Chương 4. Tội Ác Không Chứng Cứ
Cơ thể một người trưởng thành bình thường có tổng cộng 206 chiếc xương, xếp chồng lên nhau trông không nhiều, nhấc lên cũng không nặng nhưng nếu trải chúng ra, trên một chiếc bàn giải phẫu dài 2.45m, rộng 1.1m thì lại không xếp được.
Đây là một bộ xương trắng đã mang đến cho tôi phát hiện mới.
Chiều hôm trước, một ông lão chăn bò tìm thấy bộ xương trắng này trong rừng cây nhỏ ven sông. Khi chúng tôi đến đường đê, đã bắt gặp cảnh tượng hai vị cảnh sát trực tổng đài đang ngồi điều hòa mát rượi trong xe ô tô đỗ bên đường.
"Các anh mau di chuyển cái xác đi kiểm tra đi, thời tiết này nóng quá."
Bộ xương được tìm thấy ở vị trí cách đường đê khoảng 50m, cảnh sát dẫn chúng tôi chui vào rừng cây, men theo con đường gồ ghề, đi vòng vèo mấy lượt mới tới được hiện trường.
Khi đó, bộ xương trắng đang "nằm" ngay đó, chiếc áo phông trên người hoàn toàn không phân biệt ra nguyên dạng, cũng không có bất cứ thứ gì có thể chứng minh danh tính.
Lại là một "người vô danh". Loại xác chết này gần như là "đặc sản" xuyên suốt cả mùa hè ở Quảng Đông.
Nhiệt độ cao hơn 30 độ C, trong rừng cây hẻo lánh bên con sông nhỏ, có người tự sát, cũng có người chết vì dùng thuốc, đương nhiên, người vô gia cư chết vì bệnh càng thường gặp hơn.
Loại xác chết này thường không có người nhà, không có quần chúng vây xem, không có người hỏi han, trung bình một tháng tôi có thể tiếp nhận ba, bốn cái xác.
Xử lý nhiều rồi, mọi người cũng không lấy làm lạ nữa.
Người đồng nghiệp chụp ảnh dường như cũng cảm thấy những chiếc xương này không đáng để lãng phí thời gian, bèn nói với tôi: "Cứ xếp bừa đi, chụp vài tấm là được rồi."
Tôi liếc nhìn điện thoại, đến giờ tan làm rồi.
Chiếc áo sơ-mi trắng trên người đã ướt sũng, tôi có hơi hối hận vì buổi trưa lại đem bộ đồng phục cảnh sát đến phòng giặt ủi, nó bị xác chết trôi mới kiểm tra hồi sáng làm cho ám mùi, nên tôi đành phải mặc quần áo của mình đến xem hiện trường.
Quay về phải nhanh chóng nhét áo sơ-mi vào máy giặt, bỏ thêm chút thuốc khử trùng mới được, tâm trí tôi đều đang nghĩ đến chuyện này.
"Tốc chiến tốc thắng đi."
Nghe tôi thúc giục, người đồng nghiệp chụp ảnh đút biển ghi số thứ tự vật chứng vào túi rồi cùng tôi thu gom đống xương rơi vãi.
Trở về phòng giải phẫu, tôi kéo khóa chiếc túi đựng thi thể màu đen, xương lớn, xương nhỏ, xương dài xương ngắn nằm lộn xộn với nhau, giống như bộ đồ chơi lắp ráp bị rơi ra khỏi giá.
Bàn giải phẫu không đặt vừa bộ xương, tôi bèn trải một tấm ga giường màu trắng trên sàn rồi bắt đầu "xếp hình".
Đầu tiên là hộp sọ, tôi bưng nó ra khỏi túi đựng xác bằng cả hai tay.
Đây là một hộp sọ cực kỳ đẹp: Không có tóc, nguyên vẹn, sạch sẽ, khiến trong nháy mắt tôi có ảo giác đang cầm tiêu bản xương, chứ không giống như đang khám nghiệm tử thi.
Sau đó là xương chậu, tiếp theo là tứ chi, đốt sống và xương sườn.
Nửa thân trên của anh ta đã hóa xương hoàn toàn, chỉ có hai chân và cẳng chân còn sót lại một ít thịt và da đã khô quắt lại, khiến người ta liên tưởng đến bộ xương của những con gia súc bị treo lên ở quầy hàng thịt.
Một bộ "xếp hình xương người" hiện ra trước mắt tôi từng chút một, nhưng tôi không biết gì về anh ta cả.
Xương trắng là thứ có nhiều bí mật nhất trong xác chết, cũng là thứ mà pháp y khó giám định nhất.
Bởi vì cơ thể về cơ bản đã bị phân hủy hoàn toàn, ít để lại những thông tin có giá trị nhất cho bác sĩ pháp y.
Xếp càng hoàn chỉnh, tôi càng bối rối. Xương sọ không có vết thương, xương chậu và tứ chi không bị gãy, về cơ bản loại bỏ khả năng vứt xác sau khi gây tai nạn giao thông.
Tôi nhặt những chiếc móng tay bị tróc ra do phân hủy, lại nhìn lòng bàn chân của thi thể.
Móng tay rất ngắn và sạch sẽ, lòng bàn chân chưa bị thối rữa hoàn toàn, cũng không có vết chai được hình thành trên chân trần lâu ngày, người chết chắc hẳn không phải là người vô gia cư lúc còn sống.
Đó là tự tử hay hút chích ma túy? Tôi ra sức nhớ lại hiện trường ngày hôm qua trong đầu, có phải tôi đã bỏ lỡ điều gì chăng?
Lúc đó trời đã nhá nhem tối, tôi quay đầu nhìn lại vết trũng còn sót lại ở phía dưới sau khi cái xác được khiêng đi lần cuối, vỏ nhộng màu nâu xám chất đống tầng tầng lớp lớp bên trong.
Có chỗ nào không đúng ư?
Chính vào lúc tôi đang nhớ lại hôm qua có chỗ nào xảy ra vấn đề thì một vết bẩn trên đốt sống của bộ xương trắng trên sàn phòng giải phẫu đập vào tầm mắt tôi.
Bộ xương trắng ở hiện trường hôm qua và trên bàn giải phẫu chồng chéo trước mắt tôi.
