tâm động niệm, tạo ra những thứ nghiệp thiện và bất thiện. Nghiệp thiện và bất thiện có thể thay đổi hiện tượng này. Phật nói "Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh", sự thay đổi này là chẳng hay chẳng biết đang [âm thầm] thay đổi. Chẳng phải bạn nghĩ: "Tôi muốn biến một con trâu", tại sao bạn chẳng biến ra một con trâu được? Đó là bạn đang khởi vọng tưởng.
Một niệm thiện của bạn đích thật ảnh hưởng đến núi sông đại địa, y báo chuyển biến tùy theo chánh báo, nói rõ thêm một chút bạn khởi một niệm thiện thì dung mạo của bạn sẽ thiện, bạn khởi một niệm ác thì dung mạo của bạn sẽ ác, tướng chuyển theo tâm. Không những tướng chuyển theo tâm, mà thân thể, thể chất cũng chuyển theo tâm. Phóng lớn ra đến núi sông đại địa bên ngoài cũng chuyển biến theo tâm, 'y báo chuyển tùy theo chánh báo', là đạo lý như vậy. Thế nên chúng ta tạo hình tượng của Phật, Bồ Tát, đây là một tăng thượng duyên cho tâm thiện, niệm thiện của chúng ta; chúng ta nhìn thấy tượng Phật, tượng Bồ Tát thì tâm thiện, niệm thiện sẽ khởi lên, công đức lợi ích là ở chỗ đó.
'Chiêm' tức là 'quán tượng niệm Phật', pháp môn niệm Phật có bốn cách niệm Phật. Nhìn tượng Phật, trong tâm sanh khởi vị Phật này, vị Bồ Tát này, hành trạng cả đời của ngài. Cho nên nhìn Địa Tạng Bồ Tát bèn nghĩ đến đại nguyện của Bồ Tát đã phát trong nhiều kiếp, chúng ta phải bắt chước. Nghĩ đến Bồ Tát trong đời trước làm cô Bà La Môn, cô Quang Mục, nhìn thấy bà con quyến thuộc của mình tạo những tội nghiệp đọa vào ba đường ác, họ phát tâm như thế nào để cứu vớt người thân. Quay lại suy nghĩ thân quyến họ hàng của mình chẳng hiểu Phật pháp, cũng tạo rất nhiều tội nghiệp, cũng đọa ba đường ác, chúng ta có phát tâm cứu vớt họ hay không? Trong lúc chiêm lễ khởi tâm phát nguyện, nếu chẳng nhìn thấy tượng Phật thì quên mất chuyện này, do đó tượng Phật nên để chỗ mà giờ phút nào cũng nhắc nhở mình.
Nếu bạn thật sự hiểu được đạo lý, hiểu được chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ, gia quyến họ hàng đời quá khứ. Chúng ta có đời quá khứ, quá khứ vô lượng kiếp, cha mẹ, gia quyến họ hàng trong vô lượng kiếp không biết là bao nhiêu, hiện nay rải khắp lục đạo, thập pháp giới. Trong tứ thánh pháp giới, trong cõi trời thì còn tốt, chẳng sao cả. Nếu ở khắp lục đạo, trong ba đường ác, khổ chẳng nói nổi. Chúng ta có sanh khởi cái tâm niệm muốn cứu độ họ hay không? Lời Phật nói trong kinh là thật, là sự thật. Phàm phu chúng ta chỉ nhận biết cha mẹ đời này, chẳng nhận ra cha mẹ đời trước. Cho nên Phật nói hết thảy chúng sanh là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai. Chúng ta nhìn thấy hết thảy chúng sanh chịu khổ chịu nạn thì phải coi họ như cha mẹ mình, thân quyến của mình đang chịu khổ chịu nạn, thì tâm nguyện muốn cứu vớt họ sẽ tự nhiên sanh khởi. Người mê nhìn thấy người ta chịu khổ chịu nạn hình như chẳng ăn thua gì với mình, đó là vì họ chẳng biết thật tướng của chư pháp. Bồ Tát biết được, phàm phu chẳng biết, Địa Tạng Bồ Tát hiểu rõ ràng. Thế nên nhìn thấy những người chịu khổ chịu nạn thì cũng như chính mình đang chịu, tâm từ bi mới có thể thật sự sanh khởi, nhất định chẳng thể ngồi nhìn mà chẳng cứu, chẳng có đạo lý này.
Trong các buổi giảng chúng tôi cũng đã báo cáo cùng chư vị, tâm nguyện chăm sóc, thương mến, cứu vớt nhất định là có. Nhưng sự thật thì có những chỗ chúng ta không đạt đến, tức là có chướng duyên, chướng ngại. Ngày nay chúng ta nhìn thấy cả thế giới có rất nhiều thiên tai, có chỗ bị nạn lụt, có chỗ bị hạn hán, bị động đất, bị nước biển dâng trào; còn thêm chiến tranh do con người gây ra, tàn sát, [quá nhiều] thiên tai và nhân họa. Người bị giết rất đáng thương, kẻ giết người cũng đáng thương. Giết người tạo tội nghiệp cực nặng, tội nghiệp của họ tương lai phải đọa tam ác đạo. Không những tương lai phải đọa tam ác đạo, mà còn phải trả nợ mạng, chẳng phải giết rồi thì hết chuyện. Đời này bạn giết họ, đời sau họ làm người rồi giết bạn trở lại, nhiều đời nhiều kiếp giết hại lẫn nhau, dây dưa chẳng dứt, bạn nói đáng thương biết mấy, bi thảm biết mấy! Phật, Bồ Tát biết rõ chân tướng sự thật này, đạo lý bên trong cũng chỉ có Phật, Bồ Tát minh bạch.
