giảng dạy luật so sánh ở các nước trên thế giới-ts DUNG
Giảng dạy Luật So sánh ở các nước trên thế giới.
Việc giảng dạy Luật So sánh ở các nước trên thế giới đã có hơn 150 năm lịch sử: từ nửa sau của Thế kỷ 19 ở một loạt các nước châu Âu, Luật So sánh đã được hình thành như một khoa học pháp lý và như một môn học. Năm 1861 ở Trường Đại học tổng hợp Okxford đã có Bộ môn Luật So sánh với Trưởng bộ môn là Giáo sư G. Men. Ở Mỹ, việc nghiên cứu và giảng dạy Luật So sánh được thực hiện trong ở các Bộ môn Pháp luật La Mã ở Trường Đại học tổng hợp Jelexk (1876) và Trường Đại học tổng hợp Columbia (1880) . Giảng dạy Luật So sánh là một chủ đề nóng bỏng trong giáo dục pháp luật những năm gần đây và nhiều người cho rằng phải đổi mới cách giảng dạy cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Do sự toàn cầu hoá mà các trường luật phải dạy không chỉ pháp luật của quốc gia mình mà phải dạy nhiều hơn về luật quốc tế, luật của các nước trên thế giới. Thực tiễn pháp lý cho thấy pháp luật ngày càng mang tính quốc tế hơn, ví dụ như Luật Trọng tài, Luật Đầu tư và các trường luật phải bổ sung các vấn đề mới này vào chương trình giảng dạy để sinh viên được chuẩn bị tốt hơn và điều này cũng liên quan đến giảng dạy Luật So sánh.
Ở Việt Nam, Luật So sánh chỉ mới được đưa vào giảng dạy ở trường đại học vài năm nay và việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này theo chúng tôi là việc làm cần thiết. Bài viết này nhằm cung cấp một số thông tin về nội dung chương trình, giảng dạy Luật So sánh ở các nước trên thế giới, qua đây đưa ra những yêu cầu và triển vọng của giảng dạy Luật So sánh trong tương lai trên thế giới nói chung và ở Việt nam nói riêng.
1. Giảng dạy Luật So sánh ở Liên bang Nga
Ở Liên bang Nga, sự phát triển của Luật So sánh chỉ mới bắt đầu vào cuối thế kỷ 20 cùng với việc thoát khỏi những quan điểm cũ và sự phổ biến của những nghiên cứu luật so sánh. Năm 1996, xuất bản cuốn sách giáo khoa Luật So sánh đầu tiên ở Nga do Giáo sư Tikhomirov Iu.A. viết. Tuy nhiên, những công trình lớn trong lĩnh vực Luật So sánh hoặc nghiên cứu các hệ thống pháp luật được tiến hành chủ yếu ở góc độ lý thuyết hoặc nghiên cứu so sánh theo chuyên ngành hẹp. Nghiên cứu tổng thể các hệ thống pháp luật vẫn chưa có nhiều, chủ yếu do các nhà nghiên cứu luật so sánh Nga vẫn chưa mở rộng nghiên cứu ra ngoài chuyên ngành hẹp của mình.
Tại Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov, việc nghiên cứu và giảng dạy Luật So sánh được thực hiện tại Tổ bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật thuộc Khoa Luật. Việc giảng dạy Luật So sánh (Phần chung) như một khoá học chuyên ngành do Tổ trưởng Tổ bộ môn, GS. TSKH Marchenco M.N. đảm nhiệm chính. GS. TSKH Marchenco M.N. đã viết sách giáo khoa "Luật So sánh" năm 2001, sách tham khảo "Các hệ thống pháp luật trong thế giới hiện đại" năm 2001, chủ biên biên soạn sách "Khoá học Luật so sánh" năm 2002.
Tại Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov, Luật So sánh được giảng dạy với 11 đề tài:
-Luật So sánh: định nghĩa, đối tượng, phương pháp, nguyên tắc so sánh
-Lịch sử hình thành và phát triển của Luật So sánh
-Vai trò của Luật So sánh trong đời sống xã hội
-Luật So sánh và pháp luật quốc gia
-Luật So sánh và pháp luật quốc tế
-Cơ sở phân chia các hệ thống pháp luật quốc gia
-Những đặc điểm của dòng họ pháp luật Civil Law
-Dòng họ pháp luật Common Law
-Hệ thống pháp luật ở các nước xã hội chủ nghĩa và hậu xã hội chủ nghĩa
- Các hệ thống pháp luật tôn giáo. Luật Ấn độ giáo
- Luật Hồi giáo
Ở Trường Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga, Luật So sánh là một trong những hướng nghiên cứu cơ bản của Tổ bộ môn Luật Dân sự và Luật Lao động. Tổ trưởng Tổ bộ môn, GS. TSKH Bedbax V. V. viết: "Môn khoa học Luật So sánh cho những luật gia tương lai thấy không chỉ những nét khác biệt giữa các hệ thống pháp luật mà cho thấy cả những nét tương đồng, cho phép các quốc gia hợp tác với nhau. Việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập, trong quan hệ thương mại quốc tế chỉ có thể khi có những chuyên gia với nền tảng kiến thức và tư duy hệ thống" . Luật So sánh như một môn học được nghiên cứu và giảng dạy ở Tổ bộ môn Lý luận và Lịch sử Nhà nước thuộc Khoa Luật, Trường Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga với 12 đề tài:
- Luật So sánh: phương pháp, khoa học, môn học
- Bản đồ pháp luật thế giới
- Lịch sử hình thành và phát triển của Luật so sánh
- Nội dung Luật so sánh
- Vấn đề phân chia các hệ thống pháp luật quốc gia
- Các hệ thống pháp luật châu Âu. Dòng họ Civil Law
- Dòng họ Common Law
- Các hệ thống pháp luật truyền thống
- Hệ thống pháp luật ở các nước xã hội chủ nghĩa và hậu xã hội chủ nghĩa
- Cơ chế xích gần lại các hệ thống pháp luật quốc gia
- Luật quốc tế nhìn từ góc độ Luật So sánh
- Luật châu Âu và Luật So sánh
Tại Trường Đại học tổng hợp quốc gia Krasnayask, Trung tâm Luật So sánh được thành lập năm 1998 là hình thức tổ chức để thực hiện đào tạo luật gia chuyên ngành Luật So sánh. Việc thành lập Trung tâm Luật So sánh dựa trên nhu cầu đào tạo các luật gia có trình độ cao, có thể hoà nhập với văn hoá pháp luật châu Âu, thành thạo ngoại ngữ, hiểu biết sâu về pháp luật nước ngoài và có khả năng tư vấn luật trong quan hệ kinh tế, tài chính, khoa học và giáo dục... với nước ngoài.
Trong chương trình đào tạo của Trung tâm Luật So sánh bao gồm cả việc dạy tiếng nước ngoài: tiếng Anh và tiếng Đức chuyên ngành luật, Luật nước ngoài và Luật châu Âu, Pháp luật Nga nhìn từ góc độ so sánh. Việc thực hiện chương trình đào tạo của Trung tâm Luật So sánh có sự giúp đỡ về tổ chức, tài chính và cán bộ giảng dạy của Chương trình Quốc tế của Liên minh châu Âu "Tempus - Tasis", Chương trình DAAD của Đức, Quỹ BOSCH...
Hiện tại có khoảng 150 sinh viên theo học tại Trung tâm, trung bình mỗi khoá 30 sinh viên. Sinh viên chuyên ngành Luật So sánh học các môn học chung cùng với sinh viên của Khoa Luật. Việc giảng dạy các khoá học chuyên ngành do các giảng viên từ các trường đại học nước ngoài thực hiện trực tiếp (bằng tiếng Anh, tiếng Đức) hoặc qua Internet. Các sinh viên của Trung tâm có thể học tiếp ở các trường đại học châu Âu (Đức và Hà Lan) với học bổng của Liên minh châu Âu, của Chương trình DAAD.
Ngoài ra, Trung tâm Luật so sánh còn tổ chức các khóa học mùa hè với các giảng viên từ Đức, Hà Lan, Mỹ. Trung tâm tích cực sử dụng các thiết bị hiện đại trong giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Bắt đầu từ năm 2004, các buổi bảo vệ luận án của sinh viên được truyền qua Internet và có sự tham gia đánh giá qua mạng Internet của các giáo sư Đức.
2.Giảng dạy Luật So sánh ở Cộng hoà Liên bang Đức
Ở Đức có rất nhiều trường đại học tổ chức nghiên cứu và giảng dạy Luật So sánh với khoá học "Nhập môn luật so sánh" - trong đó trình bày về nhiệm vụ và phương pháp của Luật So sánh, về vị trí của nó giữa các khoa học pháp lý có yếu tố quốc tế và đưa ra tổng quan về các hệ thống pháp luật trên thế giới. Các bài giảng về cơ sở của các hệ thống pháp luật nhất định ví dụ như hệ thống pháp luật Pháp, Common Law, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa trở nên không thông dụng. Ở những trường đưa vào giảng dạy vè các hệ thống pháp luật nói trên có sự chuyên sâu: có trường dành gần như toàn bộ thời gian của khoá học cho giảng dạy về pháp luật Anh, có trường lại đi sâu giảng dạy pháp luật Pháp. Trong khuôn khổ của khoá học, việc phân tích so sánh các chế định pháp luật thực định không được chú ý nhiều và chỉ được xem xét trên một số chế định cụ thể như thừa kế hay trách nhiệm của nhà sản xuất. Nếu như việc giảng dạy Luật So sánh ở Đức nhìn chung có thể được coi là đạt yêu cầu thì từ góc độ đánh giá kết quả giảng dạy vẫn còn có vấn đề: không có kỳ thi riêng cho môn Luật So sánh mặc dù ở các môn khác có câu hỏi thi đề cập đến kiến thức pháp lý chung với nội dung về Luật So sánh. Ở đa số các bang của Đức, Luật So sánh và Tư pháp quốc tế được xếp một cách không thành công lắm trong cùng một nhóm với Luật Hôn nhân gia đình và Luật Thừa kế, thậm chí là với cả Luật Trọng tài. Nhà nghiên cứu Đức Bernhardt và nhiều học giả Đức đã phải lên tiếng phàn nàn về "tính tỉnh lẻ của đào tạo luật ở Đức"
3. Giảng dạy Luật So sánh ở Pháp
Ở Pháp, thuật ngữ "luật so sánh" (droit compare) đã có từ rất lâu, Hội nghiên cứu luật so sánh Pháp thành lập năm 1869 có vai trò rất lớn trong sự phát triển của Luật So sánh, Rene David cuốn "Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại" nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên ở các trường đại học Pháp, việc giảng dạy Luật So sánh chỉ có vị trí khiêm tốn với môn "Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới" với nội dung đúng với tên gọi của môn học này là giới thiệu về các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới và hầu như không đề cập đến các vấn đề mang tính lý luận của nó. Cuốn giáo trình "Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới" của Giáo sư Michel Fromont gồm có các phần:
-So sánh và phân loại các hệ thống pháp luật
-Hệ thống pháp luật Đức
-Các hệ thống pháp luật Ý và Tây Ban Nha
-Hệ thống pháp luật Anh
-Pháp luật Mỹ
-Pháp luật Liên bang Nga, Nhật Bản và Trung Quốc
-Hệ thống pháp luật của Pháp so với các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới .
4. Giảng dạy Luật So sánh ở Canada
Ở các tỉnh theo truyền thống Common Law ở Canada, việc giảng dạy Luật so sánh về cơ bản theo mô hình Luật so sánh là môn học tự chọn được dạy ở năm thứ nhất hoặc năm thứ ba. Khoa Luật trường đại học tổng hợp Victoria đã hai mưới năm giảng dạy môn Pháp luật châu Á - Thái Bình Dương cho sinh viên năm thứ nhất và cao học (36 tiết). Trường đại học tổng hợp Ottawa áp dụng chương trình quốc gia, sau khi học hết 4 năm và được cấp bằng cử nhân Common Law, sinh viên có thể học tiếp 1 năm về Civil Law sau đó được cấp bằng thứ hai - cử nhân Civil Law.
Môn học Luật So sánh trước đây được dạy tại Khoa Luật Trường đại học tổng hợp McGill (Tỉnh Quebec) với nội dung chính là phân loại một cách khoa học các hệ thống pháp luật quốc gia theo những truyền thống pháp luật lớn trên thế giới nhằm tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa những hệ thống pháp luật. Ở đây vai trò của môn Luật so sánh không được đánh giá cao do tính chất lý thuyết đơn thuần của nó, ít được sử dụng trong thực tiễn và chỉ là môn học lựa chọn ít được sinh viên tham gia. Từ hai mươi năm trở lại đây, Khoa Luật Trường đại học tổng hợp McGill đã không giảng dạy môn Luật so sánh nữa mà chuyển hẳn sang nghiên cứu và giảng dạy Luật so sánh thực hành theo phương pháp tiếp cận liên hệ thống (transsystemic teaching). Từ năm 1999, chương trình được thiết kế theo cách dạy lồng ghép, xen kẽ cả hai truyền thống pháp luật Common Law và Civil Law (và cả các truyền thống khác ở mức độ nhất định) ngay từ năm thứ nhất đến năm cuối cùng và sinh viên được cấp bằng kép cử nhân luật Common Law và Civil Law. Theo phương pháp liên hệ thống, ngay từ năm đầu tiên sinh viên đã được nghe:
-Giới thiệu hệ thống các quy tắc luật của bang/Liên bang/Luật thương mại liên Mỹ/ Luật thương mại quốc tế
-Giới thiệu những đặc trưng của một số truyền thống pháp luật qua từng chế định: chế định hợp đồng, chế định bồi thường ngoài hợp đồng, luật công/luật tư...
-Giới thiệu về các hệ thống pháp luật trong mối quan hệ với các yếu tố xã hội, kinh tế, văn hoá...
-Giới thiệu về các hệ thống pháp luật với các chuẩn mực đánh giá như các giá trị truyền thống/hiện đại, chủ nghĩa tự do/sự can thiệp của nhà nước, chủ nghĩa cá nhân/tập thể...
Như vậy, mỗi vấn đề pháp luật đều được nghiên cứu trong mối tương quan với các hệ thống pháp luật khác nhau đặt trong các bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ, văn hoá - trong đó trọng tâm là Common Law và Civil Law với tư cách là các định hướng hệ thống pháp luật (legal system oriented). Nói một cách chung nhất, phương pháp liên hệ thống luật là một cách để phát triển tư duy pháp lý về lưỡng hệ luật )Common Law/Civil Law), đa hệ luật (địa phương/quốc gia/liên quốc gia/quốc tế) và tầm nhìn toàn cầu. Đây là sự tích hợp vào phương pháp nghiên cứu, giảng dạy luật nhiều cách tiếp cận của các hệ thống pháp luật khác nhau, của các khoa học xã hội liên quan. Hiện nay, phương pháp liên hệ thống đã được áp dụng cho khoảng 1/3 số môn bắt buộc đối với sinh viên, đặc biệt tập trung vào 5 môn ở năm thứ nhất (Nền tảng luật pháp Canada, Luật hợp đồng, Luật về lỗi, Luật gia đình, Luật Hiến pháp). Ở các môn này, giảng viên bắt buộc phải áp dụng phương pháp liên hệ thống. Trên cơ sở các bài giảng riêng rẽ của từng giáo sư, Khoa Luật và Viện Luật so sánh Trường đại học tổng hợp McGill đang phối hợp biên soạn các cuốn giáo trình đầu tiên theo phương pháp liên hệ thống. Định hướng của Trường là phương pháp so sánh luật liên hệ thống sẽ dần trở thành phương pháp chung áp dụng cho tất cả các môn học ở Khoa Luật .
5.Giảng dạy Luật So sánh ở Mỹ
Ở Mỹ, mỗi Trường Luật có cách tiếp cận giảng dạy Luật So sánh một cách khác nhau, có trường coi đây là môn học tự chọn, có trường coi Luật So sánh là môn bắt buộc phải thi, chương trình và số giờ giảng môn Luật So sánh ở các trường cũng khác nhau. Ở Trường Đại học tổng hợp Florida, Luật So sánh được giảng với khối lượng 44 giờ giảng, toàn khoá học kéo dài trong khoảng từ 11-15 tuần với các đề tài chính:
-Nhập môn Luật So sánh
-Tổng quan về Hệ thống pháp luật Civil Law
-Phương pháp so sánh ở Toà án Mỹ
-Giáo dục pháp luật ở các nước trên thế giới
-Nghề Luật ở các nước châu Âu lục địa
-Lịch sử phát triển của Truyền thống Civil Law
Ngoài ra, có thể có những đề tài bổ sung hoặc để đọc thêm như: Giả thích pháp luật, Pháp điển hoá, Cấu trúc của Hệ thống pháp luật Civil Law, Thủ tục tố tụng...
5.Giảng dạy Luật So sánh ở châu Á
Hầu hết các trường luật ở châu Á không yêu cầu sinh viên học Luật So sánh và điều này có ý nghĩa như một thông điệp rằng: Luật So sánh không phải là một vấn đề quan trọng, rằng Luật So sánh là không cần thiết. Tuy nhiên, ở một số nước châu Á, pháp luật quốc gia thừa nhận chủ nghĩa đa nguyên pháp luật và ở những nước này, sinh viên phải học những nội dung khác bên cạnh pháp luật quốc gia ví dụ như pháp luật đạo Hồi hoặc luật tục mà nhà nước bắt buộc phải thừa nhận. Ở Trường Đại học quốc gia Singapore (NUS), khoá học mang tính giới thiệu chung có tên là "Các truyền thống pháp luật so sánh" là khoá học bắt buộc được giảng dạy cho các sinh viên năm thứ hai. Khoá học này giới thiệu về pháp luật adat (luật tục), pháp luật Hindu, pháp luật đạo Hồi, Civil Law và pháp luật Trung Hoa.
Ở châu Á còn có khuynh hướng duy trì sự ngăn cách giữa các kháo học luật quốc gia và khoá học luật so sánh. Ví dụ, người ta dạy luật hợp đồng riêng như là một nội dung của pháp luật trong nước và sau đó lại dạy một khoá riêng về luật hợp đồng của các nước khác. Việc giảng dạy cả Civil Law và Common Law trong một chương trình hợp nhất không được thực hiện ở châu Á. Chỉ duy nhất tại Trường Đại học quốc tế đạo Hồi ở Malaysia, sinh viên có thể cũng một lúc học cả Common Law và Luật đạo Hồi và được cấp hai bằng khác nhau.Việc sinh viên có thể được nghe giảng về hai hệ thống pháp luật riêng biệt nhưng việc nghiên cứu cả hai hệ thống trong cùng một chương trình chắc chắn sẽ đem lại những so sánh thú vị.
6. Luật So sánh sẽ được giảng dạy như thế nào trong tương lai
Vấn đề Luật So sánh sẽ được giảng dạy như thế nào trong tương lai cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Chỉ cần nhìn qua việc nghiên cứu và giảng dạy Luật So sánh hiện tại có thể thấy ngay khối lượng các tài liệu nghiên cứu của nó tăng rất nhanh và thường xuyên. Nếu như trước đây sự phát triển của khoa học pháp lý chủ yếu dựa vào nghiên cứu luật tư thì hiện tại việc nghiên cứu luật hiện đại cần chú ý đến cả các lĩnh vực khác như Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật bảo trợ xã hội và Luật Hiến pháp. Có ý kiến cho rằng sự phát triển của khoa học pháp lý hiện đại sẽ chủ yếu dựa vào sự phát triển của nghiên cứu luật quốc tế và nghiên cứu luật liên quốc gia trong thế giới đang biến đổi theo hướng toàn cầu hoá.Có thể thấy Luật So sánh chính là phản ứng của khoa học pháp lý trước thế giới đang biến đổi, trước thực tế toàn cầu hoá. Việc giảng dạy Luật So sánh với số lượng tiết học ít ỏi như thể việc "tiêm chủng" có thể sẽ không "phòng ngừa" được "cơn dịch" toàn cầu hoá và không bao quát hết nổi số lượng tài liệu đang tăng nhanh.
Đồng thời, ở đây cũng phải tính đến việc khả năng tiếp thu của sinh viên có hạn. Có thể Luật So sánh sẽ phải chịu số phận như của các khoa học như Lịch sử pháp luật, Triết học pháp luật hay Xã hội học pháp luật là những khoa học tinh hoa mà chưa thể đưa ra giảng cho những sinh viên trung bình. Ngoài ra cần phải tính đến cả xu hướng đang trở nên phổ biến trong đào tạo luật ở trường đại học là các giờ học lý thuyết sẽ được giảm bớt để dành thời gian cho rèn luyện các kỹ năng thực tế. Chúng ta không loại trừ khả năng Luật So sánh sẽ chỉ có ý nghĩa với các học giả, các chuyên gia, đối với các nghiên cứu sinh còn ở trường đại học sẽ chỉ chú trọng cung cấp các kiến thức tổng quát, các kỹ thuật pháp lý.
Luật So sánh hiện đại tổng hợp kinh nghiệm của các hệ thống pháp luật trên thế giới cho phép không chỉ sử dụng những cách giải quyết khác nhau đối với một vấn đề pháp lý mà còn cho phép xem xét chúng dưới góc độ lịch sử, bằng cách đó có thể đánh giá một cách khác quan tính hiệu quả của cách cách giải quyết. Đây chính là luận cứ để một lần nữa khẳng định sự cần thiết đưa Luật So sánh vào số những môn học bắt buộc ở các Trường Đại học Luật và Khoa Luật.
Hiện tại việc nghiên cứu, giảng dạy Luật So sánh ở trường đại học chưa mang tính hiệu quả do chương trình giảng dạy quá tải, sinh viên bị ảnh hưởng nhiều bởi việc học các môn học khác. Cần phải có cái nhìn rằng việc giải quyết tốt nhất một vấn đề pháp lý cụ thể đáp ứng nhu cầu của xã hội trong một quốc gia có thể được thực hiện sau khi đã nghiên cứu một cách có phê phán xem vấn đề đó đã được giải quyết thế nào ở các quốc gia có nền văn hoá pháp lý cao hơn. Chỉ như vậy giải pháp đưa ra mới đạt được hiệu quả cần thiết và mới có thể giáo dục ý thức tách nhiệm, khuyến khích tinh thần cải cách, vươn tới sự hoàn thiện. Từ đây có thể rút ra kết luận rằng sách giáo khoa Luật So sánh không chỉ cung cấp cho sinh viên các kiến thức về Luật So sánh mà còn phải chứa đựng các cách tiếp cận, các luận chứng phê phán để sinh viên có thể thấy được vấn đề cụ thể và tự hình thành cách giải quyết đáp ứng tốt nhất yêu cầu đặt ra. Điều này cũng còn có nghĩa là các sách giáo khoa ở các môn học khác cũng cần phải xem xét lại dưới góc độ so sánh luật, để các giảng viên trong triển vọng lâu dài, trong trình tự bắt buộc và với sự giúp đỡ của khoa học Luật So sánh tự tìm thấy và xử lý các thông tin cần thiết.
Học giả Mỹ Pound đã phát biểu một cách chính xác rằng việc nghiên cứu so sánh luật chỉ có thể có hiệu quả với điều kiện các giảng viên thấy rõ được khả năng của khoa học Luật So sánh này và biết hiện thực hoá các khả năng của nó. Bởi vậy trong tương lai việc giảng dạy luật sẽ được xây dựng trên cơ sở phương pháp so sánh luật. Các giảng viên sẽ thường xuyên đưa ra các cách giải quyết khác nhau khi xem xét một vấn đề cụ thể của pháp luật quốc gia, tương tự với cách đưa ra cách giải quyết vấn đề thông qua tranh luận ở các nước Common Law. Các giảng viên trên cơ sở các ví dụ cụ thể sẽ chứng minh cho sinh viên thấy không một hệ thống pháp luật quốc gia nào, không một học thuyết pháp luật nào có thể giải quyết một cách hoàn toàn những vấn đề thường xuyên đặt ra trong cuộc sống . Ngoài áp dụng đối với chương trình đào tạo đại học, cách tiếp cận này có thể được sử dụng ở đào tạo sau đại học nói chung./.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top