Đợi đã! Không kim tiêm, không dây thừng, không dao kéo.
Tại hiện trường không chỉ không có dụng cụ hút chích ma túy, mà cũng chẳng có dụng cụ để tự sát nào cả!
Vậy người đã chết như thế nào?
Tôi nhặt mảnh xương lên rồi lập tức đứng dậy, có lẽ do ngồi xổm quá lâu nên trước mắt tôi bỗng chốc tối sầm, việc đó kéo dài một lúc mới bước đến bồn rửa mặt, cẩn thận dùng nước rửa sạch vết bẩn kia đi.
Dòng nước không ngừng gột rửa, vết bẩn càng ngày càng nhạt, 3 vết cắt song song đã lộ ra!
Tim tôi thoáng cái đập nhanh hơn nhưng lại không dám khẳng định.
Ánh sáng trong phòng giải phẫu tối mờ mịt, tôi bước nhanh ra ngoài, giơ mảnh xương kia dưới ánh mặt trời.
Dưới ánh nắng, mấy vết cắt trên xương được phân biệt rõ ràng.
Có người đã cắt cổ người chết bằng dao một cách tàn nhẫn, đây là một vụ án mạng!
Tôi sợ nhất là kiểu hiện trường ngay từ đầu không được nhận định là án mạng này.
Bởi vì tôi thậm chí còn không biết rằng khi nào, ở vị trí nào, mà mình có thể đã làm hỏng hiện trường trong lúc vô tình.
Tôi bắt đầu bực mình, nạn nhân là ai? Là ai đã ra tay tàn nhẫn như vậy?
Bởi vì 3 vết cắt không nổi bật này mà tính chất của vụ án đã xảy ra sự thay đổi long trời lở đất, chúng tôi đã để lỡ khá nhiều thời gian rồi.
Trong phòng giải phẫu, vẻ mặt của ai cũng khó coi.
Một vụ giết người và một vụ đột tử thông thường, phương hướng và cách thức khám nghiệm hiện trường khác nhau một trời một vực, tôi phải quay lại hiện trường một lần nữa để làm rõ xem bộ xương trắng là ai, đồng thời tìm ra hung thủ.
Khi đến hiện trường lần thứ hai, tâm trạng của tôi không thể thoải mái như ngày hôm qua. Xung quanh rừng cây đã được rào dây cảnh báo, sáu, bảy chiếc xe cảnh sát đỗ bên đường đê.
Lần trước chỉ có 3 kỹ thuật viên bao gồm cả tôi, lần này chúng tôi điều động 2 tổ, 6 người. Tôi chào hỏi những anh em trinh sát ngoại tuyến phụ trách chuyên môn điều tra án mạng từ xa, bước về phía vị trí ban đầu của thi thể.
Đoạn đường dẫn vào sâu trong cánh rừng vẫn khó đi như cũ, ánh nắng như thiêu đốt cộng thêm thần kinh căng thẳng cao độ, cả người tôi lại ướt đẫm.
Vị trí hẻo lánh như vậy, về cơ bản có thể chắc chắn là không phải vứt xác, bởi vì khoảng cách từ đường cái đến bờ sông còn gần hơn so với vào rừng.
Khiêng một xác chết đi một quãng đường dài như vậy, thể lực khó mà chống đỡ được, hơn nữa nếu chuyển xác chết vào rừng, chi bằng quăng thẳng xuống sông sẽ càng khó bị phát hiện hơn.
Chính giữa hiện trường, vũng bùn nông còn sót lại sau khi thi thể được chuyển đi.
Trong vũng chứa đầy chất lỏng đã thối rữa từ lâu, cùng với đống rác nhỏ bên cạnh, trong không khí oi bức, một mùi hôi thối trộn lẫn kỳ lạ quanh quẩn xung quanh chúng tôi.
Tôi lật từng lớp rác, đánh số, chụp ảnh cái đống "rách nát" không biết có ích gì không kia, từ số 1 đến số 30, ngay cả cây cối xung quanh cũng không bỏ qua.
Biển số vật chứng đã dùng hết rồi, tôi đành viết tạm số lên giấy ghi chú để làm biển số.
Anh Thắng đeo khẩu trang về phía tôi.
Anh ấy mở miệng hỏi tôi về vấn đề chính: "Đã chết bao lâu rồi?"
Tôi dùng kìm cán dài hết lần này đến lần khác xác định vị trí ban đầu của cái xác xem còn thứ gì khác không, sau đó cởi bỏ một lớp găng tay, chỉ để lại lớp trong cùng, tôi nhặt vỏ một con ruồi nhộng trong vũng bùn lên, dùng đầu ngón tay vặn nhẹ nó.
Vỏ nhộng màu nâu xám đã hoàn toàn nát ra, biến thành bột mà không cần tác động lực.
Xem xét tổng hợp lại thời gian và thời tiết, có thể ước tính sơ bộ rằng thời gian thi thể được đặt trong rừng cây nhỏ này là hơn 2 tháng.
Khi còn đi học, tôi luôn cảm thấy suy luận về thời điểm tử vong của giáo viên thật kỳ diệu, sau khi trở thành bác sĩ pháp y, tôi mới nhận ra đây là một "câu đố thế kỷ", không ai có thể đưa ra được đáp án chính xác.
Tôi ném vỏ nhộng trong tay đi, cho anh Thắng một câu trả lời dè dặt: "Thời gian tử vong là hơn 2 tháng nhưng không quá 1 năm."
Anh Thắng lập tức ngừng làm việc, hét lên: "Thế này thì sao mà điều tra được? Khoảng thời gian quá dài rồi!"
Anh ấy ngồi xổm xuống sát gần tôi, khẽ huých vào vai tôi. Việc này nhắc nhở tôi phải có "đề xuất cá nhân" mạnh dạn hơn sách vở.
Đối với thời tiết ở Quảng Đông, tôi khá bất lực, giống như ông trời tăng độ khó công việc của tôi lên quá mức vậy.
Cho dù mùa đông chỉ có hai ngày nắng thì nhiệt độ cũng có thể tăng vọt lên 26 - 27 độ C, mùa đông ở đây mà mặc áo phông ra ngoài chẳng phải chuyện kỳ lạ gì.
"Hãy điều tra thời gian sau tháng 4 năm nay trước, đầu năm trời vẫn còn khá lạnh, chắc sẽ không mặc áo phông đâu."
Phạm vi thời gian đã nhỏ đi một nửa, anh Thắng hài lòng rời đi, để lại tôi buồn rầu với mấy biển số và những vật chứng tỏa ra mùi tanh hôi.
Lần thứ hai trở về từ hiện trường, tôi bắt đầu cẩn thận giặt sạch chiếc áo phông trên bộ xương.
Chiếc áo phông đã hơi mục nát gãy giòn nên tôi không dám vò mạnh, chứ đừng nói là vặn nó, chỉ có thể xả dưới vòi nước đang chảy.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi không hay giặt quần áo bằng tay, tôi bèn cẩn thận giặt bộ "quần áo tử thi" này hai lần, chiếc áo phông vẫn còn đen kịt.
Tôi vắt nó lên, lật vào bên trong, chỗ đó còn dính vài chiếc vỏ nhộng cùng nhiều mô đã phân hủy khó mà phân biệt nổi.
Trong thùng rác vét được từ hiện trường, đây là những thứ "quý giá" nhất của tôi.
Mặc dù bộ quần áo đã bị dịch xác chết thối rữa thấm vào, lại bị biến thành một khối đen xì do mưa gió nhưng hai chữ in hoa lờ mờ ở chính giữa khiến tôi không kìm nổi sự phấn khích.
Có Logo rõ ràng, độ nhận dạng của áo rất cao, nói không chừng người nhà có thể nhận ra nó!
Tôi lấy một chiếc túi ni lông ra, trải phẳng chiếc áo phông lên đó, gỡ từng chiếc vỏ nhộng xuống, lại dùng lưỡi dao nhẹ nhàng cạo lớp mô không xác định bên trên đi, sau đó quét bột giặt lên những chỗ có vết bẩn rõ ràng từng chút một, xử lý từng chỗ.
Cuối cùng, nước ngâm chiếc áo phông cũng không còn vẩn đục nữa.
Tôi tháo găng tay ra, chụp ảnh thành quả của công sức trong nửa tiếng đồng hồ rồi gửi cho anh Thắng.
Ở giữa chiếc áo phông xám phẳng phiu, hai chữ in hoa rõ nét: "FE".
Thông báo hỗ trợ điều tra đầu tiên của bộ xương trắng vô danh cuối cùng đã được gửi đi, chúng tôi đều đang chờ đợi người có thể nhận ra chiếc áo phông này.
Anh Thắng điều tra các vụ mất tích trong khu trực thuộc gần một năm nhưng ba, bốn gia đình đến nhận diện xác chết đều không khớp.
Việc tìm kiếm nguồn gốc của thi thể đã mở rộng từ phạm vi khu trực thuộc của địa phương sang các thành phố lân cận.
Ưu điểm của xác hóa xương là khớp xương khung chậu cực kỳ dễ nấu lên, quá trình này có thể giúp tôi phán đoán chính xác tuổi tác của người chết.
Nhưng nhược điểm cũng rất rõ ràng - Đối diện với một bộ xương, kể cả mẹ ruột có đến cũng khó mà nhận ra người chết được.
Một tuần sau, vẫn không có ai đến nhận bộ hài cốt cả.
Tôi dự liệu rằng vụ án này sẽ trở thành một vụ khó nhằn, suy cho cùng, thời gian tử vong càng lâu thì vật chứng và manh mối còn sót lại hiện trường càng ít.
Ngoài các phương pháp hiện tại này ra, chỉ còn lại "khôi phục giai đoạn hộp sọ".
Đây là công nghệ vẽ lại diện mạo ban đầu của người chết bằng cách kết hợp hình dạng của hộp sọ với độ dày mỡ của các chi còn lại.
Nhưng vì rất khó để khôi phục chính xác ngũ quan và kiểu tóc, độ lệch tương đối lớn nên tôi quả thật không muốn sử dụng công nghệ này.
Chiếc áo phông mà tôi đã giặt sạch đến cực hạn vẫn còn đó, những vết rách và nếp gấp lộn xộn trên áo luôn khiến tôi càng nhìn càng phát cáu.
Trước mắt, chiếc áo phông là đồ vật có khả năng nhận diện danh tính của bộ xương trắng nhất, tôi chợt nảy ra một suy nghĩ, dự định tiến hành một thử nghiệm "trước nay chưa từng có".
Ngày hôm sau, khi tôi khiêng một ma-nơ-canh nam vào cổng Cục Cảnh sát, tất cả đồng nghiệp đều ném ra ánh nhìn kinh ngạc.
Bảo vệ mỉm cười đi tới chặn tôi lại, hỏi: "Có phải chị dâu định mở cửa hàng quần áo không?"
Tôi lắc đầu.
Mấy cậu trai trong đội cảnh sát chưa ai từng nghịch thứ này, mọi người đều nhiệt tình cực độ, trong tay không còn việc gì thì chạy lên sân thượng giúp đỡ, mỗi người một tay lắp ráp "người" lại.
Tôi cẩn thận mặc chiếc áo phông của người chết lên.
Mọi người đi một vòng quanh ma-nơ-canh rồi quan sát, đều cảm thấy rất mới mẻ. Hiệu quả chụp ảnh cực kỳ tốt.
Có ảnh rồi, tiếp đến là chỉnh ảnh.
Vết rách trên áo phông, những mảng màu bị vết bẩn thấm ra nghiêm trọng đều cần được sửa chữa.
Trước đây tôi từng học nhiếp ảnh, lần này tôi vừa tìm kiếm các hướng dẫn chỉnh sửa hình ảnh trên mạng, vừa tự mình chậm rãi mày mò, tối đó tôi tốn mất 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng sửa xong ảnh chiếc áo phông mới chụp rồi chuyển cho anh Thắng.
Anh Thắng lập tức gửi thông báo hỗ trợ điều tra thứ hai. Sau khi chụp ảnh xong, tôi cất ma-nơ-canh vào phòng lưu trữ vật chứng tạm thời ở tầng 5. Theo tôi, trong cả tòa nhà này chỉ có căn phòng đó là phù hợp, không gian rộng rãi, bình thường ít người lui tới.