Chúng ta học Phật, nghe xong lời răn dạy của Phật, đọc qua lời giáo huấn của Phật nên chúng ta cũng dần dần tỉnh ngộ trở lại, dần dần cũng hiểu rõ chân tướng sự thật, bởi vậy cũng có thể giống như chư Phật, Bồ Tát, xả mình vì người, phục vụ cho xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh, thật sự làm được đại công vô tư, tận tâm tận lực. Bi nguyện đại từ bi, hành trì đại từ bi này được đắc lực bởi lời răn dạy của Phật. Nhưng chúng ta là phàm phu, phiền não tập khí quá nặng, thường quên mất lời dạy của Phật, trong tâm vẫn còn thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn, bên ngoài có sự dụ dỗ của ngũ dục, lục trần, tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, sức mạnh này quá lớn nên từng giờ, từng phút chúng ta quên mất những tâm thiện, nguyện thiện này. Tùy thuận ác duyên lại khởi ác niệm, khởi tâm niệm tham, sân, si, chạy theo dụ hoặc bên ngoài, lại tạo tội nghiệp. Ai nhắc nhở chúng ta? Chỉ có thể nương nhờ hình tượng của Phật, Bồ Tát.
Cho nên tại sao tổ sư đại đức khuyến khích người học Phật, nhà người học Phật nhất định phải cúng dường tượng Phật, mục đích cúng tượng Phật là gì? Đó là nhắc nhở chính mình từng giờ, từng phút, dụng ý là ở chỗ này. Chẳng phải xem tượng Phật như thần minh để cúng lạy, cầu ngài 'phò hộ' cho mình thăng quan, phát tài, như vậy là mê tín. Cúng Địa Tạng Bồ Tát, từng giờ từng phút nhắc nhở bạn phải hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, luôn luôn răn nhắc bạn phải cứu vớt hết thảy những chúng sanh khổ nạn, là có ý như vậy. Thế nên cúng dường hình tượng ở nơi đó có vô lượng công đức. Đây là [lợi ích của hình tượng] đối với một người học Phật.
Lợi ích đối với một người chẳng học Phật cũng rất lớn. Trong Phật pháp thường nói khi nghe danh hiệu của Phật, Bồ Tát thì một khi lọt vào tai, vĩnh viễn là hạt giống đạo. Bất luận là bạn có tâm hay không tâm, có ý hay vô ý nghe đến danh hiệu Phật, Bồ Tát, hạt giống kim cang đều được vun trồng trong A Lại Da thức. Tai nghe có lợi ích như vậy, mắt thấy cũng có lợi ích tương tợ. Mắt bạn nhìn thấy hình tượng Phật, Bồ Tát, nhìn thấy sách ghi danh hiệu Phật, Bồ Tát, một khi lọt vào mắt cũng vĩnh viễn thành đạo chủng. Trong đời này chẳng được lợi ích ấy thì đời sau, hậu thế gặp lại duyên, hạt giống ấy sẽ khơi dậy, sẽ dùng được. Đối với người chẳng tin Phật pháp cũng có lợi ích thù thắng.
Nếu bạn nói ngày nay toàn thế giới có ai không học Phật? Tôi thấy mỗi người đều học Phật, tôi thấy rất hoan hỷ. Tôi thấy gì? Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo đều học Phật cả; Y Tư Lan Giáo (Islam), Do Thái Giáo đều học Phật cả. Tại sao? Trong miệng của họ đều biết đến Phật. Đặc biệt là ngày nay Thiên Chúa Giáo dẫn đầu, hiện nay nghe nói mục sư Cơ Đốc Giáo cũng đọc 'Đại Tạng Kinh', bạn nói thiện căn này trồng xuống sâu dày biết mấy. Cho nên khi chúng tôi gặp những tín đồ tôn giáo này, Mục Sư, A Hoanh 5[5], tôi đều chắp tay xưng họ là Bồ Tát thật, chẳng phải Bồ Tát giả. Một khi họ nhìn thấy hình dáng của chúng ta thì tâm niệm nghĩ đến Phật của họ sẽ sanh khởi. Thế nên chư vị phải biết công đức người xuất gia rất lớn, dù phá giới nhưng công đức [của hình tướng xuất gia ấy] cũng chẳng lường được, bạn chẳng có cách gì so sánh. Hình tướng này của bạn [là người tại gia] ra đường, tâm niệm của Phật, Bồ Tát trong tâm người ta làm sao khởi lên được? Chẳng khởi lên được. Thế nhưng chúng tôi mặc chiếc áo này, cạo đầu trọc, khi đi đến đâu đều làm cho chúng sanh trong tâm khởi lên ý niệm về Phật, tâm niệm Bồ Tát, thế nên đi một vòng ở ngoài đường thì có bao nhiêu người trồng được thiện căn? Tại sao xưng người xuất gia là một trong Tam Bảo, quý là ở chỗ này, ai có thể so sánh nổi? Hãy khoan bàn về trì giới hay phá giới, chỉ riêng nói về việc làm cho hết thảy chúng sanh khởi lên ý niệm của Phật, Bồ Tát, thì công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu bạn quả nhiên hiểu rõ đạo lý này, ở đây chú ý 'thiện nam tử, thiện nữ nhân'. Tâm nguyện tạo hình tượng Bồ Tát rộng lớn vô lượng vô biên, một hình tượng này độ hết thảy chúng sanh. Họ tu được công đức thù thắng như vậy 'thị nhân bá phản sanh ư tam thập tam thiên, vĩnh bất đọa ư ác đạo' Sanh đến cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần chẳng đọa ác đạo, lợi ích này chẳng kể là lớn lắm, so sánh với công đức của người ấy tu thì đương nhiên sẽ đạt được, chúng ta còn hoài nghi gì nữa? Cho nên hiểu rõ Lý thì nhìn Sự sẽ chẳng hoài nghi nữa. Phía trước có nói siêu việt tội trong ba mươi kiếp, ở đây nói sanh lên trời Ba Mươi Ba một trăm lần, trời Ba Mươi Ba là cõi trời Đao Lợi, hưởng phước trời, chẳng đọa tam ác đạo, đây là phước tạo hình tượng của Bồ Tát.
