GiaiMaTamLinh2

Mr Bean : 01232818886

Kỳ 5: Khả năng tiên tri qua hai trường hợp điển hình

Tiên tri luôn thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Rất nhiều người thường xuyên đi xem bói, lấy lá số tử vi, xem chỉ tay, xem tướng... mà không hề băn khoăn về tính xác thực của các loại hình "dự báo" đó. Xin khảo sát hai nhà tiên tri lừng danh trong nước và quốc tế.

Hai trường hợp điển hình

Chân dung thầy thuốc kiêm nhà tiên tri Nostradamus

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Khả năng của Trạng Trình được lưu truyền qua nhiều trăm năm, khi ông được xem là biết việc 500 năm trước và 500 năm sau, khi dự báo chính xác 81 năm Pháp thuộc và sự kiện Bác Hồ giải phóng thủ đô cuối năm Ngọ (1954), đầu năm Mùi (1955) qua lời sấm: "Cửu cửu càn khôn dĩ định - Thanh minh thời tiết hoa tàn - Trực đáo dương đầu mã vĩ - Hồ binh bát vạn nhập Tràng An" (Luật trời đất đã định: 9 lần 9 là 81; Vào tiết thanh minh cuối năm Ngọ đầu năm Mùi; Tám vạn quân cụ Hồ sẽ về giải phóng thủ đô). Ông cũng được ca ngợi khi khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Dải Hoành Sơn là nơi có thể dung thân đến vạn đời). Tương truyền trong cuộc sống hàng ngày, ông cũng thường tiên tri thành công, chẳng hạn một lần đang ngồi với học trò, thấy người hàng xóm sang tìm, ông liền độn một quẻ Dịch và đoán người đó sang mượn búa. Mở cửa đón khách thì thấy đúng như vậy!

Nhà tiên tri Nostradamus ông tên thật là Michael de Nostredame (1503-1566), là thầy thuốc Pháp lừng danh thế giới vì khả năng tiên tri. Tác phẩm của ông đến nay vẫn được ấn hành và thu hút khá đông người đọc. Toàn bộ dự báo của Nostradamus được viết trong công trình Tiên tri, trong đó 6 tập được phát hành lúc ông còn sống, tập đầu tiên vào năm 1555. Công trình hoàn chỉnh gồm các khổ thơ tứ tuyệt có vần, được gọi là Thế kỉ, vì 100 khổ ghép lại thành một phần. Tổng cộng có 940 khổ thơ, chia thành 10 thế kỉ, trong đó thế kỉ cuối chỉ có 40 khổ. Ông được xem là dự báo chính xác cái chết của vua Henry II, Đại hỏa hoạn London 1666, cuộc chạy trốn của vua Louis XVI và hoàng hậu Antoinette, sự nghiệp của Napoleon, chiến tranh thế giới thứ 2 và Hitler... Không lạ khi nhiều người xem Nostradamus là nhà tiên tri lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại.

Khoa học và tương lai của vũ trụ

Với thành công rực rỡ của cơ học Newton (chẳng hạn dự báo chính xác chu trình 69 năm của sao chổi Harley), khoa học thế kỉ 19 tin rằng, nếu đủ kiến thức và kĩ năng, chúng ta có thể dự báo chính xác hành trạng của vũ trụ trong một tương lai bất kì. Đó chính là quyết định luận Laplace nổi danh trong lịch sử khoa học. Điều đó có nghĩa, tiên tri là một khả năng có cơ sở khoa học. Vấn đề chỉ là chúng ta có đủ giỏi để dự báo đủ xa hay không mà thôi. Và Nostradamus vẫn được viện dẫn để chứng minh cho khả năng kì diệu đó.

Vấn đề hoàn toàn thay đổi khi bước sang thế kỉ 20. Nguyên lý bất định Heisenberg của cơ học lượng tử (khoa học về thế giới vi mô) cho rằng, không thể xác định chính xác hành trạng của thế giới vi mô. Và đó là vấn đề nguyên tắc, chứ không phải là vấn đề kĩ thuật. Điều đó chứng tỏ, không thể dự báo tương lai của các sự biến trong vũ trụ, bất kể con người thông minh và tài giỏi đến mức nào. Đó là phát súng ân huệ đối với quyết định luận Laplace và ước vọng tiên tri của con người.

Giải mã hai nhà tiên tri Trạng Trình:

Cho rằng Trạng Trình đoán đúng thời Pháp thuộc là không đúng, vì nếu lấy mốc giải phóng thủ đô là 1954 - 1955, thì trừ đi 81 năm, sẽ được thời điểm 1873 - 1874, theo lời sấm là bắt đầu thời kì Pháp thuộc. Đây là kết luận hoàn toàn sai so với lịch sử, dù tính theo thời điểm Pháp bắt đầu xâm lược (1858), chiếm Hà Nội lần cuối (1884) hay bắt đầu khai thác thuộc địa (1897). Cũng không thể xem "Hồ binh bát vạn nhập Tràng An" là sự kiện Bác Hồ giải phóng thủ đô đáng tự hào, vì dưới thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, "Hồ binh" mang nghĩa hoàn toàn khác (quân man di biên ngoại, theo cách gọi khinh khi của người Hán đối với các dân tộc ít người phía tây bắc Trung Hoa). Nói cách khác, giữa lời sấm và sự kiện Điện Biên Phủ chấn động địa cầu không hề có dây mơ rễ má gì với nhau.

Ngôi nhà đã tu sửa của Nostradamus

ở Salon-de-Provence

Việc Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam mở đầu cơ nghiệp nhà Nguyễn thì chỉ là kết quả của cái nhìn sâu sắc về địa chính trị, chứ không phải là sản phẩm của tiên tri. Chuyện độn đúng việc mượn búa của hàng xóm thì đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi ông thường xuyên cho mượn búa.

Nostradamus: Giới nghiên cứu mất nhiều công khảo sát các dự báo của Nostradamus và phát hiện, thực tế hoàn toàn khác với sự ngưỡng mộ dành cho ông. Ít người biết rằng, sau khi ông chết, các khổ thơ vẫn tăng sau mỗi lần xuất bản. Ngoài ra là nhiều lần xuất bản "ma", chẳng hạn một lần xuất bản đề 1568, nhưng kĩ thuật in ấn cho thấy, nó được in trong thời gian 1649 - 1700. Điều đó chứng tỏ, người hâm mộ đã viết nhiều dự báo và gán cho ông. Dự báo sau khi các sự kiện đã xảy ra thì làm gì mà không chính xác!

Chẳng hạn khổ thơ 2-51 được xem là dự báo Đại hỏa hoạn London 1666 có nội dung: "Dòng máu của người chính nghĩa sẽ đổ ở London - Thiêu cháy do tiếng sét của hai mươi ba sáu - Nhà thờ cổ sẽ sụp đổ từ đỉnh cao chất ngất - Nhiều tín đồ của giáo phái sẽ bị giết". Để phù hợp với đám cháy 1666, nhiều thay đổi và giải đoán đã được thực hiện. Như "nhà thờ cổ" được xem là Đại giáo đường St Paul, bị tiêu hủy trong hỏa hoạn; "hai mươi ba sáu" được xem là 1666... Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Randi, đồng sáng lập Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường, Mỹ, khổ thơ dường như miêu tả sự kiện cùng thời Nostradamus, đó là cuộc tàn sát người Tin Lành dưới thời Nữ hoàng Mary I, nếu thay đổi một chút (nhưng hợp lý) nội dung câu thơ thứ nhất và thứ ba: "Dòng máu người ngoại phạm là sai lầm ở London", và "Quí bà già nua sẽ mất quyền lực tối cao", vì Mary I lúc đó mất trí do quá già. Sau sự kiện trên 3 tháng, bộ sách Tiên tri mới được xuất bản lần đầu vào tháng 5-1555, một thời gian đủ dài để Nostradamus biết rõ mọi thông tin. Mọi dự báo khác của Nostradamus cũng ở tình trạng tương tự. Và không nên quên rằng, Nostradamus tiên tri ông chết tháng 11-1567; thực tế là tháng 7-1566 ông đã từ trần.

Tại sao tiên tri?

Vì đó là bản chất bên trong của con người - loài động vật duy nhất trên trái đất có nhu cầu và biết qui hoạch tương lai. Vì thế khi có các loại hình qui hoạch đơn giản và tiện dụng, chúng ta có xu hướng tin tưởng một cách không phê phán. Điều đó giúp chúng ta tìm thấy sự yên bình, chí ít trong tâm tưởng? Và đó là một nhu cầu mang tính nhân văn.

Kỳ 6: Chiêm tinh học

Chiêm tinh học có từ 1.700 năm trước Công nguyên tại thành Babylon cổ xưa và chưa bao giờ thiếu người tin tưởng, dù luôn phải chịu sự công kích từ nhiều nhà tư tưởng hàng đầu nhân loại.

Chiêm tinh học cho rằng các thiên thể có ảnh hưởng tới mọi hành trạng của con người trên trái đất và do đó, có thể dự báo tính cách và số phận từng người dựa trên việc quan sát chuyển động của các hành tinh. "Chiêm tinh không phải là khoa học, mà là bệnh lý"? Đó là ý kiến của một nhà khoa học tuyên bố để ngăn ngừa sự mê tín mới? Hoàn toàn không - đó là ý kiến của triết gia kiêm thầy thuốc Maimonides (1135-1204) từ TK 12. Vậy tại sao nhân loại TK 21 vẫn tin tưởng thuật chiêm tinh, chẳng hạn tại Mỹ có tối thiểu 20.000 người hành nghề chiêm tinh có đăng ký? Có một thực tế là dịch vụ chiêm tinh không hề rẻ tại bất cứ nơi nào trên thế giới, vì thế chúng ta cần biết nó có chính xác hay không.

Minh họa về chiêm tinh năm 1888

Các con số bất ngờ

Một tổng kết năm 1984 về 3.011 dự báo chiêm tinh trên báo chí cho thấy, chỉ có 338 dự báo đúng. Phần lớn trong các dự báo đúng cũng rất mơ hồ và ai cũng có thể đạt được điều đó nếu chịu khó theo dõi tin tức, như ngôi sao nọ cưới bạn gái hay chiến tranh vẫn tiếp tục giữa hai phía xung đột...

Nhà vật lý Geoffrey Dean nghiên cứu lá số chiêm tinh của 22 người rồi đảo ngược kết quả. Kỳ lạ thay, 21/22 người cho rằng, các lá số đảo ngược đó mô tả chính xác tính cách và số phận của họ!

Bản chiêm tinh thế kỷ 15 mô tả mối tương quan giữa

các bộ phận cơ thể và các đối tượng chiêm tinh

Nhà tâm lý Silverman thuộc ĐH Michigan, Mỹ, nghiên cứu 2.978 cặp vợ chồng và 478 cặp đã ly hôn và nhận thấy, tỷ lệ tan vỡ của hai nhóm hòa hợp và không hòa hợp theo tiêu chuẩn chiêm tinh là như nhau. Nhà vật lý M.C. Jerni thấy thời điểm sinh của 6.000 chính trị gia và 1.700 nhà khoa học phân bố hoàn toàn ngẫu nhiên, trái với kết quả chiêm tinh. Nhà vật lý Carlson cho thấy, chiêm tinh chỉ đúng trong mô tả tính cách của 34% số người được nghiên cứu, một tỷ lệ... không cao hơn đoán mò.

Lý giải của khoa học

Đứng trước các con số đầy mâu thuẫn đó, các nhà khoa học đã đưa ra tới 26 lý do giải thích tại sao chúng ta thấy chiêm tinh hay các loại hình tiên tri khác dường như chính xác. Dưới đây là một số lý giải thường gặp nhất.

* Hiệu ứng Barnum: Phần lớn các dự báo chiêm tinh thường mơ hồ và tổng quát đến mức, có thể áp dụng chúng cho tất cả mọi người. Hiệu ứng này được đặt theo tên một gánh xiếc đầu TK 20, khi vào năm 1949, một GS tâm lý đưa ra một mô tả nhân cách khôn khéo đến mức, tất cả sinh viên của ông đều tin nó là của mình.

* Xu nịnh sẽ đưa chúng ta tới bất cứ đâu: Nói chung các dự báo đều dễ nghe. Khi có ai tuyên bố ta tài giỏi, thông minh, sáng tạo, nhạy cảm, giao thiệp rộng, giàu trí tuệ và dễ thăng tiến, nhiều khả năng ta sẽ xem đó là một nhà chiêm tinh rất đáng tin cậy!

