Như thế nào thì được gọi là trưởng thành?

"Đứa trẻ có cha mẹ li hôn hạnh phúc hơn đứa trẻ có cha mẹ lí ra phải như thế"

Tôi từng tự hào ưỡn ngực mà nói rằng: "Cuộc sống của tôi sẽ làm người khác ghen tị".

Tôi có ba mẹ yêu thương tôi hết mực.

Tôi có một gia đình mà ba mẹ tôi yêu nhau, chị em tôi hoà đồng và đùm bọc lẫn nhau.

Hơn hết, tôi có một mái ấm thật thụ.

Đối với một cô bé như tôi, đó là hạnh phúc, là điều bản thân có thể ngẩng cao đầu mà hô to đầy tự hào.

Nhưng, sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, chợt nhận ra mọi thứ không như bản thân thấy?

Lớp 7, tôi dần nhận ra, hình như ba mẹ mình không được hạnh phúc như những gì họ thể hiện.

Những bữa cơm vẫn vậy, vẫn là gia đình quây quần bên chiếc bàn tròn, vừa ăn, vừa có những tiếng trò chuyện rôm rả về những gì xảy ra trong ngày.

Vẫn là mỗi đêm, ba dạy con học, mẹ ngồi bên, đôi khi lại góp ý vài câu.

Rồi lại tới cuối tuần, chúng tôi lại đi đâu đó hóng gió.

Nhưng, sâu thẳm, cảm giác bất an vẫn hiện hữu trong tôi. Tôi cảm thấy nụ cười của mẹ ít đi, sự mệt mỏi vô hình luôn bao trùm lấy bà. Ba thì lại không có gì thay đổi, một vài ngày trong tuần lại ra ngoài "đi nhậu". Cảm giác bất an đeo bám khiến tôi khó chịu, nhưng ngày ngày trôi qua vẫn thế, vẫn không có gì xảy ra, khiến tôi tự nhủ với bản thân: "Ồ, báo động giả thôi!".

Lớp 8, tôi bước vào giai đoạn dậy thì.

Những suy nghĩ "nổi loạn" bắt đầu xuất hiện trong đầu. Được tự đi học, giờ ra về tôi luôn nán lại trò chuyện với bạn bè, không còn về nhà đúng giờ. Tất nhiên, việc này khiến tôi thường xuyên nhận được những lời nhắc nhở "nho nhỏ" của ba mẹ. Nhưng với tôi, nó chỉ thật phiền.

Lớp 8, đó cũng là khi tôi dần nhận ra, mối quan hệ của ba mẹ thật sự không ổn.

Không khí trong nhà dường như căng thẳng hơn rất nhiều. Ngột ngạt, khó thở, luôn trong trạng thái căng như dây đàn, khiến tôi trở nên cáu kỉnh và khó chịu.

"Chuyện gì đang xảy ra?" – tôi hỏi họ. Nhưng câu trả lời nhận lại luôn là: "Con tập trung học đi, ba mẹ không sao cả".

Lớp 8, độ tuổi vẫn chưa thể dùng đến cụm từ "trưởng thành", nhưng không thể gọi là "trẻ con". Vậy chuyện của ba mẹ là quá lớn, hay do bản thân tôi chưa đủ lớn để tiếp nhận nó? Là ba mẹ tôi sợ tôi suy nghĩ chưa vững vàng, hay do tôi không đáng tin cậy?

Tôi, trên cương vị là con của họ, là một thành viên của gia đình, là người trực tiếp chịu ảnh hưởng đầu tiên bởi sự "rạn nứt". Nhưng xét theo khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy bản thân không đủ "tư cách" để biết chuyện gì đã, đang và sẽ xảy đến với tôi – ngay trong gia đình nhỏ của mình.

Thật châm biếm làm sao!

Lớp 8, tôi chắc chắn, gia đình tôi không ổn.

Nhưng tôi đã tự mình tìm được câu trả lời cho bản thân.

Âm lượng của những cuộc cãi vã về đêm dần trở lên gay gắt và lớn hơn, đủ để tôi có thể nghe ở một khoảng cách không bị người khác phát hiện ra. Những câu nói đứt đoạn, những mẩu đối thoại ngắn, dần được xâu chuỗi lại và chạy trong đầu tôi một cách có trình tự.

