Bức thư thứ năm : Gửi em xa nhớ
Nhật Tư ngồi trên gác xép nhìn xuống phố sá, sắp lạnh rồi, mọi người chủ trương đi mua vải bán áo cả rồi, còn em thì vẫn ngồi ngóng tin anh Trương Ngọc hồi đáp.
Em ngồi nghe đài cát xét rồi nhìn cái lốc lịch treo trên tường, em khẽ thở dài, lại sắp đến giỗ của thầy rồi, mợ em thể nào cũng lôi em ra chợ mua đồ về cúng thầy, em Tư nào muốn đi.
Nhỡ đi rồi, anh Ngọc gửi thư về thì làm sao đọc được, không nỡ đâu. Nhưng mà làm sao cãi được lời mợ, em lủi thủi lấy cái nón treo trong góc nhà đưa cho mợ, rồi đi theo.
Vừa đi, em vừa cảm nhận cái làn gió se se lạnh của những chớm đông, phố sá vẫn đông vui, nhiều lúc vẫn nghe tiếng súng ở nơi chiến trường nổ 'đoàng đoàng', em lo lắm. Thầy của em trước đây cũng vì mấy cái chiến dịch đi đánh giặc mà hi sinh, mặc dù đời đời Tổ quốc ghi công nhưng mà em vẫn buồn lắm.
Em nhìn lên bầu trời xanh, nắng hôm nay không gay gắt như cái nắng mùa hè tháng Sáu, nắng hôm nay nhẹ nhàng như tình yêu bé nhỏ em dành cho anh Ngọc nào đó vậy. Bỗng, Nhật Tư quay sang hỏi mợ nhà mình.
"Mợ ơi, anh Ngọc có gửi thư về không mợ?"
Nhật Tư nhận được cái lắc đầu từ mợ mình, lòng em trùng xuống, em gửi thư đi được nửa tháng rồi mà chưa thấy hồi đáp. Mợ nhìn em như thế chỉ biết cười trừ, mợ bảo em.
"Cha cậu chứ, nó đi đánh giặc chứ có phải đi nghỉ dưỡng ở cái xó nào đâu mà cậu mong thế? Mà cậu nhanh cái chân dùm mợ đi, cậu đi thế nửa ngày cũng không mua đủ đồ cúng thầy cậu đâu."
Em cười hì hì rồi bước nhanh chân đi đến bên cạnh mợ mình. Từ lúc thầy hi sinh đến giờ, em với mợ nương vào nhau mà sống trong một căn nhà nhỏ trên phố Hàng Bông, dù không có thầy nhưng mà nhà nước cũng quan tâm đến mợ con em lắm chứ. Tháng thì họ gửi gạo xuống, tháng thì được ít mỡ, lâu lâu họ gửi thêm ít tiền, tầm một nghìn, hai nghìn gì đó, đủ để em với mợ sống cả mấy tháng.
Sắp tới giỗ thầy rồi, Nhật Tư biết là mợ nhớ thầy lắm, nhưng mà mợ đâu nói cho biết, cỗ bàn năm nào mợ cũng chuẩn bị tươm tất. Hàng xóm xung quanh ai cũng quý mợ, nhất là từ lúc thầy hi sinh.
Nhiều lúc, em cũng chỉ ước anh Trương Ngọc nhà em đi lành lặn về còn nguyên hộ cái.
Em còn nhớ hồi thầy hi sinh, em mới có 7 tuổi. Nhật Tư vừa đi đến đầu phố thì nghe tin thầy em về rồi, em không chút do dự mà chạy thẳng về nhà.
Em thấy có một chú bộ đội đang giơ tay chào mợ em, rồi em thấy chú ấy đưa cho mợ em một tờ giấy cùng một cái hộp, nó giống của thầy em lắm.
Nhật Tư bước gần lại thì thấy tay cầm tờ giấy của mợ run lên, mợ nghe thấy tiếng động thì ngẩng mặt lên nhìn. Nhật Tư muốn hỏi mợ có chuyện gì thì mợ đã đưa tờ giấy kia cho em.
Trên đó là thông tin của thầy em, nhưng điều đó không đáng nói, ba chữ đập thẳng vào mặt em chính ba chữ cả đời không muốn nhắc tới 'GIẤY BÁO TỬ'. Em nhìn tờ giấy rồi lại nhìn mợ, nước mắt từ bao giờ đã lăn dài trên má em, chú bộ đội kia đưa cái hộp đựng đồ dùng của thầy cho mợ, rồi chào mợ đi mất.
Mợ ngước mắt nhìn em, mợ chỉ mỉm cười rồi nói.
"Tư về rồi hả con, vào nhà đi, để mợ dọn dẹp rồi mợ con mình ăn cơm."
Khi ấy, em nghĩ rằng thầy mợ không yêu thương nhau nên trông mợ vẫn rửng rưng như thường ngày thôi. Sau này, Nhật Tư mới biết, mợ nhìn thế thôi chứ mợ buồn nhiều lắm, người ta chỉ biết là thầy hi sinh rồi, nhặt lại được cái gì thì gửi lại cho nhà em, chứ xác thì lạc mất rồi, tìm mãi mới được, cuối cùng thì vẫn chôn ở nghĩa trang liệt sĩ. Năm nào, đến ngày giỗ của thầy em và mợ cũng đến thắp hương cho thầy, cho cả các đồng chí của thầy.
