Ngày Bạn Gái Mất Tích: Cô Ấy Đã Gói Sủi Cảo Nhân Hẹ Cho Tôi
Sau khi vụ án kết thúc, tôi thường nghĩ về đêm đó.
Nếu vụ án trạm thu mua phế liệu không xảy ra, liệu tôi có thể về nhà đúng giờ, làm sủi cảo cho Từ San rồi ra rạp cùng nhau xem phim không? Có lẽ mọi chuyện đã khác.
"Em đã nặn sủi cảo, nhưng trông chúng hơi xấu. Đến tôi em sẽ làm đồ ăn đêm cho anh. Bây giờ em se ra rạp lấy vé trước."
Đó là tin nhắn cuối cùng từ người tôi yêu. Hằng ngày chúng ta gặp gỡ rất nhiều người; nhưng lại có ai đó chỉ có thể ở trong hoài niệm nhớ nhung.
Theo đuổi nghề bác sĩ pháp y bao nhiêu năm nay, tôi đã chứng kiến đủ loại án mạng.
Có những vụ án đã phai mờ theo thời gian, nhưng có những câu chuyện vẫn để lại nhiều ấn tượng trong tôi.
Bất cứ khi nào tôi vô tình nhìn thấy vết sẹo trên ngón trỏ của bàn tay trái, trong đầu tôi sẽ hiện lên hình ảnh một vụ án, làm thế nào cũng không thể xua tan được.
Toàn bộ cảnh tượng khi ấy hiển hiện lên như một thước phim quay chậm.
Hai giờ rưỡi chiều, tôi và bác sĩ Triệu rời khỏi văn phòng đang ấm áp, Vương Mãnh đã đợi sẵn ở sân cơ quan.
Cậu ấy vừa xoa tay dậm chân, vừa vẫy tay với chúng tôi.
Hơi thở ra từ miệng ngưng tụ thành màn sương trắng.
"Gần đây kinh doanh đang phất lên, ngày nào cũng có việc để làm!"
Vương Mãnh đột nhiên thốt lên trong xe.
Là một kỹ thuật viên khám nghiệm dấu vết, Vương Mãnh còn bận hơn tôi rất nhiều, anh ấy không chỉ phải khám nghiệm thi thể với tôi mà còn phải đi kiểm tra các hiện trường khác.
Trên đường đi, tôi không có tâm trạng nào để nói chuyện.
Tôi không ngừng cầu mong tình tiết vụ án đừng quá phức tạp, tối nay đã hứa gói sủi cảo cho bạn gái.
Ngay khi bước vào tháng Chạp, tôi bắt đầu phải tiếp xúc thường xuyên hơn với thi thể.
Hôm qua, tôi khám nghiệm một người đàn ông vô gia cư dưới gầm cầu Bình An, chiếc áo khoác bông rách rưới xộc xệch mở toang, quần tụt đến đầu gối, và những nếp nhăn trên khuôn mặt anh ta chen chúc như những cánh hoa, giống như đang mím môi cười.
Vương Mãnh quay đầu đi không muốn nhìn thêm, nói rằng nhìn lâu sợ tối gặp ác mộng.
Thật không ngờ Vương Mãnh lại có mặt "yếu đuối" như thế.
Trên cơ thể người vô gia cư không có vết thương, chỉ có hiện tượng cởi đồ bất thường và nụ cười trên môi.
Anh ta chết cóng đúng vào cái tháng chạp giáp tết. Tôi biết trước khi chết một khoảng thời gian, anh ấy đã không còn cảm nhận được cái lạnh nữa.
Sau nửa giờ, chúng tôi chạy xe đến ngã ba ven ngoại ô thành phố, xe cộ và người đi bộ bên đường thưa thớt dần.
Tôi nhìn thấy một khoảng sân rộng bên đường, bên ngoài được kéo dây cảnh báo, bên cạnh có hai chiếc xe cảnh sát đèn lập lòe chói mắt.
Một tấm biển lớn phía trên cổng sân, với dòng chữ màu đen "Bồi Hưng" được viết trên nền trắng.
Trước và sau sân đều trồng nhiều loại cây khác nhau và lá đã rụng sạch, chỉ còn lại một vài quả nằm lẻ loi trên cành, đen nhánh không thể phân biệt được là loại quả gì.
Cảnh sát khu vực ra sức vẫy tay và chào hỏi vài câu rồi bắt đầu trình bày vụ việc.
Đây là một trạm thu gom phế liệu, do một cặp vợ chồng người ngoại tỉnh làm chủ.
Người đàn ông tên Tưởng Bồi Hưng, 38 tuổi và một người phụ nữ tên Đổng Tố Cầm, 35 tuổi.
Trạm thu gom phế liệu quy mô không nhỏ, phế phẩm phế liệu trong bán kính mười dặm đều được tập kết tại đây.
"Đây là một vụ án mạng" Cảnh sát khu vực mở cửa xe, một ông lão bước xuống, đôi chân không được nhanh nhẹn, hắng giọng rồi bước tới.
"Sao mấy cái chuyện xui xẻo này cứ nhằm chỗ tôi mà gọi thế nhỉ?"
Ông lão trạc ngoài 60 tuổi, nước da đỏ sẫm, mặt mày nhăn nheo, nồng nặc mùi rượu và hơi thở đầy mùi tỏi.
Ông già báo cảnh sát là một người đi khắp các con phố để thu gom phế liệu.
Hôm nay ông ta may mắn, mới một buổi sáng mà chất đầy xe ba gác.
Buổi trưa uống chút rượu, đạp xe ba gác đi bán phế liệu thì phát hiện cửa bị khóa từ bên trong. Kêu gào mãi không có động tĩnh gì liền ra sức đẩy.
Cánh cửa hé mở, người không lọt qua được, nhưng ông lão hoảng sợ khi thấy một người đàn ông nằm trên mặt đất trong sân.
Cửa sân đóng kín, tôi hít một hơi thật sâu, một mùi hôi nồng nặc xông tới, đó là một cảnh tượng đẫm máu.
"Bác sĩ đã xem qua, hai vợ chồng đi rồi. Vẻ mặt cảnh sát khu vực nghiêm nghị, giơ hai ngón tay lên nhưng rồi ngay sau đó đổi thành ba ngón, "trong đó có một người phụ nữ bụng bầu rất to.
Tôi nhất thời cảm thấy tức ngực, hơi thở gấp gáp, ngẩng đầu nhìn trời, bầu trời càng thêm u ám.
Dự báo thời tiết sẩm tối có tuyết rơi, một trận tuyết có thể bao phủ lên rất nhiều thứ, vì vậy chúng tôi phải khám nghiệm hiện trường càng nhanh càng tốt.
Khoảng sân rất rộng, lớn hơn gấp nhiều lần so với sân nhà bình thường, chất đầy đủ các loại vật phẩm như đồng nát, sắt vụn, đồ điện gia dụng cũ hỏng, sách vở, bìa carton, nhựa... cao như núi.
Có ba gian nhà ở phía Bắc và hai gian ở phía Nam.
Nạn nhân nam giới nằm sấp, cánh tay trái đặt sau đầu, không nhìn rõ mặt. Tay phải anh ta đưa ra phía trước, cách cổng sân chưa đầy hai mét.
Đó là một đôi bàn tay đầy vết chai và nứt nẻ, với những ngón tay đen nhẻm.
Vương Mãnh cầm máy ảnh lên tác nghiệp. Tôi và bác sĩ Triệu ngồi xổm xuống để tiến hành khám nghiệm sơ bộ thi thể.
Sân phủ đầy bụi, do máu thấm quá nhiều nên bụi bặm xung quanh đầu nạn nhân ướt sũng, một số bề mặt tàn tích có dấu vết máu đông lại.
Người đàn ông nằm trên mặt đất trông có vẻ không cao, nhưng cường tráng, mặc một bộ quần áo công nhân màu xanh đậm có khuỷu tay và cổ tay áo sáng bóng, chân đi một đôi giày cao su màu xanh quân đội có hoa văn ở đế giày đã mài mòn nghiêm trọng.
Mái tóc ngắn ướt nhẹp của người đàn ông hơi rối, hai thái dương có rất nhiều sợi tóc bạc trắng. Phía sau vùng chẩm lờ mờ một làn khói trắng bốc lên.
Tôi chạm tay vào, găng tay nhuốm đầy máu: "Xương sọ vùng chẩm vỡ vụn, đây có lẽ là vết thương chí mạng."
Bác sĩ Triệu và tôi nhẹ nhàng lật thi thể lại, trên mặt nạn nhân toàn là máu đến nỗi không còn nhìn rõ mặt.
Vương Mãnh đưa cho tôi một chai nước suối, tôi rửa ráy phần mặt của nạn nhân. Đây là một người đàn ông có khuôn mặt vuông chữ điền, lông mày rất rậm.
Bác sĩ Triệu không nói lời nào, đứng dậy đi về phía gian nhà phía Bắc. Tôi nhanh chóng rửa vết máu trên tay rồi chạy theo.
Căn phòng hơi tối tăm, bữa cơm bày trên chiếc bàn nhỏ hướng ra cửa có nửa nồi sườn hầm khoai tây, nửa đĩa giá đỗ xào, trong lồng hấp còn có bánh bao và khoai lang.
Trên bàn còn có hai cái bát, một bát đựng đầy cháo, bát còn lại trống rỗng.
Trên mặt đất có một người phụ nữ, hai tay ôm bụng, cuộn tròn người lại. Khi ánh sáng đèn khảo sát chiếu vào mặt cô ấy, tôi có thể thấy rõ khóe mắt trong veo đọng từng giọt pha lê.
Căn phòng im lặng một cách đáng sợ, và nhịp tim tôi dồn dập, không thể kiểm soát.
Bác sĩ Triệu thở dài: "Người phụ nữ này trước khi chết hẳn rất đau đớn."
Lời của bác sĩ Triệu làm tôi nghĩ đến một vấn đề: Trước kia tôi chưa từng suy nghĩ, nạn nhân khi đối mặt với cái chết sẽ có cảm giác ra sao.
Tôi luôn tin rằng cái chết là một thứ lạnh lùng và tàn nhẫn, không mang bất cứ màu sắc cảm xúc nào.
Tôi luôn cảm thấy rằng bác sĩ pháp y luôn cần phải công bằng khách quan, không được xen lẫn quá nhiều xúc cảm, bất kể người chết là ai hay chết như thế nào. Tôi đều buộc phải đối xử bình đẳng.
Nhưng khi bác sĩ Triệu nói ra những lời đó, tôi đã đồng tình từ tận đáy lòng.
Trong túp lều tối tăm ấy, tôi như nhìn thấy được nỗi đau đớn, vật vã thống khổ của người đàn bà trước khi chết, lòng tôi cũng dấy lên một hồi khó chịu.
Khi bị tấn công, cô tuyệt vọng chạy trốn, hy vọng có thể thoát được.
Sau khi bị đánh ngã xuống đất, cô chỉ còn biết bất lực nói lời từ biệt với đứa trẻ mà mình chưa được gặp mặt, có lẽ trong khoảnh khắc đó, trong lòng cô chỉ có đứa con mà thôi.
"Con mẹ nó!"
Vương Mãnh không nhịn được mà chửi thề: "Cái loại mất nhân tính."
Sau khi đảm nhiệm công việc bác sĩ pháp y, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy bất lực.
Tôi dán mắt vào người phụ nữ đó và thầm nhủ trong lòng: "Tôi xin lỗi, dù không thể cứu mạng cô, nhưng tôi nhất định sẽ trả lại công bằng cho cô!"
Sau khi lấy mẫu giám định, các đồng nghiệp và chó nghiệp vụ tiếp tục phối hợp lục soát điều tra.
Khi tôi rời khỏi hiện trường, không nghe nói có phát hiện gì mới, xem ra kẻ sát nhân đã bỏ trốn cùng với công cụ gây án.
Chạng vạng vào lúc 6 giờ, thường là khoảng giờ ăn tối, khi chúng tôi đến phòng khám nghiệm, bên ngoài cửa sổ những bông tuyết nhỏ đang rơi.
Căn phòng khám nghiệm sáng sủa ấm áp, tạm thời xua tan đi cái lạnh lẽo trong lòng tôi.
Vừa mới tới phòng khám nghiệm không lâu, thì điện thoại của tôi có tin nhắn đến. Tôi xem qua rồi lại đặt xuống tiếp tục tập trung công việc khám nghiệm.
Trên cơ thể người đàn ông có nhiều vết thương, mu bàn tay và cẳng tay thâm tím. Đây là vết thương do kháng cự.
Anh ta cố gắng bảo vệ ôm lấy đầu của mình, nhưng đáng tiếc đã không thể. Anh ta bị đánh 7 đòn vào đầu và mỗi đòn giáng xuống đều rất mạnh.
Hộp sọ bị vỡ thành nhiều mảnh, qua phân tích hình thái vết nứt cho thấy hung khí là một dụng cụ cùn có cạnh thẳng và góc vuông, trọng lượng khá nặng và dễ vung lên. Ừm, giống như một cái búa đầu vuông hoặc một cái búa đá xây dựng.
Tôi nhớ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo giảng về thứ hạng sức mạnh gây chết người của các loại công cụ: "Dao không bằng rìu, rìu không bằng búa."
Trong vụ án Mã Gia Tước gây chấn động cả nước, tên sát nhân đã dùng chiếc búa xây dựng có cán chìa ngắn để tàn sát từng người bạn học của mình, có thể thấy đây là một công cụ giết người rất tiện dụng.
Trước khi khám nghiệm nạn nhân nữ giới, tôi ngước lên và hít một hơi, nhìn những bông tuyết đang rơi bên ngoài tôi có chút lơ đãng. Tôi ngẩn ngơ nhìn màn đêm ngoài cửa sổ, đầu óc trở nên trống rỗng.
Khi tôi hoàn hồn lại, bác sĩ Triệu đã mặc quần áo găng tay đầy đủ đứng trước bàn giải phẫu.
Bác sĩ Triệu hỏi có phải tôi có tâm sự gì không, tôi lắc đầu. Thế nhưng ngày hôm đó tôi thực sự mất tập trung. Cả người như mất hồn.