"À, hoá ra là thế. Ba... ngoại tình."

Hai từ, đơn giản, nhưng sức nặng của nó lại không tầm thường.

Ba tôi, trong mắt tôi, và cả những người họ hàng xung quanh, chỉ có thể dùng hai từ: "hoàn hảo" để hình dung. Nhưng hình tượng ấy đang dần đổ vỡ. Đầu tôi ong lên với vô vàn câu hỏi: "Có thật không?", "Tại sao ba lại làm vậy?", "Ba không cần gia đình này nữa sao?"

"Hay... do chính bản thân tôi khiến ba mẹ không hạnh phúc?"

Tôi không biết bản thân nên bày tỏ cảm xúc gì. Buồn? Tức giận? Thất vọng? Im lặng? Hay đúng hơn, một đứa trẻ như tôi, có thể làm được gì đây?

Tắm mình trong cảm xúc tiêu cực, tôi vẫn đến trường, vẫn học hành, vẫn cười đùa kể về một ngày của bản thân trong bữa cơm tối. Nhưng chỉ có bản thân tôi biết, đêm đến, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, khi mà đôi khi vẫn văng vẳng tiếng cãi vã dù cho đã đóng chặt cửa, những giọt nước mắt lại không thể kiểm soát mà vô tình làm ướt gối.

"Xin trời, hãy giúp ba mẹ con làm lành, hãy giúp gia đình con êm ấm. Con nguyện hy sinh sự may mắn và hạnh phúc cả đời của con cho điều này" – câu lẩm bẩm luôn là thứ ru tôi vào giấc ngủ khi đêm muộn, với ước mong ngày mai tỉnh giấc, ông trời sẽ nghe thấy lời cầu nguyện của con người bé nhỏ trong thế giới này.

Khóc và cầu nguyện, đó là điều duy nhất tôi có thể làm. Tôi ghét bản thân vì điều đó.

Thời gian về nhà của tôi vẫn trễ như vậy, nhưng không còn là vì những suy nghĩ nổi loạn nhất thời.

Lớp 9, tôi nhận ra, bản thân càng lúc càng bị những cảm xúc tiêu cực nuốt chửng.

Tôi cảm thấy "nhà" không còn là nơi tôi muốn trở về.

Công việc chồng chất cũng những cuộc "tranh luận" bất tận, khiến tính khí của cả ba lẫn mẹ đều trở nên cáu gắt và nóng nảy. Tôi tự nhủ phải thông cảm cho họ, vì đó là tất cả những gì tôi có thể giúp.

Nhưng giới hạn chịu đựng của tôi có thể kéo dài bao lâu đây?

Nếu có thể, tôi sẽ luôn lang thang đâu đó, vô định, sau giờ học để kéo dài thời gian trở về nhà của mình. Những buổi "đi dạo" không biết có thể giúp tâm trạng của tôi khá lên hay không, nhưng với tôi, ít nhất nó giúp tôi rút ngắn phần nào thời gian tiếp xúc với bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở nơi "mái ấm".

Đêm đến, những cuộc cãi vã vẫn tiếp tục. Nhưng giờ không còn xuất hiện tiếng nức nỡ khe khẽ của tôi trong căn phòng nhỏ. Tôi nằm đó, chăn đắp như đã ngủ, nhưng não lại không ngừng suy nghĩ.

Suy nghĩ của đứa trẻ mười lăm tuổi có gì? Tôi không biết.

Nhưng với tôi thì đó là vùng đất của thế giới tưởng tượng.

Ở vùng đất xinh đẹp ấy, "tôi" không tồn tại. Thế giới đó được vẻ bởi gam màu hạnh phúc, tươi sáng khi ba và mẹ, mỗi người có cuộc sống hạnh phúc của riêng mình mà không có nỗi lo mang tên tôi.

"Nếu ba mẹ thật sự không thể chịu được, ba mẹ có thể li hôn" – đã có lần, tôi thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của bản thân với họ.

