Chương 21: Trò chơi tuổi thơ
Chương 21
Đang cầm điện thoại nhưng mắt của tôi không tự chủ mà lén nhìn em gái của Văn Hoàng. Thực ra tôi cũng muốn chơi, đã lâu rồi tôi không chơi trò này. Nhớ lại lần cuối tôi chơi có lẽ là vào năm lớp năm, lúc đó là chơi với anh chị em họ hàng. Bây giờ mọi người đều đã trưởng thành. Mọi người đều bận không có thời gian rảnh nên rất ít gặp nhau.
Em ấy đang chơi thì đột nhiên dừng lại và đi về phía tôi, tôi nghĩ có lẽ em ấy đang muốn vào nhà. Tôi làm như không để ý mà quay qua lướt điện thoại, lướt qua lướt lại như thể tôi đang rất chăm chú vào nó.
"Chị ơi."
Tôi chăm chăm nhìn vào điện thoại mà không hề hay biết em ấy đã đứng trước mặt mình từ bao giờ.
Cố gắng để giọng nói của tôi phát ra tự nhiên nhất có thể "Hả? Có chuyện gì?"
"Chị chơi với em được không? Em chơi một mình chán quá." Giọng của em ấy phát ra vừa trong trẻo vừa ngây thơ, không giống với Ánh Ngọc. Tuy Ánh Ngọc nhỏ hơn em ấy nhưng cách Ánh Ngọc nói chuyện có vẻ mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Tôi khẽ mấp máy môi rất muốn nói đồng ý nhưng không hiểu tại sao lại không thốt ra thành lời.
"Chị chơi với em đi." Em ấy sợ tôi không đồng ý nên lại lần nữa nhắc lại.
"À ừ, cùng được." Tôi đã đồng ý trong vô thức.
Em ấy nhanh chóng kéo tôi đến phía góc sân, đến lúc lấy lại được nhận thức thì tôi mới thấy hơi e ngại. Bây giờ tôi đã học lớp 9 mà lại chơi trò dành cho học sinh cấp một nên có chút xấu hổ. Nhưng nhìn thấy em ấy thoải mái vô tư nhặt viên sỏi lên đưa cho tôi thì cảm giác e ngại xấu hổ lại biến mất. Em ấy không ngại thì tại sao tôi phải ngại, với lại trò chơi sinh ra là để chơi chứ không phải để phân biệt cấp bậc.
Tôi gạt phăng suy nghĩ ấu trĩ của mình và nói "Chị chơi trước à?"
"Vâng." Em ấy vừa nói vừa gật đầu lia lịa để khẳng định rằng bản thân không nói chơi.
Trước khi chơi tôi đứng quan sát ô con thỏ mà em ấy vẽ, vì mỗi người có cách vẽ và cách chơi khác nhau nên tôi không chắc mình có thể biết cách chơi. Em ấy đã vẽ mười ô vuông xếp thành hai hàng rồi đánh số thứ tự hàng dọc từ 1 đến 5 và tương ứng hàng dọc bên kia từ 10 đến 6 vào những ô vuông nhỏ. Phía trên thì vẽ thêm đôi tai thỏ lớn. Giống với cách mà anh chị họ của tôi đã vẽ ra lúc còn bé, cũng đều do họ đi học và học được từ bạn bè cùng lớp. Sau đó thì họ mới phát hiện ra một kiểu chơi khác, thay vì vẽ tai thỏ thì vẽ ra một cái đầu thỏ. Và các ô vuông từ 1 đến 10 không theo lệ cũ mà xếp xen kẽ với nhau. Có ba ô ở đầu được vẽ thẳng hàng, đến ô số 4 và 5 thì lại vẽ theo hàng ngang, về sau cách một ô thì lại vẽ hai ô. Cho đến ô số 10 sẽ nằm trong đầu thỏ. Nhưng vì ít chơi kiểu này nên tôi cũng quên luôn cách chơi.
Cầm viên sỏi trong tay tôi nhẹ nhàng ném vào ô số một rồi nhảy lò cò bắt đầu từ ô số 10 đến chỗ tai thỏ được nghỉ chân một chút, sau đó lại nhảy lò cò quay về ô số một cúi người xuống nhặt viên sỏi và nhảy ra ngoài, như vậy là xong vòng một. Cách chơi vẫn sẽ lặp lại chỉ khác là viên sỏi sẽ được ném vào những ô khác theo số thứ tự, đến khi ném bị trệch ra ngoài thì sẽ đổi người chơi khác.
Tôi với Liên chơi với nhau khá lâu, hai người thay phiên nhau chơi. Cả hai đều có một ô ghi tên của mình, theo luật mà tôi biết khi qua vòng số 10 thì sẽ được ném sỏi vào một ô bất kỳ, ô đó được gọi là nhà và có thể nghỉ chân tạm thời ở đó. Nhưng người chơi khác không được phép nhảy vào ô đó. Nó cũng như là chướng ngại vật để nhảy qua nếu nhảy sai thì tính là thua và bị mất lượt chơi. Sau một lúc, tôi và Liên tạm thời ngừng chơi. Vì mẹ của em ấy đã ra ngoài và đang đứng trên bậc hè.
Không biết thầy đã nói gì với bác gái mà trông vẻ mặt của bác không được vui vẻ lắm. Bác ấy lớn giọng nói "Cái Liên đi gọi thằng Hoàng về đây."
Trong lúc đợi Liên đi gọi Văn Hoàng thì tôi lại thay em ấy chơi một mình, mấy phút sau Liên về trước và quay lại chơi. Còn Văn Hoàng thì rất lâu sau mới thấy cậu ta lững thững đi vào. Khi thấy Văn Hoàng về tôi khẽ liếc cậu ta một cái rồi lại tiếp tục chơi. Trên tay Văn Hoàng cầm một nhánh cỏ dài, vừa đi bứt ngắn nó. Cậu ta không dám phát tiết cơn tức giận của mình nên chỉ có thể trút giận lên nhánh cỏ. Khi cậu ta đi vào thì trong nhà vọng ra một âm thanh rất lớn, mà toàn bộ đều là lời nói của bác gái.
Tôi chỉ nghe mang máng được vài câu.
"Mẹ vất vả nuôi mày ăn học để mày bỏ học thế à?"
"Mày lại muốn giống bố mày suốt ngày ăn chơi cờ bạc rồi uống rượu uống chè..."
"Mẹ đã nói rồi không cần mày phải hiếu thảo, chỉ cần mày chịu khó học hành sau này có cái nghề tốt tự nuôi bản thân. Sao mày cứ thích phải giống bố mày để rồi làm khổ cả nhà thế hả con."
Những lời nói hàm chứa vố số nỗi phẫn uất cùng với sự tức giận. Tôi còn nghe thấy sự nghẹn ngào trong giọng nói của bác, bác ấy đang kiềm chế để bản thân không được khóc. Thay vào đó bác gái dùng hai tay đập liên tục vào người Văn Hoàng mà mắng nhiếc, cậu ta không giải thích không phản kháng chỉ đứng im đó. Để mặc bác ấy phát tiết cơn tức giận.
Đến khi bác gái bình tĩnh lại thì mọi người mới ngồi lại nói chuyện. Tôi và Liên không tiếp tục chơi mà đứng ngoài sân nhìn vào. Do khoảng cách hơi xa nên không thể nghe mọi người đang nói gì. Tôi lo lắng quay lại nhìn Liên, em thấy tôi nhìn cũng mỉm cười đáp lại. Nhưng tôi đã nhìn rõ trong đôi mắt của em ấy không che giấu được sự run rẩy và sợ hãi. Tôi không thể nói ra một câu động viên hay an ủi cũng không biết phải làm gì nên chỉ lặng lẽ đứng đó nhìn em ấy trong cảm giác khó xử tội lỗi.
Nói chuyện xong thì thầy đứng dậy chuẩn bị ra về, bác gái cũng không giữ vẻ mặt tức giận nữa mà mỉm cười đi ra ngoài để tiễn thầy. Tôi đi theo thầy, chào bác gái và Liên xong rồi cũng trèo lên xe. Khi mà xe vừa nổ máy, tôi không kìm được mà khẽ quay lại nhìn đằng sau. Bác gái đang cầm lấy chiếc cán chổi đánh liên tiếp vào người Văn Hoàng. Còn Liên thì lén đi ra ngoài, có lẽ là vì sợ hãi. Nhìn khung cảnh này làm tôi bất giác nhớ đến nhà của mình, trong lòng khẽ nhói một cái.
Trên đường đi về thầy bỗng nhiên dừng lại ở một quán tạp hóa nhỏ, tôi tò mò hỏi "Thầy muốn mua gì à?"
"Ừ, em có muốn ăn kem không?"
"Ăn kem? Cũng được ạ." Thầy ấy chủ động hỏi mua kem cho tôi có lẽ là thay lời cảm ơn vì tôi đã chỉ đường cho thầy.
Quán tạp hóa này tôi thường hay vào mua nên không có gì xa lạ, quán tuy nhỏ nhưng lại rất đa dạng, có đầy đủ bánh kẹo, đồ dùng thiết yếu và văn phòng phẩm. Còn cả bánh và đồ chơi trung thu. Sắp đến tết trung thu, các quán đều bày bán bánh dẻo bánh nướng và có những món đồ chơi như đèn lồng đèn ông sao hay mặt nạ nhân vật trong phim.
Cũng đã lâu tôi không còn để tâm đến ngày này, khi còn bé tôi luôn mong chờ đến buổi tối để đi xem múa lân rước đèn và phá cỗ. Rồi đứng xếp hàng ở nhà văn hóa chờ được phát kẹo để mang về. Tuy bây giờ vẫn còn rước đèn vẫn nhộn nhịp như trước, chỉ là cảm xúc háo hức ngày bé đã không còn.
Tôi chọn cây kem ốc quế socola còn thầy thì mua một vài đồ dùng văn phòng.
Về đến nhà, thầy không dạy học mà để đến 2 giờ như mọi lần. Nhưng đến giờ học, tôi sang nhà lại bắt gặp thầy ấy vẫn đang ngủ trưa, thầy có vẻ rất mệt mỏi. Ngay cả bộ đồ thầy mặc lúc sáng còn chưa kịp thay ra đã trực tiếp nằm ngủ trên ghế sofa ngoài phòng khách. Tôi không dám đánh thức thầy nên để lại sách vở trên bàn học rồi rón rén đi ra ngoài.
Nơi mà tôi đợi thầy tất nhiên sẽ là sân thượng phía trên.
Lặng lẽ lên trên, chỉ mất phút tôi đã đứng trên sân thượng. Tôi đi quanh một vòng nhìn hoa rồi lại ngắm rau thì vô tình nhìn thấy mấy chậu hoa hơi khô héo, có lẽ thầy đã quên tưới nước cho những bông hoa. Tôi do dự phân vân rất muốn đi lấy nước tưới cây nhưng lại e ngại. Sợ làm không tốt, sợ bị thầy nhìn thấy.
Cho đến cuối cùng, tôi vẫn quyết định đi lấy nước để tưới cho những chậu hoa kia. Định bụng sẽ tưới thật nhanh trước khi thầy thức giấc nhưng cuộc sống luôn mang đến điều bất ngờ. Hoặc có thể là do tôi đã do dự quá lâu nên vừa mới lấy nước chưa kịp tưới thì đột nhiên lại nghe thấy tiếng bước chân đang đi lên. Tôi vội vàng đặt bình tưới về chỗ cũ và chạy ra ghế ngồi, bộ dạng lén la lén lút như vừa làm chuyện gì sai trái. Khi mà thầy đi lên thì tôi đã yên vị trên ghế, dùng hai tay chống vào má giả bộ như đang nhìn ngắm xung quanh.
Thầy đi qua chỗ tôi chỉ nói vỏn vẹn ba chữ "Sang rồi à?"
Nhưng thầy không đợi tôi trả lời, thầy tiến thẳng đến chỗ đặt bình tưới và cầm lên mà không nói gì. Do thầy ấy đứng quay lưng lại nên tôi không thể nhìn thấy biểu cảm của thầy.
Tưới nước cho cây xong thì thầy mới đến chỗ tôi đang ngồi và nói "Tôi có thể nhờ em việc này được không? Khi nào em rảnh thì sang giúp tôi tưới nước cho hoa và rau ở đây nha. Thời gian này tôi khá bận nên không có thời gian chăm chút cho chúng."
Trong lòng tôi bỗng có một niềm vui đang dâng trào, có thể đối với thầy đó chỉ là sự nhờ vả bình thường. Nhưng với tôi nó như một trọng trách to lớn và là sứ mệnh mà mình phải thực hiện. Bởi vì là một kẻ thành sự thì ít bại sự có thừa mà không có bất kì ai thực tâm đặt niềm tin nhờ vả tôi, có nhờ vả thì cũng chỉ là sự khiên cưỡng bất đắc dĩ mà thôi.
Nhưng chỉ cần có người nhờ vả mình thì tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể.
"Vâng thầy." Tôi trả lời một cách chắc nịch
"Cảm ơn em." Thầy ngồi xuống bên cạnh rồi hướng dẫn cho tôi cách tưới đúng nhất. Và còn dạy tôi biết lúc nào nên tưới cây lúc nào không cần tưới. Tuy không nhớ được hết nhưng những việc gì quan trọng tôi đều sẽ in sâu vào trong lòng.
Hướng dẫn xong thì thầy đứng dậy, không quên hỏi tôi một câu "Đã nhớ chưa?"
"Dạ em nhớ rồi." Mặc dù không chắc mình có thể nhớ hết, vậy mà tôi vẫn ngơ ngác nói ra câu đó.
"Nếu có gì không biết thì em cứ hỏi, tôi sẽ chỉ cho em. Đừng ngại." Thầy cố tình nhấn mạnh hai chữ cuối cùng. Là vì biết rõ tôi sẽ vì ngại mà không dám hỏi ư?
"Vâng." Tôi ngại ngùng đồng ý nhưng có hỏi hay không thì phải để đến lúc đó mới biết được.
Xong việc, thầy quay lại công việc chính. Đó là dạy học cho tôi, thầy vẫn kiểm tra bài cũ và dạy học như thường lệ. Không có gì mới mẻ lắm, cái mới có lẽ là tôi đã chăm chú lắng nghe thầy giảng hơn. Đôi lúc có chỗ không hiểu thì tôi cũng chủ động hỏi lại thầy mà không phải chờ về nhà rồi tự lên mạng tìm hiểu. Tôi có chút bất ngờ về hành động của mình, vì dù hiểu hay không hiểu thì tôi cũng sẽ không chủ động đặt câu hỏi với bất kì ai nếu người đó không phải là người mà tôi thấy thân cận. Nhưng thầy ấy rất tốt, thầy chưa từng nói mấy câu kiểu như "đơn giản thế cũng không hiểu". Thầy vô cùng kiên nhẫn, dù giảng đi giảng lại thầy cũng không phàn nàn lấy một từ. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến tôi không thể nào bài xích thầy ấy.
Sang đến hôm sau là thứ hai đầu tuần, khi đang xếp hàng dưới sân trường để chào cờ thì tôi vô tình thấy Văn Hoàng và mẹ cậu ta đi vào trong phòng hội đồng. Có lẽ mẹ cậu ta đến trường xin thầy hiệu trưởng cho Văn Hoàng đi học lại. Tôi cũng không lấy gì là bất ngờ, việc mẹ cậu ta đến trường là điều hiển nhiên mà một bậc phụ huynh cần phải làm.
Chỉ là không biết họ nói gì mà rất nhanh đã thấy Văn Hoàng đeo cặp sách đi vào lớp ngồi, cậu ta bỗng nhiên lại trở nên trầm tĩnh hơn mức bình thường. Đáng lý ra cậu ta phải tìm những người tố cáo mình để tính sổ nhưng không, Văn Hoàng về chỗ của mình và nằm bò ra bàn. Cậu ta cứ im lặng không nói gì cho đến khi trống vào lớp. Thấy cậu ta như vậy, cả lớp cũng không để ý đến nữa. Mỗi người đều quay về chỗ ngồi của mình.
Hôm nay giờ chào cờ kết thúc sớm, còn dư khá nhiều thời gian nên thời gian đó lấy làm tiết sinh hoạt đầu tuần. Theo tôi thấy là do tiết sinh hoạt cuối tuần giáo viên chưa mắng đủ nên để đầu tuần mắng tiếp, bây giờ tôi cũng nghe thấy các lớp bên cạnh bị giáo viên chủ nhiệm mắng liên hồi không ngừng tới mức ngồi ở lớp khác tôi cũng nghe rõ từng câu giáo viên đó nói. Mà thầy chủ nhiệm của lớp tôi cũng vào rồi nhưng thầy không mắng, thầy ấy rất ít khi mắng bất kì ai trong lớp. Hầu như là không mắng ai, thầy hoặc là nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc đưa ra một hình phạt nào đó.
Từ khi thầy đứng trên bục giảng, trong lớp im phăng phắc không một tiếng động. Mọi người đều trong trạng thái lo lắng sợ bị thầy phạt. Nhưng khác với những gì cả lớp nghĩ, thầy không mở sổ đầu bài hay yêu cầu lớp trưởng kể tên những bạn mắc lỗi trong tuần. Thầy ấy ngồi vào bàn giáo viên và nhìn xuống lớp học.
"Hình như cuối tuần là trung thu đúng không?" Thầy ấy thản nhiên hỏi một câu hỏi mà không ai nghĩ rằng thầy sẽ hỏi.
Có một vài bạn nhanh nhảu trả lời "Vâng ạ, chỗ bọn em ngày kia là rước đèn rồi."
Xã của tôi chỉ có hai làng lại nằm sát cạnh nhau cho nên mỗi làng sẽ có khoảng thời gian tổ chức tiệc khác nhau.
"Thật á? Chỗ tao thứ bảy mới rước đèn cơ." Thúy Mai ngay lập tức quay sang hỏi một bạn ngồi cạnh.
