Những Đứa Trẻ Liên Tiếp Bị Hại Mà Hung Thủ Lại Nhởn Nhơ Ngoài Vòng Pháp Luật

Tôi phân tích: 

"Không đúng, tổn thương ngoài da trên trán của nạn nhân tương đối nhẹ, nhưng trong hộp sọ lại xuất huyết. Chấn thương ngoài nhẹ trong nặng này rất giống bị ngã. Nạn nhân có lẽ đã đập đầu xuống đất, rồi bị cán trong tư thế nằm sấp. Vết bánh xe trên bả vai và đùi trái của nạn nhân cũng có thể minh chứng cho cơ sở này." 

Lý Tranh chợt hiểu ra: "Khi ấy cậu bé quay lưng vào xe tải!" 

Giấc ngủ trưa ngày thứ bảy bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại vang lên, cuộc gọi của bác sĩ Khương: "Hiểu Huy, đến cơ quan đi, có một hiện trường." 

"Được, tôi đến ngay!" 

Bởi tính chất công việc, nên điện thoại của chúng tôi phải mở 24/24. 

Lý Tranh cười: "Tôi nói với bác sĩ Khương rồi, chỉ cần có án thì hãy báo với tôi. Cuối tuần không phải tập huấn tôi sẽ theo ra hiện trường, đây chắc không tính là đi cửa sau đấy chứ?" 

Tôi mỉm cười lắc đầu, nhìn ánh mắt của cô mà bất giác thêm vài phần ngưỡng mộ. 

Trước đây, tôi nghĩ cô tiểu thư đỏng đảnh, đọc vài cuốn tiểu thuyết hay xem vài bộ phim nhất thời cao hứng rồi vào ngành. Bồi thêm cho vài lần hiện trường nặng mùi nặng đô chắc chắn chịu không nổi mà phải rút lui. 

Không ngờ tố chất chuyên nghiệp của Lý Tranh cũng rất ra gì. Hơn nữa cô còn có một sự kiên trì và nghiêm túc. 

Sau vài lần hợp tác làm nhiệm vụ, tôi thật sự đã có cái nhìn khác về Lý Tranh. 

Chúng tôi bước vào văn phòng cùng lúc, bác sĩ Khương nói: "Đến rồi đấy à, chiếc xe tải của nhà máy gạch đã cán chết một đứa nhỏ. Hiểu Huy, Lý Tranh và Vương Mãnh, ba người đi xem sao."

"Tại sao sự cố xảy ra tối qua đến tận hôm nay mới báo án nhỉ?" -Tôi hơi ngờ vực.

Bác sĩ Khương lắc đầu: "Tình hình cụ thể mọi người cứ đi xem rồi sẽ rõ." 

Lý Tranh chạy vào phòng thiết bị, bác sĩ Khương vỗ vai tôi: "Tôi thấy cái cô Lý Tranh này cũng rất được, hai người hợp tác cho tốt nhé. Sau này Phòng Kỹ thuật cũng giao hết cho các cô các cậu." 

Cầm đồ nghề ra đến sân thì Vương Mãnh đã ở trên xe chờ sẵn. 

Chúng tôi lái xe vào nhà máy gạch nơi vụ án xảy ra, khắp nơi có thể thấy những chồng gạch chất cao như núi. Vừa bước xuống xe, đã được chứng kiến một "màn kịch" hiếm có. 

Trong sân có hai nhóm người đứng song song. Một nhóm nhân viên bảo vệ mặc đồng phục, tay cầm khiên và dùi cui cao su; nhóm người còn lại ăn mặc lòe loẹt, tay cầm gậy sắt, thanh ghế dài, cục gạch... Tâm trạng họ có vẻ rất kích động, cảnh tượng gươm súng sẵn sàng. 

Nhân viên bảo vệ rất hùng hậu, một anh hảo hán đầu trọc cao to cầm gậy cao su ra hiệu: 

"Bà mày chứ, chúng mày đứa nào dám làm càn, thì phải hỏi cây gậy trên tay tao đây có đồng ý hay không!" 

Cảnh sát khu vực chào hỏi và đưa chúng tôi đến một góc vắng người, hạ giọng nói: 

"Nạn nhân tên Tô Tử Văn, năm nay 5 tuổi, người làng Tôn Gia Miếu. Ngày hôm qua cậu bé theo bố mẹ đến nhà máy gạch chơi, bị xe chở gạch đâm tử vong. Vốn dĩ nhà máy muốn đền chút tiền cho xong chuyện nhưng tiền bồi thường thương lượng không thỏa đáng. Dân làng kéo đến làm ầm từ tối qua đến giờ. Nhà máy thấy cục diện vượt ra khỏi tầm kiểm soát nên mới báo cảnh sát." 

Tôi vòng qua nhóm người đứng song song kia, đến văn phòng giám đốc. Ngồi đằng sau chiếc bàn phong thái khí thế kia là giám đốc Trương Thiện Lâm, thân hình vạm vỡ, tai to mặt lớn. 

