Gia Lai: Xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn

Gia Lai: Xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn

(VOV) - Xuất phát điểm thấp, Ban chỉ đạo các cấp còn lúng túng, người dân chưa hiểu đúng bản chất chương trình… là thách thức đối với Gia Lai.

Phú Yên nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Khi người dân được phát huy quyền dân chủ

Theo mục tiêu quốc gia giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2015, tỉnh Gia Lai đã chọn 45 xã điểm để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng địa phương tích cực triển khai, nhưng hầu như mọi nội dung của chương trình vẫn dậm chân tại chỗ. Cán bộ cơ sở không đủ năng lực, xuất phát điểm kinh tế của địa phương quá thấp, người dân còn trông chờ, ỷ lại nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước… đang khiến việc xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai gặp nhiều khó khăn.

Ama Rơn là 1 xã vùng 2 của huyện Ia Pa, được tỉnh Gia Lai chọn là 1 trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Toàn xã có 12 thôn làng với hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện vẫn còn hơn 60% số hộ nghèo theo tiêu chí mới. Nguyên nhân chính là do đất sản xuất thiếu, công việc không có, hầu như những ngày nông nhàn bà con chỉ biết vào rừng thu hái lâm sản…

Thiếu ăn thường xuyên, nên sau gần 1 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nhưng hầu hết người dân trong xã, thậm chí đội ngũ cán bộ thôn, không biết nông thôn mới là gì. Theo bà con, nông thôn mới là một chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Ông Rơ Lan Kem, dân tộc Ba Na Thôn trưởng thôn Đắc Chá, xã Ama Rơn, nói: “Nếu mà Nhà nước hỗ trợ dự án nông thôn mới thì dân làng rất phấn khởi. Nếu mà có chủ trương của Nhà nước, bà con cũng sẵn sàng cùng làm”.

Với cách hiểu về nông thôn mới như vậy, bà con ở các thôn làng đã sẵn sàng cho chương trình này. Và đó là sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của cấp trên, giống như hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, hay hỗ trợ bò sinh sản… chứ không phải là sự sẵn sàng đóng góp theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai còn nhiều thách thức (Ảnh: Bảo Gia Lai)

Xã Al Bá, huyện Chư Sê cũng là 1 trong 45 xã được tỉnh Gia Lai chọn để thực hiện điểm về xây dựng quy hoạch điểm nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015. Đến thời điểm này, xã đã quy hoạch khu trung tâm xã, các công trình đường giao thông, thuỷ lợi, khu trồng trọt, khu chăn nuôi, địa điểm trường học, nhà văn hoá… Song làm sao huy động được sức dân, góp phần thực hiện thành công quy hoạch này, lại chưa được xã tìm ra.

Ông Đinh Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Al Bá, huyện Chư Sê cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cũng đã triển khai các bước và rà soát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí. Xã cũng đã xây dựng xong đề án xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, chúng tôi đang gặp khó khăn về việc xây dựng đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số rất nghèo, cho nên họ không có điều kiện để đóng góp xây dựng đường giao thông”.

Đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố thành phố và 142/186 xã thành lập Ban chỉ đạo; 121/186 xã thành lập Ban quản lý chương trình; 106/186 xã thành lập Ban giám sát. Tuy nhiên, thực trạng chung là kinh nghiệm trong lĩnh vực này chưa có, nên việc thực hiện các hướng dẫn, chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về triển khai chương trình nông thôn mới gặp hết vướng mắc này đến vướng mắc khác.

Ông Trương Duy Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã K’Dang, huyện Đắc Đoa, nói: “Còn nhiều lúng túng khi triển khai chương trình về các đoàn thể, ban ngành của xã cũng như của thôn. Thứ nhất về mạng lưới thủy lợi. Tây Nguyên nhiều đồi núi cho nên cái mương máng; sông suối theo địa hình rồi, do đó nếu đầu tư làm như đồng bằng thì nó rất khó. Thứ hai là người dân hầu như chưa nắm được, chưa hiểu được tinh thần xây dựng nông thôn mới là gì. Bước này chúng tôi cũng đang triển khai. Thứ ba là cơ sở hạ tầng quá thấp kém”.

Bên cạnh đó, trình độ năng lực của cán bộ cơ sở còn rất nhiều hạn chế, trong khi đó theo mục tiêu của đề án thì xã phải thực hiện hầu hết các bước từ khảo sát, đánh giá thực trạng, đến lập quy hoạch xây dựng đề án… Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Ia Pa thì đây là việc làm vượt quá khả năng đối với chính quyền cơ sở. Do vậy, việc triển khai xây dựng chương trình này sẽ gặp khó khăn và chậm trễ là điều tất yếu.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, cho biết: “Quá trình triển khai tiếp theo có nhiều lúng túng. Ở vùng cao nguyên, thì trình độ về năng lực của các bộ cấp xã còn hạn chế, mà trong chương trình xây dựng nông thôn mới thì toàn bộ phần việc từ điều tra, khảo sát, lập quy hoạch xây dựng đề án và triển khai là do cấp xã tiến hành toàn bộ. Cấp huyện và cán bộ chuyên môn xuống chỉ giúp xã tiến hành hướng dẫn giúp cho xã để triển khai. Đây là lý do chính triển khai chương trình tại tỉnh bị chậm”.

Chẳng phải chỉ cấp huyện, cấp xã của Gia Lai mới bị “kẹt” trong phương hướng triển khai xây dựng nông thôn mới, mà cấp tỉnh cũng chung thực trạng này. Ông Kpah Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai cho biết: “Do các ngành Trung ương chưa có những hướng dẫn cụ thể, cho nên quá trình triển khai có những lúng túng. Do đó yêu cầu Ban thường trực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm chắc các quy định của các Bộ, ngành cũng như các thông tư, hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai xây dựng nông thôn mới”.

Theo mục tiêu quốc gia giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2015, tính về số xã đạt tiêu chí, Gia Lai là 1 trong những tỉnh đạt thấp. Đến thời điểm này, chưa có xã nào đủ 19 tiêu chí. Có 22 xã đạt 8 - 9 tiêu chí, 45 xã đạt 5- 7 tiêu chí, 119 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Xuất phát điểm thấp, Ban chỉ đạo các cấp còn lúng túng, người dân thiếu mặn mà… đang đặt ra thách thức lớn cho việc thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai./.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vancan