Giang hồ Đất Cảng: Phải dùng B40 diệt băng cướp tàn bạo nhất (kỳ3)
Giang hồ Đất Cảng: Phải dùng B40 diệt băng cướp tàn bạo nhất (kỳ3)
*********
Mỗi tên 1 khẩu AK, 1 khẩu K54, lựu đạn thì cả bọc, băng cướp nhà họ Phạm ở Thuỷ Triều (Thuỷ Nguyên), do Phạm Văn Động cầm đầu là băng cướp nguy hiểm, tàn bạo nhất Hải Phòng từ xưa đến nay.
******
Là đặc công được đào tạo bài bản trong quân đội, vậy nên sau những vụ cướp giết kinh hoàng trên khắp các sông Bạch Đằng, Ruột Lợn, Kinh Thầy, sông Cấm và cả vịnh Hạ Long, việc truy bắt Động cùng đồng bọn gặp vô vàn những khó khăn, nguy hiểm. Trốn trại, lấy “số má” khi “tái xuất giang hồ” bằng việc liền lúc xả đạn làm chết 5 chiến sĩ công an Quảng Ninh, sự điên cuồng, hung bạo của chúng đã được ví như những tên phỉ ở miền sông nước.
---“Ngũ hổ rặng ổi”---
Bị đơn vị “tống” về khi đất nước vừa thống nhất bởi hàng loạt những vấn đề đề liên quan đến đạo đức, sẵn chút võ nghệ học được khi còn ở lính, Động đã nhanh chóng trở thành “thần tượng” của đám trai làng hư hỏng, đặc biệt là mấy đứa em bất trị, ngỗ ngược của mình. Côn đồ, hung hãn, thích giải quyết mọi việc bằng nắm đấm nên từ khi về làng, Động đã thành ác mộng với tất thảy xóm giềng.
Cuối những năm 70, không một vụ đánh lộn, cướp giật nào ở Thuỷ Nguyên và các vùng lân cận lại không có sự tham gia của y cùng đồng bọn. Động có người em ruột, tên Phạm Văn Đông, kém y một tuổi và giống y như đúc. Chính nhờ sự giống nhau này mà đã vài lần hắn thoát khỏi sự truy bắt của cơ quan công an. Tuy vậy, với các trinh sát thì trong cái rủi này vẫn có cái may.
Còn nhớ, năm 1977, nhận được tin báo Động đang xuất hiện ở làng, các trinh sát đã vội vã ập về. Đúng như tin báo Động đã về làng thật, thế nhưng người mà các trinh sát túm được ở cánh đồng lại là em hắn, tên Phạm Văn Đông. Thời gian đó, Đông chưa nhúng tay sâu vào tội ác như anh mình, chưa đủ cơ sở để bắt y nên các trinh sát đành phải thả.
Không xác định được nơi Động ẩn náu, buộc lực lượng truy bắt quay ra chiếc xe dân dụng đã được ngụy trang giấu ở ngoài bãi cây rậm đầu làng nhanh chóng rút lui để giữ bí mật. Sau này, đồng bọn của Động đã khai rằng, chuyến tập kích bất ngờ ấy của các trinh sát đã bị chúng phát hiện. Để giải cứu cho “đại ca” mình, đàn em của Động đã bố trí 2 tay súng chĩa thẳng vào chiếc xe, nằm im mật phục. Nếu không may Động bị hót ra xe, chúng sẽ xả đạn, đánh tháo.
Tuy vậy, ít lâu sau, cả Động, Đông cũng sa lưới pháp luật, chúng được đưa đi cải tạo tại một trại giam ở Quảng Ninh. Vào trại, Động xăm luôn trên cánh tay mình dòng chữ “dốt ở tù, ngu nằm trại” như để tự nhắc nhở mình nuôi dưỡng ý đồ vượt ngục. Là một đặc công thiện chiến, nhất là trên sông nước, nên y đã tính cho mình phương thức đào tẩu bằng thuyền. Thời cơ đến vào cuối năm 1982, một đêm, lợi dụng sự sơ hở của quản giáo, anh em hắn đã cùng tên em họ là Phạm Văn Tú lẩn trốn. Trước khi “tạm biệt trại giam” Động đã không quên đánh cắp vài khẩu súng để phòng khi bất trắc.
Sự lo xa của hắn không thừa, khi đang lẩn trốn trong bãi sú trước cửa sông Bạch Đằng thì công an Quảng Ninh dùng thuyền máy ập đến, truy đuổi. Chẳng nói chẳng rằng, đáp lại những tiếng gọi hàng của công an, Động nện luôn một loạt đạn dài như vãi chấu. Trước sự liều lĩnh và manh động ấy, lực lượng truy bắt đã quyết định nổ súng tiêu diệt. Thế nhưng, quần thảo cả tiếng đồng hồ mà hai bên vẫn bất phân thắng bại.
Lựa chiều không thể đong đạn được lâu, Động đã giở ngón nghề đặc công của mình. Không vãi đạn như trước nữa mà hắn vừa bắn nhát gừng vừa đánh thuyền ra khỏi rừng sú. Tưởng bọn chúng đã hết đạn, lực lượng truy bắt phóng thuyền rượt theo. Sắp bắt kịp thì bất thần, Động quay ngoắt thuyền lại và lia luôn một loạt đạn dài đồng thời đạp thuyền lật úp. Thấy vậy, lực lượng truy bắp vội vàng ập đến quét đạn liên hồi lên chiếc thuyền đã nằm ngửa bụng chềnh ềnh. Khi những vệt đạn ngang dọc đã xé toang chiếc thuyền nan, nghĩ chúng đã dính đạn nên mọi người tiến đến gần để kiểm tra.
Vừa đáp thuyền đến nơi, lật thuyền lên, mọi người ngạc nhiên bởi không có dấu hiệu gì cho thấy bọn chúng đã trúng đạn. Chưa kịp định thần thì một loạt đạn dài trong bụi sú gần đó đã lạnh lùng vang lên. Loạt đạn tàn khốc ấy đã cướp đi mạng sống của cả 5 chiến sĩ công an dũng cảm. Nào ngờ, sau khi đạp lật thuyền, Động đã cùng đồng bọn lặn một hơi đến trốn sau bụi sú và dương súng chờ sẵn.
Trốn thoát, ba tên tù ngược về Thuỷ Nguyên, lấy bãi sú rộng mênh mông ở xã Lập Lễ làm nơi ẩn náu và biến nơi đây thành đại bản doanh cho những vụ cướp, giết sau này. Để tăng thêm sức mạnh cho mình, chúng đã “kết nạp” thêm lính mới cũng là anh em họ mạc trong nhà là Phạm Văn Bi, Phạm Văn Hoạt, hai tên ác ôn, du thủ du thực ở làng. Biệt danh “ngũ hổ rặng ổi” gắn với chúng từ đây (Xã Thuỷ Triều, nơi chúng sinh ra có rặng ổi hoang mọc từ rất lâu đời).
Sẵn có tội giết công an, biết trước sau gì cũng phải đền tội ác nên bọn chúng ra tay cướp, giết rất điên cuồng. Có đêm chúng tiến hành đến 3-4 vụ, vụ nào cũng để lại những hậu quả thương tâm, kinh hoàng. Sự tàn bạo của chúng thì bây giờ nhớ lại, nhiều người vẫn cong thấy hãi hùng, ghê sợ.
Một đêm giáp tết, hết tiền, không thấy con mồi nào xuất hiện, chúng đành nhảy lên chiếc thuyền câu của một ông lão mà chúng thừa biết là nghèo kiết xác. Lục mãi mà chẳng thấy vật gì đáng giá, tức giận chúng quay ra… tra tấn ông già tội nghiệp để xả nỗi bực dọc trong người. Thấy trong mâm cơm của ông lão có đoạn lòng lợn chưa thái, chúng vớ lấy tống hết vào miệng ông, bắt ông nuốt chửng. Súng kề đầu, ông già cố nuốt nhưng không nổi, nước mắt nước mũi giàn giụa. Đạp ông lộn chổng vó xuống khoang thuyền, chúng rú lên hềnh hệch rồi đi.
---Cuộc truy sát trong ba ngày Tết---
Ngày 7/1/1984, tại bến Rừng (Thuỷ Nguyên) xảy ra vụ cướp táo bạo. Đối tượng dùng súng AK đi gõ cửa từng nhà để …“tịch thu” tài sản. Vơ vét hết, chúng bỏ đi thì nhân dân đã tri hô, lùng đuổi. Vừa chạy, một tên vừa quay lại bắn cản đường những người đuổi bắt. Súng tiểu liên AK mà tên này cứ bắn tắc cú nhát một, chứ không quét cả băng như thường thấy. Kiểu bắn ấy chỉ có thể ở những người có nghề, và người đó không ai khác ngoài Phạm Văn Động, kẻ mà các trinh sát đã vồ hụt suốt mấy tháng nay.
Có lẽ, đến giờ, trong ký ức những cựu binh hình sự Hải Phòng thì chưa có cuộc vây bắt nào lại tốn nhiều sinh lực và gian nan đến vậy. Bao nhiêu lần kéo dòng dã quân đi thì bấy nhiêu lần thất bại, về không. Thậm chí, có lần, được tin báo tên Động xuất hiện ở nhà một người quen của hắn ở Thuỷ Triều, Ban chuyên án đã nhờ đến cả một tiểu đội đặc công truy bắt nhưng cũng vẫn bất thành. Mặt đối mặt nhưng hắn vẫn nhanh chân chạy thoát. Chính trong lần trốn chạy này, hắn đã nã đạn khiến người cậu của mình bị thương nặng. Đêm tối, thấy bóng ông, hắn tưởng công an nên chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, hắn quại luôn loạt đạn.
Sự nguy hiểm của “ngũ hổ vườn ổi” đã khiến Ban chuyên án phải xin ý kiến cấp trên là được quyền nổ súng tiêu diệt nếu thấy cần. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nguyên đán, nếu không xoá xổ ngay băng cướp này thì sẽ rất nguy hiểm bởi lợi dụng tiếng pháo trong mấy ngày tết, chúng sẽ liên tục nổ súng, liên tục gieo rắc nỗi đau.
Nhận được tin báo, đêm giao thừa, bọn Động, Đông, Tú sẽ về nhà để thực hiện nghĩa vụ với tổ tiên theo tục lệ địa phương, các trinh sát đã “bài binh” đón lõng. Đúng như tin báo, bọn chúng đã về nhưng chỉ Động vào làng, còn Đông, Tú đứng ở ngoài cảnh giới. Chờ hắn lọt hẳn vào ổ phục kích các trinh sát mới dọi đèn pin, định hô lênh bắt.
Thế nhưng, ánh đèn vừa loé lên thì Động đã nhanh tay rút súng. Tuy vậy, lần này thì hắn đã ra súng muộn, một viên đạn xuyên đầu đã kết liễu cuộc đời tên đại ác.
Nghe tiếng súng nổ, biết Động đã sa cơ, Đông và Tú vội vàng tháo chạy. Sáng hôm sau, chúng đã có mặt ở Hòn Gai và nhảy lên một xe uy hiếp một xe tải than để đưa chúng vòng về Hà Lầm, rồi ra cọc 8. Tại đây, chúng đã cướp thuyền của một ngư dân rồi vọt thẳng ra vịnh Hạ Long. Đói khát, chúng lại nhảy lên một thuyền câu, bắt chủ thuyền nấu cơm cho chúng ăn, và lấy mỡ để chúng lau nòng súng. Sau đó, chúng vét hết bánh chưng, thịt cá và cả chiếc bếp dầu của đôi vợ chồng ngư phủ, rồi cướp thêm ở 3 thuyền nữa, định tính bài vượt biển chuồn sang Trung Quốc.
Thế nhưng, chúng đã tính nhầm, chưa ra khỏi vịnh thì đã thấy rất đông công an gác súng máy lên mũi xuồng tuần tiễu. Các trạm gác của bộ đội biên phòng được gài thêm tiểu liên 4 nòng, quay tứ phía đón chờ. Thấy khó bề ra biển được chúng lại đánh thuyền quay lại vịnh, và nhằm bãi sú thuộc huyện Yên Hưng tiến vào. Trên đường trốn chạy, như phản xạ tự nhiên, gặp thứ gì là chúng lại giơ súng ra để cướp.
