Điều tuyệt vời nhất của Tết


Thức dậy thì trời đã trưa, tôi uể oải đánh răng, rửa mặt. Xuống dưới nhà bếp nấu bát mì tôm ăn sáng thì thấy mẹ đang ngâm củ kiệu vào nước tro. Tôi định phàn nàn mẹ cứ thích mua việc vào mình. Cả năm bận rộn, việc gì lại tự tay làm món kiệu này làm gì, chỉ cần ra chợ mua là có rồi. nhưng thấy mẹ đang vui vẻ nên thôi.

Đi học, bận rộn bài vở thì chỉ muốn được nghỉ học. Nhiều khi vác xác lên được tới lớp nhưng phần hồn thì cứ lơ mơ ở cái giường êm ái. Vậy mà được nghỉ học để đón Tết không có gì làm thì cũng chán. Suốt ngày ở nhà ôm máy tính lướt facebook, ôm tivi xem đến thuộc lòng Glee khiến đầu óc u mê cả ra.

Ăn xong tô mì, tôi quăng vào bồn rửa, chào mẹ, qua nhà cô bạn thân. Biết đâu qua đấy, hai đứa con gái sẽ có nhiều chuyện để kể hơn và đỡ nhàm hơn.

Ngoài đường tràn ngập không khí Tết. Người mua người bán tấp nập qua lại. Lũ trẻ con chạy rông ngoài đường khoe nhau có áo mới. Thằng em trai tôi cứ hễ lơi mắt mẹ là theo đám bạn chạy ào ra chợ hoa Tết, mặc dù năm nào cũng chỉ có bao nhiêu đó loại hoa. Chúng nó có ngắm hoa đâu. Cái chính là được cho đôi chân chạy nhảy điên cuồng, gào khản cổ tên bạn bè và được dịp phá phách nghịch ngợm. Người bán hàng vừa lơ mắt một tí là chúng nhanh tay vặt một quả quất tròn tròn be bé màu cam. Chỉ để vui vậy thôi, cũng chẳng để làm gì. Quả quất chua quá chúng cũng vứt ngay sau đó.

Tôi bình thản cho mình trôi trong bầu không khí ấy. Vì tôi không hứng thú lắm với các ngày lễ, kể cả Tết. Lúc nhỏ còn háo hức chờ mẹ mua quần áo mới, mua bánh, mua kẹo, được lì xì, về sau nhạt dần. nối háo hức đón Tết cứ mỗi năm lại vơi bớt đi. Đến giờ thì trơ ra. Năm nào cũng lặp lại có bao nhiêu đó công việc và trò chơi thì mãi cũng phải nhàm.

Đứng trước nhà nhỏ bạn thân nhưng thấy nó đang phụ mẹ nó vặt lông gà làm tiệc tất niên nên tôi lại bước tiếp. Nhưng chẳng biết đi đâu nên sau khi lang thang một vòng phố xá lại trở về nhà.

Trên đường tôi gặp mẹ đang xách giỏ.

- Ủa? Mẹ đi đâu đây?

- Đi chợ mua đồ về làm dưa món chứ gì.

Tôi xách giỏ về cho mẹ. Rồi phụ mẹ gọt vỏ carốt, đu đủ. Nhựa rỉ ra từ những trái đu đủ xanh thơm một mùi dễ chịu dù cảm giác nhựa dính dính đầy tay không hay ho gì lắm. Tôi cần mẫn gọt, những lớp vỏ xanh và cam nằm ngổn ngang trên bàn. Tự nhiên cảm thấy công việc nội trợ này cũng có điều thú vị. Nắng vẫn vàng rực rỡ bên ngoài, tôi và mẹ đem những gì đã gọt vỏ và xắt nhỏ đem phơi. Mẹ bảo nắng thế này đem phơi thì món dưa sẽ trắng và giòn. Thằng em trai chạy ào vào nhà, ầm ĩ, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng.

- Mẹ, mẹ. Người ta mới bán mai kìa.

- Không được đi chân bẩn vào nhà. – Tôi bảo.

Nó chẳng có vẻ gì thèm nghe.

- Đẹp lắm mẹ ơi. Đẹp dễ sợ.

- Gớm cậu, nhà mình chẳng có mai đấy à? – Mẹ tôi cười.

Thằng nhóc gật gù rồi lại chạy biến ra cây mai trước nhà. Như cánh én mùa Xuân chao liệng, mới thấy đấy lại biến mất.

Cây mai đấy ông nội đem từ chậu ra trồng trong sân từ hồi tôi còn chưa đi học lớp một. Bố trẩy lá mai từ đầu tháng Chạp, mà hình như năm nào cũng vậy. Cây mai cao nên bố tôi bắt cây thang lên trẩy lá ở phía trên, thằng em trai út cứ ngồi dưới trông lên, ra chiều thích lắm. Nó muốn phụ nhưng bố sợ nó vụng về sẽ làm hỏng hết những búp hoa ẩn mình dưới những cuống lá xanh ấy. tôi trẩy đám lá ở dưới, nơi tầm tay với tới được. Thật nhẹ nhàng, khẽ khàng.

- Sau này con trở thành siêu sao bóng rổ, cao hơn hai mét, con sẽ giúp bố mà không cần thang.

- Thôi đi ông. Đến bóng còn chưa chạm vào được mà mơ làm siêu sao.

Nó liếc nhìn tôi, phụng phịu, rồi lại nhìn bố nhặt lá mai bằng đôi mắt sáng lấp lánh.

Khi ấy, tôi không chú ý lắm. Nhưng bây giờ nhìn kĩ thì lại thấy đầy những búp là búp. Rồi Tết này nó sẽ căng tròn lên và bung ra những cánh hoa vàng như nắng, thơm nức phòng khách rồi rụng lả tả rực cả gốc mai.

Gốc mai này có nhiều kỉ niệm. Tôi không biết từ lúc nào đã luôn ám ảnh hình ảnh bố và ông nội ngồi uống chén trà nóng, nghe nhạc Xuân và ngắm hoa mai. Tôi cũng tập tành giống ông và bố, nhưng là với cốc sữa nóng. Nhưng cũng chỉ được một chốc đã chạy vội ra ngoài với chúng bạn. ông mất rồi. Người bạn lớn vẫn thường cho tôi ngồi trên đùi ông và kể những câu chuyện cổ tích đã không còn nữa. Tự nhiên thấy sống mũi cay cay.

Buổi chiều, tôi mang xô nước ra tưới cây mai. Vừa mới dội gáo nước đầu tiên, thằng em trai đã hớt hải chạy ra, la toáng lên.

- Chị haiiiiiiii. Bố dặn không được tưới nước.

Tôi giật mình. Đúng là bố có dặn đi dặn lại trong những buổi cơm chiều là nụ mai năm nay căng tròn nên không tưới nước để tránh mai nở hết trước mấy ngày Tết.

- Chết. Chị quên.

- May là mới có một gáo nước thôi. – Nó thở phào, đưa tay vuốt trước ngực như người lớn.

Thấy vẻ mặt ông cụ non của nó tôi phì cười.

Chăm cho mai nở đúng ngày là một việc không hề dễ dàng. Nhưng ba tôi lại vô cùng thích thú với việc ấy. Mấy ngày này, chiều nào bố cũng mang bàn cờ tướng sang chơi với bác hàng xóm, vừa đánh cờ cả hai vừa nói chuyện về những cây mai.

Buổi tối kiểm tra email, nhận được mail của cô bạn đã cùng gia đình sang Mỹ được khoảng một năm.

"Ở đây chán quá mày ơi. Chẳng có gì gọi là không khí Tết cả. Buồn quá".

Mẹ mang về rất nhiều lá chuối. Chỉ nhìn thôi tôi cũng đã biết năm nay nhà mình lại gói bánh tét. Tôi không còn nghĩ mẹ tự mua việc vào mình nữa mà phụ mẹ đem lá ra phơi. Nắng vẫn rất vàng.

- Mẹ, mẹ. Thằng Dũng nó có áo mới rồi. Mẹ nó mới mua.

