Chương 15: Chuông gió nhỏ
Tia nắng nhỏ len lỏi đi qua từng kẽ hở của mái ngói mà chiếu thẳng vào đôi mắt của tôi. Khẽ nhíu mày một cái, tôi không mở mắt mà lại quay vào trong tiếp tục giấc mơ còn dang dở. Tôi với tay lên bàn tìm kiếm chiếc điện thoại để xem giờ. Nhưng tìm một hồi vẫn không thấy, tôi ngồi bật dậy tìm kiếm xung quanh mới biết mình đã nằm đè lên nó.
Nhìn đồng hồ chỉ hơn 6 giờ, tôi không suy nghĩ nhiều để điện thoại sang một bên mà nằm xuống nhắm mắt muốn ngủ tiếp. Đang mơ mơ màng màng lại sực nhớ, hôm nay thầy sẽ đưa tôi đi quán trà sữa. Tôi không tiếp tục ngủ nướng mà nhanh chóng ngồi dậy và đi vào nhà tắm. Phải chuẩn bị một vài thứ nên tôi cần dậy sớm một chút, tôi cũng muốn hỏi trước xem ý kiến của mẹ thế nào. Đánh răng rửa mặt xong tôi đi ra phòng khách thấy bố mẹ đang ăn cơm sáng nên đã quay lại phòng ngủ chờ mẹ vào bếp rồi mới ra hỏi.
Trong lúc chờ đợi, tôi chải lại tóc và sắp xếp sách vở vào túi đeo cỡ lớn. Vừa làm xong thì mẹ mang bát vào bếp để rửa, tôi ngay lập tức bỏ cây lược xuống bàn và đi theo.
"Ăn cơm thì lấy cơm trong nồi đấy. Thức ăn mẹ vừa hâm nóng rồi, để lát nữa nó nguội là ăn không ngon." Nhìn thấy tôi vào bếp mẹ nghĩ tôi muốn ăn cơm nên nhắc nhở.
"Vâng. À mà..." Tôi ậm ừ mãi không nói nên lời "Mẹ ơi, thầy nói hôm nay đi học thêm."
"Ừ, thế ăn sáng đi rồi sang nhà thầy học."
"Thầy nói hôm nay ra ngoài học chứ không học ở nhà." Thấy mẹ nói vậy, tôi bắt lấy thời cơ để kể cho mẹ.
"Sao lại học ở ngoài? Học ở nhà không tốt à?"
"Thầy nói ra ngoài cho khuây khỏa, ở nhà nhiều bí bách có học cũng không vào được." Câu này là tôi cố tình bịa ra nhưng mục đích mà thầy muốn ra ngoài học cũng không khác là mấy.
"Thầy có nói là học ở đâu không?" Thấy mẹ tôi không có ý gì là phản đối nên tôi cũng nhẹ lòng hơn.
"Con không biết, chắc là quanh khu vực thị trấn. Một lúc nữa thầy sang xin cho con đi thì nhân tiện mẹ hỏi luôn."
"Cũng tốt, cho mày ra ngoài cho biết. Chứ suốt ngày ru rú ở trong nhà mụ mị hết đầu óc, lại chẳng biết đâu vào đâu."
"Vâng, vâng." Tôi về phòng của mình, nếu còn ở lại thể nào mẹ cũng lải nhải thêm mấy phút nữa.
Nhận được sự đồng ý của mẹ thì tôi yên tâm hơn. Mẹ thấy không có vấn đề gì thì chắc chắn bố tôi cũng như vậy, thầy còn chủ động sang xin nữa nên bố cũng phần nào nể mặt thầy ấy.
Mà sự thật đúng là như vậy, thầy vừa nói đôi ba câu với bố mẹ tôi liền được họ đồng ý cho đi. Lúc đó tôi đang ở trong nhà thay quần áo nên không biết thầy đã nói gì. Chỉ biết sau khi đồng ý mẹ lại vào thúc dục tôi nhanh chuẩn bị, không nên để thầy đợi lâu. Nhưng tôi vừa ra ngoài thì mẹ bắt tôi quay lại thay bộ khác, nói tôi là con gái mà không biết ăn mặc nhìn quê mùa. Ờ thì... tôi mặc quần jean đen cùng với áo sơ mi kẻ caro màu đỏ nâu. Thấy chỉ là đi học nên tôi nghĩ mình không cần trưng diện làm gì.
Mẹ tôi lại không nghĩ như vậy, mẹ lại lấy ra trong tủ một cái áo trễ vai màu trắng và chân váy dài màu đen dạng xếp ly. Tôi thấy mặc như vậy rất ngại nên ngay lập tức từ chối. Mất một lúc cãi qua cãi lại, cuối cùng tôi cũng thỏa hiệp mà thay áo còn váy thì nhất quyết không mặc. Không phải là tôi không thích mặc váy mà do đi với thầy nên vẫn khá ngại. Thay xong, tôi soi gương cảm thấy mặc như vậy cũng không tệ. Nhìn khuôn mặt mình trong gương có phần tươi sáng hơn.
Tới phòng khách không thấy thầy ngồi đó, tôi còn tưởng thầy đi đâu. Nhìn ra cổng mới thấy thầy đã đứng đợi ở đó nên tôi chào bố mẹ rồi lấy mũ bảo hiểm mẹ đã để sẵn ở ngoài cửa. Và nhanh chóng đi ra ngoài.
"Em chào thầy."
Thầy im lặng mất một giây rồi mới đáp lại "Hôm nay trông em không giống ngày thường."
"Dạ, nhìn lạ lắm sao?" Tôi căng thẳng hỏi lại thầy, bình thường tôi chỉ mặc áo phông và quần ngố còn đi học thì mặc quần jean và áo đồng phục. Thầy chưa từng thấy tôi mặc như vậy, có lẽ sẽ cảm thấy tôi mặc quá kì lạ.
"Không, nhìn đẹp hơn."
Nghe thầy khen mình, tôi không nói gì nhưng mặt đã đỏ lên đến mang tai.
"Lên xe đi." Thầy ngồi lên xe máy khởi động xe trước rồi mới bảo tôi.
Tôi ngồi lên, hai tay vô thức bám vào tay cầm sau xe. Thầy nhìn qua gương chiếu hậu có thấy nhưng không nói gì mà cho xe chạy luôn.
Đi trên đường, tôi nhìn chỗ này rồi lại ngắm chỗ kia. Cũng đã nửa năm không lên đây chơi, có một số nơi đã thay đổi không còn như trước. Khắp nơi trên đường đều gắn cờ đỏ sao vàng và treo băng rôn khẩu hiệu ngày quốc khánh. Nghe nói hôm nay có diễu hành nên mọi người đi xem vô cùng đông. Cả đoạn đường đi đến đâu liền tắc đến đấy, bình thường chỉ mất mười phút là đến nơi mà bây giờ hơn 30 phút mới đi được.
Nhiều người như vậy tôi lại càng lo lúc học không được yên tĩnh.
Vất vả chen chúc cuối cùng cũng đến nơi, tôi đứng trên vỉa hè chờ thầy gửi xe rồi mới cùng vào. Chưa vào nhưng trong lòng tôi lại có chút háo hức giống như một đứa trẻ lần đầu được đi chơi vậy.
Tôi theo thầy đi vào trong, nhìn thấy trong quán không quá đông đúc như tôi đã tưởng. Có lẽ do xung quanh khu vực này có nhiều quán nước và quán ăn nhanh nên quán mới không quá đông cũng không ít khách lui tới. Quán có ba tầng, tầng một tập trung nhiều khách hơn. Tầng hai có hai gian phòng lớn cũng không kém tầng một.
Thầy đưa tôi lên tầng ba, ở đây khá yên tĩnh khác với hai tầng phía dưới. Nơi này dường như dành cho những ai không thích sự ồn ào, ở tầng này cũng có hai gian phòng chỉ khác là cả hai phòng đều có cửa kính đóng lại khá kín đáo. Gian phòng bên trái có ban công nên thoáng đãng vô cùng, còn bên phải có chút âm u. Tuy đã thắp đèn sáng nhưng do không có cửa sổ nên cảm giác hơi ngột ngạt bí bách. Có lẽ chỉ thích hợp với những cặp tình nhân muốn hẹn hò một cách kín đáo. Tôi định đi về phía bên tay trái nhưng bị thầy ngăn lại. Thầy không nói gì trực tiếp mở cửa gian phòng bên phải ra và đi vào trong. Tôi thở dài bất đắc dĩ đi theo thầy.
Gian phòng này chỉ có năm bàn đã có khách nhưng không giống như tôi nghĩ. Bởi vì có bàn sẽ có ba người ngồi chung, có bàn lại chỉ có một người. Ban nãy chưa vào nên tôi không thích lắm, hiện tại ngồi trong phòng nhìn ngắm rõ toàn cảnh thì tôi mới có chút thích thú. Ở đây được trang trí theo phong cách vintape, tái hiện lại hình ảnh không gian của Việt Nam ở những thập niên 60, 70. Khung cảnh hoài cổ mang đến cho tôi cảm giác thư thái và tĩnh lặng.
Thầy chọn ngồi bàn phía cuối phòng, để tôi ngồi xuống trước rồi thầy mới hỏi "Em muốn uống gì không?"
Uống gì đây? Lần đầu tới đây, tôi không biết có những loại nước như thế nào. Trên bàn lại không có menu.
Sợ thầy đợi lâu nên tôi đã cố nghĩ ra một loại nước phổ biến nhất "Nước chanh đi ạ."
"Đợi tôi một lát." Thầy đứng dậy và đi ra ngoài, chắc là đi gọi nước uống. Tôi thắc mắc tại sao lúc ở dưới thầy không gọi luôn tại quầy, ở đó còn có menu tôi có thể chọn loại nước mình thích.
Trong lúc ngồi đợi, tôi lấy điện thoại ra chụp vài bức ảnh. Nhưng không phải tự sướng mà là chụp khung cảnh trong phòng, đến một nơi đẹp như vậy tôi chỉ cảm thấy hối hận vì đã không thử đến đây một lần. Nhiều lần đi qua quán này mà lần nào tôi cũng quan ngại không vào.
Quán tên An Tĩnh khá đặc biệt nhưng lại phù hợp với khung cảnh hiện tại. Trong này rất yên tĩnh không một chút tiếng ồn, giống như được lắp đặt tường cách âm. Tôi thấy có mấy bạn nữ ở bên ngoài cười đùa nhưng ở bên trong lại hoàn toàn không nghe thấy gì.
Mất khoảng năm phút thầy mới quay lại, đi theo sau thầy còn có một người đàn ông. Trông có vẻ bằng tuổi của thầy, gương mặt ôn hòa ánh mắt mang ý cười. Vừa nhìn liền có thiện cảm, tôi đứng dậy định chào một tiếng nhưng lại phân vân không biết người đó với thầy có vai vế gì.
"Chào em." Chào xong người đó đến ngồi đối diện với tôi và nói "Em ngồi xuống đi."
Tôi gượng gạo đáp lại "Dạ, vâng."
"Cậu ta là bạn của tôi, cũng là chủ quán ở đây." Thầy biết được tôi đang thắc mắc điều gì nên chủ động giải đáp.
Nếu là bạn thì chắc thầy và người đó cũng ngang tuổi nhau, gọi người đó là anh có lẽ sẽ không vấn đề gì "Dạ, em chào anh."
"Anh tên Hải Đăng, anh có nghe Khang nhắc nhiều về em. Muốn gặp em lâu rồi mà hôm nay cậu ta mới đưa em tới."
"Dạ?" Thầy ấy thực sự nhắc về tôi ư? Thầy vốn không phải là một người nhiều chuyện. Rốt cuộc là thầy đã nói những gì về tôi vậy hay anh ấy chỉ nói như vậy nhằm mục đích xã giao thôi.
Chưa đợi tôi kịp hỏi lại thì anh ấy đã lên tiếng trước ngắt lời tôi "Cậu ta nói em rất đặc biệt, là một cô bé với đôi mắt ưu sầu. Lần đầu gặp em liền cảm thấy hai người rất giống nhau. Lúc mới nghe anh có chút không tin nhưng bây giờ gặp em cảm thấy cậu ta nói vậy cũng không sai."
Thầy ấy từng nói tôi và thầy giống nhau nhưng tôi có suy nghĩ nát óc cũng không nghĩ ra giống nhau ở điểm gì. Tôi từng nghĩ là vì tôi và thầy đều ít nói nhưng ở ngoài kia có rất nhiều cũng như vậy không thể nào vì điểm này mà thầy lại nói hai người giống nhau, vả lại thầy không hẳn là ít nói. Chẳng qua thầy ấy không thích nói chuyện mà thôi.
"Đang nghĩ gì thế." Thầy dùng cây bút gõ nhẹ lên trán của tôi.
Tôi giật mình một chút rồi lấy tay xoa trán, cũng không biết anh ấy đã đi từ bao giờ.
"Đừng suy nghĩ nhiều, sau này em sẽ tự nhận ra."
"Vâng."
Thầy ấy không muốn nói ra tôi cũng chẳng buồn hỏi. Nếu thầy đã nói sau này tôi sẽ tự nhận ra, vậy thì đợi tương lai cho tôi đáp án đi.
Không nhiều lời tôi mở sách vở ra để học bài. Mỗi hôm chuyển một nơi học làm tôi thấy khá thú vị, học ở những nơi có khung cảnh đẹp thật sự rất dễ tiếp thu. Nhưng tôi vẫn luyến tiếc khi không được học phía ngoài ban công ở căn phòng đối diện. Có thể nhìn ngắm dàn xe đi qua đi lại, nhìn ngắm mây trời. Hôm nay thời tiết khá đẹp, hẳn là bầu trời cũng rất trong xanh.
Khi thầy đang chăm chú giảng bài thì nhân viên mang nước lên, nước tôi chọn là nước chanh nên không khó để nhận ra. Còn của thầy có lẽ là cà phê, chỉ thấy trong cốc của thầy là một màu đen không có gì hơn. Tôi cầm cốc nước của mình lên uống thử, vừa nhấp một ngụm liền không kìm được mà nhíu mày. Không ngờ cốc nước tôi đang uống lại là trà chanh, không phải nước chanh như tôi đã tưởng. Dù rất không thích đồ uống có liên quan đến trà nhưng tôi không thể lãng phí đành miễn cưỡng uống hết một lần.
Vừa bỏ cốc xuống thì bất ngờ tôi lại thấy khóe miệng của thầy khẽ nhếch lên một chút, hình như thầy ấy đang cười tôi. Hành động của tôi dễ gây cười đến vậy sao?
"Nếu em không thích có thể gọi cốc khác, không nên miễn cưỡng uống."
"Gọi cốc khác rất lãng phí mà bây giờ em cũng uống no rồi. Không cần nữa đâu."
"Em làm nốt số bài tập này đi. Khi nào xong thì ra ngoài đi dạo một lát."
"Dạ."
Tôi cặm cụi cố gắng giải nhanh nhất có thể, thầy cũng nhân cơ hội làm công việc của mình. Cả hai đều rơi vào trạng thái im lặng, mỗi người làm một việc riêng. Hoàn toàn không để ý đến đối phương, chỉ khi tôi giải xong số bài tập thầy giao thì khoảng không tĩnh lặng mới tạm ngưng.
"Thầy ơi, em làm xong rồi."
"Ừ, tôi cũng vừa làm xong. Em cất sách vở đi."
"Thầy không kiểm tra luôn ạ?"
"Khi nào quay lại tôi sẽ kiểm tra sau."
Sắp xếp đồ đạc xong thì thầy mang laptop và túi của tôi gửi ở chỗ chủ quán. Nếu mang theo sẽ rất vướng, lúc đi ra cầu thang tôi mới để ý ở đó treo tấm bảng ghi "khu vực yên tĩnh, cấm tiếng ồn". Bảo sao trên tầng ba ít khách lại không có chút âm thanh nào.
Tôi và thầy đi ra ngoài, đối diện với quán là khu sân chơi tự do nên vô cùng đông đúc. Còn có sân khấu biểu diễn văn nghệ, bên cạnh là những trò chơi dân gian như múa sạp, đá cầu, nhảy dây. Các sạp bán hàng bày biện đa dạng có to he, câu đối, đồ chơi dân gian và hiện đại. Có đồ ăn thức uống, chỉ mới buổi sáng đã đông vui như vậy. Không biết buổi tối sẽ náo nhiệt tới mức nào.
