Giải phóng hoàn toàn miền Nam

- Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam

+ Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Hội nghị Bộ chính trị (30-9 đến 8-10-1974) và Hội nghị Bộ chính trị mở rộng (từ 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã họp bàn kế hoạch giải phóng miền Nam. Sau khi phân tích một cách khoa học tình hình, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch cũng như những thay đổi của tình hình thế giới đã đi đến những quyết định sau đây:

 + Khẳng định rằng nhân dân ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi, có đầy đủ điều kiện về quân sự, chính trị để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.+ Quyết định tập trung sức mạnh của cả dân tộc, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng tương quan lực lượng có lợi cho ta, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976. Hội nghị cũng đề ra một khả năng là nếu thời cơ đến thì sẽ tiến lên giải phóng miền Nam trong năm 1975.

 + Hội nghị chỉ rõ phải đánh nhanh, thắng nhanh để giảm bớt thiệt hại về người và của cho nhân dân, giảm bớt sự thiệt hại của chiến tranh, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, văn hóa.

 + Hội nghị chỉ rõ hướng tác chiến là Tây Nguyên, điểm mở đầu là Buôn Ma Thuột.

 - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

 Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 24-3-1975)

+ Thực hiện chủ trương đề ra, ta tập trung một lực lượng bộ đội chủ lực mạnh, với binh khí kỹ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên. Tại đây ta chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh mở màn.

 + Ngày 4-3-1975, ta tổ chức đánh nghi binh, thu hút lực lượng của địch ra hướng Plâycu và Kontum, đồng thời bí mật triển khai lực lượng áp sát Buôn Ma Thuột.

 + Ngày 10-3-1975, với một lực lượng lớn được trang bị hiện đại bao gồm nhiều đơn vị chủ lực, xe tăng, pháo binh, ta tấn công Buôn Ma Thuột. Sau 2 ngày chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn thị xã quan trọng bậc nhất Tây Nguyên.

 + Ngày 12-3 địch tập trung lực lượng mạnh nhất, dùng trực thăng chở quân, điên cuồng phản kích lấy lại, nhưng mọi cố gắng của địch đều bị ta đập tan.

 + Sau khi bị ta đánh cho những đòn chí mạng (ngày 10 và 12-3), toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên rung chuyển mạnh, quân địch mất hết tinh thần chiến đấu, hàng ngũ rối loạn, từ đó nảy sinh những sai lầm về chiến lược. Ngày 14-3, Thiệu ra lệnh “tùy nghi di tản”, rút khỏi Plâycu, Kontum và toàn bộ Tây Nguyên, về giữ vùng duyên hải miền Trung.

 + Ngày 16-3, quân ta được lệnh chặn đánh và truy kích không cho chúng thực hiện kế hoạch rút chạy và co cụm. Đến ngày 24-3, toàn bộ quân địch rút chạy đã bị ta tiêu diệt.

 Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi rực rỡ, ta đã tiêu diệt toàn bộ quân đoàn 2 của địch, giải phóng Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân. Thắng lợi của ta ở Tây Nguyên đã phá vỡ thế phòng ngự của địch trên toàn chiến trường, mở ra một cục diện mới vô cùng thuận lợi, báo hiệu sự chín muồi của một thời cơ lịch sử trọng đại đã đến - ta có thể giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

 Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ 21-3 đến 29-3-1975)

 + Nắm bắt đúng thời cơ, phối hợp với Tây Nguyên, quân và dân Quảng Trị đã tiến công, nổi dậy giải phóng quê hương ngày 19-3-1975, tuyến phòng ngự phía Bắc bị vỡ một mảng lớn. Hoảng sợ bị tiêu diệt, địch chạy về giữ Huế và Đà Nẵng. Phát hiện địch co cụm ở Huế, ta tổ chức bao vây chặt địch ở Huế, 10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975, hai cánh quân ta tiến vào Huế, phối hợp với lực lượng biệt động và nhân dân trong thành giải phóng thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên, cờ cách mạng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu.

 + Trong cùng thời gian này, ngày 24-3 ta giải phóng Tam Kỳ; 25-3 giải phóng Quảng Ngãi; 26-3 giải phóng Chu Lai, tạo thêm thế uy hiếp từ hướng Nam. Đến đây, Đà Nẵng - một căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất của Mĩ - ngụy, thành phố lớn thứ hai miền Nam bị hoàn toàn cô lập.

 + Tại Đà Nẵng, địch có 100.000 quân, nhưng đã mất hết tinh thần, chỉ lo chạy trốn, thực tế, địch đã dùng máy bay di tản một số nhưng đã muộn. Sáng 29-3, từ 5 hướng ta tổ chức tấn công vào thành phố, các lực lượng biệt động dẫn đường và quần chúng đã nổi dậy hỗ trợ cho chủ lực, đến 15 giờ ngày 29-3-1975 thì làm chủ hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.

 + Cùng thời gian với chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, từ cuối tháng 3-1975, nhân dân các tỉnh còn lại ở miền Trung, ở phía nam Tây Nguyên và một số tỉnh ở Nam Bộ, được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã nổi dậy đánh địch giành quyền làm chủ. Từ 14 đến 29-4, các tỉnh thuộc quần đảo Trường Sa cũng đã tự giải phóng.

 Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi đã làm tan rã hoàn toàn quân đoàn 1 của địch, thu và phá hủy 1 khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh, làm sụp đổ tan tành hệ thống phòng ngự của địch trên một tuyến dài hơn 100 km, đẩy chúng chìm sâu trong thế sụp đổ không gì cứu vãn nổi, gây ra sự sụp đổ dây chuyền của địch ở Trung Bộ, Đông Nam Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long. Làm thay đổi căn bản cục diện và thế trận cũng như so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo một địa bàn vô cùng thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

 Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-4 đến 30-4-1975)

 + Sau hơn 3 tuần lễ tấn công và nổi dậy, với hai chiến dịch toàn thắng, ta đã giải phóng hơn một nửa đất đai và dân số miền Nam, chiếm giữ một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh, các lực lượng vũ trang nhân dân ta trưởng thành về mọi mặt. Mặc dù kẻ địch thiệt hại nặng nề, nhưng chúng vẫn quyết cố thủ phần đất từ Phan Rang trở vào. Trongcơn giãy chết, đế quốc Mĩ lập cầu hàng không khẩn cấp, hy vọng kéo dài cơn hấp hối của chế độ ngụy, chúng “di tản” hàng ngàn trẻ em Việt Nam sang Mĩ, âm mưu phá hoại lâu dài cách mạng nước ta.

 + Nghị quyết của Bộ chính trị ngày 25-3-1975 đã nêu rõ: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa”.

 + Ngày 6-4-1975, Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định được thành lập.

 + Từ 9-4 đến 21-4, ta tiến đánh và giải phóng Xuân Lộc, đập tan căn cứ phòng thủ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn.

 + Từ 14 đến 16-4, ta giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, đập tan tuyến phòng thủ từ xa rất kiên cố và đầy tham vọng của địch.

 + Ngày 14-4-1975, theo đề nghị của Bộ chỉ huy mặt trận, Trung ương Đảng đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.

 + Ngày 18-4, tổng thống Mĩ ra lệnh di tản người Mĩ khỏi Sài Gòn và đến 23-4 thì tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mĩ”.

 + Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống Sài Gòn, ngày 26-4 Trần Văn Hương lên thay.

 + 17 giờ ngày 26-4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch, các mũi tấn công của ta từ 5 hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn.

 + 24 giờ ngày 28-4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, chiều hôm đó, vào lúc 17 giờ phi đội Quyết Thắng gồm 5 máy bay chiến lợi phẩm A37 của ta ném bom vào khu vực tập kết máy bay của địch, cả Sài Gòn rối loạn, tướng tá bỏ chạy phó mặc binh sĩ, đại sứ Mĩ di tản gấp, Dương Văn Minh lên thay Trần Văn Hương làm tổng thống.

 + Đêm 28, rạng sáng 29-4, tất cả các cánh quân của ta được sự hướng dẫn của bộ đội đặc công, biệt động thành và nhân dân đã đồng loạt tiến hành tổng công kích vào Sài Gòn, các lực lượng quần chúng nhân dân đã nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố như Tổng nha cảnh sát, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Dinh tổng thống ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất...

 + 10 giờ 45 phút ngày 30-4 xe tăng của ta đánh chiếm dinh tổng thống ngụy, bắt sống toàn bộ ngụy quyền trung ương địch. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

 + 11 giờ 30 phút ngày 30-4, lá cờ cách mạng tung bay trên dinh tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

 + Trong ngày 30-4, các chiến sĩ tử tù bị địch giam tại Côn Đảo cũng nổi dậy thắng lợi trước khi lực lượng từ đất liền tới.

 Các tỉnh còn lại ở Nam Bộ, với phương châm “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, bằng lực lượng vũ trang tại chỗ và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã vùng lên đập tan bộ máy chính quyền địch, giành quyền làm chủ. Ngày 2-5-1975, tỉnh cuối cùng của miền Nam là An Giang được giải phóng.

 2.3.4. Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ

 - Ý nghĩa

+ Là thắng lợi to lớn nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm, kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mĩ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta. Chấm dứt ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất Việt Nam, thu non sông về một mối. Hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước. Mở ra một thời một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam.

 + Đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và Campuchia giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

 + Thắng lợi của nhân dân ta đã tác động mạnh đến nội tình nước Mĩ. Đây là thất bại to lớn nhất, nhục nhã nhất trong lịch sử 200 năm của Hoa Kỳ.

 - Nguyên nhân thắng lợi

 + Trước hết, đó là thắng lợi của đường lối chính trị quân sự độc lập tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, đó là đường lối tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng...

 + Bắt nguồn từ truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc.

 + Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bắt nguồn tự sự đóng góp to lớn và có hiệu quả của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sự đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương, ba dân tộc đã đoàn kết, sát cánh bên nhau trong một chiến hào đánh Mĩ và thắng Mĩ.

+ Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước còn do sự ủng hộ và giúp đỡ về vật chất và tinh thần của quốc tế, trước hết là sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mĩ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: