Thương vợ
Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân đã từng biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, khi nhắc đến nhà thơ Tú Xương, người ta nhắc đến một nhà thơ có cuộc đời ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thơ ca đã trở thành bất tử. Bài thơ Thương vợ thuộc đề tài viết về người vợ- một đề tài hiếm gặp trong nền thơ ca trung đại nhưng lại hiện hữu trong sáng tác của Trần Tế Xương nhằm thể hiện sự trân trọng, sự biết ơn của tác giả với người vợ tảo tần đầy sâu sắc, chạm đến trái tim của độc giả
Bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Mở đầu bài thơ, ở hai câu đề, nhà thơ Trần Tế Xương đã khái quát công việc và khéo léo lý giải sự vất vả của người vợ:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Đọc câu thơ đầu tiên, người đọc hiểu được công việc của bà Tú là công việc “buôn bán” rất vất vả và bận rộn. Hai từ “quanh năm” thể hiện thời gian làm việc của người vợ nhà thơ dài quanh năm suốt tháng, hết năm này qua năm khác. Công việc buôn bán đó đã gắn liền với bà Tú biết bao nhiêu năm nay. Bà Tú làm việc ở một nơi không dễ dàng và yên bình mà là một “mom sông”. Đọc tới đây, không gian mở ra trước mắt người đọc một khu đất nhô ra phía sông với không gian chênh vênh không chắc chắn. Hai từ “mom sông” tạo một cảm giác nhiều nguy hiểm, khu đất rất dễ sạt lở xuống dòng sông. Chỉ với một câu thơ đầu ngắn ngủi thôi mà nhà thơ đã cho người đọc hình dùng được cả thời gian lẫn không gian trong công việc buôn bán vất vả của bà Tú.
Khéo léo lý giải cho công việc vất vả của người vợ, nhà thơ viết:
“Nuôi đủ năm con với mộ chồng”
Thì ra bà Tú bao nhiêu tảo tần, vất vả, đi sớm về muộn để buôn bán kiếm từng đồng, từng hào là để nuôi chồng nuôi con. Hình ảnh người vợ đảm đang, vất vả khuya sớm băt đầu hiện lên với sự cảm thông, yêu thương và xót xa trong mắt nhà thơ Tú Xương. Từ “nuôi” đặt ở đầu câu thơ càng nhấn mạnh vai trò của người vợ Tú Xương trong gia đình, bởi lẽ chỉ mình bà đi làm để nuôi “đủ năm con với một chồng”. Ở ý thơ này, nhà thơ dùng số đếm “năm” “một”, người đọc liên tưởng dường như Tú Xương cũng đã đặt mình vào như một người con của bà Tú. Qua đó, nhà thơ như tự chế giễu, xót xa bởi bản thân để vợ đi làm nuôi cả gia đình. Cả gia đình chỉmình bà Tú tảo tần, vất vả làm việc, điều đó càng khẳng định sự đảm đang cùng trách nhiệm lớn của bà Tú.
Tiếp tục khắc họa sự tảo tần sớm hôm, lam lũ trong công việc mưu sinh của người vợ, nhà thơ đã có những miêu tả rất chân thực nỗi nhọc nhằn của bà Tú trong hai câu thực:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Nhà thơ đã khéo léo sử dụng hình ảnh “con còn lặn lội bờ ao” trong ca dao xưa để nói về người vợ chịu thương chịu khó. Trong ca dao, dân ca Việt Nam, “con cò” là hình ảnh ẩn dụ chỉ người phụ nữ vốn xinh đẹp, nết na lại chăm chỉ, tảo tần. Nhà thơ dùng nghệ thuật đảo ngữ, đặt hai từ “lặn lội” lên trước câu thơ để nhấn mạnh sự khó nhọc đè nặng lên đôi vai nhỏ bé vợ Tú Xương. Người đọc như hình dung được công việc vất vả lúc sớm hôm, heo hút, vắng vẻ không bóng người ở những quãng đưỡng, những quãng sông buổi sớm. Hai từ “eo sèo” cùng “buổi đò đông” trong câu thơ vẽ lên bức tranh những con đò chợ đông đúc, chen lấn cũng những tiếng kỳ kèo mặc cả người mua kẻ bán. Vì cuộc sống mưu sinh, bà Tú đã phải tảo tần, bon chen trong cuộc sống chợ búa. Câu thơ nhấn mạnh đức hi sinh lớn lao của bà Tú, chịu bao khó khăn, nhọc nhằn để nuôi chồng con. Qua đó nhà thơ thể hiện sự cảm thông sâu sắc
trước sự hi sinh thầm lặng của người vợ.