"Con không thể hiểu việc sống thiếu ba hoặc mẹ tội nghiệp đến mức nào đâu" – sau sự kinh ngạc ban đầu của họ, đó là câu trả lời tôi nhận được. Có lẽ họ nghĩ tôi vẫn chưa biết chuyện mà họ cho là đang diễn ra trong "âm thầm".

Ý kiến của tôi bị bác bỏ, ngay lập tức mà không hề có sự để tâm hay coi trọng. Với câu chuyện "nghiêm trọng" này, ý kiến của một cô-bé-lớp-chín cũng chỉ được xem là lời nói trong phút bốc đồng. Trong trường hợp này, tôi cảm thấy tuổi tác thật sự ảnh hưởng rất lớn đến việc ý kiến của cá nhân đó có được đón nhận hay không!

Tôi không biết bản thân đã tồn tại qua năm học lớp 9 như thế nào, vì kí ức những năm học đó thật mờ nhạt. Mọi thứ không có gì quá nổi bật, cũng không có gì quá đặc sắc khiến tôi ấn tượng, hay có thể do tôi không hoàn toàn tập trung vào bất cứ điều gì diễn ra quanh mình. Nếu để dùng từ mô tả, thì "đơn sắc" có lẽ là từ ngữ đúng nhất để tái hiện một ngày của tôi lúc đó chăng?

"Tại sao mệt mỏi như vậy nhưng mẹ không chia tay? Nhất thiết phải kéo lê hôn nhân như vậy sao?"

"Mẹ muốn con có một gia đình hoàn chỉnh"

Kết thúc năm lớp 9 của tôi là một cuộc nói chuyện nghiêm túc giữa tôi và mẹ. Mẹ, người đã coi tôi là một người "lớn", ít nhất là đủ "lớn" để biết về những việc xảy ra với gia đình của chính tôi.

Gia đình tôi, từ lâu vốn chỉ có vỏ bọc hào nhoáng. Người ba mà tôi từng rất kính trọng, ngoại tình ngay sau khi mẹ tôi sinh em gái.

Nó thật sự rất khó tin, khiến tôi cảm thấy hoang mang, cho tới khi tôi tình cờ chứng kiến việc ba trở nên đáng sợ như nào khi ông không còn kiểm soát được cảm xúc của mình.

"Tại sao một con người lại có thể sống hai mặt, và duy trì cuộc sống như vậy suốt hàng chục năm?" – tôi rùng mình với ý nghĩ đó, và lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy sợ hãi chính người mà bản thân gọi một tiếng: "ba". "Căm thù", "chán ghét", những cảm xúc vốn không phù hợp với một đứa nhỏ lớp chín, lại đang ươm mầm và nảy nở trong lòng tôi, với một tốc độ chóng mặt. Và có lẽ, ngay từ lúc đó, tôi biết rõ rằng: dù cho mẹ có sẵn sàng gác lại mọi chuyện, sẵn sàng tha thứ và cho ba một cơ hội nữa để ba có thể quay đầu và sửa sai, thì bản thân tôi mãi mãi không thể chấp nhận một người như vậy làm "ba" của mình.

Ba, để diễn tả, với tôi thật chẳng khác nào kẻ cướp trong vai thánh nhân. Ông cướp đi hạnh phúc của mẹ tôi, cướp đi cuộc sống đáng lẽ một người phụ nữ cố gắng nhiều như mẹ phải nhận được. Ông cướp đi hạnh phúc của tôi và em gái, khiến chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng mệt mỏi, sợ hãi chính "đấng sinh thành" của mình.

Ông khiến tôi có cái nhìn ác cảm đối với giới nam nói chung, và tôi cảm thấy bản thân dần trở nên thù ghét thứ gọi là "tình yêu" và "hôn nhân".

Đó vốn là thứ được xây dựng và nhắc đến với một cuộc sống màu hường, hạnh phúc và tuyệt vời. Nhưng thật tệ, đối với tôi, nó lại không khác gì một nhà tù –giam cầm và trói buộc người ta bởi tờ giấy chứng nhận mỏng manh và "trách nghiệm với con cái".

Tình yêu màu hồng và hôn nhân viên mãn? Nghe thật giống câu truyện cổ tích ngọt ngào. Hoặc nếu có, thì chắc hẳn cũng chỉ là vẻ bề ngoài, như gia đình tôi vậy.

"Con không mong một mái nhà mà khi trở về luôn cảm thấy ngột ngạt, ngay cả mẹ cũng không mong muốn như vậy, tại sao phải cố?" – câu hỏi mà tôi nghĩ rằng bản thân có lẽ sẽ không nhận được câu trả lời.

Tôi liên tục mắc kẹt trong mớ suy nghĩ rối ren do chính bản thân tạo lên, nhấn chìm bản thân trong mớ cảm xúc tiêu cực. Và trong khoảnh khắc, tôi hoảng hốt nhận ra, bản thân như đang bị "nghiện" sự tiêu cực này.

Tôi tự đẩy bản thân và những suy nghĩ tiêu cực, và cố gắng tìm kiếm sự đồng cảm và quan tâm của ai đó bởi chính cảm xúc ấy. Cảm xúc tiêu cực giống như một liều thuốc phiện. Tôi biết nó không tốt, tôi hoàn toàn biết nó sẽ huỷ hoại bản thân nếu như không kịp thời thoát ra, nhưng dường như tôi tìm thấy "khoái cảm" trong việc tự hành hạ bản thân như thế. Mỗi lần như vậy, tôi lại tự bảo: "Mày xứng đáng bị như vậy".

Lớp 11, tôi dần tìm được thú vui khi đắm chìm vào không gian mạng, với những người bạn cách nhau một cái màn hình của điện thoại thông minh.

Họ không thấy mặt, nghe giọng tôi, tôi và họ thậm chí còn chưa gặp nhau bao giờ, nhưng qua đó, tôi thoải mái được là chính tôi, thoải mái bày tỏ những gì tôi nghĩ, những điều tôi gặp. Họ vẫn luôn ở đó, vẫn luôn lắng nghe, dù không hoàn toàn hiểu hết đầu đuôi câu chuyện, nhưng được nói, được kể, được bày tỏ - những điều tôi không thể làm với ba mẹ, điều đó khiến tôi thoải mái. Tuy tất cả những gì nhận lại chỉ là những câu nói, những lời an ủi hời hợt, xáo rỗng, nhưng: "Nhiêu đó là đủ".

Tôi yêu quý họ.

Nhưng con người, ai cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày. Việc dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo khiến tôi dần bỏ bê cuộc sống hằng ngày của mình. Bài tập dồn đến sát thời hạn nộp, những tiết học dần được thay thế bằng thời gian tôi để đầu óc bản thân ngẩn ngơ, trôi dạt về thế giới mà nơi đó tôi được thoải mái làm những điều tôi muốn. Học lực chỉ có thể gắng gượng đạt được mức độ tạm chấp nhận được.

Đã có lúc tôi lo sợ, đặt điện thoại xuống, và khoá hết tất cả với quyết tâm: "Mình sẽ làm được, mình sẽ tập trung học". Nhưng ngọn lửa quyết tâm ấy lại không bùng cháy lâu đến thế.

Một tuần trôi qua, rồi đâu lại vào đấy. "Không sao, mình còn thời gian, để sau rồi ôn". Tôi cứ thế chìm đắm trong sự thong thả tự tạo để an ủi bản thân.

Nhưng lần một, lần hai, rồi lại lần ba. Thời gian tuy chậm mà nhanh, tưởng còn nhưng thực chất đã hết. Điểm số đã phản ánh rõ ràng nhất học lực sa sút rõ rệt của tôi.

"Đấy! Thấy chưa! Tất cả là tại cô. Tại cô cho nó sử dụng điện thoại riêng cho lắm vô, giờ thì hay rồi! Điểm thi như thế này, khỏi thi đại học. Dẹp hết đi!!" – đó là những câu nói tôi nhận từ ba khi báo điểm thi về cho phụ huynh.

"Tất cả là tại cô. Tôi dồn bao công huyết dạy nó học từ lớp 6 đến lớp 9. Chỉ hơi buông ra một chút là lại bị cô làm cho hư cả rồi!".

Tai tôi ù đi. Ông ta, người tôi phải gọi một tiếng "ba" lại đang chỉ trích mẹ nó khi nuôi lớn đứa con "thất bại" này sao?