Thằng út lại chạy ào từ ngoài vào bếp, mắt nó lấp lánh khác thường. Không hỏi cũng biết cu cậu đang ghen tị với thằng bạn hàng xóm. Tôi chu mỏ trêu:

- Đồ năm ngoái còn nhiều mà.

- Ứ. Em không thích.

- Đồ mới của con ở trên phòng ấy.

Tôi nghe lời mẹ dẫn thằng nhóc lên phòng và thử đồ mới cho nó. Thằng bé cứ đứng ngồi không yên. "Hệt mình ngày bé", tôi nghĩ.

Buổi chiều, hai chị em phụ mẹ lau sạch bộ bàn ghế gỗ, quét mạng nhện. Còn mẹ giặt giũ chăn màn ở sau nhà. Tôi bậc một đĩa nhạc Xuân rộn rã cả căn nhà nhỏ. Thậm chí đôi lúc hứng khởi hát vang theo. Thằng út cũng bắt chước lúc lắc cái đầu ngân nga theo.

Ngày ba mươi, bố ngồi bệt trên nền nhà, gói từng chiếc bánh. Mẹ phụ bố chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ... Thằng em út lại lăng xăng ngồi kế bố, hỏi han đủ thứ, làm thế nào, cái này là cái gì... Tôi cũng tập tành gói thử một cái, cuối cùng nó không được tròn và thẳng lắm. Mà tôi cũng không chắc nó có chín không. Mặt đỏ bừng lên khi bị trêu, nhưng tôi vẫn mỉm cười, có chút tự hào về đòn bánh tét đầu tiên. Rồi năm sau sẽ đẹp hơn, phải không?

Bố đào một cái bếp lò ở sau nhà. Chị em tôi vừa ngồi canh nồi bánh, nhìn đống lửa đỏ rực tí tách, vừa bàn chuyện mồng một.

- Chị hai, năm nay em có nhận được nhiều tiền mừng tuổi không nhỉ?

- Chị không biết. Nhưng chị không có lì xì cho em đâu.

- Vâng. – Nó kéo dài chữ "vâng" – Chị keo kiệt mà.

- Cái gì?

Chợt có tiếng ai gọi váng tên mình từ ngoài cổng, tôi chạy ra. Thằng bạn cùng lớp chơi chẳng thân lắm mang cho một chiếc thiệp Tết. Nó đưa tôi rồi cười ngượng nghịu. Tôi cứ trố mắt nhìn tấm thiệp quên mất lời cảm ơn.

- Ah, chị hai có người yêu.

Tôi vênh mặt.

- Tên ấy mà đòi làm người yêu của chị á?

- Vâng – Nó lại kéo dài chữ "vâng" – Anh đó sao là người yêu của chị được...

Tôi chưa kịp gật gù thì nó đã bảo.

- Người đó phải xinh và hiền gấp triệu lần chị cơ.

Trời, nó học ai mà miệng lưỡi sắc lẹm vậy?

Tôi cốc đầu nó một cái.

Rồi lại ngồi canh nồi bánh tét.

- Chị hai sẽ lì xì cho nếu em thức đón được giao thừa.

Đêm ba mười, bố vớt mấy đòn bánh tét ra khỏi nồi. Mọi thứ trong nhà đều sạch sẽ và gọn gang, tươi mới. Cả nhà tôi cùng ngồi xem ti vi đón năm mới. Thằng út mới đầu muốn đón Giao thừa cùng nhưng mới mười giờ nó đã ngủ gật ngủ gà, bố phải bế lên phòng. Tôi phì cười, rồi nhủ thầm xem ngày mai nên mừng tuổi nó bao nhiêu.

"Điều tuyệt vời nhất của Tết là gì nếu không phải là chiêm nghiệm năm cũ và đón chờ những điều tốt đẹp của một năm hoàn toàn mới chứ, phải không mày?". Tôi đã ghi như vậy trong mail gửi cho cô bạn xa xứ. Dù ở đâu chăng nữa thì cảm giác ấm áp hạnh phúc của hương vị Tết quê nhà vẫn đến được với người cần nó, tôi tin vậy đấy.

Tíc tắc.

Chuông đồng hồ điểm từng tiếng một.

Năm mới sắp đến rồi.

FUYU  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: