GIẢI QUYẾT ĐÚNG ĐẮN VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO

GIẢI QUYẾT ĐÚNG ĐẮN VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO

1. Vấn đề dân tộc và những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác Lênin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc

a. Khái niệm dân tộc

Dân tộc là một hình thức tổ chức cộng đồng người có tính chất ổn định được hình thành trong lịch sử, là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của lịch sử xã hội

Trong các tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin không chỉ đề cập đến loại hình dân tộc hình thành trong thời đại tư bản chủ nghĩa mà đã đề cập đến các loại hình dân tộc khác, không phải tư sản. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph.Ăngghen cho rằng, nhà nước là điều kiện tồn tại của dân tộc. Nếu vậy thì hình thái cộng đồng người dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến cũng là cộng đồng dân tộc. Do đó, thuật ngữ dân tộc không chỉ đề áp dụng cho dân tộc tư sản, mà còn để gọi các cộng đồng người trong các xã hội có nhà nước

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ph.Ăngghen còn gọi những cộng đồng người chưa đạt đến hình thành nhà nước cũng bằng thuật ngữ dân tộc "Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng thuận lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh" . Thời đại dã man loài người sống dưới chế độ thị tộc, bộ lạc, chưa có giai cấp, nhà nước. Như vậy, ở đây, thuật ngữ dân tộc cũng được dùng để chỉ các cộng đồng người đang sống dưới chế độ thị tộc, bộ lạc, khi nhà nước còn chưa ra đời.

Vì vậy, thuật ngữ dân tộc không thể chỉ hiểu như lâu nay theo định nghĩa dân tộc của Xtalin với bốn yếu tố bắt buộc (cộng đồng về ngôn ngữ, lãnh thổ, kinh tế, văn hóa), mà cần được hiểu rộng hơn, gồm dân tộc-quốc gia dưới các hình thái kinh tế-xã hội khác nhau; dân tộc chưa đạt đến trình độ quốc gia; các dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc.

Bởi vậy, khái niệm dân tộc là một khái niệm đa nghĩa, đa cấp độ, được xác định tuỳ theo cảnh huống cụ thể. Hiện nay có thể hiểu khái niệm dân tộc theo hai nghĩa dân tộc được hiểu là dân tộc-quốc gia với tư cách là một cộng đồng chính trị-xã hội rộng lớn và dân tộc được hiểu là cộng đồng dân tộc-tộc người.

Dân tộc-quốc gia là một cộng đồng người ổn định, hình thành trong lịch sử, có chung một ngôn ngữ, một lãnh thổ, cùng chung một vận mệnh lịch sử, có những lợi ích chung (về kinh tế, chính trị), có chung nền văn hoá (thể hiện trong phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm lý, lối sống v.v)

Dân tộc-tộc người là một cộng đồng người ổn định hoặc tương đối ổn định, có chung một ngôn ngữ, một nền văn hoá, có ý thức tự giác tộc người. Với ba tiêu chí này đã tạo ra sự ổn định trong mỗi dân tộc trong quá trình phát triển. Rõ ràng là cả những khi có sự thay đổi về lãnh thổ hay thay đổi về phương thức sinh hoạt kinh tế, cộng đồng dân tộc vẫn tồn tại trên thực tế.

b. Hai xu hướng phát triển của dân tộc và vấn đề dân tộc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội

Khi nghiên cứu vấn đề dân tộc và phong trào dân tộc trong chủ nghĩa tư bản, V.I.Lênin đã phát hiện ra hai xu hướng khách quan 1) Do sự chín muồi của ý thức dân tộc, sự thức tỉnh về quyền sống của mình, các cộng đồng dân cư muốn tách ra để thành lập các quốc gia dân tộc độc lập. Xu hướng này nổi lên trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản như những phong trào đấu tranh chống áp bức dân tộc để đi đến thành lập các quốc gia dân tộc độc lập. 2) Xu hướng liên hiệp các dân tộc. Đó là xu hướng các dân tộc trong một quốc gia, kể cả các dân tộc ở nhiều quốc gia muốn liên hiệp lại với nhau. Xu hướng này do nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học, công nghệ, giao lưu kinh tế và văn hoá. Xu hướng này tác động mạnh mẽ khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Sau thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cùng với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, là quá trình hình thành và phát triển của dân tộc xã hội chủ nghĩa. Dân tộc trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội có sự vận động mới theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Trong đó hai xu hướng của sự phát triển dân tộc sẽ phát huy tác dụng cùng chiều, bổ sung, hỗ trợ cho nhau và diễn ra trong từng dân tộc, trong cả cộng đồng quốc gia và đến tất cả các quan hệ dân tộc. Sự xích lại gần nhau trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa các dân tộc sẽ tạo điều kiện cho từng dân tộc đi nhanh tới sự tự chủ, phồn vinh. Đồng thời sự tự chủ, phồn vinh của từng dân tộc lại là điều kiện để các dân tộc xích lại gần nhau hơn, hoà hợp với nhau ở mức độ cao hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