Tôi đặt nó ở góc phòng, cứ nghĩ không vướng víu là được.
Chẳng ngờ, ma-nơ-canh "dọn vào ở" được hai ngày đầu thì đã khiến một đồng nghiệp bị "người" đứng trong góc dọa đến mức la hét khóc lóc khi đến phòng vật chứng vào buổi tối.
Nhóm người này bình thường đều có dáng vẻ trời không sợ đất không sợ, nói chuyện say sưa về đủ loại câu chuyện hiện trường nặng mùi nghĩa trang lúc nửa đêm, kết quả là một ma-nơ-canh lại khiến họ "hiện nguyên hình" rồi.
Tôi đã nói chuyện này với anh Thắng, anh Thắng nói rằng buổi tối sẽ đến phòng vật chứng để tìm hiểu nhưng sau đó cũng chẳng đề cập đến nữa.
Chẳng mấy chốc đã vào tháng 11, một buổi sáng, anh Thắng nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ lạ mặt: "Tôi nhận ra bộ quần áo đó!"
Một tháng sau khi vụ án xảy ra, ma-nơ-canh cuối cùng cũng thể hiện được sức mạnh. Anh Thắng tiếp đón người phụ nữ đã gọi điện tại đồn cảnh sát.
Cô ấy khoảng 30 tuổi, đang khóc rất thương tâm trên băng ghế, một tay cầm kính, tay kia lấy khăn giấy lau nước mắt.
Cô ấy nói, bộ quần áo trong báo cáo là món quà sinh nhật do chính tay cô ấy mua tặng cho em trai Lâm Vũ.
Một ngày đầu tháng 7, Lâm Vũ mặc chiếc áo phông này, sau khi phóng xe máy ra ngoài thì không bao giờ trở lại nữa.
Ban đầu, cô ấy không quá lo lắng, bởi vì em trai mê cờ bạc, mỗi lần đánh bài ba, bốn ngày không về nhà là chuyện bình thường.
Nhưng một tuần trôi qua, em trai vẫn chưa trở về, điện thoại vẫn luôn không liên lạc được, cô ấy và người trong nhà bắt đầu sốt ruột, bèn đi hỏi thăm khắp nơi.
Mãi cho đến khi anh Thắng dán tờ thông báo hỗ trợ điều tra trên con đường cô ấy thường đi, thì cô ấy mới biết rằng em trai mình có thể đã bị giết hại.
Người phụ nữ còn cung cấp một manh mối, một người bạn cũng là con bạc của Lâm Vũ nói, một ngày trước khi Lâm Vũ mất tích, anh ta mới vay 3.000 nhân dân tệ.
Những chi tiết liên quan đến việc Lâm Vũ bị hại dần dần trở nên phong phú hơn.
Anh Thắng cảm thấy, bản thân thật sự nên đến phòng vật chứng để xem thử ma-nơ-canh đứng trong góc kia, tuy có chút đáng sợ nhưng lại lập công lớn.
Buổi tối hôm đó, kết quả đối chiếu DNA đã chứng thực người chết là Lâm Vũ. Lúc này, đã hơn 4 tháng kể từ khi anh ta mất tích, cuối cùng chúng tôi cũng có thể viết tên lên bộ xương này rồi.
Anh Thắng lập tức lấy bản ghi điện thoại của Lâm Vũ trước khi mất tích, dãy số cuối cùng đã thu hút sự chú ý của anh ấy.
Cuộc gọi đó đến từ bạn học kiêm đồng hương của Lâm Vũ, Ngô Dũng.
Ngô Dũng là một thanh niên trẻ mộc mạc trung thực với đôi mắt nhỏ và đôi môi dày.
Anh ta từng đến ăn cơm ở nhà họ Lâm, người nhà họ Lâm đều biết người bạn cùng quê này.
Theo lời kể của chị gái Lâm Vũ, Ngô Dũng không nói nhiều, bất kể làm gì thì đều nghe theo Lâm Vũ, giống như tay sai của em trai cô ấy vậy.
Sau khi con trai mất tích, cha của Lâm Vũ đã hai lần tìm Ngô Dũng để hỏi tung tích của Lâm Vũ nhưng Ngô Dũng đều nói rằng mình không biết.
Ghi chép cuộc gọi cho thấy, họ đã nói chuyện điện thoại vào ngày Lâm Vũ mất tích, hơn nữa anh ta cũng là người cuối cùng gọi cho Lâm Vũ nhưng anh ta chưa bao giờ nhắc tới điều này với gia đình Lâm Vũ cả.
Nhưng chỉ dựa vào một bản ghi chép cuộc gọi thì không thể động đến đối phương được.
Ngay tức khắc, chúng tôi tìm kiếm camera đường bộ.
Nhưng thời hạn theo dõi chỉ có 3 tháng, vả lại con đường cái bên bờ đê hoàn toàn không có camera, chiếc camera gần nhất lại nằm bên ngoài mấy nghìn mét.
Nhìn từ góc độ chuyên môn của pháp y, thời gian đã trôi qua quá lâu, môi trường của hiện trường phức tạp, cho dù có để lại vật chứng gì thì khả năng có thể tìm thấy và thu được cũng rất nhỏ.
Nếu lúc gây án, quần áo và giày của hung thủ vẫn còn ở đó, có lẽ sẽ có cách, tiền đề là hắn có thể thành thật khai báo mình đã mặc bộ quần áo nào khi gây án.
Khoảng thời gian 4 tháng đủ để hắn soạn ra cả một bài hùng biện phù hợp với logic của mình nhưng trong đó liệu có sơ hở nào không, chúng tôi có thể kiểm tra giúp hắn.
Tôi có nhiều ý tưởng, lại nghĩ ra một phương pháp mạo hiểm: Kiểm tra nói dối. Đây giống như một lần đánh cược với nghi phạm vậy.
Ngày hôm đó, anh Thắng mượn cớ thẩm vấn nhân chứng để đưa Ngô Dũng đến Cục Cảnh sát. Khi đó, anh ta đang chuẩn bị thu dọn đồ đạc về quê.
Trong văn phòng, như thường lệ, anh Thắng hỏi Ngô Dũng rằng liệu anh ta có biết gì về cái chết của Lâm Vũ không, Ngô Dũng đáp với vẻ mặt thoải mái: "Tôi không biết."
Khi anh Thắng hỏi đến ngày mà Lâm Vũ mất tích, anh ta có từng gọi điện cho Lâm Vũ không thì ánh mắt của Ngô Dũng bắt đầu hơi dao động.
Rõ ràng, anh ta không biết gì về các phương pháp điều tra, cũng hoàn toàn không nghĩ đến chi tiết này.
Lúc nhìn thấy chiếc máy trên bàn trông giống như điện tâm đồ, Ngô Dũng đã bắt đầu có phần căng thẳng, các ngón tay vô thức thực hiện những cử động nhỏ.
Tôi yêu cầu Ngô Dũng ngồi lên chiếc ghế bên cạnh máy phát hiện nói dối, sau đó nói cho anh ta biết rằng anh ta đang làm kiểm tra nói dối.
Đôi mắt vốn trĩu xuống của anh ta vô thức ngước lên.
Khi máy phát hiện nói dối vừa được đưa vào trong nước, các điều tra viên hàng đầu đã cho rằng thứ này rất thần kỳ.
Cho đến sau khi "vụ án giết người của Đỗ Bồi Vũ (Vụ án oan chấn động giới cảnh sát Trung Quốc, vợ và bạn thân bị sát hại khi lén lút ra ngoài hẹn hò, cảnh sát Đỗ Bồi Vũ trở thành nghi phạm duy nhất và bị kết án tử hình) được nhận định là án oan thì không còn ai lấy kết quả kiểm tra nói dối làm bằng chứng nữa.
Lần này, chúng tôi định sử dụng máy phát hiện nói dối để phát huy tác dụng khác.
Chúng tôi không trực tiếp bắt đầu cuộc kiểm tra nói dối, mà cố tình trì hoãn.
Chờ đợi lâu sẽ khiến người bị thẩm vấn càng thêm căng thẳng, do đó sẽ dễ để lộ sơ hở.
Tôi bôi cồn lên tay Ngô Dũng, dán các điện cực, cảm nhận hai tay anh ta cứng lại một cách rõ ràng.
Tôi rút những lá bài poker đã chuẩn bị sẵn ra, bất ngờ đưa một lá Át Bích qua, anh ta ngạc nhiên nhận lấy.
"Xin hỏi, có phải tôi đưa lá Át Bích cho cậu đúng không? Cậu chỉ cần trả lời đúng hoặc không đúng thôi."
"Đúng" -Ngô Dũng không hiểu gì.
Tôi lại đưa một lá 3 Rô qua.
Mục đích của câu hỏi đặt trước này là để kiểm tra mức độ hợp tác của đối phương, đồng thời khiến đối phương tin tưởng, chúng tôi có thể thông qua chiếc máy này để phán đoán xem liệu anh ta có đang nói dối hay không.
"Xin hỏi, có phải tôi đưa lá Át Rô cho cậu đúng không? Hãy nói cậu đang cầm lá Át Rô."
"Tôi đang cầm lá Át Rô."
Đường cong trên máy xuất hiện thay đổi nhẹ, đó là phản ứng bản năng sinh học nhất thời không thể kiểm soát được của Ngô Dũng sau khi nói dối.
Khiến anh ta "tin" chỉ là bước đầu tiên, rốt cuộc có thực hiện được hay không, bước tiếp theo mới là phần quan trọng nhất.
Anh Thắng và tôi bỏ qua câu hỏi mấu chốt đầu tiên "Cậu có giết người không", mà trực tiếp ném ra hai câu hỏi liên quan tiếp theo.
"Có phải cậu đã vứt con dao ở gần hiện trường sau khi giết người không?"
"Có phải cậu đã mang bộ quần áo mình mặc khi giết người về nhà không?"
Dường như trong phút chốc, Ngô Dũng đã bị trúng mũi tên vào khe hở bên trong áo giáp.
Về hai câu hỏi này, anh ta gần như không hề có sự chuẩn bị nào, bèn hoang mang ngẩng đầu, nói: "Tôi không biết các anh hỏi vậy là có ý gì, tôi không muốn trả lời câu hỏi này."
"Cho dù cậu có trả lời hay không thì chúng tôi đều có thể biết được kết quả, im lặng đồng nghĩa với có."
Bước thứ hai của kiểm tra nói dối chính là khiến anh ta "hoảng loạn". Ngô Dũng bắt đầu liên tục phủ nhận, đường cong trên máy dao động dữ dội.
"Máy phát hiện nói dối rõ ràng đã phát hiện ra cậu đang nói dối, có chối cãi cũng không có tác dụng gì đâu."
Phòng thủ tâm lý của Ngô Dũng đã hoàn toàn sụp đổ. Ngay sau đó, trước máy quay chuẩn bị sẵn của chúng tôi, anh ta thừa nhận rằng mình đã giết Lâm Vũ: "Tôi đã giết người, còn có Ngô Binh giúp tôi."
Dựa theo manh mối do Ngô Dũng cung cấp, anh Thắng đã tóm được Ngô Binh ngay trong ngày hôm đó. Cả hai đều nhận tội, quá trình rất suôn sẻ.
Điều khiến tôi không ngờ được là lúc này cả tôi và vụ án đều bị đẩy đến bên vách núi, lung lay sắp rơi.
Bởi vì không có vật chứng. Vật chứng quan trọng nhất trong vụ án là hung khí cắt cổ và bộ quần áo mà anh em họ Ngô mặc vào thời điểm gây án.
Nếu tôi tìm thấy vết máu của Lâm Vũ trên những thứ này, vậy thì có thể xâu chuỗi bằng chứng hoàn chỉnh lại với nhau, kẻ giết người sẽ nhận được hình phạt thích đáng.
Nhưng hiện tại tôi không có những thứ như vậy, thật sự đã trở thành "chết không đối chứng" rồi! Anh em họ Ngô nói rằng quần áo họ mặc vào hôm phạm tội đều đã bị vứt bỏ.
Còn hung khí là một con dao làm bếp Inox do Ngô Dũng mang từ nhà đến, kiểu dáng bình thường, cũng được sử dụng rất lâu, giết người xong thì vứt xuống sông, anh ta hoàn toàn không nhớ là nhãn hiệu gì, trông như thế nào, anh Thắng nhấp vào một tấm ảnh chụp con dao làm bếp từ trên mạng nào thì Ngô Dũng đều nói là giống.
Con sông bên rừng cây là con sông lớn nhất của khu trực thuộc chúng tôi, mặt nước rộng, trên sông thường có những con tàu chở hàng nghìn tấn qua lại.
Ngô Dũng cũng không chắc rằng rốt cuộc mình đã ném ở vị trí nào, chỉ nhớ mình đã dùng rất nhiều sức lực, ít nhất đã ném xa 10m.
Bởi vì câu nói này mà tôi và đồng nghiệp đã mang theo máy dò kim loại và nam châm điện từ ngoại cỡ rồi bắt đầu trục vớt.
Trong 3 ngày, tôi đã thu hoạch được một chiếc vòng sắt bỏ đi, hai thanh thép, một vài mảnh kim loại khối không xác định và một vài cái ốc vít nhưng ngay đến thứ đồ trông giống con dao cũng không vớt lên được.
Đội trưởng bảo tôi dừng công việc trục vớt lại, điều này có nghĩa là vụ án có thể được treo ở đây rồi.
Tôi biết rằng tập hồ sơ này hoặc sẽ nằm trên bàn của tôi, hoặc sẽ bị bỏ vào trong tủ hồ sơ. Mà một khi đã bị cất vào chiếc tủ tối tăm đó thì 10 năm, 20 năm sau sẽ không còn người nào mở ra nữa.
Những vụ án chưa giải quyết không còn được mở ra chẳng phải là một xấp giấy mỏng, mà đó là những "nấm mổ" của các nạn nhân đè lên tim tôi.
Tiến độ của bên anh Thắng cũng không thuận lợi. Vật chứng quan trọng cuối cùng được nhắc đến trong lời khai của anh em họ Ngô là chiếc xe máy mà Lâm Vũ đã lái đến hiện trường.
Theo lời Ngô Dũng, họ đã bán chiếc xe cho một cửa hàng sửa xe máy nhỏ trên phố. Nhưng khi anh Thắng tìm thấy chủ cửa hàng xe, người chủ lại nói rằng chiếc xe máy mua vào chưa lâu thì đã bị người ta trộm mất.
Mặc dù chúng tôi nghi ngờ đây là cái cớ của ông chủ nhưng nhiều khả năng chiếc xe máy của Lâm Vũ đã bị đại lý xe tháo rời thành nhiều bộ phận để thanh lý rồi, điều đáng xấu hổ là chúng tôi cũng không có bằng chứng để chứng minh luận điểm này. Mắt xích cuối cùng của chứng cứ cũng đã bị đứt đoạn.
Chỉ với lời khai thì chúng tôi hoàn toàn không thể buộc tội anh em họ Ngô được. Nếu anh em họ Ngô phản cung, tôi lấy cái gì để xác nhận tội ác của họ, lấy cái gì để đưa họ ra trước công lý đây? Mà bằng chứng đang ở đâu chứ?
Chính vào lúc này, chuyện tôi lo lắng nhất đã xảy ra: Lời khai của anh em họ Ngô có vấn đề rồi!
Anh Thắng phát hiện ra rằng các chi tiết do Ngô Dũng và Ngô Binh khai báo không hề nhất quán hoàn toàn, thậm chí biên bản của cùng một người mỗi lần cũng đều có một số chi tiết không khớp.
Sau cuộc thẩm vấn trong trại tạm giam thì anh ấy đến tìm tôi rồi nói với vẻ mặt nghiêm trọng:
"Bắt buộc phải tìm ra bằng chứng, nếu không sẽ "rắc rối" đấy."
Tôi biết "rắc rối" trong miệng anh Thắng là gì.
Đó là một vụ án có thể gọi là cơn "ác mộng" của mọi cảnh sát hình sự trong đội chúng tôi - Chúng tôi đã từng tự tay thả một "kẻ giết người".
6 năm trước, ở khu trực thuộc từng xảy ra một vụ án kỳ lạ:
Trong bệnh viện, một bệnh nhân bỗng nhiên lên cơn co giật, sau đó nhanh chóng tử vong.
Bệnh nhân vốn dĩ không có tiền sử động kinh, việc có các triệu chứng này là khá bất thường.
Do các triệu chứng ngộ độc Tetramine (Tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở nhiều nước, kể cả ở Trung Quốc) rất giống với các triệu chứng khi lên cơn động kinh, nên có bác sĩ nghi ngờ rằng bệnh nhân có thể đã bị ngộ độc.
Kết quả xét nghiệm chất độc khiến mọi người đều sửng sốt: Máu của người chết quả thật có chứa thành phần Tetramine. Chúng tôi ngay lập tức phong tỏa bệnh viện.
Nhưng trong khi kiểm tra hồ sơ bệnh án sau đó, chúng tôi phát hiện ra chuyện còn khiến người ta sởn gai ốc hơn:
Bệnh viện này từ trước đến nay đã có 26 bệnh nhân từng xuất hiện triệu chứng co giật tương tự chứng động kinh.
So sánh với số liệu trước đây, khả năng một bệnh viện chưa đến 500 nhân viên y tế xuất hiện 26 bệnh nhân động kinh trong thời gian ngắn gần như bằng không.
Nói cách khác, trong bệnh viện này có một kẻ lang thang vẫn luôn lây lan chất độc! Trong số 26 người trước đó có lẽ cũng có cả nạn nhân nữa!
Chúng tôi đã lấy mẫu móng tay của những người này, lấy máu để tiến hành xét nghiệm, thậm chí sau khi có được sự đồng ý của người thân đối phương, chúng tôi đã đào thi thể của một bệnh nhân được chôn cất lên rồi mở quan tài để khám nghiệm tử thi.
Nhưng cuối cùng, tôi chỉ phát hiện ra thành phần tetramine trong cơ thể của một người chết mà thôi.
Nghi phạm được xác định là một nữ y tá ngoài 60 tuổi. Bà ta trông có vẻ kín đáo, rụt rè, bình thường đến mức cứ đi một vòng trên đường là sẽ biến mất trong đám đông.
Tôi chỉ nhớ rằng tay bà ta cực kỳ ướt.
Nhìn trong hồ sơ y tá, bà ta giống như một "ác quỷ" biết đi, bà ta phụ trách khu nào, tầng nào thì chỗ đó sẽ xuất hiện các "bệnh nhân lên cơn động kinh".
Chúng tôi thậm chí còn tìm thấy tetramine ở chỗ bà ta cất đồ đạc cá nhân, nhưng bà ta thanh minh là mình giữ lại để diệt chuột, hơn nữa căn phòng nơi y tá cất đồ đạc về cơ bản là không gian mở, ai cũng có thể ra vào, ai cũng bị tình nghi.
Cuối cùng, chúng tôi không phát hiện ra thành phần tetramine trong mẫu xét nghiệm của nữ y tá. Nữ y tá được thả ra do vô tội.
Ngày thả bà ta ra, tâm trạng tôi vô cùng nặng nề. Đáng sợ nhất chính là kiểu "hung thủ" tưởng chừng như bình thường này, bởi vì không ai có thể đảm bảo rằng bà ta sẽ không tiếp tục gây án, mà thả đi có lẽ sẽ không bắt lại được nữa.
Loại cảm giác đó giống như chôn một quả bom dưới đám đông vậy, không biết liệu rằng nó có phát nổ hay không, càng không biết khi nào nó sẽ phát nổ.
Dưới con mắt của các bác sĩ và y tá trong bệnh viện, là chúng tôi đã thả hung thủ đi.
Lúc này, nghi phạm Ngô Dũng, Ngô Binh đang ở bên trong hàng rào sắt của trại tạm giam, cả hai đều có cùng lời khai nhưng nếu chúng tôi không lấy được chứng cứ thì cánh cổng dẫn ra bên ngoài kia có thể được mở bất cứ lúc nào.
Từ đó về sau, vào những ngày đã kết thúc công việc như thường lệ, hoặc những khi sắp xếp việc khám nghiệm tử thi trong ngày đó tương đối ít, tôi thường dẫn trợ lý và đồng nghiệp đến bờ đê nơi Lâm Vũ gặp nạn để "hóng gió", mong đợi có thể vớ được thứ gì đó liên quan đến vụ án.
1 lần, 2 lần, 10 lần "hóng gió" trôi qua, thời tiết ở Quảng Đông đã dần dần mát mẻ hơn.
Có lần "hóng gió", trợ lý không biết tìm thấy ở đâu ra một chiếc dép lê rách nát, tôi liếc nhìn rồi hỏi anh ta với vẻ không vui: "Một người chết, hai nghi phạm, ba người đàn ông, chân của ai có thể xỏ vừa chiếc dép kiểu nữ size 36 này chứ?"
Không biết đã "hóng gió" bao nhiêu lần, vào một ngày của tháng 12, bỗng nhiên tôi tìm thấy một giọt máu khô chỉ lớn hơn hạt đậu tương một chút trên con đường cái ven bờ đê.
Tôi rất phấn khích, bèn cẩn thận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm nhưng cứ như gặp ma vậy, tôi xét nghiệm ba lần liên tiếp đều không ra mẫu DNA.
Tôi không từ bỏ, gửi mẫu còn lại lên cơ quan giám định cấp tỉnh. Kết quả khiến người ta sụp đổ hoàn toàn: Đó vốn không phải là máu người, mà là máu cá! Tôi đã trở thành bác sĩ pháp y không phân biệt được máu người với máu cá.
Chính vào lúc tôi bị hiện trường giày vò đến kiệt quệ cả về tinh thần lẫn sức lực, anh Thắng vẫn đang mò mẫm trong một con sông nhỏ ròng rã 2 ngày dưới sự chỉ dẫn của khẩu cung mà Ngô Dũng mới khai, hy vọng sẽ tìm thấy ví tiền, điện thoại anh ta vứt xuống con sông nhỏ.
Thứ vớt lên được ngoại trừ lớp bùn đen sì ra thì chỉ toàn là rác.
Vào thời điểm then chốt, chị gái của Lâm Vũ chợt nhớ ra một manh mối quan trọng: Chiếc hộp đựng kính.
Cô ấy nhớ rất rõ Lâm Vũ lái xe của mình đi, trên xe còn có một cặp kính của cô ấy.
Sau khi cả em trai và xe cùng mất tích, cô ấy lại cắt một cặp kính khác tại cùng một cửa hàng kính mắt.
Nhưng từ đầu cuộc thẩm vấn đến nay, anh em họ Ngô hoàn toàn không đề cập đến "chiếc hộp đựng kính".
Đây có thể là một sơ suất nhưng cũng có thể là một bước ngoặt của vụ án.
Tôi lại đến hiện trường vụ án, đây đã trở thành hiện trường tôi từng đến nhiều lần nhất kể từ khi tôi làm bác sĩ pháp y đến nay.
Sắp đến những ngày cuối tháng 12 rồi, tôi đã chứng kiến sự thay đổi của hiện trường vụ án, ở Quảng Đông, 3 tháng này đã bao gồm 3/4 cảnh vật thay đổi trong một năm.
Chiếc hộp kính nho nhỏ.
Phần khó chịu nhất của loại công việc tìm kiếm này nằm ở chỗ không có vị trí cụ thể, chỉ có thể dựa vào hai mắt, hai chân để tìm đi tìm lại nhiều lần.
Nỗi lo lắng lớn hơn đến từ việc không ai biết liệu chiếc hộp đựng kính do hung thủ tiện tay vứt đi rốt cuộc có còn ở đó hay không.
Lần đầu tiên, 10 người với ý chí chiến đấu cao ngất.
Kết quả là tìm cả buổi chiều, đến lúc trời tối chỉ có thể quay về căng tin ăn cơm.
Lần thứ hai, chỉ có 3 người đi. Lần thứ ba, lần thứ tư, tôi chỉ có thể kéo người trợ lý đi cùng.
Đúng vậy, tôi đã quen với sự thất vọng nhưng vẫn không thể từ bỏ sự kỳ vọng.
Trong lòng tôi đã tính sẵn, cho dù hồ sơ vụ án có được gửi lên Viện kiểm sát, chỉ cần một ngày chưa mở phiên tòa, một ngày chưa xét xử thì một ngày tôi cũng sẽ không dừng lại.
Vụ án chưa phá xong, kẻ xấu chưa bị bắt nhưng loại chuyện khiến tên tội phạm trong tay trượt mất, một lần là đủ rồi.
Sau một buổi chiều rất bình thường, tôi lại gọi đồng nghiệp cùng xuất phát.
Đây đã là lần "hóng gió" thứ hai mươi ba.
Gần tối, giữa lúc tôi tưởng rằng hôm nay lại là một ngày uổng phí nữa thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng reo hò của đồng nghiệp, tôi thấy anh ấy nhảy cẫng lên, hai tay giơ cao, một tay còn cầm một cây sào trúc dài không biết nhặt ở đâu về.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy có người hơn 30 tuổi nhảy cao như vậy, ngoài ở sân bóng rổ ra.
Tôi vứt cành cây khô trên tay rồi chạy đến.
Trong bãi cỏ, một chiếc hộp nhỏ màu đen lặng lẽ nằm đó.
Sau khi được chị gái của Lâm Vũ nhận diện, chiếc hộp kính mà chúng tôi tìm thấy chính là chiếc mà ban đầu cô ấy đã để trên xe máy, trên hộp kính và khăn lau kính còn in rõ tên và địa chỉ của cửa hàng kính mắt.
Vật chứng được tìm thấy dựa theo lời khai đã trở thành mắt xích cuối cùng, cũng là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi bằng chứng.
Tất cả các tài liệu của vụ án đã được bàn giao đúng hạn cho Viện kiểm sát trước cuối năm, anh em họ Ngô chính thức bị bắt giữ.
Vào mùa đông năm sau, Ngô Dũng bị kết án tử hình, Ngô Binh bị kết án tử hình hoãn thi hành.
Lúc gửi hồ sơ về phòng lưu trữ, tôi đã ký tên mình lên hồ sơ vụ án.
Tôi biết rằng tập hồ sơ này sẽ không bao giờ được mở lại nữa, tôi là người cuối cùng xử lý nó.
Có lẽ tôi thật sự đã bị ám ảnh quá sâu.
Mặc dù đã tìm thấy bằng chứng, kẻ giết người đã bị trừng phạt nhưng tôi vẫn không thể hoàn toàn buông bỏ vụ án này.
Bộ "xếp hình xương người" đó cứ lởn vởn trong tâm trí tôi, tôi vẫn còn một "câu đố" chưa nghĩ ra.
Lúc đầu, một ngày nào đó sau ngày 1 tháng 5, Lâm Vũ tìm gặp Ngô Dũng nói rằng có người nợ anh ta 5.000 nhân dân tệ tiền cho vay nặng lãi, bảo Ngô Dũng đi đòi nợ cùng anh ta, đồng thời hứa sẽ chia chút cho anh ta khi đòi được:
"Chắc chắn sẽ không để cậu làm việc vô ích đâu".
Lâm Vũ đã đến Quảng Đông được vài năm, càng quen thuộc môi trường ở đây hơn, sau khi Ngô Dũng từ quê lên, anh ta đã trở thành tay sai của người đồng hương Lâm Vũ này.
Lần này, Ngô Dũng cũng không nghĩ nhiều, bèn đồng ý cùng đi đòi nợ với Lâm Vũ.
Bận rộn mất 2 tháng, cho dù cả hai có tìm đến nhà con nợ hay nơi làm việc thì cũng không chặn được người, không lấy lại được một đồng nào.
Ngô Dũng cảm thấy việc đòi nợ không có kết quả nên không muốn đi nữa.
Còn có một chi tiết nhỏ được Ngô Dũng đề cập đến khi thẩm vấn, đó là anh ta thấy Lâm Vũ đã tự thêm một số 0 vào giấy chứng nhận nợ vì không lấy được tiền, đổi 5.000 thành 50.000, điều này càng khiến anh ta cảm thấy Lâm Vũ không đáng tin.
Anh ta lại từ chối lời rủ rê cùng nhau đi đòi nợ của Lâm Vũ, đồng thời thử xin "đại ca" chút phí cực khổ.
Bởi vì mỗi lần ra ngoài, dù là đổ xăng xe hay ăn uống, đều do bản thân bỏ tiền túi ra.
Không ngờ, thằng em lại nhận được hai cái tát từ đại ca.
Ngô Dũng không lên tiếng, cũng không đánh trả nhưng chính hai cái tát này đã khiến anh ta âm thầm có những mưu tính riêng.
Ngô Dũng nói chuyện này với anh họ Ngô Binh, hai người giao hẹn sẽ dạy cho Lâm Vũ một bài học trong rừng cây nhỏ ven sông.
Hôm đó, Ngô Dũng gọi điện nói với Lâm Vũ rằng nhìn thấy con nợ đang câu cá bên bờ sông, bảo anh ta nhanh chóng đến.
Ngô Dũng dẫn Lâm Vũ vào rừng cây, Ngô Binh đang trốn trong rừng lập tức quơ con dao xông lên từ phía sau nhưng chẳng đợi Ngô Binh ra tay thì Lâm Vũ đã đẩy anh ta ra rồi trả lại cho Ngô Dũng hai đá.
Gần như cùng lúc đó, Ngô Dũng rút con dao làm bếp cứa vào cổ Lâm Vũ. Sợ rằng đối phương không chết, anh ta lại cứa lên cổ mấy nhát nữa.
Đây chính là 3 vết cắt mà tôi tìm thấy trên bộ xương lúc đầu.
Sau khi giết người, cả hai lấy đi ví tiền và điện thoại của Lâm Vũ rồi lái xe máy của anh ta bỏ trốn.
Cho đến khi bị chúng tôi bắt giữ sau hơn nửa năm.
Tôi từng gặp rất nhiều thiếu niên mơ mộng về một giang hồ đầy hào hiệp và chính nghĩa.
Bây giờ tôi mới hiểu rằng trong giang hồ này thật ra chỉ có những tranh chấp về mấy trăm tệ tiền bạc, phía sau là dao kiếm và xương khô.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top