* Ước vọng muốn tin: Không ai đi tìm một nhà chiêm tinh mà lại muốn ông hay bà ta nói sai. Chính ước vọng muốn tin đó khiến chúng ta tạo ra những ám hiệu kín đáo hay rõ ràng giúp nhà chiêm tinh điều chỉnh các dự báo. Khi gặp một thiếu nữ băn khoăn "tôi không gặp rắc rối về tình cảm chứ?", dù kém nhạy cảm cách mấy thì nhà chiêm tinh cũng biết cần phải nói như thế nào.

*Hội chứng tiến sĩ Fox: Khi thấy đang trong một tình thế giàu tính trí tuệ và khi tin là đang được nghe một người thấu hiểu vấn đề diễn thuyết, ta sẽ thấy thỏa mãn mà không để ý xem thực ra điều trình bày có đúng hay không. Năm 1974, ba nhà y khoa dùng một diễn viên đóng vai "Tiến sĩ Myron L. Fox". Cử tọa gồm 55 nhà tâm thần học, tâm lý học, giảng viên, quan chức trường phổ thông và nhà hoạt động xã hội ngồi nghe TS Fox tình bày về lý thuyết trò chơi ứng dụng trong giảng dạy vật lý. Bài giảng chỉ là lối văn cầu kỳ có chủ tâm, nhưng khi điền phiếu thăm dò, 42 người đồng ý rằng bài giảng được tổ chức tốt, với nhiều minh họa và có tính kích thích tư duy. Cũng có 14 người thấy diễn giả nói nhiều ở những điểm đã rõ ràng, và 1 người thấy buổi thuyết trình quá phức tạp. Tuy nhiên hầu hết đều muốn nghe thêm về chủ đề mà không một ai nhận ra rằng, bài giảng chỉ là trò lừa gạt. Vì thế nếu gặp một nhà chiêm tinh có kinh nghiệm và tỏ ra thông tuệ, nhiều khả năng là chúng ta sẽ tin!

* Hiệu ứng Hans thông minh: Nhiều nhà chiêm tinh phản ứng tốt trước ngôn ngữ cơ thể và nét mặt khách hàng để cải thiện các dự báo. Hiện tượng này được đặt theo tên chú ngựa Hans tại Berlin đầu TK 20 biết làm toán do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện. Hiệu ứng vầng hào quang: Đó là kết quả của ấn tượng ban đầu. Ta có xu hướng tin tưởng nhà chiêm tinh hay thầy bói có tính cách nồng nhiệt hơn lạnh lùng, tự chủ hơn thiếu tự chủ, ăn mặc tươm tất hơn quần áo cẩu thả, ưa nhìn hơn kém hình thức... Giới hành nghề tiên tri thuộc nằm lòng quy tắc này.

* Tương quan ảo: Đây là quy luật vàng của tâm lý học: tin là thấy. Từ vô số sự kiện xảy ra trong đời, bao giờ ta cũng nhặt ra được những sự kiện phù hợp với dự báo của nhà chiêm tinh được ta tin tưởng. Đó cũng chính là qui luật vàng chi phối nhiều hiện tượng ngoại cảm và tâm linh khác.

* Ký ức chọn lọc: Nói chung ta có xu hướng chỉ nhớ dự báo đúng mà ít lưu tâm tới các dự báo sai. Và chúng ta say sưa kể về các dự báo đúng đó cả đời mà không lưu tâm tới câu hỏi quyết định, vậy chiêm tinh dự báo đúng bao nhiêu phần trăm? Trên thực tế có thể đạt được các kết quả cao hoàn toàn chỉ nhờ đoán mò, chẳng hạn sinh trai hay gái (tỷ lệ đúng 50%), đúng hay sai (tỷ lệ cũng là 50%); thậm chí có thể đạt kết quả ấn tượng tới tỷ lệ thành công 70% khi dự báo "thời tiết ngày mai giống hôm nay", một kết quả dựa trên thống kê học.

Năm 1982, GS tâm lý Lester đưa ra nhận xét, chiêm tinh học có ích lợi như chuyến thăm một nhà trị liệu. Nói cách khác, nó giống như sự trợ giúp tinh thần mà dường như nhiều người cần đến ít nhất một lần trong đời. Đó chính là nguyên nhân thành công chủ yếu của một chiêm tinh gia nhiều kiến thức về tâm lý học và một số môn khoa học xã hội đi kèm.

Kỳ 7: Khả năng dự báo của kinh dịch

Dịch hay Chu Dịch gồm hai phần, Dịch kinh và Dịch truyện. Dịch Kinh là một cuốn sách, thường được xem là sách bói, gồm 64 quẻ, xuất phát từ 8 quẻ (Bát quái), mỗi quẻ có 6 vạch. Dưới mỗi vạch có lời đoán theo các mục như hôn nhân, xuất hành... Lời đoán có thể tốt hay xấu, kèm lời khuyên đạo đức. Người đoán quẻ lập luận theo nguyên tắc âm dương giao cảm.

Theo cố học giả Cao Xuân Huy trong tác phẩm đoạt giải Hồ Chí Minh Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu: Dịch kinh là sách bói, ra đời sau Khổng Tử, còn Dịch truyện gồm nhiều tư tưởng hỗn hợp, trong đó nổi bật tư tưởng Lão Trang, với bản thể luận và biện chứng pháp Đạo gia. Như vậy Dịch chỉ có thể hình thành cuối đời Chu, thời Xuân Thu - Chiến quốc.

Nhiều người ca ngợi khả năng dự báo của Dịch, mà điển hình là Thiệu Vĩ Hoa, "ngôi sao Dịch học", người viết cuốn Chu Dịch với dự báo học với số lượng phát hành kỷ lục tại Trung Quốc. Bản dịch cũng gây nhiều dư luận tại Việt Nam. Trong sách, Chu Dịch được ca ngợi là "đại số học vũ trụ" hay "hòn ngọc trên vương miện khoa học".

Vậy trên thực tế Chu Dịch có khả năng dự báo như thế nào?

Logic 64 quẻ Dịch

Trong Hệ từ viết: "Dịch có Thái cực, sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái". Đó chính là luận lý căn bản của Dịch.

Thái cực là chữ Đạo của Lão tử, là bản thể vũ trụ, cơ sở tồn tại của vạn vật, nên "vô thủy vô chung" (không có khởi đầu và kết cục), "bất sinh bất diệt" (tồn tại vĩnh hằng, không đổi không dời), bao trùm mọi vật, đồng thời có trong từng vật riêng biệt. Lưỡng nghi là "âm dương", hai phương thức của Thái cực, đối lập, mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Do sự đấu tranh của âm dương mà hình thành sự đa hóa, phân hóa, phát triển. Lưỡng nghi cũng là trời và đất, lấy dương thay cho trời, lấy âm thay cho đất. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tức âm dương kết hợp tạo nên bốn tượng: thuần dương là Thái dương, thuần âm là Thái âm, hào âm trên hào dương là Thiếu âm. Tứ tượng tượng trưng cho bốn phương, cũng cho bốn mùa, tức tứ thời.

Cờ Hàn Quốc với Thái Cực ở trung tâm,

xung quanh là 4 quẻ.

Tứ tượng sinh Bát quái, vẫn do âm dương tương giao mà thành. Hào dương kết hợp với Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương, Thái âm tạo thành bốn quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn. Hào âm kết hợp với Tứ tượng thành bốn quẻ Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Tổng cộng có 8 quẻ, tức Bát quái. Đó cũng là tám phương, bát tiết.

Tám "tiểu thành quái" trên kết hợp nhau, tạo 8 x 8 = 64 "đại thành quái", mỗi quẻ có 6 hào hay 3 tượng. Người xưa xem mọi biến dịch trong vũ trụ không ngoài 64 quẻ Kinh Dịch đó. Vì thế bậc trí giả, với các học thuyết thánh hiền, tự xem mình ngồi trong nhà mà như đứng giữa ngã ba đường, không gì là không biết!

Dịch theo khoa học hiện đại

Theo người viết, Thái cực chính là Big Bang, vụ nổ lớn khai sinh vũ trụ; Lưỡng nghi là đối ngẫu sóng - hạt của thế giới vi mô; Tứ tượng là bốn tương tác chi phối vũ trụ (hấp dẫn, điện từ, tương tác yếu và tương tác mạnh); một số quẻ Dịch là những phạm trù triết học. Khi đó sẽ giải thích được logic nội tại và khả năng dự báo của Dịch.

Theo vật lý học, vũ trụ của chúng ta xuất phát từ Vụ nổ lớn xảy ra 13,7 tỷ năm trước. Đó chính là tương tác siêu thống nhất, là cái một, cái chí nhất khởi thủy cho vạn vật. Sau đó do quá trình lạm phát, vũ trụ giãn nở và nguội dần, tương tác siêu thống nhất tách thành tương tác đại thống nhất và hấp dẫn (lúc này vũ trụ có 2 tương tác). Tiếp theo đại thống nhất tách thành tương tác mạnh và điện yếu (vũ trụ bây giờ có ba tương tác). Cuối cùng điện yếu tách thành điện từ và tương tác yếu, hoàn tất sự xuất hiện của 4 tương tác điều khiển toàn vũ trụ. Toàn bộ quá trình đó xảy ra chỉ trong một phần triệu giây sau Vụ nổ lớn.

Về hình thức, logic "Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng" khá phù hợp với vũ trụ luận nói trên. Trong đó Thái cực là Big bang, nơi vũ trụ là cái một, cái duy nhất. Lưỡng nghi là lưỡng tính sóng - hạt của thế giới vi mô: vật chất vừa có tính sóng vừa có tính hạt, chúng mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Tứ tượng là bốn tương tác cơ bản. Tứ tượng không sinh đồng thời, mà "một sinh hai, hai sinh ba", "ba" sinh bốn, bốn "sinh vô cùng", có vẻ đúng như lời Lão Tử.

Theo Cao Xuân Huy ở sách đã dẫn, trong 64 quẻ, ba quẻ Thái, Bĩ và Đồng nhân tiêu biểu cho quá trình biện chứng của Dịch. Cụ thể hơn, Thái là chính đề, Bĩ là phản đề, phủ định, còn Đồng nhân là hợp đề của chính đề, tức phủ định của phủ định. Như vậy một số quẻ Dịch có thể là một số phạm trù hay quy luật của triết học biện chứng.

Khả năng dự báo của Dịch

Người viết thấy logic của Dịch đúng khoảng 60 - 70% so với kiến thức hiện đại, một tỷ lệ rất cao với một lý thuyết từ hàng ngàn năm trước. Vì thế nếu Thiệu Vĩ Hoa ca ngợi Chu Dịch hơi quá lời thì cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên đó là do chúng ta chỉ mới xét tính tất yếu khách quan của các quy luật biến dịch mà chưa xét tới vai trò của ngẫu nhiên, yếu tố quyết định 50% số phận vũ trụ. Theo lời nhà vật lý lý thuyết Gell-Mann, bộ óc vật lý siêu việt nhất nửa cuối thế kỷ 20, giải Nobel về mô hình quark của các hạt cơ bản, "các ngẫu nhiên và các quark giải thích được vũ trụ, sự sống và mọi thứ khác".

Nói cách khác, nếu tính cả ngẫu nhiên, yếu tố quyết định một nửa hành trạng của tự nhiên, khả năng dự báo của Dịch sẽ giảm đi một nửa, còn khoảng 30-35%. Viết đến đây, người viết lại nhớ tới quan điểm của cố giáo sư, nhà tình báo, thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc, một nhà khoa học đã lập mô hình toán học cho tử vi, đại ý, nếu đúng thì (dự báo dựa trên Dịch) cũng không quá 70%, nếu sai cũng không dưới 30%.

Tóm lại, dự báo Chu Dịch có tỷ lệ thành công khoảng 30-35%. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn, chỉ ngang với dự báo ngẫu nhiên hay đoán mò. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, đoán mò còn cho kết quả cao hơn, chẳng hạn sinh trai hay gái, thắng hay thua (đều có tỷ lệ thành công 50%).

Kết luận

Về mặt nhận thức, hiểu biết của con người đi từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, trên cơ sở trình độ khoa học - công nghệ của xã hội đương thời. Quá trình nhận thức càng ngày càng tiếp cận, nhưng không bao giờ đạt tới hiểu biết cuối cùng (khoa học TK 20 phát hiện ra rằng, có những giới hạn nhận thức mà khoa học không thể vượt qua). Vì thế, một lý thuyết có từ hàng ngàn năm trước như Chu Dịch không thể phản ánh tốt hiện thực khách quan. Người viết cho rằng, Dịch dự báo được khoảng một phần ba các biến cố, một tỷ lệ tương đương với đoán mò (các loại hình tiên tri khác như chiêm tinh học cũng có tỷ lệ thành công như vậy, cho thấy có lẽ chúng chỉ là sự đoán mò). Và có lẽ đó là lý do mà các nhà Dịch học chỉ kể về các trường hợp thành công, chứ không bao giờ đưa ra các con số thống kê về tỷ lệ giữa các dự báo đúng và sai. Thiếu những thống kê như vậy, khả năng dự báo của Dịch còn thiếu sức thuyết phục.

Kỳ 8: Thần giao cách cảm có thật hay không?

Thần giao cách cảm (telepathy) là khả năng đọc ý nghĩ người khác hay trao đổi thông tin trực tiếp giữa các bộ não. Nó là một trong bốn hiện tượng ngoại cảm, bao gồm thần giao cách cảm, thấu thị (hay thấu thính), tiên tri và hậu tri. Vấn đề đặt ra là nó có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?

Những trường hợp điển hình

Trong một thí nghiệm kinh điển, Morley của Viện Victoria, Mỹ, cho kiến vào các bình chứa khác nhau, sao cho chúng không thể liên lạc bằng âm thanh, thị giác, mùi hay rung động (kiểu liên lạc thường gặp ở kiến). Tuy nhiên dường như chúng vẫn có thể truyền tin cho nhau, qua "giác quan thứ chín", theo lời nhà nghiên cứu.

Chú khỉ thứ 100 là câu chuyện thú vị về khả năng truyền ý nghĩ của khỉ. Theo giới ngoại cảm học thì một chú khỉ trên đảo Koshima, Nhật Bản, học được cách rửa khoai tây bằng nước biển trước khi ăn và dạy cho khỉ trong đàn cách giữ vệ sinh đó. Ngay lập tức kiến thức lan truyền tức thời qua 'thần giao cách cảm" và nhiều khỉ trên quần đảo Nhật Bản biết rửa khoai tây!

Ấn tượng nhất là thí nghiệm về "cảm xúc" thực vật. Trong đó, một người được bố trí đập phá cây trước một cái cây khác. Đo đạc cho thấy, trước cảnh tàn sát, hoạt tính điện của "cây nhân chứng" gia tăng dữ dội. Sau đó rất nhiều người được bố trí đi ngang qua cây "nhân chứng". Đúng như mong đợi, khi người tàn sát cây xuất hiện, hoạt tính điện của cây nhân chứng lại thay đổi ghê gớm: dường như cây đã nhận dạng được kẻ sát nhân! Căn cứ vào đó mà một số người kết luận thực vật cũng có thể có cảm xúc và tình cảm, một quan niệm thực ra là sai lầm.

Các lý giải thường gặp

Một số lý thuyết đã được đề xuất để giải thích thần giao cách cảm, như trường sinh học, năng lượng hay thông tin sinh học - một trường vật chất mới hoàn toàn khác các trường vật lý đã biết. Nhược điểm lớn nhất của chúng là thiếu cơ sở khoa học và bằng chứng thực nghiệm. Bản chất của trường đó là gì, cường độ mạnh yếu thế nào, cơ chế tương tác với các sinh thể ra sao, chúng từ đâu xuất hiện và khi sinh thể chết thì chúng mất đi đâu là những câu hỏi chưa bao giờ được giải đáp.

Quan niệm của nhà vật lý Bohm về thực tại không định xứ của cơ học lượng tử cũng thường được viện dẫn. Theo đó thì một thực tại có thể đồng thời ở nhiều vị trí không thời gian khác nhau, nên hai bộ não có thể cùng chia sẻ một ý nghĩ. Tuy nhiên đó là thực tại của thế giới lượng tử, tức thế giới vi mô, chứ không phải của thế giới sinh thể mà ta vẫn thấy hàng ngày.

Lý thuyết ý thức tập thể của nhà phân tâm học Jung cũng thường được diễn giải sai lầm như một cơ chế truyền ý nghĩ giữa các bộ não. Theo đó thì mọi bộ não đều kết nối với nhau qua "ý thức tập thể". Nếu không thì tại sao ngay từ bé, chúng ta đều sợ rắn? Không lạ khi Jung là người ủng hộ các hiện tượng dị thường rất nhiệt thành.

Cách lý giải mới

Nhà sinh học Rupert Shaldrake, chuyên gia về thần giao cách cảm.

Vật lý sự sống đưa ra một cách lý giải mới cho thần giao cách cảm. Đó là quan niệm điện từ sinh học. Theo đó thì mọi ý nghĩ đều có cơ sở vật chất là các hoạt động điện hóa tại các tế bào thần kinh trong não. Theo định luật cảm ứng điện từ, các xung điện hóa đó sẽ tạo ra sóng điện từ trong và xung quanh não. Phép đo từ não đồ để nghiên cứu não và chẩn đoán bệnh dựa trên thực tế đó. Đồng thời, qua một số hiện tượng cộng hưởng, như cộng hưởng Schumann, các tín hiệu điện từ sinh học đó có thể tách khỏi nhiễu và lan truyền vòng quanh trái đất qua ống dẫn sóng giữa tầng điện ly và mặt đất, tương tự sóng phát thanh. Thực nghiệm đã đo được các sóng 10m và 37,5m, gần dải sóng đài phát thanh hay dùng. Về nguyên tắc, một nhà ngoại cảm có thể thu và giải mã các sóng này, dẫn tới khả năng "đọc ý nghĩ". Hiện tượng ngưng tụ Bose-Einstein trong các hệ sinh học, mà khoa học đang tìm được những bằng chứng xác thực, cho phép cơ thể đo được các tín hiệu rất nhỏ yếu đó.

Tuy những suy luận trên không phải không có hạt nhân hợp lý, nhưng yếu tố quyết định phải là bằng chứng thực nghiệm. Không được thực nghiệm khẳng định thì đó chỉ là một trong nhiều giả thuyết về thần giao cách cảm mà thôi. Đáng tiếc là cho đến nay, hầu như khoa học chưa thu được một bằng chứng đủ tin cậy nào để khẳng định thần giao cách cảm có thật.

Giải mã các hiện tượng đã nêu

Trong thí nghiệm Morley, nếu quả thật kiến vẫn liên lạc được với nhau, nhiều khả năng là nhờ các kênh điện từ. Chú khỉ thứ 100 đơn giản chỉ là huyền thoại, tức chỉ là sản phẩm bịa tạc. Trong thí nghiệm phá cây, cần lưu ý rằng khoa học đã thấy rằng trước khi chết, khả năng sinh thể phát tín hiệu điện từ tăng gấp hàng ngàn lần so với bình thường. Đó là thời khắc lóe sáng cuối cùng trước khi vụt tắt. Do sự cộng hưởng mà hoạt tính điện của cây nhân chứng cũng gia tăng mạnh mẽ. Việc nhận dạng người phá cây cũng được giải thích như vậy. Đó chỉ là những hoạt động vật lý thuần túy, chứ thực vật thì không thể có tình cảm hay cảm xúc, như có người lầm tưởng khi thuật lại thí nghiệm này.

Thần giao cách cảm có thật hay không?

Câu trả lời của khoa học là chúng ta chưa biết. Khả năng động thực vật có thể liên lạc qua nhiều kênh thông tin thì đã rõ, với nhiều bằng chứng ủng hộ. Ngoài ra một số động vật cũng có khả năng cảm nhận được động đất, nhà sập hay một số tai biến khác trước khi chúng xẩy ra. Nhiều khả năng động vật bậc thấp đo được biến động địa từ hay sóng hạ âm thường xuất hiện trước các tai biến. Vấn đề chưa rõ là con người có khả năng đọc ý nghĩ người khác hay không. Cho đến rất gần đây, qua thí nghiệm Ganzfield, được thiết kế để thực hiện thần giao cách cảm có kiểm soát (ngăn chặn can nhiễu và sự rò rỉ thông tin qua các kênh cảm giác), vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận về tính xác thực của nó. Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục cải tiến qui trình Ganzfield và thử nghiệm nhiều hơn nữa, may ra chúng ta mới có cơ hội tìm ra lời giải.

Mr Bean : 01232818886

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top