Tôi và Thúy Mai cùng làng nên cũng biết đôi chút. Chỉ là những gì mà tôi nghe người ta nói lại không giống như Thúy Mai vừa nói.
"Không phải đâu, mày chưa nghe gì à. Đổi lại thứ sáu rước rồi, thứ bảy phát kẹo ở nhà văn hóa mà." Một bạn khác ngay lập tức phản bác lại lời Thúy Mai vừa nói.
"Tao nghe bác Hải trưởng làng nói là thứ bảy, nhà tao gần sát nhà bác ý mà tao lại không biết à?" Thúy Mai không phục đáp trả lại.
Và sau đó là một màn tranh cãi lớn nổ ra trong lớp, ai cũng cho rằng những gì mình nghe được là chính xác. Không ai chịu nhường ai. Những người không cùng làng cũng thích thú mà tham gia cuộc đấu khẩu, còn có bạn chủ động yêu cầu cá cược.
Lớp học vừa ồn ào và vừa náo nhiệt. Có người vui vẻ có người tức giận nhưng không có ai nhớ rằng vẫn còn một người đang im lặng nhìn bọn họ. Mọi người càng cãi càng hăng không có ai để ý đến thầy chủ nhiệm của họ đang khó chịu mà xoa mi tâm. Chỉ đến khi thầy ấy đập mạnh tay lên bàn thì họ mới ý thức việc mình còn đang trên lớp. Sau mấy phút cả lớp mới bình ổn trở lại. Lúc này thầy mới nói.
"Tiết sinh hoạt tuần này lớp mình có muốn tổ chức ăn liên hoan trung thu tại lớp học không?"
Câu hỏi này không khỏi khiến cho cả lớp bất ngờ một phen, nếu ở tiểu học việc tổ chức ăn liên hoan như vậy cũng không có gì lạ cả nhưng khi lên cấp 2 thì nó lại bị hạn chế khá nhiều. Các thầy cô trong trường tôi nếu không phải trường hợp bắt buộc thì sẽ không bao giờ muốn bỏ một tiết học chỉ để tổ chức ăn liên hoan cho học sinh. Vì dù sao thì việc học cũng là điều tiên quyết. Và đặc biệt là một người nghiêm túc như thầy thì việc này đáng lẽ không xảy ra mới đúng.
Tuy nhiên bù lại cho sự bất ngờ thì mọi người lại tỏ ra rất háo hức vui mừng như thể lớp vừa đạt được một giải thưởng nào đó, lâu lâu mới được ăn liên hoan một lần nên có rất nhiều bạn đã đi đầu chủ động đề xuất nên ăn ngọt hay ăn mặn. Nhưng trong lúc mọi người còn tranh cãi nên ăn gì thì thầy lại lần nữa lên tiếng.
"Việc tổ chức ăn liên hoan ngày hôm đó hoàn toàn không nằm trong chính sách của lớp học. Tôi muốn cho các em ăn liên hoan cũng là vì muốn khích lệ tinh thần học tập của cả lớp, nên trước tiên các em phải hỏi ý kiến của phụ huynh. Vì lần này sẽ không trích quỹ lớp ra nên các em cần phải góp tiền để tổ chức. Tôi cũng dự tính mỗi em sẽ chỉ góp khoảng 10 đến 20 nghìn, nếu thiếu thì tôi sẽ bù thêm vào. Vì vậy cả lớp hãy hỏi bố mẹ trước rồi mới quyết định nên ăn gì. "
Thầy vừa nói xong thì không còn ai có ý kiến gì. Sau hôm đó, thầy lại lần nữa hỏi cả lớp. Và mọi người đều đồng lòng nhất trí muốn tổ chức liên hoan tại lớp học. Và cả lớp quyết định ăn ngọt, vì nó dễ vệ sinh và không làm bẩn lớp học. Lớp trưởng sẽ chịu trách nhiệm thu tiền của từng người rồi ghi vào sổ, mua bánh kẹo với bim bim không mất nhiều tiền nên số tiền được đưa ra là 10 nghìn. Mấy bạn trong người có sẵn tiền ăn sáng, ra chơi liền đến tìm lớp trưởng để nộp luôn, có bạn còn hào phóng đưa luôn 20 nghìn. Nhưng không phải ai cũng vậy, có những bạn lớp trưởng phải đến tận nơi để nhắc nhở mà họ cũng không muốn nộp. Ngược lại, những bạn thuộc hộ nghèo vẫn nộp đầy đủ. Còn họ thì ngày nào cũng thấy đứng trong sạp bán đồ ăn vặt mà một đồng cũng không muốn góp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top