Tập 16

Tập 16 (Số 14-12-16)

Xin mở Khoa Chú, quyển trung, trang số bốn, kinh văn hàng thứ hai:

Hữu đại địa ngục, hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh Đại A Tỳ.

Có đại địa ngục hiệu là Cực Vô Gián, lại có địa ngục tên là Ðại A Tỳ.

Hôm qua đã giới thiệu đến chỗ này, ý tứ ở trong ấy rất sâu, rất rộng, nói rõ thì thật ra nói chẳng hết. Nhưng chúng ta cần phải hiểu những chỗ quan trọng, nguyên nhân tạo thành địa ngục là gì, tại sao phải thọ những quả khổ trong ấy? Ðiểm này vô cùng quan trọng, Trong kinh Ðịa Tạng Thập Luân nói 'tội Ngũ Nghịch' là cực ác, phía sau sẽ nói tường tận về tội Ngũ Nghịch.

'Giết cha, giết mẹ', ơn đức cha mẹ quá lớn, sanh mạng của ta có được là nhờ cha mẹ. Nếu chúng ta có thể quán sát kỹ càng, cha mẹ chăm sóc cho con thơ cẩn thận đến cùng cực, từ lúc sơ sanh đến ba tuổi, đứa con chẳng thể rời khỏi mẹ, được sự quan tâm, bảo bọc của mẹ từng giờ, từng phút nên mới có thể không tổn thương tánh mạng. Còn người cha, hiện nay trách nhiệm của người làm cha chẳng bằng người thời xưa. Thời cổ người làm cha chẳng những phải dạy lúc trẻ còn nhỏ, lúc còn bồng ẵm, lúc mẹ mang thai là phải dạy rồi, đó là thai giáo, như vậy mới làm tròn trách nhiệm của người cha. Thế nên ân đức to lớn của cha mẹ, trong thế pháp chẳng có gì sánh nổi. Chẳng biết ân đức thì chẳng biết báo ân, vậy mà còn sát hại, tội này cực nặng, đọa 'Cực Vô Gián', đọa 'Ðại A Tỳ'.

Tội nghiệp thứ hai là 'Giết A La Hán', A La Hán là thánh nhân tu hành chứng quả, làm thầy cho trời và người, làm phước điền chân chánh cho thế gian, nơi Ngài trụ là nơi để cho hết thảy chúng sanh trồng phước. Nếu bạn giết A La Hán tức là hủy diệt phước điền của chúng sanh, những người ở vùng đó sẽ chẳng có phước báo, bởi vậy nên tội này rất nặng. Giết A La Hán chẳng kết tội với một vị A La Hán, mà kết tội với những chúng sanh ở địa phương đó, cho nên tội này rất nặng. Thế gian hiện nay chẳng có A La Hán? Chúng ta tin chắc chắn cũng phải có La Hán 'ứng chân'. Hóa thân của Phật, Bồ Tát trong thế gian cũng rất nhiều, đâu thể nói không có A La Hán? Nhưng phàm phu chúng ta nhận chẳng ra, bạn muốn tìm A La Hán để giết cũng chẳng tìm ra. Tuy vậy có tội tương đương, tương đương nghĩa là tội ngang bằng với tội giết A La Hán, tội ngang bằng này là tội giết ai? Thiện tri thức. Người có đức hạnh, có học vấn, và từ bi giáo hóa chúng sanh ở địa phương đó, giết hại hạng người như vậy thì cũng tương đương với giết hại A La Hán, tội này rất nặng. Không những không được giết hại, ngay cả tội hủy báng cũng chẳng nhẹ, đây là việc chúng ta nhất định phải biết rõ. Thế gian có nhiều người vô tri, cố ý hoặc vô ý hủy báng những vị thiện tri thức. Vô ý là chẳng biết, cố ý tức là có dụng tâm, cốt ý, trong đó đố kỵ chiếm phần lớn. Hiện nay còn có một số người có sách lược làm thế nào nâng cao thân phận của mình trong xã hội, nâng cao mức nổi danh của mình, nâng cao danh vọng của mình, dùng phương pháp gì? Họ phê phán, bài bác người có tiếng tăm, được nhiều người kính ngưỡng ở địa phương đó, do vậy nên họ được nổi danh. Ðây là cố ý, tạo các tội nghiệp trong địa ngục Vô Gián, A Tỳ. Ðây là tâm tà ác cùng cực, họ chẳng sợ nhân quả báo ứng, chỉ vì một chút danh lợi, ích lợi trước mắt mà dám tạo ra tội nghiệp cực nặng này, đây là nghiệp nhân của địa ngục Vô Gián.

Tội nghiệp thứ ba là 'làm cho thân Phật ra máu'. Hiện nay Phật chẳng còn tại thế, nhưng cũng có tội tương đương, đó tức là dùng ác tâm phá hoại hình tượng của Phật, bất luận là tượng đúc bằng xi măng, khắc bằng gỗ, hoặc làm bằng kim loại, hoặc là tranh vẽ nên hình tượng của Phật, Bồ Tát, là dùng tâm sân hận phá hoại, tội này chính là tội Ngũ Nghịch. Nếu là vô ý làm tổn hoại thì là 'lỗi lầm', chẳng phải là 'tội', vậy thì còn nhẹ. Nếu là vô ý thì sám hối cũng được! Có thể sám hối. Nếu là ác ý thì không thể sám hối.

Tội chót 'phá hòa hợp tăng', tức là phá hoại Tăng Ðoàn. Tăng đoàn hòa hợp thật ra rất khó gặp được, ở đây cũng có tội tương đương. Phá hoại tín ngưỡng của người khác, phá hoại tâm nguyện của người khác, phá hoại sự tu học của người khác cũng bằng với tội phá hòa hợp tăng; tội này cũng rất nặng, chúng ta không thể không biết. Trong ấy cũng có vô ý và cố ý, phải biết chỗ khác nhau. Cố ý là ác ý, vô ý là chẳng hiểu rõ những lý luận, chân tướng sự thật này. Thí dụ như trong kinh thường nói đến 'tự tán hủy tha', tự mình tán thán pháp môn tu học của mình, cứ mặc tình hủy báng những pháp môn khác, cũng là tội nghiệp loại này. Hiện nay ở nhiều nơi trong thế gian chúng ta nghe nói những người tạo tội nghiệp, tạo những tội nghiệp này. Chúng ta nhất định phải hiểu: Phật, Bồ Tát thuyết pháp là ứng cơ mà thuyết, cho nên Phật pháp không có định pháp. Kinh Bát Nhã nói rất rõ ràng: "Không những Phật chẳng có định pháp có thể nói, ngài cũng chẳng có pháp để nói". Thậm chí nói đến rốt ráo, nếu có người nói Phật thuyết pháp tức là báng Phật. 

Nói đến đây, chúng ta phải thâm nhập, thấu hiểu kỹ càng những lời khai thị này của Phật, từ đó bạn mới không tạo tội báng pháp nữa. Vì đó là ứng cơ ban cho sự giáo huấn. Căn tánh của tôi và căn tánh của bạn chẳng hoàn toàn tương đồng, nghĩa là cùng tu pháp môn Tịnh Ðộ, cùng niệm A Di Ðà Phật nhưng cũng chẳng giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là như thế nào? Tôi thích truy đảnh 8[8] niệm Phật: A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, .., niệm từng câu tiếp theo nhau thật nhanh. Người kia thích niệm chầm chậm, A .. Di .. Ðà .. Phật .., hai người này sẽ chẳng giống nhau, cả hai đều có thể vãng sanh. Người này nói cách niệm của mình chính xác, cách kia của bạn chắc chắn là sai, vậy thì chẳng phải là cãi lộn rồi sao? Chẳng giống nhau! Thế nên phải hiểu rõ đạo lý này. Cùng bịnh cảm, khi thầy thuốc ra toa đương nhiên phần lớn toa thuốc sẽ giống nhau nhưng có chút sai khác, sẽ có chỗ chẳng giống nhau. Bạn uống thuốc của bạn lành bịnh rồi, khi nhìn thấy toa thuốc [của người kia] có một vài vị khác, bạn bèn phê bình họ, sai rồi, thể chất của họ khác với thể chất của bạn. Cùng một toa thuốc, cùng một thầy thuốc, nhưng phân lượng cho tôi khác với lượng của bạn. Cho tôi dùng ba tiền 9[9], cho bạn thì bốn tiền, như vậy mà hai người phải đánh nhau sao? Rốt cuộc là ai đúng, ai sai? Vì thể chất chẳng giống nhau [nên mới có sự sai khác như thế]. Phật giảng kinh thuyết pháp độ chúng sanh cũng giống như vậy, do đó nếu bạn nói cái này đúng, cái kia sai thì bạn đã báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Tại sao? Hết thảy kinh đều do Phật nói ra, vậy là bạn báng Phật; bạn tùy tiện phê bình kinh điển, lấy bộ kinh này phê bình bộ kinh kia, lấy kinh kia phê bình kinh này, vậy là báng Pháp; người y chiếu kinh luận tu hành chứng quả là Tăng. Bạn tùy ý phê bình, hủy báng Tam Bảo tạo nên tội nghiệp Vô Gián, tạo tội này, đây đều là ngu mê, vô tri. Chúng ta phải hiểu rõ.

Các vị Tổ Sư đại đức, chúng ta thấy trong chú sớ của họ có phê bình, chúng ta dám học theo không? Chẳng dám, họ phê bình là có đối tượng, ứng theo căn cơ mà nói. Quý vị đã nghe các công án trong Tông Môn, ngài Nam Tuyền chém mèo, bạn dám làm không? Bạn gặp mèo liền giết nó, gặp chó liền giết nó, bạn dám làm không? Ngài Ðan Hà có thể chẻ tượng Phật bằng gỗ ra để làm củi, bạn có thể làm như vậy không? Tại sao ngài làm như vậy? Vì ngài có người đương cơ, hành động này của ngài có thể làm cho người đó khai ngộ, làm Phật, thế nên ngài chẳng phạm tội. Nếu chúng ta chẻ tượng Phật ra để làm củi thì chúng ta sẽ phạm tội nặng 'làm cho thân Phật ra máu', ngài [Ðan Hà] chẳng phạm tội. Ngài là nhân vật như thế nào, chúng ta làm sao dám làm những chuyện như vậy? Do đó nhất định phải hiểu rõ việc này. Lúc trước học Phật có đạo thầy trò, cũng như chúng ta học Phật có bảo đảm, giống như con nít hai ba tuổi có cha mẹ chăm sóc. Hiện nay học Phật chẳng có người chăm sóc, con nít hai ba tuổi làm chuyện gì, sống chết gì nó cũng chẳng biết, khi gặp nguy hiểm đến nỗi mất tánh mạng nó cũng chẳng biết. Hiện nay người học Phật chúng ta cũng giống như vậy, bạn nói có đáng sợ hay không!

--------------

8[8] Niệm truy đảnh: Khi dùng cách này, nên niệm nho nhỏ tiếng, mỗi chữ mỗi câu đều kế tiếp nhau liên tỏa chặt chẽ, thành hình thế chữ sau đuổi theo chữ trước, câu nọ gối đầu câu kia nên gọi là Truy Đảnh. Áp dụng phương thức như thế, nhờ sự kín đáo bền chặt, trung gian không xen hở, nên tạp niệm không có chỗ len vào. Dùng đến pháp này, thì tình ý khẩn trương, tâm miệng dũng tiến, oai lực của chánh niệm bao trùm tất cả, khiến cho nghiệp tưởng vô minh tạm thời chìm lắng, ánh mầu Tam Muội bộc phát chiếu xa. Từ xưa người tu tịnh nghiệp trong lúc tình tưởng mênh mang rối loạn, thường dùng cách thức này. (Trích Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm)

9[9] tiền là một đơn vị đo lường bằng 5 gram ở Đại Lục hay 3.7 gram ở Đài Loan và Hương Cảng.

----------

Ðức Phật hiểu rõ tình trạng của chúng sanh trong thời Mạt Pháp, biết sự khổ nạn của chúng sanh đời Mạt pháp cho nên từ bi đến cùng cực, đặc biệt dạy bảo chúng sanh đời Mạt Pháp. Kinh Ðại Tập dạy chúng ta 'Chúng sanh thời Mạt Pháp thì Tịnh Ðộ thành tựu', đây là một lời khai thị chính yếu, quan trọng. Chúng ta sanh vào thời Mạt Pháp, chúng ta học Phật nên lựa chọn pháp môn nào, Phật nói 'Tịnh thành tựu', chúng ta chọn pháp môn Tịnh Ðộ, đây là tuân theo lời di giáo của đức Phật. Phật còn dạy 'Tứ Y Pháp' cho người đời sau, để chúng ta chẳng đến nỗi đi sai đường, chẳng có bạn lành chăm sóc, chúng ta tuân giữ Tứ Y Pháp thì tuyệt sẽ chẳng đi sai đường. Thứ nhất là 'Y Pháp chẳng y Người', Pháp là kinh điển, nhất định phải dùng kinh điển làm y cứ, kinh là do Phật nói ra.

Thứ hai là dạy chúng ta 'Y Nghĩa chẳng y Ngữ', câu này vô cùng quan trọng! Tại sao? Tránh cho người đời sau tranh luận vì kinh điển. Phật biết kinh điển sẽ được lưu thông toàn thế giới, nhất định phải nhờ phiên dịch, cùng một bộ kinh, cùng một nguyên bản chữ Phạn, người dịch chẳng giống nhau, văn tự, câu văn, ý tứ trong đó đương nhiên sẽ có sai khác. Thí dụ ngày nay chúng ta coi dịch bản của kinh Kim Cang, trong Ðại Tạng Kinh có đến sáu bản dịch khác nhau cho kinh Kim Cang, bản hiện nay mọi người chọn là bản của ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch. Nếu chư vị đối chiếu sáu bản dịch này, văn tự trong ấy chẳng giống nhau, ý tứ thì phần lớn giống nhau, có chút ít sai khác. Rốt cuộc là bản nào dịch đúng, chỗ nào dịch sai? Ðây không phải là phiền phức hay sao. Thế nên Phật dạy chúng ta 'Y nghĩa không y lời nói (ngữ)', như vậy mới được, ý tứ đúng là được rồi, lời nói thêm vài câu, ít đi vài câu chẳng sao. Phiên dịch dùng chữ này, dùng chữ kia cũng chẳng sao, chỉ cần ý nghĩa đúng là được, tránh khỏi rất nhiều tranh luận.

Ðặc biệt là kinh Vô Lượng Thọ, hiện nay có chín bản: năm bản dịch gốc, ba bản hội tập, và một bản tiết hiệu (chọn lọc và tóm tắt) của Bành Tế Thanh. Nếu chúng ta hiểu được phải y theo nghĩa chứ không y theo ngữ thì sẽ chẳng xảy ra tranh luận, chẳng cần phải bám sát một bản nào. Sự tu học của chúng ta có thể kiên trì dùng một bản, nhưng đối với những bản khác nhất định cũng phải tôn trọng, tuyệt đối chẳng phê bình; chúng ta chẳng có tư cách để phê bình, chẳng có khả năng phê bình. Thế nên Tứ Y Pháp của Phật dạy quan trọng ghê lắm!

Thứ ba, đức Phật dạy chúng ta 'Y Liễu Nghĩa, chẳng y Bất Liễu Nghĩa'. Liễu Nghĩa là gì? Ðời này nhất định có thể thành Phật, đây là Liễu Nghĩa rốt ráo. Mức thấp nhất cũng phải trong đời này siêu việt lục đạo luân hồi thì mới tính là liễu nghĩa. Nếu sự tu học của bạn trong đời này chẳng thể siêu việt tam giới lục đạo, vẫn phải luân hồi trong lục đạo, môn học của bạn chẳng liễu nghĩa. Bất luận tu được giỏi đến đâu, bạn chẳng thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, nói cách khác bạn chắc chắn không tránh khỏi quả báo tam đồ, đây là đạo lý nhất định, thế nên sẽ không có thành tựu. Muốn thoát ly lục đạo luân hồi, kinh luận Ðại Thừa và Tiểu Thừa đều cùng một đạo lý, đều phải đoạn Kiến Tư phiền não. Bạn có thể đoạn nổi không? Kiến Tư phiền não truy đến cội rễ thì phải theo một nguyên tắc: phá ngã chấp; đối với pháp thế và xuất thế gian nếu bạn còn chấp trước như vậy thì phá nổi không? Không nổi! Ðây là điều chư vị đều rõ ràng cả rồi. Phá chấp trước thì bạn sẽ thoát khỏi tam giới; phá phân biệt thì bạn sẽ thoát khỏi thập pháp giới; đoạn sạch vọng tưởng thì bạn sẽ cứu cánh viên mãn thành Phật. Trong kinh điển Ðại Thừa đức Phật đã nói quá nhiều về đại đạo lý này. Phật nói bịnh căn của chúng ta là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chư vị thử nghĩ coi chúng ta có những thứ này không? Việc này không thể không hiểu rõ, nhất định phải y theo kinh Liễu Nghĩa.

Ngày nay nói về liễu nghĩa, không những là liễu nghĩa mà phải là liễu nghĩa rốt ráo. Kinh Vãng Sanh hiện nay tức là năm kinh, một luận của Tịnh Tông. Trong sáu bộ kinh luận này, cứ noi theo bộ nào cũng có thể thành công, đều có thể siêu việt tam giới, siêu việt thập pháp giới, vãng sanh tây phương Tịnh Ðộ, thiệt là chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng bạn y theo bất cứ bộ kinh nào đều phải đừng hoài nghi, hiện nay có người y theo kinh Vô Lượng Thọ, hoài nghi bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, người này thật thà niệm Phật có thể vãng sanh không? Có thể vãng sanh, sanh đến Biên Ðịa Nghi Thành. Ðây là việc nói trong kinh. Bạn phải chân niệm, chân chánh tin tưởng A Di Ðà Phật, thật sự tin tưởng Tịnh Ðộ, bạn còn hoài nghi bản hội tập của kinh này, thì bạn sẽ sanh đến Nghi Thành. Tại sao chúng ta lại làm chuyện như vậy? Bạn hoài nghi bản kinh này thì bạn đừng y theo là được rồi, bạn y theo một trong chín bản kinh cũng được. Thậm chí có thể nói không y theo kinh Vô Lượng Thọ, bạn y theo kinh A Di Ðà cũng được, kinh bản nhiều như vậy, y theo bất kỳ một bản nào cũng có thể vãng sanh. Nhưng đối với những kinh khác nhất định đừng hoài nghi để tránh khỏi phải đọa vào Biên Địa Nghi Thành, việc này có lợi ích to lớn đối với mình. Thế nhưng trong tâm người thông minh, có trí huệ, có phước đức hiểu rõ pháp môn niệm Phật của Tịnh Tông trong những năm gần đây tại sao có thể hoằng dương rộng rãi đến khắp thế giới, làm cho rất nhiều người sanh khởi lòng tin, phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, đó là do nhân duyên gì tạo thành vậy? Là do bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư tạo thành đấy, đây là sự thật.

Nếu chúng ta hiểu được sự thật này, nếu bạn hủy báng bản hội tập thì tội nghiệp mà bạn đã tạo chắc chắn sẽ là A Tỳ địa ngục, có thể tránh khỏi không? Niệm Phật có thể vãng sanh không? Không thể. Tại sao không thể? Nghiệp chướng, tập khí quá nặng. Tuy niệm A Di Ðà Phật nhưng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước một tơ hào cũng chẳng đoạn, lại còn phạm lỗi lầm nghiêm trọng là hủy báng Tam Bảo. Vậy thì phải đọa địa ngục trước, tội báo địa ngục chịu hết rồi thì khi ra khỏi địa ngục, gặp được duyên, trong A Lại Da thức vẫn còn hạt giống A Di Ðà Phật, lại bắt đầu niệm tiếp tục. Chuyện này nói ra chẳng kỳ lạ gì cả, trong đời quá khứ chúng ta đã từng làm qua, chúng ta đã từng đọa địa ngục, chịu tai nạn trong vô lượng kiếp, tội báo đó chịu hết rồi, đến đời này mới được thân người, gặp được pháp môn này. Nghĩ đến chuyện làm khờ dại lúc trước, chịu đựng những khổ nạn, trong lòng quá sợ. Bây giờ chúng ta đã [tỉnh ngộ] quay trở về, hiểu rõ rồi, sẽ không làm những chuyện khờ dại này nữa.

Do đó bất luận những người hủy báng tôi, sỉ nhục tôi, hãm hại tôi, thậm chí sát hại tôi, tôi cũng đều chắp tay tán thán, cảm ân mến đức, chẳng có một chút oán hận nào cả, tại sao vậy? Vì tôi hiểu được Tây phương Cực Lạc thế giới là nơi những người tốt lành nhất tụ hội, tôi phải tập thành tiêu chuẩn tốt lành nhất thì mới đến được Tây phương Cực Lạc thế giới, được đại chúng hoan nghinh. Chẳng có một tí ác ý nào cả. Ðối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật chỉ có một tâm 'cảm ân mến đức'.

Nếu bạn hỏi những người hãm hại mình, thậm chí sát hại mình có ân đức gì đối với mình mà phải cảm ân họ, báo đáp họ. Có ân đức đấy. Họ hủy báng, sỉ nhục, hãm hại cũng giống như thầy giáo ra bài thi vậy, họ ra bài cho mình thi, cửa ải này thông qua rồi, làm sao không có ân đức cho được? Nếu không có bài thi này, mình chẳng biết công phu của mình rốt cuộc đã đến giai đoạn nào? Chẳng thể biết được. Nếu hủy diệt mình, mình càng cảm tạ họ. Tại sao? Sớm một ngày đến Cực Lạc thế giới, họ đã đưa mình đi. Thế gian này quá khổ rồi, phước báo trí huệ của bạn quá lớn, đừng ở đây chịu khổ nữa, hãy đi mau. Vậy thì làm sao không có ân đức cho được? Chết sớm thì vãng sanh sớm, chết sớm thì hưởng phước sớm, ân đức đó quá lớn! Tội, phước, thiện, ác đều ở tại một niệm. Thế nên bạn có một niệm giác ngộ, đến đâu tu phước, có chỗ nào chẳng phải là nơi tu phước? Lúc nào không phải là lúc tu phước? Chuyện nào không phải là chuyện tu phước? Vấn đề là bạn giác ngộ hay không giác ngộ? Thế nên chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác đối với hết thảy chúng sanh chỉ có một tâm cảm ơn. Những Ðăng Ðịa đại Bồ Tát đều tri ân báo ân, cùng với quan niệm và tư tưởng của phàm phu chúng ta đích thực là chẳng giống nhau.

Ngoài tội Ngũ Nghịch như trong các kinh đã nói ra, kinh Thập Luân cũng như kinh [Địa Tạng] này đều có nói [bốn tội đọa địa ngục nữa]. Phật còn bảo Tăng Hộ 10[10], ngài nói có chín hạng người thường đọa A Tỳ đại địa ngục, ngoài ngũ nghịch còn thêm bốn loại. Thêm bốn loại, thứ nhất là 'Ăn đồ của Tăng' (Thực Tăng Vật), ăn đồ của người xuất gia. Chúng tôi nghe xong rất sợ, rất nhiều cư sĩ tại gia đến đạo tràng và ăn đồ của người xuất gia, như vậy thì phải làm sao? May là Tịnh Tông Học Hội và Cư Sĩ Lâm đều là đạo tràng của người tại gia, chúng tôi là người xuất gia đến ăn đồ của người tại gia. Ðây là nói về Thập phương Thường Trụ, cách ăn như thế nào. Ăn với cái tâm trộm cắp, tâm tham, vậy thì sẽ có tội. Nếu bạn đến chùa rồi người chủ trì mời bạn ăn, như vậy thì không có tội.

Chư vị đều biết trong tự viện, tòng lâm trước kia có rất nhiều cư sĩ đến cư trú (quải đơn). Nếu chư vị coi những tự viện tòng lâm lớn ở Trung Quốc đại lục có phân ra Nội Viện và Ngoại Viện, Nội Viện là nơi người xuất gia trú, còn Ngoại Viện là nơi cư sĩ ở. Vì chế độ xã hội thời xưa chẳng giống thời nay, hồi xưa là thời đại nông nghiệp, thời gian nhàn rỗi trong xã hội nông nghiệp rất dài, trong thời gian chẳng làm lụng, canh tác, mọi người có thời gian rảnh rỗi, rất nhiều người vào chùa ở cả mấy tháng. Vô chùa làm gì? Nghe kinh, niệm Phật, tham thiền.

Vô chùa để 'thảo đơn', tức là xin phép được 'quải đơn' (ở lại) trong chùa, chùa sẽ giao một phần công việc cho người này làm, nếu vậy thì ăn trong chùa sẽ không có vấn đề gì cả, như vậy chẳng phải là ăn miễn phí. Phần lớn những người đọc sách (học trò) được giao công việc chép kinh, hồi xưa chẳng có ấn loát, chỉ có thể chép tay. Những người đọc sách đến chùa ở, chùa hoan nghinh bạn, bạn giúp chùa chép kinh thì tạng kinh trong lầu Tàng kinh sẽ phong phú hơn. Vốn chỉ có một bộ kinh, nếu bạn chép một bộ thì sẽ thêm được một bộ, chép hai bộ thì tàng kinh thêm được hai bộ. Do đó công việc của phần đông những người đọc sách quải đơn trong chùa nhất định sẽ là chép kinh.

Nếu không phải là chép kinh thì sẽ được phân phối một số công việc nặng nhọc hơn, thí dụ như quét dọn, giúp việc trong nhà bếp, nhà xay giã gạo. Vì thời xưa chúng trụ trong chùa rất nhiều, đời sống cũng khó khăn, trong nhà bếp nấu nướng bằng củi chụm, củi chụm phải có người đốn củi, đốn xong đem về phải chẻ ra, đây là những công việc nặng nhọc. Gạo đều là gạo lứt, gạo gặt về là thóc, phải xay thành gạo, [đó là] gạo lứt, lại phải giã cho trắng, đều cần nhân công. Do đó xin quải đơn trong chùa hơn phân nửa là phải làm những công việc này. Thế nên đi vào chùa ở thật là phước huệ song tu, như vậy thì không có vấn đề gì cả. Nếu bạn vào chùa ăn không (miễn phí) thì tội này nặng lắm. Chuyện 'thực Tăng vật' phải giảng cho rõ, nếu không giảng rõ thì mọi người sẽ sợ và chẳng dám đến chùa nữa.

Thứ hai là 'Phật vật', tùy tiện dùng những phẩm vật cúng Phật, tội này rất nặng. Thế nên hết thảy phẩm vật đều cúng Phật, cúng Tăng trước, sau đó chúng ta mới thọ dụng. Thứ ba là 'giết cha', thứ tư 'giết mẹ', thứ năm 'giết A La Hán', thứ sáu 'phá hòa hợp Tăng', đây là những tội trong tội Ngũ Nghịch, thứ bảy là 'phá tỳ kheo tịnh giới', xúi giục, sai khiến tỳ kheo phạm giới sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Thứ tám là 'phạm tịnh hạnh ni', nếu xâm phạm tỳ kheo ni thanh tịnh sẽ phải đọa địa ngục A Tỳ. Thứ chín là 'làm Nhất Xiển Đề'. Nhất Xiển Đề là Phạn ngữ, nghĩa là người chẳng có thiện căn. Chúng ta thường gọi là trong tâm tràn đầy tà ác, mỗi niệm đều tương ứng với tà tri, tà kiến, mười nghiệp ác, do đó nói họ chẳng có thiện căn.

Phật nói chín hạng người này thường thường ở trong địa ngục. Chư vị phải biết sau khi ra khỏi địa ngục, họ còn tập khí ác, cho dù đời trước tu có phước báo nên được thân người, nhưng tập khí này vẫn còn. Dường như họ không làm ác thì rất khó chịu vậy, rất khó sống qua ngày. Ðây là tâm ác, ý ác, lời ác, hành động ác tạo thành một thứ tập quán, như vậy dễ sợ vô cùng. Cho nên thời gian sanh đến cõi người, cõi trời chẳng lâu dài, họ lại tạo tội nghiệp, mất đi thân người rồi thì họ phải vào địa ngục trở lại. Kinh này nói rất tường tận về chuyện này, làm mệt nhọc Ðịa Tạng Bồ Tát, ngài thật là vô cùng từ bi.

'Kinh Chánh Pháp Niệm' nói cái khổ ở địa ngục A Tỳ vượt trội gấp ngàn lần mười địa ngục lớn. Trong kinh chúng ta thường nói đến tám địa ngục lạnh, tám địa ngục nóng, mười tám tầng địa ngục, [so ra thì] cái khổ ở địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián vượt hơn không phải chỉ cả ngàn lần thôi đâu. Thọ mạng ngắn thì là một kiếp, nói cho chư vị biết, một kiếp này là đại kiếp chứ không phải tiểu kiếp. Tạo những nghiệp nhân địa ngục rất dễ dàng, sau khi đọa địa ngục muốn thoát ra quá khó, quá khó! Thế nên chúng ta phải hiểu, phải rõ ràng, phải ghi nhớ những nghiệp nhân quả báo này, những chuyện này muôn vàn không nên làm, tuyệt chẳng nên tham một chút lợi lộc trước mắt mà tạo ra những tội nặng như vậy.

Ðọc 'kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện' nâng cao cảnh giác của mình, cảnh giác cao độ. Do đó nói thật ra phải thường đọc kinh này, chúng ta phải đọc như đọc Giới kinh. Giới kinh: nửa tháng phải tụng giới, mỗi nửa tháng phải niệm một lần. Căn tánh người hiện nay chẳng giống với người thời xưa, nửa tháng chẳng còn hiệu quả nữa, một ngày ấm mười ngày lạnh. Thế nên tôi yêu cầu các đồng tu niệm Phật, mỗi ngày sau khi tụng kinh buổi tối xong, phải đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Văn Xương Ðế Quân Âm Chất Văn một lần, gộp nó chung vào khóa tối. Số chữ trong hai bài này không nhiều, gộp hai bài lại cỡ chừng hai ngàn chữ, không nhiều lắm. Ðọc nó coi như đọc Giới Luật, mỗi ngày đều tự nhắc nhở mình, từng giờ từng phút phản tỉnh thì mới giữ cho thân người khỏi đọa ác đạo. Xin xem tiếp:

Phục hữu địa ngục danh viết Tứ Giác. Phục hữu địa ngục danh viết Phi Ðao. Phục hữu địa ngục danh viết Hỏa Tiễn. Phục hữu địa ngục danh viết Giáp Sơn. Phục hữu địa ngục danh viết Thông Thương. Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Xa. Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Sàng. Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Ngưu . Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Y. Phục hữu địa ngục danh viết Thiên Nhẫn. Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Lư. Phục hữu địa ngục danh viết Dương Ðồng. Phục hữu địa ngục danh viết Bão Trụ. Phục hữu địa ngục danh viết

Lưu Hỏa. Phục hữu địa ngục danh viết Canh Thiệt. Phục hữu địa ngục danh viết Tỏa Thủ. Phục hữu địa ngục danh viết Thiêu Cước. Phục hữu địa ngục danh viết Ðạm Nhãn. Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Hoàn. Phục hữu địa ngục danh viết Tranh Luận. Phục hữu địa ngục danh viết Thiết Phu. Phục hữu địa ngục danh viết Ða Sân.

Lại có địa ngục tên là Tứ Giác11[11]. Lại có địa ngục tên là Phi Ðao. Lại có địa ngục tên là Hỏa Tiễn. Lại có địa ngục tên là Giáp Sơn. Lại có địa ngục tên là Thông Thương. Lại có địa ngục tên là Thiết Xa. Lại có địa ngục tên là Thiết Sàng. Lại có địa ngục tên là Thiết Ngưu. Lại có địa ngục tên là Thiết Y. Lại có địa ngục tên là Thiên Nhẫn. Lại có địa ngục tên là Thiết Lư. Lại có địa ngục tên là Dương Ðồng. Lại có địa ngục tên là Bão Trụ. Lại có địa ngục tên là Lưu Hỏa. Lại có địa ngục tên là Canh Thiệt. Lại có địa ngục tên là Tỏa Thủ. Lại có địa ngục tên là Thiêu Cước. Lại có địa ngục tên là Ðạm Nhãn. Lại có địa ngục tên là Thiết Hoàn. Lại có địa ngục tên là Tranh Luận. Lại có địa ngục tên là Thiết Phu. Lại có địa ngục tên là Ða Sân.

Ðịa Tạng Bồ Tát giảng danh hiệu của địa ngục, nói cho chúng ta 22 loại, đây là nói sơ lược, nếu nói kỹ thì nói chẳng hết. Ngài nói 'Lại có' tức là nói rõ những địa ngục phụ thuộc của địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián, chủng loại quá nhiều, chỉ nói sơ lược mà thôi. Thứ nhất gọi là Tứ Giác (Bốn Cạnh), kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói nghiệp nhân quả báo của địa ngục này. Ngài nói có người thật sự chẳng phải là người tu hành, ở Trung Quốc thì Sa Môn là danh từ người xuất gia chuyên dùng, nhưng ở cổ Ấn Ðộ thì khác. Thời cổ Ấn Ðộ người tại gia hay xuất gia gì đều xưng là Sa Môn, thế nên xưng là Sa Môn không nhất định là người xuất gia. Ðịnh nghĩa của Sa Môn là 'cần tức', nghĩa là siêng tu Giới Ðịnh Huệ, diệt trừ tham, sân, si. Người như vậy thì được gọi là Sa Môn, thế nên tại gia, xuất gia đều có thể dùng. Nhưng sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, Sa Môn biến thành danh từ người xuất gia chuyên xưng, người tại gia chẳng gọi là Sa Môn. Người ấy chẳng phải là người xuất gia, tự mình xưng là xuất gia thì tội này rất nặng, đây là mạo danh người xuất gia. Ðiều này chúng ta thật sự phải đề cao cảnh giác, cảnh giác cao độ. Ngày nay chúng ta đã xuất gia rồi, có thật sự phải là người xuất gia hay không? Ngày nay chúng ta đã thọ giới rồi, có thật sự là đã thọ giới chăng? Chẳng có. Ðiểm này nếu chúng ta tự xưng là Tỳ Kheo thì tội sẽ nặng, tội nghiệp cực nặng.

Trong các vị tổ sư Tịnh Tông, Ngẫu Ích đại sư triều Minh thật rất phi thường! Ngẫu Ích đại sư là hạng người gì? Chẳng ai biết. Nhưng Ấn Quang đại sư thì chúng ta biết, ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát hóa thân tái lai. Di Đà Kinh Yếu Giải là do ngài Ngẫu Ích soạn, Ấn Quang đại sư tán thán cuốn Yếu Giải này, ngài nói: "Cuốn Di Đà Kinh Yếu Giải này dù cho cổ Phật tái lai làm thêm chú giải cho kinh Di Đà cũng chẳng thể vượt trội hơn cuốn này được" , tán thán đến cùng cực vậy. Năm xưa lúc tôi ở đây, Diễn Bồi pháp sư hỏi tôi, ngài nói: "Lời này của Ấn Quang đại sư có phải đã nói quá lố hay không? Làm sao có thể tán thán như vậy?". Tôi thật thà trả lời ngài, tôi nói: "Chẳng quá đáng đâu. Tôi đã đọc Yếu Giải, cũng đã giảng hết mấy lần, đích thật là vô cùng hiếm có, tôi khẳng định cách nói của Ấn Quang đại sư". Ngẫu Ích đại sư là ai? Nếu chẳng phải A Di Đà Phật tái lai thì nhất định phải là hạng như Quán Thế Âm Bồ Tát.


Phật, Bồ Tát tái lai, ngài đến thị hiện ở đời Mạt pháp, thị hiện xuất gia, thọ giới, ngài hiểu Giới Luật, đương thời cũng có người xưng ngài là luật sư. Ngài kết luận cho chúng ta rằng ở Trung Quốc từ Nam Tống trở về sau chẳng còn tỳ kheo nữa. Chúng ta muốn thọ giới, Giới Kinh giảng về giới tỳ kheo, tối thiểu phải có năm tỳ kheo chân chánh truyền giới thì bạn mới đắc giới. Nam Tống trở về sau đã không có tỳ kheo rồi, thì chúng ta làm sao đắc giới được? Thế nên Ngẫu Ích đại sư tự thọ giới xong, ngài ở trước Phật, Bồ Tát trả lại giới, chẳng đắc được, trước hình tượng của Phật, Bồ Tát cầu thọ giới Sa Di. Cả đời ngài tự xưng là 'Bồ Tát Giới Sa Di', đây là thân phận của ngài. Thế nên phong phạm của Ngẫu Ích đại sư thị hiện làm gương mẫu cho chúng ta, chúng ta phải biết học theo.

Học trò của ngài, đồ đệ của ngài là pháp sư Thành Thời, sau khi Ngẫu Ích đại sư viên tịch, tất cả trước tác đều do pháp sư Thành Thời chỉnh lý, khắc bản in lưu thông, đây là đại công thần của Ngẫu Ích đại sư. Thầy đã tự xưng là Sa Di nên học trò chẳng dám xưng là Sa Di, ngài Thành Thời tự xưng là 'xuất gia Ưu Bà Tắc', đây là Danh phù hợp với Thật, chẳng phạm lỗi lầm. Ngày nay chúng ta là thân phận gì, thật sự làm trọn vẹn xuất gia Ưu Bà Tắc là tốt lắm rồi, có thể làm trọn ngũ giới thập thiện, thì chúng ta tức là đệ tử của Di Đà. Đệ tử tại gia tu tập ngũ giới thập thiện, chúng ta cũng tu ngũ giới thập thiện, chúng ta là thân phận xuất gia tu ngũ giới thập thiện, phải hiểu rõ địa vị chân chánh của chúng ta là xuất gia Ưu Bà Tắc. Trong kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo có nói thời Mạt Pháp chẳng có tỳ kheo truyền giới, từ nơi đâu đắc [giới]? Trên luân tướng 12[12] đắc được, Chiêm Sát luân tướng, Ngẫu Ích đại sư dùng Chiêm Sát luân tướng để cầu Bồ Tát giới Sa Di. Người xưa cẩn thận, nghiêm cách như vậy là có đạo lý.

Đến những năm đầu Dân Quốc, Hoằng Nhất đại sư là vị mọi người đều tôn kính, ngài tu Tịnh Độ, đối với giới luật cũng rất có nghiên cứu. Ngài có diễn giảng ở Mân Nam Phật Học Viện, sưu tập trong Hoằng Nhất Đại Sư Giảng Diễn Lục, chư vị có thể xem được. Ngài khuyên người xuất gia chúng ta không thể không thọ giới, thọ một hình thức, nhưng tự mình nhất định phải biết là chẳng đắc giới. Tại sao phải thọ giới trên hình thức này? Để khỏi bị người thế gian hiềm nghi bạn chẳng thọ giới, chúng ta thọ giới này (tức Cụ Túc Giới) trên hình thức. Tự mình phải hiểu rõ rằng mình chẳng đắc giới, chẳng phải là thọ xong giới tỳ kheo thì thành tỳ kheo, thọ xong Bồ Tát giới thì thành Bồ Tát, đâu có chuyện đơn giản như vậy? Thế nên trong Lục Tức của tông Thiên Thai chúng ta là tỳ kheo gì? Là Danh Tự Tỳ Kheo, có danh vô thật, phải hiểu thân phận này. Hoằng Nhất đại sư cả đời cũng tự xưng là Xuất Gia Ưu Bà Tắc, danh phù hợp với thật, như vậy mới đúng. Tự mình chẳng đắc giới, tự mình chẳng trì giới, mà tự xưng là tỳ kheo thì là vọng ngữ, đại vọng ngữ, Tứ Giác địa ngục có thể sẽ có phần mình.

Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa, chúng ta gọi 'nghiệp nhân' là nghiệp duyên, [đó là] 'nghe, xem ca vũ'. Người thế gian gọi là giải trí, chỗ vui chơi, chúng ta không đi đến những chỗ đó. [Y phục của] người xuất gia Trung Quốc có một việc tốt, người xuất gia mặc y phục này mà đi coi ca múa trong rạp hát, người ta sẽ mắng bạn, tự mình bạn cũng xấu hổ chẳng dám đi. Còn hòa thượng, người xuất gia Nhật Bản đi [đến những chỗ ấy] thì bạn nhìn không thấy, họ mặc âu phục, giày tây. Còn cà sa họ để ở đâu? Để trong túi áo. Cà sa của họ có lẽ chỉ lớn cỡ ba tấc, lúc làm Phật sự thì lấy ra đeo lên cổ, lúc không cần dùng thì cuốn lại, bỏ vào túi áo. Họ mang giày tây, bạn chẳng nhìn ra, họ đến những chỗ ấy thì người khác nhìn không ra. Chúng ta thì không được, một khi chúng ta vừa vào chỗ đó, mọi người sẽ chẳng coi ca múa nữa, mà sẽ lại 'coi chúng ta', [sẽ hỏi] tại sao Thầy lại đến đây?

Thế nên y phục này không thể sửa đổi, có tác dụng rất lớn. Ở Đài Loan có người đã từng đề xướng sửa đổi y phục này, rất may là có một số lão hòa thượng kiên trì, nhất quyết không chịu đổi. Thế nhưng bạn không đi xem, trong máy truyền hình (TV) có rất nhiều chương trình này, hiện nay rất nhiều đạo tràng có TV, đây đều là việc phiền phức. Bạn nhìn thấy những biểu diễn ca vũ, nếu bạn chẳng khéo quán sát, sanh tâm ái nhiễm, thì sẽ đọa địa ngục này. Người khéo quan sát sẽ coi như thế nào? Mộng huyễn, bọt, bóng, như sương cũng như chớp, càng đề cao cảnh giác. Từ trên màn ảnh có thể thấu hiểu được, có thể quán sát cả đời người, cả vũ trụ chỉ là một màn hát, đều là giả, chẳng phải thiệt. Khéo quán sát thì ngay nơi ấy bạn có chỗ [giác] ngộ; nếu chẳng khéo quán sát, sanh khởi nhiễm tâm tham ái thì phiền phức lớn lắm.

'Tứ Giác địa ngục', trong kinh nói cho chúng ta, xung quanh là tường sắt bao bọc, sắt đều đốt đỏ rực, địa ngục là một biển lửa. Lửa từ bốn góc phun ra, con người trong ấy bị lửa đốt, bị lửa nung nấu, địa ngục cũng giống như một nồi lớn, đã thiêu cháy đỏ rực rồi còn tiếp tục phun lửa, ngày đêm chẳng gián đoạn. Trong chú giải của Thanh Liên đại sư, ngài nêu lời giảng của bộ Lập Thế A Tỳ Đàm Luận [về địa ngục Tứ Giác này], ngoài ra còn [nêu thêm] một nghiệp nhân [của địa ngục ấy]. Đời quá khứ lúc còn ở loài người, có khi tự mình làm, có khi kêu người khác sát sanh, phần đông người ta nói dùng dao để chặt, để bằm, bạn bằm chém tay, chân, đầu của những loài súc sanh, tạo tội nghiệp này cũng sẽ đọa vào Tứ Giác địa ngục để thọ báo. Thí dụ giết gà, gà đã giết rồi, đã chết xong rồi chặt thân nó ra, nó có đau khổ không? Thần thức còn chưa lìa khỏi, vẫn còn cảm giác. Nếu gặp một loại gọi là quỷ giữ thi thể, thế nào gọi là quỷ giữ thi thể? Chấp trước cứng chắc vào thân phận của nó, chẳng chịu lìa khỏi, thế thì phiền phức sẽ rất lớn. Sau khi nấu chín, khi bạn ăn nó, nó cũng cảm thấy đau khổ. Đó là một loại chúng sanh chấp trước cứng chắc vào thân của nó, làm sao nó không căm hận cho được? Tội nghiệp của bạn tạo bao lớn? Những chuyện này thật ra đức Phật chẳng nhẫn tâm nói, tuyệt đối chẳng phải dọa người. Chỉ có kẻ thiện căn sâu dầy, nghe lời Phật dạy xong bèn có thể tin tưởng, mới thật sự chọn ăn chay, trong đời này tuyệt chẳng ăn thịt chúng sanh, tuyệt chẳng sát hại chúng sanh. Những gì đã làm lúc trước thì thật lòng sám hối. [Đã làm] sai rồi! Siêng tu phước huệ, hồi hướng cho các oán gia, chủ nợ, hy vọng mình thành Phật đạo, những oán gia chủ nợ này sẽ cùng mình thành Phật. Phải phát chân tâm, chân nguyện, chân thật tu hành! Vậy thì những oán gia chủ nợ này sẽ chẳng tạo phiền phức cho bạn, sẽ chẳng gây chướng ngại cho bạn. Tại sao vậy? Khi bạn thành tựu thì họ sẽ được hưởng lây, nếu họ gây chướng ngại cho bạn thì họ sẽ hại họ. Nếu chúng ta làm giả dối, chẳng chân thật, những oán gia chủ nợ này dứt khoát sẽ chẳng tha cho bạn, trừ phi chẳng tìm được cơ hội thì thôi, một khi đã nắm chắc cơ hội thì họ sẽ đến báo thù.

Thứ hai là 'Phi Đao (Đao Bay) địa ngục', tức là Đao Luân địa ngục, bốn bên đều là núi đao, trên không trung còn có đao luân (bánh xe có đao). Đao luân này chẳng phải chỉ có một cái, mà là vô lượng vô số cũng giống như mưa vậy, từ không trung rớt xuống, người trong địa ngục này sẽ bị thân thể bằm nát, tan xương nát thịt. Nghiệp nhân này là đời quá khứ trong cõi người sát sanh buông tuồng, đều là quả báo của sát nghiệp, bạn sát hại nhiều chúng sanh thì bạn phải thọ khổ ở địa ngục này. 

Thứ ba là 'Hỏa Tiễn địa ngục', tiễn, thời xưa cung tên có lửa, từng mũi tên lửa này bắn vào thân tội nhân, trong kinh nói 'một ngày một đêm có sáu trăm ức lần chết đi sống lại'. Hình phạt trong địa ngục nếu thọ xong bèn chết thì tốt lắm! Đó là chuyện vui lớn nhất, vì chết xong bèn lìa khỏi địa ngục. [Thật ra thì] họ sẽ chẳng chết, chết xong trong địa ngục bị gió thổi một cái liền sống lại, sống lại để thọ báo tiếp tục. Thế nên trong địa ngục thật là cầu sanh chẳng được, cầu chết cũng không xong, phải thọ chịu những tội báo này. Trong kinh nói nghiệp nhân của họ là lúc còn ở thế gian ngu si, tham dục nặng nề, chẳng hiếu thuận cha mẹ, chẳng tôn kính sư trưởng, chẳng thể tùy thuận thiện giáo, sát hại hết thảy chúng sanh, cho nên bị quả báo này.

Thứ tư là địa ngục Giáp Sơn (Núi Kẹp), người đi giữa hai hòn núi, núi khép vào nhau [ép dẹp những tội nhân này], chịu hình phạt như vậy. Cũng có kinh gọi là 'Chúng Hiệp địa ngục', nhiều núi hợp vào nhau [ép tội nhân]. Kinh nói tội nhân trong địa ngục sợ ngục tốt, đầu trâu mặt ngựa cầm những 'lang nha bổng' 13[13] đuổi theo các tội nhân, tội nhân sợ hãi nên chạy vào núi trốn, núi này ép lại, không ai chạy thoát. Trong kinh diễn tả hai hòn núi khép lại, người ở chính giữa bị ép dẹp, xương thịt bầy nhầy, máu chảy thành sông.

Chúng ta coi quả báo này thì phải nghĩ đến nghiệp nhân, họ tạo nghiệp nhân gì? Nghiệp nhân này vô cùng phức tạp, rất nhiều ác nghiệp cảm thành quả báo như vậy. Con người không chỉ trong một đời mà là trong vô lượng kiếp đã tạo quá nhiều ác nghiệp, cho nên đọa vào địa ngục là quả báo chung, hết thảy những tội nghiệp của bạn ở đó nhận chịu quả báo cho đến hết. Nói theo lý thì sau khi ra khỏi địa ngục thì sẽ thành người tốt, nghiệp chướng đã tiêu hết. Không sai, nghiệp chướng đã hết, nhưng tập khí vẫn còn, phiền phức ở chỗ này, tập khí vẫn còn sót lại. Nếu bên trong có phiền não tập khí, bên ngoài lại chịu không nổi sự dụ dỗ của ác duyên ngũ dục lục trần, vậy thì rắc rối lớn lắm, lại bắt đầu tạo nghiệp nữa. Ra khỏi rồi lại tạo tội tiếp tục, bạn nói như vậy thì chịu sao nổi! Nhân quả tuần hoàn, dây dưa chẳng dứt.

Địa ngục Thông Thương (Thương Đâm) còn gọi là địa ngục Kiếm Diệp (Lá Kiếm), 'thương' là một loại 'đao thương' 14[14] thời xưa. Nghiệp nhân vẫn là sát sanh, trong đó bao gồm hết thảy chiến tranh, đặc biệt là những nghiệp báo mặc tình giết người, sát hại hết thảy chúng sanh trong chiến tranh. Địa ngục Thiết Xa (Xe Sắt), kinh Lăng Nghiêm nói 'Tư báo kết vào hơi thở thì thành xe lửa15[15]', cũng còn gọi là địa ngục Hỏa Xa (Xe lửa). Xe bằng sắt, đốt đỏ rực lên, tội nhân dùng gân của mình, rút gân của mình để làm dây kéo chiếc xe này, phía sau có các quỷ tốt đốc thúc, xua đuổi. Kinh Hiền Ngu có nói đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào thời quá khứ đọa vào địa ngục này, vài người kéo chiếc xe sắt, lúc nhìn thấy một người bị rút gân vô cùng đáng thương, đau khổ, đức Phật Thích Ca phát tâm từ bi, hỏi quỷ tốt có thể rút thêm một sợi gân cho người ấy không? Quỷ tốt thấy Phật Thích Ca như vậy bèn lấy 'lang nha bổng' đánh chết ngài, đánh chết xong ngài bèn thoát ly địa ngục. Trong địa ngục khi khởi một tâm niệm thiện bèn vượt thoát ra ngoài, lúc khởi tâm thiện ấy, ngục tốt nhìn thấy ghét nên đánh cho bạn chết, bạn bèn vượt thoát địa ngục.Thế nên bạn phải hiểu đạo lý này, chúng ta là người niệm Phật A Di Đà, mỗi tâm niệm đều tương ứng với Phật, nếu có người đánh chết chúng ta, chúng ta bèn siêu sanh, tức là đến Cực Lạc thế giới, siêu việt lục đạo luân hồi, bạn làm sao có thể oán hận họ được? Cám ơn còn không kịp, đây là thật chẳng phải giả. Niệm niệm đều tương ứng với tây phương Tịnh Độ, niệm niệm đều tương ứng với các điều thiện, tây phương Cực Lạc thế giới là nơi 'những người thượng thiện tụ hợp', mỗi niệm tâm địa đều thuần thiện, chẳng có một tí ác ý gì cả, chúng ta mới nắm chắc việc vãng sanh, một tí gì cũng chẳng hoài nghi. Tâm thiện, lời nói thiện, hành vi thiện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đâu có đạo lý nào chẳng sanh được! Người như vậy không sanh Tịnh Độ thì người như thế nào mới sanh Tịnh Độ được? Thế nên chúng ta phải nắm chắc lấy sự vãng sanh tây phương Tịnh Độ, cách làm như vậy không sai. Đối với hết thảy người, sự, vật ở thế gian đều vui vẻ, đều cảm ân, chẳng có một tơ hào oán hận, ý niệm đối địch, như vậy mới tốt.

Thứ bảy là địa ngục Thiết Sàng (Giường Sắt), cái giường này cũng bị lửa đốt, người thọ hình phạt nằm trên giường, giống như hiện nay chúng ta nói thiêu trên bảng sắt, còn nghiêm trọng hơn thiêu bảng sắt rất nhiều. Thiêu trên bảng sắt còn thiêu chưa đỏ, còn giường này thì thiêu đến đỏ rực. Trong kinh Phật nói hình phạt loại này hơn phân nửa đều là quả báo tà dâm, dâm dật. Thứ tám là địa ngục Thiết Ngưu (Trâu Sắt), kinh văn phía sau có nói đến. Thứ chín là địa ngục Thiết Y (Áo Sắt), là y phục dệt bằng sắt, cũng là thiêu đỏ rực cho tội nhân mặc, tội nhân mặc áo này toàn thân đều bị đốt khét lẹt. Trong kinh nói với chúng ta nghiệp nhân này là trong đời quá khứ trong cõi người dùng roi vọt làm tổn thương chúng sanh hữu tình, tạo tội báo này. Ngoài ra là xuất gia phá giới, hưởng thọ lòng tin của tín đồ cúng dường y phục, thọ quả báo này.

Cổ đức có hai câu nói rất hay: 'Nay thấy ca sa rời thân, tương lai áo đơn 16[16] sắt trói thân' là nói về quả báo của địa ngục này. Cho nên 'dưới chiếc cà sa mất thân người', chúng ta đắp chiếc cà sa này tạo tội nghiệp. Cà sa là dấu hiệu của Phật pháp, đắp lên cà sa là có sứ mạng, trách nhiệm tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh. Chúng ta lấy dấu hiệu của Phật nhưng chẳng làm công tác này, như vậy thì dưới lớp cà sa đánh mất thân người, tương lai sẽ thọ quả báo trong địa ngục Thiết Y.

Thứ mười là Thiên Nhẫn (Ngàn Mũi Nhọn), nhẫn là đao nhẫn, mũi dao nhọn bén. Kinh Quán Phật Tam Muội có nói đây là một số chúng sanh chẳng thuận theo lời dạy của thầy, phản sư bội đạo, chẳng biết ân đức. Trộm cắp, hãm hại thầy giáo, sỉ nhục, chọc phá thầy giáo, thậm chí hủy báng đánh giết, tạo những ác nghiệp này sẽ đọa địa ngục Thiên Nhẫn. Ngoài nghiệp nhân này, hoặc là Sa Môn, Bà La Môn 'làm chuyện phi pháp', làm chẳng đúng như pháp, 'chẳng xấu hổ'. Dùng ác tâm phá hoại Tam Bảo, thí dụ như phá hoại đạo tràng, tượng Phật, tháp miếu, đoạt giựt pháp vật. Sát hại chú ruột, cha mẹ, anh em, chị em, người tạo tội nghiệp trên khi mạng chung đều đọa địa ngục này. Thiên Nhẫn, trong mũi dao đều nảy ra lửa, Đao Nhẫn này cũng giống như Đao Luân nói phía trên, từ không trung rơi xuống như hạt mưa, người [bị rơi trúng] đều tan xương nát thịt. Thứ mười một là địa ngục Thiết Lư (Lừa Sắt), thứ mười hai là địa ngục Dương Đồng (Nước Đồng Sôi), Dương Đồng là tội báo của khẩu nghiệp, hay là quả báo của việc ăn uống, đây thuộc về khẩu nghiệp. Dương đồng ác khẩu, đây là đồng thiêu lỏng rồi cho tội nhân uống, sau khi đồng chảy vào miệng xong, ngũ tạng lục phủ gì cũng bị thiêu đốt hết.

Thứ mười ba là địa ngục Bão Trụ (Ôm Trụ), đây cũng là địa ngục Bào Lạc. Cây trụ, trụ sắt đốt cháy đỏ rực xong để cho tội nhân ôm, trong kinh đức Phật nói đây là chúng sanh ngu si trong thế gian nhiễm ái tà dâm, đọa vào địa ngục này, địa ngục này vô cùng tàn khốc. Đầu năm Dân Quốc, cư sĩ Chương Thái Viêm làm phán quan cho Đông Nhạc đại đế, ông đọc kinh [khá nhiều] và cảm thấy địa ngục Bão Trụ này quá tàn nhẫn, đã từng thỉnh cầu Đông Nhạc đại đế xin phế bỏ hình phạt này. Đông Nhạc đại đế bèn phái hai tên tiểu quỷ dẫn ông đến chỗ đó coi, coi xong về rồi nói tiếp. Tiểu quỷ dẫn ông đến địa ngục này nhưng ông chẳng nhìn thấy gì cả, lúc đó ông mới vỡ lẽ. Ông mới hiểu đây là do nghiệp lực của mình biến hiện ra, nếu ông không có nghiệp lực này thì không nhìn thấy. Mới biết tự làm tự chịu, chẳng phải do vua Diêm La lập ra hình phạt cho tội nhân thọ chịu, thế nên vua Diêm La cũng chẳng thể làm gì được.

Cảnh giới địa ngục là do tự mình biến hiện mà ra, do nghiệp lực hiện ra, chẳng liên quan gì đến những quỷ vương này. Những kẻ đầu trâu mặt ngựa trong địa ngục, quỷ tốt từ đâu đến? Cũng từ nghiệp lực của mình biến hiện ra. Giống như một người nằm mộng vậy, là cảnh giới như vậy, thế nên mới hiểu rõ đạo lý này. Cảnh giới địa ngục trong đoạn kinh phía trước đã nói rõ, chỉ có hai hạng người có thể nhìn thấy: một là người thọ tội, hai là Bồ Tát vào địa ngục để độ chúng sanh. Bồ Tát có định lực, có công phu có thể đột phá cảnh giới này, họ có thể nhìn thấy. Nếu chẳng phải hai hạng người này thì dù địa ngục ở ngay trước mặt cũng nhìn không thấy. Đây là quả báo của tà dâm. Trong kinh nói một ngày một đêm có chín trăm ức lần sanh tử, sanh tử quả thật là ở trong từng sát na. 

Địa ngục Lưu Hỏa (Lửa Tuôn, lửa từ trên không cuồn cuộn táp xuống), trong Tam Pháp Độ Luận gọi là địa ngục Đại Khốc (Khóc To). Kinh Lăng Nghiêm nói: "Trong hai tướng quả báo của Vị, thì tướng thứ hai là phun ra khí, lửa mạnh tung bay, đốt nứt tan xương tủy" 17[17], đoạn này trong kinh Lăng Nghiêm cũng là địa ngục Lưu Hỏa. Trong địa ngục này nơi đâu cũng là lửa mạnh thiêu đốt, chẳng có đường thoát thân. Quỷ tốt trong đó chẳng có một chút tâm từ bi nào cả, cứ chạy theo phía sau, chẳng có cách chi thoát khỏi, trạng huống khốn khổ rất khó hình dung nổi.

Thứ mười lăm là địa ngục Canh Thiệt (Cày Lưỡi), đây là kẻ tạo khẩu nghiệp, vọng ngữ, nói lưỡi hai chiều, ác khẩu, ỷ ngữ, những người tạo khẩu nghiệp này. Đó là địa ngục Kéo Lưỡi, kéo ra xong còn dùng lưỡi cày để cày. Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ cái lưỡi nhỏ như vậy, còn lưỡi cày lớn như vậy làm sao cày được? Địa ngục là hóa thân, địa ngục bao lớn thì thân hình sẽ lớn như vậy, thế nên khổ báo này chúng ta chẳng thể tư duy, tưởng tượng được. Địa ngục Tỏa Thủ (Chém Đầu), trong Tam Pháp Độ Luận gọi là địa ngục Hoạt (Sống). Trong địa ngục này, những quỷ tốt cầm dao, búa, những binh khí sắc bén chém đầu tội nhân, xẻ thân thể tội nhân. Nghiệp nhân này là gì chúng ta cũng rất dễ tưởng tượng ra, là quả báo sát sanh. Sát sanh ăn thịt, bạn sát hại chúng sanh như thế nào thì khi đến địa ngục này, quỷ tốt cũng sẽ đối xử với bạn như vậy. Nghiệp nhân quả báo tơ hào chẳng sai.

Địa ngục Thiêu Cước (Đốt Chân) còn gọi là Nhiệt Hôi (Tro Nóng). Tro, bạn nhìn thấy dường như tro, thật ra trong đó là lửa, đều đang đốt cháy. Tội nhân từ chỗ này bước qua thì chân, đầu gối, bắp đùi đều bị thiêu đốt. Tội nghiệp này có rất nhiều loại, loại thứ nhất là đời quá khứ trong cõi người đem chúng sanh hữu tình, chúng sanh có sanh mạng đút vào lửa thiêu, đút vào tro nóng để nấu, hoặc trong cát nóng, làm những chuyện này. Hiện nay chúng ta thấy có một số đi du lịch, ở những chỗ gần núi lửa, suối nước nóng, nước và cát đều rất nóng, họ làm chuyện gì? Nấu trứng gà, hai ba phút thì trứng gà chín, trong trứng cũng có sanh mạng vậy. Hiện nay có một số trứng chẳng có cồ, nhưng hồi trước trứng toàn là có sanh mạng trong ấy, sát hại chúng sanh thì bạn sẽ thọ chịu những quả báo này. Nghiệp nhân của quả báo này bao gồm tà dâm, phá giới, đều thọ những quả báo này.

Thứ mười tám là Đạm Nhãn (Ăn Mắt), trong kinh nói rất nhiều nghiệp nhân bất thiện biến hiện ra quả báo này. Bạn thấy trong địa ngục có một số chim sắt, diều hâu sắt chuyên môn ăn mắt của tội nhân, chẳng có cách chi phòng ngừa. Đoạt mất hai mắt của tội nhân, sau đó gió vừa thổi thì người đó sống lại, mắt mọc trở lại, chim đó bay lại ăn nữa. Trong kinh Phật nói nghiệp báo này có liên quan đến nghiệp uống rượu, thích uống rượu, ăn thịt, tạo nên quả báo này. Địa ngục Thiết Hoàn (Viên Sắt), đói thì nuốt viên sắt. Khát thì uống đồng chảy, đói thì nuốt viên sắt, những thứ này đều liên quan đến ăn uống chẳng điều độ.

Hai mươi mốt là Thiết Phu (Rìu sắt). Kinh Trường A Hàm nói trong địa ngục này tội nhân hoảng hốt, bối rối, không có chỗ tránh né. Do nhân gì tạo thành? Oan gia chủ nợ đời trước liên lụy, tuy oan gia chủ nợ chẳng hiện ra, tự nhiên biến hiện ra cảnh giới này. Cảnh giới này có thể [hiện ra] không? Chúng ta tưởng tượng rất có thể, lúc chúng ta tạo tội nghiệp rất nặng, oan gia chủ nợ tuy chẳng tìm đến, tối ngủ nằm mộng thấy những oan gia chủ nợ này tìm đến, sợ toát mồ hôi lạnh, kinh hoàng hoảng hốt, giấc mộng ấy chẳng phải cảnh giới do tự mình biến hiện ra sao? Trong mộng có thể biến ra những cảnh giới ấy, chết rồi ở địa ngục cũng giống như trong mộng vậy, do đó cảnh giới này rất có thể sẽ xảy ra. Chữ Phu (rìu) giống chữ Phủ (rìu), cùng một nghĩa, phần nhiều là thuộc về khẩu nghiệp. Người xưa nói: 'Rìu trong miệng, cho nên chém thân là do lời ác độc ấy', phao tin đồn kiếm chuyện, bươi móc thị phi, hủy báng kẻ thiện, tán thán người ác, phải chịu quả báo này. Rìu sắt, rìu lớn này nặng hơn những dao thường rất nhiều, rìu cũng có lửa, hết thảy những đồ vật bằng sắt, bằng đồng trong địa ngục đều có lửa, một biển lửa. Họ phải đọa vào địa ngục này thọ báo.

Thứ hai mươi Tranh Luận, thứ hai mươi hai Đa Sân (Nhiều sân hận), tánh chất của hai [địa ngục] này tương tợ với nhau, có thể gộp chung để nói, cho nên phía sau chúng ta không y theo thứ tự của chúng. Trong chú giải của Thanh Liên đại sư cũng nói 'Tranh Luận, Đa Sân' tuy là hai địa ngục, nhưng nghiệp nhân của chúng chỉ là một. Tranh luận phát sanh từ tham dục, đố kỵ, vì tâm tham, tâm đố kỵ nên tạo nghiệp sân khuể, cảm đến quả báo này. Bạn ưa thích tranh luận, đọa vào địa ngục sẽ tranh luận chẳng ngừng nghỉ, ngày tháng như vậy rất khổ! Đa sân, sân khuể chẳng dứt, đọa vào địa ngục này. Tam Pháp Độ Luận nói: "Lại vì tội ác, tay tự nhiên sanh vuốt sắt, bén nhọn như lưỡi dao, hình giống nửa mặt trăng. Ai nấy sanh ý oán kết, anh ghét tôi, chèn ép tôi, tôi nay đàn áp lại anh. Do đó sanh tâm sân giận, vồ chụp xâu xé nhau". Câu này nói rõ tội báo chẳng đến từ bên ngoài, đích thật là từ nghiệp lực của chính mình biến hiện ra. Tay tội nhân tự nhiên biến thành dao nhọn bén, trong đó tự mình giết mình, chẳng phải người khác giết hại bạn, lại báo thù bạn.