Phía sau nói họ còn phước dư, 'Giả như thiên phước tận cố', nếu như phước trời hưởng hết, phước một trăm lần hưởng hết, vẫn còn phước thừa. Phước thừa 'hạ sanh nhân gian, do vi quốc vương, bất thất đại lợi', đến nhân gian vẫn hưởng nhân thiên phước báo, thời xưa phước báo nhân thiên lớn nhất là làm vua. Ngày nay một số người chẳng chịu tìm hiểu lý luận trong ấy, mê vào dân chủ, mọi người tán thán dân chủ, hiện nay trào lưu là như vậy, chúng ta phản đối dân chủ thì làm sao được! Thật ra người có học vấn chân chánh, khi so sánh kỹ chế độ vua chúa thời xưa với dân chủ ngày nay, [sẽ thấy] chế độ vua chúa có nhiều điểm tốt, lợi ích của dân chủ chẳng bằng chế độ vua chúa. Nếu chư vị đọc lịch sử kỹ càng, quan sát kỹ lưỡng, tuy quân chủ có tệ đoan, nhưng dân chủ không có khuyết điểm hay sao? Mỗi thứ đều có lợi và hại.
Bạn phải dùng đầu óc rất bình tĩnh để suy nghĩ, quan sát, trên thế gian này muốn tìm một chế độ chỉ có lợi chẳng có hại thì không thể tìm được. Chế độ càng tốt, nhà Nho nói rất hay 'Người còn thì triều chánh còn, người mất thì triều chánh mất' , đều do người tạo nên. Nhà Phật nói 'Người có thể hoằng đạo, chẳng phải đạo hoằng người', Phật pháp đích thật là cứu cánh viên mãn, nhưng hoằng dương Phật đạo cũng phải nhờ con người. Nếu người này chẳng có đức hạnh, cái đạo mà họ hoằng này cũng biến chất rồi. Bản chất của đạo vốn chẳng có lỗi lầm, đến tay của họ thì biến thành lỗi lầm. Những đạo lý này tuyệt đối không phải người ta nói mình cũng nói, chúng ta nghe người ta nói thì phải suy nghĩ cặn kẽ.
Vào thời cổ, tôi vô cùng hâm mộ chế độ thời cổ, điểm này cũng chịu ảnh hưởng của Phương Đông Mỹ tiên sinh. Phương tiên sinh khâm phục Châu Lễ nhất, trước sau ông đã nói cho tôi nghe mười mấy lần, ông nói 'Châu Lễ' là hiến pháp tốt nhất từ xưa đến nay, trong nước và ngoài nước, Châu Lễ là do Châu Công đính soạn. Nếu con cháu đời sau của nhà Châu vẫn y theo pháp này mà làm thì sẽ chẳng mất nước, chế độ này quá hoàn mỹ. Mục đích thầy Phương nói những lời này là hy vọng tôi đọc bộ sách này, nhưng tôi lật sách xong, lật mấy trang rồi không đọc nữa. Trong Tam Lễ, tôi chỉ đọc 'Lễ Ký', còn Châu Lễ và Nghi Lễ tôi chưa đọc. Vì sau này học Phật, chẳng còn hứng thú đối với chính trị nữa. Những gì nói trong Lễ Ký, có rất nhiều việc liên quan đến giới luật của chúng ta, đây là việc đáng tham khảo.