Cướp cả những vật mà chúng chẳng biết để làm gì. Nhận được tin báo chúng đã chạy về Yên Hưng, các trinh sát nhận định, rất có thể, chúng sẽ đến nhà một người quen của Tú ở đó. Ngay lập tức, một mũi trinh sát đã theo đường bộ, 12 giờ đêm, bí mật ập vào Yên Hưng, nằm im trong nhà một cơ sở tin cậy. Ngày ngủ, cứ 9h đêm, các trinh sát lại “bò ra” thám thính tình hình, mai phục và 5h sáng lại bí mật kéo về.
Đúng như dự đoán, 10h tối mùng 3 tết, Đông và Tú đã theo đường sông, băng qua đồng mò vào nhà mà các trinh sát đã ém quân mật phục từ hai đêm trước. Nhà có đông người, không thể ra tay nên ai vị trí đó, cứ nằm im chờ cơ hội. Cơm nước xong, chúng ra sân để… giải quyết nỗi buồn. Trời tối đen như mực, không chắc chắn là chúng nên các trinh sát vẫn chưa dám nổ súng. Đang… giải quyết thì bỗng dưng, một cơn gió nhẹ làm rung rinh mấy bụi cây trước sân. Biết là gió nhưng để chắc ăn cả hai tên liền khom người điên cuồng xả đạn vào những chỗ khả nghi ấy. Rất may, loạt đạn đó không đi vào nơi mà các trinh sát mật phục.
Chờ chúng bắn xong, từ trên đỉnh đống rạ, tất cả các mũi súng hướng vào vệt sáng khi nãy và đồng loạt xiết cò. Không thấy có sự chống trả, ập vào thì không thấy chúng đâu, chỉ thấy dấu chân người và những vệt máu loang lổ. Chúng đã bị thương và đã dìu nhau chạy trốn. Vết máu đã đưa các trinh sát đến một căn lều tạm nằm chơ vơ ở giữa cánh đồng, cách đó hơn cây số.
Đoán chắc chắn chúng đã vào đó, nhưng trong lều lại có người, một ông lão thức canh ao cá. Trời rét như cắt thịt da. Đang chưa tìm được cách tiếp cận thì ông lão lại lọ mọ đi ra. Thì ra, chúng đã “lệnh” cho ông ra lấy rạ để đốt lửa cho chúng sưởi. Không bỏ lỡ thời cơ, 2 trinh sát nhanh chóng bí mật đột nhập, “bắt cóc” ông lão trong tích tắc. Đưa ra ngoài, nhưng quá sợ, nên ông ú ớ không nói thành lời. Cắt người cõng ông về tận làng, lát sau, trấn tĩnh, ông lão cho biết, đúng là Đông và Tú đang ở lều của ông, một tên đã bị trúng đạn ở đùi.
Hỏi trong lều có gì đáng giá, ông bảo, chỉ có cái ruột chăn cũ mốc. Quay ra, các trinh sát chắp tay làm loa, hướng vào lều gọi chúng ra hàng. Nhưng, đáp lại những lần gọi hàng ấy là những loạt đạn ngoan cố, và những trái lựu đạn nổ đinh tai nhức óc. Trời gần sáng, sợ sáng mai có người ra đồng sẽ bất lợi, các trinh sát đành thống nhất phương án: tiêu diệt.
Ba chiến sĩ người trát đầy bùn đất, trườn vào. Khi khoảng cách chỉ còn 2 mét, mỗi người 2 băng đạn, lần lượt bắn thẳng vào lều. Bắn xong rút ra, không thấy chúng có động tĩnh gì. Để chắc thắng, thêm hai quả B40 nữa được các trinh sát bắn thẳng vào, chiếc liều cuộn lửa ngùn ngụt. Lửa làm đạn súng, lựu đạn của Đông, Tú nổ đình đoàng như pháo lúc giao thừa. Lửa tắt, cũng vừa sáng bạch. Xác của Đông, Tú đen thui nằm co quắp bên đống tro tàn.
Sáng ấy, dân trong huyện Yên Hưng đổ ra đồng, nơi kết liễu cuộc đời của 2 tên ác thú để xem, đông nghịt. Nhiều người còn mang theo cả bánh chưng để tặng các trinh sát. Đó là miếng bánh chưng xuân mới đầu tiên các anh được ăn dù hôm đó đã mùng 4 Tết rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top