Trong hai luận, nhà thơ đã mượn hình ảnh bà Tú để nói lên thân phận của bà:
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”
Nhà thơ như nhập vai bà Tú, nói lên số phận của người vợ mình. Chỉ có “một duyên” nhưng đến “hai nợ” gợi lên cái số phận vất vả cuộc đời bà Tú, nó là cái duyên nợ, duyên kiếp cuộc đời. Cụm từ “âu đành phận” vang lên như tiếng thở dài chấp nhận và hi sinh cho chống cho con. Nếu tìm hiểu về xuất thân của vợ Tú Xương, người đọc sẽ càng cảm thông và xót xa sâu sắc cho cuộc sống vất vả của bà. Bà Tú vốn là con nhà học thức chứ không phải gia đình buôn bán, nhưng từ khi lấy Tú Xương bà trở nên đảm đang, tháo vát chợ búa do hoàn cảnh vất vả. Chính nhà thơ Tú Xương cũng từng viết về vợ mình như thế này “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”. Thành ngữ “năm nắng mười mưa” càng khắc sâu thêm nỗi vất vả nhọc nhằn. Nhưng cụm từ “dám quản công” lại thể hiện một sự tháo vát, chịu thương chịu khó của bà Tú. Dù
số phận có nhiều lam lũ, gian truân, bà Tú vẫn không một lời ca thán mà cố gắng vượt qua. Qua đó, nhà thơ nói lên nỗi thấu hiểu, xót xa vì cái duyên nợ với nhau mà bà Tú đã chịu bao nhọc nhằn vất vả.
Từ sự thấu hiểu về những nhọc nhằn, vát vả bà Tú phải chịu đựng, hai câu kết vang lên như tiếng chửi nhà thơ dành cho chính bản thân mình:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Tú Xương đã mạnh dạn đưa những ngôn ngữ đời thường “cha mẹ thói đời”, “cũng như không” vào thơ Nôm Đường luật. Ông tự chửi bản thân mình đã để vợ phải cơ cực vất vả một mình làm lũ nuôi cả gia đình. Nghệ thuật trào phúng dâng cao trong câu thơ cũng thể hiện sự chua xót, tự trách, tự cười bản thân vô dụng. Nó không chỉ là tiếng chửi riêng bản thân nhà thơ mà còn ngầm chửi cả một thói đời bạc bẽo quay lưng lại với những người nho sĩ tài năng nhưng bị đưa đẩy không chút công danh nói chung của thời xưa. Khiến cho những người chồng như Tú Xương long đong đường thi cử, khiến những người vợ như bà Tú phải bươn bải kiếm sống nuôi chồng, nuôi con.
Nhan đề Thương vợ chưa nói hết sự sâu sắc trong tình cảm của Tú Xương đối với vợ cũng như chưa thể hiện được đầy đủ vẻ đẹp nhân bản của hồn thơ mình. Tác giả không chỉ thương vợ mà còn ơn vợ, không chỉ lên án thói đời mà còn tự trách.Tình thương yêu, quý trọng vợ là cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong văn học trung đại. Một cảm xúc mới mẻ đó lại được diễn tả bằng hình ảnh và ngôn ngữ quen thuộc của văn học dân gian, chứng tỏ hồn thơ Tú Xương dù mới lạ, độc đáo vẫn rất gần gũi với mọi người, vần có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc.Lòng thương vợ của Tú Xương thể hiện qua bài thơ thật khiến người ta phải khâm phục!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top