Em cũng nhớ thầy lắm, em gặp thầy đúng hai lần, một lần là Tết năm em ba tuổi, và lần thứ hai là trước khi thầy mất ba tháng. Nghe mợ nói, trước đây thầy là nhà giáo đấy, nhưng mà chiến tranh căng thẳng quá, thầy mới bỏ cái nghề giáo, thầy ra chiến trường giúp cụ Hồ giúp anh em đồng chí đánh đuổi thực dân Pháp.
Nhiều người hỏi có bao giờ em từng ghét thầy vì thầy đã bỏ mợ em, bỏ em, bỏ cái nghề giáo của mình để đi lính chưa? Từ tận đáy lòng mà nói thì có chết em cũng chẳng ghét thầy đâu. Thầy vì Tổ quốc, vì đồng bào, vì mợ vì em mà đi lính, nay thầy còn đã hi sinh, thầy một lòng vì đất nước, em với mợ tự hào còn không hết, hận cái gì cơ chứ.
"Tư! Con ơi!"
Tiếng gọi của mợ đã kéo em về thực tại. Mợ thấy em cứ ngơ ngác nhìn xung quanh thì hỏi.
"Lại nghĩ vu vơ gì đấy? Đừng có sợ, thằng Ngọc nó chắc chắn sẽ với con mà, yên tâm đi. Thanh niên trai tráng dễ gì hi sinh như thầy con."
"Ơ mợ, sao mợ lại nói thế! Nói thế lỡ thầy ở trên trời thầy biết thầy buồn thì sao?"
"Buồn cha nhà cậu ý."
Mợ nói rồi cười, Nhật Tư thấy vậy cũng vui lây, ngày nào em cũng khấn thầy mong sao thầy phù hộ cho Trương Ngọc bình an vô sự, cho mợ vui vẻ, nhiều sức khỏe là được.
Đến khu chợ nhỏ của mấy tiểu thương từ khắp nơi về đây buôn bán, Tư cùng mợ đi vào ngắm nghía xung quanh. Bây giờ là giữa thu gần cuối thu rồi, mà em vẫn có thể ngửi được mùi cốm thơm thơm bay phảng qua mũi, Nhật Tư còn gửi thấy mùi của quả hồng chín trong gió.
"Mợ, giỗ thầy mợ có đồ xôi cốm không? Lâu rồi, không được ăn xôi cốm mợ làm, con nhớ!"
Mợ nghe em nói thế thì gật đầu đồng ý, mợ rẽ vào hàng bán cốm mua một ít. Giỗ thầy cũng chẳng làm to, chỉ có hai mợ con, hàng xóm có qua thắp nén hương thì qua.
Thời gian cứ thế trôi, Nhật Tư thấy là mợ nhà mình sắp mang nguyên cái chợ về rồi đấy, mợ nói mua mỗi thứ một ít, mà sao nó lạ lắm cơ? Cái giỏ của mợ đủ các thứ trên trời dưới đất.
Mợ thấy em nhìn cái giỏ rồi lại nhìn mợ thì bất lực cười, mợ nói.
"Giỗ thầy thì phải làm cho ra trò chứ con, lỡ đâu thầy thấy được mợ con ta cuộc sống sung túc, thầy vui lây đấy."
Em nghĩ một lúc rồi nhìn về phía trước, trước mắt em lúc ấy là con đường thẳng không biết điểm dừng, biết đâu thầy ở trên trời biết em và mợ sống vẫn rất tốt, thầy sẽ phù hộ cho vợ con thì sao. À, sau khi anh Ngọc về, phải giới thiệu con rể với thầy nữa, chắc thầy vui lắm đấy.
.
.
Vài ngày sau đó, Nhật Tư được mợ đưa cho một cái phong bao gì đó, ở trên còn dán một con tem. Em lập tức nhận ra đó là thư của anh Ngọc gửi về, Nhật Tư cảm ơn mợ mình, rồi chạy lên gác.
Bức thư được viết bằng những nét chữ nắn nót, dường như người viết đã đặt hết tâm tư của mình vào đó.
Gửi em,
Trương Ngọc đây.
Em ở nhà có khoẻ không? Ở đây anh vẫn khoẻ lắm. Các đồng chí luôn quan tâm lẫn nhau, cho nên em không cần phải lo lắng qua đâu nhé, em cứ yên tâm.
À, cho anh gửi hỏi thăm đến "mẹ vợ" tương lai nữa nhé? Lâu rồi không gặp, anh cũng nhớ mợ lắm. Nào em qua nhà anh, bảo cậu mợ anh là nhớ trả lời thư của anh nhé em, hai người họ chẳng trả lời gì hết!
Anh sắp được về nhà rồi đấy. Anh hứa em, là anh sẽ về toàn mạng trở về, anh sẽ không khiến phải khóc vì một tờ giấy nữa. Em đợi anh, được không?
.
.
Những bức thư cùng kỉ vật của Trương Ngọc được gửi đến Nhật Tư.
Giải phóng rồi, không phải anh hứa anh sẽ quay về với em hay sao?
Đường phố ngập tràn cờ hoa, trong dòng người đông đúc, em không thấy bóng dáng anh, anh đang nơi đâu?
Em đợi anh.
Sao anh không về mang trầu cau qua hỏi cưới em.
.
.
e.n.d
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top