Trên cơ thể người phụ nữ không có nhiều thương tích nhưng có vết xuất huyết dưới da vùng bụng, chứng tỏ vùng bụng đã từng bị tấn công.
Vết thương chí mạng cũng ở đầu, dụng cụ cũng là một chiếc búa đầu vuông, dù chỉ có 3 nhát nhưng chí mạng nên gây ra tử vong.
Trên cơ thể người phụ nữ không có vết thương do kháng cự nào rõ rệt.
Có thể tưởng tượng được khi bụng bị tấn công, chắc hẳn cô ấy đã rất sợ hãi, một mực chỉ muốn thoát ra ngoài và bảo vệ đứa con trong bụng.
Trong dạ dày người đàn ông trống rỗng, anh ta bị giết khi chưa kịp ăn bát cơm; người phụ nữ có kê và khoai lang trong dạ dày và trong tá tràng.
Chắc hẳn là vừa ăn xong chưa được bao lâu thậm chí là đang ăn thì bị hại.
Thực tế đã chứng minh rằng bạn làm việc gì cũng phải chuyên tâm, nửa vời sẽ rất dễ gặp rắc rối.
Đôi găng tay không ngừng rỉ máu khi tôi nâng thai nhi nam khoảng 8 tháng tuổi.
Bác sĩ Triệu nhìn mãi vào tay tôi, đôi lông mày nhíu lại thật chặt.
Rất nhanh, tôi chợt cảm nhận được cả găng tay lẫn ngón tay đều bị cứa đứt. Tôi thậm chí không biết nó bị cứa khi nào.
Các ngón tay ban đầu không thấy đau, chỉ có cảm giác man mát, sau đó nó mới dội lên từng cơn, nhưng tôi có thể chịu được.
Sau khi rửa sạch, tôi mới phát hiện vết thương rất sâu. Tôi cố gắng hết sức để nặn máu, nặn cho đến khi đôi tay tê liệt.
Trong lòng lại thấy may mắn vì con dao cứa vào tay tôi chứ không phải tay của Bác sĩ Triệu, nếu không tôi sẽ rất áy náy.
Tôi tự hỏi bản thân rằng tâm lý của mình từ trước đến nay đều vững vàng, nhưng lần "đỡ để" đặc biệt này vẫn khiến tôi không chịu nổi.
Cảm thấy có thứ gì đó trào dâng trong lồng ngực, một cơn buồn nôn ập đến, tôi cố nén xuống và toát mồ hôi nhễ nhại.
Dưới sự thuyết phục của bác sĩ Triệu, tôi không cố chấp nữa. Ông đã tự mình khâu thi thể, sau đó thu dọn và rửa sạch dụng cụ.
Tôi không nhớ mình đã rời khỏi phòng khám nghiệm như thế nào, chỉ nhớ khi ấy đã rất muộn. Bác sĩ Triệu muốn mời mọi người đi ăn tối, tôi không đi cùng họ.
Vụ án này không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Điều kiện tại hiện trường vụ án rất tồi tàn, nơi này tương đối hoang vu hẻo lánh.
Vụ án xảy ra vào buổi chiều, trên đường cũng chẳng có mấy người qua lại, xung quanh cũng không có camera giám sát, các điều tra viên không tìm thấy manh mối hữu ích nào.
Các chú chó nghiệp vụ đã tìm kiếm xung quanh hiện trường trong nhiều ngày, và cuối cùng dừng lại ở một con sông nhỏ cách hiện trường 3 kilomet về phía Nam. Nước sông ngăn mùi, chó nghiệp vụ lượn qua mấy vòng, manh mối đứt đoạn.
Khi tôi quan sát lại vụ án này, thì đã là sau tết rồi. Cả một cái Tết như một mớ hỗn độn, thế nhưng cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn.
Tôi biết, cả một mùa tết nhất tâm trạng các đồng nghiệp cũng đều ủ rũ chán nản.
Sau kỳ nghỉ lễ vừa mới đi làm, tôi đã nhìn thấy một đống người cầm biểu ngữ đứng trước Cơ quan công an.
Một đồng nghiệp nói với tôi rằng chính anh trai của nạn nhân Tưởng Bồi Hưng đã tổ chức một nhóm người để gây áp lực lên Cơ quan Công an, yêu cầu nhanh chóng giải quyết vụ án, đồng thời giải tỏa hơn 50 vạn tiền gửi tiết kiệm trong tài khoản của Tưởng Bồi Hưng, để hai vợ chồng họ được yên lòng dưới suối vàng.
Bên ngoài cũng có rất nhiều những lời đàm tiếu không ra đâu vào đâu.
Đồng nghiệp tôi trong khoảng thời gian ấy cũng rất phiền não, nhưng lại chẳng thể nổi nóng với gia đình nạn nhân.
Chỉ có thể âm thầm chịu đựng áp lực, hy vọng mau chóng phá án, cũng coi như là một lời giải thích cho người đã khuất.
Đội cảnh sát hình sự đã thành lập tổ chuyên án đặc biệt để phân tích tình tiết vụ án vào mỗi buổi tối. Căn cứ vào hiện trường và khám nghiệm tiến hành khắc họa kẻ sát nhân.
Hung thủ gồm một hoặc hai người, nam thanh niên, thể lực cường tráng, trình độ văn hóa thấp.
Nhìn từ hiện trường và khám nghiệm thi thể, trên cơ thể hai nạn nhân tổng cộng có ba loại thương tích, lần lượt là vết thương vật cùng vết thương vật nhọn và vết thương tay không.
Tại hiện trường và khu vực xung quanh đều không phát hiện công cụ nghi ngờ gây án, chứng tỏ nghi phạm đã tự mang theo công cụ của mình hoặc đã lấy đi công cụ sau khi phạm tội.
Dù thế nào thì công cụ gây án cũng không còn nữa.
Bác sĩ Triệu có ý kiến, nghi phạm có khả năng chưa kết hôn, bởi vì những người đã từng kết hôn sinh con, thường sẽ không ra tay với bà bầu.
Cũng có người tỏ ra nghi ngờ, bởi vì cũng chẳng biết thế nào, một khi con người đã mất nhân tính thì sẽ làm ra chuyện gì?
Tổ chuyên án đã đến hỏi thăm những người dân xung quanh để điều tra mối quan hệ xã hội của Tưởng Bồi Hưng và Đổng Tố Cầm.
Anh trai của Tưởng Bồi Hưng tên Tưởng Bồi Quốc, 43 tuổi, cũng mở một trạm thu mua phế liệu ở địa phương, cách trạm thu mua phế liệu của Tưởng Bồi Hưng khoảng 20km.
Tưởng Bồi Quốc có một người con trai tên Tưởng Anh Kiệt.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu ta làm việc trong một nhà máy trên thành phố.
Hai vợ chồng Tưởng Bồi Hưng còn có một cô con gái lên 10 tuổi tên Tưởng Giai Đồng, đang đi học ở dưới quê. Thường ngày có ông bà nội chăm sóc.
Tưởng Bồi Hưng và người vợ Đổng Tố Cầm đã lên thành phố gần 10 năm.
Ban đầu họ làm thuê ở một công trường, sau đó bán mảnh đất ở quê với giá rẻ và mở một trạm thu mua phế liệu.
Theo phản ánh của người dân cùng làng, vợ chồng Tưởng Bồi Hưng tương đối giỏi giang, nhìn xa trông rộng hơn người, lại cũng chịu thương chịu khó nên nhanh chóng mở rộng kinh doanh thu mua phế liệu, còn về quê xây hai cái nhà.
Thông qua một khoảng thời gian điều tra, mọi người phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ. Một nửa số trạm thu mua phế liệu trong thành phố là do đồng hương của Tưởng Bồi Hưng mở.
Anh trai Tưởng Bồi Hưng là Tưởng Bồi Quốc nói rằng mọi người thấy Tưởng Bồi Hưng làm ăn khá giả, đều đến học hỏi kinh nghiệm, phát hiện ra rằng ngành nghề thu mua phế liệu này lợi nhuận rất cao và rất có triển vọng.
Vậy là, rất nhiều người dân trong làng có đầu óc nhanh nhẹn đã đến thành phố để tham gia vào ngành công nghiệp thu mua phế liệu, và hầu hết họ đều trở nên giàu có.
Ngoài việc xây nhà ở quê, Tưởng Bồi Hưng còn có hơn 50 vạn tệ gửi tiết kiệm trong thẻ ngân hàng của mình. Một đồng nghiệp bùi ngùi nói: "Chúng ta làm việc lấy sống lấy chết, rủi ro lại cao, còn không kiếm bằng người ta thu mua phế liệu."
Bác sĩ Triệu nghiêm nghị nói: "Có kiếm được nhiều nữa thì cũng chẳng được gì đâu, cả gia đình lớn bé đều không còn. Anh đồng nghiệp đó lập tức im bặt, sắc mặt tái nhợt.
Có những chuyện lo lắng vội vàng đến đâu cũng vô ích, công việc hằng ngày cũng vẫn phải tiếp diễn. May mắn thay, sau nửa tháng, vụ án cuối cùng cũng có chuyển biến.
Hôm đó trời nắng đẹp, tôi và bác sĩ Triệu đang ngồi trong phòng khám pháp y thì có hai thanh niên đẩy cửa bước vào, trên tay mỗi người đều cầm Giấy ủy thác giám định của đồn công an.
Một trong số hai nam thanh niên mũi bầm tím, mặt sưng vù, mắt trái bị hở, sưng đến nỗi mặt bóng nhẫy; nam thanh niên còn lại lấy dây thừng quấn quanh quai hàm, buộc liền vào mũ lưới cố định vết thương.
Tôi quan sát hồi lâu cậu thanh niên đội mũ lưới, cứ cảm thấy rất quen. Đợi cho đến khi xem chứng minh thư mới nhớ ra cậu ta là ai.
Người bị thương là Tưởng Anh Kiệt, cháu của nạn nhân Tưởng Bồi Hưng trong vụ thu mua phế liệu. Trong số những người giăng biểu ngữ hôm đó có cậu ta, dáng người cao to, rất nổi bật. Khi ấy khoảng cách xa nên không nhìn kỹ. Hôm nay nhìn mới thấy cậu chàng này trông cũng đẹp trai, khôi ngô tuấn tú.
Tối qua đang ăn nhậu ngoài quán, Tưởng Anh Kiệt với vài người bạn xảy ra tranh chấp với bàn bên cạnh, đôi bên hỗn chiến. Đối phương nhiều người, nên Tưởng Anh Kiệt bên này tổn thất thiệt hại, mấy người đều bị thương nhẹ. Tưởng Anh Kiệt bị bên kia đập một chai rượu vào đầu, vào bệnh viện khâu bảy mũi.
Tưởng Anh Kiệt muốn quay về nhà sau khi khâu xong, nhưng chiến hữu của cậu ta không nuốt được cục tức, trực tiếp báo cảnh sát. Cảnh sát khu vực trực ban tối đó liền bắt giam toàn bộ đám người tham gia đánh nhau.
Hai bên đều đang sôi máu đến đỉnh đầu, không ai nhường ai. Hòa giải không thành đều yêu cầu giám định thương tích. Nhưng vừa mới nghe đến chi phí giám định, mấy thanh niên vết thương rất nhẹ liền bỏ cuộc.
Tưởng Anh Kiệt tháo mũ lưới đội đầu ra, tôi đo vết thương của cậu ta là 5 centimet. Tôi hỏi cậu ta còn vết thương nào khác không và cậu ta nói không còn.
Bác sĩ Triệu đột nhiên chú ý tới cánh tay của Tưởng Anh Kiệt và hỏi: "Vết thương ở cánh tay là thế nào, do lần này đánh nhau sao?"
Tưởng Anh Kiệt nhanh chóng thu cánh tay lại và lắc đầu sau vài giây: "Cháu quên rồi, lúc đó rất hỗn loạn. Cậu thanh niên đi cùng cũng dẩu mỏ nói: "Là do đánh nhau lần này, thằng đó hung tợn quá. Tôi trừng mắt nhìn cậu ta mới ngậm miệng lại.
Bác sĩ Triệu quay sang nhìn tôi, từ ánh mắt hiểu ngay ý đồ, tôi lấy máy ảnh ra và yêu cầu Tưởng Anh Kiệt đứng dựa vào tường. Cậu ta rất cao, ước tính bằng mắt phải đến 1m85. Mượn cớ chụp ảnh, tôi nói với cậu ta rằng việc giám định thương tích cần phải kiểm tra toàn diện.
Trên mu bàn tay của Tưởng Anh Kiệt có ba vết sẹo mảnh song song, trông giống như bị người khác cào bằng móng tay, sau khi bong vảy thì màu sắc nhạt hơn vùng da xung quanh.
Có một vết bầm tím dưới da ở cẳng tay trái gần cổ tay, màu rất nhợt nhạt, nhưng vẫn có thể nhìn rõ đường viền. Tôi chợt liên tưởng đến vết thương ở đầu và tay của Tưởng Bồi Hưng.
Tôi chắc chắn rằng vết thương ở cẳng tay trái của Tưởng Anh Kiệt giống với loại thương tích của nạn nhân trong vụ án giết người ở trạm thu mua phế liệu. Cả hai đều là vết thương do công cụ cùn gây ra, công cụ chí mạng đều có cạnh góc vuông. Nhưng điều này dường như cũng không nói lên được nhiều.
Khi thấy Tưởng Anh Kiệt đưa đồ và ký đều bằng tay trái, tôi thuận miệng hỏi cậu ta có phải là người thuận tay trái không, và cậu ta gật đầu.
Tôi kiểm tra bàn tay phải của cậu ta, ở đoạn tiếp giáp giữa ngón tay cái và cổ tay có những vết tròn hình bầu dục sắc tố trầm không liền nhau. Tôi nhanh chóng dán tỷ lệ và chụp ảnh lại.
Tôi ngẩng đầu nhìn Tưởng Anh Kiệt, cậu ta đảo mắt sang một bên, tránh ánh mắt của tôi, nhưng không nhìn ra biểu hiện cũng không có gì khác thường.
Tôi hỏi lại cậu ta những vết thương cũ trên cánh tay là do đâu. Tưởng Anh Kiệt nói đợt trước đánh nhau với người ta. Lúc đó không báo cảnh sát.
Mặc dù có rất nhiều nghi vấn trong lòng, nhưng chúng tôi vẫn để Tưởng Anh Kiệt rời đi. Một mặt, Tưởng Anh Kiệt là người bị hại trong cuộc ẩu đả này; mặt khác, cậu ta cũng là người thân của nạn nhân trong vụ án mạng ở trạm thu mua phế liệu. Càng không thể rút dây động rừng.
Sau khi chúng rời đi, tôi nói với bác sĩ Triệu: "Đúng là một gia đình bất hạnh. Bác sĩ Triệu không nói gì, tự châm một điếu thuốc rồi chậm rãi hút, không lâu sau trong phòng đã dày dặc khói thuốc.
"Tôi đã nhìn thấy tất cả. Bác sĩ Triệu nhét nửa điếu thuốc vào gạt tàn, "Mọi thứ đều cần nói chuyện bằng chứng cứ. Trước mắt, chúng ta vẫn chưa đủ bằng chứng."
Đang định tranh luận thì ngoài cửa nghe thấy có người cãi vã, tôi chưa kịp đứng dậy đi ra ngoài xem xét thì cánh cửa bị đẩy ra, năm sáu người đàn ông bước vào. Người dẫn đầu mặc một bộ âu phục màu xám, nách kẹp một chiếc ví da, anh ta không cao, tóc húi cua, và đôi mắt có vẻ bặm trợn.
Anh ta đưa cho tôi tờ Giấy ủy quyền giám định, cổ tay lộ ra chiếc đồng hồ vàng sáng loáng, trên mặt cố nặn ra một nụ cười. Tôi nhận lấy Giấy ủy quyền, liếc nhìn anh ta, hiểu ra ngay rằng mấy người trước mặt này là bên đánh nhau với Tưởng Anh Kiệt.
Người bị thương không phải anh ta mà là người đứng đằng sau, mắt nhỏ mũi tẹt, khuôn mặt đầy thịt và hai cánh tay quấn băng. Anh ta cởi áo, để lộ bắp tay, trên cánh tay có xăm hình đầu hổ, trông rất dữ tợn.
Trên cẳng tay của anh ta có một vết khâu giống như con rết, tôi kiểm tra hồ sơ bệnh án thì vết thương tương đối nông, không sâu vào các cơ và dây thần kinh.
"Thằng nhãi đó thật là điên rồ, không biết trời cao đất dày!" Thanh niên xăm trổ ngồi trên ghế, nhưng miệng vẫn đang bận nói, nước bọt văng tứ tung, "Rêu rao mình giỏi giang, dọa ai cơ chứ, một thằng nhãi ranh vắt mũi chưa sạch mà đòi dậy sóng á?"
Sau khi cả đám rời đi, phòng khám im ắng và tôi đã có một cuộc thảo luận chuyên sâu với bác sĩ Triệu. Đánh giá tình hình hiện tại, Tưởng Anh Kiệt có rất nhiều thương tích không thể lý giải hợp tình hợp lý, hơn nữa còn có thói quen mang theo dao bên người, Tưởng Anh Kiệt này nhất định không đơn giản.
Bác sĩ Triệu và tôi đang cố gắng muốn để các điều tra viên điều tra về Tưởng Anh Kiệt, nhưng tin tức đến từ nhóm điều tra rằng nghi phạm đã bị bắt, hoàn toàn khớp với mô tả của chúng tôi về nghi phạm: nam giới, chưa kết hôn, thân thể khỏe mạnh, trình độ văn hóa thấp.
Tôi đẩy cửa phòng thẩm vấn và thấy một người đàn ông ngồi trên ghế quay lưng về phía tôi và đôi vai cậu ta trông rắn rỏi.
Tôi quay lại phía trước để lấy máu và nhìn thấy rõ đặc điểm ngoại hình. Đôi mắt tam giác, gò má cao, bộ râu quai nón và làn da ngăm đen, khiến cậu ta trông hơi dữ tợn. Cây kim lấy máu cắm vào ngón tay và cậu ta khẽ cau mày. Trên tay có rất nhiều vết chai, có lẽ là một người lao động chân tay.
Cậu ta tên Châu Bằng Phi, tuổi thật trẻ hơn rất nhiều so với vẻ bề ngoài, chỉ mới 21 tuổi.
Ban đầu tôi còn tưởng mình nghe nhầm, nhìn vào chứng minh thư của cậu ta tôi mới tin là thật.
Châu Bằng Phi là một công nhân xây dựng, làm công tại một công trường gần hiện trường.
Khi các điều tra viên đến công trường hỏi thăm, họ thu thập được một thông tin quan trọng.
Châu Bằng Phi đã không đi làm những ngày sau vụ việc đẫm máu ở trạm thu mua phế liệu xảy ra.
Nhiều công nhân cùng làm cho biết Châu Bằng Phi khác với mọi người, sau giờ làm việc mọi người thường đánh bài và xem ti vi trong ký túc xá, nhưng anh ấy thường xuyên ra ngoài công trường.
Châu Bằng Phi có một người bạn cùng làm khá thân tên Tiểu Phi, họ là đồng hương.
Điều tra viên gọi Tiểu Phi tới văn phòng để hỏi chuyện.
Tiểu Phi có chút cẩn trọng, điều tra viên đưa cho cậu ta một điếu thuốc. Sau khi hút xong cậu ta đã bình tĩnh trở lại.
Cậu ta nói một khoảng thời gian trước đây Châu Bằng Phi thỉnh thoảng cằn nhằn chán nản.
Có một lần hai người họ đi nhậu, uống được vài chén thì Châu Bằng Phi đột nhiên nói: "Chịu quá đủ rồi, muốn giết người."
Điều tra viên vừa nghe xong tỉnh cả người, vội vàng hỏi Tiểu Phi rằng chuyện thế nào.
Tiểu Phi nói, gia cảnh nhà Châu Bằng Phi không tốt, bố mẹ không có khả năng lao động, còn có một cậu em trai đang học đại học.
Trách nhiệm gia đình dựa hết vào cậu ta.
Khoảng thời gian trước, Châu Bằng Phi nhận được một cuộc điện thoại, Tiểu Phi ở bên cạnh nghe thấy Châu Bằng Phi liên tục nói: "Không sao, không sao, em không phải lo."
Sau cuộc điện thoại đó, Châu Bằng Phi thu dọn rồi bắt đầu chạy ra ngoài.
Có những lúc cậu ta ra ngoài vào buổi trưa, còn có những lúc lại vào buổi tối.
Tiểu Phi hỏi cậu ta có chuyện gì, Châu Bằng Phi cười nói là không sao, chỉ đi ra ngoài dạo bộ, hít thở không khí cho giải tỏa.
Tiểu Phi cũng không hỏi thêm, mãi cho đến hôm hai người ra ngoài uống rượu, Châu Bằng Phi thực sự kìm nén không nổi, vừa uống rượu vừa khóc. Nghe Châu Bằng Phi khóc lóc kể lể xong, Tiểu Phi cuối cùng mới hiểu ra chuyện.
Hóa ra cuộc điện thoại trước đó là em trai Châu Bằng Phi gọi tới, cậu ta yêu đương một cô bạn gái ở đại học, tiêu tiền tốn kém hơn trước rất nhiều, lại ngại không dám nói với bố mẹ, nên gọi điện nói với anh trai.
Châu Bằng Phi nghe xong cũng cảm thấy khó xử. Dù gì bản thân cũng gánh vác cả cuộc sống của cả gia đình. Nhưng em trai là niềm hy vọng của cả nhà. Châu Bằng Phi cảm thấy rất tự hào khi cậu em trai và cô bạn học kia tìm hiểu nhau. Cậu ta ủng hộ em trai hết mình nên động viên em trai trong điện thoại đừng lo lắng, vấn đề tiền nong để cậu ta nghĩ cách xoay sở.
Sau đấy, Châu Bằng Phi thu dọn rồi rời đi, ra ngoài dạo loanh quanh, thực ra là ra ngoài nhặt phế liệu. Cậu ta gạt nước mắt, nói với Tiểu Phi, hai vợ chồng ở trạm thu mua phế liệu rất đáng ghét, ép cân ép giá hết lần này đến lần khác.
Tiểu Phi nói, hôm đó Châu Bằng Phi uống đến cuối cùng liền đập chai rượu, chua chát nói: "Đập chết mẹ nó đi!"
Vài ngày sau, cậu ta xin nghỉ và rời khỏi công trường, khi đi rất vội vàng.
Điều tra viên lục soát và tìm được dưới đệm của Châu Bằng Phi có một chiếc búa đầu vuông.
Đúng là tìm mỏi mắt mà không thấy, kết quả cũng không phí công sức.
Điều tra viên nhanh chóng báo cáo tình hình cho lãnh đạo, lãnh đạo chỉ thị bắt khẩn cấp Châu Bằng Phi.
Châu Bằng Phi thực chất chưa chạy được bao xa, khi điều tra viên bắt được Châu Bằng Phi, cậu ta đang ngồi trong sân đun ngước, khói bốc lên nghi ngút khiến người ta ho sặc sụa.
Có lẽ tự nhận ra sai lầm, Châu Bằng Phi rất phối hợp, chỉ đưa ra một yêu cầu, muốn chào cha mẹ một tiếng rồi hẵng đi.
Khi đến Cơ quan Công an, Châu Bằng Phi thẳng thừng phủ nhận rằng mình đã giết người.
Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, ai chẳng có tâm lý như vậy?
Điều tra viên cũng không lạ lẫm gì những trường hợp này, người cũng đã bị bắt đây rồi, vấn đề mở miệng chỉ là thời gian.
Hỏi đi hỏi lại, Châu Bằng Phi chỉ thừa nhận đã trộm một ít dây cáp điện mang đi bán.
Cậu ta nói, sau vài lần nhặt phế liệu, không chịu được ánh mắt oán trách của ông lão và bà lão nhặt ve chai, chỉ cần nhìn thấy hai ông bà lưng còng lọm khọm liền nhớ đến cha mẹ mình ở nhà, thanh niên trai tráng lại đi cướp miếng ăn của họ thì cũng hổ thẹn.
Vào một buổi tối, khi mà Châu Bằng Phi đi đến trạm thu mua phế liệu phát hiện có một cậu thiếu niên cầm một ít "hàng cao cấp" mang đi bán.
Thoạt nhìn có vẻ không đáng tiền, nhưng rất có giá trị. Châu Bằng Phi âm thầm để mắt tới, bí mật đi theo cậu bé đó đến một con đường vắng vẻ.
Cậu bé kia nhận thấy có điều gì đó không ổn, quay lại ngó nghiêng rồi định chạy, Châu Bằng Phi hô to: "Dừng lại!"
Có lẽ vì khiếp sợ trước khí thế của Châu Bằng Phi mà cậu bé quả nhiên đứng lại không nhúc nhích.
"Anh muốn làm gì?" Cậu bé chân tay run cầm cập, giọng nói sợ sệt.
Châu Bằng Phi trông bề ngoài thô kệch nhưng thật ra rất thông minh, cậu ta biết xuất xứ "hàng cao cấp" của cậu bé hẳn có vấn đề không ổn.
"Tôi theo dõi cậu lâu lắm rồi, đi với tôi đến đồn cảnh sát."
Châu Bằng Phi vừa buông ra mấy lời, thằng cu ấy đã sợ rúm ró lại: "Đồng chí cảnh sát, cháu không dám nữa..."
Trông cậu bé tưởng mình là cảnh sát, Châu Bằng Phi không nói gì.
Cậu bé nhanh chóng lấy trong túi ra một xấp tiền dúi vào tay Châu Bằng Phi, thái độ rất nịnh nọt, chỉ còn thiếu nước quỳ xuống trước mặt.
Châu Bằng Phi nói rằng đã do dự khi lấy tiền, nhưng cậu ta thực sự đang cần tiền gấp.
Xấp tiền đấy trông phải đến hai trăm tệ.
Nhất văn tiền nạn đảo anh hùng hán - một đồng tiền làm khó anh hùng hảo hán.
Trong phòng thẩm vấn, Châu Bằng Phi nói những gì Tiểu Phi khai mười phần có tới tám chín phần đúng, cậu ta thở dài: "Em cũng chẳng còn cách nào, lại chẳng có tay nghề kỹ năng gì, lao động chân tay bán sức kiếm tiền chậm quá."
Sau khi lấy tiền, Châu Bằng Phi chưa để cậu bé đi ngay, cậu ta đã tiến hành một cuộc "thẩm vấn" đơn giản với cậu bé đã lấy trộm dây cáp.
Hỏi ra được một số mánh khóe tiêu thụ dây cáp. Trạm thu mua phế liệu "Bồi Hưng" là địa điểm mà chúng thường đến để phi tang đồ ăn cắp.
Tối ngày hôm đó, Châu Bằng Phi không ngủ được, số tiền này đến quá dễ dàng, cậu ta cảm thấy có chút khó nuốt.
Thế nhưng tối ngày hôm sau, Châu Bằng Phi lấy một bó dây cáp điện đi đến trạm thu mua phế liệu "Bồi Hưng".
"Hai vợ chồng đó rất độc địa xấu xa!"
Khi Châu Bằng Phi nhắc đến hai vợ chồng Tưởng Bồi Hưng, trong ánh mắt không giấu nổi sát khí: "Ép cân ép giá hết lần này đến lần khác."
Châu Bằng Phi cũng thử đi sang các trạm thu mua phế liệu khác, nhưng người ta thấy cậu lạ mặt nên không dám thu mua.
Chẳng còn cách nào khác, Châu Bằng Phi đành quay lại "Bồi Hưng".
"Cho nên cậu đã giết người ta?" Thẩm tra viên đập bàn thật mạnh.
"Không! Em không giết người!"
Châu Bằng Phi mặt đỏ phừng phừng, gân xanh trên cổ cũng thi nhau nổi lên: "Em mạo hiểm kiếm được chút đồ, toàn bị họ bắt nạt. Tức giận thì tức giận thật, thế nhưng em thật sự không giết người."
Châu Bằng Phi có đầy đủ động cơ giết người, còn bị lục soát ra công cụ gây án tại nơi cư trú. Cậu ta nằm trong diện tình nghi rất lớn, đội cảnh sát hình sự không tha.
Thật đáng tiếc là không có DNA của nạn nhân trên cây búa. Một bóng đen đã phủ lên tâm trí của các thành viên lực lượng chuyên án.
Sẩm tối sắp tan làm, bác sĩ Triệu bảo tôi sang phòng khám nghiệm với ông.
Khi chúng tôi bước vào thì nhìn thấy trên bàn giải phẫu có một thi thể với các vết khâu trên bụng.
Tôi vừa nhìn đã nhận ra cô ta, Đổng Tố Cầm vợ của Tưởng Bồi Hưng, nạn nhân mang thai tám tháng.
Bác sĩ Triệu bảo tôi giúp cạy miệng nạn nhân, sau đó lấy ra một miếng đất sét.
Tôi mới hiểu ra ý đồ của bác sĩ Triệu.
Không chỉ chụp ảnh răng, chúng tôi còn lấy khuôn răng của nạn nhân.
Trở lại văn phòng, chúng tôi so sánh mô hình nha khoa của Đổng Tố Cầm với các bức ảnh.
Đồng thời cẩn thận quan sát bức ảnh về vết sẹo hình bầu dục trên tay Tưởng Anh Kiệt.
Sau nửa giờ, chúng tôi đưa ra kết luận rằng vết sẹo trên tay Tưởng Anh Kiệt rất giống vết cắn răng của Đổng Tố Cầm.
Bác sĩ Triệu lập tức báo cáo tình hình với Đại đội trưởng. Ông vô cùng mừng rỡ, đêm đó cử người bắt khẩn cấp Tưởng Anh Kiệt.
Nghe các đồng nghiệp kể lại rằng phải mất rất nhiều công sức mới có thể bắt được Tưởng Anh Kiệt.
Cha mẹ hắn đã triệu tập một vài thành phần và không cho cơ quan công an đưa người đi.
Một số phụ nữ thậm chí còn lao vào cảnh sát, đe dọa kêu oan.
Họ đã rất vất vả để đưa người về cơ quan công an, nhưng tâm trạng rất bất an, ngộ nhỡ bắt nhầm người, e rằng sẽ gặp rắc rối.
Thế nhưng sự thật đã chứng minh, lần này không hề bắt nhầm người.
Vào hồi năm giờ sáng Tưởng Anh Kiệt thừa nhận mình đã giết chú thím, sau đó lại trải qua năm lần thẩm vấn.
Cuối cùng hắn đã khai rõ toàn bộ tội ác.
Động cơ giết người của Tưởng Anh Kiệt lại cũng liên quan đến thu mua phế liệu.
Hồi nhỏ Tưởng Anh Kiệt học rất giỏi, từ khi bố mẹ lên thành phố lập nghiệp, hắn ta phải ở quê sống cùng ông bà nội.
Vài năm trước, Tưởng Anh Kiệt đỗ vào trường cấp ba trên thành phố, rồi sống cùng với bố mẹ.
Bố mẹ cảm thấy hồi nhỏ hắn chịu thiệt thòi nên bù đắp cho hắn rất nhiều tiền tiêu vặt.
Tưởng Anh Kiệt chìm đắm đánh điện tử trên mạng, quen được lũ bạn chơi bời lêu lổng, thành tích học tập sa sút thảm hại.
Sau khi thi trượt tốt nghiệp, hắn làm công trong một nhà máy, nhưng thường ngày vẫn thích chơi bời với đám bạn.
Cứ như thế thời gian trôi đi, bố mẹ cũng trách mắng hắn vài câu.
Tưởng Anh Kiệt có lòng tự trọng cao và tính cách hơi cực đoan, không muốn bị coi thường nên đã thuê một phòng trọ bên ngoài và dọn ra khỏi nhà.
Cha mẹ trực tiếp cắt viện trợ của Tưởng Anh Kiệt, nghĩ rằng chỉ với số tiền lương ít ỏi, chắc chắn tự nuôi thân không nổi và sẽ sớm quay về nhà.
Thật không ngờ Tưởng Anh Kiệt lại tìm ra cách kiếm ăn.
Vì cả bố và chú hai đều mở trạm thu mua phế liệu, nên hắn ta đã nhiễm vào đầu từ lâu, biết rằng loại phế liệu nào trông không ra sao mà lại kiếm được, đồng thời hiểu rõ chúng rất giá trị.
Tưởng Anh Kiệt bắt tay cấu kết lên kế hoạch lấy trộm một số đồ kim loại để đem bán.
Vì giận gia đình, lần nào Tưởng Anh Kiệt cũng mang phế liệu đến trạm thu mua của người chú hai Tưởng Bồi Hưng.
Tưởng Bồi Hưng không hỏi nhiều và lần nào cũng trả theo giá thị trường.
Tưởng Anh Kiệt và đám bạn cầm tiền xong chẳng bao lâu đã đốt sạch.
Rất nhanh sau đó bố hắn đã tìm đến cửa, đánh cho một trận nên thân.
Bố hắn nói giờ về quê trốn một thời gian, sau này đừng bao giờ đi ăn cắp dây cáp điện nữa, bị bắt là tội to.
Hóa ra công an tìm đến nhà, nói rằng họ đã nhận được tin báo từ quần chúng rằng Tưởng Anh Kiệt bị tình nghi ăn trộm dây cáp điện, nhưng Tưởng Anh Kiệt không có ở nhà, và công an cũng không có bằng chứng trong tay nên chỉ hỏi vài câu rồi rời đi.
"Chắc chắn là do bà thím tôi đã tố cáo, bà ta và tôi có mối thù."
Tưởng Anh Kiệt giọng đầy oán hận khi nhắc đến bà thím mình: "Trước kia ở quê, năm ngày ba nữa bà ta lại cãi nhau với ông bà nội tôi."
Lời lẽ rất khó nghe.
Tưởng Anh Kiệt còn nói, bà nội bị thím chọc giận đến mức huyết áp tăng cao.
Bà phải nằm liệt giường một thời gian, còn có lần hai người động chân động tay, bà nội bị đẩy ngã dúi dụi dưới đất, hắn ta thật sự không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa liền đẩy bà thím một cái và bị chửi cho vuốt mặt không kịp.
Mối quan hệ giữa hai anh em nhà họ Tưởng cũng không quá thân thiết.
Ban đầu vì mâu thuẫn phân chia nhà nên Tưởng Bồi Hưng vốn đang làm ruộng ở nhà vì cơn tức tối đã lên thành phố kiếm sống mưu sinh.
Thấy em trai Tưởng Bồi Hưng làm ăn khấm khá, anh cả Tưởng Bồi Quốc cũng lên thành phố bắt đầu thu mua phế liệu, cuộc sống dần được cải thiện.
Tưởng Anh Kiệt ẩn náu một thời gian, thấy mọi thứ đều ổn nên quay trở lại thành phố.
"Thanh danh của tôi đã bị bà ta hủy hoại hoàn toàn, sau này sống thế nào đây?"
Tưởng Anh Kiệt là một tên rất sĩ diện, hắn ta nuốt không trôi cục tức này. Muốn tìm bà thím để tính sổ.
Hôm đó khi Tưởng Anh Kiệt đến, hai vợ chồng Tưởng Bồi Hưng đang ăn cơm.
Thấy cháu ruột đến, Tưởng Bồi Hưng đứng dậy bảo hắn ta ăn cơm cùng, còn bà thím Đổng Tố Cầm thì chỉ ngước lên nhìn rồi chẳng thèm để tâm.
Tưởng Anh Kiệt đứng giữa phòng khách, lạnh nhạt hỏi một câu: "Là bà báo công an rằng tôi trộm đồ đúng không?"
Đổng Tố Cầm khi ấy mặt biến sắc: "Dám làm mà không dám nhận à? Đúng là cái thằng hèn!"
Kết quả thế nào không cần kể cũng rõ, Tưởng Anh Kiệt lại một lần nữa bị người thím mắng chửi thậm tệ, đến cả người chú hai Tưởng Bồi Hưng cũng mắng hắn vài câu.
Làm cho hắn ta đầy một bụng tức.
Tưởng Bồi Hưng xua đuổi Tưởng Anh Kiệt ra ngoài, lúc sắp ra đến cổng thì Tưởng Anh Kiệt bị vấp ngã sõng soài.
Tưởng Bồi Hưng không những không giơ tay kéo hắn ta dậy mà ngược lại còn giáo huấn vài câu: "Mày lớn bằng ngần này rồi mà sống không ra cái hồn người?"
Tưởng Anh Kiệt cảm thấy ù tai.
Hắn ta tiện tay cầm một chiếc búa ngay đằng sau đống gạch chất sau cửa, một nhát dứt khoát đập vào đầu Tưởng Bồi Hưng.
"Trong đầu tôi lúc ấy chẳng nghĩ được gì cả, đã tức điên lên rồi.
Sau khi Tưởng Bồi Hưng ngã xuống đất, anh ta không ngừng rên rỉ, Tưởng Bồi Kiệt lại bồi thêm một nhát nữa vào đầu anh ta, rồi vác cây búa vào nhà.
"Bà thím tôi mặt tái nhợt, quay người chạy vội vào trong buồng. Tôi biết trong ấy có điện thoại, bà ta muốn báo công an. Tôi tuyệt đối không để mụ ta có cơ hội báo công an lần thứ hai."
Tưởng Anh Kiệt chạy vội về phía trước, kéo Đổng Tố Cầm quay lại phòng khách, Đổng Tố Cầm ra sức cào cấu, cào rách ngón tay của Tưởng Anh Kiệt.
Cơn đau càng kích động sự phẫn nộ của Tưởng Anh Kiệt. Hắn nhấc búa vung một nhát xuống, không ngờ Đổng Tố Cầm tránh sang một bên, chiếc búa rơi trúng tay trái hắn.
Lợi dụng lúc Tưởng Anh Kiệt còn bàng hoàng, Đổng Tố Cầm đã nắm lấy cán búa và cúi đầu cắn vào tay phải hắn. Tưởng Anh Kiệt bị đau, buông búa, đá vào bụng Đổng Tố Cầm khiến cô ta ngã xuống đất.
Tưởng Anh Kiệt cúi người nhặt chiếc búa, thẳng tay đập xuống, lần này không trượt nhát nào, từng hồi chí mạng.
Đánh được mấy nhát, Tưởng Anh Kiệt nghe thấy ngoài sân có động tĩnh, cầm búa và chạy ra ngoài.
Nhìn thấy Tưởng Bồi Hưng dùng chút sức lực cuối cùng bò ra gần đến cổng.
Anh ta đang thở hổn hển, máu trào ra từ mũi và miệng, phát ra âm thanh rên rỉ.
"Nếu như hai người bọn họ không chết thì tôi xong đời." Đầu búa của Tưởng Anh Kiệt lại giáng lên người chú của của mình, cho đến khi Tưởng Bồi Hưng bất động.
Tưởng Anh Kiệt không dám chạy về nhà, hắn ta vòng đi vòng lại, rồi lại băng qua một cái hồ rồi mới về đến nhà.
Giữa đường hắn ném chiếc búa đi, sau rồi cũng không còn tìm thấy nữa. Nhưng trên con dao găm của Tưởng Anh Kiệt có DNA của nạn nhân, bằng chứng không thể chối cãi.
Mặc dù lời thú nhận quá trình phạm tội của Tưởng Anh Kiệt hơi khác so với phân tích trước đây của chúng tôi, nhưng quá trình về cơ bản là giống nhau.
Không phải lúc đó Đổng Tố Cầm không phản kháng, nhưng cách chống cự có chút đặc biệt, dùng răng cắn.
Vụ án được giải quyết thành công nhưng mọi người không thể vui mừng nổi, gia đình nạn nhân dường như càng buồn hơn. Không ai biết sau này mẹ, anh em và con gái của nạn nhân sẽ sống với nhau như thế nào.
Theo phản ánh của những người quen biết vợ chồng Tưởng Bồi Hưng, anh ta và vợ có tiếng ăn nói chẳng ra gì. Đặc biệt Đổng Tố Cầm là người xấu tính, thích mắng chửi người khác và hay khôn vặt.
Ngay sau đó, cơ quan Công an đã triển khai một chiến dịch đặc biệt kéo dài một tháng để truy quét trộm cắp dây cáp và máy biến áp, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt các trạm thu mua phế liệu trong phạm vi quyền hạn của mình, giúp cải thiện đáng kể tình hình an ninh công cộng.
Lần đó khi chiếc găng tay bị cứa đứt, bác sĩ Triệu đã rất lo lắng, nhưng bản thân tôi chẳng để tâm. Sau đó đã xét nghiệm máu của nạn nhân và không tìm thấy bệnh truyền nhiễm thông thường.
Tuy nhiên, kể từ đó, tôi đã hình thành thói quen mới là đeo hai đôi găng tay trước mỗi lần khám nghiệm tử thi, và luôn ý thức nhắc nhở bản thân chú ý an toàn nên không dám lãng phí vận may nữa.
Sau khi vụ án kết thúc, tôi thường nghĩ về đêm đó. Nếu vụ án trạm thu mua phế liệu không xảy ra, liệu tôi có thể về nhà đúng giờ, làm sủi cảo cho Từ San rồi ra rạp cùng nhau xem phim không? Có lẽ mọi chuyện đã khác.
"Sủi cảo em gói xong rồi, nhưng trông không được đẹp, tối muộn làm đồ ăn đêm cho anh. Bây giờ em đi ra rạp lấy vé xem phim trước đã."
Đó là tin nhắn cuối cùng từ người tôi yêu. Hằng ngày chúng ta gặp gỡ rất nhiều người, nhưng một ai đó chỉ có thể ở trong hoài niệm nhớ nhung.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top