Tôi đi thẳng tới sạp bán hàng tò he, cúi xuống nhìn ngắm kĩ từng con một. Khi tôi còn học lớp một, ngoài cổng đột nhiên xuất hiện một chú bán tò he. Thấy bạn bè thi nhau mua, tôi cũng xin mẹ mua một con. Mẹ hỏi giá thì chú đó nói 5 nghìn một con, khi đó nhà tôi không có nhiều tiền nên mẹ thấy 5 nghìn một con rất là đắt. Vì không muốn để tôi thất vọng nên mẹ mua cho tôi rất nhiều kẹo. Tuy có kẹo nhưng ngồi nhìn các bạn khoe nhau con tò he mới mua thì tôi chỉ có thể ngậm ngùi ghen tỵ.
Bây giờ tôi có khả năng mua nhưng dường như tôi đã không còn thích nó như ngày xưa, đối với tôi những con tò he chỉ để ngắm ăn rồi sẽ không còn đẹp nữa. Nhìn ngắm một lát tôi lại lướt qua mà không mua.
Thấy tôi nhìn lâu nhưng không mua, thầy không nhịn được mà thắc mắc "Tôi thấy em rất thích, sao lại không mua?"
"Nhưng không phải cứ thích là nhất định phải mua."
Thầy không nói gì tiếp nên tôi lại đi đến sạp bán hàng lưu niệm, vừa nhìn tôi liền chọn luôn chiếc chuông gió nhỏ màu trắng làm bằng gốm, có dạng chuông nhỏ vẽ hình đôi nam nữ mặc áo dài thoanh thoát nhẹ nhàng đứng cùng nhau.
Tôi cầm nó lên và hỏi chủ quán "Cái chuông gió này bao nhiều tiền ạ?"
"70 nghìn."
Định sẽ dùng tiền tiết kiệm để mua nhưng giá như vậy quá đắt, tôi lại không mang đủ tiền. Mà có mang đủ cũng sẽ không mua, vừa nhìn đã biết chất lượng của nó chỉ là một loại gốm rẻ tiền không đáng giá đến vậy, chủ quán cố tình lợi dụng ngày lễ để tăng giá các mặt hàng. Tôi từng tới một cửa hàng lưu niệm ở gần đây cũng có chiếc chuông gió tương tự như vậy mà giá chưa đến 30 nghìn. Vì vậy tôi không lưu luyến gì lắm nhẹ nhàng trả nó về chỗ cũ.
Đi dạo một vòng cả tôi và thầy đều thấy nhàm chán nên đã quay lại quán trà sữa. Lần này tôi quen thuộc hơn nên đã lên trước còn thầy thì đi lấy đồ đạc gửi ở chỗ chủ quán. Thầy mang đồ lên rồi kiểm tra bài tập của tôi, cảm thấy không có vấn đề gì nên đã cho tôi làm thêm một số bài tập nữa rồi mới về.
Lúc ra quầy thanh toán, tôi đã xem qua menu. Có rất nhiều loại nước uống và đồ ăn vặt nhưng cà phê lại chỉ có ba loại là cà phê đen, cà phê sữa đá và bạc sỉu. Vậy loại lúc nãy thầy uống chắc chắn là cà phê đen.
Về đến nhà cũng quá 2 giờ, bố mẹ tôi đều đã ngủ trưa. Tôi rón rén về phòng của mình và thay đồ. Xong xuôi tôi lấy sách vở từ trong túi ra định treo túi lên nhưng bỗng thấy túi có gì đó lọc cọc ở bên trong. Mở ra tìm kiếm lại không ngờ bên trong là chiếc chuông gió tôi bỏ lại không mua. Không cần nghĩ cũng biết người mua là thầy ấy, có lẽ thầy đã bỏ vào lúc đi lấy túi cho tôi.
Tôi nhìn chiếc chuông gió trong tay mà suy tư một hồi, trước đó tôi khá thích nó vì với tôi nhỏ xinh trông đẹp mắt nhưng bây giờ không còn là thích nữa mà là trân trọng. Bởi đây là món quà mà thầy cố tình tặng cho tôi, là quà kỉ niệm một ngày lễ vui vẻ nhất của tôi. Tôi lấy cây bút màu đen ghi lại ngày sinh nhật của thầy vào bên trong chuông gió, nó sẽ nhắc nhở tôi phải gửi lời cảm ơn trân thành nhất vào món quà tặng sinh nhật thầy.
Viết xong, tôi chờ nó khô rồi treo lên tủ sách của bàn học.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top