Trong chú giải, Thanh Liên đại sư tổng kết cho chúng ta hay vô cùng: 'Phải biết hết thảy chư pháp đều là hư dối 18[18]'. Kinh Kim Cang nói: 'Phàm những gì có tướng đều là hư vọng', 'Hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng', Vô Gián, A Tỳ cũng chẳng ngoại lệ. Nhưng người đọa lạc vào trong ấy chẳng giác ngộ, họ xem hư vọng thành chân thật, cũng giống như chúng ta trong thế gian hiện nay vậy. Thế nên bạn phải biết địa ngục là phàm những gì có tướng đều là hư vọng, [còn cảnh giới] hiện tiền của chúng ta thì sao? Hiện tiền cũng là phàm những gì có tướng đều là hư huyễn. Một không thì hết thảy đều không, một vọng thì hết thảy đều vọng, một chân thì hết thảy đều chân, chẳng có đối lập, nếu bạn có đối lập thì sai rồi. Nói 'vọng' thì hết thảy đều là hư huyễn, nói 'chân' thì hết thảy đều là chân thật, vậy mới đúng, mới không trái nghịch nhân quả, chẳng trái nghịch với chân tướng sự thật. 

Từ đó mới biết tuy là một cảnh giới hư vọng chẳng thật, giống như cuộc đời hư huyễn chẳng thật hiện tiền của chúng ta, trong đó chúng ta thật sự có cảm thọ khổ, vui, lo, mừng hay không? Địa ngục là chỗ khổ cùng cực, bạn đến đó phải thọ khổ hay không? Phải thọ. Chỉ có người chân chánh hiểu rõ trạng huống chân thật của lục đạo, thập pháp giới thì không thọ mà thôi. Họ ở trong lục đạo thập pháp giới không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, đó gọi là siêu phàm nhập thánh. Chưa tới cảnh giới này thì bạn vẫn phải thọ, nói cách khác, bạn vẫn còn cho rằng có Ta, có Người, bạn vẫn phải thọ chịu lục đạo luân hồi. Tới khi nào bạn chẳng còn Ta, chẳng còn Người nữa, kinh Kim Cang nói người này 'chẳng có ngã tướng, chẳng có nhân tướng, chẳng có chúng sanh tướng', bạn là Bồ Tát rồi. Bạn ở địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô gián chẳng thọ cái khổ ấy. Có thể đến địa ngục Vô Gián để thị hiện, độ hóa chúng sanh, cũng giống như sự thị hiện của đức Phật Thích Ca trong địa ngục Hỏa Xa vậy.

Người thọ tội, lúc người chịu sự khổ đau cùng cực thì họ chẳng biết hồi tâm chuyển ý, niệm niệm đều rất khổ, họ sẽ chẳng nghĩ đến chuyện khác được. Bồ Tát thị hiện ở nơi đó: tôi rút thêm một sợi gân cho người đó, giảm bớt sự đau khổ của người đó. Lay tỉnh chúng sanh địa ngục [làm cho họ thấy] kẻ khác còn có thể xả mình vì người. Khi chúng sanh trong địa ngục vừa có một ý niệm này thì họ bèn thoát ra, vừa có một tâm niệm thiện bèn siêu việt địa ngục, sự thọ khổ của họ liền giảm nhẹ, thời gian thọ khổ liền rút ngắn. Một tâm niệm thiện, tuy chỉ là một niệm thiện rất nhỏ, đối với họ cũng được lợi ích lớn lao. Thế nên Bồ Tát trong địa ngục thị hiện như vậy. Trong đó chẳng có giáo huấn, họ chẳng có thời gian nghe giáo huấn, và cũng chẳng có tâm tình gì để nghe nên chỉ có thị hiện những thứ như vậy, làm cho họ nhìn thấy giác ngộ. Chư Phật, Bồ Tát ở tất cả chỗ của chúng sanh hữu tình, địa ngục cũng là một chỗ trong ấy, cách thức phương pháp giúp đỡ chúng sanh chẳng giống nhau, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Thế nên Bồ Tát răn dạy chúng sanh, chúng sanh phải nên lìa khỏi hết thảy đấu tranh, phải thật sự làm đến mức chẳng tranh với người, chẳng cầu với đời. Tại sao? Thân tâm thế giới đều chẳng thể được thì bạn tranh cái gì? Cầu cái gì? Thật sự làm được 'không tranh giành, không mong cầu', tâm chúng ta sẽ định, tâm sẽ thanh tịnh, như vậy mới đạt được lợi ích thù thắng chân thật của Phật pháp.

Hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây thôi.

Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.

Xin thành thật cám ơn.

Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 4 tháng 9-2006

--------------

chú thích

10[10] Tăng Hộ (Sangharaksita) là đệ tử của ngài Xá Lợi Phất. Theo Nhân Duyên Tăng Hộ Kinh, Tăng Hộ từng cùng năm trăm thương nhân đi thuyền vào biển cả, trên đường về lạc mất đồng bạn, phải đi một mình, thấy ở ven biển có năm mươi ba địa ngục, vô lượng chúng sanh chịu khổ thảm khốc trong ấy. Về đến nơi, ông bạch hỏi đức Phật, Phật bèn đáp tường tận nguyên nhân thọ khổ của từng địa ngục.

11[11] Tứ Giác: Bốn Cạnh, Phi Ðao: Đao Bay, Hỏa Tiễn: Mũi Tên Lửa, Giáp Sơn: Núi Kẹp,

Thông Thương: Thương Đâm, Thiết Xa: Xe Sắt, Thiết Sàng: Giường Sắt, Thiết Ngưu: Trâu Sắt, ThiếtY: Áo Sắt, Thiên Nhẫn: Ngàn Mũi Dao, Thiết Lư: Lừa Sắt, Dương Ðồng: Nước Đồng Sôi, Bão Trụ: Ôm Cột Đồng, Lưu Hỏa: Lửa Chàm, Canh Thiệt: Cày Lưỡi,Tỏa Thủ: Chém Đầu, Thiêu Cước: Thiêu Chân, Ðạm Nhãn: Ăn Mắt, Thiết Hoàn: Viên Sắt,Tranh Luận: Cãi Cọ, Thiết Phu: Búa Sắt, Ða Sân: Hay Cáu Giận

12[12] Giải thích về luân tướng rất phức tạp, tạm trích dịch đoạn kinh Chiêm Sát mô tả mộc luân như

sau: "Này thiện nam tử! Muốn học về tướng trạng của mộc luân thì trước hết nên khắc gỗ [thành từng khối] to chừng ngón tay út, sao cho kích thước chừng một tấc, khúc giữa khắc thành bốn mặt vuông vắn, còn từ hai đầu thì vạt xéo cho nhỏ dần đi. Ngửa tay gieo sang bên cạnh để dịch chuyển. Do vì nghĩa này nên gọi là luân (tức là có do có thể di chuyển được nên gọi là luân). Lại do tướng này có thể phá hoại lưới nghi tà kiến của chúng sanh, chuyển hướng theo chánh đạo đến chỗ an ổn nên gọi là Luân. Luân tướng có ba thứ sai biệt. Những gì là ba? Một là luân tướng biểu thị những thiện nghiệp đã làm trong đời quá khứ, loại luân này gồm mười khối. Luân tướng thứ hai biểu thị những nghiệp đã tạo được tích góp trong đời quá khứ lâu, gần, mạnh, yếu, lớn, nhỏ. Loại luân này gồm ba khối. Loại luân tướng thứ ba biểu thị sự thọ báo sai biệt trong ba đời. Loại luân này gồm sáu khối. Nếu muốn xem xét thiện nghiệp, ác nghiệp sai biệt đã tạo trong đời quá khứ thì khắc gỗ thành mười luân. Dựa theo mười luân này mà ghi tên Thập Thiện. Mỗi một điều thiện ghi trên một luân, ghi nơi một mặt. Kế đến, ghi

Thập Ác tương ứng với Thập Thiện (ở mặt kia của mỗi luân)..."

13[13] lang nha bổng là một loại binh khí, có hình giống như cái gậy, đầu to, đầu nhỏ, phía đầu to có những mấu nhọn hơi cong, giống hình răng sói, nên có tên này. Loại vũ khí này chủ yếu dùng để phá các loại vũ khí có hình móc như ngô câu kiếm chẳng hạn.

14[14] Tùy theo hình dáng của mũi nhọn gắn trên đầu cán dài mà chia thành thương, sáo, qua, mâu, kích; giáo thường là nhọn như mũi lao. Nói chung thương và kích vừa đâm vừa chém được, sáo và mâu chủ yếu để đâm, qua chủ yếu là chém, kích là loại có tánh sát thương rất mạnh. Đao thương chỉ là loại thương có lưỡi to bản hơn loại thương thường.

15[15] (Tư báo kết tức, tắc vi hỏa xa). "Tư báo" là quả báo do Tư hoặc gây ra. "Xe lửa" là xe có lửa bốc cháy đùng đùng trên ấy, chứ không phải là tàu hỏa

16[16] 'Hiện kiến ca sa ly thể, tương lai thiết điệp triền thân'. Áo đơn là áo ngắn mỏng, thường mặc lót bên trong khi mặc áo dài, khác với áo lót, thường chỉ mặc trong nhà.

17[17] Đoạn kinh này giảng về quả báo của sự tham đắm lục trần, nguyên văn: 'Vị báo nhị tướng trung, nhị giả thổ khí, phi vi mãnh hỏa, tiêu lạn cốt tủy'

18[18] Tu tri nhất thiết chư pháp giai thị hư cuống

-------------


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top