Đến năm đầu Dân Quốc, ông Tôn Trung Sơn nghĩ ra một cách cũng rất tốt, nhưng đáng tiếc là chẳng có người tiếp tục hoằng dương phát triển thêm, điều này rất đáng tiếc. Ông Tôn đọc sách nhiều, đích thật là học rộng nghe nhiều, đối với Quốc Học Trung Quốc ông có trình độ rất sâu, tri thức Tây Phương tương đối phong phú, nên ông nghĩ ra phương pháp này, chọn ra ưu điểm của quân chủ và dân chủ, gạt bớt khuyết điểm cả hai, đó là một lý tưởng như vậy. Phát minh ra Tam Dân chủ nghĩa 6[6], hiến pháp Ngũ Quyền, một đảng chuyên chánh. Trong tâm ông chẳng phải chính trị đa đảng, là chuyên chánh một đảng. Một đảng này từ đâu tới? Thay thế cho một gia tộc của vua chúa thời xưa. Thời xưa vua chúa thống trị quốc gia là một gia tộc thống trị. Ngày nay chúng ta dùng một đảng, tập trung những người có trí huệ, có tài năng trên toàn quốc vào một chỗ, cùng nhau thống trị quốc gia, một đảng chuyên chánh. Đây là có ưu điểm của quân chủ, gạn lọc ra ưu điểm của quân chủ. Cách nghĩ của ông ta rất tốt, đáng tiếc là sau khi ông mất đi, có ai hiểu được Tam Dân Chủ Nghĩa? Tôi thường than tiếc cho ông. Nguyên nhân căn bản nói thật ra là cả đời ông bôn ba khổ nhọc, sau khi lật đổ Mãn Thanh được mấy năm thì ông mất, thọ mạng quá ngắn. Nếu ông có thể sống thêm hai chục năm, sức ảnh hưởng ấy sẽ rất lớn.
Vả nữa nguyên nhân quan trọng cũng ở tại Giáo Dục, khi cổ thánh tiền hiền Trung Quốc xây dựng một chánh quyền có thể kéo dài mấy trăm năm, nhân tố thành công của họ ở đâu? Ở tại giáo dục. Chánh quyền triều Hán do Hán Cao Tổ thành lập, nhưng đến đời thứ hai là Hán Võ Đế thì lập nên chánh sách giáo dục của quốc gia. Sau khi chánh sách giáo dục được xây dựng, trong hai ngàn năm Trung Quốc thay triều đổi vua, chánh quyền thay đổi nhưng tông chỉ giáo dục chẳng thay đổi, đây là điểm rất tuyệt diệu! Sau khi [chánh sách giáo dục được] Hán Võ Đế đặt ra mãi cho đến đời Mãn Thanh cũng chẳng thay đổi, đây cũng là việc rất khó nghĩ bàn. Chư vị thử nghĩ xem nếu tông chỉ giáo dục này không tốt lắm thì tại sao vua chúa các đời sau không thay đổi? Giáo dục này chính là giáo dục luân lý đạo đức, đề cao Khổng Mạnh, lấy tư tưởng của Khổng Mạnh làm chủ lưu, phối hợp thêm Bá Gia Chư Tử 7[7], dùng nhà Nho làm chủ. Thế nên giáo dục này dạy những gì? Dạy luân thường. Nói cách khác dạy bạn hiểu được quan hệ giữa người và người, giữa lãnh đạo và thuộc cấp tức là quan hệ quân thần, quan hệ bạn bè, được vậy bạn mới làm một người hoàn mỹ, mới biết cách làm người. Sau đó mới dạy bạn quan hệ giữa người và hết thảy vạn vật, dùng cách nói hiện nay bạn mới biết tôn trọng sanh thái tự nhiên, bảo vệ sanh thái tự nhiên, làm cho hoàn cảnh sinh sống của chúng ta càng thêm tốt đẹp. Cuối cùng dạy bạn quan hệ giữa người và thiên địa quỷ thần. Đây là tông chỉ, phương châm giáo dục của Trung Quốc suốt hai ngàn năm qua, thế nên giữa người với người có cảm tình sâu đậm, có đạo nghĩa.
Nếu ngày nay không nói đến giáo dục này, buông bỏ mất, lấy chủ nghĩa công lợi của tây phương, việc này làm sao được! Thiên hạ sẽ đại loạn, chẳng thể có hòa bình, yên ổn, tại sao? Ai nấy đều tranh lợi, như vậy thì làm sao được? Tranh danh đoạt lợi, chẳng tiếc bất cứ thủ đoạn gì, thế gian này còn ngày tháng thái bình nữa sao? Ngày nay tây phương đã cảm nhận xung kích rất lớn, gặp khó khăn rất lớn. Hiện nay họ đang suy nghĩ, nghiên cứu [học vấn] của Trung Quốc. Hầu như mỗi đại học ở Mỹ đều có trung tâm Hán Học, họ hết lòng nghiên cứu học vấn truyền thống Trung Quốc cổ xưa, nghiên cứu học vấn của Ấn Độ cổ xưa, hy vọng tìm được trong ấy một số lý luận, nguyên tắc có thể cứu vãn xã hội hiện nay. Hiện nay nếu bạn đối với những vấn đề này hiểu sơ lược một chút, bạn đến những đại học ở ngoại quốc để diễn giảng thì sẽ được hoan nghinh. Tôi biết được rất thô thiển, một chút ngoài da, nhưng tôi ở những trường học ngoại quốc này nói sơ sơ cũng được hoan nghinh phi thường. Họ nghe nói, [cảm thấy] rất hiếm có, kỳ lạ, chưa từng nghe qua, Trung Quốc có đồ tốt như vậy, tiếc rằng chẳng có người giới thiệu.