c. Các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc

Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về giải quyết vấn đề dân tộc được thể hiện tập trung ở Cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin, được trình bày trong tác phẩm Về quyền dân tộc tự quyết, với nội dung được tóm tắt là "Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại" . Cương lĩnh này được V.I.Lênin xây dựng trên cơ sở tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng ghen về vấn đề dân tộc; dựa vào sự tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Nga; phân tích sâu sắc hai xu hướng khách quan của phong trào dân tộc.

1) Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng. Đây là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong cương lĩnh. Nguyên tắc này xuất phát từ mục tiêu của cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản phản đối mọi tình trạng bất bình đẳng giữa các dân tộc, phản đối mọi đặc quyền đặc lợi và áp bức dân tộc. Giai cấp vô sản chỉ thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình cùng với việc thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc. V.I.Lênin chỉ rõ "Người nào không thừa nhận và không bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng giữa các ngôn ngữ, không đấu tranh chống mọi áp bức hay bất bình đẳng dân tộc, người đó không phải là người mácxít, thậm chí không phải là người dân chủ nữa" . Từ đó, ông nêu ý nghĩa thực sự việc đòi quyền bình đẳng chung quy chỉ là đòi thủ tiêu giai cấp.

Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng có nghĩa là các dân tộc lớn hay nhỏ (kể cả bộ tộc và chủng tộc) không phân biệt trình độ phát triển cao hay thấp, đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau trong các sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội; không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi và có quyền đi áp bức bóc lột dân tộc khác, thể hiện trong luật pháp mỗi nước và luật pháp quốc tế.

V.I.Lênin cũng đã triển khai nội dung bình đẳng ở hai cấp độ: bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc-tộc người trong một quốc gia đa dân tộc. Đây là cơ sở giúp các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế giải quyết được những vấn đề liên quan đến quan hệ dân tộc đối nội và quan hệ dân tộc đối ngoại.

Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó việc phấn đấu khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá do lịch sử để lại có ý nghĩa cơ bản.

Trên phạm vi giữa các quốc gia dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc trong giai đoạn hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; gắn liền với cuộc đấu tranh xây dựng trật tự kinh tế thế giới mới; chống sự áp bức bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển về kinh tế.

Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.

2) Các dân tộc được quyền tự quyết. Theo V.I.Lênin, đây là vấn đề đặt ra trước tiên khi người ta muốn nghiên cứu theo quan điểm mácxít về vấn đề dân tộc.

Cũng như quyền bình đẳng dân tộc, quyền tự quyết được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng thực chất là tự quyết về chính trị. V.I.Lênin viết "Trong cương lĩnh của những người mácxít, quyền dân tộc tự quyết, đứng trên quan điểm mặt lịch sử-kinh tế mà xét, không thể có nghĩa nào khác hơn là quyền tự quyết về chính trị, là quyền độc lập quốc gia, là sự thành lập quốc gia dân tộc" . Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự lựa chọn chế độ chính trị-xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình.

Quyền tự quyết bao gồm quyền tự do độc lập về chính trị tách ra thành một quốc gia dân tộc độc lập vì lợi ích của các dân tộc và cũng bao gồm quyền tự nguyện liên hiệp với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.

V.I.Lênin cho rằng quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là quyền phân lập về mặt nhà nước của dân tộc đó ra khỏi các tập thể dân tộc khác, có nghĩa là thành lập một quốc gia dân tộc độc lập. Tuy nhiên, theo V.I.Lênin, quyền phân lập về chính trị chủ yếu đặt ra đối với các dân tộc bị áp bức, lệ thuộc. Lênin cũng nhấn mạnh: các dân tộc có quyền tự quyết không phải là để các dân tộc tách ra mà chính là để các dân tộc xích lại gần nhau. Thực hiện tự do phân lập chính là tạo cơ sở để thực hiện sự liên hiệp các dân tộc.

V.I.Lênin cũng khẳng định một trong những nguyên tắc của vấn đề dân tộc tự quyết là phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi nghiên cứu và giải quyết vấn đề dân tộc. Khi xem xét, giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết của dân tộc cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân. Chỉ ủng hộ sự phân lập mang tới lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng trong phạm vi ấy. Kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực đế quốc và phản động lợi dụng chiêu bài "dân tộc tự quyết" để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các nước.

3) Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc. Cơ sở khách quan của nguyên tắc nay, theo V.I.Lênin, là khi chủ nghĩa tư bản đã trở thành lực lượng quốc tế thì giai cấp vô sản muốn chiến thắng phải có sự liên hiệp trên phạm vi quốc tế. Nếu không có sự đoàn kết của giai cấp vô sản các nước đi áp bức và các dân tộc bị áp bức thì phong trào cách mạng vô sản ở các nước đế quốc chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc nhất định bị hạn chế.

Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc phản ánh bản chất quốc tế của phong trào công nhân, phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Nó đảm bảo cho phong trào dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi. Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc quy định mục tiêu hướng tới, quy định đường lối, phương pháp xem xét, cách giải quyết quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc. Đồng thời nó là yếu tố sức mạnh đảm bảo cho giai cấp công nhân và các dân tộc chiến thắng kẻ thù của mình.

Đoàn kết, liên hiệp công nhân các dân tộc là cơ sở vững chắc để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động rộng rãi thuộc các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin là một bộ phận trong cương lĩnh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; là cơ sở lý luận của đường lối, chính sách dân tộc của các Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

2. Tôn giáo và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo

a. Khái niệm tôn giáo

Trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C.Mác viết "Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa. Nhưng con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược, vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược (...) Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" .

Qua luận điểm này cần lưu ý một số vấn đề sau 1) Tôn giáo không phải là cái tự có mà là sản phẩm của con người, tức xã hội con người, cũng tức là phương thức tồn tại của con người. Nói cách khác, tôn giáo chỉ là sự phản ánh xã hội con người vào trong ý thức của con người. Vì thế tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, phản ánh cái tồn tại xã hội đã sinh ra nó. 2) Song sự phản ánh đó chỉ là sự phản ánh phi lý tính, hoang đường, để rồi sau đó lấy cái phi lý, cái hoang đường làm chân lý, chuẩn mực, để giải thích hoặc chi phối cái hiện thực. 3) Tôn giáo là sản phẩm của con người, nhưng không phải là con người cá nhân, riêng lẻ, mà là con người xã hội ( hay xã hội con người ), do đó tôn giáo là một hiện tượng xã hội. 4) Xét về bản chất, tôn giáo là một hiện tượng xã hội tiêu cực, nó vừa biểu thị sự phản kháng tiêu cực trước những nỗi khổ đau và bất hạnh của con người, vừa biểu thị sự nhẫn nhục, sự bất lực của con người trước những sức mạnh tự phát của tự nhiên và xã hội.

Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen đã làm rõ bản chất của tôn giáo trên cơ sở xem tôn giáo như là một hình thái ý thức xã hội "Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo- vào trong đầu óc của con người- của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế" .

Như vậy, tôn giáo là sản phẩm của con ngựời, gắn với những điều kiện lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội xác định. Xét về mặt bản chất, tôn giáo là một hiện tượng xã hội tiêu cực. Tuy nhiên, tôn giáo cũng chứa đựng một số giá trị văn hoá phù hợp với đạo đức, đạo lý của xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin và những người cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân.

Tôn giáo được tạo thành bởi ba yêú tố cơ bản ý thức tôn giáo (gồm tâm lý tôn giáo và hệ tư tưởng tôn giáo), hệ thống nghi lễ tôn giáo (trong đó hoạt động thờ cúng là yếu tố cơ bản), tổ chức tôn giáo (thường có hệ thống từ trung ương đến cơ sở). Vì vậy, tôn giáo là một lực lượng xã hội trần thế, có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội.

b. Vấn đề tôn giáo trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

Nguồn gốc của tôn giáo. Theo V.I.Lênin, toàn bộ những nguyên nhân và điều kiện tất yếu làm nảy sinh niềm tin tôn giáo là những nguồn gốc của tôn giáo. Từ quan điểm này có thể phân định nguồn gốc tôn giáo như sau

