GIAN THIEU 2
An ta phạ bà pha, truật đà ta phạ, đạt ma ta phạ bà pha......!
x x x
Đinh mùi (1). Tháng chạp. Ngày Ât Dậu. Giờ dần.
Thần Tông (2) hoàng đế gà gật trên kiệu vàng. Đôi chân ngắn cũn ủ trong cặp hài mũi cong như mũi thuyền rồng, hai bên lườn hài gắn những hạt minh châu ánh biếc. Tua vàng buông rủ đung đưa theo nhịp rập rình của những bờ vai lực lưỡng mười sáu phu kiệu.
Hoàng đế ngái ngủ. Mười hai tuổi, đang là Thái tử Dương Hoán, tiên đế Nhân Tông băng hà, ngài được lập lên ngôi giữa lập loè đèn nến trước linh cữu. Dù đã được đem vào cung nuôi dạy từ lúc còn là một đứa bé lên hai, nhưng Dương Hoán còn bỡ ngỡ với hết thảy các phép tắc của một vị hoàng đế, lại càng chưa quen với những chuyến đi xa phải dậy sớm với những nghi thức nặng nề thế này. Ngài uể oải ngáp.
Âm ì như sóng biển bao phủ quanh thân mình ngài ngự, trong tấm chăn hồng nhạt phớt vàng của vầng dương đang bắt đầu ló rạng, tiếng tụng kinh gõ mõ của năm mươi sáu nhà sư đi thành hàng đôi quanh kiệu vàng càng như ru vị hoàng đế nhỏ vào giấc ngủ êm đềm.
Giai điệu âm u mịt mùng của lời kinh cầu hồn vẫn đều đều quyện lấy kiệu vàng và đoàn tuỳ tùng dài như vô tận. Kính cẩn nâng quyển kinh bằng lá bối, vị thượng toạ áo vàng mình gầy guộc tiên phong đạo cốt dẫn đầu đoàn. Tiếp gót , bốn đại sư phơ phất phướn trên tay. Các tăng quan và một chuỗi nhà sư khác theo sau. Tay không ngơi lần tràng hạt, miệng họ ê a cất lên những câu kinh như gió thoảng không bao giờ dứt.
...An ta phạ bà pha, truật đà ta phạ, đạt ma ta phạ bà pha... (3)
Sương sớm tan. Con đường nhuộm màu áo vàng cong lên lượn xuống uốn theo những sườn đồi, dần dà hiện rõ mồn một. Dân chúng trong vùng nô nức đổ ra xem, bất giác đồng thanh " Mô Phật ! ", lòng dậy lên niềm sùng kính với đức từ bi.
Tại các cổng chùa ven đường cái quan, sư trụ trì hối hả giục chú tiểu mang hương án phẩm vật ra dâng đấng tân vương và các thượng tọa đạo cao đức trọng. Chốc chốc, đoàn xa giá khựng lại vì có sư trụ trì một chùa nào đó ra dâng vật phẩm. Nhân Tông hoàng đế lúc sinh thời thường ban thưởng hậu cho những kẻ đem dâng những phẩm vật lạ báo điềm lành của đất nước. Thiên hạ biết vậy, nên sinh thói đua tranh tìm kiếm vật hiếm quí để ra mắt tân vương.
Dương Hoán Thần Tông hoàng đế tỉnh ngủ hẳn, mắt sáng rỡ khi thấy sư trụ trì chùa Phụng Từ quì trước kiệu vàng, cúi đầu hai tay nâng mâm son dâng lên một con rùa nhỏ màu hoàng yến, có đôi mắt to màu vàng sậm, trên ức rùa vân sừng nổi lên hình hai chữ " Thiện đế " rõ như tay người viết bằng mực nho đen nhánh.
Dương Hoán ngước nhìn Trung thừa Mâu Du Đô đang đứng chầu hầu liền bên, dò hỏi . Mâu Du Đô nhìn rõ dấu tay người viết rất khéo trên mai con rùa nhưng lặng im giây lát, chỉ nói : " Muôn tâu ! Thiện đế nghĩa là một bậc đế vương nhân hậu khoan dung ! ". Nhà sư đảo nhanh mắt, nhìn quan Trung thừa vẻ hàm ơn rồi khúm núm : " Muôn tâu hoàng đế, trong mỗi mắt của con rùa quý này có tới sáu con ngươi. Đó là điềm triệu cực lành, báo trước sự thịnh vượng của đại triều dưới sự chăn dân đức tân hoàng đế..." .
Thần Tông chưa hiểu hết những lời của sư chùa Phụng Từ, nhưng lòng mừng khôn xiết, ghé sát vào mắt chú rùa, cố tìm cho ra sáu con ngươi nhưng nhìn mãi cũng chỉ thấy có hai con, trong khi các cận thần đều bảo là trông thấy quả thực có sáu con ngươi, liền bảo thị vệ đặt rùa vào hộp vàng, trọng thưởng cho nhà sư. Đoàn xa giá lại tiếp tục nhuộm sặc sỡ con đường lên Na Ngạn (4).
Trên cao, những vì sao cuối cùng tắt hẳn. Tiếng chuông chùa Phổ Thiên đổ dài từng hồi, lanh lảnh ngân nga, đệm nền cho giọng kinh cầu hồn. Aỏ não những cánh quạ bay là là trên mấy đụn rơm nhả khói bếp nhà nông phu. Thoảng mùi cháy khét pha vị ngọt sắt của khoai vùi quá lửa trong tro nóng.
x x x
.... Kính đức Đại bi Quán thế âm cho con mau lên thuyền Bát nhã
Kính đức Đại bi Quán thế âm cho con sớm vượt qua bể khổ
Kính đức Đại bi Quán thế âm cho con sớm lên cõi Niết Bàn
Kính đức Đại bi Quán thế âm cho con mau đến nhà vô vi...
Những câu kinh " Đại bi sám pháp " da diết phả vào tiếng chuông. Buổi sáng không sương mù. Những vì sao vừa tắt thì muôn tia nắng vàng ngọt sắt như lưỡi đòng thép xuyên xuống dòng người lầm bụi.
Đằng sau chuỗi người được che phủ trong cờ xí quạt tàn võng lọng rực vàng đường lên Na Ngạn là mười hai cộ gỗ. Mười hai thớt trâu đực sừng dài cong như nửa vành trăng, lớp lông dọc sống lưng dựng cao và cứng xoắn như đám rễ tre gộc qua lửa ì ạch kéo dẫy cộ ngật ngưỡng những phiến gỗ thông lớn phả mùi thơm ngát. Ngất ngưởng trước đống gỗ thông trên chiếc cộ dẫn đầu được kéo bởi cặp trâu trắng bốn chân lừng lững như chân voi là một vị quan trong bộ trang phục áo tơi nón lá mục đồng tay cầm roi bằng nhánh hoa lau có tết tua ngũ sắc luôn tay quật vun vút lên lưng trâu. Dãi trâu rỏ thành dòng ướt mặt đường đồi đất đỏ. Những vệt cỏ chó đẻ hai bên đường bết bụi cong rũ.
Để có được mười hai cộ gỗ thông này, quan Thái bảo khu mật sứ Lý Trác đã đích thân giao cho tri phủ Lạng Giang sai hai trăm tiều phu cơm đùm cơm nắm lên núi kén chọn từng gốc thông gìa ngoài trăm tuổi. Những gốc thông mà lưỡi rựa thép chém vào ứa ra dòng nhựa vàng quánh trong như hổ phách. Khi mang được gỗ về thì những phiến gỗ thông đã nhuộm máu của ba mươi tư kẻ tiều phu xấu số. Để ngăn cản oan hồn của những người tiều phu oán hận về đòi mạng, gây bất an cho bản triều, quan Thái bảo đã theo cung cách dân gian, buộc một dải khăn sô dài lê thê ngang sừng cặp trâu kéo chiếc cộ thứ ba.
Đám rước khổng lồ nặng nhọc chuyển đi. Khi tiếng chuông chùa vừa dứt, giàn nhạc cung đình réo rắt tấu khúc bi ai. Não nuột tiếng kèn, tiếng thanh la não bạt chen giọng thương khóc Đức Nhân Tông hoàng đế mới băng hà.
x x x
Dân chúng đổ ra hai bên đường ngóng xem đám rước mỗi lúc mỗi đông. Những người đàn ông gầy guộc đóng khố cởi trần tóc búi tay cầm roi tre đang cố sức giữ cho đám trẻ khỏi túa ra đường len lén hé mắt trộm ngắm mặt rồng dưới mu bàn tay cáu bẩn che mặt. Đám dân đen tội nghiệp chỉ kịp thấy trôi qua mắt họ một gương mặt trắng xanh nhỏ nhắn với đôi mắt xếch sáng rực, ngưỡng thiên và cặp chân đung đưa tung tẩy như chân trẻ con đang vầy nước. Chiếc mũ miện nặng nề nạm ngọc bích nổi bật trên những tua vàng tua bạc
buông rủ làm cặp lông mày trĩu xuống. Sức nặng của vương miện dường như quá sức chịu đựng của sợi cổ mảnh khảnh.
Đi sau kiệu rồng chừng nửa dặm, một chiếc xe khổng lồ sơn son thiếp vàng khảm những đoá mẫu đơn màu đen tang tóc. Chiếc xe chầm chậm như nhẹ trôi trong không trung, được kéo bởi những bước chân đều đặn của một trăm hai mươi nữ nô lệ người Chân Lạp . Hai bầu vú trần đen sạm trĩu nặng. Từ đầu vú run rẩy rỏ xuống những giọt mồ hôi đặc quánh dưới ánh mặt trời. Những nữ nô lệ này tuổi chỉ vừa đôi tám, tóc vấn cao hình tháp quấn những chuỗi hoa đại trắng, ngang lưng vấn xoắn váy màu vàng lơ lửng đến bụng chân. Cổ chân rám nắng quấn những chuỗi vòng vỏ ốc nhiều màu. Tiếng vỏ ốc va nhau lách cách như nhạc đệm theo mỗi bước đi. Mồ hôi loáng ướt lưng trần. Ngực tì ngực lên những chiếc ách bằng gỗ lim đen nhẫy. Giàn nữ nô lệ đi như một dẫy người câm không vui không buồn.
Trên xe, lồng lộng giữa trời là bốn mươi chín cô gái cài vàng dát ngọc áo tía xiêm hồng đầu chít khăn ngang. Những cung nữ của Hoàng đế Lý Nhân Tông vừa băng hà. Họ đang trên đường tới đảo Âm Hồn, lên giàn thiêu. Khi ngọn lửa giàn thiêu bốc lên, họ là những kẻ tôi đòi cưỡi khói để kíp kíp tới Niết bàn hầu hạ đức tiên đế. Những người kế nghiệp có dạ trung quân không thể để đức vua phải chịu cảnh phòng không gối chiếc quá lâu nơi Niết Bàn.
Thần Tông hoàng đế đã tỉnh ngủ hẳn. Ngài lệnh cho kiệu rồng dừng lại, đợi cho chiếc xe chở các cung nữ sắp bị thiêu diễu qua trước mặt. Vẻ đẹp rực rỡ của các nô lệ kéo xe cùng các cung nữ khiến Thần Tông ngẩn người. Đức vua sực tỉnh, khi nghe tiếng của Thái bảo Khu mật sứ Lý Trác lệnh cho quan thủ lễ:
- Lũ đao phủ đã tề tựu đủ chưa?
Quan thủ lễ khúm núm:
- Dạ bẩm ! Đã đủ .
- Liệu đây có phải là một lũ thỏ đế tái mặt run tay khi thấy lũ cung nữ bước vào lửa giàn thiêu?
Quan thủ lễ khúm núm :
- Bẩm, không đời nào, thưa quan Thái bảo ! Bốn mươi chín tay đao thành thục nhất mỗi tay từng hành quyết không dưới năm mươi tử tù. Lại từng được đích mục sở thị giàn chôn sống thị nữ trong đám táng ỷ Lan Linh nhân Hoàng thái hậu.
- Cẩn thận. Có bề gì, hãy trông chừng cái đầu của ngươi đó!
Quan thủ lễ ngập ngừng, đưa mắt cầu cứu Thần Tông:
- Dạ! Kẻ bất tài này không dám sơ suất...Nhưng bẩm...còn có điều không thể không nói ra!
Thái bảo Lý Trác trừng mắt:
- Công việc đang cấp cấp. Giờ đưa các cung nữ dâng lên đức tiên hoàng đã điểm. Sao không đi ngay lo việc, còn đứng đó huyên thuyên lắm lời?
Mặt viên thủ lễ biến sắc, nhưng vẫn cố nán lại, quỳ rạp xuống:
- Muôn tâu bệ hạ ! Bẩm quan Thái bảo. Xin cho kẻ hèn này tâu xin một lời trước khi đi làm phận sự, không dám trễ nải!
Lý Trác lại trừng mắt. Nhưng Thần Tông đã dịu nét mặt:
- Quan Thái bảo! Đừng doạ nạt người ta quá. Nhà ngươi cứ nói!
Lý Trác hậm hực im lặng. Thủ lễ tâu:
- Muôn tâu! Từ Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu (5), noi theo các phép tắc đời Tần Thuỷ Hoàng phương bắc, mà trăng trối trước khi chết rằng, nhất thiết phải chôn sống ba người hầu gái để đi theo hầu hạ Thái hậu. Vì thế, mùa thu tháng bẩy ngày hai mươi nhăm, Hội Tường Đại Khánh năm thứ tám (6), ba cung nữ đã bị chôn sống theo lễ hoả táng của Thái hậu trên đảo Âm Hồn này. Từ đó đến nay, ngày nào cũng vậy, vào chính ngọ, dân trong vùng cứ ngửi thấy mùi thịt người cháy và tiếng kêu khóc nghẹn ngào của đàn bà vọng lên từ dưới đất...
Thần Tông rùng mình so vai. Lý Trác mắt đã nảy lửa, chằm chằm nhìn vào cái cổ đang phập phồng lên xuống của quan thủ lễ.
Làm như không biết đến cử chỉ của quan Thái bảo, viên thủ lễ cố nói gấp gáp :
- Muôn tâu ! Vì thế, thiên hạ có lời đồn, vì có việc chôn sống ba cung nữ mà đức tiên hoàng cũng phần nào bị tổn thọ...
Lý Trác đập tay, thét:
- Loạn ngôn ! Đức Tiên đế ta thọ sáu mươi ba tuổi, ở ngôi năm mươi sáu năm. Xưa nay chưa từng có vị hoàng đế nào được phúc lộc thọ dồi dào như vậy!
- Dạ bẩm ! Quan Thái bảo dạy thế thật thông thái như thần. Nhưng năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất (7), ngày hai mươi lăm tháng giêng, tiên hoàng hạ sinh, tuổi Ngọ, ngay ngày hôm sau đã được lập làm Hoàng thái tử. Lúc đó, Nguyên phi ỷ Lan đã cho vời quan chiêm tinh, thái bốc vào triều, lập lá số, gieo quẻ bói cỏ thi và mai rùa. Tất cả các quan chiêm tinh, thái bốc đều quì tâu lên rằng đức tiên hoàng thọ ít nhất là bảy mươi ba tuổi !
Thần Tông lại rùng mình lần nữa, càng chăm chăm nghe quan thủ lễ tâu bày.
Viên thủ lễ tiếp lời:
- Bởi thế, hạ thần này, dẫu ngu tối, nhưng cũng mạo muội xin được tâu với hoàng thượng và quan Thái bảo... Phải tính đến cái phúc cái hoạ sau này. Phải lấy thọ mệnh của đức quân vương làm điều trọng.....
Quan thủ lễ chưa dứt lời, Thần Tông giẫy nẩy như một đứa trẻ:
- Trẫm không muốn chết! Trẫm cũng không cho bất kỳ ai chết!
Thái bảo Lý Trác mím môi suy tính, rồi bất đắc dĩ cất giọng dỗ dành ngài ngự :
- Tâu bệ hạ! Bệ hạ nối nghiệp tiên vương, cai trị giang sơn xã tắc. Thiên hạ là trong tay bệ hạ. Đức quân vương có ân, có uy. Ân có thể khiếm khuyết, nhưng uy thì phải ngùn ngụt như hoả diệm sơn mới mong thiên hạ khiếp phục mà phải chầu hầu, đặng trấn áp giặc dữ can qua. Bẩm ! Việc thiêu cung nữ là theo lời trăng trối của đức tiên hoàng. Nếu ta không noi theo, thiên hạ chê trách. Tiên hoàng ở chốn Niết Bàn chăn đơn gối chiếc, lẽ nào bệ hạ đành lòng? Bệ hạ đừng nghe lời sàm tấu của kẻ vì hèn nhát mà sinh cuồng ngôn kia !
Thần Tông chưa kịp nói gì, Lý Trác đã xỉa tay trỏ thẳng mặt quan thủ lễ:
- Chỗ của nhà ngươi là ở giàn thiêu, không phải ở đây làm rối lòng hoàng thượng. Sơ suất, đầu nhà ngươi sẽ bêu mãi trên cọc ở đảo Âm Hồn.
Quan thủ lễ mặt xanh lét như tàu lá, bước giật lùi rồi vừa đi vừa chạy về phía đảo Âm hồn.
x
x x
... Nếu con đến núi dao
Núi dao liền sụp đổ
Nếu con đến nước, lửa,
Nước lửa liền khô tắt
Nếu con đến địa ngục
Địa ngục liền trống không...
Những lời kinh đã dồn dập chuyển sang giọng đưa linh. Những linh hồn dường như đã chơi vơi ra ngoài thân xác, nửa nổi nửa chìm trong ngoài địa ngục.
Trong nhịp khục khặc của bánh xe gỗ nghiến trên đường đất đỏ, vẻ đẹp u ám của những cung nữ và những khuôn mặt đợi giờ chết của họ rực lên trong tang tóc như những ngọn nến cháy lần cuối giữa buổi bình minh ma quái mà mặt trời vừa ló rạng với những tia nắng đầu tiên như phun máu.
Đường từ kinh đô lên Na Ngạn chưa đầy năm mươi dặm nhưng cũng quá xa với bước chân người và vành xe trâu. Dường như đã quá nhiều mồ hôi và nước mắt rỏ ướt con đường đến đảo Âm Hồn. Nhờ sự đôn đốc không mệt mỏi bằng roi và gậy của quan Thái bảo Lý Trác cùng chư vệ tướng quân, lúc gần trưa thì đám rước cũng đã tới.
Chờ sẵn đám rước và đoàn xa giá là rừng người và cờ xí quây quanh một chiếc nhà táng. Kiệu vàng vừa dừng lại, rừng người rền vang tiếng khóc. Tiếng khóc ruột rà của thân nhân chínmươi chín cung nữ. Họ được hưởng ân sủng của đức vua. Họ được phép tới tận đây, hưởng vinh hạnh thấy tận mắt con em của mình trong những giây phút cuối cùng trước khi bước lên giàn thiêu tới cõi cực lạc hầu hạ đức Tiên đế.
Thái bảo khu mật sứ Lý Trác hoảng hốt thét : "Hoàng đế giá lâm !...Phủ phục!". Tiếng người khóc càng lớn. Như có một cơn bão sàn sạt đổ tới, những chiếc đầu rạp sát đất, giấu mặt giữa hai khuỷu tay. Thần Tông vướng víu ngượng nghịu trong bộ ngự bào quá nặng nề, không để cho các quan hộ giá dìu đỡ đã vén áo nhẩy tót từ trên kiệu xuống. Bàn chân nhỏ nhắn vướng vào vạt áo bào khiến ngài vấp ngã.
Chỉ kịp thấy ánh mắt Lý Trác quắc lên, ngự lâm quân đã lôi xềnh xệch một kẻ bạo gan vừa bưng mặt cười khúc khích. Nghe vọng lại trên đám người
một tiếng rú tắc nghẹn. Đầu kẻ khi quân lìa cổ. Và giây lát đã trừng trừng đôi mắt trắng dại trên đầu cọc cắm bên lối đi.
x
x x
Sau hiệu lệnh của quan Thái bảo, một chiếc kiệu đặt trên vai tám phu kiệu lực lưỡng lập tức hạ tới trước mặt vua. Các phu kiệu mặc áo đen nẹp xanh, đầu đội mũ mấn, ngang lưng thắt khăn sô rạp mình. Thần Tông được sáu cung nữ lưng mỏng như liễu má đỏ môi hồng xúm nhau dìu lên kiệu. Tám phu kiệu oằn mình đứng dậy dưới sức nặng nghiến vai của cỗ kiệu sơn son thiếp vàng theo nhịp hiệu tu và từ tay quan thủ lễ. Thanh la não bạt và chiêng trống dồn dập hoà theo. Cỗ kiệu nâng vua lên theo những bậc thang xoắn ốc xếp bằng đá trắng dẫn lên đài cao. Chót vót trên đỉnh đài là chiếc lọng vàng che nắng, riềm lụa phấp phới trong gió xuân. Vua ngồi xuống. Sáu cung nữ cùng đám lễ quan xúm xít hầu quanh.
Từ trên đài cao, Thần Tông đưa mắt. Dưới chân ngài ngoằn ngoèo cũng hình xoáy ốc, một con sạn đạo được kết bằng những khúc gỗ tươi quết trầu đỏ như máu. Sạn đạo vắt qua mặt hồ rộng tới một đảo nhỏ như hình mu rùa nổi lên giữa hồ.
Đảo Âm Hồn.
Màu đỏ chết chóc của sạn đạo đâm thẳng vào ngôi lầu tám mái trắng mái lợp bằng chín tầng vải sô, trang điểm bằng những búi xơ tre nhuộm đen mang hình âm dương nửa đen nửa trắng. Những cặp công, trĩ, cùng những cặp uyên ương bị buộc chân vào nhau đang cất tiếng kêu thảm thiết vang vọng mấy tầng lầu. Chóp lầu là một khúc gỗ gạo tạc đơn sơ hình một nữ nhân tóc xoã rướn người với tay lên trời cao.
Nhà vua nhíu mày. Dưới chân ngài, một trăm cung nữ gần như được xốc dậy từng người một, nhấc ra khỏi cỗ xe mẫu đơn đen. Những thân hình đào liễu lả như hoa héo.
Giờ chết.
x
x x
- ...Nam mô A di đà, đá tha già đá giạ, địa giạ gia tha, a dị dô bà tỳ, a di lỵ đá tất đam bà tỳ, a di lỵ đá, tỳ ca lan đế, a ly lỵ đá tý ca lan đá già di nhị, già già na, chi đá ca lệ sa bà ha...
Các vị sư áo vàng chuyển cao giọng đọc " Vãng sinh tịnh độ thần chú". Món quà hào phóng gửi cho những cung nữ sắp bước lên giàn thiêu.
Quan Thái bảo đứng trên lầu, dõng dạc:
- Các cung nữ ! Hôm nay, các người là những kẻ may mắn, được hoàng triều đặc biệt chọn ra để đi theo hầu hạ đức Tiên hoàng ở cõi cực lạc cho trọn. Đức Phật Thích ca lúc sinh thời từng truyền dạy:" Từ cõi trần này sang phương Tây, qua bao nhiêu cõi khác, đến một cõi thế giới gọi là Cực Lạc Thế Giới. ở đấy có Đức Phật A di đà hiện đang thuyết pháp để giáo hoá chúng sinh, mà chúng sinh trong cõi ấy không có mọi sự khổ, chỉ hưởng mọi sự sướng cho nên gọi là Cực Lạc...". Giờ đến cõi Cực Lạc của các ngươi đã điểm. Thủ lễ !
Quan thủ lễ run tẩy, sắc mặt tái xanh, đón lấy con dao nhọn ánh màu xanh biếc như da rắn lục, lẹ làng cắt cổ đôi uyên ương do một đao phủ mang tới, hứng máu vào bồn ngọc, quì lạy bốn phương rồi nhúng móng tay trỏ dài như vuốt chim ưng vào hào rượu máu vẩy ra bốn phương tám hướng, miệng lầm rầm khấn.
Rồi thủ lễ nhúng cả tay vào chỗ rượu máu uyên ương còn lại, vạch lên trán mỗi cung nữ đang run rẩy một hình tam giác đỏ đọc. Cái hình tam giác nổi bật trên những vầng trán đàn bà nhợt nhạt mà trước giờ dần còn được ủ trong nhung lụa. Một mùi tanh lợm của máu uyên ương hoà lẫn mùi rượu được ngọn gió hung hãn thổi xộc lên tận chỗ đức vua ngồi khiến ngài lợm giọng.
x
x x
Cánh cửa sơn đen dưới chân lễ đài bật mở.
Bốn mươi chín đao phủ lầm lì trong những áo choàng cũng màu đen phủ kín từ đầu đến chân chui ra như lũ ngạ quỷ bước lên từ địa ngục.
Đám đao phủ rạp đầu vái lạy bốn phương tám hướng.
Những tiếng thét thất thanh bật lên trong đám dân chúng đứng xa xa bên kia đảo Âm Hồn. Riêng bốn mươi chín cung nữ vẫn cam chịu, câm lặng như đã chết.
Lũ đao phủ đồng loạt quay về hướng bắc, lừ lừ bước tới bên các cung nữ.
Tay mỗi đao phủ giơ ngang một áo choàng phụ nữ đỏ tía, tới sát bên mỗi cung nữ, rồi nhất loạt rũ tung áo xoè lên cao qua đầu và như những con diều hâu khổng lồ, chiếc áo choàng đã trùm kín đầu những kẻ tội nghiệp đang bị buộc phải đi tắt lên Niết bàn. Trong khi tay trái giữ đầu, tay phải đao phủ thoăn thoắt kéo gấu áo. Một trăm cung nữ đã biến thành một trăm cuộn vải đỏ rực máu.
Giải khăn sô chít ngang quanh đầu những kẻ sắp bị thiêu sống thõng xuống lắt lay tận gót.
Quan Thái bảo Lý Trác hài lòng nhìn khắp lượt những cuộn vải đỏ. Ngài tự hài lòng với chính mình. Trước khi các cung nữ lên giàn thiêu, ngài đã đón một đại sư về kinh thành thuyết giáo cho họ về nghĩa vua tôi, sự khổ ải cần phải được kết thúc sớm nơi trần thế và chuẩn bị cho các cung nữ học cách dọn mình bước qua cái đau đớn thể xác do ngọn lửa mang lại mà nhanh chóng nhập vào cõi Cực Lạc. Sau lời thuyết giảng của Đại sư, nhiều kẻ trong đám cung nữ đã dập đầu cầu mong cho chóng đến cái ngày được bước lên giàn thiêu.
Mắt Lý Trác chợt dừng lại ở cuộn vải đỏ cuối cùng đang bùng nhùng, cựa quậy dữ dội. Mặt quan Thái bảo cau lại.
Gã đao phủ đang lúng túng bởi chiếc áo trùm quá dài so vói thân hình bé nhỏ của người cung nữ đứng ở cuối hàng. Từ trong mớ vải lùng nhùng, một tiếng thét con trẻ đột ngột lanh lảnh bật lên.
Trên đài cao, Thần Tông nghe tiếng thét mà lạnh gáy. Ngài ngự cố khom người cúi xuống nhìn cho rõ cái đầu bướng bỉnh đã trồi ra khỏi chiếc áo trùm. Thì thấy dưới vầng khăn sô là một gương mặt thon mềm non như vầng trăng đầu tháng. Đôi mắt trong như mắt mèo hoang mở muốn đứt khoé vì sợ hãi. Thần Tông giật mình nhận ra đó là Ngạn La, cô cung nữ mười hai tuổi, được tuyển vào cung hai ngày trước khi Tiên đế băng hà.
x
x x
Nhất thập...Nhị thập...tam thập ...tam thập nhất... tam thập nhị...tam thập tam... Tiếng hô của quan thủ lễ dóng lên, đếm nhịp cho từng toán đao phủ kéo các cung nữ bước lên sạn đạo đi vào giàn thiêu trên đảo Âm Hồn.
Trống lớn dội lên như sấm động.
Chuông cầu hồn lại gióng dả ngân vang. Cao vút trên tiếng kèn đơn tấu của giàn nhạc cung đình.
Tiếng nức nở cố kìm nén rưng rức bật lên giữa rừng người. Những bà mẹ đau ruột khi thấy đứa con bao năm xa cách nay đang bước lên giàn thiêu đợi chết.
Tiếng khóc át cả tiếng kinh cầu siêu độ chúng sinh đang cố cất cao từ đám các nhà sư áo vàng.
Dưới ánh mặt trời gay gắt, chen giữa màu đỏ những chiếc áo chết của các cung nữ, màu đỏ của hình tam giác vẽ bằng máu uyên ương trên các vầng trán của họ, màu đỏ của các súc gỗ làm sạn đạo, cái màu đen sẫm như cánh qụa của những chiếc áo choàng đao phủ gợi những bữa tiệc máu âm phủ. Soi bởi nước hồ trong vắt và bầu trời lồng lộng trên cao, cái cảnh tượng quái gở đó được phóng to ra vô tận.
Chung quanh chân lầu trắng, các phiến gỗ thông đã được xếp lên tự bao giờ. Những túi da trâu căng phồng đựng đầy dầu tưới lên đám củi.
Các đao phủ lần lượt vác từng cuộn vải đỏ đặt trên đống gỗ thông. Bàn chân nhỏ nhắn của các cung nữ đặt trên các phiến gỗ thông đẫm dầu. Họ được buộc chặt vào những chiếc cọc lớn cũng bằng gỗ thông tưới dầu đã được chôn sẵn. Chỉ chờ người cung nữ cuối cùng lọt vào giàn thiêu là lửa sẽ bùng lên.
Tất thảy cung nữ không một tiếng kêu la, không một lời than khóc. Họ chỉ còn thân xác mà mất đâu hồn vía. Chỉ mơ hồ nghe xạc xào bên tai tiếng gào khóc của những người thân đang đứt từng khúc ruột bên kia hồ.
Bây giờ thì quan Thái bảo không ngăn những tiếng khóc. Ngài muốn mọi người hiểu rằng những tiếng khóc đó không phải dành cho các cung nữ xấu số mà là lòng dân trăm họ thương tiếc vị hoàng đế mới băng hà.
Bỗng lại một tiếng gào xé ruột nữa làm rách toang bầu không khí câm lặng. Tiếng gào đó vỡ ra từ dưới chân chiếc lầu trắng tang tóc, khi gã đao phủ khổng lồ gần như dốc ngược cung nữ Ngạn La trên vai, mang tới giàn thiêu. Nàng là người cung nữ thứ bốn mươi chín cho lễ hiến tế. Ngạn La vừa gào thét vừa rúm thân gồng người cắn mạnh vào bàn tay hộ pháp đang thít chặt bờ vai mảnh dẻ của cô. " Buông ra! Đồ chết giẫm! Buông ngay! Đồ ăn thịt người!".
Tiếng kêu thảng thốt chợt thức tỉnh bốn mươi tám cung nữ còn lại.
Họ cho rằng mình đã chết từ khi Tiên đế đế băng hà, như vô cảm khi đặt chân lên chiếc xe tang có gắn hoa mẫu đơn màu đen, khi đặt chân lên sạn đạo và bị lôi đi xềnh xệch trong những bàn tay đao phủ. Tiếng gào xé ruột của Ngạn La đã đánh thức họ, báo cho họ biết rằng nàng và họ đang là những linh thể sống.
Bốn mươi tám cái cổ họng đồng loạt rú lên bốn mươi tám tiếng rú tắc nghẹn. Tiếng rú được nối dài bởi hàng ngàn tiếng rú phẫn uất của rừng người. Thần Tông ôm ngực lảo đảo. Quan Trung thừa Mâu Du Đô ngồi phịch xuống thở hổn hển, mồ hôi rịn ra trên trán.
Thái bảo Lý Trác cũng rợn tóc gáy. Nhưng quan Thái bảo cố trấn tĩnh, mím miệng giơ lá cờ ngũ sắc trong tay lên phát lệnh.
Lửa lập tức bùng lên. Những lưỡi đỏ khổng lồ thèm khát rần rật liếm giàn thiêu. Sạn đạo cũng bùng cháy như một con giao long khổng lồ quằn quại há cái miệng ngùn ngụt lửa đỏ mà nuốt trọn đảo Âm Hồn.
Trong bóng lửa và khói đang cuồn cuộn bốc cao, thấp thoáng bóng các đao phủ và hoả công vun vút nhẩy lên những chiếc thuyền đợi sẵn, phóng như tên về bờ bên kia.
Trên mặt hồ chỉ còn các phiến gỗ sơn đỏ nổi lềnh bềnh như những thây người bị xử trảm trong tiếng rú man dại của các cung nữ con cơn quằn quại trước khi linh hồn về với cựu hoàng.
Nối dài những tiếng gào thét, các đôi công, trĩ, uyên ương bị trói chân trên nóc giàn thiêu cũng đồng loạt bật lên những tiếng xé ruột.
Đảo nhỏ biến thành đảo lưả.
Trên cái nền đỏ ấy, nổi bật những bóng đàn bà nhẩy dựng lên trên những phiến gỗ thông ngùn ngụt cháy, chới với hai cánh tay lên trời rồi lảo
đảo gục xuống, bùng lên như những bó đuốc. Mùi tanh lợm của thịt người, của lông chim cháy cuồn cuộn bốc lên phủ khắp vùng.
x
x x
... Nếu con đến địa ngục
Địa ngục liền trống không
Nếu con đến Ngạ quỷ
Ngạ quỷ liền no đủ...
Tiếng niệm Phật, tiếng tụng kinh rối rít dồn dập phiêu dạt trong những cuộn khói dật dờ đen đặc được bốc lên từ thịt người.
Đám dân chúng như bị gió lốc xoáy, như lúa đổ rạp từng đám sau trận cuồng phong. Những người đàn bà bị ngất vì đau đớn đổ đống lên nhau, át cả những hồi chuông dóng dả và tiếng tụng kinh không mệt mỏi cầu siêu cho người chết.
Khói giàn thiêu bốc đọng thành một đám mây hình lưỡi tầm sét õng máu treo lơ lửng ngang trời Na Ngạn.
Thần Tông ôm bụng. Ngài khóc. Hai chân ngắn ngủn giẫm đất bình bịch. Ngài ngự nôn thốc tháo.
Đám cung nữ hấp tấp nâng vạt áo lụa hoa đào của họ lên để kính cẩn hứng lấy những gì vừa thổ ra từ trong dạ ông vua trẻ. Khi vua mở được mắt, định thần nhìn lại thì thấy Thái bảo Khu mật sứ Lý Trác đang quì rạp trước mặt mình : " Tâu bệ hạ...." Thần Tông nhìn thấy trong cánh tay sắt của gã đao phủ lực lưỡng cái vầng trăng non nhỏ nhắn ướt sũng và chiếc áo chết đỏ bầm. Cung nữ Ngạn La.
Ngạn La quì rạp đập đầu xuống đất : " Bệ hạ...! Xin hãy bảo cái ông ác này thả tôi ra! Tôi đã làm gì nào? Tại sao các người lại muốn đốt chết tôi ?". Trong cơn kinh hoảng, đôi con ngươi biếc tím nở rộng hắt lên mặt vua một ánh mèo hoang man dại.
Thần Tông như bị đánh trúng tim.
Ngài nhớ đến trò chơi hồi nhỏ.
Ngài từng giữ một con mèo tam thể trong tay và một cung nhân dí con chuột bạch bé nhỏ run rẩy sát miệng mèo. Trong mắt chuột bạch cũng hắt lên sự kinh hãi và vẻ man dại như vậy.
Đức vua mười hai tuổi động lòng thương xót.
Thần Tông biết, nàng là người cung nữ nhỏ tuổi nhất trong cung, vô tình lại đồng niên cùng ngài. Nàng vừa mới rời cánh tay mẹ. Một ý nghĩ chạy thoáng qua đầu kiến tim Thần Tông nhoi nhói.
x x x
Buổi chiều ngày Đinh mão, tại điện Vĩnh Quang, thần chết đã cận kề làm trắng dã đôi mắt, tái xám làn da và đôi gò má nhô lên nhọn hoắt của phụ hoàng. Người ta đưa cung nữ Ngạn La tới. Nàng như một lạ lẫm, thơ trẻ, dẻ và linh động, uyển chuyển như một nhành liễu, khác hẳn vẻ đài các và thuận thục của các gái đẹp đã chứa đầy trong hậu cung. Nàng chỉ là một viên ngọc lạc loài đang lẫn trong đá sỏi mà phụ hoàng đã chợt nhặt được khi ngài trên đường đi hành lễ tại chùa Báo Thiên. Dương Hoán nghe nội thị kể lại, khi xa giá đi qua, dân chúng phủ phục hai bên đường không dám ngẩng nhìn trộm mặt rồng. Bỗng từ đám lúa dưới ruộng bùn, một cô gái lưng đeo chiếc giỏ bắt cua nhỏ xíu lem nhem đầy bùn đất chạy ào lên đón trước kiệu vua, hăm hở nhìn đoàn xa giá không chút sợ hãi. Như trẻ con lần đầu nhìn thấy vật lạ. Rồi cười khanh khách.
Quan hộ giá sợ hết hồn, vội thét : " Thích khách ! Bắt lấy thích khách !"
Đám đông náo động.
Lập tức cô bé Ngạn La bị bắt dẫn tới trước kiệu rồng, trước trùng điệp đám lính gươm giáo tuốt trần sáng lạnh như nước.
Đức Nhân Tông cau mày, nhìn chiếc giỏ cua bé xíu ngang hông cô bé, nhớ lại chuyện đức phụ hoàng Thánh Tông trong một lần đi kinh lý về miền quê Kinh bắc đã gặp một cô gái hái dâu, đem về cung trở thành Nguyên phi Y Lan, rồi sinh hạ ngài.
Lưỡi đao sáng loáng kề cổ, cô bé vẫn lặng im. Tên thị vệ dùng sống đao hất ngược cằm. Gương mặt nhỏ nhắn ấy vừa ngẩng lên đã làm Nhân Tông sững sờ. Vẻ đẹp hoang lạ của cô bé bắt cua khiến vị hoàng đế già vốn đã no chán với những vưu vật của hậu cung bỗng thấy sửng sốt và hào hứng.
Trái tim già nua của ngài như được an ủi.
Ngài náo nức lệnh ngay cho giám quan vời nàng vào cung.
Nghe nói khi được quan Nội thị dìu lên kiệu hoa, cô bé bắt cua đã gào thét gọi mẹ, cào cấu chảy máu bàn tay ông ta. Nữ quan trông coi các cung nhân đã mất nhiều công dỗ dành nàng. Bất hạnh cho đức tiên hoàng, khi con thú nhỏ được thuần phục dâng đến trước mặt ngài thì ngài chỉ còn là một bộ xương được quấn trong lớp da bệch như sáp.
Thần Tông nhớ rất rõ, Ngạn La đã hãi hùng thét lớn : " Ma !". Và bỏ chạy. Thật may mắn là lúc đó hoàng hậu, các hoàng thân, nội giám và các quan mải lo lắng chờ đợi những lời trăng trối của phụ hoàng không còn ai nhớ tới việc trừng phạt Ngạn La tội khi quân.
Lúc đó, quên cả không khí đau buồn, Dương Hoán đã bật cười rồi chợt sợ hãi lấy tay bưng miệng... Dương Hoán đã nghĩ, nếu có cô bé này bày trò chơi cùng thì chắc sẽ rất thú vị. Cô ta hẳn sẽ không nhàm chán như bao nhiêu cung nhân chỉ một mực sợ hãi chiều chuộng, mong được yên thân hoặc đón chờ ân sủng...
x x x
Gương mặt và tiếng nói của cung nữ Ngạn La cũng làm quan Thái bảo Lý Trác chợt rùng mình. Không phải tuổi trẻ và vẻ đẹp mèo hoang của cô cung nữ có thể làm xúc đông một con người sắt đá như quan Thái bảo. Xưa nay theo luật lệ triều đình, các quan văn võ không bao giờ được đặt chân vào chốn hậu cung. Trừ khi có lệnh triệu vời đặc biệt của hoàng thượng. Những lúc đó có bất chợt gặp cung nữ nào thì cung nữ nghiêng mình cúi đầu nâng khăn che mặt, đại quan rảo chân bước mau mắt nhìn thẳng....Nhưng lúc này không thể cưỡng lại, mắt Lý Trác cứ trân trân nhìn cô cung nữ bé nhỏ đang quì gục trước mặt đức vua kia. Như có một bàn tay của ai đó vừa thò vào, giật mạnh trái tim ra khỏi lồng ngực quan Thái bảo. Một cảm giác sợ hãi đến ớn lạnh bóp nghẹt Lý Trác. Quan Thái bảo lập cập vòng tay trước nhà vua, giọng bất chợt như người hụt hơi :
- Muôn tâu bệ hạ..... xin lệnh cho trừng phạt để giữ nghiêm phép nước.
Lưỡi đao sáng lạnh của đao phủ đã thọc hờ vào đúng chỗ mạch máu đang phập phồng trên cuống cổ mảnh dẻ.
Mùi tanh lợm và khét lẹt của máu, thịt người cháy vẫn phả đến từ đảo Âm hồn.
x x x
Và đám mây lưỡi tầm sét õng máu vẫn lơ lửng phía trên hoàng thành.
Thần Tông bậm cặp môi đỏ chót, suy nghĩ lao lung.
Tội Ngạn La trăm lần đáng chết. Luật triều đã định, khi vua băng hà, tất cả các cung nữ phải lên giàn thiêu chết theo vua. Nhưng Ngạn la đã vùng ra khỏi tay đao phủ nhẩy xuống hồ nhanh như một con rái cá hòng trốn thoát. Mờy gã đao phủ lực lưỡng đã tóm lấy Ngạn La kéo lên bờ.
Trước mặt đức vua, Ngạn La vẫn run bắn người, cố ngoẹo cổ cố tránh lưỡi thép lạnh buốt như rắn. Nàng rũ xuống, lả đi. Rồi tỉnh dậy ngay sau vài khắc, giẫy giụa điên cuồng trong tay đao phủ. Những tiếng gào khóc nghẹn giọng trong cổ họng mỏng manh khiến gỗ đá cũng phải mủi lòng "...Các người thật độc ác...Xuống âm phủ ta sẽ xin Diêm vương cho ta trở lại làm quỉ dữ để thiêu chết các người ...Mẹ ơi ! Người ta giết con. Mau cứu con ! Mẹ ơi !...".
Thần Tông như ngồi trên đống lửa. Đôi mắt sắc lạnh và lưỡi gươm của đao phủ đang chờ cái gật đầu của ngài để kết liễu đời cung nữ Ngạn La. Trước
mắt ngài mờ mờ ảo ảo hình chiếc đầu nhỏ có đôi mắt con ngươi tím kia lìa khỏi cổ dưới lưỡi dao đao phủ.
Mười hai tuổi nhưng ngài đã kịp nhìn thấy nhiều chiếc thây cụt đầu. Nhưng đó là những thây người lớn. Còn đây lại là con mèo con uyển chuyển và hoang lạ....Và mẹ nàng. Mẹ nàng là ai ? ....Ngài bỗng thấy thương xót người đàn bà đó.
Một giấc mơ như làn khói xám nhen tới, lan toả trong tâm trí Thần Tông. Dường như ngài đã trải qua một cuộc hành trình mà ngài vừa là người đang đi trong cuộc hành trình đó, lại vừa phân thân bay trên cao để nhìn ngắm lại chính mình.
Hình như lúc đó ngài là một người khác. Hình như là một người đàn ông bốn mươi sáu tuổi, bỗng thoát xác hoá thân đầu thai vào bụng một người đàn bà đã khô héo , để được sinh ra thành đứa hài nhi mang tên Dương Hoán, nén lòng chờ đợi mười hai năm để kế vị ngai vàng. Vì thế, đôi lúc, ngài không khỏi ngạc nhiên khi chợt nhận ra mình bỗng già dặn như một người đàn ông từng trải, lúc lại chỉ là một đứa trẻ non nớt thích những trò nghịch ngợm. Lúc đợi phút chào đời, ngài đã thấy rõ mồn một những bắp thịt và cái tử cung êm ái bao quanh mình bỗng quặn thắt, vò xé mãnh liệt, những cơn gào thét đau đớn của người đàn bà mà ngài mượn dạ để đầu thai...Bao nhiêu máu của người đàn bà ấy đã chảy để sinh ra ngài. Ngài biết lúc đó trái tim bé nhỏ của ngài đã đập dồn hồi vì thương xót bà ta. Ngài ân hận tại sao nỡ làm một người đàn bà đau đớn đến nhường ấy. Trong một phút chốc, ngài đã ngập ngừng chẳng muốn ra đời...
Thái bảo Lý Trác vẫn quì trước mặt, giọng đã hơi gằn :
- Muôn tâu....Xin bệ hạ đại xá cho thần tội khi quân. Thần buộc phải dùng lời nói thẳng..Nghiêm minh là điều tối trọng của phép trị nước. Xin...Xin bệ hạ xuống lệnh lập tức chém bêu đầu con nghịch nữ này để làm gương răn kẻ khác....
Từ trên đài cao, Thần Tông đưa mắt nhìn quanh. Cả một rừng người, rừng cờ xí chăm chắm nhìn về phía ngài. Ngàn con mắt dõi theo ngài. Trong đám mấy trăm vị quan phẩm phục chỉnh tề kia có bao nhiêu kẻ khẩu phục nhưng tâm bất phục, bao kẻ mắt sáng rỡ ngước nhìn mà trong tâm đang thầm giễu cợt ngài, vị vua thơ trẻ ? Và có kẻ nào thương xót cho cô bé này không ? Lẽ nào bốn mươi chín cái chết thiêu đau đớn nhỡn tiền không mảy may làm rung động một thớ nhỏ nào trong tim họ ?
Thần Tông toát mồ hôi.
Ngài muốn lập tức tha Ngạn La. Nhưng ngài lại sợ quan quân trong triều và dân chúng vì vậy mà sinh khinh nhờn ngài, mầm mống của sự dấy loạn sau này.
Thái sư và cha ngài - Sùng Hiền Hầu hoàng thân đã dạy từ khi ngài còn mới biết đọc những chữ đầu tiên. Khổng Tử nói" nhân chi sơ tính bản thiện". Nhưng Thái sư nói " nhân chi sơ tính bản ác. Nếu không lấy uy trị nước, cái ác ở trong dân chúng sẽ trỗi lên thành ác loạn"...
Thần Tông vẫn nhìn xuống đám đông, thôi thúc ngài tìm kiếm, mong có một bàn tay đưa ra từ phía hàng quan nhất phẩm. Mong một lời lên tiếng tâu xin tha chết cho Ngạn La.
Nhưng chỉ có những gương mặt câm lặng.
Lẽ nào những điều " nhân nghĩa... " ghi chép đầy rẫy trong muôn vàn pho sách chất chồng trong các tủ gỗ qúi ở Quốc tử giám nơi Thần Tông cùng các hoàng tử trong triều vẫn thường ngày đêm dùi mài học tập lại chỉ là những lời rao giảng sáo rỗng ?
Biết bao chùa chiền nguy nga đã dựng lên từ đời Đức Thái Tổ sáng nghiệp, chùa nào cũng thờ hai chữ Từ bi. Vậy mà sao những con người trước mặt ta kia lại cứ câm lặng trước một sinh linh nhỏ bé vô tội sắp lìa đời ? Phải chăng luật lệ quá khắt khe khiến cho các quan trong triều của một vị vua được tiếng là nhân đức như Tiên hoàng Lý Nhân Tông cha ta mà lúc này cũng chỉ là một dẫy hình hài câm lặng ? Vậy thì thân phận đám dân đen gầy guộc mắt trũng, suốt ngày quần quật trên đồng ruộng để kiếm bát cơm, một con chữ bẻ đôi không biết kia sẽ còn cùng cực đến mức nào ?....Thần Tông chán nản thở hắt ra. Hơi thở dài của một người lớn tuổi, đã nếm trải nhiều nỗi đắng cay trong cõi đời.
Nhưng kìa, một vài cánh tay giơ ra từ cái đám người đang phủ phục. Mắt Thần Tông sáng lên.
Đã có dăm bẩy, rồi mấy chục người đã bạo gan ngẩng đầu lên giữa hai khuỷu tay. Tiếng nài xin của họ bay theo luồng khói tanh tưởi vọng vào tai Thần Tông :
- Chúng con xin ngàn lạy vạn lạy bệ hạ tha chết cho cung nữ Ngạn La. Ngàn lạy bệ hạ...!
Liền đó ngự lâm quân xốc nách dìu tới một người đàn bà gương mặt thì còn trẻ nhưng lưng đã hơi còng và mái tóc bạc trắng như một bà lão... Cái tát của viên ngự lâm quân hộ pháp khiến mặt người đàn bà bê bết máu. Nhưng đôi mắt người đàn bà thì vẫn rất mực sáng láng, anh minh dưới đôi mày thưa dựng ngược.
- Xin bệ hạ cho tiện dân được thưa một lời...Kẻ tiện dân này biết tội mình đáng chết. Nhưng tiện dân xin có vài lời, rồi dẫu chết cũng cam lòng.
Thần Tông hăm hở:
- Bà...cứ nói !
Người đàn bà lấy tay vuốt dòng máu đang ri rỉ từ vết thương trên đầu xuống loang đỏ khuôn mặt :
- Bệ hạ ! Người phải gánh cả một giang sơn. Nay trong thiên hạ thiếu người trung nghĩa. Thiếu kẻ dám nói những lời thành thật vào tai bệ hạ. Ai mà chẳng hiểu việc thiêu người vô tội chết theo vua là một phép tắc độc ác, man rợ ! Nhưng không ai dám nói một lời để ngăn cản. Nếu cứ để nước Nam ta giữ những phép tắc man rợ thì sẽ tổn hại khôn xiết đến triều đình và muôn dân .
Đôi mắt Thái bảo khu mật sứ Lý Trác đã rời khỏi cung nữ Ngạn La, giờ chằm chằm nhìn vào người đàn bà như muốn nuốt chửng. Đôi con ngươi quan Thái bảo vằn máu rồi thu nhỏ lại, săc lạnh như mắt cọp bắt mồi.
Lý Trác bậm môi cố săn tìm trong mớ ký ức đã khô cứng. Sao trong giọng nói và dáng điệu của mụ già này có cái gì đó quen quen. Cái ánh mắt sắc tựa dao cau và giọng nói sang trọng kia thật chẳng giống một người đàn bà quê mùa nghèo khổ.
x x x
... Tháng tám...cuối thu ... Các học trò đeo tay nải lục tục lên kinh ứng thí ... Cái gã học trò người nhỏ nhắn, vác tay nải màu vàng mang tên Lê Đoá đi trước Lý Trác, ứng đối văn chương trôi chảy rành rọt, văn bài qua mỗi kỳ khảo thí đều đứng đầu bảng. Mỗi khi nói năng, đôi mắt sáng với đuôi mắt dài sắc tựa dao cau...
Phải rồi! Lý Trác vụt nhớ lại, Hội Tường đại khánh năm thứ nhất. Cái gã học trò nhỏ nhắn đó đỗ cùng khoa thi. Cả Lý Trác và Lê Đoá cùng được bổ làm quan văn trong triều. Nhưng linh cảm bén nhạy của Lý Trác cứ cảm thấy điều gì không bình thường ở Lê Đoá...Lý Trác nhớ, bữa yến tiệc cuối năm ấy đã như ong vỡ tổ khi Lý Trác dùng mưu mẹo lột khăn áo của Lê Đoá, để lộ cái yếm bằng gấm màu hoa đào che bộ ngực nở nang đang bị nén chặt của một cô gái giả trai.
Lê Đoá ngất xỉu trong cái nhìn hả hê của Lý Trác. Tiên hoàng Nhân tông nổi trận lôi đình, toan chém tiểu thư Lê Thị Đoan về tội dám đổi tên, giả trai đi thi, phạm luật lệ triều đình. Cuối cùng, vì thương bậc tiểu thư tài sắc, nể lời quốc sư Lý Đạo Thành nên tha chém, phạt tội đi đày biệt xứ. ..
Đã mười mấy năm rồi, từ một anh học trò cắp ống quyển đi thi, Lý Trác đã trở thành vị quan nhất phẩm triều đình. Vẫn tưởng cái người phải oán hận ông ta đến trọn đời ấy đã chết trong chuyến đi đày. Ai ngờ hôm nay !...
Lý Trác nhìn lại, như để chắc chắn thêm một lần nữa về trí nhớ hiếm có của mình, rồi dõng dạc:
- Đao phủ! Mau đem mụ già xấc xược ngông cuồng này ra chém để làm gương cho thiên hạ!
Nhưng Thần Tông đã đưa bàn tay xanh lướt của ngài ra ngăn lại :
- Khoan. Cứ để người này nói. Ta muốn nghe !
Người đàn bà được thể vội tiếp lời. Giọng bà bỗng rền vang trên đầu mấy trăm vị quan trong triều khom mình thin thít :
- Bệ hạ...Xưa kia nước Nam ta không có thói coi đàn bà như cỏ rác. Chỉ từ khi du nhập phong tục của Bắc phương mới sinh hư thói này. Muốn đánh thì đánh, muốn giết thì giết...Từ thời Đức Lạc Long Quân tổ tiên ta xưa, chưa từng có lệ bắt vợ chết theo chồng. Vậy mà nay triều Lý ta sửa sang điển lệ, lại lấy việc thiêu sống cung nữ làm phép nước, khiến bao mạng nữ nhân đẹp đẽ tài giỏi vô tội phải chết oan.
Lý Trác gầm lên ngắt lời:
- Lê Thị Đoan ! Ngươi là kẻ giả trai đi thi, lẽ ra phải bị chết chém, nhưng đức Nhân Tông thương tình, chỉ bắt đi đày biệt xứ . Ân đức ấy, không chỉ ngươi mà cả họ nhà ngươi còn phải cảm kích đến hết đời, sao nay còn dám mở miệng sàm tấu, chê trách trời cao biển rộng? Tội ngươi đáng chém ngang lưng. Tâu Bệ hạ ! Lời của mụ già này không đáng để vào tai. Xin Bệ hạ xuống lệnh cho chém ngang lưng ngay lập tức !
Thần Tông khoát tay:
- Cứ để mụ ta nói!
Người đàn bà quay phắt về phía Trác, mắt nảy lửa:
- Lý Trác! Thiết tưởng, giả trai đi thi, dẫu trái lệnh triều đình, nhưng ta có làm như vậy, chẳng qua cũng chỉ muốn đem chút gan óc của phận gái mà giúp rập quốc gia. Như vậy, phỏng có tội gì? Sao nặng tội bằng những kẻ lạm dụng quyền thế để làm muôn việc ác, coi mạng người như cỏ rác, chỉ chăm lo vơ bạc vàng cho đầy túi tham.... Tất cả những ai không hợp ý ngươi, dám có lời khác với ý ngươi, hoặc không chịu cung đốn quỵ lụy, ngươi vu cho kẻ đó tội bất trung mà hãm hại. Lý Trác ! Quốc gia suy yếu chính vì những kẻ như ngươi !
Lý Trác sấn tới, xô người đàn bà ngã đập đầu xuống đất, chân giẫm lên tấm thân già đang lẩy bẩy.
Quan Trung thừa Mâu Du Đô từ nãy vẫn im lặng, vẻ mặt căng thẳng giờ bước lên can :
- Quan Thái bảo! Xin hãy kiên nhẫn. Hoàng đế đang muốn nghe người này nói!
Thần Tông ngồi lặng. Trí não non nớt của ngài chưa theo kịp những lời của người dàn bà. Chân nới lỏng, mắt Lý Trác hằm hằm nhìn Mâu Du Đô đe doạ. Mâu Du Đô vờ không biết.
Người đàn bà đã lảo đảo đứng lên được, hướng về Thần Tông nói tiếp :
- Điều này khiến trong dân gian đua nhau bắt chước, kẻ hung hãn thì tiện bề đánh giết vợ con mỗi khi có điều trái ý. Bệ hạ há chẳng nghe trong dân gian xưa nay mỗi khi giám quan đưa lính đi tuyển cung nữ là lại gây bao cảnh tang tóc ư ? Đã không ít những cô gái đẹp con nhà khuê các khi được lệnh tuyển vào cung đã cắn lưỡi tự vẫn ngay trước mặt giám quan. Họ thà nhận sự đau đớn của cái chết cắn lưỡi còn hơn là cái mùi thịt khét da thiêu trên giàn...Chùa chiền mà làm gì. Đạo học mà làm gì... nếu người ta không thực hành thiện, mà chỉ mượn cái vỏ từ bi để che giấu cho những việc tàn bạo...!
Từ đám dân chúng rần rần bật lên tiếng khóc.
Lúc này Thần Tông càng nghe rõ tiếng chuông tiếng mõ. Tiếng chuông giờ này vẫn thong thả rải từng tiếng từ ngôi chùa Phổ Thiên cách đây chưa đầy ba dặm nhả lên bầu trời đọng khói. Tiếng mõ trầm đục u uất dội lên trong tay các nhà sư từ nãy vẫn đứng lặng chung quanh.
Đám dân chúng càng xáo động khi vị Thượng toạ áo vàng dẫn đầu đám các tăng ni bỗng bước tới trước mặt đức vua. Thượng toạ tay lần tràng hạt, mắt không dám ngước trông mặt rồng :
- Mô phật ! Kẻ tu hành này thật lấy làm nhục nhã thấy người đau mà không giúp. Thấy đến bốn mươi chín chúng sinh bị thiêu sống trước mặt mà không cứu. Tự xét thấy chẳng còn mặt mũi nào đến trước bàn thờ Phật. Ngẫm ra, trong chiếc áo cà sa này cũng chỉ là thân xác của kẻ phàm tục giá áo túi cơm mà thôi. Thật chẳng bằng một lão bà nghèo hèn chốn quê mùa kia! Lão bà nói đúng. Đức Nhân Tông và các vị tổ nghiệp đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, tôn vinh giống nòi Lạc Hồng. Công lao thật sánh tầy núi Thái Sơn kia. Nhưng phép tắc của triều đình quá hà khắc đã thắt ngang họng những kẻ nói thật. Bệ hạ, xin người hãy gia ân cho cung nữ Ngạn La và nhân đây bỏ lệ thiêu sống cung nữ để được tiếng đem cái nhân mà trị thiên hạ. Được vậy, non sông nhà Lý ta sẽ thêm trường tồn, bội phần rạng rỡ.
Thượng toạ vừa dứt lời, lớp lớp nhà sư áo vàng áo nâu chung quanh liền quì sụp xuống. Âm âm bao phủ quanh đức vua lớp lớp sóng của những lời tụng niệm : Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan thế âm bồ tát...Nam mô cứu khổ cứu nạn...
Thoáng thấy vẻ lưỡng lự trong ánh nhìn của vua, Thái bảo Lý Trác vội lên tiếng :
- Muôn tâu...Xin bệ hạ chớ nghe lời sàm tấu của những kẻ biến tâm, ngu xuẩn. Những kẻ đó không phải giữ giang sơn nhà Lý trong tay....Xin bệ hạ tha cho thần tội bất kính. Tự cổ chí kim chưa có một vị hoàng đế nào trị nước giỏi mà không gĩư nghiêm phép nước. Xin cho chém nghịch nữ Ngạn La và mụ già loạn ngôn này....
Tiếng cười khanh khách của người đàn bà cất lên. Ngón tay trỏ cong queo như một mẩu rễ cây rừng chỉ thẳng vào mặt Lý Trác :
- Con chó già giữ cửa cái thâm cung bấn loạn kia ! Há ngươi chẳng nhớ chính em gái ngươi vừa mới bị chôn sống theo Linh Nhân Hoàng Thái hậu? Ngươi đưa em gái vào hầu hạ Thái hậu, chẳng qua chỉ để lấy mạng sống của người em ruột rà để mua chuộc lòng tin yêu của Thái hậu, để cho ngươi được cất nhắc vượt bậc mà thôi. Vậy mà ngươi chẳng biết thương lấy vong hồn đứa em ruột rà. Ngươi chẳng đã bức chết một nàng hầu của ngươi vì nàng đã trót liếc mắt đưa tình với một ngự lâm quân đó sao ? Ta khá khen cho ngươi dám mở miệng nhận là tôi trung của nhà Lý. Nhưng ngươi có biết rằng cái trung quân của nhà ngươi đã khiến cho thiên hạ đầu rơi máu chảy, bao oan hồn đàn bà xoã tóc đang đứng vây quanh nhà ngươi đó. Ngươi có thấy chăng ? Nay ta lấy cái chết của ta để cảnh tỉnh cõi đời u ám...Chỉ thương cho nhưng kẻ thời thế đã thay đổi mà cứ khư khư gĩư mãi những điển lệ man rợ...
Dứt lời, người đàn bà tức thì thè lưỡi ra giữa hai hàm răng, hất tay đấm ngựơc lên cằm. Mẩu đầu lưỡi đỏ hỏn văng vào mặt Lý Trác. Máu phun vọt lên từ miệng thành tia cầu vồng. Bà đổ vật xuống, hai mắt vẫn trừng trừng.
Lý Trác thất sắc nhẩy lùi lại mấy bước.
Thần Tông đứng dậy hất tung chén ngọc đựng nước sâm mà một cung nữ vừa dâng lên ngài. Chén ngọc rơi xuống bậc đá vỡ choang.
- Thôi...!
Ngón tay mảnh dẻ của đức vua chỉ thẳng vào cung nữ Ngạn La, quát :
- Cởi trói !
Ngập ngừng giây lát, Thần Tông nói tiếp :
- ....Nhốt lãnh cung !
Thái bảo khu mật sứ Lý Trác giật bắn người. Quay nhìn phía Ngạn La, khuôn mặt tái ngắt, Lý Trác sững sờ giây lát rồi như chợt nhớ đến sự việc trước mặt, lại qùi dập thân, đập đầu bồm bộp xuống mặt đất sỏi khô cằn mà kêu lên thống thiết :
- Muôn tâu...bệ hạ. Xin ... chớ để mầm hoạ... !
Thần Tông không nghe thấy những lời của Lý Trác. Ngài ngự bước xuống đài cao, ngoảnh mặt về phương Nam, quỳ xuống:
- Ta thề trước trời đất quỷ thần...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top