Trên chiếc ghế Sofa bên cạnh anh ta là Mã Sử Vĩ, chuyên viên bồi thường của công ty bảo hiểm, đeo một chiếc kính trắng gọng vàng. 

Trương Thiện Lâm gẩy tàn thuốc xuống gạt tàn: 

"Họ đòi nhà máy chúng tôi 20 vạn, một xu cũng không được thiếu, chúng tôi đàm phán thất bại rồi. Thế nhưng dù gì sự việc cũng xảy ra ở nhà máy. Nhà máy gạch Phúc Hưng chúng tôi sẽ không chối bỏ trách nhiệm. Giám đốc Mã công ty bảo hiểm hôm nay đến đây để giúp chúng tôi giải quyết vấn đề này." 

Mã Sử Vĩ chỉnh lại cặp kính: 

"Sự cố nguyên nhân cái chết rất rõ ràng như thế này, về cơ bản không cần phải kinh động đến Đội Cảnh sát hình sự, chỉ cần Cảnh sát giao thông phân định trách nhiệm là có thể bồi thường đền bù." 

Tôi nhìn anh ta: "Dù sao cũng đã đến đây rồi thì trước hết qua nói chuyện với người nhà đã." 

Một người đàn ông trung niên to béo, thấp lùn chỉn chu trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc vẫy tay, đám đông đang náo loạn đột nhiên im bặt. 

Anh ta cùng một người đàn ông đen gầy khác đi về phía chúng tôi. 

"Đồng chí cảnh sát, tôi là cậu họ còn đây là bố cháu. Tử Văn cháu nó số khổ, chúng tôi cũng không có yêu cầu gì quá đáng, chỉ cần nhà máy bồi thường tiền là được." 

Người đàn ông béo lùn đưa ra một tấm danh thiếp, người cha bên cạnh cũng gật đầu phụ họa.

Tôi đón lấy danh thiếp xem qua: "Kim Á Mộc, Công ty trách nhiệm hữu hạn tài chính Tụ Lợi, Giám đốc", trông giống như một công ty nhỏ cho vay nặng lãi. 

Tôi cất tấm danh thiếp đi: 

"Dựa theo trình tự, trước hết chúng tôi phải tiến hành kiểm tra hiện trường và khám nghiệm thi thể, bước tiếp theo mới đến bồi thường." 

Kim Á Mộc xua tay: 

"Cháu nó cũng đã xảy ra chuyện rồi, chúng tôi không muốn nó lại còn chết không toàn thây nữa. Nếu như không thể xác nhận là vụ án hình sự, thì cơ quan côngan chúng ta cũng không thể cưỡng chế khám nghiệm, phải được sự đồng ý của gia đình."

Tôi nhìn Lý Tranh bất lực lắc đầu. 

"Hay thế này, chúng ta đi xem bên ngoài thi thể đi?" -Lý Tranh khẩn thiết nhìn tôi. 

Tôi gật đầu: 

"Xem bên ngoài thi thể cũng được, nhưng báo cáo về khám nghiệm thi thể thì chắc chắn phải thông qua giải phẫu. Sau khi xác định nguyên nhân cái chết mới được kết luận."

Một chiếc xe cảnh sát hú còi tiến vào nhà máy gạch, các đồng chí cảnh sát giao thông đã tới rồi. Một chiếc xe tải cỡ trung nhãn hiệu Foton đậu ở bãi đất trống phía trước nhà máy gạch. Đầu xe hướng ra ngoài và đuôi hướng vào trong, không có hàng hóa trên xe. Hiện trường trông có vẻ không mấy phức tạp. 

"Tài xế xe tải đâu?" -Cảnh sát giao thông hỏi Trương Thiện Lâm. 

"Người nhà tâm trạng rất kích động nên tài xế đã trốn vào văn phòng rồi." -Trương Thiện Lâm trả lời. 

Bảo vệ gọi tài xế đến: 

"Tối qua khoảng bảy giờ, tôi lái xe đến lò gạch để bốc hàng. Đang lùi xe thì bất ngờ có người vỗ cửa la lớn, tôi dừng xe chạy ra xem thì vừa xuống đã bị một nhóm người bao vây." 

Tài xế tỏ vẻ nghĩ lại vẫn còn hoảng sợ: 

"Họ kéo quần kéo áo rồi lôi tôi ra phía sau xe. Có một người phụ nữ ngồi dưới đất khóc lóc, dưới bánh xe lộ ra đôi chân nhỏ bé, lúc ấy tôi vô cùng sợ hãi." 

Vương Mãnh quay người nhìn về hướng bố đứa bé: "Anh hãy kể hoàn cảnh lúc ấy đi." 

Tô Hữu Lâm gạt gạt khóe mắt: 

"Ngày hôm qua lúc trời sẩm tối, chúng tôi đến lò gạch bốc xếp hàng, Tử Văn nằng nặc đòi đến nhà máy chơi. Tôi đang bận bốc xếp hàng thì nghe thấy có người gào to, vừa chạy tới xem thì chiếc xe này đã cuốn con tôi dưới bánh. Bác sĩ có đến khám và nói cháu nó không qua khỏi, mẹ nó lúc ấy suy sụp ngất đi." 

Chúng tôi giăng dây cảnh báo tại hiện trường, giải tán những người không liên quan. Kỹ thuật viên kiểm tra dấu vết Vương Mãnh kiểm tra và chụp ảnh hiện trường và chiếc xe. 

Hai vết phanh xe màu đen rất dễ thấy trên nền đất, dưới bánh sau bên phải phát hiện vết máu khô. Tổng chiều cao của xe tải là 3,5 mét, mặt sàn thùng xe cách mặt đất là 1,1 mét, hệ thống phanh tốt. Thi thể đã được người thân đưa về nhà. 

Kim Á Mộc và Tô Hữu Lâm đồng ý đưa chúng tôi về làng tiến hành khám nghiệm thi thể của cháu Tô Tử Văn. 

Trên đường đi bộ đến làng Tôn Gia Miếu, Trương Thiện Lâm rất dẻo miệng: 

"Dạo này bất thường quá, sao lại có nhiều tai nạn cán chết trẻ con như vậy. Đúng là một năm kém may mắn mà." 

"Tháng trước, hơn 20 công nhân trong nhà máy của chúng tôi đã nghỉ phép để đến nhà máy gạch Hằng An đứng bãi. Nghe nói là làm rồi mà mỗi người còn có 50 tệ." 

Trương Thiện Lâm vẻ mặt chán ghét: "Họ đúng chỉ vì tiền." 

"Sao chuyện này chúng tôi chưa từng nghe nói nhỉ, không có báo án sao?" -Tôi cảm thấy có chút kỳ lạ. 

"Thì cũng thương lượng riêng cho xong chuyện rồi. Có điều lần này coi như họ tự ngã vào tấm tôn, chứ nhà máy gạch Phúc Hưng chúng tôi nào có phải trái hồng mềm mại." -Trong lời nói của Trương Thiện Lâm dường như có hàm ý. 

Đi vào đến giữa làng, một cảm giác mát mẻ tràn qua tôi. Con sông uốn khúc chảy quanh làng và cây cối tươi tốt um tùm bao quanh. 

Trước một căn nhà bằng phẳng, hai cậu bé và một bé gái đang chơi đùa quanh chiếc xe đồ chơi bốn bánh màu đỏ cũ kỹ. Trên xe có rất nhiều vết cáu bẩn. 

Nhìn thấy người lạ đến, chúng ngẩng đầu nhìn chúng tôi. 

Kim Á Mộc nói: "Ba đứa nhỏ này lần lượt là anh trai, chị gái và em trai của Tô Tử Văn."

Trong sân có dựng lều bạt, một đứa trẻ nằm trong quan tài bằng gỗ. Cậu bé mặc một bộ đồ đen trắng xen kẽ, chân co quắp, hai tay khoanh trước ngực, các ngón tay nhẹ nhàng cuộn thành nắm đấm. Trên khuôn mặt xanh xao không có một chút sức sống nào. 

Một người phụ nữ trung niên ngồi phịch xuống đất, ngẩn ngơ nhìn đứa trẻ. Đôi môi nứt nẻ đang lẩm bẩm điều gì đó, ánh mắt không rời nửa giây, nước mắt đang chảy vòng quanh đôi mắt đỏ hoe. 

Một bà lão xanh xao chống gậy từ trong buồng bước ra, Tô Hữu Lâm vội vàng chạy lại đỡ và nói vài câu vào tai bà. Bà cụ đột nhiên đưa tay cho Tô Hữu Lâm một cái tát rồi quay vào nhà. 

Chúng tôi mời những người không phận sự đợi ở bên ngoài. Đám người trước sân dần dần rời đi, thì thầm bàn tán xôn xao bên bờ tường. 

Kim Á Mộc nói với chúng tôi, ngày mai viếng tang bận rộn nhất, tất cả bà con họ hàng sẽ đến. 

Bố mẹ và bà nội của Tô Tử Văn lo lắng rằng người ta sẽ nhìn thấy Tô Tử Văn không được chết toàn thây, nên từ chối giải phẫu thi thể. 

Tôi giải thích với Kim Á Mộc rằng, chúng tôi sẽ lựa chọn giải phẫu ở những bộ phận có thể che khuất bởi quần áo. Hết sức tránh phần lộ ra như khuôn mặt, để không làm tổn hại đến vẻ ngoài toàn vẹn của người đã khuất. 

Kim Á Mộc không khước từ ngay: "Tôi trao đổi lại với bố cháu Tử Văn nhé." 

Tôi và Lý Tranh tiến hành khám nghiệm bên ngoài thi thể. 

"Cậu bé gầy quá."

 Lý Tranh ngẩng đầu nhìn tôi, tôi ra hiệu cho cô ấy có thể bắt đầu tiến hành. Cô cúi mình khám nghiệm một cách thuần thục.

Qua khám nghiệm, nạn nhân Tô Tử Văn cao 95 phân, cơ thể gầy gò. Thi thể đã cứng lại, các vết bầm tụ máu nằm ở vùng lưng. Vân tay hơi mờ, khi lật thi thể lại, thì máu mũi chảy ra.

Trên trán nạn nhân có một vết bầm tím ngoài da, kích thước khoảng 3cm x 3cm; bả vai phải và đùi phải lần lượt có hai chỗ bầm tím, diện tích tương ứng 15cm x 13cm và 15cm x 8cm. 

Dùng tay ấn vào vùng ngực của nạn nhân có thể sờ thấy nhiều chiếc xương sườn đã bị gãy.

 Kim Á Mộc bước lại hỏi: "Nếu không giải phẫu thì có thể viết chứng thư giám định không?" 

Tôi lắc đầu. 

Kim Á Mộc thở dài một tiếng: "Vậy thì giải phẫu đi." 

Tôi nói với Lý Tranh: "Cô bảo người nhà ký vào giấy báo giải phẫu thi thể đi, sau đó chúng ta mang thi thể về phòng khám nghiệm, rồi tranh thủ giải phẫu trong đêm nay." 

Màn đêm dần buông xuống, chúng tôi thu dọn đồ đạc dưới ánh đèn còn sót lại. 

Trương Thiện Lâm bước tới: "Cũng không còn sớm sủa gì nữa rồi, chúng ta cùng ăn bữa cơm tối nhé? Để chủ nhà tôi thết đãi các vị một bữa!" 

Tôi thản nhiên nhíu mày: "Ý tốt của giám đốc Trương chúng tôi xin nhận, tối nay chúng tôi phải tăng ca, bữa tối thôi để sau đi." 

Chúng tôi bước ra khỏi sân nhà, anh chị em của Tô Tử Văn vẫn đang chơi chiếc xe đó. Lý Tranh bước tới định xoa đầu bé gái nhưng cô bé vội trốn mất. 

"Đồng chí cảnh sát xin dừng bước!" 

Kim Á Mộc và Tôn Hữu Lâm chạy đuổi theo ra đến nơi và nói: "Ngày mai chúng tôi có thể mang cháu đi hỏa thiêu không?" 

Tôi từ chối yêu cầu của họ: "Thi thể của cháu bé phải bảo quản lạnh trong vài ngày, đợi sau khi viết xong chứng thư giám định, gia đình không có kiến nghị rồi mới đem đi hỏa thiêu."

"Chi phí bảo quản lạnh đắt lắm." -Tô Hữu Lâm vẻ mặt bất lực, Kim Á Mộc xua tay nên anh ta không nói thêm gì nữa.

Tôi quay đầu nhìn lại, màn đêm như nuốt chửng cả ngôi làng. Trên đường đến phòng khám nghiệm, chúng tôi tạt vào một tiệm mì ăn vội. Vừa về tới nơi thì thi thể của Tô Tử Văn cũng được vận chuyển tới.

Lớp da của Tô Tử Văn rất non nớt, dao mổ nhẹ nhàng lướt qua đã rạch mở được. Hộp sọ rất mỏng, sau khi mở hộp sọ ra dưới màng cứng xuất huyết nhẹ. Xương sườn rất mỏng manh và đã gãy mất mấy chiếc. 

Những bộ phận còn lại không cần tốn nhiều công sức đã có thể mở ra. Trong khoang ngực nhỏ bé toàn là máu; tim, gan, lá lách đều bị tổn thương.

"Trước khi chết, cậu bé đã phải chịu biết bao nhiêu đau đớn..." -Lý Tranh lộ ra nét mặt không đành. 

Không khí im lặng bao trùm phòng khám nghiệm, chúng tôi lặng lẽ thu dọn dụng cụ. Nửa đêm mới về đến cơ quan, tôi thức cả đêm để chỉnh lý chứng thư giám định của cậu bé.

Sáng sớm ngày chủ nhật, ánh nắng vàng tràn ngập văn phòng, tôi đứng dậy pha tách trà.

"Đây là sự cố ngoài ý muốn thông thường. Nguyên nhân cái chết rất rõ ràng. Chiếc xe cán qua vùng ngực và vùng bụng khiến cơ quan nội tạng bị vỡ, xuất huyết dẫn đến tử vong." 

Tôi cúi xuống nhấp một ngụm trà và nói: "Nhưng tôi nghĩ đi nghĩ lại, vẫn cảm thấy vết thương vùng đầu của cậu bé có chút đáng nghi."

Lý Tranh nói: "Chấn thương vùng đầu của nạn nhân chủ yếu tập trung ở vị trí trên trán. Có lẽ do cậu bé đập trán vào khi xe tải đang lùi, rồi bị cán qua trong tư thế nằm ngửa."

Tôi im lặng giây lát rồi lắc đầu: 

"Không đúng, tổn thương ngoài da trên trán của nạn nhân tương đối nhẹ, nhưng trong hộp sọ lạixuất huyết. Chấn thương ngoài nhẹ trong nặng này rất giống bị ngã. Nạn nhân có lẽ đầu đập xuống đất, rồi bị cán trong tư thế nằm sấp. Vết bánh xe trên bả vai và đùi trái của nạn nhân cũng minh chứng cho cơ sở này."

Lý Tranh chợt hiểu ra: "Khi ấy cậu bé quay lưng vào xe tải!"

Vương Mãnh bổ sung: 

"Dựa vào kiểm tra khám nghiệm chiếc xe chở hàng thì chiều cao mặt sàn là 1,1m, còn chiều cao của nạn nhân là 95 phân. Đứa trẻ thấp hơn rất nhiều so với sàn xe, cho nên cậu bé đã bị bánh xe đụng trúng."

"Tôi có một nghi vấn, khi mà sự việc xảy ra có rất nhiều người ở hiện trường. Cậu bé quay lưng lại với xe tải có thể không phát hiện ra tình huống của mình, thế nhưng những người lớn đối mặt trước đứa trẻ, nếu họ hô to lên thì có lẽ bi kịch đã không xảy ra." -Lý Tranh trầm ngâm.

Tôi gật đầu: 

"Đây cũng chính là nghi vấn của tôi. Bên cạnh đó còn một điểm khả nghi, Trương Thiện Lâm nói rằng những nhà máy gạch xung quanh cũng đã từng xảy ra sự cố tai nạn đè chết trẻ con."

Vương Mãnh đứng phắt dậy: "Nếu đã cân nhắc đến những điểm này thì chúng ta bắt buộc phải đi chứng minh xác thực. Hiểu Huy và Lý Tranh đi gặp người nhà nạn nhân tìm hiểu cụ thể tình huống tối hôm đó. Tôi đi xem xét quanh các nhà máy gạch khác, nghe ngóng tin tức những vụ tai nạn kiểu này trước đây."

Tôi bổ sung: 

"Nếu như cần đội trinh sát điều tra hỗ trợ, chúng tacó thể báo cáo với lãnh đạo bất cứ lúc nào!"

"Được!" 

Lý Tranh nhanh chóng thu dọn đồ đạc và nói: "Đợi tôi ngoài cổng cơ quan, tôi đi đánh xe."

Dừng xe ở đầu làng, chúng tôi đi bộ vào trong. Vừa hay gặp lại mấy anh chị em của Tô Tử Văn đang chơi đùa. Chúng vẫn đang vây quanh chiếc xe cũ kỹ đó, chúng tôi tới gần hỏi chuyện nhưng ba đứa chẳng đứa nào thèm để ý.

Lý Tranh rút trong túi ra một thanh kẹo sô cô la, vẫy vẫy trước mặt ba đứa trẻ: "Có ai muốn ăn kẹo sô cô la không?"

"Cháu!" -Bọn trẻ mắt sáng rực lên, đồng thanh hô to, giơ tay ra trước mặt Lý Tranh.

"Ai nói chuyện với cô thì cô sẽ cho người đó ăn sô cô la." -Lý Tranh vừa dứt lời, hai cô bé và cậu bé nhỉnh hơn một chút lùi lại, vẻ mặt đầy cảnh giác. 

Cậu bé khoảng 4 tuổi ngập ngừng và đứng im. Lý Tranh hỏi cậu bé nhỏ nhất: "Sao các cháu cứ chơi chiếc xe nhỏ này mãi thế?" 

Cậu bé gãi đầu, dường như không biết phải trả lời như thế nào. Cậu anh lớn trong khoảng 10 tuổi kia nhanh như chớp giật lấy thanh kẹo sô cô la. 

Sau khi bẻ làm ba miếng chia cho các em, rồi nói với Lý Tranh: "Cháu thay em cháu trả lời."

"Tuần trước bố cháu mang về một chiếc xe nhỏ, chúng cháu đều rất thích. Thế nhưng mà bố cháu nói của em hai, không cho chúng cháu tranh giành. Đến cả em út cũng không được."

Lý Tranh nói: "Thế bình thường các cháu có chơi cùng em hai không?"

Câu này của Lý Tranh có lẽ thuận miệng hỏi chơi, thế nhưng cậu bé nhỏ nhất ý thức được vội lùi về phía sau.

Tôi gặng hỏi tiếp: "Là bởi vì em ấy hung dữ sao?"

Cậu bé mười tuổi lắc đầu không đồng ý: "Em hai không hung dữ tí nào, chỉ là đột nhiên trở nên rất kỳ lạ."

"Kỳ lạ thế nào?"

"Đến cả nước em ấy cũng sợ. Có lần mẹ chúng cháu đút nước cho em uống, nhưng đột nhiên em hất đổ bát nước."

Lý Tranh và tôi nhìn nhau, rõ ràng chúng tôi đang có cùng một suy nghĩ.

Đột nhiên, phía xa vọng lại tiếng người. Lý Tranh kéo cánh tay tôi, nhanh chóng nấp vào một góc tường, ba đứa nhỏ cũng chạy theo.

Lý Tranh lôi ra ba thanh kẹo sô cô la: "Các cháu đi chơi đi nhé, hôm khác cô lại đến chơi với các cháu." 

Mấy đứa nhỏ nhét đầy một mồmsô cô la rồi cưỡi chiếc xe đi xa dần.

Tôi ngơ ngác nhìn Lý Tranh, cô đưa tay vuốt ngực nói: "Anh đoán xem tôi nhìn thấy ai?" 

Tôi lắc đầu, thị lực của Lý Tranh rất tốt còn tôi chỉ lờ mờ trông thấy vài người. Tôi nhìn thấy Mã Sử Vĩ, chính là cái tên chuyên viên bồi thường bảo hiểm gì gì đó! Đi cùng với anh ta là Kim Á Mộc và Tô Hữu Lâm.

"Việc này có lẽ không đơn giản như vậy đâu. Chúng ta giải tán trước đi, đừng manh động." -Lý Tranh gật đầu, chúng tôi quay về cơ quan.

Vương Mãnh đã có mặt ở văn phòng. 

Lý Tranh ngạc nhiên hỏi: "Sao anh về nhanh thế? Có phát hiện gì không?" 

Cậu ấy dựa vào lưng ghế giận dữ nói: 

"Thôi đừng nhắc đến nữa! Mấy nhà máy đó miệng câm như hến với mấy cái vụ cán chết trẻ con này, tôi chẳng moi được thông tin gì. Cô cậu thì sao?"

Lý Tranh ngước lên: 

"Chúng tôi có hai phát hiện bất ngờ: Thứ nhất là Tô Tử Văn mắc bệnh dại; Thứ hai là chuyên viên bồi thường công ty bảo hiểm có tiếp xúc riêng với người nhà nạn nhân."

Vương Mãnh lại bật dậy khỏi ghế: "Đi, chúng ta đi báo cáo với lãnh đạo."

Rất nhanh đã có kết quả điều tra với Kim Á Mộc, Tôn Hữu Lâm và Mã Sử Vĩ. 

Mọi nghi ngờ đã được giải đáp. Sự thật khiến chúng tôi hết sức kinh ngạc, tất cả những vụ tai nạn cán chết trẻ con này đều có người thao túng. Kim Á Mộc đã từng ngồi tù, mà trước lúc ngồi tù anh ta làm giám đốc nhà máy gạch Hoàn Cầu. 

Khi được hỏi tại sao lại chỉ chọn nhà máy gạch để ra tay, Kim Á Mộc thản nhiên đáp: 

"Bọn chúng là loại bất nhân bất nghĩa, tôi chẳng qua chỉ giúp mọi người đòi lại số tiền của mình."

Sự đan xen phức tạp giữa dân làng Tôn Gia Miếu, ít nhiều gì cũng có tí quan hệ bà con họ hàng.

Kim Á Mộc vài năm trước có vay bạn bè họ hàng chút tiền, mở nhà máy gạch Hoàn Cầu, rất nhiều bà con đều làm thuê ở nhà máy của anh ta. Anh ta đối xử với mọi người cũng không tệ, chưa từng chậm trễ nợ lương. 

Mặc dù thu nhập người dân ở nhà máy gạch không cao, nhưng vẫn tốt hơn đồng áng cày bừa. Không cần lúc nào cũng phải để ý đến sắc mặt của ông trời. Nhà máy làm ăn khá phát đạt. 

Kim Á Mộc không thỏa mãn với quy mô nhỏ, liền tuyển một sinh viên học ngành quản lý về làm phó giám đốc với mức lương cao. Bắt đầu đầu tư với quy mô lớn hơn.

Sau đó nhà máy xảy ra một sự cố nghiêm trọng, các nhà máy lân cận thừa thời cơ đục nước thả câu, tố cáo nhà máy gạch Hoàn Cầu bảo vệ môi trường không đạt tiêu chuẩn. 

Kim Á Mộc bị bắt giam, tài sản bị tịch thu, vợ mang theo con đi bước nữa. Kim Á Mộc sau khi ra tù nghe ngóng biết được, sự việc năm đó thật ra do tên sinh viên phó giám đốc kia bày mưu hãm hại. Còn hắn giờ đã trở thành giám đốc của nhà máy gạch Hoàn Cầu.

Xét cho cùng Kim Á Mộc cũng khác với những người dân trong làng. Anh ta học rộng biết nhiều, nhanh nhẹn thức thời. Sau khi ra tù, anh ta vào miền Nam làm công kiếm được chút tiền, về quê cho vay nặng lãi, trở thành người giàu có trong làng.

Nhưng sự kiện xảy ra trong năm đó luôn khiến Kim Á Mộc canh cánh trong lòng, sống lay lắt như một cơn ác mộng. 

Hai năm trước, Lý Tiểu Phi, con trai của một người dân làng tên Lý Nhị Ngưu, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Để điều trị cho con trai, Lý Nhị Ngưu đã nhiều lần tìm Kim Á Mộc vay tiền. 

Lý Nhị Ngưu là một anh nông dân hiền lành chất phác. Anh đã bán mất con trâu đi cày, bán hết nữ trang của hồi môn của vợ, bán tất thảy những vật dụng thiết bị điện mà có giá trị quy đổi thành tiền, còn bán nữa thì cũng chỉ sót lại nồi niêu xoong chảo, thậm chí anh ta còn đi bán máu.

Lần này Kim Á Mộc không cho Lý Nhị Ngưu vay tiền, anh ta biết rằng cho vay cũng chắc chắn không trả nổi.

Kim Á Mộc tính một món nợ cho Lý Nhị Ngưu, khuyên anh ta từ bỏ việc chữa trị cho con trai: 

"Nhị Ngưu ạ, không phải là anh không nể tình anh em. Chú nghĩ xem, dù thằng bé có được chữa khỏi hay không, thì chú cũng phải bán sạch cả cái nhà này. Vả lại cái bệnh đó không chữa được. Đến cuối cùng rồi lại trắng tay, chẳng bằng sinh thêm đứa nữa cho xong." -Lý Nhị Ngưu tức giận đùng đùng bỏ đi.

Hơn một tháng sau, vì không đủ tiền đóng viện phí nên Lý Tiểu Phi buộc phải xuất viện về nhà. 

Lý Nhị Ngưu lại tìm đến Kim Á Mộc khổ sở cầu xin: "Anh Kim, anh rủ lòng thương cho tôi vay thêm chút tiền đi. Nhà máy nửa năm rồi chưa phát lương, đợi đến lúc họ trả lương nhất định tôi sẽ trả anh."

"Chú làm ở nhà máy nào, sao lại nợ lương lâu như vậy?" 

Kim Á Mộc biết rằng, hiện nay rất nhiều nhà máy nợ lương công nhân Nhà máy Hoàn Cầu. Lý Nhị Ngưu đáp.

Bốn chữ "Nhà máy Hoàn Cầu" khiến cho Kim Á Mộc nóng máu đập bàn: "Giết người đền mạng, có nợ phải trả!" dọa cho Lý Nhị Ngưu giật mình kinh hãi. 

"Người anh em, không phải tôi nói chú, là tôi nói mấy cái loại vô lương tâm kia kìa." 

Anh ta mách cho Lý Nhị Ngưu một cách: Dù sao bệnh của con trai chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn không thể chữa khỏi, chi bằng dứt khoát để nó ra đi một cách có "giá trị". 

Lý Nhị Ngưu không nói tiếng nào, quay người lững thững bước ra ngoài. Anh ngồi xổm gần như cả đêm dưới gốc cây sung mà đứa trẻ vẫn hay thích leo trèo khi còn khỏe mạnh, hút hết hai bao thuốc. 

Trời gần sáng, anh nhấc người dậy giậm chân vài cái, hai hàng nước mắt lăn dài: 

"Con ơi, bố có lỗi với con, có trách chỉ trách con đã sinh ra vào một nhà nghèo khó, kiếp sau con hãy đầu thai vào nhà giàu con nhé!" 

Thế là vào một ngày khi trời đã nhá nhem, Lý Tiểu Phi được bố mẹ đưa đến nhà máy gạch Hoàn Cầu chơi, "không may" bị xe tải cán chết. 

Kim Á Mộc nhanh chóng cầm đầu dân làng kéo đến nhà máy yêu cầu bồi thường. Nhà máy sợ to chuyện nên đã ký thỏa thuận riêng với gia đình và bồi thường 8 vạn, gia đình cam kết với nhà máy sẽ không làm loạn gây rối nữa. Kim Á Mộc trốn vào một góc không ra mặt. 

Mãi cho đến khi nhìn thấy Lý Nhị Ngưu thành công đòi được tiền bồi thường ở nhà máy gạch Hoàn Cầu, bỗng nhiên anh ta cảm thấy được sự sung sướng của việc trả thù. 

Dường như cũng trút bỏ được phần nào những điều đè nặng ở trong lòng bấy lâu. Lý Nhị Ngưu cầm tiền bồi thường tổ chức một tang lễ nở mày nở mặt cho con. Ngày đưa đám hôm đó anh uống say mèm, có mấy bận khóc hết nước mắt. 

Người dân trong làng dường như đã đoán được phần nào chuyện nhà Lý Nhị Ngưu, nhưng chẳng ai vạch trần chuyện đó. Sau đó lại có những trường hợp tương tự như gia đình Lý Nhị Ngưu, mọi người ai nấy tới tấp đi tìm Kim Á Mộc. 

Kim Á Mộc vẫn dùng cách cũ trù tính sắp đặt biết bao nhiêu vụ tai nạn xe tải nhà máy gạch cán chết trẻ con "ngoài ý muốn". 

Vừa hay, những nhà máy gạch đó đều là những chỗ thừa cơ hãm hại khi anh ta gặp chuyện. Sau nhiều lần trả thù thành công các nhà máy gạch xung quanh, mối hận thù mà Kim Á Mộc tích tụ trong nhiều năm dường như cũng dần tan biến. Anh ta quyết định gác kiếm, nhưng em rể Tô Hữu Lâm lại đến tìm anh ta. 

Chuyện của Tô Tử Văn khá kỳ lạ. Hai tháng trước, Tô Tử Văn đang chơi đùa ở đầu làng, bị con chó trong làng cắn. 

Hôm đó, Tô Hữu Lâm đưa con đến bệnh viện tiêm phòng dại, sau đấy đúng thời gian tiêm thêm bốn mũi nữa. 

Đáng ra thì Tô Tử Văn sẽ không phát bệnh, thế nhưng không biết tại sao mà cậu bé lại trở nên như vậy. Tô Hữu Lâm không nghi ngờ về vấn đề vắc-xin mà chỉ trách con mình số khổ. 

Gia đình Tô Hữu Lâm đông con, vốn dĩ đã nhiều gánh nặng. Bà mẹ già bảo anh ta đi vay tiền Kim Á Mộc. Biết được cháu họ mình mắc bệnh dại không chữa khỏi, Kim Á Mộc sau khi suy tính thì định theo cách cũ làm cú chốt cuối cùng. 

Tô Hữu Lâm đã quên mất cuộc nói chuyện với Kim Á Mộc ngày hôm đó. 

Anh ta mơ màng về đến nhà, nhìn thấy mấy đứa nhỏ đang giành chiếc xe đồ chơi của Tô Tử Văn, nên đã phát cho chúng một trận, quay vào buồng nằm trên giường trăn trở. Anh ta thử bàn bạc với gia đình, người vợ chỉ biết khóc, bà mẹ già thì kiên quyết không đồng ý. 

Bà nội Tô Tử Văn chống gậy đến gặp Kim Á Mộc, vả cho anh ta một cú tát: "Anh có còn là người nữa không?" 

Kim Á Mộc rơm rớm nước mắt: "Cô ơi cô, cô nghĩ chúng ta còn cách nào đây? Chẳng phải cũng chỉ vì nghèo hay sao, mắc bệnh hiểm nghèo thì một là chết, hai là trắng tay, cô còn tận mấy đứa cháu kia mà."

Bố mẹ Tô Tử Văn đã giấu bà nội đưa cậu bé đến nhà máy gạch. Nhà máy gạch Phúc Hưng tỏ thái độ cứng rắn và nhất quyết để cảnh sát giao thông và công ty bảo hiểm can thiệp. 

Trong lúc bế tắc, Kim Á Mộc nghĩ đến Mã Sử Vĩ một người họ hàng xa làm việc trong một công ty bảo hiểm, Mã Sử Vĩ và gia đình Tô Hữu Lâm cũng coi như họ hàng. 

Mã Sử Vĩ nói với Kim Á Mộc rằng chiếc xe tải trong vụ tai nạn đã được mua bảo hiểm giao thông bắt buộc. 

Nếu xe tải có trách nhiệm, thì bảo hiểm thanh toán bắt buộc có thể trả 11 vạn; Nếu xe tải không có trách nhiệm, bảo hiểm thanh toán bắt buộc chỉ có thể trả tối đa 1.1 vạn. 

"Lần này phải đòi nhiều hơn, nhà cậu ta đông con, sau này còn nhiều gánh nặng." 

Không nỡ khước từ thỉnh cầu của người anh họ Kim Á Mộc, Mã Sử Vĩ đồng ý tới nhà máy gạch kia. Vậy là sau khi nhà máy gạch kia gọi điện yêu cầu nhân viên tư vấn bảo hiểm, Mã Sử Vĩ đã xuất hiện ở văn phòng của giám đốc. 

Mặt khác, Kim Á Mộc gọi người trong làng đến gây áp lực với nhà máy gạch. Công ty bảo hiểm hứa sẽ giải quyết các yêu cầu bồi thường cho vụ tai nạn trong thời gian sớm nhất. 

Thường thì nhà máy phải mừng vội mà mượn gió đẩy thuyền khi mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa. 

Tuy nhiên, do không thống nhất được số tiền bồi thường nên đối đầu leo thang, nhà máy gạch phải gọi điện báo cảnh sát. Và sự can thiệp của chúng tôi đã khiến nạn nhân Tô Tử Văn "mở miệng" nói ra sự thật. 

Những gia đình bất hạnh đều có những nỗi khổ riêng, song tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những đứa trẻ đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết lại có thể bị coi như một công cụ đòi bồi thường. 

Không biết rằng người thân của đứa trẻ cảm thấy thế nào khi nhìn thấy cơ thể mỏng manh của con em mình lăn dưới bánh xe. 

Với sự phát triển của y học, tôi tin rằng sẽ có nhiều bệnh nan y được đẩy lùi. Nhưng đôi khi cái mà chúng ta cần chữa trị không phải là bệnh tật mà là bản chất con người. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #phapy