Cảm xúc cũng giống như một quả bong bóng. Thổi vào trong nó quá nhiều khí, nhưng lại từ chối xả ra bớt, ngược lại, còn chèn ép nó. Không sớm thì muộn, quả bóng cũng sẽ chỉ dẫn đến một kết cục suy nhất: nổ tung.

Trong khoảnh khắc đó, "quả bóng" cảm xúc của tôi thật sự đã nổ.

Tôi cảm nhận được lòng bàn tay tôi đau rát khi nó tiếp xúc mạnh với mặt bàn. Gương mặt tôi nóng lên và sự bình tĩnh của tôi đã "nổ" theo "quả bong bóng cảm xúc".

"Tại sao đến cuối cùng, ông vẫn luôn đúng, còn mẹ thì lại là người sai, người gánh hậu quả? Con làm gì, đó là quyền quyết định và ý thức của riêng con. Con là một cá thể độc lập mà? Vậy tại sao những điều con làm, những việc tốt thì đều do "một công" của ông tạo dựng nên, còn việc xấu thì đều do "một tay" của mẹ nhúng vào?"

"Con chưa bao giờ giám nói rằng con quá mệt, bởi vì con biết mẹ sẽ mệt hơn con nhiều. Con thừa nhận bản thân chưa hề cố gắng trong học tập, nhưng đó là quyết định của một mình con, tại sao lại lôi mẹ vào?"

"Nếu đã biết thế, thì sao không cố gắng đi?"

Tại sao?

Đầu óc tôi quay cuồng.

"Tại sao lại không dừng lại?" – tôi ngẩn ngơ, loay hoay tìm câu trả lời.

Nhưng sâu thẳm trong tôi, có lẽ, tôi biết câu trả lời. Tôi luôn đinh ninh rằng: ba mẹ không hiểu tôi, không ai hiểu những cảm xúc mà con phải trải qua. Thế nên, mọi sự cố gắng của ba mẹ, tôi đều phủ nhận. Tôi đi tìm sự an ủi cho chính sự cô độc tôi tự tạo ra, tôi tự cho bản thân là đúng khi tự tay huỷ hoại tương lai của mình dựa trên cái cớ: có gia đình tan vỡ.

Tự bản thân tôi đẩy chính mình ra xa họ. Và cũng tự tôi quyết định huỷ hoại tương lai của mình.

Sau đó, tôi không biết bản thân đã nói gì, làm như thế nào. Chỉ biết, khi tôi thoát khỏi sự ngẩn ngơ, tôi đang nằm trên giường, bên tai là tiếng đồng hồ vang lên từng nhịp đều đều cùng cây kim ngắn đang dừng chân ở con số mười hai.

Đầu tôi trống rỗng trong giây lát, rồi như một cơn bão, loạt hình ảnh như cuốn phim tua nhanh qua đầu tôi. Những hình ảnh về gia đình tôi khi còn "hạnh phúc", về bạn bè, thầy cô, về những kí ức vui vẻ, và về mẹ.

Mẹ tôi là một người phụ nữ tốt. Mẹ không hoàn hảo, điều đó là chắc chắn, nhưng chắc chắn bà xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp. Ông trời không ưu ái mẹ, liên tục thử thách bà trong cuộc sống và hôn nhân. Nhưng nếu như niềm hi vọng và tâm huyết của bà, là tôi, lại tự huỷ hoại tương lai của mình, tôi tự hỏi mẹ đã phải đau lòng đến mức nào?

Và cho đến lúc đó, tôi muộn màng nhận ra – tôi không chỉ sống cho chính mình, mà còn là cho mẹ. Tôi sống vì tương lai của tôi, nhưng cũng còn là vì hạnh phúc và niềm tự hào duy nhất trong đời mẹ, khi thấy con mình có thể vững vàng bước trên đôi chân của nó.

Lớp 12, còn nằm ở tương lai.

Tôi không biết tương lai tôi sẽ như nào, sẽ có chuyện gì xảy đến và tôi sẽ đối mặt ra sao. Nhưng nếu bây giờ tôi không cố gắng, không thay đổi để bản thân trở nên tốt hơn, tôi rõ rằng, sẽ chẳng có "tương lai" nào tồn tại.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top