Đoạn kinh văn này, trong chú giải Thanh Liên pháp sư chỉ cho chúng ta các tư liệu tham khảo rất quan trọng, trong ấy quan trọng nhất là nặn tạo tượng Phật phải dùng tâm cung kính, phải dùng tịnh tài, tịnh vật tiêu biểu cho lòng kiền thành, cung kính, thì mới khởi lên cảm ứng, đạo giao. Bạn xem người thời xưa tô vẽ, chứ người hiện nay rất hiếm [ai làm như vậy] rồi, trước khi vẽ một tượng Phật, nhất định phải tịnh thân 8[8], rửa tay, rửa sạch sẽ, mặc y phục sạch sẽ, có khả năng thì nhất định thay quần áo mới, không có khả năng thì quần áo nhất định phải giặt sạch sẽ, tiêu biểu cung kính. Giấy và mực nhất định chẳng dùng cho việc khác. Bút vẽ tượng Phật thì dành riêng để vẽ tượng Phật, tuyệt chẳng dùng để viết chuyện khác, chuyên dùng cũng là tượng trưng cho lòng cung kính. Những tài vật cần thiết đều là tịnh tài, là tiền của mình đáng có được, tuyệt chẳng dùng tiền tài chẳng tịnh. Bất tịnh là những gì tôi chẳng nên có [mà có], chẳng phải tiền của tôi, tôi dùng thủ đoạn để gạt lấy, hoặc uy hiếp, ép buộc người ta chẳng thể không tặng cho, tiền tài như vậy gọi là bất tịnh tài. Phải dùng tâm thanh tịnh, vật thanh tịnh để tạo tượng.
Chư vị hiện nay có cuốn này, ở trang 32 trong cuốn chú giải, đếm ngược hàng thứ hai, câu sau chót, tôi đọc cho quý vị nghe: "Lại không cho tạo tượng nửa người, thiện tướng chẳng khởi, đọa lạc sanh tử" 9[9], hy vọng mọi người phải chú trọng câu này. Hiện nay có nhiều địa phương cúng tượng Phật, Bồ Tát chỉ có nửa người, có chỗ cúng tượng Phật, Bổ Tát chỉ có cái đầu, cúng như vậy tạo tội nghiệp, quả báo này nhất định ở tại địa ngục. Cúng tượng Phật nửa người thì tội nghiệp đã chẳng nhẹ, đọa lạc sanh tử chẳng có công đức. Thế nên vẽ hình tượng Bồ Tát phải vẽ cho hoàn chỉnh, phải vẽ tượng toàn thân (cả người), không thể vẽ tượng nửa người, bất luận là tượng ngồi, hoặc đứng đều phải vẽ toàn thân, phải chú ý điểm này! Chúng ta tạo tượng người ta có thể tạo tượng nửa người, không thành vấn đề, còn tượng Phật, Bồ Tát thì tuyệt đối không thể. Tượng người có thể tạo nửa người, bạn nói có ai tạo tượng chỉ tạo cái đầu còn ngoài ra không có gì khác. Trong phong tục tập quán của chúng ta, đây là điều không cát tường, đầu bị người ta chém đứt rồi, sao lại làm như vậy? Không thể như vậy được. Ở đây ngài có viết một câu như vậy, đặc biệt nhắc nhở chư vị đồng tu.
Trong chú giải ngài dùng một đoạn trong Kinh Tạo Tượng Công Đức, trang 33 hàng thứ hai, câu cuối cùng: "Kinh Tạo Tượng Công Đức nói: "Nếu ai lúc lâm chung, thốt lên lời nói [bảo người khác] tạo tượng, thậm chí [tượng được tạo] chỉ nhỏ như hạt lúa mạch, đây là đại mạch, tức là nói tạo tượng, tượng rất nhỏ, nhỏ như hạt lúa đại mạch, rất nhỏ. "có thể trừ tội trong mười ức kiếp sanh tử suốt ba đời, có mười một công đức". Tạo tượng nhỏ như hạt lúa cũng có công đức to lớn như vậy, huống chi là tạo tượng Phật, Bồ Tát lớn? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Có lẽ ngày nay có một số người đọc thấy lời này nên tranh nhau tạo tượng Phật lớn, tạo tượng Bồ Tát lớn, họ tạo tượng như vậy có thể có công đức lớn như vậy không? Như đoạn trước có nói, nếu là bất tịnh tài thì sẽ chẳng có công đức này. Thế nên tạo tượng nhất định phải cân nhắc khả năng của mình, miễn cưỡng tích tụ rất nhiều tiền tài bất tịnh thì tượng này tạo không đúng như pháp.
Do đó tạo tượng thì mọi người đều có thể tạo, công đức có được lại không giống nhau. Là cái gì không giống? Nơi phát tâm tạo tượng của bạn, chỗ khởi tâm, tại sao khởi tâm niệm muốn tạo tượng này, động cơ của bạn ở đâu. Nếu tượng này đích thật sẽ làm cho mọi người trồng thiện căn, khởi phát tâm Hiếu của mọi người thì công đức này rất lớn. Nếu động cơ là vì muốn trang nghiêm đạo tràng của mình, tỏ rõ đạo tràng này thù thắng hơn nơi khác, trong ấy có tâm cao thấp, nhà Phật gọi là tâm cao hạ, giống như tranh đua vậy, tâm như vậy không tốt, tâm đó là tâm háo thắng. Tâm háo thắng tuy có công đức rất lớn, tương lai sẽ sanh vào cõi nào? Cõi A Tu La, đường Tu La, kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta phước báo lớn nhất là A Tu La ở cõi Trời, kế đó là A Tu La cõi người, kế đó là A Tu La cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, bốn cõi này đều có A Tu La, chỉ có địa ngục là chẳng có A Tu La. Do đó A Tu La đọa vào cõi nào thì dùng cõi đó để xưng tên. Trong kinh Phật thường gọi là năm cõi (ngũ thú), năm cõi chẳng kể A Tu La, A Tu La ở cõi nào thì tính là cõi đó. Nói sáu cõi thì chỉ A Tu La [riêng rẽ]. Có thể thấy trong kinh Phật thường nói 'Nhân địa chẳng thật sẽ chiêu cảm được quả cong quẹo' 10[10], sơ phát tâm của chúng ta là gì? Vì sao lại làm như vậy? Cho nên chân chánh tạo tượng là vì phát triển hoằng dương Phật pháp, đem lợi ích cho chúng sanh, công đức ấy sẽ lớn.
Phía sau ngài nói mười một thứ công đức đều liệt kê ra trong đó, mỗi công đức đều có nghiệp nhân của nó, đều có nhân duyên, nhất định phải tương ứng với nhân duyên, duyên tương ứng, có nhân ắt có duyên, sau đó mới có quả báo.
Thứ nhất là 'Thế thế nhãn mục thanh khiết' (Đời đời mắt trong sạch), tại sao mắt trong sạch? Thường thường nhìn hình tượng Phật, Bồ Tát nên có được quả báo này. Cho nên khi chúng ta hiểu được đạo lý này xong, trong nhà của các cư sĩ, quý vị sắp đặt phòng khách của quý vị, đừng treo đồ vật tùm lum, chẳng có ý nghĩa gì hết; cũng đừng treo những bức họa viết chữ của các người nổi danh, đều nhiễu loạn tâm tình. Nên treo gì? Treo hình tượng Phật, Bồ Tát. Bốn phía trong phòng khách đều có thể treo, bất luận ngồi ở đâu bạn cũng có thể thấy tượng Phật, nhất tâm niệm Phật. Nếu chuyên tu Tịnh Độ, nói thật ra, chọn ra một tượng Phật, bốn phía đều treo tượng giống nhau. Giống như Niệm Phật Đường trong Cư Sĩ Lâm hiện nay của chúng ta, toàn bộ đều treo tượng A Di Đà Phật, hình như đã treo hơn một trăm tấm, một trăm, hai trăm tấm bạn đều nhìn thấy. Bất luận đầu bạn xoay về hướng nào thì cũng đối diện A Di Đà Phật, ở nơi ấy tu hành, mắt nhất định đời đời thông minh, được quả báo mắt được thanh khiết, quý vị nghĩ coi phải là đạo lý này hay không?
Thứ hai 'Sanh xứ vô ác' (Nơi sanh chẳng có việc ác), sự việc trong đời này đều do nhân ta tạo đời trước, chúng ta thọ nhận quả báo, nhân đời này chúng ta tu rất thù thắng, thì đời sau, đời sau nữa nhất định sanh đến hoàn cảnh rất tốt, chẳng thấy những hình tượng ác, cũng chẳng nghe âm thanh ác, đây là phước báo.
Thứ ba 'Thường sanh quý gia' (Thường sanh vào nhà tôn quý) Quý là tôn quý, nhà tôn quý không nhất định là phú quý, chẳng nhất định là giàu có, có đức hạnh là tôn quý. Bạn sanh đến nhà này, người cha người mẹ, tổ tiên đều tích đức, háo thiện tích đức, bạn sanh vào nhà như vậy. Đây là gì? Cảm ứng đạo giao, tâm hạnh mình thiện thì nhất định là thiện cùng thiện cảm ứng. Tuy đức Phật trong kinh nói cha mẹ cùng con cái có bốn thứ duyên: 'báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ', đây là một nguyên tắc. Trong đời quá khứ duyên đã kết quá nhiều quá nhiều, nói cách khác, duyên có thể làm cha mẹ, làm con cái rất nhiều, rốt cuộc chọn duyên nào để làm cha mẹ? [Việc này] liên quan đến tập tánh thiện ác. Nếu thường thường ngắm nhìn tượng Phật, thường thường xưng danh hiệu Phật, duyên người ấy lựa chọn nhất định sẽ là thiện duyên.
Thứ tư 'Thân như tử ma kim sắc' (Thân có màu vàng tía), đây là hình dung thân tướng đẹp, lục căn đầy đủ, chẳng khuyết, thân tướng tốt.
Thứ năm 'Phong nhiêu trân ngoạn' (Nhiều vật đồ chơi quý báu) đây là nói phú quý, sanh hoạt của bạn giàu có, đầy đủ. Nếu đời sống chẳng giàu có thì không thể có những đồ chơi quý báu này. Trong các thứ đồ quý này, phạm vi được nói đến cũng rất rộng. Nhà háo thiện háo đức tuyệt chẳng sưu tập những thứ người thường xem, những thứ trân kỳ, hiếm có, những đồ quý này. Nhà người có đức hạnh, có học vấn sưu tập điển tịch, họ hưởng thọ những thứ này. Như hiện nay thì rất thuận tiện dễ dàng, hiện nay kỹ thuật ấn loát tiện lợi, thời xưa có nhà nào có thể có một bộ Đại Tạng Kinh? Không thể nào. Kinh điển thời xưa, đầu thời Dân Quốc vẫn còn ấn loát bằng cách khắc ván, ấn loát chẳng dùng mực dầu mà dùng muội tùng 11[11], có lẽ quý vị chưa từng thấy qua, muội của trái tùng. Hiện nay Kim Lăng Khắc Kinh Xứ đã dùng mực dầu, chẳng dùng muội cây tùng. Thời xưa những cuốn sách ấy, dùng tay sờ thì tay dính chất đen giống như bột vậy, dùng muội cây tùng chà lên [bản khắc ván] rồi ép lên giấy, in một cuốn như cuốn kinh Địa Tạng này, sợ rằng mỗi người phải tốn thời gian cả một ngày vì phải in từng trang một. Sau đó đóng thành sách, cắt cho ngay ngắn, thật chẳng dễ, do đó giá thành của sách sẽ rất cao, chẳng phải là người giàu có thì chẳng mua nổi, số lượng lại rất ít. Hiện nay thuận tiện rồi, là chụp hình làm bản [kẽm để in] có thể ấn loát, lưu thông số nhiều.
Năm đầu Dân Quốc, lúc đó tôi biết ở quê tôi, tỉnh An Huy này, nghe nói hình như chỉ có hai bộ Đại Tạng Kinh, và một bộ chẳng đầy đủ. Hai bộ đầy đủ, một bộ thiếu, thật chẳng dễ. Những người thường muốn đọc kinh phải vô chùa, vào lầu chứa kinh mượn đọc, không thể mượn ra khỏi chùa, chỉ đọc tại lầu chứa kinh. Lầu chứa kinh giống như thư viện vậy, muốn đem về nhà đọc bạn phải tự chép tay, chép xong rồi trả lại, tạng kinh này không được ra khỏi cửa. Hiện nay kỹ thuật ấn loát phát đạt, chữ thâu nhỏ nên một bộ Đại Tạng Kinh, như Long Tạng (Đại Tạng Kinh in thời vua Càn Long), hiện nay chúng ta in thành 160 cuốn, giá rất thấp, trong nhà có thể thỉnh một bộ, đây là trân bảo! 'Tứ Khố Toàn Thư' thì quá lớn, nhưng Tứ Khố Tập Yếu rất tiện lợi, thời xưa chỉ có nhà vua mới có thể cất giữ, hưởng thọ, hiện nay dân gian chúng ta cũng có thể. Đài Loan in lại bộ Tứ Khố Tập Yếu, một bộ giá năm mươi vạn đồng Đài Loan, giá tương đối rẻ, số lượng gồm có 500 cuốn sách bìa cứng đẹp, tương đương với hai, ba bộ Đại Tạng Kinh, đây là trân bảo! Đây là sách đáng để cất giữ, tự mình có thể thọ dụng, có thể dạy đời sau. Thế nên 'phong nhiêu trân ngoạn' chẳng phải một số đồ cổ bằng ngọc, những thứ ấy chẳng có lợi ích thật sự gì cả. Thật sự có lợi ích là những kinh sách kể trên, là những lời dạy của cổ thánh tiền hiền.
Thứ sáu: 'Sanh hiền thiện gia' (sanh vào nhà lành, hiền). Phía trước nói thường sanh quý gia, chú trọng ở chữ 'thường', quả báo này chẳng phải chỉ một đời, công đức lợi ích được kéo dài nhiều đời, như phía trước nói sanh một trăm lần lên trời Đao Lợi. [Công đức] thứ sáu 'sanh hiền thiện gia' khác với phía trước là, phước báo đương nhiên từng đời thua kém đời trước một chút. Nếu mỗi đời họ đều chịu tu thì phước báo sẽ vĩnh viễn kéo dài không dứt, nhất định phải nhờ vào tu đức, sanh hiền thiện gia.
Thứ bảy 'Sanh đắc vi vương' (sanh được làm vua) đây là hưởng thọ phú quý nhân gian.
Thứ tám 'Tác Kim Luân Vương' (Làm Vua Kim Luân)
Thứ chín 'Sanh Phạm thiên', tầng lớp này càng ngày càng cao, hoàn toàn coi bạn tu phước lớn hay nhỏ, tu phước lớn nhỏ chẳng ở chỗ tạo tượng lớn hay nhỏ, phải hiểu đạo lý này. [Lớn nhỏ] ở nơi tâm tu phước của bạn lớn hay nhỏ, tâm lượng bạn lớn, tạo tượng nhỏ thì công đức cũng lớn; tâm lượng nhỏ, tạo tượng lớn thì phước cũng nhỏ. Do đó lớn nhỏ chẳng dựa trên tượng lớn hay nhỏ, mà ở tại tâm lớn hay nhỏ, ở tại tâm địa nhiễm hay tịnh, nhất định phải hiểu đạo lý này. Phật pháp thật sự là pháp bình đẳng, nếu nói tôi tạo tượng lớn thì phước sẽ lớn, tượng nhỏ thì phước nhỏ, vậy thì chỉ có người có tiền, có thế lực mới tu được phước lớn, người nghèo chẳng thể tu phước báo, như vậy thì chẳng bình đẳng. Trong Phật pháp [tất cả] đều bình đẳng, có khi người nghèo tu phước còn vượt trội phước của người giàu tu gấp nhiều lần, [lớn nhỏ] là ở tại tâm thanh tịnh, phải hiểu đạo lý này.
Thứ mười 'Bất đọa ác đạo'
Thứ mười một 'Hậu sanh hoàn năng kính trọng Tam Bảo' (Đời sau còn có thể kính trọng Tam Bảo) điều này rất quan trọng! Mười điều trước đều nói về quả báo, điều này là nhân. Đây là việc Phật pháp nói quả sẽ chẳng bỏ sót nhân, nói nhân thì nhất định sẽ nói đến quả báo, cách nói như vậy mới viên mãn. Đời sau vẫn còn kính trọng Tam Bảo, có thể thấy phước đức này của họ có thể kéo dài, chẳng phải một đời liền hưởng hết.
Hiện nay chúng ta quan sát những người có phước báo trong thế gian này, bạn quan sát cặn kẽ, phước báo của họ hầu như rất mau hết, thọ mạng đời này còn chưa hết thì phước báo của họ đã hết rồi. Ở nước ngoài chúng ta thấy rất nhiều công ty sụp đổ, phá sản, tuổi họ cũng chẳng lớn lắm, đó là lúc hưởng phước chẳng biết tu phước. Người thế gian thật sự rất ít kẻ có thể kéo dài phước báo tới hai đời, ba đời. Hiện tại là một đời bản thân chính mình có thể hưởng phước một đời, người như vậy đã là rất ít rồi. Thường thường là thời gian hưởng phước rất ngắn, lúc hưởng phước chẳng biết tu phước, lúc hưởng phước chẳng biết làm lợi ích cho xã hội chúng sanh, cho nên thời gian họ hưởng phước rất ngắn ngủi. Điều này rất quan trọng, lúc hưởng phước nhất định phải biết tu phước, phải biết phước này từ đâu tới. Trong kinh đức Phật nói, có thể nói hoàn toàn là cảnh giới của phàm phu.
Tiền tài, có một ai không mong cầu tiền tài? Trong tâm cầu tiền tài, tham tiền tài, như vậy là sai, chẳng biết tiền tài có được là do bố thí tài vật. Chân chánh hiểu rõ đạo lý này, có tiền tài thì dốc toàn tâm toàn lực để bố thí, bố thí một cách vô điều kiện, thật sự chẳng phải cân nhắc hiệu quả của sự bố thí, chẳng cần suy nghĩ về việc này. Tôi bố thí là việc tốt, cứu giúp người ta, đương nhiên chúng ta chẳng phải trực tiếp đi cứu giúp, nhất định là có một số người giúp đỡ, chúng ta giao cho người ta làm việc này. Nếu người ta đem tiền này đi làm việc khác, hoặc lấy đi hưởng thụ, thì đó là nhân quả của họ, chẳng liên quan gì với mình. Tâm tôi phát là thuần chánh, phước tôi được sẽ viên mãn. Nếu bạn còn cân nhắc, sợ tiền cứu trợ bị người ta lấy mất, chẳng dám làm, nói cách khác duyên để bạn tu phước đã bị đoạn dứt, trở thành người chẳng có phước. Trong tâm cứ thường lo âu, cứ nghĩ đến những chuyện được, chuyện mất, tương lai cảm quả báo ngu si, chẳng có trí huệ.
Cho nên chúng ta dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi để tu phước, đương nhiên chúng ta cũng phải xem xét người mình nhờ đi làm chuyện phước thiện này, nếu không lựa chọn, không xem xét thì mình không có tội, nhưng có lỗi lầm. Nếu người mình nhờ [làm phước này] đáng tin cậy, rất ổn thỏa thì phước báo sẽ viên mãn; nếu người mình nhờ chẳng đáng tin cậy, bạn vẫn có phước báo, nhưng phước này không viên mãn, chẳng phải là không có phước báo. Nhân quả trong ấy rất phức tạp, chẳng dễ giảng cho rõ được, chư vị phải học nhiều, đọc kinh điển nhiều, suy nghĩ thêm, dần dần bạn sẽ khai ngộ, bạn sẽ hiểu được, biết mình nên làm thế nào để tu phước. Làm cho mình đời nào kiếp nào cũng thật sự được hạnh phúc mỹ mãn, đời sống vật chất chẳng thiếu thốn, không thiếu tức là có phước báo, không cần nhiều quá; thông minh trí huệ, khoẻ mạnh sống lâu, đời sau có thể có hoàn cảnh sinh sống tốt hơn. Tây phương Cực Lạc thế giới thật sự là hoàn cảnh sinh hoạt rốt ráo viên mãn. Chúng ta hiểu rồi, biết rồi thì trong đời này nhất định phải dốc hết tâm, hết sức để làm việc này cho bằng được. [Ngoài việc] cầu sanh tây phương Cực Lạc thế giới ra, những việc khác đều có thể buông bỏ, trong đời này chúng ta tu học, nhân duyên quả báo mới có thể đạt đến viên mãn.
Hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top