1) Nguồn gốc kinh tế-xã hội. Theo Ph.Ăngghen "tôn giáo sinh ra trong thời đại hết sức nguyên thuỷ, từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thủy của con người về bản chất của chính họ và về giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ" . Nghĩa là trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, tôn giáo ra đời do trình độ lực lượng sản xuất thấp kém. Trình độ thấp kém của lực lượng sản xuất đã làm cho con người không nắm bắt được thực tiễn những lực lượng tự nhiên. Do vậy, con người cảm thấy yếu đuối và bất lực trước tự nhiên rộng lớn và bí ẩn, vì thế, họ đã gán cho tự nhiên những sức mạnh, quyền lực to lớn, thần thánh hóa những sức mạnh đó. Đó là hình thức tồn tại đầu tiên của tôn giáo. Khi xã hội xuất hiện những giai cấp đối kháng, bên cạnh cảm giác yếu đuối trước sức mạnh tự phát của tự nhiên, con người lại cảm thấy bất lực trước những sức mạnh tự phát của xã hội hoặc của một thế lực nào đó của xã hội. Không giải thích được nguồn gốc của sự phân hoá giai cấp và áp bức bóc lột, của những ngẫu nhiên, may rủi, con người lại hướng niềm tin hư ảo vào "thế giới bên kia" dưới hình thức các tôn giáo. Như vậy, sự yếu kém của trình độ phát triển lực lượng sản xuất, sự bần cùng về kinh tế, áp bức về chính trị, thất vọng, bất lực trước những bất công xã hội là nguồn gốc sâu xa của tôn giáo.

2) Nguồn gốc nhận thức. Ở những giai đoạn lịch sử nhất định, nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân mình là có giới hạn. Tồn tại của sự vật trong thế giới hiện thực là tồn tại đầy mâu thuẫn, mà như V.I.Lênin nói, bản chất của sự vật không phải bao giờ cũng lộ ra. Con người ngày càng khám phá ra những bí ẩn của thế giới, nhưng cũng ngày càng đặt ra các vấn đề mới, ngày càng gặp phải những giới hạn, mà trong những điều kiện cụ thể, con người không thể vượt qua được. Khoảng cách giữa cái biết và cái chưa biết luôn luôn tồn tại. Cho nên, trước mắt con người, thế giới vừa luôn là cái hiểu được, vừa luôn là cái bí ẩn. Do không giải thích được cái bí ẩn ấy nên con người dễ xuyên tạc nó, điều gì khoa học chưa giải thích được, điều đó dễ bị tôn giáo thay thế. Sự xuất hiện và tồn tại của tôn giáo còn gắn liền với đặc điểm nhận thức của con người. Con người ngày càng nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn thế giới khách quan, khái quát hoá thành các khái niệm, phạm trù, quy luật. Nhưng càng khái quát hoá, trừu tượng hóa đến mức hư ảo thì sự vật, hiện tượng được con người nhận thức càng có khả năng xa rời hiện thực và dễ phản ánh sai lạc hiện thực. Như vậy, thực chất nguồn gốc nhận thức của tôn giáo là sự tuyệt đối hoá, cường điệu hoá mặt chủ thể của nhận thức con người, dẫn đến thiếu khách quan, mất dần cơ sở hiện thực, dễ rơi vào ảo tưởng, thần thánh hoá đối tượng

3) Nguồn gốc tâm lý. Đó là ảnh hưởng của yếu tố tâm lý đến sự ra đời của tôn giáo. Đặc biệt là những trạng thái tâm lý tiêu cực. Các nhà duy vật cổ đại đưa ra quan điểm cho rằng "sự sợ hãi sinh ra thần linh". V.I.Lênin tán thành và vạch rõ nguồn gốc xã hội của những tình cảm tiêu cực (sự sợ hãi) làm nảy sinh tôn giáo, ông nhấn mạnh rằng trong xã hội có giai cấp "sự sợ hãi đã tạo ra thần linh" . Trong cuộc sống, những trạng thái tâm lý mang tính tiêu cực như sự bất hạnh, đau khổ, nỗi kinh hoàng, sợ hãi v.v dễ dẫn con người đến với tôn giáo để mong được sự an ủi, che chở, giúp đỡ làm giảm nỗi khổ đau của con người trong cuộc sống hiện thực. Mặc dù sự giúp đỡ ấy chỉ là một sự giúp đỡ "hư ảo", nhưng tôn giáo nhiều khi là phương tiện khá hữu hiệu giúp con người cân bằng sự hẫng hụt tâm lý, giải thoát sự cô đơn, bất hạnh trong cuộc sống. Không chỉ vậy, những trạng thái tâm lý tích cực như sự hân hoan, vui sướng, mãn nguyện v.v, đôi khi cũng có thể là một nguyên nhân dẫn con người đến với tôn giáo. Con người muốn được san sẻ trong tôn giáo những tình cảm vui sướng của mình, muốn được đắm mình trong không gian tôn giáo để được hướng về cái thiêng liêng, cao cả, đôi khi để được lãng quên hiện tại. Sự thành đạt, may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống nhiều khi lại được hiểu là do thần thánh ban cho. Lòng kính trọng, sự biết ơn cũng có thể làm xuất hiện trong con người nhu cầu muốn thần thánh hoá, linh thiêng hoá để thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn ấy (ví dụ; thờ cúng tổ tiên, thờ anh hùng dân tộc, hay thờ các vị nhiên thần v.v). Ngoài ra, các yếu tố như thói quen, truyền thống, phong tục, tập quán cũng là những nguyên nhân tâm lý dẫn đến sự hình thành, duy trì và phát triển niềm tin tôn giáo.

Việc nghiên cứu các nguồn gốc của tôn giáo cung cấp cho chúng ta cơ sở khoa học để có thể lý giải về nguyên nhân tồn tại của tôn giáo trong xã hội xã hội chủ nghĩa

Nguyên nhân tồn tại của tôn giáo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

1) Nguyên nhân nhận thức. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều hiện tượng tự nhiên, xã hội và của con người mà khoa học chưa thể lý giải được. Do đó trước những sức mạnh tự phát của giới tự nhiên và xã hội mà con người vẫn chưa thể nhận thức và chế ngự được đã khiến một bộ phận nhân dân đi tìm sự an ủi, che chở và lý giải từ sức mạnh của đấng siêu nhiên.

2) Nguyên nhân kinh tế. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, với sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần với những lợi ích khác nhau của các giai cấp, tầng lớp xã hội, với những sự bất bình đẳng nhất định về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội đã mang đến cho con người những yếu tố ngẫu nhiên, may rủi, làm cho con người dễ trở nên thụ động với tư tưởng nhờ cậy, cầu mong vào những lực lượng siêu nhiên

3) Nguyên nhân tâm lý. Tôn giáo là một trong những hình thái ý thức xã hội bảo thủ nhất, đã in sâu vào đời sống tinh thần, ảnh hưởng khá sâu đậm đến nếp nghĩ, lối sống của một bộ phận nhân dân qua nhiều thế hệ. Vì vậy, dù có thể có những biến đổi lớn lao về kinh tế, chính trị, xã hội thì tôn giáo cũng không thay đổi ngay theo tiến độ của những biến đổi kinh tế-xã hội mà nó phản ánh.

4) Nguyên nhân chính trị-xã hội. Tôn giáo có những điểm còn phù hợp với chủ nghĩa xã hội, với đường lối, chính sách của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Giá trị đạo đức, văn hoá của tôn giáo đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Chính vì vậy, trong một chừng mực nhất định, tôn giáo vẫn có sức thu hút mạnh mẽ đối với một bộ phận quần chúng.

5) Nguyên nhân văn hoá. Trong thực tế, sinh hoạt tôn giáo đã đáp ứng được phần nào nhu cầu văn hoá tinh thần của cộng đồng xã hội và trong một mức độ nhất định, có ý nghĩa giáo dục ý thức cộng đồng, phong cách, lối sống của cá nhân trong cộng đồng. Vì vậy, sinh hoạt tôn giáo đã lôi cuốn một bộ phận nhân dân xuất phát từ nhu cầu văn hoá tinh thần, tình cảm của họ.

Từ những nguyên nhân trên đã dẫn đến sự tồn tại của tôn giáo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song cũng cần nhận thức được rằng tôn giáo cũng có những biến đổi cùng với sự biến đổi của những điều kiện kinh tế-xã hội của quá trình cải tạo và xây dựng xã hội mới.

c. Các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo

1) Khắc phục dần ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo trong đời sống xã hội gắn liền với công cuộc cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội nên để thay đổi ý thức xã hội, trước hết, cần làm thay đổi tồn tại xã hội, muốn xoá bỏ ảo tưởng nảy sinh trong tư tưởng con người phải xoá bỏ nguồn gốc gây nên những ảo tưởng ấy. Chủ nghĩa Mác Lênin khẳng định: muốn xóa bỏ được thiên đường hư ảo tồn tại trong đầu óc của quần chúng thì phải từng bước xây dựng được một thiên đường có thật trên thế giới. Đó là một quá trình lâu dài, gắn với công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trí tuệ cho con người. Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù về phương diện thế giới quan thì thế giới quan duy vật và thế giới quan tôn giáo là đối lập nhau. Nhưng quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin là không xem thường hoặc trấn áp những nhu cầu tín ngưỡng hợp pháp của nhân dân, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, khắc phục ở đây không phải là khắc phục tôn giáo nói chung, mà là khắc phục mặt tiêu cực của tôn giáo. Yếu tố tiêu cực lớn nhất là mê tín dị đoan và sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động. Việc khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo phải được tiến hành dần dần, từ từ, không được nôn nóng.

2) Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân. Nguyên tắc này một mặt xuất phát từ bản chất, nguồn gốc, tính chất của tôn giáo, vào đặc điểm của sự chuyển biến tư tưởng của con người là chuyển biến tự giác; mặt khác xuất phát từ bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ thực tế tôn giáo là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, nếu bị xúc phạm sẽ có những phản ứng gay gắt. Nội dung của nguyên tắc này là: Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào; việc theo đạo, chuyển đạo hay bỏ đạo trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành là quyền tự do của mỗi người; Nhà nước xã hội chủ nghĩa thừa nhận và bảo đảm cho mọi công dân có hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, không có sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; các tôn giáo được Nhà nước thừa nhận đều bình đẳng trước pháp luật; nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan và hoạt động chính trị phản động.

3) Thực hiện đoàn kết tôn giáo. Đoàn kết giữa những người theo với những người không theo một tôn giáo nào, đoàn kết các tôn giáo hợp pháp, chân chính, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiêm cấm mọi hành vi chia rẽ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. V.I.Lênin nhấn mạnh, những lời tuyên chiến ầm ĩ với chủ nghĩa duy tâm, những mệnh lệnh ngăn cấm tín ngưỡng, tôn giáo là những hành vi dại dột, vô chính phủ, làm cho kẻ thù lợi dụng để kích động tình cảm tôn giáo của tín đồ, làm cho họ ngày càng gắn bó với tôn giáo, xa lánh, thậm chí đi đến chống lại công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên như vậy không có nghĩa là coi nhẹ việc giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học, thế giới quan duy vật cho toàn dân, trong đó có những tín đồ tôn giáo, việc làm đó góp phần nâng cao trình độ kiến thức cho toàn dân.

4) Cần phân biệt rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo. Đây là việc cần thiết, bởi bản thân tôn giáo nào cũng gồm hai mặt này và phân biệt để tránh hai khuynh hướng hữu khuynh hoặc tả khuynh trong giải quyết vấn đề tôn giáo. Thực chất của việc phân biệt mặt chính trị và mặt tư tưởng trong tôn giáo là phân biệt hai mâu thuẫn tồn tại trong bản thân tôn giáo: mâu thuẫn chính trị và mâu thuẫn nhận thức. Mâu thuẫn chính trị phản ánh lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, giữa quần chúng nhân dân lao động và những kẻ lợi dụng tôn giáo vì mục đích phản động- đây là mâu thuẫn đối kháng. Mâu thuẫn này hiện nay được biểu hiện ở việc một số phần tử phản động đội lốt tôn giáo chống lại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân. Mâu thuẫn nhận thức phản ánh mâu thuẫn nội bộ giữa người có đạo và người không có đạo, giữa những người theo các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau- đây là mâu thuẫn không đối kháng, nó được thể hiện ở tín ngưỡng của con người. Vì vậy, cách giải quyết hai mâu thuẫn này khác nhau. Với mâu thuẫn chính trị (mặt chính trị) phải bằng biện pháp tổng hợp: giáo dục, thuyết phục, hành chính, mệnh lệnh, cưỡng chế, thậm chí cả bạo lực khi việc lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị rõ ràng. Với mâu thuẫn nhận thức (mặt tư tưởng) phải kiên trì, lâu dài, gắn với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có tín ngưỡng.

5) Phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò, tác động của từng tôn giáo đối với đời sống xã hội không giống nhau. Quan điểm, thái độ của các giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn có sự khác biệt. Vì vậy, cần có quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét, đánh giá và ứng xử đối với những vấn đề có liên quan đến tôn giáo, như V.I.Lênin đã nhắc nhở "người mácxít phải biết chú ý đến toàn bộ tình hình cụ thể" . Trên cơ sở những quan điểm chung ấy, căn cứ vào tình hình tôn giáo thực tế mà các Đảng cộng sản xây dựng, hoạch định chính sách tôn giáo phù hợp để giải quyết đúng đắn vấn đề tôn giáo ở nước mình

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: